Trụ Cột Hòa Bình-Tác phẩm điêu khắc giá trị bị hắt hủi
… TN cũng xin phép họa sĩ Trịnh Cung, người mà TN vô cùng kính trọng về sáng tác và phê bình, được trích bài viết của ông từ cuốn sách ông mới xuất bản nhưng không phổ biến thị trường: Trịnh Cung – Mỹ Thuật Việt Nam Những Vấn Đề Xoay Quanh (2013)
Cuối cùng là 2 bài giới thiệu của Da Màu để minh họa thêm.
(Đinh Thanh Nguyện)
*
TRỤ CỘT HÒA BÌNH-TÁC PHẨM ĐIÊU KHẮC GIÁ TRỊ BỊ HẮT HỦI
Trịnh Cung
Trụ cột Hòa Bình là một tác phẩm điêu khắc đã đoạt huy chương Bạc, giải thưởng Mỹ Thuật Quốc Tế Sài Gòn Lần Thứ Nhất được tổ chức năm 1962. Tác giả pho tượng là ông Lê Ngọc Huệ (Bernard Huệ), nhà điêu khắc người Pháp gốc Việt, sáng tác bằng chất liệu đồng, theo khuynh hướng nghệ thuật hiện đại.
Cuộc triển lãm mỹ thuật quốc tế tầm cỡ thế giới này, vào thời điểm lúc bấy giờ (những năm 60) đã có đến 21 quốc gia tham dự, trong số ấy không thiếu những nước có nền mỹ thuật lớn vào bậc nhất thế giới như: Ý, Pháp, Anh, Hà Lan, Đức, Bỉ, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ… Là nước chủ nhà, Việt Nam tham dự với một lực lượng họa sĩ khá hùng hậu được phân theo nhóm, tiêu biểu như: nhóm các họa sĩ Việt Nam ở hải ngoại (khách mời), nhóm các họa sĩ độc lập trong nước kể cả các họa sĩ ngoại quốc đang sống ở Việt Nam (khách mời)… và một nhóm gồm 18 họa sĩ được hội đồng giám khảo quốc gia tuyển chọn để tham dự như một đội tuyển quốc gia, trong đó có nhà điêu khắc Lê Ngọc Huệ.
Vào thời điểm này, ngành điêu khắc Việt Nam nói chung còn rất giới hạn cả về lượng lẫn chất so với hội họa, nhưng với một trình độ chuyên môn toàn diện hơn và một tư duy sáng tạo hiện đại, nhà điêu khắc Lê Ngọc Huệ đã thổi một luồng gió mới cho điêu khắc Việt Nam qua sự giảng dạy của ông tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế và qua những sáng tác của ông trong ít năm tại đây kể từ năm 1961.
Tác phẩm Trụ Cột Hòa Bình và quần thể tượng cho quảng trường Mân Côi tại nhà thờ La Vang-Quảng Trị là những gì điển hình của điêu khắc hiện đại mang phong cách Lê Ngọc Huệ, đã tạo ra một quyến rũ mãnh liệt trong giới sinh viên điêu khắc Việt Nam. Không riêng gì Nguyễn Mai Chửng – nhà điêu khắc trẻ lừng danh trong làng mỹ thuật Sài Gòn vào những năm 70 – mà nhiều sinh viên mỹ thuật khác của trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định đã xin ra Huế để để được học với Thầy Huệ.
Tuy nhiên, số phận của một đất nước cũng là số phận của nghệ thuật ở đó. Chiến tranh Việt Nam đã tàn phá phần lớn những pho tượng mà Lê Ngọc Huệ và các học trò của mình đã sang tạo ra, cũng như vì chiến tranh mà phần lớn các tác phẩm “nghệ thuật Sài Gòn” đã bị gạt vào thế giới của loài độc hại ngay khi quân Giải Phóng chiếm hoàn toàn miền Nam, trong đó có tượng đài Bông Lúa Con Gái của Nguyễn Mai Chửng và cả Trụ Cột Hòa Bình.
Trở lại với Trụ Cột Hòa Bình, ngay từ sau ngày bế mạc cuộc triển lãm mỹ thuật quốc tế ấy, pho tượng cao hơn 1m50, mô tả khát vọng hòa bình của người Việt Nam, được nhà nghệ sĩ diễn đạt bằng một thủ pháp mạnh mẽ, giản dị và biểu trưng, theo ngôn ngữ điêu khắc hiện đại, như một linga vươn lên với sức sống đầy khát vọng, được đưa về dựng tại khuôn viên Viện Đại Học Sài Gòn (bên cạnh Hồ Con Rùa). Trụ Cột Hòa Bình đã đứng ở đây hơn 40 năm chứng kiến biết bao thăng trầm của thế sự. Và nó, dù là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị và đang ở trong tay Viện Đại Học Quốc Gia TP HCM, cũng không tránh khỏi số phận bị cho ra đứng ở một góc sân, chung với những thứ vô dụng của một cửa hàng bán cơm bình dân mà Viện Đại Học Quốc Gia TP HCM cho thuê mặt bằng.
Như cụ Nguyễn Du đã đúc kết: “Bắt phong trần phải phong trần/Cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Con người còn thế, huống hồ gì một pho tượng!
SG tháng 9.2005
TRỊNH CUNG- MỸ THUẬT VIỆT NAM NHỮNG VẤN ĐỀ XOAY QUANH (2013)
*
.
.
*
Mai Chửng sinh năm 1940 tại Bình Định. Tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế năm 1961, Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn 1963. Đồng sáng lập Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam năm 1966. Làm chủ tịch Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam từ 1973-1975. Đến Mỹ năm 1981 và qua đời năm 2001 ở Dallas, Texas.
Ngoài tác phẩm điêu khắc ngoài trời “Bông Lúa Thời Con Gái” bắng đồng có kích thước khổng lồ, tuần này Da Màu tiếp tục giới thiệu một tác phẩm khác của Mai Chửng, cũng bằng chất liệu đồng với kích cỡ trung bình (cao 1m10 x 80cm): “Cái Mầm.” Được Mai Chửng thực hiện cùng giai đoạn với BLTCG và “Chiến Tranh Và Hòa Bình” (cũng bị phá hủy sau 1975 tại Sài Gòn), “Cái Mầm” là một trong những sáng tạo thành công nhất trong toàn bộ sự nghiệp điêu khắc của Mai Chửng tính cho đến ngày ông qua đời, kể cả về kỹ năng lẫn tư duy nghệ thuật hiện đại. Sáng tạo độc đáo của ông trong tác phẩm này chính là chất liệu vỏ đạn, một chứng tích chiến tranh Việt Nam, để kết nối thành Cái Mầm, một niềm hy vọng cho hòa bình đến với đất nước. Ngay trong ngày khai mạc triển lãm tại Dolce Vita Gallery, Saigon, tháng 3 năm 1975, bức tượng “Cái Mầm” đã được mua bởi Đại sứ Pháp tại Saigon, nhưng chưa kịp giao cho nhà sưu tập thì 30-4-75 đã ập đến, và không ai biết được số phận của nó đi về đâu trong cơn lốc lịch sử ấy. [Trịnh Cung]
*
Điêu khắc của Mai Chửng từ những năm 60 của thế kỷ 20 cho đến ngày ông qua đời tại Dallas năm 2002 đã trải qua nhiều phân khúc sáng tác. Từ khát vọng hòa bình trong thời chiến tranh ở Việt Nam cho đến sự cô đơn, lạc lõng thời lưu vong trên đất Mỹ. Ở bất cứ thời kỳ nào, phân khúc nào, ông cũng đưa ra những tác phẩm mạnh mẽ cá tính và một nghệ thuật điêu khắc cuốn hút thị giác người xem, dù là bằng chất liệu thạch cao, đồng hay đất nung. Tuy nhiên, tác phẩm đã để lại dấu ấn lâu dài nhất trong toàn bộ sự nghiệp điêu khắc của ông chính là Bông Lúa Con Gái được dựng ở trung tâm thành phố Long Xuyên năm 1970. Bức tượng này được thực hiện bằng đồng lá, cao hơn 16m kể cả chân đế. Nhưng chỉ 5 năm sau khi khánh thành, một cái chết oan nghiệt, thảm khốc đã ập xuống nó vào ngày 30 tháng 4, 1975. Những người tự cho mình là nhà cách mạng thuở ấy đã kéo sập và biến nó thành đồng nát. [Trịnh Cung]
Còm