Trang chủ > Âm nhạc > Xin Giữ Gìn Màu Lúa Chín Quê Hương

Xin Giữ Gìn Màu Lúa Chín Quê Hương

Bạn thân mến,
Mới đó mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời xa chúng ta 11 năm. Thế mà Nguyệt Mai vẫn cứ nghĩ ông chỉ mới đi xa một thời gian không lâu. Vì nhạc của ông vẫn còn được hát, được công chúng đón nhận và yêu mến. Những ngày này, nghe lại những bài hát trong tập nhạc “Ca khúc Da Vàng” thấy thật da diết và thấm thía vô cùng. Xin gởi đến các bạn bài viết của họa sĩ Đinh Cường và chị Huyền Chiêu để nhớ về người nhạc sĩ tài hoa.

*

Trước khi đọc các bài viết, xin mời cả nhà nghe bài Gợi Giấc Mơ Xưa của nhạc sĩ Lê Hoàng Long với tiếng hát của Chị Huyền Chiêu. Xin cảm ơn hai Chị Huyền Chiêu và Nguyệt Mai.

Nghe bài hát tại đây.

*

TIẾNG KÈN ĐỒNG ỨA LỆ
Ghi nhớ 11 năm ngày mất Trịnh Công Sơn ( 1.4.2001 – 1.4.2012 )

Tiếng kèn ứa lệ, sơn dầu trên bố,  Đinh Cường 1995

Tiếng kèn ứa lệ, sơn dầu trên bố, Đinh Cường 1995

Tôi còn nhớ, cách đây 3 năm, đúng ngày 1 tháng 4, Trần Mạnh Tuấn đến Virginia. Buổi trưa im vắng, đến thăm Tuấn ở nhà Nguyễn Mạnh Hùng, hiện là giáo sư trường Đại Học George Mason nơi vùng tôi ở. Mới đến còn mệt, nhưng để nhớ ngày Trịnh Công Sơn mất, Tuấn đã thổi saxophone cho tôi nghe, Cát Bụi, Hạ Trắng, Một Cõi Đi Về …Cát Bụi, tiếng kèn đồng như ứa lệ, tiếng kèn đồng ấy Trần Mạnh Tuấn đã thổi khi hạ huyệt Sơn ở Gò Dưa, với bao nhiêu hoa và nước mắt… Mới đó mà đã mười một năm.

Tháng tư, tôi còn nhớ, khi lễ hội hoa anh đào bắt đầu ở Washington DC, thì bạn tôi không còn nữa. Vừa qua một mùa đông, năm nay mùa đông êm đềm. Thời tiết đổi mùa nhanh, sáng mai thức dậy đã thấy trắng xóa rừng hoa anh đào lung linh trong gió. Làm sao không nhớ Sơn với tiếng kèn đồng của Tuấn, tiếng kèn đồng thủy chung tình anh em, tình bạn.

Chữ ký cuối cùng của Sơn trên giường bệnh là chữ ký đồng ý để Trần Mạnh Tuấn xuất bản Hạ Trắng, những lần về Sài Gòn, đêm ghé qua Saxn ‘ Art Club ở đường Lê Lợi, Tuấn đều thổi saxophone tặng tôi bài này. Không gian của blues jazz càng về khuya càng thấm buồn, một nỗi buồn không bờ bến …mà những ngón tay của người chơi kèn tài hoa kia như tìm kiếm từng nốt từng nốt gieo vào lòng tôi nỗi nhớ bạn không nguôi.

Và nhớ một đêm nào giữa mưa tuyết Canada 1992, Sơn và tôi và Tịnh, và Quế cùng đi nghe jazz tại một club nổi tiếng …sóng sánh những giọt rượu trong ly thủy tinh, tiếng đại hồ cầm trầm buồn và vẫn tiếng saxo làm nhớ Tuấn. Như đêm năm kia Tuấn đã lang thang cùng tôi, cùng Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Tường Giang trên phố Georgetown, ghé vào con hẻm nhỏ có Blues Alley, nơi thường phải đặt mua vé trước cả tháng để được nghe những nghệ sĩ tài danh quốc tế chơi jazz khi ghé qua Washington DC này.

Trần Mạnh Tuấn, mùa hoa anh đào 2009, Tidal Basin, Washington DC ( ảnh DC )

Trần Mạnh Tuấn, mùa hoa anh đào 2009, Tidal Basin, Washington DC ( ảnh DC )


Mười một năm, cũng chỉ là khoảnh khắc như Lữ Quỳnh đã ghi lại những dòng đầy ân tình cùng bạn thiết. Phi Long và Sâm Thương những người bạn bên cạnh Sơn những giây phút cuối cùng. Riêng tôi, vẫn cây nhang và ly vang đỏ cho Sơn trên kệ sách, bên cánh rừng Natick này, nhìn qua khung cửa sổ nhỏ, ngày nắng ấm nhất, cây hoa đào sau nhà nở trắng rực, cây bên cạnh khi nào cũng nở sau như thầm nói cùng nhau một tình bạn không rời:

Ta sống lại trên nỗi buồn ám khói
Vẫn yêu người từng khoảnh khắc chiêm bao
Từ nguyên sơ đã một lời không nói
Như trùng dương ngưng tụ ánh hoa đào
Nghe khúc điệu rộn ràng đôi cánh mỏi
Vì yêu người ta vói bắt ngàn sao

(Những Điệp khúc cho Dương cầm, Thơ Tuệ Sỹ
Refrains pour Piano, dịch và minh họa: Dominique de Miscault
Nhà xuất bản Phương Đông, Thành phố HCM, 2009)

Trần Mạnh Tuấn, Trịnh Công Sơn - Đinh Cường vẽ, SàiGòn 1999

Trần Mạnh Tuấn, Trịnh Công Sơn - Đinh Cường vẽ, SàiGòn 1999

Bây giờ Thầy Tuệ Sỹ cũng đã rời chùa Già Lam, nơi biết bao kỷ niệm, nhớ đêm nào Thầy cùng Sơn , Thái Kim Lan và tôi ngồi bên chiếc bàn gỗ thấp hàn huyên …

Dưới vòm trời sao đêm mai, Sơn ơi hãy dậy, năm nay không ở Bình Quới mà nơi Phú Mỹ Hưng kia sẽ có hàng bao nhiêu ngàn người đến dự đêm nhạc tưởng nhớ bạn, và chắc chắn sẽ có tiếng kèn đồng của Trần Mạnh Tuấn, tiếng kèn đồng đã làm tôi ứa lệ ngày này, năm kia…

Virginia, 25 March 2012
ĐINH CƯỜNG
(nguồn: vanchuongviet.org)

*

XIN GIỮ GÌN MÀU LÚA CHÍN QUÊ HƯƠNG

Tùy bút của Huyền Chiêu

NẮNG THỦY TINH
Năm 1967.
Nàng là cô gái mới lớn đầy mộng mơ “qua công viên mắt em ngây tròn”*(1). Trong giấc mơ của nàng có công chúa và hoàng tử. Nàng sống ở một thành phố biển miền Trung. Cuối tuần, nàng đi xem phim nói tiếng Pháp có Anthony Perkins, Steve McQueen, Audrey Hepburn… Đất nước đang có chiến tranh nhưng nàng không quan tâm vì chiến tranh ở quá xa và vì bộ máy tuyên truyền ở miền Nam quá yếu. Ở trường, nàng không được học về lịch sử Việt Nam cận đại. Nàng hiểu rất mù mờ về tình trạng của đất nước và không hiểu tại sao anh em lại cầm súng giết nhau. Nàng yếu đuối như con sâu đo, quanh quẩn trong đám cỏ xanh, mặc cho bầu trời sấm chớp báo hiệu một cơn lũ sắp tràn qua nhấn chìm tất cả.

