Trang chủ > Tem, Văn > Tượng và Bãi Cỏ

Tượng và Bãi Cỏ

Người ta đang nhân danh cái gọi là dự án xây ga tàu điện ngầm để phá hủy “kỷ vật” của Sài Gòn: công viên, tượng đài, những hàng cây cổ thụ. Hồn của Sài Gòn đã mất, như cái tên đã mất từ sau 30/4/1975. Tìm về Sài Gòn từ nay có lẽ chỉ còn tìm trên những trang sách cũ.

.

Tượng và Bãi Cỏ

Tùy bút của Mai Thảo

Người thành phố chúng ta, hồi tưởng lại những ngày chính biến ồn động đưa tới hình thành chính thể mới còn nhớ mãi cái cảm giác lấp vướng ngột ngạt của một tầm mắt tức tối thình lình bị án ngữ. Khi một loạt những chùm tượng lính biểu trưng cho từng binh chủng, chỉ sau một đêm đã đồng loạt mọc, kín khắp những bùng binh và những công trường. Nhễ nhại dưới nắng, uy nghi trên cỏ, ngất ngưỡng trong cây, những công trình điêu khắc ấy, nói chung, những ngày đầu, có phần nào đã bị những cặp mắt qua đường bất thiện cảm ngắm nhìn như những gò đống kim khí kềnh càng chướng nghịch. Hiện hữu đột ngột của tượng có phần nào hủy hoại đi cái đẹp cân đối, dịu dàng đã quen thuộc nhiều ngày của những khoảng trống cũ. Cảm giác bất thiện cảm với tượng bấy giờ có. Có thực. Không phải vì những hình dáng dũng liệt của tuyến đầu và của tiền đồn ấy không xứng đáng phô bày trước tầm mắt và kiến trúc phố phường. Trái lại. Trong mỗi gia đình Việt Nam, đều đã có những mái đầu ra trận. Cuối một con đường độc đạo, dưới một nóc lô cốt biên thùy, bằng tao ngộ chiến giữa rừng, bằng phục kích trong đêm, bằng chuyển quân dưới nắng, từng ngày từng giờ đều có những người lính trẻ của chúng ta ngã xuống. Ngã xuống, cho những người khác sống. Với thủ đô an toàn, vì có những vòng đai phòng ngự thịt xương vây bọc, sự có mặt của tượng là một cần thiết. Mang một tác dụng tốt, một nhắc nhở cần. Nhắc nhở đất nước chúng ta vẫn lửa đạn kín trùm. Và người hậu phương nhìn tượng và thấy tượng, không thể lãng quên rằng một phía Việt Nam có thể đã an toàn, vẫn mười phía khác Việt Nam là chiến hào và mặt trận. Ghi lại cái cảm giác lấp vướng ngột ngạt của một tầm mắt thình lình bị án ngữ bởi vậy chỉ là nói đến cái hiện tượng của một thói quen bị xô chuyển mà thôi. Đời sống và tâm hồn người như thế. Một kết thành, thường trực của những thói quen. Trong cái mỏ hằng hà những thói quen đúc lại thành khuôn, gấp lại thành nếp, có những thói quen rất tốt lành, có những thói quen cực kỳ nguy hại.

Tuổi Ngọc, số 7(bộ mới),tuần lễ từ 8-7 đến 15-7-1971

(Cám ơn Thủy Tiên đã gởi tặng tùy bút này)

*

Có một bài sưu tầm lưu hành trên internet nói về việc dựng tượng, xin trích vài đoạn:

Năm 1967, khi Chính Phủ Quân Nhân do Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (tức Thủ tướng) sửa soạn trao quyền lại cho Chính Phủ Dân Sự, Chính Phủ muốn để lại một cái gì cho thành phố Sàigòn, đánh dấu thời gian Quân Đội tham chánh, nhất là tạo cho Thủ Đô Sàigòn thành một thành phố có màu sắc lịch sử và đẹp xứng đáng là một Thủ Đô, Chính Phủ muốn dựng các tượng danh nhân lịch sử tại các công trường trong Thủ Đô. Việc này Chính Phủ giao cho Quân Đội thực hiện, cụ thể là Cục Tâm Lý Chiến thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, Bộ Quốc Phòng phụ trách. Lúc ấy Cục Tâm Lý Chiến do Đại tá Vũ Quang làm Cục trưởng. Một buổi họp tại Cục Tâm Lý Chiến do Đại tá Vũ Quang chủ tọa, để phân nhiệm cho các Quân Binh Chủng trách nhiệm dựng tượng Thánh Tổ của mình tại các công trường được chỉ định. Đa số các Quân Binh Chủng đều tôn vinh các vị anh hùng, danh nhân trong lịch sử làm Thánh Tổ. Riêng Không Quân không tìm được vị anh hùng nào trong lịch sử, nên công trường được giao phó là khuôn viên trước Tòa Đô Chánh Sài Gòn, Không Quân đã dựng một tác phẩm điêu khắc kỷ hà, nói lên tinh thần bảo vệ không gian của Tổ Quốc. Thủy Quân Lục Chiến cũng vậy. Anh em Thủy Quân Lục Chiến dựng tượng hai người lính trong tư thế xung phong tại vườn hoa trước tòa nhà Quốc Hội.

.

Sài Gòn Niềm Ðau Không Nguôi…Ngày 2 Tháng Năm 1975, bọn Việt Cộng phá Tượng Chiến Sĩ Quân Lực Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà ở Công Trường Lam Sơn, Ðường Tự Do.

cs phá Tượng Chiến Sĩ Quân Lực Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà ở Công Trường Lam Sơn ngày 02/5/1975 .

*

Riêng Hải Quân, được giao dựng tượng tại công trường Mê Linh, sau đổi là công trường Bạch Đằng, ở ngay bờ sông, cuối đường Hai Bà Trưng. Việc tế nhị và khó khăn của việc dựng tượng Thánh Tổ Hải Quân ở đây là làm thế nào có thể sử dụng được cái bệ đã có sẵn. Nguyên khi nền Đệ Nhất Cộng Hòa đây là công trường Mê Linh, được ông Ngô Viết Thụ lập đồ án dựng tương Hai Bà Trưng. Kiến trúc đẹp, mới được coi là một công trình nghệ thuật của Thủ Đô Sàigòn, tạo một hấp lực cho cảnh trí bến Bạch Đằng, xứng đáng là cửa ngõ của Thủ Đô Việt Nam Cộng Hòa.

Tượng Hai Bà Trưng đẹp, nét điêu khắc sắc và mới, được dựng trên một bệ cao 3 chân phảng phất một đầu voi với hai chân trước và cái vòi voi. Khi khánh thành công trình này, chính Bà Ngô Đình Nhu, với tư cách là Chủ tịch Hội Phụ Nữ Liên Đới tới khánh thành. Tất nhiên đây là tượng Hai Bà Trưng, nhị vị nữ lưu lừng lẫy của lịch sử nước nhà, nhưng việc điêu khắc mới quá, phảng phất như hai mẹ con bà Nhu. Dân Sàigòn đã nhìn tượng này qua ấn tượng là hình ảnh của bà Nhu, nên khi nền Đệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ năm 1963, lòng người trong cơn cuồng nộ, đã ào ào kéo tới công trường này và đã kéo đổ tượng Hai Bà xuống, như muốn xóa sạch vết tích của bà Nhu. Đầu hai pho tượng đã được để lên xe xích lô đi diễu trên các phố, nhiều báo đã có in hình này. Sau này không hiểu đầu hai pho tượng ấy lưu lạc nơi đâu. Vì thế, từ năm 1963 đến năm 1967, 4 năm trời “đầu voi” tại công trường bỏ trống, không có tượng nào trên đó cả.

4-11-1963 SAIGON: Một người đang quấn dây vào tượng (hình bên trái), tượng đổ xuống (hình giữa), và đám thanh niên lấy các mảnh nhỏ của tượng nện vào mảnh lớn nhất. (UPI TELEPHOTO)

Khi công trường này được giao cho Hải Quân được đổi tên là công trường Bạch Đằng, vừa là quân cảng, và bến sông tiếp nhận các tàu bè từ biển tới Thủ Đô Sàigòn. Công việc dựng tượng do Chính Phủ Quân Nhân khởi xướng, như trên đã nói, muốn làm cho nhanh, trong vòng năm bảy tháng, hầu kịp thời gian khi chuyển quyền từ Quân Đội qua Dân Sự. Trên căn bản các chi phí do Chính Phủ cung cấp. Tôi không còn nhớ kỷ, nhưng đâu như Chính Phủ cấp cho mỗi Quân Binh Chủng một ngân khoản độ mấy chục ngàn mà thôi. Ngân khoản quá nhỏ. Hầu như tất cả Quân Binh Chủng, muốn làm tượng Thánh Tổ của mình cho thật đẹp, các Quân Binh Chủng liên hệ đều phải bỏ công và của vào rất nhiều. Riêng Hải Quân, đây là một công trình to tát và mang nhiều ý nghĩa. Vì vị Thánh Tổ Hải Quân, Đức Trần Hưng Đạo, chẳng những văn võ song toàn, một vị đại anh hùng của dân tộc, và đây còn là cửa ngỏ của Thủ Đô, sát ngay Bộ Tư Lệnh Hải Quân, nên Hải Quân đã tích cực và thi hành công trình thật chu đáo và to tát.

(…)

Trở lại với việc dựng tượng Thánh Tổ Hải Quân, Đức Trần Hưng Đạo tại công trường Bạch Đằng, sau nhiều bàn cãi, có những quyết định như sau. Về bệ tượng, cần hủy bỏ 3 chân của bệ, và vị Thánh Tổ Hải Quân được biết đến như một vị tướng tài chỉ huy thủy chiến, không, hoặc ít có liên hệ đến hình ảnh của con voi, nhất là cần phải làm khác, hầu như xóa đi cái ấn tượng và liên hệ đến bà Nhu. Nhưng việc phá đi bệ này vừa không phải dễ làm, và còn phí phạm một công trình kiến trúc rất đồ sộ, khó khăn. Cuối cùng đi tới kết luận là vẫn để nguyên 3 chân bệ, nhưng được xây kín lại thành một bệ hình khối tam giác, mà mũi nhọn hướng ra sông, như một mũi thuyền trong tư thế lướt sóng.

Còn lúc đầu nhờ điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu, người nổi tiếng với tượng Tiếc Thương tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa thực hiện. Ông Thu (do tôi giới thiệu) nghĩ rằng, Đức Thánh Trần là một vị tướng mà cốt tủy của công trạng là tinh thần tham mưu, đó là điều khởi đầu và quan trọng hơn là việc xông pha nơi đầu sóng ngọn gió. Do đó ông Thu đã tạo một mẫu tượng Đức Thánh Trần trong tư thế ngồi, tay trái đè lên đốc kiếm tay phải cầm cuốn sách, được coi như là Binh thư. Ngài hướng mặt về phương Bắc, vừa là biểu tượng của người đi biển hướng về sao Bắc đẩu, vừa là nỗi lo âu muôn đời của người Việt, phải đối đầu với Bắc phương. Ý này một phần góp ý của chính tôi với điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu.

tượng Tiếc Thương tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa

Mẫu tượng này được đem ra một Hội Đồng của Hải Quân để xem xét, và so sánh với mẫu tượng khác. Mẫu khác của người nào đó bên Hội Thánh Trần bên Thủ Thiêm đề nghị, đó là mẫu tượng được chấp nhận làm nên tượng Ngài hiện nay. Đó là hình ảnh của vị Đại tướng trong y phục võ tướng, một tay tỳ lên độc kiếm, một tay chỉ xuống lòng sông và nói : “Phen này nếu ta không phá xong giặc Nguyên, thề không trở lại khúc sông này nữa”. Lời thề của Ngài đã được sử sách ghi lại, như một lời nguyền làm nức lòng bao nhiêu thế hệ sau này, mỗi khi giở lại trang sách cũ. Do đó, mẫu tượng đó, của một người ít được biết đến, lại được chấp thuận. Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu rất buồn. Buồn vì mất một cơ hội góp công, góp tim óc cho một công trình đầy sử tính của một Sàigòn, Thủ đô Của Việt Nam Cộng Hòa. Tôi cũng buồn, vì đã giới thiệu một người bạn, một điêu khắc gia nổi tiếng bậc nhất lúc ấy, mà lại không thành công. Nhưng tôi cũng phải nhận rằng, lời thề trên sông Hóa quả mang nhiều ý nghĩa, đã gắn liền với các chiến công của Đức Thánh Trần, với tước hiệu đầy đủ của Ngài.

Thánh Tổ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa

Bình Bắc Đại Nguyên Soái – Hưng Đạo Đại Vương

(nguồn)

*

Nhân nói về vụ kéo sập pho tượng Hai Bà Trưng tại Công trường Mê Linh trong cuộc đảo chánh tháng 11 năm 1963, thân mời quý bạn xem con tem cũ: Công-Trường Mê-Linh SAIGON

Tem “Công-trường Mê-Linh” phát hành ngày 01/03/1963 nhân dịp Lễ Kỷ-niệm Hai -Bà-Trưng cũng được thừa nhận là “Ngày Phụ Nữ Việt-Nam”.

Giá tiền 0đ50-xanh; 1đ00-màu rượu chát; 3đ00-hồng; 8đ00 lam. Số lượng: 0đ50- 2 triệu; 1đ00- 2 triệu; 3đ00- 1 triệu; 8đ00- 1 triệu. Họa-sĩ Nguyễn-Minh-Hoàng vẽ. Do nhà in tem thơ, Đại lộ Brune Paris ấn loát. Phát hành ngày 01/03/1963. Ngày thu hồi: 31/03/1964 do Nghị-Định số 64/025/NĐ/CC ngày 23/11/1964 của Bộ Giao-Thông, Công-Chánh và Bưu-Điện. Đề tài: Mẫu vẽ trình bày ở trang đầu ba chân dung phụ-nữ, biểu-hiệu với lối phục sức khác nhau, ba đại-diện cho các giới phụ-nữ trí-thức, tân-tiến, nông-thôn hay lao-động tại các đô-thị. Phía sau là hình thức tượng ghi nhớ công đức Hai Bà dựng tại Công-trường Mê-Linh Sài Gòn. Tượng bị phá hủy sau ngày cách-mạng 1/11/1963. Nhật-ấn “Ngày đầu tiên” tại Chánh-Thâu-Cuộc Bưu-Điện Sài Gòn.

(Theo: “20 Năm Bưu hoa Việt Nam 1951-1971” (Phủ Quốc Vụ Khanh xb 1971) của Nhà sưu tập Nguyễn Bảo Tụng.)

