Trái Bầu Khô
Kho tàng cổ tích các dân tộc thiểu số Việt Nam có truyện Trái Bầu Mẹ, nhằm giải thích sự có mặt của các dân tộc anh em cùng chia sẻ dải đất hình chữ S thân yêu. Truyện kể thế này:
“Xưa có hai anh em, một trai một gái, nhà nghèo, mồ côi cha mẹ. Một hôm nọ vào rừng kiếm ăn, gặp một con Dúi, bèn đuổi bắt. Dúi chui vào hang. Hai anh em đào bắt được. Dúi xin tha và nói sở dĩ phải chui vào hang sâu vì trời sắp sập, sẽ có mưa ngập tất cả. Dúi khuyên hai anh em lấy một khúc gỗ to đẽo rỗng, chuẩn bị thức ăn đầy đủ bảy ngày bảy đêm rồi chui vào trong đó. Miệng khúc gỗ được bịt sáp ong như bưng thành mặt trống. Khi hết hạn, hai anh em lấy lông nhím chọc thủng sáp ong, nếu thấy không có nước rỉ vào thì phá mặt trống mà ra. Hai anh em tha cho Dúi và làm theo lời Dúi bảo.
Mưa lớn, nước ngập mênh mông. Đúng hạn, hai anh em chui ra, trống mắc trên cây Nhót, vì thế cây Nhót không bao giờ thẳng. Hai người leo xuống, tặng nhau nắp trầu làm tin rồi chia tay nhau đi tìm đồng bào. Hai người đi hai ngã nhưng lại gặp nhau, vì những người khác đã chết hết. Và họ cứ đi tìm như thế nhiều lần mà vẫn thất vọng vì mọi người khác đã chết hết.
Lần cuối cùng, chim Tgoóc khuyên hai anh em nên lấy nhau để có con nối dõi, loài người được sinh sôi nảy nở. Ít lâu sau, người em có mang, chửa được bảy năm, bảy tháng, bảy ngày thì sinh ra một quả bầu. Người chồng muốn đập vỡ ra, người vợ tiếc đem gác lên gác bếp.
Một lần đi làm nương về, hai người cứ thấy tiếng cười đùa trong nhà, nhưng đến khi vào nhà lại thấy im bặt. Lấy làm lạ, người chồng leo lên gác bếp ghé tai vào quả bầu, nghe có tiếng ầm ĩ, mang xuống định lấy dao chặt. Sợ như vậy chạm vào con, người vợ bảo lấy que đốt nhọn đầu và dùi lỗ. Bỗng có người Xá chui ra trước. Người chồng mừng quá, khoét lỗ rộng thêm, thì người Thái, người Lào, người Lự lại ra theo. Người vợ sốt ruột lấy củi phang vỡ quả bầu. Người Kinh, người Hán ra nốt, người Xá dính nhọ nên đen, người Kinh người Hán ra sau nên trắng.”
Tôi đi tìm các dị bản của câu chuyện trên nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng người Bahnar. Nếu có thì chắc họ phải ra khỏi trái bầu ngay sau người Xá, vì nước da ngăm đen của dân tộc họ. Người Bahnar- như các dân tộc thiểu số khác, nhận chịu phần thua thiệt thấp bé nhẹ cân bên anh chàng người Kinh khổng lồ.
Tuy không có mặt trong câu chuyện cổ tích trên, trái bầu vẫn cứ là vật dụng thân thiết với người Bahnar, như phần lớn các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Người ta kể rằng trái bầu già được mang ngâm xuống bùn khoảng nửa tháng cho cái chất đen của bùn thẩm thấu vào trái bầu, rồi sau đó lấy ruột bầu ra, súc sạch. Lúc này trái bầu cứng cáp, bền bỉ hơn và được dùng để đựng nước uống.
Trong góc bếp nhà nào cũng có khoảng mười trái bầu, lớn nhỏ đủ cỡ. Nó như vật bất khả ly thân của họ. Trẻ em đến trường mang theo trái bầu, người lớn đi nương rẫy không quên bỏ bầu đựng nước uống vào cái gùi đeo trên lưng. Nước suối đựng trong trái bầu uống mát lạnh và có vẻ ngọt hơn.
Tôi được người Bahnar tặng vài trái bầu khô. Tôi quý chúng như quý tấm lòng của người anh em dân tộc thiểu số- những con người vóc dáng nhỏ bé nghèo nàn với tấm lòng chân thật, rộng mở.
Người Kinh và các dân tộc thiểu số đều là đồng bào theo truyền thuyết cái bọc trăm trứng nở trăm con của Mẹ Âu Cơ, hay cũng đều là anh em chui ra từ trái bầu theo truyền thuyết Trái Bầu Mẹ của các dân tộc thiểu số.
Hôm nay trên mảnh đất Tây Nguyên tôi thấy người thiểu số vẫn nghèo đói, rách rưới, trẻ em vẫn thất học. Người Kinh có những xảo thuật để mua lại đất đai của người thiểu số với giá rẻ mạt, để rồi ngay chính chủ nhân của cao nguyên này lại phải lùi vào rừng sâu. Tôi đã thấy những dòng sông dòng suối trên Tây Nguyên khô cạn còn trơ cát đáy sông vào mùa khô, cũng như đã nghe chuyện khai thác bauxite, một ngành công nghiệp hủy diệt môi sinh.
Cũng trên Tây Nguyên tôi nghe tin người ta sắp (đến nay thì đã) khánh thành tượng đài của “lãnh tụ” trị giá nghìn tỉ đồng. Lúc đó tôi chỉ mong mình nghe nhầm.
—-
(tháng 10/2012)
Truyện rất hay. Nhưng mình phải chấp nhận cái chi tiết anh em lấy nhau, hơi kỳ kỳ 🙂
Bà Tám: Dạ tại không còn ai khác.
Cũng như chúng ta là hậu duệ của các con trai và con gái ông bà Adam Eva ngày xưa.
Trước 75, TN chưa có dịp lên cao nguyên Trung phần (thậm chí cả Đà Lạt trong mơ ước).Người Thượng TN chỉ biết qua sách vở và hình ảnh người nam đóng khố, người nữ để trần ngực đeo gùi, trẻ em trần truồng đen đúa đứng hàng ngang vẫy vẫy đoàn xe lửa SG-NT qua vùng đất khô cằn Bình Thuận Ninh Thuận. Và bài hát Một Mẹ Trăm Con (dân ca Jarai) của nhạc sĩ Phạm Duy như minh họa cho những hình ảnh đó, truyền thuyết về 50 con vượt đồi non, 50 con xây núi sông lập ruộng đồng, xưa khi mẹ đẻ ra…
Một Mẹ Trăm Con
Anh em ta cùng mẹ cha/ Nhớ truyện cũ trong tích xưa/ Khi thế gian còn mù mờ
Xưa khi xưa mẹ đẻ ra/ Trăm cái trứng sinh lũ con/ Trăm đứa con cùng một dòng
Năm mươi con vượt đồi non/ Phá rừng núi khai rẫy nương/ Xây đắp buôn lập nhà sàn
Năm mươi con dọc Trường Sơn/ Đi xứ Bắc đi xứ Nam/ Xây núi sông lập ruộng đồng
Hôm nay đây rừng gặp mây/ Lá gặp núi ta tới đây/ Tay nắm tay mình gặp mình
Vui ca lên Thượng và Kinh/ Người trong nước anh với em/ Em với anh cùng họ hàng
Khua chiêng lên đập cồng lên/ Tiếng cồng đánh qua mái tranh/ Qua mái tre vào rừng già
Cho con Hua khỉ già Hua/ Cho ma quái cho lũ nai/ Ngơ ngác say vì nhạc gồng.
Sau này TN có may mắn đi hầu như khắp các tỉnh Tây Nguyên và gần đây các vùng núi cao Tây Bắc, Đông Bắc. Người dân tộc thiểu số nơi đâu cũng còn rất nhiều khổ nhọc, nặng nề nhất ở trẻ em: nghèo đói, thất học. Và văn hóa bị mai một trầm trọng.
Phay Van nhắc đến người Bahnar làm TN nhớ khoảng tháng 10/1992 nhân có việc với nhà thờ Thăng Thiên Pleiku của Đức Cha Hoàng Văn Quy (lúc này nhà thờ tạm chưa biết sập lúc nào nhưng chưa có phép xây dựng) TN được ở trong nhà xứ và được cha Thượng (cha phó) dẫn đi thăm nhà thờ gỗ và tòa Giám Mục Kontum, vào các làng của người Jarai, Bahnar, và một nhà nguyện của người Bahnar. Các cha dù còn rất khó khăn nhưng rất quan tâm đến những vùng xa xôi hẻo lánh. Riêng cha Thượng cũng làm nhiều việc thiết thực cho việc bảo tồn âm nhạc của các tộc người ở đây. Cha Hoàng Văn Quy đã mất, cha Thượng không biết còn ở nhà thờ Thăng Thiên không?…
Anh ĐTN: Vâng, một sự thật đáng buồn là người Thượng – vì đơn sơ chất phác nên đã bị người Kinh lợi dụng, nếu không muốn nói là bóc lột.
Người Thượng thích truyền thuyết trái bầu mẹ vì muốn được bình đẳng, nhưng khổ thay người Kinh không coi họ là anh em.
Chắc những tộc người mà không nhắc tới nằm ở dấu ba chấm ( … ) vì không dễ kể lể hết ra được.
Còn việc người vùng cao còn nghèo là do họ sống ở …… vùng sâu, vùng cao và xa thôi mà . Nếu họ về TP.HCM sống thì đâu đến nỗi (?)
Ngay người Kinh với nhau mà cũng có bình đẳng đâu , nói chi đến các tộc anh em khác !
Thôi thì …. đành chờ vậy, biết đâu thế kỉ 22 người vùng cao lại lãnh đạo người Kinh ?
Ờ há bác Trà, giá mà họ về Hà nội mà sống như ông cựu TBT đó nhỉ.
Truyền thuyết này có nét giống với truyền thuyết của người Lào.
Bác Cua: Dạ, cũng tương tự truyền thuyết Lạc Long Quân- Âu Cơ của VN.