Phần IV

4-1

Mùa thu 1947
Liên Hiệp Quốc
Flushing Meadow (Nữu-ước)

Vụ biểu quyết chia xẻ xứ Palestine sẽ rất là gay go, thê thảm.
Muốn thắng, cần phải đạt được đa số hai phần ba. Vậy mà các quốc gia Ả-rập, nếu chính họ chỉ có mười một phiếu, lại có thể lợi dụng các vị trí chiến lược cùng tài nguyên dầu hỏa để gây một áp lực mạnh với rất nhiều quốc gia khác. Chưa kể đến sự họ có thể lợi dụng cuộc tranh chấp giữa Nga Xô và Hoa-kỳ, đồng minh chính của Anh quốc, để vận động thêm. Còn phía Do-thái, dĩ nhiên là họ có nhiều thân hữu trong các quốc gia trung lập, các quốc gia Bắc Âu và Mỹ la-tanh. Họ cũng có thể trông cậy ở nước Pháp, dù rằng quốc gia này phải rất gượng nhẹ với các thuộc địa Hồi giáo Bắc Phi, cho tới giờ vẫn chưa mặc cả sự ủng hộ Do-thái bao giờ. Nhưng từ đó tới chỗ hội đủ hai phần ba tổng số phiếu, còn cả một khoảng cách ghê gớm nữa. Hơn nữa, chính Anh quốc cũng chống lại sự chia cắt bởi vì nước Anh hy vọng sẽ được Liên Hiệp Quốc trao quyền ủy trị xứ này một lần nữa. Anh quốc chắc sẽ không do dự trong việc gây áp lực tối đa với một số nước nhỏ ở Âu châu có nền kinh tế tùy thuộc ở đồng Anh kim.
Như vậy trận đánh mở ra vào ngày 29 tháng 9 có vẻ như bất trắc cho người Do-thái. Tuy vậy, sau chừng một tiếng đồng hồ, Chaim Weizmann và Barak Ben Canaan, các trưởng phái đoàn Do-thái, bắt đầu hy vọng. Mặc dù số phiếu trắng khá cao, các phiếu ủng hộ chia cắt Palestine thắng thế rõ rệt. Các quốc gia của Khối Thịnh Vượng Chung, ngoại trừ nước Pakistan theo Hồi giáo, đều bỏ phiếu thuận, chứng tỏ chính sách của Anh quốc đã thất bại. Cũng như trường hợp của đại diện Nga Xô – đây là một ngạc nhiên vui sướng bởi vì Weizmann đã dự trù Liên Xô sẽ bỏ phiếu trắng, căn cứ trên sự kiện tại quốc gia này, các chủ nhân ông của điện Cẩm-linh đã cấm chỉ tất cả mọi tuyên truyền cho chủ nghĩa phục quốc Do-thái. Không ai thèm muốn địa vị của đại diện Anh quốc, mặt tái xanh, loan báo rằng “chính phủ của Đức Vua mong muốn không bầy tỏ ý kiến”. Các phiếu sau cùng, của Uruguay và Vénézuela, đã mang lại cho Do-thái đa số cần thiết.
Ở Tel-Aviv, mọi người điên lên vì vui mừng. Ít nhất cho một thời gian ngắn. Ben Gourion và các lãnh tụ khác của “Trung ương” đều biết rằng cần có một phép mầu lớn hơn nữa mới có thể giành được độc lập cho quốc gia Israël tương lai, cái quốc gia chung quanh chưa chi đã vang lên hàng triệu tiếng la hét của người Ả-rập: “Hãy giết chết bọn Do-thái!”
Ở Caire, ở Damas, ở Arabie Séoudite, các tiếng nói căm thù cất lên hô hào thánh chiến. Azzam Pacha, tổng thư ký của Liên đoàn Ả-rập, tuyên bố công khai như sau:
“Chúng ta sẽ mở ra một cuộc chiến tranh diệt chủng. Mọi người sẽ được thấy những cuộc tàn sát như của dân Hung nô đã thực hiện trước đây.”
Ngay hôm sau ngày biểu quyết của Liên Hiệp Quốc, một cuộc tổng đình công đã biến thành dấy loạn. Ở Jérusalem, dân chúng tàn phá trung tâm thương mại của khu Do-thái trước con mắt lãnh đạm của quân lực Anh. Còn Liên Hiệp Quốc, chẳng những không nghĩ tới chuyện thành lập một lực lượng quốc tế để tới trám chỗ cho lực lượng Anh sắp sửa rút đi đến nơi, lại chỉ bàn cãi thảo luận không ngừng.
Còn những người Do-thái, họ tỏ ra thực tế hơn. Bây giờ quốc gia tương lai của họ có một căn bản hoàn toàn hợp pháp. Nhưng nếu họ muốn tuyên bố độc lập sau khi quân Anh di tản khỏi Palestine, nửa triệu dân thiếu trang bị của họ sẽ phải cô độc đương đầu với chừng năm mươi triệu dân Ả-rập cuồng tín.
Người Ả-rập không hề có ý định chờ đợi sự tuyên bố độc lập này của người Do-thái. Tạm dành quân chính quy lại, người Ả-rập cho thành lập nhiều “đạo quân giải phóng”, gồm có những người được gọi là tình nguyện, để xâm chiếm Palestine. Đồng thời, một nhóm buôn lậu hoạt động tích cực để thành lập rất nhiều kho vũ khí tồn trữ trong nội địa xứ này.
Trong lúc đó, “Trung ương” Do-thái kiểm kê lại lực lượng bên mình. Bản tổng kết rất bi quan: về chiến binh trang bị và huấn luyện đầy đủ, họ chỉ có trước sau bốn ngàn người của Palmach. Các Macchabée chỉ chiêu tập được chừng một ngàn người, và còn xa mới kiếm được sự thỏa thuận hợp tác của họ. Tuy thế Avidan có thể trông cậy ở nhiều yếu tố phụ nữa. Trước hết là các nhân sự dự trữ của Haganah, gồm rất nhiều ngàn người đã được huấn luyện quân sự đầy đủ trong quân lực Anh thời đệ nhị thế chiến. Kế đó các dân vệ của các kibboutz mà ông đã kiên nhẫn và tỉ mỉ tổ chức suốt hai mươi năm trường. Và sau hết là một hệ thống tình báo tuyệt hảo. Ngược lại, các lực lượng Do-thái rất thiếu hụt vũ khí: các cơ sở phục quốc Do-thái rải rác khắp thế giới chỉ mua được một số lượng giới hạn, hạm đội Anh tiếp tục phong tỏa duyên hải Palestine, và tệ hơn nữa là Hoa-kỳ lại vừa ra lệnh cấm gửi mọi loại vũ khí sang Trung Đông. Một biện pháp chỉ có nhằm vào người Do-thái thôi. Còn các quốc gia Ả-rập họ có thể mua vũ khí ở nhiều nước và tùy ý chuyên chở về nước dưới hiệu kỳ quốc gia.
Nói tóm tắt về phía Ả-rập có một ưu thế hết sức rõ rệt về người cũng như vũ khí. Hơn nữa phía Ả-rập lại có, đây là trường hợp kỳ lạ, một lãnh tụ quân sự xứng đáng với danh từ là Abdoul Kadar, cháu của vị mufti.
Nhưng sự kiện nghiêm trọng nhất là thái độ của người Anh. Luân-đôn còn hy vọng rằng “Trung ương” Do-thái sẽ cầu cứu tới họ, từ bỏ việc chia cắt và xin người Anh ở lại Palestine. Do đó phát xuất một chiến thuật hết sức lợi cho phía Ả-rập. Trên lý thuyết, mỗi khi di tản khỏi một vùng nào, người Anh phải trao các đồn Taggart cho chức quyền nào đại diện cho đa số dân trong vùng liên hệ. Trên thực tế, các chỉ huy trưởng địa phương đã thích trao các pháo đài này cho người Ả-rập hơn, ngay cả trong các khu vực hoàn toàn chỉ có người Do-thái.
Chưa chi các cuộc chạm súng đầu tiên đã xẩy ra chung quanh các nông trường cô lập. Rồi Abdoul Kadar, được tấn phong làm “tư lệnh” vùng Jérusalem, đã cho áp dụng một chiến thuật kép để hy vọng đạt chiến thắng dễ dàng. Một mặt, không dám dàn trận tấn công các kibboutz phòng vệ kỹ lưỡng, ông bao vây tuyệt lương cho đói, một mặt khác, ông cho tăng cường các cuộc tấn công chống lại sự vân chuyển đường bộ của Do-thái.
Bởi thế, ngay từ lúc đầu khởi chiến, người Do-thái đã bắt buộc phải cố thủ trong các vị trí mà việc tiếp vận vũ khí đạn dược đã đặt ra những vấn đề không sao giải quyết nổi. Tình trạng này còn lâm nguy hơn nữa khi Kadar quyết định tuyệt lương của một trăm ngàn dân Do-thái trong Jérusalem. Vậy mà con đường duy nhất nối liền khu Do-thái mới này với Tel-Aviv lại băng qua vùng núi Judée, vùng mà các làng Ả-rập khống chế tất cả mọi hẻm núi, mọi đèo. Để bảo vệ cho các đoàn xe của mình, Do-thái bắt buộc phải chế tạo ra các “chiến xa”, các xe bọc thêm một vài tấm thép và trang bị đại liên. Nhưng biện pháp này đã tỏ ra không đủ để chống lại các vụ phục kích, và con đường máu ấy đã ngổn ngang các xác xe bị đốt cháy. Trong Jérusalem, bắt đầu đã có nạn đói, mọi người chỉ di chuyển trong các xe buýt bọc sắt và trẻ con nô đùa trong tầm súng của các tay bắn sẻ Ả-rập. “Trung ương” hoài công kêu gọi người Anh, nhấn mạnh tới sự bạo tàn của kẻ địch đang tâm bỏ đói cả thường dân. Người Anh vẫn cứ làm như điếc và án binh bất động.
Như vậy, chiến tranh đã bắt đầu ngay khi người Do-thái chưa tuyên bố độc lập.
Ari Ben Canaan vết thương chưa đủ lành để đứng ra chỉ huy một trong ba lữ đoàn của Palmach như ý Avidan muốn. Không phải cứ lê chân đau mà chàng theo nổi những đơn vị ưu tú lúc nào cũng di động qua mọi địa thế khó khăn nhất.
Ngược lại chàng nhận, nhân danh Haganah, công việc bảo vệ thung lũng Houleh, khu hết sức là lâm nguy bởi vì vùng này một phía là Liban và Syrie, và xa hơn một chút xuống phía nam, lại tiếp giáp với Transjordanie: ba quốc gia Ả-rập – ba kẻ thù.
Tình hình trong khu gồm ba điểm: điểm thuận lợi nhất – các nông trường Do-thái, công sự phòng thủ vững chắc, nằm ở các vị trí có thể tương trợ nhau dễ dàng, thừa đủ sức đẩy lui các cuộc tấn công của các đơn vị không chính quy địch. Điểm đáng lạc quan – đa số dân vùng này là Do-thái và người Anh hứa sẽ trao đồn Esther cho Do-thái, vị trí chìa khóa nằm ở biên thùy Liban. Điểm thứ ba đáng lo – hai vị trí cô lập: khu Do-thái ở Safed và trung tâm thanh niên Gan Dafna, đều khó có thể bảo vệ nổi.
Nhưng không phải vì thế mà phía Do-thái chịu di tản khỏi hai vị trí trên. Ở Safed, viên chỉ huy địa phương của Haganah, được Bruce Sutherland ủng hộ, nhất quyết đánh nhau tới khi bắn hết viên đạn cuối cùng.
– Nhưng mọi người cũng phải cung cấp cho tôi những viên đạn cuối cùng ấy chứ! Và cả súng để bắn chúng nữa. Dĩ nhiên là muốn đánh đấm ra trò, phải tăng viện cho tôi… phải cung cấp đại liên cho tôi…
Ari chỉ biết hứa hẹn mơ hồ với cấp chỉ huy này. Khi còn ngồi lại một mình, chàng thoáng một lúc ngã lòng. Cứ cho rằng mọi sự tiến diễn thuận lợi nhất chăng nữa, sau khi quân Anh ra đi, chàng cũng chỉ mang thêm được chừng năm mươi người của Palmach đến tăng cường bảo vệ cho Safed mà thôi. Từ đầu đến cuối xứ Palestine, vấn đề này chỗ nào cũng đặt ra tương tự. Năm mươi người chỗ này, hai mươi lăm người chỗ kia… đạn dược phân phối nhỏ giọt. Ngày nào bên Ả-rập biết rõ tình trạng thê thảm này, họ sẽ nhào tới.
Còn về Gan Dafna… Nếu người Anh giữ lời hứa và trao đồn Esther lại cho Haganah, nếu mouktar của làng Abou Yesha chung thủy với tình thân hữu đã có với gia đình Ben Canaan thì việc bảo vệ trung tâm Gan Dafna chưa là vấn đề khẩn cấp. Trong trường hợp ngược lại…

Jordana Ben Canaan tiến vào văn phòng của Kitty.
– Rất tiếc làm phiền chị. Mọi người vừa cho biết anh David Ben Ami sắp đến thanh tra hệ thống phòng thủ của chúng ta và sau đó sẽ hội họp với các cấp chỉ huy của trung tâm. Tôi mong chị sẽ tới tham dự buổi họp này.
Kitty nói, cố giấu kín ngạc nhiên:
– Được lắm.
Jordana nói tiếp:
– Như chị đã biết, tôi là người chỉ huy của cái người ta thường gọi là lực lượng quân sự trong trại. Do chức vụ này, chị và tôi, chúng ta bắt buộc phải hợp tác chặt chẽ với nhau. Tôi cũng muốn nói để chị rõ là tôi hoàn toàn tin cậy ở chị và tôi cũng cho rằng sự hiện diện của chị ở Dafna này là một điều may mắn lớn cho toàn thể chúng tôi.
Mỗi lúc thêm ngạc nhiên, Kitty tò mò nhìn Jordana, thiếu nữ này nói thêm:
– Theo ý tôi, chúng ta phải dẹp bỏ mọi tình cảm cá nhân của chúng ta. Làm được thế, tinh thần mọi người trong trung tâm sẽ vững hơn.
– Dĩ nhiên rồi. Nhưng cô Jordana ạ… tình hình chính xác về chúng ta ra sao hiện giờ?
– Trong lúc này thì không tệ lắm. Dĩ nhiên chúng ta chỉ nhẹ thở ngày nào đồn Esther được trao lại cho Haganah.
– Nếu biến cố diễn ra theo một chiều khác thì sao? Giả thử người Anh trao đồn Esther cho người Ả-rập… và con đường qua Abou Yesha bị đóng kín?
– Trong trường hợp thế, viễn tượng của chúng ta sẽ rất là đen tối.
Kitty đứng dậy đi đi lại lại trong phòng.
– Mong cô hiểu cho là tôi không hề muốn xen vào những vấn đề không liên quan tới tôi. Nhưng chỉ vì… chúng ta hãy nhìn thẳng vào thực trạng: chúng ta dám bị vây hãm lắm phải không cô?
– Rất có thể lắm.
– Thế mà ở đây chúng ta có nhiều em bé mới sinh. Chúng ta chắc phải lập một kế hoạch tản cư cho chúng cùng các trẻ em nhỏ tuổi chứ.
– Di tản chúng đi đâu bây giờ?
– Tôi đâu có biết… Trong một kibboutz hay một moshav nào đó an toàn hơn chẳng hạn.
Jordana nhún vai.
– Tôi không biết nơi nào cả, thưa chị. Dầu thế nào “an toàn hơn” cũng chỉ là một từ ngữ hết sức là tương đối. Chiều rộng trung bình của Palestine chưa tới sáu mươi lăm cây số. Điều đó có nghĩa là không có một kibboutz nào được coi như an toàn hết. Mỗi ngày, lại có thêm một nông trường bị xâm nhập…
– Ta có thể đưa chúng về các thành phố.
– Jérusalem kể như hoàn toàn bị bao vây. Và chính ở Haïfa và ở khu vực giữa Haïfa và Tel-Aviv hiện là nơi đánh nhau ác liệt nhất.
– Vậy… không còn nơi ẩn trốn nào nữa sao?
Jordana không trả lời. Không còn gì để trả lời cả.

.

4-2

GAN DAFNA
ĐÊM NOEL, 1947

Các đám tuyết đầu tiên của mùa đông rơi xuống những con đường nhỏ sũng nước.
Karen đang mặc một chiếc quần len và một áo xăng-đai dầy. Nàng coi đồng hồ và thở dài.
– Tối nay em phải ăn cơm sớm. Tối nay, em phải gác đêm, cô.
Kitty bắt đầu cột tóc cho Karen thì đột nhiên một giọng đồng ca của trẻ con cất lên phía trước nhà. Kitty kêu lên:
– Cái gì vậy?
Karen nắm tay nàng kéo ra cửa sổ.
– Đó là quà Noel của cô đó. Các em nhỏ bí mật học hát bài này mất hai tuần lễ đó cô.
Kitty kéo màn cửa. Trên thảm cỏ tuyết bắt đầu phủ, năm mươi “đứa con” của nàng tay cầm nến thắp sáng, đang hát bài thánh ca. Nàng mặc áo măng-tô, rồi mở cửa bước ra thềm. Sau lưng các trẻ, bẩy trăm thước xa hơn các ánh đèn lấp lánh như sao dưới thung lũng. Trong các bungalow kế cận, các cửa nhà mở ra và các khuôn mặt tò mò nhìn ra ngoài. Kitty cảm thấy một niềm xúc động siết chặt lấy cổ họng. Nàng không hiểu lời bài ca, những âm điệu này…
Karen nói:
– Merry Christmas, Kitty!
Kitty không còn kìm giữ nữa, nước mắt nàng chảy xuống má.
– Cô không bao giờ có tưởng được một ngày kia sẽ được nghe bài Silent night bằng tiếng hébreu. Đây là món quà Noel đẹp nhất của đời cô!

Karen phải ra đổi phiên canh ở địa đạo vòng đai ngoài của Gan Dafna, nơi nhìn xuống các sườn dốc của cao nguyên. Sau khi người thanh niên gác phiên trước đã ra về, Karen nhét một kẹp đạn vào súng, đóng cơ bẩm lại rồi xỏ bao tay.
Chung quanh nàng, không gian chìm sâu trong im lặng. Tuyết vẫn rơi lả tả, bao phủ dần dần sườn núi. Đột nhiên nàng nhận thấy có gì động đậy trong hàng cây phía sau nàng. Nàng thận trọng quay lại, cố giương mắt nhìn xuyên qua bóng tối hoàn toàn. Lại có cái gì động đậy. Đó chỉ là một con chó đói hay là… Nàng mở chốt an toàn, đưa súng lên vai nhắm sẵn. Một bóng đen tách ra khỏi hàng cây, tiến về phía nàng…
– Đứng lại!
Bóng đen đứng sững lại.
– Mật khẩu?
Nàng giật bắn mình khi nghe thấy một giọng quen thuộc gọi tên nàng.
– Karen!
– Anh Dov!
Nàng leo ra khỏi địa đạo và chạy tới để rơi vào vòng tay chàng.
– Dov! Em không thể ngờ được… Lại đây anh!
Cả hai người cùng nhẩy xuống địa đạo. Dov cắt nghĩa:
– Tôi đợi em cả giờ rồi. Tôi đã đứng chờ trước nhà rồi theo em tới đây…
Hai tay run rẩy nàng xiết chặt lấy vai, cánh tay Dov.
– Anh lạnh ngắt rồi này. Anh cũng không mặc áo len nữa. Anh sắp lạnh cóng đến nơi giờ…
– Không đâu. Tôi thấy dễ chịu lắm.
Mặt trăng hiện ra giữa một khoảng trống của đám mây làm hai người sau hết đã có thể nhìn thấy nhau. Dov nói:
– Tôi… tôi tưởng Karen đã ở Mỹ rồi chứ.
– Em và cô Kitty đều không thể nào đi được.
– Chắc em đang tự hỏi tại sao tôi lại trở lại đây. Đã từ lâu rồi, tôi muốn nhìn lại Gan Dafna, nhưng chỉ vì… khi bỏ trốn khỏi đây, tôi có ăn trộm một số nữ trang. Chắc tất cả mọi người đều coi tôi như một tên ăn cắp…
– Ồ, không có đâu! Ngày nào anh còn sống, hiện diện nơi đây.
– Tôi sẽ bồi hoàn lại tất cả.
– Điều đó không quan trọng đâu anh. Không ai giận anh vì chuyện đó hết.
Dov đã ngồi xụp xuống đất, nói nhỏ:
– Khi tôi còn ở trong tù, và ngay sau khi ẩn trú trong các hang động gần Mishmar, lúc nào tôi cũng nói đi nói lại với tôi một điều: Dov, không ai oán ghét mi hết. Không ai thù mi hết. Chỉ có tự mi làm khổ mi mà thôi. Khi em lại thăm tôi tại nhà tù Acre, đột nhiên tôi không muốn chết nữa. Cũng không muốn giết cả các kẻ thù nữa.
Dov ngừng nói một chút, rồi tiếp tục với giọng thấp hẳn xuống:
– Em biết không… tôi nói với em hồi ấy tôi có một cô bồ, là tôi nói dối đấy. Tôi bịa chuyện ra như vậy để… Karen chịu ra đi…
– Em biết thế mà anh.
– Karen biết thực sao?
– Ít nhất thì em cũng đã cố thuyết phục em như thế. Em muốn tin hết sức ở tình thương của anh đối với em.
Nàng đưa tay chạm vào má Dov.
– Anh run lên vì lạnh rồi anh. Em van anh, vào sưởi trong nhà đi. Anh có thể nói hết mọi sự với cô Kitty, cô biết những gì giữa hai ta mà. Ngay khi mãn phiên gác, chúng ta sẽ đến gặp bác sĩ Lieberman. Cẩn thận nghe anh, anh dám bị các người canh khác chặn lại. Mật khẩu đêm nay là: Mừng lễ vui.
Trước khi đi, Dov do dự.
– Karen… anh muốn hôn em.
Nàng nhón chân lên và hai đôi môi nứt nẻ vì lạnh chạm vào nhau rất nhanh. Dov thì thào:
– Anh yêu em, Karen.
Nói xong, Dov nhẩy ra khỏi địa đạo chạy về phía cổng vào Gan Dafna.