*

Theo ý kiến của còm sĩ Võ Trung Tín, thân mời cả nhà xem một số biểu tượng của các quân binh chủng QLVNCH ở Sài Gòn (nguồn: quehuongngaymai.com)


Tượng Trần Hưng Đạo tại bến Bạch Đằng- quân chủng Hải Quân


Tượng hai người lính Thủy Quân Lục Chiến ở vườn hoa trước Quốc Hội


Trần Nguyên Hãn thánh tổ binh chủng Truyền Tin- trước chợ Bến Thành


Pháo Binh có biểu tượng trước hội trường Diên Hồng

Hội trường Diên Hồng nằm trên đường Bến Chương Dương, nhìn ra rạch Bến Nghé, là nơi tổ chức Hội Nghị lần thứ 9 của Kế Hoạch Colombo vào tháng 10-1957 (Colombo Plan for Cooperative Economic Development in South and Southeast Asia CONFERENCE, SAIGON – 21-24 OCTOBER 1957).

Tòa nhà này trước đây là Phòng Thương mại Pháp, đến thời Đệ Nhị Cộng Hòa là Trụ sở Thượng Nghị Viện, hiện nay là Sở Giao Dịch Chứng Khoán TPHCM (số 45-47 Bến Chương Dương, SG)

*

Thánh Tổ Quân Cụ- đường Khổng Tử

Phù Đổng Thiên Vương (Thiết Giáp)- Ngã sáu Phù Đổng

BĐQ có tượng 3 người lính tại ngã bảy


Không Quân với “Tổ Quốc và Không Gian” trước tòa Đô Chính

Chuyên mục:Tem, Văn Thẻ:
  1. Đinh Thành
    18/09/2012 lúc 15:43

    Tôi nhớ có đọc ở đâu đó, nói tác giả bức tượng “Thánh Tổ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa
    Bình Bắc Đại Nguyên Soái – Hưng Đạo Đại Vương” là của Điêu khắc gia Phạm Thông, ông đã hoàn thành bức tượng này trong vòng 1 năm (1966-1967).
    Sau năm 1975, ông sang Hoa Kỳ và cũng là tác giả của bức tượng lớn với chủ đề là “Chiến sĩ Việt Mỹ”, thì phải?

    • 19/09/2012 lúc 10:58

      Dạ, để em copy đoạn này, bác Đinh Thành xem nhé:

      ĐIÊU KHẮC GIA PHẠM THÔNG

      Nhắc đến điêu khắc gia Phạm Thông, ai cũng nghĩ ngay đến bức tượng Trần Hưng Đạo để đời nằm ở công trường Mê Linh, cuối đường Hai Bà Trưng, sát bờ sông Sài Gòn. Ít người để ý một chi tiết rằng tượng đài các anh hùng dân tộc ở Việt Nam khá nhiều: Quang Trung, Lê Lợi, Hai Bà Trưng…, nhưng ở những tỉnh thành khác nhau thì lại có hình tượng khác nhau của vị các anh hùng đó. Chỉ riêng có tượng Trần Hưng Đạo thì ở ba thành phố lớn là Sài Gòn, Vũng Tàu và Qui Nhơn đều dùng chung một mẫu tượng của Phạm Thông. Hơn thế nữa, hình như mọi người Việt từ Nam chí Bắc đều mặc định rằng đó là hình tượng tiêu biểu của một trong những chiến binh lỗi lạc nhất của dân tộc, đã hơn một lần đại phá quân Mông Cổ hùng mạnh vào đời Trần.
      Trong thập niên 80, khi cả nước tìm đường đào thoát, thì chắc ai cũng nhớ câu chuyện tiếu lâm về một người Sài GÒn khổ quá đi hỏi ý kiến Phật, Chúa, rồi ra tượng Đức Thánh Trần hỏi phải làm gì, thì ngài chỉ xuống sông, có ý rằng… phải vượt biên thôi!
      Anh Phạm Thông tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật Sài Gòn vào năm 1965. Thời đi học anh thiên về hội họa nhiều hơn là điêu khắc. Anh cho biết tượng Trần Hưng Đạo là tác phẩm đầu tay của mình sau khi ra trường, năm đó anh mới 24 tuổi. Vào năm 1967, binh chủng Hải Quân và Hội Đưc Thánh Trần tổ chức cuộc thi tạc tượng Trần Hưng Đạo – Thánh Tổ Hải Quân Việt Nam- để đặt vào vị trí công trường Mê Linh thay cho tượng Hai Bà Trưng. Có 13 đồ án đã được nộp để dự thi, và anh Phạm Thông là người thắng giải. Lúc đầu, đồ án của anh là tượng ngồi nghiên cứu binh thư yếu lược chứ không phải đứng. Nhưng khi bắt tay vào việc, ý tưởng Ngài chỉ xuống sông Sài GÒn ngay vị trí Bến Bạch Đằng có vẻ sống động và phù hợp hơn, nên anh đã quyết định chuyển thiết kế thành mẫu tượng như hiện nay.Bức tượng xi măng cao gần 6 mét, đứng trên một bục lăng trụ tam giác cao 10 mét. Việc phải đặt tượng trên một lăng trụ tam giác khá hẹp này là vì anh phải tận dụng lại vị trí kiềng ba chân đã đặt tượng Hai Bà Trưng ngày trước. Trong cái khó ló cái… hay, vì tam giác cũng là hình dạng của mũi thuyền, nên tượng Ngài như đang đứng chỉ huy trước mũi thuyền vậy.
      Anh Phạm Thông kể lại rằng Đại Tá Trần Văn Chơn là người chủ trì dự án đã cho thực hiện mọi việc hết sức nghiêm túc. Ngày động thổ, ông đã yêu cầu anh ba giờ sáng phải có mặt để cùng ông cúng bái. Các tàu hải quân phải treo cờ của Đức Thánh Trần vào ngày này. Nhưng chàng nghệ sĩ trẻ Phạm Thông thì lại còn ham vui lắm. Đồ án lý ra chỉ thực hiện trong vài tháng, nhưng rốt cuộc kéo dài một năm. Anh còn nhớ trong ngày khánh thành, 8 giờ sáng là bắt đầu mà 5 giờ sáng anh còn trèo trên tượng, đục đẽo, sửa chữa. Có một vài chỗ sửa không kịp, phải dùng giấy carton sơn màu đắp vá tạm!
      Rồi bức tượng Đức Thánh Trần nhanh chóng được người dân Miền Nam chấp nhận, kính yêu. Một niềm tự hào mà tác giả chưa chắc đã hình dung ra đầy đủ. Khi được hỏi anh đã thực hiện tiếp hai phiên bản ở Vũng Tàu và Qui Nhơn vào lúc nào, anh Phạm Thông cho biết là binh chủng hải quân đã làm chứ không phải anh. Lúc đó anh cũng đã là lính của Cục Tâm Lý Chiến. Anh không thích vị trí đặt tượng ở Vũng Tàu lắm, vì Đức Thánh Trần chỉ… ra đường chứ không phải ra biển! Anh còn chưa có dịp ngắm phiên bản bức tượng đặt ở Qui Nhơn nữa. Cũng ít có người biết anh còn làm một bức tượng anh hùng dân tộc khác nữa, đó là tượng Quang Trung đặt ngay tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung Hóc Môn.
      Sang đến Mỹ, định cư tại Houston, cái nghiệp đã đưa đẩy anh Phạm Thông thực hiện thêm một bức tượng cũng nổi tiếng không kém. Đó là bức tượng Chiến Sĩ Việt Mỹ, đặt ở khu Universal Shoping Center của người Việt trên đường Bellaire. Bức tượng này được khánh thành vào năm 2005. So với bức tượng cùng chủ đề ở Little Saigon Quận Cam, bức tượng ở Houston có nhiều điểm khác biệt. Người Chiến Sĩ Cộng Hòa của anh Phạm Thông vẫn còn đang ở tư thế tiến công. Theo anh, hình ảnh của Người Lính Cộng Hòa trong tim người dân Miền Nam Việt Nam vẫn luôn là vậy, cho dù bây giờ nước đã mất, người Việt Tự Do đang sống lưu vong ở khắp nơi trên thế giới.
      Câu chuyện thực hiện tượng đài Chiến Sĩ Việt Mỹ của anh Phạm Thông còn có phần ly kỳ hơn tượng Đức Thánh Trần. Lúc cộng đồng người Việt Houston kêu gọi cuộc thi để chọn mẫu tượng, cũng có tất cả 13 đồ án. Đồ án của anh nộp sau cùng, bởi vì lúc đầu anh không có y định tham gia dự thi. Anh nghĩ là những công trình này nên để cho lớp trẻ thực hiện. Nhưng có một vài người bạn trong cộng đồng nải nỉ quá, anh nhận lời dự thi. Rồi cuộc thi do chính cộng đồng Houston bình bầu đã chọn đồ án của anh để thực hiện.
      Vị trí đặt tượng là một vấn đề nan giải. Lúc đầu định đặt ở công viên, nhưng sau mọi người thấy rằng nên đặt ở một khu shopping thì người dân mình qua lại chiêm ngưỡng nhiều hơn. Nhưng làm sao có tiền để mà mua chỗ” Trong lúc ăn tối với nhau ở một nhà hàng nằm trong khu Universal Shopping Center của anh Hubbert Võ ( lúc đó chưa là dân biểu), ủy ban tổ chức là Thiếu Tá Lê Văn Sanh, anh Phạm Thông và một vài thân hữu nữa bàn chuyện này với nhau có mặt anh Hubbert Võ. Anh Hubbert không nói gì cho đến cuối buổi, khi tàn tiệc mới nói nhỏ với Thiếu Tá Sanh rằng “ …Ngày mai tới gặp cháu để bàn về địa điểm, cháu có ý định hiến tặng một vị trí cho tượng đài ở ngay trong shopping này…”. Niềm vui kéo dài không lâu, vì sau đó anh Hubbert Võ lại nói rằng ông thầy địa lý của anh phán không nên để tượng này ở khu vực shopping, vì âm khí có thể làm dương suy, ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Anh Phạm Thông và ủy ban lại tiếp tục tìm cách xin gặp ông thầy địa lý này để nhờ ông giúp. Thiệt là tình cờ, trong ngày hẹn gặp, ông thầy đang xem Báo Con Ong và biết ra anh Phạm Thông là chủ tờ báo. Thế là trong suốt nửa giờ, ông ta chỉ ngồi khen lập trường tờ Con Ong, và nói chuyện báo chí. Đến gần lúc chia tay, ông chỉ nói vắn tắt: “ …Âm thịnh dương suy thì cũng có cách giải. Tôi có thể bày cách cho Hubbert Võ, và thuyết phục anh ta cứ cho để tượng ở đó…”. Mọi người mới thở phào nhẹ nhõm!
      Anh Phạm Thông kể bức tượng người lính sĩ Cộng Hòa linh thiêng và “có hồn” thực sự. Ngày cuối cùng khi anh tạc xong bức tượng, khỏang 05 giờ sáng, con chó nhà anh ra sân đứng trước bức tượng sủa dữ dội và liên tục như thấy có người lạ vào nhà. Anh phải ra xem có gì xảy ra, nhưng không hề thấy có ai cả. Anh rùng mình, đứng trước bức tượng khấn rằng các linh hồn tử sỉ có về đây thì xin phù hộ cho anh thực hiện dự án này tốt đẹp. Anh cũng là một người lính, dù chưa bao giờ ra trận, nhưng cũng muốn đóng góp xương máu của mình để vinh danh những đồng đội đã khuất. Con chó sau đó hết sủa ngay! Rồi khi đem bức tượng đặt lên bệ ở vị trí shopping, anh đang dùng cưa tay để cắt cụt một đoạn sắt dư, thì lơ đễng để tự cưa đứt mất một đốt ngón tay đeo nhẫn! Anh nghiệm lại rằng chắc tại do lời khấn của mình “…muốn đóng góp xương máu…”. Ngày bức tượng người lính Việt đặt lên vị trí ( tượng người lính Mỹ lên vị trí sau đó), mọi người có mặt đều không cầm được nước mắt, vì có một cái gì đó thiêng liêng không thể diễn tả được. Khu shopping này của Hubbert Võ sau đó làm ăn còn có phần phát đạt hơn. Nhiều người còn tin rằng Hubbert Võ sau đó thắng cử được chức dân biểu tiểu bang trong một cuộc bầu cử không cân sức với đối thủ Mỹ trắng kỳ cựu, chắc cũng phải nhờ đến anh linh của các chiến sĩ Cộng Hòa phù hộ…

      (nguồn)

      • 20/09/2012 lúc 16:12

        Em thực sự có rất nhiều hiểu biết, chị rất khâm phục em 😆

  2. Đinh Thành
    18/09/2012 lúc 15:49

    Nhân tiện, mời các bác xem và thử hồi tưởng một chút về “Hình ảnh Sài Gòn trước năm 1975, có ảnh chụp pho tượng Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng”

    http://teolangthang.blogspot.com/2009/07/saigon-xua-1965-1975-nho-saigon.html

  3. Võ Trung Tín
    18/09/2012 lúc 23:43

    Công nhận đọc cái bài tuỳ bút này của nhà văn Mai Thảo, người đọc có cái cảm giác giọng văn thật nhẹ nhàng và mượt mà…
    Tuy nhiên, khi đọc đoạn mở đầu này:
    – “Người thành phố chúng ta, hồi tưởng lại những ngày chính biến ồn động đưa tới hình thành chính thể mới còn nhớ mãi cái cảm giác lấp vướng ngột ngạt của một tầm mắt tức tối thình lình bị án ngữ. Khi một loạt những chùm tượng lính biểu trưng cho từng binh chủng, chỉ sau một đêm đã đồng loạt mọc, kín khắp những bùng binh và những công trường.”
    ………

    Bỗng dưng..có một chút xiu xíu gì gì đó hơi vương vướng trong cảm nhận!
    Bởi, đọc chi tiết bài viết ( chị Năm copy) bên dưới thì được biết công trình các tượng được hoàn thành vào năm 1967, nhưng, bài tuỳ bút lại được viết vào..” Tuổi Ngọc, số 7(bộ mới),tuần lễ từ 8-7 đến 15-7-1971″..

    – Sau 4 năm (1968 – 1971), mà những cảm xúc và cảm nghĩ của tác giả Mai Thảo diễn đạt trong bài tuỳ bút như vậy, có mang tính..”cảm xúc trung thực”..”nóng hổi”..không nhỉ?!

    P/s: Chị Năm ơi, Ròm em lang thang lượm lặt, góp nhặt lại được một chút thông tin về..các bức tượng của lính VNCH…
    – “Năm 1966, Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ giao cho mỗi đơn vị quân đội dựng một biểu tượng cho đơn vị mình tại các công viên hay công trường trong thành phố Saìgon và Chợ Lớn, những kiến trúc ấy như sau:

    – Hải Quân: dựng tượng thánh tổ Trần Hưng Đạo tại bến Bạch Đằng.

    – Không Quân: với “Tổ Quốc và Không Gian” trước tòa Đô Chính.

    – TQLC: với bức tượng 2 người lính ở vườn hoa trước Quốc Hội.

    – Pháo Binh: có biểu tượng trước hội trường Diên Hồng.

    – Truyền Tin: với thánh tổ Trần Nguyên Hãn trước chợ Bến Thành.

    – Thiết Giáp: là Phù Đổng Thiên Vương tại bùng binh ngã sáu Saigon.

    – BĐQ: có tượng 3 người lính tại ngã sáu Lý Thái Tổ.

    – Nhẩy Dù: có biểu tượng đặt trước bệnh viện Sùng Chính.

    – Quân Nhu: đặt biểu tượng trên đường Hồng Bàng Chợ Lớn.

    – Quân Cụ: đặt biểu tượng trên đường Khổng Tử.

    – Cảnh Sát: đặt hai nhân viên đứng thao diễn nghỉ trên đường Thành Thái v.v..”
    ………..

    Chị Năm ơi, chị coi xem tìm được hình ảnh của các bức tượng trên, post lên cho mọi người cùng xem, nghen chị Năm…

    • 19/09/2012 lúc 10:50

      Tín:
      … công trình các tượng được hoàn thành vào năm 1967, nhưng, bài tuỳ bút lại được viết vào..” Tuổi Ngọc, số 7(bộ mới),tuần lễ từ 8-7 đến 15-7-1971″..

      – Sau 4 năm (1968 – 1971), mà những cảm xúc và cảm nghĩ của tác giả Mai Thảo diễn đạt trong bài tuỳ bút như vậy, có mang tính..”cảm xúc trung thực”..”nóng hổi”..không nhỉ?!

      —-

      Tượng và Bãi Cỏ được đăng trong Tuổi Ngọc số 7 (tháng 7/1971) không có nghĩa là nó được viết vào năm 71 mà có thể là trước đó.
      Dù có được viết vào năm 1971 hay nhiều năm sau đó thì nó vẫn mang tính..”cảm xúc trung thực”..”nóng hổi”, vì tác giả không viết theo đơn đặt hàng và cũng không chịu áp lực từ phía nào.

  4. Võ Trung Tín
    18/09/2012 lúc 23:46

    – Tượng Trần Hưng Đạo to nhất Việt Nam – Bình Định:

    http://www.nto.com.vn/vn/kham-pha-va-trai-nghiem/tuong-tran-hung-dao-to-nhat-viet-nam-binh-dinh-2282.html

  5. Phạm Sơn
    19/09/2012 lúc 14:04

    Một entry với nhiều hình ảnh của Saigon quá khứ thật tuyệt vời!
    Rất cám ơn, vì Trang chủ ắt phải có tấm lòng lắm với miền Nam thân yêu, nên đã bỏ nhiều thời gian và công sức sưu tầm về đây một bài tuỳ bút thật thú vị, cùng những hình ảnh miền Nam ngày xưa nói chung và các bức tượng của các quân binh chủng VNCH nói riêng, khiến người đọc có những cảm giác trong hồi tưởng đầy…lâng lâng lẫn ngùi ngùi!

  6. 19/09/2012 lúc 18:21

    Rõ ràng chủ nhà theo trường phái BẢO HOÀNG , toàn là hoài cổ,……
    Nói cung thì các loại tượng chỉ có tượng trong lòng nhân dân mới trường tồn !
    Có câu :” Muốn người ta không biết thì đừng làm ” vậy nên dựng tượn nơi công cộng nếu không cận thận sẽ là những chuyện cười đau bụng,….
    Ngay sau khi chính quyền công đoàn Đoàn kết do walesa nắm quyền thì ở Ba Lan người ta đập bỏ tất cả những tương của người lính xô – viết đã hi sinh để bảo vệ một châu Âu khỏi ách Phát xít . …….
    Ở ta, còn nhiều quá những bức tượng cũng cẩn đâp bỏ ,….
    Nếu đập bỏ thì lão hâm chỉ tiếc có mỗi…. tiền đã bỏ ra làm tượng ! Giá như không làm thì các cháu vùng cao có cơ may đến trường bằng cầu chứ không phải đu dây qua sông nguy hiểm,… người dân tận vùng sâu cũng còn có cái trạm xá để bán thuốc … lác chớ hè ?

    • 20/09/2012 lúc 15:28

      Bác Trà: Dạ, chả hiểu nhà cầm quyền ngày nay nghĩ gì khi các em bé miền Trung còn đu dây qua sông đi học chữ, hoàn toàn tương phản với cái gọi là Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng (được xây dựng tại khu vực núi Cấm, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam. Với quyết định bổ sung vốn, tổng số tiền đầu tư cụm tượng đài này lên 410 tỷ đồng, trong khi kinh phí phê duyệt ban đầu vào tháng 8/2007 là 81 tỷ đồng.)

      Ở Hà Nội có pho tượng kèm với bài vè dân gian:
      Lê-Nin quê ở nước Nga / Cớ sao lại đứng vườn hoa nước này? / Ông vênh mặt, ông chỉ tay: / “Tự-do, hạnh-phúc, lũ mày còn xa”. / “Kìa xem gương của nước Nga” / “Bảy mươi năm lẻ có ra đếch gì?” / Đảng mình cái đảng vứt đi / Chúng ta theo Đảng còn gì là thân?

      Lại còn cái lăng nữa chứ bác. Cái này mới tiêu tốn ngân sách quốc gia đây.

  7. 20/09/2012 lúc 10:34

    Một bài viết rất bổ ích, từ đó mới hiểu thêm về ý nghĩa của một số tượng đài vẫn còn đến bây giờ ở Sài gòn. Cám ơn Phay Van 😀

    • 20/09/2012 lúc 15:14

      Bác Cua: Dạ em cũng mới biết thêm thông tin dù rằng thấy (một số) tượng đã lâu, nhân có bài tùy bút của Mai Thảo, rồi lan man “tìm kiếm”.

  8. Tiểu Tử
    29/07/2014 lúc 22:24

    Thời Pháp thuộc ở Sài Gòn công viên chổ nào củng có tượng lính , tướng Pháp . Thí dụ :
    – trước nhà thờ đức bà
    – trước toà đô chính
    – trước nhà hát thành phố

    ….vv… Tây về nước các tượng nầy bị dẹp hết . Thời Đệ Nhất Cộng Hoà dựng một số tượng mới , Đệ Nhị Cộng Hoà dẹp hết tượng thời Đệ Nhất Cộng Hoà , dựng tượng mới . Mổi thời thì mổi loại tượng khác nhau . Những tượng nầy chắc chắn sẻ không tồn tại với thời gian . Chơi đồ cổ hay hoài cổ thì phải chơi đồ thật cổ.

    • 30/07/2014 lúc 12:18

      Cám ơn bác Tiểu Tử. Các tượng Lê-nin, HCM của chế độ độc tài cs sau này nên được “dọn dẹp” chung số phận với các tượng tướng lĩnh thời Pháp thuộc. Những giai đoạn đó như những vết nhơ, những trang đen tối nhất của lịch sử Việt Nam.
      Tượng thời VNCH theo em có ý nghĩa khác. Từ sau khi miền Nam bị cưỡng chiếm thì những pho tượng này trở thành “kỷ vật” của một chế độ tự do dân chủ mà Sài Gòn đã từng có được.

  9. Tiểu Bình
    31/07/2014 lúc 00:14

    Thưa Chị ,

    tục ngữ Việt có câu : ” ăn quả nhớ kẻ trồng cây ” . Thời Pháp thuộc sao gọi là thời đen tối nhất của lịch sử Việt Nam . Theo tôi thì :

    – nếu không có ông A Lịch Sơn Đắc Lộ người Pháp hình thành chử quốc ngử . Thì có lẻ ngày hôm nay tôi và chị còn dùng chử Nôm hay chử Hán để viết . Đường mang tên ông A Lịch Sơn Đắc Lộ , Alexandre de Rhodes , vẩn còn không bị đổi .

    – nền giáo dục miền Nam do người Pháp để lại . Các trường sơ , trường thày dòng, trường Y , trường Dược ….vv.. đều do người Pháp để lại .

    – Các chính trị gia Việt thời Đệ Nhất , Đệ Nhị Cộng Hoà hầu hết là đả đi du học ở Pháp .

    – Tổng thống , phó Tổng thống , tuớng lảnh thời Đệ Nhất , Đệ Nhị Cộng Hoà đều xuất thân từ lính lê dương . Do người Pháp dạy dổ và huấn luyện .

    Không lẻ ” ăn cháo rồi đá bát ” hay sao .

    • 31/07/2014 lúc 07:51

      Thưa Bác Tiểu Bình, thời Pháp thuộc nước ta bị mất chủ quyền, dân ta bị đối xử như nô lệ, bị coi như một dân man di mọi rợ cần được khai hóa. Đấy là cái nhục của kẻ mất nước.
      Em không phủ nhận dấu ấn của một nước thực dân để lại trên xứ thuộc địa – như của người Pháp để lại trên bán đảo Đông Dương hay người Anh trên xứ Ấn Độ: các công trình kiến trúc nghệ thuật, cơ sở vật chất như bệnh viện, trường học… và một tầng lớp khoa bảng được mẫu quốc đào tạo.

  1. No trackbacks yet.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: