Chưa Một Lần Trở Lại
Chưa Một Lần Trở Lại
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
**
Năm 1972.
Không phải đây là lần đầu tiên mình được thấy cảnh đồng quê. Đồng quê miền Nam hầu như đâu đâu cũng giống nhau. Nhưng có đi nhiều mới thấy mỗi nơi có một chút khác. Phải thế không? Hay chính là cảm giác của mình mỗi lần một khác?
Trên đường đi, hầu như ở đâu cũng thấy ruộng. Đến những xóm nhà dân thì ruộng được thay thế bằng những sân phơi thóc. Thóc phơi trước nhà, nhiều đến nỗi phơi lấn lên mặt đường. Thóc phơi ở sân bên hông nhà. Và chắc chắn là có cả ở sân sau. Con gái thị thành, về quê thấy cái gì cũng lạ, lạ từ cây cầu tre lắt lẻo cho đến vườn chuối, ao bèo. Nhưng rồi thấy quen thuộc. Tất cả ẩn hiện trên đường đi. Và khi xe dừng trước ngõ xóm, đi vào khu dân cư, thì quang cảnh lạ hơn một chút.
Đến Gò Công rồi đi xe lam vào Đồng Nguơn. Ấp Đồng Nguơn.
Lính đóng trước nhà dân. Anh tôi đó!
Buổi chiều. Chúng tôi ra xem sân phơi thóc. Đó là một khoảng sân rất rộng tráng xi-măng sạch sẽ. Có mùi thơm thoảng nhẹ. Tôi nghĩ “mùi thóc lúa”, rồi thầm chế nhạo mình dân thị thành ít biết về chuyện thôn quê. Kể từ khi anh ra trường Thủ Đức, chị thỉnh thoảng đi thăm anh như thế. Lần này tôi xin tháp tùng đi theo. Anh đi nhiều nơi ở miền Nam. Có lúc chị thăm anh tận tiền đồn, nhưng cũng có lúc thăm tại nhà dân, nơi đoàn quân trú đóng chờ di chuyển. Lần này là Đồng Nguơn, một cái tên tôi chưa một lần nghe đến, dù là trong bài học Sử Địa. Lệnh cấp trên cho phép người nhà đến thăm. Và thế là tôi đã biết Đồng Nguơn.
Trời gần tối. Bà chủ nhà đang lui cui sau chái bếp chuẩn bị đãi chúng tôi bữa cơm chiều. Tôi trố mắt ngạc nhiên, khi nhìn thấy bên trong nhà là nền đất, trái ngược hẳn với sân xi-măng láng bóng sạch sẽ phơi thóc ngoài kia. Anh hiểu ý, giải thích:
– Ở đây nhà nào cũng vậy, họ coi trọng cái sân phơi thóc, nên tráng xi-măng kỹ lắm! Còn trong nhà thì đa số rất đơn sơ.
Hai chị em được bà chủ nhà cho ngủ trên bộ ván cao. Anh và những người lính giăng lều ngủ ngoài sân.
Đèn dầu thắp tù mù. Muỗi bay vo ve bên tai. Mọi người vào mùng sớm.
**
Mới đâu khoảng bốn giờ sáng. Chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng lao xao người ta nói chuyện bên ngoài. Bà chủ nhà cũng thức giấc, lắng tai nghe.
Anh đến bên bộ ván, nói khẽ:
– Anh phải đi.
Chị ngồi ngay dậy:
– Anh đi sao?
– Có lệnh hành quân.
…Toán quân đã đi. Nhanh gọn như khi họ đến. Bà chủ nhà không ngủ lại được, ra sau bếp nhóm lửa. Chúng tôi cũng thức luôn. Gian nhà trở nên thênh thang.
Trời sáng tỏ. Chúng tôi lại ra sân sau. Đứng trong sân phơi thóc, mới thấy rõ tấm lòng trân trọng của người dân thôn quê đối với “hạt ngọc trời cho”. Họ đã dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho việc trồng, gặt, phơi lúa. Cảnh yên bình là thế. Bỗng đâu có vài tiếng nổ vang lên rời rạc. Chúng tôi lắng nghe, nhìn nhau, ngầm nói qua ánh mắt: không phải pháo, mà là tiếng súng.
Tôi như người ngủ chưa đủ giấc, cùng chị ra phố chợ. Kịp thấy các bạn học sinh áo trắng tinh, chân còn ướt vì vừa băng qua ruộng. Băng qua ruộng, rửa chân trong mương nước, buông ống quần xuống, thế là tươm tất ngay.
Vào “pharmacie” ở phố chợ mua vỉ thuốc nhức đầu cho chị uống trước khi về. Chúng tôi ngồi nơi băng ghế chờ để nghỉ một chút trước khi ra bến phà Mỹ Lợi. Một người phụ nữ đến trước cửa tiệm, bỏ đôi dép lấm đầy bùn đất trước thềm, đi chân không vào mua thuốc. Tôi chợt nhìn xuống thấy mình còn mang giày, phản xạ tự nhiên thôi, và nghe một cảm giác lạ kỳ. Người phụ nữ lấy thuốc xong, đi ra tỉnh bơ, bỏ đôi dép lại đó. Đi được dăm bước, chị ấy quay vòng lại, xỏ chân vào đôi dép, cười lỏn lẻn. Mọi người cười với chị. Chị đã quen đi chân không.
**
Từ đó tôi chưa một lần về thăm lại Đồng Nguơn. Tôi nhớ Đồng Nguơn và có đem địa danh này vào một trong những truyện dài của mình: “Người Khắc Bia Mộ” (1). Chiến tranh đã lan nhanh khắp nơi. Tuổi sinh viên, viết văn, văn cũng nhuốm màu chiến tranh trong đó.
Và tôi cũng không có dịp về lại Đồng Nguơn. Cũng như anh. Bởi ba năm sau anh phải vào “trại tù cải tạo”. Ra tù, anh về cao nguyên, quê nhà của anh. Nơi đó, anh đau lòng vì thấy cha mẹ bị đọa đày.
Anh cũng oán hận Sài Gòn vì đó là nơi lần đầu tiên anh thấy màu cờ xanh đỏ nghênh ngang bay lượn. Màu cờ làm anh muốn chết ngất. Anh đấm mạnh nắm tay vào cột gỗ. Máu chảy. Anh để dòng nước mắt uất hận chảy tuôn. Anh ước gì mình đã ở lại chốn ruộng đồng, chết theo chiến hữu.
Anh vẫn hoài mơ về miền đồng ruộng. Vì đời lính của anh gắn liền với miền đồng ruộng.
**
Sống và đi nhiều nơi. Nơi đâu có tình là tôi có nhớ. Nhưng cái nơi mình biết về nó ít nhất, mình lại nhớ một cách ray rứt, như đứa bé sớm xa mẹ chưa biết thế nào là tận hưởng bầu sữa thơm.
Sau này tôi vẫn luôn tự hỏi Đồng Nguơn bây giờ ra sao. Tôi như kẻ ngô nghê tìm trên internet để biết thêm về nó đôi điều… Không có. Cái tên không có. Ngay cả khi tôi đánh máy “Nguơn” thành “Ngươn” cho giống cách viết sai của nhiều người, cũng không có.
Nước cũng mất, huống gì một cái tên ấp, xã, huyện. Tôi tự an ủi. Đôi khi cũng gặp trong vài bài thơ bạn bè chuyền cho nhau. Nhưng Đồng Nguơn đó không giống như Đồng Nguơn mà tôi đã biết, đã sống một đêm trong hơi thở của chiến tranh.
**
Anh tôi vẫn hoài mơ về miền đồng ruộng. Vì đời lính của anh gắn liền với miền đồng ruộng.
Tôi viết truyện ngắn “Cây Mai Của Đồng Nguơn” (2). Tôi mong muốn anh chị sống cuộc đời sau chiến tranh an bình và hạnh phúc.
Cây mai Đồng Nguơn của Cam Li nở hoa vì Cam Li muốn nó nở hoa.
Nhưng sự việc đã xảy ra trong đời thực nhiều khi xót xa hơn trong tiểu thuyết.
Anh chết cô đơn nơi rẫy dưới chân đèo. Trái tim của anh tự vò xé rồi ngừng đập.
**
Tôi vẫn đi tìm quê hương trong trí nhớ mù khơi.
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
2015
(1)”Người Khắc Bia Mộ”, Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh, Tủ Sách Tuổi Hoa xuất bản năm 1973
(2)“Cây Mai Của Đồng Nguơn”, Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh, Thư Quán Bản Thảo số 50, Xuân Nhâm Thìn 2012
Nguồn: TQBT 64 (tháng 5-2015)
Còm