Trang chủ > Khác > Cha Đạo

Cha Đạo

 Hạt Giống (Nguồn: Giáo Phận Phan Thiết)

Hạt Giống (Nguồn: Giáo Phận Phan Thiết)

Người ta đang an táng một nhân vật của Còn Dấu Chân Người (*). Tôi không muốn tin những việc đang xảy ra là sự thật. Thật như việc văng vẳng lời ca bên tai: “Sự sống không mất nhưng chỉ đổi thay. Đã qua bao ngày trọn một kiếp này. Dù sống hay chết tin vào ngày mai. Sự sống không mất nhưng chỉ đổi thay.” Thật như việc thêm một nhánh phong lan trắng, thêm một nắm cát thả xuống huyệt, những giọt lệ thổn thức trong tim và lời thưa: Cha ơi, cái này là phần của Chị Cam Li, xin được tạm biệt Cha.

Tôi thỉnh thoảng vẫn nhận được email cáo phó về sự ra đi của những người quen biết thân sơ, có khi chỉ là những vị từng nghe tiếng mà chưa hề được vinh dự giáp mặt. Ngày 18/8/2014 vừa qua cũng thế, email gởi đến là bản cáo phó của Tòa Giám Mục Phan Thiết. Tôi đọc lướt qua tiểu sử người quá cố, bàng hoàng vì nhận ra Cha Đạo. Tại sao chỉ đến khi Người nhắm mắt xuôi tay tôi mới được đọc tiểu sử của Người? Khiêm nhường thẳm sâu. Nghèo khó đến tột cùng. Người ta chỉ có thể thực sự mặc lấy tinh thần nghèo khó khi không màng danh vọng lợi lộc trần gian nhưng nhận chính Chúa là gia nghiệp, như một câu trong Thánh vịnh 15 dùng làm đáp ca trong lễ an táng Cha sáng ngày 21/8/2014.

Cha được thụ phong linh mục vào một ngày cuối tháng tư 1965, chỉ mười năm trước ngày Sài Gòn thất thủ. Ngay sau đó vị tân linh mục được điều đến vùng sát vĩ tuyến 17 làm phó xứ Đông Hà, Quảng Trị. Hai năm sau Cha lập cô nhi viện và trường Trung học Tư thục Đắc Lộ. Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, Cha gồng gánh trường Đắc Lộ và cô nhi viện vào Bình Tuy, lập nên xứ Đông Hà, lập làng Thiếu nhi Bồ Câu Trắng. Tiểu sử của Cha không phải là tiểu sử của một người khoa bảng với nhiều bằng cấp, học vị, chức tước, nhưng là tiểu sử của một người khai phá. Khai phá vùng rừng núi hoang vu cằn cỗi thành vườn tược trồng trọt và chăn nuôi trù phú. Khai phá những tâm hồn, những phận đời nghèo khổ vì chiến tranh, gieo vào đó những hạt mầm nhân ái bằng cuộc sống tận tụy, hy sinh phục vụ.

Cỗ quan tài đơn sơ được đặt gần sát nền nhà thể hiện sự khiêm nhường vâng phục của Cha lúc sinh thời, cuộc đời ấy vì người nghèo và mở ra cho người nghèo, như cuốn Kinh Thánh đặt trên nắp quan tài Cha đang lật đến những trang cuối, như khẩu hiệu Cha chọn khi được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục phó địa phận Phan Thiết vào năm 2001: Tin Mừng cho người nghèo khó. Ngày ấy, lễ tấn phong do vị tiền nhiệm của Cha là Đức Giám Mục Nicolas chủ phong, hai vị phụ phong là Đức Giám Mục Đà Lạt và Đức Giám Mục Phụ tá địa phận Xuân Lộc. Hôm nay, ngoài Đức Cha Nicolas già yếu, hai Đức Cha phụ phong ngày ấy cũng đến hiện diện trong lễ an táng Cha, vì tình nghĩa, dù gánh nặng công việc và tuổi tác đè nặng trên vai các Ngài: một vị đã nhận trọng trách làm Tổng Giám Mục ngoài Bắc xa xôi, còn một vị được bổ nhiệm làm Giám Mục tiên khởi một địa phận vùng duyên hải, láng giềng với Phan Thiết.

Xin cùng với quý vị độc giả của Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh tạm biệt Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan bằng lời ca kết lễ: “Người còn mãi trong tim anh, Người còn mãi trong tim tôi, Người còn mãi trong giáo phận Phan Thiết. Người còn mãi trong tim người, Người còn mãi trong đất trời, Người còn mãi trong Giáo Hội.”

(*) một truyện dài của Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh chưa kịp xuất bản vì biến cố 30/4/1975.

Chuyên mục:Khác Thẻ:
  1. Không có bình luận
  1. 06/09/2014 lúc 04:54

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: