Giới thiệu nhà thơ Lâm Vị Thủy: Sao em không về làm chim thành phố?
Giới thiệu nhà thơ Lâm Vị Thủy: Sao em không về làm chim thành phố?
Các bạn thân mến,
Hẳn các bạn hãy còn nhớ trong một entry của “Cõi Đá Vàng (Đọc sách)”, nhà văn Trần Hoài Thư đã trả lời điện thư của Nguyệt Mai: “…dạo này anh không được khỏe, nhất là mắt yếu khi lái xe. Đề nghị em hay bạn bè em có ai quen đang học ở Cornell copy hay scan dùm. Sách dày lắm (481 trang).
Tuy nhiên, nếu không có ai làm, chắc một ngày nào đó, anh sẽ cố gắng. Như đã làm cho nhà thơ Lâm Vị Thủy. (entry #51)
Hôm nay Nguyệt Mai rất hân hạnh được giới thiệu cùng các bạn nhà thơ Lâm Vị Thủy. Nguyệt Mai cũng rất biết ơn nhà văn Trần Hoài Thư đã sưu tập về nhà thơ “bị bỏ quên” này cùng tập thơ “Sao em không về làm chim thành phố” của ông cũng như cho phép Nguyệt Mai được lấy nguồn tài liệu từ Thư Quán Bản Thảo số 49 và 50.
.
Trước khi đọc thơ Lâm Vị Thủy, Nguyệt Mai thân mời các bạn nghe chị Cam Li Nguyễn thị Mỹ Thanh diễn tả rất truyền cảm bài thơ “Sao Em Không Về Làm Chim Thành Phố”.
.
Tiểu sử nhà thơ Lâm Vị Thủy:
Lâm Vị Thủy sinh vào ngày 28-4-1937 mất ngày 21 tháng 7 năm 2002. Lập gia đình được 2 gái 3 trai..
Giáo sư Việt Văn tại một số trường tư thục tại Sài Gòn.
Viết văn, làm thơ. Thường xuất hiện trên tạp chí Phổ Thông.
Trong nhóm Tao Đàn Bạch Nga.
Sau năm 1975 có thời gian ở tù trong khám Chí Hòa.
Ra tù trải qua những tháng năm cùng cực và cô đơn.
Thi phẩm xuất bản: Sao em không về làm chim thành phố, do Huyền Trân xuất bản vào năm 1963.
(nguồn: TQBT số 50 tháng 2 năm 2012)
Đi tìm một nhà thơ giữa cõi không cùng
Người thủ hầm
Vào một buổi chiều của tháng 7 năm 2011, trong một bữa cơm thân hữu tại tư gia nhà văn Trần Yên Hòa tại Anaheim, Nam California, để góp vui cùng bạn hữu, gia chủ đã đứng lên đọc một bài thơ mà anh cho biết không rõ tên tác giả.
Đó là một bài thơ tình. Lời thơ thật đẹp, dạt dào cảm xúc. Và tôi đã mang nó làm hành trang theo chuyến bay trở về lại New Jersey:
Buổi sáng trời mưa tôi trở dậy
Soi mặt mình bằng phiến gương đen
Chợt thấy hình em sầu đóng bụi
Nỗi đau này em nghe chăng em
Thành phố chừng như quên giấc ngủ
Tôi đi không kỷ niệm che đầu
Không em làm ấm vòng tay lạnh
Không cả ngày chưa quen biết nhau
Tôi dẫn tôi vào trong lớp học
Mây lên màu trắng áo thiên thần
Bàn tay e ấp trên trang sách
Trông dáng ai mà thương cố nhân
Sao em không là em thuở ấy
Để mỗi chiều tôi đón cổng trường
Đường xưa còn dấu chân em đấy
Gót nhỏ giờ vui mộng viễn phương
Mùa xuân nào mưa bay mãi đây
Xa nhau không một ánh trăng gầy
Nửa đêm nghe tiếng xe về vội
Tôi đốt đèn lên ngồi ngắm tay
Ơi tình yêu đã về hay chưa
Còn đây từng tháng đợi năm chờ
Còn đây một nét môi cười đó
Em vụt tầm tay tôi bơ vơ
Tình yêu, tình yêu, tình yêu ơi
Mùa xuân, mùa xuân, mùa xuân rồi
Hồn tôi muốn khóc làm sao dỗ
Em của người ta, tôi của tôi.
Trở về, tôi lên internet để truy tìm nguồn gốc. Mới biết tác giả là nhà thơ Lâm Vị Thủy. Sưu tầm thêm, được tổng cộng tất cả 5 bài… 5 bài cho một cuộc đời của một người thi sĩ. Càng cay đắng hơn khi đọc những giòng sau đây, trên một trang mạng:
“…Bàn tay tôi lần giở những trang thơ cũ xa xưa…
1978. Cô sinh viên văn khoa vẫn thường trốn học lang thang hàng giờ và vùi đầu vào hết thư viện này đến thư viện khác, hôm ấy vô tình tìm thấy trong một ngăn giá sách nằm khuất sâu phía trong một cuốn thơ mỏng đã ố vàng. Một cái tên lạ, hầu như chẳng bao giờ thấy trong các cuốn sách, các tạp chí phê bình. Nhưng ngay từ những dòng mở đầu, cô đã thấy gợi lên một cái gì đó thật đặc biệt trong đời sống tâm hồn của nhà thơ, một cái gì đó u ám, day dứt, cô đơn… Ẩn sâu trong những dòng thơ tưởng như viết ra vội vã và giản đơn là cả một tâm hồn thật yếu đuối trước những biến động của cuộc đời … Đó là tập thơ in năm 1963 của NXB Huyền Trân, tập thơ mang một cái tên thật lạ, lạ như chính những dòng thơ ấy… “ Sao em không về làm chim thành phố”…
Cô sinh viên ấy là mẹ tôi. Mẹ tôi mê thơ của Lâm Vị Thủy đến mức từng chọn đề tài luận văn là Chủ nghĩa hiện sinh, nhưng khi đăng ký, người ta trả lời rằng không có ai hướng dẫn đề tài…
Tôi không chú ý lắm đến cái tên và những dòng mở đầu trong tập thơ của ông, nhưng thật sự bị hút vào bài thơ “Cuối cùng” và “Thơ của những người không yêu nhau”, dù khi ấy tôi còn rất nhỏ để có thể hiểu thấu đáo những lời ông viết. Tôi cũng không đọc nhiều về chủ nghĩa hiện sinh, nhưng với tôi, và có lẽ cả với mẹ tôi, đến bây giờ Lâm Vị Thủy vẫn là một ẩn số, một cái tên lạ. Tôi chưa từng thấy ở đâu cái tên ấy, trong sách vở, trên mạng, trong các tạp chí nghiên cứu phê bình văn học. Và sẽ tuyệt vời biết bao nếu tôi được nghe bạn nói với tôi về nhà thơ Lâm Vị Thủy, người đã viết những dòng thơ khắc khoải buồn rầu, gợi lên những góc khuất trong tâm hồn mà đôi khi ta tưởng như đã rơi vào vội vàng cuộc sống…
(Nguồn: Diễn Đàn CĐV SLNA: Sao em không về làm chim thành phố )
Sau đó, người viết đã cho post 4 bài thơ trong thi tập. Có điều bài thơ chánh là bài Sao em không về làm chim thành phố, người viết đã trích lọc và bỏ rất nhiều câu (khoảng 46 câu). Nguyên do có lẽ là chúng “dị ứng” đối với chế độ cai trị đương thời chăng?
Đó là lý do thôi thúc chúng tôi cố gắng sưu tầm và giới thiệu một cách nghiêm chỉnh nhà thơ Lâm Vị Thủy trong TQBT số này… (xin mời đọc trọn bài không cắt xén trong phần trích thơ LVT)
Tiểu sử và cuộc đời nhà thơ Lâm Vị Thủy: (*)
Không có một tài liệu hay sách báo nào cho biết về tiểu sử của Lâm Vị Thủy, dù chỉ vài dòng ngắn ngủi. Ngay cả tập thơ “Sao em không về làm chim thành phố” (SEKVLCTP) do Huyền Trân xuất bản vào năm 1963, chúng ta cũng không thấy một giòng chữ về tiểu sử như hầu hết tác phẩm của các tác giả khác. Tuy nhiên, trong ba trang đầu, “Cho Hoàng những ngày thơ mộng cũ”, ông đã hé lộ về một phần của cuộc đời thiếu thời và thanh xuân của ông:
“ Thuở nhỏ, anh sống ở một miền ngoại ô, trong sự cơ cực của những người thân yêu. Các em anh không bao giờ có lấy một cái áo lành lặn để mặc trong những ngày giỗ tết. Anh có người chú ham đọc các sách viết về các tôn giáo, chủ nghĩa và thích đánh bạc ngay với cả cuộc đời mình.
Anh nuôi nấng những hình ảnh thiếu thời ấy cho tới trưởng thành và lăn vào đời với hai bàn tay trắng, với những ý nghĩ trả thù. Anh đã phải sống không một tiếng nói, không một nụ cười bao nhiêu năm rồi. Anh còn sống thế này bao lâu nữa…”
(SEKVLCTP, trang 10)
Ông là một giáo sư Việt Văn, dạy các trường tư thục như Âu Lạc, Văn Lang, Chân Phước Liêm ở SG. Về mặt sinh hoạt văn học nghệ thuật, ông là thành viên của nhóm Tao Đàn Bạch Nga của tạp chí Phổ Thông. Ông làm thơ rất ít, thỉnh thoảng viết truyện ngắn. Hầu hết những sáng tác của ông xuất hiện trên tạp chí Phổ Thông.
Bài thơ nổi tiếng được truyền tụng nhất của ông là bài “Tuần của tình yêu”, được đăng trên Phổ Thông số 120 ngày 1-2-1964. Trên mạng, bài thơ này đổi thành “Hình như kỷ niệm”. Chúng tôi không biết lý do tại sao và phải chọn tựa nào cho đúng. Nguyên bản bài thơ sẽ đăng lại trong phần thơ trích dẫn để bạn đọc thưởng lãm.
Sau 1975, ông trải qua một thời gian bị tù trong khám Chí Hòa. Trong cuốn Hồi ký Khám Chí Hòa, tác giả Vĩnh Khanh cho biết Lâm Vị Thủy là người rất thông suốt về khoa Tử Vi. Tác giả đã kể lại chuyện ông được nhà thơ Lâm Vị Thủy truyền dạy tử vi như thế nào qua cái ống nước khi hai người ở hai phòng giam không hề thấy mặt nhau… Khi chúng tôi hỏi tác giả có biết gì về cuộc sống của nhà thơ Lâm Vị Thủy sau khi ở tù ra, thì tác giả Hồi Ký cho biết như sau:
“…Sau khi ra tù Chí Hòa, tôi có tìm đến địa chỉ ở Hóc Môn Bà Điểm mà ông đã cho khi còn trong tù để thăm ông. Nhà của ông lúc đó không còn nữa, ông xin tá túc trong một gia đình hàng xóm. Khi tôi đến thì ông không có nhà. Trong khi ngồi chờ ông, hai vợ chồng chủ nhà có cho tôi biết thêm về hoàn cảnh của ông. Sau khi ông ra tù, nhà cửa không còn, người thân cũng không còn ai. Ông không còn chỗ tá túc nào nên đến xin ở nhờ gia đình này, với lời hứa sau khi tìm được việc làm sẽ trả tiền thuê nhà sau. Tuy nhiên ông không thể tìm được một việc làm nào ổn định cả. Mỗi ngày ông đi lang thang khắp nơi tìm bạn hữu hoặc người quen nào đó khả dĩ có thể giúp cho ông được một chút ít tiền bạc, hoặc việc làm lặt vặt … cứ thế lây lất qua ngày. Qua lời nói của hai vợ chồng chủ nhà lúc bấy giờ, tôi nhận xét thấy họ không còn hoan nghênh ông nữa, chỉ muốn ông có thể tìm được một chỗ nào khác và rời khỏi nhà họ càng sớm càng tốt để họ khỏi phải vướng bận!
Tôi nghe chuyện này từ hai vợ chồng chủ nhà mà thấy buồn vô cùng. Ngồi được một lúc thì ông về. Ông rất mừng khi gặp lại tôi, tuy nhiên cũng rất ái ngại khi ở trong một hoàn cảnh như thế . Tôi hiểu ý nên mời ông đi ra ngoài ăn sáng. Tôi còn nhớ chúng tôi đã ăn cơm tấm buổi sáng hôm đó. Ông nói với nụ cười thật buồn khi chủ quán mang hai dĩa cơm tấm đặt trên bàn: “Anh biết không? Từ khi ra tù đến nay, đây là bữa ăn sáng thịnh soạn nhất của tôi!”. Câu nói đã làm tôi xúc động rất nhiều. Một người tài hoa như thi sĩ Lâm Vị Thủy lại có lúc sa vào một cảnh ngộ thê thảm như thế. Lúc đó tôi không mang theo tiền nhiều trong người nên chỉ có thể gởi cho ông một ít. Tôi hẹn với ông mấy hôm sau gặp lại để biếu ông thêm. Lần thứ hai tôi gặp ông ở quán Xuân Lạc Viên, gần cổng xe lửa số 6, Phú Nhuận. Tôi biếu ông thêm một số tiền và có cho ông biết là tôi sắp đi vượt biên. Từ đó tôi không gặp ông nữa.”
(trích email trả lời)
Từ đó tôi không gặp ông nữa. Cánh cửa thế gian đã tàn bạo đóng ầm lại, quay mặt phũ phàng dù người ấy là một giáo sư nổi tiếng có rất nhiều học trò và một nhà thơ được nhiều người mến mộ! Giờ đây tôi chỉ biết cậy vào Google để may ra còn được gặp ông. Mà Google cũng chịu thua.
Nếu Google có giúp chăng thì chỉ một giòng ngắn ngủi trong truyện ngắn của Hoa Hoàng Lan: “Sợi tóc bạc”, theo đó, tác giả cho biết giáo sư Lâm Vị Thủy đã qua đời trong đói nghèo, bệnh tật và túng bấn (nguyên văn).
http://kekhopk.com/forums/index.php?showtopic=23508&mode=threaded&pid=91178
Tôi muốn kiểm chứng cho chắc chắn, nên gởi một lá thư về tác giả qua trung gian một tờ nhật báo, nơi tác giả Hoa Hoàng Lan đã và đang cộng tác, nhưng rất tiếc vẫn chưa nhận được hồi âm.
Giả dụ nếu ông còn sống, thì tính đến nay, số tuổi của ông tối thiểu cũng phải 75 tuổi, tức là sinh vào năm 1936. Bởi vì, qua bài thơ Một người bỏ đi trong thi tập (được hoàn tất vào tháng 8-1962), Lâm Vị Thủy có thố lộ số tuổi của mình:
Em về Phú nhuận hay đâu
Còn tôi hai sáu tuổi đầu rồi đây
(SEKVLCTP, trang 20)
Nói tóm lại, sơ lược tiểu sử của nhà thơ Lâm Vị Thủy được chúng tôi đúc kết như sau:
Lâm Vị Thủy sinh vào khoảng năm 1936.
Giáo sư Việt Văn tại một số trường tư thục tại Sài Gòn.
Viết văn, làm thơ. Thường xuất hiện trên tạp chí Phổ Thông.
Trong nhóm Tao Đàn Bạch Nga.
Sau năm 1975 có thời gian ở tù trong khám Chí Hòa.
Ra tù trải qua những tháng năm cùng cực và cô đơn.
Thi phẩm xuất bản: Sao em không về làm chim thành phố, do Huyền Trân xuất bản vào năm 1963.
Nếu có gì sai, xin quí bạn vui lòng cho chúng tôi biết, xin hết lòng cám ơn.
(*) Ghi chú của Nguyệt Mai: Phần tiểu sử ghi ở phía trên là do một một cựu học sinh trường trung học Chân Phước Liêm – trường mà nhà thơ Lâm Vị Thủy đã từng dạy – cung cấp sau khi đọc được bài viết của nhà văn Trần Hoài Thư. Nhà thơ sinh năm 1937 và mất năm 2002, như vậy anh Trần Hoài Thư chỉ đoán sai một năm.
.
THƠ
LÂM VỊ THỦY
(Sưu tầm)
Điệu buồn theo
Tôi đã về tôi đã về đây
Thềm sương mù tỉnh giấc trưa gầy
Dấu chân xưa mất trong màu cỏ
Tôi vẫn còn đây vẫn trắng tay
Khói xanh dòng thuốc khơi tàn mộng
Mùa xuân nào mang em ra đi
Em đi thì có bao người tiễn
Thì lỡ bao nhiêu chuyện ước thề
Em ở đâu rồi em ở đâu
Bốn phương trời để một tôi sầu
Em mười mấy tuổi trăng mười mấy
Sao bắt tôi chờ trọn kiếp sau.
.
Còn gì cho nhau
Trời mưa làm buồn khu phố nhỏ
Tàu sẽ xuôi hay ngược chiều nay
Còi xa bật khóc lên rồi đó
Em sẽ đi, mình xa nhau đây.
Những ngón tay gầy thưa kỷ niệm
Anh cho em cho quê hương này
Nửa đời anh đấy anh tìm kiếm
Ôi nghìn thu nào chưa mây bay.
Anh nghĩ hồn anh là bọt bể
Vẫn đơn côi và mãi mang sầu
Lần xưa đã lỗi lầm như thế
Em có bao giờ em biết đâu?
.
Tuần của tình yêu
Chủ Nhật –
Buổi sáng trời mưa tôi trở dậy
Soi mặt mình bằng phiến gương đen
Chợt thấy hình em sầu đóng bụi
Nỗi đau này em nghe chăng em?
Thứ Hai –
Thành phố chừng như quên giấc ngủ
Tôi đi không kỷ niệm che đầu
Không em làm ấm vòng tay lạnh
Không cả ngày chưa quen biết nhau
Thứ Ba –
Tôi dẫn tôi vào trong lớp học
Mây lên màu trắng áo thiên thần
Bàn tay e ấp trên trang sách
Trông dáng ai mà thương cố nhân
Thứ Tư –
Sao em không là em thuở ấy
Để mỗi chiều tôi đón cổng trường
Đường xưa còn dấu chân em đấy
Gót nhỏ giờ vui mộng viễn phương
Thứ Năm –
Nghìn thu còn mưa bay mãi đây
Xa nhau không một ánh trăng gầy
Nửa đêm nghe tiếng xe về vội
Tôi đốt đèn lên ngồi ngắm tay
Thứ Sáu –
Ôi tình yêu đã về hay chưa
Còn đây từng tháng đợi năm chờ
Còn đây một nét môi cười đó
Em vuột tầm tay tôi bơ vơ
Thứ Bảy –
Người yêu, người yêu, người yêu ơi
Mùa thu, mùa thu, mùa thu rồi
Hồn tôi muốn khóc làm sao dỗ
Em của người ta, tôi của tôi.
(trích Phổ Thông số 120 ngày 1-2-1964)
– Bài thơ này được phổ biến trên một vài trang mạng với tựa đề: Hình như kỷ niệm (Tòa soạn chú thích)
Sao em không về làm chim thành phố
1.
Thôi bây giờ đã vào mùa hạ
Tôi xin làm trẻ thơ
Giấc ngủ trần truồng bên đồi cỏ rối…
Thôi bây giờ tôi giã từ em
Câu chuyện hoang đường hồi nhỏ dại
Như kẻ từ sa mạc tìm về
Như thuở nằm nôi chưa lần rửa tội
Thôi bây giờ tôi trả cho tôi
Những khoảng tâm hồn hoang vu, cằn cỗi
Mà đau đớn vô cùng
2.
Căn gác bỏ quên ly cà phê đen
Hình bóng em cuối mỗi con đường
Mang tên một hành tinh xấu số
Những gốc cây hô hào đòi lật đổ
Sự lỗi lầm nào đã buộc chúng ta vào nhau
Khi trời chưa mùa hạ
Khi tôi chưa là người thủy thủ già
Bới tóc người yêu trên cát
3.
Thôi bây giờ người đưa thư không đến nữa
Tôi sống bằng màu áo em mang
Bằng những buổi trưa đón em về ngã tư đèn xanh đèn đỏ
Như những ngày mưa chợt đến vội vàng
Những thoáng vui làm phiền muộn
Tôi lang thang ra bờ sông
Dòng nước đen sâu hình ảnh tôi muôn đời
Vẫy những con tàu đi không trở lại
Vẫy những người đưa thư đi qua
Những kỷ niệm nhích xa mình mãi mãi
Bởi vì vẫn đi nên chịu một mình
Như chuyến xe lăn tròn cỏ xấu
Tôi để tôi ngồi ghế đá công viên
Chép sử đời mình đám đông dòm ngó
Kẻ nào dơ tay thề trên hồn mình
Kẻ nào đứng lên chửi thầm đồng loại
Sao em không về làm chim thành phố
Lệ nhỏ hai hàng khép đỉnh ngọn cây
4.
Này đây ngàn chuỗi ưu tư
Em bó mình tôi trước giờ tôi chết
Rồi thôi tất cả chẳng còn gì
Thềm nhà đất ẩm em chân không
Gian phòng tôi nghĩa địa
Với áo cỏ gai nụ hôn đầu cúi mặt
Tôi biết viết gì cho em
Khi những cánh thư quên đường Gia Định
Khi những cánh thư thôi về Bình Dương…
Tôi xin em một bài vọng cổ
Tôi xin em một điệu nam bình
Người tình mình ở mãi phương xa
Môi sốt hồng mệt mỏi
Mùa lạnh tái tê này
Khoe quyến rũ
5.
Em biết không quê hương mình
Thế hệ xưa là bóng núi
Xui lòng em giận hờn
Tôi nguyền rủa tôi
Kẻ tội đồ chứng nhân lịch sử
Em biết không khi chối bỏ cuộc đời
Tôi sẽ gọi tên em như một lời cầu cứu
Tôi sẽ gọi tên em vì tôi bơ vơ
Khi con đường phố chợ
Khi xóm bình dân những bữa cơm gia đình
Muốn khóc.
Hãy cho tôi được nắm lấy tay em
Được giữ rất lâu hai bàn tay bé nhỏ
Để nghĩ rằng quê hương chưa xa mình
Để nghĩ rằng tôi hãy còn tất cả
Ôi tình yêu và tuổi trẻ nhục nhằn
6.
Như mùa thu âm thầm đến muộn
Áo mỏng trời sương lồng ngực đau
Viền chỉ tay sần sượng
Tôi mua tờ báo loan tin buổi chiều
Thân thể khắc đầy những danh từ cách mạng
Em biết không.
Bởi vì chúng ta đã trưởng thành
Bởi vì chúng ta không quyền lựa chọn
Chúng nó bất công giết người khủng bố
Nên chúng ta cần đốt lửa trái tim
Nên chúng ta cần có nhau mỗi ngày
Bởi vì chúng ta cùng chung lịch sử
Bởi vì chúng ta cùng chung chặng đường.
7.
Vỉa phố gót chân mềm
Bụi mưa mang vào thư viện
Mỏi hơi nằm ôm sách
Tường cao tường cao mênh mông
Kẻ nào đứng lên kêu gào thảm thiết
Tự do – tự do
Cho những người đã chết
8.
Tôi sẽ đưa em vào quán rượu
Nhịp điệu hành hình man rợ công khai
Làm gã trai lơ phóng đãng chơi bời
Buôn bán niềm vui hắt hủi
Như người ta gỡ tấm khăn choàng nghẹt thở
Tôi đưa em ra bờ sông
Khánh Hội mồ côi Tân Thuận sình lầy
Chánh Hưng không đành thiếp mệt
Như người ta gỡ tấm khăn choàng nghẹt thở
Tôi đưa em về vườn bông trái Lái Thiêu
Ngọt bưởi Biên Hoà phù sa Bassac
Em ngủ vai tôi ngậm tròn nước mắt
Em ngủ vai tôi tiếng hát êm đềm:
– “ Nhà bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về…”
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về…
9.
Em còn nhớ không sân ga Hàng Cỏ
Năm cửa ô nghèo khổ
Ngục tù
Những tháng năm chìm Mai Lĩnh Hà Đông
Mồ hôi nước mắt
Em còn nhớ không Cống Trắng Nam Đồng
Chữ học ban đầu…
Em còn nhớ không
Em còn nhớ không.
Chúng nó bất công giết người khủng bố
Nên chúng ta cần đốt lửa trái tim
Nên chúng ta cần có nhau mỗi ngày
Bởi vì chúng ta cùng chung lịch sử
Bởi vì chúng ta cùng chung chặng đường
Như mùa xuân bé bỏng mong chờ
Như tuổi lên mười thơm hiền sữa mẹ
Tôi cũng muốn tin như em đã tin rằng phải có những tín điều
Để buộc liền chúng ta với nhau
Để buộc liền chúng ta vào xứ sở
Tôi cũng muốn tin như em đã tin rằng chỉ có tình yêu là đáng kể
Và khuôn mặt em ngời hy vọng cuối cùng
10.
Thôi bây giờ em khóc đi em
Như những người quen nhau ngoài phố
Những trang nhật ký buổi đầu
Không căm thù giả dối…
– Bài này được phổ biến trên một vài trang mạng với 80 câu. Chúng tôi xin phổ biến toàn bài (ghi chú của Tòa soạn)
Cho một người xem
Bỏ ngoại ô những chiều thứ bảy
Những đường mòn khấp khểnh bánh xe lăn
Tôi vào thành phố
Mẩu thuốc cuối cùng cháy ngúm hai đầu ngón tay
Lối về nhà em mùa này chắc lạnh
Những súc gỗ lột da nằm sân ga hổn hển
Bụi than làm xám đen nền trời kỷ niệm ngày hai đứa mới yêu nhau
Những mẩu chuyện thần tiên hồi trẻ dại
Tóc em đùa cánh đồng đừng buông lau gió thổi
Có phải cuộc đời như ga xép
Chúng mình những chuyến tàu quen thuộc
Đôi mắt người xếp tanh* giờ ngó tìm qua vuông kính mở
Những dòng sông
Những cánh rừng cao su chưa lấy mủ
Tôi đã khóc khi nghĩ rằng ngày mai tôi có thể quên em
Quên một người con gái mang tên Hoàng
Dù chỉ là trong giấc ngủ
Tôi xin được làm con chim nhỏ
Con chim màu xanh
Những sớm mai đậu ngoài cửa sổ
Dỗ giấc em ngon lành
Đừng bao giờ giận hờn nhau…
Cuối Cùng
Thứ bảy mà sao trời muốn khóc
Không em thành phố trống vô cùng
Tôi đứng chờ xe mà sợ lạc
Chuyến xe nào mang tôi xa thêm em
Như thuở mười lăm thường trốn học
Hồn tôi lang thang đi tìm mình
Dấu tay thượng đế quên điểm chỉ
Tôi đem thân mòn phơi công viên
Em vùi da thịt trên bồn cỏ
Cột điện làm se những sợi vàng
Lời trăn trối nén tung ngoài lệ
Hai đứa gần nhau giấc ngủ đen.
Thơ của những người không yêu nhau
Một mình tôi trên chiếc buýt buổi chiều
Chiếm lấy chỗ ngồi riêng người tàn tật
Xe qua sông khi thành phố đang mưa
Những ngọn đèn xa mang màu mắt đỏ
Cát biển mặn mòi tôi thân sỏi nhỏ
Còn sót lưng năm bảy ngón ngang tàng
Tôi muốn ôm và hôn em lần cuối
Lịch sử chúng mình du đãng con hoang
Rồi ngày mai tôi tới lớp một mình
Ngồi chỗ em ngồi bỗng dưng thèm khóc
Khung cửa sổ này, lối đi xưa còn đó
Bầu trời xanh và sắc áo em đâu
Tôi trở về hai bàn tay mở ngỏ
Không gia đình, không xứ sở, không em
Đem tên tôi đi gõ hỏi từng người
Xin giấc ngủ với vô vàn kỷ niệm.
Ngày tháng năm
Tôi sẽ về Gia Định chiều nay
Chiếc buýt cuối cùng qua sông cầu mới
Những ngọn đèn vàng ngậm cười ven bãi.
Tôi sẽ ngồi quán cà phê đầu đường đất đỏ
Kêu một ly đen nhỏ
Đợi chuyến xe bò chở rác về khuya.
Bây giờ tháng bảy trời đương mưa
Em lấy chồng tháng ba năm ngoái
Tôi thiếu em những ngày xưa ngu dại
Em nợ tôi dăm ba lời tạ từ.
Bởi vì không quê hương nên nghĩ mình yếu đuối
Tôi trở về mang dấu chàm tử tội
Và những chuyện thần tiên những chuyện thần tiên chưa từng kể
Không có em còn nói cho ai
Không có ai Gia Định còn gì để tôi quyến luyến.
Như những người lái xe đi qua đời mình nhắm mắt
Tôi trở thành lãng tử trong ca dao
Tóc rối ưu tư nụ cười nửa miệng
Thuốc hút vàng tay mà vẫn se môi
Không có em những tuần trăng ở đây vô nghĩa
Chủ nhật nhà thờ không người dự lễ
Tôi đi vào những lối đi xưa
Gọi tên em cùng với lúc thành phố lên đèn
Và tiếng còi tầu chợt đến rất xa xôi
Phải chi em đừng có nhiều kỷ niệm
Phải chi tôi đừng thèm biển rộng sông sâu
Thì em muôn đời vẫn là người yêu đơn sơ bé nhỏ
Thì tôi không bao giờ phải khóc hôm nay…
Lâm Vị Thủy
_______________________________________________
*Chú thích của TS TQBT: Xếp tanh (từ gốc chữ Pháp “Chef de train”) là nhân viên hỏa xa phụ trách tổng quát trên xe lửa.
(nguồn: TQBT số 49 tháng 12 năm 2011)
Nhà thơ Lâm Vị Thuỷ!
Quả thật là cái tên nghe rất lạ…, và cũng là lần đầu tiên tôi đọc thơ của tác giả, nhưng cảm xúc cũng thật dâng tràn khi lắng nghe chị Cam Li ngâm trọn bài thơ ” Sao Em Không Về Làm Chim Thành Phố ” !
Đọc bài trong entry này xong, mới thấy trân trọng tấm lòng, và việc làm của nhà văn Trần Hoài Thư và Cô Nguyệt Mai nhiều lắm…trong việc cố gắng đi tìm, góp nhặt từng chút một, những di sản văn chương , và các tác giả ở miền Nam…trong điều kiện bị thất tán khắp nơi…, để giới thiệu lại cho mọi người và…hậu thế!
Thế mới biết: Văn Chương Đích Thực…luôn trường tồn cùng năm tháng, cho dù số phận Tác giả và Tác phẩm có bị và chịu nhiều chua xót nghiệt ngã bởi lịch sử…
Rất trân trọng!
Kính anh Công Thành:
Nhà văn Trần Hoài Thư là người có công sưu tầm tập thơ SEKVLCTP của nhà thơ Lâm Vị Thủy. Ông đã lái xe tổng cộng 10 giờ cho mỗi lần đi đến thư viện của Đại Học Cornell (5 tiếng lái đi và 5 tiếng lái về). Sở dĩ Nguyệt Mai nói ra đây để anh và các bạn thấy được tấm lòng của ông đối với văn chương miền Nam một thời đã bị hủy diệt và thất tán sau cuộc đổi đời của đất nước.
Cô Nguyệt Mai: Vâng, tấm lòng cao cả và vô vụ lợi của nhà văn Trần Hoài Thư trong việc đi tìm, góp nhặt, sưu tầm lại…với di sản văn chương miền Nam, rất đáng quý.
Tôi nghĩ, Công việc âm thầm cao cả ấy của ông, cần phải được thông tin và chia sẻ lại với nhiều người hơn nữa, để mọi người, và nhất là các cháu thế hệ trẻ trong nước sau này được biết rộng rãi hơn..
À, cô Mai ơi, nếu không có gì là quá phiền, cô có thể…liệt kê…hoặc dẫn links…giới thiệu với mọi người những thành quả đáng quý mà nhà văn Trần Hoài Thư đã thực hiện thành công đến hôm nay…, được chứ cô Mai!
Cô Mai: Tôi cũng đồng thuận với ý kiến và đề nghị của anh Công Thành.
Chúng ta nên chia sẻ và cần phổ biến thông tin nhiều hơn nữa, về việc làm âm thầm đáng quý của nhà văn THT với di sản văn chương miền Nam…đến với tất cả mọi người.
Phay Van: Cám ơn cô đã dẫn link! Phải vậy chứ!
Click đầu tiên vào Blog Trần Hoài Thư, gặp loạt bài về Dương Nghiễm Mậu…đã thấy ưng ý rồi…
Dạ, em “ưng” nhất đoạn này bác ơi:
3- Văn chương có thể làm được gì trong tình thế này? Hãy gạt câu hỏi sang một bên. Hãy tưởng tượng tới một cảnh, người cầm bút ra nơi tuyến đầu, bên kia là giặc với những họng súng, rồi ở đó, người cầm bút lên tiếng: hỡi quân giặc, hãy đầu hàng và bỏ súng xuống … Với tiếng hô thật lớn, liệu giặc kia có đầu hàng, bỏ súng xuống hay cút đi không? Hay nói chưa hết câu, người cầm bút đã bị bắn gục? hoặc bằng một cách khác, những thơ truyện được đưa tới mặt trận… Đặt người cầm bút và văn chương vào một cảnh huống như thế là một sai lầm quá lớn. Đặt vấn đề như thế tức là phủ nhận văn chương và sức mạnh của nó. Bắn gục giặc cướp, bắt giặc đầu hàng, đuổi giặc đi xa, đó việc của những chiến sĩ nơi tuyến đầu. Nó không phải việc của người cầm bút, của văn chương. Mà văn chương thiết lập sức mạnh, cho những chiến sĩ, không phải trong một lúc, trong một giờ. Và như thế câu hỏi được đặt ngược trở lại: trong quá khứ, người cầm bút cũng như văn chương của ta đã làm được gì?
4. (…) Năm 1954 gần một triệu người đã ra đi, bây giờ lại thêm một triệu người khác lên tiếng bằng chọn lựa. Có những người trong hai mươi năm đã phải phấn đấu để lập lại đời sống của mình không biết bao nhiêu lần. Tôi chưa thấy có một dân tộc nào lại phải sống trong kinh hoàng như thế. Dù phải chịu đựng, nhưng tất cả một đời sống lúc nào cũng là một phấn đấu. Có dân tộc nào bền bỉ và dũng mãnh như thế. Vậy thì tại sao cả khối dân tộc ta phải sống trong nhục nhằn, đau khổ chừng ấy. Bằng một cách nói tiêu cực: vận nước ta như thế sao? Hay nói với bằng chứng của lịch sử: chúng ta phải trả cái nợ máu của cha ông ta?
Có người đến hỏi tôi: có đi ra ngoại quốc không? Tôi đã trả lời dứt khoát: Tôi sống và chết tại nơi này. Người ấy hỏi: anh chấp nhận sống chung với người Cộng Sản? Tôi nói: tôi không phải là một con chó để nay sống với chủ này, mai sống với chủ khác chỉ vì miếng xương chúng liệng ra. Tôi tin tưởng con đường tôi đi. Có một nơi là lẽ phải và ánh sáng. Có một nơi là lẽ trái và bóng tối. Có trắng và đen không thể nhập nhằng được. Nếu tôi có chết chăng nữa, điều ấy tôi không ân hận. Lịch sử đã chứng minh rằng: nhiều khi cái chết là một điều tốt hơn là sống. Chết đi cho người khác sống, cho lẽ phải và sự thực sống. Chết như thế cần thiết.
(nguồn)
Thưa hai anh Công Thành và Lãng Tử,
Thể theo lời yêu cầu của hai anh, ngoài entry “Giới thiệu nhà văn Trần Hoài Thư” đã đăng trên Phay Van ngày 26-12-2011
Nguyệt Mai xin được giới thiệu với hai anh những links này:
1) Trò chuyện cùng Trần Hoài Thư về Thư Ấn Quán và Thư Quán Bản Thảo của Trần Doãn Nho
2) Trần Hoài Thư, Ngọn Cờ Đầu: Nỗ Lực Xiển Dương 20 Năm Văn Chương Miền Nam của Du Tử Lê
Trân trọng.
Đọc các links chị Ba giới thiệu, thấy kính phục và thương bác nhà văn Trần Hoài Thư nhiều quá! Bác quả là có tấm lòng đáng trân trọng.
Mong bác luôn mạnh khoẻ để có thể thực hiện nhiều việc, và đạt kết quả nhiều hơn nữa..
Kính hai anh Công Thành và Lãng Tử,
Nhà văn Trần Hoài Thư gởi lời cám ơn về những ân cần của các bạn trên trang Phay Van. Nhân đây, xin mời hai anh đọc bài viết 4 AM mới nhất của ông: Về những trang sách cũ”
Cám ơn cô Mai đã giới thiệu bài viết mới nhất của nhà Văn Trần Hoài Thư! Tôi đang đọc đây cô Mai ạ…
Qua comment này Lãng Tử được gởi lời cám ơn nhà văn và chúc ông cùng gia đình luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc.
Nhà văn Trần Hoài Thư và Cô Nguyệt Mai:
Tôi có một…”thắc mắc”…nhỏ, đó là:
Nhà thơ Lâm Vị Thuỷ ” lập gia đình được 2 gái 3 trai…”
Thế hiện nay…vợ và các con cháu của nhà thơ…ra sao?
Hai vị…có biết thông tin gì về chi tiết này không?
Kính anh Công Thành,
Nguyệt Mai vừa mới nhận được điện thư của nhà văn Trần Hoài Thư trong đó ông chia sẻ thông tin từ một người con trai của nhà thơ Lâm Vị Thủy trên trang blog của ông.
Xin chia sẻ cùng tất cả các bạn để biết thêm về nhà thơ này:
“Tôi tên Lâm Tường Thoại, người con trai thứ hai của nhà thơ Lâm Vị Thủy. Chúng tôi gồm hai trai, một gái là con của người vợ đầu. Ba tôi có thêm 1 gái, 1 trai với người vợ thứ hai. Thời điểm những năm sau giải phóng, cả ba tôi và chúng tôi đều rất khó khăn. Má chúng tôi đã đưa chúng tôi đi ở nơi khác, không ở chung với ba Thủy từ năm 1972 khi ông có người vợ thứ hai, tuy nhiên chúng tôi vẫn giữ liên lạc với ba Thủy và thăm viếng ông, ngay cả khi ba tôi ở Chí Hòa. Sau đó khi chúng tôi lớn, tốt nghiệp ra trường, làm việc … cuộc sống tương đối dễ thở hơn. Ba tôi mất năm 2002 nhưng khi đó không phải ở một mình mà vẫn đang ở với gia đình thứ hai tại Thị Nghè, khu vực gần ngôi trường Phước An mà ba tôi từng dạy. Chúng tôi gồm 2 con trai và đứa em gái ở Úc về đã chu toàn mọi việc cho ba đến nơi an nghỉ cuối cùng. Dự đám tang còn có chú tôi (em ruột của ba ở Hà Nội vào), một số anh chị là cựu học sinh của ba. Chân thành cảm ơn anh Trần Hoài Thư, những anh chị là cựu học sinh của ba tôi, những bạn bè của ba, những độc giả quan tâm đến ba tôi đã cất công sưu tầm những vần thơ của ba, đã cung cấp những thông tin về ba để đăng tải trên blog của anh Trần Hoài Thư.”
Chân thành cám ơn anh Lâm Tường Thoại và nhà văn Trần Hoài Thư.
Rất cám ơn cô Mai đã nhanh chóng chia sẻ lại những thông tin về gia đình cũng như con cháu của nhà thơ Lâm Vị Thuỷ cho mọi người cùng biết .
Không có chi, anh Công Thành à.
Nhân đây cũng xin gõ chép chia sẻ với mọi người thưởng thức một bài thơ, mà theo tôi thì…từ hình thức, tứ thơ và ý tưởng rất lạ…, được đăng trong Văn Học số 139 – năm thứ 10 – tháng 11 năm 1971…
ĐÊM TRONG TRÍ NHỚ – của Viêm Tịnh –
1/ Em đã dời lại
Một chuyến đi
Thành phố nào giáp mặt
Trong một năm có chín tháng
Sẽ vĩnh viễn
Bởi chúng ta không còn thần thoại
Để thả tơ hồng trên nụ non dâm bụt
2/ Còn bãi hoang nào
Cỏ tươi xanh thắm
3/ Anh đã cố gắng
Dùng lời nói và mắt nhìn
Tuổi lên năm
Để dấu đi nỗi băn khoăn
Treo lơ lửng
Lập loè tia sáng trái châu
Bên vòng rào kẽm gai gỉ sét
Một đứa bạn không thô sơ không thân
Về tình yêu
Chắc anh sẽ phải để lại
Đằng sau chuyến tầu ghe
Xuôi trên dòng sông âm thầm
Vắng lặng những lời đưa mái
4/ Bây giờ em đã lên chuyến tàu
Vào một nơi tưởng nhớ
Sẽ bắt đầu cuộc tranh đua
Chờ một ngày giải hội.
5/ Hãy chọn vùng đất này
Nơi, hằng đêm thâu
Và ngày chút nắng tà
Anh đã bước chân quá vội vàng
tay lăm lăm thù hận
Nỗi lo sợ khô cằn
Trên cành cây đại hạn
Những nhọc nhằn như trò chơi lớn
Giữ lại trong trí nhớ
Chút huyền bí đông phương
Trong trái tim
Tình yêu rất chân thành
6/ Em sẽ ngọt ngào tiếng hát
Sẽ rất gần
Mắt nhìn ngạc nhiên
Nhưng em sẽ bắt đầu
Chuyện cổ tích bằng giọng chim khuyên
Cho tất cả mọi người
Một thời xưa em đã sống.
( Viêm Tịnh – 1971 )
Cám ơn những người đã cất công sưu tầm về nhà thơ Lâm Vị Thuỷ, cũng như những sáng tác của ông.
Những việc tìm hiểu cũng như sưu tầm những sáng tác của những tác giả như thế này, cần được sự chung tay chia sẻ, phổ biến, và nhân rộng hơn nữa, để những thế hệ trẻ sau này có cơ hội thưởng thức…
” Sao Em Không Về Làm Chim Thành Phố ”
Xem tựa đề bài thơ đã thấy…tứ là lạ, làm người đọc phải tò mò!
Đọc bài thơ- chưa nghe ngâm-, thì cảm nhận…quả là như lời giới thiệu: ” …Ẩn sau trong những dòng thơ tưởng như viết ra vội vã và giản đơn là cả một tâm hồn thật yếu đuối trước những biến động của cuộc đời…”
Vừa nghe ngâm, vừa từ từ lướt mắt dõi theo những câu thơ, ta mới cảm thấy hết cái hồn và cái hay của bài thơ, mà người nghệ sĩ đã đem hết tâm hồn vào để diễn cảm ngâm…
Rất cám ơn, một giọng ngâm thơ thật tuyệt!
Chị Năm ơi,
Với những chủ đề về thơ trước 1975 như thế này, thì thế hệ như út..chỉ biết dựa cột..nghe các bác, các chị trò chuyện thôi..!
Nhưng qua nghe chị Cam Li ngâm thơm út cũng có một chút ý kiến về cảm nhận của mình: Chị Cam Li ngâm thơ truyền cảm thật! Khi diễn đạt ngâm lại lồng vào..giọng ngâm “Nam Bộ” nữa chứ! hihihihihhihi..
” Tôi xin em một bài…dzọng cổ ”
” Nhà bè nước “chải” chia hai, ai dzề Gia Định Đồng Nai thì..dzề ” hihihihihihi…
Chị Cam Li ơi, nếu út nhớ không lầm, ở các entries trước có đề cập loáng thoáng, thì chị sinh trưởng ở Đà Lạt, nhưng sao út nghe thấy giọng ngâm của chị lại thể hiện..giọng miền Bắc..! Đúng không chị? Chị có thể hé lộ cho út biết chi tiết này..được chứ chị?
Nghe giọng ngâm của chị Cam Li, nếu người nghe không biết, thì người nghe sẽ cảm nhận và đoán chừng.. tưởng như đâu chị ở khoảng lứa tuổi…”bốn mươi” !
Giọng ngâm của chị trong vắt và truyền cảm quá..
Bảo Vân & Vân Anh: “Chị Cam Li người Đà Lạt, nói giọng Đà Lạt và cả … 3 miền Bắc , Trung, Nam.”
Trời ơi, Sao chị Cam Li..đa tài..dữ vậy!!!!
Vậy có khi nào chị Cam Li..hò Huế, và..làm 1 câu..”dzọng cổ”..không chị Năm? hihihihihi..
Chị Năm: Ủa! Đọc các entries và tìm hiểu chút chút thì..Út tưởng Chị Cam Li là nhà..khoa học- dược sĩ- chứ?
Còn sáng tác cũng như ca hát chỉ là..”tay trái”..thôi chứ, phải không chị Năm?
Lâm Vị Thuỷ..là Họ Tên thật của nhà thơ, hay là bút hiệu của nhà thơ.. vậy chị Ba, chị Năm?
Hồng Nga: Lâm Vị Thủy là họ tên thật và cũng là bút hiệu của nhà thơ.
Chị Ba: Dạ, cám ơn chị Ba cho em biết chi tiết này ạ!
Tên của ông, lúc mới nghe, em nghĩ giống như..giới nữ, và hơi hướm giống tên người..trung quốc quá! ( Cảm nhận thật của em chứ không có một ý gì khác ạ.. )
Không có chi, em Hồng Nga!
Các em vô trang Phay Van đọc và nêu lên những thắc mắc của mình là chị rất vui. Chứng tỏ các em có đọc và quan tâm.
Đọc bài xong mà sao thấy xót xa quá!
Một Giáo Sư dạy học, một nhà thơ.., sau 1975 lại có một cuộc đời quá chua chát..
Cái gì, và Ai.. đã tạo nên những trạng huống đầy bi kịch cho những trí thức ở miền Nam như thế..?!
Thế hệ trẻ cần phải được biết và tìm hiểu..
Cháu Thu Lan: Cháu vào google đọc bài này…tham khảo thêm nhé:
” Trí thức, tự do, và công lí << LÀNG BÁO "
Phay Van: Mãi đọc bài, giờ mới thấy cô gắn link vào giúp!
Cám ơn cô nhé Phay Van.
Bác Lãng Tử: Dạ, con đã đọc xong! Con cám ơn bác Lãng Tử đã giới thiệu bài viết thú vị ạ.
Thu Lan: Chị Cam Li trả lời cho em nè: “Chị nghĩ thơ Lâm Vị Thủy “vượt thời gian”, ai không biết năm sáng tác của bài thơ này cũng có thể mường tượng cảnh đời đó xảy ra mọi lúc, mọi nơi.”
Chị Cam Li và Chị Năm: Dạ, Thu Lan em cám ơn hai chị đã trả lời cho câu hỏi của em ạ.
Rất Cám ơn!
Một entry với những sưu tầm hay và giá trị lắm!
Dạ, rất cảm ơn nhà văn Trần Hoài Thư và chị Trần thị Nguyệt Mai.
Chị Ba ơi,
Cái hình bìa của tập thơ “Sao Em Không Về Làm Chim Thành Phố” mà chị Ba giới thiệu trong entry này, là..nguyên bản gốc của năm 1963, hay là.. mới làm lại vậy chị Ba?
Và nếu là nguyên bản gốc của năm 1963, thì ai là người đã lưu giữ “nó”..trong gần 50 năm nay, và làm thế nào mà chị Ba có..để post lên vậy?
Út chỉ rất tò mò muốn biết, chứ không phải..”thắc mắc”..gì đâu nghen chị Ba..
Bảo Vân:
Chị Năm đã trả lời cho em câu hỏi này rồi đó. Nhà văn Trần Hoài Thư đã chụp lại hình bìa của tập thơ SEKVLCTP (mượn từ thư viện của Đại Học Cornell – Hoa Kỳ).
Chị Ba, Chị Năm ơi: Câu trả lời này của chị Năm, lại làm Út..rất tò mò muốn biết, và Út rất mong chị Ba..”đề nghị”..bác nhà văn Trần Hoài Thư..giải thích một chút cho mọi người biết:
Thư viện của Đại Học Cornell…làm sao mà có..hay dữ vậy?!
Út Vân ơi,
Về thư viện Cornell, có một đoạn ngắn được trích từ “Đi tìm Vũ Hữu Định tại Mỹ” mà nhà văn Trần Hoài Thư đã viết từ lâu, gởi em đọc để biết rõ hơn về thư viện này nhé:
…Trong một căn phòng rộng mênh mông của thư viện Đại học Cornell New York, đầy kệ ngăn san sát, nơi chứa đựng những di sản về văn hóa của toàn thế giới, có ai ngờ một tạp chí như Tiếng Ðộng, tiếng nói của Ban đại diện Ðại học xá Minh Mạng vào năm 1971, hay Trước Mặt do Phan Nhự Thức chủ biên trước 1975 ở Quảng Ngãi lại nằm giữa kệ sách. Ai có thể ngờ tập san Bộ Binh của khóa 23/24 Thủ Ðức vào năm 1966 lại được đóng bìa cứng, có mặt tại đây. Cũng thật không thể tưởng tượng có những nội san của các trường trung học, đại học miền Nam trước đây được cất giữ. Ðó là những ví dụ để nói lên sự giữ gìn và bảo tồn văn hóa nhân loại của một đại học Hoa Kỳ. Nó không có màn kỳ thị, không kẻ thắng người thua. Không trả thù. Không kết án nọc độc để rồi đốt hủy… Nó chẳng cần phân biệt hay ưu đãi ai. Sách nào cũng được bảo bọc tối đa, bìa cứng, chữ nổi. Nếu là tạp chí quá cũ thì được bỏ vào hộp carton, cột dây cẩn thận.
Không những chỉ có căn phòng rộng mênh mông này để cất giữ di sản văn chương miền Nam mà còn có cả một tòa nhà khác nằm riêng biệt ngoài vòng đai của khuôn viên đại học cũng chứa các tạp chí và sách báo của miền Nam, loại ngoại cỡ. Nơi này, có những tập như Khởi Hành đóng bộ, hay nguyệt san Ðời, hay những bộ nhật báo Chính Luận, Tin Sáng, Ðiện Tín v.v… Nhưng đừng mang ra ngoài hay xé. Coi chừng tiếng hú báo động đấy.
*
Nơi đây không có ngăn riêng dành cho nhà văn lớn hay nhà văn nhỏ. Không người nổi tiếng hay kẻ vô danh. Bên cạnh tập thơ của Tố Hữu là tập truyện của Nguyễn Mạnh Côn. Những tập sách mỏng của nhà xuất bản Quân Giải Phóng nằm cạnh những tác phẩm của Cục Chỉnh Huấn Quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Sách của kẻ chiến thắng nằm bên sách của phe chiến bại. Bên cạnh một cuốn sách đóng bìa công phu, phụ bản nhiều màu, tranh bìa của họa sĩ tên tuổi vẽ, là một tập sách nghèo nàn, đơn sơ, đến tội nghiệp. Chỉ có kẻ đọc mới có quyền thẩm định và lựa chọn. Cho dù cuốn sách có mạ vàng, giấy loại hoa vân, bìa cứng hay cho dù tranh bìa được vẽ bởi một họa sĩ hàng đầu đi nữa, cũng không thể thu hút quyến rũ được hắn.
Riêng tôi, tôi chọn Vũ Hữu Ðịnh.
Thứ nhất là anh thuộc thế hệ chúng tôi. Dù sinh thời, anh chưa có một tác phẩm nào xuất bản, nhưng không vì thế mà thơ anh lại không được nhiều người ưa thích. Riêng bài thơ “Còn một chút gì để nhớ” đã đi vào tâm trí chúng tôi không ít thì nhiều, thời ấy.
Trần Hoài Thư
(trích từ “Đi tìm Vũ Hữu Định tại Mỹ”)
Út Vân,
Chị đề nghị em đọc trang này để biết thêm về thư viện của Mỹ:
http://vietbao.vn/Van-hoa/Doc-sach-bao-Viet-Nam-tai-thu-vien-My/10711767/181/
Mong rằng em đã có câu trả lời.
Thương mến.
Nước Mỹ còn có hệ thống thư viện công cộng rất (Public Library) phát triển. Bạn có thể tìm mượn đọc và nếu không thấy trong thư mục, có thể hỏi để họ tìm ở những thư viện khác cho bạn.
Khi mới qua Mỹ, đầu thập niên 80, tôi thuờng mượn sách tiếng Việt của thư viện thành phố về đọc. Một điều làm tôi hơi shocked là số lượng sách “nhảm nhí” quá nhiều so với sách “đứng đắn”, “giá trị”.
Một hôm, trong một buổi sinh hoạt cộng đồng của Thành phố, tôi được một người bạn giới thiệu với người phụ trách “mua” sách Á châu cho thư viện(Procurement oficer). Bà là một phụ nữ gốc Đài loan, rất hiểu biết và lich sự. Tôi đưa thắc mắc này hỏi, được Bà trả lời Bà biết rất rõ tình trạng đó, những đầu sách “nhảm nhí” đó là sách được người đọc yêu cầu. thư viện là của dân, được điều hành bằng tiền thuế của dân nên ưu tiên là phải thỏa mãn yêu cầu và ở thich của dân, trong trường hợp này là ngưòi đọc. Chỉ khi nào còn dư tiền bà mới có thể mua những sách mà Bà nghĩ là “tốt” cho người đọc.
Nghe Bà giải thích , tôi hiểu hơn về “Dân chủ”
Cảm ơn Chị Mai. Trong bài Chị giới thiệu có một chi tiết về cuốn sách của Vũ Trọng Phụng (sic) thật thú vị.
Có bài này, Bảo Vân và các bạn đọc thêm nhé: Tham Khảo Tại Các Thư Viện Mỹ
Tác giả : Đoàn Thanh Liêm
Thư viện ở nước Mỹ là cả một hệ thống đồ sộ, một định chế văn hóa đã ăn rễ lâu đời tại khắp các cộng đồng địa phương, từ miền nông thôn hẻo lánh, đến các khu đô thị đông đúc. Đây là cơ sở phục vụ công ích, là trung tâm sinh họat văn hóa và học tập nghiên cứu chuyên môn cho nhiều tầng lớp quần chúng. Bất cứ trường học nào, từ sơ cấp, trung tiểu học, cho đến bậc đại học, đều có thư viện được trang bị đủ lọai sách báo, băng nhựa, phim ảnh, máy computer v.v… Còn thư viện công cộng (public library), thì cũng có nhiều lọai, tùy theo sự phồn thịnh của mỗi thành phố, mà được trang bị rất phong phú, đáp ứng nhu cầu mỗi ngày một lớn lao của bạn đọc.
Là người có sự đam mê với sách vở, chữ nghĩa, tôi thật có duyên với các thư viện của Mỹ cho đến nay tính ra đã trên 50 năm. Hồi còn học tại trường Chu văn An Hanoi trước 1954, tôi hay đến thư viện của Phòng Thông Tin Mỹ ở góc phố Hàng Trống và phố Nhà Thờ, gần Hồ Hoàn Kiếm để coi sách báo. Di cư vào miền Nam theo học ở trường Luật, tôi hay tới mượn sách của Thư viện Mỹ, đặt tại đường Hai Bà Trưng Saigon, sau này dọn ra đường Lê Lợi và đổi tên là Thư Viện Abraham Lincoln. Cũng tại Saigon, còn có một thư viện khác của Học viện Quốc gia Hành chánh, do Đại học Michigan bảo trợ (MSU Michigan State University), có rất nhiều sách báo Mỹ hấp dẫn cho lớp sinh viên chúng tôi thời đó. Phải nói là việc học tập của chúng tôi thời Đệ nhất Cộng hoà, được nhờ rất nhiều từ nơi hai thư viện này.
A/ Thư Viện Quốc Hội Mỹ.
Năm 1960, thì tôi được cử đi tu nghiệp tại Quốc hội Hoa Kỳ để trau dồi nghiệp vụ chuyên môn về nghiên cứu luật pháp cho Quốc hội Việt nam thời Đệ nhất Cộng hòa, là nơi tôi đã bắt đầu vào làm việc từ năm 1958, sau khi tốt nghiệp Đại học Luật khoa. Phần lớn thời gian ở thủ đô Washington năm 1960-61, tôi dành vào việc tập sự tại Thư viện Quốc hội (Library of Congress). Đây là một lọai thư viện đặc biệt, có nhiệm vụ chính yếu ban đầu là phục vụ riêng cho ngành Lập pháp trong chánh phủ Liên bang Hoa Kỳ. Nhưng lâu rồi, cơ sở này phát triển lớn mạnh thêm mãi lên, để phục vụ cho giới nghiên cứu chuyên môn về chánh trị, luật pháp tại Mỹ và cả trên thế giới nữa. Có thể nói cơ sở này là niềm tự hào cho ngành Lập pháp nói riêng và cho tòan thể nước Mỹ đối với thế giới nữa.
Vào năm 1960, Thư Viện Quốc Hội chỉ có một tòa nhà chính là Jefferson Building, tọa lạc về phía đông nam của Điện Capitol là trụ sở chính của Quốc Hội. Sau này có xây thêm hai cơ sở nữa, đó là Madison và Adams Building. Cả ba cơ sở này đều có đường hầm ăn thông với nhau. Vào năm 2000, thì tổng số nhân viên của Thư viện đã lên tới gần 5000 người. Và so sánh với hồi 1960, thì bây giờ Thư viện đã khuếch trương, phát triển gấp bội, cả về số lượng công việc, cũng như về phẩm chất các công trình nghiên cứu. Từ mấy năm gần đây, cơ sở này đã được một nhà hảo tâm nhận đứng ra quyên góp đến hàng trăm triệu mỹ kim để tiếp tục phát triển thêm các hoạt động rất đa dạng cuả thư viện vốn đã từng được xếp vào loại hàng đầu trên thế giới này.
Trong việc nghiên cứu chuyên môn của tôi hiện nay, thì kể từ năm 2000, tôi hay đến tham khảo với các đồng nghiệp chuyên viên gọi là “legal analyst” làm việc lại Law Library là một bộ phận trong tòan bộ của Thư viện Quốc Hội. Đề tài mà tôi bắt đầu theo đuổi nghiên cứu từ năm 2000 đến nay là “Sự phục hồi Xã hội Dân sự tại Đông Âu 1989-2009”, nên tôi phải thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với các luật gia gốc tại Đông Âu như người Nga, Balan, Tiệp khắc v.v… Tất cả đều rất tán thành và yểm trợ việc nghiên cứu này và đã chỉ dẫn, cũng như cung ứng mọi thứ tài liệu cần thiết liên quan đến đề tài nói trên.
Mỗi năm cứ vào mùa hè nắng ấm, thì tôi lại từ miền tây bay qua miền đông nước Mỹ, để vừa tham dự các khóa hội thảo tại các viện đại học, vừa tiếp tục công việc nghiên cứu tại cơ sở này.
B/ Các Thư viện địa phương.
Ngòai Thư viện Quốc Hội ở thủ đô Washington, tôi đã có dịp tham khảo tại nhiều thư viện của các Đại học cũng như của các thành phố lớn như New York, San Francisco, San Jose… là nơi tôi hay có dịp lui tới để hội họp hay gặp gỡ bạn bè. Đó là chưa kể đến hàng chục thư viên trong phạm vi quận hạt Orange County là nơi tôi đến cư ngụ kể từ năm 1996 tới nay.
Gần như lúc nào thì các thư viện cũng có rất đông người đến đọc sách báo, xử dụng computer hay mượn sách, băng CD, DVD… Ai ai đến thư viện, thì cũng hăm hở, chăm chú tìm kiếm kiến thức, trau dồi bồi bổ thêm cho cái vốn trí tuệ của mình. Có khi cả một gia đình với cha mẹ dẫn dắt lũ con đến khu dành riêng cho trẻ em đọc lọai sách được minh họa bằng nhiều hình ảnh với màu sắc rất sinh động, vui mắt. Có lần tôi dẫn anh bạn Earl Martin từ tiểu bang Virginia đến thư viện của thành phố Milpitas gần San Jose, để xài internet, thì anh rất đỗi ngạc nhiên, thích thú trước quang cảnh náo nhiệt, linh động của bao nhiêu độc giả lui tới tham khảo, hay mượn sách báo tại đây. Anh nói: “Là một người phải nộp thuế (taxpayer), tôi thấy số tiền tôi đóng góp cho ngân sách đã được xử dụng đích đáng cho các dịch vụ như ở thư viện này”.
Theo tôi biết, thì ít nhất có hai lọai thư viện công cộng: Một là của riêng cho từng thành phố. Hai là hệ thống thư viện cho tòan thể một quận hạt. Cụ thể như các thành phố lớn hay phồn thịnh như San Francisco, New York, San Jose… hoặc Huntington Beach, Newport Beach, Anaheim, Santa Clara… đều có thư viện khá là phong phú, hiện đại. Có thành phố lại có hàng chục chi nhánh, được phân bố tuỳ theo các khu vực dân cư khác nhau. Hay là hệ thống thư viện chung cho quận hạt như Orange County, Santa Clara County Public Libraries …, thì mồi hệ thống có rất nhiều chi nhánh rải rác trong nhiều thành phố trong quận hạt. Độc giả chỉ cần có một thẻ cuả thư viện quận hạt, là có thể mượn sách tại bất cứ chi nhánh nào thuộc về hệ thống thư viện này.
Nói chung, độc giả có thể tự do thoải mái tham khảo sách báo, tra cứu các loại sách thuộc loại để tham khảo (reference books), xử dụng computer hay tìm kiếm danh mục các sách cuả thư viện đã được cài sẵn trên computer, mượn sách đem về nhà v.v… Nhiều thư viện được trang bị với máy tự động, giúp cho độc giả tự mình làm thủ tục “check out sách” (mượn sách đem ra khỏi thư viện) một cách đơn giản, mau lẹ, mà khỏi cần phải thông qua sự kiểm soát cuả nhân viên. Điển hình như thư viện Martin Luther King tại San Jose, có đến 8 máy tự động loại này, khiến cho độc giả mượn sách đem ra khỏi thư viện một cách thoải mái. Vì tất cả các khâu ghi chép thông tin về tình trạng thư viện đều được điện toán hoá toàn bộ (computerised), nên độc giả có thể dùng internet mà tự động giao dịch với thư viện trong các dịch vụ liên hệ đến việc tìm kiếm sách trong bảng thư mục, hay xin gia hạn mượn sách, khỏi cần qua trung gian cuả nhân viên phụ trách cuả thư viện.
Đặc biệt là mỗi khi độc giả cần phải hỏi han việc gì, thì nhân viên phụ trách luôn sẵn sàng giải đáp, chỉ dẫn và giúp đỡ rất tận tình. Phải nói là hầu hết nhân viên làm việc tại các thư viện đều được đào tạo chuyên môn rất chu đáo, nên họ giải quyết vấn đề do bạn đọc yêu cầu một cách gọn gàng, mau lẹ. Ngoài ra còn có nhiều người tự nguyện đến giúp việc cho thư viện, họ phần đông là các sinh viên, học sinh. Và đặc biệt là các người đã về hưu, thì họ gia nhập tổ chức gọi là “Thân hữu cuả Thư viện” (Friends of the Library) để lo giúp đỡ phát triển sinh hoạt thường xuyên cuả thư viện, cụ thể trong việc gây thêm quỹ cho thư viện (fundraising). Nhiều thư viện có cả một gian hàng bán các sách báo cũ do các nhà hảo tâm hay do các hiệu sách tặng cho, hoặc do chính thư viện loại ra (discarded books). Sách bán rất rẻ, chừng 1-2 đồng/cuốn, và nhiều khi là sách còn rất mới và cuả các tác giả nổi danh.
Ngoài ra cũng cần phải ghi nhận về sự quyên góp cuả các nhà hảo tâm trong việc xây dựng cũng như phát triển cuả thư viện. Điển hình như tại thư viện trung ương cuả thành phố Newport Beach (Central Library) toạ lạc tại khu Corona del Mar, thì danh tính cuả các nhà hảo tâm được ghi trên một bức tường ghép đá cẩm thạch rất trang trọng, và được cập nhật mỗi năm. Trên đó, ta thấy nhiều gia đình, nhiều công ty, nhiều nhân vật đã đóng góp lón lao cho việc phát triển thư viện. Ngoài thư viện trung ương này, Newport Beach còn có đến 3 chi nhánh khác nữa nằm rải rác trong các khu vực khác cuả thành phố ven biển này. Vì thành phố có khả năng xây dựng thư viện riêng cho mình, nên họ không cần đến một chi nhánh cuả hệ thống thư viện chung cuả cả quận hạt, ở đây là Orange County Public Libraries. Trái lại các thành phố lân cận như Costa Mesa, Westminster…, thì lại không có thư viện riêng cuả mình, nên chỉ có các chi nhánh cuả thư viện quận hạt mà thôi.
C/ Thư viện cuả các Đại học.
Đại học nào tại Mỹ cũng được trang bị một thư viện dành riêng cho các giáo sư và sinh viên. Với một sĩ số hàng mấy chục ngàn sinh viên theo học, thì thư viện lại càng phải được xây cất và lắp đặt mọi thứ thiết bị hiện đại và với sách báo, phim ảnh, băng từ CD, VHS, DVD… rất phong phú và cập nhật liên tục. So với thời tôi còn theo học tại Đaị học George Washington University (GWU) ở thủ đô nước Mỹ năm 1960-61, thì thư viện Đại học ngày nay đã hiện đại tân tiến hơn rất nhiều.
Trong mấy năm gần đây, khi tham dự các khoá hội thảo tại nhiều Đại học ở các tiểu bang Virginia, Tennessee, Pennsylvania, Indiana…, tôi đều có dịp tham khảo nơi thư viện cuả họ. Nói chung, thì tại các thư viện này, người đọc được cung ứng mọi tiện nghi cần thiết cho việc tìm kiếm, nghiên cưú chuyên sâu cuả mình về bất kỳ một đề tài nào. Các nhân viên phục vụ tại thư viện loại này thường có trình độ chuyên nghiệp rất vững chắc, và họ thường có sự liên kết hỗ tương với nhau trong cả một hệ thống thư viện đại học. Vì thế, họ có thể tìm kiếm thông tin, tài liệu sách báo, kể cả loại chưa xuất bản giúp cho bạn đọc có đủ tài liệu tham khảo một cách mau lẹ, dễ dàng.
Tôi đăc biệt có nhiều kỷ niệm tốt đẹp với thư viện cuả Đại học EMU (Eastern Mennonite University) tại thành phố Harrisonburg, Virginia. Vào các muà hè mỗi năm, Đại học này thường tổ chức các khoá học tập trao đổi quốc tế cho các tham dự viên từ hàng 5-70 quốc gia tụ tập lại để bàn thảo về kinh nghiệm “Xây dựng Hoà bình” trong khuôn khổ cuả “Viện Xây Dựng Hoà Bình Muà Hè” ( Summer Peacebuilding Institute SPI ). Với cả trăm người từ khắp năm châu với múi giờ khác nhau, nên phòng lab với mấy chục máy computer được mở liên tục ngày đêm 24/24, để cho các tham dự viên sử dụng internet trong việc nghiên cứu, viết bài thuyết trình hay trao đổi e-mail với bên nhà. Đó là chưa kể đến số máy thường xuyên đặt tại thư viện dành cho sinh viên cuả trường, nhưng cũng vẫn để cho “các khách quý” (special guests) như chúng tôi trong SPI sử dụng. Và dĩ nhiên là nhân viên thư viện cũng còn dành nhiều ưu ái khác cho số khách quốc tế bọn tôi nưã.
Một thư viện đại học khác nữa cũng lôi cuốn sự chú ý cuả tôi, đó là thư viện cuả Đại học Swarthmore toạ lạc sát với thành phố Philadelphia ở Pennsylvania. Đại học này là một trong “top ten” (mười đơn vị hàng đầu) cuả nước Mỹ. Thư viện này đăc biệt có một bộ sưu tập để trong khu vực dành riêng gọi là “Peace Collection”, chứa đựng các tài liệu sách báo, kể cả các “di cảo” viết tay cuả các nhân vật tranh đấu cho Hoà bình (Peace Activists) cuả Mỹ từ trên một thế kỷ trước. Điển hình như cuả Bà Jane Addams là một nhân vật kiệt xuất cuả Phong trào Phụ nữ tranh đấu cho Hoà bình (Women for Peace Movement) ngay từ hồi đầu thế kỷ XX, trước khi xảy ra Đệ nhất Thế chiến 1914-18. Qua mấy lần đến tham khảo tại thư viện này, tôi mới nảy ra ý kiến là nên có một sự nghiên cứu tường tận và chính xác khoa học về sự liên hệ cuả Phong trào Hoà bình Mỹ với cuộc chiến tranh Việt nam (The American Peace movement and the Vietnam War). Đây sẽ là một công trình nghiên cứu dài ngày cuả một nhóm hỗn hợp cả Việt lẫn Mỹ, và tôi hy vọng mình có thể tiếp tay tham gia được, sau khi đã hoàn thành cuốn sách về Đông Âu như đã ghi ở trên trong vài năm nữa.
Nói vắn tắt lại, thì các thư viện ở Mỹ được xây dựng và phát triển rất chu đáo, nó cung cấp bao nhiêu tiện nghi thoải mái cho nhiều tầng lớp độc giả trong việc học hỏi, sưu tầm, nghiên cứu và trao đổi về khoa học kỹ thuật và văn hoá. Đặc biệt nhờ có Internet, mà năng xuất phục vụ cuả thư viện đã tăng cao gấp bội, góp phần quan trọng trong việc “nâng cao dân trí” cuả dân Mỹ. Và với sự tận tâm nhiệt thành cuả toàn bộ các nhân viên thư viện như vậy, nên quần chúng nhân dân Mỹ đã hết lòng tham gia hưởng ứng vào việc yểm trợ cho thư viện mỗi ngày một phát triển khởi sắc lên mãi. Nhờ vậy mà nước Mỹ vẫn giữ được vị trí cao trong thế giới khoa học tiến bộ hiện nay. Đây cũng là sư minh hoạ tiêu biểu nhất về mặt văn hoá cho công cuộc xây dựng và phát triển Xã hôị Dân sự, ngay từ cấp hạ tầng cơ sở cuả các cộng đồng dân cư nhỏ bé nhất, cho đến các đô thị hiện đại nhất tại khắp các miền trên lục địa nước Mỹ ngày nay vậy.
Nhân tiện, tôi cũng xin ghi thêm ít dòng về lọai Thư Viện đặc biệt chỉ ở Mỹ mới có : đó là Thư Viện của các Tổng thống Mỹ được thiết lập để lưu giữ các tài liệu, văn kiện, vật lưu niệm v.v… lúc mỗi vị đã về hưu.
D / Thư Viện của các Tổng Thống (The Presidential Libraries).
Kể từ thời Tổng Thống Hoover hồi cuối thập niên 1920 đến nay, vị Tổng Thống nào cũng để lại một Thư viện mang danh tính của mình, tọa lạc tại quê hương bản quán của mỗi vị. Nhằm thỏa mãn nhu cầu phổ biến cho công chúng được rộng rãi tham khảo các lọai tài liệu này, nên chánh phủ liên bang đã trực tiếp trao trách nhiệm cho cơ quan NARA (National Archives & Records Administration = Lưu trữ Văn khố) đứng ra phối hợp sự điều hành số Thư viện này. Cho đến nay, đã có đến 12 Thư viện Tổng Thống do NARA trực tiếp điều hành với sự cộng tác của từng Ban Quản trị riêng của Thư viện do sáng kiến của những sáng lập viên và các nhà tài trợ thuộc lãnh vực tư nhân. Đây là một sự hợp tác chặt chẽ của Xã hội Dân sự với Nhà nước trong lãnh vực văn hóa và nghiên cứu lịch sử rất quan trọng và phổ biến đặc bịêt tại nước Mỹ từ lâu nay. Còn nhiều Thư viện Tổng thống mà được thiết lập từ lâu, thì vẫn để cho Ban Quản trị tự điều hành và duy trì sinh họat theo tiêu chuẩn riêng biệt của họ, chứ không đặt dưới sự điều hành của cơ quan NARA. Điển hình như Thư viện Abraham Lincoln, vẫn do Tiểu bang Illinois là quê hương của Tổng Thống phụ trách.
Tôi đã có dịp đến viếng thăm một số Thư viện Tổng Thống này, cụ thể là Thư viện Richard Nixon ở Yorba Linda, California, Thư viện John F Kennedy ở Dorchester, Massachusetts, Thư vịên Jimmy Carter ở Atlanta, Georgia. Thật là đồ sộ, ngăn nắp và rất là khoa học nghiêm túc. Đó là sự đóng góp rất quý giá cho học thuật cũng như cho sự lưu giữ truyền thống của tòan thể dân tộc Mỹ qua các thời đại của người lãnh đạo quốc gia Hoa kỳ. Tôi hy vọng là sẽ có cơ hội đến tham khảo nhiều hơn tại các Thư viện này.
Riêng tại miền Nam California, thì ngòai Thư viện Richard Nixon, còn có Thư viện Ronald Reagan ở Simi Valley gần với Santa Barbara. Cả hai Thư viện này đều rất gần với Little Saigon của chúng ta . /.
Đòan Thanh Liêm.
California, Tháng Hai 2009
(nguồn: Việt Báo Online)
Rất cám ơn anh Chinook và nàng Phay với những đóng góp về Thư Viện của Mỹ. Rất thú vị khi chúng ta cùng nhau trao đổi.
Chị Ba: Dạ, Út cám ơn chị Ba đã cho link bài viết, để út hiểu biết thêm về thư viện của Mỹ ạ.
Út Vân thương mến,
Chị Ba phải cám ơn em chứ, đã đưa ra một câu hỏi rất thú vị.
Ráng học thật giỏi nghe em.
Thật tiếc là mình biết quá ít để có thể để lại comment. Nhưng cứ vô đọc rồi im lặng đi ra thì thật vô duyên. Thôi đành lấy làm vui khi được theo dõi bàn luận của mọi người với cô chủ vậy.
Chúc cả nhà một tuần mới nhiều niềm vui!
Cám ơn anh Giao. Rất vui khi nghe anh “lên tiếng”.
Chúc anh cũng như vậy nhé.