Gà con và Bụt
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
(nguồn: Một Góc Phố)
1
Cô bé ngồi đong đưa hai chân trên một bờ thành thấp. Nơi này trước kia từng có một cái quán nước ế ẩm đã được dỡ đi, chỉ còn sót lại mảnh tường và một cái nền xi-măng loang lổ. Trông cô bé có vẻ nhàn hạ, nhưng thật ra đôi tay cô rất bận rộn. Cô đang làm những động tác thật nhanh nhẹn: đan len. Với hai que đan và một cuộn “chỉ cô-tông”, cô bé đan thoăn thoắt một mảnh hình thoi nhỏ màu hồng. Trong chiếc giỏ mây cô đặt nơi chân tường, những cuộn chỉ len, những cái mũ, những chiếc vớ bé xíu, xinh xắn đủ màu trông rất ngộ nghĩnh. Cô có vẻ chỉ chú ý vào công việc đơn điệu mình đang làm mà thôi. Nhưng không phải thế. Một tiếng chim biển kêu thoáng qua cũng làm cô hơi nghiêng đầu để lắng nghe, hoặc một người nào đó đi ngang cũng làm cho cô ngẩng lên nhìn chăm chú.
Biển thật êm. Buổi chiều như nhuộm cả một màu vàng mọi vật xung quanh. Biển vốn xanh nhưng cũng vàng theo với ánh mặt trời. Chiều nay gió không mạnh. Mặt biển gợn sóng lăn tăn. Cảnh biển bỗng như có một sức thu hút kỳ lạ đối với cô bé. Cô ngừng tay đan. Cô ngửi được mùi muối biển mằn mặn thấm vào mũi, có cả mùi rong biển ngai ngái giống như mùi của bát rau câu mẹ nấu. Cô lim dim mắt mơ màng như quên hết mọi chuyện, chỉ còn lại trong trí một vùng biển mênh mông…
Với một cái nghiêng mình nhẹ, cô bé vô ý làm cuộn chỉ len vuột ra khỏi nếp áo, lăn xuống chân bờ tường. Cô đứng vội xuống để nhặt, nhưng cuộn len sẵn đà lăn đi theo triền dốc. Cô chạy nhanh theo. Không kịp. Cuộn len lăn như một trái banh của bọn trẻ con gái chơi banh đũa. Cô vẫn cứ chạy theo nó, rồi cảm thấy ngộ ngộ, cô cất tiếng cười vang một mình.
Đến một lúc, cuộn len ngừng lại, vì nó va vào chân của một người. Cô bé cũng ngừng chạy, cúi xuống nhặt. Nhưng một bàn tay đã nhanh hơn, cầm cuộn len lên. Cô bé chưng hửng nhìn người đối diện. Một người đàn ông, cô chưa từng gặp bao giờ trên bãi biển này. Cô chưa kịp làm gì thì người ấy đã nói trước:
– Của cô hả?
Như cái máy, cô bé đáp:
– Dạ.
Người ấy đưa ngay cuộn len ra:
– Trả lại cô đây!.. Ồ, lấm cát hết rồi!
– Không sao ạ. Cháu cám ơn ông.
Một giọng cười trầm ấm vang lên:
– Tôi… già lắm sao?
Cô bé len lén đưa mắt nhìn, thấy người đàn ông này không già, chỉ trạc bằng chú út của mình, nhưng nét mặt dày dạn gió sương, dáng người rắn rỏi. Cô ấp úng:
– Dạ, không, nhưng… xin lỗi ông, ba má cháu dặn gặp người lạ phải gọi bằng ông hay bà.
Người ấy lại cười:
– Vậy ư? Không sao!.. Thế cô bao nhiêu tuổi?
– Dạ, cháu mười bảy tuổi ạ.
– Thế… cô có thường ra đây không?
– Dạ, chiều nào cháu cũng ra đây ngắm biển. Sao cháu không hề gặp ông?
– Tôi không ở vùng này. Tôi chỉ ghé đây trên đường đi công tác.
Cô bé không dám hỏi thêm, sợ người kia nghĩ mình tò mò. Cô lại len lén đưa mắt quan sát người ấy. Cô giật mình nhẹ. Ôi! Người có gương mặt giống như ông bụt. Không phải ông bụt người ta thờ trong chùa, đặt trên bàn thờ lộng lẫy trang nghiêm, mà là ông bụt thường hay hiện ra trong giấc mơ của cô bé. Một ông bụt hiền từ, lúc nào cũng cất giọng ôn tồn hỏi cô: “ Tại sao con khóc?”… Trong những giấc mơ ấy, cô bé như được thể, lại càng tấm tức nhiều hơn. Thế là ông bụt ngồi xuống một bên, chuyện trò an ủi cô, và lúc nào cũng cho cô một cái bánh hay cây kẹo ngọt trước khi bay đi. Những giấc mơ ngắn như thế vẫn thường xuyên đến với cô kể từ khi người cha thân yêu của cô đã tử trận. Cô vẫn thường rấm rứt trong màn, nhưng đến sáng thì mọi người lại thấy cô như một con họa mi luôn miệng hót vui.
Không hẹn mà hai người cùng đi về hướng đầu dốc. Đến nơi, cô bé thu gọn chiếc giỏ mây. Người ấy hỏi:
– Cô bé có những cái gì trong giỏ đẹp thế?
– Dạ đây là những cái mũ và vớ len, cháu đan xong đem đến tặng các bé trong cô nhi viện ạ.
– Giỏi vậy!
– Các bé rất dễ thương. Ông ơi, ông có muốn đến chơi với chúng nó không?
– Tôi muốn lắm, nhưng sợ không có thì giờ.
– Ông bận lắm hở ông?
– Ơ… vâng, tôi khá bận, tôi đi hoài.
– Ông làm gì hở ông?
Câu hỏi vô tình cô bé buông ra cũng được người ấy đáp lại rất tự nhiên:
– Tôi làm nghề phóng viên chiến trường, cô bé ạ!
Cô bé đứng khựng lại. Một nỗi gì thật xúc động òa đến. Cô nắm chặt quai chiếc giỏ mây.
Tiếng nói trầm ấm của người vẫn tiếp tục:
– Còn cô bé, chắc vẫn đang đi học?
– Dạ, cháu đang học lớp mười hai ạ!
– Tôi sẽ gọi tên cô bé là gì đây?
– Cháu tên Hoa, nhưng cháu có tên ở nhà gọi quen hơn, tên là Gà Con ạ.
– Tôi sẽ gọi cái tên ở nhà.
Cô bé xấu hổ cười:
– Tên ở nhà xấu lắm ạ.
– Tôi thích thế. Tôi cũng có một cái tên rất bình thường như tên Hoa nên cũng dễ bị quên. Vậy cô bé muốn gọi tôi là gì cũng được, miễn là cái tên mà cô bé thích.
Cô bé ngập ngừng:
– Vậy… cháu sẽ gọi ông là Bụt nhé!
– Hả???
Người đàn ông ngơ ngác, rồi cười vang:
– Sao lại thích tên Bụt? Tôi không muốn được người ta thờ đâu đấy!
– Nhưng cháu thích ạ!
– Tại sao thích?
– Ơ… để mai mốt cháu nói.
– Ồ, có mai mốt sao? Vậy thì mỗi ngày tôi đều phải ra đây rồi!
– Ông có muốn như vậy không?
– Có, có chứ! Nếu không phải đi đâu xa thì tôi sẽ ra .
– Ông hứa nhé!
– Hứa, thưa cô Gà Con.
– Cám ơn Bụt!
**
2
– Sao lại đặt tên là Gà Con?
– Vì lúc mẹ sinh ra, Gà Con chỉ nhỏ như cái nắm tay. Lớn lên Gà Con hay làm điệu, đi đâu cũng đội mũ hoặc che dù, sợ nắng ăn da. Bụt có biết bài hát “Hai chú gà con đi chơi với nhau, chú che cái dù chú đội mũ trên đầu” không?
– Biết chứ! Vậy sao lại gọi tôi là Bụt? Tôi không thích được người ta thờ lạy sì sụp đâu! Tính tôi hay đùa giỡn, làm sao nghiêm trang được?
– Bụt cứ là Bụt đi mà! Hễ ai có gương mặt hiền, làm những điều hiền và hay an ủi người ta… thì Gà Con gọi người đó là Bụt.
– Vậy Bụt tạm nhận. Vì Bụt không làm hại ai cả. Bụt cũng muốn mọi người xung quanh mình luôn được vui.
– Gà Con cũng vậy.
Gà Con và Bụt đã mặc nhiên trở thành hai người bạn trên bãi biển này. Mỗi chiều cô bé mang giỏ đan ra ngồi đan, còn Bụt thì đem cần câu để câu cá. Bụt hay ngồi trên ghềnh đá cheo leo đàng xa, nhưng khi thấy Gà Con thì Bụt cùng cô bé đi dọc theo những bờ cát mịn. Chuyện đâu mà không cạn, cứ râm ran cho đến khi mặt trời lặn hẳn mới thôi. Gà Con kể về những công việc học hành ở trường, chuyện cô đi dạy kèm trẻ em vài đêm trong tuần, chuyện đi đến chơi với các bé ở cô nhi viện, chuyện nhà của cô với người mẹ góa và các anh chị cô đã khá lớn, chuyện không nguôi về người cha chiến sĩ đã nằm xuống ba năm về trước… Bụt thì kể về những ngày tháng khi còn bé theo cha mẹ chạy giặc, khoảng thời gian đi học làm cậu thư sinh hiền lành, thời gian vào lính nhưng lại ra để rồi làm nghề vai mang ống kính quay phim, vai vác ba-lô như lính để đi làm phóng viên chiến trường. Bụt kể về những phút giây nghẹt thở khi cùng đồng đội băng rừng lội suối, chạm trán với địch quân, và bằng mọi giá quay cho được những thước phim sống để diễn tả cái gian nan bi hùng của đời lính. Bụt kể về những con người trên chiến trường, sống thật vô tư đơn giản, cười đùa như trẻ thơ, trung thành với đồng đội, và có khi ra đi trong thầm lặng. Và cứ thế, mỗi ngày, chuyện đâu mà không dứt. Và cứ thế, rất tự nhiên, Bụt cũng đã biết tại sao Gà Con lại thích gọi mình bằng Bụt. Bụt đã hiểu những giấc mơ thổn thức của Gà Con.
Biển có những lúc yên lặng không ngờ. Chắc là biển đã từng như thế nhưng Gà Con chưa để ý nhận xét. Cho đến khi có người bạn là Bụt bên cạnh, sau những khi trò chuyện râm ran, có những lúc cả hai không nói gì, Gà Con “nghe” được sự lặng yên của biển. Chừng như người bạn này cũng thấm được ý nghĩ của cô bé. Cả hai cùng “nghe” sự yên lặng ấy, thật thú vị.
Một hôm, Gà Con ra bờ biển như mọi ngày. Không thấy Bụt ngồi câu. Cô bé nhìn quanh, tìm kiếm. Đợi một lát không thấy Bụt, cô bé bắt đầu lo. Cô đi dọc theo bãi cát mịn, bỗng thấy Bụt nhô lên từ làn nước đang chuyển sang màu xanh thẫm. Bụt vẫy tay, gọi:
– Gà Con! Chờ chút, Bụt đến đây!
Gà Con cười rạng rỡ. Cô bé thắc mắc:
– Sao mọi ngày Bụt không tắm biển, hôm nay Bụt lại xuống đó?
Bụt làm ra vẻ bí mật:
– Đố Gà Con đấy!
Cô bé lắc đầu ra vẻ không hiểu. Bụt giải thích:
– Hôm nay người ta cho phép Bụt tắm biển, vì vết thương của Bụt đã lành.
– Vết thương?
– Phải. Bụt có một vết thương nhẹ trên vai, bữa nay mới hoàn toàn lành hẳn.
– Bụt bị thương hở Bụt? Vì sao?
Cô bé vừa hỏi vừa đưa mắt nhìn vết sẹo còn mới trên vai Bụt. Bụt nói:
– Bụt ra trận mà! Gà Con tưởng làm phóng viên thì không bị thương à? Bụt đã bị thương ba lần rồi. Nhưng số Bụt cao, nên Bụt không chết. Nếu chết… thì đâu có gặp Gà Con đây.
**
3
Và cũng vì vết thương đã lành hẳn, Bụt xin đi làm trở lại. “Đi làm”, có nghĩa là Bụt lại ra mặt trận. Bụt hẹn với Gà Con là sẽ gặp lại nhau sau một tuần, nhưng cũng có thể là lâu hơn, tùy theo nhu cầu. Gà Con vẫn ra biển mỗi chiều như thường lệ. Nhưng cái thường lệ đó đã không còn như trước. Từ bé, Gà Con đã gắn bó với biển như gắn bó với gia đình, với thành phố nhỏ này; đã cùng mẹ cha và các anh chị nô đùa trên bãi biển, tắm vui dưới làn nước xanh. Gà Con lớn lên cùng với biển. Dù biển bao nhiêu tuổi, đã có bao nhiêu ngàn năm trước Gà Con, cô bé vẫn có cảm giác biển là mình. Khi ba mất, cả nhà cũng thường ra biển. Và cô đã có một thói quen, dù không có ai, cô cũng đi một mình ra biển, mỗi ngày. Lâu dần, chơi một mình trên bãi biển đã là chuyện thường lệ. Nhưng bây giờ, hơn một tuần vắng Bụt đã làm cho cô bé thấy là lạ, không yên trong lòng. Bụt ở đâu? Bụt ra sao? Bụt làm gì? Ồ Bụt đi làm mà! Hãy yên tâm đi, Gà Con!
Buổi chiều đã hết, nắng sắp tắt. Gà Con thu xếp giỏ mây để đi về. Bỗng có tiếng gọi ở đàng xa:
– Gà Con!
Như là tiếng gọi của ba vậy! Gà Con quay về hướng đó. Cô bé phải nheo mắt vì tia nắng cuối ngày chói chang quá! Một người mặc quân phục đứng trước mặt cô. Như là ba vậy! Cô bé giật mình. Không, là Bụt mà! Gà Con ôm chầm lấy Bụt, như đang ôm ba mỗi bận ba đi hành quân về. Cảm giác ấm áp như cô bé đang vùi mình trong biển.
– Bụt đã về!
– Ừ, Gà Con!…
– Bụt đi làm có mệt không?
– Bụt mệt chứ! Nơi Bụt đến đã xảy ra giao tranh dữ dội.
– Bụt kể đi!
– Là vùng rừng núi, Gà Con ạ! Khi đoàn trực thăng của Bụt đến thì từ hai bên sườn núi những lằn đạn dữ dằn của địch bắn ra như đan lưới. Vừa nhảy xuống khỏi trực thăng, Bụt theo các anh quân nhân vội vã lăn xuống hầm ngay. Sau đó, khi tiếng súng dịu bớt, toán ký giả mới được di chuyển đến một căn hầm lớn để nghe thuyết trình cho chuyến đi sắp tới. Những ngày kế tiếp, Bụt tường thuật tại chỗ những diễn tiến trên mặt trận, sát cánh với các anh em quân nhân đang chiến đấu. Ăn uống thì có gạo sấy, bánh khô, đồ hộp khẩu phần của lính, rồi thì bi-đông nước… bọc trong một chiếc vớ dài, Gà Con có tưởng tượng được không?.. Khi rảnh tay một chút thì Bụt ngồi dưới hầm trú để viết bài. Bụt không ngủ được Gà Con ạ! Mệt mỏi và căng thẳng vô cùng.
– Bụt ơi! Bụt cũng cực khổ như lính vậy!
– Cũng là lính thôi!
– Ba của Gà Con cũng vậy. Ba… mất rồi Bụt ơi!…
Bụt ôm siết Gà Con trong tay. Bụt cảm nhận được nỗi niềm của người được chia xẻ.
Hai người đi xuống bãi biển. Có mấy người trên bãi nhìn “ông lính” một cách tò mò. Bụt cười:
– Bụt mặc cả đồ lính như thế này ra biển chắc buồn cười lắm hở Gà Con?
– Không đâu, vì ai cũng quen với lính mà!
– Đáng lẽ Bụt ghé trại tắm rửa thay quần áo, nhưng Bụt chỉ vội giao bài rồi đi ngay.
– Bụt vội đi đâu?
– Ra đây thôi! Vì… Bụt nhớ Gà Con lắm, Bụt muốn gặp Gà Con ngay.
– Vậy hở Bụt?
Bụt và Gà Con nhìn nhau cười. Hai người lại râm ran nói những câu chuyện vui vẻ. Một lát, Gà Con hỏi:
– Bụt ơi! Thế có bao giờ Bụt khóc vì sợ, hay vì buồn, hay vì nhớ một cái gì đó không Bụt?
– Không, Bụt là đàn ông con trai mà khóc cái gì!
– Thật hả Bụt?
– Thật. Thế còn Gà Con? Thôi, khỏi phải hỏi, Bụt cũng biết là Gà Con hay khóc.
– Thế … có bao giờ Bụt hối hận vì đã làm một việc gì không đúng?
Bụt hơi tròn đôi mắt rồi lắc đầu ngay:
– Không. Bụt chỉ có cái tính nghịch ngợm, nhưng Bụt làm cho vui chứ không hại ai, không làm ai buồn, không làm ai khóc. Này nhé: thuở còn nhỏ thì Bụt nhường anh, chìu em; đi học thì Bụt nhường bạn; ra chiến trường thì Bụt giúp đỡ đồng đội… Hết rồi! Bụt chưa thấy ân hận về một điều gì. À, nhưng chắc là cũng có đấy! Bụt là người, đâu phải là thần tiên. Để Bụt sẽ từ từ nhớ lại xem Bụt có làm cái gì để cho ai buồn không nhé!
– Dạ.
– Thế còn Gà Con thì sao?
– Có đấy Bụt ơi!
– Bụt không tin. Gà Con hiền lành ngoan ngoãn vậy mà làm gì ai buồn được.
Cô bé bẽn lẽn ấp úng:
– Chỉ có với Bụt là Gà Con nói thôi nhé! Bụt ơi, hồi còn bé, đi học mẫu giáo, Gà Con đã vô tình làm cho một nhỏ bạn khóc…
– Ồ, Bụt đang nghe đây! Tại sao?
– Giờ ra chơi Gà Con rủ nhỏ bạn đó chơi, bạn không chơi, ngồi tập viết. Đến khi nộp bài bạn lại được cô giáo cho ít điểm vì bạn viết chữ xấu, Gà Con đã trêu bạn “Lêu lêu mắc cỡ lỡ làng”, vậy là bạn tủi thân khóc to quá chừng. Không ai biết để rầy Gà Con nhưng từ đó đến giờ Gà Con cứ tự trách mình mãi.
– Vậy thôi hả? Còn chuyện gì làm Gà Con ân hận nữa không?
– Hết rồi!
Bụt cười thân ái:
– Trêu bạn là hư lắm! Nhưng nếu không tái phạm nữa thì đáng khen. Gà Con hãy tự tha thứ cho chính mình, để không còn ray rứt nữa. Nghe lời Bụt đi!
– Dạ.
– Nhưng này Gà Con, để Bụt sẽ cố nhớ lại…
– Bụt nhớ lại cái gì?
– Nhớ lại… Bụt đã có làm cái gì khiến ai buồn lòng không nhé! Nếu nhớ ra, Bụt cũng sẽ nói cho Gà Con nghe.
Một cánh chim hải âu bay vụt qua. Cả Bụt và Gà Con đều nhìn theo. Cánh chim nhỏ dần rồi như biến vào màu trời xanh thẫm. Gió thoảng thật nhẹ. Biển bắt đầu những giai điệu rì rầm, kể lể…
**
4
Bụt đã ra lại chiến trường. Gà Con mỗi chiều vẫn mang giỏ đan ra bãi biển ngồi đan những chiếc mũ, vớ cho các em nhỏ. Không khí mùa xuân dịu và ấm. Nắng không gắt. Nhưng có nhiều hôm như có nắng chiếu vào mắt làm khó chịu. Đó là cái gay gắt từ trong tâm đi ra, Gà Con cảm thấy được như vậy. Một sự trống vắng, ví như cái yên lặng lạ kỳ của biển lúc Bụt và Gà Con ngừng những câu chuyện râm ran.
Bẵng đi mấy hôm Gà Con không thể ra biển. Có những xáo trộn trong cuộc sống hàng ngày. Chiến tranh đã diễn ra ngay gần thành phố biển của cô bé. Nhiều người hàng xóm đã sắp xếp để di tản vào Sài Gòn. Gia đình của cô bé kẹt lại vì phút chót cảnh hoảng loạn đã xảy ra nên mấy mẹ con chỉ còn cách đóng cửa trốn trong nhà.
Bụt ra sao? Chiến trường không còn biên giới, đã lan tràn đến các thành phố. Trong những ngày mỏi mòn đó, cô bé chỉ còn gặp biển trong giấc mơ. Cô bé thấy mình đi lang thang trên bờ cát, một mình, không có Bụt. Cô nhìn như xuyên vào lòng biển thăm thẳm, cố tìm một chút gì là bóng dáng của Bụt. Nhưng không có, hoàn toàn vắng lặng. Cô cúi mình, gục trên bãi cát. Hình như nắng chói lòa trên đầu cô. Đôi mắt cô hoa lên, nhòa lệ. Và một giọng nói trầm ấm làm cô như tỉnh hẳn. Cô ngước nhìn lên. Bụt đứng trước mặt, hỏi “Sao Gà Con khóc?”, rồi Bụt đưa cho cô một cây dù, như một món quà thân quen. Khi Gà Con giương cây dù ra, thấy tán dù to bằng cả một bầu trời.
Rồi cả Bụt và tán dù đều tan biến vào luồng hơi nóng lung linh trên cát…
Và cũng đến một ngày mọi người mở cửa để đi ra đường. Một quang cảnh ngổn ngang hỗn loạn. Gà Con ngơ ngác đi trên những đường phố đầy những bộ quân phục, nón sắt, giầy “xô” … vương vãi khắp nơi. Cô bé choáng váng. Cô chạy ra bãi biển. Không có bóng dáng quen thuộc của Bụt. Cô đứng sững bên bờ tường thấp.
Một trái banh lăn đến, dừng lại vì vướng phải chân cô. Cô quay lại nhìn. Một em bé trai mặt mũi lấm lem đang đứng nhìn cô. Em bé cúi xuống toan lượm trái banh, nhưng cô đã nhanh tay hơn, nhặt lấy trái banh đưa cho em bé. Em bé cám ơn rồi chạy đi. Cô ngơ ngác một thoáng, rồi cô chạy vội dọc theo bờ cát mịn, chạy đến khúc có ghềnh đá cheo leo. Không có Bụt ngồi câu cá ở đó.
**
5
Khi chiếc máy bay trực thăng bay lên cao, Bụt nhìn xuống những ruộng đồng, nhà cửa, đường sá. Tất cả nhỏ dần… Rồi hiện ra như một mảng lụa lớn màu xanh, là biển. Bấy giờ Bụt biết Bụt đang xa rời tất cả những gì quen thuộc nhất. Một mặt trận đang bốc lửa bỗng khựng lại như một cuộn phim bị đứt đoạn bất ngờ. Bụt như người đang đóng vai trong cuộn phim ấy, bỗng chuyển qua một vị thế khác. Cả một nhóm người đang cùng sát cánh với nhau trên trận mạc bỗng chỉ có một khoảng thời gian rất ngắn để quyết định và chỉ còn kịp leo lên chiếc trực thăng đang chờ. Tất cả đã chấm dứt. Tất cả quyết định đều giống nhau: Ra đi!!! Bụt vẫn như bao lần, là người cuối cùng leo lên máy bay.
Những gương mặt mệt mỏi và thất vọng. Những đôi mắt trũng sâu vì đã qua nhiều đêm không ngủ. Tất cả đó là những gì còn lại nơi đây. Bụt nghe con người mình khô cứng như cạn hết sức sống. Không ai nói với ai một lời nào.
Bỗng nhiên, trong tiếng động cơ đều đều của máy bay, Bụt như “nghe” được một sự yên lặng. Bụt nhìn xuống. Dưới tầm mắt, là sự yên lặng của biển. Một nỗi gì rất thảng thốt chợt bùng lên trong trí óc cứng đờ. Bụt nhoài người nhìn thật kỹ mảng màu xanh quen thuộc ấy. Và kìa, bờ cát vàng nhạt cũng lờ mờ hiện ra, thực thực hư hư. Một cô bé mảnh khảnh, xinh xắn đang đi một mình trên cát. Bụt hoảng hốt. Gà Con! Ôi Gà Con bé nhỏ! Nhưng Gà Con đang giương cây dù nhỏ trên tay. Tán dù to bằng cả một bầu trời, đã che hết hình bóng của cô bé.
Biển không còn là bên dưới, mà dạt dào chảy những âm điệu yêu thương trong lòng của Bụt. Gà Con ơi! Bụt chưa hề khóc bao giờ. Bụt là đàn ông con trai mà! Nhưng cái gì dâng trào trong mắt Bụt đây? Phải là nước mắt không? Bụt đang thấy bùng lên một ước muốn mãnh liệt: được thêm một lần vùi mình trong vùng nước biển quen thuộc kia. Bụt đang rời bỏ mảnh quê hương tan tác mà ra đi. Và Gà Con ơi! Bụt sẽ nói với Gà Con, nhưng chỉ là cho mình nghe, rằng trong đời Bụt, có một điều mà Bụt sẽ luôn bắt mình ray rứt, đó là: Bụt đã xa rời Gà Con…
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
2009
Còm