Trang chủ > Xã Hội > Bạch Đằng Giang

Bạch Đằng Giang

Sông Bạch Đằng ở phía đông bắc Hải Phòng, là ranh giới giữa hai huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) và huyện Yên Hưng (Quảng Ninh). Theo tài liệu, sông dài độ 32 km, nhưng khi thuỷ triều lên, lòng sông mở rộng đến 2 km và có nhiều ngõ ngách phức tạp.

Sông Bạch Đằng được mệnh danh là con sông lịch sử, từng được biết đến với nhiều chiến công vang dội chống quân xâm lược phương Bắc: Trận chiến do Ngô Quyền chỉ huy tiêu diệt quân Nam Hán năm 938 và chiến thắng oanh liệt của Trần Hưng Đạo, đánh tan tành quân Nguyên năm 1288.

Nói về đồ án bộ phim hoạt hình lịch sử Đại chiến Bạch Đằng của nhóm sinh viên khoa Mỹ thuật Công nghiệp, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, hiệu trưởng nhà trường phát biểu: “Trong cuộc đời Ngô Quyền, khoảnh khắc huy hoàng nhất là lúc đánh đắm thuyền của quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng.” (nguồn)

Tại quê tôi, hai ngôi trường cấp 2 và cấp 3 nổi tiếng nhất tỉnh được vinh dự mang tên hai vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và Ngô Quyền.

Khoảng năm 2000 tôi có dịp được đi từ Hải Phòng ra Hòn Gai bằng đường thủy, trên con sông lịch sử này. Dòng sông với những chiến công lẫy lừng của cha ông ta thuở trước, với bao xác giặc chôn vùi đáy sông. Đi trên sông Bạch Đằng một buổi sáng mùa xuân, trời mưa lâm thâm và tiết trời se lạnh, tôi nhớ đến bài hát được học hồi tiểu học (thời VNCH):

Bạch Đằng Giang

(Nhạc Lưu Hữu Phước
Lời Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước)

Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng
Của nòi giống Tiên Rồng
Giống Lạc Hồng, giống anh hùng, Nam Bắc Trung
Trên trời xanh muôn sắc đua chen bóng ô
Dưới đáy dòng nước ánh sáng vởn vơ nhấp nhô
Hàng cây cao soi bóng, gió cuốn muôn ngàn lau
Hồn ai đang phảng phất trong gió cảm xiết bao

Mây nước thiêng liêng còn ghi nhớ rành
Thời liệt oanh của bao người xưa trung chánh
Vì yêu nước Nam vui lòng hiến thân
Liều mình ra tay tuốt gươm bao lần

Dòng nước vẫn sáng dưới trời quang đãng
Từ xưa nêu cao tấm gương anh hùng
Dù có sấm sét bão bùng mưa nắng
Đằng Giang vẫn sáng.. để cho nòi giống soi chung

Đây Bạch Đằng Giang
Sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng
Giống Lạc Hồng, giống anh hùng, Nam Bắc Trung.
Trên dòng sông một muôn bóng cờ trong chí ta
Biết mấy thành tích, biết mấy chiến công đã qua
Kìa quân Ngô Tiên Trú, giết hết quân sài lang
Kìa quân Trần Quốc Tuấn, đánh thắng quân Thoát Hoan

Nay đã bao lâu còn đâu nữa rồi
Thời gian qua đã bôi mờ trong đêm tối
Người nay có hay: Đã vì chúng ta,
Người hùng anh xưa, giữ nước non nhà

Hồn nước vẫn sống với trời non nước
Ngày nay ta noi khắp gương anh hùng
Dù khó thấy mấy quyết cùng nhau bước
Làm cho gió biết cháu con nòi giống tiên long

.

Sáng nay trên đường đến sở tôi tình cờ được nghe lại bài Bạch Đằng Giang từ một cái loa công cộng, quý quá! Người bạn đi cùng reo lên: A! Bài Bạch Đằng Giang!

Nhưng… tinh thần Bạch Đằng Giang ngày nay còn không?

Chuyên mục:Xã Hội Thẻ:
  1. 05/11/2012 lúc 09:44

    ” Tinh thần Bạch Đằng Giang ngày nay còn không? ”
    Nếu tinh thần BĐG của sông Bạch Đằng thì Sao lại không còn, sông còn – tinh thần còn !
    Nếu tinh thần BĐG của ai đó ( tinh thần ai đó ví với tinh thần BĐG ) thì cũng cái còn , cái không !
    ……

  2. 05/11/2012 lúc 09:47

    P/s : Nhà mình ngay bên bờ sông này, ngày còn bé ngày nào cũng ở truồng tắm sông vậy mà chả thấy tinh thần BĐG đâu cả ? Kì thiệt !

    • 05/11/2012 lúc 21:42

      Hì, thấy thì không nhưng nếu … sờ thì chắc có ….

      • 06/11/2012 lúc 07:28

        Bác Trà: Dạ, cọc có hay không đâu quan trọng cho bằng chuyện VN đã từng bao phen đánh thắng quân Tàu xâm lược.

  3. Võ Trung Tín
    05/11/2012 lúc 15:06

    “P/s : Nhà mình ngay bên bờ sông này, ngày còn bé ngày nào cũng ở truồng tắm sông vậy mà chả thấy tinh thần BĐG đâu cả ? Kì thiệt !”

    Bác Trà ơi,
    Đâu có..”Kì thiệt”..hay..”Kì giả”..gì đâu bác Trà..quơi..!?
    Bởi lẽ, đã có một chứng minh rất công phu và đã giải thích “đơn giản” như thế này.. thôi mà, bác Trà…
    hihihihi…

    – Ðào Duy Anh (1904-1988), nhà Sử Đia Học, đã công phu chứng minh rằng nếu ta đi thuyền trên sông Bạch Ðằng ngày nay mà tưởng xưa kia thuyền quân Mông Cổ đã xuôi ngược trên cùng dòng nước, thì ta rất bé cái nhầm!

    Bạch Ðằng giang lừng lẫy thời Ngô, thời Trần, chính là dòng sông Chanh khiêm tốn bây giờ…đó!

    hihihihihihi…

    • 05/11/2012 lúc 15:52

      Cần chi? Đi thuyền trên sông Đồng Nai mà nhớ Bạch Đằng Giang cũng có sao?

    • 05/11/2012 lúc 21:45

      Sông Chanh có một công trình thuộc loại khó và lớn hồi bấy giờ là cái xi – phông dẫn nước ngọt về vùng Hà Nam ( một huyện của QN ) – hồi đó bác Trà cũng tham gia thi công …. mà cũng chẳng thấy cọc đâu cả

  4. Võ Trung Tín
    05/11/2012 lúc 15:14

    Một chút của cái chứng minh công phu đó..đây nè..
    Bác Trà đọc thử xem sao..nghen…
    hihihihihi…

    – SÔNG BẠCH ĐẰNG XƯA Ở ĐÂU ?

    “…Tháng 11 năm 1958, Vụ Bảo tồn Bảo tàng đã khai quật được một số cọc lim ở tả ngạn sông Chanh, trước mặt thị trấn Quảng Yên – kể cả số nhân dân đào được trước đó thì có trên dưới 300 cây. Nhân dân địa phương còn cho biết là ở bên hữu ngạn sông Chanh người ta cũng thường thấy có cọc lộ ra vào mùa nước cạn và có người ở xóm Thượng thôn Ðồng Cốc đã đào được 4 cây. Sau đó Vụ Bảo tồn Bảo tàng lại phát hiện được ở bãi sú làng Gia Ðước, về phía hữu ngạn sông Ðá Bạc, phía trên núi Tràng Kênh, một hàng cọc lim cũng giống như những cọc lim trên.

    Tháng 9 năm 1969, chúng tôi được dự một buổi họp báo cáo khoa học do Viện Khảo cổ tổ chức, thấy có bản báo cáo về một cuộc khai quật bãi cọc, đặc biệt là bãi cọc ở sông Yên Giang, tức sông Chanh, thuộc huyện Yên Hưng (tỉnh Quảng Ninh) là bãi mà đoàn nghiên cứu đã khảo sát kỹ nhất, chính cũng là bãi đã được phát hiện vào năm 1958 (…)

    Như vậy là trước sau những cọc lim đều chỉ được phát hiện không phải là trên sông Bạch Ðằng mà phần lớn ở trên sông Chanh. Ðây chúng tôi chỉ nói về bãi cọc quan trọng nhất ở tả ngạn sông Chanh.

    (…) Theo tài liệu sử học thì những cọc lim phát hiện được đấy (…) có thể là những cọc lim của Ngô Quyền đóng để chống quân Nam Hán (năm 938); cũng có thể là của Lê Hoàn đóng để chống quân Tống (năm 981); cũng có thể là của Trần Quốc Tuấn đóng để chống quân Nguyên (năm 1288); cũng có thể là của Hồ Quý Ly đóng để chống quân Minh (năm 1405). Nhưng nếu là cọc lim của Ngô Quyền, của Lê Hoàn hay của Hồ Quý Ly thì đó là cọc lim đóng ở cửa biển để giữ không cho giặc vào nước ta do sông Bạch Ðằng, mà những cọc lim phát hiện ở đây thì đều là tìm thấy ở khoảng trung lưu của sông chứ không phải là ở cửa sông, cho nên chúng tôi thiết tưởng không thể là của nhà Ngô, nhà Lê hay nhà Hồ được. Còn cái khả năng là cọc lim của Trần Quốc Tuấn (…) Việt sử thông giám cương mục (…) chép rõ rằng Hưng Ðạo Vương đóng cọc lim ở sông Bạch Ðằng đón đánh tan được thủy quân của Nguyên khi nó định trốn về. Cọc để đón thủy quân giặc khi nó rút lui thì tất đóng ở khoảng giữa, ở khúc sông hiểm yếu, chứ không phải là đóng ở cửa sông. Do đó, chúng tôi tin rằng những cọc lim phát hiện được ở khoảng giữa sông đó là của Hưng Ðạo Vương, chứ không có thể là cọc lim của các đời khác. Nhưng lại phải đặt câu hỏi: Tại sao những cọc lim ấy lại không nằm trong khúc sông Bạch Ðằng ngày nay? Từ đó chúng ta phải đi đến vấn đề: Phải chăng từ đời Trần đến nay sông Bạch Ðằng đã đổi dòng?

    Những con sông lớn khi chảy trong miền tam giác châu do chúng đã tạo thành rất dễ đổi dòng sau những trận lụt lớn. Như sông Hoàng Hà ở Trung Quốc, sông Hằng Hà ở Ấn Ðộ có lần đã đổi dòng khiến cửa sông mới cách cửa sông cũ hàng mấy trăm cây số. Sông Hồng và các chi lưu của nó tuy không có những cuộc biến đổi ghê gớm như thế, nhưng cũng rất dễ đổi dòng, chỉ có là ở trong quy mô nhỏ hơn thôi. Rất có khả năng rằng sông Bạch Ðằng cũng đã đổi dòng. Chúng ta hãy tìm xem quả đã có sự tình ấy xảy ra không.

    (…)

    (…) Chúng ta biết rằng sông Chanh ngày xưa to hơn sông Chanh ngày nay nhiều (…)

    (…) Chỗ ngày nay đào được cọc lim ở trên bãi sú của sông Chanh chính là nằm trong lòng sông Bạch Ðằng xưa. Thế là sông Bạch Ðằng (…) đã thay đổi mà tên sông đã được chuyển một cách âm thầm sang cho một khúc sông khác (…)

    – Trích: ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM QUA CÁC ĐỜI – Đào Duy Anh –
    (viết xong năm 1964, không biết in lần đầu năm nào)

    Nxb. Thuận Hóa (Huế) tái bản năm 1994, trang. 248-260.

  5. Võ Trung Tín
    05/11/2012 lúc 15:19

    Chị Năm ơi,
    Bận quá, nhưng ròm em cũng tranh thủ dzô..”huyên thuyên”..một chút để..”thư giãn”..
    hihihihihihi…

    Giờ, ròm em dzọot.. đây nghen..

  6. 06/11/2012 lúc 16:20

    Các cọc nhọn trên sông Bạch Đằng xưa, nay đã được tìm thấy, theo điều tra khảo cổ của nhóm chúng tôi thì lưu vực Bạch Đằng giang nghìn năm trước là khu vực Tiên Lãng bây giờ. Hào khí hùng dũng đại phá quân Đoàn Văn Vươn là một bước lớn tiếp nối truyền thống anh hùng. Hoan hô! Hoan hô! Hoan hô! 😉

  7. 07/11/2012 lúc 08:08

    “Trong cuộc đời Ngô Quyền, khoảnh khắc huy hoàng nhất là lúc đánh đắm thuyền của quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng”. Ông tiến sĩ nói cứ như đúng rồi ấy! Còn Ngô vương Quyền thì lại bảo: “Trong cuộc đời trẫm, khoảnh khắc huy hoàng nhất là sau khi đánh bại quân Nam Hán cơ, lúc đăng quang ấy!”. Và mình thì lại cho rằng khoảnh khắc huy hoàng nhất của Ngô vương là lúc ngài lập nàng Dương thị làm hoàng hậu. Ai cũng có lý của mình, cải nhau ỏm tỏi, chỉ vì tay tiến sĩ nổ kia cứ đùng đoàng, đánh giá lịch sử bằng kiểu cảm tính áp đặt. Để khỏi tranh cãi, đề nghị ngài tiến sĩ kiêm hiệu trưởng đại học phát biểu lại cho chính xác, đàng hoàng, rằng: “Chiến tích oanh liệt nhất của Ngô Quyền là đánh đắm thuyền quân Nam Hán”, vậy là đủ! 😉

  1. No trackbacks yet.

Bình luận về bài viết này