Anh Danh (2)
Kính mến tặng Chị Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Sự thối nát và bộ mặt bán nước của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam ngày càng lộ rõ, khiến lòng khinh bỉ của người dân dành cho họ bấy lâu nay càng gia tăng. Người Việt Nam như bừng tỉnh sau giấc mộng dài: Chế độ nào thực sự do dân và vì dân? Chế độ nào quyết tâm chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc? Có phải là Việt Nam Cộng Hòa? Chế độ ấy hiện nay không còn, nhưng “di sản” thì còn. Những phận người nghèo khó, bị gạt sang một bên, nhưng trong bối cảnh xã hội hiện nay ngày càng sáng rỡ: Thương Phế Binh chính là di sản của Việt Nam Cộng Hòa.
Tri ân các Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa là một nghĩa vụ mà mỗi người cần ý thức. Sáng kiến này bắt nguồn từ vị Hòa thượng trụ trì chùa Liên Trì – ngôi chùa hiện đang bị nhà nước cộng sản Việt Nam lăm le chiếm đoạt. Những Mùa Vu Lan cách đây dăm bảy năm, ngôi chùa này đã từng là nơi tiếp đón và tặng quà cho rất nhiều Thương Phế Binh. Các chú, các anh, bằng nhiều cách thế, nhiều phương tiện, đò giang cách trở, đã hội tụ về đây từ khắp mọi miền đất nước. Về đây để đón nhận tấm lòng, đón nhận tình người ấm áp nhiều hơn là những món quà vật chất chỉ mang tính tượng trưng. Bóng áo nâu nhân ái của vị Hòa thượng cúi xuống trên những thân phận tàn phế của người chiến sĩ hào hùng năm nào là hình ảnh khó phai.
Tất nhiên ngoài sự cộng tác nhiệt tình của các thiện nguyện viên, Hòa thượng trụ trì còn phải đương đầu với sự cản trở, phá phách của đám công an giả danh côn đồ. Bọn chúng ném gạch đá vào chùa, hạch sách, chặn đường các Thương Phế Binh. Vậy là Chương Trình Tri Ân Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa đành phải chuyển địa điểm sang Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, để mọi công việc vẫn được duy trì nhưng an toàn hơn cho mọi người.
Tại địa điểm mới này, các hoạt động tri ân Thương Phế Binh được tổ chức đa dạng, phong phú hơn. Không chỉ dừng lại ở việc tặng quà, tặng thẻ bảo hiểm y tế, Nhà Dòng còn tổ chức khám, chữa bệnh, cắt kính mắt, làm chân giả, tặng nạng, xe lăn tay cho những người bị xã hội bỏ rơi… bốn mươi năm nay.
Tôi gởi một lời nhắn cho Ban Tổ Chức Chương Trình Tri Ân Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa, nhờ họ tìm giùm một nhân vật của Tuổi Hoa. Gần hai năm trôi qua, vẫn không có tin gì dù Ban Tổ Chức đã nhiệt tình lưu ý:
Xin tìm giúp “anh Danh”, sinh năm 1953, cứu thương, thuộc binh chủng Nhảy Dù, bị mất một chân năm 1973. Trước 1975 ngụ tại Phước Tuy.
Có thể ở một nơi nào đó Anh Danh đang lầm lũi sống nốt cuộc đời tàn phế trên vỉa hè thành phố, với chồng vé số trên tay cho qua chuỗi ngày cơ cực. Có thể Anh Danh đang sống ở vùng quê, cách biệt với xã hội xô bồ bên ngoài và không hề có phương tiện liên lạc bằng điện thoại cũng như chưa từng nghe nói đến internet là gì.
Cũng có khi Anh Danh đã từ giã cuộc chơi, đã chấm dứt những ngày tháng đau buồn nơi trần thế. Anh về Trời, gặp lại những đồng đội xưa, những người từng chia sẻ với Anh cuộc sống binh ngũ hào hùng nhưng cũng đầy máu và nước mắt, những người đã cùng Anh chạy trong đạn pháo, những người từng được Anh dìu đỡ xuống hầm sâu…
Tôi vẫn hy vọng Anh Danh đang có một cuộc sống nghèo nhưng đầm ấm bên vợ hiền, con thảo, sống không chỉ bằng kỷ niệm nhưng đôi lúc thoáng nhớ lại người bạn Hạ Huyên năm nào.
Chưa tìm được Anh Danh, nhưng tôi đã nhìn thấy rất nhiều ANH DANH đó trong sân Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, trong Chương Trình Tri Ân Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa, những ngày đầu năm mới 2016.
Xin Ơn Trên chúc lành cho các Anh, và cho Việt Nam sớm thoát nạn độc tài cộng sản, để các Anh không thấy máu mình đổ ra là vô ích.
Còm