Trang chủ > Tuổi Ngọc, Văn > Tôi và Em của Hoàng Ngọc Tuấn

Tôi và Em của Hoàng Ngọc Tuấn

Tuần báo Tuổi Ngọc (ra ngày thứ năm, chủ nhiệm: nhà văn Duyên Anh) có mục truyện dài đăng nhiều kỳ của các nhà văn Mai Thảo, Duyên Anh, Hoàng Ngọc Tuấn. Truyện dài Tôi và Em của nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn có một số phận long đong, như cuộc đời nhà văn sau này.

Xin phép được giới thiệu với các bác vài trang Tôi và Em trích trong Tuổi Ngọc:



Không rõ Tôi và Em được đăng mấy kỳ thì chấm dứt, vì các số báo Tuổi Ngọc em còn rất ít. Thế rồi, trong mục Nhìn xuống cuộc đời của một vài số báo sau đó có bài viết Tôi và em lên tiếng nói lại như sau:

***

Nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn

Lời Tòa Soạn: Những ai đã từng trải qua những năm tháng trẻ tuổi sống tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975, không mấy ai không biết nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn. Ông là nhà văn nổi tiếng với những truyện ngắn viết cho tuổi ô mai, học trò vô cùng dễ thương, như các tác phẩm “Dường như là tình yêu”, “Cô bé treo mùng”, “Ở một nơi ai cũng quen nhau”, “Thư về đường Sơn Cúc”, “Hôn lễ”…

Tin từ trong nước cho hay, nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn, sau một thời gian bị bệnh ung thư đã từ trần lúc 14 giờ 50 phút ngày 9 tháng 7 năm 2005, hưởng dương 59 tuổi. Linh cữu quàn tại chùa Long Vân, 44 Trần Minh Quyền, phường 11, quận 10, Sài Gòn. Lễ di quan lúc 7 giờ ngày 12 tháng 7 năm 2005, hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.

Sau năm 1975 như nhiều trí thức khác của miền Nam, nhà văn đã phải làm rất nhiều công việc khác nhau để kiếm sống và viết báo là một nghề của Hoàng Ngọc Tuấn. Ông viết báo với các bút danh: Huấn Toàn, Nhị Ngọc, Mây Biếc… gần đây là Ngọc Nhị.

Khoảng tháng 3 năm 2005, bệnh tình của nhà văn trở nặng và phải vào bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Ông không lập gia đình và vì thế hoàn cảnh của ông khi đau ốm rất thương tâm. Ðã có rất nhiều bằng hữu, mạnh thường quân cả trong nước lẫn hải ngoại giúp đỡ ông về tiền bạc, thuốc men nhưng ông không qua khỏi.

Ðể hiểu rõ hơn về nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn, mời quý độc giả xem bài viết của nhà thơ Nguyễn Ðạt, một bạn văn của Hoàng Ngọc Tuấn trên trang Việt Nam số báo ngày hôm nay.

***

Tưởng nhớ nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn:

Sài Gòn một thuở “Hình Như Là Tình Yêu”

Di ảnh cố nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn.

Trong số báo hôm nay, Nhật Báo Người Việt xin đăng lại bài viết của nhà thơ Nguyễn Ðạt (một người bạn thân của cố nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn) hiện đang sống tại Sài Gòn, như một nén hương lòng tưởng nhớ nhà văn tài hoa. Bài viết đã được đăng trên báo Người Việt, số ra ngày 17 tháng 9 năm 2004.

Tôi có hai bạn văn trùng một tên, Hoàng Ngọc Tuấn. Một Hoàng Ngọc Tuấn trẻ tuổi hơn, sinh năm 1956, hiện thường trú tại Sydney, giảng dạy âm nhạc học, soạn nhạc, viết khảo luận văn học, triết học, viết và dựng kịch sân khấu tiền phong, viết truyện ngắn với bút hiệu Hoặc Ngữ, và cùng Nguyễn Hưng Quốc chủ trương báo mạng Tiền Vệ. Và một Hoàng Ngọc Tuấn năm nay 57 tuổi, khởi đầu viết từ lúc là sinh viên, và kết thúc công việc viết truyện ngắn cũng tại Sài Gòn. Có thể xem Hoàng Ngọc Tuấn là Cây Bút Truyện Ngắn. Anh cho xuất bản tập truyện ngắn đầu tiên, Hình Như Là Tình Yêu, vào khoảng những năm cuối thập niên 1960, như một hiện tượng trong văn học Sài Gòn vào thời điểm này, được người đọc tiếp nhận nồng nhiệt. Sau đó, những truyện ngắn của Hoàng Ngọc Tuấn đăng rải trên các báo văn nghệ Sài Gòn, thảng hoặc một số truyện ngắn được gom lại in thành sách. Sau 30-4-1975, Hoàng Ngọc Tuấn tuyệt đối không viết truyện ngắn nữa. Thảng hoặc thấy vài tập truyện ngắn của Hoàng Ngọc Tuấn được xuất bản, nhưng đều là những truyện anh viết từ trước 30-4-1975.

Giấc mơ Mỹ của Hoàng Ngọc Tuấn (và của tôi) hoàn toàn không giống hàng triệu người Việt Nam, cả những người Việt Nam đã định cư ở Mỹ, lẫn những người Việt Nam ở Sài Gòn. Giấc mơ Mỹ của chúng tôi nằm trong phạm vi điện ảnh, từ lúc chúng tôi xem một phim của Elias Kazan, nhân vật chính do một tài tử người Pháp thủ diễn, ôm giấc mơ sinh sống ở Mỹ, chuyến tàu cập bến bờ nước Mỹ thì nhân vật chết vì bịnh lao phổi. Giấc mơ của nhân vật này lại chẳng liên quan gì giấc mơ của chúng tôi, mà liên quan ở chỗ: Chúng tôi quá thích khuôn diện tài tử, dù là tài tử người Pháp, nhưng anh ta tới đất Mỹ! Và ở Mỹ là vô số tài tử mà chúng tôi ưa thích, đến nỗi, thích tài tử là thích tài tử Mỹ, và ước mong cuồng dại là muốn được gặp họ, kết thân với họ, đi chơi với họ hằng ngày. Ðấy là giấc mơ Mỹ của Hoàng Ngọc Tuấn (và của tôi). Nên lúc kết bạn với nhau tại trường đại học Văn Khoa Sài Gòn, Hoàng Ngọc Tuấn, thay vì phục sức chải chuốt để đi “bát phố Bonard” hay tới các quán cà phê nhiều “văn nghệ tính” như bạn Hoàng Xuân Sơn, nhà thơ, hay cùng bạn Ngô Vương Toại, chuyên viên chống các âm mưu vận động phản chiến thiên Cộng lặt vặt trong đám thanh niên-sinh viên, Tuấn cùng tôi đi xem phim thường trực tại 2 rạp “Cinéma permanent”: Rạp Vĩnh Lợi ở đại lộ Lê Lợi, rạp Lê Lợi ở đường Lê Thánh Tôn. Xem đi xem lại Montgomery Clift-James Dean-Marlon Brando… họ cười nói, đi lại trong phim suốt buổi.

Ngày 2-5-1004, báo đăng tin tài tử Marlon Brando mất. Sao đúng ngày đó tôi gặp lại Hoàng Ngọc Tuấn, sau biết bao ngày không gặp. Nghĩa là chúng tôi vẫn thỉnh thoảng ngó thấy nhau đi ngược chiều trên đường phố Sài Gòn, nhưng đến ngày này thì chúng tôi gặp nhau trong quán Phố Hoài của nhà thơ Huy Tưởng. Marlon Brando, 80 tuổi, trước ngày tạ thế còn đang thực hiện một cuốn phim, “Brando and Brando”: Một chàng trai người Tunisie thực hiện cuộc hành trình sang nước Mỹ cùng giấc mơ Mỹ. Rồi ở Mỹ, chàng vỡ mộng trước sức mạnh Mỹ, lấn áp, đè nát mọi ước mơ của bất cứ tinh thần ngoại xứ nào.

Con đường văn nghệ ngắn ngủi, ngắn hơn cả “Những ngày (Hoàng Ngọc Tuấn) ở Sài Gòn” (nhan đề một tập truyện của Nguyễn Quốc Trụ). Chúng ta có thể nhận xét như vậy, nếu tính số lượng truyện ngắn Hoàng Ngọc Tuấn đăng báo và in sách. Tuy nhiên “quý hồ tinh”, những truyện ngắn đó đã khẳng định Hoàng Ngọc Tuấn là một cây bút truyện ngắn đáng kể, đặc sắc. Ở đây tôi không có ý muốn nhận định, phê bình cây bút truyện ngắn của Hoàng Ngọc Tuấn, vì việc làm ấy sẽ dư thừa. Vào thời gian Hoàng Ngọc Tuấn viết nhiều, Viên Linh, Mai Thảo, Võ Phiến mặc nhiên xem Hoàng Ngọc Tuấn là nhà văn của tuổi trẻ đáng tin cậy. Tôi chỉ tiếc, xen vào đó (hơi nhiều), Hoàng Ngọc Tuấn viết vài tác phẩm quá dễ dãi, ít tính văn học (mà nhiều “tính đối đãi tình cảm” và của một người tình!), như Thư Về Ðường Sơn Cúc – Tôi Và Em.

Ấy tuy nhiên, không nhiều thì ít, những cây bút đang sung sức viết bây giờ ở Sài Gòn, như Ðoàn Thạch Biền, Nguyễn Nhật Ánh… mang hơi hướng Hoàng Ngọc Tuấn.

Người tài hoa ấy bây giờ ra sao?… Ít nhất hai, ba lần, đi chơi với vài người bạn từng yêu thích truyện ngắn Hoàng Ngọc Tuấn, họ ngạc nhiên, không tin tôi chỉ đúng cho họ đấy là Hoàng Ngọc Tuấn. Nghĩa là nhà văn yêu quý của họ sao trông lèo nhèo, ủ ê, mỏi mệt quá vậy. Tôi phải kể câu chuyện ngồi uống cà phê thuở nọ với nhà thơ Vũ Hữu Ðịnh trong một quán cà phê xứ Huế: Cô chủ quán rất mê bài hát phổ thơ Vũ hữu Ðịnh, … Em Pleiku má đỏ môi hồng… May mà có em đời còn dễ thương… Cô chủ quán (cũng có má đỏ môi hồng) ấy đã nhìn nhà thơ bằng con mắt coi khinh, vì gã bụi đời này mà dám nhận xằng mình là nhà thơ! (Nhà thơ Vũ Hữu Ðịnh, trong một bữa nhậu tại nhà một người bạn ở Ðà Nẵng, bước ra lan can gỗ mục, đã té rớt xuống đường chết ngay tại chỗ).

Hoàng Ngọc Tuấn mỏi mệt vì cuộc sinh tồn sao mà cực nhọc. Sau 30-4-1975, anh viết tin bài về đủ mọi thứ sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, kể cả sinh hoạt thể thao như bóng đá, đa phần phỏng dịch từ báo nước ngoài. Những năm 1980, thời hưng thịnh của Hoàng Ngọc Tuấn, tờ báo lớn nhất nước, báo Tuổi Trẻ, đăng bài anh liên tục, đến nỗi anh cung cấp không kịp: Những tin, bài về điện ảnh, người mẫu, bóng đá, quyền Anh, phát biểu của các danh gia về văn chương, hậu trường , hậu cung các chốn vương giả đài các thời hiện đại… Lúc ấy, Nguyễn Nguyên Phương, chuyên gia đọc sách triết học và văn học chính trị siêu cao cấp, sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa học tập cải tạo trở về, tìm bạn văn xưa Hoàng Ngọc Tuấn để được giới thiệu vào báo Tuổi Trẻ, và anh cũng đi vào sự nghiệp viết tin bài các thứ (đều có xuất xứ từ vài tờ báo phương Tây nhập chui vào Sài Gòn).

Hoàng Ngọc Tuấn còn độc thân, sách báo gửi nhà (cha) mẹ, anh chỉ còn mẹ, nên khi viết là về nhà mẹ để viết. Khi có tiền nhuận bút, anh tới các quán xá: Ăn, nhậu, cà phê… Thời hưng thịnh này, tác giả Hình Như Là Tình Yêu đã bỏ lỡ nhiều dịp thành thân: Trên đường tới nhà nàng X, sao lại có lắm quán nhậu, quán cà phê, và cớ sao lại không dừng chân ghé quán? Vậy là tiêu tán mối nhân tình. Thời dịch hạch cho những Thư Về Ðường Sơn Cúc. Về nhà một trong vài người bạn “được chọn lựa”, Hoàng Ngọc Tuấn kêu bia, lai rai cùng bạn, và bạn sẽ treo mùng cho anh ngủ. Trong giấc ngủ của Hoàng Ngọc Tuấn, có thể anh mơ thấy Cô Bé Treo Mùng cho mình ngày trước, có thể cô bé đó (một người em gái của Trịnh Công Sơn) bây giờ không còn xuất hiện dù chỉ như một ảo ảnh trên sa mạc.

Luồng sóng Internet ùa tới, chấm dứt thời hưng thịnh mưu sinh bằng cây bút của Hoàng Ngọc Tuấn. Ðủ mọi loại tin tức tràn ngập trên các mạng internet, các nhà báo chỉ việc “download”, in vào báo mình. Thế là Hoàng Ngọc Tuấn, mặt mày ủ dột hơn một kẻ thất cơ lỡ vận (vì mặt mày anh vốn dĩ chẳng vui bao giờ), viết ba mẩu chuyện vui cười, chuyện cổ tích hướng thượng muôn năm, gửi các báo dành cho các em bé: Nhi Ðồng-Khăn Quàng Ðỏ, năm thì mười họa được chọn đăng, viết tiểu phẩm vui cười (lại vẫn vui cười) cho mấy tờ báo do nhà nước bao cấp để có báo văn nghệ cho quần chúng vững lòng tin vào nền văn học nghệ thuật nước nhà, Hoàng Ngọc Tuấn cũng lãnh nhuận bút lai rai, đủ ăn hai, ba dĩa cơm bình dân một lần nhuận bút.

Sáng nay tôi lại nhìn thấy Hoàng Ngọc Tuấn đi ngược chiều trên đường phố Sài Gòn. Ði ngược chiều gió, Hoàng Ngọc Tuấn cúi mái đầu muối tiêu, gò cái lưng gầy guộc trên chiếc xe đạp cũ kỹ. Chắc anh tới báo Nhi Ðồng-Khăn Quàng Ðỏ để đưa truyện cổ tích. Tôi chợt ngậm ngùi nghĩ rằng, Hình Như Là Tình Yêu cũng là một tập truyện cổ tích trong bối cảnh Sài Gòn hôm nay. Sài Gòn bây giờ, cái gì cũng rõ ràng cụ thể: Sao lại có thứ “hình như”? Tình yêu bây giờ rành mạch lắm, có giá biểu in trên thương hiệu: Bao nhiêu-How much?

Nguyễn Ðạt

(nguồn)

Chuyên mục:Tuổi Ngọc, Văn Thẻ:
  1. 09/07/2011 lúc 08:42

    Cho em lấy vài trang scan về blog nha chị, mấy quyển TN có đăng TÔI & EM em lại chưa tìm ra:)….Chị có thề đọc thêm 1 bài thơ HỒN NGƯỜI TÌNH viết thêm cho MƠ NỮ vào 1975 và đăng trên VĂN:
    http://huyvespa.multiply.com/journal/item/731/731

    Rgds!

  2. 09/07/2011 lúc 08:57

    Ở CHƯƠNG 6: LỜI YÊU THƯƠNG, không rõ sao mục Q-QUỐC GIA…bị để trống trơn…một sự “đục bỏ” chăng, hay tác giả cố ý, em chưa tìm ra lời giải đáp:)

  3. ha linh
    09/07/2011 lúc 08:59

    tiếc quá nàng Phay, chỉ vì nhuận bút mà chúng ta không còn tiếp tục thưởng ngoạn câu chuyện đẹp với ngôn ngữ thật duyên dáng!

    • ha linh
      09/07/2011 lúc 13:30

      Hà Linh thích ngôn ngữ dùng trong truyện, cảm giác mỗi từ đều lung linh!
      Tiếc một nền văn học của miền Nam bị…..!!!

      • ha linh
        09/07/2011 lúc 14:59

        bị …lụi tàn…

      • ha linh
        10/07/2011 lúc 07:55

        Nàng Phay thân mến ơi,

        HL dành chắc 90% những năm tháng dưới “mái trường xhcn” cho Văn, HL học Văn chứ không học gì khác( bởi vậy HL nói rồi đó, HL dốt Toán -Lý – Hóa… vô cùng tận). Cũng may nền giáo dục chấp nhận học “lệch” mà HL có thể vào cổng trường đại học rồi có công ăn việc làm!!!
        HL biết rằng đa số thời gian mà HL dành cho Văn đó thì không phải là thứ văn chương đích thực Nàng Phay à. Thứ văn chương HL học sau này được người ta đặt tên” văn học chứng minh”- là loại văn chương phục vụ đường lối, chính sách, chủ trương…mà mỗi khi HL làm bài tập làm văn thì phải cố tìm kiếm mà chứng minh đủ thứ tính: tính giai cấp, tính đảng, tính nhân dân, tính chiến đấu…vv và vv…
        may mắn là HL còn được đoc những tác phẩm ngoài ” văn chương” được sử dụng trong nhà trường và HL được học các thầy cô giáo rất yêu văn học nên họ truyền cho HL tình yêu và nhiệt huyết..
        hôm nào sẽ kể cho nàng Phay và mọi người một trong những người thầy yêu quý đó của HL…
        HL được học từ họ về cảm xúc với văn chương…

      • 11/07/2011 lúc 09:23

        HL cũng nhận xét vậy đó nàng Phay ( trong comment trao đổi với chị Nha Trang)

      • hth
        11/07/2011 lúc 11:26

        @HL, PV,
        Cả hai chị viết đều hay!

      • hth
        11/07/2011 lúc 17:13

        Cho “bác” sửa lần cuối: các chị viết đều hay! Không sửa nữa, quá hoàn chỉnh rồi!

      • hth
        12/07/2011 lúc 12:24

        Cười thoải mái, nhưng không được sửa! HIhihih…..

    • 10/07/2011 lúc 09:27

      HL vào mục Sách mà k thấy nàng Phay ạ!

  4. 09/07/2011 lúc 10:19

    Rất nhiều nhà văn bây giờ rơi vào cảnh ngộ tương tự hư thế em à , thật đáng tiếc .

    • 10/07/2011 lúc 00:19

      Cái khổ này nó nằm trong quỹ đạo mà em 😀

    • hth
      11/07/2011 lúc 11:24

      Nhìn lại một chút, những ông như Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Nguyên Hồng….. toàn những tên tuổi được ca ngợi ầm ầm, nhưng từ sau 1954, có viết được gì cho nên hồn đâu, cho nên có thể nói là hầu hết các ông ấy, đều khổ lắm.
      Ngày trước, ông thầy dạy DVBC của “bác” hth có lúc cao hứng đọc thuộc lòng mấy chục trang của Hoàng Cát, lũ mình mê mẩn há hốc mồm, nhưng tuyệt nhiên không hiểu được vì sao tác phẩm như thế lại bị cấm.

      • hth
        11/07/2011 lúc 17:16

        Ừ, đúng. Nhưng cấm thế thì “bẩn” thật. Thầy của hth đọc thuộc lòng câu chuyện về chú ngựa của các chiến sĩ biên phòng, chẳng có táo hay cam quýt gì cả!

      • 12/07/2011 lúc 06:10

        Anh HTH, nàng Phay: bi kịch của các thầy cô giáo tâm huyết là vậy đó, họ nghĩ và biết một đàng nhưng họ phải dạy một nẻo!

      • hth
        12/07/2011 lúc 10:05

        Thầy cũng có đọc thuộc lòng một đoạn của cây táo. Giọng miền Trung rất truyền cảm, làu làu. Đôi lông mày liên tục nhảy nhót cùng hai mép, nét mặt rất biểu cảm. Đám học sinh chúng mình nghe khoái chí vô cùng, chẳng thấy quái gì đáng cấm cả, trừ mỗi cái tên lành.

      • hth
        12/07/2011 lúc 13:01

        Nhiều lúc nghĩ phục cả mấy thế hệ tiền bối, và thương nữa. Sống trong nơm nớp bị cho là phạm húy bất cứ lúc nào, vậy mà vẫn cười rất tươi, hihihi….

      • hth
        12/07/2011 lúc 16:16

        Cả mấy thế hệ toàn xã hội đắc đạo cả, vậy là thành thiên đường rồi còn gì nữa, thành thần thánh tiên phật tuốt rồi còn gì nữa! Ui trời, nhờ PV nên mới biết! Thôi từ nay không bức xúc bức xiếc gì nữa!

  5. 09/07/2011 lúc 22:17

    Đã đọc. Ngày còn bé mình thích ” vết hằn thù trên lưng ngựa hoang ” của Duyên Anh (?)

  6. Nguyễn thị Nha Trang
    09/07/2011 lúc 23:41

    @ Hà Linh : ” Tiếc 1 nền văn học của miền Nam bị ……..lụi tàn ….”

    Đúng vậy Hà Linh , những người yêu văn học chân chính đều cảm thấy tiếc cả em ạ ! nhưng chị tin chắc các thế hệ con cháu sau này , Văn Học Sử sẽ trả lại sự công bằng cho nền văn học đích thực của dân tộc ! có tín hiệu để tin tưởng đó Hà Linh , đó là :

    * Cuộc phỏng vấn của Thụy Khê trong chương trình Văn Học Nghệ Thuật RFI , với nhà văn , nhà phê bình Văn Học nổi tiếng VN Vương Trí Nhàn ngày 21/6-2008 , đã nhận xét 1 cách trung thực và chính xác :

    ” … Văn Học miền Nam đã đi trước , cũng như đã để lại những thành quả mà bây giờ chúng tôi không dễ gì vượt qua ! ”

    Thiết tưởng những người đọc nghiêm túc và chân chính , trong cũng như ngoài nước Việt Nam , chắc không một ai phủ định lời nhận xét trung thực và chính xác của nhà phê bình Văn Học nổi tiếng VN Vương Trí Nhàn !

    Ngoài nội dung entry Phay Van giới thiệu ở trên , Chị mạn phép trích thêm 1 đoạn trong Truyện ngắn : Mưa mùa Đông , của Hoàng Ngọc Tuấn ; để chúng ta – tùy từng người – có thể cảm thụ thêm phần nào chất trong sáng , nhẹ nhàng , giản dị , nhưng giàu tình cảm tinh tế và đầy chất thơ , họa , trong văn phong của Hoàng Ngọc Tuấn nha ! :

    “…Đêm khuya , tôi nhìn sang nhà Bích Câu , phòng nàng vẫn còn thắp ánh điện vàng , chắc nàng đang sửa soạn lại bài vở và ủi chiếc áo dài trắng . Tôi lấy chăn đắp kín người , để đôi mắt mở ra vẫn không thấy gì cả . Sáng mai , trên đường sẽ có nhiều người đi . Bích Câu sẽ thướt tha trong chiếc áo dài trắng , khuôn mặt nàng sẽ nghiêm trang như thường lệ ,có thể nàng làm lơ khi thấy tôi hay chỉ nhếch mép cười mỉm rất nhanh . Dầu sao tôi cũng mong con đường của nàng đi sẽ đen nhánh , lóng lánh như hột nhãn . Sau những ngày nước mưa quét sạch bụi bặm . Nếu thỉnh thoảng trên đường có một vài màu xanh lấm tấm , đó là màu xanh của những trái sầu đông đã rơi vội vàng trong mùa mưa bão ….”

    * Nhà Văn Võ Phiến , trong cuốn ” Văn Học Miền Nam Tổng Quan ” , đã viết : ” Mặc dầu Hoàng Ngọc Tuấn không gieo vần , nhưng hầu hết các tác phẩm của ông đều có ít hoặc nhiều tính chất thơ … ”

    Hà Linh mến !
    Đọc các entry trong blog của em – chị xin lổi , vì chị ít comment – chị cảm nhận em là người yêu Văn Học , yêu cái Đẹp nói chung , em thể hiện sự trong sáng và nhân hậu qua từng entry – cảm nhận của cá nhân chị – Vì vậy , chị gợi ý em nên tìm đọc các tác phẩm của Hoàng Ngọc Tuấn , có thể đồng ý chứ Hà Linh ?

    • ha linh
      10/07/2011 lúc 07:47

      Em chào chị Nha Trang,

      Chị biết không? em “kết” ngay với hành văn của nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn khi nàng Phay bé bỏng của chị em mình giới thiệu tác phẩm này bởi em thấy ngôn từ ông dùng đẹp lắm.Em nghĩ ông yêu thương và nâng niu từng con chữ. Em sẽ đọc các tác phẩm của ông chị à. Chị đã có ý kiến rất chân tình cho em.
      Em nghĩ nền văn học trước 1975 cho dù bị cưỡng bức thô bạo như vậy thì sức sống vẫn âm thầm, mãnh liệt. Bởi vì các tác phẩm vẫn được những người yêu thích truyền tay nhau đọc, giữ gìn như báu vật và lưu giữ trong kí ức mình mà em có thể cảm nhận qua chị và nàng Phay cũng như em biết qua những người đã sinh ra và lớn lên ở Miền Nam trước 1975.
      “…Sáng nay tôi lại nhìn thấy Hoàng Ngọc Tuấn đi ngược chiều trên đường phố Sài Gòn. Ði ngược chiều gió, Hoàng Ngọc Tuấn cúi mái đầu muối tiêu, gò cái lưng gầy guộc trên chiếc xe đạp cũ kỹ..”- “Sau 30-4-1975, Hoàng Ngọc Tuấn tuyệt đối không viết truyện ngắn nữa.”- Em nghĩ, ông hẳn đã buồn bã và cô đơn bao nhiêu khi không được phiêu du với cây bút như trước..hiện thực sau 1975 hẵn đã vò xé trái tim nhạy cảm và óc quan sát tinh tế của ông…

  7. 10/07/2011 lúc 21:59

    Một sự thật cho dù gì cũng phải nói ra nè Phay Van@.
    Thực sự về văn chương , hiểu theo nghĩa nào đó thì nó là xứ Bắc Kì em à. Từ hết Quảng nam trở vào, văn chương nó cũng mới như chính vùng đất này vậy.
    Nói ra điều này , phải thực sự khách quan mới hiểu đúng nghĩa , vậy nên có thể có ý kiến trái chiều nhưng câu ” sĩ phu bắc hà ” thì cả dân tộc Việt nam phải công nhận.
    Năm….. khi cầm quân ra Bắc , Nguyễn Huệ cũng phải ” tam cố thảo lư ” để mời La Sơ Phu Tử ,…..


    • 11/07/2011 lúc 05:52

      Anh Trà@ nếu nói về văn học cận đại ( không biết em dùng từ chính xác không, lâu ngày không còn nghiên cứu văn học sử) thì văn học của miền Nam trước 1975 nhân văn hơn chứ, viết về con người bình thường với những gì xảy ra trong đời sống cảm xúc , tâm hồn của họ..chứ không phải là sự gò ép, áp đặt …

    • 11/07/2011 lúc 09:24

      nàng Phay cảm văn tuyệt thế!

  8. Nguyễn thị Nha Trang
    11/07/2011 lúc 00:07

    Hà Linh mến ,

    ” ..Ông hẳn đã buồn bã và cô đơn bao nhiêu khi không được phiêu du với cây bút như trước….hiện thực sau 1975 hẳn đã vò xé trái tim nhạy cảm và óc quan sát tinh tế của ông…”

    Cảm nhận và nhận xét của em rất đúng ! Làm sao mà có thể sáng tác được những tác phẩm văn chương đích thực, khả dĩ đi vào lòng độc giả thật sự, trong 1 bối cảnh lịch sử mà nhà nước luôn phân biệt thành phần lý lịch , cũng như chủ trương sáng tác văn hóa văn nghệ theo đường lối của đcs , mà hiến pháp 1980 đã quy định :

    * điều 44 : Văn học nghệ thuật VN được xây dựng trên lập trường , quan điểm của chủ nghĩa Mác-lê nin và theo đường lối văn nghệ của đảng cộng sản việt nam .

    Học thuật nói chung , văn chương nói riêng ….mà bị gò bó , không được tự do sáng tạo , thì làm gì mà có những tác phẩm đích thực , phải không em !

    Chị tin chắc , nếu có thời gian , bất cứ ai khi đọc tác phẩm ” Tôi và Em ” này , thì đều cũng sẽ có cái cảm nhận và nhận xét : ” đây là loại văn chương đích thực cho tuổi trẻ và tình yêu ”

    Không dễ gì mà biết bao thế hệ trong giới trí thức , học sinh , sinh viên miền Nam trước 1975 , luôn coi Hoàng Ngọc Tuấn ” mãi mãi là nhà văn của tuổi trẻ và tình yêu ” đâu nhé !

    * Chính Các Tác Phẩm của Hoàng Ngọc Tuấn đã chiếm được ” ngôi vương ” ấy đấy , Hà Linh em !

  9. 11/07/2011 lúc 06:09

    Chào chị Nha Trang,

    Em đọc tác phẩm của ông thì em nghĩ có những chiêm nghiệm không những chỉ dành cho tình yêu, cho tuổi trẻ mà có thể cho với mọi cuộc đời chị à. Ví dụ:” Chúng ta sinh ra ở trên đời, trước hết là để sống, và trở thành chính mình”-câu này rất hay, thốt ra giản dị nhưng trong đời con người ai chẳng muốn đến được sống thực sự theo đúng nghĩa của từ sống, suốt cuộc đời ai mà chẳng luôn vươn đến mơ ước được là chính mình. Và em nghĩ hạnh phúc nhất là khi được là chính mình với mọi nỗi buồn vui.
    Chị đọc tiếp giùm em đoạn cuối ở trang 41″ nếu trên đời…loài người”- em nghĩ không riêng tình yêu mà tình yêu thương nói chung chính là vậy. Có thể bởi vậy mà người trẻ đọc tác phẩm của ông thì xao xuyến, người lớn hơn đọc tác phẩm của ông thì thấy được sự đồng cảm sâu lắng…và cũng tìm thấy lại tuổi trẻ của mình trong đó.
    Những từ ngữ mô tả vẻ đẹp của tình yêu, những hành động tình yêu..thật là đẹp và thánh thiện nhưng không xa vời và sáo rỗng phải không chị?
    Đọc Tôi và em thì em nhớ 2 phim Before Sunrise và Before Sunset ( lúc nào chị vào Google tìm tựa 2 phim này giùm em nhé), có một vài tương tự 2 người trẻ gặp gỡ nhau, cùng dắt nhau đi khắp thành phố … chhung chia những khám phá mới lạ về đời sống, con người, cảm xúc…

  10. 11/07/2011 lúc 18:19

    Chị Phay Van có quyển “Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta” không chị?:)
    À, nhân nói đến MƠ NỮ, hôm qua em vừa mới đọc xong…lần 2 quyển KÍ SỰ NGƯỜI ĐÀN BÀ BỊ CHỒNG BỎ – NGUYỄN THỊ MINH NGỌC, vẫn còn nguyên cảm giác rùng mình vì xúc động….hay lắm chị!

  11. Nguyễn thị Nha Trang
    11/07/2011 lúc 23:10

    @ Phay Van : ” ( Em nghe người ta bảo EM ở đây là nhà văn nữ NTMN ) ”

    Phay Van ” nghe người ta bảo….” như thế nào ? Em có thể chia sẻ thông tin em nghe này cho mọi người cùng biết được chứ ?

    Với Chị , thì có sự liên tưởng đến chi tiết này đây Phay Van , đó là :Trong truyện dài Tôi và Em , Hoàng Ngọc Tuấn có đoạn :

    ” ….Gia đình em trước kia ở 1 tỉnh cao nguyên , bây giờ đã dọn về 1 thành phố miền biển . Quê ngoại của em là phố Huế ven sông Hương……….Theo cha mẹ thay đổi chổ ở luôn , Mơ Nữ đã từng là 1 cô bé rừng xanh trên miền sơn cước…..”

    Liên hệ đoạn văn này , với tiểu sử của nhà văn Nguyễn thị Minh Ngọc , ta thấy có sự trùng khớp : nhà văn Minh Ngọc sinh ở Bà Rịa – Vũng Tàu , chị theo gia đình thay đổi chổ ở nhiều nơi : Bà rịa , Long Xuyên , Phan Thiết , Pleiku , Huế…. ”

    Liên tưởng này có đúng được phần nào không đây , Phay Van ?

  12. Nguyễn thị Nha Trang
    11/07/2011 lúc 23:21

    Hà Linh mến ,

    Cảm thụ tác phẩm của em thật là sắc , thật là trong , thật là sâu , và cũng thật là nhuyễn !
    Điều này cho thấy em có nội lực tư duy độc lập rõ ràng , hầu như thoát khỏi hẳn lối cảm thụ ” văn học mẫu ” 1 chiều , mà nhà trường xhcn đã truyền thụ ra rả cho thế hệ của em , cũng như các thế hệ trước và sau em ….!

    Vậy là nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn nơi suối vàng ắt hẳn là vui lắm ! vì lâu lắm rồi ông mới có thêm 1 độc giả ” tuyệt cú mèo ! ” như vậy .

    Công này cũng phải trao cho người âm thầm ” gìn vàng giữ ngọc ” là ” nàng Phay bé bỏng ” của chúng ta , đồng thuận chứ Hà Linh ?

    • 12/07/2011 lúc 06:08

      Chị Nha Trang kính mến,

      Cảm ơn chị chia sẻ cùng em, đọc comment của chị em vui.
      Ông Hoàng Ngọc Tuấn cũng hóm hỉnh lắm, ông viết” hình ảnh em mấy lâu nay nằm ngủ trong mắt tôi”- em đọc câu này và mủm mỉm cười..
      và em thích cách mà ông yêu-yêu nhưng không bi lụy ” Em là em, tôi là tôi, vẫn có đôi điều khác biệt giữa chúng ta. Xa tôi em vẫn cứ sống, xa em tôi vẫn rán sống”- Thêm từ” rán( ráng)” vào phía “tôi” để ngầm nói rằng tôi yêu em hơn, tôi phải sống vất vả hơn là em…vì em thí vẫn ” cứ” sống như thể tự bao giờ em vẫn sống..còn tôi, tôi yêu em hơn..tôi phải vật vã mà sống..nhưng tôi vẫn là tôi….Thật đáng yêu!

      Ngày vui nhé chị Nha Trang,

  13. 12/07/2011 lúc 09:28

    @chị Nha Trang & chị Phay Van: đúng là nhà văn NTMN đó chị, em cũng qua lời “người ta nói” mà điển hình là những comment trong entry của em…và em cũng vừa liên lạc được với cô MN…tuy cô không nói thẳng là cô chính là MƠ NỮ, nhưng mà sau đó, cô lại để link truyện của em lên trang facebook với lời đề tựa: Tháng 7 giỗ anh Tuấn….Chắc như thế cũng đủ cho 1 câu trả lời rối đúng không các chị, còn nếu…đó chưa phải là câu trả lời cũng không sau…bởi TÔI & EM đã không còn cho riêng 1 tôi nào, em nào….mà đã trở thành 1 thiên truyện đẹp tuyệt vời, cho tất cả chúng ta.
    (trong nhiều bài PV về,,,,”đời tư”, nhà văn HNT cũng hay nhắc đến cô MINH NGỌC, vd trong phụ lục cuốn HỌC TRÒ, có đăng 1 bài PV, có hỏi tác giả: những ai muốn viết văn, có nhất thiết phải học ban C để viết hay hơn k? Nhà văn trả lời: không, như cô MINH NGỌC, học ban B nhưng viết rất hay…

    🙂

    • 12/07/2011 lúc 10:09

      Em xin lỗi nếu cái còm này không được tinh tế lắm, nhưng em nghĩ hãy cứ để Mơ Nữ là Mơ Nữ…một nhân vật văn học đẹp đẽ …

  14. Nguyễn thị Nha Trang
    12/07/2011 lúc 12:13

    @ Phay Van : Ngược lên trên đọc lại comment của em hồi đáp cho bạn trà hâm lại , cá nhân Chị thấy có chi tiết này chị hơi lợn cợn , thấy rất dễ bị các thế hệ trẻ , hoặc các thế hệ con cháu sau này có thể mơ hồ , lẫn lộn ! ( Tất nhiên Chị và mọi người Hiện Tại , rất hiểu ý em diễn đạt trong comment ) đó là :

    * Các nhà văn người miền Bắc .
    * Các nhà văn miền Nam .

    Theo Chị cần phải diễn đạt chính xác Gốc con người nhà văn , cũng như Vị Trí Địa Lý các nhà văn cư trú sáng tác , vì điều này Rất Quan Trọng trong việc đánh giá : Tư Duy sáng tác, Quan Niệm sáng tác , và Mục Đích nghệ thuật sáng tác vị cái gì …..! Do đó cần thiết phải diễn đạt rõ :

    * Các nhà văn người miền Bắc sống ở miền Bắc .
    * Các nhà văn người miền Nam sống ở miền Bắc .

    * Các nhà văn người miền Bắc sống ở miền Nam
    * Các nhà văn người miền Nam sống ở miền Nam

    Và nên nhớ là còn có 1 dạng ” Văn học giải phóng miền nam ” của cái gọi là ” cộng hòa miền nam việt nam ” , 1 dạng con đẻ dấu mặt của cs miền Bắc nữa đấy nhé ! vì vậy có thêm :

    * Các nhà văn người miền Bắc , sống lẫn lộn nay miền Bắc- nhận chỉ thị – , mai miền Nam – sáng tác theo chỉ thị –
    * Các nhà văn người miền Nam , sống lẫn lộn nay miền Nam – sáng tác theo chỉ thị – , mai miền Bắc – nhận chỉ thị –
    Với các khuôn mặt :

    * Trần Bạch Đằng ( Hưởng Triều , Hiểu Trường )
    * Anh Đức ( Bùi đức Ái )
    * Huỳnh minh Siêng ( Lưu hữu Phước )
    * Trần hiếu Minh ( Nguyễn văn Bổng )
    * Nguyễn trung Thành ( Nguyên Ngọc )
    * Lê Khâm ( Phan Tứ )
    * Nguyễn đức Thuận
    * Thanh Hải
    * Nguyễn Thi
    * Giang Nam
    * Lê anh Xuân
    …………………….

    Phay Van mến , Chị có quá chi li không !? Bởi lẽ chị nghĩ , ngay cả thế hệ chúng ta hiện tại vẫn có nhiều người , chắc gì phân biệt rõ ràng , và giải thích cặn kẻ lịch sử các danh từ địa lý sau – huống hồ là các bạn trẻ và con cháu sau này – :

    * Nam Kỳ , Trung Kỳ , Bắc Kỳ .
    * Nam Phần , Trung Phần , Bắc Phần .
    * Nam Việt , Trung Việt , Bắc Việt .
    * Nam Bộ , Trung Bộ , Bắc Bộ .
    * miền Nam , miền Trung , miền Bắc .
    * Miền Nam , Miền Bắc .

    Nhân tiện bạn trà hâm lại có đề cập đến cụm mỹ từ ” Sỹ phu Bắc hà ” , Chị lại liên tưởng đến 1 cụm mỹ từ khác : ” người Hà Nội thanh lịch ” .
    Theo chị cả 2 cụm mỹ từ này , đã thuộc về thời quá vãng rồi !
    Kể từ 1954 , dưới sự lãnh đạo của csvn , thì 2 cụm mỹ từ này chỉ còn là 1 sự mỉa mai chua xót mà thôi !

    Em nghĩ sao Phay Van ? ( trưa nay không ngủ được , gỏ phím trò chuyện cùng em đấy ! )

  15. Nguyễn thị Nha Trang
    12/07/2011 lúc 22:02

    @ huyvespa ; Chào em ,
    Cảm ơn sự chia sẻ thông tin của em về mối liên hệ của 2 nhà văn HNT & NTMN .
    Thật thú vị khi biết chính xác thông tin chuyện này từ 1 bạn trẻ như huyvespa !
    Khỏe và vui nha em .
    Mến ,

  16. Nguyễn thị Nha Trang
    12/07/2011 lúc 22:04

    Phay Van mến ,

    Chị quý em ở tính cách ” hòa nhập nhưng không hòa tan ” , do đó trò chuyện vài nét cơ bản – và theo chị là quan trọng – , ngõ hầu rạch ròi gốc gác và vị trí địa lý sáng tác của nhà văn , Chị nghĩ chắc là sẽ không thừa với 1 số bạn trẻ nào đó !
    Chị gõ comment trên trò chuyện với em , là từ 1 ý trong comment của huyvespa đó Phay Van :
    * Comment của huyvespa có đề cập 1 chi tiết là chị NTMN học ban B , và chắc có lẽ các bạn trẻ bây giờ , có bạn sẽ nghĩ đó là ban học : Toán , Hóa , Sinh ?

    Phay Van hiểu ý chị chứ !

  17. Nguyễn thị Nha Trang
    12/07/2011 lúc 22:08

    Hà Linh mến ,

    Em cừ lắm ! hòa nhập thật nhuyễn nhưng vẫn giữ phong cách nhẹ nhàng , trong sáng và đôn hậu riêng trong em . Đọc ” Chiếc lá trở về ” chị cảm nhận được phong vị và hơi hướm của giọng văn trước 1975 ở Miền Nam về thể loại này , phong vị ấy đang lan tỏa nhè nhẹ trong căn phòng của chị rồi đấy …

    Hà Linh , Congratulations !

    • 13/07/2011 lúc 05:57

      Chị Nha Trang kính mến,

      Em rất vui được sự khích lệ của chị, chị à!
      Em còn phải cố gắng nhiều lắm, bản tính em thích quan sát và mọi sự kiện đi vào trí óc em đều để lại những “dấu vết”nào đó,và em muốn viết ra để giải tỏa và sẻ chia chị ơi.

      Ngày an bình nhé chị!

      Em HL

  18. 12/07/2011 lúc 23:56

    Phỏng Vấn Của Tuần Báo Tuổi Ngọc (1972)

    Hoàng Ngọc Tuấn và Một Buổi Chiều

    TN: Một câu hỏi thật thừa nhưng cần thiết cho các bạn trẻ của Tuổi Ngọc: Anh Hoàng Ngọc Tuấn, tại sao anh chọn nghề văn ?

    HNT: Văn Chương không phải là một nghề nghiệp hiểu theo nghĩa thông thường . “Văn” chọn tôi chứ tôi không chọn “Nó” được, khi ta làm một nghề gì đó, nghề nghiệp ấy đòi hỏi một thời khóa biểu, một giờ giấc, một số lương bổng nhất định, một số giờ nghỉ ngơi cuối tuần như thứ bảy, chủ nhật chẳng hạn . Tôi viết văn thì không như thế . Ngày nào cũng rong chơi như một ngày chủ nhật, và ngày nào cũng bận rộn làm việc như một ngày thứ hai . Đêm là ngày, ngày cũng là đêm . Đời của một kẻ sáng tác không có mùa hè hoàn toàn rảnh rang, mà là suốt năm tràn đầy mùa Xuân thôi thúc hứng khởi .

    Nhưng nếu nói một cách đơn giản hơn, thì tôi theo đuổi chuyện văn chương vì đó là một sinh hoạt có ý nghĩa nhất trong đời sống, theo ý kiến riêng của tôi. Sau nữa, tôi không biết làm việc khác được ngoài sự viết .

    TN: Khi đặt bút viết dòng văn chư ơng thứ nhất, anh có nghĩ mình sẽ trở thành nhà văn không ?

    HNT: Tôi nghĩ là đang hình thành, và thời gian cùng độc giả sẽ xác định tôi có thành hình được hay không .

    TN: Truyện đầu tay của anh viết vào năm nào ?

    HNT: Khoảng 67 hay 68 gì đó . Sau hai năm học ở Đại-học và bắt đầu thấy rằng những chữ mình viết ra coi có vẻ thích thú hơn là những chữ trong cours .

    TN: Anh đã viết truyện ngắn đầu tay “Buổi Chiều Hạ Lan” như thế nào ? Xin anh nói rõ tâm trạng của anh lúc ngồi trên bàn viết, băn khoăn về kỹ thuật, nghệ thuật .

    HNT: Lúc đó tôi chẳng có công việc làm gì cả . Buổi sáng, đang đói và thèm cà phê mà không có tiền đi đâu được . Tôi ngồi lại một mình trong căn phòng của hội đoàn CPS (khu Khám Lớn cũ) … Hiện tại thì trống rỗng, nhạt nhẽo, kỷ niệm thì ngọt ngào, hào hứng … thế là tôi bắt đầu viết .

    TN: Anh viết bao lâu thì xong “Buổi Chiều Hạ Lan” .

    HNT: Trong một buổi sáng .

    TN: Trước đó anh nghĩ bao lâu về “nó” ?

    HNT: Đêm hôm trước . Đêm tối, ánh sáng, cô đơn, và viết, thế là có “Buổi Chiều Hạ Lan” .

    TN: Như thế là anh viết từ ngót năm năm nay, có thể, đã hết bị gọi là “người viết mới” nhưng anh có khó chịu khi bị các ngự sử văn chương ở đây coi anh như một cây viết mới ?

    HNT: Chưa thấy ai gọi tôi như thế . Tôi không có mặt trong hai số báo đặc biệt của tạp chí Văn về những cây bút trẻ . Những danh xưng đặt trước tên của tác giả như “cây bút mới”, “cây bút trẻ”, nhà văn thời danh” …v..v .. không có ý nghĩa nào đối với một nhà văn đích thực và những độc giả trưởng thành . Điều đáng kể là những cái đi sau tên tác giả, nghĩa là tác phẩm .

    Mới, đổi mới luôn luôn là ước vọng của tôi . Cho đến nay, tôi luôn luôn phải xài bút mới vì trung bình mỗi tuần tôi đánh mất tối thiểu hai cây bút nguyên tử .

    TN: Một truyện ngắn, theo anh, nên xây dựng ra sao ? Anh cũng cho biết những yếu tố cần thiết phải có cho một truyện ngắn .

    HNT: Trong một cuộc phỏng vấn mới đây của Tuổi Ngọc, tôi thấy nhà văn Vũ Hạnh đã có những ý kiến khá đầy đủ về vấn đề này . Tuổi Ngọc cũng đã làm một loạt bài phỏng vấn nhiều tác giả về đề tài này rồi . Tôi không có ý kiến nào độc đáo thêm nữa .

    Đối với riêng tôi, thì một truyện ngắn của tôi nên xây dựng theo một kiến trúc của tôi . Những yếu tố của tôi sẽ không cần thiết cho ai cả .

    TN: Bây giờ anh viết còn khó khăn, còn dập đi xóa lại như “thuở ban đầu” ?

    HNT: Luôn luôn khó khăn, luôn luôn dập đi xóa lại . Giờ hấp hối của tôi rồi cũng đẹp như “thuở ban đầu” .

    TN: Anh có “học hỏi” thêm được điều gì mới lạ ở những người phê bình tác phẩm mới của anh ?

    HNT: Họ thường kết luận là chờ đợi và tin tưởng ở những tác phẩm mới hơn của tôi . Tôi mong họ giữ mãi niềm tin đó, vì đó cũng là niềm tin mạnh mẽ của tôi . Bây giờ chỉ còn việc biến niềm tin thành hành động .

    TN: Và những bức thư của độc giả – nhất là độc giả phái nữ – gửi về khích lệ và ngưỡng mộ anh ?

    HNT: Tôi “học hỏi” ở những lá thư này nhiều hơn bất cứ một cuốn sách khảo luận văn học nào . Điều khích lệ nhất là họ cho tôi thấy cái khối độc giả “vô danh và thầm lặng” trở thành những con người sống động . Lời nói bao giờ cũng thú vị hơn im lặng . Tôi không muốn được ngưỡng mộ, tôi muốn được chia xẻ và thương mến .

    TN: Tại sao anh bỏ dở dang truyện dài “Tuổi Trẻ Hư Không” đăng trên tạp chí Bách Khoa ?

    HNT: Hồi đó tôi kẹt nhiều chuyện và mệt quá . Và đề tài cuốn tiểu thuyết đó có nhiều đòi hỏi quá khó khăn . Nhưng đến bây giờ thì tôi cũng đã hoàn tất truyện dài đó, với nhan đề mới là “Tuổi Trẻ Tuổi Trẻ”, sẽ xuất bản vào cuối năm 1972 .

    TN: Anh thấy viết truyện ngắn thú vị hay truyện dài thú vị ?

    HNT: Viết truyện ngắn thú hơn vì được sống liền với cảm hứng và tình cảm còn mới, còn nóng “sốt” của mình . Truyện dài đòi hỏi những kỹ thuật, sự làm việc của lý trí … và nhất là sự “trung thành” gắn bó lâu dài với tác phẩm . Như thế, không còn là nỗi thú vị ngắn ngủi mà là một cuộc chinh phục đầy say sưa và đầy cả gian lao .

    TN: So sánh “Hình Như Là Tình Yêu” với “Chuyện Hai Người” là tác phẩm mới nhất của anh, anh có thấy mới ra không ?

    HNT: Có lẽ bớt ngây thơ và hồn nhiên hơn . Điều đó hơi buồn nhưng làm sao tránh được mọi người đều phải lớn . Nhưng tôi cũng mong rằng nếu càng ngày tâm hồn tôi càng “già” hơn đôi chút thì chữ nghĩa cũng phải già thêm mới được .

    TN: Anh đã đọc và mê những tác phẩm nào trước khi viết văn ?

    HNT: Tôi đọc qua bản dịch, hầu hết những tác phẩm của các tác giả danh tiếng quốc tế . Ở Việt Nam, tôi mê đọc thơ hơn là văn xuôi . Tôi thích Saroyan, mến Salinger, phục Dostoievsky nhưng chẳng mê ai cả . Không những trước khi viết không thôi, mà bây giờ và về sau tôi vẫn đọc mãi mãi .

    TN: Anh có bị ảnh hưởng ở họ ít nhiều không ?

    HNT: Tôi không biết . Người đọc sẽ dễ thấy hơn tôi . Nhưng tôi sẽ rất sung sướng nếu được ảnh hưởng ít nhiều tinh hoa nhân loại . Sáng tác thì dĩ nhiên trong cô độc, nhưng con người sáng tác nào cũng phải sống với cuộc đời, nhận lấy những dấu vết của cuộc đời và thụ hưởng gia tài nghệ thuật chung của con người .

    TN: Anh có viết văn ở quán cà phê không ?

    HNT: Không, ở quán cà phê, tôi tán gẫu với bạn bè, nhìn ngắm đường phố . Và uống cà phê .

    TN: Anh đã bằng lòng lắm về những tác phẩm đã xuất bản của anh chưa ?

    HNT: Chưa tác phẩm nào tôi “bằng lòng lắm” cả . Tôi chẳng bao giờ hài lòng về tôi, có lẽ ngay cho đến tác phẩm cuối cùng .

    TN: Câu hỏi chót của tôi: Có phải chỉ theo học ban C hay học Văn Khoa mới viết văn được ?

    HNT: Ai nói thế ? Cô Ngọc Minh viết trên Tuổi Ngọc học ban B đó .

    • 13/07/2011 lúc 05:54

      Tuyệt vời lắm, bài trả lời phỏng vấn này. Ý HL muốn nói là nhà văn trả lời tự nhiên như cách ông sống và viết.Thật khó tìm thấy những câu trả lời phỏng vấn thú vị thế này ở các nhà văn sau này.
      “Nhưng tôi sẽ rất sung sướng nếu được ảnh hưởng ít nhiều tinh hoa nhân loại . Sáng tác thì dĩ nhiên trong cô độc, nhưng con người sáng tác nào cũng phải sống với cuộc đời, nhận lấy những dấu vết của cuộc đời và thụ hưởng gia tài nghệ thuật chung của con người .”
      “Tôi “học hỏi” ở những lá thư này nhiều hơn bất cứ một cuốn sách khảo luận văn học nào . Điều khích lệ nhất là họ cho tôi thấy cái khối độc giả “vô danh và thầm lặng” trở thành những con người sống động . Lời nói bao giờ cũng thú vị hơn im lặng . Tôi không muốn được ngưỡng mộ, tôi muốn được chia xẻ và thương mến .”

      Thật QUÁ tiếc là ông đã bị tước mất niềm vui sống bằng sáng tác với đam mê và nhiệt huyết sau 1975.

  19. 13/07/2011 lúc 11:39

    Mời mọi người đọc thêm 1 đoạn viết về cô MINH NGỌC:

    “…Có những nhà văn suốt đời viết đi viết lại một cuốn sách, cuốn sách về chính họ, dù những cuốn sách họ viết về những chuyện gì, về những cuộc đời ai chăng nữa, cũng là thông qua chuyện của chính họ, thông qua cuộc đời của chính họ, hoặc những chuyện ấy, những cuộc đời ấy phản chiếu, soi rọi cho chuyện của họ, cuộc đời của họ. Nguyễn Thị Minh Ngọc nhà văn, lại thêm Nguyễn Thị Minh Ngọc của sân khấu kịch nghệ, càng tô đậm tính chất này, tính chất của một nhà văn, Nguyễn Thị Minh Ngọc.

    Buổi sáng muộn, một cuộc hẹn của bạn văn cố tri lâu ngày không gặp, đặc biệt Minh Ngọc lại sắp đi Mỹ dựng kịch. Khi bài viết này có trên trang báo, Minh Ngọc cũng đã có mặt tại một địa điểm nào đó ở Mỹ.

    Chúng tôi ngồi bên trong cửa kính có tạo dòng mưa tuôn phía ngoài, nhìn nắng gay gắt, nắng bốc hơi trên mặt nhựa đường, nhà hàng Lotus ở góc hai con phố: Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Trãi. Minh Ngọc trước mặt tôi, sao tôi không thấy khác đi chút nào Minh Ngọc mà chúng tôi -Hoàng Ngọc Tuấn và tôi- vẫn gặp ở tòa soạn tạp chí Văn, số 38 Phạm Ngũ Lão, cách đây gần 40 năm. Nghĩa là tôi vẫn gặp cô bé có đôi mắt to, tôi gọi là đôi mắt bò mộng, và tất nhiên theo tôi là đôi mắt đẹp. Miệng cười mà như sắp khóc. Và phục sức lúc nào cũng là thứ quần áo không vừa, hơi lùng thùng dài ngắn so le có duyên và ngộ nghĩnh như ‘chú vịt Donald’. Mấy năm trước, hồi Minh Phượng, em của Minh Ngọc đi định cư ở Canada, vẫn phục sức như vậy, Minh Ngọc bảo quần áo như vậy vì là quần áo của Minh Phương bỏ lại.

    Minh Ngọc được biết đến như một NHÀ VĂN rất sớm.

    “Ba của Minh Ngọc người Huế, có cuộc sống của một công chức di chuyển làm việc ở nhiều nơi. Mẹ là người xứ Quảng. Minh Ngọc được sinh ra tại Bà Rịa. Rồi lớn lên, gia đình vẫn theo công việc của viên công chức đi nhiều nơi, Minh Ngọc học bậc trung học ở Phan Thiết, học bậc đại học ở Huế. Từ lúc gia đình ở Phan Thiết, Minh Ngọc viết văn, những bài viết của thuở ban đầu, Minh Ngọc gửi báo Tuổi Ngọc. Thời gian đó là năm 1968, Minh Ngọc mới mười lăm tuổi”.

    Tôi nhớ cô bé ‘nữ sĩ’ đó, những lần tới báo Tuổi Ngọc nhận nhuận bút, gọi chúng tôi: Từ Kế Tường – Nguyễn Tôn Nhan – Hoàng Ngọc Tuấn và tôi là ‘chú’. Tôi nhớ lúc đó cô bé ‘nữ sĩ’ rất thích đọc thơ, không chừng cô bé có làm thơ, và thơ chú Phạm Thiên Thư đã ‘lọt vào cửa sổ tâm hồn’ của cô. Ấy tuy nhiên, lúc nhìn thấy ‘chân dung thi sĩ’ họ Phạm, chúng tôi đoán chừng cô ngạc nhiên sao khuôn mặt người chẳng giống khuôn mặt thơ. Và tác giả Hình Như Là Tình Yêu gặp Minh Ngọc, sản sinh mối tình Thư Về Đường Sơn Cúc (tác phẩm của Hoàng Ngọc Tuấn).

    “Sơn cúc chính là dã quỳ của anh đấy. Hồi đó Minh Ngọc ở Pleiku, thường đi chơi ở con đường có hoa sơn cúc nở đầy, rất đẹp. Minh Ngọc viết trong thư gửi anh Hoàng Ngọc Tuấn về con đường ấy… Hồi gặp anh Tuấn, Minh Ngọc thấy ở anh Tuấn một vẻ bí ẩn thật quyến rũ. Hóa ra chỉ vì anh Tuấn trốn lính. Trốn lính thì phản ứng tự vệ là phải giấu những gì về mình, sợ lộ ra là bị bắt đi lính…”.

    Minh Ngọc viết. Từ Tuổi Ngọc báo của tuổi mới lớn, tới các báo văn nghệ Sài Gòn. Tôi đọc Trăng Huyết và phục tài viết truyện ngắn của cô, từ đây nhìn nhận nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc. Họa sĩ Nguyễn Trung nhận định về nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, NHỮNG TRUYỆN NGẮN của cô: Đó là những thiếu nữ vừa biết yêu, được yêu lòng tràn hạnh phúc và rồi bỗng nhiên cái hạnh phúc ấy không còn nữa… cái lòng cầu thị của những tâm hồn muốn vươn tới cái đẹp – cái đẹp của riêng mình, cái đẹp không-giống-ai. Đó cũng là những thiếu nữ chưa bao giờ có thể nhí nhảnh được. Họ đã bị cái hoàn cảnh cùng quẫn úp chụp lên đầu ngay từ đầu đời, cái gánh đời nặng trĩu hai vai mà họ sớm chia xẻ với gia đình, tâm hồn tràn ngập nỗi cay đắng, cái chén đắng mà họ đã phải uống từ khi mới lọt lòng mẹ. Đó cũng là những bài thơ xuôi đọc lên từ những tâm hồn phiêu bạt, cô đơn, lầm lũi đi trong con đường độc đạo của nội tâm. Đó cũng là những con người mộng du, đi nghiêng ngả giữa mộng và thực, giữa tỉnh và mê, giữa rừng núi và phố thị…”

  1. No trackbacks yet.

Bình luận về bài viết này