Tán Gẫu Với Chúa
Khoảng năm 1974 – 75, có một truyện ngắn đăng trên báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, tựa đề là Tán Gẫu Với Chúa của một tác giả ký tên Vũ.
Truyện mở đầu bằng câu: Để tôi kể cho bạn nghe một câu chuyện: Đêm qua tôi nằm mơ thấy Chúa. Nội dung câu chuyện xoay quanh những lời “tán gẫu” giữa tác giả và Chúa Jesus, đang khi hai người lang thang giữa phố phường, băng qua những dãy nhà tôn lụp xụp và hàng rào kẽm gai của Việt Nam Cộng Hòa thời “nội chiến từng ngày”, những năm 1970-1975…
Từ lâu tôi ước ao được xem lại truyện này nhưng không có dịp may nào, vì sau 1975 sách báo của gia đình chúng tôi bị mất khá nhiều, phần vì bị “cách mạng” đốt, phần vì người mượn “quên” trả.
Vào đầu tháng 11/2015, tôi có dịp thưa với tác giả rằng: Con muốn được đọc lại truyện Tán Gẫu Với Chúa, bây giờ phải làm sao?
Một nụ cười hiền từ tỏa sáng trên môi, ánh mắt dịu dàng, thông cảm pha lẫn khích lệ trên khuôn mặt hốc hác của một người đang chịu đựng sự tàn phá của bạo bệnh: Con ráng đợi đi, (các cha) cũng đang có ý định cho xuất bản lại các bài vở cũ.
Gọi là tán gẫu, vì đó là những câu hỏi được nêu lên với Chúa Jesus trong một bối cảnh thân mật, không trịnh trọng, không câu nệ hình thức. Những vấn đề được gợi lên trong “Tán Gẫu Với Chúa” cách nay đã hơn bốn mươi năm nhưng vẫn không hề lỗi thời, cũng chính là vấn đề đặt ra cho Công Giáo Việt Nam ngày nay trong xã hội Cộng Sản:
– Tại sao Công Giáo Việt Nam lại hết sức bàng quan với những vấn đề xã hội? Tại sao người Công Giáo chỉ siêng năng đi lễ, đọc kinh, xưng tội, rước xách… mà không màng gì đến những chuyện ngoài xã hội như đói nghèo, thất nghiệp, áp bức, bất công, tham nhũng; làm như đó là chuyện của ai không phải chuyện của mình…
– Hàng giáo sĩ Việt Nam liệu đã có vị nào đi tù vì bênh vực quyền lợi của dân nghèo?
Tôi nhớ phần kết thúc truyện là lời cảnh báo của Chúa Jesus cho người chất vấn Ngài: “Coi chừng, mày có biết mày giống ai không?”
Tôi giật mình thức dậy.
.
Tác giả “Tán Gẫu Với Chúa” nay đã hoàn thành sứ mạng ở trần gian. Được trở nên như chiếc thang của ông Jacob nối đất với Trời (St 28, 12), xin hãy thưa với Chúa rằng:
Chúng con xin dâng lên Chúa những vị trong hàng giáo phẩm Việt Nam đã vì can đảm làm chứng cho đức tin, lên án những bất công xã hội, bênh vực quyền lợi người nghèo mà phải chịu chết như Đức Tổng Giám Mục Huế Nguyễn Kim Điền, chịu tù đày như Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, linh mục Nguyễn Văn Lý, hoặc chấp nhận cuộc sống ẩn dật như Đức Tổng Giám Mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt.
Mặt khác, xin Chúa biến đổi các vị chức trách trong Giáo hội chỉ vì muốn được yên thân đọc kinh, làm lễ, xây cất nhà thờ… nên phải mượn cớ là “đối thoại”, là “khôn ngoan” để bưng tai bịt mắt trước những bất công xã hội: tàn phá thiên nhiên, hủy hoại môi trường sống, tham nhũng, lợi dụng chức vụ để chiếm đoạt tài sản, đất đai của người dân, trấn áp những người lên tiếng bênh vực lẽ phải… hàng ngày vẫn xảy ra trên quê hương Việt Nam chúng con.
Còm