ĐỒNG CỎ THIÊN THAI

ĐỒNG CỎ THIÊN THAI
Trần Thị NgH chuyển ngữ

.

Khi The Pastures Of Heaven, tập sách nhỏ 200 trang khổ 12.50cm X 19.50cm được Penguin Books xuất bản vào năm 1932, John Steinbeck chưa là nhà văn, chưa là tác giả nổi tiếng của Chùm Nho Uất Hận (The Grapes Of Wrath), chưa đoạt giải Nobel văn học (1962).

John Steinbeck có cha là người Đức, mẹ Á Nhĩ Lan; cả hai di cư từ Đức sang Jerusalem rồi Florida, cuối cùng dừng lại California. Họ chọn Salinas, một thung lũng màu mỡ nằm giữa rặng Galiban phía đông và Santa Lucia phía Tây. Đây là nơi John Steinbeck đã được sinh ra, trải qua thời niên thiếu và thanh xuân, về sau trở thành bối cảnh cho rất nhiều tác phẩm xuất sắc của ông trong đó có Of Mice And Men, The Red Pony và The Grapes Of Wrath.

The Pastures Of Heaven là một quyển tiểu thuyết không đồ sộ gồm 12 chương mỏng (Penguin Classics in lại năm 2001) kể về những con người sống trong cùng một khu xóm thuộc thung lũng có tên Đồng Cỏ Thiên Thai cách Monterey 12 dặm. Các nhân vật mắc xích với nhau qua các chương nhưng vẫn có thể tách ra thành từng mẩu chuyện rời; riêng chương VI được giới thiệu dưới đây là câu chuyện về Junius Maltby, người đã đem lòng yêu say đắm thung lũng Salinas, “cưới” lấy nó và vui sống ở đấy, nhàn cư với thứ hạnh phúc của một kẻ cầu bơ cầu bất, hoàn toàn lãng đãng trong cái cộng đồng mà anh quên mất là mình phải thuộc về.

John Steinbeck yêu câu chuyện này đến nỗi đã rứt Junius Maltby ra khỏi The Pastures Of Heaven để in riêng một tập vào năm 1936; thay cho chương VI là một cái tựa hẳn hoi: Nothing So Monstrous.

.

Junius Maltby là một người đàn ông nhỏ thó xuất thân từ gia đình đàng hoàng có văn hóa, với trình độ học vấn đâu ra đấy. Cha anh qua đời tán gia bại sản. Junius mắc cứng luôn trong cái chân thư ký mà anh bải hoải cầm cự đến 10 năm.

Đi làm về Junius rút vào căn phòng được trang bị đầy đủ đồ đạc của mình, vỗ vỗ mấy cái gối dựa trên ghế tràng kỷ rồi trải qua buổi tối đọc sách ở đấy. Anh cho rằng những bài tiểu luận của Stevenson là những thứ đẹp đẽ nhất trong tiếng Anh; anh đã đọc rất nhiều lần tác phẩm Du Hành Với Một Chú Lừa.

Một buổi tối không bao lâu sau sinh nhật 35 của mình, Junius bị ngất ngay trên bậc tam cấp ngôi nhà anh đang ở. Khi tỉnh dậy, lần đầu trong đời anh nhận ra mình khó thở. Anh tự hỏi không biết nó bị như vậy từ bao lâu rồi. Vị bác sĩ mà anh tư vấn rất tử tế và tỏ ra hi vọng. “Rồi anh sẽ sớm khỏi thôi”, ông ta nói. “Nhưng nói thật là anh phải bê hai cái lá phổi của anh ra khỏi San Francisco mới được. Anh mà cứ ở chung với sương mù thì sẽ không sống nỗi đến một năm. Nên dọn đến chỗ nào có khí hậu ấm và khô.”

Tai nạn xảy ra cho sức khỏe của Junius đã khiến anh quá sức vui, vì nó bứt anh đã khỏi những sợi dây chằng chịt mà bản thân anh không có khả năng dứt bỏ. Anh hiện có năm trăm đô-la, chẳng phải vì anh chắt bóp dành dụm; đơn giản là anh quên tiêu nó đấy thôi. Anh tự nhủ, “với một số tiền nhiều như vậy, hoặc là ta bình phục và bắt đầu lại mới mẻ, hoặc là ta chầu trời và thế là xong cái sự đời.”

Một ông trong chỗ làm của Junius kể cho anh nghe về một thung lũng ấm áp và an bình, Pastures of Heaven – Đồng Cỏ Thiên Thai, và thế là Junius đi ngay đến đấy. Cái tên làm anh thích. Anh nghĩ, “có thể là một điềm gở báo trước mình sẽ không qua khỏi, hoặc là một biểu tượng đẹp đẽ thay cho cái chết.” Anh cảm thấy cái tên mang ý nghĩa rất riêng đối với anh, và anh lấy làm thích thú, bởi vì trong 10 năm qua đối với anh đã chẳng có gì gọi là riêng cả.

Ở Đồng Cỏ Thiên Thai, một vài gia đình có nhận cho ở trọ. Junius nghiên cứu từng nhà, cuối cùng đến sống ở nông trang của bà góa Quaker. Bà ta đang cần tiền, ngoài ra anh có thể ngủ ở lán trại cách xa hẳn nhà trại. Bà Quaker sống với hai đứa con trai nhỏ và có thuê một ông để làm việc nông.

Khí hậu ấm áp tác động dần lên hai lá phổi của Junius. Trong vòng một năm da dẻ anh trở nên hồng hào và anh có lên cân. Anh êm đềm hạnh phúc ở nông trang, cái làm anh vui sướng hơn hết, đó là anh đã dứt bỏ sau lưng 10 năm cặm cụi văn phòng và đã hóa ra lười chảy. Mái tóc vàng thưa của Junius nay rối bù, kính mắt tuột xệ trên hai cánh mũi to, thị lực anh giờ đã tốt hơn, chỉ là thói quen có kính mà anh phải mang nó thôi. Suốt ngày miệng anh luôn có một cọng gì nho nhỏ thò ra, cái thói quen mà bất cứ tay đàn ông nào lười nhất và trầm tư nhất cũng có. Kỳ nghỉ dưỡng này xảy ra vào năm 1910.

Vào năm 1911, bà Quaker bắt đầu lo ngại về điều tiếng dèm pha từ những người hàng xóm. Nghĩ đến những lời bóng gió về việc có một gã đàn ông độc thân sống ngay trong nhà mình, bà cảm thấy áy náy bất an. Ngay khi Junius đã rõ rành rành là bình phục, bà góa lập tức thổ lộ những ưu tư của mình. Anh hân hoan cưới bà liền tay. Giờ thì anh có một mái nhà và một tương lai rực rỡ, vì tân phu nhân Maltby sở hữu 200 mẫu đồi cỏ và dưới lũng là 5 mẫu vườn trồng rau quả. Junius cho chuyển đến sách vở, cái tràng kỷ có thể điều chỉnh lưng tựa, một bản sao bức tranh Lễ Hội của Velasquez. Tương lai đối với anh thật giống như một buổi trưa rôm rả nắng.

Bà Maltby sa thải người làm công ngay tức thì và bắt ông chồng làm việc; nhưng trong chuyện này bà gặp phải sự kháng cự, càng đáng kinh ngạc bởi vì nó cho thấy chẳng có gì vất vả phải đương đầu. Trong suốt thời kỳ dưỡng bệnh, Junius đã hóa ra yêu thích sự lười biếng. Anh thích thung lũng và đồng ruộng, nhưng chúng như thế nào thì anh thích chúng như thế ấy; anh không muốn trồng thêm cái gì mới, cũng chẳng tha thiết việc phải nhổ bỏ đi cái cũ. Khi bà Maltby ấn vào tay chồng cái cuốc và bắt chàng làm việc ở vười rau, khoảng vài giờ sau nàng bắt gặp chàng ngồi đong đưa chân trong dòng suối đọc một quyển sách bỏ túi có tựa Bắt Cóc. Anh lấy làm ân hận; anh không hiểu vì sao mà chuyện lại xảy ra như thế. Và đó là sự thật.

Lúc đầu bà ta cằn nhằn anh dữ dội về thói lười biếng và áo quần luộm thuộm, nhưng rồi chẳng bao lâu sau anh đâm ra có khả năng không lắng nghe vợ mình nữa. Anh suy luận, thật thất lễ khi để ý đến nàng vào cái lúc nàng chẳng còn gì là một phụ nữ. Chẳng khác nào nhìn chằm chằm vào một người què. Thế rồi phu nhân Maltby, sau một thời gian cự nự ông chồng cà lơ phất phơ, chỉ còn biết rên rỉ thở than, bỏ bê cả việc chăm chút tóc tai của chính mình.

Giữa năm 1911 và 1917. gia đình Maltby nghèo xác xơ. Đơn giản vì Junius không ngó ngàng chi đến nông trại. Họ thậm chí bán đi vài mẫu đất để có tiền cho cơm ăn áo mặc. Vậy mà chẳng bao giờ đủ. Cái nghèo ngồi bắt tréo chân ngay trên nông trại, và cả nhà Maltby rách rưới thê thảm. Họ chẳng bao giờ có quần áo mới, nhưng Junius khám phá ra những bài tiểu luận của David Grayson. Anh mặc quần có dải yếm ngồi bên dưới tàng cây sung mọc dọc theo bờ suối. Đôi khi anh đọc cho vợ anh và hai thằng nhỏ nghe Phiêu Lưu và Lạc Thú.

Đầu năm 1917, bà Maltby phát hiện ra mình sắp có em bé, và cuối năm đó dịch cúm thời chiến hoành hành cả gia đình không khoan nhượng. Có lẽ vì suy dinh dưỡng mà hai thằng bé đổ sập ngay. Trong 3 ngày căn nhà như ngập ngụa không khí bệnh tật, hai đứa nhỏ nóng sốt mê sảng bắt chim chim, những ngón tay chúng quờ bấu miếng vải trải giường, cố níu lấy sự sống. Ba ngày chiến đấu yếu ớt, đến ngày thứ tư thì cả hai đều không qua khỏi. Bà mẹ không biết gì vì bị giữ ở nơi khác, những người hàng xóm đến giúp không có đủ can đảm nói cho bà biết. Cơn sốt đen dịch hạch chụp lấy bà đúng cái lúc bà đang vượt cạn, người mẹ chết mà chưa kịp thấy đứa nhỏ.

Các bà láng giềng đến đỡ đẻ đã đồn khắp thung lũng là Maltby ngồi đọc sách bên bờ suối trong khi vợ con qua đời. Nhưng chuyện này chỉ đúng phần nào thôi. Vào cái ngày ngặt nghèo, anh có đong đưa chân dưới dòng nước thật, chỉ vì anh không biết vợ con anh ốm, nhưng rồi sau đó anh đã lẩn thẩn đi tới đi lui quanh hai đứa trẻ đang hấp hối nói những điều vô nghĩa với chúng. Anh kể cho thằng lớn nghe người ta đã làm kim cương như thế nào. Bên giường của thằng nhỏ, anh giải thích về cái đẹp, về đồ cổ và về biểu tượng của chữ VẠN. Một linh hồn lìa khỏi xác trong khi anh đang đọc to chương hai của Đảo Châu Báu, và anh thậm chí còn không biết nó chết cho đến khi anh đọc hết chương sách và ngẩng lên. Trong suốt những ngày đó anh hoàn toàn ngơ ngác. Anh mang ra cho bọn nhỏ tất cả những gì anh có, nhưng với cái chết cận kề chúng đâu còn mấy tí sức lực. Anh thừa biết chúng yếu oặt yếu oại, và điều này làm cho anh cảm thấy mọi thứ càng kinh khiếp hơn.

Khi mấy cái xác được mang đi, Junius trở lại bờ suối đọc vài trang trong quyển Du Hành Cùng Chú Lừa. Anh cười thầm trước sự bướng bỉnh của Modestine. Ngoài Stevenson ra, ai lại có thể đặt tên cho một con lừa là “Modestine” chứ?

Một trong các bà hàng xóm gọi anh vào mắng té tát cho một trận ra gì khiến anh bối rối đến không chú ý lắng nghe. Bà ta chống nạnh, nhìn anh chằm chằm với sự khinh bỉ. Sau đó bà mang đứa trẻ đến, một thằng cu, ấn nó vào tay anh. Từ ngoài cổng nhìn ngoái lại, bà ta thấy anh vẫn còn đứng đó với cái sinh vật bé nhỏ đang khóc gào trên tay. Do không thấy có chỗ nào để đặt đứa nhỏ xuống, anh cứ bế nó như thế một lúc lâu.

Dân trong thung lũng kể rất nhiều chuyện về Junius. Đôi khi họ ghét anh theo cái kiểu những người bận rộn ghét kẻ ăn không ngồi rồi, đôi khi họ ganh tỵ với sự biếng nhác của anh; thường khi thì họ thương hại anh chỉ vì anh ngớ ngẩn. Không ai trong thung lũng nhận ra anh đang hạnh phúc.

Họ kể, theo lời khuyên của một bác sĩ, Junius đã mua một con dê để lấy sữa cho đứa bé. Anh không hề hỏi gì về giới tính của con vật cũng không cho biết lý do vì sao anh cần có một con dê. Khi nó được giao đến anh nhìn phía dưới bụng con vật rồi nghiêm nghị hỏi, “Con dê này có bình thường không?”
“Tất nhiên”, người chủ nói.
“Nhưng lẽ ra phải có một cái túi hay một cái gì đó ở đúng giữa hai chân sau chứ? – ý tôi là, để đựng sữa ấy.”

Dân chúng trong thung lũng bàn tán rân rộ về chuyện này. Sau đó khi một con dê khác được mang đến, Junius vật lộn với nó hai ngày mà chẳng thể vắt ra lấy một giọt sữa. Anh đang định trả lại con dê không đạt yêu cầu thì người chủ bày cho anh cách vắt sữa. Một số người đồn rằng anh bế đứa bé đưa xuống dưới bụng con dê cho nó tự bú, nhưng sự thật không phải thế. Dân trong thung lũng bảo nhau là họ không biết làm sao mà anh có thể nuôi đứa nhỏ được.

Một ngày nọ Junius đi Monterey mướn một ông già người Đức về giúp anh làm nông. Anh trả công cho lão người làm 5 đô-la, rồi thôi chẳng bao giờ trả nữa. Trong vòng 2 tuần lão mắc chứng lười chảy đến nỗi không làm việc nhiều nhỉnh gì hơn so với ông chủ. Hai người ngồi quây quần thảo luận về những đề tài thú vị vốn thường làm họ hoang mang – sao mà hoa lại có màu chứ – có cái gọi là biểu tượng học trong thiên nhiên chăng – thành phố Atlantis nằm ở đâu – người Incas táng người chết như thế nào.

Vào mùa xuân họ trồng khoai tây, luôn khi muộn, và chẳng ủ tro cho chúng nẩy mầm gì cả. Họ gieo hạt, trồng bắp và đậu Hà Lan, canh chừng được một lúc rồi quên béng. Cỏ dại mọc tràn lan che khuất mọi thứ. Không có gì lạ khi thấy Junius chui vô bụi rậm rối nùi cây cẩm quỳ rồi ngoi ra mang theo một trái dưa chuột tái me tái mét. Anh đã thôi mang giày vì thích cái cảm giác đất ấm dưới lòng bàn chân, và vì anh chẳng có giày nữa.

Junius thường hàn huyên rất nhiều với lão Jacob Stutz vào buổi trưa. “Lão biết không,” anh nói, “khi mấy đứa nhỏ không qua khỏi, tôi nghĩ tôi đã đạt đến đỉnh điểm kỳ quặc của sợ hãi, nhưng rồi sự hãi hùng biến thành sầu muộn rồi sầu muộn thu nhỏ lại thành buồn bã. Tôi cho là mình đã không biết rõ vợ con. Có lẽ vì họ quá kề cận. Thật kỳ quái, cái sự biết ấy. Nó chẳng là gì ngoại trừ cái biết về các chi tiết. Có những bộ óc có thể nhìn thấy viễn cảnh và có những kẻ chỉ có thể nhìn gần. Tôi chưa bao giờ có thể thấy được những thứ ở sát bên mình. Thí dụ như tôi biết rất rõ về Parthenon hơn chính căn nhà của tôi ở đàng kia.” Đột nhiên mặt Junius có vẻ như rưng rưng cảm xúc, hai mắt sáng rực lên. “Jacob,” anh nói, “lão có thấy hình tác phẩm chạm nổi ở gờ tường ngôi đền Parthenon chưa?”
“Rồi, đẹp quá trời,” Jacob nói.

Junius đặt tay lên đầu gối của lão làm công. “Những con ngựa đó,” anh nói, “những con ngựa diễm ảo trên đồng cỏ thiên thai. Những chàng kỵ sĩ sôi sục nhiệt huyết uy nghiêm trên yên cương phi ngựa về hướng lễ hội đang tưng bừng ở phía góc kia của mái gờ. Tôi tự hỏi làm sao mà một con người lại có thể biết một con ngựa sẽ cảm thấy như thế nào khi nó vui; nhà điêu khắc hẳn phải biết rõ, không thôi thì ông ta đã không thể làm ra được một kiệt tác như thế.”

Cavalcade, West frieze, Parthenon – photointernet

Đó là cách diễn biến của các cuộc thảo luận. Junius không thể trụ lâu ở một đề tài. Thường khi hai người đàn ông đói meo vì đến giờ ăn tối mà họ không tìm ra cái ổ gà trong đám cỏ.

Thằng bé con của Junius được đặt tên là Robert Louis, Junius gọi nó như thế vì đã nghĩ ra như thế, nhưng Jacob Stutz chống đối những gì lão cho là giá trị của văn chương. “Con trai phải được đặt tên như chó,” lão khăng khăng. “Một âm là đủ rồi. Thậm chí Robert cũng là quá dài. Nó lẽ ra phải được gọi là Bob.” Jacob gần như đạt được ý nguyện.
“Thỏa thuận với lão như thế này nhé,” Junius nói. “Chúng ta sẽ gọi thằng bé là Robbie. Robbie rõ ràng là ngắn hơn Robert, lão không thấy vậy sao?”

Anh thường khi nhượng bộ Jacob vì lão này cứ phải giải quyết mớ mạng nhện đang bủa giăng tứ tung. Năm khi mười họa, anh nổi giận, một cơn giận đầy vẻ phẩm hạnh, anh đã tự làm vệ sinh căn nhà.

Robbie nhọc nhằn lớn. Nó lẽo đẽo theo hai người đàn ông, lắng nghe những cuộc thảo luận của họ. Junius không bao giờ đối xử với nó như một đứa trẻ bởi anh có biết trẻ con được đối xử như thế nào đâu. Nếu Robbie nhận định về một cái gì đó, hai ông trân trọng lắng nghe và đưa ý tưởng ấy vào câu chuyện của họ, thậm chí sử dụng nó như một chủ đề cho việc điều nghiên. Chỉ nội trong một buổi chiều họ có thể truy nguyên ra được rất nhiều thứ. Mỗi ngày đều có những đợt tấn công vào pho Bách Khoa Toàn Thư của Junius.

Một cây sung to có nhánh de ngang một con suối, và chính nơi đó hai người đàn ông ngồi ngâm chân dưới nước, ngón chân di di những hòn sỏi trong khi Robbie cố hết sức để bắt chước họ. Chạm chân tới mặt nước là một trong những điều nó quyết phải làm được trong đời. Dạo này Jacob cũng đã bỏ giày; Robbie thì chưa hề mang giày bao giờ.

Các cuộc thảo luận của họ rất thông thái hàn lâm. Robbie không thể có ngôn ngữ trẻ con vì nó chưa bao giờ được nghe qua. Họ không trò chuyện; đúng ra họ để cho một hạt tư tưởng tự đâm chồi nẩy lộc rồi kinh ngạc quan sát những nhánh cành tự chúng đâm vươn. Họ sửng sốt trước trái cây kỳ lạ đậu ra từ câu chuyện của họ vì họ nào có điều khiển tư duy, cũng chẳng bắt giàn cho nó leo hay tỉa tót nó theo cái kiểu người ta thường làm.

Đấy, ba người cứ thế mà ngồi trên nhánh cây de ngang suối. Quần áo rách rưới, tóc tai chỉ có vén ra một tí để chừa hai con mắt. Hai ông người lớn râu ria xồm xoàm. Họ quan sát những con nhện nước trên mặt ao bên dưới, vũng nước đã được làm sâu thêm bởi những ngón chân nhàn rỗi của họ. Cây sung to đùng phía trên đầu họ xào xạc trong gió và đôi khi thả xuống một chiếc lá như một cái khăn tay màu nâu. Robbie năm tuổi.
“Tôi cho sung là một loại cây lành,” Junius xem xét một chiếc lá rơi trên đùi. Jacob nhặt nó lên rồi tước phần thân lá ra khỏi gân lá.
“Vâng,” lão đồng ý, “chúng mọc cạnh sông nước. Những thứ tốt lành ưa thích nước. Những thứ xấu xa luôn khô khốc quắt queo.”
“Sung to lớn và lành,” Junius nói. “Dường như thứ gì tốt lành đều phải to lớn để sinh tồn. Nhỏ mà tốt luôn luôn bị tiêu diệt bởi những cái nhỏ mà xấu. Những thứ to lớn hiếm khi độc địa gian ác. Vì lý do này mà trong suy nghĩ của con người cái lớn lao là kết quả của cái tốt, còn cái nhỏ nhoi là do cái xấu xa mà ra. Con có hiểu không, Robbie?”
“Có ạ,” Robbie nói. “Con hiểu chứ. Như voi đó.”
“Voi thường xấu xa, nhưng nhìn chúng, ta lại nghĩ chúng hiền lành.”
“Còn nước thì sao,” Jacob chen lời. “Nước có vậy không?”
“Không. Nước thì không.”
“Nhưng tôi hiều rồi,” Junius nói thêm. “Ý lão muốn nói nước là hạt giống của đời sống chứ gì. Trong 3 thành tố thì nước là mầm, đất thai nghén và ánh mặt trời tạo hình cho sự tăng trưởng.”

Theo cách thức đó, họ dạy cho Robbie toàn thứ vớ vẩn.
Dân trong đồng cỏ né xa Junius Maltby sau khi vợ con anh qua đời. Những câu chuyện kể về sự nhẫn tâm của anh trong suốt thời kỳ bệnh dịch hoành hành bị thổi phồng đến nỗi chính cái sức nặng của sự phóng đại đã đè bẹp những lời đồn đãi và hầu như rốt cuộc chúng bị lãng quên đi. Nhưng mặc dù những người láng giềng có cho qua đi việc Junius đọc sách trong khi con cái hấp hối, họ vẫn không quên cái vấn đề đang hình thành nơi anh. Thung lũng mầu mỡ mà anh sống nghèo đến khiếp. Trong khi những gia đình khác tạo dựng được tài sản nho nhỏ, mua xe Ford và máy phát thanh, bắc điện đóm và mỗi tuần đi xem phim hai lần ở Monterey hoặc Salinas thì Junius suy sụp và trở nên te tua hoang dã. Cánh đàn ông trong thung lũng bực tức vì phần đất dưới lũng tốt đến vậy mà bây giờ cỏ dại tràn lan, vườn cây ăn trái không chăm bón, rào giậu ngả nghiêng. Cánh đàn bà căm ghét anh khi nghĩ đến căn nhà bẩn thỉu rác rưởi đầy sân cửa sổ dơ dáy. Cả đàn ông lẫn đàn bà đều không ưa nơi anh sự nhàn rỗi và sự thiếu tự trọng. Đã có một dạo họ ghé thăm anh với hi vọng kéo anh ra khỏi sự lười biếng nhờ nhìn thấy nơi họ những tấm gương gần kề. Nhưng anh đón tiếp họ tự nhiên thân thiện và bình đẳng. Anh chẳng xấu hổ tí tẹo về tình trạng nghèo khổ rách rưới của mình. Dần dần láng giềng của Junius đến nước phải nghĩ về anh như một kẻ bị xã hội ruồng bỏ. Họ loại anh ra khỏi cái cộng đồng đã đâu vào đấy và quyết không tiếp anh lỡ có khi nào anh ghé qua họ.

Junius không biết gì về việc anh bị hàng xóm khinh ghét. Anh vẫn cứ hân hoan vui đời. Một cuộc đời mà theo anh nghĩ, nó mơ mộng, lãng mạn và rất không có chi là quan trọng. Anh hài lòng ngồi trong nắng đong đưa chân dưới dòng suối nhỏ. Nếu anh không có quần áo đàng hoàng để mặc thì nghĩ cho cùng anh đâu có nơi nào để đi mà phải khăn áo bệ vệ chứ.

Mặc dù dân chúng hầu như ai cũng không ưa Junius, họ lại thấy thương tội cho nhóc Robbie. Các bà hành tỏi với nhau, thật là kinh khủng để cho một đứa nhỏ lớn lên trong nhớp nhúa như vậy. Nhưng vì là những người tốt, họ buộc lòng không can dự vào việc nhà của Junius.
“Hãy chờ cho tới lúc thằng nhỏ đến tuổi đi học,” trong phòng khách nhà mình, bà Banks nói với một nhóm các bà. “Giờ chúng ta muốn làm gì cũng không được. Nó thuộc quyền sở hữu của cha nó. Nhưng ngay khi thằng nhỏ được 6 tuổi, tôi nói cho các bà biết nhé, rồi hội đồng làng xã sẽ lên tiếng cho mà xem.”
Bà Allen gật đầu và nhắm mắt lại nghiêm túc nói, “chúng ta quên mất rằng thằng nhỏ cũng là con của bà Quaker chứ đâu chỉ của mỗi Maltby. Tôi nghĩ lẽ ra mình phải can thiệp lâu rồi. Giờ chờ cho nó đi học mình sẽ cho thằng nhỏ đáng thương một vài thứ mà nó chưa bao giờ có.”
“Điều tối thiểu mình có thể làm là xem xét coi nó có đủ quần áo để che thân không,” một bà khác tán thành.

Có vẻ như cả làng xã đang ngồi co cụm lại rình chờ cái lúc Robbie đi học. Vào ngày khai trường, khi Robbie không xuất hiện sau sinh nhật sáu tuổi, John Whiteside, thư ký ban giám hiệu, viết thư cho Junius Maltby.
Sau khi đọc lá thư Junius nói, “Bố đã không nghĩ đến chuyện này. E là con sẽ phải đi học thôi.”
“Con không muốn đi học,” Robbie nói.
“Bố biết. Chính bố cũng không muốn con đi. Nhưng chúng ta có luật pháp. Luật có thêm phần phụ gọi là chế tài. Chúng ta phải cân nhắc chọn lựa giữa niềm vui phạm luật và sự trừng phạt. Người Carthaginian trừng phạt cả những kẻ bất hạnh. Nếu một vị tướng vì rủi ro mà thua trận, ông ta sẽ bị hành quyết. Ngày nay chúng ta trừng phạt những người gặp nạn trong sinh sản và do hoàn cảnh cũng bằng cách thức y như thế.”
Trong cuộc thảo luận diễn tiến sau đó, họ quên đi lá thư. John Whiteside gửi thêm một thư ngắn gọn.
Khi nhận được, Junius nói, “thôi nào Robbie, bố nghĩ con phải đi học thôi. Dĩ nhiên người ta sẽ dạy cho con nhiều thứ bổ ích.”
Robbie van nài, “chứ sao bố không dạy con?”
“Ồ, bố không dạy được. Con thấy đấy, bố quên những thứ người ta dạy rồi.”
“Con chẳng muốn đi chút nào. Con không muốn biết này biết nọ.”
“Bố biết con không muốn, nhưng cũng không thấy có cách giải quyết nào khác.”

Và thế là một buổi sáng Robbie lê bước đến trường. Nó mặc một cái quần có dải yếm cũ nát lòi cả đầu gối và mông, ngoài phủ một áo sơ-mi xanh da trời đã mất cổ, chấm hết. Mái tóc dài của nó vắt ngang đôi mắt xám tro, y như bờm ngựa.

Trong sân trường, bọn trẻ quay tròn xung quanh thằng bé và im lặng ngó nó trân trân. Chúng đã có nghe nói về gia đình Maltby nghèo rớt mồng tơi và ông bố lười chảy. Chúng mong ngóng cái lúc được hành hạ Robbie. Thì cái lúc đó đã tới; nó đứng đó trong vòng tròn, còn bọn chúng thì chỉ có nhìm chăm bẳm. Chẳng đứa nào nói, “Kiếm đâu ra bộ quần áo đó vậy.” hay “ngó tóc nó kìa.” Như chúng đã dự tính. Bọn trẻ bối rối vì không thể làm cho thằng nhỏ xấc bấc xang bang.

Về phần Robbie, nó nhìn cái vòng tròn bằng con mắt tò mò, chẳng một chút sợ hãi. “Các cậu có chơi trò chơi không?” nó hỏi. “Bố tớ nói các cậu có chơi trò chơi mà.”
Thế là cái vòng tròn đứt ra, rân rộ tiếng la hét. “Nó không biết chơi gì cả.” – “Bày cho nó chơi bóng chày đi.” – “Thôi, trò em bé da đen đi.” “Nghe này! Nghe này! Chơi trò căn cứ tù binh trước cái đã.” – “Á, nó không biết chơi gì sất!”
Và mặc dù chúng không hiểu vì sao, chúng lại nghĩ rằng không biết chơi trò gì cũng là một điều hay. Khuôn mặt gầy gò của Robbie lộ vẻ háo hức. “Mình sẽ chơi bóng chày trước,” nó quyết định. Nó vụng về với những trò chơi mới, nhưng những người chỉ vẻ cho nó vẫn không thổi còi phạt thua. Thay vì thế chúng cãi cọ dành nhau cái quyền được bày cho nó cách cầm chày. Với môn chơi này có một vài trường phái. Robbie đứng sang một bên lắng nghe một lúc, cuối cùng nó chọn riêng cho mình một sư phụ.

Ảnh hưởng của Robbie tác động tức thì lên toàn trường. Những đứa lớn hơn hoàn toàn để yên cho nó, những đứa nhỏ hơn bắt chước y hệt nó trong mọi cách thức, thậm chí xé rách quần ở gối. Khi chúng ngồi ngoài trời tựa lưng vào tường ăn trưa, Robbie kể cho chúng nghe về bố của nó và về cây sung. Chúng chăm chú lắng nghe và ước chi bố chúng cũng lười biếng và hiền lành như vậy.

Đôi khi vài cu cậu cãi lời cha mẹ, lẻn đến chỗ của nhà Maltby vào ngày thứ bảy. Junius hồn nhiên rủ chúng đến nhánh cây sung, và trong khi bọn nhóc ngồi dàn hai bên, anh đọc Đảo Châu Báu cho chúng nghe, hoặc mô tả những cuộc chiến của Gallic hoặc trận Trafalgar. Chẳng mấy chốc, với sự hỗ trợ của bố, Robbie trở thành thủ lĩnh trong sân trường. Điều này được chứng minh qua việc nó không có bạn thân, không có bí danh, và nó làm trọng tài phân xử mọi cuộc cãi vã. Nó được tâng bốc tán dương đến mức chẳng có mống nào muốn thử đánh nhau với nó.

Mãi sau Robbie mới dần dần nhận ra nó cầm đầu bọn nhỏ tuổi hơn trong trường. Có một cái gì đó điềm tĩnh và chín chắn nơi con người nó khiến cả lũ phong cho nó làm lãnh tụ. Chẳng bao lâu nó trở thành người quyết định trò chơi. Với món bóng chày, nó là trọng tài vì bất cứ đứa nào ra luật cũng gây ra rắc rối. Trong khi bản thân nó chơi dở ẹ, những câu hỏi về lề luật bao giờ cũng dành riêng cho nó giải đáp.

Sau một buổi thảo luận rõ lâu cùng với Junius và Jacob, Robbie phát minh ra hai trò chơi rất được ưa thích, một là Chó Sói Rình Mồi, một kiểu chơi địa phương nhại theo Thỏ và Sói, trò kia là Thọt Chân, một dạng đuổi bắt. Đối với cả hai món này nó lập ra một số qui luật cần thiết.

Cô Morgan cực kỳ quan tâm đến Robbie vì nó là đứa gây ngạc nhiên ở cả lớp học lẫn sân chơi. Nó đọc giỏi và sử dụng ngôn từ của người lớn nhưng lại không biết viết. Nó quen thuộc với những con số dù lớn đến mấy, tuy nhiện nó không chịu học, thậm chí bài số học đơn giản nhất. Robbie vật vã với môn tập viết. Nó quều quào những con chữ quái đản trên giấy vở. Cô Morgan rốt cuộc phải cố giúp nó.
“Chọn lấy một câu gì đó rồi viết đi viết lại cho đến khi nào em làm được một cách hoàn chỉnh,” cô gợi ý. “Cẩn thận với từng chữ cái.”
Robbie lục lọi trong trí để tìm cái câu nó thích. Sau cùng nó viết, “Không có gì là quá kỳ vĩ nhưng chúng ta có thể tinh tưởn điều đó ở chín chún ta.” Nó thích cái từ “kỳ vĩ”, nghe rất có âm sắc và sâu lắng. Nếu có những từ mà qua sức mạnh âm sắc, có thể lôi bật ra được các thiên tài không chịu xuất đầu lộ diện thì đây là một. Nó chép tới chép lui, đặt hết tâm trí vào việc tô vẽ chữ “kỳ vĩ”. Sau một giờ cô Morgan đến xem nó làm được đến đâu.
“Gì đây Robert, thiên địa ơi em nghe câu này ở đâu thế?”
“Thưa cô, là của Stevenson. Bố em thuộc gần như nằm lòng trọn tác phẩm.”
Tất nhiên cô Morgan đã nghe tất cả những câu chuyện không ra gì về Junius, dù vậy cô vẫn ủng hộ anh. Còn bây giờ thì cô có một khao khát mãnh liệt muốn gặp anh.

Các trò chơi trong trường bắt đầu hết lực hấp dẫn. Một buổi sáng trước khi đi học Robbie mang chuyện này ra than thở với Junius. Anh gãi râu và nghĩ ngợi. Cuối cùng anh nói, “Dọ thám là một trò chơi thú vị. Bố nhớ là trước đây bố từng rất thích trò chơi dọ thám.”
“Nhưng mà tụi con dọ thám ai mới được chứ?”
“Ồ, ai cũng được mà. Không thành vấn đề. Hồi đó bọn bố dọ thám tụi Ý.”

Robbie hào hứng chạy ù đến trường, và trưa hôm đó, sau khi dò tìm tự điển nhà trường một lúc lâu, nó thành lập tổ chức N.M.V.T.N.H.T.T.B.B.N dịch ra là Nhóm Mật Vụ Thiếu Nhi Hỗ Trợ Tình Báo Bài Nhật. Nếu không vì lý do nào khác, cái tên vĩ đại này sẽ biến tổ chức thành một lực lượng đáng kể. Robbie đưa từng đứa đến chỗ bóng râm của cây liễu trong sân trường, bắt phải bảo mật bằng một lời thề kinh thiên động địa. Sau đó nó cho cả bọn gặp nhau. Robbie giải thích cho cả bọn biết rằng chắc chắn một ngày nào đó chúng ta sẽ có chiến tranh với Nhật.
“Tốt hơn là nên sẵn sàng,” nó nói. “Biết càng rõ về những hành tung tàn độc của bọn gian ác, chúng ta có thể cung cấp cho đất nước càng nhiều thông tin tình báo một khi chiến tranh xảy ra.”

Bài diễn từ quá hớp đối với những ai có tên trong tổ chức. Chúng đâm hoảng trước sự nghiêm trọng của tình hình qua những lời như thế. Vì bây giờ dọ thám là việc của toàn trường, cu cậu Takashi Kato, học sinh lớp ba, kể từ nay sẽ không còn phút giây nào gọi là yên ổn. Nếu Takashi giơ hai ngón tay lên ở trường, Robbie đưa một cái nhìn ngụ ý về phía một trong những tên thuộc nhóm Mật Vụ Hỗ Trợ, và rồi một cánh tay thứ nhì hung hăng vung lên không. Khi Takashi đi bộ về sau giờ học, ít nhất năm đứa rình mò trong các bụi cây ven đường cái. Cuối cùng, ông Kato, một đêm nọ đã nã súng hú họa vào bóng tối sau khi trông thấy một khuôn mặt da trắng nhìn vào cửa sổ nhà ông. Robbie buộc lòng triệu tập bọn thiếu nhi Mật Vụ Hỗ Trợ và ra lệnh ngưng việc dọ thám buổi tối. “Ban đêm thì chúng không thể làm được điều chi thực sự quan trọng,” nó giải thích.

Về sau Takashi không còn bị khốn khổ bởi việc rình mò chĩa mũi dùi vào nó nữa, vì kể từ khi nhóm Thiếu Nhi Hỗ Trợ có nhiệm vụ canh chừng nó, không có chuyến đi chơi quan trọng nào mà bọn này không dắt nó theo, bởi chẳng đứa nào chịu bị bỏ lại để ở nhà canh gác thằng nhỏ.

Bọn Thiếu Nhi Hỗ Trợ bị một cú choáng váng khi Takashi, bằng cách nào đó, đã biết được tổ chức của chúng và xin được kết nạp.
“Tớ không có lý do gì cho cậu gia nhập,” Robbie nhã nhặn giải thích. “cậu là người Nhật mà bọn tớ thì ghét Nhật.”
Takashi gần như phát khóc. “Tớ sinh ra ở đây mà, cũng giống như mấy cậu,” nó nức nở. Tớ cũng là người Mỹ tốt như các cậu, đúng không?’
Robbie suy nghĩ rất lung. Nó không muốn tàn nhẫn với thằng bé. Rồi mặt nó dãn ra. “Nè, cậu có biết nói tiếng Nhật không?” nó hỏi.
“Tất nhiên, khá tốt.”
“Được, vậy cậu làm thông ngôn cho bọn tớ và giải mã những tin mật.”
Takashi mừng ra mặt. “Chắc chắn tớ làm được,” nó kêu lên đầy nhiệt tình. “Và nếu các cậu muốn, tớ sẽ dọ thám chính ông già của tớ.”
Nhưng việc này không xong. Không còn ai để dọ thám ngoài ông Kato, mà ông Kato thì có súng.

Lễ Các Thánh đi qua rồi đến Lễ Tạ Ơn. Trong thời gian này ảnh hưởng của Robbie lộ rõ nét qua sự phát triển từ vựng trong bọn nhỏ, và qua cái việc cả bọn đâm ra ghét mang giày hoặc ghét khoác lên người cái gì có vẻ tươm tất. Vô tình Robbie đã hình thành một phong cách, có lẽ không mới mẻ gì, nhưng lại qui tắc hơn trước đây. Mặc quần áo đẹp là không xứng đẳng cấp đàn ông, hoặc tệ hơn, bị coi là một điều xúc phạm đối với Robbie.

Một trưa thứ sáu Robbie viết 14 tin nhắn và bí mật chuyển cho 14 đứa trong sân trường. Tất cả các tin nhắn đều có cùng nội dung. “Dân da đỏ sắp sửa thiêu sống Tổng Thống Mỹ ngày mai lúc 10 giờ tại giàn thiêu đặt ở nhà tớ. Hãy lẻn đến đấy, khi đi tới cánh đồng dưới lũng, tru lên như cáo. Tớ sẽ có mặt để đưa các cậu đi cứu mạng cái kẻ đáng thương.”

Đã nhiều tháng qua cô Morgan có ý định ghé thăm Junius Maltby. Những câu chuyện kể về anh và việc tiếp xúc với Robbie đã đẩy sự tò mò của cô lên đến cực điểm. Thỉnh thoảng trong lớp học lại có một đứa tung tin giựt gân. Thí dụ cái đứa nổi tiếng ngu nhất lớp bỗng bảo cho cô biết là Hengest và Horsa xâm lược nước Anh. Khi bị ép khai, nó thú nhận thông tin này có được từ Junius Maltby và là nguồn tin mật. Chuyện về con dê đã làm cô giáo thích thú đến mức viết ra thành truyện rồi gửi đến cho một tạp chí, nhưng người ta không chịu đăng. Cô đã chọn đi chọn lại một ngày thuận tiện để đi bộ đến nông trang Maltby.

Vào một sáng thứ bảy của tháng 12, cô thức dậy và cảm nhận được cái giá rét trong không khí, lại có nắng rực rỡ. Sau điểm tâm cô mặc một váy nhung mang ủng rồi rời nhà. Ra đến sân, cô cố dụ mấy con chó đi cùng nhưng chúng chỉ cụp đuôi quay lại ngủ tiếp trong nắng sớm.

photongh

Chỗ của nhà Maltby cách một hẻm núi nhỏ có tên Gato Amarillo khoảng hai dặm. Một dòng suối bên đường cái, cỏ lưỡi kiếm mọc rậm rạp bên dưới những cây tổng quán sủi. Khu hẻm núi rất lạnh vì mặt trời chưa qua đến đỉnh. Trong khi đang đi, có lúc cô Morgan nghe tiếng bước chân và tiếng nói ở phía trước, nhưng khi cô đi vội lên chỗ cua quẹo thì chẳng thấy ai. Tuy thế, những bụi cây bên vệ đường cứ lao xao lác xác một cách bí ẩn.

Dù chưa bao giờ đặt chân đến vùng này, cô Morgan nhận ra nó ngay khi đến nơi. Rào giậu ngả nghiêng nằm rã rượi bên dưới những bụi gai. Cây ăn trái thò cành đâm xuyên qua rừng cỏ dại. Dây dâu rừng bò lên những cây táo; sóc, thỏ quấn vướng dưới chân, chim câu rù rì vỗ cánh bay huýt. Ở một cây lê mọc dại cao to bọn chim giẻ cùi lam kêu quang quác chói tai trong một cuộc tranh cãi. Thế rồi bên cạnh một cây du chằng chịt dây bìm bìm bị đông cứng lại vì giá rét, cô Morgan nhìn thấy mái nhà Maltby với những tấm ván lợp cong vẹo phủ đầy rêu. Chỗ này, trong sự tĩnh lặng, giống như bị bỏ hoang đã một trăm năm. Cô nghĩ, “Ôi sao mà tàn tạ nhếch nhác đến như thế. Sao mà đẹp và bệ rạc đến như thế!” Cô tự cho phép mình vào sân qua một cái cửa nhỏ cạnh cổng, nó vẫn còn bám lay lắt vào một thanh sắt duy nhất. Nhà trại xám xịt vì mưa gió, trên các bức tường bên hông nhà dây leo tha hồ vươn ra những ngón tay dài. Cô Morgan quẹo quanh góc nhà rồi dừng lại trên lối đi; cô há hốc mồm lạnh cả sống lưng. Ở giữa sân có dựng một cây cột, một ông già rách rưới bị cột vào đấy bằng nhiều vòng dây thừng. Một người đàn ông khác trẻ hơn và nhỏ thó hơn, nhưng thậm chí còn tang thương hơn đang chất củi quanh chân tên tù binh. Cô Morgan rùng mình bước lui lại phía sau góc nhà. Cô tự nhủ, “Chuyện như thế này không thể xảy ra được. Mình đang mơ. Chuyện này làm sao xảy ra được chứ!” Và rồi cô nghe được cuộc trò chuyện dễ thương giữa hai người đàn ông.
“Gần 10 giờ rồi,” kẻ tra tấn nói.
Tù binh đáp. “Vâng, mà ông phải cẩn thận khi châm lửa vô mớ cành khô đấy. Khi nào thấy bọn chúng đến rồi mới châm lửa.”

Cô Morgan suýt rú lên mừng hết vía. Cô bước hơi liêu xiêu về phía giàn thiêu. Người không bị trói quay lại và nhìn thấy cô. Trong một khắc anh có vẻ ngạc nhiên, nhưng ngay lập tức trở lại như thường và cúi chào. Cái cúi chào từ một người ăn mặc rách rưới râu tóc bện cả vào nhau trông thật kỳ quặc và đáng yêu.
“Tôi là cô giáo,” cô Morgan hổn hển giải thích. “Tôi chỉ ra ngoài đi dạo một lát và rồi thấy cái nhà này. Trong một phút tôi đã tưởng cuộc hành quyết hỏa thiêu này là nghiêm chỉnh.”
Junius mỉm cười. “Nhưng nó nghiêm chỉnh mà. Còn hơn là cô nghĩ nữa. Trong một phút tôi đã tưởng cô là người đến cứu. Giải thoát tù binh được dự kiến vào lúc 10 giờ, cô biết đấy.”

Trong những rặng liễu phía dưới kia của ngôi nhà, tiếng chồn cáo bỗng rân rộ. “Chắc là nhóm giải cứu,” Junius nói tiếp. “Xin lỗi có phải cô là cô Morgan? Tôi là Junius Maltby, còn quí ông đây ngày thường tên là Jacob Stutz. Tuy nhiên hôm nay ngài là Tổng Thống của nước Mỹ sắp bị thiêu sống bởi dân da đỏ. Có lúc chúng tôi định cho lão ấy làm Guinevere, nhưng mặt mày hốc hỏm thế kia thì làm tổng thống có vẻ hợp hơn, cô có nghĩ vậy không? Ngoài ra lão lại còn không chịu mặc váy.”
“Tào lao,” ngài Tổng Thống nói với vẻ câng câng tự mãn.
Cô Morgan phá ra cười. “ Cho phép tôi xem cuộc giải cứu tù binh nhé, ông Maltby?”
“Tôi không phải Maltby, tôi là 300 tên da đỏ.”

Tiếng chồn cáo lại rộ lên. “Cô đến chỗ bậc tam cấp mà ngồi,” 300 tên da đỏ nói. “Ở đấy cô sẽ không bị nhầm là một tên da đỏ và không bị thảm sát.” Anh hướng mắt về phía dòng suối. Một cành liễu lay động mạnh. Junius đánh diêm vào quần và châm lửa vào đống củi bên dưới giàn thiêu. Khi ngọn lửa bùng lên, những cây liễu như bung ra thành từng nhánh nhỏ và mỗi nhánh bật ra tiếng reo hò. Đám đông tiến về phía trước trang bị bằng bất cứ loại vũ khí kinh khủng nào có được, y như người Pháp lúc phá ngục Bastilles. Lửa bị đá mạnh sang một bên khi vừa liếm tới chân Tổng Thống. Những anh hùng giải cứu sôi nổi tháo bỏ dây thừng, và Jacob Stutz đứng đấy, tự do và sung sướng. Lễ ăn mừng tiếp sau đó cũng không kém phần ấn tượng. Bọn con trai đứng dàn chào, Tổng Thống theo nhịp duyệt binh bước đến bên đội ngũ giải cứu gắn lên yếm tạp từng người một con ốc sên đúc bằng chì trên có khắc chữ ANH HÙNG. Trò chơi kết thúc.
“Thứ bảy tới chúng ta sẽ treo cổ mấy tên tội phạm đã có âm mưu đốn mạt,” Robbie thông báo.
“Sao không làm ngay bây giờ? Treo cổ chúng ngay đi!” đám đông gào thét.
“Không được, các chiến hữu! Còn nhiều thứ phải làm. Chúng ta còn phải làm giá treo cổ.” Nó quay sang bố. “Con cho là phải treo cổ cả hai,” nó hau háu nhìn cô Morgan một lúc rồi đành thôi.

Đó là một buổi chiều thú vị nhất mà cô Morgan đã trải qua. Mặc dù cô được dành cho một chỗ ngồi danh dự trên nhánh cây sung, bọn trẻ đã thôi xem cô như một người thầy.
“Nếu cô bỏ giày ra sẽ dễ chịu hơn,” Robbie rủ rê, và cô cảm thấy dễ chịu hơn thật khi tháo ủng ra đong đưa chân dưới dòng suối.

Chiều đó Junius nói về những bộ lạc ăn thịt người của dân da đỏ Aleutian. Anh kể những người lính đánh thuê đã chống lại Carthage như thế nào. Anh mô tả tập tục chải tóc trước khi chết của người Lacedaemonian ở Thermopylae. Anh giải thích nguồn gốc của mì ống, và nói về việc khai thác mỏ đồng như thể anh có mặt ở đấy. Cuối cùng khi lão già khắc khổ Jacob chống đối anh về việc thượng đế đuổi Adam và Eva ra khỏi vườn địa đàng, một cuộc gây gổ nhỏ đã nổ ra, cũng là lúc bọn trẻ con bắt đầu đi về nhà. Cô Morgan để tụi nhỏ đi cách cô một quãng, vì cô muốn yên tĩnh suy nghĩ về người đàn ông kỳ lạ vừa mới gặp.

Cái ngày ban giám hiệu đi kiểm tra là mối kinh hoàng chẳng những cho cô giáo mà cả bọn học sinh. Đó là một ngày căng thẳng. Bài học được dò trả một cách hồi hộp và mỗi lỗi chính tả là một án tử. Không có ngày nào trong khoảng thời gian này mà bọn trẻ phạm nhiều lỗi đến thế và thần kinh của cô giáo lại căng ra đến thế.

Ban giám hiệu của Đồng Cỏ Thiên Thai ghé qua dự giờ chiều ngày 15 tháng 12. Sau ăn trưa là họ đã lũ lượt kéo đến rồi, ai trông cũng u ám, tang tóc và có vẻ gì đó hơi xấu hổ. Bước vào trước tiên là John Whiteside, thư ký, cao niên, tóc bạc trắng, thường có thái độ dễ dãi đối với giáo dục, thỉnh thoảng lại bị chỉ trích bởi dân cư trong thung lũng. Sau ông ta là Pat Humbert. Pat được bầu vào ban giám học vì ông ta muốn như thế. Ông ta là một người cô độc, tẻ nhạt trong các cuộc gặp gỡ, vậy nhưng hay tìm bất cứ cách gì để tiếp xúc người này người nọ, quần áo thì chẳng hợp đâu vào đâu, buồn thỉu buồn thiu như bộ đồ màu đồng mà bức tượng Abraham Lincoln đang mặc ngồi trên cái ghế ở Washington. Theo sau Pat là T.B. Allen núng nính đi tới trên lối đi giữa hai hàng ghế. Vì ông ta là thương nhân duy nhất trong thung lũng, chỗ ngồi dành cho ông trong ban giam hiệu ở ngay phía trước. Sau lưng ông là Raymond Banks, cao lớn, vui vẻ, tay chân mặt mũi đều đỏ lự. Đi cuối trong cả nhóm là Bert Munro, một thành viên vừa mới được bầu. Vì đây là lần đầu viếng trường, ông ta có vẻ bẽn lẽn đi theo những người khác vào chỗ ngồi phía trước phòng học.

Khi các vị khách đã an tọa đâu đấy, các phu nhân của họ bước vào lớp tìm chỗ ngồi ở cuối phòng, sau lưng bọn trẻ con. Đám học trò nhúc nha nhúc nhích một cách bồn chồn. Chúng cảm thấy như bị bao vây và nghĩ nếu có muốn trốn thoát cũng đành bó tay. Nhìn chúng ngọ ngoậy trên ghế ngồi, các bà mỉm cười nhân ái. Chúng ngó thấy một gói giấy to đùng trên đùi bà Munroe.

Bắt đầu giờ học. Cô Morgan với một nụ cười gượng gạo, nói đôi lời chào mừng ban giám hiệu. “Kính thưa quí vị, chúng tôi sẽ không làm gì khác với thường ngày,” cô nói. “Tôi nghĩ trong cương vị của quí vị, có lẽ quí vị sẽ thích thú hơn khi thấy lớp sinh hoạt như tất cả mọi hôm.” Chỉ mấy phút sau đó, cô ân hận đã nói như vậy. Trong hồi ức, cô nhớ là chưa bao giờ cô thấy bọn học trò của mình ngu ngốc đến thế. Chúng không làm sao đẩy được chữ nào ra khỏi vòm miệng đã tê cứng, phạm những cái lỗi gớm ghiếc nhất, đánh vần thì phát khiếp, còn đọc thì nghe như tiếng lầu bầu của người mất trí. Ban giám hiệu cố gắng tỏ ra có tư cách, nhưng không thể không cười mỉm trước sự lúng ta lúng túng của mấy đúa nhỏ. Trán cô Morgan rịn lấm tấm mồ hôi. Cô hình dung cảnh tượng mình bị ban giám hiệu đùng đùng đuổi việc. Các bà vợ ngồi ở phía cuối lớp mỉm cười luôn miệng, một cách bất an, và thời gian nặng nề trôi. Khi môn số học trở nên rối loạn và biến thành trò hề, John Whiteside đứng dậy từ chỗ ngồi của ông.
“Cám ơn cô Morgan,” ông nói. “Nếu cô cho phép, tôi xin có vài lời với các em, rồi sau đó cô có thể cho chúng ra chơi. Các em học sinh lẽ ra phải được trả tiền công vì sự có mặt của chúng tôi.”
Cô giáo thở phào nhẹ nhõm. “Không biết quí vị có hiểu cho là bọn trẻ đã không làm tốt như thường lệ. Tôi rất vui mừng nếu quí vị hiểu cho như thế.”
John Whiteside mỉm cười. Trong suốt thời gian làm việc ở ban giám hiệu, ông đã chứng kiến quá nhiều giáo viên trẻ bị hoảng vía như thế. “Tôi mà nghĩ là chúng đã làm hết sức mình thì tôi đã đóng cửa trường rồi,” ông nói. Sau đó ông nói chuyện với đám học trò trong năm phút, dặn dò chúng phải học chăm và yêu kính cô giáo. Đó là bài diễn văn nhỏ ngắn ít gây tổn thương mà ông đã sử dụng nhiều năm. Những em học sinh lớn hơn đã thường xuyên nghe nó. Khi nói xong, ông bảo cô giáo cho bọn nhỏ nghỉ. Đám học trò yên lặng ra khỏi lớp, khi đã ra được bên ngoài, việc thoát nạn khiến chúng bung xì ra. Chúng la hét, gào rú, cố hết sức chặt đầu mổ bụng lẫn nhau để tàn sát.
John Whiteside bắt tay cô Morgan. “Trước giờ chúng tôi chưa thấy giáo viên nào có thể giữ trât tự tốt hơn thế,” ông nhẹ nhàng nói. “Tôi nghĩ nếu cô biết được bọn trẻ yêu mến cô nhiều như thế nào, cô sẽ bối rối đấy.”
“Nhưng chúng là những đứa trẻ ngoan,” cô tha thiết. “Chúng cực kỳ ngoan.”
“Tất nhiên rồi,” John Whiteside tán đồng. “Nhân tiện tôi muốn hỏi thăm cu cậu nhà Maltby dạo này như thế nào rồi?”
“Ồ, cậu ấy là một học sinh nổi bật, một đứa trẻ kỳ lạ. Tôi nghĩ cậu bé có một tư duy xuất sắc.”
“Cô Morgan, chúng tôi đã có thảo luận về cậu nhỏ này trong buổi họp nhà trường. Tất nhiên cô biết là cuộc sống gia đình của thằng bé chẳng ra làm sao. Nhất là chiều nay tôi có để ý thấy nó không có cái gì ra hồn để khoác lên người.”
“Vâng, đó là một gia đình kỳ lạ.” Cô Morgan cảm thấy mình phải bảo vệ cho Junius. “Không phải loại gia đình thường thấy, nhưng không vì thế mà xấu.”
“Xin đừng hiểu lầm tôi, cô Morgan. Chúng tôi sẽ không can thiệp vào chuyện nhà của họ. Chúng tôi chỉ nghĩ mình nên cho nó một vài thứ. Cô biết là bố nó nghèo mà!”
“Tôi có biết ạ,” cô nhẹ nhàng nói.
“Bà Munroe có mua cho thằng bé một ít áo quần. Nếu cô gọi nó vào, chúng tôi sẽ trao cho nó.”
“Ồ, không. Tôi sẽ không …” cô ướm lời.
“Tại sao không? Chúng tôi chỉ có vài cái áo sơ-mi, một cái quần yếm và mấy đôi giày.”
“Nhưng thưa ông Whiteside, việc này có thể làm nó lúng túng. Thằng bé khá là tự trọng.”
“Làm nó lúng túng chỉ vì mấy món quần áo tươm tất? Vô lý! Tôi cho là không có quần áo để mặc làm nó lúng túng hơn chứ. Mà ngoài ra, đi chân đất trong tiết trời này thật là quá lạnh đối với thằng nhỏ. Cả tuần nay băng đóng cả lớp trên mặt đất.”
“Tôi mong là quí vị sẽ không làm như thế,” cô chống chế một cách yếu ớt. “Tôi thật sự mong là quí ông bà không làm chuyện này.”
“Cô Morgan, cô có thấy là cô đã quá đáng trong vụ này không? Bà Munroe đã tử tế mua đồ cho thằng bé. Xin vui lòng gọi nó vào để bà ấy trao cho nó.”

Một lát sau Robbie đứng trước mặt mọi người. Mái tóc rối bù của nó phủ cả lên mặt, ánh mắt hãy còn hừng hực dư âm của những trò chơi mạnh bạo trong sân trường. Nhóm người tụ tập trước lớp, nhìn nó một cách ưu ái, cố gắng tránh chĩa thẳng cái nhìn của họ vào mớ quần áo rách rưới trên người thằng bé. Robbie ngó quanh quất, cảm thấy không thoải mái.
“Bà Munroe có một chút quà cho em, Robbie,” cô Morgan nói.
Bà Munroe tiến đến đặt cái gói vào tay Robbie. “Thằng bé dễ thương thật!”
Robbie cẩn thận đặt cái gói xuống sàn nhà rồi chắp tay sau lưng.
“Mở nó ra đi, Robert,” T.B.Allen nghiêm khắc nói. “Tư cách của cháu đâu chứ?”
Robbie khó chịu nhìn ông ta. “Thưa ông, vâng ạ,” nó nói, và mở sợi dây cột.
Những chiếc áo sơ-mi và cái quần yếm mới phơi ra trước mắt, nó nhìn chúng ngơ ngác. Đột nhiên nó như nhận ra đó là cái gì. Mặt nó đỏ rần lên. Trong một lúc nó trông hốt hoảng như một con thú mắc bẫy, và rồi nó phóng ra khỏi cửa, bỏ lại đống quần áo phía sau. Ban giám hiệu nghe hai bước chân trên thềm cửa, rồi Robbie mất dạng.
Bà Munroe thất thanh quay sang cô giáo. “Thằng nhỏ nó bị sao vậy chứ?”
“Tôi nghĩ nó thấy khó xử,” cô Morgan nói.
“Sao lại khó xử chứ? Chúng tôi tốt với nó mà!”
Cô giáo cố giải thích, và cô trở nên nổi cáu với đám người này vì cô đã phải cố sức. “Tôi nghĩ, quí vị biết là … Tôi không nghĩ thằng bé biết là nó nghèo cho đến mấy phút trước đây….”
“Lỗi ở tôi,” John Whiteside xin lỗi. “Tôi rất lấy làm tiếc, cô Morgan.”
“Vậy rồi chúng ta có thể làm gì được cho thằng bé này?” Bert Munroe hỏi.
“Tôi không biết. Tôi thực sự không biết.”
Bà Munroe quay sang chồng. “Bert, em nghĩ nếu anh đến chỗ họ ở để nói chuyện với ông Maltby có thể sẽ được việc. Ý em không bắt anh phải như thế này thế kia ngoại trừ tỏ ra tử tế. Nói với ông ấy là trẻ con không nên đi chân đất trong tiết trời đông giá. Nói chừng ấy cũng có thể có tác dụng. Ông Maltby có thể bảo Robbie nhận quần áo. Ông nghĩ sao, ông Whiteside?”
“Tôi không thích chuyện này. Quí ông bà phải bỏ phiếu để chống lại sự phản đối của tôi. Tôi đã gây thảm họa đủ rồi.”
“Tôi nghĩ sức khỏe của nó quan trọng hơn việc nó cảm thấy như thế nào,” Bà Munroe cố nài.

Trường đóng cửa nghỉ Giáng Sinh một tuần kể từ 20 tháng 12. Cô Morgan lên chương trình đi nghỉ ở Los Angeles. Trong khi cô đứng ở giao lộ chờ xe buýt đi Salinas, cô trông thấy một người đàn ông và một cậu bé cuốc bộ xuống đường cái Đồng Cỏ Thiên Thai đi về hướng của cô. Cả hai mặc quần áo mới rẻ tiền và bước đi như thể họ đang bị đau chân. Khi họ đến gần cô Morgan nhìn kỹ thấy hóa ra là Robbie. Mặt mũi nó sưng sỉa rầu rĩ.
Cô kêu lên, “Robbie, chuyện gì vậy? Em và bố đi đâu thế?”
Người đàn ông nói, “Chúng tôi đi San Francisco, thưa cô Morgan.”
Cô thoắt ngẩng lên. Junius đã cạo sạch râu. Cô đã không nhận ra là anh già sọm đi. Thậm chí đôi mắt đã từng rất trẻ, nay héo queo héo quắt. Tất nhiên là anh xanh mướt vì râu tóc đã không cho da dẻ có cơ hội tiếp xúc với nắng. Vẻ khắc khoải hằn sâu trên mặt.
“Anh và cháu đi nghỉ lễ?” cô Morgan hỏi. “Tôi rất thích các cửa hàng ở thành phố trong dịp Giáng sinh, đến độ có thể say mê ngắm nhìn chúng từ ngày này sang ngày khác.”
“À không,” Junius từ tốn đáp. “Chúng tôi lên ở đấy luôn. Tôi là nhân viên kế toán, thưa cô Morgan. Ít nhất tôi đã là nhân viên kế toán hai mươi năm trước. Tôi đang cố gắng tìm một việc làm.” Có sự đau đớn trong giọng nói của anh.
“Nhưng tại sao anh phải làm như thế?” cô hỏi.
“Cô thấy đấy,” anh giải thích đơn giản. “Tôi đã không biết là sống ở đây tôi đã làm thằng bé tổn thương. Tôi đã không nghĩ về điều đó. Lẽ ra tôi phải nghĩ đến điều đó chứ. Cô hiểu là thằng bé lẽ ra không nên được nuôi dưỡng trong nghèo khó. Cô hiểu, phải không? Tôi đã không biết người ta nói gì về chúng tôi.”
“Thế sao anh không ở lại trang trại. Nó màu mỡ quá mà.”
“Nhưng tôi không thể kiếm sống từ mảnh đất đó, thưa cô Morgan. Jacob sẽ trông coi trang trại, nhưng cô biết đấy, lão ấy lười chảy. Sau này, nếu có thể, tôi sẽ bán đi trang trại để Robbie có được những thứ mà nó chưa bao giờ có.”
Cô Morgan cảm thấy phẫn nộ, nhưng đồng thời muốn òa khóc. “Anh không tin chút gì về những điều người ta nói chứ?”
Anh nhìn cô ngạc nhiên. “Tất nhiên là không. Nhưng cô cũng biết là một đứa trẻ đang lớn không thể được nuôi như một con thú, đúng không?”

Xe buýt hiện ra trên đường cao tốc tiến về phía chỗ họ đang đứng chờ. Junius chỉ vào Robbie. “Thằng nhóc không chịu đi. Nó chạy trốn trong mấy ngọn đồi. Tối hôm qua Jacob và tôi mới bắt được nó. Cô thấy đấy, nó đã sống như một con thú quá lâu. Ngoài ra, thưa cô Morgan, nó đâu biết sống ở San Francisco sẽ dễ chịu như thế nào.”

Xe thắng két. Junius và Robbie leo lên chỗ ngồi phía sau. Cô Morgan định đến ngồi cạnh họ. Đột nhiên cô quay trở lại và ngồi xuống kế bên tài xế. “Tất nhiên rồi,” cô tự nhủ. “Tất nhiên là họ cần được một mình.”

Trần Thị NgH chuyển ngữ