Lưu trữ
Đi Tìm Người Thương Binh
Gần cuối năm, trời đêm mát dịu. Sân Nhà Thờ đã vắng. Những ngọn đèn giăng mắc trên hang đá, trên các cành cây, trông như những vì sao nhấp nháy. Ngôi nhà thờ quen thuộc với Ny từ mấy mươi năm nay, không chỉ là những buổi lễ vang tiếng kinh cầu, mà còn là những phút im lặng đứng trước hang đá ngoài sân. Còn nữa, là những buổi tặng quà. Những người được mời lãnh quà đến từ khắp hướng. Họ là những thương phế binh.

Ny còn muốn nán lại khi đã phụ dọn dẹp xong sau buổi lễ tặng quà. Ny đứng đây, muốn nhớ lại những cảm nhận của mình khi phát quà cho các chú các bác, khi đối diện với họ. Ny không ngăn được sự xúc động trước những người thiếu mất một phần thân thể. Trong niềm xót xa ấy, Ny nghe một nỗi khao khát muốn biết về thời trẻ trung của họ, khi họ là những con người toàn vẹn, lăn xả trên mặt trận, cống hiến tuổi xuân cho đất nước. Và trong lúc họ ngã xuống, gửi vào đất một phần thân thể, họ ra sao? Những ngày tháng đó họ sống thế nào? Lứa tuổi của Ny so với họ là quá nhỏ. Ny biết gì về chiến tranh, biết gì về những người lính? Có một chút! Ny biết một vài cựu quân nhân sống trong xóm đạo nơi Ny sinh ra và lớn lên. Nhưng đó chỉ là một phần của không gian và thời gian. Khi họ rời khỏi chiến trường thì Ny chỉ mới bước vào năm đầu tiểu học.
Từ Đồi Cao
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Hà trở về cao nguyên. Trở về! Nghe xúc động. Thật ra thì chuyến “trở về” này không đơn giản chút nào. Nói đó là một chuyến “ra đi” cũng đúng, bởi Hà rời nhà mà đi. Xa Sài Gòn thì khó trở lại, vì nói nôm na là phải “cắt hộ khẩu” để đi nhận việc. Ai cũng phải vậy. Nghe kỳ kỳ!
Hãy ngắm những con đường! Mới có ba năm, mà đường sá nay lởm chởm mấp mô, chứng tỏ không hề có sự tu sửa. Xe thường xuyên xóc mạnh. Hành khách trên xe, đa số là phụ nữ, hầu như đã quen với tình trạng này. Có người ngủ gà ngủ gật, có người nhìn ra cửa sổ. Người họ nẩy lên sau mỗi lần xóc. Hà thì không dám ngủ. Ai đó có lần nói đi xe đò không nên ngủ, lỡ “có gì” mình còn biết bám lấy cái thành ghế cũng yên tâm. Mải nghĩ đến sự an toàn, Hà quên mất những giọt nước mắt đã khô, rơi lúc xe lăn bánh, thấy thương nhà, thương mình mà khóc.
Này đây những ngôi chùa, những ngôi nhà thờ cũ kỹ rêu phong, thuở bé mình đã từng ngồi xe đếm mê mải trên chặng đường dài. Này đây những ngôi trường tiêu điều như đã cũ trăm năm. Nhưng có những cái mới, đó là các trạm thuế vụ. Xe nào đi ngang cũng đều phải dừng lại để kiểm soát. Mấy người phụ nữ trên xe hớt hải bước xuống năn nỉ nhân viên trong trạm, xin cho qua trót lọt mấy giỏ gạo, trà hay cà phê, miếng sống của gia đình họ.
Rồi có một lúc Hà ngủ thiếp đi, không biết bao lâu, nhưng khi mở mắt ra đã thấy ánh nắng loang loáng chiếu xiên trên cây lá hai bên đường. Trời đã chiều. Và kìa, Đà Lạt của mình hiện ra, quen thuộc, cảm động quá!
Nhớ Người Thơ-Nhà Binh Đỗ Tư Long-Trần Miên Trường
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Anh dùng hai bút hiệu: Đỗ Tư Long, tên thật, và Trần Miên Trường. Sau này tôi tự hỏi, sao anh lại lấy bút hiệu Trần Miên Trường, để rồi ngủ giấc thiên thu?
Nơi đây, những chiều thứ Bảy, hầu như quá quen với những cây bút dành cho tuổi học trò và với những độc giả thường xuyên đến thăm. Đó là phòng họp của Tòa soạn Tuổi Hoa, nằm cùng một khu vực với Nhà sách Đức Mẹ. Gọi là phòng họp nhưng thật ra là một căn phòng nhỏ, thường ngày chỉ có hai, ba người ngồi làm việc, thậm chí nhiều hôm chỉ có một người. Vậy mà khi họp mặt lại vui lắm! Đó là nơi mọi người quen nhau đến, và đến làm quen với nhau. Mới đầu có một chút e dè, nhưng sau thì chan hòa như bạn thân.
Và như thế, Trần Miên Trường đã là bạn thân của Tuổi Hoa trước cả tôi. Hơn thế nữa, anh có một giọng cười hồn nhiên, sảng khoái, như thể cuộc đời vốn dễ dàng với mình. Ai có e ngại cách mấy, nghe giọng cười của anh sẽ thấy mình được hồn nhiên theo cùng.
Hương Xưa, Còn Đó, Hay Không?
(Cảm xúc có từ nhạc phẩm “Hương Xưa” của Nhạc Sĩ Cung Tiến)
Người xa, để lại hương đời
Giấc mơ chốn cũ hồn vời vợi trông
Bóng đa, cánh bướm, dòng sông
Mở trang nhạc cũ, ngút lòng ca dao
Tiếng ru của mẹ ngọt ngào
Nuôi ta khôn lớn, biết bao là tình!
Quê hương một thuở thanh bình
Cành tre ngọn lúa bỗng thành gươm đao
Câu thơ, cung nhạc thời nào
Trái tim ôm ấp dạt dào yêu thương
Cám ơn Người, dệt tơ vương
Cho hoa kết một quê hương trong lòng
Hương xưa, còn đó, hay không?
– Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Ukraine!
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Blue and Yellow (hình: Cam Li)
Đúng vào ngày quân Nga bắt đầu xâm lăng Ukraine, Yaryna Arieva và Svyatoslav Fursin làm đám cưới chớp nhoáng. Lẽ ra đám cưới của họ sẽ được tổ chức vào tháng Năm. Nhưng trước hoàn cảnh đất nước lâm nguy, họ đã đổi ý. Vài giờ sau lễ cưới, chú rể Fursin gia nhập đoàn quân kháng chiến Ukraine. Cô dâu Arieva mong đợi được gieo hạt hướng dương trong những ngày đầu xuân này – hướng dương, quốc hoa của Ukraine. Cô quả quyết:
“Tôi sẽ làm việc và đợi chồng về. Chúng tôi sẽ chiến thắng. Chúng tôi muốn tự do.”
Còn Fursin, anh nói:
“Mọi người đều muốn sống trong tự do. Tôi muốn mọi người, kể cả nhân dân Nga, hiểu rằng chúng tôi chiến đấu cho tự do của thế giới này.”
Ngôi sao quần vợt người Ukraine, Sergiy Stakhovsky, trong lúc đang đi du lịch cùng gia đình ở Dubai, thì nghe tin quân đội Nga xâm lược quê hương anh. Sergiy đã có một quyết định khó khăn khi để vợ và ba đứa con nhỏ tại nhà của họ ở Hungary và trở về Ukraine để cùng chiến đấu. Anh trở thành thành viên của quân đội dự bị có nhiệm vụ bảo vệ thủ đô Kiev của Ukraine.
Stakhovsky nói: “Tôi sinh ra ở đây, ông bà tôi được chôn cất ở đây, và tôi muốn có một lịch sử để kể cho các con tôi nghe. Không ai ở đây mong Nga “giải phóng” họ. Chúng tôi có tự do và dân chủ, nhưng Nga muốn mang đến sự tuyệt vọng và nghèo đói.”
Không phải chỉ có những người trưởng thành khỏe mạnh đứng lên bảo vệ đất nước, mà trong lực lượng chiến đấu còn có những thiếu niên, những phụ nữ, và cả những người già. Họ là những người chưa bao giờ cầm vũ khí, thế mà trong phút chốc họ trở thành những chiến binh biết sử dụng súng, biết chế tạo bom. Họ đứng xếp hàng dài trong giá lạnh để nhận vũ khí. Một người phụ nữ lớn tuổi bày tỏ:
“Tôi không biết bắn súng, nhưng tôi có thể giúp việc, như dọn dẹp vệ sinh…”
Cả đời họ chưa hề muốn giết một ai. Nhưng giờ đây, họ nói rằng họ sẵn sàng giết giặc.
Một em bé gái 6 tuổi được đưa tới bệnh viện ở Mariupol. Gia đình em đang ở trong một siêu thị khi quân Nga pháo kích. Các bác sĩ cố gắng cứu chữa nhưng em không qua khỏi. Cha mẹ em khóc gào. Một bác sĩ, người đã tận lực bơm dưỡng khí cho em, nhìn vào ống kính của một phóng viên AP và nói: “Hãy cho Putin thấy, đôi mắt của em bé này và của những bác sĩ đang khóc.”
Còn nhiều, nhiều nữa… Và đó là bức tranh của một đất nước hiền hòa bỗng chốc biến thành chiến trường.
Đất nước Ukraine đau khổ nhưng may mắn. May mắn vì họ có một nhà lãnh đạo tuyệt vời, vị Tổng thống trẻ tuổi Volodymyr Zelenskyy! Tôi đang gõ tên ông thật cẩn thận, kẻo sai chính tả! Tên của ông là lời hiệu triệu không những cho người dân Ukraine, mà là cho toàn thế giới, cho những người đang được sống trong tự do và quyết bảo vệ tự do, và nhất là cho những người đang sống trong các chế độ độc tài, đang rất khao khát tự do.
Đất nước Việt Nam thân yêu của chúng tôi cũng đã từng hãnh diện có những nhà lãnh đạo can trường. Tuổi học trò của chúng tôi từng say mê những bài Việt Sử, từng ngưỡng mộ Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Nguyễn Thái Học… Và trong những ngày cuối cùng của nền dân chủ non trẻ nhưng quý giá của chúng tôi, chúng tôi có những bậc anh hùng sẵn sàng hy sinh để bảo vệ quê hương.
Có lần được nghe bản Quốc thiều Việt Nam Cộng Hòa do một dàn nhạc giao hưởng Ukraine trình tấu, tôi xúc động rơi nước mắt. Qua lời giới thiệu của Nhạc sư Lê Văn Khoa, người nghe được biết National Presidential Orchestra of Ukraine, gồm những nhạc sĩ lỗi lạc, trình bày bản Quốc thiều VNCH do chính Nhạc sư Lê Văn Khoa soạn hòa âm phối khí, nghe sao mà quen thuộc như đã từng nghe trong sân trường mỗi buổi chào cờ khi mình còn có nền độc lập, dân chủ trên đất nước của mình. Lạ lùng thay! Lòng yêu mến của tôi dành cho chữ Ukraine tự nhiên cũng hóa đậm đà! Có phải vì đất nước Ukraine cũng đã từng bị sống trong chế độ cộng sản, bị áp bức, bị đè nén, và rồi họ đã thoát ra được, cho nên họ yêu sự tự do và quyết bảo vệ nó?
Tổng thống Nga Putin đã đánh giá sai về Ukraine, dù đem quân đội hùng hậu, khí giới tối tân để cày nát đất nước Ukraine, nhưng không bao giờ giết được lòng yêu nước của người dân Ukraine. Chiến tranh do Putin mang đến, không chỉ nhắm vào các cơ sở quân sự, mà còn nhắm cả vào khu dân cư, trường học, siêu thị, chợ, bệnh viện… Đó là cuộc chiến hủy diệt, là tội ác chống nhân loại!
Nhưng, tôi tin:
“Vinh quang và tự do của Ukraine không bao giờ mất,
Số phận sẽ vẫn mỉm cười với chúng ta, những người Ukraine
Kẻ thù của chúng ta rồi sẽ chết, như sương sớm phải tan dưới ánh mặt trời;
Hỡi anh em, chúng ta sẽ sống hạnh phúc trên mảnh đất của chúng ta…”
(Trích lời bài Quốc ca Ukraine)
Giữa những ngày Ukraine oằn mình trong bom đạn, tôi dâng lời cầu nguyện hiệp thông cùng mọi người yêu tự do, mong cho chiến tranh chấm dứt, trả lại sự yên bình cho người dân Ukraine. Và trên thế giới này, cái thiện sẽ thắng cái ác.
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Ngày 4 tháng Ba, 2022
Còm