Trang chủ > Khác > Cái Tủ Xanh

Cái Tủ Xanh

(Kính mến tặng Chị Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh)

Nếu chỗ ngồi đọc sách thông thường của mọi người là nơi bàn ghế, thì cái tủ xanh lại là chỗ lý tưởng của bé. Tại đây bé tha hồ đọc những thứ mình muốn mà không bị ai cấm, tất nhiên phải đóng cửa tủ kẻo bị phát giác, và không quên nhín lại một chút cho ánh sáng lọt vào, rồi cả không khí cho bé thở nữa chứ.

WP_20150902_004

À, phải nói thêm về cái tủ mới được. Nguyên thủy nó là một cái tủ đã hỏng của người thợ may. Ba mua rẻ về, sơn phết lại, làm chỗ cho các con đựng sách vở. Đấy là lý do nhà bé có cái tủ không giống ai, lại có màu sơn xanh lá cây độc đáo. Cái tủ bự lắm, đứng sừng sững một góc nhà. Phần kiếng phía trên đã bị vỡ hết, chỉ còn bộ khung và những tấm gỗ xẻ bắc tạm làm giá đỡ. Nửa dưới bốn bề bằng ván ép, cánh cửa tủ và bản lề vẫn còn tốt, tạo thành một căn phòng kín mít vừa vặn cho bé ngồi hoặc nằm, thậm chí còn có thể xoay chuyển cho đỡ mỏi. Bé thường chọn chui vào tủ trong buổi sáng, vì ba mẹ đi làm mãi chiều tối mới về. Chị cả đi học từ sáng tới trưa. Ở nhà chỉ còn lại bốn chị em. Tất cả đều học buổi chiều, trừ thằng Cún vẫn đang… mù chữ vì nó còn nhỏ quá.

Sở dĩ bé quyết định đột nhập vào cái tủ này vì bé thấy chị cả hay xem những cuốn sách mong mỏng, bằng cỡ cuốn vở học trò, có cái bìa màu xinh xắn và trong đó có chi chít những chữ là chữ, và nhất là có truyện tranh! Bé mê nhất truyện tranh. Xem xong chị cả cất cẩn thận vào tủ. Một lần bé lân la đến gần tính xem ké, thì bị ăn một cái cốc đau điếng vào đầu: “Bé đi học bài đi, xem cái gì!” Thật ra thì bé đã thuộc bài trên lớp rồi, cần chi phải học ở nhà. Bé chỉ có một tội (nếu mọi người cho đó là tội) duy nhất, đó là bé hay bị mọi người chế giễu: “Chữ của bé xấu nhất nhà”, “chữ gì mà xấu thế không biết”, hoặc “chữ bé xấu như chữ bác sĩ!”… Chữ xấu là phải rồi, vì bé mới học lớp Năm, mai mốt lên lớp lớn chữ bé sẽ đẹp lại, không thua gì mấy chị, bé nghĩ thầm. Còn nếu lỡ xấu luôn cũng không sao, bé sẽ trở thành… bác sĩ.

Hôm đầu tiên đột nhập vào tủ bé mới biết những cuốn sách chị cả hay đọc là cuốn Tuổi Hoa. Một chồng dầy cộp cho bé tha hồ đọc hoài không biết bao giờ mới hết. Bé hết cầm cuốn này lên lại bỏ cuốn kia xuống. Làm sao đây? Không khéo chị cả biết chắc bé ăn cốc… lủng đầu quá. Thôi thì bé quyết định đọc từng cuốn một vậy, xong rồi sẽ để vào chỗ cũ, không làm mất dấu để khỏi bị nghi ngờ. Cái tủ là một giang sơn kín đáo cho bé được tự do, nào là đọc sách này, tô màu này, hoặc tự ý cắt những bức tranh mình thích…

Nhưng ngồi đọc sách trong tủ không phải là không có lắm chuyện phiền hà, dù là một đứa trẻ con như bé. Mọi người đâu có để cho bé yên. Đôi khi là tiếng chân của chị Ba, chị Tư đến gần tủ. Bé sợ quá nằm im, không dám lật sách sột soạt, chờ tiếng bước chân đi qua. Hú hồn! Có khi đang miệt mài xem truyện, bé nghe tiếng thằng Cún gọi: Bé đâu rồi, ra chơi năm mười với em! Thường thì bé kín đáo chui ra chơi với nó, nhưng cũng lắm lúc phải lờ đi, kệ cho Cún chơi một mình, vì bé phải cố đọc nhanh nhanh một tí mới được, lại lắm lúc truyện đang đến hồi gay cấn, dừng sao được mà dừng? Bé ngán đọc những truyện dài có nhiều chữ, lại ít những đoạn đối thoại qua lại giữa các nhân vật, mà chỉ thích đọc truyện tranh. Nhưng dù là truyện tranh, có truyện đôi khi cũng phải cần ngẫm nghĩ một hồi bé mới hiểu để cười một mình, như những mẩu truyện ngăn ngắn của họa sĩ Đình.

Ngoài việc đọc sách, bé còn nghĩ ra cơ man nào là việc phải làm trong cái tủ này. Mục Đồng Cỏ Non có bé Tu, bé Cò này, trạc bằng tuổi bé. Bé có một cây bút chì hai đầu xanh đỏ. Bé sẽ tô màu áo cho hai bạn Tu và Cò. Những bức tranh minh họa của họa sĩ Vivi xinh ơi là xinh. Truyện Nàng Công Chúa Bể có hình vẽ công chúa thủy cung đang bơi lượn dưới nước với nửa thân dưới là cái đuôi cá có lớp vảy óng ả giống như mấy con cá vàng của chị Ba đang nuôi trong cái bình thủy tinh. Truyện Khi Hổ Ăn Chay có bức tranh con cọp đang vật ngã người anh, cạnh đó là người em quỳ gối chắp tay van xin con thú dữ… Bé hăm hở cắt hết những bức tranh mình thích bằng một cái kéo xinh xắn mà chị Tư dùng để cắt thủ công ở lớp. Phen này bé sẽ sưu tầm được khối hình đẹp…

Hôm nay đọc xong truyện tranh Bé Mai Côn của họa sĩ Hướng Dương, bé cẩn thận gấp góc trên của trang giấy lại để làm dấu. Giờ thì bé phải chui ra thôi, vì chị cả sắp về học rồi. Bé đánh dấu lúc “người lớn” về bằng tiếng cánh cổng sắt rít lên vì khô dầu nhớt.

*

Chị cả hằm hằm bên chồng sách báo:

“ Đứa nào lục sách Tuổi Hoa của chị?”

Tụi bé sợ chị cả lắm, vì ba mẹ mắc đi làm, giao phó hết bốn đứa tụi bé cho chị cả toàn quyền định đoạt… số mạng.

“ Chị biết hết rồi đó, mất dấu của chị! Bây giờ chị chỉ cần mấy đứa thành thật nhận lỗi thôi. Đứa nào lục sách của chị, tự động nói đi!”

“ Sao? Nói đi chứ, chị sẽ khoan hồng…” Chị cả dài giọng làm công tác chiêu hồi.

Bé nhìn cái thước kẻ nhịp nhịp trên tay chị cả trong lúc bốn chị em đứng khoanh tay. Chị Ba, chị Tư, thằng Cún có vẻ mặt sợ sệt nhưng ngây thơ vô tội. Chị cả đột ngột gõ mạnh cái thước lên mặt bàn:

“ Đứa nào? Nói mau!”

Bé quýnh quáng:

“ Dạ, bé!”

“ À bé hả. Giỏi quá há. Ai cho phép bé lục lọi? Bé làm quăn góc hết sách của chị rồi!”

“ !!!”

Chị cả cầm lấy cuốn báo trên cùng, lật vài tờ:

“ Ai cho bé gấp góc giấy lại thế này?”

“ Dạ, bé đánh dấu chỗ đang đọc dở.”

Chị cả cầm cuốn kế tiếp:

“ Sao lại sút mấy trang giữa thế này? Lại còn tô màu, cắt tranh nữa hả? Bé to gan quá!”

“!!!”

“ Còn cuốn này nữa. Sao lại long bìa? Bé nhiều tội quá há! Ba, Tư, Cún giải tán! Bé nằm sấp xuống!”

Phen này chết thật rồi! Bụt mà hiện ra chắc cũng không cứu nổi bé nữa rồi. Bé nghĩ thầm.

*

Có tiếng chị cả sau lưng:

“ Bé đang xem gì đó?”

“ Dạ xem truyện tranh.”

“ Bé đọc truyện này đi, hay lắm. Cũng có nhiều hình vẽ, nhiều đoạn đối thoại nữa.” Chị cả đưa cuốn báo dày cộp vào tay bé.

“ Ổ, sao cuốn báo này dày vậy chị? Mà truyện này dài quá, bé đọc bao giờ mới hết đây?”

“ Dày vì đây là số báo Xuân. Còn truyện thì không dài lắm đâu, mà hay lắm.”

1

“ Người Khắc Bia Mộ nghĩa là sao vậy chị?” Bé bắt đầu hỏi vặt.

“ Bé đọc đi, rồi chị sẽ giải đáp thắc mắc sau. Chị sẽ dạy bé hát bài hát ở cuối truyện.”

“ Bài hát gì hở chị?”

“ Bài hát Nhớ Người Thương Binh của nhạc sĩ Phạm Duy.”

*

Sau hôm bé tưởng là bị no đòn ấy, chị cả không có đánh bé roi nào, mà … méc ba mẹ (chắc tại thấy tội bé nặng quá, không biết đánh bao nhiêu roi cho đủ!). Thế là lại lòi ra cái tội bé cả gan đọc sách trong chỗ không đủ ánh sáng. Ba mẹ tha cho bé, nhưng bắt bé từ nay muốn đọc sách thì phải xin phép “người lớn”, và không được chui vào tủ nữa. Chị cả cũng dạy cho bé biết quý trọng sách vở, không được làm quăn góc, không được gấp góc để đánh dấu chỗ đang xem dở dang, không được tô màu, cắt hình, không được làm sút ruột, long bìa… Một trăm cái “không được” bé phải nhớ và phải hứa với “người lớn”.

*

Sau 1975, sách vở nhà bé bị tịch thu. Cái tủ xanh bị rỗng ruột… Biết bao nhiêu sách vở quý giá chị cả dành dụm mua được đều bị cho lên giàn hỏa thiêu trong chiến dịch đốt sách của chế độ mới.

Thời gian dần trôi. Các chị em bé lớn lên, lần lượt rời ghế nhà trường để tung cánh vào đời. Mỗi người đi một phương. Những ngăn trên của cái tủ xanh từng là chỗ cất cặp sách của mấy chị em giờ trở nên trống trải.

Thế rồi sau đó ba mẹ sửa nhà, đành phải bỏ đi nhiều đồ đạc cũ kỹ, trong đó có cái tủ xanh một thời gắn bó với mấy chị em bé. Chị cả thỉnh thoảng ngậm ngùi, nhắc lại chuyện bé chui vào tủ đọc sách với giọng rưng rưng: Cũng may nhờ có Tuổi Hoa, tâm hồn chị em mình được phong phú lên rất nhiều.

Chuyên mục:Khác Thẻ:
  1. Không có bình luận
  1. No trackbacks yet.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: