Thơ chữ Hán của Nguyễn Du (Quách Tấn)
Thơ chữ Hán của Nguyễn Du
Tác giả: Quách Tấn
(nguồn: Talawas.org)
Những ai đã biết đến Đoạn trường tân thanh, đã biết đến Nguyễn Du, thì không mấy ai không thuộc câu:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.
Nghĩa là:
Ba trăm năm nữa trên trần thế
Ai biết là ai khóc Tố Như.
Hai câu này, phần nhiều các nhà viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều đều bảo rằng là lời khẩu chiếm của Tố Như tiên sinh lúc sắp mất. Mãi đến năm 1943, học giả Đào Duy Anh mới cải chính.
Đó là câu kết của bài “Độc Tiểu Thanh ký” của Tố Như. Và toàn thiên rằng:
Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.
Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lạy phần dư!
Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.
Bài thơ tuyệt diệu. Nhưng có rõ sự tích mới nhận thức trọn cái hay.
Tiểu Thanh là ai? Là một giai nhân có tài, có sắc, sống vào khoảng đầu nhà Minh. Nàng họ Phùng, lấy lẽ một người tên Phùng. Kiên tên chồng. Nàng tự hiệu là Tiểu Thanh. Vợ cả ghen bắt nàng lên ở trên núi Cô Sơn, cạnh Tây Hồ. Không bao lâu, nàng buồn mà chết. Mồ chôn dưới chân núi Cô Sơn, trên bờ Tây Hồ. Khi chết nàng mới mười tám tuổi.
Bình sinh nàng có tập thơ ký thác tâm sự. Nàng chết rồi, người vợ cả lấy đem đốt cho tuyệt tích. Nhưng may còn sót lại được một ít, người đương thời sưu tập thành sách gọi là Phần dư cảo (Cảo thơ đốt còn sót lại).
Nhân đọc bài ký về Tiểu Thanh, Nguyễn Du xúc cảm làm thơ ai điếu. Đại ý nói rằng:
“Vườn hoa bên Tây Hồ đã hoá thành gò cả rồi.
Điếu nàng chỉ hướng vào trang sách đọc trước cửa sổ.
Son phấn có thần chắc phải thương xót vì những việc xảy ra sau lúc chết.
Văn chương không mệnh nên bị lụy về nạn đốt dở.
Những mối hận xưa nay khó hỏi trời được,
Ta tự coi như người đồng hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong lưu.
Nhưng không biết sau ba trăm năm lẻ nữa,
Trên trần thế ai là người sẽ khóc Tố Như”.
Nguyễn Du điếu Tiểu Thanh, cũng như Thuý Kiều khóc Đạm Tiên: Thương người nhưng thật ra là tự thương mình vậy.
Bài thơ hàm súc, diễn ra thơ quốc âm không thể lột hết ý nghĩa. Xin tạm phỏng dịch:
Hồ Tây hoa kiểng: giải gò hoang,
Cửa hé trang thơ chạnh điếu nàng.
Hận luống vương thêm hồn phấn dại,
Tro chưa tàn hết lụy văn chương.
Thanh thương khó hỏi oan chồng chất,
Phong nhã đành chung nợ vấn vương.
Rồi Tố Như, sau ba kỷ nửa,
Trần gian ai kẻ sụt sùi thương?
Đọc bài nguyên tác, có người thấy chuyển kết không niêm với những câu trên nên ngờ rằng có sự chắp nối của người đời sau. Không nên ngờ. Bởi người xưa, nhất là các đại gia văn chương, không câu chấp niêm luật. Huống nữa với câu “bất tri…”, bài thơ được kết thúc một cách chặt chẽ, mà tứ thơ lại lai láng vô cùng.
Có người lại hỏi: Tại sao tác giả nói “tam bách dư niên” mà không nói “nhất bách hoặc nhị bách”? Theo các nhà khảo cổ thì từ ngày Tiểu Thanh mất đến ngày Nguyễn Du làm thơ điếu nàng, tính trên ba trăm năm. Nguyễn Du và Tiểu Thanh là người đồng hội. Tiểu Thanh mất rồi, ba trăm năm sau, có Nguyễn Du khóc. Sau ba trăm năm Nguyễn Du chết, biết ai là người khóc Nguyễn Du?
Thơ chữ Hán của Nguyễn Du còn truyền lại được nhiều. Nhưng từ khi cựu học cáo chung, thì bị chôn vùi trong tàng cổ viện như muôn ngàn giai phẩm khác bằng Hán văn. Thỉnh thoảng sách báo trích đăng năm ba bài không đủ làm cho nhiều người chú ý. Có lắm bài được truyền tụng trong dân chúng. Nhưng vì truyền miệng nên không tránh khỏi sai lạc hoặc ít hoặc nhiều. Có khi lầm lẫn cả tên tác giả. Như bài “Điệp tử thư trung” sau đây là một.
Điệp tử thư trung
Vân song tằng kỷ nhiễm thư hương,
Tạ khước phong lưu vị thị cuồng.
Bạc mệnh hữu duyên lưu giản tịch [1]
Tân hồn vô lệ khốc văn chương.
Đố ngư di tỉnh phiền ba mộng,
Huỳnh hỏa nan khói cẩm tú trường.
Văn đạo đã ưng cam nhất tử,
Dâm thư do thắng vị hoa vương [2] .
Phỏng dịch:
Song vân từng thấm vị thư hương.
Bỏ thú phong lưu há phải cuồng.
Mệnh bạc còn duyên vương sách sử,
Hồn tàn không lệ khóc văn chương.
Khó mong lửa đóm thiêu lòng gấm,
Dễ khiến thân sâu tỉnh mộng vàng.
Đạo lý sớm nghe chiều chết hả,
Hoa đâu bằng chữ dám cưu mang.
Thời tiền chiến, cụ Nguyễn Dật, một túc nho thôn Phú Phong, quận Bình Khê, tỉnh Bình Định, đọc bài “Điệp tử thư trung” cho tôi nghe, và bảo rằng đó là của một người Tàu ở Quy Nhơn. Cụ nói rằng: “Người Tàu ấy có nhiều sách quý. Cụ Nghè Vân Sơn Nguyễn Trọng Trí [3] cùng các bạn thường đến tiệm mượn xem. Một hôm chủ nhân phơi sách nơi sân. Tình cờ gió lật một quyển, để lộ một con bươm bướm đã chết khô. Cụ nghè liền thách làm thơ. Người Tàu làm xong trước. Đọc lên, cử toạ đều thất kinh gác bút. Bài thơ quá hay, nên không mấy chốc mà truyền xa”.
Thời kháng chiến chống Pháp, nhân ra Huế, tôi đọc bài thơ và kể câu chuyện lại cho cụ Vân Bình Tôn Thất Lương nghe. Cụ bảo: “Tôi nhớ chừng đã có đọc trong một tập sách nào đây một câu chuyện nói về bài “Thư trung tử hồ điệp”. Đại khái rằng có một thi nhân cho in một tập thơ, trang đầu chép bài “Thư trung tử hồ điệp”. Một vị quan lớn xem thấy quở rằng: “Không có sĩ hạnh nên đề cao giá trị của giống tiểu nhân. Văn chương phải dùng tải đạo thì văn chương mới khỏi giảm giá, người làm văn mới nêu cao được phẩm cách”. Lời của vị quan kia là lời của một người hủ nho. Thi nhân không thèm đáp, chỉ mỉm cười cáo lui. Tập sách ấy không trích lục bài thơ. Tôi nghi là bài này. Người Tàu Quy Nhơn đã lấy lầm của mình cũng không biết chừng”.
Còn một bài nữa cũng rất được truyền tụng. Đó là bài:
Vọng phu thạch
Thạch da? Nhân da? Bỉ hà nhân?
Độc lập sơn đầu thiên bách xuân.
Vạn kiếp điểu vô vân vũ mộng,
Nhất trình lưu đác cổ kim thân.
Lệ ngân bất tuyệt tam thu vũ,
Đài triện trường minh nhất đoạn văn.
Tứ vọng liên sơn diếu vô tế,
Độc giao nhi nữ thiện di luân.
Tạm dịch:
Đá hay người? Ấy ai người ấy?
Đầu non cao trải mấy nghìn xuân.
Giấc không bén, mộng Vu Thần,
Tấm thân kim cổ trong ngần gương trinh.
Mưa ba thu lệ tình lai láng,
Ngàn rêu in một áng sầu văn.
Non xanh vướng mắt, xa gần,
Gánh luân thường để riêng phần thuyền quyên!
Ở Bình Định, trên hòn núi Bà thuộc quận Phù Cát có Đá Vọng Phu. Khách phong tao thường đến tưởng vịnh. Bài thượng dẫn tương truyền là của một “ông Đồ Nghệ”.
Gần đây ông bạn Thi Vũ ở Pháp gởi về tặng tôi ba tập thi Hán văn của Tố Như mà bạn chép được: Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục.
Những bài “Độc Tiểu Thanh ký”, “Hồ điệp tử thư trung”, “Vọng phu thạch” thấy chép trong Thanh Hiên thi tập.
Tôi tự nghĩ: Nếu không có Đào Duy Anh, thì chắc ít người biết rõ câu “Tam bách dư niên hậu…” ở trong bài “Độc Tiểu Thanh ký”. Và đến như cụ Nguyễn Trọng Trí, cụ Nguyễn Dật và cụ Tôn Thất Lương là những bậc túc nho tiền bối đọc nhiều sách, thuộc nhiều thơ xưa Việt Nam cũng như Trung Quốc, mà còn đọc không hết được thơ Tố Như, huống hồ phần đông kẻ hậu sinh chỉ có sách Việt văn và sách Âu Mỹ để đọc.
Tôi mong gặp được thiện duyên để công bố cả ba tập thơ Tố Như hầu giúp người háo cổ. Nay để mua vui cùng bạn đọc chưa được biết mà lòng muốn biết, tôi xin nói qua ba tập ấy, và trích dịch một ít bài làm duyên.
Thanh Hiên thi tập gồm những bài làm từ lúc tác giả còn lận đận phong trần cho đến lúc ra làm quan cùng nhà Nguyễn, ở Bắc Hà (…? – 1804).
Nam Trung tạp ngâm gồm những bài làm trong khoảng tác giả được triệu vào làm quan ở Kinh đô Huế rồi ra làm quan ở Quảng Bình (1805 – 1812).
Bắc hành tạp lục gồm những bài làm trong lúc tác giả đi sứ sang Trung Quốc (1813).
Toàn bộ gồm bao nhiêu bài không biết. Những tập thơ của bạn Thi Vũ gởi cho tôi gồm tất cả 249 bài, toàn thơ thất ngôn và ngũ ngôn, bát cú có, tứ tuyệt có, trường thiên có. Trong số này có 78 bài ở Thanh Hiên, 40 bài ở Nam Trung và 131 bài ở Bắc hành.
Thơ gồm đủ các loại: tả tình, tả cảnh, vịnh cổ, ký sự… Bài nào cũng mang tâm sự của tác giả, cũng biểu lộ thái độ của tác giả đối với hoàn cảnh xã hội đương thời.
Xưa nay nói về Nguyễn Du, phần đông chỉ dựa vào tập Đoạn trường tân thanh và bài văn Chiêu hồn. Hai bản Việt văn tuyệt tác này phản ảnh phần nào tâm hồn của tác giả mà thôi. Đọc ba tập thơ chữ Hán chúng ta mới thấy được chân tướng của Tiên Điền.
Các tác phẩm chữ Hán cho chúng ta thấy cuộc đời của Nguyễn Du rất khổ. Chẳng những khổ về mặt tinh thần, mà về phần vật chất cũng không chút sướng. Mặc dù cả nhà, từ ông cha cho đến anh em đều làm quan to, gia đình tiên sinh rất nghèo. Nghèo vì Nguyễn Du mồ côi sớm, lại con vợ lẽ, không hưởng được gì nhiều. Kế đến khi lớn lên gặp cảnh loạn lạc, tiên sinh phải chạy, nay đây mai đó, nghèo túng, đau ốm ngót mười năm trời. Sau ra làm quan cùng nhà Nguyễn, lương ít con đông. Tình cảnh thật là chua xót. Hoàn cảnh khổ, tâm sự khổ, nên thơ của tiên sinh bài nào cũng chứa chan nỗi buồn, “nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!”.
Đây xin trích đôi bài làm chứng:
U cư
I.
Đào hoa đào diệp lạc phân phân
Môn yểm tà phi nhất viện bần
Trú cửu đốn vong thân thị khách,
Niên thâm cách giác lão tùy thân.
Dị hương dưỡng chuyết sơ phòng tục,
Loạn thế toàn sinh cửa ủy nhân.
Lưu lạc bạch đầu thành để sự
Tây phong xuy đảo tiểu ô cân.
II.
Thập tải phong trần khứ quốc xa
Tiêu tiêu bạch phát ký nhân gia.
Trường đồ nhật mộ tân du thiểu,
Nhất thất xuân hàn cựu bệnh đa.
Hoại bích nguyệt minh bàn tích dịch,
Hoang trì thủy hạc xuất hà ma.
Hành nhân mạc tụng “đăng lâu phú”
Cường bán xuân quang tại hải nha.
Phỏng dịch:
I.
Đào rụng đầy sân lá tiếp hoa,
Một gian lều nát khép lơ là.
Trọ lâu quên bẵng thân là khách,
Tới mãi thành quen tuổi cũng già.
Thời loạn, nể người mong sống trọn,
Thói đời, giả vụng chút phòng xa.
Nổi chìm bạc tóc chưa nên việc
Thổi bật khăn đầu trận gió qua.
II.
Mười năm gió bụi biệt gia hương,
Nương cửa người trơ mái tóc sương.
Bạn ít ngày chiều được diệu vợi,
Bệnh nhiều xuân vắng quán thê lương.
Trăng soi vách nát đoanh lằn mối,
Nước cạn đầm hoang rộn ễnh ương.
Già nửa xuân quang thân góc bể,
Qua đường chớ đọc phú chàng Vương [4] .
Đó là hoàn cảnh lúc chạy loạn, tấm thân lưu lạc quê người. Chúng ta không lấy gì làm lạ cho lắm. Chúng ta có ngờ đâu, nỗi đau buồn thương tủi vẫn đeo nặng tác giả lúc không còn phải “ăn gởi nằm nhờ nhà người”, tức là lúc đã đi làm quan. Chúng ta hãy đọc hai bài tác giả đề trên vách công đường lúc làm quan ở Huế:
Xương hạp môn tiền xuân sắc lan,
Cách giang diêu đối Ngự Bình san.
Xuân tòng giang thượng lai hà xứ?
Nhân ỷ thiên nhai trệ nhất quan.
Mãn địa phồn thanh văn dạ vũ,
Nhất sàng cô muộn dịch xuân hàn!
Đào hoa mạc trượng đồng quân ý
Bằng hữu phong di tính tối toan.
Tạm dịch:
Hồ nhạt màu xuân trước cửa rồng,
Xanh xanh núi Ngự phía kia sông.
Xuân theo ngọn nước về đâu tá?
Quan lụn chân trời nghĩ chán không!
Rả rích đêm dồn mưa nhẫy đất
Im lìm muộn chống lạnh qua song.
Hoa đào chớ cậy Đông quân luyến,
Dì gió cay chua chất chứa lòng.
Thật là buồn! Nhưng chưa thảm bằng tình cảnh tả trong bài thứ hai:
Đông vọng giang đầu vọng cố giao
Phú vân vô định thủy thao thao
Phong xuy cổ trủng phù vinh tận,
Nhật lạc bình sa chiến cốt cao!
Sơn nguyệt giang phong như hữu dãi,
Nham thê cốc ẩm bất từ lao.
Bình sinh dĩ tuyệt vân tiêu mộng,
Phạ kiến bàng nhân vấn vũ mao.
Tạm dịch:
Trông vời quê cũ nước mông mênh,
Cuộn cuộn mây theo sóng bập bềnh,
Cát phẳng ngày tà vun chiến cốt,
Mồ xưa gió lạnh lấp phù vinh
Gió sông trăng núi như chờ khách,
Uống hố nằm hang cũng thoả tình.
Lông cánh những e người hỏi đến,
Tung mây đã dứt mộng bình sinh.
Ở trong cảnh “ơn vua lộc nước” mà đưa những cảnh thương tâm về chết chóc, về tàn tạ ra mà nói, đem cảnh uống hố nằm hang ra mà suy, thì đủ biết lòng tác giả đã đau buồn chán ngán đến đâu! Tuy thế nỗi lòng vẫn còn “nửa mở nửa khép”. Bài “Ngẫu đề” sau đây mới cho chúng ta thấy rõ tình cảnh tác giả lúc bấy giờ:
Bạch địa đình trì dạ sắc không,
Thâm đường tiễu tiễu hạ liêm lung.
Đinh đông châm chử thiên gia nguyệt,
Tiêu ác ba tiêu nhất viện phong.
Thập khẩu đề cơ Hoàng Lĩnh bắc,
Nhất thân ngọa bệnh Đế Thành đông.
Tri giao quái ngã sầu đa mộng,
Thiên hạ hà nhân bất mộng trung.
Tạm dịch:
Trống trải thầm sân đêm nhạt suông,
Nhà sâu im ỉm bức rèm buông.
Tiếng chày lay động trăng nghìn nóc,
Tàn chuối đìu hiu gió một phòng.
Mười miệng đòi cơm ngoài cõi Bắc,
Một thân nằm bệnh góc thành Đông.
Người quen trách tớ hay sầu mộng,
Thiên hạ còn ai tỉnh táo không?
Cảnh tịch liêu đến thế là cùng, tình thảm đạm đến thế là cực! Một người ra làm quan, dù quan nhỏ đến đâu cũng không đến nỗi bơ vơ trơ trọi đến thế, cũng không đến nỗi con cái ở nhà phải chịu cảnh cơ hàn như thế, huống hồ tác giả lúc vào Huế đã được thăng đến hàm đông các họa sĩ! Đọc đến câu:
Mười miệng đói cơm ngoài cửa Bắc
Một thân nằm bệnh góc thành Đông
Nếu không nghiên cứu kỹ thân thế và gia cảnh của Nguyễn Du, thì chúng ta có thể ngờ rằng tình cảnh đã bị tác giả “bi thảm hoá” vậy. Nhưng sự thiệt quả là thế. Nguyễn Du vào Huế có một mình. Bà vợ lớn họ Đoàn sinh được một trai, bà thứ họ Võ sinh được một trai, và người thiếp sinh được mười trai và sáu gái [5] . Bà nào nuôi con nấy. Lương bổng của tác giả chỉ đủ uống thuốc để sống cho qua ngày!
Tình cảnh của Nguyễn Du thật không khác tình cảnh Đỗ Phủ đời Đường. Và tuy tấm thân không bị đày đọa như Khuất Nguyên đời Đông Châu, nhưng nỗi lòng vẫn tương tự. Cho nên khi đi sứ sang Trung Quốc, Nguyễn Du có đến Lỗi Dương viếng mộ Đỗ Phủ và khi qua Tương Đàm có làm thơ điếu Khuất Nguyên. Văn chương thống thiết.
Điếu Khuất Nguyên đến hai bài, nhan là:
Tương đàm điếu Tam lư Đại phu
I.
Hiến tu nhân khứ nhi thiên tải
Thử địa do văn lan chỉ hương
Tông quốc tam niên bi phòng trục,
Sở từ vạn cổ thiện văn chương.
Ngư long giang thượng vô tàn cốt
Đỗ nhược châu biên hưu chúng phương.
Cực mục thương tâm hà xứ thị,
Thu phong lạc mộc quá Nguyên Tương.
II.
Sở quốc oan hồn táng thử trung,
Yên ba nhất vọng điều hà cùng!
Trực giao hiến lệnh hành thiên hạ,
Hà hữu Ly Tao kế quốc phong.
Thiên cổ thuỳ nhân liên độc tỉnh?
Tứ phương hà xứ thác cô trung!
Cận thời mỗi hiếu vi kỳ phục,
Sở hội tiêu lan cánh bất đồng.
Để các bạn ít đọc sách Tàu, dễ nhận thức ý nghĩa trong bài thơ, xin nói qua về thân thế Khuất Nguyên và về xuất xứ của đôi chữ không được phổ biến.
Khuất Nguyên là người nước Sở, đời Chiến quốc (thế kỷ IV trước Công nguyên). Ông làm chức Tam lư Đại phu. Ban đầu được Sở Hoài Vương tín nhiệm, bằng lòng thực hành chủ trương chính sách của ông. Nhưng rồi nghe lời gian thần gièm xiểm, nhà vua đày ông đi Trường Sa (Giang Nam). Ông qua hồ Động Đình, theo dòng sông Nguyên, đến vùng Thần Dương, Tự Phố, rồi lại theo sông Tương đến Mịch La. Ở Mịch La được ít lâu ông buồn chán quá, trầm mình mà chết. Ông chết nhằm ngày mồng năm tháng năm.
Ở nơi đất trích ông có soạn bộ Ly Tao, văn chương tuyệt diệu. Đó là một kiệt tác trong văn học cổ điển Trung Hoa. Tiếp theo Kinh Thi đời Xuân Thu, Ly Tao là nguồn của bao nhiêu dòng thơ Trung Quốc.
Những chữ như “hiếu tu” (chăm sửa sang đức tốt), “chỉ lan” (cỏ chỉ hoa lan), “đỗ nhược” (hoa màu trắng có sáu cánh, giống như hoa sen), “độc tỉnh” (một mình tỉnh), “cô trung” (lòng trung không ai biết đến), “tiêu lan” (hoa tiêu hoa lan)… đều là những chữ mượn trong Ly Tao, và Ly Tao cũng thường gọi là “Sở từ” (những bài từ của nước Sở. Ngoài Ly Tao ra, sở từ còn gồm nhiều tác phẩm của các thi gia khác, nhưng phần nhiều đều bắt nguồn ở Ly Tao).
Nguyễn Du đến Tương Đàm (Trường Sa) mùa thua năm Quý Dậu (1813) và từ phía Nam lên Bắc Kinh có đi trên dòng sông Tương. Cho nên cảnh Nguyên Tương trong thơ vừa nói đến Khuất Nguyên vừa nói đến mình vậy.
Xin tạm dịch hai bài điếu Khuất Nguyên như sau:
I.
Hai nghìn năm vắng người sửa đức,
Nơi đây còn thơm nức chỉ lan.
Ba năm đất trích phũ phàng,
Sở từ muôn thuở rỡ ràng văn chương.
Sông cá rồng nắm xương không giữ,
Bãi hoa lồng trăm thứ cỏ thơm.
Nơi nào gởi mối thương tâm!
Lá thu gió rụng nẻo tầm Nguyên Tương.
II.
Nơi đây chốn hồn oan Sở quốc,
Mắt muôn trùng khói nước chơi vơi.
Vì ban hiến lệnh xuống đời,
Ly Tao đâu để nối lời Quốc Phong.
Hồn độc tỉnh ai lòng tưởng tới?
Niềm cô trung biết gởi phương nao?
Đời nay chuộng lạ xiết bao,
Đeo lan dắt ngọc nhưng nào giống xưa!
Trong buồn thương đau xót có oán hận mỉa mai! Và ngoài hai bài “Tương đàm điếu Tam lư Đại phu” trên, trong Bắc hành tạp lục còn ba bài nữa cũng nói về Khuất Nguyên: “Phản chiêu hồn”, “Biện giả”, “Trường sa Giả thái phó”. Văn chương đều ngầm chứa bi phẫn. Đó là Nguyễn Du mượn Khuất Nguyên, chẳng những để gởi gắm tâm sự, mà còn để làm điển hình cho kẻ trung lương bị bọn gian nịnh làm hại, ở khắp mọi nơi, mọi thời đại.
Tương đàm ở phía Bắc Lỗi Dương, sang Bắc Kinh, Nguyễn Du phải qua Lỗi Dương trước. Nhưng không biết tiên sinh ghé thăm mộ Đỗ Phủ lúc đi hay lúc về. Lúc đến thăm có cảm tác một luật, nhan là:
Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ
Thiên cổ văn chương thiên cổ sư
Bình sinh bội phục vị thường ly.
Lỗi Dương tùng bách bất tri xứ!
Thu phố ngư long hữu sở ti.
Dị đại tương liên không sái lệ,
Nhất cùng chí thử khởi công thi?!
Trạo đầu cựu chứng y thuyên vị!
Địa hạ vô linh quỷ bối xy.
Phỏng dịch:
Thơ thiên cổ cũng thầy thiên cổ,
Vốn một lòng ngưỡng mộ bấy nay.
Lỗi Dương tùng bá đâu đây
Cá rồng thu lạnh sông đầy nhớ thương.
Há văn chương luỵ người đến thế?!
Chạnh nghìn xưa dòng lệ khôn ngăn
Lắc đầu bệnh cũ còn chăng?
Suối vàng chớ để mấy thằng quỷ trêu.
Văn tiêu dao, tình thâm thiết. Thật là lời của “nòi tình thương người đồng điệu”.
Nhưng Đỗ Phủ vốn người huyện Trường An, tỉnh Thiểm Tây sau dời đến Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, mà sao mộ lại ở Lỗi Dương, tỉnh Hồ Nam?
Nguyên năm Đại lịch thứ 5 (770), Đỗ Thiếu Lăng chạy loạn đến Hồ Nam, nương nhờ nhà Thôi Vĩ ở Lỗi Dương. Một hôm lên núi Hành Sơn yết miếu Nhạc Phi, gặp lụt. Nước dâng to ngót mười hôm không về được. Quan huyện lệnh Lỗi Dương do họ Nhiếp hay tin đưa thuyền đến rước về. Đêm ấy rượu say rồi mất ở huyện đường, hưởng dương 59 tuổi. Vì nhà nghèo không đưa hài cốt về quê được, phải táng ở Lỗi Dương. Bốn mươi ba năm sau (813), cháu là Đỗ Tư Nghiệp mới đưa di cốt về chôn gần mộ ở núi Thú Dương.
Nguyễn Du đến thăm mộ ở Lỗi Dương vào khoảng 1813-1814, nghĩa là ngót một ngàn năm sau khi mộ Đỗ đã cải táng. Cho nên mới có câu:
Lỗi dương tùng bà bất tri xứ.
Tuy tìm không biết đích xác nền mả cũ nơi nào, nhưng lòng nhớ thương vẫn có chỗ đình đậu: Những áng văn chương tuyệt tác mà trong đó có câu:
Ngư long tịch mịch thu giang lãnh
Cố quốc bình cư hữu sở ti.
Nghĩa là:
Cá rồng vắng vẻ sông thu lạnh,
Thong thả lòng thêm nhớ cố hương.
Câu thơ của Nguyễn Du:
Thu phố ngư long hữu sở ti
là đúc hai câu thơ của Đỗ Phủ lại làm một. Câu này vừa tả cảnh trước mắt, vừa nói lên nỗi lòng của Đỗ Phủ ngày xưa, vừa tỏ tấm tình của Nguyễn Du đối với Đỗ Phủ trong khi đến thăm mộ. Thật tài tình mà cũng thật cảm động!
Cập luận, Nguyễn Du vừa khóc Đỗ Thiếu Lăng vừa khóc mình. Vì cảnh nghèo khó cảnh nổi cảnh chìm thật không khác nhau. Không khác nhau cho đến cảnh “con đói”. Đỗ Phủ có câu:
Hậu ộc cố nhân thư đoạn tuyệt,
Hằng cơ trĩ tử sắc thê lương!
Nghĩa là:
Bạn xưa nhiều bỗng tình lơ láo,
Con trẻ không cơm mặt võ vàng.
Tình cảnh có khác gì tình cảnh trong câu Nguyễn Du:
Thập khẩu đề cơ Hoành Tĩnh Bắc,
Nhất thân ngoạ bệnh Đế Thành Đông.
Đồng bệnh tương liên, nên không cầm được giọt lệ! Nhưng có phải vì thơ hay mà đời phải chịu đến thế? Chưa chắc đã đúng. Nhưng trên đời đã không ra sao rồi, thì xuống âm phủ đừng để lũ quỷ nhạo báng nữa! Đó là ngụ ý nghi ngờ người hậu thế. “Bất tri tam bách dư niên hậu!”.
Con bệnh “lắc đầu” Nguyễn Du nói trong thơ, có lẽ là một tật do tuổi già sinh ra. Nguyên Đỗ Phủ bình sinh mắc nhiều bệnh, lúc về già tai bị điếc, cánh tay phải bị tê liệt. Nói chuyện phải bút đàm một cách khó khăn. Cho nên khi nói chuyện với người, thường chỉ gật đầu, lắc đầu, ra dấu. Lâu ngày thành tật. Có lẽ trong một bài thơ nào Đỗ có nói đến tật ấy, nên Nguyễn Du mới nhắc đến.
Xem qua một ít thơ chữ Hán của ba tập Thanh Hiên, Nam Trung, Bắc hành, chúng ta nhận thấy thi tài của Nguyễn Du thật lỗi lạc. Và ba tập thơ kia, ngoài giá trị về mặt văn chương, còn giúp cho nhà khảo cổ biết rõ tâm sự tác giả Đoạn trường tân thanh. Không biết trong Thư viện Quốc Gia Saigon có đủ ba tập thơ ấy và các nhà hữu trách hiện đại ở trong chính quyền có nghĩ đến việc bảo tồn nền văn hoá cũ của Việt Nam?
Khoảng 1970-1971 có đọc thấy trong tạp chí Văn Hoá ở Saigon (dường như là tạp chí của một Sở / Bộ VNCH) có một bài viết chừng 4-5 trang của một tác giả, tôi không còn nhớ được tên, thuật lại lời kể của Cụ Cử Nguyễn Mai là hậu duệ mấy đời (có lẽ 5 dời) của Cụ Nguyễn Du về nếp sinh hoạt bình nhật của thi hào theo các lời thuật lại của các thế hệ trước trong gia tộc.
Trong bài có nêu hai câu đối chữ Hán của Cụ Nguyễn Du mà chính cụ rất đắc ý nội dung bộc bạch (pha chút châm biếm) về cảnh sống của mình trong vế thứ nhất, và nêu lên ý chí hào sảng nhân ái của bản thân, một kẻ sĩ thiết tha với thiên chức của mình trong vế thứ hai.
Tiếc thay tôi không nhớ được trọn vẹn, mong được chư vị am tường nhắc lại cho, hoặc có thể cho tôi vài nguồn khả hữu để tra cứu. (Đa tạ)
Vế thứ nhất tự trào rằng tác giả không hiềm vì đang giữ một chức quan nhỏ mà chỉ vì “năm đấu gạo” phải lom khom lui lui tới tới dạ dạ vâng vâng.
Vế thứ nhì nêu ước mong mình có trăm vạn gian nhà che chở cứu tế mọi người, bản thân mình sẽ lo trước cái lo của mọi người và chỉ vui sau khi mọi người đều vui.
Câu đối chữ Hán:
Vế thứ nhất: “Nhất chức bất hiềm ty; chỉ vị mễ ngũ đẩu dụy dụy tiến, nặc nặc thoái.”
Vế thứ nhì : “___ ___ __ __ __; __ __ __ ___ ___ lạc lạc hậu, ưu ưu tiên”
Về phần Cụ Cử Nguyễn Mai thì cũng bị cộng sản Bắc Việt giam cầm dài hạn trong các trại tù miền Bắc Trung Việt từ những năm 1947-1948 không rõ con đường khổ ải của cụ kéo dài tới khi nào!
Chắc tới nay thì cụ cũng không còn trên trần thế nữa, cầu mong hương linh cụ mãi được nhàn tản tiêu dao như ý trên cõi thiên đường.
Cung kính
Trần-Công Anh-Dũng
Cảm ơn comment của bác Trần-Công Anh-Dũng. Em đang hỏi một số vị, và rất mong sẽ có được câu trả lời sớm cho bác. Bác vui lòng chờ nhé.
Kính thưa bác Trần-Công Anh-Dũng,
Đây là câu trả lời của một vị giáo sư Việt Văn trước năm 1975 tại Sài Gòn. Rất mong bác hài lòng phần nào:
Tài hoa của Nguyễn Du nằm trọn ở trong Truyện Kiều. Thơ chữ Hán của ông không có gì đặc sắc, còn câu đối thì lại càng dở hơn, đôi khi còn chắp vá, thiếu sáng tạo.
Theo tôi nghĩ thì nội dung ở vế thứ nhất mượn từ bài Quy khứ lai từ của Đào Tiềm, ở vế thứ nhì thì mượn ý từ bài thơ Mao ốc vi thu phong sở phá ca của Đỗ Phủ (một nhà thơ có tài hoa, tâm trạng, hoàn cảnh sống giống như Nguyễn Du) nhưng không biết ông viết như thế nào:
An đắc quảng hạ thiên hạ gian,
Đại tí thiên hạ hàn sĩ câu hoan nhan.
(Ước được nhà rộng muôn nghìn gian,
Che khắp thiên hạ kẻ sĩ nghèo đều hân hoan.)
Chào bác Anh Dũng:
Bác có thể tham khảo tại đây:
Nguồn
http://www.ninh-hoa.com/DuongAnhSon-AnhHuongDaoPhatTrongDTTT-01.htm
Trích:
Tương truyền trong thơ phòng, tiên sinh đã đề một câu đối được nhiều người biết đến sau đây:[6]
“Nhất chức bất hiềm ti, chỉ vị mễ ngũ đấu chiết yêu, dụy dụy tiến, nặc nặc thối.
Bán sinh không hạo tưởng, yêu đắc hạ vạn gian tí sĩ, lạc lạc hậu, ưu ưu tiên.
一職不嫌卑,只為米五斗折腰,唯唯進,諾諾退。
半生空浩想,要得厦萬間庇士,樂樂後,憂憂先
Xin tạm lược dịch:
Một quan chức chẳng nề chức nhỏ nhen, chỉ vì năm đấu gạo phải uốn cong tấm lưng, dạ dạ lên, vâng vâng xuống.
Nửa đời người không tưởng việc to tát, sao được vạn gian nhà để chở che kẻ sĩ, lo lo trước, vui vui sau.
Ngưng trich
Đoàn Trân
Cám ơn anh Doan Tran. Kính chúc anh luôn an mạnh.
Câu đối hay quá, anh Đoan Trần! Lời thì lẩy từ kinh sách ra, và ý thì khoáng đạt đánh bật cả thánh hiền xưa!
Rất cám ơn Phay Van, chúc vui khỏe luôn.
Kính mời bác Trần-Công Anh-Dũng đọc thêm bài này (E book) trên trang nhà của Nhà văn Trần Hoài Thư nhé: Nguyệt san Văn hóa VN tháng 10 &11 – 1965 số đặc biệt về thi hào Nguyễn Du
Về câu hỏi của bác em vẫn đang hỏi thăm, xin bác kiên nhẫn chờ.
thật là bực mình “người giáo sư” nào đó trước 1975 dám láo lếu tuyên bố rằng thơ chữ Hán của Nguyễn Du không có gì đặc sắc… Những bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du chính là những sợi tơ vàng óng ánh, mà bất tri tam bách dư niên hậu. Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe. Đừng mở miệng nói càn.
Ngưu Lang: Tặng bạn món quà này, trích từ Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, ngày 10 tháng 12 năm 1948.
Coi chừng vi phạm đó bạn!
Ðiều 19:
Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm. Quyền này bao gồm sự tự do quan điểm mà không bị xen vào quấy rầy và được tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và tư tưởng qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới.
– “Những bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du chính là những sợi tơ vàng óng ánh (…)Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe. Đừng mở miệng nói càn.”
Wow! Bác Ngưu Lang này, Tín Ròm em đoán chắc là một “cao thủ” đây?
Vậy, Tín Ròm em thử…” không biết thì dựa cột mà nghe”..đây!
Thế, bác Ngưu Lang có thể ví dụ dẫn chứng và phân tích thử “Những bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du chính là những SỢI TƠ VÀNG ÓNG ÁNH” nào…cho mọi người cùng thưởng ngoạn, được chứ bác?
Bác Ngưu Lang mà “e lệ” hỏng chịu hồi đáp cái còm này của Tín Ròm em, thì, chính bác là..” mở miệng nói càn.”..cho sướng miệng, đấy nhé!
P/s:
Mời bác Ngưu Lang đọc thử đoạn văn này, Tín Ròm em trích dẫn trong “Pháp du hành trình nhật ký” của cụ Phạm Quỳnh..nhé:
– “…Có lúc nghĩ lẩn thẩn những bức hoạ họ cho là tuyệt bút kia, giá đáng kể hàng muôn hàng triệu, tưởng giá có người cho để treo nhà cũng không lấy làm thích, vì không hiểu nó là cái gì. Nhiều khi vẫn lấy cái đó làm một điều khuyết điểm trong sự giáo dục của mình, mà tự lấy làm băn khoăn một mình. Vì những cái công trình mỹ thuật kia, cả một phần thế giới có tiếng là văn minh đều công nhận là tuyệt phẩm tuyệt tác, mà mình tuyệt nhiên không biết cảm phục, thời chẳng là ngu và dốt lắm dư? Cũng biết thế, nhưng không thể làm sao được, thời thà thú thật rằng ngu và dốt còn hơn miễn cưỡng mà a dua. Song xét cho cùng ra thì có lẽ là bởi cái tinh thần của Đông Tây khác nhau, thuộc về đường học vấn, đường nghĩa lý thời sự mâu thuẫn ấy còn có thể giải quyết điều hoà được, chứ thuộc về đường mỹ thuật, đường cảm giác thời sự mâu thuẫn ấy lại càng biểu lộ ra rõ rệt vậy. Bởi thế nên sách tây, nghĩa lý tây, ta có thể hiểu được, mà đàn tây, hát tây, tranh tây, ta không bao giờ hiểu được bằng người Tây. Có khi tưởng rằng hiểu, mà xét kỹ ra thật chưa hiểu, vì không có cảm. Lại có khi miễn cưỡng muốn cảm cho được, nhưng cái cảm đó không cho là thành thực được. Cho nên mỗi lần thấy có người nhìn bức tranh tây khen là đẹp, nghe bài đàn tây khen là hay, mình vẫn tự hỏi không biết lời khen ấy có quả là thành thực không?…”
Cám ơn Tín Ròm. Đoạn trích của cụ Phạm Quỳnh đọc nghe mới chí lý làm sao!
Năm 1973, thi sĩ Quách Tấn và nhà xuất bản An Tiêm cho ra mắt tuyển thơ chữ Hán của đại thi hào Nguyễn Du : Tố Như Thi Trích dịch. Trong Lời Thưa, nhà thơ cổ điển, dịch giả Quách Tấn viết :
(…) Nhưng với số thơ ấy, nếu xem cho kỹ, người đọc có thể nhìn thấy được chân diện mục Tố Như. Bởi cũng như các thi nhân chân chính, Tố Như làm thơ không phải để phấn sức tài ba trong nhất thời, mà để gửi tâm sự vào thiên cổ. Mỗi bài thơ là một mảnh lòng. Ngay những bài tức cảnh, tức sự, vịnh sử, vịnh vật…, không bài nào là thơ ngâm vịnh thuần túy, mà tất cả đều có ký thác tâm sự hoặc phát biểu ý chí tánh tình.
Thơ trong Thanh Hiên và Nam Trung phản ảnh nhiều về cảnh ngộ và tâm sự.
Thơ trong Bắc Hành biểu lộ một cách rõ ràng ý chí và tư tưởng.
Sắc thái xã hội đương thời cũng in đậm nét thơ.
Giá trị văn chương cũng rất cao lớn(…)
Cám ơn anh ĐTN. Em xin phép đăng lại cái còm vào entry mới.
Trước hết xin Phay Van cùng quý anh chị, đã viết comments vào chuyện hai câu đối của Cụ Nguyễn Du, vui lòng nhận lời thành thật xin lỗi của tôi vì tới nay mới lên tiếng để cảm ơn các anh chị đã quan tâm tìm tòi cũng như góp thêm ý kiến về điều tôi đăng hỏi cách nay đã đến một năm 9 tháng.
Tôi đang trải qua một cơn gia biến dẫu có “bán (bao nhiêu) mình” cũng khó gỡ!
(Mà có bán cũng không ai thèm mua là cái chắc!).
Trong hoàn cảnh đó thật không có đủ tâm trí để viết được những lời tri ân đầy đủ và tương xứng với việc qúy anh chị đã tốn thì giờ vào dịp cuối năm đầy bận rộn để đem lại cho tôi điều tôi hằng mong đợi một cách bất ngờ.
Quý anh chị đã cho tôi được nhận một món quà cuối năm đẹp nhất từ xưa tới nay!
Hai câu đối của cụ Nguyễn Du như tấm gương vằng vặc trong tâm hồn tôi từ ngày được biết. Tôi đã thuộc với đầy lòng khâm phục tác giả và không tự lương sức của mình, suốt trong cuộc sống nhiều vùi dập, cố noi theo người xưa tuân hành tôn chỉ “lo trước vui sau”.
“Trải qua một cuộc bể dâu” tôi bị mất đi nhiều những gì mình hằng quý trọng, trong đó có một phần trí lực bản thân cùng như những sách báo hay đã đọc vẫn trân trọng cất giữ. Khi buồn nhớ cái tủ sách sách nhỏ đã bay theo khói lửa năm nào, lại cảm khái mấy lời Ôn Như Hầu.
Phong trần đến cả sơn khê
Tang thương đến cả hoa kia cỏ này
Mà đổi thành
Tang thương đến cả giấy kia mực này!
Đôi câu đối của cụ Tiên Điền, tôi cố tâm nhớ lại nhưng càng lúc trí não càng mờ nhạt, cố công tìm kiếm mà ngày một thêm vô vọng.
Trong những bước đổ dốc cuộc đời “over the hill” hai câu đối nhớ nửa chừng khiến tôi thường lấn cấn thấy như mình có điều đắc tội.
Hôm nay Phay Van và các anh chị đã giúp tôi thấy lại được tấm gương trọn vẹn, niềm vui ấy thật khó tả nhất là đã đến đúng vào lúc đang lao đao thật không khác nào một liều thuốc vừa tăng lực kịp thời vừa dưỡng tâm dài hạn.
Chân thành cảm ơn bạn Đoàn Trân, anh đã đem đến trọn vẹn điều tôi tìm kiếm bấy lâu và còn ân cần chỉ nẻo cho tôi tìm đến được các tác phẩm sưu khảo quý giá của tác giả Dương Anh Sơn trên Website NinhHoà cũng như cảm ơn anh Đinh Thanh Nguyện với “Tố Như Thi Trích Dịch”, xin các vị vui lòng cho tôi được gõ cửa khi “hữu sự”
Lần này Phay Van cho tôi một ngạc nhiên đầy phấn khởi thú vị và cảm kích.
Nói “lần này” thì không thể không nhắc tới…lần trước
Lần trước, Tháng 3 năm 2013, sau khi đăng hỏi chuyện đôi câu đối của cụ Nguyễn Du tôi đã thấy sự chu đáo của Phay Van, vừa tận tình tìm kiếm vưà không quên ân cần nhắn nhủ tôi đừng nản, hãy chờ.
Sự chu đáo và khiêm tốn nơi một “blog chủ” trẻ chưa gặp bao giờ khiến tôi cảm kích.
Lần này cái cảm kích tăng thêm, nhưng quan trọng hơn nữa là tôi thấy được “khuyến mãi” cả cảm giác thú vị và phấn khởi.
Thú vị vì không ngờ PV vẫn còn nhớ tới “đầu mối” câu chuyện dở dang cách gần hai năm để liên tiếp forward cập nhật những “còm” mới cho tôi. Những cảm kích và thú vị kể trên cho tôi niềm phấn khởi để tin rằng vẫn còn những người trẻ cho người già như tôi tin cậy.
Tháng3/2012 Phay Van đưa ý kiến của vị giáo sư Việt Văn trước 75 giải đáp cùng bình luận, lẽ ra tôi phải nhờ PhayVan cảm ơn vị giáo sư đó vì ông ta đã dẫn ra cái nguồn, cái gốc của hai ý tưởng chính trong hai câu đối; nhưng lời bình … mạnh mẽ của ông về thơ chữ Hán và câu đối của cụ Nguyễn Du làm tôi … “khựng” lại. Tôi “vin” vào việc vị giáo sư không comment trực tiếp nên tôi chỉ cám ơn … PhayVan mà thôi. (kể ra tôi cũng trẻ con thật!) Trong gần hai năm qua tôi nợ vị giáo sư ấy một lời cảm ơn cùng với một lời xin lỗi, cả hai đều là lời thành thực như nhau; mong Phay Van giúp chuyển.
Bạn Ngưu Lang là một người hùng đối với tôi, vì chính anh là người khơi đám tro đã nguội lạnh trong gần hai năm để cho thỏi than âm ỉ bên dưới có dịp lộ diện; nhờ vậy các “thầy thuốc” tài hoa trong Phay Van mới thấy được “con bệnh” và liên tay điều trị.
Thỏi than âm ỉ đã được thổi cháy bùng lên toả sáng soi rọi rõ ràng đầy đủ điều cần tìm.
Tôi là kẻ được hưởng lợi trực tiếp và nhiều nhất trong “vụ” này, thấy Ngưu Lang vô tình bị anh em trong blog ngầy ngà, tôi rất lấy làm áy náy! Thôi mong Ngưu Lang đừng buồn coi như gặp “tiểu hạn” đi; cuối năm có con trâu nghé lạc đàn phải đi tìm nên về trình diện Chức Nữ hơi trễ chút xíu vậy mà.
Xin chân thành cám ơn và cầu chúc mọi diều tốt lành đến với tất cả quý anh chị.
Trân trọng.
Trần-Công Anh-Dũng
Cùng quý “còm sĩ” của entry này: Xin cám ơn cái “còm mở hàng” của bác Trần-Công Anh-Dũng, rồi tiếp theo là các ý kiến đóng góp quý báu cho ngôi nhà chung. Kính chúc quý bác, quý anh chị năm mới an lành.
Xin được chia sẻ nỗi niềm của bác Trần-Công Anh-Dũng trong cơn “gia biến” cuối năm. Mong bác sớm bình an.