Vào đầu năm 1948, người Ả-rập mỗi ngày tỏ ra liều lĩnh táo bạo hơn. Người Anh càng rút quân dần ra miền duyên hải, bỏ hết vị trí này đến vị trí khác, các vụ chạm súng nho nhỏ lúc trước bây giờ biến thành các trận đánh dàn trận hẳn hoi.
Chưa chi cuộc chiến đã lan rộng ra toàn thể xứ sở. Nhưng các kibboutz, mặc dù bị bao vây, quấy phá, tấn công, vẫn cố thủ vững và còn tấn công trả đũa lại. Ngược lại, tình hình mỗi lúc một nghiêm trọng hơn lên trong các thành phố. Ở Safed, bên Ả-rập tập trung nhiều lực lượng quan trọng để chờ đợi ngày đại tá Hawks, chỉ huy trưởng yếu khu này, mang trung đoàn quân Anh của mình ra duyên hải. Trong lúc chờ đợi, người Ả-rập chỉ ngăn chặn mọi đường tiến vào khu Do-thái của thành phố này: ai cũng biết đại tá Hawks thân với người Do-thái.
Ở Haïfa, nơi người Anh chiếm cứ vững chắc các bến tầu, chặng chót của chuyến rút quân khỏi Palestine, người Do-thái chiếm ưu thế về cao địa: cư ngụ trên các sườn ngọn Carmel, họ khống chế khu Ả-rập. Nhưng bất hạnh một điều là mỗi khi họ chiếm được một điểm chiến lược, người Anh lại bắt họ rời bỏ trong vài giờ sau.
Trong vùng pha trộn các nhà cửa cũ kỹ tồi tàn của Jaffa với các tòa nhà cao tối tân của Tel-Aviv, các cuộc ám sát đột kích và đánh nhau ngoài đường phố xẩy ra không ngừng. Nhưng những trận đánh dữ dội nhất lại diễn ra chung quanh các khu Do-thái ở đô thị Jérusalem. Tại phần này của Cổ thành, hoàn toàn bị cô lập bởi các đơn vị không chính quy Ả-rập tăng cường thêm nhiều đơn vị của Liên đoàn Ả-rập Transjordanie, thực phẩm và nước uống thiếu thốn đã tạo ra một tình trạng mỗi ngày một thêm thê thảm. Dưới làn đạn súng cối và súng trường của các tay thiện xạ Ả-rập nấp trên các nóc nhà, dân Do-thái chỉ có thể di chuyển bằng xe bọc thép. Bên Ả-rập kêu ầm lên là đã chiến thắng khi họ chặn được một đoàn xe của Hồng Thập Tự do trung tâm y khoa ở ngọn Scopus gửi đến. Ngày hôm đó, họ tàn sát bẩy mươi bẩy y sĩ Do-thái không võ trang theo đúng Quy ước Genève. Việc tàn sát ghê tởm này xẩy ra ngay trước mắt quân đội Anh mà người Anh không can thiệp.
Đại tá Hawks sắp bắt đầu di tản khỏi khu Safed. Ari đã trao cho Zev Gilboa đại diện bên Do-thái trong buổi lễ bàn giao chính thức đồn Esther cho các lực lượng Do-thái.
Vài giờ sau Ari được biết rằng Zev và quân sĩ của anh khi tới đồn đã bị tiếp đón bằng một loạt đạn bắn ra ào ào. Trái với lời đã hứa hẹn long trọng, quân Anh đã trao đồn Esther cho người Ả-rập.
Nhẩy vội lên xe jeep, Ari phóng như bay về Safed. Hất viên trung úy có nhiệm vụ loan báo chàng đến sang một bên, Ari đi thẳng vào văn phòng đại tá.
– Các ông đã phản bội chúng tôi!
Hawks cãi bằng một giọng não nề:
– Không phải lỗi tại tôi. Tôi thề với anh là không phải tại tôi. Tối qua, lúc 10 giờ, tôi được lệnh rút quân ngay lập tức ra khỏi đồn ấy.
– Các ông có thể báo trước cho tôi được chứ.
– Tôi không thể báo cho các anh biết trước được – tôi không có quyền làm như vậy. Tôi là quân nhân, anh Ben Canaan, tôi phải tuân lệnh thượng cấp của tôi. Anh hãy tin ở tôi đi, đêm qua tôi nhắm mắt không nổi.
– Một lời xin lỗi thật đẹp cho một kẻ mang trách nhiệm về số phận của Gan Dafna trong lương tâm – giả thử là đại tá có một lương tâm.
Hawks tái mặt:
– Anh sẽ không để tụi trẻ trên đó, trên cao nguyên cô lập đó chứ? Anh bắt buộc phải đưa chúng xuống dưới đồng bằng…
– Đáng lẽ đại tá phải nghĩ tới chuyện đó sớm hơn chứ. Không có đồn Esther, chúng tôi bắt buộc phải cố thủ ở Gan Dafna, nếu không muốn mất toàn thể thung lũng Houleh.
Hawks cúi đầu xuống, hai tay xiết chặt lấy thành bàn. Hiển nhiên viễn ảnh ba trăm đứa trẻ bị tàn sát làm ông xúc động dữ dội. Ari nói tiếp:
– Có lẽ còn có cách để sửa sai bớt tai hại đại tá đã làm. Ít nhất một phần nào.
– Tôi sẽ làm tất cả những gì anh muốn…
– Với tư cách chỉ huy trưởng khu Safed, chắc đại tá có quyền đi lên Gan Dafna để khuyến cáo chúng tôi di tản trung tâm này chứ?
– Chắc chắn vậy.
– Được, vậy ông sẽ làm chuyến thăm viếng đó. Ngày mai đại tá lên Gan Dafna với một đoàn năm mươi xe cam-nhông có chiến xa hộ tống. Chính thức, đại tá có ý định mang trẻ em xuống thung lũng.
– Tôi không hiểu. Anh muốn tản cư trung tâm?
– Không. Nhưng đại tá khỏi lo tới chuyện đó. Đại tá cứ mang đoàn xe lên Gan Dafna đi.
Hawks không đủ can đảm để đặt ra các câu hỏi khác. Ngày hôm sau, đoàn xe vĩ đại lên đường đến cao nguyên, băng qua sáu làng Ả-rập, vượt qua trước mặt các lính canh Ả-rập ở đồn Esther, để tới Gan Dafna vào lúc gần trưa. Trong một tiếng đồng hồ liền, Hawks cố gắng thử thuyết phục bác sĩ Lieberman di tản trung tâm. Nhưng đã được Ari báo trước, Lieberman cương quyết từ chối. Mỗi lúc thêm phân vân khó hiểu, Hawks đành ra về với các xe cam-nhông trống không.
Trong lúc đó Ari dạo chơi trong làng Abou Yesha, thố lộ với các bạn bè Ả-rập là đại tá Hawks đã trút xuống Gan Dafna hàng tấn vũ khí đủ loại, nhất là súng cối và đại liên. Chàng cắt nghĩa:
– Ít ra thì đại tá cũng phải giúp chúng tôi như vậy. Vả lại đại tá cũng chưa bao giờ giấu giếm cảm tình với dân Do-thái chúng tôi. Ông giúp vũ khí như vậy để đền bù lại vụ ông phải trao đồn Esther cho bên Ả-rập các anh.
Ngay tối hôm đó, cả vùng đều “biết” là Gan Dafna bây giờ đã trở thành “pháo đài” khó mà chiếm cho nổi. Câu chuyện này lại càng đáng tin hơn nữa vì sau đó không hề có một vụ tản cư nào. Hiển nhiên hơn nữa là chắc chắn người Do-thái đâu dám để trẻ con ở lại một vị trí không bảo vệ được bao giờ.

Ngược lại, buổi hội kiến của Ari với mouktar làng Abou Yesha đã đưa đến một kết quả tai hại. Sau khi gợi lại rất lâu những kỷ niệm chung, Ari cảnh báo bạn: nếu làng này chấp nhận cho các quân không chính quy Ả-rập biến làng thành một căn cứ hành quân, Haganah sẽ bắt buộc phải tấn công tiêu diệt làng.
Xúc động vì cái giật mình đau đớn của Taha, Ari đặt một tay lên vai bạn:
– Anh Taha… tôi xin anh hãy giúp tôi.
– Anh quên rằng tôi chỉ là một tên Ả-rập – một tên Ả-rập dơ dáy sao.
– Chỉ có anh, mình anh mới nhét cái ý nghĩ phi lý ấy vào đầu anh thôi.
– Có lẽ anh sẽ nói tôi là anh em với anh chăng?
– Từ bao giờ tôi vẫn coi anh là anh em với tôi.
– Thực vậy hả? Vậy này, nếu sự thật là như thế, hãy cho tôi Jordana. Anh hãy thuận cho tôi Jordana để nàng trở thành vợ, thành mẹ của các con tôi…
Taha chưa kịp nói hết câu, Ari đã bằng một cú đấm chớp nhoáng, đánh Taha ngã lăn ra đất. Taha chồm dậy, rút dao găm cài ở thắt lưng ra, tiến tới phía Ari. Sững người, Ari không làm một cử chỉ nào để bảo vệ mình. Taha giơ dao lên, toan đâm, nhưng rồi buông dao. Tiếng kim khí va vào sàn đá làm Ari bừng tỉnh. Chàng thì thào:
– Trời! Tôi đã làm gì? Tôi đã làm gì?
Chàng giơ tay ra như để xin thứ lỗi… Taha quay đi, nói bằng giọng cứng rắn:
– Anh đã cho biết điều tôi cần muốn biết. Bây giờ anh đi đi, đồ Do thái!

.

4-3

Rất nhiều biến cố sẽ đánh dấu những tháng đầu năm 1948.
Ở Âu châu, các cán bộ của “Trung ương” nhờ sự ủng hộ của Jan Masaryk, tổng trưởng ngoại giao Tiệp-khắc, đã mua được một số lượng vũ khí. Để có thể đưa số vũ khí này về Palestine vượt qua hàng rào phong tỏa do hải quân Anh duy trì, họ phải thành lập ở Vienne một công ty hàng không. Công ty này mua ở kho quân cụ thặng dư của Hoa-kỳ một chiếc oanh tạc cơ Liberator cũ và mướn một phi hành đoàn: sáu người Do-thái cựu chiến binh đệ nhị thế chiến, bốn người Nam Phi và hai người Mỹ. Về bãi đáp, họ chọn nơi khuất nẻo trong thung lũng Jezreel có sẵn một căn cứ khu trục cũ không lực Hoàng gia Anh. Nằm giữa một vùng hoàn toàn Do-thái, phi đạo này khó bị người Ả-rập biết. Còn về sự có thể bị các phi tuần Anh bắt gặp, thì đành tin cậy ở tài năng khéo léo của các phi công lái chiếc Liberator… và tin ở may mắn. Dầu thế nào, đây cũng là một cuộc chạy đua với thời gian. Nhận các vũ khí ở năm hay sáu nước khác nhau, hết sức bí mật đưa về Vienne, đã mất tối thiểu hai tuần rồi. Xét sự tiến diễn mỗi ngày thêm thê thảm của tình hình ở Palestine, mọi người chỉ có thể hy vọng rằng chuyến vũ khí đầu tiên sẽ về đến nơi không quá trễ.
Bên phía Ả-rập, hăng hái điên cuồng trong những ngày đầu đã bắt đầu nhường chỗ dần cho chán nản thất vọng. Một cuộc tấn công đại qui mô vào một kibboutz cô lập hoàn toàn chỉ có dân Do thái chính thống giáo cư ngụ, đã chấm dứt bằng một thảm bại đẫm máu trước mắt rất nhiều phụ nữ Ả-rập đã tụ tập lại để tham dự vào vụ hôi của kibboutz. Vài ngày sau, trên đường đi từ Tel-Aviv tới Jérusalem, Lữ đoàn 2 của Palmach đã chiếm được, sau một trận cận chiến dữ dội, ngọn đồi trước đây đã cho phép quân Ả-rập chặn đường tiến của các xe cộ. Ngày hôm sau, một đoàn xe vĩ đại chở đầy thực phẩm đạn dược, mặc dù địch kháng cự dữ dội, đã tới tiếp tế được cho Tân Jérusalem bị bao vây từ nhiều tháng rồi.
Trong “Bộ tư lệnh tối cao” Ả-rập, thiên hạ sửng sốt. Những tên Do-thái đáng nguyền rủa kia chẳng những không tự vệ mà thôi, lại còn lao ra tấn công nữa! Hiển nhiên là chính nghĩa của cuộc thánh chiến cần gấp một chiến thắng. Cần hết sức khẩn cấp!
Bị triệu gọi cấp tốc đến tổng hành dinh Ả-rập đặt ở Naplus, Mohammed Kassi, chỉ huy các quân không chính quy thung lũng Houleh nhận được lệnh – “nhân danh Ngài mufti” – tấn công ngay lập tức Gan Dafna, chiếm trung tâm này, san bằng đến tận móng. Dù Kassi có viện dẫn thế nào tới “cả ngàn khẩu súng, trăm đại liên, hai mươi đến ba mươi súng cối” đại tá Hawks đã biếu cho trung tâm này, dù đã thề chính mắt mình trông thấy một ngàn Palmachnik tới tăng cường cho các đơn vị thiếu nhi Gan Dafna, Kassi rút cục chỉ nhận được hai cái tát nên thân.
– Một là mi tiêu hủy được Gan Dafna, hai là xác mi phanh thây cho kên kên ngoài đồi rỉa thịt.
Kassi không biết làm sao hơn là tuân theo lệnh.

Để mở đầu, Kassi cho một trăm quân chiếm cứ Abou Yesha. Quen thuộc sống hòa thuận với các láng giềng Do-thái từ mấy chục năm nay, dân làng không giấu vẻ bực tức với sự chiếm cứ này. Rất nhiều người trong họ đã xuống tận kibboutz Ein Or để báo cho Ari biết. Đồng thời các kỳ mục khẩn khoản yêu cầu Taha đòi hỏi đạo quân kia phải rút đi. Nhưng mouktar Taha đã khép mình trong một câm nín hoàn toàn, và với thái độ này, các fellah quen nhận chỉ thị chính xác, đành chịu chết không biết hành động ra sao nữa. Rồi một hôm quân của Kassi bắt gặp bốn dân làng đang mang thực phẩm lên Gan Dafna. Những những dân xấu số này bị chặt đầu đem bêu ngay giữa chợ. Kể từ ngày đó, Abou Yesha thôi không còn chống đối nữa.
Do đó con đường độc đạo dẫn lên Gan Dafna đã bị cắt đứt. Kassi, từ đồn Esther cao, cho bắn súng cối không ngừng vào trung tâm.
Tình trạng này, người Do-thái đã tiên liệu ngay từ khi thành lập trung tâm. Lầu chứa nước uống được một bức tường bao cát che kín, các máy phát điện, các kho dự trữ thực phẩm thuốc men và đạn dược, cũng như các kho vũ khí, đều được đào trong các hầm núi rộng rãi có đủ cả các phòng ngủ và lớp học nữa. Một vài giờ sau đợt pháo kích đầu, toàn thể trung tâm đã được tổ chức để sống một cuộc sống khá dễ chịu trong hang động. Còn về việc liên lạc với Yad El, đường điện thoại đã bị cắt, mọi người xử dụng gương Scott (gương kim khí phản chiếu ánh sáng và truyền các tín hiệu Morse).
Dưới thung lũng, ở kibboutz Ein Or, Ari chỉ có thể xiết tay lại mà chờ đợi thôi. Nếu Gan Dafna có đủ dự trữ để cố thủ cả tháng, thì ngược lại, trận đánh đầu tiên sẽ làm tiêu mất “huyền thoại” là trung tâm này “được võ trang ghê gớm”. Và tới khi đó địch sẽ nhào lên và sau đó trẻ con bị tàn sát…
Lục lọi vơ vét khắp nơi, Ari chỉ kiếm được chừng một chục khẩu súng trường kiểu 1883 của Tây-ban-nha, hai mươi ba tiểu liên nội hóa và một súng chống chiến xa Hung-gia-lợi dư mức độ phế thải và năm băng đạn. Zev Gilboa và hai mươi Palmachnik nữa mang các vũ khí này lên tận cao nguyên bằng cách leo lên sườn dốc đứng ban đêm.
Sau mười ngày pháo kích liên tục, đa số nhà cửa trong trung tâm sụp đổ. Một phát đạn nổ tung cả lối vào hầm, làm hai trẻ em bị chết, những người đầu tiên bị chết của cuộc công hãm Gan Dafna.
Cũng ngày hôm đó, Ari được Tel-Aviv cho biết là Bộ tư lệnh cho phép được tản cư trẻ em ra khỏi các vị trí bị địch quân đe dọa và tấn công. Quyết định tối hậu để cho các cấp chỉ huy các kibboutz tùy nghi thẩm định, và trong trường hợp của Gan Dafna, quyền này tùy thuộc khu trưởng, các trẻ em sẽ được đưa về miền duyên hải. Rất dễ đọc được ẩn ý của Bộ tư lệnh qua những dòng chữ của điệp văn này: rõ ràng là, trước tình trạng lâm nguy gia tăng trầm trọng, Haganah đã dự trù tới việc có thể di tản trẻ em bằng đường biển để cứu chúng khỏi vụ tàn sát lớn có thể xẩy ra.
Ari cho triệu tập các đơn vị trưởng và những người này đồng ý khuyến cáo cho tản cư gấp trẻ em ít tuổi. Bây giờ vấn đề là làm cách nào đưa được chúng ra khỏi trại. Tổ chức một đoàn xe sẽ đòi hỏi động viên tới tất cả lực lượng xử dụng được trong vùng – và có làm như vậy, một sự tập trung quân như thế cũng không đủ bảo đảm thành công cho chiến dịch di tản. Vậy mà vấn đề ở đây không phải là thắng hay thua một trận đánh. Vấn đề ở đây quan trọng hơn nhiều: mạng sống của mấy trăm trẻ em.
Tới đây, một lần nữa Ari lại nghĩ ra một kế hoạch táo bạo đến điên rồ. Được rồi, nếu các phương cách thông thường không dùng được, chàng sẽ liều đánh cá lớn với số mệnh – chàng lại thắng cuộc.
Sau khi đã trao cho David Ben Ami thành lập một “lực lượng cứu ứng”, Ari leo lên cao nguyên – một chuyến đi ghê khiếp bởi vì bất cứ một nỗ lực nhỏ nào của chân cũng làm chàng đau đớn vì vết thương cũ chưa lành. Lên được tới Gan Dafna vào lúc rạng đông, chàng cho triệu tập ngay tất cả các trưởng nhiệm sở của trung tâm. Chàng tuyên bố, không giáo đầu gì hết.
– Ở đây các bạn có hai trăm rưỡi trẻ em dưới mười hai tuổi. Chúng ta sẽ tản cư các em đó vào tối mai. Đêm nay, bốn trăm người lấy từ tất cả nông trường trong thung lũng sẽ leo lên đây dưới sự hướng dẫn của David Ben Ami. Nếu họ không bị địch khám phá ra và tấn công, sáng mai họ sẽ tới đây. Đêm mai họ sẽ lại xuống núi – hai trăm rưỡi người mỗi người cõng theo một trẻ, một trăm rưỡi còn lại sẽ giữ nhiệm vụ bảo vệ cho tất cả. Tôi cũng cần nói thêm rằng một trăm rưỡi người bảo vệ này sẽ được xử dụng tất cả các vũ khí cộng đồng nặng của toàn khu chiến Houleh
Mọi người đưa mắt nhìn nhau như Ari vừa nói vừa quàng xiên xong. Bác sĩ Lieberman phản đối:
– Xuống núi kiểu đó rất nguy hiểm, dầu là thực hiện ban ngày đi nữa. Ban đêm, trên lưng hay trong tay bồng một đứa trẻ… chắc chắn sẽ có tai nạn xảy ra…
– Đó là một thứ may rủi mà chúng ta đành phải chấp nhận.
Zev Gilboa nhận xét thêm:
– Đó không phải là may rủi duy nhất đâu. Đoàn người bắt buộc phải đi băng qua gần Abou Yesha. Quân Ả-rập sẽ nghe thấy họ…
Ari ngắt lời:
– Chúng ta sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để quân Ả-rập không nghe thấy họ. Dầu thế nào, chúng ta cũng chẳng thể còn cách nào khác nữa.
Ngay lập tức các lời phản đối cất lên nhao nhao.
– Im lặng! Chúng ta đâu có ở trong quốc hội! Các bạn sẽ phải giữ bí mật tuyệt đối: không được có một hành động cuống quít sợ hãi nào hết. Rồi, bây giờ bắt đầu làm việc!

Sáng ngày hôm sau, bốn trăm người tình nguyện đã lên đến nơi, và theo lệnh Ari, họ phân tán ẩn núp vào các bờ bụi chung quanh trung tâm. Do đó, các quan sát viên Ả-rập đứng sau các lỗ châu mai của đồn Esther đều không trông thấy được họ.
Đúng 17g55, các trẻ em phải di tản được tập họp để ăn cơm chiều: không đứa nào nhận thấy là bữa nay có một vị hơi đắng do thuốc ngủ hòa tan gây ra. Lúc 18g15, mọi người đưa chúng vào giường. Mười phút sau, chúng đã ngủ say sưa.
Đến 18g32, mặt trời lặn xuống sau đồn Esther. 18g40, Ari lại họp các trưởng nhiệm sở.
– Yêu cầu các bạn lắng nghe tôi thật cẩn thận. Vụ di tản sẽ khởi sự trong vài phút nữa. Mỗi bạn sẽ ở đúng vị trí tôi sẽ chỉ định. Cuộc hành quân đặc biệt này sẽ diễn ra theo một thời biểu hết sức chính xác: bất cứ một sai lệch, tùy hứng nào cũng dám đưa đến những hậu quả nghiêm trọng. Tôi sẽ không chấp nhận bất cứ một bàn cãi nào. Tất cả mọi sự phản đối, khước từ thi hành lệnh đều sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.
Đến 18g45, Jordana ra lệnh cho các thiếu nhi ở lại trung tâm lập bốn vòng vây chung quanh trung tâm. Hơn lúc nào hết, lúc này hết sức cần tránh sự xâm nhập của địch có thể khám phá ra bí mật hoạt động trong trại. Zev Zilboa cùng hai mươi Palmachnik của anh tiến ra vùng đồi để thi hành “nhiệm vụ bảo vệ đặc biệt”.
Lúc 19 giờ, mọi người chuẩn bị cho các trẻ em vẫn ngủ say sưa: mặc quần áo ấm cho chúng, đặt một băng keo lên miệng để ngăn cản chúng kêu khóc. Lúc 17g30, Ari ra ngoài để đưa bốn trăm người tình nguyện trở vào.
Một đường dây người được thành lập tới tận cửa lối vào các hầm trú để chuyền tay nhau các trẻ em. Các người tình nguyện sẽ mang chúng trên lưng trong một thứ như các yên biến cải không cản trở gì hết cử động chân tay họ. Lúc 20g30, sau khi kiểm soát lại một lần chót hệ thống dây nhợ, đoàn người dài bắt đầu di chuyển, hộ tống bằng một trăm năm mươi người võ trang. Dưới sự hướng dẫn của Ari, họ lần lượt vượt qua bờ cao nguyên để rồi tan biến vào trong bóng đêm.
Từ đó là sự chờ đợi khắc khoải, im lìm, bất tận. Không thể nào ngồi yên nổi một chỗ, Kitty đi lang thang giữa các căn nhà. Nửa đêm, một giờ sáng, hai giờ… Đột nhiên một loạt súng nổ ở xa vọng lại. Nàng hét lên một tiếng.
– Các đứa nhỏ của tôi! Chúng giết các đứa nhỏ của tôi!
Nàng lao mình chạy vào bóng đêm. Jordana phải ôm cứng lấy nàng và sau cùng phải đấm cho nàng một cái vào giữa lưng ngã sóng soài ra đất.
– Nghe tôi đã nào chị Kitty! Tiếng súng đó là của Zev Gilboa cùng các Palmachnik đang tấn công đánh lạc hướng địch ở phía bên kia Abou Yesha để quân Ả-rập khỏi chú ý tới lộ trình của đoàn người chúng ta.
Jordana đỡ Kitty đứng dậy, rót cho nàng một ly rượu.
– Cầm lấy uống đi chị! Tôi rất tiếc là đã phải đánh chị…
– Cô làm phải đó. Tại tôi mất bình tĩnh quá.
Ba giờ sáng… bốn giờ… năm giờ rưỡi, họ đều ra hết bên ngoài, trong bình minh lạnh cóng, để tiến ra ngoài vòng rào trại về đài canh và quan sát cheo leo bên bờ vực.
Chậm chạp, sương mù tan dần để lộ rõ thung lũng phía dưới. Ống nhòm dán vào mắt, người quan sát nhìn chăm chú sườn núi. Không có gì hết… không có một cái gì động đậy…
– Nhìn kìa!
Trong các khu vườn của nông trường Yad El, một tấm gương đang gửi những dấu hiệu Morse, các chấm, vạch, các chấm rồi các vạch…
Người quan sát có vẻ phân vân.
– Họ nói… tôi chẳng hiểu họ nói gì hết… họ nói như sau: X 14 16.
Mọi người ngơ ngẩn một thời gian ngắn. Tấm gương lại nhắc lại bản điệp văn. Rồi bỗng giọng Jordana cất lên, đầy vui mứng chiến thắng:
– Họ đã xuống tới nơi, hoàn toàn bình yên vô sự. Exodus 14 16: Con hãy giơ gậy của con lên và giơ tay về phía biển: hãy rẽ nước ra và con dân Israël sẽ băng qua không ướt gót.

.

4 – 4

Bốn ngày sau, nhận thấy địch giảm bớt rõ rệt các áp lực đối với các nông trường trong thung lũng, Ari hiểu là địch sắp tấn công Gan Dafna đến nơi. Bởi thế chàng lại leo lên trung tâm thanh niên để thân chinh điều khiển công việc phòng thủ.
Đối diện với mấy ngàn người Ả-rập của Mohammed Kassi đạn dược dự trữ thừa thãi và được các súng cối của đồn Esther yểm trợ, chàng chỉ dàn ra được hai mươi Palmachnik của Zev và các đơn vị thiếu nhi của trung tâm. Vũ khí rất sơ sài, dự trữ đạn dược không có, nhưng ngược lại bên chàng có hai yếu tố tốt: trí thông minh và kinh nghiệm chiến trường của chàng. Bây giờ vấn đề là chờ xem hai yếu tố này liệu có đủ để quân bình với ưu thế vật chất quá lớn của địch không.
Nếu quân Ả-rập vẫn giữ chiến thuật quen thuộc của họ là tấn công trực diện, họ sẽ phải qua một hẻm núi đổ dốc xuống chạy dài tới những căn nhà đầu tiên của Gan Dafna. Ari ra lệnh cho các toán tuần thám đêm gài mìn hai bên sườn hẻm núi và cho đào ở các đỉnh hơi xa đó một vài công sự để đến khi cần thiết, chàng sẽ cho bố trí ở đó các Palmachnik, hai khẩu đại liên và tất cả số lượng lựu đạn và chất nổ chàng có. Nếu các trái mìn, điều khiển từ xa, nổ đúng lúc thì các kẻ tấn công – hay những kẻ sống sót thì đúng hơn – sẽ bị đẩy lui về phía giữa hẻm núi và khi ấy sẽ bị các đại liên và lựu đạn thanh toán nốt.
Ba ngày sau khi chàng tới Gan Dafna, một liên lạc viên do các tổ báo động tiền đồn báo về cho chàng biết là quân Ả-rập đang rời đồn và lao xuống đồi. Ngay lập tức lệnh báo động được ban hành. Một im lặng nặng nề bao phủ trung tâm. Tất cả các cặp mắt đều hướng về khoảng đất nhô cao nằm giữa đồn Esther và Gan Dafna, giới hạn trường quan sát của những người phòng vệ trại.
Sau chừng nửa giờ, một vài cái đầu nhô lên khỏi khu đất cao. Rồi sau đó là địch ào lên: một đợt biển người thứ nhất là hét, vung chân múa tay, vung kiếm và súng, tràn thẳng vào hẻm núi. Trên đỉnh bên trái, Zev Zilboa, hoàn toàn nấp kín, phất một ngọn cờ vàng. Trong Gan Dafna, Ari ấn một cái cần xuống.
Tất cả các trái mìn nổ cùng một lúc. Khi các làn khói đã tan, người ta trông thấy những kẻ sống sót đang chạy dưới hẻm núi – lao thẳng vào các đạn đại liên và các chùm lựu đạn ném như mưa xuống.
Đợt tấn công thứ nhất đã bị tiêu diệt hoàn toàn, nhưng đợt thứ hai và thứ ba đã ào tới. Không còn mìn để giật cho nổ, và một phát súng cối may mắn của đồn bắn ra đã phá hủy mất một trong hai khẩu đại liên của trung tâm. Khẩu thứ hai, nóng quá cháy nòng súng, không mấy chốc cũng bị loại ra khỏi vòng chiến. Zev và các Palmachnik rời bỏ các vị trí trên hẻm núi để rút vào bên trong trung tâm phòng thủ. David Ben Ami trong hầm trú làm bằng các túi cát cho điều chỉnh đường nhắm của khẩu súng chống chiến xa cũ kỹ. Mọi người đã biến cải các viên đạn: bây giờ mỗi một băng trong năm băng đạn hiện có hai ngàn mảnh. Nếu khẩu súng chịu hoạt động, các loạt đạn của nó sẽ tàn sát ghê gớm.
Đội Ả-rập thứ nhất đã lao tới hàng rào. Họ còn cách có bốn mươi thước – ba mươi thước – hai mươi, mười.
– Bắn!
Khẩu súng cũ nhẩy chồm lên, khạc đạn. Xuyên qua làn khói, David trông thấy những chùm người rụng xuống và những kẻ khác đang loạng choạng tìm đường chạy…
– Bắn!
Đến loạt thứ ba, nòng súng rơi ra khỏi giá súng. Khẩu súng già đã chấm dứt sự nghiệp của mình bằng cách giết chết chừng ba trăm quân Ả-rập và bẻ gãy hẳn đà tấn công của địch. Đến nỗi đợt tấn công thứ tư bị đẩy lùi ngay khi một trung đội thiếu nhi nổ súng.
Cuộc rút lui của địch chưa chi đã biến thành cảnh mạnh ai người ấy chạy. Zev Gilboa hiểu ngay tình trạng đó và quyết định khai thác chiến thắng ngay lập tức. Dẫn đầu nhóm Palmachnik chạy đuổi theo mấy trăm quân Ả-rập đang hốt hoảng, Zev đã băng qua khu đất nhô cao và tiếp tục tiến thẳng về đồn Esther. David kêu lên bất bình.
– Chắc Zev mất trí rồi đó!
Ari nói:
– Đi với tôi! Phải chặn cái anh chàng điên ấy lại.
Sau khi đã ra lệnh cho Jordana thu nhặt vũ khí của các xác địch nằm ngổn ngang trước vòng rào, chàng vừa đi vừa chạy, theo sau là David.
Gần đồn Esther, là cả một vụ kinh hoảng hỗn độn. Nhận thấy các Palmachnik đang đuổi theo quân mình các pháo thủ trong đồn đã bắn vội đến nỗi đạn họ bắn ra nổ ngay giữa đám quân bên mình. Các Palmachnik lợi dụng tình trạng này để tiến thêm nữa. Zev, dẫn đầu, vượt qua hàng rào kẽm gai thứ nhất, còn cách tường đồn chừng 40 thước thôi. Chàng quay lại ra lệnh cho quân mình:
– Nấp đi!
Còn chính chàng nằm xuống đất, quạt một băng tiểu liên vào các lỗ châu mai. Đằng sau chàng, các Palmachnik đã bắt đầu lùi một cách thận trọng. Hiểu rằng bắn nữa vô ích, Zev cũng quay lại và cố rút lui bằng cách trườn mình giữa các tảng đá. Một viên đạn bắn trúng chàng, Zev chồm lên định chạy nhưng lại bị bắn trúng lần nữa, gục xuống hàng rào kẽm gai không gỡ ra được nữa.
Ở một trăm thước thấp hơn phía dưới, ngồi sau một hòn đá, Ari thận trọng thò đầu ra. Không thể nào lên tới chỗ Zev được: trước hàng rào kẽm gai là cả một khoảng trống không có chỗ nào nấp được. Chàng quay lại David:
– Chú đưa tôi vài trái lựu đạn rồi đưa anh em trở về trung tâm.
– Anh điên sao? Anh không định…
– Thi hành những gì tôi nói.
Trước khi biến sau khoảng đất nhô cao, David quay lại. Chàng nhìn thấy hình dáng lom khom của Ari chạy từ tảng đá này sang tảng đá khác.
Quân Ả-rập quan sát cảnh Ari tiến lên nhưng không bắn. Rõ ràng là họ đợi cho tới khi chàng ra tới khoảng trống để bắn cho chắc. Rồi chắc bên Do-thái sẽ gửi một người khác… một người khác nữa lên…
Ari đã lên đến cách kẽm gai chừng hai mươi thước. Zev, bây giờ đã trông thấy Ari, la lớn tuyệt vọng yêu cầu bạn hãy trở lại. Ari lắc đầu. Zev hét lên:
– Đi đi! Đằng nào tôi cũng chết. Bụng tôi bị banh ra rồi… Anh có thể tin ở tôi, ruột tôi tung ra mắc đầy vào kẽm gai rồi. Tôi sống được mười phút nữa là nhiều nhất. Đi đi, đừng ngốc thế!
Ari lấy trong túi ra hai trái lựu đạn, chặn cứng chốt lại để lựu đạn khỏi nổ tung khi va chạm, rồi la lớn bằng tiếng Đức:
– Chú ý này Zev! Tôi sẽ ném cho chú hai trái lựu đạn!
Chàng vươn người lên, tung hai trái lựu đạn lên rồi lại ngồi xụp xuống. Một trong hai trái rơi xuống chân Zev. Zev nhặt lên được ôm sát vào bụng đang mở banh ra…
– Tôi bắt được rồi! Bây giờ anh rút lẹ lên!
Ari lao mình chạy xuống, đột ngột, đến nỗi quân Ả-rập để trôi qua mất nhiều giây đồng hồ. Khi họ đưa súng lên được thì đã quá trễ rồi: Ari đã biến mất đằng sau chỗ đất nhô cao.
Zev còn lại một mình. Quân Ả-rập đã thôi bắn, hy vọng sẽ có người Do-thái khác tới tiếp cứu cho bạn đồng đội bị thương. Dầu thế nào, họ cũng muốn bắt sống Zev.
Khi ấy Zev, máu đã trào ra gần kiệt, tháo chốt lựu đạn rồi đưa lên ép sát vào đầu.
Khi nghe tiếng lựu đạn nổ, Ari đứng sững ngay lại. Chàng cảm thấy người tê tái đi. Sau cùng, khi đã chế ngự được cơn buồn nôn đang làm rung động toàn thân, chàng bắt đầu bò trở về Gan Dafna.
Một lúc sau, có một mình trong hầm trú của bộ chỉ huy trại, chàng cố gắng một cách vô ích chú trọng tới những kết quả tốt đẹp thu lượm được trong ngày. Chàng giật nẩy mình khi nghe thấy cửa hầm mở. Kitty loan báo.
– Các người Ả-rập bị thương đã được cho mang xuống Abou Yesha. Chúng tôi chỉ giữ lại những người anh muốn thẩm vấn mà thôi.
– Còn những người bị thương của chúng ta?
– Hai em ở trong tình trạng tuyệt vọng. Những người khác sẽ qua khỏi. Tôi mang lại đưa anh những đồ vật cá nhân của anh Zev Gilboa. Chẳng có gì nhiều…
Ari nói với một chút chua cay:
– Một kibboutznik theo định nghĩa là một người nghèo. Tất cả những gì hắn có đều thuộc về đất nước, kể cả mạng sống của hắn.
– Mới tối hôm qua thôi anh Zev còn nói chuyện với tôi về chị ấy. Anh thố lộ với tôi là vợ anh sắp có một đứa con nữa.
Ari càu nhàu:
– Zev đã cư xử như một thằng ngu. Hắn tưởng hắn có thể chiếm đồn một mình! Tôi khó kiếm được người thay thế cho Zev.
Kitty tức giận phản đối:
– Anh chỉ biết nói thế thôi à? Khó mà thay thế được cho Zev! Anh không thèm nói một tiếng về chị Zev…
– Kitty! Khi chồng cô gục xuống ở Guadalcanal liệu tiểu đoàn trưởng của anh có đọc một bài điếu văn không?
– Nhưng đó là trường hợp khác! Còn anh, anh biết anh Zev từ ba năm rồi. Anh biết cả chị Zev sinh trưởng cách nhà anh có năm mươi thước nữa.
– Vậy tôi hỏi cô, tôi làm gì khác được bây giờ?
– Ít nhất anh cũng phải thương cho thiếu phụ tội nghiệp đó.
Trong khoảng thời gian một giây, môi Ari hơi run lên. Nhưng sau đó, chàng đã tìm thấy sự cứng rắn thường nhật.
– Một người chết giữa chiến trường là một cảnh tượng thông thường ngày nay. Bây giờ, xin cô để yên cho tôi làm việc…

Bị bao vây từ ngày có cuộc biểu quyết lịch sử của Liên Hiệp Quốc, thành phố Safed sau cùng cũng được giải tỏa nhờ ở sự can thiệp của một vũ khí kỳ dị, chưa từng có bao giờ, một thứ con hoang của súng bắn đá và bích kích pháo địa đạo. Hình dáng nó kỳ cục đến nỗi tướng Sutherland cũng phải tự hỏi không biết dùng nó vào việc gì. Đó chỉ là một cái ống lớn người ta tọng qua miệng cả một thồi đầy chất nổ. Trên lý thuyết, viên đạn kỳ lạ này phải bay xa được vài trăm thước. Trên thực tế, mọi người còn đang sợ rằng vừa ra khỏi nòng, nó dám rơi huỵch ngay xuống, giết chết hết những người xử dụng nó. Nhưng vì đạn dược của quân phòng vệ đã cạn, đành phải dùng đến Davidka – “Tiểu David”. Đến lúc cùng này thì…
Để an toàn, mọi người sẽ khai hỏa nó bằng một sợi dây dài để cho những người xử dụng có thể nấp được chỗ chắc chắn. Mọi người hướng nòng súng – một cách rất đại khái – về đồn cảnh sát, tổng hành dinh của quân Ả-rập.
Bây giờ các chuyến vũ khí đã về nhiều. Dần dần chuyển từ thủ sang công, bên Do-thái mỗi ngày ghi nhận cái nhiều chiến thắng rõ rệt hơn, ý nghĩa hơn. Được một loạt thành công khuyến khích, Haganah quyết định chiếm lấy hải cảng Haïfa. Trong ba ngày liền, các lực lượng Do-thái vấp phải một sự chống trả dữ tợn, thông minh, phối hợp chặt chẽ. Rồi đến đêm thứ ba, các cấp chỉ huy của Ả-rập bỏ trốn. Hai mươi bốn giờ sau, Do-thái chiếm được hải cảng.
Tới lúc đó mọi người được chứng kiến một hiện tượng đáng ngạc nhiên, chắc là do nỗi khiếp sợ từ Safed lan truyền tới: các thường dân Ả-rập tuyên bố rằng họ muốn rời bỏ thành phố, rời cả xứ mà đi nữa. Ở Acre, rồi ở Jaffa, nơi Do-thái chiếm được mà không phải chiến đấu gay go cho lắm, cũng xẩy ra hiện tượng đó. Tại khắp nơi, các đám dông dầy đặc hối hả, điên sợ chạy về phía biên thùy Liban mà không ý thức được rằng chẳng hề có ai truy kích họ.
Mọi sự đang tiến diễn như thế thì tới tháng năm, tháng mãn nhiệm kỳ ủy trị của người Anh tại Palestine.

.

4 – 5

TEL-AVIV, NGÀY 14 THÁNG 5. 1948

Các lãnh tụ “Trung ương” và của phong trào phục quốc Do-thái trên toàn thế giới nhóm họp trong tòa nhà của Mier Dizenff, kẻ sáng lập cũng là vị đô trưởng đầu tiên của Tel-Aviv. Ngoài đường, các quân canh trang bị tiểu liên phải khó khăn mới ngăn chặn được một đám đông đang lo âu chờ đợi.
Trên toàn thể thế giới, hàng triệu người dán sát tai vào máy phát thanh để chờ nghe những lời sắp được cất lên từ tòa nhà này. Một giọng trầm của xướng ngôn viên loan báo:
“Đây là Tiếng nói Israël. Chúng tôi vừa nhận được một văn kiện liên quan tới sự chấm dứt ủy trị của người Anh. Chúng tôi xin đọc…”
Một bản văn khô khan, kiểu cách, không một dấu vết xúc động nào. Rồi đột nhiên giọng xướng ngôn viên thay đổi hẳn:
“Xứ sở Israël là nơi của dân tộc Do-thái, là nơi đã đào tạo ra tính chất tinh thần, tôn giáo và dân tộc của Do-thái. Chính nơi này dân tộc Do-thái có thể hoàn tất được nền độc lập của mình mà sáng tạo ra một nền văn minh có tầm mức trên hoàn vũ. Chính tại nơi đây các nhà lãnh đạo chính trị và các bậc tiên tri của dân tộc Do-thái đã viết ra Thánh Kinh…
“Ngày hôm nay, chúng tôi long trọng tuyên cáo sự tái sinh của Quốc gia Do-thái ở Palestine, quốc gia sẽ mang tên gọi là Israël. Mở rộng cho tất cả những người Do-thái trên toàn thế giới, Quốc gia của chúng ta sẽ hoạt động, tranh đấu để thăng tiến tất cả nhân dân theo những nguyên tắc của tự do, hòa bình và công lý đã do các bậc tiên tri công bố tự xưa kia, trong bình đẳng hoàn toàn, không phân biệt chủng tộc hay tôn giáo, và trong niềm kính trọng chân thật Hiến chương của Liên Hiệp Quốc.
“… Chúng tôi kêu gọi tất cả các nhân dân Ả-rập ở Israël, chúng tôi mời họ nhận chỗ của mình trong công cuộc phát triển Quốc gia với tư cách công dân tự do trên căn bản đại diện dân chủ trong mọi cơ cấu tổ chức của Quốc gia Israël.
“Chúng tôi xin mở bàn tay thân hữu với tất cả những quốc gia láng giềng, những quốc gia mà chúng tôi hết sức mong mỏi được sống chung hòa bình.
“Xác tín niềm tin của chúng ta đối với Đấng Thượng đế Toàn năng, chúng tôi đã ký bản tuyên ngôn này, với sự chấp thuận của Quốc hội Lâm thời, trên đất nước của tổ quốc chúng ta, tại châu thành Tel-Aviv, ngày thứ năm tháng Yar năm năm ngàn lẻ tám tức là ngày 14 tháng 5 năm 1948 của lịch Ki-tô giáo”.
Trong các đường phố của Tel-Aviv vui mừng hân hoan, già trẻ nắm tay nhau nhẩy một điệu hora cuồng nhiệt. Họ không thể biết rằng cũng vào giờ đó, các oanh tạc cơ Ai-cập đã cất cánh để tới tiêu hủy các thành phố của họ và nhiều đạo quân Ả-rập đã vượt qua biên thùy.
Dân Do-thái phải một người chống lại trăm người. Mặc dầu thế…
Họ đẩy lui được quân Ả-rập đã tiến chiếm sa mạc Néguev. Họ chặn đứng được quân Syrie muốn biến hồ Tibériade thành một mare nostrum nội địa. Họ đánh bại quân Irak (nói cho thực, đạo quân này không muốn chiến đấu). Không lực của họ – lúc khởi đầu chỉ có hai chiếc Piper-Cub khốn khổ dùng vào việc tiếp tế cho các nông trường bị cô lập và ném những quả bom chế tạo thô sơ qua cửa sổ xuống đầu những toán quân không chính quy Ả-rập – đã bắn hư chiếc tuần dương hạm Ai-cập đang quay các khẩu đại pháo định bắn vào Tel-Aviv. Ngay cả đối với Liên đoàn Ả-rập vẫn chiếm đóng khu Do-thái ở Jérusalem, họ cũng cải thiện được các vị trí của mình. Bây giờ họ đã chiếm được nhiều vị trí chế ngự con đường duy nhất tiến vào thánh địa. Nhưng bất hạnh thay là khi rút quân, quân Anh đã trao lạio Liên đoàn Ả-rập đồn Latrun, một đồn đôn xây cất để chặn cứng lối vào hẻm núi Bab El Wad. Được xây cất chắc chắn, được bảo vệ bởi các Bédouin do Glubb Pacha[link=#p4_06_1](1)[/link] huấn luyện theo kiểu Anh, Latrun đã chống lại được tất cả các cuộc tấn công của Do-thái. Ít ra là tạm thời, Jérusalem vẫn bị cô lập.
Còn về hải quân Israël, gồm nhiều tầu trinh sát nhỏ chạy nhanh, đã đạt được một chiến thắng khá đẹp khi chiếm được chiếc tầu hơi Vesuvius, do người Syrie thuê để chuyên chở vũ khí từ Naples về Beyrouth. Chiếc tầu hơi này vừa nhổ neo thì một tầu nhỏ mang cờ Ý đuổi theo và yêu cầu ngừng lại. Hai mươi người mặc quân phục tiến lên tầu dưới quyền chỉ huy của một người cao lớn râu hung trông rất giống, giống kỳ lạ,với Barak Ben Canaan.
– Chúng tôi vừa nhận được tin có một trái bom nổ chậm đã được đặt dưới hầm tầu ông. Xin thuyền trưởng cho tập hợp tất cả thủy thủ đoàn, chúng tôi sẽ khám phá ra thủ phạm và tôi hứa thuyền trưởng là tên đó sẽ chỉ cho chúng ta chỗ giấu bom.
Các thủy thủ Ả-rập phải trình diện lần lượt từng người một trong một phòng khách được đặt dưới quyền xử dụng của ông “cẩm Ý-đại-lợi”. Việc thẩm vấn kéo dài khá lâu để đủ cho chiếc tầu (mà thuyền trưởng gốc Naples là đồng lõa) ra khỏi hải phận nước Ý. Khi ấy, các cán bộ của Mossad, súng lục cầm tay, nhốt luôn thủy thủ đoàn cùng viên sĩ quan Syrie đi cùng. Chiếc tầu nhỏ trở về bờ, nhưng vài giờ sau, còn cách hải phận Palestine khá xa, quân Do-thái bắt thủy thủ đoàn xuống ca nô, cho viên hạm phó một bản đồ và địa bàn rồi cắt dây luôn. Hai mươi bốn giờ nữa, hai chiếc tầu nhỏ chạy nhanh mang hiệu cờ cướp biển truyền thống – một sọ người trên hai chiếc xương tréo – áp vào hai sườn chiếc tầu hơi, chuyển vũ khí sang cùng với toàn thể cán bộ của Mossad, rồi tiến về cảng Haïfa. Còn chiếc tầu hơi, bình tĩnh trở lại Naples để viên hạm trưởng chạy vội vào Cơ quan Phụ trách Hải vận khai rằng thủy thủ đoàn đã nổi loạn và bỏ tầu trốn đi.

Ari được lệnh gọi tới Tổng hành dinh đặt tại Tel-Aviv.
Tòa nhà được dùng làm Tổng hành dinh, trước được dùng làm nhà cho các gia đình thuê lại từng căn, chưa chi đã có vẻ là một Bộ Quốc Phòng thực sự. Trên mái, phất phơ bay lá cờ ngôi sao David, trước lối vào, tại tiền sảnh và các hành lang đều có các quân sĩ mặc quân phục của quân lực mới cầm tiểu liên đứng gác. Ari đi qua các phòng trong đó các cuộc hành quân được trình bầy tiến diễn theo từng giờ trên những tấm bản đồ vĩ đại trên tường. Chàng đi qua trung tâm truyền tin, nơi các máy vô tuyến và điện thoại liên lạc với tất cả các đơn vị, các phòng tuyến và nông trường trên toàn quốc. Mọi người đã xa vời Tổng hành dinh cũ của Haganah chỉ gồm có một cái bàn, vài hồ sơ và khả năng chuyên môn là dọn trụ sở cấp tốc.
Chàng được Avidan tiếp – bây giờ ông đã nhường quyền chỉ huy các đơn vị cho các sĩ quan trẻ hơn để đảm nhiệm việc liên lạc giữa quân lực và chính phủ. Avidan tiếp chàng vui vẻ nồng nhiệt.
– Bác rất mừng các gặp cháu. Mọi sự có thay đổi từ một năm nay, cháu thấy không? Về phần bác, bác chưa sao quen được. Lắm lúc bác vểnh tai nghe tiếng chân người ngoài hành lang mà tưởng như quân Anh trở lại và sắp ném bác vào tù ngồi.
– Tin tức mới có tốt không bác?
– Tốt và không tốt. Vấn đề lớn vẫn là Jérusalem, hay nói cho chính xác hơn, vấn đề đồn Latrun. Sau hết… bác cho gọi cháu về đây để yêu cầu cháu quét sạch cho xong vùng của cháu. Điều đó có nghĩa trên thực tế là cháu phải chiếm đồn Esther.
Ari lắc đầu:
– Cháu không thể làm được ngày nào chưa có pháo binh. Cháu đã báo cáo cho bác hay như thế rồi, cách đây không lâu. Cháu cần có ít nhất ba hay bốn khẩu Davidka.
– Đòi thế thì chẳng khác đòi bác cung cấp các thoi vàng khối. Cháu muốn bác lấy những khẩu súng đó từ đâu bây giờ? Bác sẽ cố xoay cho cháu một khẩu thôi…
Avidan đứng dậy đi đi lại lại trong phòng.
– Không phải bác chỉ muốn nói với cháu về đồn Esther mà thôi. Từ mười lăm ngày nay, cháu đã nhận được lệnh chiếm Abou Yesha. Thế mà tới giờ cháu phớt lạnh lệnh này.
Ari cứng người lại, phản đối:
– Với tư cách khu trưởng, cháu có thẩm quyền hơn bất cứ ai để xem xét một cuộc hành quân có là cần thiết này không.
– Thôi… thôi… giữa bác với cháu, chúng ta biết nhau quá kỹ để chơi trò ú tim. Bác biết tại sao cháu do dự chiếm làng đó.
– Nhưng dân làng Abou Yesha – cháu quen biết họ từ hồi nhỏ. Cháu đã đi dự đám cưới đám tang của họ. Người Do-thái chúng ta đã giúp họ xây dựng nhà cửa, và họ đã tặng chúng ta đất đai… Bác hãy tin ở cháu, họ không phải là kẻ thù của chúng ta, mà chỉ là những người nông dân chất phác chỉ muốn yên phận sống trong hòa bình mà thôi.
– Bác không đồng ý với cháu. Có những làng Ả-rập từ chối không chịu cho quân Ả-rập trú ngụ. Nhưng đó không phải là trường hợp của Abou Yesha. Những kẻ mà cháu vừa hăng hái bào chữa đó đã đứng về phía chống lại chúng ta. Làng họ đã trở thành căn cứ của địch. Bác ra lệnh cho cháu phải tiêu diệt căn cứ này. Chờ đã nào, bác chưa nói hết. Cháu Ari ạ, từ mười lăm tuổi cháu đã chiến đấu rất đẹp. Chưa một lần nào bác có dịp khiển trách cháu về bất cứ một bất phục tòng nào. Và bây giờ…
Ari tái mặt. Nét mặt căng thẳng, chàng buông mình xuống một chiếc ghế, nói nhỏ:
– Tuân lệnh. Cháu sẽ làm điều gì bác bảo.
– Cháu liên lạc với phòng hành quân. Bây giờ làm ngay đi.
Ari đứng dậy, tiến về phía cửa. Avidan nói:
– Suýt nữa bác quên… Kể từ ngày hôm nay, cháu là đại tá Ben Canaan.
Ari thốt lên một tiếng cười ngắn ngủi, không vui. Avidan nói:
– Cháu, bác rất tiếc, quả thực là bác rất tiếc.
Việc chiếm đồn Esther thật quá dễ dàng dù Ari chỉ có mỗi một khẩu Davidka. Ngược lại, yếu tố bất ngờ tác dụng tối đa: đa số quân Ả-rập trong đồn ngày hôm đó đã phân tán rải rác ở các làng chung quanh. Nhóm quân còn lại trong đồn, chừng một trăm người, khẩu Davidka vừa mới bắn tung cửa thép của đồn, đã vội vã đầu hàng.
Dân làng Abou Yesha nghe thấy các tiếng nổ và biết rằng sắp đến lượt họ. Ari cử một sứ giả tới làng: dân làng có hai mươi phút để rời làng, nếu không sẽ bị giết chết tại chỗ. Đứng từ trên một đồi cao, Ari nhìn những bạn bè từ thuở thiếu thời chồng chất nồi niêu quần áo lên xe lửa, ra đi hướng về phía biên thùy. Quang cảnh này làm chàng đau đớn.
Sau một giờ, David lại kiếm chàng.
– Anh Ari, hạn kỳ anh cho họ đã chấm dứt từ lâu rồi.
– Hãy cho họ thêm một khoảng thời gian nữa.
– Những kẻ nào muốn đi đã đi rồi. Chỉ còn lại Taha và chừng một trăm kẻ điên rồ nữa tưởng rằng có thể đánh lui chúng ta. Anh Ari, anh phải cho lệnh tấn công đi thôi.
Ari quay đi, bước ra xa vài bước. David bước theo.
– Anh có muốn tôi chỉ huy thay thế cho anh không?
– Muốn chứ. Cám ơn chú.
Taha và những “kẻ điên rồ” chống cự can đảm nhưng trong tuyệt vọng. Phải mang cả Davidka đến lúc đó mới diệt được những ổ kháng cự sau cùng. Ngồi gục trên đỉnh đồi, Ari muốn bịt hai tai lại để khỏi nghe thấy tiếng đạn nổ, những căn nhà xụp đổ tan tành. Đêm xuống, David trở lại gặp chàng.
– Xong rồi anh. Bên phía Ả-rập không còn ai sống sót. Chúng ta thiệt hại nặng… mười bốn nam và ba nữ. Thêm chừng chục người bị thương nữa.
Ari nói nhỏ:
– Những dân làng khốn khổ ấy sẽ ra sao? Họ đi đâu… Kiếm ăn bằng gì?
Ari đứng dậy. David nắm lấy cánh tay bạn.
– Xin anh đừng đi về phía đó làm gì. Không ích gì.
– Chú hãy cho tôi biết… căn nhà nhỏ trắng, gần suối…
– Anh hãy cố giữ lấy hình ảnh căn nhà đó ngày xưa.
Đột nhiên Ari vùng ra. Chàng ném một cái nhìn xuống các mái nhà làng, nói bằng một giọng không âm sắc.
– Chú xuống làng nữa đi. Phải thanh toán cho xong. Phải phá hủy Abou Yesha.

.

4 – 6

David thức giấc. Chàng đã thiếp ngủ đi trong vòng tay Jordana. Khi chàng rón rén đẩy chăn ra, Jordana mở mắt ra. Chàng hỏi:
– Sao em không ngủ tiếp đi?
– Em sẽ có thừa thì giờ để ngủ khi xa anh.
Dịu dàng âu yếm, David cúi xuống nàng, thì thào:
– Anh yêu em… Nhưng anh vẫn phải ra đi như thường. Bác Avidan đang chờ anh.
Một giờ sau, Avidan đưa thiếu tá David vào văn phòng thiếu tướng Ben Zion, trưởng khối hành quân.
– Rất vui sướng được biết thiếu tá. Hình như thiếu tá có một đề án hay muốn trình bày cùng chúng tôi.
– Vâng, thưa thiếu tướng. Vấn đề Jérusalem. Thiếu tướng cũng biết như tôi tình hình bi thảm đến mức nào rồi. Kể từ khi các trạm bơm nước bị phá hủy, dân ta cùng quân sĩ chỉ sống được nhờ ở các hầm chứa nước của Salomon, một thứ nước cũ đến hai ngàn năm. Mọi sự như vậy là tại đồn Latrun do quân Ả-rập chiếm đã ngăn cản chúng ta tiếp tế.
– Thiếu tá chẳng cho tôi biết thêm được gì mới lạ. Latrun là vấn đề số 1 của chúng ta hiện giờ.
David nói tiếp:
– Tôi biết rõ vùng Latrun như biết nhà tôi vậy. Tôi say mê khảo cổ và vì thế tôi đã thăm viếng vùng đó tới cả trăm lần. Từ nhiều tháng nay, tôi suy nghĩ nhớ lại từng thước đất ở vùng ấy và đã đi đến kết luận sau: ta có thể đi vòng quanh đồn Latrun.
Zion ngạc nhiên nhắc lại:
– Đi vòng quanh. Thiếu tá muốn nói gì vậy?
– Lấy đường lộ làm chuẩn, nếu vạch một nửa vòng tròn quanh tâm điểm là Latrun, thiếu tướng sẽ thấy một lộ trình dài là 16 cây số.
– Rồi sao nữa? Mười sáu cây số này chỉ là một đường vạch trên bản đồ thôi. Không hề có một con đường nào và các đồi núi thì lởm chởm thẳng đứng…
– Chính vấn đề là ở chỗ này, thưa thiếu tướng. Có một con đường. Một phần của đường này là một con đường cổ xưa có từ thời đế quốc La-mã. Một con đường xưa đến hai mươi thế kỷ, bị cây cối đá vụn phủ kín, nhưng vẫn là một con đường. Đường này băng qua các đường trên một chiều dài là 8 cây số. Và tôi biết rõ là 8 cây số còn lại còn xử dụng được.
Mọi người im lặng. Avidan và Zion đưa mắt hỏi nhau rồi Avidan nói:
– Cứ cho là có con đường này đi. Và cứ cho là chú có thể kiếm lại được nó đi. Như vậy thì chúng ta tiến thêm được gì không? Tôi vẫn chưa trông thấy dự án hấp dẫn của chú đâu hết.
– Tôi đề nghị chúng ta sẽ làm một con đường mới trên con đường La-mã cũ. Như vậy chúng ta sẽ đi vòng quanh được Latrun và tiết kiệm được trận công đồn chắc chắn là đắt giá.
Ben Zion mỉa mai:
– Thế bộ thiếu tá thực hiện được công cuộc đó trước mũi Liên đoàn Ả-rập được sao?
– Tại sao lại không? Tất cả những gì chúng ta đang cần, đó là một con đường đủ rộng để cho một xe cam-nhông qua được. Với hai đoàn nhân công, một xuất phát từ Jérusalem, một từ Tel-Aviv, đường sẽ làm xong trong vòng một tháng. Còn về Liên đoàn Ả-rập, ai cũng biết là Glubb Pacha không dám đem thí liều trong một trận đánh dàn trận với chúng ta. Ông ta thích giữ quân tử thủ sau tường đồn Latrun hơn.
Một lần nữa Avidan và Ben Zion lại nhìn nhau. Anh chàng thiếu tá trẻ tuổi này có vẻ tự tin lắm… Ben Zion hỏi:
– Bây giờ thiếu tá cần gì?
– Một chiếc jeep, trong một đêm. Sau đó tôi sẽ làm tờ trình sau.
Ben Zion vẫn còn ngần ngừ khi có tiếng gõ cửa. Một trung úy đem công điện vào. Ben Zion cầm lấy, đọc lướt qua, mặt tái lại. Không nói một tiếng, ông đưa tờ giấy lại cho Avidan. Viên chiến sĩ già giật mình.
– Cổ thành đầu hàng rồi.
Ben Zion nắm chặt tay lại, kêu lên:
– Nếu chúng ta mất Jérusalem, chúng ta sẽ mất cả Quốc gia Do-thái. Rồi, thiếu tá Ben Ami, thiếu tá đi lựa một chiếc jeep nhanh lên.

Chừng mười ngày sau khi thành lập các công trường làm “một con đường Diến-điện mới”[link=#p4_06_2](2)[/link] để đi bọc quanh được đồn Latrun, điện thoại viên tổng đài Gan Dafna khẩn cấp gọi bà Katherine Fremont. Kitty cầm điện thoại lên nghe rất lâu, đặt vài câu hỏi rồi gác máy. Rồi đi từng bước chậm chạp, Kitty đi về phía văn phòng chỉ huy của Jordana.
Jordana ngửng đầu lên và mỉm cười với nàng. Nhưng trước vẻ mặt buồn của Kitty, nụ cười của Jordana im lặng.
Sau cùng, Jordana tìm thấy đủ can đảm để cất tiếng.
– Anh David chết rồi phải không chị?
– Đúng thế…
– Cái gì đã xẩy đến cho anh ấy?
– Anh Ari vừa gọi điện thoại cho tôi. Hình như anh David đã thành lập một nhóm xung kích gồm các Palmachnik và Macchabée. Dĩ nhiên là anh đã hành động không có sự chấp thuận của thượng cấp. Tôi đoán là anh không chống lại nổi với sự quyến rũ của các bức tường cũ của Cổ thành. Nhóm của anh đã tấn công để lấy lại… họ đã thành công trong công việc chiếm lại được ngọn Zion, nhưng đó chỉ là một chiến công tuyệt vọng, một nhiệm vụ tự sát.
Im lìm, Jordana như hóa đá. Kitty thì thào:
– Liệu tôi có thể làm được gì bây giờ? Tôi không còn biết nói gì…
Người con gái sabra đứng dậy. Đầu ngẩng cao, nàng nhìn Kitty, nói bằng một giọng mạnh mẽ:
– Chị khỏi phải lo cho tôi.
Không ai được trông thấy nàng nhỏ một giọt nước mắt.
Một tháng đúng sau ngày khám phá ra con đường La-mã xưa, con đường chạy bọc đồn Latrun đã hoàn tất. Ngay đêm đó, một đoàn xe đầu tiên đã tới được đô thị Thánh. Cuộc vây hãm Jérusalem kể như đã chấm dứt.

__________

Chú thích:

(1) Glubb Pacha: một sĩ quan Anh, làm cố vấn, huấn luyện rồi sau chỉ huy luôn Liên đoàn Ả-rập, tên thật la Sir Jir John Bagot.
(2) Con đường Miến Điện: trong đệ nhị thế chiến, quân Nhật chiếm hết miền duyên hải Trung hoa, dồn quân lực Trung hoa vào nội địa, chiếm cứ Đông dương, cắt hết đường tiếp vận của Trung quốc. Để tiếp vận cho quân lực Tưởng giới Thạch, bên Đồng minh phải làm một con đường đi từ Miến điện sang tới Trùng khánh, thủ đô lâm thời của Trung quốc. Con đường này làm rất công phu, có nhiều đoạn chạy toàn trên các đỉnh núi hoang vu.

4-7

Sau khi người Do-thái đã thành công trong việc chận đứng được xâm lăng của các đạo quân Ả-rập, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bắt hai bên chấp nhận một cuộc ngưng chiến tạm thời. Nói thực ra, cả hai bên đều mong có ngưng chiến này. Bên Ả-rập, tủi nhục vì các thất trận liên tiếp, muốn lợi dụng ngưng chiến để tổ chức lại lực lượng. Bên Do-thái, để kiếm thêm vũ khí và gia tăng tiềm năng tấn công.

Dẫu sao, ở ngay bên trong Bộ tư lệnh tối cao của Israël, còn có nhiều khó khăn. Quyền hành của chính phủ lâm thời đối với Palmach, Macchabée và Chính thống giáo cực đoan vẫn còn bấp bênh lắm. Nhưng Palmach còn hiểu được vài lý lẽ: các lữ đoàn của Palmach bị đe là sẽ bị loại trừ ra khỏi lực lượng xung kích nếu họ cứ tiếp tục bàn cãi lệnh thượng cấp nên sau cùng đã chịu sát nhập vào quân lực. Các Macchabée cũng chịu đưa các đơn vị đặc công của họ vào quân lực chính quy với điều kiện là được duy trì các cấp chỉ huy cũ. Bướng bỉnh bất trị nhất là các Chính thống giáo, rất cuồng đạo, hiểu các lời trong kinh thánh một cách máy móc, nhất định ngoan cố chờ Đấng Cứu thế tới.

Nhưng dù thế nào, sự thống nhất tối cần thiết cho quân lực sắp sửa hoàn tất thì một biến cố thê thảm làm vấn đề phải đặt lại. Ở Hoa-kz, các cảm tình viên của Macchabée đã thu thập được một số lượng vũ khí tối tân và đã mua một máy bay chở hàng đặt tên là Akiba. Đồng thời, hàng trăm thanh niên tình nguyện cũng chuẩn bị lên đường tới với các tiểu đoàn Macchabée. Các điều kiện đình chiến dĩ nhiên là cấm cả hai bên tăng viện rồi, nhưng cả Ả-rập lẫn Do-thái đều coi nhẹ điều khoản này, cùng nỗ lực một cách bí mật nhiều hay ít để củng cố các vị trí của mình.

Được các điệp viên bên Âu châu báo cho biết, chính phủ Israël đòi chiếc Akiba cùng mọi vũ khí do máy bay này chuyên chở phải được đặt dưới quyền chính phủ: xét cho cùng thì các Macchabée cũng thuộc về quân lực. Các Macchabée không chịu, viện lý là theo những người tặng thì các vũ khí này đặc biệt chỉ gửi tới cho các đơn vị của họ mà thôi. Chính phủ liền viện lý mình là kẻ thích ứng hơn ai hết để đưa các vũ khí ấy nhập nội bí mật theo một cách thế như thể nào để bề ngoài vẫ giữ được vẻ tôn trọng các điều khoản ngưng chiến. Ngay lập tức, các Macchabée trả lời là họ độc lập với cơ quan lãnh đạo trung ương và không hề muốn tôn trọng ngưng chiến. Mỗi ngày qua, cuộc tranh luận lại càng trở thành cay độc hơn.

Trong thời gian đó, Akiba đã cất cánh. Chính phủ, dù biết rằng mình rồi cũng được xử dụng vũ khí cùng các thanh niên tình nguyện do phi cơ này chuyên chở, cũng vẫn phải yêu cầu các Macchabée hủy bỏ chuyến bay đó. Vụ này đã lộ ra ngoài, và việc phi cơ này đáp xuống lãnh thổ Palestine sẽ là một vi phạm trắng trợn đình chiến. Như ta có thể đoán biết trước, các Macchabée không thèm nghe lời.

Phi trường mà chiếc Akiba sẽ hạ cánh hôm đó lại có nhiều quan khách: các viên chức cao cấp của Israël, các lãnh tụ của Macchabée, các quan sát viên của Liên Hiệp Quốc. Chính phủ cho gửi tới phi công lời cảnh cáo chót qua vô tuyến điện: Phải quay lại, không được đáp xuống Palestine. Phi công không chịu nghe, các khu trục liền được lệnh cất cánh: chiếc Akiba bị chặn đường, bắn hạ.

Vài trận đánh dữ dội liền xẩy ra giữa lực lượng chính phủ và lực lượng Macchabée. Sau cùng, các lãnh tụ Macchabée liền rút các đơn vị của mình ra khỏi quân đội. Xét cho cùng, thảm kịch này thanh lọc được một bầu khí đã trở thành quá khó thở. Dưới chế độ ủy trị, các Macchabée đã đóng góp rất nhiều vào việc làm cho quân Anh phát ngán xứ Palestine. Nhưng bây giờ người Anh đã đi rồi, chiến thuật khủng bố vô giới hạn đã mất đối tượng. Đồng thời các Macchabée lại tỏ ra không sao chấp nhận được kỷ luật tối cần thiết khi hành quân. Mặc dù đã chứng tỏ được một lòng can trường đáng kính phục và một hy sinh tuyệt đối, họ lại tỏ ra phản động với bất cứ một quyền bính nào không phát xuất từ các cấp chỉ huy của họ. Bởi thế sau vụ Akiba, họ thu mình vào trong một cách cô đơn gầm gừ, tạo thành một nhóm cực đoan chỉ biết tới có một giáo điều: đó là bạo lực tàn nhẫn, giải pháp duy nhất cho tất cả mọi vấn đề.

Trong thời gian này, những người hòa giải của Liên Hiệp Quốc, bá tước Bernadotte và người Hoa-kz phụ tá là Ralph Bunche, cố gắng một cách tuyệt vọng để hòa giải Do-thái, Ả-rập. Nhưng vô ích: bốn tuần lễ thương thuyết không thể nào xóa bỏ được ba mươi năm hận thù chồng chất. Sau cùng, người Ả-rập lại khởi chiến không cần đợi đến khi hết hạn kỳ đình chiến.

Về phía Ả-rập đây là một lầm lẫn ghê gớm bởi vì quân Israël phản công ngay lập tức. Sau khi đã làm các chuyên viên quân sự trên toàn thế giới ngạc nhiên về khả năng kháng cự, lần này Do-thái làm mọi người sững sờ trước sự tấn công chớp nhoáng của họ.

Để mở đầu, không lực Israël oanh tạc Le Caire, Damas và Amman để làm cho người Ả-rập hiểu rằng tốt nhất đừng có nên gửi phi cơ bay tới vòm trời Tel-Aviv và Jérusalem nữa. Một cảnh cáo thật là minh bạch lắm bởi vì từ đó không gian trên các thành phố Do-thái vắng bóng phi cơ địch. Trên bộ, các kibboutz vùng Ein Gev, sau khi đã chống lại một cuộc vây hãm trong nhiều tháng, đã đẩy lui được quân Syrie và chiếm lại được bờ bên phía Israël của hồ Tibériade. Tại vùng Trung Galilée, Ari Ben Canaan dẹp tan được quân không chính qui của mufti và chiếm được Nazareth, vị trí then chốt của tỉnh. Trong miền “hành lang” của Jérusalem, lữ đoàn 2 của Palmach mở rộng thêm được phòng tuyến và tiến về phía Bethléem.

Trong thung lũng Sharon, các lực lượng Do-thái, xử dụng hàng trăm xe jeep, đã chiếm được các thành phố thuần Ả-rập là Lydda và Ramle, những đồn địch nằm trên đường về Jérusalem, chiếm phi trường Lydda, đẩy lui quân đội Irak, mở một gọng kìm để bao vây Latrun.

Tới lúc đó quân Ả-rập, hoảng sợ vì cả loạt thảm bại trong vòng mười ngày, khẩn thiết kêu gọi đình chiến lần thứ hai.

Lần này Bernadotte và Bunche ít nhất cũng có một l{ do để hy vọng. Vua Transjordanie là Abdullah đã hiểu gió thổi về chiều nào rồi. Sau khi hòa đàm mật với chính phủ Do-thái, ông chấp nhận giữ Liên đoàn Ả-rập đứng ngoài cuộc chiến, và nhờ thế quân lực Do-thái mới có thể tập trung chống lại Ai-cập. Để đổi lại, bên Israël cam kết sẽ không tấn công các vị trí của Liên đoàn trong cổ thành của Jérusalem và ở Samarie. Thỏa hiệp này có chấm dứt huyền thoại được duy trì cẩn thận cho tới giờ là liên minh “cho tới chiến thắng sau cùng” của các quốc gia Ả-rập. Xẩy ra sau đó nhiều vụ biện giải đầy sóng gió, nhiều lời kết tội tàn tệ, chửi rủa, bôi nhọ khôi hài kz cục. Sau cùng Abdullah bị các tín đồ Hồi giáo cực đoan bắn hạ khi ông rời khỏi giáo đường Omar trong Cổ thành. Một lần nữa các chính trị gia Ả-rập lại dùng đến các phương pháp họ ưa thích, đó là âm mưu và ám sát.

Bây giờ quân lực Israël đã được tập trung lại, có thể dồn hết sức mạnh của mình để chống lại Ai-cập. Trong những ngày đầu của chiến dịch, quân lực Israël chiếm được trong sa mạc Néguev pháo lũy quan trọng Suweïdan mà địch đã xử dụng từ bao nhiêu tháng nay để đe dọa những dân khai hoang sa mạc. Xa hơn một chút, tại Faloujah, một “cái túi” Ai-cập, đã được quân lực Do-thái bỏ qua không đánh chiếm vì còn vội tiến nhanh khai thác chiến thắng. Đạo quân Ai-cập đồn trú tại điểm này sau đó đã rút được đi nhân một dịp ngưng chiến. Trong những sĩ quan của đạo quân Faloujah, có một đại úy trẻ tuổi sau này sẽ giữ vai trò chính yếu trong vụ truất phế vua Farouk, đó là đại úy Gamal Abdel Nasser.

Một vài giờ trước khi có “ngưng bắn” cục bộ này, tuần dương hạm Farouk, niềm kiêu hãnh của hải quân Ai-cập, đã định pháo kích một vị trí của Israël. Nhưng chính chiến hạm này lại lãnh đủ: ngay lập tức, một tiểu đĩnh chở đầy chất nổ, bánh lại chặn cứng, phóng hết tốc lực lao vào nổ tung đánh chìm luôn chiếc Farouk.

Mùa thu 1948, bằng một trận đánh bất ngờ, quân Israël chiếm được thành phố được phòng vệ rất kỹ là Beersheba. Muốn tránh một cuộc tấn công chính diện chắc chắn tổn thất nhiều, quân Israël đã mượn một con đường khuất nẻo có từ thời Abraham để bọc ra phía sau pháo lũy Ai-cập. Bị đánh bọc hậu, các chiến binh anh dũng của Farouk vứt vũ khí để chạy nhanh hơn.

Đến đây là mạnh ai người ấy chạy. Lao về phía trước truy kích quân Ai-cập, quân Israël để dải đất Gaza ở lại phía sau không đánh, tiến luôn vào Sinaï, băng qua bán đảo này, tiến gần đến kênh Suez. Lo sợ cho con kênh, người Anh yêu cầu Tel-Aviv ngưng ngay các cuộc hành quân lại, và để nhấn mạnh sự khẩn thiết của đòi hỏi này, quân Anh cho ngay một phi đội khu trục Spitfire bắn xuống các tiền quân của Israël.

Vụ này gần như một biểu tượng: những phát đạn sau cùng của chiến tranh. Giải phóng của Do-thái là nhằm vào người Anh. Không lực Israël liền bắn hạ sáu phi cơ Anh, rồi sau đó cái Quốc gia trẻ trung này, nhượng bộ trước áp lực quốc tế, đành chấp nhận để tàn quân Ai-cập tẩu thoát về châu thổ sông Nil. Những tàn quân này đã lợi dụng cơ hội đó để tập họp lại, và với một sự can đảm không mấy có ngoài chiến trường, họ dám tổ chức một “Diễn binh Chiến thắng” vĩ đại ở Le Caire!

Israël đã chiến thắng! Một mình chống lại cả một liên minh các kẻ địch, dân tộc Do-thái, sau khi trả giá bằng máu và nước mắt, đã hoàn toàn chinh phục dứt khoát được xứ sở mà lương tâm toàn thế giới đã phân phối một cách hợp pháp cho họ. Lá cờ Ngôi sao David, sau khi hai ngàn năm khuất bóng, lại phất phơ bay từ Hồng hải tới Địa trung hải.

Trong những hậu quả không thể tránh được của chiến tranh là thảm kịch những người tị nạn Ả-rập tìm nơi ẩn trú nương thân ở các nước láng giềng. Các cuộc thảo luận về vận mạng của các kẻ đáng thương này chưa chi đã sa lầy ngay vào sự hỗn độn đạo đức giả, quốc gia chủ nghĩa mù quáng, quyền lợi phe đảng cùng các toan tính bẩn thỉu – cả một trái bom nổ chậm mà Liên Hiệp Quốc cố gắng gỡ ngòi một cách vô ích.

Barak Ben Canaan, được chính phủ trao phó việc lập một tờ trình về tình hình có vẻ không lối thoát này, đã viết như sau trong phần kết luận của bản văn:

“Vấn đề do các dân Ả-rập tị nạn của Palestine đặt ra đã trở thành vũ khí chính trị chính của các quốc gia Ả-rập. Họ không bỏ sót một điều gì không làm để mô tả cảnh khổ của những nạn nhân chiến tranh này, và họ cũng không từ một điều gì không làm để ngăn cản tất cả mọi giải pháp giải quyết cho những kẻ khốn khổ đó. Người Ả-rập muốn các trại tị nạn tồn tại và tiếp tục tồn tại để chứng tỏ với thế giới sự độc ác của những người Do-thái. Chắc chắn là nhiều quan khách tới viếng các trại đó đều xúc động vì bao nỗi khốn cùng của các nơi này.

“Vậy mà chính những người Ả-rập đã tạo ra vấn đề này: tháng 11-1947, ngay khi Liên Hiệp Quốc đã biểu quyết chia cắt Palestine, các nhà cầm quyền Do-thái đã không ngừng yêu cầu các dân Hồi giáo Palestine hãy bình tĩnh, giữ một thái độ thân hữu cùng tôn trọng những quyền lợi hoàn toàn hợp pháp của người Do-thái. Sáu tháng sau, Quốc gia Israël, trong bản tuyên ngôn độc lập, đã long trọng đưa tay kết giao với các quốc gia Ả-rập láng giềng và vào ngay lúc chính các quốc gia này sắp sửa xâm phạm biên thùy Israël.

“Sự kiện nhiều ý nghĩa là: đa số những người Ả-rập Palestine đã chạy đi ngay trước khi có xâm lăng. Ở Jaffa, ở Haïfa, ở Galilée, hàng bao ngàn người Ả-rập đã lên đường tiến về biên giới trong khi những trận giao tranh chưa có gì là gay go, quan trọng.

“Nguyên nhân đầu tiên của hiện tượng này hiển nhiên là lòng sợ hãi. Trong mấy chục năm nay, một số lãnh tụ tham vọng và thiếu lương tâm của Ả-rập đã khai thác sự ngu dốt, mê tín cùng lòng cuồng đạo của các fellah, đã nhồi nhét vào đầu họ { tưởng về một cuộc tàn sát tập thể. Chính thứ sợ hãi vô lý này đã đưa những người Ả-rập Palestine vào con đường lưu đầy. Sự sợ hãi này có thể biện minh bằng các sự kiện không? Chắc chắn là không. Ngoại trừ một trường hợp đặc biệt – một nhầm lẫn đáng tiếc đã gây ra một vụ tàn sát không tha thứ được – không có một làng Ả-rập trung lập nào lại bị quân Israël tấn công hay phải chịu một biện pháp khó khăn nào.

“Nguyên nhân thứ hai của tình trạng hiện tại – một nguyên nhân đã được nhiều tài liệu chứng tỏ là đúng – là sự khai thác bóc lột quá đáng mà các lãnh tụ Ả-rập đã làm và hiện còn đang làm. Các lãnh tụ này muốn thường dân Ả-rập rời khỏi Palestine. Trước hết bởi vì sự hiện diện của những thường dân này sẽ làm ngáng trở công cuộc dự trù là diệt chủng dân tộc Do-thái. Thứ hai bởi vì họ cần một phương tiện để minh chứng “xử sự phi nhân” của Do-thái, những kẻ đã cưỡng bách những kẻ khốn khổ đó phải rời bỏ nhà cửa ruộng vườn ra đi.

“Liên Hiệp Quốc đã thành lập một quỹ hai trăm triệu đô-la để tái lập nghiệp cho những người tị nạn của Palestine. Không hề thiếu đất mầu mỡ và thiếu dân trong mười triệu cây số vuông của thế giới Ả-rập. Miền thung lũng sông Tigre và Euphrate chẳng hạn, bao hàm nhiều vùng có thể nói là mầu mỡ nhất trong những vùng đất cần khai hoang. Trong lúc này, các vùng đó chỉ chứa một nhóm nhỏ bé Bédouin. Vùng thung lũng nói trên không thôi thừa sức nuôi mười triệu người, trong khi tổng số những người tị nạn mới có chừng nửa triệu.

“Một mặt khác, Israël, một xứ ít mầu mỡ rộng có mười ngàn cây số vuông mà thôi, mà một nửa là đất sa mạc, đã phải tiếp nhận nửa triệu người tị nạn Do-thái từ khắp các nước Ả-rập chạy về. Và chúng ta còn phải chuẩn bị tiếp nhận thêm từng ấy nữa…

“Các lãnh tụ Ả-rập quả quyết rằng Quốc gia Israël nuôi những tham vọng đế quốc. Tôi mong mỏi rằng mọi người sẽ cắt nghĩa cho tôi hiểu làm sao một quốc gia chưa có tới một triệu dân lại có thể theo đuổi một chính sách bành trướng lãnh thổ đối với 50 triệu dân khác được.

“Thực ra, toàn thể các dân tộc Ả-rập cần phải có một thế kỷ hòa bình. Và cũng cần phải có những lãnh tụ không phải là những cheik có hàng ngàn ngàn nô lệ, không phải là những kẻ cuồng đạo tù hãm trong các ý tưởng thời trung cổ, không phải là tập đoàn quân phiệt, mà là những người đủ can đảm, đủ sáng suốt để tấn công cái nghèo khó, sự ngu dốt và các bệnh tật địa phương. Nhưng bất hạnh thay, những người hiếm hoi thuộc thành phần này đều bị ám sát chết mỗi khi xuất hiện. Những lãnh tụ Ả-rập hiện nay không muốn giải quyết vấn đề dân tị nạn, và cũng chẳng hề muốn có hòa bình.”

  1. Không có bình luận
  1. No trackbacks yet.

Bình luận về bài viết này