Tuổi Buồn

* Truyện Ngắn
* Tác giả : CAM LI NGUYỄN THỊ MỸ THANH
* Trích trong Bán Nguyệt San Tuổi Hoa số 106
* Nguồn : Tuoihoa.hatnang.com

————————–
Làm xong những công việc thường lệ – xách nước đổ đầy hồ, cho gà ăn, thổi cơm… – Hậu vẫn chưa thấy mẹ dậy. Lạ nhỉ! Sáu giờ sáng rồi còn chi! Hậu với chiếc khăn cũ phơi trên dây xuống lau nhanh bàn tay rồi bước vào nhà.

Có chuyện gì đây? Mẹ Hậu nằm trùm mền kín mít trên giường. Hậu lo âu gọi khẽ:
– Mẹ ơi! Mẹ sao thế?
Hậu gọi hai lần, mẹ mới thức giấc, rên nho nhỏ. Giọng bà yếu ớt:
– Hậu đó hả? Mẹ mệt quá! Chắc bị cảm con à!
– Chết chưa! Mẹ để con cạo gió cho.
Hậu chạy đi tìm chai dầu. Nhưng mẹ Hậu ngăn lại:
– Thôi con! Mấy giờ rồi?
– Chắc đã hơn sáu giờ mẹ ạ!
– Để chút nữa em Hồng dậy mẹ bảo nó cạo gió cũng được, còn con…
– Việc gì hở mẹ?
Hậu đến ngồi bên mẹ. Hậu nghe người mẹ nóng hực. Mẹ có vẻ mệt mỏi lắm. Mẹ thở mạnh một lát, rồi nói:
– Chắc mẹ đi làm không được, mà nghỉ một bữa thì mất chỗ làm. Bà đầm “Me” khó tính lắm con ạ!
– Chết! Rồi làm sao, mẹ?
Mẹ nhìn thẳng vào mắt Hậu, thương mến:
– Thôi con chịu khó… đi thế mẹ một bữa nay đi!
Hậu chưa nói gì, mẹ lại tiếp:
– Chẳng có công việc gì khó đâu! Trải giường, pha sữa cho thằng bé nhất, dọn điểm tâm rồi thôi. Đến trưa con phụ bà bếp dọn cơm, chiều cũng thế. Buổi tối lại pha sữa rồi về. Thế mẹ một bữa nghen!
– Vâng! Gì chứ mấy việc ấy con làm được mà mẹ!
– Thôi đi nhanh đi con, kẻo họ rầy đó! Nhớ, bà đầm “Me” khó lắm nhé!
Hậu “dạ” rồi vào trong thay chiếc áo dài hoa đã cũ. Khi đi ra, Hậu ghé giường em Hồng. Em vẫn còn ngủ say. Hậu toan đi thẳng song nhớ tới mẹ, Hậu đành phải vén mùng, phá giấc ngủ đẹp của em.
– Dậy đi Hồng! Dậy cạo gió cho mẹ.
Hồng ngồi dậy. Thấy chị mặc áo dài, em hỏi:
– Ủa chị đi đâu sớm thế?
– Chị đi làm. Mẹ cảm, em dậy cạo gió cho mẹ đi!
– Em đâu có biết cạo.
– Mẹ bày cho. Chị đi nghen!
Hậu bước nhanh ra đường. Sao tự nhiên Hậu thấy thương em Hồng lạ lùng. Em mới bốn tuổi thôi, sao em tội nghiệp thế? Được học “trường bà sơ” có một năm rồi phải nghỉ. Em chẳng biết gì cả, ngày ngày chạy ra chạy vào, làm việc lặt vặt. Nhưng đôi mắt của em lúc nào cũng buồn. Em có những cái nhìn thèm muốn, những mơ ước xa vời đối với em. Em nhìn lên bọn trẻ sang trọng, em nhìn xuống thân phận mình nghèo nàn. Lúc nào em cũng buồn – có đôi mắt thật buồn. Thế nên ngay lúc Hậu đánh thức em dậy, em đã mở đôi mắt – thật buồn – nhìn Hậu, làm Hậu thương vô cùng. Hậu nói cộc lốc, Hậu đi nhanh, cũng là vì Hậu muốn tránh tia mắt đó…

Con đường Hậu đang đi đầy đất đỏ trơn trợt. Buổi sáng cao nguyên lạnh giá. Chiếc áo ấm mỏng tanh của Hậu chẳng thấm gì, nhưng Hậu quen lạnh rồi! Gió thổi nhẹ, lay những ngọn cỏ, những hoa dại bên đường, buốt buốt trên mặt Hậu. Màn sương còn phủ mờ ở cuối nẻo đường đàng xa. Những ngôi nhà còn đóng kín cửa. Ai chắc cũng còn đang ngủ say. Chỉ có một mình Hậu đi ở đây. Tiếng guốc khua trên đường làm Hậu buồn hơn. Đối với Hậu thì đây mới là ngày đầu. Nhưng đối với mẹ – thương mẹ thay! – thì ngày nào mẹ cũng đi như thế này. Mẹ cắm đầu đi lầm lũi – buồn tênh. Và mẹ nghĩ gì? Mẹ có nghĩ như Hậu không? Chắc mẹ nghĩ đến Hậu và em Hồng ở nhà – các con yêu của mẹ. Đôi bàn tay của mẹ không đủ mang lại sự sung sướng cho con. Hậu thương mẹ quá! Cuộc đời mẹ đã khổ nhiều. Mỗi sáng mẹ đi trên con đường buồn teo này, dưới hơi sương mờ mờ này, nhìn những ngôi nhà, những ngọn cỏ lạnh lùng này, mẹ nghĩ gì đến tương lai của các con? Riêng Hậu, Hậu thấy tương lai của mình chẳng có đâu cả. Hậu chỉ nhìn thấy mẹ, Hậu và em Hồng nghèo nàn, nhìn thấy xung quanh Hậu những người khốn khó…

Đi cả nửa giờ, Hậu mới đến chân một ngọn đồi thấp. Hậu nhìn lên: ngôi nhà trên dốc to lớn, im lìm. Hậu bước lên những bậc thang xây bằng gạch. Rồi Hậu đến trước cổng rào sắt. Bên trong, đàng sau cánh cổng, Hậu thấy những bụi hoa đủ màu sắc trồng hai bên một con đường rải sỏi trắng tinh. Ngôi nhà đồ sộ với hai cửa sổ hình bán nguyệt nhìn Hậu lạnh lùng. Hậu như e ngại khung cảnh này nên đứng im một lát. Nhưng chợt nhớ là đã trễ giờ, Hậu đưa tay lên bấm chuông.

Một bà trạc tuổi mẹ Hậu vòng ngả sau ra mở cổng. Bà mặc chiếc áo ngoài nấu ăn, nên Hậu đoán ngay đó là bà bếp mà mẹ vẫn thường tả. Bà nhìn Hậu dò hỏi. Hậu vội nói:
– Thưa dì, cháu là con của bà Hai. Mẹ cháu bệnh, cháu đến làm thế ạ.
Bà bếp vừa mở cổng vừa nói:
– Bà Hai bệnh gì vậy con?
– Dạ mẹ cháu bị cảm ạ.
– Rứa à?
Bà bếp người miền trung, nói chuyện rất ngọt ngào. Bà dẫn Hậu vào nhà bằng ngả sau. Hậu ngỡ ngàng lắm với khung cảnh bên trong. Vật gì cũng đẹp, cũng sang cả. Căn nhà bếp này còn sang hơn căn nhà của Hậu. Gạch lát bóng loáng. Tường vôi trắng tinh. Bếp nấu cao ráo với những son chảo sáng ngời. Hậu đứng yên một phút… Bà bếp chỉ cho Hậu cầu thang lên lầu và bảo:
– Họ mới dậy đó! Con đến trễ mười phút, lên mau đi kẻo “bà đầm” rầy. Ấy khoan! Thay áo ngắn đã con!
Bà bếp thân mật với Hậu như biết nhau đã lâu. Bà có nụ cười thật hiền khiến Hậu phải quay lại nhìn một lần nữa khi bước chân lên thang. Thang lầu bằng gỗ lim bóng loáng làm Hậu phải đi dón dén, vừa nghe sự êm ái truyền vào đôi chân. Có bao giờ Hậu được đặt chân vào một ngôi nhà sang trọng như thế này đâu! Hậu sung sướng cười mỉm một mình.
Nhưng nụ cười của Hậu ngừng ngay, vì Hậu nghe một câu nói thô lỗ với giọng ồ ồ:
– Cái dân chó! Cái dân ngu dốt, bò tót, hở! Tới trễ hở? Bò tót!
Hậu run chân. Giọng nói nghe lơ lớ, sai cả dấu nhưng Hậu cũng nghe được đó là một câu chửi rủa. Ai mắng mẹ Hậu thế? Hậu bước nhanh lên khỏi bậc thang chót.

