Chị Yến

Trong tháng 12 tôi thật bận rộn sau một chuyến đi xa trở về. Anh THT cho biết TQBT 55 có chủ đề “Nhà văn Dương Nghiễm Mậu” sẽ phát hành tháng 1-2013 với phụ bản “Địa ngục có thật”, một bút ký của ông viết về Tết Mậu Thân, mà anh đã cùng với chị Yến đi lên Đại học Yale sưu tập (vì gần nhà anh chị hơn Đại học Cornell). Anh chị đi lần thứ nhất, phải đóng $35 làm thẻ thư viện chỉ có giá trị trong một tuần lễ (chuyện tiền nong này, đại học Cornell không bao giờ đòi hỏi). Tuy nhiên, dù anh đã đứng trước kệ sách tìm hoài tìm mãi nhưng vẫn không thấy. Hỏi thì được biết cuốn sách đã có người mượn và chưa hoàn trả. Anh buồn bã ra về. Anh đã nản chí, đã nghĩ là sẽ ra báo nhưng không làm phụ bản nữa. Nhưng hai ngày sau khi nhận được email của Yale cho hay sách đã về tới thư viện và yêu cầu anh tới nhận sách trong vòng 10 ngày, thì chính chị Yến là người đã động viên, đã khuyến khích anh thực hiện ý định của mình. Để anh chị lại lên đường thêm một lần nữa. Nói như vậy, để bạn thấy rằng, đằng sau anh Trần Hoài Thư luôn luôn có người vợ, người cộng sự đã đồng hành với anh trên mỗi bước đường, mỗi dự án. Sẽ không bao giờ có cả ngàn, cả chục ngàn trang sách sưu tầm văn thơ miền Nam thời chiến nếu không có chị Yến tiếp tay ủng hộ với anh THT để thực hiện những dự án đồ sộ ấy. Như anh Phạm Cao Hoàng đã ghi lại trên trang blog của anh:

(nguồn: Blog Phạm Cao Hoàng)

(nguồn: Blog Phạm Cao Hoàng)


“Công việc đầy hy sinh và gian khổ của Trần Hoài Thư và Nguyễn Ngọc Yến trong hơn 10 năm qua nhằm sưu tầm và thực hiện TỦ SÁCH DI SẢN VĂN CHƯƠNG MIỀN NAM 1954-1975 là có một không hai. Lái xe hàng ngàn dặm, nhiều lúc trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, đến các thư viện Mỹ còn lưu trữ sách báo miền Nam trước 1975, sao chụp lại, mang về nhà đánh máy, in thành tuyển tập, thành sách. Không phải chỉ in vài cuốn, mà là hàng trăm cuốn. Không phải chỉ vài trăm trang, mà là hàng chục ngàn trang. Lao tâm khổ trí, vất vả, mệt nhọc, tốn kém tiền bạc, nhưng Nguyễn Ngọc Yến, người phụ nữ hiền hòa gốc Cần Thơ, vẫn vui vẻ kiên trì hỗ trợ Trần Hoài Thư hoàn thành ước mơ của mình…”
(Một bông hồng cho bạn tôi – Phạm Cao Hoàng)

Chị Yến mà trước đây tôi chỉ được “thấy” qua văn chương, qua những bài viết của anh, và các bạn của anh. Từ những ngày đầu mới quen:
… Đồng bằng bỗng chốc mà thân thiết
Bởi có em là một tình nhân…

(Cảm tạ đồng bằng – Trần Hoài Thư)

Đến khi anh chị lấy nhau, một đám cưới rất đơn giản thời chiến tại Sài gòn mà anh đã ghi lại:
Người yêu tôi ở tận đồng bằng
Tôi đánh điện về nàng xin hỏi cưới…
… Đám cưới không nhà cao, nhà thấp
Không áo quần lễ lạc xênh xang
Tôi quá nghèo chỉ bộ đồ xanh
Dăm thằng bạn quen nhau thời khốn khó
Nàng thì thào bên tôi, cần gì thứ đó
Miễn tình anh vô lượng như thơ anh

(Người yêu tôi ở đồng bằng – Trần Hoài Thư)

Để rồi sau đó anh vội vã trở về đơn vị và chị trở về Cần Thơ, mang theo nỗi nhớ thương, lo lắng của người chinh phụ:
“Phải. Em không bao giờ biết được một ngày, em lại mang thêm niềm lo âu, đau khổ mới. Em mới biết rằng trên đời này, không phải riêng em, mà còn có biết bao những người con gái khác như em. Không phải lo âu đau khổ thường tình mà là niềm lo âu đau khổ vì định mệnh. Những sáng những chiều đợi thư anh. Những sáng những chiều đọc tin tức trên báo chí hay nghe từ máy thu thanh hay liếc vội vàng trên các tin phân ưu cáo phó. Anh đã làm em lo sợ. Và em chỉ biết cầu cứu đấng Tối Cao để cầu nguyện. Trong đêm khuya. Trong những buổi trống vắng. Vâng, em đã yếu đuối. Tất cả những người còn lại đều yếu đuối. Bởi vì em và họ đã bất lực.
Anh còn nhớ không, hỡi anh yêu dấu. Lần nào anh về, anh cũng làm em muốn bật khóc. Anh về, không vui, không buồn, bước những bước chậm và mỏi. Đi bên anh, em có cảm giác như sắp rời anh. Anh đã thuộc về ai, chứ không thuộc về em nữa. Anh không biết, trong lần gặp nhau cuối cùng, em đã cúi mặt, ít nói năng, nhưng thật sự, con tim em đã nói thật nhiều. Em muốn kể cùng anh tất cả nỗi nhớ nhung như trời biển. Em muốn nói cùng anh, mỗi giờ mỗi phút là mỗi lo lắng, chờ đợi bàng hoàng. Anh đã theo em không rời…”

(Lời cầu nguyện – Trần Hoài Thư)

Chị đã chấp nhận hết tất cả khi yêu anh, khi làm vợ anh, rồi sau ngày giải giáp, khi anh lên rừng tràm “trả nợ”, chị đã ở lại gánh những gian nan:

Sợi tóc mấy năm em làm tình nhân
Khi em theo tôi một thời lận đận…

… Khi yêu tôi, em trở thành thua lỗ
Bắt chước ca dao, hái nụ khổ đau…

… Tôi bỏ em vào tận rừng tràm
Em cũng theo tôi nuôi chồng lận đận
Bà Tú Xương ngày xưa gánh gạo
Em cũng theo bà gánh tiếp lao đao
Cám ơn em, người con gái miền Nam

(Sợi tóc nhớ nhung – Trần Hoài Thư)

Như nhà thơ Du Tử Lê đã ghi lại:
“ Tuy đã trên mười năm, tôi vẫn không quên, một buổi tối, trong bóng tối nhoè nhoẹt khu parking, một thương xá rời rã ở thành phố Philadelphia, người bạn đời của nhà văn Trần Hoài Thư, kể tôi nghe: Năm 1979, họ Trần ra tù, về quê vợ. Tám tháng không nghỉ, mỗi ngày mười tiếng, với cặp mắt cận thị 7 độ, một tai điếc, một xác thân chỉ còn 35 ký lô, Trần Hoài Thư gò lưng trên chiếc xe đạp rách, nát, chở thùng kem, bán dạo trên các ngã đường Tây Đô…
Chị kể, chị không dám, dù chỉ một lần, lấy con số 10 giờ, nhân với số ngày của tám tháng nắng, mưa phũ phàng trên phần số của người đàn ông (mà,) chị vẫn vẹn, nguyên ngưỡng mộ. Chị bảo, đêm nào, chị cũng phải cố cầm, ngăn nước mắt, khi nhìn, ngắm người đàn ông, mối tình đầu của chị, đìu hiu chiếc bóng, tìm về căn nhà bế tắc mọi lối thoát…
Chị nói, cuối cùng, chị đành chọn lựa: Vượt biên. Vợ, chồng lại chia tay! Chị để Trần Hoài Thư đi trước. Nếu ông trót lọt, chị sẽ ôm con, đi sau.
Vì sống trong một thành phố nhỏ, (mà,) chồng lại là tù cải tạo, đang bị công an địa phương quản chế; nên, nhất cử, nhất động của họ Trần, đều bị giám sát chặt chẽ.

“Vợ chồng chúng tôi phải dàn cảnh gây lộn nhau. Đêm nào anh ấy cũng giả bộ say rượu. Khua, đập nồi, niêu. La. Hét. Nạt nộ vợ con. Xáng chén. Xáng bát… Tới độ lối xóm sinh lòng tội nghiệp cho tôi… Sau những màn kịch dở khóc, dở cười như vậy, chúng tôi cũng tội nghiệp cho hoàn cảnh của chính mình… Nhưng, nhờ thế mà, ngày anh ấy vượt biên, vắng mặt trong nhà, đã không bị công an điều tra, gây khó. Vài tháng sau, tới phiên tôi và cháu nhỏ, cũng lặng lẽ, ra đi…”

Được biết, họ vượt biên ở cùng một cửa biển; nhưng mỗi con thuyền, lại trôi dạt tới một trại tỵ nạn khác. Qua năm 1980, gia đình mới sum họp.
Dù chuyến tầu thương-đau-tốc-hành, đã lùi sâu quá khứ. Những năm, tháng Trần Hoài Thư thồ kem, bán dạo đường phố Tây Đô; với đêm đìu hiu chiếc bóng, lần về căn nhà thường trực run rẩy trong nỗi sợ hãi, vì bị canh chừng; cũng đã lăn theo vành bánh xe đạp, lãng quên, yên nghỉ đâu đó, trong xứ Cần Thơ… Vậy mà, khi thuật lại, những điều trên, tôi không biết nước mắt hay, sương khuya, lại hiện ra trong mắt chị.”

(Trần Hoài Thư, Ngọn Cờ Đầu: Nỗ Lực Xiển Dương 20 Năm Văn Chương Miền Nam – Du Tử Lê)

Chị Yến của những năm đầu tiên trên xứ người. Chị đã chấp nhận cuộc đời làm công nhân, để lo cho chồng con được trở lại trường. Yêu chồng, thương con như tấm lòng của bất cứ một người vợ, một người mẹ Việt Nam nào.
Hãy đọc truyện ngắn “Cho con mùa tựu trường” mà anh THT đã ghi lại khi lần đầu tiên người con duy nhất của anh chị phải xa nhà để vào Đại Học:
“Trường mới của con cách nhà chỉ gần hai giờ xe. Ngày ba mẹ đưa con đến trường thì mùa thu đã bàng bạc cả đất trời. Dù lá vẫn chưa đổi màu, dù ngọn gió vẫn chưa tê lạnh, nhưng trong cõi không gian, mùa đã chuyển. Bầu trời với những đám mây làm biếng, xám trắng như ngủ yên tự một kiếp nào, và những hàng cây bên đường như gục đầu chờ đợi một ngày lá rụng. Nhưng ở trong lòng ba mẹ, là cả một biến động đến sững sờ. Nào ai biết một ngày đứa con phải xa vòng tay đùm bọc. Nào ai biết một ngày cánh chim nhỏ bé lại sổ lồng. Bởi vậy, mẹ con đã khóc như chưa bao giờ được khóc. Khóc thút thít suốt đường. Giấu đôi mắt đỏ hoe khi mang va-li của con lên lầu nội trú. Và khi từ giã con, xuống lại xe, thì mẹ lại khóc òa.
Ba đã lái xe ra ngoài cổng trường. Mẹ lại van ba lái vào trường thêm một lần nữa. Ba chiều mẹ. Xe đậu dưới lầu. Mẹ ngồi trông lên nói: “Không biết con có quen với đời sống mới hay không? Không biết đứa bạn cùng phòng có kỳ thị hay không? Không biết trái gió trở trời, đau bụng đau dạ nó có xức dầu hay không? ” Ba đổ quạu, gắt: “Mình cứ xem nó còn con nít mãi. Nó đã trưởng thành rồi. Để cho nó tự lập cho quen.” Rồi ba đạp ga lái ra ngoài đường. Ba phải có quyết định dứt khoát. Nếu không mẹ cứ ngồi ở đây suốt cả đêm.

Xe lại về nhà. Ba mẹ bước vào cửa. Cõi trống vắng đến đứt đoạn sững sờ. Mẹ vào phòng con, rờ tay lên tấm drap, tấm chăn, chiếc gối. Hình như trong từng thước khối của không khí đều vướng vít hình ảnh con, tiếng cười, tiếng nói của con. Ở đâu cũng thấy con, trên sofa, mở lại TV, nghe lại bản nhạc, thấy cái show quen thuộc… Rõ ràng ba mẹ đã không chuẩn bị cho một sự chia ly, dù sự chia ly ấy chỉ là tạm thời, và khoảng cách ngăn chỉ trên dưới trăm dặm. Một người ở đầu sông, một người ở cuối sông cũng đã nhớ nhung rồi, huống hồ ba mẹ chỉ có mỗi một mình con, gần mười tám năm chưa rời nhà một ngày. Bởi vậy, mẹ con mới khóc, đôi vai cứ bật run trong bóng mờ của căn phòng.
Mẹ bảo mẹ muốn đi chợ một lát. Mẹ ra xe rồ máy. Còn lại ba một mình. Ngực ba như nhói bởi một sức nặng vô hình. Đó là khối buồn, cộng thêm khối mất mát, khối nhớ nhung trộn thành vôi hồ đông cứng, bắt ba phải hết ngồi lại đứng, nhìn ra ngoài đêm, quay quắt…

Mẹ con đã giấu ba. Mẹ đã lái xe lên trường thêm một lần nữa. Lên đó để làm gì? Ngồi trong xe và nhìn lên. Vì sao? Không ai có thể cắt nghĩa nổi.”
(Cho con mùa tựu trường – Trần Hoài Thư)

Và với hoài bão sưu tập văn chương miền Nam thời chiến của anh Trần Hoài Thư, chị Yến đã đóng góp một phần không nhỏ, luôn đồng hành cùng anh đến các thư viện:
“Thư viện là một ngôi lầu rất cao. Có lần tôi đang ở tầng cao nhất thì chuông cứu hỏa báo động. Thang máy ngừng chạy. Chỉ một mình tôi chạy bộ xuống lầu. Và khi xuất hiện, bà xã tôi đứng đợi ở đó, khóc vì quá mừng!”
(Trò chuyện cùng Trần Hoài Thư về Thư Ấn Quán & Thư Quán Bản Thảo – Trần Doãn Nho)

Cúc Hoa Nguyễn Ngọc Yến Trần Hoài Thư Đinh Cường - Virginia Tháng 10.2012 (nguồn: Blog Phạm Cao Hoàng)

Cúc Hoa Nguyễn Ngọc Yến Trần Hoài Thư Đinh Cường – Virginia Tháng 10.2012 (nguồn: Blog Phạm Cao Hoàng)

Và như anh Phạm Cao Hoàng đã ghi lại:
“… chuyện in sách di sản văn chương miền Nam của Trần Hoài Thư thì quanh đi quẩn lại cũng chỉ có hai vợ chồng. In ra, xếp theo thứ tự số trang, dùng keo dán gáy lại, loại keo rất nóng, sơ suất có thể bị phỏng. Rồi thì dán bìa, cắt xén, cho vào phong bì, ghi địa chỉ, ra bưu điện gửi tặng thân hữu và những người yêu sách. Tất cả những công việc ấy đều có bàn tay tuyệt vời của Nguyễn Ngọc Yến.”
(Một bông hồng cho bạn tôi – Phạm Cao Hoàng)

Cho đến một ngày cuối năm 2012, khi đang làm số TQBT 55 cho kịp in để anh chị sẽ mang theo tặng bạn bè khi đến dự buổi lễ ra mắt sách của anh Nguyễn Xuân Thiệp vào ngày 1-5-2013 tổ chức tại Virginia, tôi đột ngột nhận được điện thư của anh:
“Chị Yến bị stroke hôm nay. Anh phải lo cho chị. Nên tạm ngưng một thời gian. Mong em cảm phiền.”
Tôi đã rất buồn…
Sau đó chị Cam Li và tôi nhận được thư anh:
“Cám ơn em và NM về những chia sẻ.
Lần đầu tiên anh mới hiểu được nỗi buồn. Cái buồn của một người trong một căn nhà không có bóng một người thân yêu của mình.
Em cũng biết stroke là bệnh thế nào rồi.
Mong mọi điều trôi qua, bình thường trở lại với chị Yến.
Khi anh nói với chị Yến sẽ không làm TQBT nữa, chị Y. nói: Sao lại bỏ nó?
Thuốc men, chụp hình liên miên là những hình phạt.
Chỉ mong những hình phạt này mang lại kết quả tốt.
Anh rất yếu đuối, thấy cảnh chị ấy nằm trên giường bệnh, nước mắt anh lại chảy.
Một lần nữa, cám ơn hai em.”

Tôi đã báo tin cho những người bạn của anh, xin các anh chị góp lời cầu nguyện cho chị Yến mau hồi phục.

Để rồi sau đó nhận được điện thư của anh:
“Chị Yến có lẽ còn lâu mới hồi phục. Cả nửa thân thể không còn chủ động.
Em đừng bận tâm về TQBT. Anh ngưng. Em có thể trả bài lại cho các người viết có bài đăng số này.
Với anh giờ là Y.”

Biết được tình trạng của chị như vậy, tôi đã khóc.

Tôi xin anh cho lên thăm chị vào cuối tuần và nhờ nhà văn Nguyễn thị Hải Hà giúp đưa đón và ăn ở.

Đến thăm chị, lần đầu tiên gặp, trên giường bệnh, chị vẫn tươi cười không làm cho người đối diện cảm thấy bất an và buồn. Thương lắm. Nửa người bên trái của chị không cử động và không có cảm giác gì cả. Tuy thế, chị không hề nghĩ đến chị mà cứ lo cho tôi từ xa đến thăm. Nói anh Thư chở tôi đi chơi cho biết thành phố New Jersey (trong khi chúng tôi đâu có lòng nào hoặc vui gì mà đi chơi…) Rồi khi anh Thư ra ngoài nói chuyện điện thoại, chị bảo tôi và Hải Hà ráng giúp anh lo cho TQBT số 55… Khi tôi kể lại việc này, các bạn của anh ai cũng xúc động…

Anh Khuất Đẩu đã viết cho tôi:
“Bạn nhỏ thân,
Sáng nay, trời mưa, lạnh. Chị Chiêu đi Sông Cầu ăn cưới con trai của một cô học trò cũ ở Mỹ về cưới vợ VN. Tôi không đi xe đường dài được. Nằm nhà một mình. Đọc mail của Thư và NMai, xúc động đến muốn khóc.
Vì NM đã bay (…) sang chỗ anh Thư nghe nói xa lắm. Đến thăm chị Yến, rồi về nhà giúp anh Thư in TQBT. Lại quay về để hôm sau đi làm.
Xúc động vì chị Yến vẫn muốn TQBT được in tiếp dù chị nửa người bị liệt!
Và xúc động vì anh Thư đã lấy lại tinh thần…”

Và khi bạn đọc những dòng chữ này, chị Yến vẫn còn đang nằm trong bệnh viện. Sẽ phải mất một thời gian tập vật lý trị liệu để chị có thể hồi phục lại. Nhưng tôi luôn tin rằng với tình yêu và sự săn sóc của anh cũng như ý chí mạnh mẽ của chị, chị sẽ mau chóng hồi phục. Để anh sẽ nở một nụ cười thật tươi và mắt không còn lệ ướt. Để chị lại cùng anh tiếp bước trên mọi nẻo đường đời…

Trần thị Nguyệt Mai
13-1-2013

***

Trận bão…

Bây giờ trận bão Sandy chỉ còn là lịch sử . Những thân cây nằm ngổn ngang trên đường như thế này đã được dọn sạch, và bên lề đường, thỉnh thoảng còn những gốc cây chưa kịp dọn, nằm trơ vơ, với gốc rễ và ụ đất như một di tích của một trận thiên tai hãi hùng đã chụp xuống trên tiểu bang New Jersey chúng tôi.

sandy-026

Nhưng có một trận bão khác. Lần này ác nghiệt hơn bao giờ. Đó là trận bão stroke.

Nó chỉ nhằm vào Y. để mà đánh. Nó không có sức gió, hay có một triệu chứng gì để nhà khí tượng học có thể đoán ước về hướng đi, về vùng đất bị ảnh hưởng. Nó không cho chúng tôi biết để đề phòng. Làm sao tôi có thể lấy chắn, khiên để bao bọc che chở cho nhà tôi. Và ngay cả cho tôi ? Làm sao tôi có thể hứng nỗi đau đớn thay cho Y. Tôi khóc. Mắt đỏ, sưng, nhưng tôi nói dối với người ta là tại cặp mắt mới vừa mổ. Sức gió dù mạnh đến mấy, ta cũng có thể phòng bị, vì kỹ thuật khoa học về khí tượng học có thể giúp ta được an toàn, nhưng sức stroke thì quá khủng khiếp. Dù y học tiên tiến cách mấy cũng đành bó tay. Để rồi nó khiến thân thể không thể ngổi, đứng, tay trái, chân trái không thể cục cựa. Nó đóng những cây đinh khổ nạn vào thân thể con người.

Cho Y.

Tôi đã ngồi hằng giờ bên giường bệnh. Tôi may mắn vì cơn bão đã tha, nhưng đổi lại lòng tôi thì đứt đoạn. Bao nhiêu người y tá, bác sĩ, phụ tá y tá đã vào phòng. Bao nhiêu lần tôi theo sau chiếc giường mà Y. nằm để đến các phòng chụp hình, chụp ảnh. Bao nhiêu lần tôi nhìn bàn tay Y. với những ngón tay bị liệt, không còn đủ sức để co cụm. Bão không thật sự đến với tôi, nhưng bão làm tim tôi nhói đau không tả.

Ở con đường nhà tôi, những thân cây gãy đổ nằm vắt ngang giữa lộ, đã được dọn đi, và đường đã được khai thông chỉ bốn ngày sau khi trận bão Sandy tàn phá, nhưng có một thân cây rất mong manh, không – một loài sậy có suy nghĩ – vẫn nằm yên, nằm yên từ ngày này qua ngày khác. Đã 7 ngày rồi. Có bàn tay nào có thể nâng nhà tôi dậy để có thể bước, có thể đi, ngồi, đứng hay không?

Có chứ. Bàn tay của tôi. Mỗi ngày tôi đã nắn nót những ngón tay trái bị liệt ấy, bóp, xoa, vuốt, nắn… Tôi tin một ngày chúng sẽ sống lại, máu nóng sẽ hâm từng lóng tay, để những sợi gân bắt đầu tái sinh, luân lưu trở lại. Không ngày này, thì ngày khác. Không tháng này rồi đến tháng khác. Còn nữa. Còn những bạn bè của Y., những bạn bè của tôi. Họ tiếp trợ thêm hơi ấm. Tôi tin vậy. Như bông hồng mà bạn tôi đã tặng cho nhà tôi, dưới đây.

Đoạn dưới đây, trích từ Blog Phạm Cao Hoàng. Anh đã làm theo lời yêu cầu của tôi là đừng phổ biến gì về việc Y. bị stroke trong thời gian chúng tôi vô cùng bối rối. Và anh đã giữ đúng theo yêu cầu của tôi, chỉ viết về những gì mà anh biết được từ một người mà anh và Cúc Hoa xem như người chị thân thiết nhất. Xin được cám ơn anh.

…Công việc đầy hy sinh và gian khổ của Trần Hoài Thư và Nguyễn Ngọc Yến trong hơn 10 năm qua nhằm sưu tầm và thực hiện TỦ SÁCH DI SẢN VĂN CHƯƠNG MIỀN NAM 1954-1975 là có một không hai. Lái xe hàng ngàn dặm, nhiều lúc trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, đến các thư viện Mỹ còn lưu trữ sách báo miền Nam trước 1975, sao chụp lại, mang về nhà đánh máy, in thành tuyển tập, thành sách. Không phải chỉ in vài cuốn, mà là hàng trăm cuốn. Không phải chỉ vài trăm trang, mà là hàng chục ngàn trang. Lao tâm khổ trí, vất vả, mệt nhọc, tốn kém tiền bạc, nhưng Nguyễn Ngọc Yến, người phụ nữ hiền hòa gốc Cần Thơ, vẫn vui vẻ kiên trì hỗ trợ Trần Hoài Thư hoàn thành ước mơ của mình. Ít người biết rằng trong những lần lái xe đường dài trên xa lộ cao tốc để đi tìm di sản văn chương miền nam ấy, hai vợ chồng thay phiên nhau lái cho đỡ mệt, nhưng người lái nhiều hơn vẫn là Nguyễn Ngọc Yến. Và cũng đã có lần anh chị bị tai nạn trên đường đi, may mà không sao. Các bạn trong nước thử nhìn tấm hinh dưới đây sẽ thấy lượng xe trên các đường cao tốc ở Mỹ quá nhiều và sự rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào…
(trích từ blog Phạm Cao Hoàng: http://phamcaohoang.blogspot.com/)

Trần Hoài Thư
(Trích từ TQBT số 55 – tháng 1.2013)

***

Nếu bạn muốn có TQBT số 55 – chủ đề nhà văn Dương Nghiễm Mậu, xin bạn liên lạc với nhà văn Trần Hoài Thư ở địa chỉ email:
tranhoaithu@verizon.net

hoặc thư về địa chỉ:
Thư Quán Bản Thảo
P.O Box 58
South Bound Brook
NJ 08880

  1. Võ Trung Tín
    14/01/2013 lúc 21:37

    1/ Trận bão đã thật sự đánh trúng nhà tôi

    https://tranhoaithux.wordpress.com/2013/01/07/tran-bao-da-that-su-rot-xuong-mai-nha-toi/

    2/ Theo em…

    https://tranhoaithux.wordpress.com/2013/01/10/theo-em/

    3/ Theo em (2)

    https://tranhoaithux.wordpress.com/2013/01/12/theo-em-2/

    4/ chuyện sách vở

    https://tranhoaithux.wordpress.com/2013/01/12/chuyen-sach-vo/

    Chị Năm ơi,
    Ròm em đã vào đọc 4 entries này, đã biết được thông tin diễn biến bệnh tình của bác gái.
    Nhân chị Ba và chị Năm post entry này, đêm nay Ròm em vào nhà trước, nên thay mặt nhóm Kiến, xin được kính gởi đến hai bác những lời kính thăm hỏi chia sẻ chân tình nhất của các cháu, kính mong bác gái mau chóng vượt qua cơn bệnh tật, và bác trai luôn vững vàng trong mọi tình huống, ngõ hầu cận kề chăm sóc người bạn đời tuyệt vời của mình.
    Kính,

    http://www.banvannghe.com/D_1-2_2-57_4-1096/

    Nhóm Kiến tụi con đã kính phục và quý mến hai bác thật lòng từ lâu, chứ không phải bây giờ..đâu đó nghen!

    Võ Trung Tín
    Tháng Tám 9, 2012 lúc 11:59 | #23

    – “..Như vậy, mùa hè năm nay anh chị đã rất bận rộn. Với số tuổi của anh chị, đây là tuổi để nghỉ ngơi, để enjoy sau những năm tháng bận rộn mưu sinh. Anh chị có thể đi chơi cruise, hoặc thăm viếng danh lam thắng cảnh ở Âu châu…, ai cấm? Nhưng anh chị đã chọn làm việc bận rộn này để cố gắng vực dậy một nền văn học miền Nam một thời đã bị ngập chìm trong lửa đỏ, dù có lúc anh bị bệnh Gout và Joint hành hạ không ít, chân đi cà nhắc, phải bò, phải lết…”
    Đã đọc biết tấm lòng vô vụ lợi và hầu như “nặng nợ” với di sản Văn Chương Miền Nam Trước 1975 của bác nhà văn Trần Hoài Thư..nhiều rồi đấy chứ!
    Nhưng sao, đọc cái đoạn viết trên, Ròm em vẫn thấy trào dâng một niềm cảm xúc kính trọng, kính phục lẫn cảm động…
    Chị Năm ơi, không là hình thức “sáo rỗng” đâu nhé, xuất phát từ tấm lòng trân trọng thật tình của một độc giả trẻ ở trong nước, Ròm em kính nhờ chị Năm tìm chọn giúp cho một bó hoa, ồ không, phải là.. HAI BÓ HOA THẬT ĐẸP, mà chị Năm có thể tìm được bằng tất cả tấm lòng, gắn vào cái còm này của Ròm em, để gọi là..Ròm em KÍNH CHUYỂN TẶNG ĐẾN HAI VỢ CHỒNG BÁC NHÀ VĂN TRẦN HOÀI THƯ ..chị Năm nghen, bởi những nổ lực “vô vị lợi” với Di Sản Văn Chương Miền Nam trước 1975 của BÁC TRAI, thiển nghĩ, luôn có sự đồng hành âm thầm tuyệt vời của BÁC GÁI TRẦN HOÀI THƯ..
    OK, chị Năm?

    Trần thị Bảo Vân
    Tháng Tám 10, 2012 lúc 12:36 | #24

    Wow…! Chị Năm chọn 2 bó hoa giúp ông ròm tặng vợ chồng bác THT với hai sắc màu thật là đẹp quý phái và trang nhã, hơn nữa chị Năm lại sắp xếp vị trí của 2 bó hoa thật đầy ý nghĩa…LADY FIRST!
    Dù rằng…”Đằng sau thành công của đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ”.
    Tuy nhiên…”Với cuộc đời bình thường này, tôi là kẻ phạm rất nhiều thói xấu. Có những thói xấu tôi cố gắng sửa chữa. Có thói xấu tôi ăn năn…”
    (Viết lúc 4AM: Thói xấu của tôi.)

    Chính vì vậy, mà giờ phút này, Bác Trai đã biết…”ăn năn, hối lỗi” và bày đặt…nịnh Bác Gái, đó! hihi..
    Bác Trai ơi, Út con ước mong sao Bác Gái từ ý nghĩa LADY FIRST, trở thành…FIRST LADY…đó nghen bác! hihi…

    NHỔ TÓC SÂU CHO VỢ

    Em ngồi lại đây để anh vạch tóc
    Tìm sợi nào sâu, sợi ngứa em yêu
    Anh sẽ nhổ dịu dàng từng chân gốc
    Bởi sợi tóc nào anh cũng nưng niu
    Tay anh vụng, nên nhổ hoài chẳng được
    Mắt anh mờ, đen trắng cũng phân vân
    Vâng em ạ, từ lâu anh lỡ dại
    Mắt sáng chỉ dành những bóng giai nhân
    Em yêu dấu, cụ Tú Xương biết lỗi
    Làm bài thơ tặng bà vợ ven sông
    Anh cũng theo gương làm thơ hối lỗi
    Của một tên chồng mất nết hư thân…

    https://123hoang.wordpress.com/2012/08/07/gioi-thieu-sach-do-thu-an-quan-xuat-ban-vao-mua-he-nam-2012/#more-11951

  2. Võ Trung Tín
    14/01/2013 lúc 21:50

    Hihihihihihi…
    Bài thơ “Nhổ tóc sâu cho vợ”, bác trai đã làm lại 4 từ của câu cuối, nghe..”tự vấn lương tâm”..và..”nịnh bác gái”..có vẻ nhẹ nhàng hơn!

    – “Của một tên chồng mất nết hư thân”
    – “Của một tên chồng nay biết ăn năn.”

    hihihihi…
    Nhưng, theo ròm con, câu thơ:
    -“Của một tên chồng mất nết hư thân”

    Đọc, cảm thấy nó.. sảng khoái, và cảm thụ đúng với tinh thần chất lính “thám kích” đầy lãng tử phong trần..của bác ấy hơn!
    hihihihi…

  3. Trần thị Bảo Vân
    15/01/2013 lúc 11:40

    “Sinh, Lão, Bệnh, Tử”…là quy luật cuộc sống, không ai tránh khỏi!
    Nhưng, quả là thật buồn và đau đớn khi nghe tin người mà ta hằng yêu quý, cũng như người thân yêu trong gia đình của ta bất ngờ không may “vướng” vào 2 quy luật cuối!

    Biết nói gì hơn, ở nơi xa, Út con chỉ thầm cầu nguyện, và mong rằng với sự cảm thông chia sẻ chân tình của bạn bè thân hữu khắp nơi, cùng với sự chăm sóc hết lòng của bác trai và người thân trong gia đình, ước mong rằng bác gái mau chóng bình phục!

  4. Trần thị Bảo Vân
    15/01/2013 lúc 12:08

    Xét tận cùng ý nghĩa của cuộc sống, thì…Hạnh phúc thăng hoa trong tâm hồn nhất của người phụ nữ, là ước mong, ở quãng cuối cuộc đời của mình, luôn bên cạnh, lúc nào, cũng có người bạn đời “đầu ấp tay gối” cùng “sánh đôi” lo lắng quan tâm chăm sóc chia sẻ cùng nhau…

    Bác gái kính mến ơi, dù bác đang trong tình trạng đớn đau thể xác về bệnh tật, nhưng Út con thiển nghĩ, bác là người đang hạnh phúc thăng hoa trong tâm hồn nhất đấy, bởi, người đàn ông tuyệt vời của bác đang “sánh đôi” cùng bác, với đầy đủ ý nghĩa cao đẹp nhất của…nghĩa vợ chồng!

    Bác ơi, bác hãy lắng nghe nhịp đập trái tim, cùng tâm hồn lắng lo thổn thức của người “bạn đời già”…của bác nhé…

    “Làm sao tôi có thể lấy chắn, khiên để bao bọc che chở cho nhà tôi. Và ngay cả cho tôi ? Làm sao tôi có thể hứng nỗi đau đớn thay cho Y. Tôi khóc. Mắt đỏ, sưng, nhưng tôi nói dối với người ta là tại cặp mắt mới vừa mổ…”
    (…)
    “Tôi đã ngồi hằng giờ bên giường bệnh. Tôi may mắn vì cơn bão đã tha, nhưng đổi lại lòng tôi thì đứt đoạn. Bao nhiêu người y tá, bác sĩ, phụ tá y tá đã vào phòng. Bao nhiêu lần tôi theo sau chiếc giường mà Y. nằm để đến các phòng chụp hình, chụp ảnh. Bao nhiêu lần tôi nhìn bàn tay Y. với những ngón tay bị liệt, không còn đủ sức để co cụm. Bão không thật sự đến với tôi, nhưng bão làm tim tôi nhói đau không tả…”
    (…)
    “Có bàn tay nào có thể nâng nhà tôi dậy để có thể bước, có thể đi, ngồi, đứng hay không?
    Có chứ. Bàn tay của tôi. Mỗi ngày tôi đã nắn nót những ngón tay trái bị liệt ấy, bóp, xoa, vuốt, nắn… Tôi tin một ngày chúng sẽ sống lại, máu nóng sẽ hâm từng lóng tay, để những sợi gân bắt đầu tái sinh, luân lưu trở lại. Không ngày này, thì ngày khác. Không tháng này rồi đến tháng khác…”

    Là một thiếu nữ còn trẻ, Bảo Vân con…XIN KÍNH CHÚC MỪNG NIỀM HẠNH PHÚC THĂNG HOA TRONG TÂM HỒN VỚI ĐẦY ĐỦ Ý NGHĨA CAO ĐẸP CỦA 2 TỪ NÀY…đến hai bác!

  5. Nguyễn Tuấn Anh
    15/01/2013 lúc 15:31

    Chị Năm ơi,
    Nghe Tín nói, và vào đọc entry này em mới biết tin bác gái THT đang bệnh nặng.

    Không gì hơn, em nhờ chị Năm tìm một bó hoa Ly thật đẹp, gắn vào cái còm này của em, để gọi là kính gởi đến bác gái, thay lời chúc mong ước bác gái mau chóng bình phục, cũng như chúc bác trai luôn vững vàng bên bác gái trong giai đoạn này.
    Cám ơn chị.

    1

    P/s: Em muốn còm tặng hoa đến bác gái, là từ ý nghĩa này:

    – “Hiện nay, khi đi thăm người ốm bạn còn có thể mua hoa, và nhớ đừng quên tặng kèm một tấm thiệp chúc người bệnh mau khỏe (có bán rất nhiều ở các cửa hàng thiệp lưu niệm), đó là những món quà tinh thần vừa đơn giản lại nhiều ý nghĩa.
    Đi thăm người ốm nên tặng hoa ly, hoa lan… Điều quan trọng là phải chọn những loài hoa có mùi hương dịu nhẹ, tránh hương quá nồng hoặc những loài hoa có thể gây dị ứng cho người bệnh.
    – Tặng hoa người ốm thì tốt nhất nên chọn những loài hoa có mùi thơm nhẹ như hoa hồng, hoa lan để an ủi, còn tặng hoa ly tức là mong người ta chóng bình phục. Tránh tặng những loài hoa hoặc những chậu hoa dễ gây dị ứng cho người ốm.”

  6. 16/01/2013 lúc 21:40

    Phay Van chơi khó nhau. Entry kiểu này đọc đau đầu bỏ mịa ! lại còn post liên tiếp thế có mà … hại nhau quá.
    ( Lúc này lảo hâm hơi bận bịu chút , đêm nằm toàn mơ thấy hình bóng bác Hồ ! Rồi giật mình tỉnh giấc , toàn thân toát hết mồ hôi …. )

    • Trần thị Bảo Vân
      17/01/2013 lúc 13:08

      Bác Trà kính mến ơi,
      Thế thì BV con mạn phép copy…2 câu, cùng một bài thơ, của 2 lão thi sĩ tiền bối, tặng bác Trà “ngâm” cho khỏi…”đọc đau đầu bỏ mịa “, và khỏi hàng “đêm nằm toàn mơ thấy hình bóng bác Hồ “…nghe!
      hihi…

      1/ “Mình ơi! tôi gọi là nhà
      Nhà ơi, tôi gọi mình là nhà tôi”.
      (BG)

      2/ “Mình vừa là chị là em
      Tấm lòng người mẹ, trái tim bạn đời
      Mai này tới phút chia đôi
      Hai ta ai sẽ là người tiễn nhau?
      Xót mình đã lắm thương đau
      Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình
      Cuộc đời đâu phải phù sinh
      Nước non chan chứa nghĩa tình, mình ơi!”
      (HD)

      Hết…”đau đầu” và “nằm mơ”…chưa bác Trà?
      hihi…

  7. Phạm Sơn
    17/01/2013 lúc 10:41

    Ghé vào chơi, đọc bài, xin được comment bài thơ của tác giả “mtamlaw”, gọi là…thay lời muốn nói vậy!

    VỢ ỐM

    Bên nhau
    quá nửa cuộc đời
    Mái đầu
    bạc xoắn những lời yêu thương
    Nghe mình thiêm thiếp trên giường
    Bốn bên ken đặc gió sương một thời
    Đớn đau mình vẫn gượng cười
    Rằng sinh, lão, bệnh ở đời…
    có sao!
    Đã cùng đất thấp trời cao
    Thế nào cũng chẳng thế nào được đâu !
    Chúng mình đã ở trong nhau
    Nghĩa tình có trước, có sau vẹn tròn
    Chẳng cần hẹn biển thề non
    Cái còn thì vẫn mãi còn, mình ơi !
    Sáng nay sương gió tan rồi
    Mình về ươm lại nụ cười gia phong
    Này con, này cháu, này chồng
    Nhà ta nở một đóa hồng…Vô Ưu!

    (mtamlaw )

  8. 17/01/2013 lúc 13:41

    Mình theo dõi blog chú Trần Hoài Thư đều đặn, hôm rày, đọc mấy entry Theo em của chú, mình cứ thấy thắt lòng thắt ruột. Ba ngày rồi, mình vào blog Phay Van chỉ để đọc entry này, đọc và rưng rưng thương cho kiếp người của mỗi chúng ta, đã mấy lần gõ còm, nhưng rồi lại lặng lẽ rút lui. Mấy dòng này, mình gõ đại đây, cũng chỉ là lời sáo rỗng, nhưng mang cả tâm thành: nguyện cầu ơn phước thiêng liêng sẽ luôn bên cô chú Trần Hoài Thư.
    Mình lại ứa nước mắt rồi, thôi, xin lui, Phay nhé!

  9. Công Thành
    18/01/2013 lúc 10:12

    Chào Phay Van và cả nhà.
    Hôm nay “lọ mọ” vào mới biết tin này!
    Ôi, tuổi già với biết bao bệnh tật rình rập, bất ngờ không biết lúc nào ập đến!

    Với niềm cảm thông sâu sắc, xin được gởi đến chị lời cầu nguyện mong ước mau chóng hồi phục, cùng xin được chia sẻ với anh những nỗi niềm tâm trạng rối bời cô đơn khi người bạn đời…đang ốm nặng!
    Thân ái,

  10. chinook
    18/01/2013 lúc 13:25

    Chỉ biết cầu nguyện cho Chi Yến mau bình phục, và Anh Trần hoài Thư vững vàng trong giai đoạn thử thách cam go này.

    Luôn cảm phục và biết ơn những gì Anh chị và bạn hữu đã và đương làm.

    Cũng xin gửi lời Cám ơn chị Nguyệt Mai và Phay Van.

    • 19/01/2013 lúc 16:08

      Dạ, cảm ơn bác Chinook đã chia sẻ. Khớp gối của bác dạo này thế nào rồi?

  11. chinook
    20/01/2013 lúc 02:54

    Cám ơn Chị Phay Van, khớp gối tôi ổn rồi.

    Tôi đã có thể đi tắm biển và chạy lúp xúp khoang 5-7 Km rồi.

  12. Mai
    22/01/2013 lúc 10:15

    Nguyệt Mai chân thành cám ơn quý anh, quý bạn và các em nhóm Kiến đã chia sẻ với bài viết này của NM.
    Tất cả chúng mình cùng góp lời cầu nguyện cho chị Yến mau hồi phục, các bạn nhé!
    Cùng anh Chinook: Rất vui khi biết đầu gối anh đã ổn, có thể đi tắm biển và chạy được. Ở tuổi này sức khỏe rất là quý, anh nhỉ?

  13. chinook
    31/01/2013 lúc 03:30

    Cám ơn Chị Nguyệt Mai, Phay Van và Anh KuA.

    Rất đòng ý vơi Chị Nguyệt Mai, sức khỏe là vô cùng quý, nhất là vào tuổi chúng tôi. Ngoài ra tôi cảm thấy tình cảm bạn bè cũng quý và cần thiết.

    • 31/01/2013 lúc 09:48

      “Aloha” bác Chinook! Bác còn ở Hawaii không?

  14. chinook
    31/01/2013 lúc 13:13

    Aloha Chị Phay Van

    Tôi vẫn còn đương ở Hawaii.

    Mahalo

    • Mai
      01/02/2013 lúc 11:06

      Kính chúc anh chị Chinook những ngày vui vẻ. Hawai có khí hậu thật tuyệt vời anh nhỉ?
      Mùa đông mà khí hậu lại ấm áp, rất khác với những vùng Bắc Mỹ…

  15. chinook
    01/02/2013 lúc 13:30

    Cám ơn Chị Nguyệt Mại

    Đúng thế chị ạ. Khí hậu ở đây rất tuyệt. Không nóng vả ẩm như Vietnam và cũng không lạnh như Bắc Mỹ vào mùa này.

    Năm nay chúng tôi sẽ ăn Tết ở đây.

    Ngày mai, tối thứ 6 phố Tàu Honolulu sẽ có Ngày hội hàng năm (Chinatown Festival). Người Á đông dịnh cư ở đây đã lâu. Người Hoa là sắc dân đến đâu
    nên Chinatown rât cổ và phat triển. Những sác dân Á châu khác như Nhật, Hàn, Phi ,Miên ,Lào và Việt cũng có những cửa hàng buôn bán ở Chinatown.

    Vì ở đây lâu, trên 300 năm, nên ảnh huởng của người Hoa rất mạnh. Nhiều ngưỏi trông bên ngoài giống như người Âu nhưng tên Lum(Lâm) hay Yip(Diệp) v.v.

    Mấy ngày nay, gặp nhau ngoài đường, chào chúc nhau Kung Hee Fat Choi( Cống hỉ phát tài) là thuờng.

    Một lần nữa Cám ơn Chị. Cũng xin chúc Chị luôn vui mạnh và năm mới vạn sự như ý.

  16. Mai
    02/02/2013 lúc 09:25

    Cám ơn anh Chinook rất nhiều về lời chúc cũng như đã cho biết về đời sống sinh hoạt của người dân ở Hawaii. Rất thú vị anh ạ. Hawaii trước giờ vẫn là vùng đất mà em mơ ước sẽ có ngày được đặt chân tới.
    Như vậy năm nay anh chị sẽ có một cái Tết thật vui rồi. Tối nay thứ sáu anh chị có đi dự Ngày hội hàng năm (Chinatown Festival) không?
    Trước thềm Xuân mới Quý Tỵ, kính chúc anh chị được luôn sức khỏe, an vui và hạnh phúc.

  1. No trackbacks yet.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: