Thơ Còn Mãi Trong Tâm

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
.
(Chú thích: Những đoạn thơ trong bài xin được trích từ các tác phẩm của Nhà Thơ- Người Lính Trần Miên Trường.)
.
1
Bà nội hờn mát nói:
“Cái thằng ni, đi mô mà đi hoài!”
Long cười, nịnh bà nội:
“Con đi lính mà, nội! Làm lính thì đi hoài là phải rồi. Nội muốn mua chi, con mua cho?”
Bà nội lườm:
“Mua chi mà mua? Mi đi miết, vô mà lấy vợ trong Nam đi!”
“Dám lắm á! Con làm thiệt đó nội!”
Anh buồn cười, quả là mình đã “lây” nhiều tiếng miền Nam lắm rồi. Lần nào về nhà cũng vậy, cứ chạy theo mà phân trần với nội cũng đủ hết ngày. Còn nữa, phải phụ mẹ làm mọi chuyện, cái gì trong nhà, sau vườn, cần sửa là anh sửa. Nhà không có đàn ông.
Năm nay rất hên là mình được nghỉ phép vào dịp Tết. Mọi năm thì không, đến Tết là phải cấm trại. Cầm giấy phép trong tay, bay vù ra Huế liền, thăm bà nội, mẹ và các em. Chà, cái tụi nhỏ, ngoan thì cũng ngoan mà “lý sự” cũng nhiều. Mình làm anh cả mà đi hoài, các em phải tự “coi” nhau. Long thở dài, miễn sao tụi nó giữ được lòng nhân hậu là được. Nơi mảnh quê hương tội nghiệp này, bao nhiêu điều đã đổ vỡ, tan nát sau một trận chiến. Cũng sau trận chiến đó, anh vào lính. Tính đến nay đã được hơn hai năm, anh mang màu áo hoa dù.
Một đôi mắt tròn xoe đang nhìn anh. Đôi mắt như đang muốn hỏi anh một điều gì. Anh bế cô bé lên. Chà, em nhẹ tênh như một con búp bê. Thương quá!
“Anh Long, anh Long ở nhà luôn, chơi với em?”
Anh cười nhẹ:
“Anh phải đi chứ, bé!”
“Anh đi đâu?”
“Anh đi làm.”
“Làm việc gì?”
“Làm lính.”
“Làm lính có bày đồ hàng không?”
Anh phì cười:
“Có.”
“Vậy thì vui.”
Anh ngưng bặt. Anh nghĩ đến những món “đồ hàng” của mình. Không phải nồi niêu, bếp lò, búp bê, xe cộ… mà là ba-lô, là súng đạn, là hỏa châu, là cánh dù… Là những đêm thức trắng, là những ngày dầm mưa…
Hai anh em ngồi xuống thềm nhà. Long rút giấy bút ra, viết nhanh.
“Thức dậy cùng anh đi hỡi em
Gió đem từng hạt nắng qua rèm
Hoa, Dũng, Hồng, Hương, Phương- các bé
Môi ngọt lời chim ca hát lên…”
(1)

Anh nói với em út:
“Mình sẽ chơi bán hàng nghen! Bé làm bà bán hàng, anh làm người mua. Mình rủ hết Hoa, Dũng, Hồng, Hương chơi nghen em! Mai anh đi rồi!”
Bé Thu Phương ngơ ngác. Nhưng rồi khi các anh chị của mình xuất hiện, bé vui ngay. Cái quán bán bún bò của bé được bày ra trong chớp mắt. Long thấy mình được làm trẻ thơ. Anh thoáng thấy trong nhà, mẹ đang nhìn ra, lặng im như pho tượng.

2

“Chữ viết của anh Long đẹp quá!”
“Ồ, mình viết tháu lắm, đâu có đẹp!”
“Anh Long nói vậy thôi, chứ ít người có chữ viết như vậy, trông hay lắm!”
Mà hay thật, Long có lối viết chữ nghiêng hẳn về phía trước, như còn đang là học trò. Anh rất siêng viết. Mỗi số báo đều có bài của anh. Dù đang nghỉ phép hay ra mặt trận, Long đều gửi bài đều đặn. Mà anh cũng rất siêng đến tòa soạn. Hễ được nghỉ phép là anh chạy đến, họp mặt cuối tuần với anh chị em và độc giả. Có lẽ vì vậy mà anh được quên những ngày gian khổ. Thơ anh không có mùi khói lửa. Thơ anh như chỉ có một quê hương thanh bình. Cũng có vui, có buồn, nhưng rất lành. Vui, như trong đoạn:
“Em còn nhớ những lần về quê nội
Nắng thu vàng e ấp mấy hàng cau
Gió ngoan hiền thơm trái chín vườn sau
Anh Long hái cho em nhiều chi lạ…”
(2)

Và nỗi buồn, nhẹ như mây thu, nhưng ray rứt:

“Thôi giã biệt giọng oanh vàng buổi sớm
Và người thân nay cũng bỏ đi rồi
Anh Long hải hồ sương gió xa xôi
Mấy năm qua chưa lần về thăm Huế

Nội đã mất và vườn cây cũng thế
(Không người coi nên đem bán mất rồi)
Nỗi buồn phiền từ đó mặn trên môi
Em khóc mãi cho vơi niềm thương nhớ.”
(2)

Vâng, nội đã mất. Anh chưa thăm được nội khi nội lâm bệnh nặng. Nội đã đi gặp chồng và người con trai của nội.

Tòa soạn nằm trong khuôn viên nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Những chiều thứ Bảy, trong phòng họp nhỏ, tiếng cười nói vang lên nghe rộn ràng. Long yêu khung cảnh ấy. Mỗi lần đến là được gặp mặt những cây bút học trò và những độc giả về từ khắp nơi. Mọi người có khi chỉ biết nhau qua những bài thơ, những truyện ngắn, truyện dài, khi gặp tận mặt nhau kể cũng là điều thú vị. Long yêu cả tiếng cầu kinh ban chiều khi đi ngang qua nhà thờ. Chốn này bình yên quá! Long yêu cả tiếng của chiếc máy in dập đều đặn.Từ đó biết bao nhiêu trang báo đã hoàn thành.
Mọi người thương Long vì Long có giọng nói trầm ấm mạnh mẽ và giọng cười vô tư, một giọng cười làm gạch nối giữa những người còn e dè vì xa lạ với nhau. Hình như Long nhìn mọi việc đều giản dị. Trong những điều giản dị ấy, Long làm thơ.
“Hai mươi bốn tiếng cầm tay
Miền xa đi phép thăm ai bây giờ?
Từ ngày khói lửa ven đô
Ngỡ rằng thôi hết ước mơ trong hồn
Chừ con lộ nhỏ Kỳ Đồng
Mình về nhận diện vườn hồng Tuổi Hoa
Gác chuông thánh thót hiền hòa
Ý uyên nguyên đậm nét ngà ngọc ai
Rằn ri xóm đạo lạc loài
Mình nao nao bước tóc tai bồi hồi…”
(3)
Một bạn văn chạy từ Đà Nẵng vào, chỉ để tìm gặp Long. Khi nhìn Long trong bộ áo lính, chị ngơ ngác một giây. Khó mà hình dung ra đây là người thơ hiền lành trong trí tưởng tượng của chị. Nhưng rồi khi Long cất giọng cười, tiếng cười như có thể vượt qua nhiều bức tường, chị bừng hiểu. Cứ vậy, chị đến tòa soạn những buổi chiều thứ Bảy hiếm hoi của chị, ngồi ở một góc phòng, nói thật ít, say sưa lắng nghe những câu chuyện Long kể.

3
Bé Thu Phương sắp những con búp bê nhỏ tí ngồi thành một hàng. Tụi nó trông như những người đi ăn ở quán. Bé làm bà bán hàng, nhanh nhẹn múc cho từng đứa tô bún bò nhỏ xíu. Chà, chờ mấy anh chị đi học về hơi lâu, bé cho tụi nó ăn trước thôi. Bé học lớp Hai, học buổi chiều, bé còn phải dọn dẹp rồi đi học. Bé ước gì có anh Long về chơi với bé những lúc như thế này. Anh Long mới gửi cho bé những vần thơ, anh kèm trong bức thư thăm nhà:
“Mai vàng đượm nét thơ ngây
Hoa đầu mùa nở tháng ngày xôn xao
Và nghe xuân dậy trên cao
Trăm con chim ruộng đón chào mùa thương…”
(4)

Có một bài thơ anh Long viết cho bé, nhưng bé đọc mà không hiểu hết. Chắc tại bé còn nhỏ quá chăng? Chắc tại anh Long muốn viết để dành khi bé lớn hơn bây giờ nhiều, lớn như anh Long vậy, thì bé sẽ hiểu?
“Phương, cho đến bây giờ anh vẫn nhớ
Ngày chim về mừng tuổi bé lên ba
Nắng bình minh mang hơi gió hiền hòa
Len lén đến bên hoa phơi phới nở

Ngày đó em đeo chuỗi vòng bé nhỏ
Xanh như da trời tháng tám không mây
Tuổi thơ hiền chưa lấm bụi đầu tay
Đời tươi đẹp như mây trời buổi sớm

Anh còn nhớ có lần đi bắt bướm
Xanh tím vàng để mừng tuổi em thơ
Lúc trở về trời bỗng đổ cơn mưa
Áo ướt hết – bướm bay – và em khóc

Anh phải dỗ – kìa trên cành chim hót
Nín đi em không thì chúng cười chê
Để khi mô nắng ráo rớt đầy hè
Anh sẽ bắt, thôi em đừng khóc nữa”…”
(5)

Còn một đoạn mà chắc anh Long viết trong lúc anh nhớ bé thật nhiều:

“Thu Phương ơi! Chiều nay anh nhớ quá
Dáng em hiền trong màu áo bao dung
Mấy năm rồi em có nhớ anh không
Hay đã quên vô tình trong hơi thở
Anh không trách vì em còn quá nhỏ
Ngày anh đi tuổi bé mới lên năm…”
(5)

Sao mà anh Long thương bé quá chừng vậy? Nhiều khi bé tự hỏi như thế, rồi lầm thầm như chỉ nói cho mình nghe:
“Anh Long ơi! Về với bé!”

4

Long gác tay lên ba lô. Mình sẽ ngủ một chút, cần lắm, chuẩn bị nghe lệnh hành quân bất cứ lúc nào. Nhưng cả đêm nay cứ chập chờn, lạ quá! Bỗng nhớ mẹ, nhớ Hoa, Dũng, Hồng, Hương, và nhất là bé Thu Phương. Cứ nhớ đôi mắt tròn xoe của bé, mỗi khi bé muốn nói một điều gì thì đôi mắt lại to hơn. Long nghĩ đến một ngày nào khi bé Thu Phương lớn lên, bằng như anh bây giờ, chắc là dễ thương lắm. Bỗng anh rút giấy viết ra, và viết tiếp những dòng thơ:

“Nếu bao giờ trong giấc ngủ thiên thần.
Em chợt hỏi anh Long mô rồi mẹ,
Thì lúc đó dẫu chân trời góc bể
Anh cũng nghe nắng lụa rớt đầy hồn.
Anh cũng trông mường tượng dáng Thu Phương
Mắt đẫm lệ mơ ngày anh trở lại…”
(5)

Núi rừng thăm thẳm. Đêm trở nên sâu hơn.
Lệnh hành quân sẽ đến bất cứ lúc nào. Long thấy cánh dù của mình bay liệng trong đêm đen.

5

Mùa xuân qua đã lâu. Sài Gòn đón những ngày tháng Năm, chưa nóng nhiều, nhưng quá bứt rứt. Có lẽ do chiến cuộc đang trở nên sôi động. Người dân đón đọc tin trên các nhật báo, theo dõi chiến trận đang diễn ra tại Kampuchea.

Vẫn là chiều thứ Bảy. Tòa soạn như chìm vào một vũng tối. Không ai buồn nói một câu. Mọi người như đang chờ một giọng cười. Giọng cười đã từng vang lên, làm gạch nối. Nhưng im lặng. Một bản thảo tập thơ để trên bàn, bên cạnh “bản vỗ” từ nhà in đưa lên để sửa, còn dang dở.

Cô bạn văn đã trở về Đà Nẵng. Chiều hôm qua, tòa soạn còn nhận được thư của chị nhờ chuyển cho Long. Cũng chiều hôm qua, thư của Long còn gửi về, trong đó có mấy bài thơ mới viết. Những bài thơ, như thường lệ, sẽ lên khuôn. Những con chữ bằng sắt sẽ được bốc ra khỏi hộc, sắp xếp ngay ngắn bên nhau. Nhịp sống đều đặn như tiếng máy in. Nhưng có một điều không như thường lệ. Giọng cười không còn chan chứa trong không gian của phòng họp tòa soạn. Giọng cười đó chừ bay bổng, vượt qua những rặng núi, bay trên những dòng sông, len qua những ghềnh thác, tung tăng trên đồng lúa, vờn trên những lá hoa. Giọng cười đó chừ bay về quê nhà, gặp mẹ, gặp em, gặp bé Thu Phương, làm tròn lời hẹn:

“Thôi, nghe anh, đừng buồn nghe em gái,
Anh bôn ba, hẹn bé sẽ quay về.”
(5)

Tháng 12, năm 2018
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

(1) Trong Vườn Mùa Xuân
(2) Nhớ Thu Xưa
(3) Khi Về Thăm Tòa Soạn
(4) Lục Bát Cuối Năm
(5) Chim Về Vào Ngày Tuổi Em