CHÀNG HÁT RONG VÀ CÂY SÁO THẦN
Cũng năm đó chàng xuất hiện.
Chàng là dân trường Pháp, sống ở thành thị, con nhà trung lưu nhưng những ca khúc của chàng lại nói nhiều về ruộng đồng về cây lúa.

Người con gái Việt Nam da vàng
Yêu quê hương như yêu đồng lúa chín
.*(2)

Ruộng đồng mà chàng nói đến không yên ả như trong truyện ngắn của Thạch Lam, trong thơ Bàng Bá Lân. Đó là những ruộng đồng rất điêu tàn, hoang vắng:

Một ruộng đồng trơ đất đỏ
Một đàn bò không luống cỏ
* (3)

Từ đó nàng mới nhớ rằng da nàng màu vàng, không giống màu da của Romeo và Juliette. Đất nước nàng quá nghèo, chiến tranh, chết chóc đang bao trùm, không thanh bình như thành phố Liverpool của những chàng trai đẹp như thiên thần The Beatles.

Từ đó nàng ý thức rằng, hằng ngày hằng giờ:

Hằng vạn tấn bom trút xuống đầu làng
Hằng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng
Cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn
* (4)

Nàng bừng lên nỗi sợ rợn người khi nhìn thấy:

Hằng vạn chuyến xe claymore lựu đạn
Hằng vạn chuyến xe mang vô thị thành
Từng vùng thịt xương có mẹ có em
. * (4)

Chàng hát rong nói cho nàng biết như thế nào là “nội chiến” và thế hệ của nàng ở miền Nam nhiều người giật mình, thức tỉnh sau nhiều ngày:

Ngủ quên, quên đã bao năm
Ngủ quên không thấy quê hương
* (5)

Từ đó nàng bắt đầu đặt câu hỏi: “Vì sao phải có cuộc chiến này? Tại sao nước Việt của nàng bi thảm đến như vậy?” Từ đó nàng hiểu như thế nào là số phận người dân của một nước nhược tiểu.
Cám ơn chàng, những ca khúc mang tên Da Vàng đã làm cho nàng, một cô gái chưa một lần bước chân xuống ruộng hiểu được thế nào là:

Yêu quê hương như yêu đồng lúa chín.* (2)

Trịnh Công Sơn, aquarelle trên giấy, Đinh Trường Giang 1994

Trịnh Công Sơn, aquarelle trên giấy, Đinh Trường Giang 1994

CHỜ NHÌN QUÊ HƯƠNG SÁNG CHÓI
Trong cuộc chiến vừa qua, tôi cho rằng chưa có ai khô nước mắt khóc thương cho dân tộc một cách chân thành như Trịnh Công Sơn. Vì vậy không ngạc nhiên khi ông ngây ngất chờ mong hòa bình.

Chờ cho lòng căm thù đến lúc chìm sâu
Chờ hòa bình đến
Chờ tiếng bom im
Chờ bước chân đi trên những con đường không chông mìn
Chờ đường giao thông chắp nối chuyến xe qua ba miền
* (6)

Trịnh Công Sơn mơ một ngày no cơm ấm áo khi hết chiến tranh
Chờ khô nước mắt
Chờ đá reo ca
Chờ áo cơm nuôi cho những trẻ con không nhà
* (6)

Hòa bình đối với ông đẹp quá.

