Trang chủ > Đọc sách > Nhà văn Nhất Linh và Xóm Cầu Mới

Nhà văn Nhất Linh và Xóm Cầu Mới

Nhắc tới nhà văn Nhất Linh hầu như người ta nghĩ tới Nhóm Tự Lực Văn Đoàn và tác phẩm Đoạn Tuyệt, có lẽ vì ông là người chủ trương nhóm này và một vài trích đoạn của Đoạn Tuyệt được đưa vào giảng dạy trong chương trình Việt Văn ngày xưa.

Tôi không có may mắn được tiếp thu nền giáo dục nhân bản của VNCH, nhưng bù lại đã được đọc văn của Nhất Linh từ rất sớm. Đó là trích đoạn “Cái thắt lưng” đăng trong một cuốn tạp chí Văn Hóa Ngày Nay cũ kỹ, trong đó có anh Đỗi, chị Bé với cái thắt lưng lụa mầu hoa thiên lý một buổi chiều mưa tại bến đò. Những hạt mưa hắt vào làm cái thắt lưng mới mua bị thôi màu, màu xanh hoa thiên lý thôi ra trên cái yếm trắng. “Giời đất ơi! Cái thắt lưng sáu hào rưỡi”.

Xóm Cầu Mới thuật lại đời sống sinh hoạt nhỏ nhặt, vụn vặt, quanh quẩn bên chiếc cầu của các nhân vật miền quê Bắc bộ. Gia đình bác Lê đông con nhưng đầm ấm, trừ những khi bác Lê trai đánh vợ con do… quá chén. Bác Lê gái hay cốc đầu các con mỗi khi thích chí điều gì. Chị Bé bị đau mắt kinh niên. Tý thông minh được cho đi học. Cô Mùi với “hiệu Thọ Đường, bán thuốc đau mắt, thuốc giun, thuốc tả, rượu bia, nước chanh“…

Nhà văn Nhất Linh quả là bậc thầy trong việc xây dựng tính cách nhân vật. Trong Xóm Cầu Mới, nhân vật của ông sống mãi.

.

Thân thế và sự nghiệp văn chương

.

Hình chụp vào cuối 1958, tại trại lan của Nhất Linh, bên suối Đa Mê, gần Đà- lạt (Nguồn: Việt Văn Độc Bản lớp Đệ Nhị- Đàm Xuân Thiều và Trần Trọng San, 1967)

.

Xóm Cầu Mới (Bèo giạt) là một bộ trường giang tiểu thuyết của Nhất Linh. Nó bắt đầu bằng lời đề tặng thế này:

Tặng Nguyên, người rất thân yêu đã khuyên tôi trở lại đời văn sĩ và nhờ thế cuốn Xóm Cầu Mới này mới ra đời.
Hương Cảng, trên núi, ngày 16-10-1949
Nhất Linh

.

Bèo giạt về đâu hàng nối hàng…
Huy Cận

Một cuốn Đông chu liệt quốc của những đời sống tầm thường, vui lẫn buồn, những vui buồn nhỏ nhặt hàng ngày của những nhân vật, những gia đình sinh hoạt ở trong một cái xóm nhỏ ở đầu một chiếc cầu gỗ từ lúc cầu bắt đầu mọt cho đến khi cầu gẫy và xóm nhỏ và các gia đình cũng tan tác theo với chiếc Cầu gỗ. Những đời “bèo giạt” đến tụ hội ở xóm nhỏ cũng như những bèo giạt đến, trong ít lâu, vương bám vào chân cầu, rồi lại trôi đi theo dòng nước, không biết về đâu?

Nhất Linh

.

Mở đầu
Xóm Cầu Mới

Xóm Cầu Mới là một cái xóm nhỏ ở cạnh một chiếc cầu gỗ cũ đã long mất gần một nửa số ván và gẫy mất gần một nửa số chân, cũng may ván long đều và chân cầu cũng gẫy đều nên cầu còn đứng vững và xe cộ còn qua lại được. Chiếc cầu gỗ sơn hắc ín và có lẽ từ lúc bắc đến giờ chưa sơn lại một lần nào.

Con đường qua cầu là một con đường đất, đi được ô tô con, chạy khỏi cầu đã dăm cây số thì dừng lại ở trên một bến đò không có phà qua sông, vì ở bên kia sông không bao giờ từng có đường. Ở đầu cầu, sở Lục Lộ mấy chục năm trước đã cẩn thận đóng một tấm biển báo là đường cụt, nhưng vì cái biển đã mọt và rơi từ lâu rồi nên thỉnh thoảng có ô tô đi lầm đường cứ phăng phăng chạy thẳng.

Người trong xóm, mỗi lần có ô tô đi qua, đều nhôn nhao cả lên vì đó là một sự rất hiếm có, trẻ con thì kêu la ầm ĩ, giơ tay đón mừng một cảnh lạ mắt. Không một ai muốn báo cho ô tô biết là đường cụt, cả xóm ai cũng xao lãng công việc, ngong ngóng đợi ô tô trở về. Vào quãng hai mươi phút sau, từ nhà nọ truyền sang nhà kia những tiếng reo mừng “Nó kia rồi!” “Đó nó về đó rồi!” Ô tô trở về bởi vì nếu không trở về thì chỉ còn mỗi một lối là đâm đầu xuống sông. Ô tô trở về chạy có vẻ hục hặc tức giận, nhảy chồm chồm trên con đường gồ ghề và cố tung thật nhiều bụi vào mũi những người dân xóm như để phạt họ và sở Lục Lộ. Dân xóm người thì lật vạt áo che mặt, người thì nhắm mắt bịt mũi, ngậm miệng nín thở; nhưng khi xe đi khỏi và bụi mù đã quang, họ nhìn nhau mỉm cười, trong mắt đầy vẻ vui tinh nghịch thấy những người trên xe đã bị lừa và bị tức.

Đời dân xóm liền với đời chiếc cầu nên bất cứ một tin gì lạ về chiếc cầu cũng làm họ thao thức và xôn xao bàn tán. Bốn năm trước có một người làm ở sở Lục Lộ, trong lúc vui câu chuyện, đã nói là sẽ sơn lại cầu. Sơn lại thì họ không cần lắm nhưng sơn tức là phải sửa chữa lại, dân xóm tán ra như vậy.

“Sơn tức là phải chữa lại cầu”, câu ấy ròng rã bốn năm trời vẫn được nhắc đến luôn ở cửa miệng những người dân xóm, nghèo tiền nhưng rất giầu hy vọng hão.

Còn duyên do vì đâu lại oái oăm bắc một chiếc cầu vô dụng và đắp một con đường tắc tị thì không ai hiểu gì cả và sở Lục Lộ bây giờ có lẽ cũng không hiểu nốt.

Nhưng cũng nhờ có con đường tắc tị nên mới có chiếc cầu gỗ và nhờ có chiếc cầu gỗ nên mới có Xóm Cầu Mới.

Xóm Cầu Mới lập thành là do sự tiện lợi. Gia đình bác Lê là gia đình đầu tiên đến ở xóm. Hai mươi năm trước, nước sông Hàn lên to và chảy xiết, thuyền đánh cá của bác bị đắm và nhờ có chiếc cầu nên hai vợ chồng và đứa con đầu lòng sống sót; thuyền đắm đồ đạc mất hết, trời lại mưa to luôn mấy hôm. Nhờ có cái hốc ở cây đa nên gia đình bác Lê có chỗ tạm lánh. Ngay đêm đầu, bác Lê gái nằm mộng thấy có một bà tiên cho bác một cành hoa và dặn phải quét lá đa cho sạch. Cho là điềm hay, hai vợ chồng bàn đến việc ở hẳn dưới gốc đa. Bác Lê trai mấy hôm liền ra đứng ở cầu nhặt nhạnh các mảnh ván, tấm phên theo nước lụt trôi vướng vào chân cầu và dựng nên cái nhà đầu tiên của Xóm Cầu Mới.

Gần đây vì cả mạn sông Hàn bên Xóm Cầu Mới được mùa luôn, nên các bà cân gạo bên Phủ Lệ sang dựng rất nhiều quán cân gạo để đón mua trước của những người hàng sáo từ phía đó đi đến. Vì có các bà sang cân gạo nên mới có hàng bánh cuốn của cô Mùi, hàng cơm của bà cụ Yểng và nhờ có hàng cơm của bà cụ Yểng mới có gia đình ông Năm Bụng bán rượu lậu. Xóm lại gần Phủ nhưng vừa đủ xa để tiện việc nên có cả một nhà hát ả đào, và vì tiện nước nên có cả nhà bán áo quan.

Số đông dân xóm là những người ở nơi khác vì nghèo đói phải tha phương cầu thực rồi đến đấy thấy dễ làm ăn thì ở lại hẳn như những đám bèo giạt từ trăm ngả nước xa trôi về vương bám vào chân cầu. Hai người ở xa nhất đến có lẽ là hai cụ Huế Cả, Huế Hai; không biết duyên do gì hai cụ Huế nghèo như vậy mà từ ở trong Huế xa xôi đem nhau đến ở xóm; không ngày nào là hai cụ không cãi nhau và tiếng cãi nhau lanh lảnh bằng giọng Huế mỗi buổi chiều đưa vang khắp xóm nghe thực lạc loài, lạ tai.

Cả xóm không có một căn nhà gạch hay nhà gỗ nào. Toàn là những nhà tranh lụp xụp, xiêu vẹo; trông cũng cũ kỹ như chiếc cầu gỗ chỉ có cái tên là mới. Có mỗi một nhà bà Ký Ân cân gạo làm bằng gỗ lợp ngói thì lại ở cách xóm đến hơn trăm thước.

Cây đa của xóm người ta gọi là cây đa Cốc vì cốc ở khắp vùng thấy cây đa cao nhất và an toàn nhất đến đậu và ỉa trắng xoá cả lá cây. Người ở các nơi xa có việc lên Phủ thường vẫn lấy cây đa đó làm cái đích để biết được đường còn xa hay gần. Cây đa Cốc to đến nỗi “theo lời bác Lê gái nói đùa một cách nửa than phiền, nửa tự cao rằng sớm quét, chiều quét, quét đã gần hai mươi năm mà chưa hết lá.

——–

Một số hoạ bản của Nhất Linh trong bản thảo Xóm Cầu Mới (Nguồn: Talawas.org)

.


.

Một trang bản thảo Xóm Cầu Mới

.

Bản thảo Xóm Cầu Mới
Nhất Linh phác hoạ và phác thảo đặc tính các nhân vật:

——

Nguyễn Tường Thiết
Về lần tái bản năm 2002

Cuốn truyện dài Xóm Cầu Mới của Nhất Linh, thân phụ tôi, đã được ấn hành lần đầu tiên ở Sài Gòn năm 1973 bởi nhà xuất bản Phượng Giang do tôi chủ trương.

Sau biến cố tháng Tư năm 1975, khi ở trong nước sách của Nhất Linh không được phép lưu hành thì ở hải ngoại hầu hết các tác phẩm của ông đã được một số các nhà xuất bản cho in lại ở Hoa Kỳ.

Những năm gần đây, sách của Nhất Linh cũng như của các nhà văn khác thuộc nhóm Tự Lực Văn Đoàn lại thấy dần dà xuất hiện ở trong nước. Tuy nhiên, chỉ những sáng tác của Nhất Linh ra đời trước năm 1945 mới được ấn hành; còn những tác phẩm về sau của ông thì không những không thấy in lại mà ngay cả trong các sách bình luận văn học xuất bản ở trong nước cũng không thấy đề cập tới.

Đó là lý do tôi dự định cho tái bản hai tác phẩm cuối đời của ông, hai tác phẩm mà tôi may mắn còn giữ nguyên được bản thảo. Đó là hai cuốn Xóm Cầu Mới Giòng sông Thanh Thuỷ.

Để cho quyển sách này được trung thực với nguyên tác, không phạm những lầm lỗi về ấn loát như trong lần xuất bản trước, tôi không tái bản bằng cách cho sao in lại từ ấn phẩm cũ, mà là khởi công đánh máy lại từ đầu dựa hoàn toàn vào nguyên gốc bản thảo.

Đánh máy non năm sáu trăm trang sách với khả năng đánh “mổ cò” của tôi, việc này vừa chậm vừa tốn công. Nhưng tôi thấy việc tự tay mình đánh máy lấy là cần thiết, vả lại cũng vui thích nữa.

Thứ nhất là rất khó tìm được một chuyên viên đánh máy nào có thể vừa đọc vừa đoán những hàng chữ nhỏ li ti trong bản thảo mà không sai ý tác giả. Tôi nói nhiều chữ phải đoán ý vì bản thảo được viết cách đây đã trên một nửa thế kỷ, nhiều nét mực đã mờ đi theo với thời gian.

Thứ hai là trong suốt mấy tháng cặm cụi trước bàn máy vi tính, cận kề với những trang chữ bản thảo, gõ cọc cạch từng chữ từng chữ, tôi thực sự đã sống với ông nhiều nhất kể từ ngày ông ra đi cách đây đã non bốn mươi năm. Nhìn những hàng chữ viết tay của ông, những hàng chữ gẫy vụn, nhỏ nhí, vùi dập, những ký chú bên lề riêng tây, thân mật, tôi thấy rõ là khi đọc từ bản thảo tôi gần gũi tiếp cận với tác giả nhiều hơn là đọc qua ấn phẩm. Vừa đọc, vừa đánh máy vừa thưởng ngoạn tác phẩm này, khi thì tôi tách ra bình tâm đọc văn ông như một độc giả, khi thì tôi nhập vào bồi hồi nhớ tới hình dáng một người cha thân yêu và tưởng tượng ông ra sao khi ông viết tác phẩm này, ông vui ông buồn nổi trôi theo những nhân vật và tôi vui tôi buồn theo ông qua những hàng chữ.

Tôi hình dung một Nhất Linh vui. Hay ít ra cũng nhiều vui hơn buồn khi ông viết cái tác phẩm mà đã có lần ông định đặt tên là Vui buồn này. Các nhân vật cứ đua nhau mà mỉm cười (tôi tẩn mẩn đếm được cả thảy 269 chữ mỉm cười trong toàn tác phẩm). Và tác giả mỉm cười cũng nhiều lần không kém. Hẳn thế.

Rồi tôi cũng mỉm cười liên tưởng tới một sự kiện trớ trêu: 52 năm trước ông ngồi viết những hàng chữ bản thảo này ở Hồng Kông (Trung Hoa), 52 năm sau tôi đọc những hàng chữ đó ở Seattle (Hoa Kỳ). Đều là hoàn cảnh lưu lạc cả. Nhưng tâm trí của cả người viết lẫn người đọc đều qui về một cái huyện nhỏ ở quê nhà nằm bên con đường sắt Hà Nội – Hải Phòng thuộc tỉnh Hải Dương. Huyện Cẩm Giàng. Nơi ông đã tiểu thuyết hoá thành Xóm Cầu Mới . Nơi tôi đã sống những ngày ấu thơ.

Về hình thức trình bầy cuốn sách tôi cũng tận dụng bản thảo. Trước hết là cái bìa sách. Tôi để nguyên không sửa đổi nguyên trang đầu của bản thảo mà Nhất Linh đã tự phác cái bìa cho cuốn truyện tương lai của mình. Sau đó các hình vẽ của Nhất Linh trong bản thảo tôi cũng cho in đầy đủ.

Sau cùng, để cho cuốn sách thêm phần phong phú, tôi có nhờ hai nhà văn Nguyễn Thị Vinh và Võ Phiến viết bài đặc biệt để đăng trong lần tái bản cuốn Xóm Cầu Mới này. Nhân đây xin nhị vị nhận cho lòng biết ơn của chúng tôi.

(Nguồn: Talawas.org)

——-

1. Nguyễn Thị Vinh – Nhà văn Nhất Linh & Xóm Cầu Mới

2. Võ Phiến – Đọc bản thảo của Nhất Linh

.

Chuyên mục:Đọc sách Thẻ:
  1. Trần thị Bảo Vân
    06/07/2012 lúc 22:35

    Ui…! Bận túi bụi chị Năm ơi, Út tranh thủ ghé vào thăm chị Năm một chút, nên chỉ đủ thời gian đọc…lướt bài mới một tí thôi nghen…

    Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam, có câu nói này “để đời”, đúng không chị Năm?

    – “Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử tôi cả. Sự bắt bớ và xử tội những phần tử quốc gia đối lập là một tội nặng, sẽ làm cho nước mất về tay Cộng sản…! ”

    Quả là đúng…y chang! hihi…

  2. Trần thị Bảo Vân
    06/07/2012 lúc 22:45

    Chị Năm ơi, nếu Út nhơ nhớ không lầm, thì Út có đọc đâu đó có thông tin là nhà văn Nhất Linh cũng là một…Hoạ sĩ, và có một bức tranh của ông được hãng Sotheby’s bán đấu giá đâu được khoảng 80,000 USD…đấy?!
    Bức tranh ấy hình như có tên là “Cảnh phố chợ Đông Dương”…thì phải?!
    Nếu tìm được bức hoạ này, chị Năm post lên cho cả nhà xem đi…

    • 07/07/2012 lúc 15:27

      Tháng 10 năm 2010 vừa qua một họa phẩm hiếm quí của Nhất Linh đã được bán đấu giá tại Hồng Kông.

      Sotheby’s nhà bán đấu giá nghệ phẩm danh tiếng cho biết lần đầu tiên một bức họa của Nguyễn Tường Tam được bầy bán trên thị trường thế giới. Bức họa mang tên Cảnh Phố Chợ Đông Dương(Scène de Marché de rue Indochinois) vẽ trên vải lụa, khổ 20×36 IN, thực hiện trong khoảng năm 1926-1929, do một tư nhân bên Pháp đặt bán với giá khởi đầu 25,000-32,200 Mỹ kim.

      Sotheby’s trang trọng giới thiệu bằng Anh ngữ tác giả Nguyễn Tường Tam và bức họa của ông mà tôi tạm dịch sang tiếng Việt như sau:
      Cảnh Phố Chợ Đông Dương đánh dấu lần đầu tiên một họa phẩm của Nguyễn Tường Tam xuất hiện trên thị trường quốc tế. Sinh năm 1905* tại Hải Dương (Bắc Việt) trong một gia đình nghèo Nguyễn Tường Tam khi còn rất nhỏ tuổi đã sớm mất cha, một vị thông phán. Mặc dù gặp nghịch cảnh khó khăn tất cả bẩy người con của gia đình Nguyễn Tường đã cố vươn lên để sau này trở thành những người nổi danh có những đóng góp đáng kể cho đất nước và cho nền văn hóa Việt Nam.

      Nguyễn Tường Tam, bút hiệu Nhất Linh, cùng với người bạn văn Khái Hưng, đã sáng lập ra hội văn hóa Việt Nam nổi tiếng mang tên Tự Lực Văn Đoàn. Ông cũng là sinh viên đợt đầu tiên của Trường Mỹ Thuật Hà Nội. Bạn cùng lớp với ông có Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Mai Trung Thu, Georges Khán, Công Văn Trung và Lê Ang Phan, những người mà sau này được xem là tầng lớp họa sĩ tiền phong cho nền hội họa Việt Nam hiện đại.

      Cảnh Phố Chợ Đông Dương với màu sắc ấm cúng và tinh tế, với đường nét duyên dáng trên vải lụa thanh tú đã thể hiện hết vẻ đẹp tuyệt vời của tranh lụa vốn là nét độc đáo của Trường Mỹ Thuật Hà Nội. Mô tả cảnh sinh hoạt rộn rịp của một ngôi chợ điển hình miền Nam bộ, với đàn bà và trẻ con làm chủ điểm, bức tranh cho thấy sự lưu tâm của người nghệ sĩ đối với đời sống xã hội, và có lẽ nó hé mở cho thấy tương lai của ông sau này là người rất nhậy cảm trước những biến chuyển về xã hội cũng như về văn hóa của đất nước ông.

      Năm 1927, mặc dù có thực tài vẽ, Nguyễn Tường Tam đã tự ý rời bỏ Trường Mỹ Thuật để theo đuổi nghề báo và viết văn, với sự luyến tiếc vô cùng của các giáo sư nhà Trường, đặc biệt là của họa sĩ kiêm giám đốc Victor Tardieu. Nhà cầm quyền Pháp hồi ấy không mấy yên tâm về quyết định của ông vì đây là một thời kỳ chuyển tiếp của Đông Dương: một thời kỳ cách tân từ cũ qua mới làm lay động cấu trúc xã hội và chính trị trên mảnh đất thuộc địa này của người Pháp.

      Để có thể trở thành một “nghệ sĩ tự do,” Nguyễn Tường Tam tiếp tục vẽ tranh lụa và mở vài cuộc triển lãm ở Hà Nội, Sài Gòn và Nam Vang. Không một ai biết chắc là hồi trẻ ông đã vẽ bao nhiêu bức tranh. Mặt khác những tiểu thuyết của ông được xem là có tính cách mạng và ông bị mật thám Pháp theo dõi kỹ.

      Sau năm 1929, Tam thôi vẽ và thành lập báo Phong Hóa ở Hà Nội, một tờ báo nổi tiếng và là cơ quan tiền phong cổ vũ cho sự đổi mới, đả phá những ý niệm cổ hủ thay bằng những tư tưởng tiến bộ, đưa đến sự tiến hoá về xã hội cũng như về giáo dục.

      Tam không những được xem là vị lãnh đạo trên địa hạt văn học nghệ thuật, ông còn là tiểu thuyết gia mới hàng đầu, đồng thời là một chính trị gia được nhiều người biết tới. Ít người biết ông là một họa sĩ bởi lẽ trải qua bao nhiêu biến cố và thời gian không còn bao nhiêu họa phẩm của ông sống sót. Một bức tranh với khổ khá lớn và được bảo tồn kỹ như bức tranh này, Cảnh Phố Chợ Đông Dương quả là họa phẩm cực hiếm, bởi vì không những không còn nhiều những tranh như thế tồn tại, mà còn bởi vì nó cung cấp thêm một cái nhìn quan trọng vào trong di sản của ông, một trong những người Việt Nam Mới tiền phong nổi danh.
      (Modern and Contemporary Southeast Asian Painting, Hong Kong 4 October 2010, trang 116)

      Tháng 10 vừa qua tôi nhận được từ nam Cali một cú điện thoại khiến tôi sửng sốt. Bác sĩ Hà Quốc Thái –một người tôi quen biết– báo cho tôi là ở Hồng Kông họ vừa bán đấu giá một bức tranh của ông cụ tôi. Anh Thái là một người sưu tập tranh quí, anh tỏ ý tiếc là đã không mua được bức tranh ấy vì đã có người trả quá cao (trên Sotheby’s website bức tranh đã được bán với giá 596,000 Hồng Kông đô-la, khoảng 75,000 Mỹ kim). Mặc dù chưa nhìn thấy bức tranh mà chỉ nghe anh Thái nói đó là một bức họa lớn vẽ cảnh chợ trên vải lụa và ký tên TAM, tôi đặt ngay câu hỏi về tính trung thực của bức tranh ấy. Bởi nhiều lẽ: thứ nhất là sau gần nửa thế kỷ sưu tập những di cảo của ông cụ tôi chưa hề trông thấy hoặc nghe nói đến một bức tranh nào tương tự như thế, thứ hai là trong tất cả tài liệu và tranh vẽ của ông cụ mà tôi cất giữ đều ký tên hoặc là NHẤT LINH hoặc là TƯỜNG TAM, chứ không bao giờ ký TAM không thôi. Thấy tôi tỏ ý nghi ngờ anh Thái hứa gửi tôi quyển sách của nhà Sotheby’s để tôi so chữ ký ông cụ và anh cũng nói thêm nhà bán đấu giá Sotheby’s là một cơ quan uy tín quốc tế rất lâu đời không bao giờ có chuyện họ bán một bức tranh giả mạo. Sau khi nhận được quyển sách nhìn chữ ký và so với chữ TƯỜNG TAM ký trên bức thư từ chức Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao của ông cụ thì tôi không còn nghi ngờ gì nữa: chữ Tam ký trên tranh giống chữ Tam trên bức thư. Bức tranh này được vẽ khi ông cụ tôi ở trong khoảng từ 20 đến 23 tuổi, có lẽ hồi đó ông chưa có bút hiệu Nhất Linh.

      Nhìn bức tranh tôi bàng hoàng. Mối xúc động đó của tôi hoàn toàn có tính cách cá nhân. Ðó là tâm trạng của một đứa con lần đầu tiên được nhìn thấy một họa phẩm mà nó chưa từng nhìn thấy của người cha thân yêu. Hơn thế nữa bức tranh như một cánh cửa vừa hé mở lộ ra một phần đời của cha nó mà nó chưa hề biết tới.

      Tôi nhìn bức tranh mà như không nhìn tranh. Hình ảnh hiện lên trong tôi là tác giả bức tranh ấy, một cậu thanh niên mới ngoài 20 tuổi, đứng trước một giá vẽ họa cảnh phố chợ Sài Gòn gần 90 năm xưa.

      Tôi tự hỏi tại sao bức tranh này lại là cảnh phố chợ ở Sài Gòn mà không phải là cảnh chợ Hà Nội hay một làng quê đất Bắc? Dịp nào mà cha tôi trong thập niên 20 của thế kỷ trước đã có phòng triển lãm tranh ở Sài Gòn và Nam Vang? Nguyên do nào khiến ông đã phiêu lưu rời xa Hà Nội sớm thế khi ông mới hai mươi mấy tuổi đầu?

      Tôi tìm thấy câu trả lời trong vài dòng ngắn ngủi sau đây khi đọc lại tiểu sử Nhất Linh. Thụy Khuê trong cuốn sách Nhất Linh, người nghệ sĩ người chiến sĩ, cho biết: “Cuối năm 1923 ông đậu bằng Cao Tiểu. Nhưng vì chưa đến tuổi vào trường cao đẳng, nên làm thư ký sở tài chính Hà Nội, kết duyên văn nghệ với Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu, viết Nho Phong. Lấy vợ và theo ban cao đẳng. Lúc đầu, năm 1924 học thuốc được một năm thì bỏ, chuyển sang học Mỹ Thuật, được một năm cũng bỏ. Năm 1926 Nguyễn Tường Tam vào Nam , gặp Trần Huy Liệu, Vũ Đình Di định cùng làm báo. Nhưng vì tham dự đám tang Phan Chu Trinh, hai người này bị bắt, Nguyễn Tường Tam phải trốn sang Cao Miên, sống bằng nghề vẽ và tìm đường đi du học”.

      Như vậy là trong thời gian ở Sài Gòn và Nam Vang cha tôi đã sống bằng nghề vẽ. Ông tổ chức những buổi triển lãm để bán tranh và một trong những bức ấy có một người (Việt hay Pháp?) mua được đem qua Pháp để hơn 80 năm sau bán đấu giá ở Hồng Kông: đó là bức tranh tôi đang nhìn ngắm được chụp lại và in trong cuốn sách của nhà Sotheby’s.

      Ngắm bức tranh tôi ngẩn ngơ. Lần đầu tiên tôi thấy một họa phẩm lớn của ông vẽ trên vải lụa. Những bức tranh mà tôi sưu tập được là những bức nhỏ cha tôi vẽ sau này, phần lớn là những bản phác họa trên giấy vẽ hoa lan, vẽ phong cảnh Ðà Lạt… Trước sau tất cả các họa phẩm này đều toát lên một vẻ đẹp thật sự của tài hoa.

      Mặc dù sau năm 1929 ông cụ tôi không sống về nghề vẽ như một họa sĩ chuyên nghiệp nhưng lòng mê say hội họa của ông vẫn theo ông cho đến cuối đời. Ông dùng tài vẽ của mình, theo từng giai đoạn, hoặc để làm báo, hoặc vẽ theo cảm hứng. Với báo Phong Hóa và Ngày Nay trước kia ông ký tên Ðông Sơn và sau này với Văn Hóa Ngày Nay ông ký tên Nhất Linh trên những bức vẽ. Phần lớn những tranh tôi giữ được là những bức cha tôi vẽ theo cảm hứng trải qua nhiều giai đoạn của đời ông.

      Từ bức tranh Cúc Xưa vẽ ở Hồng Kông năm 1948,

      bức Cathédrale de Bourges ở Paris năm 1954

      cho đến bức Phong cảnh Ðà Lạt năm 1958 …

      Ðặc biệt là trong những năm 1956-58 hồi chúng tôi ở Ðà Lạt, tôi chứng kiến cha tôi trong những buổi đi chơi xa hoặc đi tầm lan ông thường vẽ phác phong cảnh và hoa phong lan trên một cuốn sổ tay. Thời gian này tôi thấy ông vẽ còn nhiều hơn là ông viết nữa.


      (Hoa Phong Lan của Nhất Linh – 28/10/1957)

      Bức tranh Cảnh Phố Chợ Ðông Dương mới khám phá này còn gây cho tôi thêm một thắc mắc. Vì lẽ gì mà người nghệ sĩ trẻ tuổi tài hoa ấy lại tự ý rời bỏ Trường Mỹ Thuật để theo đuổi nghề báo và viết văn?

      Ðể trả lời cho câu hỏi này một người bạn của ông cụ tôi, nhà văn Trương Bảo Sơn, giải thích: “Ở trường Mỹ Thuật anh tin tưởng đời anh sẽ là một họa sĩ, thực là thích hợp với tâm tồn nghệ sĩ của anh. Anh mê say hội họa, nhưng rồi sau một năm, một hôm cùng bạn theo giáo sư về vùng quê vẽ mấy con trâu, anh nhận thấy cái cảnh nghèo khổ của dân quê và sự vô lý của công việc anh đang làm: trong lúc dân chúng bao nhiêu người còn phải sống trong cảnh “bùn lầy nước đọng”, anh lại có thì giờ đi vẽ trâu”.

      Ông Trương Bảo Sơn là người rất thân cận với ông cụ tôi, chắc hẳn là đã được nghe chính ông cụ tôi tâm sự, nên đoạn trích của ông về lý do ông cụ bỏ hội họa là cực kỳ quí giá và quan trọng vì phản ảnh đúng tâm trạng ông cụ tôi.

      Mặc dù không còn gì để nghi ngờ nữa tôi vẫn muốn tìm hiểu thêm lý do khiến ông cụ tôi bỏ vẽ và tôi đã được soi sáng hơn khi đọc kỹ lại truyện ngắn Hai Vẻ Đẹp của Nhất Linh. Trong truyện tác giả Tam của bức tranh kia hoá thân thành nhân vật Doãn. Chỉ khác một điều: Tam là họa sĩ trước khi Đi Tây. Còn Doãn là họa sĩ khi từ Pháp trở về.

      Nhất Linh tả hoạ sĩ Doãn vẽ cảnh chợ ở một làng quê, gần gũi với cảnh chính ông vẽ trong bức Cảnh Phố Chợ Đông Dương:
      Biết là có phiên chợ, Doãn dậy sớm ra ngồi ở hàng nước đầu làng để đón những người gồng gánh đi qua. Chàng cần lấy dáng điệu một bọn người gánh hàng, vì chàng đương làm dở một bức bình phong sơn vẽ cảnh chợ nhà quê.
      Doãn vẽ mỏi cả tay mà vẫn còn muốn vẽ. Giở cuốn sổ tay xem lại, chàng thấy nhiều dáng rất linh động. Nhưng chàng vẫn nhận thấy nó sai hẳn sự thực; người ở trang giấy đẹp đẽ, sạch sẽ khác xa những người thật xấu xí, bẩn thỉu, tiều tụy đi diễn qua trước mắt chàng từ sáng đến giờ…
      Nhất Linh diễn tả tâm trạng của Doãn khi vẽ một cảnh nghèo khó như sau:
      Doãn lim dim mắt nhìn cái mái nhà gió đêm qua thổi bay từng mảnh để hở cả rui tre. Chàng toan chữa lại bức tranh, nhưng sao lại thôi, vì chàng cho thế là vụn vặt quá. Những cái mái nhà thủng làm chàng lo sợ; nếu mai kia họ đem rạ mới lợp lại, màu mái nhà đổi khác thì bức tranh của chàng đành vứt đi. Chàng cúi xuống vẽ thật mau. Được một lúc chàng tự nhiên mỉm cười vì một ý ngộ nghĩnh thoáng hiện trong óc:
      – Mình chỉ cốt vẽ, muốn cho người ta ở nhà dột mãi, không cho người ta lợp lại mái nhà nữa…
      Rồi chàng buồn rầu tự hỏi làm sao họ lại có thể sống trong cái nhà đó được.
      Người họa sĩ trong truyện cuối cùng tìm thấy chân lý: đó là sự khám phá ra vẻ đẹp thứ hai trong Hai Vẻ Đẹp của cuộc đời:
      Doãn táy máy rứt một cây cỏ đưa lên miệng nhai lá. Mùi đất ở rễ cỏ chàng tưởng như một mùi thơm của thời quá vãng còn vương lại, để chàng nghĩ đến cái ý nghĩ của quê hương. Doãn thấy mình đã bao lâu nay sống ở giữa chốn quê như một người xa lạ; bây giờ chính những cảnh nhem nhuốc của quê hương đã kích thích chàng, xúi giục chàng quay về với quê hương và mong mỏi cho quê hương trở nên đẹp đẽ. Đời của đám dân quê đã bao lâu bị chàng thờ ơ, lạnh nhạt, bỏ quên như xác những con vờ bên sông kia, từ lâu chàng sẽ săn sóc tới.
      Thoáng một lúc chàng thấy hiện ra, trên những làng xóm ngủ yên, in bóng xuống các ruộng nước rải rác ở chân trời, những cảnh đẹp khác hẳn những cảnh đẹp vẫn phô diễn trong tranh: đó là những cảnh đời đẹp đẽ sáng sủa mà mấy tháng trước đây chàng đã có lần tưởng đến, nhưng cho là không bao giờ thành được sự thực. Doãn ngẫm nghĩ:
      – Ta phải hết lòng đi tìm cái đẹp ấy cho người khác, cũng như là bấy lâu ta đi tìm cái đẹp về hình sắc để ghi trên vải lụa.
      *

      Hai Vẻ Đẹp của Nhất Linh nói lên hết.
      Từ hội họa chàng họa sĩ đã nhìn thấy một cái đẹp khác: vẻ đẹp cao cả của cách mạng làm cho đời tốt hơn.

      Và chàng sau đó đã thực sự lên đường đi tìm vẻ đẹp thứ hai cho đời ông và cho quê hương ông. Hành trang lên đường là điều tâm niệm sau đây của André Gide mà ông đã đặt làm lời mở cho truyện Hai Vẻ Đẹp:
      Anh phải luôn luôn tự nhủ rằng đời người có thể đẹp đẽ hơn: đời của anh và đời của những người khác.

      (Nguồn: bài viết của Nguyễn Tường Thiết)

      • Phạm Sơn
        07/07/2012 lúc 15:56

        Thật thú vị!
        Cám ơn Bảo Vân và Phay Van đã chia sẻ thông tin về bức tranh “Cảnh phố chợ Đông Dương”.
        Lần đầu tiên tôi mới nhìn thấy và biết được thông tin chi tiết về bức tranh này của nhà văn-hoạ sĩ: Nhất Linh- Nguyễn Tường Tam

      • Nguyễn Tuấn Anh
        07/07/2012 lúc 21:32

        Wow..! Hôm trước trong entry về hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí, biết được thông tin bộ tranh “Vườn Xuân Trung Nam Bắc” của ông được bán tương đương 100,000 USD.
        Nay đọc còm trong entry này lại biết thêm thông tin bức tranh “Cảnh phố chợ Đông Dương” của hoạ sĩ Nguyễn Tường Tam được bán với giá gần 75,000 USD.
        Quả là 2 hoạ sĩ tiền bối của VN đầy…giá trị chân tài!

        Điều thú vị là đọc bài của Nguyễn Thị Vinh, lại biết thêm thông tin là hai hoạ sĩ – nhà văn tiền bối tài năng ấy lại có thời kỳ sống chung với nhau ở một…”túp lều”:

        – “Năm 1948, tôi sang Hương Cảng, nơi tôi ở là một căn nhà… không, phải gọi là một túp lều mới ổn. Túp lều của chúng tôi nằm trên một, trong nhiều các ngọn núi đá thấp…”
        -“Anh Nguyễn Gia Trí thường đem giá gỗ, ngồi vẽ dưới gốc cây….”
        – “Chị Tam mua một chiếc ghế vải, có thể ngồi hay nằm tựa và chiếc bàn nhỏ, kê ở trong hang đá, rồi gọi nơi đó là “nhà mát”. Anh Tam đem vào nhà mát một chiếc cặp da đựng bản thảo XCM cùng với bình thuỷ nước sôi, cà phê, vài bao thuốc lá hiệu “Bastos xanh”, một cái gạt tàn thuốc to gần bằng cái đĩa tây. Với ngần ấy thứ, anh có thể ngồi suốt ngày trong hang đá, viết, viết và viết… Cháu Kim Anh thích quanh quẩn chạy chơi loanh quanh chỗ bác Tam viết, rồi lại chạy ra chỗ bác Trí vẽ. Các anh chỉ vui thêm chứ không lấy thế làm phiền. Anh Trí còn bế cháu lên, cho cháu cầm cọ vẽ nghịch vài nét ngay trên tấm tranh đang vẽ dở của anh. Anh bảo: “Không hề gì, rồi sửa lại, được mà!” “

      • 08/07/2012 lúc 16:36

        Tuấn Anh: Nhất Linh được biết đến như là một văn hào, rồi một nhà hoạt động cách mạng, hơn là một hoạ sĩ.

  3. Trần thị Bảo Vân
    06/07/2012 lúc 23:16

    À…Chị Năm, trang nhà của chị có một số links vào xem bài được, nhưng không gởi comment được đó nghen!? Chị Năm thử coi lại để chỉnh dẫn đi…

    Có link này Hồng Nga mách cho Út…”leo” vào nhà chị “ro ro” và hay lắm đó…

    – “Hành Trình Về đến Trái Tim << Phay Van
    199.19.106.131/~ipxnowi/r.php?nin_u…nin_b=1 "

  4. Võ trung Tín
    07/07/2012 lúc 12:56

    Cái ông nhà văn này viết chữ gì mà như…con kiến!
    Tánh tình ông này chắc là…”bủn xỉn”…đây?! hihihihihihi…

    • Võ Trung Tín
      08/07/2012 lúc 22:23

      “Tín: chữ chị Năm cũng nhỏ tí như vậy đấy.”

      Chời..chời…! Dzậy là chị Năm cũng…”bủn xỉn”…hở…chời??!! hihihihi…
      Nói dzậy mà không phải dzậy…à nghen, bà chị…”bủn xỉn”….
      Bởi…với các cỡ chữ:

      – Người viết chữ lớn là những người có tính thích ngao du, luôn hoạt bát và tràn đầy sự nhiệt tình. Tuy nhiên, bạn cũng cần biết rằng đồng thời với sự nhiệt tình đáng quý đó ở họ là sự thiếu cẩn thận và ý chí tiến thủ. Do đó, mẫu người này không dễ đạt được nhiều thành công như mong đợi.

      – Viết chữ trung bình, không quá to, không quá nhỏ là người có tính tự chủ tốt, có năng lực học tập, trong công việc thường tập trung cao độ. Bạn là người sống mực thước, biết sử dụng đồng tiền hợp lí.

      – Không sôi nổi như người viết chữ to nhưng giàu tính kiên trì và tinh tế là ưu điểm đáng quý của người thích viết chữ nhỏ. Khi làm việc, hiếm người có thể kiên trì và toàn tâm, toàn ý như họ. Hơn nữa, họ còn là người chu đáo, có khả năng nhìn nhận cuộc sống một cách sâu sắc. Những tác phẩm có tính văn chương là món quà giúp bạn dễ dàng tiếp cận với mẫu người này hơn cả. Người viết chữ nhỏ thường là các nhà khoa học nghiên cứu, người hay suy nghĩ cẩn thận, chín chắn trong công việc.

      Và tiếp theo…Đọc vui vui…thư giãn, nghen chị Năm….

      Khoa học nghiên cứu về chữ viết là việc tìm hiểu và phân tích tâm lý con người thông qua chữ viết. Qua chữ viết người ta có thể đoán biết tính cách, tinh thần, sức khỏe của người viết.
      – Một bức thư với nội dung lưu loát, chữ viết liền mạch, trình bày rõ ràng chứng tỏ trong lúc viết, người viết có tinh thần lạc quan, thái độ rõ ràng, rành mạch. Nét chữ tròn trịa, điều hòa, mềm mại thể hiện tính cách hiền hòa, dễ gần của người viết; nét chữ nhấn mạnh chứng tỏ một cá tính rất mạnh ở người viết và hầu hết họ có tính hung hăng, tâm lý không vững vàng…
      – Chữ viết trên đường thẳng như một đường kẻ: Người này hay kiềm chế cảm xúc của mình.
      – Chữ viết trên đường hơi khấp khểnh, không đều một cách tự nhiên: Người này biết khi nào không nên để lộ cảm xúc và khi nào cần thoải mái tự nhiên. Nhìn chung thì người này có thái độ linh hoạt với cuộc sống.
      – Chữ viết trên đường rất khấp khểnh: Người này không có thói quen kiềm chế cảm xúc của mình. Người này dễ khóc, dễ cười và có tình cảm phức tạp, đa dạng.
      – Chữ viết mau lẹ là người hay nóng nảy, thẳng tính, nhưng nông cạn, trái lại chữ viết nắn nót, chậm rãi là người đa mưu nhiều tính toán, lợi dụng ít khi thật lòng.
      – Kiểu dáng chữ viết bình thường không cầu kỳ thêm bớt những nét dư thừa để tô điểm cho chữ viết của mình là người thực tế ham hoạt động, dễ thành công, nếu chữ viết có tính phô trương những nét đặc biệt của mình như chữ n, m đá lên quá cao hay cái bụng của chữ h, g, y quá lớn chẳng hạn là người thích phô trương bề ngoài.
      – Kích thước, nét chữ điều hòa, không ốm không mập thái quá là người sống mực thước, biết sử dụng đồng tiền hợp lý, trái lại nét chữ ốm, cao, có khuynh hướng những nét chữ khít nhau là người coi trọng đồng tiền, biết giữ của, nhưng khó làm ra đồng tiền. Trái lại nét chữ to phình ra là người hào phóng, rộng rãi thích giao thiệp rộng.
      – Chiều hướng nét chữ thẳng đứng, bằng phẳng là người an phận ít thích đổi thay, đôi lúc có tính bảo thủ. Trái lại chữ viết bổ tới, hay càng viết càng hướng lên không nằm trên một đường thẳng là người có nhiều tham vọng, không bao giờ bằng lòng với hiện tại, nếu nét bút ngã về phía sau hay càng viết càng đi xuống là dấu hiệu có nhiều bi quan trong cuộc đời, người mang nhiều mặc cảm, kín đáo ít khi bộc lộ tình cảm riêng tư.
      – Nét bút liên tục, mạnh dạn là người năng động, biết sắp xếp công việc theo khoa học với nhiều tự tin, đôi trường hợp mang tính kiêu ngạo hay tự mãn với chính mình. Chữ viết bị đứt khoảng hay mờ nhạt là người thiếu tự tin, thường gặp nhiều thất bại trong cuộc sống, tâm tình có điều bất ổn.
      – Cấu trúc chữ viết không chồng chéo lên nhau không quá rời rạc là người có tâm lý bình ổn, sống có định hướng cuộc đời, không quá cực đoan nhất thời-
      ……………….

      Môn khoa học này đã gây tranh cãi hơn một thế kỉ. Dù những người ủng hộ nó đã chỉ ra hàng ngàn trường hợp mà việc xét đoán tính cách qua chữ viết dường như hoàn toàn chính xác, những nghiên cứu mang đậm tính kinh nghiệm này không đủ sức thuyết phục và quá riêng lẻ để có thể xác thực cho cả môn khoa học.
      Hiện nay dưới con mắt khoa học hiện đại, việc nghiên cứu tính cách con người qua chữ viết chỉ là một môn khoa học huyền bí.
      Tuy nhiên, môn khoa học này vẫn có một sức hấp dẫn kỳ lạ; nó vẫn có rất nhiều tín đồ và được sử dụng một cách rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống.

    • Võ Trung Tín
      09/07/2012 lúc 22:32

      Phay Van :Cảm ơn Tín. Đọc lý thú đấy nhỉ. Tiếc quá, chữ chị Năm khi to, khi nhỏ, khi thì nghiêng bên trái, khi đổ về bên phải, xiêu vẹo… thì em đoán sao đây, hi hi.

      Hihihihi… Thầy bói ròm em..”phán”… đây, chị Năm ơi! hihihihi…

      Vậy chị Năm là hậu duệ mang tính cách của Trạng Quỳnh…thi vẽ giun, rồi đó!
      – Kết luận = Clever !
      Do đó, ròm em…”biếu”..chị Năm bài thơ “cóc nhảy”..đây…

      – Chữ Năm mũm mĩm…lại nghiêng nghiêng
      Lúc đứng thẳng dòng…lúc vẹo xiêu
      Chữ to chữ bé…tuỳ tay chị
      Viết sao cho đẹp… cái còm.. nghen!
      hihihihihihi…

      ( Thân em mũm mĩm, lại tròn tròn
      Lúc cứng chành bành lúc tí hon
      To bé hãy tuỳ tay thiếu nữ
      Nặn cho ra được cái đầu son. )
      – Hồ Xuân Hương –

    • Võ Trung Tín
      10/07/2012 lúc 22:19

      Chắc…Tết Ma-Rốc…mới có cuộc thi vẽ (giun) này…quá, chị Năm ơi…..

      • 11/07/2012 lúc 07:57

        Theo bác Chinook thì tết Công-gô vào ngày 01.01 dương lịch. Thế còn người Ma-rốc có ăn tết không nhỉ? Em canh nhé, khi nào thấy họ ăn tết thì báo, để chị Năm đi thi (vẽ giun).

  5. Võ trung Tín
    07/07/2012 lúc 13:11

    Tự Lực Văn Đoàn được thành lập vào năm 1933 gồm có 7 người, nhưng trên thực tế chỉ có Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam là sáng tác nhiều và được biết tới nhiều nhất.
    Nhất Linh là người thành lập và đứng đầu văn đoàn, tôn chỉ của văn đoàn gồm mười điểm nguyên văn như sau:
    (Theo Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, cuốn 3)

    1.Tự sức mình làm ra những sách có giá trị về văn chương chứ không phiên dịch sách nước ngoài nếu những sách này chỉ có giá trị văn chương thôi, mục đích là để làm giầu thêm văn sản trong nước.

    2. Soạn hay dịch những cuốn sách có tư tưởng xã hội. Chú ý làm cho người và cho xã hội ngày một hay hơn lên.

    3.Theo chủ nghĩa bình dân, soạn những cuốn sách có tính cách bình dân và cổ động cho người khác yêu chủ nghĩa bình dân.

    4. Dùng một lối văn giản dị dễ hiểu, ít chữ nho, một lối văn thật có tính cách An Nam.

    5. Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có giá trị phấn đấu và tin ở sự tiến bộ.

    6. Ca tụng những nét hay vẻ đẹp của nước nhà mà có tính cách bình dân, khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân . Không có tính cách trưởng giả quí phái.

    7.Trọng tự do cá nhân.

    8. Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa.

    9. Đem phương pháp khoa học Thái Tây ứng dụng vào văn chương Việt Nam.

    10.Theo một trong 9 điều này cũng được miễn là đừng trái ngược với những điều khác.

    • 07/07/2012 lúc 14:42

      Việt Văn Độc Bản (sđd) ghi thế này:
      Đầu năm 1933 Nhất Linh lập Tự Lực Văn Đoàn (TLVĐ) gồm có: Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ, Hoàng Đạo, Thạch Lam và Tú Mỡ.

      Chủ trương của TLVĐ:
      1. Về chính trị: đả kích chính sách chia rẽ, chính sách truỵ lạc hoá dân Việt của thực dân, công kích bọn quan liêu và cường hào hống hách, bài xích phong kiến, phác hoạ kín đáo công cuộc cách mạng dân tộc.
      2. Về xã hội: đả phá nạn tranh giành ngôi thứ ở thôn quê, những tập tục hủ bại, óc mê tín dị đoan, chế độ đại gia đình bóp chết tự do và hạnh phúc cá nhân, đề cao tinh thần tự lập, vị tha; chủ trương cải thiện đời sống của giới bình dân nghèo khổ, chế riễu những người bi quan, lãng mạn.
      3. Về văn nghệ: đả kích lối hành văn cũ dùng nhiều điển cố, nhiều chữ Hán, ý sáo mà lời cầu kỳ; châm biếm bọn người Tây học mất gốc chỉ biết nói và viết tiếng mẫu quốc; chế riễu kiểu lý luận duy vật, chủ trương một lối hành văn giản dị, sáng sủa, linh động, ít dùng chữ Hán, đẩy mạnh những thể văn mới như kịch, phóng sự, phê bình, tuỳ bút, truyện ngắn.

      • Nguyễn Tuấn Anh
        07/07/2012 lúc 22:54

        Chị Năm, em có đọc một số thông tin này đây…

        Danh sách Tự Lực văn đoàn, theo Tú Mỡ công bố trên tạp chí Văn học số 5-6 năm 1938 và số 1 năm 1939.

        Tự Lực Văn Đoàn được thành lập bởi 8 thành viên :
        1/ Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam)
        2/ Khái Hưng (Trần Khánh Giư)
        3/ Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long)
        4/ Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân)
        5/ Thế Lữ – Lê Ta (Nguyễn Thứ Lễ)
        6/ Xuân Diệu (Ngô Xuân Diệu)
        7/ Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu)
        8/ Trần Tiêu (em của Khái Hưng)

        Ngoài ra còn có một số nhà văn khác cộng tác chặt chẽ với Tự Lực Văn Đoàn như: Trọng Lang, Huy Cận, Thanh Tịnh, Đoàn Phú Tứ. Cơ quan ngôn luận của Tự Lực Văn Đoàn là báo Phong Hóa, và tờ Ngày Nay sau khi Phong Hóa bị đóng cửa vào năm 1936.

        Sách của Tự Lực văn đoàn được in ở nhà in Trung Bắc Tân Văn, sau đó họ có nhà in riêng là Đời Nay. Bìa sách và tranh được minh họa bởi những họa sĩ nổi tiếng Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân.

        ( Nguồn: Wikipedia )

      • 08/07/2012 lúc 15:47

        Tuấn Anh:
        Trang Wikipedia về lịch sử, văn học sử có nhiều điểm chưa chính xác.

        Từ tháng 9 năm 1932, Nhất Linh tức Nguyễn Tường Tam đứng ra điều khiển tờ Phong Hoá loại mới có đủ các mục chính trị, xã hội, văn chương và phụ nữ. Đầu năm 1933, Nhất Linh lập Tự Lực Văn Đoàn. Ngoài thủ lĩnh, văn đoàn gồm có: Khái Hưng tức Trần Khánh Giư, Thế Lữ tức Nguyễn Thứ Lễ, Hoàng Đạo tức Nguyễn Tường Long, Thạch Lam tức Nguyễn Tường Lân, Tú Mỡ tức Hồ Trọng Hiếu.
        (…)
        Tự Lực văn đoàn lập một cơ quan xuất bản gọi là Nhà Xuất Bản Đời Nay để in những tác phẩm của văn đoàn và của một số văn nghệ sĩ có tài khác, đặt giải thưởng văn chương để khuyến khích những tài năng mới.

        (Trích: Việt Văn Độc Bản lớp Đệ Nhị – Đàm Xuân Thiều và Trần Trọng San)

        1. Nhất Linh là người sáng lập TLVĐ, chứ không phải tám thành viên đồng sáng lập.
        2. Xuân Diệu và Trần Tiêu không nằm trong TLVĐ.
        3. Tú Mỡ chỉ là đàn em trong nhóm TLVĐ.

        Câu “Ngoài ra còn có một số nhà văn khác cộng tác chặt chẽ...” không chính xác. Lẽ ra nên viết: “Ngoài ra còn có một số nhà văn khác có tác phẩm được TLVĐ trao giải thưởng văn chương hoặc được nhà xuất bản Đời Nay in sách…”

      • Võ Trung Tín
        08/07/2012 lúc 22:30

        Qua các còm của chị Năm, Tuấn Anh và ròm em…về TLVĐ…thì quả là câu…sách nói…

        – “TẬN TÍN THƯ BẤT NHƯ VÔ THƯ”…đúng “y bon” thật ! hihihihihi…

      • Võ Trung Tín
        09/07/2012 lúc 22:22

        Sách..NÓI, thầy Mạnh Tử..NÓI, chứ ròm em đâu có..NÓI, mà chị Năm..NÓI: ròm em..NÓI!
        hihihihihi…

  6. Nguyễn Tuấn Anh
    07/07/2012 lúc 21:34

    “Cây đa của xóm người ta gọi là cây đa Cốc vì cốc ở khắp vùng thấy cây đa cao nhất và an toàn nhất đến đậu và ỉa trắng xoá cả lá cây.”

    Cốc…là loài chim hay là loài gì vậy chị Năm, em chưa từng nghe và biết, chị Năm có…nghe và biết?

    • 08/07/2012 lúc 16:34

      Tuấn Anh: Theo wikipedia, chim cốc (Phalacrocorax carbo sinensis Blumenbach) thuộc họ Cốc (Phalacrocoracidae), tên khác là cốc đế, cuốc, cồng cộc.

      • Võ Trung Tín
        08/07/2012 lúc 22:42

        Wikipedia nói…”hổng có đúng”…đâu, chị Năm và Tuấn Anh ơi!
        Bởi, chị Năm… mình, đã…phán…:

        – “…chị không tin lắm vào trang Wikipedia… ” ( Trân trọng…trích còm # 17 )

        hihihihihihihihi…

      • Võ Trung Tín
        09/07/2012 lúc 22:36

        Phay Van :Tín: Đúng thế, mình phải chọn lọc chứ. Cái gì cũng tin thì chết à

        Chị Năm ơi, có bài viết này…vui vui, têu tếu…rất hợp dzới “tạng” của ròm em!
        Vui vui, têu tếu…nhưng có những chi tiết thú vị..nhằm minh hoạ cho cái ý của chị…”Cái gì cũng tin thì chết à.”
        Chị Năm đọc thư giãn nhen…

        “Thỉnh thoảng chợt nhớ mấy thằng bạn…Nhớ cái thời cắp sách đến trường, đạp xe lượn phố. Cái thời nhởn nhơ, lêu lổng mà ai cũng cho là đẹp. Đẹp ” mười phân vẹn mười ” nếu như…đừng có mấy trang Kiều, Cung oán…phải học thuộc lòng, mấy bài thơ, bài phú đầy điển tích bí hiểm. Và nhất là đừng có triết này triết nọ.
        Tôi khổ sở vì môn Việt văn. Khổ từ dưới tiểu học lên đến trung học. Hết tập đặt câu, lại đến tập làm văn, rồi luận văn, bình văn. Hết ” tiên học lễ, hậu học văn ” lại đến ” tri dị hành nan ” hay ” tri nan hành dị ” ? Lần nào thầy cũng nhắc đi nhắc lại như cái máy là phải có ý, phải tìm cho ra một hai thí dụ, phải biết trình bày mạch lạc. Phải…phải như vậy mới được.
        Toàn những cái ” phải ” khó nhai.
        Tôi được các thầy để ý, thay phiên nhau cảnh cáo, mắng phạt. Lúc đầu còn ngượng, còn sợ. Sau thành quen. Trơ cả mặt.
        Có lần đầu bài được ra bằng…tiếng Việt :
        Nói có sách, mách có chứng!
        Hí hửng tưởng phen này sẽ không bị…táo bón. Nhưng rốt cuộc vẫn tắc tị như thường. Đã đến nước này thì phải…liều !
        Đến bữa cơm chiều, tôi thu hết can đảm mang bài ra hỏi cả nhà. Ồ chuyện lạ ! Cả nhà ngạc nhiên thấy tôi để ý đến chuyện học.
        Mả nhà mình phen này đến kết mất thôi.
        Ông đừng đùa, nó lại thôi không hỏi nữa bây giờ. Nói có sách, mách có chứng nghĩa là…không được ăn nói như mày.
        Bà giảng như vậy làm sao nó hiểu được. Ăn nhanh lên, chốc nữa tao giảng cho.
        Tôi yên tâm nhưng không khỏi bực mình vì chốc nữa sẽ bị chôn chân. Không khéo thì mất toi cả buổi tối. Tưởng là bố mẹ giảng cho trong lúc ăn. Biết vậy đừng hỏi có hơn không? Tôi thầm trách tôi sao mà dại thế.
        Bố giảng :
        Nói có sách, mách có chứng nghĩa là ăn nói phải có bằng cớ, bằng chứng.
        Nếu mày cứ bô bô là ” Nước ta giàu có, rừng vàng biển bạc ” mà không chứng minh gì cả thì như vậy chỉ là nói suông, nói không có bằng cớ. Không phải là Nói có sách, mách có chứng.
        Nếu mày nói rằng có sách này, sách kia viết rằng rừng nước ta chiếm bao nhiêu diện tích, bao nhiêu cây số vuông, có bao nhiêu thứ gỗ quý, nếu có đủ người đủ máy móc để khai thác thì có thể đem lại bao nhiêu tiền bạc. Tác giả nào cho biết vùng biển nước ta dài rộng bao nhiêu cây số, có bao nhiêu cá, nếu có đủ người đủ tàu đánh bắt thì sẽ đẻ ra được bao nhiêu tiền.
        Đưa ra bằng chứng, rồi mới kết luận ” Nước ta giàu có, rừng vàng biển bạc “. Như vậy gọi là Nói có sách, mách có chứng.
        Nói chung, muốn kết tội hay gỡ tội cho ai thì cũng phải đưa ra bằng chứng rõ ràng.
        Nhưng moi đâu ra bằng chứng ?
        Phải đọc sách.
        Tôi có cảm giác như người lạc đường bỗng nhận ra cái cây, cái quán quen quen. Dường như tôi bắt đầu lờ mờ hiểu.
        Lần ấy tôi được điểm trên trung bình. Sướng ơi là sướng. Mới có vậy thôi mà tôi đã vác mặt lên, khinh khỉnh nhìn mấy đứa…không hiểu chúng nó ăn gì mà dốt thế !
        Tự hào chưa được bao lâu, tôi lại bị đẩy lùi về cái gốc dốt của mình.
        Đầu bài bây giờ là Tận tín thư bất như vô thư.
        Khổ chưa! Lại chữ nghĩa thánh hiền !
        Tôi chỉ hiểu chữ thư là…thư từ ! Tín thư là…thư tín. Tàu và ta nói ngược nhau. À ! Lại chuyện thư từ trai gái gì đây !
        Bốp ! Bị thầy bợp tai, váng cả óc.
        Cả lớp cười ầm như vỡ chợ.
        Tôi không ngượng. Bị phạt, bị mắng quen rồi. Chỉ tức bọn đánh hôi. Chúng mày đồng hội đồng thuyền với ông, hơn gì ông mà cũng nhe răng ra cười nham nhở.
        Tiên sư chúng mày. Chỉ giỏi a dua.
        Thầy nghiêm giọng khuyên tôi bớt đọc tiểu thuyết nhảm nhí.
        Cả lớp nghe đây ! Tận tín thư bất như vô thư là câu nói của Mạnh Tử, nghĩa là ” Đọc sách mà tin sách đến cùng thì không bằng không đọc sách “.
        Ới cụ Mạnh ơi, sao cụ ác thế !
        Chiều hôm ấy tôi lại phải cầu cứu bố.
        Nghe bố giảng, tôi ù ù cạc cạc, có cảm tưởng như bố nói ngược lại lần trước. Bố kiên nhẫn giảng lại.
        Nói có sách, mách có chứng nhưng phải kèm thêm điều kiện là sách viết đúng, chứng cớ không sai. Nếu mày cứ dựa vào một quyển sách viết sai mà gân cổ lên cãi thì còn tệ hơn là mày không đọc quyển sách ấy. Không biết còn hơn là biết sai, hiểu chưa?
        Dạ hơi hiểu. Nhưng làm gì có sách viết sai ?
        Có chứ. Cụ Nguyễn Du chỉ viết một bản Kiều, thế mà ngày nay lại có mấy bản khác nhau. Chinh phụ ngâm cũng vậy. Thậm chí người ta còn chưa biết chắc ai là tác giả của bản Chinh phụ ngâm mày đang học đây này. Cái tệ của người mình là hay sửa thơ văn của người khác. Cứ tự tiện cho rằng mình hiểu câu thơ, câu văn hơn chính tác giả.
        Cuốn Đạo Đức Kinh của Lão Tử mỏng dính, thế mà khắp thế giới có tới cả trăm bản dịch khác nhau. Mỗi người hiểu một cách. Thế nào chả có người đúng, người sai.
        Cùng một bài thơ mà được gán cho hai ba tác giả thì chắc chắn phải có người sai rồi.
        Nhưng làm thế nào để biết là sai ?
        Mày được thần linh gà cho hay sao mà hôm nay đặt được câu hỏi hay thế ? Phải nghe nhiều người nói, phải xem nhiều sách thì mới thấy ai đúng ai sai.
        Thế còn người đầu tiên thì sao?
        Đến lượt bố tôi không hiểu tôi muốn nói gì.
        Dạ, người đầu tiên nói điều gì thì phải dựa vào sách nào ?
        Mày hỏi thật hay hỏi cù nhầy để chọc tức tao ?
        Dạ, con hỏi thật.
        Câu hỏi của mày khó trả lời. Muốn biết người đầu tiên nói đúng hay sai thì phải chờ thời gian mới biết được. Lâu ngày mà không có ai phản đối, nói khác thì có thể được coi là đúng. Đúng tới ngày nào có người vạch ra chỗ sai. Nguy hiểm nhất là người đầu tiên nói sai rồi người khác lặp lại như đàn vẹt. Đây cũng là Nói có sách, mách có chứng nhưng phải xếp vào loại nấp sau sách, sau cái bung xung để…nói bậy.
        Hoang mang quá! Đọc sách để học, để biết. Nhỡ đọc phải sách viết sai thì hoá ra học sai, biết bậy. Đúng rồi ! Đúng là…đừng học, đừng biết còn hơn !
        Kết luận của tôi chắc như đinh đóng cột nhưng phải công nhận rằng chỉ có bọn lười, bọn dốt mới tán thành. Rốt cuộc học hay không học cũng như nhau à? Chả còn biết trời đất ra sao nữa.
        Mày có biết ông Lê Lợi là ai không?
        Dạ biết.
        Khá lắm ! Sử chép rằng ông Lê Lợi cùng 18 đồng chí tổ chức lễ thề Lũng Nhai, cùng nhau đứng lên cứu nước. Tất cả các gia phả của các dòng họ đều chép tên 18 vị anh hùng. Có thể coi con số 18 là đúng. Thế nhưng, nếu cộng hết những tên có trong các gia phả thì số người dự lễ thề Lũng Nhai lại nhiều hơn 20. Như vậy là rõ ràng có gia phả chép sai, cố ý bỏ tên người khác và thay thế bằng tên tổ tiên mình vào danh sách 18 người.
        Lấy lí mà nói thì gia phả là tài liệu đáng tin cậy nhất. Nhưng mục đích của gia phả là ca tụng đức hạnh, công trạng của tổ tiên. Bởi thế cho nên bao giờ gia phả cũng kể toàn chuyện hay, chuyện đẹp. Đôi khi phải bịa thêm chuyện hay, chuyện đẹp. Gán cho tổ tiên vinh dự này, vinh dự nọ. Chính vì vậy mà hội thề Lũng Nhai mới có hơn 20 tên người tham dự, thay vì chỉ có 18.
        Làm như vậy để làm gì ?
        Xưa kia, dòng họ nào có tổ tiên là khai quốc công thần, phò vua từ ngày đầu, thì con cháu được ban thưởng, cất nhắc. Chẳng qua cũng chỉ vì danh lợi mà phải gian lận cả với lịch sử.
        Làm thế nào để biết ai giả ai thật ?
        Đơn giản thôi. Nhưng các sử gia vẫn còn cả nể, sợ đụng chạm…Thôi ! Lấy giấy bút ra làm bài đi !
        Trước khi ” tha ” tôi, bố còn khuyên dặn mấy điều. Tôi sốt ruột, dạ dạ vâng vâng cho xong chuyện.
        Mới đây có dịp đọc sử, tôi sực nhớ câu chuyện bỏ dở năm nào.
        18 vị anh hùng Lũng Nhai là những ai ?
        ” Không thầy đố mày làm nên “. Dạ ! ” Học thầy không tầy học bạn “. Ủa ! Không thầy…khỏi bị mắng, bị phạt. Ồ ! Tội gì không mạn phép thầy, thử dùng ” mẹo “.
        Đọc gia phả của dòng họ X thì tạm để tên ông tổ họ X sang một bên và chỉ giữ lại những tên không thuộc dòng họ X.
        Tên nào được nhiều gia phả, tốt nhất là được tất cả các gia phả cho phép giữ lại thì tên ấy mới thật đáng tin. Tên nào chỉ thấy trong gia phả của dòng họ X, không thấy ở gia phả nào khác, thì không đáng tin.
        Thí dụ tên hai ông Lưu Trung và Phạm Cuống (cha và anh rể của Lưu Nhân Chú). không có trong gia phả nào khác ngoài gia phả họ Lưu. Vậy nên xem là hai ông không dự lễ thề Lũng Nhai.
        Trái lại, tên Lê Lai, Nguyễn Trãi v.v. có trong gia phả của dòng họ Lê Sát, Đỗ Bí, Lưu Nhân Chú…Có thể kết luận được rằng mấy vị này có dự lễ thề Lũng Nhai.
        Chỉ cần tra cứu vài gia phả là tìm ra được 18 vị anh hùng.
        Hiện nay, các nhà sử học nước ta đã có nhiều gia phả trong tay. Muốn tìm ra sự thật chắc không khó. Cái khó cần phải vượt qua là phải dẹp bỏ thành kiến, tự ái cá nhân.
        Mặt khác, gia phả không bao giờ chép những điều không hay.
        ” Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại “.
        Ai muốn tìm hiểu Lê Quý Đôn gian lận thi cử cho con trai mình và bị phạt ra sao thì đừng mất thì giờ tìm kiếm trong gia phả của dòng họ Lê Quý Đôn. Thậm chí đừng tìm kiếm trong cả mấy cuốn sách thời nay viết với mục đích ca tụng Lê Quý Đôn.
        Cũng may là sử nhà Nguyễn có ghi chép sự việc này và một vài học giả nghiêm túc có nhắc lại. Nhờ vậy mà đám trẻ đời sau mới biết.
        Có một bí ẩn mà hầu như sử gia nào cũng cố né tránh như sĩ tử đi thi tránh…phạm huý. Đó là cái chết của ông Lê Lai.
        Đại Việt sử kí toàn thư của Ngô Sĩ Liên chép năm 1427, một năm trước khi Khởi nghĩa Lam Sơn thành công, ông Tư mã Lê Lai cậy có công, ăn nói ngạo mạn, bị Lê Lợi giết. Đời sau không biết gì thêm về ông Lê Lai này.
        Ngược lại, ông Lê Lai đổi áo cứu Lê Lợi năm 1419 thì được tới bốn dòng họ khác nhau khắc bia, viết gia phả, nhận là tổ tiên mình (Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn, Khởi nghĩa Lam Sơn, Khoa Học Xã Hội, 1977, tr. 154-158) .
        Đấy là chưa kể ông Lê Lai thứ năm là…anh cả của Lê Lợi, Lê Thạch và Lê Thiện ! (M. Bougier, La pagode des Lê à Thanh Hoa, Bulletin des Amis du Vieux Hué, số tháng 7-9, 1921, tr. 137). Chỉ có Đại Việt sử kí toàn thư là không nhắc tới ông Lê Lai này.
        Con cháu không ghi chép tổ tiên bị vua giết là chuyện dễ hiểu.
        Con cháu phóng bút khoe tổ tiên mình chết thay vua, mặc dù sách do chính nhà vua viết không hề nói như vậy, (Nguyễn Diên Niên, Lê Văn Uông, Lam Sơn thực lục, Ty văn hoá Thanh Hoá, 1976, tr. 241), thì cũng là…chuyện dễ hiểu.
        Ai dám phản đối? Anh biết chuyện nhà tôi hơn tôi à ? Có giỏi thì “con kiến kiện củ khoai” xem ai có lí !
        ” Thấy người sang bắt quàng làm họ ” chỉ có lợi, cùng lắm là…hoà. Chưa thấy ai bị đánh thuế hay bị tù vì…viết gia phả không đúng sự thật. Xin lỗi, văn hoa không đúng chỗ. Bình dân gọi thẳng là…nói phét không sợ bị phạt.
        Đôi lúc gia phả được các nhà sử học tiếp tay, làm…điên đầu người đọc :
        Tìm hiểu Gia đình Lê Lợi trong khởi nghĩa Lam Sơn (Lê Lợi và Thanh Hoá trong khởi nghĩa Lam Sơn, Thanh Hoá,1988), Trần Bá Chi cho biết :
        Hai ông Đinh Lễ và Đinh Liệt là người sách Thuỷ Cối, thuộc Lam Sơn (…). Thân phụ của Lễ và Liệt là Đinh Thế Biểu. Vợ của ông (Biểu) là Trần Thị Ngọc Huy, con gái Trần tướng công ở xã An Lão, huyện Thư Trì (Thái Bình)(tr. 219).
        (…)
        Về sau, con cả (của Ngô Kinh) là Ngô Từ kết duyên với cháu Lê Lợi là Đinh Thị Ngọc Kế, Ngọc Kế là em gái Đinh Lễ, nên Ngô Từ lại gọi Lê Lợi bằng cậu (tr. 220).
        Cùng lúc, Lê Huy Trâm đề cập Về một dũng tướng Lam Sơn cần được hiểu biết thêm (sđd, tr. 240) lại cho biết :
        Đinh Lễ đẻ ra Đinh Thế Biểu. Ông Biểu lấy bà Trần Thị Huy là con gái Trần Nhật Duật đẻ ra Đinh Thị Ngọc Kế. Vậy Ngô Từ là cháu rể Đinh Lễ. Đinh Lễ này khác với Đinh Lễ hy sinh trong trận tiến công trại Quan Du trong năm Canh Tý(tức là ông Đinh Lễ được Trần Bá Chi tìm hiểu).
        Người đọc dễ tính nhất cũng phải thắc mắc :
        Hai ông Đinh Lễ là một hay một ông Đinh Lễ hoá thành hai ? Đinh Lễ là con hay là cha của Đinh Thế Biểu ? Đinh Thị Ngọc Kế là em gái hay là cháu nội của Đinh Lễ ?
        Trần Bá Chi và Lê Huy Trâm đã dồn Đinh Lễ vào chỗ…không lối thoát !
        Gia phả nào viết đúng, gia phả nào viết sai ? Chắc chắn là không thể tin cả hai gia phả được ! Cũng không nên vội vã loại trừ khả năng cả hai gia phả cùng viết sai !
        Tận tín thư bất như vô thư là vậy !
        Ngày nay, nhiều gia phả chép trống không rằng ông tổ của họ là Nguyễn Hoàng, là Nguyễn Trãi, là vua này chúa kia. Nếu không kê khai đủ các đời thì ai dám quả quyết rằng đúng hay sai ? Ngày xưa gia phả chỉ chép lui lại 3, 4 đời là nhiều. Một trăm năm kể cũng đã khá xa, tam sao thất bản có thể đã bắt đầu. Huống hồ năm trăm năm.
        Chả nói đâu xa.
        Chắc nhiều người trong chúng ta còn nhớ tên ông Trần Thanh Mại. Tên ông gắn liền với cuốn Trông giòng sông Vị, viết về Tú Xương, được dùng làm tài liệu giáo khoa bậc trung học của những năm 1950.
        Trần Thanh Mại được Nguyễn Công Hoan coi là ” một chuyên gia về Tú Xương “.
        Năm 1961, Trần Thanh Mại cùng Trần Tuấn Lộ viết thêm cuốn Tú Xương, con người và nhà thơ (nhà xuất bản Văn Hoá).
        Trần Thanh Mại và Trần Tuấn Lộ “đã cố đề cao Tú Xương nên phải gán ghép một cách gượng gạo, vô lý, đến nỗi phạm đầy rẫy những mâu thuẫn rất khôi hài.
        Hai tác giả không những gán cho Tú Xương là quen các nhà cách mạng, còn gán cho nhà thơ là nghèo, thậm chí lại gán cả thơ của người khác cho nhà thơ Tú Xương nữa “.
        (…)
        ” Trước khi tạm dứt lời, tôi xin tỏ một chút ý nghĩ, ý nghĩ khá buồn. Là ít lâu nay, các nhà nghiên cứu văn học của ta đương mắc phải một bệnh mới, khá phổ biến, là bệnh đề cao quá mức người chết rồi mà được sùng bái. Vì đề cao không đúng sự thật, cho nên nhà nghiên cứu phải liều mà gán ghép cho người được sùng bái một cách gượng gạo, vô lý, đến nỗi để lộ ra những mâu thuẫn mình với mình y như là khôi hài. Mà làm việc kiểu ấy, nhiều nhà nghiên cứu vô tình đã hạ thấp giá trị của người được sùng bái “.
        (Nguyễn Công Hoan, Con người Tú Xương trong Tuyển Tập Nguyễn Công Hoan, tập 3, Văn Học, 1986, tr. 223-240).
        Thật ra thì Trần Thanh Mại và Trần Tuấn Lộ đã viết theo gia phả của dòng họ Trần Tế Xương, có trong sách Văn thơ Trần Tế Xương (Bộ Giáo Dục, 1957) của Hoàng Ngọc Phách, Lê Thước và Đỗ Đức Hiểu.
        Vô tình những điều sai trong gia phả dòng họ Tú Xương đã được các học giả Hoàng Ngọc Phách, Lê Thước và Đỗ Đức Hiểu đem đi phổ biến. Đến lượt các nhà phê bình và nghiên cứu văn học Trần Thanh Mại và Trần Tuấn Lộ lặp lại những điều sai này và đem truyền bá rộng rãi hơn lên.
        Nguyễn Công Hoan ngờ rằng chính Trần Tất Đạt, con trai Trần Tế Xương, đã bịa đặt, tô hồng để biến cha mình thành một người quen thân các nhà cách mạng Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền v.v.
        Hôm nghe bố giảng Tận tín thư bất như vô thư xong, tôi nghịch ngợm hỏi :
        Bố ơi, nhà mình có gia phả không ?
        Không ! Họ nhà mình không có ai làm to, nổi tiếng. Chả có gì đáng để ghi chép.
        Tại sao bây giờ bố không viết ?
        Viết cái gì cơ chứ ?
        Cứ phịa đại ra là bên nội của mình là dòng Nguyễn Huệ, bên ngoại là dòng Nguyễn Du. Văn võ song toàn cho nó oai. Rồi thời Pháp, thời Nhật. Thiếu gì chuyện để…bịa !
        Coi chừng, chớ có đùa dai như vậy. Biết đâu một ngày kia đến tai các nhà sử học, họ lại dựa vào đấy để chứng minh và tìm ra liên hệ gia đình của Nguyễn Huệ và Nguyễn Du thì phiền lắm.
        Thôi đừng nói chuyện vớ vẩn nữa. Mày phải bớt lêu lổng, chịu khó học hành. May ra sẽ khá.
        Nhưng tôi không gặp may. Không khá nổi môn Việt văn. Mấy kì thi lần nào cũng chỉ trông mong vào môn toán để bù cho văn chương triết lí. Mấy môn còn lại thì cố làng nhàng!
        Vốn liếng văn chương của người khác thì phải lấy bồ, lấy va li mà chứa mới xuể. Còn vốn của tôi thì chắc chắn không cần đến cái chai bia 33 để đựng. Ngay cả bao thuốc lá Cotab cũng chưa chắc đã được lưng lưng.
        Trớ trêu thay, đến khi trên đầu lốm đốm hai thứ tóc, rồi tóc bắt đầu rụng dần, thì tôi trở chứng. Thấy xung quanh xì xào chuyện sách vở chữ nghĩa, tôi tò mò…bắt chước.
        Bây giờ đọc sách không phải để làm bài, đi thi. (Xin phép mấy thầy dạy Việt văn, cho con được thở phào một cái rất ư là nhẹ nhõm !). Bây giờ đọc để biết chuyện trên trời dưới đất. Nói một cách trang trọng là đọc để mở rộng kiến thức. Khiêm tốn thì nói là đọc để cho bớt ngu. Được tí nào hay tí ấy. Muộn còn hơn không !
        Đọc sách để mỉm cười ngắm cái ” lá diêu bông ” của Hoàng Cầm đã được một nhà khoa học lặn lội tìm ra được ! Để lạc theo ngòi bút điêu luyện, uyển chuyển như rắn, như lươn. Để rơi tõm vào bát quái trận đồ của các nhà phù thuỷ của ngôn từ…
        Không ngờ đọc sách lại thú vị như vậy.
        Đọc sách thú lắm bà con làng nước ơi !
        Học được nhiều điều hay, lắm điều lạ. Bớt cả tin, bớt thành kiến.
        Càng đọc càng thấy phải đọc thêm.
        Đọc sách để biết Nói có sách, mách có chứng !
        Đồng thời để hiểu rằng Tận tín thư bất như vô thư !
        Hoá ra đọc sách cũng phải cẩn thận như người hát xiệc, đi trên giây ! Loạng quạng, mất thăng bằng là té nhào !
        Nguyễn Dư
        (Lyon, 3/2004)

      • Võ Trung Tín
        10/07/2012 lúc 22:14

        Trần Dân Tiên!?
        – Tên…đại bịp lịch sử…đây, phải hông chị?
        Đâu có đủ tư cách dzà xứng đáng để ròm em gọi..”ông”…đâu đó nghen!
        Lý do để minh chứng cho cách gọi đó đối với những…TÊN BÁN NƯỚC !
        Chẳng hạn:

        1/ Lê Chiêu Thống:
        – ” Chiêu Thống đã sang cầu viện nhà Thanh đem quân sang đánh Quang Trung với hy vọng trở lại ngai vàng. Việc làm đó của ông bị một số nhà sử học trong nước sau này chỉ trích dữ dội, coi đó là hành vi “bán nước”, “cõng rắn cắn gà nhà”.

        2/ Trần Ích Tắc:
        – ” Ích Tắc đã từng gửi thư riêng cho khách buôn ở Vân Đồn xin quân Nguyên xuống nam. Đến nay [1285], người Nguyên vào cướp, Ích Tắc xin hàng để mong được làm vua…..Khi quân Nguyên Mông sang xâm lược Việt Nam lần thứ hai (1285), ngày 15 tháng 3, Ích Tắc đem cả gia đình đi hàng giặc, được đưa về Trung Quốc và được Hốt Tất Liệt, vua nhà Nguyên, phong làm An Nam Quốc vương và chờ ngày đưa trở về nước.” ( ĐVSKTT )

        3/ Dương Văn Minh:
        – ” 30/4/1975…đầu hàng, dâng miền Nam VN cho…cs! ”
        ……………..v..v…………….

  7. Nguyễn Tuấn Anh
    07/07/2012 lúc 23:12

    P/s:
    Chị Năm đã đọc 2 lá thư: một của chồng Huỳnh Thục Vy khi chị ấy bị bắt trong cuộc biểu tình ngày 1/7/2012, và một của chị Huỳnh Thục Vy gởi cho chồng khi được thả…, post ở blog Huỳnh Thục Vy…chưa?

    Bạn Hồng Nga có copy về còm ở blog của Dr. Nikonian trong entry “Xin đừng quăng quật”, nhưng, Dr Nikonian…”hơi ngan ngán” nên có lời…”Tạ Lỗi”…đó chị Năm!

    • Võ Trung Tín
      08/07/2012 lúc 23:01

      Chị Năm ơi, Hồng Nga có nói lại với cả nhóm biết lý do bạn ấy copy 2 lá thư của vợ chồng chị HTV về còm ở trang nhà Dr Nikonian, bởi vì bạn ấy là nữ, khi vào đọc thấy có nội dung cái còm này của Dr Nikonian…đó:
      – “Dr. Nikonian
      on 06/07/2012 at 12:28 pm said:
      Không cần tưởng tượng đâu bác. Bác về VN, tham gia biểu tình một bữa là sẽ biết ngay định nghĩa và cảm giác khi bị quăng quật.”

      Vì thế, Hồng Nga muốn còm dẫn chứng trực tiếp một nhân chứng nữ, một nạn nhân nữ bị…”Quăng quật” vô nhân đạo, bởi…, một cách cụ thể, sinh động và thực tế…để minh hoạ về ý nghĩa của 2 từ “Quăng quật” ở VN vào ngày 1/712012 như…ý còm của Dr Niko…đó!

  8. 09/07/2012 lúc 22:36

    Một người nghệ sĩ – chiến sĩ tài hoa như thế mà chỉ được biết đến qua những khe cửa hẹp. Mong sớm đến một ngày chúng ta được nhìn thấy mọi người, mọi sự không phải qua mắt của một số người khác (nên phải đời đời nhớ ơn), như bây giờ.

  9. Võ Trung Tín
    09/07/2012 lúc 23:00

    Phay Van :Tín: Cảm ơn em. Nhưng vì ai cũng biết Dr. Niko là ai, thế nên xin vì sự bình an của bác sĩ mà ta nên còm nhẹ tay.

    Hihihihihihi…Chị Năm ơi, nhóm kiến tụi em tính vào…”còm hội đồng”..Dr Niko, khi chờ cả ngày mà không thấy Dr Niko…cho hiển thị còm của Hồng Nga đó!
    May sao, cuối cùng Dr Niko có còm…”Lời Tạ lỗi” !!!! hihihihihi…

    P/s: Cả nhóm kiến đi miền Tây..2 hôm nay rồi chị Năm ơi, chỉ còn mình ròm em chèo queo ở nhà trọ với đống tài liệu…như núi! huhuhuhuhu…

    • Võ Trung Tín
      10/07/2012 lúc 21:51

      Phay Van :Sao Bảo Vân không cho em đi theo?

      Chị Năm: Hổng phải “ấy”…cho hay không cho đi…bà chị ơi! hihihihi…
      Mà là…ai có phần việc nấy trong “dự án”…theo kế hoạch đã thống nhất từ trước, đó chị!

    • Võ Trung Tín
      11/07/2012 lúc 22:29

      Phay Van :Dự án gì mà hấp dẫn thế? Sao không cho chị Năm tham gia

      “Bí mật quân sự”…bà chị ơi..!
      Ròm em mà tiết lộ, là “kiến lửa”…khai trừ ra..”đảng minh râu”…đó!!!! hihihihihihi…

      P/s: Chưa có kết quả, nên chưa dám…”phe”…bà chị ơi!

  10. Võ Trung Tín
    10/07/2012 lúc 21:46

    Ủa..! Lạ quá.., dạo này cũng như hôm nay, ròm em thấy sao…vắng các bác vào nhà chị Năm chơi thế nhỉ?!
    Ròm em thử google 2 từ: “Phay Van”, thì đúng là links trang này còn bị chận…chị Năm ơi!
    Chị Năm cố gắng chỉnh lại links “Phay Van” này…cho các bác dễ..”leo”…vào nhà chị đi, chị Năm…

    À, mà chị Ba mình sao cũng không thấy vô chơi…dzậy chị Ba?
    Ròm em vừa mới đọc các bài mới post ở nhà chị Ba đây: Hồn ta bâng khuâng, Mấy câu ca dao thường nhớ, Mùa hoa dầu bay….

  1. No trackbacks yet.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: