Ý Thức Phá Hoại
Doãn Quốc Sỹ
(Văn, số 49-50, Xuân Bính Ngọ 1966)
I
Có thể nói Hiển gặp khuôn mặt đó lần đầu tiên ở một cơn ác mộng lạc lõng. Con đường phải qua sông rồi quành theo một sườn núi heo hút, núi cao và rừng thưa. Hiển đưa mắt nhìn vừng trăng mới mọc, vừng trăng không hề bị lấp sau rặng núi, trái lại xuất hiện lừng lững giữa rừng cây thưa.
– Hê hê trăng mọc tự trong lòng ông bạn đó, đâu phải là trăng thật!
Hiển giật mình nhìn lại. Một khuôn mặt choắt choéo, tóc để dài chải lật lờm lên hai bên tai. Y nhìn Hiển, đôi mắt loang loáng những tia riễu cợt, nụ cười hiểm độc kèm theo. Mỗi khi hắn nói cả khối yết hầu lớn của hắn đưa lên đưa xuống như con mắt bằng thịt của một quái thai bị khâu lại và đương cố dướn lên để phá vỡ đường khâu. Hiển nghiêm mặt giữ thế thủ, lão ta cất tiếng cười hê hê:
– Bỉ nhân có lời chào ông bạn!
Vừa lúc đó một thằng bé tự dưới nhà trèo bực thang thoăn thoắt lên sàn gỗ. Ông bố đứng cạnh nhăn nhở cười tóm cẳng thằng bé thẳng tay kéo xuống khiến nó đập mặt vào cầu thang và khóc thét. Hiển chạy tới bế nó lên, đôi mắt nó nhắm nghiền, hai dòng máu đỏ chảy ra tự hai kẽ mắt, mồm nó vẫn mếu xệch khóc không thành tiếng.
– Hê hê thằng bé sẽ mù!
Hiển quắc mắt:
– Vậy mà ông cười được à?
– Sao không, hê hê! Cả nhân loại mọt ruỗng, thương xót một tế bào mà làm gì?
Một tiếng đại bác nổ gần làm Hiển thức giấc. Và kể từ đấy cuộc độc thoại nào của Hiển cũng thành cuộc đàm thoại, Hiển đàm thoại với lão già có khuôn mặt choắt choéo và tiếng cười nham hiểm.
– Ta cầu nguyện sự chết của cuộc cốt nhục tương tàn này không phí. Ôi, mùi máu tanh nồng nhưng ấm vì là máu anh em. Mi nghĩ gì về cuộc đổ máu đó. Xác người rào rào đổ xuống, làm thế nào để phục hồi danh dự cho người chết đây, (……………….. kiểm duyệt bỏ nửa dòng)
– Hê hê, chào ông bạn! (……………………. kiểm duyệt bỏ ba dòng) Ông bạn có nghe tiếng đàn? Tiếng đàn ca ngợi non xanh nước biếc, gió núi trăng ngàn, tiếng đàn êm ngọt như ru, nhưng bỉ nhân còn đây thiên hạ yên vui sao được, hê hê. Bỉ nhân đã lén cho tiếng súng vọng lại như lén gài cây kim trong tâm hồn nhung tơ. Ông bạn thấy sao, hê hê.
– “Một cái hình vuông cực lớn thì không có góc cạnh, thứ âm nhạc cực kỳ hùng vĩ thì hoàn toàn câm lặng!” – Hiển nghĩ thầm vậy khi vừa thức giấc – “Ta chán chường lời nói lắm rồi hỡi con quỷ!”
“Thật là rùng rợn – Hiển tiếp tục nghĩ – nếu chết là trạng thái linh hồn mình thoát xác rồi lao mình vào vô tận cô độc, bơ vơ, điên cuồng, vô vọng! Đứng trước cái chết như đứng trên một tảng đá thật cheo leo nhìn xuống một cái vực đen ngòm không đáy, gieo mình vào đó mình thấy cứ rơi xuống… rơi xuống… hay bay lên… bay lên… hết còn chiều hướng nữa. Không, chết là nhập vào thứ ý thức nào rộng lớn hơn như Atman của Ấn-độ-giáo, như Thái-cực của Nho, như Đạo của Lão mới được chứ.”
Và Hiển thấy thế giới tâm linh của mình sáng dần, tư tưởng như vụt thành tia chớp trong không gian thênh thang, một hình ảnh vô cùng gợi cảm của Tự-do bay lượn trong Vô-lượng.
.
II
Hê hê chào ông bạn! Hê hê muốn sống chung phải thiết lập thế quân bình, nhưng biết thế nào là quân bình ông bạn? Thuở ban đầu nắm chính nghĩa diệt đế quốc, chúng tôi đã sớm thiết lập được một thế quân bình vững như thành đồng tượng đá bởi chân không dẫm lên giày mà đặt vững trên đám người đông đảo nhất bị áp bức kia, bộ não tất nhiên là chúng tôi. Chúng tôi dùng thép lửa của đế quốc mà thích sâu vào da thịt họ lời tâm niệm: “Được, chúng ta được cả thế giới, thua, chúng ta chẳng mất gì, hay chỉ mất có chiếc xiềng!” Và mọi người tưng bừng lao mình vào cuộc chiến đấu phá hoại quân thù. Máu chính nghĩa đổ ra – thuở đó chúng tôi nắm chính nghĩa phải không ông bạn? – càng kết hợp lớp người đông đảo và bức trường thành của chúng tôi rây màu xanh của núi rừng bên trên lại điểm xuyết những bông hoa tri thức sáng ngời tư tưởng xã hội. Thế là chúng tôi đã bố trí xong một bức tranh tuyệt vời quyến rũ, ông bạn thấy không, càng nhìn xa càng đẹp, đó là khuôn mặt thiên thần của chúng tôi, hê hê. Nhân danh xây dựng mà phá hoại thì phá hoại mới tận tình. Quả thực thuở ban đầu sự nghiệp, thì phá hoại với chúng tôi chỉ là phương tiện, nhưng sau một thời gian nương vào cái thế tuyệt vời của trưởng thành màu xanh như rừng điểm xuyết những bông hoa lý tưởng chúng tôi phá hoại đã đời, đến nay thì phá hoại với chúng tôi thành cứu cánh mất rồi ông bạn, hê hê chúng tôi phá hoại giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, sự nghiệp phá hoại của chúng tôi đan dệt thành đời sống của chính chúng tôi, với chúng tôi bây giờ ngừng phá hoại là ngừng sống hê hê, mà xin thưa với ông bạn, chúng tôi cương quyết bám vào sự sống đó. Tôi biết ông bạn đã suy tư nhiều về chúng tôi, thôi thì đây chỉ có hai đứa mình, ông bạn cứ gọi quách chúng là Ý-thức Phá-hoại đi, có sao! Được thỏa thuê vùng vẫy trong Ý-thức Phá-hoại khoái lắm ông bạn, nhưng đâu có phải bất cứ ai cũng hưởng được sự thỏa thuê đó, phá hoại triệt để cũng khó như xây dựng triệt để, vì sao, rồi đây ông bạn sẽ hiểu.
“Quả thực trong cuộc chiến đấu này không có kẻ thắng người bại – Hiển hơi cúi đầu suy nghĩ – hay đúng hơn cả hai cùng bại. Kẻ thắng là Ý-thức Phá-hoại!”
Hê hê chúng tôi hiểu phe ông bạn giờ đây chỉ khao khát được yên thân mà xây dựng. Muộn rồi ông bạn, chúng tôi đã nghiễm nhiên thành Ý-thức Phá-hoại rồi mà! Hê hê các ông bạn muốn thanh bình ư? Chúng tôi quấy rối! Các ông bạn muốn xây dựng ư? Chúng tôi phá hoại! Xây dựng cần hàng vạn hàng triệu người, nhưng phá hoại chỉ cần một người thôi, chẳng cần phải nhiều thông minh người ta mới nhận ra điều ấy. Thời gian xây dựng phải hàng chục năm, phá hoại chỉ cần một phút một giây, hê hê chẳng phải thông minh cho lắm cũng thừa hiểu điều đó.
Bí quyết thắng cuộc của chúng tôi là thanh toán cái mà bên quý bạn gọi là lương tâm. Lương tâm chính là hòn đá đeo vào người trong cuộc chạy đua. Tôi có thể chấp ông bạn chạy trước hàng trăm dặm, hê hê nhìn các ông bạn chạy quành ngóc nga ngóc ngách tránh nhà ở của người sống, tránh mồ mả của người chết, tránh người già đi bên đường, tránh trẻ con chạy ngang đường… chúng tôi chỉ việc gạt lương tâm đi là có ngay con đường thẳng tăm tắp mà tới đích trước ông bạn bất cứ vào giờ phút nào chúng tôi muốn.
Hãy nói nếu sau này vạn nhất vì muốn chiến thắng chúng tôi, phía ông bạn cũng dứt bỏ được lương tâm như chúng tôi thì hê hê, chúng ta là đồng chí rồi, đâu còn là kẻ thù của nhau nữa, hê hê. Hiểu và ghét chúng tôi thì gọi chúng tôi là quỷ, nhưng từ xa nhìn lại, nhìn cách chúng tôi bố trí hệ thống chiến đấu, nhìn bức trường thành xanh như rừng lại điểm xuyết những bông hoa trí thức lý tưởng xã hội, thiếu gì người thấy chúng tôi như thiên thần? Quỷ hay thiên thần chỉ là danh từ, có điều chắc chắn là vì dứt bỏ được viên đá đeo lương tâm mà chúng tôi vượt hẳn được kích thước NGƯỜI! Ông bạn còn nhớ xưa, ngày người Nhật nhận được hai trái bom nguyên tử cỡ nhỏ, hàng mấy trăm ngàn người gục chết, kẻ chết tức khắc thì da tuột ra như luộc, kẻ chết về sau thì lên cơn sốt rồi đi ỉa chảy, rồi máu xuất ra ở miệng, ở lỗ tai, tóc nhổ từng tụm dễ như vặt lông con gà vừa nhúng vào nước sôi. Người Nhật sợ, vua Nhật hàng, và duyên cớ phải xin hàng nhà vua nêu ra là thương dân vô tội! Hê hê thương dân vô tội, ông bạn nghe rõ chứ? Thương dân vô tội là lương tâm rồi! Còn khư khư ôm lấy lương tâm thì thua khí giới tối tân là phải. Hê hê phải vượt kích thước người như chúng tôi! Lựu đạn cứ việc quăng giữa thành phố! Mìn cứ việc giựt giữa thành phố! Sao phải bận tâm cho người già, cho đàn bà, cho trẻ thơ hay cho người dân vô tội nói chung?! Ở đất ông bạn chúng tôi từng giữ hàng ngàn người dân làm “làng giải phóng”, chúng tôi từng lùa hàng ngàn người dân lên thuyền để đổ bộ vào một cửa bể nào đó, ông bạn bắn vào họ thì ông bạn sống, không dám bắn vào họ thì ông bạn thua, ông bạn chết. Nhưng dù bắn hay không bắn thì đằng nào lương tâm của ông bạn cũng có vết hoen. Hê hê ai bảo ông bạn giữ lương tâm?! Thành thử ông bạn đã thua chúng tôi ngay cả khi ông bạn vừa thắng chúng tôi. Còn chúng tôi, khi thấy đám người lùa đi trước ngã gục xuống, lập tức chúng tôi lượm những xương những máu đó về làm chất bón cho bức trường thành của chúng tôi, bức trường thành xanh và rậm như cây bên trên có điểm xuyết những bông hoa trí thức sáng ngời tư tưởng xã hội! Hê hê bức tranh thật quyến rũ phải không ông bạn? Chúng tôi luôn luôn thắng ông bạn thấy không? Ông bạn hẳn còn nhớ ngày nào ký kết hiệp định chia cắt, trước ngày tập kết chúng tôi cho phát động phong trào “gây giống anh hùng”, một thanh niên “gây giống” cho một thiếu nữ trước khi ra Bắc. Ngày nay thấm thoắt đã mười năm, đứa nhỏ nếu có cũng đã lên mười, hê hê rồi cha nó được cử về móc nối, bắt rễ khủng bố bên ông bạn, ông bạn khủng bố lại, rồi bom, rồi đạn như thế là nhiều khi chồng gián tiếp giết vợ mà không hay, cha gián tiếp giết con mà không biết đấy ông bạn, hê hê, ông bạn ra tàn phá ngoài kia, ngoài kia vào tàn phá trong này, anh em gặp nhau giết nhau mà không biết, chuyện đó là thường chứ ông bạn, hê hê. Rồi đây dù Nam Bắc thống nhất, kẻ di cư trở lại gặp gia đình chốn quê hương cũ thì gia đình nào chẳng có anh có em hoặc đi lính quân dịch mà chết, hoặc bị oanh tạc mà chết, hê hê hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình còn nguyên vẹn chăng? Ấy là chưa kể hiện chúng tôi đã cho tập trung bọn già một nơi, lũ trẻ một nơi, dù ông bạn có đột chiếm miền Bắc chúng tôi cũng lùa kịp lũ trẻ sang nước bạn vĩ đại để gia đình nào cũng có sự chia ly rứt ruột, và để rồi sau này lại lùa chúng về phá hoại giết chóc nữa chứ! Với ông bạn thì còn gì thiêng liêng hơn tổ quốc, còn gì thắm thiết hơn tình cốt nhục, tổ quốc là gì, tình cốt nhục là gì thưa ông bạn, lại lương tâm rồi. Chúng tôi bố trí thành lò sát sinh cắc cớ nhất của lịch sử nhân loại từ thượng cổ tới nay, hê hê, anh em ruột giết nhau, cha con ruột giết nhau, hê hê, sướng thế! Gây chuyện giết nhau làm gì, tình nhân loại đâu; nội chiến làm gì, tình đồng bào đâu. Hòa bình, hòa bình! Hãy đem lại hòa bình! Và cơm no! Và áo ấm! Và gìn giữ những đứa con cho những bà mẹ, gìn giữ những cặp vợ chồng, những thanh niên, những trẻ thơ! Hê hê, lương tâm rồi, ông bạn! Vì chúng tôi đã kỳ cọ cho sạch nhẵn lương tâm nên sức tung hoành của chúng tôi mới nhanh như ánh sáng, phe ông bạn còn ôm đờn ca khúc “lương tâm vi bản” thì tốc độ âm thanh làm sao đuổi được tốc độ ánh sáng?! Hê hê.
.
III
Khi Miên bước vào, đôi mắt Hiển còn nhìn sâu vào cuộc “đàm thoại độc thoại”. Miên hỏi:
– Anh hôm nay thấy thế nào?
Hiển giữ cho khuôn mặt tỉnh táo để Miên khỏi lo và đáp:
– Khá lắm cô ạ.
Giọng Miên bí mật:
– Hình như anh Kha đã viết tặng anh xong cuốn sách đó.
– Cuốn sách nào?
– Cuốn sách cổ tích hóa lịch sử nước Việt-nam chúng ta.
Đôi mắt Hiển lần này sáng lên và anh cảm thấy khoan khoái thật tưởng như bệnh đã khỏi hẳn.
– Ồ sao Kha làm việc bí mật thế?
– Bởi anh Kha vẫn lo ngay từ lúc bắt đầu viết là không hoàn thành nổi theo ý anh. Trong khi viết anh Kha mấy lần hỏi em xem có phải đức Trần Hưng Đạo là một khuôn mặt lịch sử xưa mà anh thích nhất không, cụ Phan Bội Châu có phải là khuôn mặt cách mạng tiền bối mà anh thích nhất không, việc mười ba vị liệt sĩ Việt-nam Quốc-dân-đảng lên đoạn đầu đài có phải là những khuôn mặt cách mạng cận kim đã xúc động và ảnh hưởng đến những hành động và cảm nghĩ của anh nhiều nhất không? Em có trả lời thêm rằng còn một khuôn mặt rất vô danh nhưng cũng đã xúc động anh không kém. Và em kể lại thời Phòng-quân của tướng Lữ Hán sang ta tước khí giới quân đội Nhật, dân ta hát riễu: “Đoàn quân Tàu ô đi, sao mà ốm thế…”; em thuật lại việc chàng thanh niên hăng hái của làng Hạc-thủy – Kinh – đánh úp một toán phòng quân để tước khí giới mà bị chính quyền ngày đó tuyên án tử hình để lấy lòng Phòng-quân. Em kể lại rõ, thiệt rõ cho anh Kha nghe chuyện xử bắn Kinh và cảnh Huynh người anh của Kinh chạy ra ôm lấy Kinh mãi một giờ sau mới tắt thở hẳn…
Hiển ngắt lời:
– Làm sao cô nhớ rõ chuyện đó?
– Thì trước đây đã bao lần anh thuật lại chuyện đó cho em nghe, anh quên sao? Chính anh cũng chỉ nghe thuật lại rồi thuật lại mà mỗi lần nghe anh thuật lại em vẫn nghĩ rằng anh có tài kể chuyện và em vẫn ao ước được đọc truyện cổ tích do anh viết. Em công nhận với anh Kha rằng gương chiến thắng chói lọi của đức Trần Hưng Đạo, nhiệt tình chói lọi với đất nước của cụ Phan Bội Châu, cái chết chói lọi của mười ba vị liệt sĩ Việt-Quốc ở rừng Yên-báy, cái chết thảm sầu của hai triệu đồng bào năm đói và cái chết vô nghĩa của Kinh là những điều ám ảnh lớn trong đời anh!
Hiển mỉm cười và chớp chớp mắt cảm động, cảm động vì nhớ lại những khuôn mặt lịch sử đáng kính hay đáng thương trên, cảm động vì thái độ dịu hiền của cô em gái hiểu rõ đến chiều sâu thẳm nếp sống tâm tư của mình.
……………………………………………………………………………………………………………………………………
Đã mười một giờ khuya rồi Hiển còn khư khư cầm tập bản thảo của Kha. Kể từ hôm qua đến giờ không hiểu Hiển đã đọc xong tập bản thảo đó lần thứ mấy. Kha về, Miên ra mở cửa. Kha không ngờ rằng sau khi đọc xong tác phẩm thần thoại của chàng, Hiển như dứt được những cơn ác mộng, và ngay như khuôn mặt tiếng cười và lời nói của Ý-thức Phá-hoại đối với Hiển cũng trở thành bất lực và vô nghĩa. Hình như khuôn mặt đó đã bị một thứ lửa tinh lọc nào thiêu rụi đi mất.
Kha đã thân ái ngồi xuống giường, bên Hiển, và hơi mỉm cười khi thấy Hiển còn khư khư ôm lấy tập bản thảo. Hiển nói trước:
– Lịch sử có những giải quyết ngầm ngoài ý muốn của mọi ý thức phá hoại, Kha có thấy không?
Kha cười rất hiền hỏi lại:
– Anh hãy cho ví dụ.
– Nước Việt chia cắt ở sông Gianh để hoàn tất cuộc Nam-tiến, nước Việt chia cắt ở Bến-Hải để hoàn tất một cuộc tổng hợp văn hóa như điều cậu tiên đoán trong tập bản thào này. (……………………. kiểm duyệt bỏ một dòng)
Kha gật đầu đáp:
– Anh nói đúng, khi máu đã tuột khỏi cơ thể một sinh mạng thiêng liêng, đổ ra lênh láng thì lập tức máu đó trở thành thiêng liêng, không một bàn tay nhơ bẩn của loài quỷ nào xúc phạm nổi… (…………………….. kiểm duyệt bỏ một dòng)
Đến lượt đôi mắt Kha sáng lên và Kha nắm lấy cánh tay Hiển:
– Anh nói đúng, lịch sử “ba sinh hương lửa” của dân tộc là lịch sử một trau chuốt vĩ đại trong đau khổ. Chúng ta tất nhiên phải lớn…
Hiển cướp vội lời Kha:
– Giữ vững kích thước NGƯỜI mà lớn!
– Tất nhiên thế, giữ vững kích thước NGƯỜI mà lớn, chúng ta lớn cho nhân loại lớn!
Hiển chỉ vào tập bản thảo hỏi:
– Cậu còn phải viết nốt đoạn kết cho tập truyện cổ tích này chứ? Sau khi thi sĩ thả thơ sang phần đất cộng sản rồi, câu chuyện còn tiếp diễn ra sao nữa?
– Đúng như một người bạn ngoại quốc đã ca ngợi dân tộc Việt nhà là một dân tộc chỉ biết có đi chứ không có đứng hay ngồi, một dân tộc chỉ quen làm lụng chứ không hề nghỉ ngơi, một dân tộc chiến đấu để mà xây dựng mãi mãi không ngừng… Như vậy làm sao anh lại bắt tôi viết tiếp đoạn kết cho câu chuyện cổ tích đó?
Đôi bạn cùng cất tiếng cười sảng khoái, máu hồng có dồn lên khuôn mặt hốc hác của Hiển báo hiệu những ngày hồi phục sắp tới. Bỗng Miên ở trong nhà chạy vội ra, tới chiếc radio vặn nút. Nàng nói với Kha và Hiển:
– Sân Khấu Lớn của anh Lãng, vở nói về thằng Việt với Ngọc-hoàng Thượng-đế.
Nhưng cả ba lần này không được nghe trọn vở Sân Khấu Lớn của Lãng, vớt được đoạn cuối:
NGỌC HOÀNG: Thế anh em chúng mày giờ đây ra sao?
THẰNG VIỆT: Dạ anh em chúng con bị thiên hạ du vào thế kẹt cứ phải đánh giết nhau như những con nhà vô giáo dục nhất.
NGỌC HOÀNG: Thế mẹ mày ra sao?
THẰNG VIỆT: Bẩm mẹ chúng con chỉ biết khóc.
NGỌC HOÀNG: Thế chúng bay đánh giết nhau ra sao?
THẰNG VIỆT: Bẩm thường thì một đứa vừa khóc vừa đánh.
NGỌC HOÀNG: Còn đứa kia?
THẰNG VIỆT: Bẩm đứa kia khi ngã xuống sắp chết cũng biết gọi “mẹ ơi!” và thường cũng khóc.
NGỌC HOÀNG: Thế kiếp sau mày muốn làm người gì?
THẰNG VIỆT (gầm lên): Bẩm xin Ngài cho con được trở về với mẹ con, xin cho con vẫn là người Việt; chúng con kẻ chậm nhớ nhất khi ngã xuống vẫn gọi Mẹ kia mà.
Doãn Quốc Sỹ
(trích Độc Thoại Đàm Thoại)
Còm