Thi… lý lịch
Tặng các bạn tôi, những người một thời bị loại trừ.
Nhân mùa thi về, mời quý bạn xem lại một tài liệu quái gở được dùng trong việc tuyển sinh đại học ở VN thời kỳ sau 1975: Phiếu thẩm tra lý lịch.
.
Trước khi nộp hồ sơ dự thi đại học, thí sinh phải điền rõ ràng, đầy đủ vào phiếu thẩm tra lý lịch, rồi nộp cho phường, xã nơi mình cư trú. Bạn không thể không khai hoặc khai bớt đi, vì lý lịch gia đình bạn họ nắm trong lòng bàn tay. Từ ông tổ trưởng dân phố, ông khóm trưởng… ai ai cũng sẵn sàng bổ sung giúp nếu bạn sơ ý khai thiếu.
Rồi họ – những người chẳng biết học vấn tới đâu, gồm các quý vị công an, ủy ban và đảng ủy – sẽ xem xét lý lịch, sắp xếp thí sinh theo “đối tượng” ưu tiên hoặc quyết định loại hẳn. “Đối tượng” được đánh số từ 1 đến 14, theo thứ tự ưu tiên giảm dần. Đáng sợ thay! Chỉ bằng việc nghiên cứu bản lý lịch này, vô số người tài giỏi đã bị loại trừ ngay từ khi còn chưa đặt chân vào phòng thi. Nhưng điều này được giữ kín, như chữ “MẬT” in sẵn trên phiếu.
Phiếu thẩm tra lý lịch này sau khi đã được nhận xét, xếp loại, có đủ chữ ký, con dấu của các bên công an, ủy ban và đảng ủy phường, xã, sẽ được niêm phong và gởi thẳng đến Ban tuyển sinh tỉnh.
Sau kỳ thi, các trường đại học báo kết quả về cho Ban tuyển sinh các tỉnh. Tại đây cuộc sàng lọc bất công diễn ra: Dựa theo cách phân loại lý lịch nói trên, Ban tuyển sinh sẽ quyết định bạn nào được nhập học, thậm chí được đi du học – cho dù kết quả thi của bạn đó rất kém; kẻ nào bị gạt ra ngoài – bất luận điểm thi của kẻ đó cao tới cỡ nào. Lúc này quyền sinh sát nằm trong tay cái gọi là Ban tuyển sinh. Ghê gớm thay!
Thực chất đây là một phần trong chính sách trả thù đê hèn của “bên thắng cuộc”, ngoài những chuyện bắt bớ tù tội nhưng gọi một cách văn vẻ là “học tập cải tạo”; “đánh tư sản” mà thực chất là ăn cướp…
Tôi không rõ cái kiểu trả thù vào lý lịch thế này kéo dài bao lâu. Nay thì nó đã chấm dứt rồi. Chắc vì người giỏi đã bỏ đi gần hết, người còn lại thì nhìn quanh ai cũng ngu ngu giống nhau. Không còn “đối tượng” để họ trả thù. Chỉ biết thế hệ học sinh tương lai phơi phới của miền Nam chúng tôi một thời bị khốn đốn, và không ít các bác sĩ, giáo viên thiếu đạo đức hiện nay là hệ quả tất yếu của cách tuyển sinh phi nhân bản ấy.
Còm