Trang chủ > Văn > Tạp bút của tro tàn

Tạp bút của tro tàn

Bạn thân mến,
Nhà văn Cao Xuân Huy, tác giả của truyện ký “Tháng Ba gãy súng” đã vĩnh viễn chia tay bạn đọc và thân hữu ngày 12-11-2010. Nhân dịp này, nhà văn Ban Mai đã viết “Tạp bút của tro tàn”. Nguyệt Mai xin chia sẻ với bạn câu chuyện “được làm vua, thua làm giặc” của những kẻ sĩ miền Nam sau thời hậu chiến phải chịu bao điều cay đắng.

*

Tạp bút của tro tàn

Ban Mai

Thành phố nằm bên một rẻo biển miền Trung yên bình và tĩnh lặng. Những ngày gần đây bỗng nhiên được khuấy động bởi mấy chú cá mập, không hiểu vì sao lại lang thang vào bờ, chúng lượn lờ nơi bãi tắm trước khuôn viên trường, là bãi du lịch của thành phố. Thỉnh thoảng chúng lại ruỗi theo sóng nước cợt nhả với con người. Có hôm một chú cá mập con nhá vào mông ai đó, có hôm lại ngoạm vào giò của kẻ nào bơi đến gần. Bạn tôi phán: đất này “linh kiệt”. Tôi cười vui: Đất lành chim đậu, biển lành cá mập làm tổ.

Dạo này tụi sinh viên ớn lạnh không dám xuống biển, chỉ ra hóng gió, tập thể dục. Tuần trước trong trường đã có người bị ngoạm cánh tay, cũng may cá mập chỉ nhá chơi rồi nhả ra nên vẫn còn nguyên vẹn, chỉ bị đứt gân nằm nhà thương một tháng. Sinh viên là lũ chực chờ có việc thì cười cợt, thi nhau chế diễu: mấy cô sinh viên mơn mởn bơi lội tung tăng cá mập không thèm đụng đến, lại nhè ông giáo dạy môn Lịch sử Đảng, Chủ nghĩa Cộng sản Khoa học ngoạm một phát mất hồn, hẳn nhiên nó cũng biết lựa người ghê…

Loài cá còn như vậy, những âm hồn còn ghê hơn. Nghe đâu, mấy năm trước nhà trường đào móng xây cao ốc, người lãnh đạo cũ muốn xây tòa nhà cao nhất thành phố để khuếch trương “danh tiếng”. Thứ nhất dinh cơ, thứ nhì âm phần như người ta truyền dạy… nhưng đào mãi mà không đặt móng được, chủ thầu lo lắng mời các nhà ngoại cảm từ Hà Nội vào xem đất, nghe nói trúng Long Mạch và ngôi mã Hời. Cán bộ trong trường bàn nên tìm địa thế khác để xây vì trường còn nhiều đất, nhưng lãnh đạo cũ nhất quyết xây lên. Tinh thần hãnh tiến, hám danh vọng, ngụy quân tử, phấn đấu chỉ một ngày… “rũ bùn đứng dậy sáng lòa!”.(1) Kết quả, cao ốc chưa xây xong ban giám hiệu đã sụp ngay tức khắc. Ụp như trứng tươi rơi vỡ trên sân trường. Vậy mới nói dân Tây Sơn hào kiệt, đất linh kiệt của áo vải cờ đào, người Tây Sơn bốn lần vào Gia Định, ba lần ra Bắc Hà, lần nào cũng kinh thiêng động địa, Nam-Bắc nể vì….

Trường nổi tiếng cả nước, báo chí liên tục đưa tin cán bộ trong trường đấu tranh chống tham nhũng và những gì xấu nhất, cần che đậy của một guồng máy bỗng phơi bày cho thiên hạ ngắm. Ngày ấy, trường như một chảo lửa, mấy ông ở Bộ Giáo dục vào giải quyết ngày trước ngày sau phóng về ngay. Thầy cô trong trường thì kháo nhau “Ma Hời ám”. Các trang web thì khỏi nói, tới tấp những thông tin nóng hổi từng ngày.

Thông tin nóng hổi từng ngày, như ngày xưa những giấc chiều chị em tôi trông ngóng từng chuyến xe thư đem báo và truyện từ Sài Gòn về nhà sách chú Thiện. Lũ trẻ chúng tôi thích qua phụ giúp chú xếp báo và đọc “ké” tiểu thuyết. Tôi thích mùi thơm mực in và giấy mới. Sau năm 1975 — ngôi nhà bỏ hoang, những giá sách trống trơn, tôi thường ghé nhìn qua khe cửa gỗ tiếc nuối nhà sách hoang phế. Sách là phẩm vật của trời trao tặng con người, giúp con người lưu trữ ký ức và suy nghĩ mà ảnh chụp không giữ được. Sách biến mất là phần hồn của con người biến mất. Chính vì hiểu nên người ta đốt đi không luyến tiếc, vì phần hồn cũ không thể cải tạo chỉ có thể xóa. Tôi đứng nhìn qua khe cửa tuổi thơ từng ham mê sách truyện Sài Gòn của mình cũng hoang phế như nền gạch bông phẳng lặng. Sự trống vắng loang rộng ra mãi như mất mát một điều gì đó mà mình không bao giờ có nữa. Văn học miền Nam có biến mất thật không?

Một lần tôi bắt gặp chú mèo hoang nằm trên chiếc ghế gãy. Chú mèo mướp giương mắt nhìn tôi khi nghe tiếng động. Ánh mắt của loài linh miêu thường long lanh trong bóng tối. Ánh mắt sáng, không âm thanh quan sát tôi đang nhìn qua khe cửa. Chúng tôi im lặng nhìn nhau hồi lâu, cho đến khi đôi mắt dịu lại, lim dim tư lự, rồi vụt thảng thốt phóng đi khi nghe tiếng nói của vài bóng người đi qua. Có lẽ cũng như tôi, con mèo mướp đang nhớ người chủ cũ của ngôi nhà. Đã chứng kiến con người đối đãi với nhau, nên con vật đâm hoảng sợ những bước chân nện thình thịch ít an lành.

Không hiểu vì sao nhiều năm sau khi nhớ đến nhà sách chú Thiện bỏ hoang, tôi lại nhớ đôi mắt con mèo ngày ấy. Cùng một dáng vẻ của ánh mắt u uất như người lính Cộng hòa ngồi ở vỉa hè nhà tôi đầu những năm 80. Ánh mắt đăm chiêu tư lự, nửa lạc lõng, nửa sợ sệt, đầy cô đơn chỉ dám ánh lên một chút tinh anh trong bóng tối khi không ai nhìn. Nhiều đêm đi học về, tôi thường thấy một người đàn ông ngồi dựa tường bên góc tối trước hiên nhà, cây nạng gỗ kề bên. Trời về đêm thật lạnh. Gió biển thổi hơi mưa còn chưa tan quất lên lề đường hãy còn những vũng nước đen. Tôi đưa ông trái bắp luộc mẹ để phần, ông lắc đầu không ăn, tôi ngồi xuống cạnh ông, chú ăn đi, nhà con không còn cơm. Ông nói ông không còn răng! Hôm sau, ba đi rừng về, tôi kể chuyện, con thấy ông ấy mặc đồ rằn ri Thủy Quân Lục Chiến. Ba nói chắc lính đi cải tạo mới trở về. Mẹ nghĩ có thể là thương phế binh thời cũ… Ba buồn rầu, cũng một kiếp người như nhau.

Tôi có một người thầy chủ nhiệm từ năm lớp 9, thời gian đã lâu, nhưng đến bây giờ tôi vẫn thường xuyên đến thăm. Có chuyện gì tôi cũng đến tâm sự và nghe những lời khuyên. Mới đây, thầy gọi, em rảnh đến nhà thầy, thầy có vài bạn già nghe tin về quyển sách của em, muốn gặp. Ngạc nhiên, tôi đến. Thầy giới thiệu, đây là những thầy giáo ngày xưa trước 75, có người là thầy của thầy nữa, lâu ngày họ về miền Trung thăm. Tôi là học trò của thầy, mà họ lại là thầy của thầy mình, vậy họ là bậc kính nhi viễn chi (2) của tôi. Những giọng cười hào sảng lâu rồi tôi mới nghe, trong tiếng cười làm như còn vang vọng âm hao của một thời kỳ đã mất.

Người muốn gặp tôi là ông già này, tôi kinh ngạc – ba của Thảo – cô bạn học cùng lớp cấp hai. Ba của Thảo gầy như bộ xương khô, gương mặt ngang dọc những nếp nhăn cực khổ. Ông cười không còn răng, tôi nghe nói ông bị đánh trong nhà lao rụng hết. Tôi nhớ một mùa hè cả phố xôn xao khi hay tin ông đi cải tạo về không biết làm gì nên đạp xích lô. Ba của Thảo là sĩ quan biệt phái dạy học ở trường Cường Để. Tôi nhớ một hôm trời bão, ông đạp xích lô chờ trước cổng trường. Tôi được “hưởng lây phúc xích lô” ngồi chung với Thảo vì ở gần nhà. Trường tôi học phải đi qua eo biển hồi ấy gọi là “eo nín thở” vì đường cua ôm gắt và dốc trơn trợt. Eo biển lúc nào cũng lồng lộng gió phần phật, gió đến trĩu cả tàu dừa. Sợ con bay xuống biển, ông đạp xích lô đi đón. Đạp ngang eo biển, mưa xối xả, sóng lớn lớp lớp dập vào thành đá tràn lên đường, chiếc xe chổng càng, hai đứa tôi run cầm cập ngồi trong xe bịt kín, chỉ có ba của Thảo còm cõi đứng trước càng xe hứng sóng và ráng kéo chiếc xích lô qua đoạn đường dốc đó. Tôi nhớ mãi tiếng sóng động và tiếng gió gào thét của đại dương, cả tiếng Thảo khấn vái cho ba đừng bị cuốn trôi và tiếng kẽo kẹt của bánh xe ba Thảo cố trụ mỗi khi sóng đánh tung lên bờ. Tôi nhớ mãi ngày Thảo khóc sưng mắt vì cha đạp xích lô ế khách, ngồi buồn ông làm thơ, bị cho là “phản động” cấu kết tuyên truyền cùng với nhóm bạn đạp xích lô như ông. Năm đó, cả thành phố rúng động vì khung án cao nhất dành cho người bị ghép tội là án chung thân. Chung thân ở vào lứa tuổi của họ là án chết, án tử đại hình vì còn gì nữa ngoài xà lim tăm tối, đã hết ánh mặt trời của cuộc đời.

Những phu xích lô giỏi Pháp văn, Anh văn, Quốc văn, Toán, Vật lý, Triết Tây đi cải tạo về thích làm thơ nên người dân thành phố lúc đó gọi vui là nhóm “Nhân văn giai phẩm Bình Định”. Một trong những bài “Phú xích lô” khiến ba của Thảo bị đi tù là như vầy:

Góc chợ đầu đường – Bến xe hè phố
Chẳng qua là gạo là tiền – Nào bởi tại căn tại số
……………….…..
Xem ngài:
Con người thanh lịch hào hoa – Tư chất thông minh tài bộ
Đã nhiều năm quan cách xênh xang – Cũng lắm lúc tù đày khốn khổ
Nghiệp xích lô dù rõ nét cu li – Cốt tiên tử vẫn còn nguyên phong độ.
Cà phê thuốc lá mỗi ngày hai cữ giao duyên – Bằng hữu thi ca đôi tháng một lần hội ngộ.
Sớm nghêu ngao thấm giọng nhân tình – Khuya tĩnh tọa nhắp mùi thế cố.
Bốn giờ sáng ì è ì ạch kiếm mối mở hàng – Năm giờ chiều dạo quẩn dạo quanh đưa người lỡ bộ.
Cuốc xe đêm trúng mánh vẫn xuề xòa – Con khách kẹo trật trìa không phẫn nộ.
Định mức hai mươi đủ dù cho mỏi gối chồn chân – Niên canh bốn mươi ngoài mặc kệ trầy khu rách khố.
Bánh xe lăn rổn rẻn xu hào – Cơn gió ngược lắc lư mông cổ.
………………… (…)….

Sá gì bọn đưa hơi đón gió một giọng hồ đồ – Bận chi thằng theo đóm ăn tàn mười phần béo bổ.
Bến khu hai khu một ấy mới cơ duyên – Trời tháng chín tháng mười thường hay bão tố.
Chị rỗi chợ xa khó tính, thích đạp nhanh hơn lá phủ cánh gà – Con buôn xe tải ngon xơi, ưa đậy kín lẫn đường quanh ngõ trổ.
Bực mình chú “bao căn” sinh sự bòn mót từng hào – Khốn kiếp tên điểm chỉ tham lam rình ôm nguyên vố.
Đồng tiền ướt đẫm giọt mồ hôi – Hạt gạo khô cằn hòn tủy đỏ.
Chân đạp đều lúc nhặt lúc khoan – Mắt quần đảo nơi này nơi nọ.
Cùng bạn cũ thường tựa lưng hè phố, luận việc đời câu “Tiết trực tâm hư” – Với đàn em hay gát cẳng thùng xe, bày lẽ sống chuyện “Tri tân ôn cố”.
Chợ Hoài âm Hàn Tín luồn trôn – Bờ Vị Thủy Tử Nha xách giỏ.
Ấn công hầu đâu chỉ để riêng ai – Cung vận mệnh vẫn còn chưa giũ sổ.
Cho hay: Bước đường cùng cũng có lúc nên danh –
Đừng thấy: đạp xích lô mà tưởng đồ bỏ xó.(3)

Ngày xưa Nguyễn Công Trứ cũng từng thao thức chí làm trai của người thất thế:

Ðã chắc rằng ai nhục, ai vinh,
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ.(4)

Còn kẻ sĩ ngày nay?

Tôi không biết kẻ sĩ ngày nay nghĩ gì nhưng tôi thương mãi những kẻ sĩ miền Nam thất thế, sau thời hậu chiến phải chịu bao điều cay đắng. Có những người tài giỏi nhưng không được lưu dụng, thất nghiệp họ ra đường bán sách cũ, đi xe thồ, đạp xích lô, bán bong bóng, về quê cày ruộng. Những người trí thức càng hiền lành thì càng thảm thương. Tôi yêu những người lính dầm sương dãi nắng giữ an ninh làng mạc, giữ cuộc sống an bình cho chúng tôi đi học, cho cha mẹ tôi đi làm nuôi gia đình. Họ trả giá thay cho những người bây giờ sung sướng. Thời thế thay đổi, họ lây lất sống mà không ai đoái hoài rồi họ chết đi không một nghĩa trang liệt sĩ, không bia tưởng niệm. May mắn sang được Hoa Kỳ thì họ cũng cực nhọc trăm bề vì tuổi trẻ họ đã cống hiến hết cho miền Nam. Ngày xưa, khi còn trẻ chắc họ không nghĩ gì xa vời mà giản dị khi dân lành nguy biến thì họ phải bảo vệ, phải lấy sức mình ra che chắn như ba của Thảo đã lấy tấm thân còm cõi của ông che chắn phong ba bão táp trên đoạn đường eo nhô ra biển để con gái đừng ướt mưa gió, đừng bị sóng cuốn xuống biển sâu, để Thảo và tôi có thể lớn lên tìm hạnh phúc của mình. Họ đâu ngờ mình chỉ là con tốt trên bàn cờ chiến tranh của các nước lớn.

Ba Thảo không chết, ông mang bộ xương còm trở về gặp tôi để trông thấy chút hình ảnh của con gái, nhưng nhiều người đã ở lại trong xà lim vĩnh viễn hay ở lại trong những bãi chôn sau trại cải tạo vĩnh viễn. Còn được phóng thích thì họ còn gì ngoài thân phận xích lô. Thân phận của những người lính bại trận là thứ thân phận còn sức, còn đạp, còn thồ. Đến khi hết sức là hết đạp, hết thồ và đành biến mất như xích lô đang dần biến mất trên đất nước tôi.

Tri ân những người lính miền Nam là điều tôi muốn viết, ngày tiễn Cao Xuân Huy về với tro tàn. Lính miền Nam họ là người Việt Nam.

Ban Mai
20/11/2010
———-
(1) “Đất nước” Nguyễn Đình Thi.

(2) Kính nhi viễn chi là thành ngữ tiếng Việt có gốc từ thành ngữ “敬而遠之” (kính nhi viễn chi) trong tiếng Trung.
Thành ngữ này có nguồn gốc từ một câu nói của Khổng Tử trong “Luận ngữ – Ung dã” (論語•雍也):
Vụ dân chi nghĩa, kính quỷ thần nhi viễn chi, khả vị tri hĩ“(務民之義,敬鬼神而遠之,可謂知矣。).
Tạm dịch như sau:
Làm việc nghĩa, có ích cho dân, tuy phải kính trọng quỷ thần (ý nói bề trên) nhưng không cầu cạnh quỷ thần, mà nên tránh xa quỷ thần, đó là trí.
Có thể nói rằng, “Kính nhi viễn chi” chính là cách nói rút gọn từ câu “Kính quỷ thần nhi viễn chi”(敬鬼神而遠之).
Ngày nay, trong tiếng Việt, thành ngữ “kính nhi viễn chi” thường được dùng trong các trường hợp: Bề ngoài tỏ ra kính nể, tôn trọng một đối tượng nào đó, nhưng trên thực tế không muốn tiếp cận, gần gũi với đối tượng đó; hoặc thường dùng trong các trường hợp khi mình không muốn tiếp cận với một đối tượng nào đó. Ví dụ:Họ là những người có quyền uy thế lực, hô mưa hoán gió, giao du với họ là họa phúc vô lường, tôi chỉ dám “kính nhi viễn chi” thôi.
(nguồn: http://vi.wikipedia.org/wiki/K%C3%ADnh_nhi_vi%E1%BB%85n_chi)

(3) “Phú xích lô” của T.T.G.
Những đoạn để trống…….…..(…) …người viết không còn nhớ.

(4) “Chí làm trai” của Nguyễn Công Trứ.

(nguồn: vanchuongviet.org)

Chuyên mục:Văn Thẻ:
  1. Đinh Thành
    03/05/2012 lúc 15:04

    Cô Phay Van: Xin lỗi, nhà văn Ban Mai, tác giả bài viết này, có phải là Ban Mai – Nguyễn thị Thanh Thuý, tác giả của cuốn sách: “Trịnh Công Sơn, Vết Chân Dã Tràng” ?

    • Đinh Thành
      03/05/2012 lúc 15:18

      Bài tạp bút được viết với một văn phong thật truyền cảm.
      Cái nét và chất văn phong này, đặc biệt, chỉ có người hấp thụ nền giáo dục trước 1975 mới tự nhiên toả ra được…
      Nhưng, nếu tác giả Ban Mai, là Nguyễn thị Thanh Thuý (như tôi còm hỏi ở trên), thì quả là một sự ngạc nhiên thú vị….

      • 03/05/2012 lúc 15:56

        Dạ phải đó, bác Đinh Thành.
        Kính mời bác và cả nhà đọc thêm bài này nữa nhé.

        (Thôi để em copy, sợ có bác nào đó không trèo tường được)

        Tạp chí Văn từ lòng đất
        Những ngày cuối cùng của cuộc chiến, tháng 4/1975 như vết nước mắt loang dài của miền Trung ngắn dần đi khi dân chúng di tản vào Nam kiệt sức đến không còn nước mắt khóc cho những xác người ven đường. Khóc cho nhà cửa vườn tược bỏ lại bị thiêu cháy, cho ruộng nương hoang tàn, cho trâu bò lạc lõng bơ vơ như thân phận của chính mình giữa dòng người chạy loạn.

        Gia đình tôi như số đông dân Quy Nhơn chạy vào đến Tuy Hòa, rồi ráng qua được đèo Cả vào đến Nha Trang, lê lết thêm một quãng nữa đến Cam Ranh là hết sức. Chân phồng lên vì dộp. Mi mắt phồng lên vì mất ngủ, chúng tôi như những bóng ma của chiến tranh mang trong óc trí não phồng lên vì lo lắng. Chiến tranh có quy luật của loạn lạc. Chiến tranh Việt Nam có quy luật riêng: Dân không chạy ngược lên phía Bắc mà luôn chạy vào Nam. Xuôi Nam, là tìm đường sống, là tìm tự do, dù trên danh nghĩa được giải phóng.

        Gia đình tôi cũng vậy. Chạy tất tả bờ bụi, ngay sau khi vỡ mặt trận. Mỗi ngày các chuyến xe đò và quân xa dồn dập đổ dồn về bến xe chính thị xã thải ra những con người lầm than, màn trời chiếu đất. Dân đất Quảng liều chết vượt đèo Hải Vân vô cho được Quy Nhơn. Hải Vân như rặng núi thiên nhiên chống đỡ, biết có ngăn được nguy biến cho chúng tôi? Ba tôi ở Phòng Thông tin về thất thần, tin Đà Nẵng mất như quả bom nổ giữa nhà. Thế là hết, Đà Nẵng, thành phố lớn nhất miền Trung sụp đổ, là vỡ mặt trận. Tuổi mười hai tôi hiểu: Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Đức Phổ liên tiếp vỡ mặt trận. Đức Phổ là đã sát Tam Quan, Hoài Nhơn, Bồng Sơn. Là đã vào đến Bình Định. Dân Quy Nhơn chỉ còn biết chạy. Gồng gánh, bồng bế nhau chạy theo đoàn người lam lũ mà mới hôm qua chúng tôi hãy còn xót thương, gói ghém thức ăn giúp đỡ khi họ lây lất nằm ngồi trên vỉa hè thị xã. Giờ chúng tôi thành họ, bỏ nhà cửa nhập vào cái đuôi rồng rắn dài ngoằn thậm thược bò trườn về phía Nam. Phía Nam… thật xa như biển Thái Bình vỗ sóng. Phía Nam… ở cuối chân trời còn trong xanh như giấc mơ tuổi thơ. Phía Nam mang hình ảnh hiền hoà thanh bình của những đồng ruộng miền Tây, của lộng lẫy Sài Gòn làm tuổi thơ tôi nô nức. Vâng, tôi hãy còn nhỏ, còn là cô bé đệ thất hóng chuyện người lớn, lo âu theo nỗi lo cha mẹ, sợ hãi theo nỗi sợ hãi của các anh chị, học lóm các danh từ quân sự từ miệng chú bác. Tuổi thơ chiến tranh trong Nam không hực lửa dữ dội như tuổi thơ miền Bắc mà êm đềm dịu lành như miền Nam, tuy chiến tranh xảy ra ở đây, nhưng những người lính Cộng hòa bảo vệ chúng tôi được yên bình. Đến tháng 4/1975, tôi sống trong sự an lành bấp bênh này.

        Qua khỏi Nha Trang, gia đình tôi vào tạm trú trong cư xá Cam Ranh. Dừng lại vì đuối sức. Để thở. Để hô hấp. Để kịp nhìn quanh xác định vị trí thân phận gia đình mình giữa dòng loạn lạc, là điều cha mẹ đánh liều, vì các con hết sức, vì không biết làm gì khác. Cả nhà đã đuối. Tôi kiệt sức. Tôi muốn lả. Tôi uống ca nước mưa trong cư xá tìm vị nước mưa của quê hương mát lịm ngọt ngào.

        Buổi chiều hôm ấy thật căng thẳng. Tôi còn nhớ tin quân giải phóng bị chận ở đèo M’Drak không cho xuống Khánh Dương tràn xuống miền duyên hải làm cả khu cư xá hân hoan, lên tinh thần. Rồi vụt đến tin lính mình tan hàng. Tôi chưa biết tan hàng là gì, nhưng nhìn gương mặt người lớn âu lo chùng xuống, tôi biết tin không lành. Ba mẹ tôi bằng mọi cách muốn con mình phải sống.

        Sống, nên mấy chị em tôi đóng cửa ở trong nhà như ba mẹ dặn. Cả hai đi đâu chúng tôi không được quyền biết, chuyện người lớn, chiến tranh là của người lớn, nhưng chính chúng tôi đang cùng sống chiến tranh với họ. Thỉnh thoảng tôi len lén nhìn qua khe cửa. Cư xá vẫn náo động, nhưng tôi muốn nhìn ra bên ngoài, qua vách tường thấp trông ra mặt hè phố. Chị tôi la, mở cửa sổ cho chị, chị ngộp thở quá. Nhà gì mà kín mít. Được phép, tôi mở toang cửa sổ. Cảnh tượng ập đến như phim chiến tranh. Tôi gọi chị ra xem. Tôi la: Chị ơi, lính của mình vứt quân phục đầy đường rồi, họ quăng giày bốt trên vỉa hè… Chị lao tới, chị cũng sững sờ, những người lính oai hùng hôm qua, những người lính điển trai sạm nắng, đàn ông tính và hiên ngang làm những thiếu nữ như chị mơ ước…

        Tôi giật thót, khi nghe tiếng gõ cửa. Ba tôi trong khung cửa, ba trở về với một người lính trẻ thất thần, hối hả cởi quân phục, gần như muốn lột da anh để không ai biết da anh từng rằn ri lúc trước. Anh tháo hối hả áo trận, áo thun xanh lục bên trong, vứt thẻ bài tiếp tục lấp lánh trong góc tối rồi anh vội vã xin chúng tôi bộ quần áo. Anh còn trẻ lắm, chắc vừa xong tú tài. Tôi ngắm anh xương xương, tóc ngắn, da ngăm nhưng còn tươi nét thị thành, anh không phải là nông dân, mà phải xuất thân thành phố. Tôi luýnh quýnh lấy đồ dân sự đưa cho anh.

        Người lính vứt xuống ba lô đầy bụi đất. Bộ sách English for today của Lê Bá Kông rơi ra đất. Trọn bộ 6 quyển và thêm 5 cuốn tập san Văn. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy tập san Văn. Thật ra tôi vẫn trông thấy chúng trong hiệu sách chú Thiện gần nhà, nhưng tôi hãy còn quá nhỏ để vươn tới văn chương của người lớn, tôi hài lòng với nguyệt san Ngàn Thông của Duyên Anh, nguyệt san Thiếu Nhi của Nhật Tiến, nguyệt san Thằng Bờm và mục Mai Bê Bi trên báo Chính Luận. Tháng 4/1975 làm tôi vụt lớn, giống như trông thấy xác chết làm đứa trẻ lớn lên vì hiểu cuộc đời là khổ đau và chết chóc. Tôi có cảm giác cô bé Quy Nhơn hôm qua, đã là thiếu nữ lúc này, ánh mắt tôi nhìn đăm đăm tạp chí Văn và người lính nhìn thấy. Anh nhìn ra ánh mắt tôi trên tập san Văn, như để trả ơn tôi đem quần áo của ba cho anh, anh buồn buồn nói: Mấy quyển tạp chí này anh cho em. Hết rồi, không còn gì nữa, anh không cần nữa. Anh không cần chúng nữa. Em hãy giữ lấy.

        Tần ngần một lúc, anh đưa cho tôi. Tôi nhìn được vẻ ngậm ngùi trên gương mặt anh, hãy còn bơ phờ và cháy nắng. Bụi đất, thuốc súng, vết đạn bạn anh trúng thương như hãy còn nguyên trên trán anh. Trán của một người lính mang 5 quyển tạp chí Văn trong ba lô mà tôi không hiểu quan trọng đến mức nào khiến anh không vứt suốt đoạn đường lui binh, khiến anh chấp nhận mang ít đạn dược, lương khô để dành chỗ cho bộ English for today của Lê Bá Kông và 5 tập nguyệt san Văn.

        Tôi hỏi: Đi lính mà mang theo sách văn chương chi vậy anh?

        Anh nói: Đọc cho đỡ buồn để nhấc mình ra khỏi chiến tranh.

        Rồi anh kể, anh mơ ước sẽ đi học tiếp. Anh học năm thứ nhất Văn khoa Sài Gòn trước khi bị động viên. Anh muốn trở về trường cũ, hy vọng phía chiến thắng xem phía thua trận là anh em, cho phép anh sống bình thường, ước mơ bình thường, tốt nghiệp Văn khoa đi dạy một trường trung học tỉnh lỵ nào đó, đạm bạc mà yên ổn với cuộc đời. Anh không thích chiến tranh, anh không muốn đánh nhau hoài, thua trận nhưng cũng là dịp tốt chấm dứt nội chiến. Anh đưa tay vuốt tóc tôi, bàn tay có những đốt chai của người lính mà tôi cảm được khi lướt qua trán mình, lớp da tay sần có thể vì khuân đạn, vì phải đào công sự, chạm vào da làm tôi hơi giật mình. Da của một người đàn ông lạ, tôi nghĩ. Da của một bàn tay ham đọc sách văn chương, tôi cũng nghĩ. Chúng tôi tiễn anh ra cửa, bóng anh vụng về trong bộ đồ dân sự cố đi bình thản nhưng bước chân như chạy trốn người lính là chính anh vừa ban nãy, còn đồ trận, giờ anh đã bỏ lại và muốn thoát bóng cũ.

        Ngày ấy, tôi còn rất nhỏ. Tháng 4/1975 tôi chưa là thiếu nữ, tôi chỉ cảm thấy vô cùng thương tâm, lòng như lửa đốt vì lo lắng khi nghĩ đến người thân. Các anh con bác tôi cũng đi lính, những ngày này, các anh tôi lầm than đang trôi dạt nơi nào.

        Rồi thời gian qua như bão sa mạc. Gió tốc tan hoang chỉ còn lại đất, tất cả biến mất khi chúng tôi trở về. Trong cơn bão, tủ sách của gia đình tôi bị đốt sạch, ba nói người ta sẽ vào nhà lục soát và kết án tàn dư chế độ cũ, ai giữ sách là phạm pháp. Ba sợ. Mẹ sợ. Cô chú, thím, bác, dì, dượng sợ. Không ai dám giữ, dám giấu hay cất hộ. Tôi và các chị lén ba, giấu những tập sách mà mình yêu thích nhất trong một hòm gỗ dưới chân cầu thang tầng 2, những quyển sách mà người lính đã tặng tôi cũng để lại không nỡ đốt đi. Ánh mắt anh như còn trên bìa sách. Ánh mắt lấp lánh hy vọng anh có thể theo học Văn khoa tiếp tục phảng phất trên trang giấy ố vàng. Thời gian làm những Tạp chí Văn ấy đã trở thành “di sản” của văn chương Miền Nam. Chính tôi cũng không ngờ tới, và có lẽ anh cũng không ngờ đến. Tôi đã giữ, đã đọc, đã “nhấc mình lên” khỏi cuộc chiến như anh dặn. Bằng văn chương.

        Cách đây mấy năm, khi đọc trên online Tạp chí Văn ở Hoa Kỳ của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, thấy trên danh mục thiếu những tập năm 1969, tôi nhớ ngày xưa người lính đã cho tôi mấy cuốn nên lôi ra, sách đã ố màu và mối ăn lỗ chỗ. Tôi khẽ khàng lật từng trang sách vì giấy đã mục nát. Tôi cảm giác kỳ lạ là chính anh cũng đang cùng tôi lật khẽ khàng từng trang sách cũ. Lật từng chữ cũ, với sự hoài niệm của một thời đã mất.

        Tôi lật từng trang.

        Văn số 140, ra ngày 15 tháng 10 năm 1969, gồm 128 trang. Số đặc biệt về Yasunari Kawabata là một nhà văn nổi tiếng của Nhật Bản được giải Nobel văn chương năm 1968. Hình bìa là bức ảnh nhà văn mặc áo kimono đen với gương mặc thiền tông, do Văn Thanh trình bày. Bài nhận định Yasunari Kawabata cuộc đời và sự nghiệp của Vũ Thư Thanh viết từ Tokyo, tháng 7 năm 1969. Yasunari Kawabata dưới nhãn quang Tây phương của Chu sỹ Hạnh viết từ Melbourne, tháng 3 năm 69. Tiếp theo giới thiệu 5 tiểu thuyết tiêu biểu của Kawabata: Cô đào miền Izu, Tiếng núi rền, Ngàn cánh hạc do Vũ Thư Thanh dịch từ nguyên tác, riêng truyện Thủy Nguyệt do Chu Sỹ Hạnh dịch từ bản tiếng Anh, Nốt ruồi do Mai-Dzam dịch. Văn khi ấy, như thế đã cập nhật văn học thế giới rất nhanh vào miền Nam. Miền Nam, cảnh cửa văn chương mở ra thế giới của toàn Việt Nam. Tháng 4/1975 đã đóng lại phũ phàng.

        Bên cạnh đó, Văn số 140 năm 1969 đăng tiếp truyện dài nhiều kỳ Khu rừng hực lửa của Nguyễn Xuân Hoàng. Mục Tin văn… do Thư Trung và các bạn đảm trách: đưa tin Mường Mán cây bút trẻ của Văn vừa ra chiến trường; Lê Bá Lãng thì được biệt phái trở về nghề gõ đầu trẻ; giới thiệu tập sách mới nhất của Nguyễn Mạnh Côn Hòa bình…nghĩ gì?làm gì?, tựa mà về sau Phan Nhật Nam lấy lại trong một chương của bi ký Tù binh và Hòa bình; rồi Hội Bút Việt cử phái đoàn tham dự hội nghị Văn Bút Quốc tế, ở Pháp. Tin ngoài nước: giới thiệu giải thưởng văn hóa ở Đại Hàn, Genève vừa tổ chức cuộc gặp gỡ quốc tế lần thứ XXII giữa các nhà văn hóa, để thảo luận về đề tài “Tự do và trật tự xã hội”.

        Tiếp theo mục Thư tòa soạn loan báo trước chủ đề của những số báo sắp tới, cuối cùng Hộp thư bạn đọc Tòa soạn Văn giới thiệu những tác phẩm mới do các tác giả và nhà xuất bản gửi tặng.

        Bờ sông lá mục của Phan Lạc Tiếp, là một tập bút ký chiến tranh, trình bày cuộc nội chiến Nam Bắc hiện tại qua cái nhìn của một người đi biển.

        Nhật ký quân trường của Trần Châu Hồ, viết trong những ngày ở lại quân trường không đi nghỉ phép của nhà giáo Trần Châu Hồ khi thực tập quân sự tại TTHL Quang Trung.

        Vực xoáy của Bàng Bá Lân, tập truyện dị thường gồm 10 đoản thiên, dịch từ nhiều tác giả Âu Mỹ nổi danh.

        Những giọt đắng của Võ Hồng gồm 7 đoàn thiên, bìa của Đinh Cường.

        Mặt trận miền tây vẫn yên tĩnh của Erich Maria Remarque, Phạm Trọng Khôi dịch từ bản tiếng Pháp A l’Ouest, rien de nouveau viết về tâm trạng phản chiến của binh sĩ Đức trong Thế chiến Thứ Nhất, đã được chuyển thành phim và dịch sang nhiều thứ tiếng. Bìa do Đinh Cường vẽ.

        Văn chương tranh đấu miền Nam của Nguyễn Văn Sâm, khảo sát 24 tác giả quan trọng của văn chương nam bộ thời kỳ 1945-1950, là một công trình nghiêm túc và đáng tán thưởng.

        Thơ Lữ Quỳnh, thi phẩm đầu tay gồm khoảng 30 bài. In Thạch bản, trình bày trang nhã, phổ biến hạn chế trong vòng thân hữu.

        Viết cho những người còn lại của Lê Trúc Khanh, Hà Huy Khanh và Lệ Thy. Thi phẩm đầu tay của ba tác giả tại Cần Thơ.

        Quyển Tạp chí Văn hơn 30 năm trời đã lưu giữ tâm hồn bao con người, như một thước phim quay chậm, từng con chữ, từng con chữ hiện lên những cuộc đời. Số phận những nhà văn Miền Nam này đã ra sao sau biến cố tháng 4/1975, họ còn sống hay đã chết…, với tôi Tạp chí Văn như một nấm mồ bí ẩn.

        Nhưng chính những trang sách ẩn chứa bao điều bí ẩn đã giúp tôi thoát khỏi nỗi buồn trong những năm dài cay nghiệt của cuộc đời. Văn chương tự do giúp tôi “nhấc mình” lên khỏi thực tế u buồn của xã hội thực tại. Tôi nhấc tôi lên bằng văn chương đã vắng bóng của miền Nam, nhấc tôi lên khỏi cuộc đời thăng trầm trăm nỗi lo toan. Mà vây quanh là khẩu hiệu. Khẩu hiệu trên tranh cổ động không giúp nhấc mình mà nhấn mình xuống vì phải làm theo chỉ thị, theo khẩu hiệu, mà mình không muốn, vẫn phải làm. Làm tối mặt. Tối mắt. Để về nhà buồn bã là đã không sống thật với mình. Tạp chí Văn khi ấy tôi lưu giữ trong nhà rất lạ, không giống những tập san văn nghệ bày bán trên sạp báo bên ngoài, cũng không giống báo văn nghệ hội nhà văn, là một cái gì khác.

        Văn chương tự do cho mình cuộc đời khác, sống cùng nhân vật, đem mình bay đến những miền đất lạ và tuy trong khoảnh khắc, nhưng cuộc đời bỗng hạnh phúc biết bao.

        Bây giờ tôi đã hiểu vì sao ngày trước, người lính miền Nam ra chiến trường vẫn mang theo trong hành trang Tạp chí Văn cất trong ba lô của mình, như lời anh nói, giúp anh “nhấc mình ra khỏi chiến tranh”. Ra khỏi sắt thép, lửa và tham vọng. Trong văn miền Nam không có thép, nên anh tìm bình an trong Tạp chí Văn Sài Gòn ngày ấy.

        Tôi cũng vậy, tôi cũng muốn tìm bình an trong văn chương.

        Ban Mai
        Quy Nhơn, 20/01/2011

      • Trần thị Bảo Vân
        03/05/2012 lúc 21:02

        Lâu nay đọc và đã thẩm văn của chị Cam Li, do đó, ít nhiều phần nào Út cũng cảm được cái chất “văn phong” mà các thế hệ các bác các chị trước 1975 thể hiện; hôm nay nghe bác Đinh Thành có nhận xét về văn phong của cô Ban Mai, Út đọc chậm và cũng có cảm nhận như thế, nhất là đoạn văn ” Tạp chí Văn từ lòng đất” mà chị Năm copy trả lời còm cho bác Đinh Thành.
        Út nói theo cảm nhận thật của cá nhân mình hay thế hệ mình, qua còm gợi ý của bác Đinh Thành, chứ không nói theo đó nghen…

      • Trần thị Bảo Vân
        04/05/2012 lúc 16:03

        Chị Năm: Dạ, vì vậy, ngày nào ít nhiều, Út cũng vào trang chị Cam Li đọc, vì Út…đang cố gắng “sửa” cũng như thay đổi cách diễn đạt cũ theo kiểu hấp thụ cái…” giáo dục lưu manh xhcn” của mình, và..học lóm cái nét văn hoá trong…”văn phong” của các chị ấy…

      • Nguyễn Tuấn Anh
        04/05/2012 lúc 23:57

        Em cũng nhất trí với ý kiến của Bảo Vân.
        Đọc văn của chị Cam Li, sẽ học được rất nhiều điều trong sự diễn đạt, trong cách hành văn, sử dụng từ ngữ đúng ngữ cảnh và cảm trạng cũng như tâm lý của nhân vật và nhất là ( với riêng em thì hay chú ý )…dấu chấm câu cùng chính tả…rất cẩn trọng.

  2. Trần thị Bảo Vân
    03/05/2012 lúc 20:54

    Chị Năm: Như vậy là Út và cả nhóm kiến cũng như nhiều bạn trong lớp khác, đã có đọc cuốn “TCS, Vết Chân Dã Tràng ” của cô viết rồi, cuốn sách này viết dựa trên luận án Thạc Sĩ của cô, và tác phẩm này đã có lúc bị trù dập chụp mũ thì phải, đúng không chị Năm?
    Bạn Tuấn Anh hiện có cuốn sách này đó.

    • Trần thị Bảo Vân
      04/05/2012 lúc 15:50

      Chị Năm:. Tuấn Anh “mê” ông nhạc sĩ này..”

      Dạ, Út cũng không rõ lắm, nhưng công nhận..”hắn”…nghe nhạc Trịnh…thì..”vô tư” chị Năm ơi…( nghĩa là không ngán, lúc nào gặp “hắn” cũng thấy nghe nhạc Trịnh…)

    • Nguyễn Tuấn Anh
      04/05/2012 lúc 23:37

      Trời..trời..!!! Tự nhiên, chị Năm và..người đẹp đem em lên..bàn (luận )…”mổ xẻ” !!! huhuhuhuhu…
      Nếu đã “mổ xẻ” như vậy, thì em đề nghị nghe 3 bản nhạc Trịnh luôn, vì entry này chưa thấy chị Năm post nhạc…hihihihihi…

      1/ Một cõi đi về
      2 Quỳnh hương
      3/ Con mắt còn lại

      OK, chị Năm?

    • Nguyễn Tuấn Anh
      05/05/2012 lúc 21:59

      Thanks a lot my dear beautiful sister.
      hihihihihihi…

  3. Trần thị Bảo Vân
    03/05/2012 lúc 21:26

    ” Trong cơn bão, tủ sách của gia đình tôi bị đốt sạch, ba nói người ta sẽ vào nhà lục soát và kết án tàn dư chế độ cũ, ai giữ sách là phạm pháp”

    Đọc những dòng chữ này, sao thấy những người mang danh là “cách mạng giải phóng” hồi 1975 sao..”ngu xuẩn” và cuồng tín một cách..”ngu xuẩn”…thế không biết!!!!
    Đúng là: Ngu dốt + Nhiệt tình = Phá hoại.
    Gõ đến đây, Út chợt thoáng nhớ hồi mới vào nhà chị Năm chơi, Út có đọc còm nghe chị Hai Nha Trang có nói nhà chị ấy bị tịch thu hơn 7000 cuốn sách, Ui chao..thấy thật tiếc ơi là tiếc.
    Vừa rồi có đọc lại “Để Tang Cho Sách” của nhà văn Khuất Đẩu, và hôm nay…lại đọc thêm đoạn này của cô Ban Mai…
    Thật là tiếc đến…đứt ruột..chứ chẳng phải chơi!!!!

    • Trần thị Bảo Vân
      04/05/2012 lúc 15:53

      Chị Năm: Dạ, Út không biết và cũng không hình dung cụ thể cái..”ngu xuẩn” và “cuồng tín” thời ấy nó.. “ngu xuẩn” và “cuồng tín” tới mức độ dữ dội nào lắm…
      Còn hiện nay thì ngu xuẩn và cuồng tín được đội lốt và mang một cái…mặt nạ khác, nhưng ai ai cũng dễ dàng nhận ra…, và cả xã hội đang còm lưng..”thu hoạch”….

      ” Chúng ta đang gặt một mùa bội thu sự vô cảm
      Vì chúng ta gieo nó
      Chúng ta phó mặc cho định mệnh vì chúng ta không tin gì cả
      Chúng ta quen nói dối. ”
      ( Đỗ Trung Quân )

    • Công Thành
      05/05/2012 lúc 10:53

      Thế thì cô Phay Van hãy tìm và post lên cái clip mà các đoàn viên, đảng viên công an csvn…xúm lại đánh dã man người dân Văn Giang không tất sắt trong tay, trong vụ cưỡng chế “cướp đất”, cho nó… “nói có sách mách có chứng” để minh hoạ sinh động về sự…”ngu xuẩn” và “cuồng tín” khi thi hành lệnh…đàn áp dân đi….

      • 05/05/2012 lúc 11:33

        Dạ, kính mời bác Công Thành và cả nhà:

  4. Trần thị Bảo Vân
    03/05/2012 lúc 21:52

    Chị Năm ơi, đọc tạp bút này của cô Ban Mai có đề cập đến những trí thức miền Nam sau khi đi cải tạo về phải hành nghề…Đạp xích lô! Có câu: “Những phu xích lô giỏi Pháp Văn, Anh Văn, Quốc Văn, Toán, Vật Lý, Triết Tây…” và câu phú:

    “Đừng thấy: đạp xích lô mà tưởng đồ bỏ xó…”

    Thấy thật buồn và thương các bác ấy quá, Nhưng Út quả là có cảm nhận được: các bác ấy có niềm kiêu hãnh của kẻ sĩ trong tâm hồn
    Và Út nhớ bác nhà văn THT có entry “Job thứ hai là đi bán cà rem”, có bài thơ 4 câu:

    “Bán cà rem hề, thì bán cà rem
    Bà con ơi, đừng nhìn ta mà khóc
    Ta đang đứng trong chuồng thú vật
    Ít ra ta vẫn là một con người”

    Qua 4 câu thơ này, Út cũng cảm nhận bác THT quả thật cũng đã có niềm kiêu hãnh của kẻ sĩ…trong tâm hồn…

    Các bác ấy, quả thật đúng là:
    ” Tố nhân bất khả hữu ngạo thái, nhiên bất khả vô ngạo cốt “…vậy!

    • Trần thị Bảo Vân
      04/05/2012 lúc 15:53

      Chị Năm: Dạ, vậy mới là cái “ngạo cốt” của..KẺ SĨ…chứ!

    • Công Thành
      05/05/2012 lúc 11:03

      ” Tố nhân bất khả hữu ngạo thái, nhiên bất khả vô ngạo cốt ”
      ( Làm người không nên có tính kiêu ngạo, nhưng cũng cần có cái cốt cách kiêu ngạo )

      Chà…chà…! Cô bé sv trẻ Bảo Vân này làm tôi…ngạc nhiên thú vị lắm đó nghen!
      Bởi, ngày nay, cũng có thể nói, hiếm có người trẻ hiểu được ý tứ sâu sắc của câu này lắm…
      Một lời khen của bác tới cháu đó Bảo Vân.

  5. Phạm Sơn
    03/05/2012 lúc 23:20

    Bài viết như một đoạn phim quay chậm hiển hiện những hình ảnh của một thời tối tăm đến thăm thẳm, như thấy thấp thoáng hình bóng cha, chú của mình và bạn bè của các ông trong đó: ” Có những người tài giỏi không được lưu dụng, thất nghiệp họ ra đường bán sách cũ, đi xe thồ, đạp xích lô, bán bong bóng, về quê cày ruộng…”

    Đọc.. mà rơm rớm…

    • 04/05/2012 lúc 13:02

      Bác Phạm Sơn: bàn thêm về cái chuyện học hành: Sau ngày 30.04.75 có nhiều bạn đã bỏ học, phần vì phải làm việc sớm để phụ giúp gia đình, phần thì… học để làm gì khi mà sau này người ta lại gạt mình ra trong các kỳ thi tuyển sinh đại học do chính sách kỳ thị lý lịch.
      Cái thời của em, lý lịch được chia thành 3 nhóm, đánh số thứ tự ưu tiên từ 1-14: nhóm 1 và nhóm 2 được ưu tiên (từ số 1-8), nhóm 3 (từ số 9-14) là không ưu tiên hay nói cho đúng là kỳ thị. Ai mà có lý lịch số 14 là “đời tàn trong ngõ hẹp” luôn đó bác. (em nhớ có thể không chính xác lắm về chi tiết, có bác nào biết hoặc còn nhớ xin bổ sung giúp).
      Cái vụ xếp loại này là kết quả của những cuộc họp giữa công an, đảng ủy và ủy ban nhân dân (cấp phường, xã). Họ mở cuộc họp xét vào mùa thi mỗi năm, khi mà thí sinh nộp bộ hồ sơ xin thi đại học lên công an để ký xác nhận. Xét kỹ, săm soi từng hồ sơ, rồi họ ghi kết luận vào ngay bộ hồ sơ (tuyển hay không tuyển), rồi niêm phong, trả lại cho thí sinh để mang đi nộp ở Ban tuyển sinh tỉnh, thành phố. Mỗi cuộc họp như thế có thể coi như những cuộc giết người không gươm giáo.
      Tương tự một cái còm trước đây của bác Chinook, huyệt đã được đào trước khi có phiên tòa. Số phận của thí sinh được 3 tổ chức này định đoạt ngay từ lúc đó, dựa trên lý lịch mà không dựa trên học lực.
      Bởi thế, em coi khinh bằng cấp và các vị có bằng cấp (do diện ưu tiên mang lại).

      • Nguyễn Tuấn Anh
        04/05/2012 lúc 23:38

        Chị Năm: “đời tàn trong ngõ hẹp”

        Chị Năm viết câu này…ấn tượng “hoa lá cành”..thiệt đó!
        Đọc câu này của chị mà em cứ tủm tỉm cười hoài! hihihihihi…
        Vậy chớ hồi đó đi thi ĐH chị Năm thuộc diện…số mấy? Chị Năm có…”đời tàn trong ngõ hẹp”…hông chị Năm!? hihihihihi.

      • 05/05/2012 lúc 07:18

        Chị “copy ” câu đó trong thơ Vũ Hoàng Chương nè em:

        Mây mùa thu
        Vũ Hoàng Chương

        Sao hôm nay lòng ta buồn không nguôi,
        Niềm u uất dâng cao tháng ngày trôi xuôi.
        Há vì cơm áo chẳng no lành?
        Há vì đời không ai mắt xanh?
        Nhớ thuở chưa có ta đường đi thênh thênh,
        Kịp khi có ta chông gai mông mênh.
        Cuồng vọng cả mà thôi,
        Bốn phương đều vướng mắc.
        Ba mươi năm trên vai
        Mà trống không bình sinh.
        Gối vải mộng phong hầu,
        Vinh quang đường lối khép.
        Thẹn trước thương về sau,
        Đời tàn trong ngõ hẹp.

        Xuân đời chưa hưởng kịp,
        Mây mùa thu đã sang.

        ——

        Chị số 11 hay 12 chi đó em à. Chị tương tự… hihi… bác Phạm Sơn.

  6. Phạm Sơn
    04/05/2012 lúc 21:00

    ” Bởi thế, em coi khinh bằng cấp và các vị có bằng cấp (do diện ưu tiên mang lại)”

    Cô Phay Van: Rất đồng thuận và cùng suy nghĩ như cô.
    Trang “Tạp chí giáo sư dỏm Việt Nam” mà blog cô có dẫn link, đã nói lên cái thực trạng đáng “khinh” này.
    Năm 1976, tôi cũng là một trong những nạn nhân đau khổ của cái chế độ lý lịch “hồng hơn chuyên” này, khi làm hồ sơ thi đại học lúc đó, đó cô.
    Mỗi lần có dịp nhắc lại, càng thấy nuối tiếc buồn và thêm…hận!

    Có bài viết này của Bs Ngọc, trong bài cũng có đề cập vài nét về hệ luỵ của cái “chủ nghĩa lý lịch” hồng hơn chuyên này, xin giới thiệu mọi người cùng đọc suy ngẫm…

    “Trở về thực học là giải pháp cho tình trạng quá tải bệnh viện – Bs ngoc “

  7. Công Thành
    05/05/2012 lúc 10:52

    ” Tri ân những người lính miền Nam là điều tôi muốn viết…”

    Thật sự xúc động khi đọc những dòng chữ này!
    Cám ơn Phay Van đã chọn bài để post entry này.
    Vào những dịp tháng Tư, thi thoảng gặp đọc được những bài viết của những người ở các thế hệ sau trong tấm lòng đồng cảm và thật lòng tri ân với “những người ngã ngựa” nhưng trong tâm hồn luôn đầy kiêu hãnh, và lúc nào cũng xem “kẻ chiến thắng” là DƯỚI TẦM, của những người viết có những nhận xét khách quan và đầy tư cách cũng như trình độ như tác giả Ban Mai thế này, thấy thật ý nghĩa và ấm lòng lắm…

    • 05/05/2012 lúc 11:39

      Thực chất thì ai là kẻ chiến thắng, ai là người thất bại? Thưa bác Công Thành?

      Chính phủ hiện nay (của kẻ tưởng là chiến thắng năm 1975 ấy) có phải là của dân, do dân và vì dân không?

  8. Võ Trung Tín
    05/05/2012 lúc 15:47

    Thi cử mệt quá chị Năm ơi…!!!!!
    Thư giãn một chút…với những…”bài văn bất hủ”…của các em nhỏ… nghen chị Năm…hihihihi..

    1/ Tả con mèo: Nhà em không nuôi con mèo nào cả, nhưng em nghe mẹ em bảo bố em có nuôi một con mèo nhí, nếu mẹ mà bắt được con mèo nhí đó, thì mẹ sẽ…cắt cụt đuôi.

    2/ Tả cô bán hàng: Gần nhà em có cô bán hàng tạp hoá, cô cao mét mốt, cô đi đôi giày mét hai, mắt cô giống mắt bồ câu, hai má cô lúc nào cũng đỏ như hai quả cà chua chín.

    3/ Tả chú thương binh: Gần nhà em có một chú thương binh, chú đã bị thương 2 lần: một lần ở Ban Mê Thuột và một lần ở…đùi.

    4/ Tả cây bàng: Trước cửa nhà em có trồng một cây bàng. Mùa bàng chín, rụng đầy sân. Mẹ em nhặt bán, lấy tiền mua ti vi, tủ lạnh.

    5/ Tả cây mít: Nhà em có một cây mít. Mẹ em bảo nó do cụ của cụ em trồng. Cây mít cao 20cm, cành lá xum xuê rập rạp y như…lông chân của bố em vậy.

    Thư giãn một chút…ròm em…dzọt đây nghen….

    • Nguyễn Tuấn Anh
      05/05/2012 lúc 22:03

      Trời..trời..! Chiều nay ròm nó giao em làm bài..gần chết!!!!
      Té ra…lão ròm Tào Tháo..thư giãn..bằng cái còm này!!!!!!

    • Võ Trung Tín
      06/05/2012 lúc 22:42

      Chị Năm: dạ, 5 bài đó ròm em là tác giả..giả đó chị Năm! hihihihi..
      Dzà 2 bài ni..cũng dzậy;

      1/ Tả các chú bộ đội: Gần nhà em có doanh trại bộ đội. sáng sáng các chú xếp hàng chạy quanh xóm tập thể dục. Trưa trưa các chú ra đường đào đất trồng cây. Tối tối các chú trốn trại đi tán mấy chị gái trong xóm…,bị các chú bộ đội chỉ huy rượt đuổi bắt như bắt trộm gà, làm cho…chó cả xóm sủa om sòm…

      2/ Tả cảnh giờ ra chơi: Tùng..tùng..tiếng trống vang lên, giờ ra chơi đã đến. Các bạn ùa ra sân như chim vỡ tổ. Có bạn ngồi chơi dưới gốc cây, có bạn chơi đá bóng, có bạn đi mua quà bánh, có bạn ngồi trong lớp ôn bài. Riêng em, em chỉ đi vệ sinh rồi vào lớp học tiếp…

      P/s: Hết giờ giải lao chị Năm ơi, bởi nhà chị Năm hôm nay khó..dzô..quá trời luôn đó!!!!

    • Võ Trung Tín
      06/05/2012 lúc 22:44

      Phay Van :Tuấn Anh: lão ròm Tào Tháo “gian hùng” như… Tào Tháo

      Trời..! Chị Năm…giết ròm em… không gươm nhưng có…dao…đó nghen!!!!! huhuhuhuhu..

    • Võ Trung Tín
      08/05/2012 lúc 00:05

      Phay Van :Tín đừng có là em học sinh trong bài (2) đó nhé

      Chị Năm: Thì là “hình ảnh” ròm em..hồi nhỏ…chứ còn ai nữa!!!!…hihihihhihihi

  9. 05/05/2012 lúc 16:01

    Chính mình mà còn hằn học thế này, mong chi người thắng cuộc bao dung ? Những người như ông nhà văn này là những tác nhân gây chia rẽ và làm dài thêm ngày thống nhất non sông. Chúng ta hãy tha thứ, hãy quên đi và hãy nhìn về phía trước, có vậy chúng ta mới chiến thắng , phỏng ạ ?
    Sự hằn học chỉ làm con người ta u mê thêm mà thôi, chúng ta hình như phải có những người như Phạm Duy, Nguyễn Cao Kì,…. mới mong có được một ngày thống nhất thật sự,
    Hãy nhìn về phía trước ! Phía bầu trời xanh thẳm, nơi có chúa Trời luôn ban phước lành cho chúng ta !

    • chuongcom
      05/05/2012 lúc 19:36

      Bác này bình linh tinh quá ,tôi chả hiểu bác muốn gì ?Giọng điệu của bác nghe có mùi ” chụp mũ ” . Một chút bồi hồi của tác giả về quá khứ chứ có gì là ” hằn học ” ? Ai cần người ” chiến thắng ” phải ” bao dung ” ?

      • 05/05/2012 lúc 19:42

        Bác Chuongcom có phải từng là một độc giả của nhà văn Duyên Anh không?
        (Em hỏi chút cho bớt căng thẳng, tại thấy cái nick quen quen, có gì thất thố xin bác thứ lỗi nhé.)

    • 05/05/2012 lúc 19:37

      Cảm ơn bác Trà. Theo em thì thông điệp của bài này là tâm tình trân trọng, tri ân những người lính VNCH. Đây là một tình cảm hết sức cao quý, là một thái độ biết ơn của một người thuộc thế hệ trưởng thành sau chiến tranh nhưng có cái nhìn đúng đắn về lịch sử.

      Còn về các ông PD, NCK thì em có ý kiến riêng thế này: việc làm của các ông phải được đặt vào trong không gian, thời gian cụ thể để đánh giá. Việc làm của hai ông đã khiến cho nhiều người hiểu sai hiện tình VN, hay còn gọi là “làm gương mù, gương xấu”, mục đích (có thể) là tốt, nhưng phương cách là xấu. Chúng ta không nên cộng tác với cái ác để làm cho cái ác cứ tồn tại và vững mạnh mãi.

      • Nguyễn Tuấn Anh
        05/05/2012 lúc 21:51

        Bác Trà hâm lại kính: Quả thật đọc nội dung cái còm của bác, con rất là ngạc nhiên, sao bác lại còm với nội dung..”lạc đề” như thế?! ( con kính xin lỗi bác, được nói suy nghĩ thật của mình) . Con nói.. “lạc đề”…bởi:

        1/ Tác Giả Ban Mai – Nguyễn thị Thanh Thuý, là..NỮ!
        – Nhưng, bác Trà lại còm là: ” Những người như ÔNG nhà văn này là…”

        2/ Thật tình, với cảm nhận của cá nhân con nhận xét, thì bài viết của tác giả Ban Mai, đâu có chỗ nào là có ý gì là..”hằn học” đâu ạ ; mà con lại thấy nhất trí theo ý chị Năm có re-com cho bác: “..thông điệp của bài này là tâm tình trân trọng, tri ân những người lính VNCH ”
        – Bác trà còm..” Chính mình mà còn hằn học thế này…”
        Vậy bác Trà có thể trích dẫn minh hoạ thử…cái đoạn văn nào là..”còn hằn học”..của tác giả Ban Mai, được không ạ?

        3/ Theo con suy nghĩ và..”đoán mò”, thì, một khả năng, có thể dẫn đến.. “hiểu lầm ý còm” của bác Trà, đó là: Ý bác Trà muốn nói đến nội dung bài viết của Bs ngọc ” Trở về thực học là giải pháp cho tình trạng quá tải bệnh viện ” mà bác Phạm Sơn chia sẻ…chăng?!

        Bác Trà hâm lại kính, bác có thể hồi âm cho mọi người cùng đồng cảm và vui vẻ…chứ Bác Trà?

      • 06/05/2012 lúc 11:31

        Thưa bác chuongcom@,Phay Van, Nguyễn Tuấn Anh,
        Trích :
        ” …… Dạo này tụi sinh viên ớn lạnh không dám xuống biển, chỉ ra hóng gió, tập thể dục. Tuần trước trong trường đã có người bị ngoạm cánh tay, cũng may cá mập chỉ nhá chơi rồi nhả ra nên vẫn còn nguyên vẹn, chỉ bị đứt gân nằm nhà thương một tháng. Sinh viên là lũ chực chờ có việc thì cười cợt, thi nhau chế diễu: mấy cô sinh viên mơn mởn bơi lội tung tăng cá mập không thèm đụng đến, lại nhè ông giáo dạy môn Lịch sử Đảng, Chủ nghĩa Cộng sản Khoa học ngoạm một phát mất hồn, hẳn nhiên nó cũng biết lựa người ghê…

        Loài cá còn như vậy, những âm hồn còn ghê hơn. ….. ”
        Nếu tác giả bỏ đi ít nhất mấy chữ này : ” ……… hẳn nhiên nó cũng biết lựa người ghê…

        Loài cá còn như vậy, những âm hồn còn ghê hơn. …. ” thì giá trị của người viết và câu chuyện được nhân bản biết bao !
        Đó là lí do tại sao tôi cho là có ý hằn học hơi thiên tả của nhà văn. Đã là nhà văn thì cần trung thực , rung cảm với cái đẹp nhưng không nên chính trị hóa văn chương của mình, nếu như thế người ta cho là bồi bút của chế độ. Nhà văn, nhà thơ …. – hãy làm một Hàn Mặc Tử, hãy là một Nguyễn Bình, ….
        Chắc cũng không nên nói thêm, phải không ?

      • 06/05/2012 lúc 18:54

        Bác Trà: Đây là “món khai vị”: Dạo này tụi sinh viên ớn lạnh không dám xuống biển, chỉ ra hóng gió, tập thể dục. Tuần trước trong trường đã có người bị ngoạm cánh tay, cũng may cá mập chỉ nhá chơi rồi nhả ra nên vẫn còn nguyên vẹn, chỉ bị đứt gân nằm nhà thương một tháng. Sinh viên là lũ chực chờ có việc thì cười cợt, thi nhau chế diễu: mấy cô sinh viên mơn mởn bơi lội tung tăng cá mập không thèm đụng đến, lại nhè ông giáo dạy môn Lịch sử Đảng, Chủ nghĩa Cộng sản Khoa học ngoạm một phát mất hồn, hẳn nhiên nó cũng biết lựa người ghê…

        Loài cá còn như vậy, những âm hồn còn ghê hơn

        Đây mới là “món chính”:
        Tôi không biết kẻ sĩ ngày nay nghĩ gì nhưng tôi thương mãi những kẻ sĩ miền Nam thất thế, sau thời hậu chiến phải chịu bao điều cay đắng. Có những người tài giỏi nhưng không được lưu dụng, thất nghiệp họ ra đường bán sách cũ, đi xe thồ, đạp xích lô, bán bong bóng, về quê cày ruộng. Những người trí thức càng hiền lành thì càng thảm thương. Tôi yêu những người lính dầm sương dãi nắng giữ an ninh làng mạc, giữ cuộc sống an bình cho chúng tôi đi học, cho cha mẹ tôi đi làm nuôi gia đình. Họ trả giá thay cho những người bây giờ sung sướng. Thời thế thay đổi, họ lây lất sống mà không ai đoái hoài rồi họ chết đi không một nghĩa trang liệt sĩ, không bia tưởng niệm. May mắn sang được Hoa Kỳ thì họ cũng cực nhọc trăm bề vì tuổi trẻ họ đã cống hiến hết cho miền Nam. Ngày xưa, khi còn trẻ chắc họ không nghĩ gì xa vời mà giản dị khi dân lành nguy biến thì họ phải bảo vệ, phải lấy sức mình ra che chắn… Họ đâu ngờ mình chỉ là con tốt trên bàn cờ chiến tranh của các nước lớn.

        Không ai đánh giá một bữa tiệc qua món khai vị, phải không bác?

        Còn nếu nói tác giả viết bài này như một “bồi bút của chế độ” thì xin thưa: tác giả là bồi bút của chế độ nào cơ, chả lẽ bồi bút cho một chế độ đã sụp đổ là VNCH?

        Bồi bút là Tố Hữu, là Chế Lan Viên, là Nguyễn Đình Thi,… thưa bác.

      • Nguyễn Tuấn Anh
        06/05/2012 lúc 15:36

        Bác Trà hâm lại kính: Cám ơn bác đã hồi âm chung cho 3 người, nhưng ít nhiều, thì cũng từ đề nghị trong còm của con, đó là bác đã trích dẫn cái đoạn văn nhằm minh chứng cho việc bác nói rằng tác giả Ban Mai đã viết với chủ đích… “hằn học”?!
        Thưa bác, với tư cách của một người đọc còn trẻ, con không bị tác động “lôi kéo” của một thế lực nào, mà chỉ đọc, và cảm nhận khách quan trên tinh thần cảm thụ bài viết, trên tinh thần đó, theo con đoạn văn này tác giả Ban Mai viết không có một tí gì là “hằn học” cả. Bởi, các ý sau:

        1/ Theo định nghĩa của từ “hằn học”: Tỏ ra tức tối muốn gây chuyện, do ta thua kém mà không cam chịu. ( Từ điển tiếng Việt – viện ngôn ngữ học Việt Nam )
        Thì, đọc toàn bộ bài viết, con đâu có thấy tác giả Ban Mai “tỏ ra tức tối muốn gây chuyện”…với ai đâu? Tác giả Ban Mai có “ăn thua đủ” với ai đâu mà…”hằn học”? Tác giả chỉ muốn thể hiện tình cảm của mình nhằm…”Tri ân những người lính miền Nam là điều tôi muốn viết…” thôi mà?
        – Như vậy, với ý nghĩa “hằn học” mà bác nêu trong còm của bác, con nghĩ là…không thuyết phục!

        2/ Hai câu bác nêu lên: “..hẳn nhiên nó cũng biết lựa người ghê…” và..” Loài cá còn như vậy, những âm hồn còn ghê hơn…”, để diễn đạt cái ý mà bác gọi là…”hằn học”, theo con cũng… không thuyết phục!
        Bởi, xét ngữ cảnh toàn bộ đoạn văn mà bác trích dẫn, thì nó là điều và việc cụ thể thực tế xảy ra ở Bình Định, và đó là “tâm lý dư luận” râm ran, bàn tán chung của tất cả sinh viên của trường ĐH Quy Nhơn vào thời điểm ấy ( nạn nhân là Thạc sĩ Nguyễn Minh Tuân, Gv khoa Lý luận chính trị, trường ĐH Quy Nhơn – con đã có đọc bài báo đưa tin chi tiết việc này – ) và vì vậy tác giả Ban Mai viết đúng sự kiện và sự thật: “…Sinh viên là lũ chực chờ có việc thì đùa cợt, thi nhau chế giễu…”
        – Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba…’sinh viên” ,
        Vì vậy, hai câu ấy đi liền với ngữ cảnh của toàn đoạn văn thì chỉ là…đùa cợt.. và..chế giễu, chứ không có..”hằn học”.., Vì vậy, bác nói là “hằn học”, thì con thấy…không thuyết phục!

        Chắc bác Trà đã có từng nghe trong dân gian có câu này, đại khái:
        ” Ông ấy ( bà ấy, thằng ấy, con ấy…) ăn ở ác đức quá nên đã bị trời đánh ( sét đánh )!
        Câu này thuộc về phạm trù “tâm lý chế giễu chung” của mọi người, chứ không phải là có ý..”hằn học”..và..”ăn thua đủ”… với nạn nhân xấu số tội nghiệp không may…bị trúng sét!

        Thưa bác Trà, con còn nhỏ, có vài ý như vậy qua cái còm hồi âm của bác, mong bác đừng chấp nếu vô tình con có điểm nào đó…sơ sót!

        Kính,

      • Nguyễn Tuấn Anh
        06/05/2012 lúc 15:40

        ” Nếu như thế người ta cho là BỒI BÚT của chế độ ”

        Thưa bác Trà, bác đừng giận con vì con nói cảm nhận thật rõ của con khi đọc câu này nghen…hihihihihihi…
        Con thấy câu còm trên của bác… có vẻ có..chút chút…HẰN HỌC…rồi đó nghen!
        Bởi lẽ, BỒI BÚT..là một cụm từ phê phán rất nặng, phải ” giận dữ xúc động” đến một mức độ nào đó người ta mới buột miệng thốt lên…
        Bác trà hâm lại là người đáng kính…mà lại như thế sao…bác!

        Con nghĩ, trong bất kỳ xã hội nào, trong bất kỳ chế độ chính trị nào, song song với những thế lực lãnh đạo đương quyền, thì cũng cần có những thành phần đối lập. Đó chính là quy luật cuộc sống.
        BỒI BÚT chính là những kẻ luôn viết sai sự thật, cam tâm bẻ cong ngòi viết của mình ĐỂ PHỤC VỤ CHO THẾ LỰC LÃNH ĐẠO ĐƯƠNG QUYỀN.
        Đó mới là đúng nghĩa chính xác của..Bồi Bút…chứ?

      • 06/05/2012 lúc 22:13

        Phay Van và Nguyễn Tuấn Anh,
        Thực ra có thể ai đó bị cá mập cắn ( ai cũng có thể bị – bên Mĩ cũng bị, bên Úc cũng rứa,…. ) nhưng khi đã tổng quát hóa một vấn đề thì không nên lấy CHỈ MỘT HIỆN TƯỢNG ra mà chứng minh ! Thú thực , lão hâm cũng không và chưa bao giờ ưa cộng sản nhưng cũng chưa bao giờ nhìn sự đau đớn thể xác của một sinh linh để lấy đó làm chiến thắng cho mình ! ( nếu vậy thì là AQ của cụ Lỗ Tấn mất rồi )
        Nhìn sự việc bằng con mắt lương tri nó chính xác hơn là nhìn theo góc cạnh của mộtý thức hệ !
        Nói cho vui, một người cho dù là cộng sản ( có thể họ cũng buộc trói chịu đòn mà thôi ) và nếu họ có bị tổn thất gì đó thì họ cũng có bà con, họ hàng, bố mẹ, con cháu,… Vậy tin chắc rằng ai trong chúng ta cũng không vỗ tay trước mất mát của người thân họ nói trên. Họ là những con người đáng thương , đáng tội nhiều hơn mới phải ! ( Hihihi, trừ loại ác ôn ra nha )
        Có thể đây là quan điểm cá nhân, hi vọng là để tham khảo , không nên lấy nó làm đề tài tranh luận nha – Phay Van và Nguyễn Tuấn Anh !
        Chúng ta hãy sống bao dung cho cuồc sống tươi đạp hơn lên !

      • Trần thị Bảo Vân
        07/05/2012 lúc 14:35

        Bác Trà hâm lại kính mến ơi, Út con còn lờ mờ, chưa hiểu rõ lắm cái ý của cụm từ này mà bác dùng trong còm, bác có thể vui lòng giảng cho con hiểu một chút được chứ ạ? Con cám ơn bác.
        Đó là cụm từ:…”hơi thiên tả”, vậy.. “thiên tả” là gì ạ? và..”hơi thiên tả”..là sao ạ?
        Bởi con thường hay đọc thấy và nghe nói 2 cụm từ: “hữu khuynh” và “tả khuynh”, vậy nó có liên quan gì với..”thiên tả” hay “thiên hữu”… mà bác đề cập trong còm không ạ?

        P/s; Thưa bác, con chỉ muốn hỏi, là để biết cho rõ ràng nghĩa cái cụm từ này thôi, chứ không đề cập gì đến bàn luận của bác .

  10. chuongcom
    05/05/2012 lúc 19:56

    Vâng thưa chủ thớt , tôi đã từng có một thời say mê truyện của Duyên Anh .
    Cũng chẳng nóng nảy gì , nhưng đọc lời bình có vẻ dạy đời , giọng quen quen nên viết lại thế thôi . Ban Mai là bạn học cùng trường cấp 2 ngày xưa !

    • 05/05/2012 lúc 20:11

      Dạ, hồi nhỏ em cũng mê truyện Duyên Anh bác ạ. Mê đọc truyện viết cho trẻ con của Duyên Anh và mê đọc truyện dịch (cho người lớn) của Hoàng Hải Thuỷ.

      Hai nhà văn này (cùng với một số nhà văn nữa) sau 30.04.75 bị “cách mạng” chụp cho cái mũ là “Những Tên Biệt Kích của Chủ Nghĩa Thực Dân Mới Trên Mặt Trận Văn Hóa – Tư Tưởng”. Ghê gớm thay cái gọi là “cách mạng”.

  11. Ngô Tấn
    05/05/2012 lúc 20:22

    Tôi có đọc đâu đó có cái ý này thấy thâm thuý, (tạm thời chưa nhớ đã đọc ở đâu), đại ý:

    ” Sau 36 năm thống nhất, nếu đứng trên hệ qui chiếu cuộc sống kinh tế và tư tưởng nhân bản, thì, đúng nghĩa của nó là miền Nam đã giải phóng miền Bắc.
    Còn trên hệ qui chiếu bạo lực và ác độc thì miền Bắc đã giải phóng miền Nam”

    • 05/05/2012 lúc 20:25
      • Trần thị Bảo Vân
        07/05/2012 lúc 14:46

        Bác Ngô Tấn ơi
        Chị Năm con thực hiện…điều 5, của… “bok ho”..dạy, đó bác!!!! hihihihihihi..

        Học mệt quá…”thọt lét..chị Năm…thư giãn một chút, không có mắng Út…đó nghen…

      • Ngô Tấn
        08/05/2012 lúc 21:10

        Hai chị em nói gì, già này…không hiểu?!

  12. Nguyễn Tuấn Anh
    06/05/2012 lúc 15:49

    Chị Năm ơi…!!!!!
    Không hiểu sao, trang nhà của chị Năm, của chị Ba nguyệt Mai, của bác THT…hôm nay sao..khó vô quá!!! ( chỉ có nhà chị Cam Li là vô được, nhưng click vào trang liên kết cũng không vào được 3 nhà: chị, chị Ba và bác THT…, tranh thủ một chút, thế mà mất gần cả tiếng mới gởi còm được đó! hhuhuhuhuhhuhuhu….Tín ròm…dzô hổng được.. bực mình, xách xe..dzọt..rồi chị Năm ơi!!!! )

  13. 07/05/2012 lúc 22:12

    Trần thị Bảo Vân,
    cái khoản này bác trà hâm cũng dốt lắm, nói được nhưng có thể không giải thích được, cũng có những cụm từ mà chỉ hiểu được, giải nghĩa không được,…v.v….
    Thôi thì bác cố gắng biết gì nói nấy nhá,
    chử ” hơi ” có nghĩa là chưa đạt mức thiên tà, mà chỉ hơi hơi thôi, nói nôm na là chỉ đạt chưa đến 50% công lực .
    Chữ ” thiên ” là hướng, nghiêng về một phía nào đó,…
    chữ ” tả ” chỉ phía trái, đối lập với ” hữu ” – người ta hay dùng trong việc chỉ hai khuynh hướng trong xã hội với đặc trưng là ” tả ” thì mạnh bạo, vũ lực, ép buộc,… còn ” hữu ” thì ôn hoà, nhu nhược,….
    Vài dòng gọi là múa rìu qua mắt thợ, rất mong được chia sẻ !

    • Võ Trung Tín
      08/05/2012 lúc 00:07

      Bác Trà kính: Thưa Bác, qua trả lời của bác cho BV, ròm con mới biết thêm một ý về “thiên tả, thiên hữu” ( hay “khuynh tả, khuynh hữu” )…qua cách giải thích của bác!

      Nhưng, hồi con còn ở nhà, con hay nghe ba con và các bác uống trà trò chuyện tình hình thời sự trong nước, quốc tế; và cũng như con có đọc cuốn sách ” Nhập môn phương pháp sử học” ( con quên tên tác giả ) ở tủ sách nhà con, có phân tích giải thích “tả khuynh và hữu khuynh”, con nhớ đại ý là như thế này:

      – Lịch sử ra đời của 2 khuynh hướng chính trị “tả khuynh và hữu khuynh”, là xuất phát từ cuộc cách mạng Pháp 1789.
      1/ Tả khuynh, là nói đến khuynh hướng chính trị của các đảng phái có tư tưởng cấp tiến, dân chủ, đổi mới.
      2/ Hữu khuynh, là nói đến khuynh hướng chính trị của các đảng phái có tư tưởng bảo thủ.

      Thưa bác, đó là nét chính yếu cơ bản mà con đã nhớ và hiểu về “tả khuynh và hữu khuynh”.
      Mong các bác và các anh chị chia sẻ thêm ạ…

      • Ngô Tấn
        08/05/2012 lúc 21:04

        Ồ! Thật là ngẫu nhiên!
        Tôi vừa mới đọc xong bài viết này, trong đó tác giả có đề cập và phân tích rất đúng cùng logic, đến chi tiết Tả khuynh, Hữu khuynh, mà Bác Trà, cháu BV và cháu Tín, đang đề cập…
        Mời mọi người cùng đọc: “TẢ HỮU VÀ TƯƠNG LAI TOÀN CẦU – BS HỔ HẢI “

      • Trần thị Bảo Vân
        09/05/2012 lúc 11:37

        Út con cám ơn bác Ngô Tấn, bác Trà hâm lại ạ.
        Và tui cũng “cổm ơn”..ông ròm tham gia ý kiến nghe!

        Bác Trà ơi, như vậy “Tả khuynh, Hữu khuynh”, qua bài viết của Bs Hồ Hải mà bác Ngô Tấn giới thiệu, thì bác Trà…thấy thế nào? Bác có thể cho Út con biết ý kiến của riêng bác được không ạ?

  1. No trackbacks yet.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: