Màu Kỷ Vật


Đỏ lửa (1972)
tranh Nguyễn Thị Mỹ Thanh

1
“Em… có kẹo trong túi không? Cho chị xin cục kẹo.”
Đoan thọc nhanh tay vào túi áo, rồi ngơ ngác. Chết, hôm nay mình quên mang theo kẹo. Đoan trả lời:
“Em hết kẹo rồi. Xin lỗi chị. Em cứ tưởng còn một ít trong túi…”
“Thôi không sao. Cám ơn em. Để chị uống nước.”
“Chị, chị có sao không?”
“Chị không sao. Tự nhiên đói bụng…”
Đoan ái ngại nhìn chị Hai, chợt thấy tự trách mình. Thì ra chị Hai đói bụng, xin viên kẹo. Mà không có kẹo thì chị đi uống nước. Hình như sau khi uống nước sẽ thấy đỡ đói. Có những “nguyên lý” như thế, Đoan học được nơi đây. Mà hình như nơi đâu cũng vậy. Khi đói, uống nước cũng no được một chút. Có thật vậy không?
Chưa tới giờ cơm trưa. Mỗi người đi làm đem theo một “lon guigoz” (1) cơm, phần đó đến đúng giờ mới được ăn. Có người làm việc giữa chừng, đói bụng, cũng không đụng tới lon cơm. “Gia tài” cho một ngày là đó.
Chị Hai đã uống một ly nước đầy và đi làm việc tiếp. Đoan vào lại chỗ của mình. Như một phản xạ, Đoan lại cho tay vào túi, làm như tìm xem trong đó có sót lại một viên kẹo chăng. Mơ hồ, Đoan nhớ ngày xưa Đoan hay ví một hành động “vớt vát” nào đó như là “tìm con cá sót lại trong chiếc giỏ của cô Tấm.” Mắt Đoan cay cay. Bỗng như thấy mình đang đi vào lại đường cây còng. Mùa mưa, những chiếc lá trên cao đọng nước, rũ nhè nhẹ xuống tóc Đoan, nghe mát. Hai túi áo blouse lúc nào cũng đầy kẹo. Đoan vào trại bệnh. Những dãy giường đầy người. Thay băng xong cho ai, Đoan tặng người ấy một cây kẹo. Có lần, một chú thương binh phì cười, nói:
“Cô này cho kẹo để tụi tôi đừng khóc vì đau. Cô dỗ tụi tôi.”
Thật ra, họ là người lớn, những người lớn dạn dày, không có kẹo họ cũng không khóc. Thế mà duy nhất một lần, Đoan chứng kiến một anh thương binh khóc nức nở khi y tá đến rửa vết thương cho anh. Rồi anh kêu lên “Má ơi!” Không phải vì đau, mà chắc vì thấy da thịt của mình vỡ toang, anh động lòng thương mẹ… Hôm đó không còn kẹo, nhưng Đoan biết ý, làm anh hết khóc. Đoan hát cho anh nghe bài “Sương Trắng Miền Quê Ngoại.” (*) Bài hát đó đã trở thành một dấu ấn sâu đậm với Đoan. Và dường như những người lính trận đều thích nó.
… Như có tiếng gọi kéo Đoan về thực tại. Chưa đến giờ nghỉ, nhưng bà con xôn xao. À thì ra là có “loa” gọi các tổ đi nhận thịt. Thịt heo “tiêu chuẩn” đấy! Hai chị có nhiệm vụ lo “đời sống” cùng đi xuống “căn-tin” để rinh thịt về. Rồi cũng chính hai chị bày hết đống thịt heo lên một chiếc bàn lớn, bắt đầu làm cái việc “công bằng”. Vì phòng có mười người nên cái gì cũng phải chia làm mười cho… công bằng. Thịt nạc cắt làm mười, mỡ chia làm mười, bạc nhạc chia mười, đến xương cũng chặt làm mười. Đoan lắc đầu, trước thấy lạ, sau cũng quen rồi. Các chị muốn làm gì thì làm. Đôi khi những việc chia phần như vậy khiến các chị đỡ chán, và cũng đỡ đói, vì biết chiều nay nhà có chút thịt để ăn.
