Đoạn trường tân thanh trên đường tìm kiếm người đọc (Huỳnh Phan Anh)

Liệu người ta có thể giải thích Đoạn trường tân thanh? Tại sao câu hỏi này, câu hỏi không phải về một tác phẩm mà về một sự giải thích có thể được về một tác phẩm, câu hỏi về khả năng và quyền hạn của người đọc trên một tác phẩm. Liệu người ta có thể giải thích một tác phẩm văn chương? Câu hỏi đương nhiên đặt người đọc, người phê bình đứng trước một giới hạn: giới hạn tri thức của mình. Nếu không có lẽ câu hỏi không hề đặt ra. Hỏi là mời gọi trả lời. Điều này đã hẳn. Nhưng hỏi còn có nghĩa là cấm đoán mọi câu trả lời. Hỏi đặt con người trước khả hữu và vô hữu của sự trả lời. Liệu người ta có thể giải thích Đoạn trường tân thanh, giải thích một tác phẩm? Câu hỏi chạm thẳng vào phần số văn chương, vào ý nghĩa nền tảng của văn chương và những tương quan nó dựng nên với người đọc (sự thưởng ngoạn). Gọi là nền tảng vì nó đương nhiên khử trừ mọi tính cách, tư cách, yếu tố, thành phần chỉ có thể liên hệ va chạm những lớp mặt ngoài giả tạo của văn chương. Gọi là nền tảng vì nó chỉ nhằm giữ lại những gì có thể giữ lại, nghĩa là bản chất, nghĩa là yếu tính, những gì thật sự làm nên văn chương, làm nên sự sống hay làm nên sự chết của nó chỉ là một. Văn chương rồi sẽ đi về đâu. Về đâu có thể không ai biết nhưng điều chắc chắn là văn chương không hề là một thực tại ù lì đứng sững. Tác phẩm ngay trong sự hoàn thành của nó đã bắt đầu một đời sống, một chuyến đi. Tác phẩm có thể là một món đồ, một sự vật nhưng đồng thời nó không ngớt phủ nhận thân phận đồ vật đó. Về đâu, tác phẩm? Về đâu, mọi hành trình con người? Phải chăng khi nói về đâu lảng vảng sự chết, dưới tận cùng, đích tuyệt đỉnh. Lảng vảng là đến gần trong ước muốn dung xa hay dang xa trong ước muốn đến gần, đời sống đã không còn giữ lại sự sống, khi cái chết đúng ra chỉ góp phần làm nên đời sống (đời sống chỉ có chỉ còn trong điều kiện của cái chết. Không có cái chết thử hỏi làm gì có đời sống. Không có cái chết, còn gì phi lý hơn nữa). Khi cái chết may thay còn là bản chất đời sống này. Giữa sự sống và sự chết, tác phẩm chọn lựa gì? Tác phẩm không chọn lựa gì. Tác phẩm còn là tác phẩm nhất thiết trong hoàn cảnh đó: không phủ nhận, không chối từ, không chọn lựa. Tác phẩm không hề là dấu hiệu của con người chiến thắng hay thất bại trên một cái gì. Tác phẩm chính là con người đã thoát ly khỏi những ý niệm hữu hạn, trần tục đó.

Liệu người ta có thể giải thích Đoạn trường tân thanh? Câu hỏi đặt ra một thế kỷ rưỡi sau khi tác phẩm ra đời, nghĩa là sau nhiều nỗ lực giải thích của học giả bao nhiêu thời đại (bao nhiêu thời đại học giả), nghĩa là sau khi tác phẩm đã được giải thích nhiều lần, nhiều cách: những sự việc đủ biến câu hỏi thành thừa thãi vô vị. Người ta đã nói nhiều về Đoạn trường tân thanh, đó cũng chính là lý do khiến ta lên tiếng lần này không phải để tiếp tục phê phán ít ra như mọi người đã phê phán lần này để đặt những phê phán thành vấn đề, câu hỏi. Câu hỏi đặt con người đứng trước chính sự phê phán của mình, nghĩa là trước khoảng cách với tác phẩm, có thể là một khoảng cách đời đời, có thể vì đó là đòi hỏi của tác phẩm. Tác phẩm cấm đoán mọi nỗ lực tới gần, mọi mưu toan chú giải cùng một lúc với sự mời gọi tới gần hay chú giải. Một tác phẩm đã được chú giải nhiều lần nhiều cách, điều này cũng có nghĩa là tác phẩm chưa được bao giờ, tác phẩm còn phải chú giải (đến bao giờ?). Câu hỏi “Liệu có thể giải thích Đoạn trường tân thanh?” không nhằm biến tác phẩm thành một đối tượng tương đối hay tuyệt đối: nó hiến một cơ hội cho tác phẩm, cơ hội để tác phẩm còn là tác phẩm trong ý nghĩa đầy đủ nhất của nó, tác phẩm không như một cái gì đã xong một lần, tác phẩm không như một hồ sơ đã xếp lại đã giải quyết xong. Chú giải không có nghĩa là soi sáng hay tháo rời tác phẩm như một món đồ, cho nó một câu kết luận. Chú giải có thể là làm tối tác phẩm, nói một cách nào đó, tác phẩm trở thành bất-khả-tri, niềm bí ẩn đang tìm cách bộc lộ hay chính sự bộc lộ đang tìm cách lẩn tránh, tác phẩm chỉ còn là một cơ hội, cơ hội cho chính tác phẩm, tác phẩm đồng nghĩa với cái gì đang trở thành tác phẩm. Phải chăng Đoạn trường tân thanh đang trên đường tìm kiếm một chân dung cho chính nó. Và câu hỏi của chúng ta thay vì ngăn cản – như hầu hết những cách thế chú giải về nó, cho tới bây giờ – đã chỉ nhằm tạo cơ hội, cho tác phẩm được thong dong trên hành trình đi tới của nó. Đây cũng chính là khởi điểm chân thật nhất của tác động phê bình, khởi điểm đồng thời là tận cùng. Nhà phê bình đứng trước giới hạn của mình, vô hạn của tác phẩm. Phê bình? Không. Chỉ có tác phẩm, chỉ còn tác phẩm đang tìm được cơ hội để khẳng định cho chính nó.

Đoạn trường tân thanh, những tiếng mới về một nỗi đau lòng dàn trải trên 3.254 câu lục bát. Tác phẩm Nguyễn Du có thể chỉ là những tiếng kêu ai oán, những lời lẽ thống thiết, tiếng và lời, máu và nước mắt. Tôi biết vì sao tôi chọn bốn chữ Đoạn trường tân thanh để gọi tác phẩm Nguyễn Du thay vì một cái tên nào khác, Truyện Thuý Kiều, chẳng hạn. Đoạn trường tân thanh không là Truyện Thuý Kiều, không là một câu chuyện được kể ra với những cơ cấu, những kích thước, những ý hướng của nó như bất luận một nhà phê bình nào cũng có thể phát biểu diễn đạt như vậy. Không ai chỗi cãi trong Đoạn trường tân thanh có một câu chuyện (nhiều hơn cũng nên), một (nhiều) thảm kịch, ngoài ra những nhân vật, những cá tính, những tình tự v.v… tất cả được thắt chặt hay tháo gỡ tài tình, tất cả được “vẽ” nên, viết ra, dựng thành đời sống, nghĩa là cảnh nào ra cảnh ấy, ai ra nấy, đâu ra đó, không thể khác hơn, không thể thêm vào). Đọc bất cứ một bài phê bình nào về Đoạn trường tân thanh người ta cũng có thể bắt gặp những nhận xét những phán đoán tương tự trên đây, chúng chứng tỏ phê bình đã chọn con đường dễ dãi nhất, tất cả những gì chúng phát biểu không vượt ngoài những điều kiện tối thiểu và bắt buộc để một cuốn sách trở thành một tác phẩm, một người làm thơ trở thành một thi sĩ, một người viết văn trở thành một nhà văn. Tôi cho là thừa khi nói Nguyễn Du tả hình thù Từ Hải hay tâm lý Thuý Kiều quá đúng, quá tài tình cũng như khi nói Đoạn trường tân thanh là một tác phẩm vĩ đại và Nguyễn Du là một thiên tài. Tất cả đều thừa trừ phi người ta không còn cách nào khác để nhìn tác phẩm, nói về tác phẩm). – Nhưng Đoạn trường tân thanh không là một câu chuyện, không là một thảm kịch, không là nỗi gian truân của Thuý Kiều, không là sự “dọc ngang” của Từ Hải, không là tất cả những gì bao gồm trong nó. Nói một cách nào đó, Đoạn trường tân thanh bao gồm những gì mà nó phủ nhận hay phủ nhận chính những gì làm nên nó (bởi những yếu tố làm nên Đoạn trường tân thanh có thể đã không làm nên nó từ bản chất). Đoạn trường tân thanh, trong tư cách một tác phẩm, tự nó phải rũ bỏ, chối từ tất cả những dáng vẻ bề ngoài giả tạo, những gì có thể nhìn ngắm được, những gì đứng trơ trên mặt chữ, tất cả chỉ có thể đem lại thỏa mãn cho một tri thức hạn hẹp thường tình. Phải chăng đó là điều kiện nền tảng để tác phẩm có thể tìm gặp bản chất của nó, cái gì đang không ngừng lẩn trốn ở đàng sau những dáng vẻ bề ngoài, những hình thù chữ nghĩa. Đâu là bản chất, đâu là chân dung trung thực nhất, sâu thẳm nhất của tác phẩm? Câu hỏi không nhất thiết được trả lời tức thì. Nhưng câu hỏi nhất thiết phải được đặt ra. Bởi câu hỏi đương nhiên đặt con người đứng quay lưng trước những sự thật giả dối. Bởi với câu hỏi đó, nhà phê bình bắt đầu thấu rõ công việc của mình.

Với những ghi nhận ở trên, ta thử hỏi Đoạn trường tân thanh cho tới bây giờ đã đón chịu bao nhiêu ngộ nhận, đã tìm được thật sự bao nhiêu độc giả cho nó, đã được nhìn ngắm từ trong bản thể thẹn thùng của nó bao nhiêu lần. Hay thật ra nó vẫn đang trên đường tìm kiếm độc giả. Khi Đoạn trường tân thanh được “đọc” thật sự cũng là lúc người ta bắt đầu khôi phục Nguyễn Du, cũng là lúc tác phẩm Nguyễn Du đạt tới sự hoàn thành (một hoàn thành nào đó). Trong trường hợp người ta tiếp tục (với tất cả niềm tin hồn nhiên của mình), nhìn ở Đoạn trường tân thanh một câu chuyện hay một tấn kịch với những kích thước rắn chắc cố định của nó (mặc dù vấn nạn có thể đặt ra: “Truyện Thuý Kiều” đã hẳn là thảm kịch chưa? Người ta có thể đau lòng với “mười lăm năm ấy” của nàng Kiều. Nhưng đời người chỉ có thể bi thảm hay không, và thảm kịch thật sự chỉ có thể là thảm kịch của đời người của kiếp người của định mệnh toàn vẹn. Khi Nguyễn Du nói “xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”, ông không nói trong thảm kịch mà nói trên hay nói ngoài thảm kịch), tiếp tục nhìn ở đó tâm sự, nỗi lòng không phải của tác giả Nguyễn Du mà của đại thần Nguyễn Du luôn ray rứt tâm trạng hoài Lê, sự việc này: hậu quả tất nhiên của nhà phê bình chỉ căn cứ trên nội dung sơ đẳng của tác phẩm (mặc dù với lối loại suy nông cạn đó, người ta không còn cách nào tàn nhẫn hơn để “giết” một tác giả, một tác phẩm: Đoạn trường tân thanh chỉ còn là một phương tiện để tác giả biện minh thái độ chính trị của mình), tiếp tục lải nhải tranh luận về một Đoạn trường tân thanh có hay không một giá trị đạo đức (có hay không để làm gì? Những phạm trù đạo đức liệu có thể đem lại gì cho một tác phẩm?) v.v… thiết tưởng chừng đó Đoạn trường tân thanh hãy còn là một tác phẩm chưa thật sự đọc tới bao giờ. Và Đoạn trường tân thanh, những tiếng mới về một nỗi đau lòng cũ đó hãy còn là lời lẽ chưa xác định, không ngớt đòi hỏi sự xác định cho nó. Và Nguyễn Du vẫn tiếp tục gần gũi đồng thời xa cách muôn trùng.

  1. Không có bình luận
  1. No trackbacks yet.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: