Xin cám ơn em “Hậu Sanh Khả Úy!”
Nguyệt Mai xin được giới thiệu bài viết sau đây của tác giả Phan Văn Phước. Trước năm 1975, ông từng là sinh viên ở Huế và có thời gian làm nghề “gõ đầu trẻ”. Nay tuy đã hết dạy, nhưng hoài niệm về ngày tháng cũ với phấn trắng bảng đen còn vương vấn trong tâm hồn…
.
Xin cám ơn em “Hậu Sanh Khả Úy!”
Phan Văn Phước
Cô Giáo Việt Văn của em Phan Hoàng Yến, lớp 9A2 Trường Chu Văn An, Hà Nội, ra đề bài như sau: “Trình bày suy nghĩ của em về một sự việc hoặc hiện tượng ở địa phương hoặc trường, lớp. (Đặt nhan đề cho bài viết.)”
Văn phong và tư duy trong bài viết của em Phan Hoàng Yến được Cô Giáo cho 9,5 điểm (trên 10) với lời khen: “Em có những phát hiện và suy nghĩ sâu sắc về hiện tượng đáng buồn này. Một người có trái tim nhân hậu, đa cảm và tư duy sắc sảo như em thật đáng quý.”
Đọc bài của em Phan Hoàng Yến, tôi cũng xúc động vì những lý do sau đây:
1- Em đưa tôi về thời hoa niên từng được Cha-Mẹ giáo dục như Đấng Sinh Thành của em.
Dù tế nhị, không đề cao Cha Mẹ của mình, em cũng gián tiếp cho tôi và độc giả khác biết rằng em là đứa con ngoan của Gia Đình có lễ giáo, dạt dào tình thương. Em viết: “Những người vô cảm là những người bị thiếu hụt tình yêu thương.” Đúng vậy, Gia Đình là “Trường Học đầu tiên” dạy cho em tình cảm yêu thương!!! ” Cây xanh thì lá cũng xanh – Cha mẹ hiền lành để đức cho con!”, phải thế không, em Hoàng Yến?
2- Em làm tôi càng nhớ đến tuổi thư sinh đến Trường “thụ nhân”
Tức là được quý Thầy-Cô đào tạo mình thành người tốt cho Gia Đình, xã hội, Tổ Quốc và đồng loại, đúng với Việt Đạo. ”Không Thầy, đố mầy làm nên!”, phải không, em Hoàng Yến? Xin mời em, kính mời Bửu Quyến của em và quý vị vui lòng ”nghe” lời cám ơn của tôi đối với Ân Nhân là quý Thầy-Cô, Kỹ Sư Tâm Hồn, qua bài thơ:
ÂM HƯỞNG THẦY CÔ
Nhớ thời áo trắng thư sinh
Đến trường học tập cho mình thành nhân
Líu lo chim hót vui sân
Lời thầy cô giảng thiết thân như là
Tiếng lòng của mẹ, của cha
Của người xây dựng Sơn Hà xưa nay
Gió vờn, lùa suối tóc bay
Mực trò làm đổ dính tay, dính bàn…
Nhà trường là khoảng không gian
Của tình yêu mến nồng nàn, thanh cao
Thầy cô trân trọng bước vào
Trò liền đứng dậy, cúi chào nghiêm trang
Bài ghi lên bảng rõ ràng
Nết người: nét chữ từng hàng chân phương
Thầy cô dạy sống khiêm nhường
Khai tâm, khải đạo tình thương cho trò
Qua sông sử dụng cầu, đò…
Không thầy cô dạy, mình mò sao ra?
Thầy cô thay mặt mẹ cha
Là “từ phụ-mẫu” thật thà, trung kiên…
Thầy cô ngắm tuổi hoa niên
Nghe lòng phơi phới, bình yên, nhẹ nhàng…
Phan văn Phước
Nhân đây, tôi xin cám ơn Cô Giáo của em Phan Hoàng Yến và xin mạo muội nhận xét về Cô như sau: Cô là Nhà mô phạm đúng nghĩa, có lương tâm, tinh thần dân chủ, tấm lòng quý trọng “tự do phát biểu tư tưởng” bởi vì đề bài (Cô ra cho học sinh) phản ánh tính khách quan, vô tư, vị tha (vì lợi ích của người khác) mà, trong khi đó, không ít Thầy-Cô chẳng dám biểu lộ!!! Chính Cô là động cơ giúp Hoàng Yến chân thành bày tỏ tâm tình. ”Giáo dục bắt đầu bằng tình cảm” chính là Cô mở lối (ra đề), quý mến trò như con. ”Giáo dục sẽ được đúc kết bằng tình cảm” cũng chính nhờ Cô đón nhận trò bằng lời phê ngắn gọn, súc tích, tế nhị. Cô biết đắc nhân tâm như Lane Cooper nhận định: “Thầy thành công khi trò trở thành đặc sắc.” (Le professeur a réussi au moment où son élève devient original.)
3- Em làm sống lại trong tôi thời gian được vinh hạnh đứng trên bục giảng
Đó là ”Khai tâm, khải đạo tình thương cho trò”, là tiếp tục sứ mạng cao quý, thiêng liêng “của người xây dựng Sơn Hà xưa nay” và ”thay mặt Mẹ-Cha là Từ Phụ Mẫu thật thà, trung kiên”.
4. Em là “tấm gương” soi
Em can đảm gióng lên ”tiếng còi báo động” không những cho các bạn tuổi hoa niên, cho quý Kỹ Sư Tâm Hồn, mà còn cho toàn thể Đồng Bào mang danh là ”Con Rồng, Cháu Tiên”, Hậu Duệ của Vua Hùng, Thánh Hiền Việt Nam!!! Em là gương soi để quý Thầy Cô nhìn lại mình có xứng đáng với chức năng cao quý của mình không! Henry Brooks Adams phát biểu: “Người Thầy gây ảnh hưởng đến thiên thu: Thầy không bao giờ nói được ảnh hưởng của mình dừng lại nơi nào.” (Un professeur influence l’éternité: il ne peut jamais dire où son influence s’arrête.) René Leriche quan niệm: “Giá trị của người Thầy được đo lường nơi nhân cách của trò mình.” (La valeur d’un professeur se mesure à la personnalité de ses élèves.)
5- Em là người yêu Quê Hương
Nỗi lòng của em qua bài viết bàng bạc tình yêu Nước, thương Đồng Bào dù em không dùng từ ngữ nào cụ thể để diễn tả tâm tình ấy.
6- Em khiến tôi nghĩ đến nhiều danh ngôn
Người Pháp nói: “Muốn học giỏi, phải có hai phương tiện: Thầy tốt và sách tốt.” (Pour bien étudier, il faut deux instruments: un bon professeur et un bon livre.) Cô (dạy Việt văn) của em “tốt” như tôi đã trình bày. Cô ”tặng” em 9,5 điểm là món quà vô giá, hơn cả con số tròn là 10. Hồi còn dạy học, trong lúc chấm thi, Thầy Việt văn (cũng có quý danh là Văn) đưa tôi xem bài viết của em nọ và hỏi tôi nên cho mấy điểm. Tôi trả lời: “Bài tuyệt vời! Anh nên cho điểm tối đa!” Thầy ấy nói: “Như thế, bài này sẽ bị đưa ra Hội Đồng vì môn Văn không bao giờ được điểm như thế!” Tôi cười thông cảm và khuyến khích: “Gặp học trò tốt thì anh phải tốt tương xứng với tư duy của trò mình. Tôi sẽ là người hỗ trợ anh.” Thầy Văn đồng ý. “Em học trò ấy” là Bác Sỹ Nguyễn Văn Hải ở Bệnh Viện Chợ Rẫy Sài Gòn đã hơn hai mươi năm nay.
Qua chuyện vừa nêu, tôi nghĩ rằng cần thêm ý thứ ba (sau “Thầy tốt” và “sách tốt”), ấy là ”trò tốt” như em Phan Hoàng Yến. Chính Cô Giáo còn đánh giá em “trên cả tốt” như sau: “Một người có trái tim nhân hậu, đa cảm và tư duy sắc sảo như em thật đáng quý.”
7- Em là hậu sanh khả úy
Descartes nói: “Tôi tư duy, vậy là tôi hiện hữu.” (I think, therefore I am.) Pascal thì bảo: “Con người là cây sậy biết tư duy.” (L’homme est un roseau pensant.) Nhưng em lại đặt câu hỏi: “Vậy đó còn là con người không hay chỉ là cái xác khô của một cỗ máy?”
Người mến phục em,
Phan văn Phước
***
Kính mời quý vị đọc bài viết của em Phan Hoàng Yến:
BỆNH VÔ CẢM
Có được một xã hội văn minh, hiện đại ngày nay một phần lớn cũng là do những phát minh vĩ đại của con người. Một trong số đó chính là sự sáng chế ra rô-bốt, và càng ngày, rô-bốt càng được cải tiến cao hơn, tỉ mỉ hơn làm sao cho thật giống con người để giúp con người được nhiều hơn trong các công việc khó nhọc, bộn bề của cuộc sống. Chỉ lạ một điều: Đó là trong khi các nhà khoa học đang “vò đầu bứt tóc” không biết làm sao có thể tạo ra một con chip “tình cảm” để khiến “những cỗ máy vô tình” biết yêu, biết ghét, biết thương, biết giận thì dường như con người lại đi ngược lại, càng ngày càng vô tình, thờ ơ với mọi sự xung quanh. Đó chính là căn bệnh nan y đang hoành hành rộng lớn không những chỉ dừng lại ở một cá nhân mà đang len lỏi vào mọi tầng lớp xã hội – bệnh vô cảm.
Nhìn thấy cái xấu, cái ác mà không thấy bất bình, không căm tức, không phẫn nộ. Nhìn thấy cái đẹp mà không ngưỡng mộ, không say mê, không thích thú. Thấy cảnh tượng bi thương lại thờ ơ, không động lòng chua xót, không rung động tâm can. Vậy đó còn là con người không hay chỉ là cái xác khô của một cỗ máy?
Trước hết là về cái đẹp, bây giờ ra ngoài đường, hiếm ai có thể bắt gặp một người đàn ông đạp xe ung dung dạo mát, thưởng ngoạn cái không khí trong lành, tươi mát dưới những hàng cây cổ thụ vàm bóng quanh bờ hồ; một người con gái dịu hiền, yêu kiều trong chiếc váy thanh thoát tản bộ trên những con đường hoa sấu, hoa sữa đầy mộng mơ mà hầu hết là những dòng người tấp nập, vội vã, chen lấn xô đẩy trên đường, xe buýt. Lúc ấy cũng chính là lúc mà con người ta mất một phần tâm hồn đẹp đẽ đã bị chôn vùi dưới lớp cát. Phải chăng cũng vì như thế mà họ càng lúc càng khép chặt cánh cửa trái tim mình lại, không còn biết hưởng thụ cái đẹp mà chỉ nghĩ đến tiền, đến công việc ngày mai?
Vô cảm với cái đẹp mới chỉ là bước đầu. Một khi người ta đã không biết ngưỡng mộ, không biết say mê, rung động trước những điều đẹp đẽ thì trái tim cũng dần chai sạn rồi đến đóng băng. Khi ấy, không chỉ là cái đẹp mà đứng trước những hành động ác độc, vô lương tâm, con người ta cũng cảm thấy bình thường, không oán trách cũng không cảm thông, động lòng với những nạn nhân bị hại. Một tháng trước, tôi đọc được một bài báo trên mạng có đưa tin về vụ một đứa bé Trung Quốc hai tuổi bị xe tải cán. Thương xót, đau lòng làm sao khi nhìn cô bé đau đớn nằm trên vũng máu mà không một người nào qua đường để ý, cuống cuồng gọi cấp cứu. Họ nhìn thấy rồi đấy nhưng họ lại cố tình như không thấy, đi vòng qua cô bé để tiếp tục con đường nhạt thếch, sáo mòn của mình. Càng chua xót, đau lòng, phẫn nộ hơn khi chiếc xe tải tiếp theo nhìn thấy cô bé nằm đó, vẫn thoi thóp thở, bám víu lấy cuộc đời lại vô tình chẹt cả bốn bánh xe nặng trịch đi qua người cô bé, thản nhiên đi tiếp. Người qua đường vẫn thế, vẫn bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Cô bé xấu số chỉ được cấp cứu khi một người phụ nữ nhặt rác đi qua, thấy cảm thông, đau lòng nên đã bế cô đi bệnh viện. Có những con người ích kỷ, vô tâm, tàn nhẫn như vậy đấy. Không những thế, bây giờ ra đường gặp người bị cướp, bị trấn lột, bị đuổi chém nhưng lại không thấy anh hùng nào ra can ngăn, cứu giúp hay chỉ một việc nhỏ nhoi thôi là báo công an. Đó là những con người “không dại gì” và cũng chính “nhờ” những người “không dại gì” đó mà xã hội ngày càng ác độc, hỗn loạn. Chính lẽ đó mà căn bệnh vô cảm càng được thể truyền nhiễm, lây lan.
Vô cảm còn là con đường trực tiếp dẫn đến những cái xấu, cái ác. Nó là một căn bệnh lâm sàng mà trong đó, não của người bệnh vẫn hoạt động nhưng trái tim lại hoàn toàn băng giá. Người ta đã vô cảm thì làm sao có thể thấu hiểu được nỗi đau, tình cảm của người khác, người ta chỉ nghĩ đến mình và lợi ích của riêng mình mà thôi. Nếu không vô cảm, tại sao các cô giáo ở trường mầm non lại nhẫn tâm giật tóc, đánh đập, bịt miệng các cháu bé còn ngây thơ, nhỏ tuổi? Tại sao một người còn chưa qua tuổi trưởng thành lại vô tư chém giết cả nhà người ta để lấy của cải? Xa hơn nữa là các công chức bình thản ăn tiền ủng hộ, trợ giúp những số phận đau thương, bất hạnh của người dân để kiếm lợi cho riêng mình. Và còn nhiều, còn nhiều hành động xấu xa hơn nữa. Tất cả những điều vô lương tâm ấy đều xuất phát từ căn bệnh vô cảm mà ra.
Chúng ta biết bệnh vô cảm vô cùng nguy hiểm nhưng lại đặt ra câu hỏi: Rốt cuộc thì nguyên nhân tại sao? Suy cho cùng, tình cảm là điều chi phối tất cả. Những người vô cảm là những người bị thiếu hụt tình yêu thương. Chính vì không cảm nhận được tình yêu thương mà người ta ngày càng lạnh giá. Một phần nữa cũng là do xã hội hiện đại quá bận rộn và đòi hỏi con người phải làm việc, làm việc và làm việc mà bỏ quên thời gian để trao nhau hơi ấm của tình thương, để ươm mầm cảm xúc.
Tình cảm như những hạt mưa, hạt mưa càng to, càng nặng thì càng dập tắt được những ngọn lửa của lòng thù hận, ghen ghét, bi ai và nó cũng như một ngọn lửa thổi bùng cháy mãnh liệt trong tâm hồn để nuôi dưỡng tiếp nguồn sống cho chúng ta. Vì vậy, điều duy nhất chúng ta có thể làm để cho căn bệnh vô cảm “không còn đất sống” là hãy biết mở cửa trái tim để biết cảm nhận, biết yêu ghét, thương giận và chia sẻ những điều tinh túy đó cho những người xung quanh mình.
“Con người ta không phải là cái đồng hồ và trái tim ta cũng không phải là cái lò xo” – một giáo sư người Anh đã nói như thế. Tóm lại, ta nhận thấy rằng căn bệnh vô cảm đang lan tràn ngày càng rộng lớn và trở nên vô cùng nguy hiểm, biến con người thành một cỗ máy vô tri chỉ biết vận động. Đừng để điều đó xảy ra mà hãy đấu tranh để giành lại phần “người”, giành lại “trái tim” mà Thượng Đế, mà tạo hóa đã ban cho chúng ta, đào thải căn bệnh vô tình quái ác ra khỏi xã hội.
Phan Hoàng Yến
(nguồn: tuongtri.com)
Chị Ba, chị Năm ơi!
Hôm nay, đây là lần đầu tiên, em mới gặp đọc “bài văn” này của em Phan Hoàng Yến.
Và, không biết Tuấn Anh em gõ cái còm này thì có sẽ bị rơi vào tình trạng “không tế nhị” và “khiếm nhã” không nhỉ?
Em hơi hơi đắn đo một chút, nhưng cuối cùng em quyết định gõ cái còm…này.
Vì lẽ, đọc xong:
1/ Bài viết của tác giả Phan Văn Phước “xúc động với 7 điểm” mà tác giả nêu.
2/ Lời phê khen của cô giáo: “Em có những phát hiện và suy nghĩ sâu sắc về hiện tượng đáng buồn này. Một người có trái tim nhân hậu, đa cảm và tư duy sắc sảo như em thật đáng quý.”
3/ Và…”Bài văn” của em Phan Hoàng Yến.
Tuấn Anh em như thấy có cái, và điều gì đó…”lấn cấn, chưa ổn”…lắm!
Bởi lẽ, không biết tác giả Phan Văn Phước, và cô giáo dạy Văn, hai vị ấy, đã có từng đọc qua bài này chưa nhỉ? Nếu hai vị ấy đã đọc, Tuấn Anh em tin rằng tác giả Phan Văn Phước sẽ không bao giờ viết bài “Xin cám ơn em “Hậu Sanh Khả Úy!” này; và cô giáo cũng không thể “sơ suất” đặt bút…phê khen: ” Em có những phát hiện và suy nghĩ sâu sắc về hiện tượng đáng buồn này. Một người có trái tim nhân hậu, đa cảm và tư duy sắc sảo như em thật đáng quý.”
Mời mọi người cùng đọc, rồi cảm nhận khách quan…so sánh, đánh giá:
http://www.baogiaoduc.edu.vn/chi-tiet/151-961-nghi-luan-xa-hoi–suy-nghi-ve-benh-vo-cam-trong-xa-hoi.html
– Nghị luận xã hội: suy nghĩ về bệnh vô cảm trong xã hội .
Ngày nay, người ta đang đầu tư rất nhiều cho việc “Người hóa” robot: biến chúng ngày càng trở nên giống con người hơn, từ cấu tạo những khớp xương, giọng nói.. và giờ là tình cảm, cảm xúc.Chỉ lạ một điều: Trong khi người ta vò đầu bứt trán để cài chíp cảm xúc cho những cỗ máy, thì cùng lúc đó, loài Người lại có khuynh hướng đi ngược lại. Tức là, họ ngày càng giống với những con robot: không có cảm xúc, không có lương tri, vận hành theo một quy trình sắp đặt sẵn. Căn bệnh vô cảm đã không chỉ còn là căn bệnh của một cá nhân, mà nó đã len lỏi, lan rộng ra cả một lớp người, một thế hệ, một xã hội. Con người, hay là một cỗ máy cấp cao?
Đứng trước cái xấu xa, cái đê hèn, mà không cảm thấy đau xót, phẫn nộ; không cảm thấy nhức nhối trái tim. Đứng trước điều tốt đẹp, những nhân cách cao thượng mà không cảm thấy ngưỡng mộ, cảm phục; không cảm thấy rung động tâm can. Căn bệnh vô cảm kéo người ta đến gần với cái chết lâm sàng: não thì vẫn hoạt động, nhưng trái tim thì đã ngừng đập.. Đó là một căn bệnh nguy hiểm biết chừng nào ! Thế nhưng, căn bệnh đó lại không ngừng lan rộng trong một xã hội công nghệ – thông tin ngày nay. Đi ra ngoài đường, chỉ thấy những dòng người đông đúc cố gắng rảo bước thật nhanh, hay trên những tuyến xa buýt không có chỗ vịn tay; còn mấy ai chịu khó đi bộ thư giãn, hay đạp xe vòng quanh bờ Hồ nữa. Giống như một cỗ máy được lập trình chỉ được thực hiện việc này trong từng này phút, việc kia trong từng kia phút, phải thật nhanh và chính xác, nếu không sẽ bị đào thải. Chính vì phải thật nhanh, thật chuẩn xác, nên còn mấy khi kịp để ý đến xung quanh? Những dòng xe lao vun vút, còn mấy ai để ý đến một cụ già cần qua đường? Những chen lấn trên chiếc xe chật chội, còn mấy ai để ý đến việc nhường ghế cho trẻ nhỏ, người già, người khuyết tật?.
Bệnh vô cảm xuất phát bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt như thế. Để rồi tiến xa hơn là sự vô cảm trước cái tốt, và vô cảm trước cái xấu trong xã hội. Điều đáng sợ của căn bệnh này, là nó khiến con người trở nên ích kỷ, độc ác và tàn nhẫn hơn. Nếu như có cảm xúc, liệu những bà bảo mẫu ở trường tư thục Mầm non Hà Nội có bao giờ tát, lấy bát đũa đập váo đầu trẻ, hay giựt tóc trẻ chỉ vì trẻ không chịu ăn và quấy nhiễu? Nếu như có cảm xúc, liệu những người quản lý nhà máy Vê – đan (Hà Nội) có bao giờ dám thải những chất hóa học độc hại xuống dòng sông Đồng Nai, khiến cho hàng chục người đã và đang sinh sống ở những khu vực gần đó mắc phải căn bệnh ung thư? ..
Người ta dám làm những việc xấu, chỉ vì người ta vô cảm trước cái xấu: không cảm thấy phẫn nộ, đau xót, hay không cảm thấy day dứt, ăn năn trước những việc mà mình làm. Người ta có thể cười trước một cảnh bạo lực đẫm máu, nhưng lại không cười trước cảnh đoàn tụ của một gia đình nơi sân ga. Người ta có thể khóc khi bị thua cờ bạc, nhưng người ta lại không khóc trước sự ra đi của người thân, bạn bè.
Vô cảm trước cái xấu là một nhẽ, nhưng vô cảm trước cái tốt còn đáng sợ hơn. Tình yêu thương là nguồn gốc của sự sống, của con người. Người ta mất đi tình yêu thương thì sự sống cũng không tồn tại. Khi đọc một cuốn sách hay, hay một câu châm ngôn trong cuộc sống, người ta vô cảm. Người ta thấy nó sáo rỗng và nhạt thếch. Thế nhưng người ta lại tìm thấy điều gì đó thú vị ở những câu chuyện hài tục tĩu truyền từ blog này sang blog kia.. Người ta nghe một bài hát kháng chiến, hay một bài nhạc vàng, người ta thấy nó cũ rích và không phù hợp. Nhưng người ta lại thấy cái hay, cái mới mẻ trong những bài hát thị trường mà âm nhạc bị sáo đi sáo lại, lời lẽ thì thẳng đuột và vô hồn. Người ta nhìn tấm gương đôi bạn Tây Nguyên cõng nhau đi học sáu năm trời, người ta thấy thật ngu ngốc và tẻ nhạt. Nhưng người ta tìm thấy điều đáng chú ý, đáng quan tâm ở những scandal của một cô ca sỹ, diễn viên nào đấy. Những thứ đáng đọc, đáng nghe, đáng nhìn ..để mà học tập, mà noi gương, mà xúc động, rung cảm.. thì người ta không đọc, không nghe, không nhìn.. Sự vô cảm trước cái tốt, bắt nguồn từ sự thờ ơ với xã hội, thờ ơ với cộng đồng. Tầm nhìn của họ bị bó hẹp lại cho bản thân chính họ mà thôi. Sẽ có người bảo: “Người ta vẫn biết cười, biết khóc, biết lắng nghe, biết đọc, biết nhìn.. tại sao lại bảo là vô cảm?”. Xin trả lời rằng, cảm xúc của họ chỉ tồn tại cho chính họ, mà không hề được chia sẻ, hòa chung cùng cộng đồng. Cảm xúc của họ không làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn mà ngược lại làm cho nó ngày càng giảm dần giá trị nhân văn, và kéo nó đi xuống.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh vô cảm, nhưng chủ yếu do hai yếu tố: bản thân, hay xã hội bên ngoài tác động vào. Là do bản thân họ không có tình yêu thương, không có trái tim, họ sống bằng thứ lý trí sắt đá, khô khan của mình. Họ dẫm đạp lên người khác để đạt được mục đích, bất chấp mọi thủ đoạn. Họ không cần biết điều đó là tốt hay xấu, chỉ cần biết thu lợi về cho bản thân mình. Một nguyên nhân khác là do ngoại cảnh tác động vào: khi một con người bị chính cái xấu hãm hại, khi mà những điều tốt đẹp không xảy đến với bản thân họ, thì họ sẽ trở nên hận đời,và vô cảm trước cuộc đời. Họ không còn lòng tin vào cái tốt, nên họ vô cảm trước những điều tốt đẹp. Họ bị cái xấu làm hại, nên họ muốn tất cả mọi người phải nếm thử cảm giác của mình. Như trường hợp những cô gái tỉnh lẻ bị lừa gạt, mang trong mình căn bệnh AIDS đáng nguyền rủa, nên họ muốn trả thù cuộc đời: họ làm gái mại dâm để truyền nhiễm thứ virus đó cho biết bao người đàn ông khác. Những con người mù quáng, nhưng lại đáng thương hơn đáng trách. Họ cũng muốn “được” có cảm xúc, muốn được yêu thương và an ủi, vỗ về. Thế nhưng, trả lại họ là sự bạc bẽo của người yêu, gia đình và cộng đồng. Những người mắc bệnh AIDS luôn muốn truyền thứ virus đó cho những người khác, chẳng phải là do họ độc ác, hay nhẫn tâm.. mà do chính xã hội, cộng đồng này đã phủ nhận và không đón nhận họ. Chính vì bị phủ nhận, nên họ càng muốn được khẳng định. Họ trả thù những kẻ coi khinh họ. Vậy rốt cuộc, ai mới là người vô cảm ? Là những con người đáng thương đó, hay là chính cộng đồng này ?
Nguyên nhân, nguồn gốc của bệnh vô cảm bắt nguồn từ tình yêu thương. Suy cho đến tận cùng, tình yêu là cảm xúc chi phối con người nhiều nhất; chính vì vậy, vô cảm tức là thiếu tình yêu thương. Họ không yêu thương bản thân, gia đình, xã hội này, nên mọi thứ đối với họ đều là “rỗng”, mà “rỗng” thì làm sao có cảm xúc cho được? Nếu như bắt nguồn từ tình yêu thương, thì kết thúc của nó cũng là tình yêu thương. Giải pháp duy nhất cho căn bệnh vô cảm này, chính là bù đắp tình yêu thương cho mình. Những kẻ sống bằng lý trí khô cứng, cần phải hiểu rằng: nên có một trái tim nóng. Để biết khóc, biết cười, biết lắng nghe, biết yêu thương, biết rung cảm. Nghe thì có vẻ sáo rỗng, nhưng thực sự là như thế. Nếu chúng ta biết mở lòng mình ra với thiên nhiên, ta sẽ thấy cuộc đời thật tươi đẹp, và quanh ta, sự sống đang nảy nở. Nếu chúng ta biết mở lòng mình ra với bạn bè, người thân, gia đình.., ta sẽ thấy: vẫn còn có người hiểu mình và ở bên cạnh mình; rằng mình không cô độc. Nếu chúng ta biết hòa mình vào xã hội, ta sẽ thấy những việc của ta giúp ích cho cộng đồng như thế nào, và ta sẽ thấy tự hào về chính bản thân mình. Chỉ mở lòng ra và đón nhận tất cả, ta sẽ thấy cảm xúc trong ta nảy bừng lên như chưa bao giờ bị chai sạn …
Còn đối với những người – vốn là nạn nhân của những kẻ vô cảm, thì cần phải biết kiềm chế mình lại, để nhìn xem xung quanh, vẫn còn biết bao người tốt, vẫn còn biết bao cánh tay đang chìa ra và những nụ cười rộng mở. Và chúng ta, những cá thể trong cộng đồng, phải biết mở lòng mình và đón nhận những con người trót một lần sai phạm. Nếu chúng ta mỉm cười với họ, họ sẽ yêu quý và biết ơn chúng ta suốt đời. Nhưng nếu chúng ta quay lưng lại với họ, sẽ có ngày họ đứng trước mặt ta và trả thù chúng ta một cách đau đớn nhất. Tình yêu thương, chúng ta phải biết rằng, bao giờ cũng làm nên điều kỳ diệu. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người Anh lại chọn động từ “yêu” là động từ hay nhất, tuyệt vời nhất.
Bệnh vô cảm không phải là một khối u ác tính có thể phá hủy chúng ta trong vài ngày, vài tháng. Nó là mầm bệnh HIV có thể ủ trong cơ thể ta hàng chục năm, và giết dần từng tế bào cảm xúc. Để rồi, cho đến một ngày, tất cả cảm giác, xúc cảm của chúng ta đều bị phá hủy, và chúng ta không còn có thể rung động trước một điều tốt, hay phẫn nộ trước một điều xấu.. Nó không phát bệnh trên bề mặt, mà thâm nhập từ bên trong. Một người vô cảm vẫn có thể cười, nói, lắng nghe, ngắm nhìn và khóc. Thế nhưng trái tim họ lại bị đóng băng. Họ không rung động, nhưng hoàn cảnh bắt buộc họ phải thể hiện cảm xúc, thì họ sẽ thể hiện cảm xúc.
Bệnh vô cảm không phải là căn bệnh thuộc về cơ thể – vật chất, mà nó thuộc về tâm hồn. Hàn Mặc Tử bị bệnh phong – tức là căn bệnh mà các giác quan đều bị bại liệt, sờ lửa không nóng, dao cắt không đau .., nhưng ông vẫn có thể cho ra những bài thơ làm rung động trái tim hàng triệu con người… Người ta nói, những kẻ tự kỷ là những người vô cảm: họ thường là những người câm điếc, hoặc có rối loạn về thần kinh, họ có khuynh hướng tự hành hạ bản thân mình bằng cách cắt cổ tay, xăm mình, bấm lỗ … hoặc luôn có ý định tự sát. Thực ra, điều đó không hoàn toàn là đúng. Họ cắt cổ tay, xăm mình, bấm lỗ.. không phải vì họ không biết đau, mà vì họ muốn khẳng định sự tồn tại của bản thân mình, một cách để biết rằng máu mình vẫn còn chảy, và mình vẫn đang sống. Một người như vậy, không hẳn là vô cảm, chỉ là họ không biết cách bộc lộ cảm xúc, họ bị bế tắc trong cuộc sống và muốn tự giải thoát. Riêng bản thân tôi nghĩ rằng, họ là những con người mang cảm xúc rất mãnh liệt, luôn đối chọi với cuộc đời, vì nhức nhối với những điều chướng tai gai mắt trong xã hội, và bế tắc trên con đường đi tìm lý tưởng của bản thân. Van Gốc là một ví dụ điển hình. Người ta có thể nói ông là một kẻ điên loạn vì đã tự cầm dao cắt một bên tai của mình, hay cầm súng dí vào đầu mình để tự sát.., nhưng không ai dám nói ông là một kẻ vô cảm, bởi những bức tranh mà ông để lại, luôn tràn đầy cảm xúc, với những màu sắc rực rỡ đối lập nhau. Hay hiện tượng những nhà văn Nhật có khuynh hướng tự sát sau khi hoàn thành tác phẩm tâm đắc nhất của mình, vì họ sợ tắc bút, họ sợ tất cả những gì mà họ viết ra tiếp theo sẽ không thể nào chiến thắng được những gì mà họ đã viết. Đưa ra ví dụ như vậy, để biết rằng, đôi khi có những cá nhân mà ta cho rằng, họ bị mắc bệnh vô cảm, thì thực sự không phải thế. Còn những người mà ta cho rằng họ bình thường, và họ có cảm xúc, thì thực ra lại chính là những kẻ vô cảm..
Tôi cũng đã từng có lần được chứng kiến những con người như thế.. Hồi cấp II, trường tôi học là nằm trong một khu chợ. Ồn ào, và lắm những người hành khất. Họ có thể đi xin từng hàng quán, hoặc hát xẩm để xin tiền. Có một đợt, có một gia đình ăn xin đến gần cổng trường để xin tiền học sinh. Họ có một cô con gái bị vấn đề về thần kinh, trông cô bé rất dị hợm, và nhếch nhác, bẩn thỉu. Bọn học sinh lớp 7 thường lấy đá hòn để ném vào người cô bé. Khi chạy ra ngăn, thì mấy đứa học sinh cười bảo “Nó không có cảm giác đâu, chị? Không biết đau đâu.”. Mấy đứa bạn tôi chép miệng, bảo “Tao thấy, đúng là thà không có cảm giác còn hơn, chứ nó mà có cảm giác, thì sẽ đau lắm..”. Tôi hiểu ý của chúng nó, tức là, nếu con bé mà biết đau, nếu nó hiểu tại sao nó bị ném đá, thì nó sẽ còn đau đớn hơn nữa.Tôi cũng đã nghĩ như vậy, cho đến 1 lần nhìn thấy con bé cứ đưa mắt nhìn mãi lên những lớp học.. Đôi mắt nó bé tẹo, dường như chỉ có mỗi lòng trắng. Nó cứ hướng mãi về một phía như vậy. Và tôi hiểu rằng, tôi đã sai rồi. Ai mới là kẻ vô cảm? Là con bé đó, hay là những đứa học sinh đã mở mồm ra nói “Nó không có cảm giác đâu …”, hay là chúng tôi – những người đã có cùng suy nghĩ ấy?
Đôi khi, phải biết lắng nghe và ngắm nhìn cuộc sống, để nghiệm ra nhiều điều. Đối với tôi, đó là một câu chuyện đáng nhớ, để nhắc nhở bản thân rằng, đừng nhìn vào bên ngoài, hãy nhìn vào trái tim người khác, để biết rằng, họ có phải là những kẻ vô cảm hay không ? …
Xin mượn một câu nói để kết thúc toàn bộ vấn đề: “Một xã hội vô cảm là một xã hội chết!”. Một cuộc sống vô vị và tẻ nhạt của một cỗ máy vô tri, chắc hẳn chẳng ai muốn như vậy. Vậy thì hãy mở lòng mình ra, để cho cảm xúc của bản thân có cơ hội được bộc lộ, để hòa nhập vào cộng đồng. Chẳng phải ngẫu nhiên mà học thuyết của Mac – Anghen lại đạt được thành công, chứ không phải là học thuyết duy tâm siêu hình “Con người là một cái đồng hồ, và trái tim là lò xo…” của những nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên khác; bởi vì ông đã nhìn con người theo cái nhìn biện chứng rằng tình cảm, cảm xúc mới chi phối và tạo nên con người.
Hihi…
Thế, hồi xửa…hồi xưa…lúc còn ngồi “mài ghế” nhà trường cấp 2, chị Năm có “vinh dự” là…”cháu ngoan bok ho”…hông đó!!!!!!
hihi…
Qua đọc cái còm của Tuấn Anh, thế thì, Út xin lỗi và mạn phép có ý kiến đề nghị ạ:
– Chị Ba ơi,
Thế thì, chị Ba, nếu được, có thể liên lạc với bác Phan Văn Phước, để bác ấy có thể có…ý kiến xem sao, và nếu có thể…thì “rút lại” bài viết này, được không ạ?
Út Vân,
Chị đã thư cho bác Phước.
Em chờ nhé.
“Cám ơn Tuấn Anh đã giới thiệu bài gốc.
Buồn há em, chẳng còn chữ gì để nói ngoài mấy chữ này: “cháu ngoan bác Hồ”.”
Cám ơn chị Năm nhiều, chị Năm đã thật sự hiểu và…”đi guốc trong bụng”…Tuấn Anh em!
hihihihihi…
“Không em ơi, tuy rằng có làm trưởng lớp một vài năm, hihi.”
“Chuyện khó tin” ở thời học sinh THCS xhcn, nhưng…có thật, hở chị Năm!
Với chủ đề…”Bài Văn” của entry này, nhân tiện, có một bài viết phân tích thật hay, cũng nói về một “bài văn” của học sinh phổ thông, nhưng “nó” lại bị…”O điểm”!
Mời cả nhà cùng đọc…thư giãn:
http://www.voatiengviet.com/content/nghi-ve-mot-bai-luan-van-bi-diem-khong/1580828.html
– Nghĩ về một bài luận văn bị điểm 0.
Ở trong nước, mấy tuần qua, dư luận khá xôn xao về một bài luận văn của một học sinh lớp 12 tên Vũ Hoàng L. Xôn xao vì bài văn ấy “hồn nhiên”, “thô thiển” và “tục tĩu” đến độ khiến người ta phải “giật mình”, hơn nữa, “choáng váng”.
Về đề tài giáo viên cho “Em hãy trình bày suy nghĩ của em về hiện tượng nói tục chửi bậy trong học đường hiện nay”, em học sinh ấy đã nhập đề bằng cách tự hỏi và tự trả lời:
“Nhắc đến vấn đề nói tục chửi bậy thì nó là một trò bình thường, vãi. Mục đích của nó là gì? Ý nghĩa của nó là chi? Để mọi người có thể mắng nhiếc ư? Không! Thế thì bạn bè đã đ…chửi nhau. Sao? Đấy chỉ là một số thằng à? CCC. Đ… ai mà chả nói tục chửi bậy.”
Theo tường thuật trên báo chí, ở đoạn sau đó, học sinh này thừa nhận: “Mình cũng hay nói bậy lắm”, rồi phân bua:“Trường hợp nào chúng ta cũng có thể nói bậy. Cơ bản là vì nó ăn sâu vào máu rồi, người nào mà chẳng chửi…” Bản tin cũng cho biết, bài luận văn ấy đã bị điểm 0 với lời phê của giáo viên: “Cần xem lại đạo đức bản thân”.
Bản tin về bài luận văn đầy những “tiếng lóng thô tục đang rất ‘thịnh hành’ trong giới trẻ hiện nay” ấy được đăng tải trên nhiều tờ báo khác nhau. Ở đâu nó cũng bị phê phán một cách gay gắt. Phần lớn đều cho là cách viết như thế “không thể chấp nhận được”. Một số người đi xa hơn, cho là nó phản ánh sự “xuống cấp đáng thất vọng về nhận thức và đạo đức của một bộ phận học sinh hiện nay.” Một người khác, đi xa hơn nữa, cho đó là sự xuống cấp của xã hội với hiện tượng “ngay cả những người có học hàm học vị cao vẫn giữ thói quen ‘đệm chữ’ khi nói chuyện với người quen và coi chuyện đó rất đỗi bình thường.”
Tôi không muốn biện hộ hay bênh vực cho em học sinh ấy. Đã lớp 12 rồi mà viết văn như vậy quả là một điều rất đáng kinh ngạc. Nhưng tôi không kinh ngạc về sự tục tĩu của em. Tôi chỉ kinh ngạc vì cái dốt của em. Và cả của thầy (cô?) giáo của em nữa.
Trước hết, cần lưu ý: hiện tượng học sinh nói tục là một hiện tượng khá bình thường. Dĩ nhiên, đó là điều không tốt. Nhưng vẫn bình thường. Ở đâu và thời nào cũng thế. Thời tôi còn học trung học, nhất là những năm đầu trung học (cấp 2), rất nhiều bạn bè tôi cũng thường nói tục. Cứ mở miệng ra là nói tục. Những chữ Đ.M. được sử dụng nhiều như những dấu chấm, dấu phẩy trong câu văn. Nhớ, lúc tôi học lớp 6 hay lớp 7 gì đó, thầy giáo ra lệnh là ai nghe bạn bè nói tục thì báo cho thầy biết; thầy sẽ phạt. Một lần, có đứa hổn hển chạy lại thầy tố: “Thưa thầy, Đ.M., thằng Minh nói Đ.M. em! Em nói ‘Không được’ mà, Đ.M., nó cứ nói hoài.” Ở Úc, ở lứa tuổi đó, học sinh cũng rất hay nói tục. Các nhà tâm lý học và giáo dục học cho điều đó không có gì đáng hốt hoảng cả. Đến lứa tuổi nào đó, tự dưng người ta bị khủng hoảng về bản sắc, muốn tự khẳng định mình, muốn tự xem mình là “người lớn”, muốn tỏ ra ngang tàng…Thế là người ta nói tục. Thông thường, vài năm sau, hiện tượng ấy tự dưng biến mất.
Tuy nhiên, hiện tượng viết tục như em học sinh trên vẫn bất bình thường. Bất bình thường ở hai điểm: Một, học lớp 12, em đã khá lớn tuổi; và hai, điều này mới quan trọng: em dám sử dụng cái thứ ngôn ngữ tục tĩu ấy vào bài viết.
Đi dạy cả mấy chục năm, tôi có kinh nghiệm về điều này: Ở Việt Nam (trước đây) cũng như ở Úc, không hiếm học sinh và sinh viên, ở ngoài đời, với những mức độ nhiều ít khác nhau, vẫn nói tục; nhưng khi cầm bút viết, nhất là viết luận văn (theo phong cách academic!) thì hầu như không ai chêm những thứ tiếng “Đức” hay tiếng “Đan Mạch” ấy cả. Người ta tự động kiểm duyệt. Người ta biết chúng không phải chỗ. Người ta biết người ta cần sử dụng một thứ ngôn ngữ khác với ngôn ngữ bình thường hằng ngày, với bạn bè.
Tôi cho lý do chính khiến em học sinh ấy viết như vậy là vì em không phân biệt được sự khác nhau giữa văn nói và văn viết.
Nếu đúng như vậy, khuyết điểm chính của em không phải là ở “đạo đức”. Mà là ở kiến thức.
Ở đây, chúng ta có thể đặt ra câu hỏi khác: Liệu các thầy cô có dạy cho các em phân biệt hai lối văn ấy hay không? Trong các xứ nói tiếng Anh, hai khái niệm “spoken English” và “academic English” được phân biệt rất rõ. Học sinh nào cũng được dạy và cũng phải biết. Còn ở Việt Nam? Hình như không. Bởi vậy, không có gì đáng sửng sốt khi có những học sinh viết y như cách các em nói chuyện hàng ngày. Lỗi, nhất định không thuộc về các em.
Trong các lời nhận xét trên báo chí, tôi chưa thấy ai đặt vấn đề với lời phê của giáo viên: “Cần xem lại đạo đức bản thân”.
Đứng về phương diện sư phạm, lời phê ấy hoàn toàn sai.
Sai ở hai điểm:
Thứ nhất, sai về nguyên tắc. Một trong những nguyên tắc đầu tiên và căn bản nhất mà giáo viên cần được học khi phê bài viết hay bài làm của học sinh / sinh viên là: Chỉ tập trung vào sản phẩm và không được nhắm vào con người; chỉ nói về những ưu và khuyết điểm của bài viết chứ không được phê phán tính cách của các em. Những cách phê như “Em chậm hiểu quá!” hay “Em dốt”, “Em ngu quá!” đều tuyệt đối bị cấm.
Thứ hai, sai về cách đánh giá. Nói tục hay viết tục dĩ nhiên là không nên. Nhưng nó chỉ thuộc phạm trù văn hóa chứ không phải là đạo đức; hoặc, nếu khó tính, xem đó là chuyện đạo đức thì cũng nên nhớ, trong thang đạo đức, đó là những điều ít xấu nhất. Một người nói tục chắc chắn không xấu bằng một tên ăn cắp. Đúng không? Nếu đúng, một học sinh viết tục và một học sinh đạo văn, ai cần bị phê phán hơn ai?
Bởi vậy, tôi cho qua hiện tượng học sinh viết bài văn tục tĩu như trên, vấn đề đáng báo động không phải là chuyện “đạo đức bản thân” của học sinh. Mà là ở nền giáo dục hiện nay.
Một trong những nguyên tắc đầu tiên và căn bản nhất mà giáo viên cần được học khi phê bài viết hay bài làm của học sinh / sinh viên là: Chỉ tập trung vào sản phẩm và không được nhắm vào con người; chỉ nói về những ưu và khuyết điểm của bài viết chứ không được phê phán tính cách của các em.
Chị kể Tuấn Anh nghe chuyện này (chuyện thật): Hồi học lớp 8 chị bị cô giáo dạy Anh văn phê vào bài kiểm tra thế này: “Giỏi! Nhưng có hiểu bài không?” Trong khi đó các bạn khác thì bị phê nhiều câu đọc buồn hơn: “Ngốc ơi! hoặc “Chữ nào cũng sai! Sao dịch hay quá vậy?”…, đại loại thế.
Cô giáo ấy mới ra trường, và chắc cô không được học điều này ở trường sư phạm. Kết quả là cô đã thất bại hoàn toàn. Học sinh xa lánh cô, giữ thái độ “kính nhi viễn chi” hoặc lờn mặt, coi thường cô, hihi, hai thái cực!
Nghe mà ngậm ngùi, em nhỉ.
Buồn, “song hành” cùng…ngậm ngùi, hở chị Năm?
Thế thì, chị Năm thư giãn với 3 mẫu chuyện ngăn ngắn em copy về, cùng nghe nhạc nghen…
1/
Xe ngừng…
– Mận ngọt đây!…
– Bao nhiêu tiền bịch mận đó?
– Dạ 2000.
– Hổng có tiền lẻ!
– Để con đổi cho!
Cái bóng nhỏ lao đi. Năm phút, mười phút…
– Trời! đồ ranh! Nó cầm 5000 của tui đi luôn rồi!
– Ai mà tin cái lũ đó chứ!
– Bà tin người quá!…
Xe sắp lăn bánh… Cái bóng nhỏ hớt hải:
– Dì ơi! Con gửi ba ngàn. Đợi hoài người ta mới đổi cho!
2/
Học lớp 12, tôi không có thời gian về nhà xin tiền ba như 2 năm trước. Vì thế, tôi viết thư cho ba rồi ba đích thân lên đưa cho tôi. Từ nhà đến chỗ tôi trọ học chừng 15 km. Nhà nghèo không có xe máy, ba phải đi xe đạp. Chiếc xe gầy giống ba…
Cuối năm, làm hồ sơ thi đại học, tôi lại nhắn ba. Lần này, sau khi đưa cho tôi một trăm ngàn, ba hỏi:”Có dư đồng nào không con?”. Tôi đáp: “Còn dư bốn ngàn ba ạ”. Ba nói tiếp:”Cho ba bớt hai ngàn, để lát về, xe có hư như lần trước thì có tiền mà sửa”.
Ba về, tôi đứng đó, nước mắt rưng rưng…
3/
Hai người đi trên con đường vắng vẻ. Đến một đoạn, họ có một cuộc tranh luận khá gay gắt và một người đã không kiền chế được giơ tay tát vào mặt bạn mình. Người kia bị đau nhưng không hề nói một lời. Anh viết trên cát: ” Hôm nay, người bạn thân nhất của tôi đã tát vào mặt tôi “.
Họ tiếp tục đi, đến một con sông, họ dừng lại và tắm ở đấy. Anh bạn kia không may bị chuột rút và suýt chết đuối, may mà được người bạn cứu. Khi hết hoảng sợ, anh viết lên đá: ” Hôm nay, người bạn thân nhất đã cứu sống tôi “.
Anh bạn kia ngạc nhiên hỏi: ” Tại sao khi tôi đánh anh, anh viết lên cát, còn bây giờ anh lại viết trên đá? ”
Mỉm cười, anh trả lời: ” Khi một người bạn làm chúng ta đau, chúng ta hãy viết điều gì đó trên cát, gió sẽ thổi bay chúng đi cùng sự tha thứ… Và khi có điều gì đó to lớn xảy ra, chúng ta lên khắc nó lên đá như khắc sâu vào ký ức của trái tim, nơi không ngọn gió nào có thể xóa nhòa được… “.
Hãy học cách viết trên cát và đá.
Cám ơn Tuấn Anh đã giới thiệu những truyện ngắn thật ngắn nhưng làm cho chúng ta phải suy nghĩ.
Tuấn Anh em kính chào chị Ba ạ!
Dạ, em cũng cám ơn chị Ba đã lưu ý đọc “còm copy” của em ạ.
Thi xong, ranh rảnh một chút, nhân chủ đề entry đề cập đến “bệnh vô cảm”, em copy về còm, để đọc thư giãn chút chút đó chị Ba.
Kính thưa Tác Giả Tuấn Anh,
Thể theo lời mời của Cô Nguyệt Mai, tôi, Phan văn Phước, xin có ý kiến như sau:
1- Cô Nguyệt Mai viết thư ”xin” tôi bài viết ”Xin cám ơn em Hậu Sanh Khả Úy”, chứ tôi không ”năn nỉ” Cô ấy bao giờ.
2- Điều khiến tôi không nỡ lòng ”từ chối” là văn phong (của cô ấy) rất dễ thương. Cho nên tôi trả lời Cô: ”Văn tức là người. Nhưng tôi còn muốn thêm rằng cách hành văn của Cô cho biết biết Thân Sinh của Cô là…” (Xin lỗi Cô Nguyệt Mai, tôi chỉ nhớ đại khái như thế vì đã xóa thư ấy rồi.)
3- Tôi không muốn ”biến” bài viết của em bé Phan Hoàng Yến thành điều gì đó để ”vinh danh mình”, mà chỉ nhắm mục đích như tôi viết ở số 4 như sau:
”Em can đảm gióng lên ”tiếng còi báo động” không những cho các bạn tuổi hoa niên, cho quý Kỹ Sư Tâm Hồn, mà còn cho toàn thể Đồng Bào mang danh là ”Con Rồng, Cháu Tiên”, Hậu Duệ của Vua Hùng, Thánh Hiền Việt Nam!!! Em là gương soi để quý Thầy Cô nhìn lại mình có xứng đáng với chức năng cao quý của mình không! Henry Brooks Adams phát biểu: “Người Thầy gây ảnh hưởng đến thiên thu: Thầy không bao giờ nói được ảnh hưởng của mình dừng lại nơi nào.” (Un professeur influence l’éternité: il ne peut jamais dire où son influence s’arrête.) René Leriche quan niệm: “Giá trị của người Thầy được đo lường nơi nhân cách của trò mình.” (La valeur d’un professeur se mesure à la personnalité de ses élèves.)”
4- Trước khi mạo muội viết vài hàng ”phúc đáp” kính gởi Tác Giả Tuấn Anh, tôi xin phép trích lời của ”Vị” ấy như sau:
”Xin mượn một câu nói để kết thúc toàn bộ vấn đề: “Một xã hội vô cảm là một xã hội chết!”. Một cuộc sống vô vị và tẻ nhạt của một cỗ máy vô tri, chắc hẳn chẳng ai muốn như vậy. Vậy thì hãy mở lòng mình ra, để cho cảm xúc của bản thân có cơ hội được bộc lộ, để hòa nhập vào cộng đồng. Chẳng phải ngẫu nhiên mà học thuyết của Mac – Anghen lại đạt được thành công, chứ không phải là học thuyết duy tâm siêu hình “Con người là một cái đồng hồ, và trái tim là lò xo…” của những nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên khác; bởi vì ông đã nhìn con người theo cái nhìn biện chứng rằng tình cảm, cảm xúc mới chi phối và tạo nên con người.” (Xin phép tô đậm để ý của Vị ấy được nổi bật.)
Lời ”phúc đáp” của tôi:
1- Tôi vẫn nhớ nằm lòng câu nói của Ông Charles Péguy: ”Tâm hồn chết là tâm hồn hoàn toàn bị tập quán hóa.” (Une âme morte est une âme complètement habituée.) Trong cách dịch ý của Danh Nhân Charles Péguy, tôi không dùng chữ ”một” như trong câu Ông Tuấn Anh viết.
Câu của Danh Nhân ấy đã từng được quý Thầy Cô ở Trung Học (Trường Pháp, Việt) ra đề thi cho thí sinh bởi vì ”quý Kỹ Sư tâm hồn” muốn trò trở thành người không thuộc phạm trù VÔ CẢM.
2- Tác Giả Tuấn Anh ca tụng thuyết Mác… thì đó là quyền của Tác Giả. Tôi không đưa ra nhận định của mình, mà ”xin được bắt chước TG Tuấn Anh, cũng ”mượn” lời phát biểu của Lênin như sau:
”Tôi đã phạm phải sai lầm lớn. Cơn ác mộng của tôi là cảm thấy mình bị lạc trong đại dương máu của vô số nạn nhân. Quá trễ nên không thể trở lại. Để cứu quê hương của mình là Nga, GIÁ NHƯ chúng ta đã cần đến người như Francis Assisi. Với mười người như ông ấy, chúng ta ĐÃ cứu được nước Nga. (I committed a great error. My nightmare is to have the feeling that I’m lost in an ocean of blood from the imnumerable victims. It is too late to return. To save our country, Russia, we would have needed men like Francis of Assisi. With ten men like him, we would have save Russia.)
Xin thưa rằng Francis of Assisi Thánh sống vào đầu thế kỷ thứ 13. Ông là con của một thương gia giàu có ở Ý, đã từ bỏ hết tài sản để sống đời khó nghèo, CẢM THÔNG và chuyên phục vụ người bần cùng, khốn khổ.
3- Tôi không buồn về lời phát biểu của Tác Giả Tuấn Anh và những người đã ủng hộ Vị ấy bởi vì tôi cần dành thì giờ quý báu của mình để viết về những giá trị thiêng liêng khác như Đạo Làm người, ”âm hưởng Thầy Cô” mà Tác Giả Tuấn Anh có thể đã xem phớt qua.
4- Tâm tình của tôi là vẫn quý mến, nâng niu ý kiến của em Phan Hoàng Yến, của Cô Giáo dạy Việt Văn cho em, của vô số Đồng Bào cảm phục tấm lòng của em ấy.
5- Còn nhiều tâm tình khác mà tôi không thể thổ lộ nơi đây, chỉ viết thư riêng kính gởi đến Cô Nguyệt Mai.
Nay kính,
Phan văn Phước
– “Kính thưa Tác Giả Tuấn Anh,”
Kính thưa bác Phan Văn Phước (Bạc Liêu),
Lời đầu tiên, cho phép cháu được thật lòng kính gởi đến bác lời chúc sức khoẻ, chúc bác cùng gia đình của bác, luôn luôn an vui và hạnh phúc ạ.
Thưa bác, rất cám ơn bác đã dành thời gian hồi đáp comment của đích danh Tuấn Anh con ạ!
Nhưng, ấy chết! Thưa bác, cho cháu được đính chính một chút: cháu chỉ đáng tuổi con cháu của bác thôi, và cháu hiện vẫn đang còn đi học, bác ạ!
Sự “trân trọng” trong tinh thần “hiểu lầm trầm trọng” ở cách xưng hô này của bác, làm con cảm thấy…hơi hơi áy náy lúng túng, đấy ạ!
Rất kính mong bác dìu dịu “thư giãn” một chút, để Tuấn Anh cháu, có thể có dịp và cơ hội được xin phép “trò chuyện” cùng thưa lại với bác, trong tinh thần…Ông và Cháu, được chứ ạ?
Kính thưa bác,
Đọc nội dung comment hồi đáp của bác, Tuấn Anh con (một độc giả) cảm thấy hơi…ngỡ ngàng một tí, đấy ạ!
Bởi lẽ, Bác đã “hiểu lầm” thật sự cái ý, và nội dung trong comment của con rồi!?
Nếu bác không trách con “vô phép”, Tuấn Anh con, kính mời bác thư giãn…đọc lại nội dung cái comment của con, cũng như bài viết: ” – Nghị luận xã hội: suy nghĩ về bệnh vô cảm trong xã hội.” mà con đã copy cũng như dẫn link trong comment.
Trong khi chờ bác vui lòng hồi đáp cái comment này của cháu, cháu mạn phép, trích mượn đoạn viết của Ts Nguyễn Hưng Quốc, để thay lời “gợi mở” mà ý cháu muốn đề cập, khi đọc bài viết “Xin cám ơn em “Hậu Sanh Khả Úy!”…của bác ạ:
– “Nói tục hay viết tục dĩ nhiên là không nên. Nhưng nó chỉ thuộc phạm trù văn hóa chứ không phải là đạo đức; hoặc, nếu khó tính, xem đó là chuyện đạo đức thì cũng nên nhớ, trong thang đạo đức, đó là những điều ít xấu nhất.
Một người nói tục chắc chắn không xấu bằng một tên ăn cắp. Đúng không? Nếu đúng, một học sinh viết tục và MỘT HỌC SINH ĐẠO VĂN, ai cần bị phê phán hơn ai?”
http://www.voatiengviet.com/content/nghi-ve-mot-bai-luan-van-bi-diem-khong/1580828.html
Kính,
Ui cha!
Sao bác ấy lại còm vậy nhỉ?!
Tuấn Anh mến,
Trước hết, xin cám ơn Tuấn Anh đã có lời chúc gia đình tôi như thế, như kia.
Sau khi đọc cách xưng hô của Tuấn Anh, tôi xin được viết quý danh Tuấn Anh có chữ ”mến” thật lòng.
Tôi thành thật xin lỗi Tuấn Anh vì đã ”hiểu lầm trầm trọng” như Tuấn Anh nhận xét. Sau khi nhận lỗi ấy, tôi xin Tuấn Anh và độc giả cho tôi nêu lý do của việc ”hiểu lầm” như sau:
Hôm qua, sinh nhật của con gái hai mươi hai tuổi. Đang vui nên tôi càng không giận lời bình mà mình đọc ”phớt qua” để còn tham dự ”tiệc” với nhiều người. Do không đọc kỹ, tôi cứ ngỡ ”tác giả” là Tuấn Anh.
Bây giờ, tôi xin mạo muội chia sẻ với Tuấn Anh và độc giả ở Trang Phay Van vài cảm nghĩ:
1- Định không vào Trang Phay Van nữa để quên đi chuyện ”không cùng quan điểm”, để đừng ”nói” gì thêm có thể làm người khác chẳng vui, tôi bèn viết về vấn đề mà tôi thường rất quan tâm. Tuy nhiên, chợt nghĩ rằng có thể mình nhận được phản ứng của Tuấn Anh, tôi mới vào Trang vừa nói.
2- Khi được Cô Nguyệt Mai ”xin” rất dễ thương là ”cho cháu được phép đăng bài rất hay của Chú…” (Tôi không nhớ rõ nguyên văn còn dễ thương hơn nữa.), tôi bèn trả lời về việc Cô ấy nhờ tôi sửa lại phần giới thiệu mà, theo tôi, Cô ấy trích nguyên văn lời của Cháu ruột tôi. Tôi viết đại ý rằng Cô muốn giới thiệu sao là tùy Cô. Phát biểu như thế là tôi chứng tỏ mình phải tôn trọng người viết chẳng xúc phạm gì đến mình.
3- Cô Nguyệt đã giới thiệu thì tôi cũng xin nói rõ tôi là giáo sư Pháp-Anh văn trước biến cố 75. Cho nên, tôi nhớ Tiền Nhân, Thánh Hiền, Mái Trường thụ nhân (đào tạo nhân tài cho Đất Nước), Cha Mẹ, quý Thầy Cô, học sinh, phấn trắng, bảng đen, sân Trường, gió vờn suối tóc, mực dính tay, dính bàn, nói chung là ”khoảng không gian của tình yêu mến nồng nàn thanh cao” như trong bài thơ ”Âm Hưởng Thầy Cô”.
4- Cho nên, khi đọc lời ca tụng người mà tôi không dám nhắc lại danh xưng, tôi giật mình, chứ chẳng buồn như đã nêu: ”… không đưa ra nhận định của mình, mà ”xin được bắt chước…” (Xin nói lại: Tôi xin lỗi vì đã ngộ nhận tác giả là Tuấn Anh.)
5- Tôi ngộ nhận, nhưng, trong chừng mực nào đó, có thể suy nghĩ như người Pháp nói: ”Hãy cho tôi biết bạn năng lui tới với ai thì tôi sẽ nói bạn biết bạn là ai.” (Dis-moi qui tu hantes et je te dirai qui tu es. Tell me who you frequent and I’ll tell you who you are.) Dĩ nhiên, bây giờ, tôi mới ám chỉ người (mà tôi không rõ là ai) ủng hộ ÔNG KIA.
6- Trong thư gởi cho Cô Nguyệt Mai, tôi có viết (Xin Cô vui lòng cho tôi trích) như sau:
Ví dụ: Tôi có lọ nghẹ trên má. Nguyệt Mai chỉ cho tôi hay thì tôi phải có lời cám ơn chân tình. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII nói thế này: ”Ai tô bốc tôi thì người ấy có thể làm hại tôi. Còn ai phê bình, thậm chí chỉ trích tôi thì người ấy là bạn tốt.” Thánh Hiền cũng dạy: ”Gạo bỏ vào cối, có đâm, có giã, có sứt, có mẻ, có gãy, có vụn thì mới trắng tựa bông.”
7- Thể theo lời đề nghị của độc giả nọ là ”rút bài ấy xuống”, tôi cũng tái đề nghị: Kính xin Trang Phay Van vui lòng xóa bài đó đi để khỏi tủi lòng em Phan Hoàng Yến và những ai có tấm lòng với em.
8- Tôi kính đề nghị thêm: Trang Phay Van vui lòng xem xét lời bình thật kỹ. Nếu ”nó” không tác hại đến tình đoàn kết ”người Việt một Mẹ” (Đồng Bào) thì nên đăng.
Quý mến,
Phan văn Phước
Bác kính,
Rất cám ơn bác đã dành thời gian quý báu của mình, vui lòng ghé lại hồi đáp comment cho cháu ạ.
Kính thưa bác,
Đọc cái comment hồi đáp này của bác, cháu vui lắm, như thể “trút được” một gánh nặng tâm lý khi bị áy náy lương tâm vậy!
Bởi lẽ, khi đọc xong cái comment hôm qua của bác, cháu tự vấn, như lời người xưa đã dạy: “Chỉ báng mạc nhược tu thân”.
Vì vậy, cháu cứ áy náy, không biết trong comment, khi viết, mình có vô tình sơ suất dùng câu chữ gì “bất nhã, bất kính”, khiến vô tình có thể làm…”xúc phạm” đến bậc trưởng thượng chăng?
Bác kính,
Thật là hân hạnh cho cháu, bởi, Bác đã là bậc mô phạm trưởng thượng, bác đã không nhìn, xem, lớp trẻ chúng cháu là…”đồ con nít”, là…không đáng “nói chuyện”; mà trái lại, bác đã ứng xử với phong cách và tư cách đối thoại trao đổi giao tiếp thẳng thắn thật tuyệt vời!
Cháu kính phục bác!
Bác kính,
Là bậc trưởng thượng, cá nhân cháu hân hạnh được bác trải lòng “chia sẻ cảm nghĩ” của bác trong comment.
Vì vậy, cháu cũng xin phép bác, cho cháu được chia sẻ lại…lý do, tại sao cháu QUYẾT ĐỊNH gõ viết cái comment đầu tiên (sau nhiều đắn đo) sau khi đọc bài “Xin cám ơn em “Hậu Sanh Khả Úy!”…của bác?
Kính thưa bác,
Cháu thật tình và thật lòng không bao giờ nghĩ và dám…”lộng ngôn”, theo kiểu: “Đạo ngô quá giả thị ngô sư, Khoa ngô hảo giả thị ngô tặc”!
Nhưng, thật sự, khi đọc “bài văn” của em Phan Hoàng Yến, cháu đã cảm thấy hơi hơi không ổn, và lờ mờ như thấy có chút gì đó có hơi hướm bàng bạc…”đạo ý, đạo văn”!
Để xác định, vì vậy, cháu đã tìm lại bài viết mà cháu đã từng đọc, với mục đích là để…so sánh, kiểm chứng! ( chứ không phải copy + dẫn link bài viết là cháu…”ủng hộ ÔNG KIA”, như bác phỏng đoán nhận định!)
Và, y như rằng, “bài văn” của em Phan Hoàng Yến có “hơi hướm bàng bạc”…chưa ổn thật!
http://www.baogiaoduc.edu.vn/chi-tiet/151-961-nghi-luan-xa-hoi–suy-nghi-ve-benh-vo-cam-trong-xa-hoi.html
Bác kính,
Rất trân trọng những cảm xúc thật, những tình cảm thật, và những lời nhận xét đánh giá khen ngợi thật lòng của bác, của cô giáo, cũng như của tất cả quý vị độc giả khác cho em Phan Hoàng Yến…khi LẦN ĐẦU đọc bài văn của em ấy!
Nhưng, thật là…ngỡ ngàng đáng tiếc thay, khi những cảm xúc thật, những tình cảm thật, những lời khen ngợi thật lòng ấy, lại trao không đúng…đối tượng…
– “Một người nói tục chắc chắn không xấu bằng một tên ăn cắp. Đúng không? Nếu đúng, một học sinh viết tục và một học sinh đạo văn, ai cần bị phê phán hơn ai?”
(Ts Nguyễn Hưng Quốc)…
Vì vậy, mà trong comment đầu tiên con mới viết “gợi ý”:
– “Bởi lẽ, không biết tác giả Phan Văn Phước, và cô giáo dạy Văn, hai vị ấy, đã có từng đọc qua bài này chưa nhỉ?
Nếu hai vị ấy đã đọc, Tuấn Anh em tin rằng tác giả Phan Văn Phước sẽ không bao giờ viết bài “Xin cám ơn em “Hậu Sanh Khả Úy!” này; và cô giáo cũng không thể “sơ suất” đặt bút…phê khen: ” Em có những phát hiện và suy nghĩ sâu sắc về hiện tượng đáng buồn này. Một người có trái tim nhân hậu, đa cảm và tư duy sắc sảo như em thật đáng quý.”
Bác kính,
Đó là ý chính mà cháu muốn gởi trong comment đầu tiên đấy ạ!
Bởi, cháu nghĩ:
– “Two wrongs do not make a right.”
And…
– “Truth will Conquer”
Và, Chị Năm (Phay Van), đọc, đồng cảm và thực sự hiểu ý “còm” của con, chị ấy…mới thở dài…và “còm”:
– “Cám ơn Tuấn Anh đã giới thiệu bài gốc.
Buồn há em, chẳng còn chữ gì để nói ngoài mấy chữ này: “cháu ngoan bác Hồ”.
Và, cái còm hồi đáp của con:
– “Cám ơn chị Năm nhiều, chị Năm đã thật sự hiểu và…”đi guốc trong bụng”…Tuấn Anh em!
hihihihihi…”
Bác kính,
Qua cái comment hồi đáp đầy phong cách lẫn tư cách mô phạm đáng kính của bác, cháu cảm thấy đã “thanh thản”, vì vậy, cháu mạn phép đề nghị: nên chấm dứt “trao đổi”, và cho qua đề tài này ở đây, bác nhé!
Kính,
Kính thưa chú Phước và bé Tuấn Anh thân mến,
Bài mà Tuấn Anh đã dẫn đăng 03/03/2010, tại đây:
http://lhp8689.net/vi/news/Su-Kien-Suy-ngam/Benh-vo-cam-trong-xa-hoi-ngay-nay-169/
Tác giả: Trần Thanh Mai – 11 chuyên Văn – trường THPT Lê Hồng Phong – Nam Định.
Đây mới là bài văn gốc chăng?
Nhưng thôi, như bé Tuấn Anh nói, chúng ta sẽ không bàn tiếp.
Nạn đạo văn ở VN ngày nay đã lan tràn từ vua quan cho đến thứ dân.
Wow..!
Ròm em dzắng mặt mấy hôm, ở nhà xảy ra chiện..hay hay..nhỉ!