Trang chủ > Âm nhạc > Nghĩa Trang Dưỡng Trí Viện Biên Hòa

Nghĩa Trang Dưỡng Trí Viện Biên Hòa

Từ khi nhận được bài Bác sĩ Nguyễn Văn Hoài, Người thầy thuốc hiến trọn đời mình cho một hạng người bạc phước của Nguiễn Ngu Í (bài đăng trên Bách Khoa số 149, năm thứ 7 – ngày 15-3-63) do anh Đinh Thanh Nguyện gởi tặng, tôi nảy ra ý định đi viếng mộ Bác sĩ (1898 – 28/5/1953) tại nghĩa trang Dưỡng Trí Viện Biên Hòa.

(Hình: internet)

(Hình: Internet)

Theo tài liệu, nghĩa trang này có mặt cùng lúc với sự ra đời của Dưỡng Trí Viện. Nếu quả thế thì tới nay nó đã gần trăm tuổi, vì Dưỡng Trí Viện Biên Hòa được khởi công xây dựng từ tháng 3 năm 1915.

Thuở bé tôi có nhiều lần theo các bạn học vào Dưỡng Trí Viện chơi vì cha mẹ các bạn là công chức trong bệnh viện nên “được” sống luôn trong khu cư xá. Dưỡng Trí Viện trong ký ức nhỏ nhoi của tôi là một khuôn viên rộng mênh mông với các trại bệnh là những “tòa nhà” khang trang nằm biệt lập từng dãy, phân cách bằng những lối đi trồng nhiều hoa dọc hai bên lối đi. Giữa những dãy nhà lại còn có dòng suối trong vắt uốn quanh. Những cây cầu nho nhỏ bắc qua, tất nhiên cũng dễ thương như con suối. Hồi ấy trong Dưỡng Trí Viện người ta trồng rất nhiều hoa, đủ các loại với mọi màu sắc sặc sỡ, hay đó là một liệu pháp giúp bệnh nhân tĩnh dưỡng tâm thần? Ngoài những ô vuông tràn ngập hoa hồng hoặc hoa dong riềng đủ màu với lũ hoa móng tay làm viền, điểm đặc biệt khác của Dưỡng Trí Viện là hoa ti-gôn. Từ hai cây bã đậu cổ thụ gần cổng ra vào phủ đầy loại hoa “tim vỡ” cho đến những tòa nhà phía trong cất theo kiến trúc Pháp cổ kính phủ đầy dây ti-gôn, từ mái ngói rêu phong đổ xuống những thác hoa nhỏ li ti màu hồng trên nền lá xanh.

Tuy thế tôi chưa từng đặt chân đến nghĩa trang, chỉ nghe nói nó nằm phía sau bệnh viện. Đây là nơi an táng những người quá vãng gồm các công chức bệnh viện và hàng ngàn bệnh nhân không gia đình. Bác sĩ Tô Dương Hiệp (1935-1973) – trưởng nam của nhà văn Bình Nguyên Lộc – cũng an nghỉ nơi này. Ông là giám đốc Dưỡng Trí Viện BH từ năm 1972 và qua đời một năm sau đó vì bịnh ung thư.

???????????????????????????????

Tìm hiểu thêm về những mảnh đời không gia đình trong Dưỡng Trí Viện Biên Hòa, tôi đọc được đoạn trích trong bút ký Thế giới người điên của Võ Đắc Danh:

Bác sĩ Khanh kể rằng, trong những dịp tết, bệnh viện tổ chức xe đưa những bệnh nhân bình ổn về đòan tựu gia đình. Căn cứ vào địa chỉ trong hồ sơ và sự hướng dẫn của bệnh nhân mà xe đưa đến. Nhưng hỡi ơi ! khi đến nơi thì gặp phải những ánh mắt từ chối lạnh lùng của người nhà, rằng đây không phải là người thân của tôi, hoặc nhà nầy đã sang cho chủ khác. Khi bệnh nhân gọi tên người thân thì họ cho rằng đó là do người điên ngộ nhận. Khi công an địa phương xác nhận và can thiệp thì bệnh nhân mới được bước vào nhà trong sự ghẻ lạnh của người thân.

Khi tâm trí bệnh nhân bình ổn thì người nhà phải nhận. Đó là quy định của pháp luật. Và khi bệnh nhân tái phát thì bệnh viện phải cho nhập viện. Đó cũng là quy định của pháp luật. Nhưng có một quy luật tất yếu đối với bệnh tâm thần là khi họ không tìm thấy sự chia sẻ tình cảm hoặc bị ngược đãi thì bệnh tái phát. Đó chính là lý do mà bệnh nhân sau một thời gian hồi gia rồi cũng phải quay lại, chọn bệnh viện làm nhà, chọn thầy thuốc làm người thân.

(…)

Chưa có con số thống kê chính xác nhưng ở khoa nào cũng có vài ba chục mảnh đời cô độc, bị bỏ rơi như thế. Họ lặng lẽ sống và lặng lẽ chết, có một mảnh đất phía sau bệnh viện dành riêng cho họ.

Chúng tôi gặp anh Nguyễn Hùng Hiệp, người quản lý nhà xác của bệnh viện suốt hai chục năm qua. Công việc của anh là trực chờ khi tử thần cướp lấy sinh mạng của bệnh nhân thì anh sẽ làm công việc tiếp theo là tiễn họ vào lòng đất. Hỏi trong hai chục năm qua, anh đã giúp cho bao nhiêu bệnh nhân có mồ yên mả đẹp, anh nói hàng trăm, làm sao nhớ nổi. Hiệp nghiệm ra một điều khác lạ trong công việc của mình rằng, nó đơn điệu và buồn hơn nhân viên mai táng ở các công ty. Các công ty mai táng gởi vào lòng đất đủ mọi thành phần, vô cùng phong phú, từ quan chức đến thường dân, từ học giả đến một tên lưu manh, trộm cướp, lại có tang lễ rình rang, có những dòng người đưa tiễn. Còn anh, chỉ lặng lẽ một mình anh với người chết, mà người chết chỉ một thành phần duy nhất: người điên. Cứ sau 24 giờ ngồi canh xác chết, không ai đến nhận thì Hiệp đưa vào hòm, rồi lặng lẽ đào huyệt, nhờ một bệnh nhân gần nhất tiếp khiêng một đầu hòm đưa vào lòng đất. Anh nói nhiều khi buồn lắm, tiễn một kiếp người mà không có lấy một nén nhang. Cái chết của người điên là như thế. Rồi Hiệp lật sổ tử đọc cho tôi ghi vài con số, những con số ngẫu nhiên trong cuốn sổ nhàu nát, ngã màu: Năm 1983 chết 101 người nhưng chỉ có sáu người được thân nhân nhận xác; năm 1984 chết 150 người nhưng chỉ có 13 người được thân nhân nhận xác. Tôi bảo Hiệp thôi đừng đọc nữa, tôi không muốn nghe những con số đầy ta thán chuyện nhân tình. Hiệp nói nghĩa trang gần bốn hécta nhưng đã chật hết rồi, bây giờ phải chèn kẽ để mà chôn.

Do bận việc, mãi đầu tháng 9/2013 vừa qua tôi mới thu xếp đi được. Đến cổng bệnh viện, khi cho ông bảo vệ bệnh viện biết ý định của mình và có ý nhờ ông chỉ đường, tôi bị bất ngờ khi ông cho biết các ngôi mộ đã được bốc dời đi nghĩa trang thành phố Biên Hòa cả tháng nay rồi.

Ông bảo vệ dẫn tôi đi tới cuối tường rào, vòng qua bãi cỏ hoang phía sau Phân Viện Giám Định Pháp Y Tâm Thần. Ông ta chỉ tay ra xa, nơi có cánh cổng cũ kỹ bằng tôn để mở: “Cứ vô đó mà tìm!” Rồi ông ngược ra cổng chính, bỏ lại mình tôi nơi mảnh đất hoang vu với những ngôi mộ đang được bốc dở dang.

Tôi làm gan bước qua cánh cổng tôn ọp ẹp và nhìn thấy cảnh này. Thế là tiêu tan niềm hy vọng!

???????????????????????????????

???????????????????????????????

???????????????????????????????

???????????????????????????????

.

Ngày nay Dưỡng Trí Viện Biên Hòa đã mất tên. Người ta gọi nó là “Bệnh viện Tâm Thần”. Hoa lá ở những vuông sân và ven lối đi cũng đã hết vì không còn ai chăm sóc. Chắc người ta nghĩ cảnh thiên nhiên là một cái gì xa xỉ hay thừa thãi với bệnh nhân. Dòng suối trong vắt cũng đã chết từ lâu vì ô nhiễm do hứng chịu nước thải, rác rưởi từ khu dân cư lân cận. Những cây cầu dễ thương ngày xưa không còn là nơi dừng chân thưởng thức cảnh thiên nhiên, ngược lại khách bộ hành phải rảo bước thật nhanh để tránh bầu không khí hết sức khó chịu. Ngay cả những khu điều trị, các trại bệnh ngày xưa với thác hoa ti-gôn đổ xuống nay còn trơ lại chấn song nhìn giống… ngục thất.

Hình dưới đây là một trại bệnh trong Dưỡng Trí Viện. Những bệnh nhân này sẽ không được gởi xác thân lại bệnh viện vì nghĩa trang giờ không còn nữa.

Tôi nhìn thấy “nắng vỡ” (chữ của Chị Cam Li) vụn trên vách tường.

???????????????????????????????

Chuyên mục:Âm nhạc Thẻ:
  1. dinh thanh nguyen
    17/09/2013 lúc 16:28

    Mấy chục năm nay người ta coi người sống còn không ra gì thì nói chi đến người chết. Dù sao việc di dời nghĩa trang bệnh viện nay đã hoang tàn như thế nếu không vì tính toán cá nhân thì cũng nên hoan nghênh, Phay Van à. Còn mộ phần của các bác sĩ Nguyễn Văn Hoài, Tô Văn Hiệp, TN nghĩ chắc cũng không còn ở đây từ lâu lắm rồi. TN rất hiểu tâm tư của Phay Van khi “làm gan bước qua cánh cổng tôn ọp ẹp và nhìn thấy cảnh này”. Hãy gìn giữ những kí ức đẹp mình có được về nơi này Phay Van ơi.

    • 18/09/2013 lúc 21:28

      Anh ĐTN: Đất Dưỡng Trí Viện đã bị mất nhiều từ sau 75, cho nên em nhìn việc giải tỏa nghĩa trang với cái nhìn tiêu cực.
      Chưa đầy trăm năm mà đã không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào.

  2. dinh thanh nguyen
    19/09/2013 lúc 01:34

    Phay Van đã đọc hai truyện ngắn này của nhà văn Bình-Nguyên Lộc chưa? TN xin phép chép về đây nhé.

    HUI NHỊ TỲ (1)
    Nếu bạn không tin dị đoan và không sợ rông trong tháng đầu năm thì tôi xin bạn… hui nhị tỳ với tôi chơi. Hui nhị tỳ là một động từ kinh khủng, kinh khủng cho đến nỗi người ta không dám nói tiếng Việt mà lại dùng tiếng Tàu để cho cái nghĩa bí ẩn của ngôn ngữ ngoại quốc giúp cho đỡ sợ.

    Người chết bị bỏ quên ! Cho đến cả người thân yêu của họ cũng bỏ quên họ. Bạn sẽ chết. Như thế bạn có tủi trước cho số kiếp bạn hay không ? Nếu có thì nên đi thăm họ vậy.

    Bước lên xe kiếng 1 đi viếng mã chồng,
    Cỏ non chưa mọc trong lòng thọ thai.

    Hai câu ca dao Sàigòn trên đây cho ta thấy cả cái chua xót của một người bị bắt an trí ở một xó nào đó để họ rảnh nợ mà trở vô guồng sống quay cuồng của họ.

    Hui nhị tỳ buồn lắm. Để cho bạn khỏi thấy cảnh :

    Sè sè nấm đất bên đàng…

    mà mủi lòng rồi vạch da cây mà đề thơ cho ma nó hiện lên lôi thôi lắm, tôi xin đưa bạn đến một nhị tỳ vui.

    Đó là nhị tỳ của các Hội đồng hương của các tỉnh miền Nam.

    Đường đi Bà Quẹo. Khỏi cột dây thép gió một đổi, bạn quẹo qua tay mặt để vào chùa Ông Tạ.

    Qua khỏi chùa, cảnh như cảnh quê miền Đông với những con đường mòn núp bóng bờ tre, với các cây rơm phơi giữa đám gốc rạ. Rồi thì tới nghĩa địa.

    Bạn ở Sađéc trôi nổi lên đây làm ăn mà rủi có mạng hệ nào, bạn đừng lo bỏ thân xứ người. Trong nghĩa địa, bạn sẽ gặp đủ mặt người đồng hương giữa một ô riêng dành cho tỉnh Sađéc.

    Những đêm mưa dầm, ma ở đây chắc không lạnh bao nhiêu, vì quanh họ đông đúc những gương mặt thân yêu, tha hồ trò chuyện cho ấm lòng.

    Tỉnh nầy muốn qua tỉnh kia thăm bạn, chỉ phải bước qua một hàng rào. Gần hai mươi tỉnh sát cánh nhau để dựng lên lên một miền Nam trong cõi âm.

    Người sống hay đòi thống nhất nhưng họ lại bắt người chết phân ly: Bắc Việt nghĩa trang, Trung Việt nghĩa trang, và Nam Việt nghĩa trang nầy là ba thế giới riêng biệt không có đường xe lửa nối liền.

    Riêng dân chết của Nam Việt họ tự trị mỗi tỉnh một ô riêng ngăn ranh giới bằng giây kẽm gai, ý chừng để ngừa xâm lăng.

    Có một bà kia người Cần Thơ mà lấy chồng là dân Biên Hòa. Khi bà mãn phần, gia đình bà bối rối hết sức không biết đưa linh cửu của bà về xứ hay về quê chồng, mặc dầu hai nơi đó chỉ cách nhau có mấy mươi bước.

    Rốt cuộc người ta kết luận : Cần Thơ và Biên Hòa xa nhau không tới một cắc tiền xe thì ai nằm xứ nấy.

    Ngày sau hai vợ chồng ông nầy thăm nhau chắc tiện lắm.

    Về tới nửa đường, bạn quẹo qua tay trái, theo đường Hai Mươi (Phan Thanh Giản) để vô vườn Bà Lớn !

    Đây là nhị tỳ tư gia, nhưng đồ sộ không kém một nhị tỳ công cộng.

    Trước chiến tranh, từ đường của họ Đỗ Hữu nầy nằm riêng biệt một nơi hẻo lánh, đứng trước cổng có thể ngắm mặt trời lặn trên cánh đồng hoang bên kia đường Hai Mươi.

    Nghĩa địa ngày trước được một lũy tre dày mịt bao học lấy.

    Nhưng vì chiến tranh ở thôn quê nên người sống đã tràn đến đây đốn rụi lũy tre xanh mà cả vườn xoài bên trong cũng không còn một cây để che mồ.

    Những con đường trải sạn trắng trong nghĩa địa đã biến thành những lối mòn ngập đất bột và cáo ao sen ở giữa ngày xưa liễu rũ soi bóng dưới nước xanh lơ, bây giờ dùng làm hầm đổ rác.

    Kẻ chết củng cố thành trì cẩn thận bằng dây kẽm gai nếu không, làn sóng người cứ xung phong vô mãi thì nguy mất. Tuy thế, đám đất giữa nhà mồ và những ngôi mộ chánh cũng đã bị người ta vun vồng để trồng hoa và người ta thả bò nghỉ mát.

    Nơi đây là nơi mà các học sinh thi sĩ của trường P.Ký thời tiền chiến thường lui tới để tìm yên sĩ.

    Ngày nay thơ ở đây vẫn còn, nhưng không phải là thơ tươi đẹp nữa, mà là những vần tuyệt vọng khóc cảnh điêu tàn.

    Tôi đi vòng quanh đó để tìm ngôi mộ của cô V.T.L. chết năm 18 tuổi. Hồi còn là nội trú trường P.Ký tôi đã nghịch về ngôi mả nầy khiến một số học sinh kinh hoảng và khiến có bạn đang duy vật bỗng ngã qua duy thần 2 .

    Tấm mộ bia vẫn còn tươi nét vàng nhưng nhiều tảng xi-măng của ngôi mộ đã long ra, nằm lăn lóc trước đó.

    Vô số là chó hoang chơi giỡn trước mộ của cô gái nửa chừng xuân gãy cành thiên hương ấy, còn ngôi mộ của ông phi công vị Pháp quốc vong xu là nơi trẻ quanh xóm xé rào vào đánh đáo.

    Ai ôi, có lập nghĩa địa thì nên đoán trước sức bành trướng của thành phố trong vòng một trăm năm để khỏi đào hào đắp lũy mà vẫn bị xâm lăng như thường.

    Về vụ người sống lấn người chết, cảnh rõ rệt nhứt là cảnh đất thánh của nhà thờ Cầu Kho.

    Đất thánh ấy ở giữa tring tâm thành phố, bạn bước tới mà xem.

    Những ngôi mộ bia bị giấu mật dưới những nếp nhà lá nhỏ như chiếc khăn mu soa, rồi trong đó, đám người kẻ dương gian người âm cảnh, ngủ chung với nhau.

    Nếu có ma thì ma ở đây rất sợ người ta, những người lì lợm; mả mới mả cũ gì họ cũng cất nhà chồng tưới lên.

    Nhiều nhà mồ biến thành trại mộc và có vài ngôi mộ có rào sắt, bị người ta dùng làm chuồng heo.

    Ở đây dương thịnh mà âm suy, ông lang nào có muốn bốc thuốc hiệu nghiệm thì tôi xin mách một toa toàn vị bổ âm :

    1/ Đất trống vài mẫu.

    2/ Cây lá vài trăm xe.

    3/ Sở phí dọn nhà vài trăm ngàn.

    Mấy vị thuốc nầy uống vào thì âm hạ ngay cho dương trở lại. Toa gia truyền nầy là toa “giải tỏa và định cư” 3

    Các bạn có muốn xem một nhị tỳ tản cư hay không ?

    Các bạn cứ lên đất thánh Chà. Đất thánh ngày nay là trú xá của nhân viên Sở rác và là cái kho chứa xe của Sở rác.

    Ở đây âm đã hoàn toàn suy liệt và cõi âm đã trong sáng những ngôi nhà xinh xắn và những tiếng trẻ vui tươi.

    Nhưng dấu vết âm vẫn còn ràng ràng. Một đống đá xanh, tấm nào cũng to gần bằng bộ ván chất cạnh câu lạc bộ giữa sở đất.

    Đó là mộ bia nằm, theo lối Âu Châu của những ngôi mộ bị bốc.

    Tại sao gọi là đất thánh Chà ?

    Thật là bí mật. Tôi đã xem kỹ những nấm mộ bia ấy. Tấm nào cũng khắc tên Tây cả, những ông Tây bà đầm đã tới đây trong thời chinh phục.

    Ngày nay họ tản cư về đâu không biết, ta hui nhị tỳ để thăm họ, họ dời nhà mà không để địa chỉ lại thì thôi vậy.

    Từ đây âm dương đôi ngã, người chết ôi ! kẻ sống đã quên các người sau khi đọc bài nầy.

    (Nhân Loại, 1957)
    1
    Một thứ xe bốn bánh do hai ngựa kéo, rất thạnh hành ở Sàigòn ngày xưa.
    2
    Câu chuyện đã kể rõ trong bài “Ma Đề Thơ” in thành sách trong quyển “Tân liệu trai”.
    3
    Nghĩa địa nầy đã gợi hứng cho tác giả viết truyện Ba Con Cáo (Ký thác) và ngày nay đã bị giải tỏa để làm phố Nguyễn Cư Trinh.

    HUI NHỊ TỲ (2)
    Đi trên vỉa hè phố bùi Chu đến góc đường Bùi Chu – Bùi thị Xuân bạn bỗng nghe một cảm giác là lạ dưới chân. Vỉa hè đất thịt bằng phẳng bỗng gập ghềnh và làm cho tiếng giày của bạn vang lên.

    Nhìn xuống, bạn mới nhận ra dấu vết của một mã vôi trám cả bề rộng khá lớn của vỉa hè.

    Ty kiều lộ chính của đô thành phá ngôi mộ nầy, đã khổ sở trước sức kháng cự của chất ô dước nên thối chí không phá sát góc. Nhờ thế ta mới biết được rằng thành phố của ta xây cất trên một bãi tha ma minh mông.

    Ở đâu cũng có mồ mả hết, đó là chỉ nói đến những ngôi mã vôi ô dước kiên cố, chớ nếu kể thêm mã đất thì chắc không một thước vuông thổ cư nào mà ở dưới không nghỉ yên một bộ xương khô.

    Ở đâu cũng mã hết, nhứt là Ô Ma. Người ta nói Ô Ma tức là „Phía vũng lầy” (Aux mares) của tiếng Pháp.

    Sao ta chôn xác người ở xóm vũng lầy? Thật là khó hiểu. Vì không cắt nghĩa trôi nên đồng bào miền Bắc đùa rằng Ô Ma tức là ngoại ô có nhiều ma, bằng cớ là mã mồ lệnh nghểnh ở đây.

    Bạn nào có ờ Sài Gòn đều nhớ rằng thành ngả bảy, trường P. Ký, nhà thương Từ Dũ đều cất trên bãi tha ma đông hằng nghìn nấm mộ.

    Mồ mã ở Sài Gòn thân mật quá chừng. Người ta sinh hoạt giữa mồ mã như quen biết với ma dữ lắm. Ở cổng xe lửa Mỹ, bên hông nhà thương Từ Dũ có hai ngôi mộ song hồn khá to. Trên mộ có cây mọc. Người ta treo võng dưới tàn cây và những trưa hè, người ta đồng đưa kẻo kẹt trông rất an nhàn. Ngộ nghĩnh nhất là tấm bảng hiệu “hớt tóc” cắm trên đó, cạnh chiếc võng. Khách hớt tóc cứ ra vào cái tiệm lộ thiên ấy mà không chút sợ sệt e dè.

    Ma Sài Gòn hợp tác đắc lực với người. Trong chợ Cây Điệp, tại xóm vựa cũi có một ông đánh đề.

    Ông ấy thua đậm đến cùng đường, nên một chiều kia ông ta ra quì trước nấm mộ đất cạnh nhà mà khấn vái. Lạ sao, đêm đó ông ta trúng to rồi tiếp tục trúng liên tiếp hằng tuần.

    Ông ta đã cất nhà ngói hẳn hòi, sửa sang nấm mộ ấy và mãi đến ngày nay, sòng bạc đóng cửa đã lâu mà chiều nào ông ta cũng đem hương khói ra trước mồ để tạ lễ cả.

    Ma không bỏ người, mà người cũng chẳng bạc nghĩa, cảm động thay !

    Những nấm mồ đất hoang lạnh, lắm khi cũng gặp đại phúc. Thí dụ như một nấm mộ hoang kia ở Bàn Cờ. Mộ nầy được diễm phúc chùa Tam Tông Miếu cất chồng lên. Nó nằm ngay giữa sân trong của nhà chùa.

    Thế là mộ đất được phủ lên một lớp xi măng và hưởng hương khói suốt ngày, từ cái thuở mà đại lộ Cao Thắng còn là một con đường to bằng hai bàn tay xòe, mãi cho đến ngày nay mà chùa to thêm và đẹp thêm.
    Tôi đã chứng kiến cuộc dời mồ của Đại tướng Nguyễn Văn Học từ đường Cây Thị qua góc dinh hành chánh Gia Định và cứ lấy làm tiếc rằng tại sao người ta không bão tồn “Lục Lăng” như đã bảo tồn mộ của một vị Đại tướng kia.

    Người Sài Gòn mình thường hay “thăng quan” bất kỳ ai. Mộ quan to họ dám gọi là lăng, thì sáu cái lăng ở ngõ hẻm Lục Lăng bên hông thành Ô Ma chắc là sáu nhân vật quan trọng hơn Đại tướng Nguyễn Văn Học nhiều lắm.

    Ngày nay sáu cái “lăng” ấy không để lại một dấu vết nào cả, không một nhà bác học kịp nghiên cứu lối kiến trúc đồ sộ của nó và bao nhiêu bảo vật chôn dưới mồ, bảo vật nầy thế nào cũng phải có, vì dưới mộ đại tướng Nguxễn Văn Học đã có kia mà.

    Mộ Lái Gẩm ở góc phố Nguyễn Văn Tráng năm xưa cũng đã bị hoang phế nhưng giờ được sửa sang giữ gìn.Nhưng mộ này lại không cổ như Lục Lăng!
    Cuộc đập phá ngôi mộ ô dước kiên cố cuối cùng có lẽ là công tác quật mồ lúc mở con đường Vĩnh Viễn.

    Thấy dân phu của ty Lộ chính hì hục không ai không tự hỏi tại sao các kỹ sư ta không phân chất mủ ô dước để rồi nhái theo thiên nhiên mà chế hợp chất giống dược. Hợp chất nầy sẽ là một thứ xi măng siêu phẩm được hoan nghênh trên thị trường quốc tế và rủ về nước không biết bao nhiêu là ngoại tệ cần thiết cho nền kinh tế của ta.
    °
    Thành Phiên An ngày xưa rất bé nhỏ, nhưng sao mồ mã của dân thành phố ấy lại chiếm hết đất Sài Gòn ngày nay ? Đó là vì mã ấy gần sanh phần của trên mười thế hệ người. Người Việt ta đến Sài Gòn đã trên ba trăm năm rồi, bạn nhớ chớ ?

    Ba trăm năm họ đã cần cù, đau khổ, vui sướng, khóc cười để tạo nên Sài Gòn của bạn ngày nay.

    “Này ai ơi ! Thử trèo bức tường đổ, trông quãng đồng xa, mã con mã lớn, chỗ năm chỗ ba chẳng quan thời dân, chẳng trẻ thời già, trước cũng người cả bây giờ đã ma ! Nào tiền, nào của, nào cửa, nào nhà, nào con, nào vợ, nào lợn, nào gà, nào câu đối đỏ, nào mành mành hoa, nào đâu đâu cả mà nay chỉ thấy sương mù nắng rãi với mưa sa !”

    Đoạn văn biền ngẫu trên đây là của Tản Đà. Tôi xin mượn để ngậm ngùi thương những ngôi mã cũ bên đường và nhất là ngậm ngùi thương trước những ông ở nhà lầu, đi xe hơi, có bốn cô vợ bé ngày nay.

    Năm 1999, các ông cùng sẽ nằm ở xó nào trong đô thành, để cho con cháu chúng ta có dịp mà than thở.

    (Nhân Loại, 1957)
    http://vietmessenger.com/books/?author=binhnguyenloc

    • 26/09/2013 lúc 08:55

      Truyện bây giờ em mới được đọc. Cám ơn anh Đinh Thanh Nguyện đã chép về.

  1. No trackbacks yet.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: