Thiên Thần Của Tôi
Hôm qua tôi lại mơ thấy thiên thần, như những giấc mơ thường đến rồi đi từ bao nhiêu năm nay…
Cây thông Noel tí hon oai vệ ngự trên cái bàn kê giữa phòng khách. Cây thông màu xanh bằng nhựa cao khoảng nửa mét, có những sợi kim tuyến màu bạc lấp lánh rắc trên đỉnh và những thiên thần nhỏ xíu bằng ngón tay của đứa trẻ con lên sáu. Các thiên thần trông xinh xắn với mái tóc quăn vàng óng ả đang say sưa thổi kèn hoặc đánh đàn trên cây thông của Bà Nội. Tôi nhón tay bắt trộm vài thiên thần, giấu đi làm “của riêng tây”.
Không như nhà cô tôi, nơi có hẳn một hang đá với tượng Chúa Hài Đồng, Đức Mẹ, Thánh Giuse, mục đồng, bò lừa… cây thông của Bà Nội đứng một mình, giữa cái bàn rộng. Nhưng vì thế mà nó toát lên vẻ uy nghi, uy nghi trong nỗi cô đơn, bởi chung quanh không có gì để so sánh. Không có gì rạng rỡ hơn nó – cây thông Noel tí hon của Bà Nội.
Mỗi mùa Giáng sinh về, Bà Nội lại mang cây thông ra chưng trên bàn. Tôi bầu bạn với các thiên thần suốt ngày, ngoài giờ học. Rồi cũng có lúc tôi hậu đậu đánh rơi, các thiên thần dần dà bị gãy đầu, gãy cánh, những cello, violon, trumpet nối đuôi nhau rơi rụng. Thiên thần bị thương, thiên thần chết. Tôi đem chôn những thiên thần chết dưới gốc cây ngoài vườn. Trong nhà, cây thông Noel của Bà Nội đứng chơ vơ trên bàn, hiu hắt buồn vì thưa thớt cho đến khi vắng bóng hẳn các thiên thần.
Hết đồ chơi, tôi quay sang chơi với những thiên thần trong sách vở. Tôi đọc được một truyện ngắn trên báo Tuổi Hoa trong đó có bé Thơ – chủ nhân của những… hai mươi thiên thần. Nhưng thiên thần thứ hai mươi lại cũng bị gãy cánh. Tuổi thơ tôi – những đêm không ngủ ngồi tránh pháo kích dưới hầm tối hay những lúc hít phải hơi cay giàn giụa nước mắt – đã thấy cuộc sống không êm ả phẳng lặng như thể chỉ cần đưa tay ra là chạm được những thiên thần đang bay trong khoảng không. Tiếp theo thiên thần thứ hai mươi là anh Danh – một Thiên Thần Mũ Đỏ cũng vừa gãy cánh. Những trang sách của Chị Cam Li (*) buồn như cuộc đời thật bên ngoài.
Nhiều mất mát đau buồn lần lượt xảy ra cho gia đình tôi – như bao nhiêu mái gia đình khác ở miền Nam – tất cả cùng “khóc cười theo vận nước nổi trôi”. Một đêm mùa đông, cả nhà cô tôi ra đi, quê hương bỏ lại sau lưng là một căn nhà rộng thênh thang và cái hang đá Noel đang làm dở dang với thật nhiều pho tượng, trong đó có cả thiên thần. Những pho tượng thiên thần hẳn hoi, chứ không phải chỉ là cái đầu và đôi cánh vẽ trên giấy cứng như nhiều hang đá Noel khác. Bà Nội tình nguyện giữ nhà, phòng khi bất trắc gia đình cô còn chốn nương thân.
Mùa Giáng sinh năm ấy sao mà rét mướt, chắc tại người ta bỏ đi nhiều. Tôi năn nỉ:
– Mẹ xin bà nội cho con vài thiên thần nhé?
– Chi vậy?
– Con chơi!
Mẹ gắt nhẹ:
– Cả đời mẹ không chơi với thiên thần nào hết, mà mẹ đâu có chết? Mẹ còn lo làm việc bở hơi tai để nuôi mấy cái tàu há mồm đây!
Cuộc sống không diễn ra như mình mong đợi. Tôi dù muốn cũng không thể bắt chước thằng bé lên tám của Ben Piazza (**), gắng sống sao cho hạnh phúc – hết sức hạnh phúc để được thấy thiên thần.
Ngành Mỹ thuật Công giáo có những bức tranh mô tả một loại thiên thần khá đặc biệt, có tên gọi là thiên thần hộ thủ hay thiên thần bản mệnh. Các họa sĩ thường vẽ hai đứa trẻ con nắm tay nhau hái hoa bắt bướm trên đồng cỏ, trước mặt là thác nước chảy xiết; hoặc hai đứa dắt nhau đi qua cái cầu khỉ có một nhịp bị gãy, sau lưng chúng là bóng dáng cao lớn của một vị thiên thần, dáng vẻ uy nghi đang xòe đôi cánh, dang rộng hai tay như che chở, gìn giữ bọn trẻ khỏi lao xuống vực thẳm hay dòng thác.
Những thiên thần của tôi đã lần lượt đi sang bờ bên kia. Chỉ cần nhắm mắt lại là tôi có cuốn phim quay chậm trong trí: Tôi thấy Chú – một sĩ quan Thủ Đức hay ôm cây ghi-ta hát chỉ một bài “Tôi đưa em sang sông” của Nhật Ngân, thấy Cậu với nụ cười tươi tắn cố hữu trên môi, hay “dụ khị” các cháu lớn nhổ tóc sâu bằng những cuốn Văn số mới nhất. Tôi còn thấy cả các anh chị em tôi – những người đã bỏ mình trên biển cả, thấy Bà Nội ngồi nhai trầu ngay bậc cửa, mòn mỏi mong tin con cháu.
Cuốn phim lúc nào cũng kết thúc bằng hình ảnh của Mẹ, thiêm thiếp trong phòng bệnh trắng toát, với những dây nhợ lòng thòng từ cái máy trợ thở, trợ tim – người mà suốt cuộc đời chưa từng, và không hề có nhu cầu làm hang đá Noel cùng giao du với các thiên thần.
——–
(*) Những Thiên Thần Bằng Sành – Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
(**) trong “The Exact and Very Strange Truth”
(10/2013)
Còm