Anh Danh
.
Kính mến tặng Chị Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh.
**
.
Như nhiều đứa trẻ con khác, hồi nhỏ tôi có thú vui đọc sách. Nó vui ngang với những trò chơi đồ hàng mà chủ yếu là nói chuyện một mình. Sách mở ra cho trẻ con một thế giới bao la và thú vị. Thế giới đó được dẫn dắt dưới bàn tay tài tình của tác giả. Chơi đồ hàng cũng vui nhưng theo cách thức khác. Vui là vì mình được “đụng chạm” đến nhân vật, tha hồ “diễn tả” những gì đã đọc lên các nhân vật tưởng tượng.
Trong số các sách làm tôi vui thú, tác phẩm của Chị Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh được xếp vào loại dành để “đọc nghiền ngẫm”. Ngay từ bé, đúng hơn là từ khi biết chữ, tôi đã là một “độc giả tí hon” chăm chỉ và cần mẫn của Chị.
Khi đọc văn Chị Cam Li, tôi “bắt gặp” anh Danh, một nhân vật đặc biệt xuất hiện trong nhiều tác phẩm, để rồi từ khi nào không rõ, tôi đã “pha trộn” các anh Danh vào với nhau. Anh Danh trở nên thân quen tới độ khi nói đến “sách Tuổi Hoa” của Chị thì lòng nghĩ ngay đến nhân vật này.
Không dám làm một bài bình luận về nhân vật anh Danh trong tác phẩm của Chị Cam Li, tôi chỉ xin nêu lên một vài cảm nghĩ và những mẩu ký ức vụn vặt, nhỏ nhoi của đứa bé ngày xưa. Dù đã cố gắng, nó cũng chỉ tạo nên một bức tranh ghép vụng về nhiều khiếm khuyết và rất cần sự lượng thứ của Nhà Văn.
*
Trước hết là vì “Những Thiên Thần Bằng Sành” (*). Hình ảnh đầu tiên của anh Danh trong ký ức tôi là một anh Danh của Bé Thơ, gần gũi với trẻ con, biết nặn thiên thần bằng đất sét và biết đạp xe chở em đi học. Cái thời mà đứa trẻ con tôi hay nghịch ngợm bắt lén những thiên thần nhỏ xíu bằng ngón tay trên cây thông Nô-en của bà nội để chơi đồ hàng, rồi hậu đậu đánh rơi, làm thiên thần bị thương, gãy cánh gãy cổ. Tôi đem những thiên thần bị “chết” ra chôn sau vườn, lòng thầm ước giá mà được Bé Thơ chia cho vài thiên thần cũng đủ vui.
Thiên thần bị thương, thiên thần chết. Tôi quay sang chơi với những món đồ gốm của trường mỹ thuật, lòng vẫn hướng về cái lò gốm nơi anh Danh khom người nhặt đất sét.
Nhà tôi ở gần một trường mỹ thuật. Danh xưng là mỹ thuật nhưng nhà trường chỉ dạy mỹ thuật trang trí. Hàng năm vào dịp cận tết, người ta hay bày bán các sản phẩm đồ gốm của sinh viên nhà trường. Trong cái tiết trời se lạnh và cảm giác rộn rã mong chờ ngày tết, bọn con nít chúng tôi vui mắt với gian hàng dễ thương bày ra trên vỉa hè ngay trước cổng trường. Đó là các “tác phẩm” của sinh viên nhà trường: từ những bình cắm hoa đủ hình dạng, màu sắc, kích thước cho đến những con heo đất để trẻ con đựng tiền tiết kiệm. Heo đất ở đây là tên gọi chung, vì ngoài heo người ta còn làm nhiều con khác như chó, mèo, gà, vịt… những con vật gần gũi với trẻ em. Con nào cũng có cái khe nhỏ trên lưng để lũ nhóc bỏ tiền tiết kiệm. Ngày còn bé, lũ trẻ con chúng tôi thường được chị cả dẫn đến đây xem và mua cho những con mèo đất, gà đất, heo đất. Phần tôi năm nào cũng được một con ngựa đất. Gọi là “đất” nghe cho xuôi tai với cái từ “heo đất”, chứ nói cho công bằng thì chúng được làm từ đất sét trắng và “trang trí” tỉ mỉ với các hoa văn. Mỗi món là một tác phẩm độc đáo của từng sinh viên, từ ý tưởng cho đến cách thực hiện, không cái nào giống nhau, độc nhất vô nhị. Ngắm đồ gốm của trường mỹ thuật, người xem có cảm giác các tác giả đã dành hết tâm trí khi tạo ra những đồ vật dễ thương này.
.
.
*
Hay là chính anh Danh cũng mang dáng dấp trẻ thơ trong bộ dạng của người lớn, vẫn khắc khoải nhớ về trường lớp cả khi khoác bộ đồ lính – một người lớn mang tâm tư của trẻ thơ, một trẻ thơ làm công việc của người lớn (**). Anh Danh – bị định mệnh khắc nghiệt quật ngã nhưng không tuyệt vọng, đã vươn lên như đám cúc dại sau cơn mưa. Những tự sự của nhân vật My được tác giả xếp xuôi thành từng phiên khúc, làm thành “Phiên Khúc Ngày Mưa” (*). Cái tùy bút này làm người đọc có cảm giác buồn buồn, ray rứt về số phận anh Danh – y như là có một anh Danh mang thân phận như thế, ngoài đời. Nhưng như một liều thuốc giải – dù chỉ là ngẫu nhiên – mấy mươi năm rồi, tôi vẫn nhớ bài “Phiên Khúc Ngày Mưa” nằm ở trang đầu tiên của cuốn báo Tuổi Hoa, được in bằng mực màu xanh lá cây – màu của niềm hy vọng.
Hình ảnh anh Danh phác họa bóng dáng chú út, người mà tôi chưa kịp nhớ mặt. Không như anh Danh – Thiên thần Mũ Đỏ đã rơi, một số phận bình yên hơn đã dành sẵn cho chú: Chú trở về nhà trong cỗ quan tài kẽm phủ cờ vàng vào một chiều 29 Tết. Chiếc xe nhà binh sịch trước cổng làm nghẹn miếng cơm dở dang của bà nội tôi.
*
Tôi cũng bắt gặp một anh Danh thương phế binh đang mong ngày trở lại trường lớp:
… Chị Huyên có biết là lúc này tôi đang yêu đời và phấn chấn đến mức độ nào không? Xin trả lời ngay là: hơn khi nào hết.
… Tuổi học trò đã sống dậy nơi tôi. Vui mừng này, tôi không biết phải nói cho ai, ngoài chị…
Nhưng định mệnh một lần nữa không mỉm cười với anh. Đọc “Trong Những Bức Thư của Danh” (*), người ta thấy ngày tháng gần sát với thời điểm lịch sử. Ngày ấy như một cơn sóng thần hung hãn đổ xuống đầu người dân miền nam, đặc biệt là những “anh Danh thương phế binh”. Tuổi Hoa số 233 (phát hành ngày 01 tháng Tư 1975) – đăng bài này – cũng là số báo cuối cùng.
Tuổi Hoa chết, như tất cả sách báo khác thời ấy. Tôi cứ mãi băn khoăn, tự hỏi: Anh Danh bây giờ làm gì, ở đâu, có còn giữ được liên lạc với Hạ Huyên? Ai sẽ nâng đỡ, khích lệ những khi anh Danh chán nản, thất vọng?
*
Sau ngày “giải phóng” miền nam, cả nước như rơi vào địa ngục của sự tăm tối và dốt nát vì nạn nghèo đói và thất học. Không quá lời khi nói rằng thế hệ chúng tôi là một thế hệ thất học. Sách vở bị “nhà nước” đốt, số ít ỏi còn lại cũng bị mất mát gần hết. Bạn bè quanh tôi phần lớn phải bỏ học để phụ giúp gia đình, dù còn đang dở dang tiểu học. Tôi sáng đeo khăn quàng đỏ đến trường ngồi nghe những lời dối trá nhiều hơn sự thật, chiều cầm cuốc đến chai tay để “lao động xã hội chủ nghĩa”, thế nhưng ban tối nằm ngủ vẫn không quên ôm theo “con ngựa đất”. Người ta đã cố gắng nhưng không thể nhuộm đỏ một đứa trẻ con, cũng như không thể tước bỏ văn của Chị Cam Li ra khỏi đầu tôi. Bao nhiêu năm qua, từ những ngày học mẫu giáo, làm quen với văn của Chị trong Tuổi Hoa cho đến nay, cảm xúc trong tôi vẫn nguyên vẹn.
Thời gian hơn ba mươi năm im lặng của tác giả không làm tôi thôi nhớ đến nhân vật anh Danh. Bước ra ngoài trang sách, tôi nhìn thấy bóng dáng anh Danh phảng phất nơi các “nghệ sĩ đường phố” đang nhọc nhằn cuộc mưu sinh, trong đó có những người ngày ấy phải rời khỏi Tổng Y Viện khi trên thân xác vết thương còn chưa lành. Gần đây tôi cũng biết đến một ngôi chùa tại vùng ngoại ô Sài Gòn mà hàng năm, vị Hòa thượng trụ trì vẫn tổ chức tặng quà, như một nghĩa cử tri ân các thương phế binh – những người bị quên lãng, bất chấp việc chống phá của một số người có quyền hành. Không được ở gần, tôi hướng lòng về hiệp thông với Nhà Chùa, với vị Hòa thượng có tấm lòng bồ tát.
**
.
.
“Những thiên thần” ngày xưa tưởng đã là kỷ niệm vùi sâu trong trí- như việc tìm vui trong khoa học và im lặng với văn chương của tác giả – bây giờ chợt sống dậy, vì anh Danh lại xuất hiện. “Thiên thần Mũ Đỏ” hôm nào đã trở lại trong “Bay Cao Lên, Những Thiên Thần Bằng Sành” (*) – một truyện ngắn Chị Cam Li viết cho Thư Quán Bản Thảo số Giáng Sinh 2011. Anh Danh bây giờ là chủ một lò gốm mi-ni, lại tiếp tục nặn tượng thiên thần cho Bé Thơ, và cũng có làm ra cả con heo đất nữa. Tôi như người có được niềm vui nhân đôi, như thấy lại các thiên thần, thấy lại tuổi thơ mất mát của mình, trong đó có cả hình ảnh chú út, vì tôi tin chú cũng là một thiên thần.
Ở trong khắp cùng của đời sống, niềm tin yêu và hy vọng vẫn là món thuốc quý giá nhất(**) – Chị Cam Li đã chẳng từng viết thế sao. Tôi vẫn mong, vẫn hy vọng vào một “Ngày Sẽ Tới” (*), ngày đó nhân vật được gặp tác giả. Lúc đó chúng ta – những người yêu mến văn Chị Cam Li – lại được đọc những giòng chữ “màu xanh lá cây” thật cảm động, chứa chan niềm hy vọng và tình yêu đối với cuộc sống – như từng lời văn trong sáng và thấm đẫm tính nhân hậu của Chị.
.
31/01/2013
.
(*) Tên các tác phẩm của Chị Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
(**) trong Phiên Khúc Ngày Mưa
(hình: http://www.camlinguyenthimythanh.com/)
Trong không khí háo hức của những ngày chuẩn bị đón năm mới, xin gửi tặng “Các Bông Hoa” trong nhà Blog PV một bài hát của Phạm Duy qua giọng ca Hà Thanh.
Giọng ca này làm tôi nhớ đến một giọng ca rất quen thuộc với Blog Phay Van.
Không biết cảm nhận của tôi có đúng không.
Xin mời mọi người thuởng thức
Cám ơn anh Chinook rất nhiều. Nghe bài hát này lại nhớ đến những ngày Xuân của thuở xa xưa, anh nhỉ ?
Tuấn Anh em…
KÍNH CHÀO CHỊ BA VÀO NHÀ CHƠI VÀ CÒM…ạ!
Kính chúc chị Ba và gia đình luôn bình an, vui vẻ và hạnh phúc ạ.
Thân mến chào em, Tuấn Anh!
Chị Ba cám ơn em nhiều lắm nghen.
Chị cũng thân chúc em và gia đình một năm mới sức khỏe, hạnh phúc và an lành, em nhé.
“Giọng ca này làm tôi nhớ đến một giọng ca rất quen thuộc với Blog Phay Van.
Không biết cảm nhận của tôi có đúng không.”
Bác Chinook kính,
Cám ơn bác đã giới thiệu một nhạc phẩm thật hay, được thể hiện qua một giọng hát thật điêu luyện đầy truyền cảm, rung ngân vang trong vắt dịu vời vợi…đến tuyệt vời!
Nhắm mắt lại, trong không gian yên ắng lắng thưởng thức, ta như thoảng nghe hương mùa xuân đang nhè nhẹ lan toả quanh ta…vậy…!
Và, khi nghe giọng hát của ca sĩ Hà Thanh, con cũng có cảm nhận “nhớ đến một giọng ca”…
Không biết con có cùng ý “nhớ đến”…như bác không ạ?
Ca sĩ ấy đây bác:
NHA TRANG
http://hathaykhongbanghayhat.org/audio_rand/nid/1242
Dù biết rằng, sự thể hiện truyền cảm, cũng như xử lý tác phẩm tinh tế điêu luyện của một ca sĩ chuyên nghiệp và một ca sĩ nghiệp dư…ắt là phải có khoảng cách nhất định!
Nhưng, theo con, cả hai người đều có chung một tố chất tuyệt vời, đó là:
– Với tuổi tác như thế, nhưng cả hai người sở hữu một giọng ca rung ngân vang trong vắt dìu dịu vợi…đến ru mê lòng người thưởng thức, như lời của 2 câu cuối trong bản nhạc HOA XUÂN…vậy!
“Có một vài tóc trắng thầm mơ
Ước cho hoa nở mãi không già”
@Tuấn Anh
Yếu tố quan trọng nhất của ca sỹ là truyền cảm.
Xin mời nghe và so sánh.
Trong đời, người tốt nhiều lắm. Tiếc thay, kẻ xấu nhiều hơn gấp bội. Tốt thì hay thương người, nhường nhịn, chịu thiệt thòi. Xấu thì tham lam vô độ, kéo bè, kéo cánh, leo cao như cỏ dại.
Giúp ta tin đời còn những điều tốt đẹp, ‘Chị Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh’ của Phay muốn gởi gắm điều ấy chăng?
Hà Thanh trình bày “khúc tình ca hàng hàng lớp lớp”.
Nhạc sỹ Nguyễn văn Đông viết tặng những “Anh Danh” thuở đó.
Cám ơn bác Chinook. Hồi xưa bác cũng từng là một “Anh Danh” hở?
Vâng chị Phay Van à.
Thân kính chào anh Chinook,
Ông nhà tôi (Công Thành), vẫn còn nhớ lời chúc mừng rất thân tình của anh ở comment đầu tiên trong entry “Phiên Khúc Ngày Mưa” đấy, mời anh xem lại nhé:
chinook
16/12/2011 lúc 08:52 | #1
Anh Công Thành.
Xin được chung vui với Anh.
Thân ái.
Chinook
https://123hoang.wordpress.com/2011/12/16/phien-khuc-ngay-m%c6%b0a/#more-7853
Với comment này, thay mặt ông nhà, nhân không khí chuẩn bị đón Xuân – Tết cổ truyền, xin được thân ái gởi đến anh cùng toàn thể gia đình của anh lời thân chúc luôn luôn an bình vui vẻ và hạnh phúc, anh Chinook nhé.
Thân ái,
Trong không khí chuẩn bị đón Năm Mới, Cam Li xin thân ái chúc Quý anh chị em trong nhà Phay Văn luôn dồi dào sức khỏe và hạnh phúc. Riêng cám ơn Phay Văn về bài viết “Anh Danh” và xin gửi lời tri ân đến các “Anh Danh” của blog Phay Văn.
Mến thân chào hai chị Cam Li và Nguyệt Mai,
Rất vui, khi hôm nay tranh thủ vào trang nhà Phay Van lại được thấy comments trò chuyện thân tình của hai chị với mọi người.
Hai chị cùng gia đình luôn vui khoẻ chứ? Năm nay hai chị có về VN thăm chơi không?
Không khí chuẩn bị đón năm mới – Tết cổ truyền, nơi hai chị đang ở, có tưng bừng nhộn nhịp, không hai chị?
Bận bịu quá, nên Trâm chẳng vào chơi trò chuyện thường xuyên được, hai chị thông cảm nhé!
Thay mặt ông nhà (một trong những TTMĐ chính hiệu “đã rơi” ngày nào, đã được chị Cam Li thân ái tặng quà ở trang nhà Phay Van), Trâm thân kính chúc hai chị cùng toàn thể gia đình luôn luôn an lành vui vẻ và hạnh phúc.
Thân mến,
Bảo Trâm thân mến,
Rất vui và cảm động thấy Bảo Trâm có thể thu xếp vào nhà Phay chơi dù đang rất bận bịu. Nguyệt Mai sẽ ăn Tết ở đây chứ không về thăm nhà dịp này được, Bảo Trâm ạ.
Được biết anh Công Thành không được khỏe lắm vì di chứng thương tật tái phát, Bảo Trâm cho Nguyệt Mai được gửi lời kính thăm anh.
Trước thềm năm mới Quý Tỵ, Nguyệt Mai thân mến chúc Bảo Trâm và anh Công Thành cùng toàn gia quyến một năm mới sức khỏe, hạnh phúc và như ý.
Tình thân,
Nguyệt Mai
Cám ơn Chị Bảo Trâm về những lời chúc.
Cũng xin chúc chị và Bửu quyến những điều tốt đẹp nhứt cho năm mới.
Đặc biệt, xin chị cho gửi lời chúc Anh Công Thành mau bình phục.
Bản thân tôi mấy năm trước rất cực với đầu gối của tôi. Hai năm trước, tôi giải phẫu. Ơn trời, mọi chuyện có vẻ ổn thỏa, tốt đẹp.
Thực ra, ở tuổi Anh và tôi, còn được sống đã là một đặc ân của Thuợng đế. Tôi luôn nghĩ thế .
Thân ái
chinook
Chúc Phay Van cùng gia đình trong tinh thần tươm tất để đón cái Tết cổ truyền với đầy ý nghĩa nhé!
Chào Phay Van em,
Hứa cố gắng hàng tuần vào chơi thư giãn trò chuyện cùng em và các bạn cho vui, thế mà cũng không thực hiện được, vì những công việc “không tên” cứ thay nhau níu kéo chị mãi!
Cho chị xin lỗi em nhé!
Chàng TTMĐ ngày nào, nay đã không thể ngồi thường xuyên trước máy tính được nữa, vì các di chứng thương tật, nhất là ở mắt, ngày nào tái phát, và với sự khuyến cáo nghiêm túc của Bs, nên chàng đành phải “tuân lệnh” Bs, em ạ! Em thông cảm nhé!
Đêm nay vào gõ vài dòng, nhân chuẩn bị đón năm mới, không gì hơn, anh chị thân chúc em cùng toàn thể gia đình đón xuân an lành vui vẻ hạnh phúc nhé!
Thân mến,
Chào cô chủ nhà,
Lâu quá, tôi chỉ vào đọc mà không “còm”, hôm nay, nhân không khí đón xuân đang ngập tràn khắp nơi, cùng hoà nhịp với những lời chúc tốt đẹp của các bác; xin được phép “còm” bằng clip nhạc này gởi đến cô chủ nhà cùng các bác để thay lời muốn nói trước thềm năm mới cô chủ nhà nhé!
Cho xin cái … tem !