Chị Hai nhận giùm phần cho Đoan, dặn:
“Chị để trong tủ lạnh, em nhớ đem về.”
“Dạ, cám ơn chị.”
Chợt Đoan nhớ tới Ba. “Ông công chức” quen sống nề nếp xưa, tác phong tề chỉnh khoan thai, không chấp nhận cái việc đem thịt cá treo trước xe lủng lẳng. Ba kể rằng các cô trong phòng phải mang thịt cá ra tận xe Ba, che đậy sao cho “không giống giỏ chợ”, năn nỉ Ba mang về. Thấy tội các cô quá, Ba phải mang. Mà cũng vì câu nói của một cô, “Bác không mang về thì tội cho bác gái và các em.” Ba đã chịu thua.
Đoan về cơ sở này được hơn một tháng. Đây vốn là một viện nghiên cứu, nhưng nếu chỉ “nghiên cứu” không thôi thì nhân viên sẽ bị đói. Vì vậy người ta đã nghĩ ra, và cho phép, “làm đời sống.” Nghe lạ lùng. Nói nôm na là lo cho cái ăn, cái mặc. Mua thịt, cá về chia cho nhân viên, bán hàng giá rẻ, phân phối vài người chung một món… là “làm đời sống.” Quan trọng lắm đấy! Bởi trong thời buổi cái gì cũng hiếm hoi, người ta chú mục vào “chuyện đời sống” khá nhiều. Những cảnh chia bôi hàng họ, Đoan đã quen thấy trong mấy năm cuối ở trường đại học. Hồi đó Đoan cũng ngại ngùng, miễn cưỡng khi nhận gạo, khoai, bột mì mang về. Sau rồi cũng chịu thua vì “ai sao mình vậy.” Bởi vì về đến nhà thì cũng phải ra xếp hàng mua gạo, mua thịt cá hoặc trăm thứ hàng khác.
Chưa hết, nếu chỉ mua hàng về chia thì chưa đúng nghĩa “làm đời sống” mà phải làm ra tiền thì mới trọn vẹn. Làm cái gì cho ra tiền ngoài đồng lương cố định do nhà nước phát? Về khoản này thì Đoan cũng không lạ gì, bởi sau ngày ba mươi tháng Tư gia đình Đoan đã có nhiều sáng kiến, phần nhiều là từ Má. Sau một thời gian đã bán gần hết những thứ quý giá trong nhà, Má đi Xa Cảng Miền Tây mua gà, mua gạo về bán. Má cùng mấy bà bạn đi Bảo Lộc buôn trà, buôn cà phê, mỗi lần chỉ có vài ký, mà phải tránh né thuế vụ đến ngộp thở. Xưa nay Má chưa từng biết buôn bán, thời thế bắt phải bung ra, rồi cũng quen. Còn Đoan được chị bạn rủ đạp xe đi lên tận các lò đường ở Bình Dương, Lái Thiêu mua đường tán, đường thẻ về bán, lấy công làm lời; hoặc nấu chè, làm bánh, “dụ” mấy đứa trẻ trong xóm mua ăn. Còn biết bao nhiêu việc lặt vặt khác, cái gì cũng làm được, gọi là kiếm chút tiền còm để phụ gia đình mua gạo.
Trước giờ tan sở, chị Hai lại nhắc Đoan mang thịt về. Đoan trao phần thịt cho chị, nói:
“Chị ăn giùm em nhé!”
Chị Hai ngạc nhiên:
“Sao được?”
“Chị cho em gửi, chị dùng giùm em. Hôm nay cả nhà em đi vắng hết, em thì ăn chay.”
“Thì em kho để dành…”
“Dạ thôi, để khi khác. Lần này… em biếu chị.”
Chị Hai tần ngần một lát rồi nhận gói thịt. Chị cám ơn Đoan, đôi mắt ánh lên một chút vui…

2
Đoan cùng với dì Tám ra khỏi phòng làm việc, đi về hướng cuối đường bên trái viện. Dì Tám xách một xô đựng cơm nấu với rau các loại. Đoan cầm cây chổi, một lát thì đổi tay cho dì. Nơi đến của họ là cái chuồng heo. Chỉ là một cái chuồng heo “dã chiến” vì trước đây chưa từng có. Đoan đã thấy thấp thoáng hai con heo. Theo sự “phân công” thì mỗi hai người trong phòng sẽ lo việc “chăn heo” một bữa trong tuần. Đây là lần đầu Đoan trông thấy chúng. Tự nhiên Đoan hơi chùn chân. Mình không có “kinh nghiệm” chăn heo, biết làm gì đây? Nhưng dì Tám đã mở cửa chuồng và vào trước. Dì đổ thức ăn vào cái máng. Hai con heo kêu inh ỏi. Chúng xông đến vục hai cái mõm vào máng, ăn hùng hục. Thoáng hai phút, máng thức ăn đã hết. Dì Tám bảo Đoan xịt nước tắm cho chúng, còn dì thì cầm chổi quét dọn sàn. Xem ra công việc cũng không đến nỗi khó khăn, chỉ tội là ướt át. Tắm heo xong, chốc nữa chính mình cũng phải tắm chứ không thể đem mùi heo vào phòng làm việc. Nhưng… không biết đến ngày bán heo, mình có phải ôm con heo cho người ta trói nó không? Lúc đó tụi nó lớn khủng khiếp rồi, làm sao mình giữ nó nổi? Đoan rùng mình…
Dì Tám chừng như đoán được ý nghĩ của Đoan, nên nhắc nhỏ:
“Mình về được rồi cô ạ!”
“Dạ.”
Dì Tám cười thật hiền hậu:
“Cái gì rồi cũng quen. Nhưng cũng tội cho cô.”
Đoan vội nói:
“Dạ không đâu dì! Cháu rồi cũng sẽ quen. Khi mới ra trường, sở cũ bảo khoan làm chuyên môn mà hãy đi lao động cuốc đất trồng khoai một tuần lễ cho quen. Tụi cháu cũng đã làm được.”
Dì Tám thở dài:
“Biết là vậy, nhưng viện nghiên cứu đâu phải nông trại. Mà chắc gì làm nông hay chăn nuôi ở đây đã có lời! Chẳng qua là họ có ý “giáo dục” mình thôi!”
Rồi như một phản xạ, dì Tám nhìn quanh. Không có ai ở gần hai dì cháu. Đoan không nói thêm, nhưng thấy thương dì Tám quá! Đoan gọi dì bằng “dì” vì nghe các chị nói dì có con gái kém Đoan một tuổi. Chưa có ai nói gì về chồng của dì, còn hay mất. Đoan nghĩ khi có dịp và đủ thân, Đoan sẽ được nghe dì thố lộ.
Từ đàng xa có một người đi lại. Dì Tám chào trước. Người kia là một nam nhân viên trạc khoảng tuổi dì. Ông đưa mắt nhìn Đoan. Dì Tám giới thiệu:
“Đây là anh Nhân, làm phòng Hóa. Còn đây là thầy tôi, cô Đoan. Cô ấy mới chuyển về viện mình.”
Hai người chào nhau. Ông Nhân nhìn xô, chổi trên tay hai dì cháu, lắc đầu.

3
“Đây là thầy tôi.” Nghe lạ. Nhưng nó không lạ với những người làm việc ở viện này từ nhiều năm trước đây. Dì Tám giải thích cho Đoan hiểu. Nhân viên gọi “sếp” của mình là “thầy”, dù người đó là nam hay nữ. Người đứng đầu một đơn vị làm việc bao giờ cũng có kiến thức hơn, lo toan mọi bề, chỉ dẫn công việc cho nhân viên của mình, và trên hết là nhận lãnh trách nhiệm nặng nề hơn. Thường thì người “sếp” là nam, lớn tuổi, nhưng trong trường hợp là nữ và nhỏ tuổi hơn họ, họ vẫn gọi là “thầy” như dì Tám gọi Đoan hôm nay. Đó là cái nề nếp mà một số ít người, như dì Tám, muốn giữ, giữa một bối cảnh xô bồ, người ta gọi nhau “anh anh chú chú.” Theo Đoan, hình như đó cũng là cái “sức đề kháng âm thầm” mà họ phải có để tồn tại – tồn tại theo cái nghĩa cao cả của họ.
Và để tồn tại theo nghĩa bình thường, nghĩa đen, nghĩa vật chất, mỗi ngày đều có chuyện “đời sống” để mọi người quan tâm. Ở phường khóm thì có xếp hàng mua gạo và nhu yếu phẩm. Ở sở làm thì có chia bôi hàng họ. Các “sếp” đều phải thông cảm cho nhân viên của mình, một lúc nào đó trong ngày, tạm ngưng công việc chuyên môn để đi “căn-tin” lãnh hàng về chia. Ở phòng của Đoan, các chị còn lo lắng nhiều hơn về chuyện “đời sống” vì đơn giản là ai cũng nghèo.
Hôm nay, chị Bảy, nhà ở tận Nhà Bè, đạp xe đi làm còn mang theo nào cọng bông súng, nào con còng. Chị thương bà con thiếu thốn, giới thiệu “món ngon” ở quê chị. Những món này, thoạt nhìn thì lạ, tập ăn dần đâm quen. Cọng bông súng chát chứ không ngọt như ngó sen, phải tước vỏ rồi cắt khúc, trộn gỏi hoặc xào. Còn con còng bé xíu và có rất ít thịt, nhưng ram mặn thì cũng được một món. Nhiều ngày bà con đi làm mang theo “lon gô” cơm chỉ có cơm độn khoai và một nhúm muối ớt. Nước mắm, nước tương cũng trở thành “xa xí phẩm.” Có món còng ram coi như hôm đó có đại tiệc.
Nhìn chị Bảy tưới nước rửa rổ còng, chuẩn bị chia cho bà con mà thương. Chị tính giá tiền rất rẻ, với tâm lý tương thân tương ái chứ không phải con buôn lấy lời. Đoan hỏi chị:
“Mấy con còng này, làm sao để bắt hở chị Bảy?”
“Mấy đứa nhỏ ở nhà đi bắt ở ven sông. Cũng cực lắm em à! Phải lội ở những chỗ sình. Còng nhỏ xíu, lại ở trong hang nên khó bắt lắm. Nhưng thời buổi này, có cái ăn, có cái bán là mừng rồi. Gặp còng non hay còng lột, mình nhai luôn cả vỏ. Mấy chị em nói đùa là ăn như vậy cho khỏi thiếu can-xi. Em cũng lấy một ít, về nhà làm một món ram cũng tốt.”
“Dạ, em sẽ thử.”
“Mà… em trước giờ chắc chỉ biết đi học, làm việc nhẹ nhàng. Khổ cực quá em có chịu nổi không?”
“Không phải vậy đâu chị. Em cũng đã…”
Đoan ngừng lại. Thôi, chẳng nên nói. Đoan hỏi tiếp:
“Em nghe nói giã cua, giã còng làm riêu, có phải con còng này không hở chị?”
“Là cua đồng, hoặc loại còng này cũng được. Giã nát xong thì lược bỏ vỏ, lấy nước làm riêu, ngon lắm em à!”
“Em tưởng tượng không thôi mà đã thấy ngon rồi. Bây giờ em cũng thích “làm nghề giã cua” để ăn món còng của chị.”
Đoan cười. Chị Bảy cười theo:
“Vậy mai mốt chị đem dụng cụ giã cua vô cho em mượn nhé!”
“Dạ.”

4
Chị Bảy đã mang cho Đoan mượn cái cối giã cua của chị.
Nhưng chị không để mọi người biết, mà kéo Đoan vào một góc, nói nhỏ:
“Em cất liền đi, đừng để ai thấy, dùng xong trả lại cho chị.”
Đoan giật mình khi trông thấy cái cối của chị Bảy. Là một cái nón sắt. Cái nón sắt nhà binh! Tự nhiên tim thắt lại, đau nhói. Chị Bảy nắm chặt tay Đoan, nghẹn ngào:
“Chị biết khi em thấy nó em sẽ ngạc nhiên, nhưng đó là kỷ vật của em trai chị.”
“Em trai của chị hở?”
“Phải. Chiếc nón này, bị mẻ một phần nơi vành nên không dùng để đội nữa, em trai chị mang về để ở nhà. Trong những ngày cuối cùng, em đã mất tích luôn. Có người nói em đã tử trận nhưng không mang được xác về. Rồi thôi, đâu có ai chịu trách nhiệm tìm kiếm nữa. Mọi người đi hết vào tù. Chị và gia đình không nỡ vứt bỏ di vật của em. Nhiều người nói dùng nó làm cối giã cua, để trong góc bếp, sẽ không bị ai bắt bẻ. Ban đầu chị thấy kỳ quá, không được chút nào! Nhưng dùng riết, chị cảm thấy như hơi hướng của em mình qua cái nón này thấm vào món ăn, nó ngon lạ lùng em à!”
“Thương quá hở chị! Rồi… sao chị lại đem cho em mượn?”
“Vì chị tin em.”
Đoan rớt nước mắt theo chị Bảy. Đoan gói kỹ chiếc nón, cất vào giỏ. Chị Bảy căn dặn:
“Ai có hỏi thì em nói đó là cái cối giã cua nghen!”
“Dạ. Nhưng em sẽ không dùng để giã cua.”
“Vì sao?”
“Em sẽ vẽ lại cái nón này. Chị cho phép em nhé!”
“Em cứ vẽ.”
Đêm đó, Đoan đặt chiếc nón sắt trên bàn viết. Đoan chưa bao giờ mơ làm họa sĩ. Từ bé, mỗi khi muốn vẽ chân dung của ai thì xin người đó một tấm hình, kẻ ô vuông lên đó, rồi cũng kẻ ô vuông lên tờ giấy bìa lớn, sau đó vẽ theo từng nét, giống như học trò vẽ bản đồ. Tranh cũng khá giống hình gốc. Còn vẽ cảnh thì chỉ vài lần, tùy cảm hứng, trong đó có một lần Đoan vẽ người thương binh cụt tay đứng nhìn chiếc cầu bình yên, và một lần vẽ khung trời đỏ với màu của hỏa châu. Không bao giờ làm họa sĩ cả.
Lần này, Đoan vẽ chiếc nón sắt, không còn là cái cối giã cua của chị Bảy, mà như được truyền vào đó cái hồn của người lính. Ôi, mình vẫn còn mơ mộng sao? Mơ mộng quá sẽ không thích nghi với đời sống này, thứ đời sống “thực tế” bởi luôn thiếu thốn, đói khát? Hàng ngày chứng kiến chuyện chia bôi hàng họ, mang xách gạo cơm mắm muối, Đoan sợ mình sẽ đánh mất mình. Nhưng mọi người vẫn sống, phải sống. Và, vẫn ẩn hiện trong mỗi người một “sức đề kháng âm thầm” để giữ mình không mất.
Đoan say mê ngắm cái nón sắt, ngắm bức tranh lạ lùng của mình. Trên nền giấy trắng, Đoan cho một màu xám đục, màu của sương trắng, màu của khói, màu của sự mất mát, màu của một sự trung thành không tên.

Tháng 5, 2018
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

(1)Guigoz: tên một loại sữa bột cho trẻ con ngày xưa; “lon guigoz” hay “lon gô” dùng để đựng cơm rất thông dụng.
(2) Sương Trắng Miền Quê Ngoại, nhạc phẩm của Đinh Miên Vũ, xuất bản năm 1970