Một gã tây ngồi chễm chệ trên ghế bành, chính là người vừa buông ra câu ấy. Gã trố mắt khi thấy Hậu. Gã hất hàm:
– Nhỏ là ai?
Tự nhiên Hậu mất cả bình tĩnh. Hậu rụt rè nói:
– Tôi là con của bà Hai, hôm nay mẹ tôi đau, tôi làm thế ạ.
Gã tây gật gù:
– Được! Nè nhỏ, xưng bằng “con” nghen! Cấm xưng “tôi” nghen! “Moa” ở An Nam ba chục năm rồi nghen! Đừng tưởng “moa” dốt tiếng An Nam nghen! Xưng “tôi” là hỗn nghen!
Một “bà đầm” ở phòng bên bước qua. Bà đưa mắt nhìn Hậu, ngạc nhiên. Gã tây nói với bà một tràng tiếng Pháp. Bà ta gật đầu, nói với Hậu bằng tiếng Việt khá sõi:
– Chi Ba qua phòng bên trải “ra” giường cho tôi.
– Dạ.
– À, chị Ba mấy tuổi?
– Dạ, mười ba.
– “Bông! Bông!”
Hậu sang phòng ngủ của hai vợ chồng gã tây. Căn phòng cũng rất sang trọng, đồ đạc bày biện chóa cả mắt Hậu. Hậu nhìn thấy một tủ kính chứa toàn đồ chơi. Một con búp bê, lớn bằng đứa bé mới sinh, nhìn Hậu cười thật xinh. Hậu nhìn lại nó, cười với nó. Hậu nghĩ tới em Hồng. Hậu mơ màng thấy con búp bê này trong tay em Hồng. Em ru “à ơi” rất hay. Con búp bê hết cười, nhắm mắt ngủ ngon. Em Hồng đặt búp bê xuống, nhìn lên. Đôi mắt em thật buồn. Rồi gương mặt em nhạt nhòa, để rồi Hậu thấy đống gối mền bề bộn hiện ra… Hậu dụi mắt, trách mình tưởng tượng chi nhiều quá!

Hậu căng tấm khăn trải giường trắng tinh ra, nhét bốn cạnh xuống dưới lớp nệm dày. Giá mình nằm được lên đây, hẳn là êm ái lắm. Hậu nghĩ đến chiếc giường của mẹ, của Hậu và em Hồng, dưới lót rơm, trên trải chiếu, không bằng một phần nhỏ của chiếc giường này. Bàn tay Hậu vuốt trên mặt nệm, mắt Hậu rưng rưng buồn. Rồi đột nhiên Hậu ngả người nằm xuống nệm. Thật tuyệt vời!!! Chưa bao giờ Hậu được nằm trên một cái giường êm ấm thế này. Chưa bao giờ mẹ Hậu dư dả, sung sướng; cũng như chưa bao giờ em Hồng được ôm trong tay một con búp bê. Tại sao mẹ nghèo khó? Tại sao những người chung quanh Hậu, đồng màu da với Hậu, phải khổ nhọc? Hậu không hiểu nổi. Hậu chỉ thấy lan man rằng những người nghèo khổ như mình đều phải đi làm đầy tớ. Những người da trắng, vì sao họ đến đây? Họ giàu có quá! Họ sung sướng quá! Hậu nghĩ đến mẹ, mỗi ngày, đều đặn như một cái máy, đứng trước chiếc giường thần tiên này, khi mẹ trải khăn, mẹ xếp chăn, mẹ có ý nghĩ thèm thuồng như Hậu không? Mẹ có ý nghĩ so sánh tấm nệm êm ái này với mảnh giường ổ rơm mà các con của mẹ nằm không? Chắc chắn là có. Nhưng mẹ che giấu những ý nghĩ ấy trong tâm hồn, mẹ sợ nói ra rồi các con ao ước tội nghiệp. Thật thế, Hậu đang nằm đây, êm ái vô cùng, mà Hậu mơ màng ước gì chiếc giường này là của mẹ con Hậu, mãi mãi là của mẹ con Hậu…

Nỗi ước mơ chưa tan, Hậu nghe những tiếng “rắc… rắc…” thật nhỏ vang lên ở phía cầu thang. Hậu lắng tai. Tiếng “rắc… rắc…” cứ như thế mãi, cách nhau thật lâu. Hậu hoảng hồn. Đúng là có người đang lên thang, rình rập. Trong một thoáng, Hậu nghĩ ngay đến gương mặt của “bà đầm”, với đôi mắt trong xanh long lên giận dữ, nghĩ đến những câu la mắng khinh rẻ. Nhanh như cắt, Hậu ngồi dậy, nhét khăn giường xuống nệm, kéo thật thẳng, và sắp gối mền ngay ngắn trên đầu giường. Công việc làm xong thật mau lẹ, vừa lúc Hậu thấy mái tóc của bà đầm ló lên ở đầu cầu thang.

Hậu thở ra, hoàn hồn, trong khi nét mặt “bà đầm” chưng hửng một cách buồn cười.

***
Anh Đạm khoảng chừng hai mươi tuổi, là người thứ hai mà Hậu có cảm tình, sau bà bếp. Anh làm việc trong nhà để xe suốt cả ngày, trừ giờ ăn và những lúc lái xe đưa rước chủ nhà. Anh luôn luôn mặc bộ đồ ka-ki xám đã nhạt màu. Anh vui tính, nói cười tự nhiên. Anh đến hỏi thăm về sức khỏe của mẹ, và hỏi chuyện Hậu rất nhiều. Giá Hậu có anh nhỉ! Có anh, chắc chắn Hậu và em Hồng, và mẹ nữa, sẽ đỡ khổ. Có một người con trai lớn trong gia đình, gánh nặng sẽ vợi đi biết bao. Cho nên Hậu mến anh Đạm lắm! Anh cũng nghèo, nhưng anh không còn cha mẹ. Anh quý bà bếp, quý mẹ Hậu như mẹ của anh. Anh biết nói tiếng Pháp nữa. Anh bảo lúc nhỏ anh đi học “trường bà sơ”, học toàn tiếng Pháp. “Ông tây” và “bà đầm” nói chuyện với anh bằng tiếng Pháp và rất tin dùng anh.

Mẹ vẫn còn bệnh, nằm liệt giường nên Hậu vẫn phải đi làm thế mẹ đã ba ngày rồi. Ở đây, bà bếp săn đón, bày vẽ cho Hậu nhiều lắm. Anh Đạm hay kể chuyện cho Hậu nghe nữa. Hậu cảm thấy những người này đã thân thuộc với mình từ lâu. Còn ngôi nhà này, nó làm cho Hậu đâm ra ao ước. Hậu ao ước từ chiếc giường êm ái, chiếc tủ đồ chơi đầy ắp trên lầu, đến cái bát, cái muỗng ở nhà bếp. Hậu ao ước từ ly sữa trắng ngần đến cái bánh ngọt thơm ngát do bà bếp làm. Sao mình không được hưởng những thứ đó? Sao mẹ vẫn nghèo? Sao bà bếp, anh Đạm vẫn nghèo??? Cùng với những thèm muốn ước ao, là nỗi băn khoăn mà từ trước Hậu chưa hề có trong đầu. Và buổi sáng Hậu chống tay trên lan can, buồn bã nhìn xuống sân. Hậu thấy chiếc xe hơi màu đen bóng loáng của ông tây nổi bật trên màu sỏi trắng. Và Hậu thấy anh Đạm trong bộ đồ ka-ki xám cũ kỹ leo lên, leo xuống, mở cửa, đóng cửa xe, mời chủ nhà – ông tây, bà đầm, tây lớn, tây bé… Trông anh chán nản như một cái máy di động.

Trưa nay, anh Đạm không nằm trên ghế bố trong nhà để xe mà ra ngoài sân ngồi dưới một gốc cây mận. Cả nhà đều ngủ say. Bà bếp cũng vừa thiếp đi một lát. Anh Đạm vẫy Hậu ra. Hậu thấy anh buồn buồn. Trên gương mặt rắn rỏi của anh, Hậu nhìn thấy những nét tư lự. Anh nói:
– Hậu biết không, “ông tây” bảo anh theo ổng về Pháp làm việc luôn cho ổng.
– Sướng há anh! Anh có bằng lòng không?
Anh Đạm lặng yên. Hậu thấy khó hiểu, ngồi xuống cỏ, nhặt một cành cây khô vẽ tròn tròn trên đất. Giây lát sau, anh Đạm mới nói, giọng anh hạ thật thấp:
– Anh không bằng lòng.
– Sao thế, anh Đạm? Về Pháp sướng chứ anh!
Đôi mắt anh Đạm hướng nhìn lên ngọn cây cao – ở trên đó, những tia nắng vàng hoe đang tìm cách chui lọt qua các kẽ lá rung động.
– Hồi ba anh mất,ba anh có trăng trối là đừng bao giờ bỏ xứ mà đi. Ở đây là quê hương mình. Mình sống ở đây và chết ở đây. Nhất là đi theo người Pháp, về bên Pháp là không nên nữa.
Tia nắng trên cao đã lọt vào trong mắt anh Đạm, khiến khuôn mặt anh sáng rực. Giọng anh lại thấp hơn:
– Tây nó sang đây chiếm nước mình, đô hộ mình. Mình làm nô lệ cho nó, nhục lắm! Theo nó lại càng nhục hơn. Anh chẳng ưa gì tụi nó. Nhưng hồi ba mất xong, anh trơ trọi một mình, không có việc làm. Sẵn dịp ông tây cần tài xế, anh đành phải làm cho nó. Nó thấy anh biết nói tiếng Pháp nên nó chiều chuộng anh, chứ anh không thích tí nào. Nhất là khi nghĩ đến ba anh, anh chán lắm! Ba anh trước là phu mỏ cho tây ở ngoài bắc. Ông đã chịu khổ nhục với tụi nó rất nhiều. Tụi nó khinh mình như con vật.
Những lời anh Đạm nói như làm cho bầu không khí nặng nề kỳ lạ. Hậu ngồi im. Lần đầu tiên Hậu được nghe những điều ẩn giấu sau vẻ bề ngoài cởi mở thật thà của anh. Giọng anh đột nhiên cứng nhắc:
– Nhất là khi tây nó xài tiếng Việt để chửi người Việt, nhục lắm, Hậu ạ! Hậu hỏi mẹ Hậu thì biết…
Hậu giật mình, lạnh cả người. Ừ nhỉ! Cái buổi sáng đầu tiên đến đây, Hậu đã nghe câu chửi độc ác của gã tây – câu chửi bằng tiếng Việt hẳn hoi – cái dân ngu dốt, bò tót, hở! Tới trễ hở! Bò tót!.. Từng chữ, từng chữ như tiếng chuông đồng xoáy mạnh trong màng tai. Chính Hậu đã nghe mà, chứ đâu cần hỏi mẹ. Mẹ có bao giờ nói đâu! Thương mẹ chưa! Mẹ chắc đã nghe như thế rất nhiều, nhưng mẹ nào có mở miệng nói cho ai biết. Nỗi khổ nhục đó ư? Đau xót đã dồn nén trong lòng mẹ, mẹ chịu một mình. Đến bây giờ Hậu mới biết nỗi đau xót đó. Đến bây giờ Hậu mới được anh Đạm bảo cho nghe thân phận của mình.

Hậu nhìn anh Đạm. Anh lạnh lùng đến dễ sợ. Môi anh mím lại, tái ngắt. Con người liến thoắng, cởi mở của anh biến mất, anh chỉ còn lại nét đăm chiêu.

Hậu thẫn thờ bẻ vụn que cây khô, thả rớt tơi tả. Tiếng lá mận rơi trên sỏi trắng nghe thật rõ. Anh Đạm đứng dậy, đổi giọng:
– Thôi đừng nói chuyện ấy nữa. Hậu có gì vui kể cho anh Đạm nghe coi! Kể chuyện giữ em, bị em quăng đất cùng áo đi nào!
Hậu lắc đầu. Tự nhiên cổ họng Hậu cứng ngắc. Hậu nhìn sang ngọn đồi bên kia. Ẩn hiện sau những cây thông cao ngất, đó là một đồn canh của tây. Vút lên cao, lá cờ Pháp tung bay phất phới. Tự nhiên mắt Hậu nóng ran. Hậu cúi đầu nuốt nước bọt một cái, và nghe nỗi đau dâng lên…

***
Cơm chiều dọn vào lúc năm giờ. Tối nay “ông tây” “bà đầm” có công việc phải đi nên ăn sớm. Bà bếp phải làm việc thật nhanh. Anh Đạm phải lau chùi xe thật bóng loáng.

Mọi khi, trong giờ cơm Hậu thường ở dưới nhà bếp hay lang thang trong vườn. Nhưng hôm nay thằng bé con út lại đòi Hậu chơi với nó. Nó đã bắt đầu mến Hậu. Vì thế Hậu phải vào phòng ăn để đút cơm cho nó. Hậu thấy thèm cái khung cảnh nhà “ông tây” “bà đầm” quá! “Ông tây” “bà đầm” trông sang trọng, đài các, ăn có khăn lau một bên, vừa ăn vừa nói cười thích chí. Mấy “cô tây”, “cậu tây” cũng trang trọng đường hoàng. Đèn trong phòng ăn sáng choang, nhạc mở du dương. Thằng bé út lâu lâu lại đập tay, la hét, phì cả “xúp” vào người Hậu. Nó lại ôm Hậu, thân thiết như chị nó. Hậu nhìn đôi cánh tay bụ bẫm của nó, rồi Hậu nhớ đến đôi cánh tay gầy guộc của em Hồng. Thương em quá! Giá em được ăn một bữa như thế này, một bữa thôi, cho thỏa nhỉ! Có hôm Hậu mang về một mẩu bánh kem nhỏ, một thỏi kẹo con con, em cũng mừng suốt cả ngày. Em gặp ai cũng khoe, cũng xuýt xoa, làm Hậu đến ngượng cả mình.

“Bà đầm” ngừng ăn, nhìn Hậu, cười:
– “Chị Ba” chịu khó làm tử tế đi, tôi để chị làm luôn, trả tiền cho “chị Ba” nhiều, chịu hông?
Hậu mỉm cười không nói. Hậu nghĩ đến những lời nói cứng ngắc của anh Đạm ban trưa: “Nhất là khi tây nó xài tiếng Việt để chửi người Việt, nhục lắm, Hậu ạ!”. Hậu run run. Hậu nhìn sang “ông tây”. Cái mặt “ông tây” đỏ gay đến dễ ghét. Chính người này đã thốt nên câu chửi rủa trong ngày đầu tiên Hậu đến – và chắc đã chửi rủa nhiều lần. Chính người này đã dùng tiếng Việt để chửi người Việt. Hậu thấy giận run lên. Hậu mím môi nhìn xuống, không trả lời “bà đầm” nổi.

Bà bếp mang thức ăn tráng miệng vào phòng, đặt trước mặt mỗi người. “Ông tây” thì đang rót rượu vào cốc, nâng lên môi sắp uống. “Bà đầm” thì đang cắt chiếc bánh kem. Lũ con của họ, đứa nào cũng còn đang cắm cúi ăn. Và Hậu thì đang lau mồm cho thằng bé đang nguầy nguậy khóc. Chợt từ đồn canh ở ngọn đồi bên kia, tiếng “kèn tây” trổi lên, vang vang. Như chớp, “ông tây” để nguyên cốc rượu bên môi, không uống. “Bà đầm” ngừng tay, nhưng vẫn để yên con dao trên đĩa trái cây. Họ như những pho tượng, bất động và yên lặng. Không khí trong phòng như đặc lại. Hậu nghe cả tiếng thở của mỗi người. Hậu nhìn thấy mặt “ông tây” đỏ gay vì rượu, mặt “bà đầm” tỉnh khô, mặt lũ con của họ ngây ra, mặt bà bếp cúi xuống, nhẫn nại. Chỉ có thằng bé út là cựa quậy nhưng cũng không dám la hét trước cảnh im lặng đó. Tiếng nhạc liên tục, hùng hồn. Hậu nhìn quanh căn phòng. Đôi mắt Hậu bắt gặp khung cửa sổ treo màn hoa nhìn ra vườn. Cây cỏ bên ngoài tưởng như cũng đang tỏ vẻ nghiêm trang theo. Nhưng, trong nhà để xe – Hậu thấy thật rõ – anh Đạm đang lui cui đóng, gõ, quay… bình thản như không hề biết đến tiếng nhạc đang trỗi. Hậu ngạc nhiên. Hậu trố mắt nhìn. “Ông tây” liếc thấy cũng nhìn theo. Rồi “bà đầm” nhìn theo, Bà bếp cũng nhìn theo, biến sắc mặt. Màu đỏ trên mặt “ông tây” dần dần biến sang màu tím ngắt. “Ông tây” bậm môi lại…

Bài nhạc dứt. Lũ tây con hau háu tiếp tục ăn. “Bà đầm” cắt tiếp chiếc bánh kem. Bà bếp thu dọn bớt chén đĩa dơ. Hậu tiếp tục lau mồm cho thằng bé. “Ông tây” nốc nhanh cốc rượu, đặt xuống bàn một cái thật mạnh, và đi đùng đùng đến bên cửa sổ. Ông ta chống tay trên khung cửa, chồm người ra gọi lớn:
– Đạm!
Anh Đạm vẫn cắm cúi gõ “keng, keng” trên thanh nhíp sắt, không nghe. “Ông tây” gào to:
– “Sốp phơ !”
Hậu thấy anh Đạm ngẩng lên. “Ông tây” tru tréo:
– “I xi”
Bà bếp nhìn Hậu, lắc đầu. Hậu không hiểu gì hết. Anh Đạm thản nhiên, lững thững đi vào. Anh xuất hiện ở cửa phòng, đôi bàn tay dính đầy dầu mỡ. “Ông tây” tiến đến, nói một tràng tiếng Pháp với giọng tức giận. Anh Đạm trả lời bằng tiếng Pháp, giọng anh rắn rỏi khác thường. “Ông tây” càng tức giận hơn, nói ào ào xối xả. Anh Đạm như không muốn thua, cũng to tiếng nói lại. Bà bếp bảo nhỏ vào tai Hậu:
– Cái chú Đạm ni kỳ. Răng bữa ni lại như rứa?
Hậu hỏi:
– Chuyện gì vậy dì? Con chẳng hiểu.
– Thì lúc mô nghe bài chào cờ tây ở bên tê trỗi lên mình phải nghiêm để chào. Mọi khi chú vẫn rứa, răng hôm ni chú đổ chứng a tề?..
Anh Đạm và “ông tây” càng nói dữ hơn, và thành gây gổ thật sự. Cả hai nói tiếng Pháp, nhưng nghe bà bếp nói, Hậu đã hiểu chuyện. Anh Đạm không nể nang “ông tây” như trước nữa. Mặt anh đỏ bừng hơn cả mặt “ông tây” lúc nãy. Hậu mơ hồ nghe lại lời anh ban trưa – Tây nó sang đây chiếm nước mình, đô hộ mình. Mình làm nô lệ cho nó, nhục lắm! – Mắt anh rực lên những nét căm hờn cực độ. “Ông tây” càng ngày càng giận run. Chợt ông ta buột miệng nói bằng tiếng Việt:
– Đồ bò tót! Dân ngu! Dân mọi rợ! Dân nô lệ!..
Anh Đạm ngừng cãi, trừng mắt nhìn gã tây. Anh cắn chặt hàm răng, vung tay tát gã một cái thật mạnh. Gã tây loạng choạng… “Bà đầm” kêu ầm lên. Lũ tây con la ó sợ hãi. Thằng bé út khóc ré lên. Gã tây long mắt đến dễ sợ. Thình lình gã phóng chân đá thốc vào bụng anh Đạm. Anh Đạm kêu lên đau đớn. Gã tây tiện đà xông tới ôm anh Đạm vật xuống. Thân hình kềnh càng nặng nề của gã đè trên thân hình mảnh khảnh của anh Đạm. Gã đấm, thoi anh Đạm túi bụi. Anh Đạm hét vang. Gã tây không tha, vừa đánh vừa chửi:
– Bò tót ! Ngu mọi!
Đến khi “bà đầm” can ra, gã mới chịu rời. Lúc đó anh Đạm nằm bất động dưới đất. Anh trông thảm hại như một con vật. Bà bếp run rẩy, lấm lét nhìn vợ chồng gã tây. Rồi bà đến đỡ anh Đạm dậy. Anh Đạm đã ngất đi. Máu trong miệng anh ứa ra. Khắp người anh đều có vết sưng tím. Bà bếp trông sợ sệt, rụt rè. Bà lay gọi anh, nhưng đôi mắt vẫn lấm lét nhìn lên. Hậu cũng hoảng hốt, nhưng Hậu không biết làm gì. Tay chân Hậu như tê dại cả đi.

Hậu nhìn quanh căn phòng. Đột nhiên Hậu thấy không khí ngột ngạt như một địa ngục. Đôi mắt gã tây khinh thị nhìn xuống, đôi mắt bà bếp e ngại nhìn lên. Anh Đạm thì thảm thương nhục nhã. Và Hậu thì lạc lõng trong khung cảnh này. Hậu sợ hãi quá! Kinh khủng quá!!! Lời nói ban trưa của anh Đạm lại vang lên đều đều, lạnh lẽo. Câu chửi rủa của gã tây lại xoáy mạnh vào óc. Tai Hậu ù, và mắt Hậu nhòa đi…

Rồi bất chợt Hậu chạy vụt khỏi phòng, bỏ tất cả lại sau lưng. Hậu chạy băng băng trên con đường rải sỏi trắng. Tiếng sỏi rạo rạo dưới chân Hậu. Hậu chạy ra cánh cổng cao lớn. Hậu chạy xuống những bậc thang bằng gạch. Chân Hậu vướng vít. Hậu vẫn cắm đầu chạy như điên. Gió buổi chiều thổi tạt vào mặt Hậu ran rát. Hơi sương đã xuống lành lạnh. Tiếng thông reo rì rào, xua đuổi sau lưng. Hậu chạy, không nhìn lại… Nước mắt bắt đầu tuôn ra, chảy rào rạt trên má. Hậu vẫn cắm đầu chạy băng băng…

… Và Hậu ngừng lại trước ngôi nhà nghèo nàn của Hậu. Hậu đứng sững, rồi Hậu òa khóc ngon lành. Ôi mẹ Hậu! Em Hồng! Hậu sẽ sà vào lòng mẹ mà khóc, mà nói: “Mẹ ơi ! Con không thèm làm việc cho nhà đó nữa đâu! Nhục lắm! Thảm lắm!” Nhưng thương ơi ! Mẹ Hậu nằm kia, hơi thở còn mệt mỏi. Em Hồng ngồi kia, cành thông khô làm búp bê chơi. Hậu thấy đôi mắt em mở to, thật buồn. Nhục lắm mẹ ơi! Em ơi!!! Mình làm nô lệ cho nó, nhục lắm! Nhưng không làm cho nó, mẹ con Hậu sống cách nào? Rồi thì Hậu sẽ phải tiếp tục đi làm. Rồi thì mẹ mạnh, mẹ sẽ phải tiếp tục đi làm. Hậu sẽ phải nuốt cực. Mẹ sẽ phải nuốt nhục. Nước mắt thi nhau rơi thật nhiều. Hậu buồn bã nhìn căn nhà yêu dấu. Và cúi đầu, Hậu nuốt nỗi nghẹn ngào đang dâng lên…

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Bán nguyệt san Tuổi Hoa
Số 106, 15/5/ 1969

———————————————————————————
* Chân thành cảm ơn tác giả Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh đã cho phép http://tuoihoa.hatnang.com đăng lại truyện trên

  1. Không có bình luận
  1. No trackbacks yet.

Bình luận về bài viết này