Trang chủ > Văn > Đám tang của chim

Đám tang của chim

Các bạn thân mến,
Hôm nay Nguyệt Mai muốn giới thiệu một chương rất dễ thương của “Cõi Đá Vàng” – chương IX – và phần cuối của chương XL và Nguyệt Mai mạo muội đặt tên là “Đám tang của chim”. Bạn sẽ được xem những mẩu đối thoại rất ngây thơ, dễ thương của hai bé Hiền và Hòa, con của chị Hiếu, người mà sau này sẽ là vợ của Trần, nhân vật chính của truyện. Chị Hiếu đã cùng với hai con ở tại miền chiến khu đầy bất trắc cũng chỉ vì chị, một người rất yêu tổ quốc Việt Nam, mong muốn cho hai con “được trông thấy và lớn lên trong cuộc kháng chiến này.” Nhưng kết cuộc thật đau buồn, không như điều chị mơ ước. Mời bạn đọc toàn bộ truyện ở đây sẽ rõ.

*

Đám tang của chim

Hai đứa bé con chị Hiếu đang chơi bên hè nhà, bé gái tên Hiền lên sáu tuổi và bé trai tên Hòa vừa lên bốn. Chúng nó đang đưa đám ma một con chim chết, con chim sẻ bé nhỏ mà chị Hiếu nhặt được, trong khi nó sợ hãi run rẩy nép sát vào bụi cây, gắng sức đập đôi cánh yếu đuối cố bay lên. Chắc chim mẹ khi chuyền cho con tập bay đã không lường được sức quá yếu của con chim bé nhỏ nhất trong bầy.


Được mẹ trao cho con chim, bé Hiền sung sướng lắm, bé nhặt một ít rơm cuộn lại như một cái tổ chim, bỏ vào trong một cái giỏ xách đã hư mà mẹ bé không dùng nữa. Hằng ngày bé nhai vài hột gạo, bé nhả thứ bột gạo được nhai nhuyễn sền sệt ra trên một chiếc lá, bé mớm cho chim con bằng một que tăm, con chim nhỏ há toác cái mỏ rộng toang hoác ra để nhận miếng mồi. Khi thấy cái diều bé nhỏ nơi ức còn thưa lông của chim đã căng tròn, bé nắn thấy lạo xạo những hạt gạo ở trong là bé biết chim đã no, bé bèn nhỏ cho chim vài giọt nước. Chim yên lặng ngoan ngoãn nằm trong ổ rơm của bé, cho đến khi đói chim lại bắt đầu kêu chiêm chiếp, bé lại phải sửa soạn cho chim ăn. Trông bé bận bịu lắm, cứ như là chim mẹ ấy thôi.

Bé Hòa cũng quanh quẩn đi xung quanh cái giỏ đựng chim, nhìn ngắm, hỏi vớ vẩn vài câu, bé hỏi:
– Hiền cho nó ăn gì thế?
– Cho nó ăn gạo.
– Cho ăn gạo nó đau bụng chết.
Hiền trợn mắt: “Ai bảo mày thế?”
– Bữa trước Hòa nhai gạo, mẹ mắng bảo con hư ăn gạo sống đau bụng chết.
Hiền chột dạ chạy đi tìm mẹ:
– Sao mẹ bảo con cho chim ăn gạo mà thằng Hòa nó nói mẹ bảo ăn gạo sống đau bụng?
Chị Hiếu cười: “Chim khác người khác chứ, con cứ cho chim ăn gạo, không sao đâu.”
Bé yên tâm trở lại với chim. Bé Hòa lại hỏi:
– Sao nó không bay được nhỉ?
– Nó còn nhỏ, rồi nó sẽ biết bay.
– Bao giờ nó biết bay?
– Vài hôm nữa.
– Rồi nó bay đi đâu nhỉ?
– Nó không bay đi đâu cả, nó ở lại đây với chúng mình.
– Sao Hiền biết?
– Vì nó thương mình, nó không bay đi xa mình được, chứ sao.
– Sao Hiền biết nó thương mình, nó có nói gì được đâu?
– Biết chứ, tại tao nhai gạo cho nó ăn, gạo có nước bọt của tao trong đó, nó phải thương tao. Mày không thấy bác Duyên ở bên cạnh nhà mình nhai cơm cho thằng cu Tý con bác ăn đó à, thằng cu Tý nó ăn cơm của bác Duyên nhai có nước bọt của bác lẫn trong đó, nó thương bác lắm, lớn lên nó không đi đâu hết, nó ở nhà với bác ấy thôi, bác ấy bảo với tao như thế.
– Hòa cũng vậy, lớn lên Hòa ở với mẹ thôi, Hòa không đi đâu hết.
Bé Hiền trề môi: “Sao hôm nọ mày mới bảo lớn lên mày sẽ đi bộ đội, mày đánh thằng Tây, mày có nhớ mày bảo mẹ mua cho mày khẩu súng để đánh Tây nữa. Ừ mà cũng phải, chắc tại lúc nhỏ mẹ không nhai cơm cho mày ăn đó mà.”
– Thế còn Hiền thì sao?
Bé Hiền gật đầu bừa, ra vẻ quan trọng:
– Tao thì có ăn cơm mẹ nhai chứ sao không, lớn lên tao ở nhà với mẹ thôi, tao không đi lấy chồng đâu.
Bé Hòa trỏ con chim sẻ:
– Thế chim có đi lấy chồng không?
– Không đâu, đã bảo tao nhai gạo cho nó ăn rồi mà lỵ.
Mà chim quen dần với bé thật, vài hôm sau nó đã bay chuyền từ thành giường đến đậu trên vai bé, bé lấy làm thích thú lắm. Chim lại biết nghe tiếng huýt sáo gọi, mỗi lần bé huýt sáo là chim bay thẳng đến đậu ngay trên vai hoặc trên tay bé, bé lại càng quý chim vô cùng.

Một buổi sáng bé để chim đậu trên tay, ra đứng trước hiên chơi, trời đẹp quá, trong quá, xanh quá, chim cất tiếng kêu chiêm chiếp, thình lình chim bay bổng ra ngoài trời, chim bay lên thật cao, khuất hẳn sau vòm cây; bé chưng hửng, bé hốt hoảng, rồi bé buồn rầu, chim đã bỏ bé mà đi rồi.

Buổi trưa, bé nhớ chim quá, bé nằm trên giường để bên cạnh chiếc giỏ có cái ổ rơm của chim bỏ trống, bỗng bé nghe tiếng chiêm chiếp quen thuộc của chim lẫn với tiếng ríu rít của cả một bầy chim xôn xao quanh bụi tre sau nhà. Bé vội chạy ra, bé thấy trong bụi tre một bầy chim sẻ chíu chít bay vun vút qua lại như thoi. Lẫn trong tiếng chim ríu rít, bé vẫn nghe tiếng kêu quen thuộc của con chim nhỏ của bé, tiếng kêu của nó bây giờ có vẻ buồn thảm tội nghiệp quá. Nhưng bé không thể phân biệt nổi nó là con nào ở trong bầy, bé vội huýt sáo nhưng bé không tin tưởng cho lắm. Đột nhiên, con chim nhỏ từ trong bầy xòe cánh bay thẳng đến đậu trên vai bé, bé tưởng như mình nằm mơ, bé mừng quá, cảm động quá, bé để chim lên bàn tay, vuốt ve, sao lông chim có vẻ xơ xác thế này, sao nó run rẩy thế này? Bé mang vào hỏi mẹ, mẹ bảo chim phải sống với người, có hơi người rồi, nó không thể trở lại bầy được nữa, lông nó xơ xác như thế vì nó bị bầy chim thấy có hơi lạ xúm lại mổ đánh nó đấy. Nghe thế bé lại càng thương cảm, bé bảo chim không cần ai hết, đã có bé đây, chim đừng dại bay về với chúng nó nữa nhé.

Chim không bay đi nữa, nhưng từ khi chim bị đồng loại đuổi đánh thì nó đâm ra ủ rũ, nó đứng im một chỗ, không nhảy nhót như trước kia nữa. Sáng hôm nay bé thức dậy chạy đến với chim thì nó đã chết, cánh xõa ra, lông xù lên, mắt nhắm nghiền. Bé khóc ròng, bé Hòa cũng bắt chước khóc theo, mẹ phải dỗ mãi.

