Trang chủ > Mỹ Thuật > Lang bang về nghệ thuật xếp giấy

Lang bang về nghệ thuật xếp giấy

Bạn thân mến,
Ngày còn nhỏ, ngoài những trò chơi búp bê, bắn bi, tạt lon, v.v…, ai trong chúng ta lại không có lần chơi với giấy: xếp máy bay, thuyền, tàu thủy… Đó là những mẫu xếp rất đơn giản. Hôm nay, Nguyệt Mai xin được hân hạnh giới thiệu Đinh Trường Giang và nghệ thuật xếp giấy origami. Đinh Trường Giang được những người say mê origami khắp thế giới biết đến như một trong những bậc thầy về nghệ thuật này. Anh là khách mời danh dự tại cuộc gặp gỡ của Hội Origami Canada lần đầu tiên sẽ diễn ra tại Vancouver từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 10 năm 2012.

Giới thiệu Đinh Trường Giang
Sinh năm 1966 tại Huế, Đinh Trường Giang là sinh viên Đại học Kiến trúc tại Sài Gòn trước khi cùng gia đình sang Mỹ định cư năm 1989. Anh tiếp tục theo đuổi ngành học đã chọn tại VN, tốt nghiệp và hiện làm chung với một người bạn sau hơn 10 năm làm việc tại một hãng kiến trúc lớn ở Washington DC.

Hãy nghe anh kể về cơ duyên đến với origami:

“Ba mẹ tôi đã mua cho tôi những cuốn sách origami khi tôi đang học lớp 2 hay 3. Sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt năm 1975, chúng tôi mất tất cả, vì vậy tôi chỉ nhớ được vài mẫu origami cổ điển. Rồi gia đình tôi sang Mỹ. Năm 1996, ba năm sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đến một hiệu sách và tìm thấy cuốn sách đã được ba mẹ mua cho hơn 20 năm về trước – đó là cuốn “Thế giới của Origami” của tác giả Isao Honda (hồi đó ở Việt Nam in thành nhiều quyển nhỏ). Tôi mua nó ngay và bắt đầu xếp giấy trở lại! Sau đó tôi tham gia OUSA (Origami USA – Hội của những người yêu thích origami tại Mỹ, có trụ sở ở New York), khám phá thêm nhiều sách hướng dẫn về origami, thường xuyên tham dự các hội thảo về nghệ thuật này và được xem rất nhiều tác phẩm đẹp và truyền cảm từ khắp nơi trên thế giới.
Sau khoảng hai năm học xếp các mẫu origami từ sách, tôi bắt đầu sáng tác những mẫu riêng của mình.
Đối với tôi, origami đồng nghĩa với nghệ thuật điêu khắc giấy. Cảm hứng có thể đến từ nhiều nguồn, từ điêu khắc hiện đại đến hội họa, tranh thiền tông, đồ họa, hoặc từ tác phẩm của các nghệ sĩ origami cũng như từ những gì tôi được đọc, xem và nghe…”.

Đinh Trường Giang nhập môn nghệ thuật origami bằng sách của Isao Honda nhưng chính bậc sư phụ người Nhật Akira Yoshizawa mới thật sự khai thị cho anh, hướng anh đến với kỹ thuật xếp giấy ướt (wet folding) và từ đó anh ngày càng hoàn thiện kỹ thuật này.

Đơn giản, trang nhã và có hồn là những điều anh hướng đến khi sáng tác.
(nguồn: giangdinh.com)

*

Lang bang về nghệ thuật xếp giấy

Có lẽ phần lớn chúng ta, khi còn là bé con, ngoài cái việc đùa chơi với châu chấu chuồn chuồn, đôi khi cũng xếp vài cánh máy bay giấy mà phóng lung tung, hay vài con thuyền giấy thả chơi theo dòng nước hối hả sau những cơn mưa trước sân nhà…

Giấy có lẽ là một trong những phát minh kỳ diệu nhất của loài người. Ai cũng biết giấy để viết, để vẽ, để in ấn…, nhưng ngoài ra, với một tờ giấy trong tay, không dùng thêm bất cứ một vật dụng gì, bạn còn có thể đi vào một thế giới muôn hình muôn vẻ khác, thế giới của nghệ thuật xếp giấy.

ORIGAMI, tên gọi được quốc tế hóa hiện nay của nghệ thuật xếp giấy – là một từ Nhật bản (Oru = xếp, Kami = giấy, khi ghép 2 từ lại, thành origami ). Không ai biết nghệ thuật này bắt nguồn từ bao giờ và ở đâu. Giấy được phát minh từ Trung Hoa vào khoảng 105AD, sau đó theo các tu sĩ Phật giáo du nhập vào Đại Hàn và đến Nhật độ cuối thế kỷ thứ 6. Vào thời kỳ đầu, giấy được xem như là một vật liệu quí hiếm và xếp giấy chỉ được dùng giới hạn bởi tầng lớp thượng lưu trong các dịp lễ.

Origami ở Nhật được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mẹ truyền cho con gái, và các mẫu truyền miệng còn được biết thường là các mẫu đơn giản. Tác phẩm về Origami cổ nhất còn lưu lại được là Senbazuru Orikata – “Xếp ngàn cánh hạc”(**), ra đời 1797.
Vậy là dù giấy phát sinh từ Trung Hoa (do đó một số nhà nghiên cứu cho rằng nghệ thuật xếp giấy hẳn cũng phát sinh từ xứ này) nhưng Nhật là nước đã làm cho nghệ thuật xếp giấy phát triển cao và phong phú nhất.

Ở phương tây, Tây Ban Nha cũng là dân tộc có lịch sử xếp giấy lâu đời. Giấy được thế giới Ả rập biết đến vào khoảng thế kỷ thứ 8 và theo người Moor (Ma rốc) vào Tây Ban Nha độ thế kỷ thứ 11. Là dân tộc theo Hồi giáo và là những nhà toán học, thiên văn học cừ khôi, người Moor chú trọng đến mặt nghiên cứu hình học trong xếp giấy. Khi người Moor rời khỏi Tây Ban Nha, dân Tây Ban Nha đã đưa nghệ thuật xếp giấy ra ngoài phạm vi các mẫu hình học và phát triển thêm mà người tiên phong là triết gia và thi sĩ Miguel de Unamuno (1864-1936).

