45 năm “bước nhỏ bé của con người, nhưng là bước nhảy vọt của nhân loại”
Chắc PV cũng biết giáo sư, tiến sĩ, nhà văn, nhà thơ Nguyễn Xuân Vinh chứ. TN gửi PV lời Tựa ông viết cho cuốn sách Lên Trăng, được mệnh danh là “cuốn sách đầu tiên ở Việt Nam về loài người lên thăm Cung Hằng” nhân dịp Trung Thu năm nay. Và vài hình ảnh nữa.
Thân ái. TN.
“Tôi muốn nhân cơ hội này để yêu cầu mọi người đang lắng tai nghe chúng tôi, dù những người đó ở tận chân trời góc biển nào đi nữa, hãy tĩnh tâm trong giây lát, hãy suy tưởng về những biến cố trong mấy giờ qua, và hãy tạ ơn theo cách riêng của mình.” (Edwin Aldrin, khi đặt chân xuống Nguyệt Cầu)
.
Tựa
Tôi đọc hết cuốn Lên Trăng trong hai đêm mưa.Tuy bầu trời không trăng, mưa đêm rơi nặng hạt, mà lòng tôi vẫn thấy thư thái, tưởng đâu là mình đang được trôi trong khoảng không vô tận, càng lên cao càng thấy vũ trụ thăm thẳm xa vời. (…)
Vết chân của Armstrong không làm hoen ố chị Hằng và cũng không làm giảm thi hứng của loài người khi nhìn vừng trăng sáng. Trăng muôn thuở vẫn còn, sáng trăng bàng bạc vẫn tạo cho cảnh vật một màn bí ẩn làm ngây ngất người ngắm trăng, vì nếu chúng ta tự đặt mình vào một đêm trăng ngà làm mờ ánh tinh đẩu, nhìn trời ngơ ngẩn, và trong một phút xuất thần tưởng tượng rằng mình đang là Armstrong, đang bước đi bước chân nhỏ bé ban đầu thì chúng ta cũng sẽ thấy người bàng hoàng ngây ngất trước cảnh tịch mịch chìm đắm trong ánh sáng huyền ảo trên trăng. Câu chuyện Lên Trăng đã được kể lại đầy đủ dưới những ngòi bút của Bảo Trân và Vị Hoàng. Cùng với lời Tựa vào đề, tôi muốn viết những lời dưới đây , coi như lời Bạt, để sau khi đọc hết Lên Trăng, bạn đọc quay lại đầu sách đọc tiếp những lời này, và biết đâu nguồn hứng tiếp tục, lại chẳng đọc Lên Trăng một lần nữa.
Những nhân vật khoa học chính như Thomas Paine, Wernher Von Braun, Charles Draper và những phi hành gia tham dự như Neil Armstrong, Edwin Aldrin, Michael Collins đã được nhắc nhở tới và công lao của họ đã được trình bày cặn kẽ. Nhưng, sau mỗi chuyến du hành, những người trở về, dù thành công như chuyến Apollo XI, hay thất bại như chuyến Apollo XIII, đều nhắc nhở cám ơn những người đã góp công vào chương trình không gian. Những người này là những ai? Hơn nửa triệu người ở Hoa Kỳ không trực tiếp thì cũng đã gián tiếp góp công vào chương trình thám hiểm không gian. Họ là những người thợ, trong xưởng hàn, trong hangar kiến tạo, họ là những kỹ sư vẽ kiểu, thí nghiệm mô hình, họ là những khoa học gia đã đặt nền tảng cho những lý thuyết không gian. Có những người góp công chỉ vì phụng sự nghề nghiệp, gây cuộc mưu sinh. Có những người nhằm lý tưởng cao cả hơn, tận tụy cho khoa học, không gian vì muốn vén thêm bức màn che ánh sang chân lý, tiến thêm một bước vào cõi huyền bí của vũ trụ để tìm hiểu về nguồn sống, về gốc ngọn của sinh vật và loài người. Có người góp chút phần nho nhỏ, có người đem lại những kỳ công, rồi đây còn lưu bút lại ngàn sau. Để khởi hứng cho bạn đọc, nhất là giới thanh niên, những người anh em thân ái tôi đặt nhiều kỳ vọng, tôi kể chuyện sau đây về ba người danh tiếng lừng lẫy trong giới khoa học, hai người tôi quen biết và một người tôi chưa bao giờ gặp (thời điểm bài viết 5/1970). Tiếng tăm họ không vang ngoài nhân thế, vì sự nghiệp họ đặt trên trụ tảng móng chốt chìm xuống tận đáy nền khoa học không gian, không hào nhoáng hoa mỹ bề ngoài như bộ áo màu bạc thủy ngân của các phi hành gia, hay chiếc đuôi lửa hùng vĩ của chiếc hỏa tiễn khổng lồ đang lên sau phút giây khai hỏa. Nhưng, không có những người như tôi sắp kể, dù cho được đưa lên bằng ngàn hỏa pháo, con tàu không gian cũng không thể nào bay trọn nổi một vòng trái cầu.
Một sáng mùa đông trên bờ biển Bắc Hải, một kỹ sư và cũng là một thiên tài về sáng chế đã phải kỳ lạ về một phát minh của mình. Chiếc hỏa tiễn của ông phóng, trước khi chạm mục tiêu, đã gây ra hai chấn động long lở như tiếng đại bác. Ông đem sự việc kể lại cho một giáo sư chuyên về khí động học mà ông thường hâm mộ, để hỏi ý kiến. Chiếc hỏa tiễn là trái bom bay V2 vừa vượt tường âm thanh. Kỹ sư sáng chế là Tiến sĩ Werrher Von Braun, và giáo sư ông hỏi là Tiến sĩ Adolf Busemann, người mà tại Hội nghị Hàng không ở Volta, Ý Đại Lợi, năm 1935, đã đề ra thuyết dùng cánh suôi cho những phi cơ bay nhanh hơn tốc độ âm thanh. Sau chiến tranh, Von Braun được đưa về làm cho Lục Quân Hoa Kỳ để tiếp tục nghiên cứu về hỏa tiễn. Tiến sĩ Busemann giúp việc cho cơ quan NACA, mà sau này đổi thành NASA, ở Trung tâm Khảo cứu Langley. Ông tiếp tục nghiên cứu về khí động học và đặc biệt về chấn động phát âm cho đến khi về hưu vào đầu năm 1963. Tôi gặp ông năm đó khi Đại học Colorado mời ông rời quy ẩn để ra dạy học. Cùng ông cộng tác bốn năm trời, ký tên chung dưới sáu bài khảo cứu, tôi học được ở ông một điều: không bao giờ nên dừng bước trên một đoạn đường dài, những trạm nghỉ chỉ ở cuối một cung đường.
Sau ngày trở về của Apollo XI, nhạc khải hoàn vang dậy các kinh thành, dạ yến hoa đăng được tổ chức ở Los Angeles, tổng thống Nixon và phu nhân đón tiếp hơn một ngàn thực khách, những người có tiếng tăm nhất trong mọi giới Kỹ nghệ, Điện ảnh, Báo chí, Kinh doanh và Khoa học. Ông bà Busemann đã được mời tới dự vì những kết quả của ông đã được coi như đặt nền móng cho những chuyến bay trong không khí, trước khi rời xa lên các tinh cầu.
Người thứ hai cũng như giáo sư Busemann, tuy không phải là thầy học, nhưng từng chỉ dẫn cho tôi nhiều trong nghề nghiệp. Tiến sĩ Peter Musen không biết đã từ bao năm giúp việc cho NASA ở Trung tâm Phi hành Không gian Goddard, Tiểu bang Maryland, nhưng những tài liệu chính thức của NASA ông viết ra cho các nhà khoa học khác xử dụng thì nhiều vô kể. Ông cũng vào thế hệ những người xưa. Tôi gặp ông hai lần ở hai hội nghị. Hàng năm gửi thiếp Giáng sinh cho ông cùng một lúc khi tôi gửi cho các thầy học cũ, nhận được thiếp hồi âm của ông, bao giờ tôi cũng lật mặt sau để thấy những hàng chữ ông nắn nót viết thêm: “Tôi đã đọc bài của ông đăng trên…. Bài này có liên lạc đến vần đề khảo cứu của các nhà khoa học ….”
Những tài liệu ông ghi cho tôi đều khó tìm, nếu không phải là một tài liệu tư của một đài thiên văn Ba Lan, thì cũng là một đoạn cổ thư chỉ có ở những thư viện danh tiếng. Nhưng nhờ những chỉ bảo ấy mà bài viết của tôi cũng phong phú hơn lên. Hơn một trăm năm trước đây, nhà thiên văn Peter Hansen đã viết lên một lý thuyết chính xác về chuyển động của mặt trăng. Tiến sĩ Peter Musen đã tu chỉnh lại lý thuyết này và phương trình của ông chính là những phương trình đã được xử dụng trong các máy tính điện tử để tìm ra những quỹ đạo lên trăng một cách an toàn. Vì thế mà đầu năm 1969 khi Nguyệt san Kỹ thuật Quốc tế Celestial Mechanics, chuyên đăng những khảo cứu về Cơ học Thiên thể, ra mắt số đầu tiên, tại trang đầu đề tựa đã ghi công hai nhà bác học thường lưu tâm đến sự dìu dắt thế hệ hậu sinh, môt người là Giáo sư Tiến sĩ Dirk Brouwers đã tạ thế, và người thứ hai là Tiến sĩ Peter Musen.
Người thứ ba tôi muốn nhắc tới, tôi chưa có duyên hội ngộ: Tiến sĩ Julian Allen, Giám đốc Trung tâm Khảo cứu Ames của NASA tại California. Năm ngoái, tôi được tin ông về hưu và NASA đã trao tặng ông giải thưởng đặc biệt vì có công quan trọng trong lý thuyết thu hồi phi thuyền. Đầu những năm 1950, khi bắt đầu những chuyến bay siêu thanh của những phi cơ phản lực , khi các kỹ thuật gia hàng không làm cho mũi phi cơ càng dài nhọn để bay cho nhanh hơn, thì ông Allen đã lặng lẽ làm những con tính dài hàng trang giấy để đi đến kết luận là muốn thu hồi phi thuyền không gian cho an toàn thì phải chế tạo những phòng chỉ huy có hình bầu. Nhờ những con tính của ông mà những loạt phi thuyền không gian kế tiếp, khởi thủy từ Mercury, qua Gemeni cho tới Apollo, lúc trở về bao giờ cũng đưa mặt đáy bầu bĩnh ra trước.
Thế hệ phi thuyền tương lai là những phi thuyền có cánh lượn được trở về và đáp xuống sân bay. Phi thuyền không những chỉ có sức cản, mà có cả sức nâng Tính quỹ đạo an toàn tất nhiên cũng rắc rối hơn những bài tính ông Allen làm gần mười năm trước. Nhưng giờ đây, nhà toán học đã có những máy tính điện tử tối tân và hùng hậu trợ lực. Đôi khi có những dịp nhìn lại các công thức của Allen, tôi cũng phải lắc đầu. Đặt vào địa vị ông cách đây mười năm, tôi chắc không có can đảm bước vào địa hạt ông nghiên cứu. Vì với phương tiện toán cơ điện tử thời đó, dầu có thiên tài chăng nữa, từ những phương trình rắc rối tính nổi ra những công thức cô đọng như ông đã làm, chắc phải trải qua không biết bao nhiêu đêm dài.
NGUYỄN XUÂN VINH
Giáo sư Hàng không và Không gian
Đại học Michigan
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
Còm