7. Lễ Noel – Giáng Sinh

Lễ Noel là một dịp vui mừng. Nhưng đối với chúng tôi, những người lãnh đạo tôn giáo, các linh mục xứ, lại là dịp lo lắng. Nếu muốn tỏ ra có chính sách tôn trọng và cởi mở đối với tôn giáo, nên thời kỳ đầu, họ rất chú trọng đến việc đôn đốc mừng lễ Noel trọng thể.

Một chính sách phá đạo: tô điểm, cổ động các hình thức bên ngoài, rút cái ruột thâm sâu bên trong. Vả lại, trên thế giới, vào thời kỳ đó, cũng có cái vẻ nô nức mừng Noel. Các nước phương Tây có khuynh hướng biến lễ đó thành lễ hội cho phần đời: diễu phố và ăn réveillon (dĩ nhiên là múa hát, ăn chơi trụy lạc) người ta cho là cốt lõi của lễ.

Các nước Cộng sản nhất là Liên Xô, cổ động mừng lễ rất trọng thể. Dĩ nhiên với những hình thức bề ngoài: ăn chơi, tiệc tùng. Có lễ đêm là để cho có bầu khí khác thường. Người phương Tây rất quí trọng lễ Noel là thế. Không chỉ là lễ “quốc gia”, mà còn là lễ “quốc tế”. Người thành phố ở Việt Nam cũng dễ ưa thích tham gia các phong trào quốc tế đó.

Nơi thành phố, là vì trước đây sống cạnh người Pháp, nên cũng “lây” cái tinh thần Noel của người Pháp, vì sau này các chế độ ngoại quốc lan đến nước ta, thì các phong trào mừng lễ Noel vẫn được duy trì và còn phát triển thêm, nhất là theo chế độ Liên Xô.

Khi chế độ mới xuất hiện ở Việt Nam, lễ Noel rất được cổ động rầm rộ ở các thành phố, đặc biệt là ở Hà Nội: Noel, Tết Tây, lúc đó có người nghĩ rằng: nó sẽ thay thế các Tết cổ truyền Việt Nam. Và thế là tinh thần tục hóa Noel nhóm lên (ít là ở nước ta, chứ phương Tây đã tục hoá lễ từ lâu).

Chế độ mới! Khởi xướng mới về lễ Noel! Không những được Tây hoá, mà còn quốc gia hoá.

Noel 1958

Hà Nội đã chớm có cái phong trào Liên Lạc Công Giáo. Có ông Bưởi, ông Ngô Tử Hạ là những tiêu biểu Công giáo trí thức tiến bộ. Ông Bưởi tự xưng là Trùm xứ Nhà Thờ Lớn Hà Nội, đứng đầu nhóm cấp tiến bình dân, và dĩ nhiên là hung hăng.

Ở Phương Tây người ta chỉ chú ý cái lễ đêm Noel, bởi đó sửa soạn cờ quạt, đèn sáng cho lễ đêm, dải sao lớn v.v…ở Việt Nam, thì các thành phố mới có vẻ rầm rộ vào lễ đêm. ở Hà Nội, lễ đêm chỉ người ngoại quốc mới được vào nhà thờ. Người Việt Nam cố gắng dự lễ âm thầm ở nhà Préau trường Dũng Lạc.

Ngày 24-12-1958. Chính quyền cho người đến treo cờ, giăng cờ ở trước cửa Nhà Thờ Lớn. Dĩ nhiên là cờ Hội Thánh và cờ Quốc gia. Không bàn cho ai trong nhà thờ biết, cứ tự động làm.

Lúc đó người Công giáo đề phòng các phong trào Công giáo tự trị tách rời khỏi Vatican, như các nước Cộng sản quen làm.

Tự động đem cờ quạt đến trang trí, không báo cho cha xứ, có ý nghĩa là chiếm nhà thờ. Mọi người nghĩ thế. Để phản ứng lại. Cha xứ Nhà Thờ Lớn, Cha Căn cho kéo tất cả các chuông nhà thờ trong vòng một tiếng đồng hồ để báo động. Cờ dây đ• được mắc, cha Chính Vinh trong Toà Giám Mục chạy ra. Ngài nóng tính, tự tay giật các dây cờ, trèo lên thang giật các băng cờ trước nhà thờ.

Có người phản đối cha, việc lễ tự do tín ngưỡng, ai làm gì thì làm. Cha Vinh bắt chéo hai tay ra đàng sau, nói tự do thế này này. Nghĩa là tự do bị trói giặt cánh khuỷu. Chuông nhà thờ cứ réo lên, cho đến khi dẹp hết cờ quạt, các băng khẩu hiệu.

Hôm đó Đức Khâm Sứ Toà Thánh – Đức Cha Dooley – vẫn chưa bị trục xuất, còn ở Hà Nội. Ngài đồng ý với việc phản ứng của Công giáo.

Phải mất một tiếng đồng hồ, cuộc xôn xao lộn xộn ở trước cửa Nhà Thờ Lớn mới tan. Đây không phải là lộn xộn giữa chính quyền và nhân dân, mà là giữa người Công giáo với nhau. Một bên: người Công giáo muốn trung thành với Giáo Hội Vatican, vâng phục Đức Giáo Hoàng. Còn bên kia là những người Công giáo tiến bộ, do chính quyền thúc đẩy và lập ra.

Công giáo của nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa, dĩ nhiên theo chủ nghĩa quốc gia, không đi với Đức Giáo Hoàng. Giáo Hội tự trị này dần dần biến chất, rồi biến mất.

ở các nước xã hội chủ nghĩa, đều có thành lập nhóm đó một cách chính thức, chịu sự chỉ huy của chính quyền.

ở Việt Nam, người Công giáo hiểu rõ địa vị vai trò của mình trong Giáo Hội, không tham gia vào hội đó, nên hội không được thành lập cách chính thức, mà chỉ có những nhóm lẻ tẻ ở thành phố lớn như Hà Nội.

Sau việc lộn xộn ngày hôm đó ở sân Nhà Thờ Lớn, lễ Noel được cử hành, với lòng sốt sáng, dĩ nhiên không phải cái sốt sáng bề ngoài.

Về tinh thần: người Công giáo thấy trung thành với đạo lý và với Toà Thánh Rôma.

Bề ngoài: có những dấu chỉ can thiệp vào đạo để khống chế.

Trọng thể: lễ đã xong, nhưng mọi cái khó khăn rắc rối bắt đầu.

Một tháng sau: Cha Vinh, Cha Căn bị gọi ra Toà án Hà Nội, mọi người nghĩ là chỉ để cảnh cáo. Các cha sẽ về. Nhưng phiên toà xét xử về việc đạo không diễn ra một cách đơn giản. Trong toà, ngoài đường, đâu đấy đã được thu xếp chu đáo. Nghĩa là người có đạo không được đến dự phiên toà. Đường phố không có người Công giáo tụ tập để nghe Toà án, vì sợ có biểu tình.

Cha chính Vinh

Đến trưa, Cha Căn về một mình, người thừ ra, Cha cho biết toà xử Cha sáu tháng án treo, còn Cha Vinh ba năm tù ở. Và lập tức bị tống giam ngay. Thế là từ đó Cha Vinh biệt tích, không biết giam ở đâu. Sau này có tiếp tế thì trao đồ tiếp tế cho nhân viên nhà nước, chứ không được trực tiếp.

 

Từ đó không tin tức gì về Cha Vinh. Bị giam ở đâu không ai biết. Ba bốn năm sau, nghe nói người đã qua đời ở trại Cổng Trời, gần biên giới Trung Quốc(1).

Từ thời kỳ đó, các việc đạo được đưa vào khuôn khổ dần dần. Có việc phải xin phép – thường thường là phải báo cáo trước với Uỷ Ban Nhân Dân.

(1) Sau này, được tin chính xác chết ở Cổng Trời, nhờ có bia ghi trên ngôi mộ mà biết ngài ở đó – và hơn bốn chục năm sau – Câu chuyện về Cha Vinh ít ai nói đến. Nhờ đó, cũng cho người lặng lẽ đưa hài cốt ngài về Hà Nội. Nếu Chúa cho hiển thánh thì thường có phép lạ. Chưa nói có phép lạ hiển nhiên. Nhưng trường hợp tử đạo, không cần có phép lạ. Lúc này (2004) đề nghị việc phong thánh chưa thuận tiện về mặt xã hội, cái xã hội mà chính ngài chết trong đó, bởi xã hội đó và cho xã hội đó.

  1. nguyen thi nha trang
    30/03/2011 lúc 22:39

    Chị rất thích đọc hồi ký , vì nó cho ta biết được những chi tiết , những dữ kiện và những sự kiện quá khứ của lịch sử rất thú vị , chẳng hạn đọc bài này , chị phát hiện 1 chi tiết rất hay , đó là chi tiết nói về Cha Chính Vinh = LM Nguyễn Văn Vinh . Đọc bài này , rồi liên hệ đến 1 chi tiết nói về nơi chết của Cha Chính Vinh trong hồi ký Tôi Phải Sống của LM Nguyễn Hữu Lễ ở trại giam Quyết Tiến Cổng Trời ( Hà Tuyên ) , làm chúng ta phải xót xa , ngậm ngùi ! Chị trích 1 vài dòng : “…nằm mãi rồi cũng buồn , có 1 hôm tôi tò mò rờ tay bên dưới mấy tấm ván tôi nằm , nghe cộm tay vì có dấu khắc , tôi bò xuống coi , thì ra những người tù ở đây trước đã khắc tên và thời gian vào tấm ván . Tôi vô tình đọc được tên Linh Mục Nguyễn Văn Vinh , Cha sở Nhà Thờ Chánh Tòa Hà Nội . Sau này hỏi lại mới biết tất cả những người đó dều chết ở trại này , xác họ được chôn ngoài đồi Bà Then ! từ đó tôi biết thêm trại này có cách nói ” Ra Đồi Bà Then ” tức là chết . Sau khi cố gắng đọc tên người khắc nguệch ngoạc bên dưới tấm ván , tôi đọc kinh cầu hồn cho họ ! và rồi dùng đầu kim băng khắc mấy hàng tiếp theo : Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ , Vĩnh Long , 1977 …” ( Tôi Phải Sống – Phần II mục 5 : Đường Lên Cổng Trời / Trong Hầm Ướp Lạnh – LM nguyễn Hữu Lễ ) .
    Phay Van , hôm trước chị nhớ có gợi ý với em đọc cuốn hồi ký này , vì chị thấy có rất rất nhiều vị Linh Mục bị đầy đọa trong giam cầm của nhà tù csvn , cuộc sống đầy đọa trong nguc tù của các vị LM cho ta thấy phẩm chất cao đẹp , vị tha và bác ái của các vị LM có thật đó , rất đáng khâm phục , nhưng đồng thời cũng thật xót xa ! Biết nói gì đây Phay Van em ?!

    • 31/03/2011 lúc 07:39

      1. Các linh mục đi coi sóc các xứ đạo (gọi là cha sở hay cha xứ) sống bằng tiền bạc giáo dân trong xứ đó giúp đỡ. Giáo dân quí các cha lắm, vì các cha hy sinh sống độc thân để làm công việc mục vụ phục vụ đời sống tâm linh của họ. Họ hay tới xin cha dâng lễ cầu nguyện cho một người thân đã quá cố, hoặc xin ơn bình an cho người còn sống, và tạ ơn cha bằng cách gởi “bổng lễ” (một món tiền bồi dưỡng). Số tiền này tùy lòng, chị ạ. Các cha một ngày có thể dâng lễ theo nhiều ý lễ, được nhận nhiều bổng lễ, nhưng chỉ được xài riêng cho mình một bổng lễ thôi, những bổng lễ còn lại phải nộp về tòa giám mục sở tại để chi dùng cho các việc công ích trong toàn giáo phận (như đào tạo chủng sinh, nuôi dưỡng các cha nghỉ hưu, …). Ngoài ra, vào những ngày chúa nhật, trong nhà thờ đều có quyên tiền. Có một số người cầm giỏ đi từng hàng ghế để quyên tiền, ai bỏ bao nhiêu thì bỏ, không bỏ cũng không sao. Số tiền này được cha xứ dùng cho các hoạt động chung của nhà thờ, như tiền điện, nước, hoa, nến, nhang… tiền mua sắm, trang trí trong các dịp lễ lớn như Giáng Sinh, Phục Sinh, bồi dưỡng cho các phong trào sinh hoạt của các ca đoàn, các giới, các đoàn thể, … Ngoài ra một số cha xứ cũng quan tâm giúp đỡ xây nhà tình thương cho những người nghèo trên địa bàn giáo xứ, không phân biệt tôn giáo. Ví dụ xứ em (Phúc Hải, giáo hạt Biên Hòa, giáo phận Xuân Lộc), cha xứ mới xây nhà cho một anh khoảng 55 tuổi, độc thân, bị mù.

      2. Các dòng tu có đời sống tập thể, họ sống chung trong nhà dòng.

      Dòng nam thì sống nhờ tiền lễ giống các cha xứ. Một số dòng nam chuyên biệt về sư phạm thì đi dạy ở các đại học và các chủng viện, họ viết sách, dịch sách, làm việc trong bệnh viện, có dòng chuyên về chiêm niệm thì lao động chân tay (làm mộc, trồng trọt chăn nuôi, ….) và kết hợp cầu nguyện trong lao động, rồi họ bán các sản phẩm của mình để kiếm sống.

      Dòng nữ sống nhờ thu nhập lao động hàng ngày, cũng theo tính chuyên biệt của dòng: dạy học (ngoại ngữ, nhạc, cắm hoa, văn hóa, ….), viết sách, dịch sách, trồng trọt chăn nuôi, may và thêu áo lễ cho các cha, làm trong các bệnh viện, … đa dạng lắm chị à.

      Mỗi địa phận có một linh mục tổng đại diện, gọi là cha chính. Thông thường cha sở nhà thờ chính tòa được bổ nhiệm làm cha chính. Cha chính Vinh mà chị nhắc trên đây em có sưu tầm được một bài viết riêng về ngài, khi nào em đưa lên cho chị đọc nhé.

  2. nguyen thi nha trang
    31/03/2011 lúc 22:16

    Chị hỏi tiếp nha em : * không biết chị có ngớ ngẩn không ! nhưng chị thật bất ngờ khi em cho biết người Công Giáo có dùng NHANG , đúng là từ trước đến giờ chị không để ý , bây giờ mới biết ; thế NHANG bên Công Giáo sử dụng vào việc gì , có như bên Phật Giáo không em ? nghĩa là thắp trước các bàn thờ , bàn thờ Phật … hay cúng vái gì đó người ta cũng thắp Nhang … * Em giảng giải cho chị nghe về Bánh Thánh : bánh làm từ nguyên liệu gì ? hình dáng , kích cở , màu sắc , mùi vị …Ai được dùng Bánh Thánh …nói chung chị muốn biết tất cả thông tin về chiếc Bánh Thánh mà em có thể bíết ! ( à , Bánh có ngon không em , em đã ăn được nhiều lần chưa ? người ngoại Đạo như chị có thể được ăn không ? )
    Đừng có cười chị về các ý hỏi ngớ ngẩn này nghe cô bé !
    Mến ,

    • 01/04/2011 lúc 07:43

      Trước đây không dùng nhang mà dùng trầm. Sau 1975 thì tình hình khó khăn, giáo hội VN cho phép dùng nhang trong phụng vụ, vừa tiết kiệm vừa hội nhập văn hóa dân tộc. Nhang dùng lạy trước bàn thờ và cắm vào lư hương ở trước bàn thờ. Trong các dịp lễ trọng hoặc chầu Thánh Thể, người ta sẽ dùng trầm, cho vào một cái bình hương nhỏ bằng bạc, có dây cầm, và lắc xung quanh bàn thờ, gọi là xông hương bàn thờ, hoặc lắc trước mặt nhật đựng Mình Thánh Chúa, cử chỉ này mang ý nghĩa tôn kính, rồi em bé lễ sinh lắc bình hương này trước mặt vị linh mục, gọi là xông hương chủ tế, v.v…

      Bánh Thánh làm bằng bột mì. Đầu tiên họ tráng và nướng những cái bánh với kích thước to, rồi sau đó cắt nhỏ thành nhiều hình tròn. Khi hoàn chỉnh nó có kích thước lớn hơn đồng cắc loại 5.000 VND một chút, rất mỏng, màu trắng, hơi thơm, cho vào miệng là dòn tan.

      Bánh này bình thường thôi chị, chị có thể ăn trước khi được linh mục truyền phép trên bàn thờ. Nhưng sau khi được truyền phép, người công giáo tin rằng bánh đã trở thành Mình Thánh Chúa Giêsu, là Chúa thật đang hiện diện trong tấm bánh nho nhỏ đơn sơ ấy. Họ kính cẩn rước lấy Chúa từ tay thừa tác viên trao Mình Thánh Chúa, với điều kiện là phải có tâm hồn trong sạch, không sống trong tình trạng mắc tội trọng. Lúc này thì người ngoại đạo không được phép rước, chị à.

      Em cảm ơn những câu hỏi thú vị của chị, chị cứ tiếp tục nhé.

  3. nguyen thi nha trang
    01/04/2011 lúc 14:47

    Phay Van , như vậy là Nhang chỉ đựơc sử dụng ở VN vì điều kiện khó khăn của xã hội VN như em nói , chứ ở các nước khác không có sử dụng phải không em ? à , mà đã hỏi thì cho chị hỏi hết luôn ý này : thế ở VN , Nhang chỉ được sử dụng trong các buổi lễ ở Nhà Thờ , còn ở nhà các giáo dân thì sao ? có sử dụng không ? nếu có , thì dùng với ý nghĩa gì ?
    * lần này cho chị tìm hiểu ý này : Rửa Tội và Xưng Tội – mục đích , ý nghĩa và các nghi thức của 2 Phép này ?
    Phay Van , có bực mình bà già lẩn thẩn này không ?
    Mến ,

    • 02/04/2011 lúc 08:37

      Chị ơi, em rất vui vì những câu hỏi lý thú, xin chị cứ tiếp tục nhé.

      1. Nhang phổ biến ở các nước Á đông- như là một nét văn hóa riêng.
      Giáo hội công giáo VN sử dụng bình xông hương theo giáo hội công giáo Roma, sau 1975 mới dùng nhang chị ạ (mặc dù trước 1975 có linh mục [cha Hoàng Sĩ Quí- dòng Tên] đề xướng phong trào về nguồn, hội nhập văn hóa dân tộc, dùng nhang thay cho bình hương, linh mục mặc áo dài khăn đống thay cho áo lễ, …). Nay đời sống bớt khó khăn hơn, tại những nhà thờ lớn, dịp lễ lớn, họ dùng trầm, thấy trang trọng hơn.
      Vì tinh thần hiệp nhất của giáo hội công giáo, các nước vẫn theo qui định chung về phụng vụ của Roma chị ạ.
      Ở tư gia thì mình dùng nhang cắm trước bàn thờ Chúa và di ảnh của ông bà cha mẹ khi đọc kinh cầu nguyện, vì không phải ai cũng có bộ lư đồng :D. Nếu có bộ lư chị dùng trầm thấy long trọng hơn chứ.

      2. “Rửa Tội và Xưng Tội – mục đích , ý nghĩa và các nghi thức của 2 Phép này ?”
      Phép (ở đây) còn được gọi là bí tích.
      Bí tích là những dấu chỉ bên ngoài, làm phát sinh ơn ích bên trong, do chính Chúa Giêsu thiết lập.

      2.1. Bí tích Rửa Tội: dùng tha tội nguyên tổ (tội của Adam & Eva) và các tội riêng ta đã phạm trước đây, đồng thời thông ban sự sống siêu nhiên, cho ta được làm con Chúa và con Hội Thánh.
      Tội lỗi làm tắc nghẽn sự sống siêu nhiên, nhờ phép rửa, sự sống ấy được khai thông, người được rửa tội được thông phần sự sống siêu nhiên của Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là Cha.
      Hội Thánh là thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu. Chúa là đầu, mọi người là chi thể. Khi được rửa tội, người ấy được tháp nhập vào nhiệm thể này, hơn nữa chính Hội Thánh cử hành bí tích rửa tội, thông ban cho người ấy sự sống siêu nhiên, nên người ấy trở thành con cái của Hội Thánh.
      Nghi thức: sau khi người muốn chịu phép rửa tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa và quyết tâm từ bỏ tội lỗi, linh mục đổ nước (nước tự nhiên) trên trán người chịu phép rửa và đọc “Ta rửa con, nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần.”

      2.2 Bí tích rửa tội ban cho con người sự sống mới. Tuy nhiên con người yếu đuối, dễ sa ngã phạm tội. Sự sống siêu nhiên thường bị tội lỗi và các nết xấu làm tổn thương, nên con người phải lãnh bí tích giải tội để cứu vãn sự sống ấy.
      Cốt yếu của Bí tích Giải tội là lòng Chúa xót thương được thể hiện qua Hội Thánh và tâm hồn sám hối của tội nhân.
      Nghi thức:
      – Tội nhân thú tội.
      – Linh mục luận định: khuyên răn hối nhân, dạy bảo việc đền tội và đọc công thức tha tội như sau:
      THIÊN CHÚA LÀ CHA HAY THƯƠNG XÓT, ĐÃ NHỜ SỰ CHẾT VÀ SỐNG LẠI CỦA CON CHÚA MÀ GIAO HOÀ THẾ GIAN VỚI CHÚA VÀ BAN THÁNH THẦN ĐỂ THA TỘI. XIN THIÊN CHÚA DÙNG TÁC VỤ CỦA HỘI THÁNH MÀ BAN CHO ÔNG (BÀ, ANH, CHỊ, CON) ƠN THA THỨ VÀ BÌNH AN. VẬY TÔI (CHA) THA TỘI CHO ÔNG (BÀ, ANH, CHỊ, CON) NHÂN DANH CHA + VÀ CON VÀ THÁNH THẦN.
      – Làm việc đền tội.
      Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Nhưng Người đã trao quyền ấy cho các tông đồ và các Đấng kế vị. Vì thế, các Giám mục và các Linh mục nào được phép Đức Giám mục, mới có quyền ban Bí tích Giải tội.
      Muốn lãnh nhận Bí tích Giải tội, phải:
      – Xét mình (kiểm điểm đời sống) là nhớ lại những tội đã phạm, số lần và trường hợp gia giảm tội phạm.
      – Ăn năn dốc lòng chừa: là thật lòng hối hận, phàn nàn (sám hối) vì đã làm mất lòng Chúa và quyết tâm không dám tái phạm nữa.
      – Xưng tội: là thành thật thú nhận tội đã xét thấy với Linh mục giải tội, người đại diện Chúa Kitô.
      – Đền tội: là làm những việc Linh mục giải tội dạy làm để tạ lỗi cùng Chúa và đền bù những thiệt hại, nếu có.

  4. nguyen thi nha trang
    02/04/2011 lúc 13:54

    Phay Van , Tòa Giải Tội là gì ? em ” vẽ ” Tòa Giải Tội bằng từ ngữ cho chị ” chiêm ngưỡng ” được chứ ?
    À , xưng tội vào thời gian nào ? và các tội nào thì mới xưng tội ? người ngoại đạo nếu muốn có thể được phép xưng tội không ?
    Bận lắm phải không ? cứ từ từ ” vẽ ” em nha !
    Mến ,

    • 02/04/2011 lúc 20:11

      Toà giải tội là nơi người ta đến xưng thú tội lỗi hầu nhận được ơn tha tội.
      Nó là một cái hộp gỗ, trong đó có ghế cho linh mục ngồi, một vách gỗ sẽ được đục lỗ để âm thanh lọt qua, che bằng một miếng vải trắng hoặc tím cho người xưng tội được tư nhiên, khỏi lo cha giải tội nhìn thấy mặt :D. Người xưng tội quì bên ngoài vách gỗ ấy mà xưng tội. Người ta thiết kế chỗ đục lỗ sao cho ngay vừa tầm cái miệng của người xưng tội và lỗ tai của cha giải tội.
      Ngày nay thiết kế đơn giản hơn, thường là một vách gỗ, có bàn quì cho người xưng tội, cha giải tội kê một cái ghế ngồi phía sau, cũng có đục lỗ và che vải (tất nhiên)
      Xưng tội ngay khi phạm tội trọng (lỗi luật Chúa trong điều trọng), hoặc có thể định kỳ mỗi tháng, do thói quen đạo đức, cho dù chỉ có tội nhẹ. Linh mục thường giải tội trước và sau thánh lễ, hoặc khi có yêu cầu đột xuất.
      Tội nào cũng làm mất lòng Chúa, nên tội nào cũng phải xưng chị ạ. Tuy nhiên vào những dịp lễ lớn, người ta xưng tội nhiều, các cha ngồi giải tội suốt ngày, tội nghiệp lắm, nên mình chỉ xưng những tội trọng, tội nhẹ khỏi xưng cũng được.
      Muốn được xưng tội trước hết phải lãnh bí tích rửa tội chị ạ. Bí tích rửa tội là bí tích nhập đạo. Tuy nhiên nếu muốn, người ngoại đạo có thể xin tư vấn những vấn đề tinh thần từ linh mục. Các ngài luôn luôn sẵn sàng.
      Chị xem hình dưới đây để rõ hơn nhé. Em vẽ dở lắm 😀

      Hình một toà giải tội ngày xưa (cha ngồi trong toà, người xưng tội quì phía ngoài, bên hông toà)

      Một cảnh xưng tội:

      Cảnh xưng tội tại một buổi tĩnh tâm:

      Một hình xưa về cảnh xưng tội. Linh mục chỉ là người đại diện, Chúa Giêsu mới là người tha tội:

      Vị áo đỏ, mũ đỏ đang đứng là giám mục (có lẽ ngài đang giảng). Một linh mục đang ngồi ở toà giải tội. Người xưng tội sẽ quì phía sau toà giải tội.

  5. nguyen thi nha trang
    03/04/2011 lúc 12:44

    Phay Van , Em thật chi tiết và rất chu đáo kèm theo những hình ảnh minh họa sinh động , làm chị rất thỏa mãn ý mình tìm hiểu , cảm ơn em , nhưng chị lại muốn tò mò sâu hơn chút nữa được không em ? đó là : khi xưng tội , người xưng tội mở lời đầu tiên như thế nào ? và khi người xưng tội trình bày tội của mình xong thì nói gì ? vị Linh Mục mở đầu và kết thúc lời như thế nào em ? chị đưa 1 ví dụ ( hoặc em đưa cũng được ) để minh họa cụ thể nghe : người phạm tội là nam , đã ăn cắp 1 chiếc xe đạp -> trình tự xưng tội ?
    Chết ! chị lại quên , em là nữ làm sao là 1 vị Linh Mục được ? Vậy , tìm hiểu giải đáp được không em ?
    Mến ,

    • 04/04/2011 lúc 07:46

      Người xưng tội quì xuống tòa giải tội, làm dấu thánh giá và nói:
      “Thưa cha, con xưng tội được 1 (2,3…) tháng. (Đây là khoảng thời gian tính từ lần xưng tội gần đây nhất)
      Con đã ăn cắp 1 chiếc xe đạp của xxx, trị giá khoảng xxx, hiện con đã bán (hoặc đang cất giữ).
      Thưa cha, con đã xưng xong. Xin cha tha tội cho con.”
      Linh mục sẽ nói đại ý: ăn cắp là một hành động xấu, lỗi đức công bằng và bác ái, nhất là khi lấy của người nghèo. Con phải đền trả lại cho người ta, nếu đã lỡ bán thì đền tiền cho tương xứng. Nếu ngại không muốn lộ diện thì có thể lén đền trả bằng nhiều hình thức khác, miễn sao người ta không bị thiệt thòi. Linh mục có thể yêu cầu người xưng tội khi ra về đọc một ít kinh để nâng lòng trí lên cùng Chúa, được gọi là việc đền tội.
      Sau đó cha dặn dò lần sau ráng đừng tái phạm, đừng làm mất lòng Chúa, rồi khuyên người xưng tội giục lòng ăn năn tội. Cuối cùng cha đọc công thức tha tội (như em đã nói trong một comment trước), đọc xong cha gõ nhẹ vào tòa giải tội, ra hiệu cho người xưng tội biết là đã xong để họ ra về. (Vì có nhiều người lãng tai, không nghe rõ cha đọc cái gì, rồi hồi xưa công thức này còn được đọc bằng tiếng latin nữa cơ, nên cái vụ cốc cốc vào tòa giải tội bắt nguồn từ đó.)

  6. nguyen thi nha trang
    04/04/2011 lúc 23:03

    Phay Van , comment ở bài về Cha Chính Vinh , chị có đề nghị em đọc kinh cầu hồn cho Người ; vậy cho chị tìm hiểu tường tận nội dung lời , của bài kinh cầu hồn này được chứ ? chỉ có 1 bài kinh cầu hồn hay nhiều bài cho mỗi đối tượng ? ( giáo dân , linh mục …. )
    Mến ,

    • 05/04/2011 lúc 08:32

      Tại một số giáo phận miền Bắc, nhất là các Giáo phận do các Thừa sai dòng Đa-minh truyền giáo trước đây, nhiều tín hữu rất quen thuộc với kinh “ Phục Rĩ” cầu nguyện cho người đã qua đời. Có thể nói đây là một cố gắng tuyệt vời của ông cha ta để “hội nhập văn hóa” trong kinh nguyện. Với cung giọng ngân nga trầm bổng, lúc khoan lúc nhặt, lời kinh đưa chúng ta vào một bầu khí linh thiêng, siêu thoát. Với những âm vang nghiêm trang sâu lắng, lời kinh dẫn chúng ta về tham dự một lễ tế cổ xưa. Có người cho rằng kinh Phục Rĩ của người Công giáo đã được soạn thảo với sự cộng tác của một vị sư phật giáo trở lại Đạo[1], nhờ đó mà nội dung và cung giọng rất gần với những bài tế cô hồn.

      Một bài văn tế thường gồm bốn phần :

      Lung khởi: mở đầu, thường bắt đầu bằng chữ Hỡi ôi, sau đó là lời than vãn

      Thích thực: mở đầu bằng chữ “Nhớ linh xưa” sau đó là phần tuyên xưng công trạng của người đã quá vãng

      Ai vãn: mở đầu bằng “khá thương thay” sau đó là niềm thương tiếc và cảm phục.

      Kết: nói lên tâm tình thương tiếc và rút bài học cho người còn sống.

      Kinh Phục Rĩ cũng được soạn thảo theo đúng dàn bài trên, nhưng điều tuyệt tác của cha ông chúng ta là làm cho lời kinh trở thành một lời tuyên xưng đức tin, tạo cho “bài tế” mang một nét rất mới mẻ. Người viết không dám đi sâu hơn vào lãnh vực văn chương mà chỉ mạo muội so sánh sự khác biệt giữa nội dung một bài tế và kinh Phục Rĩ trong hai phần mở đầu (Lung khởi) và nội dung chính (Thích thực).

      Trong phần mở đầu, nếu bài tế người qua đời mở đầu bằng lời than vãn trước sự ra đi của một người thân hoặc một nhân vật anh hùng, thì kinh Phục Rĩ lại mở đầu bằng lời tuyên xưng đức tin, tôn vinh Thiên Chúa là Đấng Tối Cao, Đấng ngự trên chín tầng trời. Ngài là chủ của sự sống, là Chúa của muôn loài muôn vật.

      Trước vong linh người đã chết, người tín hữu Công giáo lại mở đầu bằng lời kinh ca tụng và tôn thờ:

      “Phục rĩ: Chí tôn chân Chúa cửu trùng cao ngự chi thiên,

      Khả tiểu phàm phu, vạn vật hữu sinh chi địa”.

      Chiếu lâm bất sảng, phú tại vô tư

      Dịch: Lạy Chúa chí tôn

      Thiên Chúa cửu trùng cao ngự thiên cung

      Thẩm nhận đoàn con – phàm hèn giữa muôn tạo vật

      Chúa soi thấu cả, chẳng có đơn sai.

      Phần “Lung khởi” của Kinh Phục Rĩ khá dài vì tiếp theo đó là lời tuyên xưng đức tin vào Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha sáng tạo muôn loài, Chúa Con chịu khổ chịu nạn để cứu chuộc trần gian, Chúa Thánh Thần hiện xuống và ở cùng Giáo Hội…

      Như thế, nếu bài văn tế nhằm than vãn trước sự ra đi của người thân, thì kinh Phục Rĩ lại nhấn mạnh trước hết đến Thiên Chúa là nguồn mạch của sự sống. Ngài là Đấng Tối Cao trên cả vạn vật.

      Khi tưởng niệm một người qua đời, kinh Phục Rĩ lại không nhấn mạnh đến công lao của người quá vãng. Quả vậy, đối với tín hữu Kitô, những gì chúng ta làm ở đời này chỉ là hư không: “Đối với anh em, khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng” (Lc 17,10). Con người chẳng có chi mà khoe khoang, vì trước nhan Chúa, họ chỉ là hư vô, “các quốc gia như thể giọt nước bám miệng thùng, khác nào hạt cát dính bàn cân” (Is 40,15). Khi nhắm mắt xuôi tay vĩnh biệt cõi đời này, con người đến trình diện Đấng Tối Cao với hai bàn tay trắng. Họ chẳng mang được gì theo, trái lại, họ còn nhiều yếu đuối và tội lỗi cần được Chúa thanh tẩy. Ta hãy cùng đọc:

      Thiết niệm linh hồn (mỗ)

      Tự tòng sinh tiền, chí kim tự hậu

      Thụ Thiên Chúa cực đại chi ân. Lự thử hồn vô tình chi vật.

      Dịch: Nhớ lại linh hồn…

      Khi còn sinh thời đến khi lâm mệnh

      Chịu ơn Chúa thực đã bao nhiêu – thật quả hồn vô tình chi vậy.

      Hơn thế nữa, vào lúc một người đã chết, nhìn lại chặng đường đã qua, xem ra họ chẳng làm được gì đáng kể. Thời giờ Chúa ban hầu như đã trở nên vô dụng, như dòng nước trôi đi không trở lại. Kinh Phục Rĩ là lời cầu nguyện sám hối chân thành thống thiết:

      Bình sinh cư thế, bất thức bất vụ bất sự lực khuy

      Vãng nhật đa khiên, hoặc tư hoặc ngôn hoặc hành hữu mậu

      Hoặc bị linh hồn ký hãm minh ngộ, ái dục tam năng

      Đa vị biệt dung bất chuyên ức chuyên mộ chuyên tư; hoặc bị phục thân nhĩ mục khẩu tuỵ thủ túc tứ thể, vọng các tha kỳ, mãn tuyến kính tuyền tuân tuyền phụng”

      Dịch: bình sinh trên thế, chẳng biết, chẳng giữ, chẳng cứ việc ngay

      Lỗi phạm bao nhiêu, hoặc suy hoặc nghe hoặc làm sự tội

      Hoặc tại linh hồn mắc điều gian nịnh thiếu sự khôn ngoan, bao nhiêu trọng tội

      Chính không nhớ không mộ không suy; hoặc tại phần thân xác nặng chẳng tìm nẻo chính lối phải.

      Chẳng cứ tâm thành, chẳng vì kính vì vâng vì trọng.

      Cũng chính vì ý thức sự yếu hèn của mình mà lời kinh kêu nài ơn tha thứ nhờ công nghiệp của Đức Giêsu Kitô, đồng thời nhờ lời cầu bầu của Đức Maria, các thiên thần, thánh Bổn mạng, thiên thần hộ thủ và toàn thể chư thánh cùng bầu cử trước tòa Chúa cho người đã qua đời được siêu thoát:

      Á thân Chúa Da-tô, thục tội thi ân chi đại nhân từ Thánh Mẫu vị kỳ xá quá cho đa.

      Dịch: Ôi lạy Chúa Giê-su, chuộc tội ban ơn khôn lượng, cậy nhờ Thánh mẫu, nguyện cầu khẩn Chúa thương tha.

      Trung thành với luật hành văn của một bài tế, kinh Phục Rĩ cũng có một lối kết mang tính “cẩn cáo”, nhưng nội dung lại là một lời cầu xin và mở ra niềm hy vọng. Ta hãy so sánh:

      Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo, thương vì hai chữ thiên dân; cây hương nghĩa sữi thắp thêm thơm, cám bởi một câu vương thổ.

      Hỡi ôi thương thay

      Có linh xin hưởng” (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc)

      Kinh Phục Rĩ lại kết thúc như sau:

      Nguyện thử linh hồn, khiết thăng thiên quốc,

      Xuân đài tự tại, chân hưởng phúc chi vô cùng

      Thọ vực tiêu rao tín thường sinh chi hữu vinh

      Kinh văn sở đảo thỉnh chúng đồng âm. Amen

      Dịch: Nguyện cầu thanh tẩy linh hồn chóng lên thiên quốc

      Muôn đời cực lạc, an hưởng phúc vui vô cùng

      Nguyện được Cha ban phúc trường sinh nơi vĩnh viễn

      Trông mong khẩn khoản, hết thày đồng tâm. Amen.

      Như đã nói trên, nội dung của lời cầu nguyện đã được thay đổi. Tác giả đã khéo léo lồng vào một bài văn tế quan niệm nhân sinh của Tin Mừng. Tâm tình cậy trông, sám hối và hy vọng được nêu rõ trong lời kinh. Chính nhờ đó mà kinh Phục Rĩ vừa gần gũi với tầng lớp bình dân, vừa dễ đi vào lòng người vì nó mang theo cái hồn của văn chương Việt Nam, dễ hướng những người tham dự hướng về tiên tổ, với tâm tình cầu nguyện hoàn toàn mới mẻ.

      (nguồn: GM. Vũ Văn Thiên, giám mục Hải Phòng)

      ———

      Ngày nay các nhà thờ và gia đình công giáo ít còn đọc kinh này, vì lời kinh bằng chữ Hán, khó nhớ, khó hiểu. Người ta dâng những lời kinh thông thường hàng ngày, dâng những hy sinh hãm mình, dâng những việc lành, bác ái, còn linh mục thì dâng thánh lễ, để cầu nguyện cho người quá cố. Vì ai cũng là người, cũng có những sai lỗi khi còn sống, nên ai cũng cần được Chúa thương xót và tha thứ, sớm đưa linh hồn người quá cố về hưởng phúc Thiên đàng với Chúa. Nội dung chủ yếu của cầu hồn là như thế chị ạ.

      Khi nhắm mắt xuôi tay, mọi người đều như nhau trước mặt Chúa, không còn phân biệt giám mục, linh mục hay giáo dân. Khi đó Chúa chỉ phán xét về lòng bác ái thôi:

      Rồi Người cũng sẽ nói với những kẻ bên trái rằng: ‘Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!’ Bấy giờ họ cũng đáp lại rằng: ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu?’ Khi ấy Người đáp lại: ‘Quả thật, Ta bảo cho các ngươi biết, những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta”. (Mt 25, 41-45)

  7. nguyen thi nha trang
    05/04/2011 lúc 20:11

    Phay Van , cảm ơn em nhiều nhiều lắm , rất thỏa cái trí tò mò của bà già lẩn thẩn này . Tạm thời ta giải lao nghe em , mai chị mắc việc vắng nhà vài ngày .
    Mến ,

  8. nguyen thi nha trang
    08/04/2011 lúc 12:18

    Phay Van , chào em gái ! mấy hôm nay bận đi dự đám tang người bà con , mới về lại nhà , khỏe không em ? chị em ta tiếp tục nha : có 1 chi tiết này ắt hẳn là bình thường và rất tự nhiên với em , nhưng với chị – người ngoại Đạo – muốn tìm hiểu tường tận luôn , đó là : gọi là gì nhỉ ! cái Dấu mà dùng tay chỉ vào trán -> chấm vai phải -> chấm vai trái ( hay trái trước phải sau ? )-> chấm vào ngực : gọi là Dấu gì ? mục đích ? ý nghĩa ? khi nào thì dùng Dấu này ? * AMEN : là gì ? em giải thích tuốt tuồn tuột cho chị những hiểu biết của em về từ này ! được chứ cô bé ?
    Mến ,

    • 08/04/2011 lúc 13:55

      Mừng vì chị đã trở về, khỏe nhé chị ơi. Cho em chia sẻ với chị về đám tang người thân nhé.

      Cái mà chị hỏi bên CG gọi là:
      + dấu thánh giá (danh từ)
      + làm dấu thánh giá hay gọi tắt là làm dấu (động từ)

      Cách làm: Người ta đưa tay mặt lên trán và đọc: Nhân danh Cha, đưa xuống ngực và đọc và Con, đưa qua vai trái và đọc và Thánh, đưa qua vai phải và đọc Thần, đoạn đưa tay lên môi (hoặc chắp tay lại) và đọc Amen
      (Amen: tiếng Hebrew có nghĩa là mong như thế, xin cho được như thế, tin như thế.)
      Nguyên văn lời đọc là “Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Amen.”

      Động tác làm dấu thánh giá có ý nghĩa:
      + Tuyên xưng đức tin công giáo. Bằng cách làm dấu thánh giá, người CG tuyên xưng lòng tin của mình vào một Thiên Chúa Ba Ngôi (ngôi Cha, ngôi Con và ngôi Thánh Thần).
      + Nhắc người làm dấu nhớ rằng họ phải luôn sống mầu nhiệm thập giá, nghĩa là chấp nhận đau khổ, miễn là ý của Chúa được thực hiện (chứ không phải ý mình)

      Người ta làm dấu thánh giá khi:
      + Vào nhà thờ. Ở một số nhà thờ (tạm gọi là cổ) như nhà thờ Chính Tòa Nha Trang (nhà thờ Đá) chẳng hạn, có một khay đựng nước phép (nước được linh mục làm phép) ngay cửa ra vào, ai vào nhà thờ sẽ chấm tay vào nước phép và làm dấu. Hiện nay các nhà thờ ở VN ít thấy có khay này, cũng là một điều đáng buồn, một truyền thống tốt đẹp đang mai một.
      + Khi khởi sự một việc làm, mong được Chúa chúc lành, hoặc mừng rỡ khi thành công. Chị có để ý các cầu thủ châu Âu (Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia) hoặc châu Mỹ La tinh (Argentine, Brazil) làm dấu thánh giá khi vào sân hoặc ra sân, hay trước khi đá phạt, sau khi ghi bàn…
      + Khi sợ hãi, lo lắng việc gì (để được bình an)
      + Khi bắt đầu và kết thúc một thánh lễ hoặc một buổi đọc kinh.
      + Khi bắt đầu một bữa ăn (để tạ ơn Chúa)
      + Linh mục dùng tay vạch dấu thánh giá để ban phúc lành, chúc lành (trên người ) hoặc làm phép (trên đồ vật).

  9. nguyen thi nha trang
    08/04/2011 lúc 14:42

    Phay Van , đã tìm hiểu thì cho hết ý muốn hỏi nha ! làm Dấu bằng tay mặt ( Phải ) , thế nếu người thuận tay Trái thì sao em ? có bắt buộc không ? À , đưa cả Bàn Tay hay chỉ 1 ( 2,3…) Ngón Tay ?
    Có bực mình không cô bé !

    • 08/04/2011 lúc 15:03

      Không bực mình tí nào mà rất vui chị ơi 😀
      Có một số nước bên Trung Đông (đa số Arab) dùng tay mặt mà không dùng tay trái, lý do: tay trái dùng để làm những việc như washing your secret parts of the body (ấy là ông thầy dạy Anh văn em nói thế) nên không còn xứng đáng trong việc phụng tự. Họ đưa cái gì cho nhau cũng bằng tay mặt luôn, chị ạ. Việc làm dấu tay mặt ở đây chắc cũng cùng xuất xứ?
      Thuận tay trái thì tập sửa thành tay mặt chị ạ, nhanh thôi mà. Nếu chị dùng tay trái mà đứng chật chội trong nhà thờ là “đụng” đấy (như ăn cơm bị “đụng” đó chị). Em chưa thấy ai làm dấu tay trái chị ơi 😀
      Đưa cả bàn tay chị ơi, nhưng mình dùng ba đầu ngón tay (trỏ, giữa, áp út)- chắc tại ba ngón này dài (?) để làm dấu.
      Chị thử đứng trước gương và làm xem sao nhé 😀

  10. nguyen thi nha trang
    08/04/2011 lúc 23:36

    Rồi , đứng trước gương và làm 5 lần ! Giống chưa cô giáo ! à , từ ý này , cho chị tìm hiểu việc sau đây : ở chỗ chị có 1 cậu ngoại đạo , quen cô bé có đạo , nghe nói cậu ấy phải học kinh , hiện nay 2 đứa đã là vợ chồng . vậy em cho chị biết : cậu ấy phải học kinh gì ? trong bao lâu ? và học ở đâu ? ai dạy ? cậu ấy có phải chính thức vào Đạo không ?
    Đó là Nam ngoại Đạo , thế còn Nữ ngoại Đạo có được phép lấy chồng có Đạo không ? nếu được thì tiến trình cô gái phải học kinh có giống như Nam không ? Lần này chỉ vậy thôi cô giáo !
    À , em giải thích ý này ở bài : Thành Quả Của Cải Cách Ruộng Đất . comments bên này cũng đã dài rồi , vậy nha !

  1. No trackbacks yet.

Bình luận về bài viết này