Những Người Lính Không Già

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

.

Học trò thời nào cũng thường được gán ghép vào câu “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Trong đó, con gái cảm thấy mình bị oan, vì chẳng có mấy trò nữ sinh nghịch ngợm như con trai. Nhưng bọn con trai thì khỏi nói. Bảo họ ngồi im ngoan ngoãn thì chắc trời sập. Lúc nhỏ tôi vừa ngán vừa ghét những trò trai nghịch ngợm. Không ngờ đó lại là những gì in đậm nhất trong quãng đời đi học.
Năm Đệ Ngũ, tức Lớp Tám bây giờ, lớp tôi có những bạn trai vừa học giỏi vừa phá. Trường tư thục, nam sinh và nữ sinh học chung lớp. Nam ngồi một dãy, nữ một dãy. Coi vậy chứ cũng nề nếp lắm, không xâm phạm gì nhau. Có điểm vui là nếu có sinh hoạt văn nghệ lớp thì có đủ nam nữ, không phải chạy đi đâu mà tìm. Các Thầy dạy học cũng cảm thấy vui, vì nếu Thầy mệt mỏi với các trò trai thì đã có các nữ sinh ngoan ngoãn khiến Thầy bớt giận.
Trẻ nhất trong các Thầy, là thầy Huy, dạy chúng tôi môn Đại Số. Môn này dễ học nhưng khô khan. Thầy Huy hay nói chuyện vui trong lúc giảng bài nên chúng tôi đâm ra thích môn học này. Thấy Thầy vui tính, học trò dần dần “lờn mặt”. Thầy thường nhắc nhở nhẹ nhàng mỗi khi học trò vào lớp trễ hoặc quên làm bài tập ở nhà.
Nhưng bỗng một hôm Thầy Huy thay đổi thái độ. Thấy số học trò “quên làm bài” nhiều quá, Thầy nổi giận… Thầy quát to:
“Các em quỳ hết lên ghế cho tôi!”
Học trò nghĩ Thầy nói đùa. Không bạn nào làm theo lời Thầy. Thầy quát to hơn nữa:
“Tôi bảo quỳ hết lên ghế.”
Bây giờ thì chắc là không phải nói đùa rồi. Các bạn đưa mắt nhìn nhau như để ngầm hỏi “Làm sao đây?”
Thầy Huy nói:
“Các bạn đã coi thường việc học, không tôn trọng kỷ luật học đường, làm sao ra đời xử sự đứng đắn trong xã hội?”
Thầy bắc chiếc ghế của Thầy ngay cạnh bục giảng, và Thầy quỳ lên chiếc ghế đó, ngay trước mặt học sinh. Chúa, Phật ơi! Cả lớp biết là chắc chắn rồi, không phải chuyện đùa. Mọi người răm rắp làm theo. Trong số nữ sinh có những bạn ấm ức lắm, đó là các bạn chăm chỉ lâu nay, bao giờ cũng làm bài, nộp bài rất sớm. Bây giờ các bạn phải bị quỳ không khác gì các trò “hư” kia thì tức lắm chứ! Trong số đó có tôi!
Một tiếng đồng hồ! Vâng, xin thưa, một tiếng đồng hồ, không hơn không kém. Quỳ trên ghế, nghe dễ dàng quá, nhưng cũng tê mỏi lắm. Thầy và trò đã quỳ trên ghế như thế một tiếng đồng hồ. Từ nhỏ đến giờ tôi chưa bao giờ bị ba má hay thầy cô bắt phạt như thế, lần đầu tiên nếm mùi bị quỳ, tôi xây xẩm mặt mày. Có một chút giận Thầy Huy, mà cũng cảm thấy thương Thầy làm sao!
Buổi học môn Đại Số kế tiếp chúng tôi không thấy Thầy Huy vào lớp. Thay vào đó, Thầy Giám Thị giới thiệu với chúng tôi một cô giáo mới, thay Thầy Huy. Còn Thầy Huy đã lên đường nhập ngũ.
Trong bức thư Thầy Huy nhờ Thầy Giám Thị chuyển cho chúng tôi, được anh trưởng lớp đọc lên, Thầy Huy nhắn nhủ chúng tôi hãy tập sống kỷ luật, hãy hòa mình vào nề nếp chung của tập thể, quan tâm đến người khác, và nhất là hãy siêng học.
Năm Thầy Huy lên đường là năm bắt đầu giai đoạn sôi bỏng của đất nước. Bọn học trò chúng tôi biết thêm một điều: chiến tranh.
Thầy Huy hết ở thao trường, ra chiến trường. Ba năm sau, chúng tôi được tin Thầy tử trận.

**
Ở lớp Đệ Tam, là lớp Mười bây giờ, có bạn Hoàng đàn guitar rất giỏi, ít ra là giỏi so với bọn chúng tôi lúc đó. Mỗi lần có sinh hoạt văn nghệ, lớp chúng tôi không lo thua các lớp khác, vì đã có Hoàng làm trưởng ban. Chúng tôi chỉ việc theo hướng dẫn của Hoàng là yên tâm. Giờ ra chơi, Hoàng thường rủ tôi ngồi ở cuối lớp, cùng hát với Hoàng. Các bạn thấy chúng tôi có vẻ thân nhau như vậy nên thường trêu chọc nhẹ nhàng. Mặc kệ, mình có làm gì đâu mà sợ! Tôi chỉ thấy mình quý mến Hoàng như quý mến một đứa bạn nhỏ. Giống như thời thơ ấu của tôi in đậm nét về bạn Thế Vân, học Lớp Ba, “biết” ưu ái làm riêng cho tôi chiếc vòng hoa tuyệt đẹp để tôi múa trong ban vũ của lớp. Hoàng cũng thế. Chỉ khác là học lớp lớn rồi, gọi nhau bằng tên chứ không gọi “trò” như ở lớp nhỏ.
Tết Mậu Thân, Hoàng về quê ngoài Huế. Hoàng kẹt lại trong chiến cuộc. Rồi sau đó, Hoàng không vào lại Sài Gòn nữa. Hoàng xin chuyển ra Huế học để gần gũi và giúp đỡ gia đình.
Ở những lớp học tiếp theo, mỗi năm chúng tôi có thêm nhiều bạn thôi học để vào lính. Chiến sự vẫn tiếp tục sôi động. Hoàng viết cho tôi lá thư đầu tiên, khi đã vào lính, nói rằng rất mến, rất thương tôi.
Đó cũng là lá thư cuối cùng.

**
Ở một góc rất đặc biệt của Sài Gòn, nơi có những cây to che mát con đường dẫn vào tòa báo, nơi có ngôi nhà thờ vang tiếng kinh cầu mỗi chiều, nơi có hang đá và tượng Đức Mẹ trông rất bình an, chúng tôi đã có những người bạn thân thiết. Các bạn gái đằm thắm, có bạn khá nhút nhát. Các bạn trai vui vẻ, tế nhị. Và có một vài “ông lính” ồn ào, cái ồn ào thật dễ mến. Chẳng ai ngờ có một cái xã hội thu nhỏ nơi góc đặc biệt đó. Trên có Cha Chủ nhiệm ôn tồn trìu mến, có bác Chủ bút nghiêm nghị mà ưu ái quan tâm tất cả mọi người, dưới có các anh chị trong Ban Biên Tập vui vẻ thân mật, các cây bút trẻ tuổi tụ họp hàng tuần chia sẻ với nhau vui buồn. Chúng tôi như cùng “lớn lên” trong bầu không khí đó.

Những người rất trẻ, nhưng ý thơ già dặn, như anh Long:

Bao kỷ niệm chiều nay như bừng sống
Anh nghe hồn nuối tiếc tuổi thơ bay
Thời hoa niên như màu nắng son gầy
Rất rực rỡ cũng rất mau tàn tạ

Thu Phương ơi ! Chiều nay anh nhớ quá
Dáng em hiền trong màu áo bao dung
Mấy năm rồi em có nhớ anh không
Hay đã quên vô tình trong hơi thở

Anh không trách vì em còn quá nhỏ
(Ngày anh đi tuổi bé mới lên năm)
Nếu bao giờ trong giấc ngủ thiên thần
Em chợt hỏi anh Long mô rồi mẹ
Thì lúc đó dẫu chân trời góc bể
Anh cũng nghe nắng lụa rớt đầy hồn…(1)

Hay Thái:

Ngày bỗng lạ hơn những ngày qua khác
Giấc ngủ dài trăm mơ ước ngẩn ngơ
Em sẽ có chút đổi thay chất ngất
Ở trong hồn chớm nở nụ hoa mơ

Mùa thu về với thật nhiều bỡ ngỡ
Anh cũng về theo thành phố mù sương
Và có nghe xôn xao từng nhịp thở
Con chim khuyên vườn lạ hót yêu thương

Mimosa vàng sân trường đại học
Anh vào trường khẽ huýt sáo vu vơ
Trong trí nhớ cả một đời hạnh phúc
Sẽ chỉ còn trong mộng tưởng xa xưa (2)

Họ dạn dày với đời lính, nhưng giọng cười của họ thì hồn nhiên, sảng khoái lắm. Có lẽ mỗi lần được về phép, về đến tòa soạn, họ như gột bỏ hết phong sương, trở về làm trẻ thơ.
Những người bạn văn nghệ này đã ra đi không về. Họ để lại cho chúng tôi những dòng thơ đẹp mãi.
Đất nước tiếp tục sôi bỏng trong chiến tranh.
**
Như vậy đó, thế hệ của tôi, có những người lính không già.

Tháng Sáu, 2017
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

(1) Chim Về Vào Ngày Tuổi Em – Trần Miên Trường, tạp chí Tuổi Hoa số 131, ngày 15/06/1970
(2) Thơ Trang Vy, Tạp chí Tuổi Hoa số 227, ngày 1/10/1974