Người được coi là sư tổ cuả nghệ thuật xếp giấy hiện đại là Akira Yoshizawa (1911-2005). Những sáng tác cuả ông được thế giới biết đến vào khoảng 1950 là những sáng tác bắt đầu tách rời khỏi các mẫu và nguyên tắc xếp giấy cổ truyền. Cùng với Samuel Randlett (Mỹ), Yoshizawa đã phát minh ra hệ thống ký hiệu để vẽ các sơ đồ chỉ dẫn trong sách dạy xếp giấy, trở thành ký hiệu quốc tế trong các sách Origami cho đến ngày nay.

Khởi đầu, có lẽ một trong những sự khác biệt cuả nghệ thuật xếp giấy Đông phương và Tây phương là phần lớn các cao thủ Đông phương thường tạo ra các mẫu đơn giản, trừu tượng, ít nét mà vẫn bắt được cái thần của vật muốn xếp. Các cao thủ Tây phương thì thường thích xếp chi tiết, phức tạp thiên về kỹ thuật. Ngày nay thì các tiêu chuẩn về thẩm mỹ Đông Tây cũng như mọi phát triển khoa học kỹ thuật khác đều được cả hai bên tiếp thu và biết đến rộng rãi qua sách báo và các phương tiện truyền thông hiện đại. Thế hệ các cao thủ Origami hiện nay cả Đông và Tây đều có những người mạnh cả về kỹ thuật lẫn nghệ thuật. Các cao thủ xếp giấy hiện đại bao gồm các nhà toán học, kỹ sư, các nhà ảo thuật, các nghệ sĩ tạo hình v.v… Nhiều kỹ thuật xếp mới được phát minh và các mẫu Origami ngày nay có thể phức tạp đến mức khó tưởng tượng được. Có thể nói hầu như bất cứ cái gì cũng có thể “xếp” ra được từ một tờ giấy.

Cả hai “trường phái” xếp giấy – phức hóa và giản hóa, thiên về kỹ thuật hay nghệ thuật, đều được phát triển. Bạn có thể thấy một chú bọ Origami, nhận ra được nó thuộc họ bọ nào, với đầy đủ ăng ten, chân, cánh, đúng tỷ lệ được xếp từ một tờ giấy hình vuông (không dùng kéo) – hay ngược lại, một mẫu origami trừu tượng đơn giản vài nếp gấp.

Về vật liệu thì ngày nay các tác phẩm Origami còn được xếp từ một số vật liệu khác ngoài giấy – giấy dán tường, lưới sắt, đồng, tấm kim loại mỏng (các loại này có thể bày ngoài trời được), giấy đất sét (“xếp” xong nung, như đồ gốm )…

Một kỹ thuật xếp đáng được nói đến là kỹ thuật ” xếp ướt” mà Akira Yoshizawa là người tiên phong. Các loại giấy dày được làm ướt cho mềm đi rồi xếp. Với kỹ thuật này, người xếp có thể ” nặn” giấy, “uốn giấy” , coi giấy như là đất sét. Có lẽ các tác phẩm xếp giấy gần với điêu khắc đều được xếp bằng kỹ thuật này. Ngoài ra, khi giấy khô, tác phẩm sẽ giữ được lâu và bền hơn.

Với đa số, Origami vẫn được coi là một môn thủ công, chưa phải nghệ thuật. Các tay xếp hiện đại đang dần dần chứng minh Origami là một bộ môn sáng tạo có thể sánh ngang hàng với các bộ môn nghệ thuật tạo hình khác. Một số nghệ sĩ xếp giấy, dù ít, đã và đang sống được với “nghề” này (viết sách, dạy xếp, nhận thực hiện mẫu quảng cáo cho các công ty, bán tác phẩm …)

Nhiều tay xếp coi xếp giấy là “điêu khắc giấy “, và là một môn điêu khắc đặc biệt. Như chúng ta biết, một cách đơn giản, điêu khắc có thể được chia làm hai loai, “thêm”, và “bớt”. Tượng đất sét chẳng hạn, là loại “thêm vào” – làm khung sườn, xong đắp bồi thêm đến khi thành hình. Tượng gỗ, đá, ngược lại, thường là kết quả của sự đẽo gọt bớt đi từ một khối lớn khởi đầu. Với origami, nó không “thêm” mà cũng không “bớt”, khởi đầu với một tờ giấy, hoàn thành cũng chừng đó giấy mà thôi, có chăng là “giấu” đi những phần không cần thiết!

Vậy thì, bạn có thể coi origami như là một nghệ thuật dân gian, một trò chơi, một bài toán đố, hay một môn nghệ thuật tạo hình, tất cả đều đúng cả. Có người chơi với giấy một cách ngẫu hứng, có người lại dùng các chương trình computer, dựa trên các lý thuyết về toán học để tạo ra và vẽ sơ đồ cách xếp trước khi họ đụng đến tờ giấy (để kiểm tra lại!). Có người nhất định chỉ xếp từ một tờ giấy hình vuông mà thôi, có người không câu nệ giấy hình gì, hay xài nhiều tờ giấy ghép lại. Có lẽ, như các môn nghệ thuật khác, kết quả cuối cùng vẫn là cái quan trọng nhất. Cái đẹp không câu nệ về kỹ thuật chi li và các ràng buộc. Nghệ thuật đỉnh cao, là nghệ thuật tự do nhất.

Origami kỳ diệu bởi ở mức độ chung, nó là nghệ thuật đại chúng, không phân biệt quốc gia hay giàu nghèo. Một em bé, một người lớn, có thể dùng bất cứ loại giấy nào, đứng ngồi bất cứ ở đâu, tạo ra một chú chim vỗ cánh, một bông hoa, một chú chuồn chuồn… đem lại vài giây phút an bình cho chính mình hay đem đến cho ai đó một nụ cười trên môi. Đối với một số người, vương quốc origami là vương quốc trong những câu chuyện cổ tích. Bạn cứ tưởng tượng xem, hầu như mọi thứ – cỏ cây, hoa lá, muôn thú đều “nằm” trong một tờ giấy, loại vật liệu hầu như bao quanh mình khắp nơi.

Origami ngày nay được áp dụng trong thiết kế đồ trang sức, trang hoàng nội thất, thiết kế thời trang… cũng như được áp dụng trong các chương trình giáo dục, y tế.
Origami còn có những ứng dụng thực tiễn trong khoa học kỹ thuật như giúp chế tạo Túi an toàn (Airbag) trong xe hơi, chế tạo Kính thiên văn khổng lồ được “Xếp lại” gọn trong 1 tên lửa, khi phóng lên quỹ đạo sẽ “mở” ra, chế tạo ống nong mạch …
Cách vài năm lại có hội nghị Quốc tế về khoa học, toán học, origami trong giáo dục và các chương trình trị liệu.

Các hội origami cũng được thành lập ở rất nhiều quốc gia và các hội nghị hàng năm với các buổi hội thảo về ứng dụng cuả Origami cũng như trưng bày các tác phẩm origami đã thu hút rất nhiều người tham dự. Ở “Vương quốc của dân Xếp giấy “, bạn có thể bắt gặp hình ảnh các ông bà già bạc tóc đùa chơi với châu chấu chuồn chuồn máy bay cùng các bé con – đó là một hình ảnh đẹp, và thanh bình.

Tại Việt Nam, một nhóm bạn trẻ đã lập nên Vietnam Origami Group (http://www.vietnamorigami.org , http://www.vietnamorigami.org/forum/) hiện thu hút khá nhiều thành viên. Tuy còn non trẻ, nhưng Origami Việt Nam đã có những bước tiến rất nhanh. Một số tác phẩm của thành viên VOG đã được trưng bày tại các triển lãm quốc tế cũng như được in trong các sách, tạp chí Origami.

Đinh Trường Giang
2002-09

*

Ghi chú:

1. Phần lịch sử và (**) : tham khảo từ một số sách / bài viết về lịch sử Origami

2. Con hạc giấy là mẫu origami cổ truyền của Nhật, biểu tượng của sự may mắn- người ta tin rằng xếp 1000 cánh hạc sẽ biến một điều ước của người xếp thành sự thật . Điều này được thế giới biết đến sau thế chiến thứ 2, khi cô bé Sakado Sasaki bị bịnh bạch cầu do ảnh hưởng bom nguyên tử thả xuống Hiroshima – cô cầu nguyện được bình phục và bắt đầu xếp 1000 cánh hạc. Theo một truyền thuyết thì cô qua đời khi còn xếp thiếu 365 con, bạn bè trong lớp đã xếp đủ số hạc còn lại này và chôn theo cô bé . Câu chuyện đã làm cả thế giới cảm động và từ đó, cánh hạc giấy trở thành biểu tượng của hòa bình.

*

“Between the Folds”, the Science of Art, the Art of Science

“Giữa những nếp gấp” ( 2009 ) là bộ phim tài liệu về Origami đã đọat được rất nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim của đạo diễn Vanessa Gould (Mỹ) . Đây có thể xem là bộ phim tài liệu đầu tiên cho người xem một cái nhìn khá toàn diện (và bất ngờ) về Origami.

Thế giới nằm trong một tờ giấy – người xem sẽ ngạc nhiên và thích thú khi thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật xếp từ một tờ giấy không cắt dán, từ những tác phẩm đơn giản, trừu tượng đến những tác phẩm phức tạp chi tiết khó tưởng tượng được. Bên cạnh đó là những ứng dụng thực tế trong khoa học, y học và giáo dục của origami.

Vanessa Gould từng theo học ngành Vật lý thiên thể và Kiến trúc tại đại học Columbia cũng như theo học nhạc tại New England Conservatory. Cô chơi piano và còn là họa sĩ.
Say mê khám phá sự kết hợp kỳ diệu giữa khoa học và nghệ thuật của Origami, cô đã bỏ ra hơn bốn năm làm việc không có tài trợ cho bộ phim đầu tay này. Phim được công chiếu trên kênh truyền hình PBS – hy vọng rằng sẽ thay đổi cách nhìn của người xem về môn nghệ thuật tương đối còn mới với đa số này.

Có thể xem thêm về Between the Folds tại
http://www.greenfusefilms.com/

Đinh Trường Giang
2009

Xin mời các bạn vào trang nhà của Giang để xem những mẫu origami do chính anh thực hiện:
http://giangdinh.com/giang/home.html

Sau đây là một vài mẫu tiêu biểu:
1) Linh hồn của giấy

2) Thiếu nữ

3) Con mèo

Bạn có thể xem mẫu xếp “Mẹ và con gái” ở đây.
Đinh Trường Giang-Me&ConGai-2009

Mẫu xếp này đã được đánh giá cao trong cuộc triển lãm tại Viện Bảo Tàng Do Thái năm 2007. Bạn có thể đọc thêm bài viết này:
http://origami-aesthetics.blogspot.com/2007/09/mother-and-child.html

Nguyệt Mai cũng thích thiệp Tết mà Giang làm gởi bạn bè có minh họa origami. Xin gởi các bạn xem mẫu thiệp năm nay.
Đinh Trường Giang-Nam moi 2012

Với các bạn đang sống tại Mỹ, nếu bạn thích, bạn có thể tham dự The Infinite Possibilities of Origami đã khai mạc cuối tuần 10-3-2012 tại Los Angeles . Đây là một triển lãm lưu động khá lớn, dự tính trưng bày tại một số bảo tàng ở Mỹ cho đến năm 2014. Bạn có thể vào những trang web này để biết thêm chi tiết:

http://artsandartists.org/exhibitions/origami.html
http://www.janm.org/exhibits/foldingpaper/artists/

Chuyên mục:Mỹ Thuật Thẻ:
  1. Nguyễn Tuấn Anh
    02/04/2012 lúc 06:44

    Ui! chị Năm post bài vào nữa đêm à, hồi hôm vào nhà chưa thấy mà?
    Chào chị Năm, em gõ cửa ngày mới, vào nhà…nhưng đọc bài sau nghen……

    • Nguyễn Tuấn Anh
      03/04/2012 lúc 15:56

      Chị Năm: Dạ!
      Đọc bài này, rồi lang thang trên mạng tìm hiểu thêm, chỉ biết nói: phục và ngưỡng mộ bác Đinh Trường Giang quá!

  2. Công Thành
    02/04/2012 lúc 11:30

    Chào Phay Van và cả nhà.
    Dạo này bận quá, ít vào chơi được! Hôm nay sắp xếp ghé vào thăm một chút đây…
    Phay Van và mọi người khoẻ cả chứ?

    • Công Thành
      03/04/2012 lúc 11:29

      Cám ơn Phay Van, chúng tôi vẫn khoẻ, có điều dạo này bận rộn nhiều hơn, vì…mới có thêm cháu nội nữa…Phay Van ạ!

    • Công Thành
      04/04/2012 lúc 21:32

      Cám ơn Phay Van, bà nhà gởi lời thăm cùng chúc sức khoẻ đến chị Nha Trang, chị Nguyệt Mai và cô Phay Van đấy nhé.
      Thông cảm cho bà ấy hai chị và cô nghen.

  3. Công Thành
    02/04/2012 lúc 11:32

    Nghệ thuật gấp giấy này thật độc đáo và tinh tế!
    Tôi nghĩ cô Mai và Phay Van cần nên tìm đưa vào nhiều clips minh hoạ nghệ thuật gấp giấy này để entry được sinh động và phong phú hơn?
    Trước mắt, tôi đã từng có dịp xem loạt clips minh hoạ nghệ thuật gấp giấy tinh tế này, xin chia sẻ lại cả nhà, gọi là góp chuyện nhé…

    ” Nghệ thuật gấp giấy ORIGAMI Hội Sinh Viên Việt Nam tại Ulsan…”

    • Công Thành
      02/04/2012 lúc 11:56

      Với nghệ thuật gấp giấy Origami:

      ” Hãy yên lặng và tập trung
      Bạn sẽ thấy
      Một tờ giấy
      Hoàn toàn có thể múa may ”

      ( Đinh Trường Giang )

      • dtgiang
        03/04/2012 lúc 01:08

        chào anh (chú? ) Thành và mọi người
        nếu em không lầm thì anh lấy 4 câu này từ bài viết trên báo Tuổi trẻ.

        bài này viết sai nhiều chỗ ( dịch tiếng Anh từ các website )

        bảo tờ giấy có thể “múa may” nghe…..”múa may quay cuồng” quá !

        trong bài này còn lấy hình tác phẩm của người khác( Giáng Sinh ) mà gán cho dtg ( râu ông nọ cắm cằm bà kia ! ).

        Bài báo còn dám chú thích “hình do nhân vật cung cấp”??!!

        thật chỉ biết..”gút-gồ chấm bó tay” thôi

        —————————————————————————
        về origami cũng như những ứng dụng , nếu ai thích muốn tìm hiểu thêm thì có thể dễ dàng tìm trên mạng( origami và thời trang chẳng hạn 🙂 )

        giang

      • 03/04/2012 lúc 09:25

        Cảm ơn anh Đinh Trường Giang. Anh thông cảm, báo chí trong nước viết không cẩn trọng, độc giả chẳng biết đường nào mà lần.
        Chúc anh luôn an mạnh.

      • Công Thành
        03/04/2012 lúc 11:37

        Thân chào dtgiang ( mình cỡ 60 tuổi bạn ạ )!
        Vâng, tôi đọc gặp 4 câu này từ trang:

        ” Vương quốc giấy ” của Đinh Trường Giang – http://www.baomoi.com>giải trí “…bạn dtgiang ạ!

        Vậy, không biết đây có phải là “4 câu thơ”… hay…” một câu” phát biểu của chính bạn không?
        Tuy nhiên, với cảm nhận thật của cá nhân khi gặp đọc được “4 câu thơ” này, trong tôi liền có một sự liên tưởng tức khắc đến bài thơ thiền, thể loại Haiku của Basho bạn ạ:

        ” Trong ao xưa
        Con nhái nhảy vào
        Tiếng nước khua ”
        ( Basho )
        – Một sự cảm nhận: Cảnh sắc tứ bề sao yên tĩnh quá, yên tĩnh đến nỗi có thể nghe tiếng nước khua, khi chỉ một chú nhái con nhảy xuống ao )

        Vì vậy…” 4 câu thơ ” của bạn, đã mở đầu bằng: ” Hãy yên lặng và tập trung ”
        Đã cho tôi…”cảm” được cái… “thần” yên tĩnh, trong không gian nội tâm của người nghệ sĩ gấp giấy..đang chuẩn bị thể hiện…
        Còn cụm từ ” múa may “, với sự cảm nhận cá nhân tôi, thì, trong không trong gian nghệ thuật gấp giấy, tôi cho là một động từ đẹp, chứ không có gì là…”múa may quay cuồng” cả! Nó diễn đạt cũng như biểu lộ tất cả những gì là tỉ mỉ, là tinh tế, là tài hoa, của người nghệ sĩ gấp giấy, đang thăng hoa thả hồn “múa nghệ thuật” vào đôi tay trên tờ giấy, nó…” Đẹp như múa Ballet, Đẹp như điệu Valse trong khiêu vũ “… vậy!

        Vui bạn nhé…

      • Nguyễn Tuấn Anh
        03/04/2012 lúc 15:57

        Kính chào nghệ sĩ Đinh Trường Giang ( dtgiang ) ạ,
        Có thể cho em hỏi một câu được không ạ:

        – Mỗi tác phẩm chỉ gấp xếp trong sự ngẫu hứng thăng hoa sáng tạo một lần, hay là nó có.. công thức, tỉ lệ, để rồi nghệ sĩ gấp giấy Origami nào cũng theo đó mà gấp được ạ?
        Chẳng hạn như tác phẩm: “Linh hồn của giấy”…trong entry này ạ.

      • Nguyễn Tuấn Anh
        03/04/2012 lúc 16:06

        Và một đề nghị, nếu nghệ sĩ không phiền ạ:

        – Nghệ sĩ có thể gởi tặng cho mọi người ở trang nhà chị Phay Van trong entry này, thưởng thức một clip minh hoạ lúc nghệ sĩ đang thực hiện từ đầu tới lúc hoàn thành sáng tạo một tác phẩm, được chứ ạ?
        Rất mong chờ, kính cám ơn nghệ sĩ trước…

      • dtgiang
        03/04/2012 lúc 22:28

        Cám ơn cô Nguyệt Mai và chị Phay đã đưa bài về origami lên đây cũng như các anh chị đã xem bài. Tôi viết bài Lang bang lúc đầu chỉ để gởi bạn bè xem mà thôi.
        ——————————————————————————
        @ anh Thành ( có những người tuổi anh, em nên gọi là chú, có người trong nhóm “ ” thì bắt gọi = “anh” – hi vọng anh không phiền  )

        4 câu đó đúng là 4 câu em viết trên website của mình ( website hiện không cập nhật được nữa ) bằng tiếng Anh. Có lẽ để tùy người đọc dịch vậy, em vẫn không có cảm tình với “múa may” và thấy nó khác với những cái “múa” anh nói đến 
        Em rất thích Haiku ( cũng như tranh Thiền ) , nó hợp với điều em hướng đến trong sáng tác : lời ít ( nét ít ), ý nhiều.

        Nếu anh có coi “thiệp Tết 2012” kèm theo dưới bài viết thì cũng thấy cảm hứng đến từ 2 câu chuyện về Basho.
        Akira Yoshizawa, người được xem là cha đẻ của nghệ thuật xếp giấy hiện đại, thường cầu nguyện trước khi xếp giấy ( ông là Phật tử ) và hay nhắc nhở phải xếp giấy với “ đôi tay sạch , và trái tim sạch “
        ——————————————————————————
        @ Tuấn Anh : xin bỏ 2 chữ “nghệ sĩ” đi  . Tôi nhận mình là một người yêu thích origami, xem giấy như bạn bè , vậy thôi.

        Phần lớn các mẫu xếp giấy đều dựa trên các nếp gấp thẳng, hình học , và có các điểm mốc rõ ràng( xem các sách hướng dẫn ) vì vậy có thể xếp nhiều mẫu y hệt nhau. Phong cách của tôi là phong cách xếp nhiều phần ngẫu hứng, dùng nhiều nếp gấp cong, 3d. Vì vậy ngay chính mình cũng không thể “copy” y hệt mẫu mình xếp được .
        Những tác phẩm như “Linh hồn của giấy” không thể làm lại mẫu thứ 2 .
        Ở các origami convention, khi tôi hướng dẫn xếp mẫu thì mỗi người trong “lớp” đều xếp ra mẫu khác nhau ! cũng vì lối sáng tác “không có điểm mốc” của mình. Tôi thích mỗi người thêm vào phần “riêng” của mình sau khi hiểu được kết cấu của mẫu, thay vì cố để xếp cho giống như tác giả.
        Xưa nay tôi không quay video, nên không có clip nào cho bạn xem. Vả lại, có chăng nữa thì cũng chỉ là “căn bản” thôi, vì hoàn thiện 1 tác phẩm đòi hỏi thời gian.
        Hình minh họa thì chắc có thể nhưng không gởi kèm ở đây được.

      • 04/04/2012 lúc 07:34

        Cảm ơn anh Giang đã chia xẻ thêm nét đẹp tinh thần của nghệ thuật xếp giấy hiện đại: phải xếp giấy với “ đôi tay sạch , và trái tim sạch “.

        Tuấn Anh thân mến,
        Anh Đinh Trường Giang gửi cho em hình này. Tên mẫu xếp “Tôi muốn bay”: Hình này cho thấy những bước hóa thân của một tờ giấy muốn bay.

      • Nguyễn Tuấn Anh
        04/04/2012 lúc 12:18

        Dạ, Em cám ơn anh Đinh Trường Giang đã đọc còm, và ưu ái hồi âm cho em ạ.
        Em kính chúc anh luôn vui khoẻ, và lúc nào cũng hưng phấn trong sự nghiệp cũng như trong sáng tác ạ.
        Em gõ một bài thơ..thư giãn, anh nhé:

        ” Ngủ trưa một chốc
        Tỉnh dậy
        Đã xế chiều ”
        ( Yosa Buson )

        kính.

      • Nguyễn Tuấn Anh
        04/04/2012 lúc 12:21

        Chị Năm: Cám ơn chị Năm đã post hình minh hoạ mà anh dtgiang đã gởi đến ạ.

      • 04/04/2012 lúc 13:34

        Không có chi em ơi.
        Trong cái còm cho anh Đinh Trường Giang, thấy em có gõ một bài thơ. Nhưng để ông thi sĩ đó ngủ thôi nhé, em đừng bắt chước kẻo… không thuộc bài thì khổ 😀

      • Nguyễn Tuấn Anh
        04/04/2012 lúc 12:33

        Chị Năm ơi, những câu thơ cho hình minh hoạ đây, được không anh dtgiang và chị Năm! hihihihihihi…

        ” Cao trên trời
        Ngỗng bay như xếp chữ…
        Trăng đóng dấu bên cạnh ”
        ( Yosa Buson )

        ” Con ngỗng
        Nhón chân
        Nên bay hay chưa?
        ( Kobayashi ISSA )

      • Công Thành
        04/04/2012 lúc 21:22

        Thân chào dtgiang: Rất vui và cám ơn dtgiang đã hồi đáp comment của mình nhé.
        Vâng, mình có đọc xem trang “thiệp Tết 2012”, đã xem mẫu xếp “chuồn chuồn” của bạn.
        Thấy thú vị lắm, vì như ngộ ra được nhiều điều theo ý hé mở của bạn!
        Mình không ngờ, trình tự và mẫu màu xếp “chuồn chuồn” được dtgiang chọn, đã thể hiện một chiều sâu trình độ cảm nhận thật thâm trầm… từ ý và tứ của 2 bài thơ đến vậy…

        Bạn khiến mình lại chợt liên tưởng đến thi hào cùng danh hoạ Yosa Buson, với bài thơ cũng đầy nét hoạ ý tứ thật tuyệt về…mùaThu, đang làm lộng lẫy thiên nhiên vậy…

        ” Đẹp biết bao
        Những trái ớt đỏ tươi
        Sau trận thu phong ”
        ( Yosa Buson )

        Vui dtgiang nhé…

      • dtgiang
        05/04/2012 lúc 07:46

        @ T.Anh
        Chim hay người ?
        Nhưng người hay chim không quan trọng, vì ý chính là “muốn bay”

        thấy cô Phay hay nhắc các em lo hoc.

        về “ngủ” thì từ nhà thơ haiku Nhật quay lại Việt Nam nhớ Phạm Thiên Thư vậy 🙂

        “Rằng xưa có gã từ quan
        Lên non tìm động hoa vàng ngủ say
        Thôi thì thôi để mặc mây trôi
        Ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
        Thôi thì thôi chỉ là phù vân
        Thôi thì thôi nhé có ngần ấy thôi”

        ( nghĩa là làm quan rồi mới…
        chứ còn đi học thì không nên…:) )

        ———————————————————
        @anh Thành : cám ơn anh, bài haiku rất hay.
        Em vẫn nghĩ, origami , cũng có thể là 1 bài haiku !

      • Nguyễn Tuấn Anh
        05/04/2012 lúc 13:24

        Anh dtgiang kính: được anh để mắt đọc còm, rồi anh còn ưu ái hồi âm với những ý thật tinh tế, em thấy quý và thích anh quá! Em vui vui..trò chuyện một chút nghen…

        Anh dtgiang ơi, Chim hay người mà…”muốn bay”.., thì, cũng còn tuỳ thuộc vào ” điều kiện, không gian và môi trường” nào đó chứ ạ, nhất là ở VN hiện nay! Chẳng hạn ý và tứ thơ sau của một tác giả trong nước:

        ” Thật tội con chim
        Bằng đá trong công viên – dương cánh!
        Muốn bay, mà không bao giờ bay… ”
        ( Thái Bá Tân )

        * Về..”ngủ”..thì, Cám ơn anh và chị Năm ân cần, thân tình nhắc nhở em ạ.
        Nhưng cũng trên tinh thần vui vui trò chuyện, Em có ý, gõ vài bài thơ, anh, chị, đọc..thư giãn nghen:

        1/ ” Trong bụng
        Chỉ toàn nước
        Thế mà tôi ngủ ngon ”
        ( Kobayashi Issa )

        2/ ” Một quan to triều đình
        Cuộn tròn nằm ngủ
        Dưới bóng hoa anh đào ”
        ( Kobayashi Issa )

        3/ ” Tôi ngủ dưới đất
        Lát nữa…
        Sẽ hiền như cục đất ”
        ( Taneda Santoka )

        Anh dtgiang, và chị Năm, khi ngủ…có hiền như cục đất không vậy! hihihihihihi…
        Đừng mắng em đó nghen….hihihihihihi…

      • dtgiang
        05/04/2012 lúc 23:36

        Thân xác có thể bị cầm tù, nhưng tâm hồn thì không. Vì vậy, “bay” thì ở đâu cũng có thể, tuy mức độ có khác.

        Với người nghệ sĩ, thì có thể nói, tác phẩm là “đôi cánh” của họ.

        Chuyện “cục đất”, nếu thật như vậy, thì hèn chi, các vua quan đời nay làm gì biết “ngủ dưới đất” , nên ………!!!!

    • Trần thị Bảo Vân
      02/04/2012 lúc 14:43

      Chị Năm: hihihi…Bắt “giò” chị Năm đây:
      Chị Năm..”xưng hô” với..bác Công Thành..không thống nhất gì cả:

      …lúc thì..”anh”,..lúc thì..”bác”…

      Thế thì bác Công Thành..biết đâu mà lần…hở chị Năm “têu tếu”???!!!!!!

  4. Công Thành
    02/04/2012 lúc 11:33

    Trong bài có chi tiết này cô Nguyệt Mai và Phay Van xem lại sao nhé:

    “Giấy được phát minh từ Trung Hoa vào khoảng 105AD…”

    Vị trí…AD…đứng trước số 105..thì phải, đúng không hai cô? = “…vào khoảng AD 105 “

    • chinook
      02/04/2012 lúc 14:49

      Chào Anh Công Thành và Chị Phay Van.

      Tôi tìm trong Wikipedia : theo những mảnh mẫu khảo cổ tim được, giấy ở trạng sơ khai được làm từ thế kỷ thứ 2 truóc Công nguyên (BC) , và theo sử, giấy và kỹ thuât làm bột giấy được cho là công của Cai Lun , một hoạn quan Trung quốc.
      vào thế kỷ thứ 2(sau Công nguyên).

      Có lẽ vì thế mà tác giả cẩn thận thêm AD sau số thế kỷ.

      Riêng AD hay A.D. , thoạt đầu người ta viết trước số năm hoặc thế kỷ,kiểu viết của tiếng Latin , nhưng sau này cả hai cách đều được xử dụng. Có lẽ ban đầu là do sai lầm, nhưng dùng quen nên cũng được chấp nhận.

    • Công Thành
      03/04/2012 lúc 11:22

      Chào anh Chinook: Vâng, cám ơn thông tin chia sẻ của anh.
      Vui anh nhé.

  5. Trần thị Bảo Vân
    02/04/2012 lúc 13:54

    Chị Năm ơi, đọc tin trên Tuổi Trẻ Online, thấy nói Biên Hoà Đồng Nai bị ảnh hưởng nặng của cơn bão số 1!!!!
    Khu vực nhà chị Năm hiện sinh sống có sao không vậy? Gia đình chị hiện thế nào?
    Nếu được, chị Năm làm một loạt ảnh về vụ bão này ở nơi chị ở, post lên cho mọi người xem thực tế đi, chị Năm?

    • Võ Trung Tín
      02/04/2012 lúc 21:54

      ” Hồi nhỏ thì nhà ở gần suối nên mỗi lần ngập lụt thấy…vui lắm ”

      Trời..trời..! Ngập lụt mà…vui!!!!
      Thế lúc ấy chị Năm có chơi.. xếp thuyền giấy..thả trôi theo dòng suối không vậy? hihihihihihi…

      • 03/04/2012 lúc 09:15

        Không em, hồi đó chị mới ba tuổi, chưa biết xếp thuyền giấy, chỉ ngồi trên giường nhìn người lớn dọn dẹp, lâu lâu lén… thò chân xuống nước.

        Đến lúc biết xếp thuyền giấy thì nhà không còn ở ven suối nữa.

    • Võ Trung Tín
      02/04/2012 lúc 21:55

      Thơ về…CON THUYỀN GIẤY…đây chị Năm ơi…

      Con thuyền xưa bằng giấy
      Anh thả vào ước mơ
      Thuyền trôi giữa dòng mưa
      Bập bềnh trên sóng nước

      Em ngồi bên cửa lớp
      Con thuyền ghé làm quen
      Em đẩy, thuyền lật nghiêng
      Lắc lư rồi trôi tiếp!

      Em cười đôi mắt biếc
      Màu áo trắng như mơ
      Con thuyền cũng ngẩn ngơ
      Lặng trôi và trôi mãi…

      Con thuyền nay bằng giấy
      Anh thả về tuổi thơ
      Thuyền trôi giữa dòng mưa
      Cũng bồng bềnh sóng nước

      Nhưng người em thuở trước
      Năm tháng ấy về đâu?
      Con thuyền cũ nghiêng chao
      Giữa đôi dòng thương nhớ

      Trời mưa bong bóng vỡ
      Phượng rụng ướt mùa thi
      Có một chiếc thuyền đi
      Bên thềm xưa trôi mãi…

      ( Thanh Trắc Nguyễn Văn )

    • Võ Trung Tín
      02/04/2012 lúc 22:00

      Và…..CON HẠC GIẤY….của nghệ thuật gấp giấy ORIGAMI…( Chị Năm có thể tìm hình những con hạc giấy, để minh hoạ cho bài thơ..Hạc Giấy..này, được chứ chị Năm? )

      Có không anh, tình yêu từ những con hạc giấy
      Đêm đêm em thức xếp một mình
      Liệu những cánh hạc mong manh và bé nhỏ
      Có mang anh về lại bên em?

      Có những khi nỗi nhớ chẳng gọi thành tên
      Em mơ thấy anh nơi cuối con đường thăm thẳm
      Em đuổi theo mà chẳng thể nào bắt kịp
      Chỉ thấy một chân trời toàn hạc giấy mênh mông
      Ngơ ngác và lẻ loi
      Như em…

      Sau cơn mơ em lại về bên những con hạc giấy
      Cố thắp lên niềm hy vọng mỏng manh
      Những con hạc giấy cứ ngày một nhiều thêm
      Mà sao…anh vẫn xa em!

      Bất chợt em thèm có anh ở bên
      Chỉ để hỏi điều làm em trăn trở:
      – Có không anh, tình yêu từ những con hạc giấy?
      Chắc anh không biết…, và em cũng thế…
      Để đêm đêm
      Em lại xếp hạc giấy
      Một mình…

      ( Trần Ngọc Minh Nguyệt – ĐHSP tphcm )

  6. Trần thị Bảo Vân
    02/04/2012 lúc 14:01

    Nghệ thuật gấp giấy độc đáo này, Út đọc xem để biết chút chút, chứ thật sự không mê lắm!
    Tuy nhiên, phải nói là thán phục sự khéo léo đầy tinh tế nghệ thuật của người nghệ sĩ gấp giấy.

    • 02/04/2012 lúc 14:14

      Trong entry trước về TCS (Xin giữ gìn màu lúa chín quê hương), có cái hình thứ tư là tác phẩm của Đinh Trường Giang đó em, em xem lại nhé.

  7. Đinh Thành
    02/04/2012 lúc 21:08

    Thán phục cho tâm hồn thẩm mỹ cùng đôi tay khéo léo đầy tài hoa của những người nghệ sĩ gấp giấy…
    Mình thì chịu vậy…

  8. Công Thành
    03/04/2012 lúc 11:24

    Cô Phay Van: Tôi quên click vào “trả lời” cho bạn dtgiang, vậy nhờ Phay Van đưa giúp comment này lên vị trí đúng hộ tôi nhé.
    cám ơn Phay Van.

    • Công Thành
      04/04/2012 lúc 21:27

      Phay Van: Tôi không để ý, cô nhắc, tôi xem lại mới biết. Sao thế nhỉ?!
      Cô mà chịu, thì tôi cũng…pó tay chấm cơm…nguội…luôn! hehehe…
      Vui Phay Van nhé…

    • Quách Nhiên
      05/04/2012 lúc 01:09

      ” Có thể nói hầu như bất cứ cái gì cũng có thể “xếp” ra được từ một tờ giấy ”
      Có thể cho tôi tò mò hỏi một câu, được chứ bạn dtgiang?
      – Trên thế giới, từ trước đến nay, có bao nhiêu vị nghệ sĩ xếp giấy, thật sự tự tin một mình thực hiện được ý ở trên? hay chỉ là sự tổng hợp tác phẩm kỷ thuật xếp đa dạng của nhiều nghệ sĩ lại?

      Cho tôi trả lời câu hỏi này được không bạn Hoàng Trọng?

      Đúng cả hai bạn ạ.
      Ngừơi tự tin tuy không được biết đến nhiều, nhưng có rất nhiều.
      Tuy có thể là tổng hợp, nhưng có sáng tạo nhìn mới có thể tổng hợp được. Nếu không chỉ là hình chết, nếu bạn thấy một mẫu xếp giấy sống động là có sáng tạo trong đó.
      Nói chung cái gì cũng có thể nhân nền nào đó phát khởi sáng tạo cho chính mình, và có sự đóng góp của chính mình trong đó.

      Vì sao, chỉ vì tờ giấy trắng đó nó được chính tâm bạn xếp ra. nếu không, chỉ là tờ giấy mà thôi.

  9. Phạm Sơn
    03/04/2012 lúc 15:28

    Có loáng thoáng biết chút ít về nghệ thuật xếp giấy này, cũng chỉ tưởng là lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật “độc quyền” của người Nhật, không ngờ, đọc bài này (và đọc thêm một số bài khác) mới biết người Việt Nam mình, Đinh Trường Giang, cũng là “bậc thầy” trong nghệ thuật Origami đấy chứ!
    Ngắm 3 tác phẩm minh hoạ trong bài thật có hồn, thấy…cũng tự hào và ngưỡng mộ lắm…

    • Ngô Tấn
      03/04/2012 lúc 22:09

      Tôi tình cờ có đọc một bài, thấy cậu ca sĩ Đức Tuấn cũng có vẻ là một “cao thủ” trong xếp giấy Origami, điều thú vị là sự say mê của cậu ấy cũng có xuất phát điểm như Đinh Trường Giang ( cha mẹ mua tặng sách ), và bài viết có dẫn nhiều links nói về Origami…mà cậu ấy hay vào tham khảo, nghiên cứu…
      Xin chia sẻ cả nhà đọc…thư giãn: ” Chàng ca sĩ “Origami” – vietbao.vn “

      • 04/04/2012 lúc 07:38

        Dạ, cảm ơn bác Ngô Tấn.

    • Nguyễn Tuấn Anh
      04/04/2012 lúc 12:43

      Chị Năm ơi, entry này chưa có bài hát nào cả?!
      Nhân bác Ngô Tấn có đề cập đến.. ca sĩ Đức Tuấn.
      Vậy em đề nghị chị Ba hay chị Năm post bản nhạc ” Như cánh vạc bay ” của TCS, với tất cả các ca sĩ đã thể hiện nhạc phẩm này, được không hai chị?

      P/s; chị Năm không có được mắng em, là..”lạc đề”.. đó nghen!!!!! hihihihihi…

  10. Phạm Hoàng Trọng
    04/04/2012 lúc 16:10

    Bài viết đọc thật thú vị, biết được nhiều thông tin về loại hình nghệ thuật xếp giấy này, và thú vị nhất, là biết được một chi tiết mà người nghệ sĩ, tác giả, đã khẳng định:

    ” Có thể nói hầu như bất cứ cái gì cũng có thể “xếp” ra được từ một tờ giấy ”

    Có thể cho tôi tò mò hỏi một câu, được chứ bạn dtgiang?
    – Trên thế giới, từ trước đến nay, có bao nhiêu vị nghệ sĩ xếp giấy, thật sự tự tin một mình thực hiện được ý ở trên? hay chỉ là sự tổng hợp tác phẩm kỷ thuật xếp đa dạng của nhiều nghệ sĩ lại?

    Chỉ là chút tò mò hỏi cho biết, chứ không có gì, cám ơn bạn nhé.

    • dtgiang
      05/04/2012 lúc 08:19

      @cô Nhiên : Ý anh Trọng hỏi có lẽ thiên về cái ” có thể ” kỹ thuật.

      @anh(?) PHTrọng: dĩ nhiên không ai tự tin bảo “tất cả” , nhưng “hầu hết” là có thể trên lý thuyết .

      Trước kia, khi xếp côn trùng chẳng hạn( loại được xem là khó nhất vì rất nhiều chi tiết), chỉ xếp dáng thôi là hay rồi. Những năm đầu 90, có một “cuộc chiến côn trùng ” trong giới origami, các tay sáng tác mẫu phức tạp đã cho ra đời nhiều mẫu rất chi tiết. Bây giờ thì anh có thể thấy (ví dụ )không chỉ là con nhện đơn giản như xưa mà nhiều họ nhện khác nhau, đúng tỷ lệ…được xếp từ 1 tờ giấy vuông không dùng kéo.

      Nhờ đâu : toán+computer.

      Robert Lang là 1 người tiêu biểu cho các tay xếp kỹ thuật. Ông là người viết ra phần mềm treemaker để trợ giúp sáng tác mẫu phức tạp.
      Có thể xem bài phỏng vấn dưới đây trong đó có đề cập đến ” giới hạn của sự phức tạp ” và câu trả lời “trên lý thuyết thì không ”
      http://www.cabinetmagazine.org/issues/17/wertheim.php

      Với nhiều tay xếp Kỹ thuật( đa số là giáo sư toán, kỹ sư…-Robert Lang là tiến sĩ Vật lý ) thì có thể nói origami là 1 bài toán. Ví dụ như mọi người thấy, tờ giấy khởi đầu( vuông , hay chữ nhật ) có 4 góc. Với con hạc cổ truyền thì 4 góc giấy hình vuông là đỉnh của 4 nhánh( đầu, đuôi và 2 cánh )
      Với các loài thú thì từ hình vuông ban đầu, cần tạo ra 6 nhánh chính( 4 chân, đầu và đuôi ) 2 nhánh phụ là tai. Với con cua thì cần 10 nhánh căn bản( 8 chân, 2 càng…) Với con rết 80 chân thì cần 80 nhánh+…..Nói cho dễ hiểu là vậy.
      Làm sao từ 1 hình vuông 4 cạnh mà tạo ra “n” nhánh( nhất là còn phải đúng tỷ lệ cần có )? Trước đây thì không tưởng. Bây giờ thì có thể.

      Nhiều tác phẩm của Robert Lang và vài tay xếp khác còn dùng máy laser để tạo nếp gấp sau khi tính toán trên computer- bảo đảm độ chính xác cao.

      Anh và mọi người có thể xem website của Robert Lang để thấy các sáng tác( nhất là côn trùng , rất gần với con trùng thật ) của ông, cũng như 1 số ứng dụng khoa học của origami
      http://langorigami.com
      http://langorigami.com/art/gallery/gallery.php?tag=arthropods&name=eupatorus_1

      2 ví dụ dưới đây – tác phẩm của Brian Chan- khi xem, có lẽ anh và mọi người thấy khó tin là được xếp từ 1 hình vuông, không dùng kéo !
      http://web.mit.edu/chosetec/www/origami/mensetmanus2/
      http://web.mit.edu/chosetec/www/origami/nekobus/

      Đó là nói về kỹ thuật.
      Còn có hồn, hay “sống” lại là chuyện khác.

      Qua vài ví dụ trên , hi vọng trả lời được phần nào thắc mắc của anh.

      Đề tài sáng tác của các tay xếp rất đa dạng, không chỉ có chim , thú , máy bay, thuyền buồm mà thôi.

      • Phạm Hoàng Trọng
        05/04/2012 lúc 20:20

        Rất cám ơn hai bạn Quách Nhiên và dtgiang đã nhiệt thành và tận tình trả lời cho cái ý tò mò mà tôi đã hỏi.
        Vâng, đúng là ý của tôi tò mò muốn biết về cái…”có thể” của kỷ thuật xếp giấy, bởi tôi nghĩ, chỉ với tờ giấy cùng đôi tay, mà người nghệ sĩ…” có thể nói hầu như bất cứ cái gì cũng có thể xếp…”, thì quả thật là một nghệ thuật quá độc đáo!
        Lần nữa cám ơn hai bạn nhé.

    • dtgiang
      06/04/2012 lúc 08:53

      Nói về có hồn và sống động, các bạn nếu thích tìm hiểu thêm có thể xem các tác giả
      Eric Joisel( đáng tiếc ông đã qua đời 2010 )
      http://ericjoisel.com/
      Bernie Peyton
      http://www.eco-origami.com/bernie/Home.html
      David Brill
      http://brilliantorigami.com/Home.html

  1. No trackbacks yet.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: