Giới thiệu Thư Quán Bản Thảo số 52 – Sự im lặng của cát bụi
Người viết: Trần thị Nguyệt Mai
Cầm cuốn TQBT số 52 trên tay, tôi thật sự cảm động. Tôi hiểu anh chị đã bỏ ra rất nhiều tiền bạc và công sức để thực hiện những số báo rất quý giá này. Giữa thời buổi mà báo mạng hầu như đã chiếm ưu thế trong mọi gia đình Việt Nam, báo giấy đương nhiên càng gặp khó khăn với tình hình kinh tế hiện nay. Như gần đây tạp chí Hợp Lưu đã thông báo sẽ đổi thời gian phát hành từ hai sang ba tháng, thì Thư Quán Bản Thảo lúc sau này đã ra báo đều đặn hai tháng một lần. Một tờ tạp chí thuần túy văn học với những chủ đề rất hiếm có, đặc trưng như giới thiệu nhà thơ Lâm Vị Thủy với tập thơ Sao em không về làm chim thành phố, nhà văn Nguyễn thị Thanh Sâm với tác phẩm Cõi Đá Vàng, v.v… Báo in thật đẹp, đẹp từ nội dung đến hình thức, không bán, chỉ để tặng cho bạn bè và thân hữu hoặc những ai có yêu cầu. Không có lấy một trang quảng cáo. Vậy thì cái gì đã khiến anh chị làm như vậy? Nếu không vì lòng yêu mến văn chương, muốn giúp các bạn trẻ tìm hiểu thêm về tác giả và tác phẩm, là nơi để anh và bạn bè có thể trải lòng viết lách mà không sợ bất cứ một thế lực hoặc một cơ quan kiểm duyệt nào, cũng không sợ bị hacker phá hoại. Như gần đây chúng đã phá hoại một trang văn chương mạng trong nước và người chủ mạng cũng gặp khó khăn với chánh quyền sở tại (bị kêu lên “hầu” ít nhất là ba lần vì đã đưa lên những bài vở quá “nhạy cảm”). Và nhất là để chứng tỏ với mọi người rằng văn chương miền Nam không chết, nó vẫn đang được những người cầm bút, cũ và mới, viết tiếp ở hải ngoại và ngay cả trong nước. Như trường hợp nhà thơ Khoa Hữu. Khi còn tại thế, anh vẫn âm thầm sáng tác những bài thơ vinh danh người lính đã bị bức tử oan nghiệt sau tháng 4-1975. Thơ của anh đã được đưa ra ngoài và đăng trên những tạp chí hải ngoại.
Còn nhớ sau khi thực hiện xong số báo 50 (tháng 2 – 2012), chủ đề Nguyễn Đức Sơn và thơ văn mùa Tết, anh nói với tôi: “Số tới 51 (tháng 4 – 2012), mình sẽ giới thiệu về nhà thơ Giang Hữu Tuyên. Anh sẽ cố gắng tập trung cho số báo này và chắc sẽ lâu lắm mới ra số báo tới…” Nghe anh nói như vậy, tôi rất buồn. Vì tôi biết anh không được khỏe trong người. Gần đây, bệnh Gout và bệnh Joint hành hạ anh không ít. Chân anh đi cà nhắc, không vững, phải dựa vào chị. Thêm trận cúm nặng, anh đã ho suốt đêm, người mệt không chịu nổi. Tôi hiểu nếu anh không làm thì ai sẽ làm đây? Sẽ không có một người nào chịu bỏ ra 10 tiếng lái xe cho mỗi lần đi đến thư viện đại học Cornell để sưu tầm bài vở. Không phải chỉ đến đó một lần mà rất nhiều lần, kể cả khi trời mưa tuyết bão bùng. Anh chị đã cố gắng vực dậy một nền văn học miền Nam một thời đã bị hủy diệt. Ngày đó người ta đã ném chúng vào đống lửa không thương tiếc thì ngày nay anh chị đi tìm lại những đứa con thất tán đó mang về, để trả lại danh dự cho những người cầm bút và để giới thiệu với độc giả – những người bạn, những người em – những tác phẩm thật hay và quý giá của một thời huy hoàng ngắn ngủi. Anh chị rất vui khi nhận được những chia sẻ chân thành của độc giả yêu mến những tạp chí, những đầu sách do Thư Ấn Quán phát hành. Tuy nói là như thế, nhưng anh vẫn cố gắng, vẫn cho ra báo đều đặn hai tháng một kỳ, như bạn đã thấy số báo này ra sau số 51 đúng 2 tháng. Đó là chưa kể có lúc anh chơi sang, ngoài TQBT anh còn tặng cho độc giả một tác phẩm đi kèm. Như số 47 giới thiệu nhà thơ Luân Hoán, anh tặng cuốn thơ Thanh Thi, số 48 nói về tạp chí Bách Khoa, anh tặng tập Truyện từ Bách Khoa của anh. Có thể nói chưa có tạp chí nào dám làm như vậy.
Mời bạn hãy cùng tôi mở số báo 52, số báo mới nhất ra xem. Tranh bìa là bức Xúc Địa Ấn, tranh sơn dầu của họa sĩ Đinh Cường. Phần Sống và Viết của các tác giả Trần Hoài Thư, Phạm Cao Hoàng, Phạm văn Nhàn, Đào Anh Dũng, Vương Thúy Nga, Trần thị Nguyệt Mai. Phần Sáng tác mới với những truyện ngắn của Trần Bang Thạch, Đặng Kim Côn, Nguyễn Lệ Uyên, Nguyễn thị Hải Hà, Cam Li Nguyễn thị Mỹ Thanh, truyện dịch do Nguyễn thị Hải Hà và Trương văn Dân chuyển ngữ, kịch của Đặng Đình Túy, thơ của Hồ Ngạc Ngữ, Nguyễn Xuân Thiệp, Đinh Cường, Đặng Kim Côn, Nguyễn Dương Quang, Hoài Ziang Duy, Tuyết Linh, Đinh Thắng, Trần thị Nguyệt Mai. Phần chính là tưởng niệm nhà thơ Khoa Hữu và Nh. Tay Ngàn, với những sưu tầm văn thơ rất quý của hai tác giả này cùng những đóng góp của Nguyễn Mộng Giác, Trần Doãn Nho, Diễm Châu, Nguyễn Thùy Song Thanh, Thi Vũ, Phạm Công Thiện, Lê thị Huệ, Chân Phương, Trần văn Nam. Bài vở phong phú, tài liệu quý giá. Tôi có thể nói nó không thua gì, nếu không nói là hơn hẳn, một tạp chí bán. Vì nó đã được làm từ tim óc và tấm lòng của những người yêu mến văn chương, muốn vinh danh văn chương miền Nam. Ngoài hai người bạn ẩn danh ở Hà Nội và Sài Gòn, anh còn có những người bạn văn thơ giúp phần tài liệu, đánh máy. Thêm nữa, anh cũng lên mạng tìm kiếm, chọn lọc, đánh máy những bài hay để giới thiệu với độc giả. Xong phần bài vở, anh đưa tôi dò lỗi chánh tả. Sau đó, anh layout, trang trí, in ấn, đóng sách, cắt xén, cho vào bao thơ, và khuân sách mang ra bưu điện gởi cho độc giả. Anh làm mọi việc từ A đến Z, từ trí óc đến chân tay. Không có khâu nào mà anh không nhúng tay vào.
“Hữu xạ tự nhiên hương”. Tôi viết ra những điều này không phải để PR anh, vì anh không cần tới. Nhưng bạn hãy cầm một cuốn báo trong tay và đọc. Để hiểu được tấm lòng của anh chị và các bạn của anh. Để biết được công sức đã bỏ ra rất nhiều khi thực hiện số báo quý giá này. Và để thấm thía với lời thơ của Khoa Hữu:
Đất ấy của ta, ta còn hiểu
đồng đội của ta, ta còn đau
giấy mực đời chép ra, ví thiếu
lấy da này viết để tạ nhau…
(Sự yên lặng của cát bụi)
Muốn có báo xin bạn liên lạc với nhà văn Trần Hoài Thư ở địa chỉ email: tranhoaithu@verizon.net
Trần thị Nguyệt Mai
5.26.2012
(nguồn: blog Trần Hoài Thư)
Chào mừng Thư Quán Bản Thảo số 52 ra mắt bạn đọc.
Chị Ba chị Năm ơi!
Cái tên.. “Thư Quán Bản Thảo” và “Thư Ấn Quán”…nói lên điều gì và ý nghĩa thế nào vậy hai chị?
Tín thân mến,
Để trả lời câu hỏi của em, chị Ba trích ra đây phần trò chuyện giữa hai nhà văn Trần Doãn Nho và Trần Hoài Thư được đăng trên tạp chí Da Màu vào tháng 10 năm 2010, em nhé.
Trần Doãn Nho (TDN): Ta hãy bắt đầu bằng cái tên. Theo tôi biết, hiện có hai cái tên, một là Thư Quán Bản Thảo (TQBT) và một là Thư Ấn Quán (TAQ). Đó là hai cách gọi của cùng một công việc hay là để chỉ hai việc khác nhau?
Trần Hoài Thư (THT): Hai tên để chỉ hai công việc khác nhau, anh à. Chúng tôi có hai cơ sở. Một là Thư Quán Bản Thảo, tạp chí văn học nghệ thuật. Và một là Thư Ấn Quán, cơ sở xuất bản. Thư Quán Bản Thảo là một tạp chí. Số 1 được thực hiện xong vào tháng 10-2000, dày khoảng 100 trang. Khi báo chuẩn bị gửi thì biến cố 9/11 xảy ra. Tôi phải tháo bìa làm lại, thêm trang phụ bản về hai tòa nhà “TWIN TOWERS” đang ngùn ngụt trong lửa khói. Thư Quán Bản Thảo số ra mắt, như thế, mang một dấu ấn lịch sử rất đặc biệt. Từ 100 trang cho số 1,2, tăng lên 200 trang cho số 3, và số mới nhất (41): 255 trang!
TDN: Tại sao lại là Thư Quán/Bản Thảo?
THT: Bây giờ, không giấu gì anh. “Bản thảo” tôi lấy từ Ý Thức Bản Thảo, tên một tạp chí bất định kỳ trong nước ra một năm một số, mục đích là phổ biến văn chương nghệ thuật rất hạn chế trong vòng anh em thân hữu từng cộng tác với tạp chí Ý Thức trước 1975. Nó nói lên một điều: những người cầm bút trẻ thời trước1975, vẫn tiếp tục viết, vẫn còn say mê với chữ nghĩa. Tôi đã tìm qua hai chữ Bản Thảo một ý nghĩa bi tráng hơn: văn chương bộ lạc. Và tôi đã dùng tiếng “bản thảo” này như một sự cảm thông, chia xẻ với anh em cầm bút trong nước. Còn Thư Quán thì anh chắc hiểu rồi. Thư là tên tôi. Vậy thôi.
TDN: Văn chương bộ lạc! Nghe ngồ ngộ. Anh nói rõ hơn ý nghĩa của cụm từ này được không?
THT: Anh hãy nghĩ đến một nhóm người mất hết buôn bản, dắt dìu nhau giữa một thế giới không thuộc về của họ. Ở Mỹ chúng ta vẫn hằng nghe về bộ lạc da đỏ. Họ tụ tập với nhau, nhảy múa và hát những bài hát cổ truyền quanh lửa trại. Ở đây, không phải nhảy múa mà là sáng tác, văn chương…
TDN: Thì ra thế. Vậy ta có thể nói, anh thành lập Thư Quán Bản Thảo và Thư Ấn Quán là để cho cái bộ lạc thời đại này khỏi bị tiêu diệt, đúng không? Bằng cách in lại những tác phẩm cũ trước 1975, mà anh gọi là “Tủ Sách Di Sản Văn Chương Miền Nam.”
THT: Đúng mà không đúng, anh à. Tạp chí Thư Quán Bản Thảo không nhất thiết chủ trương sưu tập để đăng lại những tác phẩm của các tác giả cũ. Với khoảng 230 trang, chúng tôi thường dành 100 trang cho một chủ đề nào đó. Ví dụ chủ đề Nguyễn Bắc Sơn (số 20), Nguyễn Nho Sa Mạc (số 26), Hoài Khanh (24), Phan Nhự Thức (số 27), Từ Thế Mộng (số 29), Lê văn Trung (số 34) hay Vũ Hữu Định, Trần Dzạ Lữ, “Thơ văn khói lửa” hay Y Uyên v v… Phần còn lại dành cho những bài vở mới sáng tác do thân hữu gởi về đóng góp. Tạp chí dự trù ba tháng ra một số, nhưng vì sự đón nhận cũng như lòng thương mến của người đọc quá nồng nhiệt nên đổi thành hai tháng. Sau gần hai năm, vì điều kiện sức khỏe không cho phép, nên đổi thành tạp chí bất định kỳ. Chỉ một mình tôi lo từ A-Z nên cho dù muốn duy trì liên tục, cũng không được anh à. Ngoài phần chủ đề, tạp chí cũng có những ấn bản đặc biệt gồm những tác phẩm sưu tầm nhằm giúp người đọc có cái nhìn toàn bộ về sự nghiệp của tác giả. Ví dụ chủ đề Hoài Khanh, tôi in thêm 3 tập thơ của ông truớc 75 làm phụ bản : 1) Thân phận 2) Lục bát 3) Gió bấc, trẻ nhỏ, đóa hồng và dế để tặng độc giả khi có yêu cầu.
Riêng cơ sở Thư Ấn Quán không nhất thiết xuất bản sách trong Tủ Sách Di Sản Văn Chương Miền Nam. Chúng tôi còn xuất bản những tác phẩm mới của bạn bè ở trong nước, những người không có điều kiện để xuất bản. Chúng tôi thay mặt họ tặng biếu độc giả Thư Quán Bản Thảo và thân hữu của tác giả. Ngoài ra chúng tôi tìm cách chuyển về họ chừng 5, 10 tập để làm quà.
Em có thể đọc nguyên bài này ở link:
http://tranhoaithu.wordpress.com/2012/05/17/tro-chuyen-cung-tran-hoai-thu-ve-thu-an-quan-thu-quan-ban-thao/
Dạ, vậy là ròm em đã rõ tất cả.
Em cám ơn chị Ba ạ!
Thật thú vị khi đọc và biết được một tạp chí văn chương như thế này!
Đọc bài viết này của chị Ba, đọc cái còm của chị Ba trả lời cho Tín, rồi Út vào trang nhà bác THT đọc bài “Lại Quảng Nam: Viết về Trần Hoài Thư”…
Thấy… thương, phục và quý mến..con người và tấm lòng sâu nặng…vô vụ lợi với văn chương chữ nghĩa…của bác nhà văn THT quá!
Chị Năm: “TCS là một giáo viên và chưa hề là giáo sư”
TCS…có phải là Trịnh công Sơn?
Và nếu đúng, thì, ròm em nhớ..Trịnh công Sơn đã tốt nghiệp Sư Phạm Quy Nhơn mà?
Tác giả có quá…”khắt khe và…thành kiến” với Trịnh công Sơn, không vậy?
Chị Năm: Dạ, với góc nhìn này, thì ròm em…hiểu ý chị! hihihihihihi…
Chị Năm…”gớm”..thật đấy!!!! hihihihi…
đảng viên cs có dám…”tự do suy nghĩ”…hông chị Năm?! hihihihihi..
Bảo Vân: Có người dám nghĩ nhưng không dám nói. Cũng có người không dám nghĩ, họ không dám sử dụng quyền tự do của mình vì sợ bất trung, bất hiếu với đ. Loại đầu còn tàm tạm. Loại sau là… (em tự điền nhanh vào nhé).
Chị Ba ơi!
– “Sự…im lặng…của cát bụi”
hay…
– “Sự…yên lặng…của cát bụi” ?
Vì, Út đọc tựa entry, cũng như đọc thấy…”Sự yên lặng của cát bụi”… ở 4 câu thơ…nằm cuối bài viết của chị?
Bảo Vân:
Chủ đề của số báo 52 là “Sự im lặng của cát bụi”. Còn tựa bài thơ của Khoa Hữu là “Sự yên lặng của cát bụi”, em ạ. Cám ơn em đã chú ý.
Dạ, Út cũng cám ơn chị Ba đã… “đính chính” cho Út em rõ ạ.
Hiếm người có tấm lòng như thế với văn chương miền Nam một thời bị bức tử.
Đáng trân trọng!
Rất đúng vậy, thưa anh.
Đọc 2 câu “Sự im lặng của cát bụi” và “Sự yên lặng của cát bụi”, mới thấy như.. cảm nhận được cái ý nghĩa thâm trầm trong ngút ngàn thăm thẳm…của chữ nghĩa!
Ắt hẳn, chủ đề của số báo đã được cân nhắc chọn lựa kỹ…từ ngữ?
Vậy, chị Ba ơi, thêm một chút giải thích ro rõ chủ đề, để độc giả – như ròm em – minh tường, được hông chị Ba?
Tín mến,
Theo từ điển mạng “tra từ” (http://tratu.soha.vn/) thì:
Yên lặng có nghĩa là yên và không có tiếng động như trong những câu: bốn bề yên lặng, ngồi yên lặng, mặt nước trở lại yên lặng .
Đồng nghĩa: lặng yên, tĩnh lặng, yên ắng
Còn im lặng có nghĩa là im, không nói, không phát ra tiếng động như trong câu “im lặng quan sát”.
Đồng nghĩa: lặng im
Chủ thể không có một hành động hay phản ứng gì trước sự việc đáng lẽ phải tỏ thái độ, phải có phản ứng như trong câu ” Hắn vẫn im lặng trước hành vi ngang ngược”.
Theo ý riêng của chị, chủ đề của tạp chí muốn nói lên sự im lặng tưởng tiếc hai nhà thơ tài hoa Khoa Hữu và Nh, Tay Ngàn đã vĩnh viễn đi về với cát bụi.
Hy vọng em sẽ có dịp đọc tạp chí này và kiểm nghiệm lời chị nói có đúng không nhé.
Dạ, em cám ơn hai chị kính mến đã cất công giải thích cho ròm em ạ!
Ước mong và chúc sức khoẻ lão văn thi sĩ Trần Hoài Thư luôn được dồi dào, ngõ hầu “chân cứng đá mềm” song hành cùng Thư Quán Bản Thảo và Thư Ấn Quán…để góp phần làm phong phú và đẹp cho đời…
– ” Tôi hiểu anh chị đã bỏ ra rất nhiều tiền bạc và công sức để thực hiện những số báo rất quý giá này ”
– ” Thư Quán Bản Thảo lúc sau này đã ra báo đều đặn hai tháng một lần…”
– ” Và nhất là để chứng tỏ với mọi người rằng văn chương miền Nam không chết…”
– ” Anh layout, trang trí, in ấn, đóng sách, cắt xén, cho vào bao thơ, và khuân sách mang ra bưu điện gởi cho độc giả. Anh làm mọi việc từ A đến Z, từ trí óc đến chân tay. Không có khâu nào mà anh không nhúng tay vào”
Thưa bác nhà văn TRẦN HOÀI THƯ , thế hệ sv trẻ yêu văn chương chúng con đang ở trong nước…xin được khẽ nghiêng mình khâm phục và kính trọng tấm lòng cao cả của bác.
À quên! Chị Năm giúp em tìm chọn một bó hoa thật đẹp, gắn vào cái còm #19 của em, để em kính trân trọng tặng và kính chúc sức khoẻ bác nhà văn TRẦN HOÀI THƯ…chị Năm nhé!
Em cám ơn chị Năm.
Công nhận Tuấn Anh hay thiệt đó nghen!
Cám ơn chị Năm đã nhanh chóng “thực hiện xong nhiệm vụ”.. hihihihi…rất kịp thời và ý nghĩa!
Bởi, em vừa ghé trang nhà bác Trần Hoài Thư, đọc bài thơ “Xin được cám ơn em”…thấy rất vui, nhưng đồng thời cũng thấy thương bác ấy quá!
Ôi, tuổi già với những cơn đau chân, di chứng của một thời tuổi trẻ oanh liệt…”dẫm bùn sình hơn là thảm cỏ mượt”, và đôi chân của một thời…”thay trâu bò kéo cày”…của những tháng ngày mưu sinh khó nhọc…để tồn tại….
Chị Ba, chị Năm: Chủ đề của entry là giới thiệu Thư Quán Bản Thảo số 52 .
Nhưng em thiển nghĩ, với công việc làm âm thầm đầy cao cả của bác Trần Hoài Thư, thì cũng phải được – ít ra là entry này – TÔN VINH !
Vì thế, em đề nghị hai chị post tấm hình đặc tả công việc âm thầm cao cả của bác Trần Hoài Thư lên entry này, ở cuối bài viết của chi Ba, để người đọc hình dung công việc âm thầm cao cả của ông, được chứ hai chị? ( Em nhớ tấm hình này có lần bác Công Thành và chị Hai Nha Trang đã đề nghị lựa chọn, đúng không hai chị? )
Dạ, em cũng cám ơn chị nhiều vì…”chiều”…em! hihihihi…
Nhưng, chị Năm ơi! Sao chị không đưa tấm hình xuống ở đoạn chị Ba viết : ” Sau đó, anh lay out……đến….”không có khâu nào mà anh mà anh không nhúng tay vào ”
Theo em, tấm hình nằm ở đoạn này mới đầy ý nghĩa…”đắt địa”…chị Năm ơi!?
“Cám ơn em”
Sao…”bỏ tù”..nó dzậy, chị Năm? hihihihi…
Chắc trời sắp sập quá!
Cám ơn…người đẹp…nhiều, vì đã lưu ý đọc còm của tớ nhé….
Chị PHAY VAN có bản ebook quyển này không chị?
Huyvespa: Huy xem TQBT ở đây nhé.
Cám ơn chị!
Em cũng thích thơ Nh. Tay Ngàn lắm, số này tưởng niệm ông ấy:)
Chào chị PHAY VAN:
Em có bổ túc 1 vài bài thơ của NH TAY NGÀN ở đây, gửi chị!
Chị cho em hỏi là chị có biết nhà của nhà thơ HOÀI KHANH ở BIÊN HÒA ở đâu không chị?:)
http://huyvespa.multiply.com/journal/item/794/794
Cảm ơn Huy và những bài thơ của NH TAY NGÀN.
Mình chỉ biết nhà thơ HOÀI KHANH sống ở phường Thống Nhất. Đó là một phường ven sông Đồng Nai, ngày trước có nhiều ruộng lúa. ao cá. Sau này người ta giải tỏa đất đai, lấp ruộng, lấp ao, làm đường, xây nhà… nên khác trước nhiều.
Mình đang nhờ những người bạn hỏi thăm giùm. Nếu có thêm tin tức gì mới thì sẽ báo lại cho Huy sau nhé.
Gởi Huy đây:
Bác Le Thanh cung cấp:
Tiểu sử
Hoài Khanh
tên thật Võ Văn Quế
sinh ngày 13 tháng 6 năm 1934
tại phường Ðức Nghĩa, thành phố Phan Thiết
tỉnh Bình Thuận.
Hiện cư ngụ tại 26/5 khóm 6
phường Thống Nhất thành phố Biên Hòa, Ðồng Nai.
cựu công chức. Từng chăm sóc tạp chí Giữ Thơm Quê Mẹ
và chủ trương nhà xuất bản Ca Dao
—–
Anh Nguyễn Thái Hải cho biết: Hoài Khanh đang sống tại Phường Thống Nhất, gần khu vực Hãng Dầu.