Bây giờ hai đứa đang làm đám ma cho chim rất trọng thể, chúng bỏ chim vào một cái hộp, bé Hòa bảo bỏ vào cái hộp tối om om chim buồn chết, bé Hiền đồng ý, thế là chúng lấy cái ổ rơm chim thường nằm bỏ xác chim vào đó, chúng đào một cái lỗ sâu bên hè nhà, đặt ổ rơm có xác chim xuống đó, chúng hái những chiếc lá xanh đắp lên mình chim sau cùng chúng lấy đất đắp lại, bé Hiền bảo bé Hòa:
– Mày khóc đi.
Bé Hòa hỏi: “Sao lại khóc?”
– Làm đám ma thì phải khóc chứ, mày không thấy đám ma bác Dậu bị máy bay bắn chết hôm trước à, con Lê con bác ấy nó cứ nhìn đám ma nó cười bị thím Tèo mắng cho bảo con bất hiếu phải khóc đi chứ, bây giờ mày khóc đi.

Bé Hòa nghe lời chị, nó quạc mồm ra, giả vờ khóc: “A, a, a…”

Chợt hai đứa bé im bặt, quay nhìn ra sau, bé Hòa hoảng hốt khóc thét lên, gọi mẹ ầm ĩ. Một người đàn ông cao lớn, râu ria gần kín mặt, mặc quân phục màu xám tro đã hơi lem luốc, vai mang ba lô, đứng sừng sững ngay sau lưng chúng nó. Người ấy có vẻ đứng đó từ lâu, đang nhìn chúng nó chơi một cách chăm chú, khi thấy bé Hòa khóc thét lên còn bé Hiền đứng dậy có vẻ sợ sệt, người ấy vội vàng chìa tay ra:
– Suỵt, suỵt, coi kìa, chú đây mà.
Chị Hiếu nghe tiếng con khóc từ trong nhà chạy ra, bé Hòa vội vàng chạy đến ôm lấy mẹ, chỉ về phía người đàn ông, nước mắt vòng quanh: “Con sợ.”

Chị Hiếu nhìn người lạ, bỗng vui mừng kêu lên:
– Trời ơi chú Trần về đấy à, sao lại để râu ria khiếp thế cho cháu nhìn không ra.
Chị quay lại, vỗ về con:
– Chú Trần đấy mà, con hư quá không mừng chú mà còn làm mặt lạ, chú mới đi có hai tháng thôi mà.

Bé Hòa nín bặt, nhưng cứ đứng yên nhìn Trần không chớp, Hiền rụt rè đến cạnh Trần, nắm tay chàng:
– Chú Trần đây phải không?
Trần tụt quai ba lô, quăng xuống nền nhà, chàng ngồi bệt xuống hàng hiên, kéo bé Hiền ôm vào lòng:
– Thế bé không nhận ra chú ư? Không nhớ chú nữa ư?
Bé Hiền sờ tay lên mặt Trần:
– Lông gì trên mặt chú nhiều vậy?
Trần bật cười: “Râu của chú đấy.”
Bé Hòa sán đến gần, tò mò: “Râu chú kiếm ở đâu mà nhiều vậy?”
Trần làm bộ nghiêm trang giải thích:
– Râu của chú nó tự mọc ra đấy chứ có phải đi kiếm đâu, lớn lên rồi cháu cũng có như chú vậy.
Bé Hòa đưa bàn tay mũm mĩm lên xoa cằm mình, nó băn khoăn: “Bao giờ thì có hả chú?”
– Không lâu đâu cháu ạ, các cháu đang chơi gì thế?
Bé Hòa bi bô: “Hiền làm đám ma cho con chim sẻ đấy chú.”

Hiền liến thoắng tiếp theo:
– Nó vừa chết sáng nay chú ạ, mẹ bảo tại nó buồn quá nó chết.
– Làm sao mà nó buồn quá?
Hiền kể lại cho Trần nghe chuyện con chim sẻ, bé diễn tả bằng cả hai tay và hai con mắt tròn xoe của bé, Trần có vẻ chăm chú ngồi nghe. Kể xong bé nhìn Trần, bé thấy Trần có vẻ nghĩ ngợi gì, đôi mắt chàng như chìm hẳn đi, bé kéo tay Trần:
– Chim mà cũng biết buồn hả chú?
– Có chứ cháu, chim cũng như người vậy, cũng buồn lắm cháu ạ.
– Buồn thì buồn chứ sao lại chết hả chú?
– Chết chứ sao không, người buồn còn chết nữa, huống chi con chim nó bé thế nó chịu gì nổi.

Chị Hiếu nãy giờ yên lặng theo dõi câu chuyện của Trần và hai con, chị nhìn Trần đăm đăm, chị nhận thấy chàng gầy guộc và hốc hác hẳn đi, hai gò má của chàng nhô lên cao và tái xanh dễ sợ, đôi mắt sáng rực, đôi mắt của người đang lên cơn sốt. Chị có nghe Quý kể qua về chuyện của Trần, việc chàng phải về phân khu để dự lớp chỉnh huấn, chị không hiểu rõ cho lắm, chỉ lờ mờ biết rằng Trần hiện đang gặp một sự khó khăn gì đó.

Chị buột miệng hỏi Trần: “Chú đang sốt phải không?”
Trần nhìn chị mỉm cười: “Chị thấy em có vẻ yếu đau lắm sao?”
Chị Hiếu bảo hai con: “Thôi các con đi chơi đi, chú mới về đang mệt, chú đang đau đó, đừng làm rầy chú để chú vào nhà nằm nghỉ.”

Chị xách chiếc ba-lô của Trần lên đi vào nhà, vừa nói:
– Chỉ một việc các cháu nó nhìn chú không ra là đủ thấy ra sao rồi. Chú nên vào nhà nằm nghỉ ngay đi, không nên ở ngoài gió lâu.

Trần đi theo chị Hiếu vào nhà, chàng cười vang, giọng cười khô và sắc: “Những thằng như em mà còn sợ gió máy sao, chị không có ý xem em như bé Hòa đó chứ.”

Chị Hiếu dựng chiếc ba-lô trên ghế cạnh bàn viết của Trần kê ở gian bên, chị lấy chiếc chiếu trải lên giường của Trần, đặt lên đó một chiếc gối, chị làm mọi việc đó rất nhanh chóng và vén khéo:
– Trời còn có khi mưa khi nắng huống chi là người, người thì có khi đau ốm, có khi lành mạnh, khi đau ốm thì phải lo chứ không nên coi thường chú ạ.

Thấy im lặng, chị quay lại thấy Trần đứng buông thõng tay, nhìn quanh nhà, vẻ mặt kỳ lạ ngẩn ngơ như chàng không nghe những lời chị vừa nói. Hiếu bỗng thấy lo ngại, chị bước đến bên Trần đánh bạo đưa tay lên sờ trán chàng, chị giật mình kêu lên:
– Chết thật, chú nóng như lửa như thế này. Chị kéo tay Trần về phía giường, Trần để yên cho chị kéo đi nét mặt hiền từ ngây ngô như một đứa trẻ. Chàng ngoan ngoãn để chị Hiếu đỡ chàng nằm xuống giường. Vừa nằm xuống, chàng liền nhắm nghiền hai mắt lại hoàn toàn mê man, hơi thở bỗng trở nên gấp rút và khó khăn.

Thấy thế chị Hiếu lại càng hoảng sợ, chị khẽ gọi: “Chú Trần, chú Trần.” Trần vẫn bằn bặt thiêm thiếp, Hiếu đứng thẳng dậy, lo ngại nhìn quanh lẩm bẩm: “Quý đâu rồi nhỉ?” Chị chợt nhớ ra đến chiều tối Quý mới đi công tác trở về. Chị muốn có người ngồi canh chừng Trần để chị đi hái một nắm lá xông. Phải làm cho cơn sốt hạ xuống đã. Chị cất tiếng gọi bé Hiền:
– Con mang em vào nhà chơi, để mẹ đi một tí mẹ về ngay nhé.
Bé Hiền vâng dạ, nó gọi bé Hòa vào, hai đứa bé dắt tay nhau đứng nhìn Trần ngơ ngác.

***

Trần thẫn thờ bước ra sân, nắng đã lên cao, cây sầu đông bên hè nhà đã trút hết lá, nắng thật mỏng trên những cành cây trơ trụi, hai đứa bé đang lúi húi chơi bên hiên nhà. Chàng lại gần:
– Mộ con chim sẻ của cháu ở đây phải không?
– Không phải chú ạ.
Trần ngạc nhiên:
– Ơ, hồi đó chú thấy cháu làm đám ma cho con chim sẻ ở đây mà.
– Vâng, nhưng mẹ mang đi chỗ khác rồi.
– Sao mẹ lại mang đi chỗ khác?
– Tại cháu đấy chú ạ, chả là chôn chim được mấy ngày cháu nhớ quá, cháu đào lên để thăm, khi đào lên cháu lòn tay dưới bụng chim bế nó lên thì cháu thấy nó động đậy dưới tay cháu, cháu mừng quá tưởng nó sống lại vội mang vào khoe với mẹ. Mẹ hét lên, bảo cháu buông ra, cháu vội buông chim ra đặt giữa đất, nó ngã lăn ra, mẹ chỉ cho cháu xem cái bụng nó đầy cả sâu chú ạ, sâu nó nhúc nhích dưới tay cháu chứ không phải chim sống lại, sâu bọ nó khoét cả bụng chim mà ăn vậy đó. Mẹ khóc bắt cháu đi rửa tay thật kỹ rồi mẹ gói chim lại mang đi chôn thật xa. Cháu không biết ở đâu nữa. Tội quá chú ạ, ở trên này thì bị chim khác nó đánh cho, xuống đất thì bị sâu bọ nó ăn, buồn qua chú nhỉ.

Trần thấy tim mình nhói lên, câu nói ngây thơ của bé Hiền như khơi sâu vết thương trong ngực của chàng. Chàng cúi xuống xòe rộng hai bàn tay, ngắm nghía một cách lạ lùng như ngắm những vật không hề liên hệ gì đến mình cả.

Nguyễn thị Thanh Sâm
(trích trong “Cõi Đá Vàng”)

Chuyên mục:Văn Thẻ:
  1. Võ Trung Tín
    21/04/2012 lúc 11:40

    Ròm em đặt cục..gạch, lấy con..CÒ.., tối về, đọc sau nghen chị Ba chị Năm!!!!!
    hihihihihihihihi…

    • Võ Trung Tín
      22/04/2012 lúc 16:46

      Chị Năm ơi!!!! Cuối tuần này..chẳng thấy vui vui gì cả..chị Năm ơi!!!!!!!!

  2. Đinh Thành
    21/04/2012 lúc 21:00

    Bối cảnh truyện nhẹ nhàng, đơn giản, nhưng cũng chuyển tải được nỗi buồn…nặng đầy tâm sự!

  3. Nguyễn Tuấn Anh
    21/04/2012 lúc 21:29

    Nói đến chim, em lại nhớ một bài thơ rất thơ, diễn đạt sự hồn nhiên rất dễ thương, hoà quyện trong khung cảnh học đường hiền hoà, yên bình, thật đáng yêu đáng nhớ…

    CHIM TRONG LỚP HỌC

    Có một bầy chim nhỏ
    Dễ thương ghê lắm cơ
    Tha rơm về làm tổ
    Trên cánh quạt đã hư

    Từ những ô cửa lớp
    Chim bay ra, bay vào
    Thương ơi là giọng hót
    Ríu rít rất ngọt ngào

    Và như thế lời giảng
    Của cô đã bay xa
    Theo chim chuyền trong nắng
    Đùa với lá, với hoa…

    Nhưng rồi đến một hôm
    Chim non đã bay mất
    Trên quạt trần lớp học
    Chỉ còn vài cọng rơm…

    ( Trần thị Nguyệt Mai – 1975 )

    Nhưng cũng có một bài thơ về chim, lại cho ta cái cảm giác.. đong đầy ngẫm suy đến trăn trở về một ý niệm khát vọng…

    BÀI THƠ VỀ CON CHIM SẺ

    Con chim sẻ vẽ mùa đông trên đôi cánh mỏng
    Đậu lên thành tâm hồn lạnh hoang
    Những chiếc lá hình kim xanh mùi tóc dại
    Diễu hành theo lốc tố cuộc đời

    Con chim sẻ sải cánh giữa bầu trời
    Tự do hoang tưởng
    Trên con đường phi vật chất
    Triệu ánh nhìn thản nhiên
    Bay về chân trời không tưởng

    Con chim sẻ réo gọi mùa xanh
    Ươm trái tim trên cành vô vọng
    Nỗi cô độc vây trên đầu giấc ngủ
    Tù túng giấc mơ

    Con chim sẻ vẽ chiếc bóng trong đôi mắt võ vàng
    Vệt ảnh nhuốm màu bi đát
    Con chim…sẽ hát bài ca tự do, tự do, tự do…

    ( Lê Huỳnh Lâm – 2007 )

    • 22/04/2012 lúc 13:14

      Tuấn Anh ơi: Em làm chị nhớ bài này, mời em nghe lại Chị Cam Li hát bài: I KNOW WHY THE CAGED BIRD SINGS nhé.

      I KNOW WHY THE CAGED BIRD SINGS

      Lời: Maya Angelou
      Nhạc: Đỗ Quân- Hòa âm: Đỗ Quân
      Trình bày: Cam Li NTMT

      A free bird leaps on the back of the wind
      and floats downstream till the current ends
      and clips his wings in the orange sun rays
      and dares to claim the sky.

      But a bird that was kept in his narrow cage
      and seldom see things all his bars of rage
      And his wings are clipped and his feet are tied
      so he opens his throat to sing.

      The caged bird then sings with a fearful thrill
      of things unknown but it longed for still
      and his tune is heard on the distant hill
      for the caged bird sings of freedom.

      The free bird then thinks of another breeze
      All the trade winds soft through the sighing trees
      The fat worms are waiting on a dawn-bright lawn
      He names the sky his own.

      But a caged bird is standing on the grave of dreams
      His shadow would shout on a nightmare scream
      And his wings are clipped and his feet are tied
      So he opens his throat to sing.

      • Nguyễn Tuấn Anh
        23/04/2012 lúc 12:33

        Dạ, cám ơn chị Năm, “gu” nhạc của em đó chị Năm!

  4. Công Thành
    22/04/2012 lúc 13:30

    Đã đọc toàn truyện rồi đấy chứ!
    Nhưng, mỗi lần có dịp đọc lại, như hôm nay, vẫn cứ thấy…mang mác buồn…sao sao đó!

    • Võ Trung Tín
      22/04/2012 lúc 16:44

      “..vẫn cứ thấy…mang mác buồn…sao sao đó! ”

      Bác Công Thành ơi, thế thì ròm con mời bác thưởng thức bài thơ..Thiền..này thư giãn nghen:

      XUÂN CẢNH

      Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì
      Hoạ đường thềm ảnh mộ vân phi
      Khách lai bất vấn nhân gian sự
      Cộng ỷ lan can khán thuý vi.

      ( Vua…Trần Nhân Tông )

    • Mai
      23/04/2012 lúc 05:02

      Tiếp theo bài thơ của Tín, Nguyệt Mai cũng gửi tặng clip này “Tiếng chim hót”:

    • Lãng Tử
      23/04/2012 lúc 11:10

      Thật là ngạc nhiên đến thú vị!
      Trong thời buổi hiện nay, với nhịp sống gấp gáp hiện đại, quả là lâu lắm rồi và cũng rất hiếm khi trên blogs, mới thấy có người TRẺ TUỔI có ý… “còm” lên chia sẻ một bài tuyệt thi về Thiền như vậy!
      Giỏi lắm cậu sv trẻ Tín ròm ơi, Lãng Tử tôi thật lòng…khen cậu đấy nhé.

      Và, với sự hứng khởi khi bất ngờ đọc gặp bài tuyệt thi về Thiền này, Lãng Tử tôi, xin chia sẻ với cả nhà một bài bình rất hay về bài thơ ” Xuân cảnh” này, mà tôi đã từng đọc…

      ” Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì
      Hoạ đường thiềm ảnh mộ vân phi
      Khách lai, bất vấn nhân gian sự
      Cộng ỷ lan can khán thuý vi ”
      ( Phật Hoàng-Trần Nhân Tông )*

      Phỏng dịch:
      ” Chim nhẩn nha kêu liễu trổ dày
      Thềm hoa chiều rợp bóng mây bay
      Khách vào, chẳng hỏi chuyện nhân thế
      Cùng tựa lan can nhìn núi mây ”
      ( Huệ Chi )

      Bài bình:
      ” Chỉ 4 câu 28 chữ rất cô đọng, vị Hoàng Đế – Thiền sư – thi sĩ đã chấm phá bức tranh xuân bằng vài nét có vẻ đơn sơ. Muốn cảm nhận cái tột cùng tinh tế, sâu xa của tứ thơ, người đọc trước hết phải huy động công năng của cả thị giác và thính giác và sau đó buộc phải suy nghĩ rất lung…
      Cảnh xuân bao la khoáng đạt, nhưng không có cỏ hoa sắc màu rực rỡ, không có hội hè đình đám tấp nập ồn ào. Về âm thanh, chỉ có văng vẳng xa mà gần mấy tiếng chim kêu trong rặng liễu đương trổ hoa. Về hình ảnh, cũng chỉ có bóng mây chiều lẻ loi trôi trên trời cao, toả mát cả thềm nhà. Thế còn con người, chủ thể của cảnh xuân? Chủ nhân, được sự đồng thuận của khách, đã gạt đi “nhân gian sự”, vốn lắm phức tạp, phiền toái, bề bộn những “thất tình lục dục”, để đắm mình cộng hưởng những phút giây thoát tục tuyệt vời, trong cái biếc xanh thăm thẳm của đất trời, rừng núi ngày xuân. Một cảnh sắc xuân thật đơn sơ thanh đạm, nhưng đã để lại trong tâm hồn người đọc một dư vị thanh cao, trong sáng đến kỳ lạ, đưa con người vào cõi miên viễn của thời gian và vùng mênh mông vô cùng vô tận của vũ trụ. Ngờ rằng trong phút giây kỳ diệu đó, con người có khả năng giác ngộ bằng chính cái tâm tĩnh lặng, bằng sự an nhiên tự tại của mình, để đoạn tuyệt với dục vọng và nhập thể Niết Bàn như triết lý sâu xa của Phật Giáo Thiền Tông đã xác quyết.
      Bài thơ viết về ngày xuân, mùa xuân, cảnh xuân, nhưng có thể đọc bất cứ lúc nào. Đọc và nghĩ, để “ngộ” được lối sống, phong cách sống, và lẽ sống cao quý của vị Thiền Sư- Thi sĩ cao quý! ”
      ( Gs Trần Hữu Tá )

      P/s: Cháu Tín, câu 2, cháu gõ sơ sót một từ : “thiềm” chứ không phải “thềm”

      ” Hoạ đường THIỀM ảnh mộ vân phi ”

      * Trần Nhân Tông ( 1258 – 1308 ): là một vị vua anh minh, một anh hùng dân tộc, một nhà tư tưởng, một vị tổ, một Đức Phật sống, một nhà văn hoá…Nhường ngôi cho con là Trần Thuyên – Trần Anh Tông ( 1293 – 1314 ) để lên núi Yên Tử tu và sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

    • Võ Trung Tín
      23/04/2012 lúc 23:20

      Bác Lãng Tử kính: Dạ, con kính cám ơn..”lời khen động viên”..của bác rất nhiều ạ.
      Kiến thức của các bậc tiền bối như bác, tụi con rất ngưỡng mộ, hậu sinh như chúng con sẽ cố gắng…chạy theo hụt hơi để..cầm đèn đỏ ạ!
      Con kính chúc bác luôn mạnh khoẻ .

    • Lãng Tử
      24/04/2012 lúc 15:51

      Cô Phay Van và cháu Tín: Không có gì cô và cháu ơi, vào chơi, thấy đồng cảm, thì…”còm”…chút chút, góp chuyện cho vui vui thư giãn ấy mà….
      Cả nhà vui nhé.

  5. Ngô Tấn
    23/04/2012 lúc 06:13

    Thật thú vị sảng khoái, sáng sớm nghe được tiếng chim hót trên nền nhạc êm dịu nhẹ.
    Chúc mọi người đầu tuần đầy sinh lực, công việc hiệu quả…

    • 23/04/2012 lúc 07:24

      Cảm ơn bác Ngô Tấn. Bác cũng thế nhé.

      Nhưng sao… nhạc nền lại là một khúc sérénade nhỉ???

      • Nguyễn Tuấn Anh
        23/04/2012 lúc 12:31

        Chị Ba, chị Năm: Bắc chước bác Ngô Tấn, sáng sớm ngày mai, em sẽ vào nghe tiếng chim hót…mới được…

      • Ngô Tấn
        23/04/2012 lúc 22:32

        ” Nhưng sao…nhạc nền lại là một khúc sérénade nhỉ???

        Cô Phay Van: Thú thật, tôi rất thích nghe nhạc không lời nói chung, khi nghe thấm tâm hồn thanh thản lắm,dù rằng mình chẳng có chút vốn kiến thức âm nhạc nào cả!
        Vì vậy, Với câu hỏi của cô, tôi chẳng biết…trả lời thế nào cả, nhưng tôi có đọc một bài viết này, cô cùng đọc…tham khảo nhé:
        ” Serenade – Khúc Nhạc Chiều – tuanvietnam.vietnamnet.vn/Serenade-khuc-nhac-chieu “

  6. Nguyễn Tuấn Anh
    23/04/2012 lúc 12:38

    Phay Van :Tín không diễn nôm, để chữ Hán này khó hiểu quá.

    Ròm..Tào Tháo..có một bụng thơ chữ Hán..đó chị Năm!

    • Võ Trung Tín
      23/04/2012 lúc 23:22

      Chị Năm ơi!!!! Chị Năm mà nghe “ông Phật đất” nói, là coi chừng..”bán lúa non,bán lúa giống”..hết đó nghen!!!! hihihihihi…

    • Võ Trung Tín
      25/04/2012 lúc 12:03

      Chị Năm: Dạ, đền bù cho dân..1 đồng!!!! Rồi bán lại..1000 đồng!!!! Dã man chưa từng thấy!!!!!
      Gia đình em cũng là một trong những nạn nhân..uất ức..của những vụ đền bù “cướp” đất đai..vô nhân đạo..này đó chị Năm ơi!!!!!!

      • 25/04/2012 lúc 16:03

        Thế hở em? Dọn chỗ làm nhà máy điện hạt nhân hở?

  7. Võ Trung Tín
    23/04/2012 lúc 23:17

    Phay Van :Sao thế Ròm? Bảo Vân lại xíiiiiiiiii em hở???

    Không có.. Xiiiiiiiiiiiiiiiiiii…, mà đi..vắng dài ngày..chị Năm ơi!!!!!!
    Thôi thì…ròm em đọc gõ bài thơ của ông thi sĩ tiền bối Tế Hanh…đồng cảm trạng.. này, cho bớt..”buồn thiu buồn thít”…vậy!!!!!

    CHỦ NHẬT

    Buồn làm sao cho ngày chủ nhật
    Của người học trò vơ vẩn hay yêu!

    Những ngày kia vui vẻ hơn nhiều
    Ngồi chăm chỉ lắng nghe lời thầy giảng
    Hay vui đùa chuyện trò cùng chúng bạn
    Trí bình yên thư thái biết bao nhiêu
    Và nhất là được trông thấy người yêu
    Người thiếu nữ xinh như tờ giấy trắng
    Lần đi học là một lần đo đắn:
    Đi làm sao cho gặp được giữa đường
    Cô nữ học sinh tha thướt đến trường
    Tay đỡ nón và tay cầm sách vở

    Ngày chủ nhật là một ngày mong nhớ
    Ở trong nhà không ngớt ngoái trông ra
    Hy vọng người yêu mến bước ngang qua
    Gặp gỡ mãi cũng gây tình lưu luyến
    Chờ đã mệt mà người không thấy đến
    – Có bao giờ người nghĩ đến ta đâu!

    Thì giờ trôi qua…nắng xế ngang đầu
    Lòng rưng rức, người bần thần, bực bội
    Quần với áo đã mấy lần thay đổi
    Quyển sách nào đem đọc cũng buồn tênh!

    Tâm thần ta như có vẻ bấp bênh
    Như chán chê, như rã rời, ngao ngán
    Ta tưng tức, ta giận hờn các bạn
    sao mãi vui không đến với ta chơi
    Ta trách nhầm những kẻ ở xa xôi
    Sao hững hờ không thư từ chi cả!

    Quanh quẩn mãi…trông ra ngày sắp ngả
    Lần cuối cùng, nhất định bước ra đường
    Đi bơ vơ lòng thấm thía ngùi thương
    đường quen quá chán chường như tắc lối!
    Ta quay lưng lủi thủi trở về nhà
    Không hiểu sao thấy tiếc một ngày qua…!

    ( Tế Hanh )

    • Võ Trung Tín
      25/04/2012 lúc 12:04

      Phay Van :Chà! Út Vân về đọc cái còm này sẽ cảm động nhiều đây.

      Thiệt hông chị Năm….!

      • 25/04/2012 lúc 16:02

        Chị nghĩ như thế đó em. Em nói Tuấn Anh nhớ chỉ cái còm này cho Bảo Vân đọc nhé. Còn em thì… (hì hì) quan sát.

  8. Võ Trung Tín
    23/04/2012 lúc 23:19

    Phay Van :Tín không diễn nôm, để chữ Hán này khó hiểu quá.

    Dạ, ròm em xin lỗi chị Năm nghen!
    Tại em nghĩ, vì còm cho bác Công Thành, mà với..”cỡ”.. của bác Công Thành, thì bác ấy đọc nguyên tác mới thấm cái hay..chị ạ.

  1. No trackbacks yet.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: