Giống Như Một Ngày Tựu Trường
Truyện ngắn
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
.
Hôm nay giống như một ngày tựu trường. Đơn giản, vắng một thời gian không ngồi ở lớp học, nay trở lại, thế là tựu trường. Ngày còn bé, mỗi lần nghỉ hè xong, lên lớp mới, trong lòng vừa hồi hộp vừa vui sướng. Có bao nhiêu chuyện để dành chờ gặp bạn là kể tíu tít. Nhưng bên cạnh đó là nỗi lo khi sắp gặp các thầy cô mới… Mỗi năm đều có ngày tựu trường như vậy, nói chung là khá giống nhau, trong đời học sinh.
Nhưng cái ngày tựu trường này thật quá khác. Người ta nhìn nhau không dám cười, không dám chào hỏi. Sự e dè này, dường như mỗi người đã được tập luyện qua một năm. Một năm “học chính trị” trong cái gọi là hội trường mà tiền thân là cái rạp hát. Đoan tự hỏi một năm đó có làm mình biến đổi không. Mà nếu có, chắc mình cũng không thể nhận ra. Một năm cũng là thời gian để mọi người tập quen với cảnh thảo luận theo tổ, nhóm. “Tổ trưởng” bao giờ cũng là một người “rất cách mạng,” ít ra là trong cái nhìn của chính họ. Và bao giờ họ cũng tự nhắc và nhắc với người khác là họ hơn hẳn những người kia một cái đầu.
Đoan thấy nao nao khi biết rằng đây là buổi đầu cho lớp lý thuyết về Hóa Học. Không biết rồi mình sẽ gặp lại một trong số các thầy cũ hay không? Nhìn quanh, cũng có nhiều bạn chào nhau bằng cách gật đầu nhè nhẹ. Và mọi người cũng không phải chờ lâu. Một người thầy mới đang bước lên bục giảng.
Hình như có một thứ âm thanh nào nghe như những tiếng thở ra, cùng một lúc. Người thầy tự giới thiệu rồi bắt đầu bài giảng ngay. Một bài Hóa Học căn bản! Đoan nhìn qua người bạn bên cạnh. Chị này cũng tròn mắt nhìn lại Đoan. Hai ánh mắt cùng ngầm nói: “Mình đang bước vào lớp Sáu trung học?”
Ông thầy, áo sơ mi ngắn tay, mang đôi dép nhựa cũ, đọc tên hóa chất:
“Na tờ ri cờ lo rua”
“Na tờ ri ni tờ rít”
“Chất ma-giê.”
Bỗng dưng cả lớp cười ồ lên, không nén được. Bất lịch sự quá! Học trò gì kỳ vậy? Những câu tự trách ngầm lướt qua ánh mắt. Ông thầy khựng lại vì tiếng cười ấy, luống cuống. Nhưng rồi ông lại tiếp tục giảng, đọc, và ghi lên bảng. Những tiếng “Ồ” đồng loạt tạo thành tiếng sóng lao xao. À ra thế! Chữ đầu là NaCl, chữ thứ nhì là NaNO2, chữ thứ ba là “Mg” (Magnesium) vậy mà không ai hiểu. Lại cười! Nhiều bạn lắc đầu chán nản.
**
Hết giờ trong giảng đường, Đoan đi đến Phòng thực tập Ký Sinh Trùng. Lòng bồi hồi khi thấy lại nơi thân quen của mình. Đã lâu không vào đó. Những buổi trưa yên vắng, sau giờ học ở giảng đường, Đoan cùng Mỹ ở lại làm việc phụ Thầy Tính trong này. Hai đứa cắm cúi vẽ, hoặc chuẩn bị tiêu bản để đến buổi chiều Thầy dạy nhóm sinh viên đàn em của mình. Đoan rảo bước nhanh. Đến trước cửa phòng thực tập đóng kín, Đoan đứng lại, tưởng tượng khi bước vào sẽ gặp Thầy Tính. Ông sẵn sàng giao ngay công việc cho Đoan. Rồi bỗng nhớ lại câu nói của ông làm Đoan choáng váng trong cái ngày mọi người xao xác hoang mang ấy:
“Tôi là V.C. đây? Chị nghĩ sao? Chị có sợ không?”
“Dạ thưa Thầy, nếu V.C. mà giống như Thầy, thì… con không sợ ạ!”
Lúc đó, Đoan tự hỏi mình có nói thật lòng không, hay là mình nói cho cứng rắn như vậy để bớt sợ? Lại nghĩ về cái sợ, Đoan nghe như Thầy Tính đang nói:
“Không có gì phải sợ cả. Chị còn trẻ, chưa biết nhiều về thời cuộc. Tôi tin rằng chị sẽ sớm hòa nhập vào cuộc sống mới.”
Đã một năm trôi qua, Đoan thấy khá rõ cuộc sống mới đó. Mỗi một cảnh đời đều thay đổi, có khi đảo ngược. Bên cạnh cái thực tế mọi người thấy hàng ngày hàng giờ, là những buổi ngồi cứng trong rạp hát, học chính trị. Một năm không hề động tay đến sách vở. Đoan không hiểu sao mình cũng có thể ngồi cứng, thẳng tưng như tượng để ghi ghi chép chép. Làm sao khác hơn? Ai cũng nghĩ rằng thôi thì chịu đựng, sau một năm sẽ được đi học chuyên môn trở lại. Phải chăng nỗi chờ nào cũng giống nhau? Như những người chờ trong tù “cải tạo” để thấy le lói một tia nắng tự do? Hết năm nay, và chờ đến bao năm? Chưa ai biết!
Đoan lan man nghĩ ngợi, hầu như quên mất động tác quen thuộc là mở cửa. Nơi đây giống như nhà của mình. Nhưng cánh cửa đã bật mở. Một người trông quen quen xuất hiện. Là anh sinh viên học trên Đoan một lớp, đã ra trường. Đoan nhớ ra, chào anh. Anh Hân. Đoan hỏi Thầy Tính. Anh nói Thầy Tính không có ở đây. Đoan thắc mắc:
“Anh Hân…”
“Tôi làm ở đây, thay Thầy Tính.”
“Thầy Tính… xin nghỉ hở anh?”
“Ồ, không, thầy Tính đi mất rồi!”
“Sao anh? Thầy Tính đi đâu ạ?”
Anh Hân nhìn quanh, nói nhỏ:
“Nghe nói thầy ấy vượt biên.”
Đoan đưa bàn tay lên miệng như để ngăn tiếng kinh ngạc. Nhìn vẻ mặt của Đoan, anh Hân thở dài:
“Tôi cũng không ngờ. Thầy ấy xưng mình là cách mạng, hiến nhà, hiến xe, cuối cùng… đi mất.”
Đoan nghe lùng bùng trong tai, như tiếng của Thầy Tính:
“Chị hãy nhớ một điều: sống trong chế độ này, chỉ cần mình yêu nước, yêu dân tộc là đủ.”
“Thế hở Thầy? Thế Thầy có yêu nước không ạ?” Đoan nghe mình hỏi như vậy, rồi tự trả lời:
“Những gì Thầy nói là không thật lòng, thưa Thầy!”
Rồi quay sang anh Hân:
“Vậy anh Hân thay Thầy Tính?”
“Vâng, nhà trường mời tôi làm, chỉ để tạm tiếp nối công việc, cho các lớp thực tập bắt đầu, chờ cho có người ngoài Bắc vô làm trưởng labo thật sự. Mà này, chắc Đoan đã biết là các “monitrice” không còn được tiếp tục làm nữa?”
Đoan ngơ ngác:
“Sao ạ?”
“Đoan và những bạn làm phụ trong các labo phải nghỉ, trường sẽ tuyển các sinh viên mới.”
“Ô, em hiểu.”
Đoan chào anh Hân, không muốn nói thêm nhiều với anh. Anh Hân cũng là một người “mới nổi” sau này, trông có vẻ hiền lành nhưng khó hiểu.
**
Người ta có thể làm màu làm mè khi huênh hoang trong đám đông, nhưng không thể giả dối lúc tận tụy làm việc một mình. Mà thầy Tính đã từng như thế, lặng lẽ.
Đoan đứng im trong hành lang vắng trước thư viện. Nắng đã chan hòa khắp sân trường. Nhưng một khoảng tối đang ùa vào tâm trí. Trong khoảng tối ấy, những gương mặt thiếu vắng đang hiện ra. Từ sáng giờ không thấy Mỹ. Lúc ở trong giảng đường Đoan không nghĩ tới Mỹ, có lẽ vì không mong gặp bạn ấy, vì Đoan đã chọn lánh xa dần người từng “động viên” Đoan viết lại. Nhưng khi đến phòng thực tập mà không gặp Mỹ thì rõ là chuyện hơi lạ, vì Mỹ cũng như Đoan, là hai “monitrice” làm việc cùng nhau giúp Thầy Tính. Mỹ cũng siêng năng như Đoan, lẽ nào Mỹ không trở lại để mong tiếp tục công việc?
Và, ôi Phước Hương kìa! Anh đã trở lại.
“Chào Đoan.”
“Chào anh Phước Hương. Anh… đã về trường? Anh không…”
“Phải. Tôi về thăm trường. Tôi đã xin nhập ngũ ngay vào những ngày cuối, Đoan cũng biết rồi đó, nhưng ý định này không thành. Sau đó tôi phải về quê giúp gia đình. Đoan khỏe chứ?”
“Dạ Đoan khỏe. Rồi… anh có đi học tiếp không?”
“Tôi không biết nữa. Bây giờ tôi phải lo sinh kế. Vả lại, tôi thiếu một năm học chính trị, chắc họ không cho học lại đâu!”
“Anh liên lạc với họ coi sao, chắc họ sẽ…”
Phước Hương cười:
“Họ sẽ mở lớp đặc biệt cho tôi học? Tôi không nghĩ thế. Thôi không sao đâu! Nhiều người đã bỏ học, vì cuộc sống khó khăn, hoặc vì bi quan chán nản.”
“Anh có bi quan không?”
“Có một chút. Nhưng mình còn trẻ, cứ sống đi! Và sống thế nào thì chưa nói chắc chắn được.”
Phước Hương chợt nhớ ra một điều, hỏi nhỏ:
“Đoan có nghe tin của Mỹ?”
“Dạ không. Sáng nay không gặp Mỹ ở labo, Đoan cũng thắc mắc.”
“Tôi chỉ nghe qua một chị bạn, chị này biết gia đình của Mỹ. Chị ấy nói Mỹ cùng chồng và đứa con trai nhỏ vượt biên rồi, không biết đã đi thoát chưa.”
Đoan im lặng.
“Ngạc nhiên hở Đoan? Tôi nghe nói Mỹ rất gọi là “nhiệt tình cách mạng” phải không Đoan?”
“Dạ…”
“Thôi, dù sao thì… mình cũng cứ sống đi! Chúc Đoan may mắn. Phần tôi, nếu có thể, tôi sẽ xin học lại.”
“Dạ. Đoan mong gặp lại anh.”
Cuộc gặp ngắn ngủi với Phước Hương khiến Đoan thấy nhẹ lòng. Ít ra cũng có một chút gì thân quen đột nhiên xuất hiện. “Cứ sống đi!” Phước Hương nói thế. Đoan vào thư viện. Những bàn ghế vắng người. Đâu đây như có bóng dáng của Phước Hương lúc trưng bày tranh anh vẽ trong một cuộc triển lãm. Đâu đây như có Xuân và Mỹ cùng ngồi học chung với Đoan, ôn bài mỗi ngày. Xuân đã vắng từ những ngày đầu. Nay Mỹ cũng đi rồi. Bộ ba Bắc Trung Nam của trường đấy!
Đoan mỉm cười, vui vẻ lẫn chua chát, khi bàn tay không cố ý mở quyển vở ra, viết vào đầu trang còn để trắng bóc từ sáng đến giờ:
“Hôm nay ngày tựu trường. Na tờ ri ni tờ rít.”
Tháng Chín, 2019
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Còm