Tiếng Cười Đoàn Viên *
Bạn thân mến,
Sau ngày “đất nước không còn chiến tranh” đã có biết bao cuộc trùng phùng mà câu chuyện sau đây là một. Cũng như anh Chinook, Nguyệt Mai chỉ ước mong là không bao giờ đất nước ta phải trải qua những trải nghiệm đau thương tương tự.
*
TIẾNG CƯỜI ĐOÀN VIÊN*
Truyện ngắn của Khuất Đẩu
Khi tôi vừa ăn xong mấy củ khoai thay cho bữa cơm chiều, thì một người cán bộ đi vào. Như những người miền Bắc tôi thường gặp, sau chiến tranh tràn ngập cả miền Nam, dù không là bộ đội vẫn thường mặc một bộ đồ màu cứt ngựa bạc phếch, nhàu nhò và đội một cái nón cối do Trung Quốc viện trợ. Bộ đồ ông mặc hãy còn mới nhưng vẫn không che giấu được vẻ buồn bã nhàm chán của một thứ quân phục được sản xuất hàng loạt. Ông cũng có một chiếc bị lủng nhủng những túi những dây gọi là ba-lô con cóc (vì đeo lên nó giống như một con cóc khổng lồ từ trong hang bỗng nhảy ra ngồi xổm trên lưng?). Ông mang một đôi xăng-đan bằng nhựa màu nâu nhạt, loại dép mới cũng do “ông” Trung Quốc chi viện thay cho dép cao su.
Ông bước vào sân giữa lúc trời đang còn chút nắng nên mặt ông sáng lên với những giọt mồ hôi lấm tấm, nhưng hai nếp nhăn từ cánh mũi vòng qua cái miệng không râu lại sẫm đen giống như hai đường cày. Một cái bớt trên má trái giống như một giọt mực xạ bị bôi lem. Mái tóc cắt sát hai bên thái dương chỉ chừa một mảng trước trán như một cái lưỡi rìu. Cái mái tóc sắc nhọn giống nhau cả triệu người như một ấy, đã từng xuất hiện trong tết Mậu Thân trên các xác VC được kéo bỏ ngoài công viên thành phố. Tôi đã nhiều lần hoang mang tự hỏi không biết có ai trong số họ là cha tôi.
Ông đi qua sân không một chút ngập ngừng, rồi ông bước lên thềm quay mặt nhìn ra ngõ, hơi bất ngờ khi thấy mấy con “trâu máy” của hợp tác xã trên đường trở về đang kêu phành phạch thay cho tiếng nghé ngọ. Ông đặt ba-lô xuống thềm, lọ mọ lấy điếu cày, xe thuốc nhét vào nõ rồi rít một hơi dài kêu roọc roọc. Ông tựa lưng vào cột, lim dim mắt, thở ra một hơi khói đậm và gắt. Cái vẻ tự tin yên bình, cái vẻ không xa lạ với cửa nhà vườn ruộng, cái vẻ của một người đi xa về lại nhà mình khiến cho tôi trả lời đúng chóc khi nghe ông hỏi:
– Có biết ta là ai không?
– Là cha – Tôi nói.
– Giỏi đó, con còn nhìn ra cha là nhà có phước.
Đó, cái buổi trùng phùng của hai khúc ruột lìa xa nhau hơn hai mươi năm chỉ có vậy. Không có chuyện mừng mừng tủi tủi. Không có một giọt nước mắt nào run rẩy nhỏ xuống. Cũng không oái ăm như tôi đã từng tưởng tượng mỗi khi nghĩ đến người cha chưa từng thấy mặt. Có phải vì chúng tôi là hai người đàn ông hay vì chúng tôi đã từng ở hai bờ chiến tuyến?
Tôi đã từng vẽ ra những cảnh cha con gặp nhau rất éo le, oan trái. Như lúc ông bị thương sắp chết sau khi nhận loạt đạn của chính tôi, hay lóp ngóp chui lên từ căn hầm bí mật dưới những họng súng sẵn sàng nhả đạn, trong đó có họng súng của tôi.
Hồi đó, tôi thường tự hỏi, trên cái dải đất mỏng manh hình chữ S này có bao nhiêu người cha và người con, người anh và người em, những người ruột rà máu mủ lại phải bắn giết nhau. Cả trăm, cả ngàn hay đến cả chục ngàn? Và vì sao bọn họ phải trở thành kẻ thù của nhau? Có phải vì chiến tranh quá dài và những kẻ cầm đầu hai bên quá hèn nhát hay quá thủ đoạn, hích vào đầu chúng tôi như bọn trẻ chăn trâu thúc sau đít để trâu bò húc nhau.
Lô lô ầm
Lô lô ạt
Thịt nạc dao phay
Con nào hay để lại cày
Con nào dở dao phay nước mắm.
Bộ máy tuyên truyền của hai bên cũng y chang như vậy đó, chỉ khác là được khuếch đại to hơn và bền bỉ sâu hiểm hơn mà thôi.
Giờ đây, tôi lại tưởng tượng khác. Nhiều người cha xấu hổ đã không muốn nhìn mặt con khi biết chúng đã từng “theo giặc cầm súng bắn vào nhân dân”. Biết con đang “học tập” họ chẳng những đã không ái ngại xót xa, còn bảo không bị giết đã là nhân đạo lắm rồi, hãy để nó học càng lâu càng tốt. Vì vậy, tôi chẳng mong gì được gặp ông một cách đề huề cảm động. Tôi chờ đợi những câu mắng chửi y như bọn họ, những người chiến thắng rồi mà vẫn chưa hết căm thù những kẻ thua trận là chính con cái anh em mình. Nhiều lúc tôi vẽ ra cảnh ông rút súng chĩa vào ngực tôi gào lên, mày là thằng bán nước và tôi nhắm mắt để cho ông bóp cò.
Nhưng bây giờ, “con còn nhìn cha là nhà có phước”, ông nói vậy là sao? Phải chăng ông cũng đang vẽ ra những cảnh trái ngang: con không thèm nhìn cha, hay lớn tiếng kết tội bỏ cả vợ con để đi theo Liên Xô và Tàu cộng? Và như thế cả hai cha con chúng tôi đều vừa mong mà cũng vừa sợ cái ngày sẽ gặp lại.
Tôi mở cửa mời ông vào nhà, nhưng ông bảo ta muốn đi dạo một chút. Rồi ông đi quanh vườn. Vườn rộng, trồng rất nhiều cây ăn trái, nhưng đã già cỗi. Những mít, những xoài ngày nào giờ đã thành cổ thụ. Dừng lại bên cạnh một cây xoài ngã rạp chắn lối trước mặt, ông nói đây là cây xoài quỳ và quay lại hỏi tôi:
– Lúc nhỏ con cũng thường leo lên đây?
– Dạ.
– Con có bị bà bắt phạt quỳ không?
– Dạ có.
– Bà cấm leo trèo vì sợ té gãy chân.
– Dạ.
– Ta nhớ cái vườn này lắm. Ngoài đó làm gì có được cái vườn như nhà mình.
À ra vậy, tôi nghĩ, lúc nhỏ ông vẫn thường nghịch ngợm leo trèo và ông vẫn nhớ đến khu vườn xưa, ngôi nhà cũ chứ không phải chỉ nghĩ đến đảng không thôi.
– Ta cứ tưởng bị đốt phá hết rồi.
– Thế nhà ngoài đó của cha cũng có vườn chứ?
– Làm gì có nhà, chỉ có bốn thước vuông thôi. Chỉ rộng hơn cái áo quan một chút.
Cái giọng điệu chua chát từ miệng một người miền Bắc lần đầu tiên tôi mới được nghe, thật khác xa với giọng điệu huênh hoang tự hào của những “ông”, những “bà” cán bộ trong trại cải tạo hay những người miền Nam mới theo cách mạng.
Sau đó ông vòng ra giếng, cúi nhìn xuống sâu một lúc như tìm lại hình bóng mình rồi thả gàu múc nước. Ông xối nước rửa mặt, ngửa cổ uống một hơi, khà một tiếng: nước giếng nhà mình ngon thiệt! Cái cách ông uống và khen cứ như vừa làm một cốc bia mát lạnh, khiến tôi rất xúc động.
Vườn nhà mình! Nước giếng nhà mình! Những tiếng ấy dường như được ông nhốt kín trong lồng ngực suốt hơn hai mươi năm, giờ bỗng vọt ra như những cánh chim đang bay vút trên bầu trời quê hương. Tôi có cảm giác sẽ còn được nghe tiếng “mình” thêm nhiều lần nữa. Nhà của mình, ruộng của mình, vợ con của mình. Những thứ “của mình” đó làm nên một đời người, vì sao ông lại bỏ tất cả để đi tìm những thứ rất chi xa lạ không phải của mình?
Lúc vào nhà, tôi cẩn thận đi trước, dặn ông coi chừng vấp phải ngạch cửa cao ngang đầu gối, nhưng ông bảo vấp làm sao được, ta thuộc cái nhà này như biết rõ trong lòng bàn tay.
Đèn được thắp lên, căn nhà đã một trăm tuổi hơn mở con mắt ngái ngủ của mình ra nhìn ông. Không biết nó nghĩ gì nhưng ông chủ của nó thì bồi hồi đứng nhìn trong yên lặng. Nào cột nào kèo, nào trính nào xiên, cái bàn thờ lạnh lẽo với những bức hình trùm khăn nhiễu đỏ, những tủ giường xưa cũ, tất cả đã bị mối mọt và nhất là bàn tay của con người làm cho xệch xạc méo mó. Ngôi nhà đã hai lần bị “mượn”. Lần thứ nhất, chính quyền cũ “mượn” làm nhà tạm giam những người tình nghi Việt cộng. Lần thứ hai, cách mạng “mượn” làm trụ sở ủy ban. Cứ sau mỗi lần bị “mượn” là tiều tụy xơ xác. Giá như nó là một người vợ đẹp mà bị ‘mượn” đến những hai lần như thế thì không biết người chồng sẽ đau khổ đến mức nào.
Đến trước bàn thờ, ông có vẻ muốn lật những tấm khăn nhiễu ra để nhìn lại hình những người đã khuất, nhưng tần ngần một lúc, ông lại thôi. Ông ngồi xuống cái tràng kỷ mà một chân sau được thay bằng bốn cục gạch. Tự nhiên ông trở nên bé nhỏ mặc dù ngọn đèn làm cái bóng của ông nở to ra, bôi đen cả chỗ ông ngồi. Ông có vẻ giống như một đứa con có tội đang ngồi lặng nghe những lời rầy la của mẹ cha. Phải chăng ngôi nhà đã một thời uy nghi lộng lẫy giờ suy sụp thảm hại là do ông đã bỏ nó mà đi? Bởi vì có ông thì ngôi nhà này ai dám mượn đến những hai lần. Và vợ có chồng thì ai dám thập thò tán tỉnh. Nói vậy thôi chứ trong những ngày cách mạng mùa thu, cả kinh đô nhà Nguyễn nằm soi bóng bên bờ sông Hương còn bị Bảo Đại “bỏ của chạy lấy người” huống hồ là ông.
– Cha chắc chưa ăn gì, tôi nói, để con kiếm cái gì làm bữa tối cho cha.
– Khỏi, ông nói, ta ăn quà rồi. Kiếm cái gì nhâm nhi thì được. Ta có hai chai bia đây.
Thật là bất ngờ, thay vì sẽ phải ngồi nghe ông tra hỏi, nguyền rủa, lại được cùng ông ngồi uống la-de. Tôi quá vui nhưng cũng rất lúng túng, vì mới đi cải tạo về chưa được một tuần, biết lấy gì để làm mồi nhậu đây. Tôi loay hoay mãi, sau cùng đành chạy ra quán nói thật với bà chủ cho mua chịu mấy cái trứng vịt. Tôi không đủ dầu để làm món trứng tráng chỉ còn mỗi cách là đem luộc.
Khi trứng chín đã được bóc vỏ trắng muốt, tôi lấy thêm một chút muối tiêu, trịnh trọng bày lên bàn để mời ông. Lúc đó đã thấy ông để sẵn hai chai bia Larue hiệu con cọp, giờ là của hiếm. Hai chai bia được cột chặt vào nhau trông rất lạ, đem ngược từ miền bắc vào cứ như hai số phận đã được an bài.
– Cái này, ông nói ta được phân phối đã hai năm rồi, để dành mãi đến ngày hôm nay đấy.
– Quán hết đá, cha chờ chút để con lên chợ.
– Khỏi, uống không cũng được.
Đó là đại yến mừng ngày đoàn tụ mà nếu cả tộc họ nhà tôi kể từ ngày lập làng còn sống, nước mắt tủi hờn chắc cũng đựng đầy hai chai la-de. Cha tôi là người mà chính tôi có bổn phận phải lùng diệt. Còn tôi là đứa con đi theo giặc đáng nguyền rủa của cha. Số phận nào lại đưa chúng tôi đối mặt nhau một cách nghiệt ngã như thế? Ai cũng bảo là do lịch sử, nhưng cái con mãng xà dài cả ngàn thước ấy, ai đã nhảy lên lưng khiến nó lồng lên suốt mấy chục năm? Ai đã khiến nó nuốt một lúc hàng chục tiểu đoàn ở cổ thành Quảng Trị? Ai khiến nó đuổi theo cả vạn người di tản từ Pleiku? Nếu lúc này cha tôi cầm con dao đang thái trứng kia đâm thẳng vào ngực tôi cũng là do con mãng xà ấy sao?
– Uống đi cha!
– Uống đi con!
Uống để mừng cha con mình đã thoát khỏi cái tội ác lớn nhất trong đạo làm người vì chiến tranh quá dài đủ để cho cha con giết nhau!
Đêm hôm đó hai cha con tỉnh như sáo không phải vì bia ít quá không đủ say mà vì chúng tôi bàng hoàng nhận ra dưới đám lá mục của lịch sử, giấu mặt bao nhiêu là sâu bọ rắn rít, chúng tôi vẫn là cha và là con. Ông nói gần như suốt đêm về cái dòng họ Trần “rân rác” (ý nói danh giá), về lúa chín tràn bờ, về bắp trổ đầy soi, về những ngày giỗ chạp heo gà ngả hết con này đến con khác, về những xe trâu chở lúa từ đồng lớn, đồng dài kẽo kẹt suốt cả tháng, về bằng thành chung của ông, (cả huyện chỉ có hai người đậu), về những ngày đầu cách mạng bà nội đã đem cả rổ vàng ra cúng vào quỹ cứu quốc. Nhưng tuyệt nhiên ông không nói gì về những ngày ông đi tập kết. Cũng không hỏi tôi đi lính gì, gây bao nhiêu nợ máu và phải học tập bao nhiêu năm mới “sáng mắt sáng lòng”. Và, im như băng giá ở nam cực, ông không hề mở miệng ra hỏi nói gì về mẹ tôi. Tàu Titanic có ngày còn được khai quật lên để cho mọi người thấy lại cái bi kịch hàng hải đau thương nhất thế kỷ, nhưng cái mối tình mà từ đó mới có tôi sinh ra, đụng phải tảng băng của lịch sử (lại lịch sử) bị gãy làm đôi thì ông nhất định chôn chặt dưới đáy đại dương của lòng mình.
Hai năm trước ngày ký kết hiệp định Genève, tôi được sinh ra với một cái bớt đỏ trên môi. Bà nội nói, cha mày cũng có một cái bớt trên má, nhưng xấu hơn vì là bớt màu đen. Bà nói như thể biết trước cuộc chiến tranh sẽ còn kéo dài và cha con chúng tôi có thể phải đối mặt nhau ngoài mặt trận. Cha tôi phải nhớ là đừng bắn vào đứa có bớt đỏ trên môi, còn tôi thì đừng bắn vào người có bớt đen trên má. Hai cái bớt ấy đã được tổ tiên nhà họ Trần làm dấu để cha con nhận ra nhau.
Mẹ tôi lấy chồng khác khi tôi lên mười. Tôi ở lại với bà nội. Điều ấy chắc làm mẹ tôi đau lòng lắm. Bà ôm tôi khóc như mưa. Tôi không biết gì nhiều về bố dượng, chỉ biết ông ở trong quân đội và cấp bực sau cùng khi Sài Gòn thất thủ là trung tá.
Nếu trên đời này có những người đàn bà rất tần tảo, rất giỏi giang, nhưng cũng rất đau khổ chắc phải kể đến mẹ tôi. Sau 75, chồng bị bắt đi cải tạo, nhà bị tịch thu, con cái bị đưa đi kinh tế mới… Bao nhiêu tiền của dành dụm bị mất sạch khi đổi tiền. Vậy mà vẫn phải mua đường sữa, mắm cá đi thăm nuôi, hết lặn lội ra tận Bắc để thăm chồng sau, lại lộn vào Nam thăm con chồng trước. Như lúc này đây, nghe đâu mẹ đang ở Bắc.
Những điều ấy tôi muốn tâm sự với cha nhưng ông đã coi như không có người đàn bà ấy trên đời, thì tôi cũng đành biết vậy mà thôi. Ông ăn ít, ngủ ít, không ra ủy ban thôn, không lên huyện, lại càng không vào tỉnh và chưa hề hỏi han hay gặp gỡ những người bạn chiến đấu cũ nay đã là đồng chí bí thư này, chủ tịch nọ.
Có một lần, tôi rụt rè hỏi, cha cũng có gia đình ngoài đó chứ, thì ông bảo, hỏi làm chi chuyện đó. Hãy lo cho con đi. Con phải kiếm một người đàn bà mới giữ được cái nhà này. Ta có còn gì nữa đâu. Cuộc đời ta như một con cá, khúc ngon nhất là khúc giữa thì bị mèo tha chó đớp. Chỉ còn lại cái đầu và khúc đuôi, giữ lại mà làm gì.
Giọng ông u uẩn quá, nghe rất thương. Cái khúc giữa đời ông phải chăng là hơn hai mươi năm ông đi tập kết. Và trong hai mươi năm đó, với cái lý lịch con địa chủ chắc là ông đã run sợ xiết bao.
Đến ngày thứ năm, mẹ tôi từ vùng đất đỏ Long Khánh ra thăm. Bà được tin tôi ra khỏi trại cải tạo ngay lúc bà đến thăm nuôi. Khi nghe mấy tiếng đã được tha, không kịp quay về nhà, bà liền đón xe đi suốt đêm để ra gặp con. Lúc bà kêu cửa thì trời chưa kịp sáng.
Không như lúc gặp cha, tôi khóc nức nở khi gặp mẹ. Bà cũng khóc, nhưng tỉnh táo hơn, hỏi: “Khổ lắm phải không con?” Tôi lắc đầu, chỉ tay vào trong nhà, nói nói thầm vào tai bà: “Cha con đang ngủ trong đó.”
Tự nhiên tôi cảm thấy như đầu và ngực bà lạnh ngắt. Bà rời tôi, ngồi sụp xuống đất, cả người bà rung lên. Tôi hiểu bà đang cố kìm giữ tiếng khóc. Giá như có thể được, chắc bà đã kêu thét lên rồi.
Tôi dìu bà lên thềm, mẹ và con cùng lặng im ngồi chờ sáng.
Bên trong có tiếng ho nhỏ, rồi có ánh đèn lọt qua khe cửa.
Cha tôi bước ra sân, ngửa mặt lên trời, làm một vài động tác cho đỡ mỏi. Ông định đi ra giếng nhưng khi thấy mẹ con tôi, ông chớp mắt mấy cái, nói như thể hai người chưa từng xa nhau:
– Kìa, sao hai mẹ con lại không vào trong nhà?
Mẹ tôi đứng lên, một tay nắm tay tôi, một tay quệt nước mắt nói:
– Ông mới về?
– Phải, mới về được mấy bữa.
– Ông vẫn khỏe?
– Ờ, vẫn khỏe. Bà thế nào? Đường xa chắc là mệt lắm. Này Tân, con đưa mẹ vào nhà nghỉ, ta ra vườn một lát.
Tôi chưa bao giờ nghĩ tới lúc cha và mẹ gặp nhau. Mọi sự đã trôi qua rất xa. Phải nói là thật xa, tận trong mịt mờ của quá khứ. Liệu cuộc trùng phùng không được báo trước này có làm cho họ vì thế mà bớt xa nhau chăng.
– Mẹ chỉ mang theo đồ khô, chẳng có gì mời cha con ăn sáng. Hay là để mẹ lên chợ kiếm thứ gì.
– Thôi mẹ, chắc cha không thích bày vẽ. Mẹ có mì gói không?
– Có đấy, để mẹ đi đun nước.
– Việc đó để con, có cái chõng của con, mẹ nằm tạm mà nghỉ.
Một lúc sau, cha tôi vào. Ba bát mì bốc khói được tôi mang lên.
– Mời cha, mời mẹ – Tôi nói.
– Mời bà – Cha tôi nói.
– Mời ông – Mẹ tôi nói.
Những sợi mì ngập ngừng trôi qua miệng cha.
Tiếng húp nước rụt rè chảy qua miệng mẹ.
Tiếng nhót nhép trong miệng tôi.
Bỗng mẹ tôi đặt bát xuống mâm, nhìn thẳng vào mặt cha hỏi:
– Ông thù tôi lắm phải không?
– Không.
– Ông nói dối.
– Để làm gì?
– Tôi biết, ông hận tôi. Nhưng nếu như tôi đợi ông đến hơn hai mươi năm thì tôi được gì?
– Tôi có muốn bà đợi tôi đâu. Chẳng ai đợi ai. Thành thực mà nói, tôi rất có lỗi với con và bà.
Đột nhiên tôi vọt ra câu hỏi suốt bao nhiêu lâu cứ đè nặng trong lòng:
– Cha có biết là mình lầm đường không?
Cha tôi hơi bối rối nhưng cũng nói:
– Vấn đề là đừng hỏi biết hay không biết. Một người đã rơi xuống đáy vực thì có gào lên cũng chẳng ai nghe.
Tôi nói lớn:
– Vậy thì rõ rồi. Xin cha và mẹ hãy cùng con ăn hết bát mì. Dẫu sao cũng là một ngày vui.
Chiều hôm đó mẹ tôi xuôi Nam.
Sáng hôm sau cha tôi ra Bắc.
Tôi còn lại một mình.
Thôi hãy lấy vợ, sinh con.
Khuất Đẩu
16/9/2010
_________
*Tựa bài mượn trong lời nhạc của Phạm Đình Chương
Ngày nao tan đao binh
Mẹ bồng con sơ sinh
Chiều đầu xóm xôn xao đón người trường chinh
Ngậm ngùi hân hoan tiếng cười đoàn viên
(nguồn: talawas.org)
“Vấn đề là đừng hỏi biết hay không biết. Một người đã rơi xuống đáy vực thì có gào lên cũng chẳng ai nghe”
Chỉ một câu văn, nhưng tác giả đã lột trần, và cho người đọc thấy rõ cái bản chất nguỵ biện cố chấp, nguỵ biện lấp liếm quanh co điển hình của người cs…với chân lý của lịch sử.
Cám ơn cô Phay Van nhé.
“trơ tráo”…là một trong những điều kiện bắt buộc tiên quyết của những người cs…mà, đúng không cô, chẳng hạn:
Vượt biên là phản bội tổ quốc, Việt Kiều là yêu nước! ( sic )
…v..v…và….v..v….
Có một nghịch lý nhưng nó luôn tồn tại khắp nơi trong xã hội ở miền Bắc trước 1975, và cả nước sau 1975 cho đến hiện nay, đó là: Làm sao cho cái ÁC luôn thắng cái THIỆN.
Và đó là bí quyết thành công rực rỡ của đcsvn, và cũng là nghiệp chướng phải gánh của cả dân tộc VN…vậy!
Đọc bài, chợt nhớ đến bài thơ hay, đầy tâm sự suy tư trăn trở…của cùng tác giả:
THÁNG TƯ ĐEN
Tháng tư con hai tuổi
Ba bồng con đứng nép bên đường
Xích xe tăng rào rạo nghênh ngang
Con bật khóc ngực ba đau nhói
Tháng tư với mặt trời mọc ngược
Đêm thành ngày trắng bỗng thành đen
Gió không thổi người đi như chạy
Hầm hố nào thành luỹ tan hoang
Giờ cũng tháng tư
Con gần bốn mươi tuổi
Xích xe tăng vẫn nghiến mặt đường
Nghe rào rạo trong đêm tăm tối
Đường tự do nối mọi trái tim
Bị chặt khúc đào lên lấp xuống
Đường dân chủ vun vút dùi cui
Nòng súng ngắm vào từng khuôn ngực
Chúng muốn ta đi bằng đầu gối
Rụng hết tay chân biến thành lươn
Chúng muốn biến ta thành đinh ốc
Trong cỗ xe bọc thép tối om
Chúng muốn ta sống đời thực vật
Không biết đau la hét nói cười
Chỉ mở mắt nằm như cá chết
Trong nhà mồ lạnh lẽo trống không
Tháng tư trở lại làm cai ngục
Thay xích xiềng ổ khoá xà lim
Thay óc não buồng tim lá phổi
Thay con người thành lũ cừu non
Tháng tư đen tháng tư quỷ ám
Cả một bầy vượn cáo nhố nhăng
Kìa lũ sói đến từ phương bắc
Hú trên ngàn rớt rụng vầng trăng
Tháng tư đó làm đời con ngạt thở
Ba mươi bảy lần ba mươi bảy sợi dây (1)
Mỗi lần đến lại xiết thêm một chút
Ba già rồi ai cỡi trói cho con…
( Khuất Đẩu )
(1): Xin lỗi tác giả, đã “tự ý”..sửa một chút cho phù hợp năm nay -2012-
Nguyên văn: ” Ba mươi sáu lần ba mươi sáu sợi dây ”
Bởi, tác giả sáng tác vào tháng 4/2011.
Cười nghẹn.
Cười..đắng nghét!
Cười…gượng gạo!
Cười..tê tái cõi lòng!
– Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.
” Những sợi mì ngập ngừng trôi qua miệng cha
Tiếng húp nước rụt rè chảy qua miệng mẹ
Tiếng nhót nhét trong miệng tôi ”
Tiếng Cười Đoàn Viên..sao mà ngượng ngùng, ngập ngừng đến…đắng nghét!
Như..văng vẳng..gió đưa tiếng oán hờn từ xa xưa của…Chinh phụ ngâm…vậy…
“Xanh kia thăm thẳm từng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này ? “
Dạ, em nhắc và hỏi là để cho khỏi..quên, và cũng như là một cách truyền khẩu, để lịch sử mai hậu đời đời.. “ghi nhớ những công trạng tày đình”.. của thủ phạm chính với dân tộc VN..chớ chị Năm!
Cố tình hay vô tình quên, thậm chí người nào có ý lập lờ đánh lận con đen, nguỵ biện cho rằng: “vết thương lòng” đừng nên nhắc nữa. Thì theo em, là vô tình có tội với lịch sử, là vô tình có tội với biết bao người đã là nạn nhân oan uổng của.. vụ Nhân Văn Giai Phẩm, của vụ Cải Cách Ruộng Đất, của vụ Giải Phóng Miền Nam, của vụ Cải Tạo Tư Sản , của những người lính VNCH bị chết khi Cải Tạo “mút mùa” , của những nạn nhân Vượt Biên chết uất hận sau 1975, và của mọi sự bất công nhan nhãn mà hiện nay mọi người dân trong nước đang oằn vai gánh chịu và ta thán…!!!!!
Thật là vô lí và bất công với lịch sử, bởi, những tên tội đồ của lịch sử VN, thì người dân lại được và bị chính quyền “uốn nắn nhồi sọ” để…ca tụng!
Chẳng hạn…Tố Hữu, một trong những tội đồ phi nhân với dân tộc VN, lịch sử sẽ muôn đời nguyền rủa, vì đã..”to họng”..đến vô nhân, nay lại làm nhà thờ “hoành tráng”.. để..”ca ngợi công đức”..:
” Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong
Cho đảng bền lâu cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ Sít ta lin bất diệt ”
Còn nhiều tên tội đồ lịch sử nữa với dân tộc VN!
Vậy thì, hậu thế phải biết và phải luôn nhắc chứ, đúng không chị Năm! hihihihihihi…
Suy nghĩ của bạn sv trẻ Tuấn Anh, khiến Công Thành tôi nghĩ và liên tưởng đến tư cách và suy nghĩ của nhân vật Trần ( 23 tuổi ) trong Cõi Đá Vàng của nữ văn sĩ NTTS.
Cô Phay Van nói đúng: “Rất quý” !
” Một ngàn năm nô lệ giặc tàu, một trăm năm đô hộ giặc tây…”
Chiến tranh là một cụm từ ghê rợn, kinh khiếp..! Không một quốc gia nào, với cái tâm của những nhà lãnh đạo chân chính, không một ai muốn phát động một cuộc chiến tranh, bởi chiến tranh là sự mất mát, sự chia lìa, đau thương, tang tóc!
Nhưng, khi đất nước bị ngoại xâm đô hộ, bắt nhân dân cả nước làm nô lệ, thì bằng bất cứ giá nào cũng phải vùng lên đánh đuổi ngoại xâm…, và, cũng chính từ lòng yêu nước nồng nàn vùng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm ấy, mà, bi kịch của cả dân tộc VN…bắt đầu từ đấy…
” Hai mươi năm nội chiến từng ngày..”
Có thể khẳng định rằng: Cộng Sản, họ, đã lợi dụng lòng yêu nước nồng nàn, kiên cường của cả một dân tộc chống ngoại xâm, khi đã dành được độc lập, tự do cho tổ quốc VN, thì họ, cs, đã lộ rõ cái vòi bản chất của một học thuyết ngoại lai..vô nhân đạo, phi đạo đức..với cả dân tộc VN, đưa đất nước và nhân dân VN từ cảnh lầm than, đau thương, xót xa.. này, đến cảnh lầm than, đau thương, xót xa.. khác…
” Gia tài của mẹ một bọn lai căng, gia tài của mẹ một lũ bội tình…”
TIẾNG CƯỜI ĐOÀN VIÊN, ít nhiều, đã phản ánh cho mọi người đọc một góc nhìn – dù già hay trẻ, dù nam hay nữ – rồi nhận chân ra được cái sự lợi dụng tinh vi, man trá, xảo quyệt của..”bọn lai căng” và..”lũ bội tình”..cs ấy!
Khuất Đẩu, qua Phay Van’s blog này, với ĐỂ TANG CHO SÁCH, đã một lần gây ấn tượng mạnh và đẹp trong lòng người đọc cả già lẫn trẻ, cả nam lẫn nữ, thì giờ đây, đọc..TIẾNG CƯỜI ĐOÀN VIÊN.. vẫn cảm thấu được cái ấn tượng đẹp như thế trong lòng người đọc, nhất là người đọc trẻ tuổi như Tín..ròm tôi!
Chị Năm ơi!!!!
Ròm em đề nghị bản nhạc “GIA TÀI CỦA MẸ”…với tất cả các giọng ca…chị Năm nghen!
Cám ơn bà chị của em…hihihihihihi..
Tín nghe thử link này xem sao nhé: GIA TÀI CỦA MẸ
Tôi vừa mới đọc xong bài này, thời sự nóng bỏng rất đáng suy ngẫm, sau vụ Tiên Lãng, Hải Phòng mọi người cùng xem nhé:
” BÁC SĨ HỒ HẢI: KHÔN NGOAN ĐỐI ĐÁP NGƯỜI NGOÀI”
Cám ơn bác Ngô Tấn đã chia sẻ link một bài viết…thời sự nóng hổi!
Đọc bài và xem cái clip, mới thấy rõ dã tâm của cs tàn bạo với người dân không tất sắt trong tay! Và nay cs đã “đẻ” và nuôi thêm nhiều lớp công an cs trẻ làm tay sai đắc lực mới, nhằm… để đàn áp dân lành!
Công an csvn…”đối với dân phải kính trọng lễ phép”…là đây ư?!
Cám ơn anh Ngô Tấn đã chia sẻ về tin thời sự này.
Nguyệt Mai cũng xin chia sẻ với các bạn bài thơ sau đây cũng của tác giả Khuất Đẩu:
Bài Tụng Ca Hạt Lúa
tôi muốn viết một bài thơ tình
tạ ơn hạt lúa
như đã từng làm thơ yêu em
hạt lúa mà tôi yêu
cũng bé nhỏ hiền từ và chân thật
cũng trong sáng ngây thơ và dũng cảm
như trái tim thắm đỏ của em
hạt lúa đã sinh ra trên trái đất này
từ khi chưa có loài người
lúa đã sống yên vui cùng ánh sáng
khỏa thân xanh trên bờ bãi hoang vu
lúa đợi người như trăng chờ đêm tối
lúa ban cho không đợi tiếng cảm ơn
lúa chín vàng một màu vàng mời gọi
lúa đưa người vào những tối tân hôn
lúa sống được là nhờ có đất
cả mồ hôi máu mặn của người
cả lịch sử ngàn năm chống giặc
cả tương lai rộng mở tươi vui
đã nghe tiếng rì rào trên sân thóc
đã thở sâu mùi lúa mới thơm tho
đã nếm trọn mùi thịt da trắng dẻo
đã yêu nhau từ sáng sớm đến cuối ngày
thì sao nỡ ngồi yên nghe lúa khóc
tiếng lúa than lạnh buốt như đường gươm
lúa không đất như người không tổ quốc
đi lang thang đi mãi biết về đâu
ai lấy đất không cho lúa mọc
ai cướp đi mầm sống khát màu xanh
ai nỡ rứt miệng con rời vú mẹ
ai đuổi xua lúa chạy khỏi đồng
ai đã lấp ruộng bùn bằng gạch đá
ai đã đem sắt thép đổi màu xanh
ai đã ngu si giẫm đạp những mối tình
muôn thuở giữa con người và lúa
tôi rất muốn tim tôi thành ruộng
máu thịt tôi là lớp lớp phù sa
cho lúa mọc
lúa xanh
và lúa trổ
cánh đồng tôi trĩu nặng chín vàng tươi
nghe tiếng gió xôn xao và tu hú
gọi mùa về trong ánh nắng tháng ba
người đi gặt nói cười như trẩy hội
ôm lúa vào lòng
nghe khúc hát hoan ca
đừng để lúa biến thành viên đạn
nỗi căm hờn rực lửa đã lên nòng
chỉ chớp mắt lao đi như bão cát
lúa nuôi người
giờ lúa giết người sao!
Khuất Đẩu
30/4/11
Đang nói cái vụ Văn Giang thì Chị Nguyệt Mai chép tặng “Bài Tụng Ca Hạt Lúa”, đau đầu quá 😦
Cô Nguyệt Mai ơi, hãy thông tin cho mọi người biết một vài dòng..”sơ yếu lý lịch”..của văn thi sĩ Khuất Đẩu ở entry này…được chứ cô?
Rất vui và cám ơn khi thấy bác Công Thành và chị Mai đã chú ý đọc bài viết của BS Hồ Hải mà tôi chia sẻ.
Cũng cám ơn chị Mai giới thiệu bài thơ của Khuất Đẩu, đọc mà thấy thắt quặn cả lòng.
Trên tinh thần vào chơi góp chuyện và chia sẻ thông tin thú vị, tôi cũng xin giới thiệu với mọi người một bài viết mới, được tác giả phân tích trên tinh thần triết học, rất logic và hay, mời mọi người cùng đọc để cùng suy ngẫm và…hy vọng ( hay…thất vọng?! ) cho dân tộc VN vốn chịu nhiều đau khổ này…
” BS HỒ HẢI: CHUYỆN ĐÔNG, CHUYỆN TÂY VÀ CHUYỆN NƯỚC VIỆT “
Dạ, cảm ơn bác Ngô Tấn đã giới thiệu bài viết này.
Kính anh Công Thành,
Đây là đôi giòng tiểu sử của nhà văn Khuất Đẩu:
Sinh năm 1940 tại Bình Định.
Tác phẩm đã in:
– Khúc sinh ca của đồng lúa trổ (thơ)
– Người tử tù (truyện)
– Những năm tháng cuồng nộ (truyện)
– Người giữ nhà thờ họ (truyện)
– Lão tiền bối (truyện)
– Những con đom đóm (tập truyện)
Cám ơn cô Mai cô Phay Van.
Nhưng…cô Mai chắc là bận lắm hay sao, mà “còm” hồi âm…ít thế.., khiến Công Thành tôi đọc “còm”… thấy hơi…”hụt hẫng”…một tí, bởi nhà Văn Khuất Đẩu viết rất hay và sâu sắc, gây ấn tượng rất sâu và đẹp trong lòng độc giả…kia mà!
Hay là, Công Thành tôi đề nghị hai cô làm một entry về văn thi sĩ Khuất Đẩu này, giới thiệu với bạn đọc đi, biết đâu…trang nhà cô Phay Van và người đọc chúng tôi…sẽ có dịp và cơ hội hân hạnh được trò chuyện giao lưu với ông trực tiếp bằng…comments…, như vốn đã từng có với…văn thi sĩ THT, văn sĩ Cam Li, thi sĩ Nguyệt Mai, văn sĩ Huyền Chiêu, kiến trúc sư Đinh Trường Giang….
Hai cô nghĩ sao…?
Dạ cảm ơn bác Công Thành.
Chị Ba ơi, Chị đọc còm này nhé 😀
Kính anh Công Thành,
Nguyệt Mai đã nhờ một người quen chuyển thư của anh cho nhà văn Khuất Đẩu. Ông đã nhờ Nguyệt Mai chuyển tới anh và các bạn như sau:
Kính gửi anh Công Thành và các bạn đọc trên Phay Van
Anh Công Thành và các bạn đã cho tôi một niềm vui, nhỏ, kín đáo. Như một món quà nhỏ của đứa con nhà nghèo. Vì sao vậy, vì chúng tôi sống trong một đất nước mà chỉ được phép “vui chung” trong một “vui lớn”, như 30/4 chẳng hạn. Tôi xin gửi đến anh Công Thành và các bạn lòng biết ơn cũng rất kín đáo nhưng sâu xa.
Cuộc đời hơn 70 năm của tôi chẳng có gì để nói ngoài năm sinh 1940 và năm chết chưa có.
Tôi không phải là nhà văn theo tiêu chuẩn của nhà nước. Tôi chỉ là một công dân hạng hai. Những gì tôi viết không được phép xuất bản. Nên chi tôi phải thả tác phẩm của tôi trên mạng như nhân vật của tôi trong “Những tháng năm cuồng nộ”.
Các bạn có thể tìm thấy tôi trên QUAN COC ONLINE hay TÌM KIẾM KHUẤTĐẨU ( vào Goole và search )
Trân trọng
Khuất Đẩu
Phay Van: Ts Nguyễn Hưng Quốc có nói:
” Nếu được bình chọn, tôi nghĩ câu nói nổi tiếng nhất ở miền Nam TRƯỚC NĂM 1975 sẽ là câu: “Đừng nghe những gì Cộng sản nói, hãy nhìn những gì Cộng sản làm”
( Entry: Bỏ phiếu bằng chân – Nguyễn Hưng Quốc’s blog )
Xin nhấn mạnh “người ta đã biết TRƯỚC 1975”, thế mà mọi người vẫn luôn luôn bị cs…dối trá lường gạt!
Thế mới thấy cái “bản chất dối trá” của cs là bậc…”sư tổ”, bởi với cs, thì chúng bất chấp mọi luân thường đạo lý, nhằm đạt được mục đích trên nền tảng…dối trá, lường gạt!
Bác Công Thành: Dạ, có nhiều người “bị cs…dối trá lường gạt!”
(không phải mọi người, bác ạ.)
Cô Phay Van cùng cô Mai: Với nội dung chủ đề của entry này, Công Thành tôi gợi ý 2 cô nên vào trang này copy một hình tư liệu “rất quý”, đem về gắn vào entry này cho thêm ý nghĩa, được chứ hai cô?
Đó là hình tờ lịch của chính ngày 30/4/1975…đen…năm ấy!
Tôi nghĩ, hiếm có người được nhìn thấy…tờ lịch có tính chất dấu ấn đen lịch sử này:
Vào google: ” Đại bàng gãy cánh tháng tư – batkhuat.net “
Cám ơn cô, phải vậy chứ!
Dạ, bác Công Thành thường có những góp ý thật hay.
Nhiều thế hệ Vietnam đã bị dìm trong máu và nước mắt.
Những nụ cười đoàn viên gựơng gạo, ngắn ngủi của những năm 54 và 75 biến đi rất mau. nhừong chỗ cho những vành môi méo xệch vì đau thuơng, buồn tủi , những cái miệng mím chặt để chặn tiếng thét căm phẫn, hoặc tiếng nấc nghẹn ngào.
Những trầm luân, thống khổ,những chia ly đầy nước mắt của bao dân lành do những người tự phong là đỉnh cao trí tuệ, tự cho mình quyền lãnh đạo , tự thỏa mãn mình với những xa xỉ bịnh hoạn…gây ra ngày càng nhiều, không biết bao giờ mới giảm.
Đau và buồn !
Khoác bộ mặt đạo đức giả, nhưng ẩn chứa đầy bản chất gian manh xảo quyệt vô nhân tính, csvn đã lấy người dân làm vật thử nghiệm cho mọi mưu đồ chính trị đen tối, để từ đó…gây ra cho mọi gia đình người dân VN ở cả 2 miền Nam Bắc biết bao thảm cảnh, ở tất cả mọi lĩnh vực trong cuộc sống và đời sống từ quá khứ, đến hiện tại…
Như thói quen thường lệ, vào Google tôi gõ CamLi Nguyễn thị Mỹ Thanh…thì…
Wow…! Khu vườn của chị Cam Li đã…mở cửa lại rồi! Congratulations!
Tệ thật! Cô Phay Van sao không…lên tiếng một vài dòng…nhỉ!
Một lời trách đó nghen….hehe….
Bác Công Thành trách oan em rồi. Bác xem bài này nhé. Bác vào web Cam Li đọc truyện nhé, sẽ nhiều lắm đó bác ạ.
Phay Van: Thế thì Công Thành tôi… “sớn sác”..trách oan rồi!
Xin lỗi Phay Van nhé…hehe..
Chào chị Năm, chị Năm..phẻ hông?
Mấy ngày nay có việc..ngập đầu, Út không vào chơi được, mới xong, vừa về tới nhà trọ, mệt quá chị Năm ơi!!!!
Vào nhà..trình diện chị Năm, Út vừa ăn cơm vừa đọc bài và còm của các bác các anh chị..rồi..ghé qua nhà chị Cam Li, nhà chị Ba và nhà bác THT..đọc các bài mới “cho khỏi lạc hậu”..xong, Út xin phép..đi ngủ..thôi đó nghen…hihihihihihi….
Ủa! Sao chị Năm biết,.. hay dzậy ta??!! “tốt nghiệp”..thầy bói trường và hồi nào dzậy chị Năm?! hihihihihi…
Quà đây chị Năm ơi: 4 trái Bưởi xanh không hột ( một loại bưởi ngon, ngọt thanh, hơn bưởi Năm roi đó chị Năm ), nhưng..tụi “quỷ sứ”..giành nhau..tém gọn..ráo trọi trơn..rồi!!!!!! huhuhuhuhuhuhu
Chà..thú vị thật, để gọi là thay đổi không khí một chút cho vui vui, nhân cô bé Bảo Vân nói vụ bưởi, vậy tiện thể, hỏi cô Phay Van về loại Bưởi Biên Hoà nổi tiếng một thời ở quê hương cô đang sinh sống, nay ra sao rồi cô?
Bởi tôi sực nhớ đến một bài ca…vọng cổ ” Gánh Bưởi Biên Hoà” nổi tiếng của soạn giả Viễn Châu, mà trước đây thế hệ chúng tôi cũng thường được nghe, (dù rằng cá nhân tôi… không mê vọng cổ lắm ) có mấy câu đầu nghe…cũng hay và ý nghĩa lắm, tôi cố nhớ thử xem..
.” Sông Biên Hoà chảy ra Bãi Cát.
Bưởi Biên Hoà vị ngọt mùi thanh
Mười năm khói lửa đao binh
Cô em bán bưởi…bỏ mình tại ai…?”
Và nếu tìm được bản vọng cổ này, cô Phay hãy post lên để…”đổi món”…cho entry thêm phần…”phong vị”…cô nhé! .. hehe…
Phay Van: Cám ơn cô, đọc bài trong 2 links cô dẫn biết thêm thông tin thú vị lắm!
À, sao cô không dẫn link có nghệ sĩ nào hát bản…vọng cổ này?
Tự nhiên lại thấy…muốn nghe ca vọng cổ, cô Phay Van ơi…!..hehe…
Dạ em có tìm mà chưa ra bác Công Thành à. Chắc là chưa ai có ý đưa bài này lên internet chăng?
“Tụi quỷ sứ”..chờ gì tới lúc.. đi ngủ chị Năm ơi!
Vừa ló mặt vào phòng, là “quỷ sứ” ào ào phóng tới..bấu xé, giành giật..dập em tơi tả luôn đó chị Năm!!!!! hihihihihi..
Ừ, Mình sơ ý! Phay Van tỉnh táo và sử dụng từ ngữ chính xác lắm!
Ừ, mong sao cho các thế hệ trẻ tỉnh táo, bản lĩnh trong nhận thức, để không sai lầm vì những lời đường mật dối trá, để rồi lao đầu vào…”yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội” !
Rất cám ơn cô Mai, cô Phay Van đã nhiệt thành đáp ứng với “đề nghị” nhỏ của Công Thành tôi nhé.
Kính cám ơn Nhà Văn Khuất Đẩu, đã ưu ái dành thời gian quý báu của mình để hồi đáp ý kiến của một độc giả vô danh như Công Thành tôi.
Kính thưa Nhà Văn,
Với người đọc chúng tôi, và nhất là với cá nhân tôi, dù chưa có dịp hân hạnh đọc nhiều tác phẩm của bác, nhưng, chỉ với một truyện ngắn ” Để Tang Cho Sách”, bác đã là một NHÀ VĂN ĐÚNG NGHĨA đã gây ấn tượng rất sâu sắc và đẹp trong lòng nhiều độc giả rồi.
Tôi nói có sách mách có chứng bác Khuất Đẩu nhé, kính mời bác vào trang nhà cô Phay Van này, đọc những comments của 2 entries:
1/ ” Bài cho nhi đồng tháng Tám – ngày 8/9/2011″
2/ ” Cõi Đá Vàng – ngày 16/1/2012 ”
Bác sẽ thấy…bác là NHÀ VĂN đã để lại nhiều ấn tượng mạnh, sâu và đẹp trong lòng độc giả nhiều lứa tuổi, nhất là các bạn trẻ sinh viên, những người khách rất dễ thương nhưng cũng rất… “quậy” của trang nhà cô Phay Van…bác ạ!
Kính chúc bác và gia đình luôn vui khoẻ, và chúc bác luôn TỰ HÀO về công việc viết văn bằng cái tâm đầy nhiệt huyết của mình, để mang đến cho độc giả nhiều tác phẩm hay, thú vị và giá trị nhiều hơn nữa.
Kính trân trọng,
Công Thành.
.