Lưu trữ

Archive for the ‘Khác’ Category

Hương Xưa, Còn Đó, Hay Không?

Cam Li Nguyễn Thi Mỹ Thanh

(Cảm xúc có từ nhạc phẩm “Hương Xưa” của Nhạc Sĩ Cung Tiến)

Người xa, để lại hương đời

Giấc mơ chốn cũ hồn vời vợi trông

Bóng đa, cánh bướm, dòng sông

Mở trang nhạc cũ, ngút lòng ca dao

Tiếng ru của mẹ ngọt ngào

Nuôi ta khôn lớn, biết bao là tình!

Quê hương một thuở thanh bình

Cành tre ngọn lúa bỗng thành gươm đao

Câu thơ, cung nhạc thời nào

Trái tim ôm ấp dạt dào yêu thương

Cám ơn Người, dệt tơ vương

Cho hoa kết một quê hương trong lòng

Hương xưa, còn đó, hay không?

– Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Chuyên mục:Khác Thẻ:

Phạm Đoan Trang

Phạm Đoan Trang
(tranh Đinh Trường Chinh)

Tôi không cần tự do cho riêng mình; nếu chỉ vậy thì quá dễ.
Tôi cần cái lớn hơn thế nhiều: Tự do, dân chủ cho cả Việt Nam.
Đó là một mục tiêu nghe có vẻ vĩ đại và xa vời,
nhưng thật ra là khả thi, nếu có sự góp phần của tất cả các bạn.

“Sống để kể lại”, các bạn nhé.

Những thế hệ người Việt sau này sẽ phải biết rằng con đường đi tới dân chủ ở đất nước của chúng ta đã trải qua những khoảnh khắc, những ngày tháng dữ dội như thế nào. Cũng như thế giới: Dân chúng ở các quốc gia dân chủ cần nhìn vào câu chuyện Việt Nam ngày nay để hiểu dân chủ, tự do là một giá trị mà người dân ở các nước khác, kém may mắn hơn họ, đã phải giành lấy bằng máu, nước mắt, và cả cuộc đời mình.

(Phạm Đoan Trang)

Chuyên mục:Khác Thẻ:

Con Chiên Ngày Thứ Năm Tuần Thánh

Con_chien

Buổi sáng ngày Thứ Năm Tuần Thánh, ba đi tập nghi thức ở nhà thờ, mang về một bộ áo dài khăn đóng và một cây gậy sơn màu vàng. Tôi chạy ra đỡ cây gậy bằng gỗ nặng chịch từ tay ba.
– Năm nay ba làm ông Tông Đồ nữa hở ba?
– Ừ!
– Ba làm ông Phêrô hở ba?
– Không, ba không được làm ông Phêrô. Ông Phêrô phải đi đầu tiên.
– Thế ba làm ông gì?
– Ông Giacôbê.
– Tại sao ba làm ông Giacôbê?
– Tại ba đứng ở giữa hàng.
– Ba đừng làm ông Giuđa, ba há.
– Ừ, không làm.
– Ông Giuđa xấu, ba há.
Ba im lặng không trả lời. Tôi nhắc lại:
– Ông Giuđa bán Chúa, là người xấu, ba há? À, chiều nay ba nhớ mang thịt chiên về cho con nhé!
– Ừ, con ăn mấy nắm?
– Ba nắm! Tôi giơ nắm tay nhỏ xíu của mình lên.

Buổi chiều hôm đó, trong cái nóng hầm hập và ngột ngạt của mùa hè, ba nghiêm nghị mặc áo dài trắng, quần trắng, đội khăn đóng màu đen, tay chống cây gậy gỗ, xếp hàng theo đoàn rước mười hai ông Tông Đồ, thong thả tiến lên gian Cung Thánh. Mười hai ông, ngồi thành hai hàng ghế, oai vệ chờ được rửa chân. Cha xứ lần lượt quỳ xuống trước mặt từng ông, cúi xuống rửa chân rồi cẩn thận lau lại bằng một cái khăn bông trắng toát. Trong khi các ông Tông Đồ hoan hỉ xỏ chân lại vào giày thì cha xứ đẫm mồ hôi, quay trở lại bàn thờ tiếp tục làm lễ.

Con chiên được làm bằng xôi trắng, nằm trên một cái mâm đồng. Người ta chắc phải nấu nhiều chõ xôi, để có thể nặn ra một con chiên “khổng lồ” như thế. Rồi dính bông gòn bên ngoài làm lông chiên. Tôi nín thở nhìn cha xứ rưới cồn lên và châm lửa. Lửa xanh, rồi lửa đỏ loang loáng phủ khắp mình chiên, rồi bốc cao. Con chiên cháy đùng đùng một góc bàn thờ.

Con chiên ngày Thứ Năm Tuần Thánh của năm 1975 cũng là con chiên bị sát tế cuối cùng của tuổi thơ tôi. Những năm sau 1975 khi miền Nam rơi xuống “vực thẳm” (chữ của nhà văn Mai Thảo), cả nước đói nghèo, người ta không còn làm con chiên bằng xôi nữa. Thậm chí cả Thánh lễ cũng làm “chay” vì không có bột mì làm bánh lễ. Giáo dân đi dự lễ nhưng không được rước lễ, phải rước lễ tưởng tượng, gọi một cách văn vẻ là “rước lễ thiêng liêng”.

Miền Nam của tôi từ đó đẫm máu và nước mắt. Miền Nam của tôi có khác nào con chiên bị sát tế trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh? Miền Nam của tôi đã bị bán đứng cho những mưu đồ chính trị của các cường quốc. Bốn mươi năm nay, dân tộc tôi vẫn chưa có ngày phục sinh.

Tuy thế, tôi vẫn không bỏ mất niềm hy vọng của ngày Thứ Bảy Tuần Thánh. Tôi vẫn mong mỏi sẽ có ngày không còn bóng dáng độc tài cộng sản. Sẽ có ngày Chúa Nhật Phục Sinh trên quê hương tôi.

Ba thương,
Cơn sốt hầm hập hồ như đã thiêu cháy thân xác còm cõi của ba, mà chiếc giường sắt ba nằm tựa như một góc bàn thờ đốt con chiên năm nào. Ba nằm đó, rướn lên từng hơi thở mệt nhọc, thưa dần…

Của lễ ba dâng lên Chúa là quãng đời niên thiếu khi còn là chú giúp lễ “tiếng la tinh” cho “cha Y Pha Nho”. Là quãng đường chú nhỏ đi bộ mấy mươi cây số từ thành phố về thôn quê, để chỉ còn thấy được nấm đất nơi an nghỉ người cha thân yêu đã bao năm nay chú chưa được thấy mặt lại. Là quãng đời thanh niên sôi nổi trong quân ngũ, là những ngày về phép ngắn ngủi kịp cho một đám cưới vội vàng thời chiến. Là những ngày ưu tư pha lẫn lo lắng cho một tương lai vô định, cùng người vợ mới cưới theo cha xứ bước chân lên con “tàu há mồm” chạy trốn cộng sản vô thần, đi tìm tự do tôn giáo, bỏ lại sau lưng làng mạc, nhà cửa, ruộng nương… và biết bao thân bằng quyến thuộc.

Hồi ức những năm tháng cuối đời của ba chỉ chừng đó. Trí nhớ của ba dừng lại ở mảnh đất miền Nam nắng ấm, nơi người ta “buôn bán, làm ăn sầm uất”. Vượt trên tất cả là ba được hít thở không khí tự do, được tự do “giữ đạo thánh Chúa”, được đóng vai “ông Tông Đồ” mỗi năm… Còn mọi sự khác ba đã quên hết, trong vùng trí nhớ lãng đãng, mịt mờ sương khói, ba chẳng buồn nhớ dù là những khuôn mặt rất đỗi thân quen là các con, các cháu của ba. Chỉ chừng đó thôi. Nhớ như thế là đủ, là nhiều rồi ba ạ. Chúng con không dám đòi hỏi gì hơn.

Xin ông bạn già ăn mày ba mời ăn cơm, uống rượu thuở trước, vào một buổi trưa 30 Tết năm nào xa lắc xa lơ, dẫn ba vào trình diện với Chúa. Chúng con tin chắc một điều là ông bạn này chưa bao giờ nằm trong vùng trí nhớ của ba, dù chỉ một ngày.

Chuyên mục:Khác Thẻ:

Hồi Sinh


(nguồn: Dân Làm Báo)
*

Hồi Sinh

Tưởng gần như chết lịm

Hôm nay đã hồi sinh!

Từng đoàn người cuồn cuộn

Vẽ trang sử nước mình

.

Trước bạo quyền bán nước

“Tôi không thể lặng thinh!”

Như hồn thiêng sông núi

Thổi vào trái tim lành

.

Ngày hôm nay bùng dậy

Tương lai vào tay mình

Nói với đời con cháu:

“Ông, cha sẽ hy sinh!”

.
Hạ Huyên 72
10.06.2018

Chuyên mục:Khác Thẻ:

Tôi Biết Vì Sao Chim Lồng Lại Hót

(Hình: Tin Mừng Cho Người Nghèo)

.

I KNOW WHY THE CAGED BIRD SINGS
Lời: Maya Angelou
Nhạc: Đỗ Quân

Trình bày: Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

A free bird leaps on the back of the wind
and floats downstream till the current ends
and clips his wing in the orange sun rays
and dares to claim the sky.

But a bird that was kept in his narrow cage
and seldom see things all his bars of rage
And his wings are clipped and his feet are tied
so he opens his throat to sing.

The caged bird then sings with a fearful thrill
of things unknown but it longed for still
and his tune is heard on the distant hill
for the caged bird sings of freedom.

The free bird then thinks of another breeze
All the trade winds soft through the sighing trees
The fat worms are waiting on a dawn-bright lawn
He names the sky his own.

But a caged bird is standing on the grave of dreams
His shadow would shout on a nightmare scream
And his wings are clipped and his feet are tied
So he opens his throat to sing.

*
Ý thơ: (Đỗ Quân phỏng dịch)
Tôi Biết Vì Sao Chim Lồng Lại Hót

Một con chim tự do bay lượn trên cánh gió trôi giạt cho đến cuối nguồn
Đôi cánh tắm trong nắng hồng và tự hào bầu trời của riêng ta

Nhưng một con chim bị nhốt trong lồng chật hẹp
Ít khi có thể thấy được cảm hứng từ trong những song cũi
Đôi cánh bị cắt cụt và đôi chân bị ràng
Chỉ còn có cách mở miệng hót vang

Tiếng hót đầy những âm thanh sợ hãi
Của những điều khó hiểu nhưng mong được nghe từ ngọn đồi xa
Con chim lồng hót cho sự tự do

Con chim tự do lại nghĩ tới một luồng gió mới
Chuyển động làn gió xuyên qua rừng cây như đang thở
Những con sâu béo đang chờ trên một thảm cỏ xanh
Và bầu trời vẫn là của riêng ta

Nhưng con chim lồng đứng trên những ngôi mộ của giấc mơ
Bóng chim la hoảng hốt trong một giấc mơ kinh hoàng
Đôi cánh bị cắt cụt và đôi chân bị ràng
Chỉ còn có cách mở miệng hót vang

Tiếng hót đầy những âm thanh sợ hãi
Của những điểu không hiểu nhưng mong được nghe từ ngọn đồi xa
Con chim lồng hót cho sự tự do

Chuyên mục:Khác Thẻ: