Chúc Mừng Thư Quán Bản Thảo 12 tuổi
.
Blog Trần Hoài Thư và Thư Quán Bản Thảo
Nguyệt Mai vừa hay tin:
Blog Trần Hoài Thư đã dời về địa chỉ mới:
tranhoaithux.wordpress.com
Thân mời các bạn vào xem.
.
.
Trần Thị Nguyệt Mai
Chúc Mừng Thư Quán Bản Thảo 12 tuổi
Trong một bài tập đọc thuở tiểu học, tôi vẫn còn nhớ hai câu:
Thời giờ thấm thoát thoi đưa
Nó đi đi mãi có chờ đợi ai …
Quả thật, thời gian trôi qua quá nhanh. Time flies – bạn Mỹ nói vậy. Mới ngày nào tôi bắt đầu được giao cho nhiệm vụ “thầy cò”, đến nay đã được hơn một năm rồi. Từ số 46 đến nay là số 54, 9 số báo. Như bạn đã từng biết, Thư Quán Bản Thảo là một tạp chí văn học nghệ thuật phát hành bất định kỳ, chỉ để dành biếu tặng cho thân hữu và những ai còn tha thiết quan tâm đến văn chương miền Nam trong thời chiến, do nhà văn Trần Hoài Thư và các bạn của anh chủ trương. Tạp chí không bán, không nhận quảng cáo. Vậy mà nó vẫn sống được đến nay là 12 năm. Chuyện không thể tin nhưng có thật. Bởi nó được sự thương yêu quan tâm chăm sóc đặc biệt của anh chị Trần Hoài Thư và các thân hữu, nhất là anh Trần Hoài Thư, người chủ nhiệm kiêm chủ bút, kiêm ấn công kiêm đóng sách, cắt sách và khuân sách ra bưu điện gởi đến tay bạn đọc. Một người tuổi đời đã ở thời điểm “xưa nay hiếm”, trong khi có lúc chứng bệnh Gout và bệnh Joint không ngớt hành hạ, để có những hôm đau nhức quá, anh đã đi không nổi, chân lê cà nhắc, phải bò, phải lết, phải dựa vào chị, và anh đã chia sẻ với tôi: “Anh sẽ cố gắng tập trung cho số báo này (số 51 ra tháng 4 năm 2012) và chắc lâu lắm mình mới làm số kế tiếp”. Vậy mà sau đó hai tháng, anh ra số kế tiếp (số 52 phát hành tháng 6 năm 2012). Tiếp theo, số 53 – tháng 8 năm 2012, chủ đề Tạp chí Văn – anh lại in tặng phụ bản “Truyện từ Văn” gồm những truyện ngắn của anh đã đi trên Văn dày gần 300 trang, với bìa bọc ngoài ép bằng phim láng (laminating book jacket cover) màu đen rất sang trọng. Lại một lần nữa, anh điện thư cho tôi: “Em nghỉ ngơi cho khỏe, anh sẽ ngưng một thời gian…” Nhưng rồi tiếng gọi văn chương thôi thúc, anh lại tiếp tục ra số báo này, số 54, phát hành vào trung tuần tháng 10, mà bạn đang cầm trên tay.
Lúc mới bắt đầu làm việc với anh, tôi chỉ thuần sửa chính tả. Lúc này còn đang là “lính mới”, quên từ ngữ tiếng Việt khá nhiều, nên tôi đã khá lúng túng, email liên tục cho chị Cam Li và cho anh (khi cả hai chị em đều “bí”). Nhưng có một kỷ niệm đáng nhớ khi làm số 46 – tưởng niệm nhà văn Doãn Dân, là có một đoạn trong truyện Bàn tay của Yến bị thiếu (chỉ là một đoạn trắng, đọc không thấy liên tục). Tôi copy và paste vào email để hỏi anh, thì thật bất ngờ, những hàng chữ hiện ra, câu văn rất hoàn chỉnh. Tôi bèn highlight màu đỏ đoạn này báo cho anh biết và anh cũng đã chia sẻ với độc giả ở ghi chú số (1) của bài Sống và Viết trong số báo nói trên.
Là “thầy cò” của một tạp chí văn học “đặc biệt” – “đặc biệt” vì bài vở, hoặc do tác giả cung cấp, hoặc do sưu tầm tài liệu và đánh máy lại, không thể tránh khỏi tình trạng “tam sao thất bổn”. Tôi không chỉ sửa lỗi chính tả, mà đã phải đọc từng chữ từng câu. Khi thấy ý tưởng không liên tục, là biết những chỗ nhảy dòng, bị thiếu một đoạn, là phải điện thư xin anh gởi bản PDF để đọc rồi điền vào những chỗ thiếu sót. Tôi sửa bản thảo kỹ như vậy, nên mất nhiều thời gian, và hình như điều này không làm cho anh vui, vì anh luôn muốn tôi thoải mái, đừng mất quá nhiều thời gian cho tờ báo mà số phát hành rất khiêm tốn so với tạp chí Văn hay Bách Khoa của ngày xưa. Nhưng bù lại, tôi được niềm vui đóng góp một phần thật nhỏ của mình trong việc giữ gìn di sản văn chương miền Nam.
Sau này, khi đã quen việc, anh cho tôi phụ đánh máy những bài ngăn ngắn, trình bày hình ảnh trang trong và cả bìa nữa (bìa số 52). Hai anh em làm, góp ý cho nhau, nhưng anh vẫn là người chính. Anh giỏi computer và có đôi mắt nghệ thuật. Bởi vậy, sau này, bạn đọc đều khen tờ báo trình bày rất trang nhã đẹp mắt. Nhân đây, tôi muốn nói lời cám ơn với họa sĩ Đinh Cường. Anh đã giúp tôi ý kiến và cho phép dùng tranh của anh để làm bìa cũng như trang trí tờ báo khi tôi cần đến.
Làm việc với anh Trần Hoài Thư rất vui vì tính anh cởi mở. Tôi cũng được học hỏi nhiều điều. Có thắc mắc gì được phép hỏi anh hoặc tác giả. Như khi làm cuốn 49, số báo Giáng sinh và giới thiệu tập thơ “Sao em không về làm chim thành phố” của nhà thơ Lâm Vị Thủy. Tôi không hiểu “xếp tanh” là gì. Hỏi anh, anh cho biết từ gốc chữ Pháp “chef de train”, là nhân viên hỏa xa phụ trách tổng quát trên xe lửa. Cũng như khi đọc từ “nhảy diều hâu” trong các truyện của anh, tôi thắc mắc thì được anh giải thích: Nhảy diều hâu là một chiến thuật dùng trực thăng loại nhỏ bay nhanh, thả toán quân xuống đánh chớp nhoáng, sau đó trực thăng bốc lên. Như thể con diều hâu từ trên cao thấy mồi ào xuống chụp mồi…
Có khi anh em chúng tôi cùng trao đổi ý kiến về bài chọn đăng. Như số báo 49 chủ đề Giáng Sinh, anh có truyện ngắn “Nay Lát” và một truyện ngắn Giáng Sinh khác về người tù cải tạo. Anh hỏi tôi thích truyện nào hơn. Tôi thú thật với anh là truyện nào cũng hay và tôi đều thích. Nhưng tôi đề nghị anh đi truyện Nay Lát để độc giả hiểu được rằng trong khi mọi người bình an vui hưởng một Giáng Sinh đầm ấm bên gia đình thì có những người lính đang dầm mưa lạnh cắt da trong đêm tối truy kích địch để giữ yên vui cho hậu phương. Tôi cũng đã hỏi anh về truyện “Ban Mê Thuột, mùa cỏ may” trong số báo 50 rằng: “Sao anh cho người lính mới hai mươi mấy tuổi trông như ông già 60 mà không có một lời giải thích nào.” Anh nói có giải thích thì em và độc giả cũng không thể hiểu được đâu, nhưng anh cũng chiều ý tôi viết thêm một đoạn ngắn. Sau này khi có dịp đọc thêm nhiều truyện ngắn của anh, tôi đã hiểu được rằng đời lính rất gian khổ. Nơi chiến trường, viên đạn kẻ thù không chừa một ai, đối diện với cái chết từng giây phút, có người lính nào giữ được nét thanh xuân và không già đi trước tuổi?
Thế hệ chúng tôi mang đầy vết sẹo
Vết sẹo ngoài thân và vết sẹo trong hồn
Không phạm tội mà ra tòa chung thẩm
Treo án tử hình ở tuổi thanh xuân
(Trần Hoài Thư – Thế hệ chiến tranh)
Trong số họ, có những người cũng là người cầm bút, mà anh là một. Và, đã có những người vĩnh viễn ra đi, như các anh Y Uyên (tử trận ở Nora, Phan Thiết), Trần Như Liên Phượng (tử trận ở Chương Thiện), Doãn Dân (tử trận ở vùng hỏa tuyến), Song Linh (tử trận ở Mộc Hóa), Hoài Lữ Lữ Đắc Quảng (tử trận ở Bình Chánh – Gia Định) …
Trong cuộc chiến, họ đã “nhận án treo tử hình” để giúp cho người khác được sống, thì sau cuộc chiến họ bị mang tiếng là “ngụy”, bị bôi nhọ, trả thù một cách hèn hạ ở ngoài đời và trong tác phẩm văn học chiến tranh.
Nên bây giờ, trên tạp chí Thư Quán Bản Thảo do anh và các bạn chủ trương, anh đặc biệt muốn giới thiệu với độc giả những bài viết của những người lính trận miền Nam. Anh muốn trả lại danh dự cho họ, không thể để họ bị chìm trong quên lãng, và cũng để giới thiệu với các bạn trẻ được sinh ra sau này về văn chương miền Nam đã có một thời như thế. Anh muốn nói lên sự thật, bảo vệ sự thật. Anh đã lên tiếng trước những dối trá, bôi nhọ hình ảnh người lính VNCH của nhà văn Bảo Ninh trong tác phẩm Nỗi Buồn Chiến Tranh. Trong đoạn cuối của bài “Đối thoại với một nhà văn”, anh viết:
Tôi cũng viết lai rai, và có trăm ngàn chuyện để viết về mấy năm làm Trung đội trưởng thám kích. Nhưng mỗi lần đặt bút lên là lòng tôi lại quặn đau. Tôi không dám kể hết về những gì mà chiến tranh đã gây nên. Tôi không thể không quằn quại khi khui lại, mở lại những sợi gân đã buộc chặt vết thương. Tôi sợ mang nỗi buồn cho con cháu tôi. Bởi vậy tôi phục anh vì anh dám mở toác loác cái vết thương. Tôi đã đau từng dòng anh viết. Tôi yêu văn nồng nàn chất liêu trai của anh. Anh quả là một nhà văn tài hoa chữ nghĩa. Có điều, một nhà văn có tài, không phải là tài ở những chuyện bịa đặt, để lường gạt những người ngây thơ nhẹ dạ, hay không có kinh nghiệm. Ông ta phải biết thành thật, cho chính ông, và độc giả của ông và cả kẻ thù của ông nữa.
(Đối thoại với một nhà văn trong tập truyện Đại đội cũ, Trang sách cũ của Trần Hoài Thư do Thư Ấn Quán tái bản năm 2010)
Ngày xưa anh là một chiến sĩ cầm súng thì ngày nay anh là một chiến sĩ cầm bút để nói lên sự thật, để mọi người được hiểu mà không bị mê hoặc hay ảo tưởng. Hằng ngày anh vẫn tiếp tục tìm tòi thử nghiệm sáng kiến để tiết kiệm tiền bạc, công sức và chia sẻ với mọi người trên trang blog của anh. Như gần đây nhất là việc tự động hóa việc ép phim loại lạnh (Cold laminating film automatization), dùng trong việc ép bìa sách bằng laminating film mà bìa không bị cong,vẫn phẳng láng như mặt kiếng, hay, how to reset belt on OKI C5300N… Nhờ vậy, những đầu sách do Thư Ấn Quán in ra vốn rất có giá trị về nội dung thì nay càng ngày càng đẹp hơn về mặt hình thức. Nó cũng giúp anh có sức chống chọi với nền kinh tế nhiều biến động hiện nay mà những tờ báo bán, hoặc đã phải thay đổi thời gian phát hành dài ngày hơn, hoặc không chịu nổi đã phải đóng cửa… Còn anh, tự tay chăm sóc mọi việc, “lấy công làm lỗ”, sách báo chỉ dành tặng biếu mà không bán, để đổi lại những niềm vui bất tận khi độc giả gửi thư ủng hộ việc làm của anh hay khen tặng một cuốn sách, một bài báo do Thư Ấn Quán xuất bản hoặc đăng trên Thư Quán Bản Thảo.
oOo
Cho tới hôm nay, tạp chí Thư Quán Bản Thảo đã tròn mười hai tuổi. Mười hai năm đã qua, hẳn anh và các bạn của anh khi khai sinh ra nó, đã không ngờ được nó có thể sống hùng và sống mạnh đến bây giờ, ngày càng có nhiều độc giả hơn, mặc dù báo không bán và không nhận một đồng tiền quảng cáo hoặc tài trợ từ bất cứ cơ quan hoặc cá nhân nào. Có nhiều người viết về anh, nhưng tôi thích nhất câu của nhà văn Nam Dao: “Nước chảy dễ gì trôi bóng chữ”. Vâng, thưa anh, thời gian sẽ qua, nhưng những đầu sách do Thư Ấn Quán xuất bản sẽ còn mãi. Ngay cả độc giả trong nước cũng đã biết đến anh và nhờ thân nhân của họ ở Mỹ đặt mua hai bộ Văn và Thơ Miền Nam, chứng tỏ ngày càng có nhiều người biết đến việc làm của anh “giữ gìn di sản văn chương miền Nam thời chiến”, mà một thời đã bị cho vào lửa đốt không thương tiếc, là rất đáng trân trọng, rất đáng khuyến khích. Bạo lực có thể giành được chính quyền, nhưng chính là lòng nhân ái mà những tác phẩm này nói lên sẽ thu phục lòng người vĩnh viễn. Dù không có mười hai ngọn nến thắp trên chiếc bánh sinh nhật, nhưng tôi tin rằng anh đang rất vui, rất ấm lòng với tình thương mến, ủng hộ của độc giả ở khắp nơi cũng như những thành quả mà Thư Quán Bản Thảo, Thư Ấn Quán và chính anh đã đạt được.
Chúc mừng sinh nhật của Thư Quán Bản Thảo và em cũng xin được chia vui với anh chị. Cầu xin Ơn Trên ban cho anh chị một sức khỏe tốt để tiếp tục đi trên con đường mình đã chọn.
.
Trần Thị Nguyệt Mai
21-9-2012
(Nguồn: Thư Quán Bản Thảo số 54 – tháng 10 năm 2012)
.
* Muốn có tạp chí Thư Quán Bản Thảo cũng như những sách do Thư Ấn Quán xuất bản hoặc tái bản, xin bạn liên lạc với nhà văn Trần Hoài Thư ở địa chỉ:
Thư Ấn Quán
PO Box 58
South Bound Brook
NJ 08880
hoặc email: thuquanbanthao@yahoo.com
XIN CHÚC MỪNG TẠP CHÍ ĐÃ ĐỨNG VỮNG TRÒN MỘT GIÁP !
Chúc nhà văn THT luôn an khoẻ, ngõ hầu thể hiện và cống hiến tấm lòng Vàng vô vị lợi của ông cho Di Sản Văn Chương Miền Nam bị bức tử tức tưởi! Hy vọng và mong muốn, ít nhất là, đến khi TẠP CHÍ TRÒN…HAI GIÁP !
Trân trọng chúc mừng và ngưỡng mộ tấm lòng Vàng của ông.
Anh Đinh Thành và anh Ngô Tấn,
Mấy hôm nay, vùng nhà văn Trần Hoài Thư đang sinh sống đang có bão Sandy. Nên có thể vì vậy mà anh ấy không thể vào mạng. Nguyệt Mai xin được mạn phép thay mặt anh ấy và Thư Quán Bản Thảo, chân thành cám ơn các anh đã có lời chúc mừng.
Chị Ba, chị Năm ơi,
Nhân chị Ba cho biết tin..”Mấy hôm nay, vùng nhà văn Trần Hoài Thư đang sinh sống đang có bão Sandy…”
Ròm em có đọc bài viết này của bác THT viết nhân lúc vùng bác ấy ở đang bị bão…
Ròm em mạn phép copy về..mọi người đọc để biết thông tin..bác ấy làm gì trong lúc..chờ bão..nghen…
– “Viết lúc 4AM: Ngày chờ bão Sandy
Chưa bao giờ các đài truyền hình Mỹ lại nói nhiều về trận bão Sandy như lúc này. Và cũng chưa bao giờ New York và New Jersey lại được nhắc nhở như lúc này. Họ ví Sandy như Frankenstorm vì bão xãy ra đúng vào mùa lễ Halloween, hay superstorm… để nói lên sự khủng khiếp về cường lực của bão. Có một vài nơi gần bờ biển đã được lệnh di tản…
Vậy đó. Không lo thì cũng phải lo. Nhà tôi đã đi mua nước, đen pin, cherrios dự trử. Còn tôi, lo nhất là hàng kệ sách đặt dưới hầm nhà. 8 cái máy in vừa màu vừa đen trắng, 4 cái computer loại desktop với hệ thống network chằng chịt cable, rồi máy cắt, máy xén, máy ép phim laminate … Không lo sức gió mà lo lụt. Lỡ nước ào vào thì sao…
Bởi vậy, lại khuân lại vác, lại di chuyển. Con thì xa, bạn bè thì cũng thật xa, chỉ có gần, kế cận nhất là cái máy truyền hình với những lời cảnh dữ. Tôi không thể thờ ơ, buông xuôi. Tôi yêu chữ nghĩa, thích văn chương, tự hào với những sách vở, tạp chí Thư Quán Bản Thảo mà tôi đã bỏ ra bao nhiêu ngày đêm gian khổ, công sức… Tôi không thể để cho những chiếc mấy in kia phải bị chìm lỉm, hư hại được. Chúng là ưu tiên hàng đầu. Chúng phải được bảo vệ tối đa,
Bởi vậy, tôi thào hết những cơ phận mà tôi có thể tháo được. Từ từ khuân từng chiếc một. Lên cao nhé, an ổn nhé. Mi đã theo ta suốt bao nhiêu năm, ta không thể bỏ mi được, trừ khi mi bỏ ta.
Lại thêm cái máng xối đầy ngập lá mà tôi đã hứa với nhà tôi phải dọn sạch. Lá làm nước nghẻn, trước sau gì cũng phải bị hư, nếu không kịp thời…
Vậy đó, ai bào tuổi già thong dong, vui vầy cùng con cháu. Có ở trong trường hợp tôi, mới hiểu là trái ngược…
(…)
https://tranhoaithux.wordpress.com/2012/10/29/viet-luc-4am-ngay-cho-bao-sandy/
– “Thời giờ thấm thoát thoi đưa
Nó đi đi mãi có chờ đợi ai …”
Xin lỗi chị Nguyệt Mai trước nhé,
Tôi không có ý gì và thấy cũng không có gì là lớn lắm; nhưng quả thật 2 câu trên, khi đọc, tôi lại thấy hơi ‘trúc trắc” một chút chị NM ạ! Vì tôi, trước đây khi học cũng như bây giờ, tôi lại thấy hơi hơi “thuận tai” hơn khi nghe thế này chị ạ:
– “Thời GIAN thấm thoát thoi đưa
Nó đi đi mãi KHÔNG chờ đợi ai…”
Mạo muội “trao đổi” một tí, chứ không hẳn là tôi “chuẩn”, vì bây giờ nhiều lúc đọc thấy ngôn ngữ tiếng Việt của chúng ta “tam sao thất bổn” hơi nhiều, vậy có gì sơ sót không đúng mực chị “xí xoá” nhé!
Kính,
Anh Đinh Thành,
Cám ơn anh đã góp ý. Thật tình, đó là những câu mà Nguyệt Mai vẫn còn nhớ.
Mai có thử google search thì câu của NM và câu của anh đều có trong kết quả tìm kiếm.
Tất cả đều có ý nói thời gian trôi qua nhanh lắm, anh đồng ý không?
Chị Nguyệt Mai,
Cám ơn chị đã hồi đáp comment của tôi nhé.
Vâng, rất đồng ý với chị ở bản chất ý nghĩa của câu ca dao trên.
Và thiển nghĩ, nó vốn cũng chỉ là trí nhớ mà các thế hệ chúng ta khi xưa đã học, cũng như sự “thuận tai” (như tôi) thôi, chị nhỉ?
Cũng như chị, tôi cũng thử Google search, thì quả thật, nói vui vui, các cụm từ “Thời gian-Thời giờ”, “Có-Không”, đúng là tam sao thất bổn…hơi nhiều, khiến chúng ta cũng thật sự “hoang mang”, “thiếu tự tin”, vì không biết đâu là cái câu “chuẩn” cả!
Chẳng hạn, các cặp câu:
1/ Thời GIAN thấm thoát thoi đưa
Nó đi đi mãi KHÔNG chờ đợi ai
– Thời GIAN thấm thoát thoi đưa
Nó đi đi mãi CÓ chờ đợi ai
2/ Thời GIỜ thấm thoát thoi đưa,
Nó đi đi mãi KHÔNG chờ đợi ai.
– Thời GIỜ thấm thoát thoi đưa
Nó đi đi mãi CÓ chờ đợi ai
3/ THÌ GIỜ ngựa chạy tên bay
Nó đi đi mãi CÓ chờ đợi ai.
– THÌ GIỜ ngựa chạy tên bay
Nó đi đi mãi KHÔNG chờ đợi ai
4/ THỜI GIAN vùn vụt qua nhanh
Gắng công đèn sách đua tranh với người
– THỜI GIỜ vùn vụt qua nhanh
Gắng công đèn sách đua tranh với người.
—-
Chỉ là một tí, gọi là “trao đổi” cho vui vui, bởi vì tôi “hân hạnh bóc tem” New entry mà cô Phay Van post, chị Nguyệt Mai nhé!
Nhân tiện, có bài viết thấy cũng khá lý thú khi phân tích về khái niệm “Thời giờ” “Thời gian” trong ca dao. tục ngữ, mời chị và mọi người nếu có thời gian, vào đọc…vui vui thư giãn:
– Quan niệm về thời gian qua ca dao (Đi đôi với không gian )
Nguyễn văn Nhiệm
http://www.anviettoancau.net/anviettc/index.php?option=com_content&task=view&id=2791
Thấy có 2 trang hơi “tương đối nghiêm túc”, mời mọi người xem tham khảo:
1/ http://cadaotucngu.com/phorum/topic.asp?TOPIC_ID=647
2/ http://vhv.vn/vhv_thoi-gian-tham-thoat-thoi-duano-di-di-mai-khong-cho-doi-ai_29948.html
Chị Nguyệt Mai và chị Phay Van, sao hai chị không cho link để mọi người có thể cùng đọc được “Tạp Chí Thư Quán Bản Thảo số 54”, trong entry này?
Anh Đinh Thành,
Cám ơn anh đã nhắc. Anh và các bạn có thể đọc TQBT số 54 (bản PDF) ở link này:
https://tranhoaithux.wordpress.com/2012/10/25/da-phat-hanh-khap-the-gioi-thu-quan-ban-thao-so-54-chu-de-ba-lo-mang-them-hon-tho-van/
Cám ơn chị NM đã nhanh chóng đáp ứng đề nghị của tôi nhé.
Có lẽ do lỗi “kỹ thuật” em à.
Lâu nay, mỗi tuần mình đều phải ghé blog của chú Trần Hoài Thư, nghiện Viết lúc 4AM mất rồi!
12 tuổi ? Vẫn còn là vị thành niên. Chưa đến tuổi vào đoàn THanh niên cộng sản HCM !
Mười hai năm, một thân một mình ‘tả xung hữu đột’ (như nội dung bài viết miêu tả…) lăn lộn vào chốn văn chương ở cái tuổi ‘xưa nay hiếm’, để phục hồi và làm sống lại những áng thơ văn thời chiến xưa cũ với tấm lòng nhiệt huyết say đắm ‘lấy công làm lỗ’, thì quả thật đây không là chuyện đùa, mà là một công việc của lương tâm, của ý thức, đầy vất vả trí lực cao cả của một…TRÁI TIM trân quý những gì xứng đáng được trân quý!
– Xin chúc mừng!
Anh Ngô Tấn,
Xin anh xem lời hồi đáp của NM ở phía trên cùng với anh Đinh Thành.
Cám ơn anh.
Cô Nguyệt Mai.
Theo link cô giới thiệu, thì bị chặn!?
Thử ‘vượt tường lửa’ này…
https://vn1975.info/b/http://tranhoaithux.wordpress.com/2012/10/25/da-phat-hanh-khap-the-gioi-thu-quan-ban-thao-so-54-chu-de-ba-lo-mang-them-hon-tho-van/
…thì lại download không được, sao thế nhỉ?!
Chắc tại link trèo tường nó thế. Bác Ngô Tấn mở thử link này (em thêm chữ “s” sau “http”):
https://tranhoaithux.wordpress.com/2012/10/25/da-phat-hanh-khap-the-gioi-thu-quan-ban-thao-so-54-chu-de-ba-lo-mang-them-hon-tho-van/
Cám ơn Phay Van,
Link cô cho, tôi vào đọc được rồi!
Chị Năm ơi,
Mấy hôm nay bận không kịp thở nên không dám vào nhà chị “huyên thuyên”!
hihihihi…
Giờ này vẫn đang bù đầu, nhưng em tranh thủ ghé thăm chị Năm một lát đây….
Trời…trời…! Chị Năm thật là…!
Bộ chị Năm muốn cho em…”đi chuyến tàu lặn suốt”…hay sao, mà bảo em “bây giờ thở được chưa…”?
– Em học…”không kịp thở”…chứ hổng phải…”thở được chưa”…chị Năm ơi!!!!!
hihihihihihi…
Chị Ba, chị Năm ơi,
Hai chị thật là…
– CHÚC MỪNG SINH NHẬT TẠP CHÍ…sao không có HOA…vậy?!
Vậy, chị Năm ơi, chị tìm giúp em một lẳng hoa thật là đẹp,gắn vào cái còm này, để em được chia vui, và…CHÚC MỪNG SINH NHẬT TẠP CHÍ…chứ!
OK, chị Năm?
Chị Ba ơi, đây là lẵng hoa Tuấn Anh kính gởi đến chúc mừng nhà văn Trần Hoài Thư nhân dịp Thư Quán Bản Thảo lên 12 tuổi:
Thay mặt nhà văn THT và tạp chí TQBT, chị Ba chân thành cám ơn Tuấn Anh và nàng Phay nhé.
Wow…! Cám ơn chị Năm,
Thế, đã có HOA rồi, vậy thì…bật nhạc lên cho tưng bừng…không khí, nghen chị Năm…
hihihihihi…
Khúc Hát Mừng Sinh Nhật
Ngày hôm nay ta cùng hợp hoan nơi đây.
Mọi người bên nhau ta hát mừng sinh nhât.
Một hai ba ta cùng thổi tắt nến…
Happy birthday, happy birthday to you…
On this day, all together will be
And we’ll all sing for your birthday.
One two three we blow all the candles
Happy birthday, happy birthday to you.
Happy birthday, happy birthday to you.
And happy birthday, happy birthday to you…
Giờ này, ròm em mới sắp xếp chút thời gian vào đọc entry này…
Tín ròm em kính chào chị Ba ạ!
Vì cả nhóm kiến bận công việc nên vắng mặt dài ngày, may mà có Tuấn Anh ở nhà.. kịp thời Chúc mừng sinh nhật lần thứ 12 của TQBT.
Vậy, tuy muộn còn hơn không, chị Ba cho ròm em thành thật kính gởi lời chúc mừng sinh nhật lần thứ 12 của Tạp chí TQBT (tuy muộn) cùng chia vui với bác THT..chị Ba nghen!
Bác Trần Hoài Thư kính,
Thưa bác, cháu đã kịp đọc xong một truyện “Buổi dừng quân – Lê Bá Lăng”.
Có một chi tiết…cháu chưa rõ lắm, đó là:
– “…Thằng Bảy vừa rót RƯỢU vào CỐC vừa réo người đàn bà chủ quán:
– Thêm nhiều “33” nữa đi chị Hai…”
Thưa bác, Cháu hơi lấn cấn không rõ chi tiết này, vì…”33″ là BIA chứ đâu phải RƯỢU?
Và hơn nữa, với người miền Nam,…BIA thì được rót vô LY, chứ sao lại CỐC, cũng như tác giả Lê Bá Lăng (người sinh ở Huế – miền Nam), không hiểu sao khi viết, lúc thì CỐC lúc lại LY…”lẫn lộn Nam-Bắc lung tung”…?!
Bác Trần Hoài Thư cùng chị Ba kính,
Vì quá ít thời gian, nên cháu chưa thể đọc được hết toàn bộ các bài viết, truyện và thơ trong cuốn Tạp chí này!
Tuy nhiên, cháu cũng đã kịp đọc trọn vẹn được một truyện ngắn, đồng thời cũng đã lướt xem qua toàn bộ nội dung và hình thức của Tạp chí…
Với tư cách một độc giả trẻ tuổi, cháu “làm gan” thử mạo muội có ý kiến sau:
– Nên chăng, hãy trình bày xen kẽ, như là…cứ sau một hoặc hai truyện…nên là một bài thơ, ngõ hầu cho người đọc kịp “thư giãn” mắt và đầu óc một chút…
– Ở mỗi truyện và mỗi bài thơ, nên điểm xuyết một hoặc vài bức tranh hay hình ảnh…nhằm trang trí hay minh hoạ nội dung của truyện hoặc thơ, ngõ hầu hình thức trang báo được sinh động, cũng như tạo được cái cảm giác thưởng thức khi đọc thật nhẹ nhàng thoải mái…nơi người đọc.
( Vì chị Ba có nói: “Nhân đây, tôi muốn nói lời cám ơn với họa sĩ Đinh Cường. Anh đã giúp tôi ý kiến và cho phép dùng tranh của anh để làm bìa cũng như trang trí tờ báo khi tôi cần đến.)
Kính thưa bác và chị Ba,
Sở dĩ cháu “làm gan” thử mạo muội có cái ý trên…
Bởi, cháu thấy trong tạp chí này, độc giả khi đọc, thì…đọc một lượt 7 bài viết+ truyện, rồi đọc “một hơi” 26 bài thơ liền một lúc, cá nhân cháu e rằng cảm giác thưởng thức cảm thụ sẽ hơi loãng, và sẽ đọc với cảm giác hơi…ngan ngán một chút ạ!
Kính thưa bác và chị,
Đây chỉ là ý cảm nhận khi xem và đọc của chỉ riêng cá nhân cháu thôi, nếu ý kiến này có gì ấu trĩ, rất mong bác và chị Ba…đừng mắng ạ!
Hihihihihihi…
Tuấn Anh mến,
Cám ơn em đã đóng góp ý kiến.
Nhưng xin nhắc em nhớ rằng TQBT chủ yếu là báo in chứ không nhắm vào ebook.
Khi cầm một cuốn báo trên tay, độc giả có mục lục và sẽ chọn đọc những mục hoặc những bài mình thích trước, chứ ít ai đọc từ trang đầu đến trang cuối theo thứ tự số trang đâu em. Nên độc giả sẽ không thấy ngán gì cả.
Phần trình bày bên trong là do Bác Trần Hoài Thư và chị Ba. Vì viết rõ ra sẽ làm câu văn dài dòng. Đúng ra, chị phải viết rõ ràng là: “Nhân đây, tôi muốn nói lời cám ơn với họa sĩ Đinh Cường. Anh đã giúp tôi ý kiến khi làm bìa và cho phép dùng tranh của anh để làm bìa cũng như trang trí tờ báo khi tôi cần đến.”
– “…Nhưng xin nhắc em nhớ rằng TQBT chủ yếu là báo in chứ không nhắm vào ebook.”
Chị Ba kính,
Dạ, chị Ba nhắc, vậy là em đã “sực nhớ rõ” lại… rồi ạ! hihihihihihi…
Mà…chị Ba ơi, như chị cho biết, thì…Thư Quán Bản Thảo được bác Họạ sĩ tài hoa Đinh Cường ưu ái cho phép “tuỳ nghi sử dụng”…cả một kho tàng đồ sộ những tác phẩm của bác ấy, thế thì, những số tạp chí TQBT sau này, nên chăng…chị Ba với đôi mắt mỹ thuật tinh tế, hãy sử dụng các hoạ phẩm của ông để trang trí tạp chí, cũng như minh hoạ nội dung của các bài văn, thơ…nhiều nhiều hơn một tí nghen…, ngõ hầu tạp chí được toả thêm chất nghệ thuật và hấp dẫn sinh động hơn…
Bởi, với cá nhân em, (và chắc chắn là cũng rất nhiều người…) thì, các hoạ phẩm của Lão Danh Hoạ Tài Hoa Đinh Cường…rất quyến rũ, ẩn hàm tinh tế nhiều ý nghĩa của cái đẹp nghệ thuật hội hoạ…đến mê hồn!
Thú thật, em cũng thường hay vào các trang này để đọc, cũng như xem tranh của ông đó…chị Ba!
– Ông, Hoạ sĩ Đinh Cường, quả là một Danh hoạ Việt Nam đầy tài hoa…”Danh bất hư truyền”…vậy!
ĐINH CƯỜNG – MỘT TÀI HOA CỦA VIỆT NAM
– Biên soạn: Phan Anh Dũng
http://cothommagazine.com/index.php?option=com_content&task=view&id=276&Itemid=53
http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=339&rb=0102
http://www.tcs-home.org/paintings/dinh-cuong-ve-tcs
http://cothommagazine.com/index.php?option=com_content&task=view&id=936&Itemid=53
http://phannguyenartist.blogspot.com/2011/04/inh-cuong.html
http://www.art2all.net/tho/dangtien/dt_dinhcuong.htm
http://bbqt.com/forum/index.php?/topic/4078-tranh-dinh-c%C6%B0%E1%BB%9Dng/
http://damau.org/archives/author/dzinhcuong
http://www.luanhoan.net/Bai%20Moi%20Trong%20Ngay/html/bm-23-3-6.htm
http://hoainguyen_53.violet.vn/entry/show/entry_id/7873132
……………….
Cùng tất cả các bạn và các em thân mến,
Nguyệt Mai xin được thay mặt nhà văn Trần Hoài Thư và tạp chí TQBT chân thành cám ơn tất cả các bạn và các em đã gửi lời chúc mừng, hoa và nhạc nhân kỷ niệm sinh nhật 12 năm của TQBT.
Như các bạn đã biết, vùng nhà văn ở đã bị trận bão Sandy gây thiệt hại nặng nề. Xin chia sẻ với cả nhà thư cập nhật tin tức của ông:
Bạn thân,
Trước hết cám ơn bạn về lời thăm hỏi. Sở dĩ hồi âm chậm vì sau trận bão đến hôm nay, không có điện, không internet. Chúng tôi phải lái xe hơn cả trăm miles, qua tiểu bang kế cận là Pensylvania, trước để đổ xăng, sau là vào tiệm sách Barnes Nobles để sử dụng WI FI. Đang viết thư về bạn khi ngồi giữa các kệ ngăn sách. Đúng vào kệ để Wedding, toàn là sách dạy về đám cưới. Cầm thử một cuốn sách lên đọc được làm cách gì để biết chàng trai nói dối…
Sandy đã chọn NJ để tàn phá. Riêng khu vực tôi thì giống như một bãi chiến trường. Đường dẫn vào nhà bị cây ngã nằm chắn ngang, xe cộ không chạy được. Cách nhà tôi 3 căn, đối diện là sân tennis, cả 5 gốc cổ thụ bị bứng, cây nằm đè trên sân. Cách đấy, chừng 100 thước là Adam Circle, hầu hết cây bên đường đều bị bật gốc. Có cây đè trên mái hiên. Song song với đường Coolidge – đường nhà tôi – thì hầu như Sandy không chừa một cây sồi, cây dẻ, hay phong. Gốc bứng, cột điện thoại bị gãy ngang, có nhà, hai cây đổ, đè lên hai xe.
Bởi vậy. chuyện hồi phục lại điện là chuyện khó. Không biết chừng nào, khi tin mới nhất là gần 700 ngàn gia đình không có điện. Khi những trạm biến điện bị hư hại hoàn toàn. Từ việc không có điện, dẫn đến việc khan hiếm xăng, vì trạm xăng cần điện để bơm, nếu không có điện, thì vô phương. Tôi không thể xem TV để biết những hàng xe dài như thế nào, nhưng mỗi lần lái xe qua một trạm may mắn mở, mới thấy sự nhẫn nại vô bờ của người dân. Hàng trăm chiếc chờ, hàng trăm người mang thùng với nỗi mong là mua được 10 gallons, vậy mà họ đợi cả hai, ba tiếng đồng hồ trong giá rét.
Vì không điện, nên không heat. Đêm nhiệt độ xuống khoảng 35 độ F, khoảng 0 độ C, ở trong nhà, có lẽ ấm hơn chút. Chúng tôi phải mang cả 3 cái áo ấm, đắp cả 3 cái mền. Ánh sáng thì nhờ vào đèn pin và đèn cầy. Pin loại C thì vô phương tìm được ở địa phương. Đèn cũng vậy.
Nói tóm lại, cả một thảm cảnh, gây nên bởi sự mất điện. Không biết chừng nào tôi mới được ngồi trước máy để check email đây.
Tuy nhiên, nhờ vậy, mình mới có dịp đọc những cuốn sách mà mình yêu thích. Nhờ vậy mình mới biết rõ thế nào là tình người trong lúc khốn đốn. Một lần nữa cám ơn bạn thật nhiều.
Xin gởi vài tấm hình chụp ngay ở khu vực tôi ở. Và xin chia mừng dùm vợ chồng tôi, mọi sự vẫn binh an. Gas vẫn còn để nấu ăn. Nước vẫn còn. Chỉ thiếu chăng là thiếu điện. Thiếu gasoline.
Thân,
THT