Trang chủ > Mỹ Thuật > Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam 1966

Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam 1966

Họa sĩ Thái Tuấn là một trong những thần tượng của TN, tranh của ông nặng tông màu xanh man mác buồn, gợi nhớ tranh của Modigliani mà hầu hết các họa sĩ trẻ thời ấy đều có bị ảnh hưởng. PV chắc còn nhớ có lần TN nói nét vẽ của họa sĩ R Nguyễn (Tuổi Hoa) hao hao nét vẽ của họa sĩ Thái Tuấn.

Thời trung học, TN may mắn gặp và theo học vẽ tranh sơn dầu với họa sĩ Vị Ý (tự học như các họa sĩ Thái Tuấn, Ngọc Dũng, Duy Thanh… chuyên vẽ tranh sơn dầu khổ lớn), tại Trung tâm Chương trình Phát Triển Sinh hoạt Thanh niên Học đường CPS (đường Đinh Tiên Hoàng, bên hông sân Hoa Lư). Tự đóng khung vẽ, căng bố lên khung vẽ, pha màu,…khuyến khích tìm hiểu các trường phái, các họa sĩ cổ điển và đương đại của thế giới và của Việt Nam. Sau 1975 không còn gặp họa sĩ Vị Ý, nhưng thỉnh thoảng có nghe tin về ông: vẫn không lập gia đình, vượt biên, bị bắt giam ở trại Phan Đăng Lưu, ra tù, vượt biên tiếp, định cư ở Mỹ, tiếp tục vẽ, và cuối cùng nghe ông qua đời do bị ngã thang khi đang vẽ tranh tường. TN vẫn còn hình dung ra giọng Bắc của ông, dáng người nhanh nhẹn, khuôn mặt thư thái, điềm đạm, tay cầm pipe, đặc biệt mặc áo chim cò…

Rất tiếc trên mạng thông tin về cuộc đời và sự nghiệp họa sĩ Vị Ý rất ít, kể cả từ những họa sĩ, nhà văn gần gũi với ông.

Nhân đây, TN gửi PV một tài liệu đã xưa lắm của Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam mà trong những phôi thai ban đầu hình thành, có một phần đóng góp của họa sĩ Vị Ý, dù ông không tham gia. Kèm theo là bài viết của nhà thơ Tô Thùy Yên nhân cuộc triển lãm tranh của một số thành viên cũ của Hội, tháng 10/2012 tại Houston, Texas.

(Đinh Thanh Nguyện)


.

HỘI HỌA SĨ TRẺ VIỆT NAM

Liên tiếp mấy ngày, tôi nhận được điện thư của hai bạn họa sĩ, một từ Đinh Cường hiện sống tại Washington DC, Hoa Kỳ, và một từ Trịnh Cung hiện còn ở Sàigòn, Việt Nam. Cả hai bạn cùng thông báo là một nhóm anh em thành viên cũ của Hội Họa Sĩ Trẻ sẽ chung nhau làm một cuộc triển lãm tranh tại thành phố Houston, Texas, tức thành phố mà tôi hiện cư ngụ, và cuộc triển lãm này, theo dự tưởng chung của các bạn, sẽ rất có thể là cuộc triển lãm chung cuối cùng. Cả hai bạn cũng yêu cầu tôi viết cho một bài về tranh của những người bạn này, nhân danh mối giao tình thắm thiết từ hơn nửa thế kỷ trước giữa cá nhân tôi và Hội để in vào trong brochure của cuộc triển lãm. Lời yêu cầu này quả là khó từ khước, dù rằng đã lâu lắm rồi, tôi không hề trông thấy tranh mới của các bạn.

viet art 1

Hơn nửa thế kỷ, biển thời lượng này quả vô cùng mênh mông, bây giờ giả dụ có cố nhớ lại cùng lắm cũng chỉ góp nhặt được vài ba cảm niệm rất đỗi rời rạc, mơ hồ, không thể nào sắp xếp thành một câu chuyện kể nghe được. Chỉ còn nhớ vào thời đó, chúng tôi hẳn nhiên đều còn rất trẻ, và nhờ những dun dủi tuyệt vời nào đó của định mệnh, chúng tôi đã gặp gỡ và kết bạn với nhau vì lẽ chúng tôi cùng tin tưởng sắt đá rằng có một liên hệ ảnh hưởng hỗ tương giữa các bộ môn nghệ thuật với nhau, chớ không tách biệt như thoạt nhìn thấy, cũng như có sự hiện diện chắc chắn ở đâu đó của một siêu thế giới vĩnh hằng của Cái Đẹp. Vào thời đó, đối với chúng tôi, ý niệm trẻ không chỉ là số thời lượng tuổi tác mà còn bao hàm cả một thái độ đối với đời sống, nói chung là một thách thức thường trực, thách thức đối với cái cũ, cái nền nếp, khuôn mẫu và vì là những dê con, ngựa non hỗn hào tự nguyện lao đầu bất kể vào văn chương nghệ thuật nên luôn luôn khẳng định rằng văn nghệ là phải mới, mới. Cho nên, vào thời đó, rất nhiều khi chúng tôi đã có những lời lẽ, những hành vi mà sau này có tuổi hơn, nhớ lại, có thể chúng tôi đã tự lấy làm xấu hổ , hối hân. Nhưng biết làm sao được, tuổi nào cũng có cái dở đặc thù của tuổi đó.

.

viet art 3

Lịch sử Việt Nam vào thời đó như ai cũng biết là lịch sử của một đất nước chiến tranh huynh đệ tương tàn, vô cùng khốc liệt thương tâm, những cơn giông bão khiếp đảm liên tục thổi dập, càn quét làm trôi lăn điên đảo bao nhiêu thân phận khốn khổ qua những vô số Mất Mát để đến được Định Hình, qua những muôn trùng Đau Thương để còn bám lấy được Tồn Tại. Trong một thời thế như vậy, hình như không có lấy một cuộc đời nào lành lặn yên ổn. Vô Thường thường trực hiển hiện rùng rợn, liên tục vật vã, gây sụp đổ tan tác và trôi nổi trong những xô đẩy chập chùng của giông bão thời thế, chúng tôi không còn gặp nhau thường nữa, thậm chí không còn lien lạc với nhau nữa; trong những tình thế sống chết bất cập, văn nghệ trở thành câu chuyện xa xỉ, phù phiếm, trơ trẽn, vô duyên. Một cách bất đắc dĩ, chúng tôi đã có những cảnh đời nhiều khi bất xứng ý, ở những nơi chốn khác xa với vô vàn lo toan bận bịu khác biệt. Chỉ thỉnh thoảng chúng tôi mới tiếp nhận được vài mẩu tin lẻ từ những nguồn tin khác nhau để chúng tôi cảm thấy vui mừng rằng bạn mình còn tồn tại và vẫn còn làm việc văn nghệ. Tuy rằng những mẩu tin rời rạc lẻ tẻ đó không tiết lộ chút nào những chi tiết mong đợi về những công việc hiện thời của bạn. Nhưng nghe biết bạn còn đang làm việc, tự nhiên tôi tin tưởng rằng bạn vẫn còn mê mải đeo đuổi theo hình bóng của nghệ thuật, còn nặng tình với những tìm kiếm thẩm mỹ bởi tôi tin chắc rằng không một nghệ sĩ tài hoa tự trọng nào lại dùng thời gian làm việc chỉ để sao chép lại quá khứ của chính mình.

.

viet art 2

.

Ngoài ra tôi cũng luôn nghĩ rằng trên thế gian luôn vẫn chỉ có hai hạng người tuyệt đối cơ cực: 1-Nghệ sĩ, 2-Tu sĩ. Bởi lẽ tuy hai con đường của hai hạng người này hoàn toàn khác biệt nhau nhưng lại có những đặc tính giống nhau: cả hai con đường đều không có đích đến cuối cùng. Và cuộc hành trình của của hai hạng hành giả này quả là một cuộc hành trình hoàn toàn vô vọng, không có cơ may hoàn tất. Mọi thành tựu cho người nghệ sĩ, cụ thể là một bức tranh hay một bài thơ cùng lắm cũng chỉ là một thành tựu tạm bợ nhất thời để rồi vứt bỏ, quên đi, không luyến lưu, cũng như mọi trạm đến của người tu sĩ cũng chỉ là một chặng đường đang vượt qua, vượt qua nữa nữa, không ngừng. Và đối với cả hai hạng người này, con đường bao giờ cũng là con đường trước mặt và chuyến đi mãi mãi là một chuyến đi không có đích đến để mà hoàn toàn buông xả mãn nguyện. Sự hài lòng vĩnh viễn là một tâm thức gần như không có thực đối với hai hạng người tu sĩ và nghệ sĩ.

Tất cả cơ cực trải nghiệm đó của hai cuộc hành trình chỉ nhằm mưu cầu lấy dù là trong thoáng chốc một chút tâm cảnh tạm bợ phơi phới hạnh phúc mênh mông trời đất, vinh quang thay! Xin hãy mừng cho họ.

TÔ THÙY YÊN
(Viet Art Gallery 2012)

.

Image1

.

Image2

.

Image3

.

Image4

.

Image5

.

Image6

.

Image7

.

Image8

.

Image9

.

Image10

.

Image11

.

Image12

.

Image13

.

Image14

.

Image15

.

Image16

.

Image17

.

Image18

.

Image19

.

Image20

.

Image21

.

Image22

.

Image23

.

Image24

.

Image25

.

Image26

Chuyên mục:Mỹ Thuật Thẻ:
  1. Không có bình luận
  1. No trackbacks yet.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: