3. Cuộc nói chuyện với Đức Cha Cương Tại Nhà Khách Nhà Chung Hà Nội & 4. Cảnh phiêu bạt của các cha xứ

Hồi 9 giờ sáng, ngày 9-6-1998.

– Đức Cha ở Vĩnh Trị bao lâu thì về Hà Nội?

– Từ 1952 – 1954. Bị thương ở chân. Lý do, bốt Vĩnh Trị ở nhà thờ bị vỡ, tôi ở nhà xứ. Đêm đến, một anh bảo vệ gài mìn ở cửa nhà; mìn nổ, tôi không biết mình có việc gì không? Mãi sau, có máu ở đầu gối mới biết. Máy bay về Ninh Bình đón người bị thương, họ cho đi Hà Nội. Báo Đức Cha Khuê, Ngài nói: “May quá, đang viết thơ mời về làm quản lý, lại gặp may”. Từ đó làm quản lý.

– Lúc này chưa đến hiệp định Geneve – năm 1954, thế lúc đó ai ở Toà Giám Mục, thơ ký, quản lý?

– Cha Quynh thơ ký và cha Mai quản lý, trước đây là cha Thư, nhưng khi tôi về, thì Đức Cha bảo nhận quản lý từ cha Mai, cha Quynh.

– Nhà in Têrêxa?

– Cha Mai và cha Quynh.

– Nhà xứ, Nhà Thờ Lớn? Có phải Cha Nghiêm?

– Không, Cha Chiểu, cha chính Mai.

– Đi Nam?

– Các ôtô lũ lượt của Chính phủ đến đón ở Nhà Chung. Người ta nằm kềnh càng, đưa họ sang Gia Lâm để đi Nam. ở Hàng Bột cũng có người tụ tập để đi, song ít hơn ở Nhà Chung. Trong các cha, có cha Ngà đi. Đức Cha Khuê định thu xếp cho cha chính Vinh đem Chủng Viện đi Nam, còn cha Mai ở lại. ý Đức Cha là cha Mai ở lại làm phó. Cha Vinh không chịu đi. Cha Mai đành đưa Chủng Viện đi.

Có cha Khuê (Bùi Chu, có lẽ là Phát Diệm) yêu cầu lấy Phủ Chủ Tịch (tức Dinh Toàn Quyền) làm nơi cho người di cư trú trọ trước khi đi Nam, song không được (Phủ Toàn Quyền cũ, sau Thượng Sứ Pháp ở, như De Lattre chẳng hạn, Decoux, nay rút về Nam) bỏ không. Nhưng có ông Cảnh là quản lý nhà đó không nghe. Tình trạng lúc đó thường là thế này, các cơ sở của Pháp, họ đi là mang đi hết các thứ, còn lại nhà không. Cũng như ở Nam Định, Toà Tỉnh Trưởng, Ngân Hàng (chỉ huy sở quân đội), họ đi để lại nhà không. Độ mấy giờ sau Việt Minh quần áo nâu xông vào, mấy người đến quét nhà dọn dẹp lấy. Trước đó, nhân dân có anh táo bạo vào nhặt nhạnh, vơ vét thứ nọ kia.

Về phía các cha di cư: Lúc nào Nhà Chung cũng có độ 90 cha trú ngụ để đi Nam. Cha trong địa phận, cha ngoài Địa phận. Các cha trong địa phận đến Nhà Chung phải làm 3 lễ. Các cha ngoài Địa phận phải làm 22 lễ một tháng. Lúc đi, các ngài mang cả chăn màn, khăn ăn, xiên muỗm của Nhà Chung. Mỗi ngày tiêu 4 vạn tiền thức ăn, mỗi ngày phải tiếp tế 2 quả trứng.

Các cha Hà Nội chống Đức Cha Khuê, đây là các cha thuộc Địa phận Hà Nội. Đức Cha yết thị các buồng “cấm các cha không được đi Nam”. Các cha lấy dao rạch đi, đem treo vào cửa nhà Đức Cha. Sáng ra Đức Cha trông thấy, gọi cha Cương bảo: “Cha xem, láo hơn là Cộng sản!”. Họ vẫn cứ đi.

Cha Cương mang “vạ” phải vào miền Nam. Các cha trông thấy bảo: “Cái thằng mang “vạ” vào đây”. “Vạ” là thế nào? Thư trong đó liệt kê cha nào được đi Nam, thí dụ trước đây đã lập bốt hay đã có vướng vấp gì với Việt Minh. Còn các cha khác phải về, ai không về bị treo chén (suspensio). Cha Tế được ở lại. Cha Liên phải về. Sau này, khi có lệnh Toà Thánh, mỗi cha phải gia nhập vào một Địa phận, không ở lung tung. Bấy giờ cha nào cha nấy ghi vào địa phận mình muốn. Lúc đó mới hết “vạ”.

Nhà Chung vắng, nhưng đã ra nhơ nhớp vì những người đến trú, nay bỏ đi hết. Phải đến xin ông Vĩnh Lợi 40 triệu để thuê dọn vệ sinh.

Lớp giáo lý: Bắt đầu mở ở nhà khách có độ vài chục người, sau đông thêm nhiều, đưa sang nhà hai tầng ở trường Thánh Mẫu. Sau đông quá, phải đưa sang sân trường Dũng Lạc, vào các buổi chiều ngày thứ hai.

Trường Đức Cha Tụng: Bắt buộc dạy chính trị do nhà nước – bãi trường Đức Cha Căn. Sau hiệp định Paris mở lại cho Hà Nội và Hải Phòng.

Liên Lạc Công Giáo: Yêu cầu gặp Đức Hồng Y, yêu cầu công nhận. Đức cha Khuê đóng cửa ở trên gác. Cha Căn ngoài nhà xứ.

Phái đoàn Ba Lan và Tiệp Khắc: Phái đoàn Ba Lan nhẹ nhàng; phái đoàn Tiệp Khắc nặng nề hơn nhiều. Ba Lan hầu như không làm lễ ở đâu. Nhưng phái đoàn Tiệp Khắc, Đức Cha Đơrabock thì làm lễ ở Cửa Bắc. Phái đoàn có đến chào Đức Cha, biếu quà, áo alba hay gì đó. Họ đi nhiều nơi như Phát Diệm, dự định đi Nam Định và không thấy. ở Vinh được đón tiếp hơn cả (ăn cam Vinh thoả thích). Ban tổ chức liên lạc ở Hà Nội có ông tham Điện, Ngô Tử Hạ, Bắc Lâm, Bưởi: ông Bắc Lâm và ông Bưởi hăng hái đấu tranh với Nhà Chung và Đức Cha; còn ông Điện và ông Ngô Tử Hạ là người tổ chức, đứng đàng sau chỉ đạo.

Nhà in Têrêxa, mua lại của ông Vĩnh Lợi, Mai Văn Hàm. Còn việc bán nhà in này cho nhà nước là do cha Mai đứng lên bán với giá sáu chục ngàn (tiền ta sau này), nhưng họ không trả, mà bắt đặt tài khoản vào Ngân Hàng. Chỉ có cha Mai được rút ra để lấy tiền ăn cho Nhà chung. Đức Cha đòi, song họ bảo là của cha Mai, không đưa cho ai. (Sau này 1972, sửa nhà thờ Nam Định, Đức Cha Khuê bảo tôi có số tiền đó ở Ngân Hàng Hà Nội “làm thế nào lấy về được thì lấy”. Tôi thấy khó khăn, chưa làm gì để xin rút tiền). Cha Mai khổ, vì Đức Cha bảo bán thì phải đưa tiền, nhưng không có mà đưa.

Các tài sản Nhà Chung: Mission étrangère

H – Các cha thừa sai có trao cho địa phận không? Có sang tên không ?

– Các cha đi, để lại các giấy tờ. Chưa có bàn giao bằng giấy tờ, chưa sang tên. Trong số đó có những nhà thuộc Vicariat Apostolique Hanoi. Những thứ này thì thuộc quyền Nhà Chung, không phải sang tên.

Họ nói, cái gì của MEP (Missions étrangères de Paris) – mà hầu hết các tài sản của Giáo phận là của MEP thì chúng thuộc ngoại kiều. Còn ở những nơi như Tiểu Chủng Viện, 86 Ngô Thời Nhiệm, 9/10 Lý Thường Kiệt, Bạch Mai: đề Vicariat là của mình. Cái nào thuộc MEP mà đang ở thì được quyền sử dụng – quyền quản lý là của nhà nước, nhà nước có trao thì chỉ là thương lượng và bàn giao cho Địa phận.

Vấn đề Đức Cha Căn – Đức Cha Tụng Bắc Ninh

Việc bầu Đức Cha Khuê rất phức tạp: Toà Thánh bắt Bề Trên Cả nhà MEP phải trao trả quyền cho Việt Nam, rồi Toà Thánh chọn Đức Cha Khuê. Nhưng các nhà lãnh đạo tôn giáo Pháp vẫn không biết mà cứ tưởng là Cố Năng (Caillon).

Khủng bố: Giết cố Fournier, cha nghe thế nào?

Có hai người đi xe ôtô đến nhà sách, nói đến khám bệnh cho cố Fournier. Chị bán sách bảo, cứ việc lên. Lúc lâu mới thấy xuống. Khi lên thì thấy ngài bị trói, nằm chết bên cạnh cái két, trói bằng dây thép. Chúng là bọn cướp tống tiền, chứ không vì lý do chính trị. (có người nói, vì cố không thích Việt Nam độc lập, nên họ giết). Cố giữ két vì làm quản lý cho các cha thừa sai, lắm tiền.

Vụ cha Dupont ở Kẻ Sở

Ngài bị giết vì chính trị. Lúc đó ngài có một nhóm mồ côi, một cha khác là Baron ở Tàu, cùng ở đó. Họ tưởng nhầm là cố Căn và họ đã giết cha. Còn cố Căn (Cantaloube) chạy thoát. Lúc đó nhóm cha Hoàng Mai Rĩnh đang lên mạnh, nghe đồn có người muốn tôn cha Rĩnh lên làm vua. Người ta nghi ngờ có bàn tay cha Rĩnh trong các vụ giết người đó, đặc biệt nhằm vào cố Căn. Cho nên cố Căn sau này ghét cha Rĩnh, nên nói đến cha Rĩnh thì ngài gọi là “Le Rĩnh” (Le Rĩnh có ý khinh bỉ).

Chú thích: Cố ghét cả tông tích cha Rĩnh, nên khi tôi ở Nam Định với cố Căn, tôi mở trường Lê Bảo Tịnh, có nhờ anh Hiền quê Phú ốc, con Cố Nhụ, lúc đó có hai thày học Đại Chủng Viện là Trinh và Thiện, sau này làm linh mục cả. Hiền là con cha Rĩnh, song không học hết Tiểu Chủng Viện thì về. Cố Căn thấy tôi nhờ Hiền dạy lớp nhì thì Cố có ý trách tôi.

Quỹ du học: Chỉ nghe mang máng, không biết ở đâu, là cái gì? Có thể là ruộng ở Tâng hay ở Đầm.

Tề hay giải phóng: Tề là khu vực người Pháp đã chiếm đóng và đặt lên chính quyền. Khu tề thường được bảo vệ bởi quân đội Pháp, có lính và những đồn bốt do dân lập nên, có súng ống để chống Việt Minh.

Giải phóng là khu vực ảnh hưởng của Việt Minh. Thỉnh thoảng quân đội Pháp về tấn công, quen gọi là nhảy dù, vì họ đi máy bay nhảy dù đến bất thần. Thầy Cương về quê, vùng giải phóng. Sau khi Đại Chủng Viện giải tán, thày bị bắt, bị dọa nạt, rồi đi làm việc dạy bình dân học vụ.

4. Cảnh phiêu bạt của các cha xứ

Năm 1949, lúc tôi về Nam Định, cảnh tượng tiêu điều. Đến các xứ, cảnh tượng chẳng hơn gì. Lúc ban đầu, tôi chưa dám ra khỏi thành phố và đi xa quá bảy cây số.

Xứ gần Nam Định nhất là Phú ốc. Tôi bạo dạn đạp xe lên đó. Nhà thờ vẫn còn nguyên, nhưng vẻ hiu quạnh. Làng xóm không rào, tuy có bốt và súng ở tháp chuông. Nơi đó gần thành phố, ở lọt vào giữa những bốt lớn của quân đội Pháp, như Lê Xá, Trình Xuyên, Nam Định, nên việc bảo vệ không cần đồn bốt kiên cố. Có súng, nhưng chỉ là lấy lệ, không biết có bắn nhau bao giờ không.

Cha già Quảng vừa mới đi sơ tán về. Một cụ già quắc thước và như ta biết và do bà con nói thì ngài rất khó tính, quá nghiêm khắc. Do đó dân làng Phú ốc trở thành rất kính cẩn, khép nép, hiền lành mà cả thế kỷ với những cuộc biến động long trời lở đất cũng không làm họ thay đổi. Tôi đến thăm cha. Ngài tiếp tôi vui vẻ, mặc dù tôi là linh mục trẻ. Mời tôi ở lại ăn cơm với ngài. Bên cạnh giường ngài có một bài thơ nói về người trượng phu. ý ngài cũng muốn sống như một nhà trượng phu. (Thỉnh thoảng tôi lên thăm ngài).

Còn cái xứ Ba Trại, cách Nam Định bảy cây số, tôi chưa dám đến. Nghe nói cha Nhượng làm nơi đó thành đồn luỹ rất kiên cố. Cha Nhượng học trên tôi một lớp. Lúc nào cũng đứng đầu sổ. Cha là con cha Hoàn. Khi cha Hoàn ở Nam Định, gia đình ông Đinh Lưu Nhàn rất thân thiết với cha, coi mình như con của cha. Bởi đó, cha Nhượng cũng trở nên như anh em với gia đình đó, đến nỗi bà giáo Nhàn muốn đổi cả tên họ của cha, gọi là Đinh Lưu Nhượng. Mỗi lần tôi ra thăm gia đình bà, là thế nào cũng nói đến cha Nhượng. Một hôm, tin gở cũng từ đó phát ra: “Cha Nhượng đi từ Nam Định về Ba Trại, không “et-cooc” (hộ vệ), trên con đường đê uốn khúc, du kích đã bắt ngài, và đưa đi đâu biệt tích từ đó”.

Dân Ba Trại rất thương tiếc ngài, vì là cha xứ, ngoài việc nhà thờ, ngài còn lo cho dân chúng được sống an ninh, bằng cách lập bốt, nhưng nhất là ngài chăm lo cho đời sống kinh tế, vì nơi này rất nghèo. Ngài cho mở lò gạch, gạch lát nhà thờ, lát sân là do công lao của ngài. Lo dạy nghề cho dân chúng, nghề dệt vải, ngài thuê thày dạy. Bà Quân sau khi ngài bị mất tích, vẫn ở Ba Trại đến nửa thế kỷ nữa, làm việc nhà thờ nhà xứ lúc vắng cha xứ. Xứ Ba Trại còn tồn tại, phần lớn nhờ bà này giữ gìn.

Cha kế tiếp cha Nhượng là cha Điển, cũng là một cha rất giỏi giang, đang làm phó xứ Nhà Thờ Lớn Hà Nội. Mới được mấy tháng cha bị nạn: Bốt chỉ huy đóng ở chái mặc áo nhà thờ, có gác. Một tên nội công người làng Ba Trại, mở cửa nhà thờ cho du kích đột nhập. Cha Điển vừa mở cửa chái mặc áo ra cung thánh nhà thờ, một quả lựu đạn nổ, làm cha mất hai mắt, và chú Thuận (sau này là Trương Linh, giáo sư dạy sử ở Sài Gòn) mất một mắt.

Tôi làm các phép sau hết cho cha, khi người ta đưa cha xuống Viện Quân Y ở Nhà máy Dệt Nam Định. Cha bị mù hẳn.

Sau đó cha lên Hà Nội, các Sư Huynh trường Puginier mời cha đến làm tuyên uý. Cha ở đó làm lễ cho nhà trường, rồi khi nhà trường di cư vào Nam, cha đi theo và sau nhiều năm, cha qua đời trong đó.

Một xứ khác ở mạn Tây, cách Nam Định bảy cây số trên con đường đi Ninh Bình – xứ Trình Xuyên, mẹ đẻ của xứ Nam Định, lúc Nam Định chỉ là một họ giáo thuộc Trình Xuyên, hồi thế kỷ 19. Nhà thờ nhà xứ bị quân đội Pháp chiếm đóng. Cha xứ không còn chỗ nương náu, phải ra Nam Định. Ngài là cha xứ đầu tiên thuộc địa phận Hà Nội “dinh tê: entrer” (nhập) Nam Định. Tính tình vui vẻ, một phần nhờ chén rượu, lúc nào cũng làm ngài đỏ mặt. Mặc cho quân đội Pháp chiếm đóng nhà thờ, làm mọi việc trong đó, kể cả bếp núc. Cung thánh đen nhẻm vì khói bếp!

Còn các linh mục khác lục tục kéo về Nam Định. Cha Hoá xứ Đồng Chuối, cha Thăng xứ Kẻ Sông. Cha Chính Tịnh Bói Kênh, đã chạy lên phía Hà Nội từ lâu. Cha Đỗ Diệu Kỳ xứ Đào Duyên (Đống Đất), cha người lùn nhất Địa phận, tiếng to, võ giỏi, chạy nhanh. Người bé thường hay huyênh hoang. Bốt của ngài không biết to tát thế nào, nhưng có súng bazôka, một khí giới hạng nặng, một thứ đại bác bắn gần. Thỉnh thoảng ngài xuống Nam Định xin nhà binh cung cấp mấy hòm đạn bazôka, và theo ngài diễn tả, những trận thắng của ngài thật oanh liệt. Mặc dù có bốt của Pháp đóng ở núi Yên L•o, ngài cũng không trụ ở Đào Duyên được lâu, phải xuống Nam Định.

Cha già Nến, xứ Khoan Vỹ, con người điềm đạm, trầm tĩnh và kiên gan, có tư cách xứng đáng làm xếp bốt. Ngài đã chứng tỏ điều ấy, và khi người bị bao vây trong nhà thờ, nằm trên trần, nhất định không xuống, cho đến khi họ toan đem mồi lửa đốt nhà thờ, ngài mới chịu ra hàng để chúng trói điệu ngài đi. Đêm đến họ giam ngài vào một ngôi chùa. Thế mà rồi làm thế nào lại thoát tay họ. Ông già một mình an toàn chạy về nghỉ ngơi ở nhà xứ Nam Định, cùng với một số cha già khác.

Như cha già Thính, không chính trị, không quân sự, thế mà nhà thờ Vĩnh Đà cũng bị Việt Minh thiêu rụi, chỉ còn cây tháp. Xuống Nam Định, ngài lân la làm quen với các cha Tây Ban Nha ở Chủng Viện Khoái Đồng và học được mấy tiếng Tây Ban Nha.

Rồi đến lượt cha Dương, cha Lễ xứ Đại Lại cũng về Nam Định. Cha Lễ trá hình làm khách đi buôn. Lúc ngồi hàng nước, ngài vén quần cao, khách ngồi bên cạnh nói: “Bác này ống chân trắng thế?”. Cha Lễ nhanh trí vội vàng nói văng tục mấy câu, để đánh lạc người khác khỏi nghĩ mình là ông nọ ông kia, chứ không phải nông dân.

Nhóm các cha già quây quần trong xứ trở thành vui. Cha Lễ rất nhiều tài. ở xứ ngài cho đốt lò gạch làm giầu. Bây giờ ngài làm thợ may, ai mặc áo gì, ngài mượn làm mẫu rồi may đúng thợ. Tôi có chiếc donilette, ngài xin mượn; mấy hôm sau ngài cho tôi chiếc donilette mới ngài may. Tài làm thuốc nữa, nhất là thuốc hen xuyễn. Cha già Thuỳ ở bên nói: “Còn tôi?”. Vì cha già Thuỳ mắc bệnh đó lâu năm rồi. Cha Lễ trả lời: “Tại cha già không uống đủ thuốc”. Dù sao khách đến lấy thuốc rất đông. Tiền nong không biết được bao nhiêu, song luôn luôn, lúc người này tặng két bia, người kia cả két rượu sâm banh. Có lẽ cũng nhiều người khỏi. Xem ra có cả người ngoại quốc cũng lấy thuốc, nhất là mấy bà sơ người Pháp ở Hà Nội.

Song cái tài làm vui mọi người hơn cả, là ngài làm gỏi rất ngon, thỉnh thoảng tôi được ngài gọi đến chia vui. Cả món ốc luộc, ngài làm cũng khéo. Cũng là những giây phút giải sầu cho các vị đang “thất cơ lỡ vận”, để lại nhà xứ tan hoang để đến ru rú ở một góc buồng hẹp hòi trong nhà xứ Nam Định.

Ở nhà xứ Nam Định, lòng lúc nào cũng hướng về xứ của mình, lắng nghe từng tin tức. Lúc này ở hai vùng khác nhau, xem ra còn xa hơn ở ngoại quốc với nhà. Đôi khi có những tin tức làm bực mình. Cha Lễ bỏ Đại Lại. Cha Hạnh đang “chu du” khắp Địa phận, sang cả Bùi Chu, nay dừng chân Đại Lại. Nghe biết cha Lễ có ngâm một số gỗ lim ở ao, cha Hạnh cho vớt một ít lên, làm cổng nhà xứ. Nghe tin, cha Lễ “uất lên” mất cả tính người, chỉ muốn tự tử!

  1. nguyen thi nha trang
    29/03/2011 lúc 11:16

    Phay Van , để dể đọc và hiểu hơn vể loạt bài này , em có thể dành chút thời gian giảng giải cho chị những nét cơ bản , đại loại như : các chức vụ từ thấp dến cao , cách xưng hô …nói chung những nét kiến thức cơ bản mà em thấy có thể làm cho người ngoài Đạo có thể hiểu , vì chị cứ lẫn lộn…được chứ Phay Van ?

    • 29/03/2011 lúc 12:23

      Em rất vui vì chị thích loạt bài này. Em xin phép nói sơ sơ một chút theo yêu cầu của chị nhé:

      Chúa Giêsu trước khi về trời, có chọn 12 ông tông đồ và đặt ông Phêrô làm trưởng. Giáo hội công giáo theo cơ cấu này, nên hiện nay Đức Giáo hoàng là người kế vị thánh Phêrô- đứng đầu giáo hội toàn cầu. Dưới Đức Giáo hoàng là các đức giám mục. Các giám mục (còn gọi là đức cha) là người kế nhiệm các thánh tông đồ, các ngài cai quản các giáo phận do Đức Giáo hoàng bổ nhiệm và cắt đặt.

      Ở VN hiện có 26 giáo phận (miền Bắc 10, miền Trung 06 và miền Nam 10). Vị giám mục tại Hà Nội, Huế và Saigon được Đức Giáo hoàng phong là tổng giám mục, vì 3 nơi này là 3 giáo phận lớn (được gọi là tổng giáo phận).

      Mỗi giám mục ở dưới quyền của Đức Giáo hoàng và độc lập với nhau, vị này không có quyền trên vị kia, tổng giám mục không có quyền trên giám mục ở ngoài địa phận của mình. Ví dụ: Đức tổng giám mục Nguyễn Văn Nhơn (Hà Nội) chỉ có quyền trên Đức giám mục phụ tá của mình là đức cha Chu Văn Minh, chứ không có quyền trên Đức cha Nguyễn Văn Đệ, Giám mục giáo phận Thái Bình.

      Nơi ở và làm việc của đức giám mục được gọi là tòa giám mục (còn gọi là nhà chung). Ở Hà Nội có con đường chạy ngang trước tòa giám mục Hà Nội hiện mang tên là Phố Nhà Chung.

      Các đức giám mục đào tạo các chủng sinh và phong chức linh mục cho họ. Các linh mục (được gọi là cha) dưới quyền giám mục và được sai đi phục vụ tại các giáo xứ (được gọi là cha xứ) trong giáo phận mà vị giám mục đó coi sóc. Các linh mục còn được giáo dân gọi là ông cố (cố đạo).

      Hồng y là một tước vị chứ không phải chức vụ (như kiểu các vua chúa hồi xưa ban tước, phong hiệp sĩ cho một số nhà quí tộc). Chỉ những vị nào là hồng y và dưới 80 tuổi mới được tham dự bầu giáo hoàng.

      Đức ông cũng là một tước vị được Đức Giáo hoàng ban cho một số linh mục.

      Đây là bài viết tường thuật cuộc nói chuyện giữa đức cha phụ tá Hà Nội Lê Đắc Trọng với Ðức Cha Nguyễn Tùng Cương (1919-1999), Giám Mục Hải Phòng, ngài làm Quản lý nhà chung Hà Nội từ 06/6/1954 tới 1979 thì được tấn phong giám mục cho địa phận Hải Phòng.

      Thời 1954 đức giám mục Hà Nội là đức cha Trịnh Như Khuê (sau này làm hồng y- tổng giám mục).

      Trong bài có nhắc đến:
      * cha Mai, sau này là Ðức Cha Nguyễn Huy Mai Cố Giám Mục tiên khởi giáo phận Ban Mê Thuột.
      * cha Quynh: đó là Đức ông Phạm Hân Quynh (hiện hưu tại giáo phận Hải Phòng)
      * cha Tụng: sau này là Đức Hồng y Tổng giám mục Hà Nội PHẠM ĐÌNH TỤNG (1919–2009), kế nhiệm Đức Hồng y Tổng giám mục Trịnh Văn Căn
      * cha Căn: sau này là Đức Hồng y Tổng giám mục Hà Nội Trịnh Văn Căn, kế nhiệm đức Đức Hồng y Tổng giám mục Trịnh Như Khuê.
      *MEP:Hội Thừa Sai Paris: một tổ chức qui tụ các linh mục tình nguyện đi giảng đạo ở các vùng xa xôi (như Việt- Miên- Lào, …).

      Các phẩm trật trong giáo hội công giáo, vì tinh thần khiêm tốn, vẫn xưng hô cha-con với nhau. Ví dụ: một linh mục 80 tuổi vẫn gọi một linh mục 40 tuổi là cha, và xưng con.

      Chị ơi, em viết lung tung, có gì thắc mắc chị cứ nói nhé, em sẵn sàng bổ sung theo yêu cầu.

  2. nguyen thi nha trang
    29/03/2011 lúc 21:03

    Cảm ơn em , giải thích thật hệ thống và dễ hiểu , từ đây chị sẽ không còn lẫn lộn các chức vụ , tước vị và cách xưng hô của các vị ( phía nam ) nữa .
    Chưa biết thì hỏi , cho chị tìm hiểu tiếp nha Phay Van :
    * Thế còn bên phía nữ ? các chức vụ , tước vị cũng như cách xưng hô ?
    * Còn các Dòng Chúa Cứu Thế , Dòng Họ Đạo La Mã …là sao ? có bao nhiêu Dòng ? sự giống và khác nhau của các Dòng ? nói chung còn nhiều điều chị muốn tìm hiểu , nhưng lần này thì 2 ý đó thôi ! À , mà có làm phiền và mất thời gian của em lắm không Phay Van ? cứ từ từ giảng giải khi có thời gian chứ không gấp gì nha em .
    Mến ,

    • 30/03/2011 lúc 07:55

      @ chị Nha Trang: chị cứ hỏi, em rất vui và sẽ trả lời theo hiểu biết của mình nhé (biết tới đâu trả lời tới đó :D)
      1. Phía nữ không có chức tước, vì giáo hội CG (đã và sẽ) không chủ trương truyền chức linh mục cho phụ nữ.
      Phụ nữ tu trong các dòng, được người ta gọi là ma soeur, dì phước,… Người đứng đầu một cộng đoàn dòng tu được gọi là Mẹ (hoặc souer) bề trên, phó bề trên (hồi xưa gọi là bà Nhất, bà Nhì).
      2. Phía nam nếu tu trong các chủng viện thì ra làm linh mục “triều”, phục vụ dưới quyền đức giám mục sở tại. Nếu họ tu trong các nhà dòng thì là tu sĩ, hoặc linh mục dòng (như các dòng Chúa Cứu Thế, dòng Đa Minh, dòng Phanxico, …) và hoạt động dưới quyền cha bề trên nhà dòng.
      3. Có những nhà dòng có hai nhánh cho cả nam và nữ như dòng Đa Minh. Đa số các nhà dòng chỉ dành riêng cho nam hoặc nữ. Điều này là do ý định của đấng sáng lập dòng.
      4. Giống nhau: họ cùng khấn giữ 3 nhân đức: khiết tịnh, vâng lời và khó nghèo. Khác nhau: chuyên biệt trong tôn chỉ, mục đích của đấng sáng lập dòng (vd: dòng Đa Minh chuyên dạy học, dòng Chúa Cứu Thế: rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, dòng Gioan Thiên Chúa: phục vụ bệnh nhân, …)
      5. Thật sự có bao nhiêu dòng thì chắc chỉ có Chúa biết chị ạ. Vì có những dòng thuộc quyền quản lý của Tòa Thánh Roma- gọi là dòng Giáo hoàng (thường là những dòng lớn), đồng thời có những dòng thuộc quyền quản lý của đức giám mục sở tại (gọi là dòng giáo phận, thường nhỏ hơn và mang tính chất địa phương)

  3. nguyen thi nha trang
    30/03/2011 lúc 14:41

    Em nhiệt tình , làm chị cứ muốn tìm hiểu tiếp : Thế còn trang phục của các vị theo từng chức vụ từ cao đến thấp ? có 1 tổ chức chuyên may trang phục cho các vị không em ?
    Lần này chỉ tìm hiểu 1 ý này thôi ! à , mà nếu không có gì là bất kính với các vị , em có thể sưu tập thứ tự trang phục của các vị bằng hình ảnh đưa vào 1 entry cho mọi người tìm hiểu và chiêm ngưỡng được không Phay Van ? chị rất háo hức để chiêm ngưỡng bộ sưu tập trang phục này của em đó .
    Mến ,

    • 30/03/2011 lúc 15:50

      Dạ, cảm ơn đề nghị hết sức ngộ nghĩnh của chị, em vừa gõ phím vừa cười đây. Cảm ơn chị đã gợi ý, em sẽ làm nhé, có ai “ném đá” em thì chị đỡ giùm em cái nhé 😀

      Trang phục của các vị (linh mục, phó tế, tu sĩ: các nhà dòng- thường là dòng nữ- may và bán chị ạ, cũng là một cách kiếm sống cho các nữ tu).

      Trang phục của giám mục: các ngài mặc áo chùng đen hoặc trắng như linh mục, nhưng có viền (cổ, cổ tay, nẹp, lai) màu đỏ. Hồi xưa em thấy có mặc thêm một cái áo ngắn màu đỏ, có thắt nơ nho nhỏ trên cổ áo (bên ngoài áo chùng đen), sau này không thấy nữa. Thắt lưng màu đỏ. Tay đeo nhẫn giám mục. Đầu đội một mũ vải tròn nhỏ (giống người Do Thái) màu đỏ. Khi dâng lễ hoặc trong các dịp long trọng thì các ngài còn đội thêm một mũ mitra (mũ cao, nhọn vát vát phía trên) và tay cầm gậy mục tử (là một cây gậy phía trên đầu cuộn cong). Nhẫn, mũ, gậy tượng trưng cho uy quyền giám mục.

      Ở VN chỉ có 26 giáo phận, nên số giám mục cũng ít, em không biết ai may nữa chị à, chắc các ngài mua ở nước ngoài hoặc đặt may riêng chăng?

      Đức Giáo hoàng thì mặc giống giám mục, vì ngài cũng là giám mục (giám mục Roma). Nhưng trang phục của ngài màu trắng hoàn toàn, kể cả mũ và thắt lưng. Trang phục của Đức Giáo hoàng thì có một bộ phận chuyên trách của Tòa thánh lo rồi chị ạ, rất chu đáo. Em ví dụ nhé: khi Đức Hồng y Joseph Ratzinger đắc cử giáo hoàng, người ta đã đo, cắt và may rất tốc hành một bộ trang phục màu trắng để ngài kịp mặc ra mắt công chúng khi công bố kết quả bỏ phiếu.

      Trong khi dâng thánh lễ misa thì trang phục của các linh mục, giám mục và Đức Giáo hoàng đều giống nhau, căn cứ theo lịch phụng vụ, ví dụ: mùa thường niên mặc áo xanh lá cây, mùa chay mặc áo tím, v.v…

      Có gì thắc mắc chị cứ hỏi tiếp, em sẵn sàng chị ạ.

  4. nguyen thi nha trang
    30/03/2011 lúc 23:02

    Trò chuyện với em thật tâm đắc , đồng cảm , cởi mở và thú vị ! Được , chị sẽ tiếp tục tìm hiểu : Thế Ai trả ” lương ” cho các vị vậy em ? Tổ chức ” kinh tế tài chính ” như thế nào ? À , ý này em giải thích ở bên bài : Noel – giáng sinh nghe , bên này chị em mình trò chuyện hơi dài rồi , qua bên bài ấy trò chuyện cho rôm rả đều khắp các bài của em đăng , đồng ý chứ ?

  5. Nguyễn Hữu Phương
    06/06/2016 lúc 13:34

    Tôi ở VN muốn đọc các tác phẩm của đưc cha LÊ ĐĂC TRỌNG bằng file PDF mà không biêt tìm ỏ đâu ? ( ngài có bao nhiêu tác phẩm)

    • 06/06/2016 lúc 15:39

      Không thấy nói Đức GM Lê Đắc Trọng có thêm tác phẩm nào, ngoài tập Hồi Ký có tựa đề Những Câu Chuyện Về Một Thời. Thân mến.

  1. No trackbacks yet.

Bình luận về bài viết này