Ông hớn hở “Dựng lại người, dựng lại nhà”

Ta cùng lên đường
Đi xây lại Việt Nam
* (7)
.
Nghĩ đến ngày đất nước thanh bình, lòng ông hân hoan, mắt ông rưng lệ:

Lòng mẹ ta xưa kia bao la như Thái Bình Dương
Những đứa con lạc dòng mừng hôm nay xóa hết căm hờn
* (7)

BI KỊCH TRỊNH CÔNG SƠN
Chưa có nhạc sĩ Việt Nam nào được yêu nhiều và bị ghét nhiều như Trịnh Công Sơn.
Người yêu ông thì đã rõ. Người ta yêu ông vì ông là người chân thật. Ca khúc của ông là những rung động thật đẹp. Đó là tiếng suối chảy tuôn ra từ một cõi lòng nhân hậu :

Tôi là ai mà yêu quá đời này * (8)

Người không ưa ông thì cũng đúng thôi.

Sau chiến tranh đã có bà mẹ anh hùng và bà mẹ da vàng khóc con thảm thiết của Trịnh Công Sơn đã bị lỗi thời.
Sau thế chiến thứ hai người Nhật vẫn muôn đời không quên dấu vết chiến tranh ở Hiroshima và Nagasaki. Học sinh Nhật được sờ tận tay, nhìn tận mắt nỗi đau đớn, sụp đổ, hoang tàn, để học bài học thấm thía về chiến tranh. Ở Mỹ, học sinh trong trường được giảng giải rất tường tận về sự cố 11 tháng 9. Danh sách từng người một bị thảm sát được trân trọng ghi danh với lòng thương tiếc chân thành. Nhưng ở Việt Nam nỗi đau của một dân tộc:

Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu,
một trăm năm đô hộ giặc Tây,
hai mươi năm nội chiến từng ngày
” *(9)

đã bị chôn vào quên lãng. Trong nhà trường, học sinh Việt Nam chưa bao giờ được hát những ca khúc như “Ngủ đi con” *(10), “Bài ca trên những xác người” *(11), “Người con gái Việt Nam da vàng” *(2), “Gia tài của Mẹ” *(9)…

Hai chữ “tự hào” là người dân một nước nhỏ mà đánh thắng hai cường quốc được tận dụng để tẩy xóa nỗi đau đớn của cuộc tang thương.
Trịnh Công Sơn từng khao khát:

Chỉ mong hòa bình sau đêm tăm tối
Chờ mong một ngày
Tay ấm trong tay
*(12)

Sự thật là sau chiến tranh, Trịnh Công Sơn đã bị ngoảnh mặt làm ngơ và bàn tay của Trịnh Công Sơn chưa bao giờ được siết chặt.
Hơn hai nghìn vòng hoa đưa tiễn ông ngày ông “về làm cát bụi” *(13) hoàn toàn là do lòng mến mộ tự phát của người dân trong nước không hề là chủ trương của nhà cầm quyền và họ cũng quá bất ngờ không lường trước rằng có quá nhiều người dân Sài Gòn, trong giờ phút cuối, đã đến tiễn biệt Trịnh Công Sơn dù ông chỉ là một nhạc sĩ.
Lòng yêu mến của quần chúng miền Nam dành cho Trịnh Công Sơn là có thật.
Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ rằng bạn hữu của Trịnh Công Sơn và người dân xứ Huế quá vội vàng khi xin được đặt tên đường Trịnh Công Sơn ở Huế. Bởi vì tôi cho rằng linh hồn ông chưa siêu thoát khi ca khúc “Da Vàng” được viết từ trái tim rướm máu của ông đã bị khước từ trên đất nước này.

CÔ BÉ QUÀNG KHĂN ĐỎ
Trong khi Ca khúc Da Vàng chưa một lần được chính thức công nhận và phổ biến trong nước, thì ở nước ngoài xuất hiện hàng trăm bài viết kết án Trịnh Công Sơn với những bằng chứng không chối cãi được.
Chính ông đã hân hoan ca ngợi một nền hòa bình mà với hầu hết người miền Nam là nỗi xót xa, đớn đau, vì mất mát, tù tội, xua đuổi:

Hai mươi năm nhục nhằn đã qua
Hôm nay thấy mặt trời rực sáng
Trong tim người
Trong tim ta
*(14)

Trong “Đồng Dao Năm 2000” *(15), ông lạc quan:

Đường Việt Nam hôm nay có những bước chân tự do
Đường Việt nam hôm nay sống với nhau thực thà

Theo tôi, Trịnh Công Sơn mộng tưởng tới một ngày hòa bình giống như cô bé quàng khăn đỏ, khi cô hớn hở mang cái bánh thật ngon bước chân trên con đường đầy hoa lá tới ngôi nhà của bà nội.
Ông không giả dối, không phỉnh gạt mọi người, nhưng ông không ngờ rằng hai chữ hòa bình mà ông hết lòng chờ mong, hết lòng ca ngợi chỉ là bà nội giả mạo.
Trịnh Công Sơn là người sâu sắc nhất khi mô tả chiến tranh nhưng lại là người vô cùng ngây thơ, nông nổi khi vẽ bức tranh hòa bình. Ông là người sai lầm chứ không phải là người nịnh nọt để mưu cầu lợi danh.

VỀ THU XẾP LẠI

Trước khi ra đi trên đường xa vạn dặm*(21) ông trăn trối:

Đời tôi ngốc dại
Tự làm khô héo tôi đây
*(16)

Cuối đời ông nghĩ gì khi viết:

Có điều gì gần như niềm tuyệt vọng
Rơi rất gần rơi xuống trong tôi
*(17)

Mà sao không tuyệt vọng khi sau :

Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ một rừng xương khô
Gia tài của mẹ một núi đầy mồ
*(9)

Đất nước này vẫn còn rất nhiều

gông cùm, xiềng xích, vô hình trói buộc dân ta” *(5)

và tiếng gọi:

cùng lên đường đi xây lại tình thương” *(7)

của Trịnh Công Sơn cũng chỉ là tiếng kêu vô vọng trong “Sa mạc nối dài” *(18).

Hết rồi thời háo hức

Cờ bay trăm ngọn cờ bay” *(19)

Cuối đời Trịnh Công Sơn ủ rũ :

Nhìn lại mình đời đã xanh rêu” *(20)

Và chính ông đã kêu lên bi thiết:

Tôi như trẻ nhỏ ngồi bên hiên nhà, chờ xem thế kỷ tàn phai” *(18)

Dầu sao với riêng tôi,người sống cùng thế kỷ với ông trên đất nước Việt Nam tận cùng đau khổ, tôi vẫn biết ơn ông vì ông đã từng nhắc nhở cho tôi một điều vô cùng giản dị :

Yêu quê hương như yêu đồng lúa chín *(2).

Huyền Chiêu
25/8/2011
* những chữ in nghiêng là lời nhạc của Trịnh Công Sơn
(nguồn: blog Trần Hoài Thư)

*
1) Nắng thủy tinh – Khánh Ly

2) Người con gái Việt Nam – Khánh Ly

3) Ngày dài trên quê hương – Khánh Ly

4) Đại bác ru đêm – Khánh Ly

5) Đi tìm quê hương – Khánh Ly

6) Chờ nhìn quê hương sáng chói – Khánh Ly

7) Dựng lại người, dựng lại nhà – Khánh Ly

8) Tôi ơi đừng tuyệt vọng – Khánh Ly

9) Gia tài của Mẹ – Khánh Ly

10) Ngủ đi con – Khánh Ly

11) Bài ca trên những xác người – Khánh Ly

12) Hãy sống giùm tôi – Khánh Ly

13) Cát bụi – Khánh Ly

14) Đồng dao hòa bình – Khánh Ly

15) Đồng dao năm 2000 – Trịnh Công Sơn

16) Chiếc lá thu phai – Khánh Ly

17) Gần như niềm tuyệt vọng – Khánh Ly

18) Tự tình khúc – Khánh Ly

19) Ta thấy gì trong đêm nay – Khánh Ly

20) Tình xa – Khánh Ly

21) Đường xa vạn dặm – Hồng Nhung

Chuyên mục:Âm nhạc Thẻ:
  1. Nguyễn Tuấn Anh
    30/03/2012 lúc 10:00

    Chào chị Năm, máy hết bịnh rồi, đang học, em tranh thủ một chút vào thăm chị Năm đây…
    Tối về em đọc bài sau, nhưng thấy entry nói về TCS là mê rồi…
    Chị Năm đang làm gì đó..?

    • Nguyễn Tuấn Anh
      01/04/2012 lúc 20:31

      Chị Năm: Dạ, có chút việc, nên em tranh thủ về nhà, mới vào lại nhà trọ chiều nay..chị Năm ơi…Quê em ảnh hưởng bão, mưa to quá chẳng đi đâu được cả!!!!!!

  2. Nguyễn Tuấn Anh
    30/03/2012 lúc 10:25

    Chị Ba, chị Năm có thể post thêm lên bản nhạc ” Hãy Nhìn Lại – 1972 ” vào còm này của em được chứ?
    Cám ơn hai chị.

  3. Mai
    30/03/2012 lúc 10:44

    Chào Tuấn Anh,
    Khỏe không em? Hổm rày bận chị ít ghé nhà.
    Mời em và các bạn nghe nhạc phẩm “Hãy nhìn lại” do ca sĩ Khánh Ly hát nhé:

    http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=-xW9LQabjM

    Hãy nhìn lại

    Trịnh Công Sơn – 1972

    1 – Hãy nhìn lại, mười lăm năm em có buồn không
    Hãy nhìn lại, người dân quê đã mất ruộng đồng
    Hãy nhìn lại, mặt đất kia đau dấu cuồng phong
    Hãy nhìn lại, đàn chim non quên mất đường rừng

    Đường quê hương xin em đừng quên lối
    Lời ca dao trên nôi là tiếng nói
    Mẹ nuôi ta, vui theo, cùng khóc với
    Bắc Nam Trung quê hương sẽ có ngày

    Hãy chờ đợi, một quê hương trên đất Việt thôi
    Hãy chờ đợi, đời phân chia sắp xóa hình hài
    Hãy chờ đợi, ngày dân ta lên tiếng mọi nơi
    Hãy chờ đợi, cờ tương lai bay khắp lòng người.

    2 – Hãy nhìn lại, đời bao phen đã thoát cùm gông
    Hãy nhìn lại, người dân ta chiến đấu nhịp nhàng
    Hãy nhìn lại, từ Nam Quan cho đến Cà Mau
    Hãy nhìn lại, tình anh em vẫn cứ ngọt ngào

    Đường anh em sao đi hoài không tới
    Đường văn minh xương cao cùng với núi
    Đường lương tâm mênh mông hoài bóng tối
    Trái đau thương cho con mới ra đời

    Hãy nhìn lại, người anh em trên chiến trường xa
    Hãy nhìn lại, tìm đâu ra những nét mặt thù
    Hãy nhìn lại, được hay thua những thắng bại kia
    Hãy nhìn lại, mặt quê hương tan nát từng giờ.

    • Nguyễn Tuấn Anh
      01/04/2012 lúc 20:33

      Chị Ba: Em cám ơn chị Ba đã post bản nhạc em yêu cầu, chị Ba lại còn ưu ái gõ thêm lời của bản nhạc nữa chứ.
      Dạ, em vẫn khoẻ, có điều bị..”viêm màng túi” nặng, nên mới chạy về nhà…xin “viện trợ” chị Ba ơi..!!!! hihihihihi..

      • Mai
        02/04/2012 lúc 17:35

        Tuấn Anh mến,
        Không có chi, em trai. Thấy tội em về nhà bị mưa bão ngập ướt hết trơn. Nhưng bù lại, hôm nay màng túi hết viêm rồi… Chúc em luôn vui.

  4. Phạm Hoàng Trọng
    30/03/2012 lúc 12:55

    “Tôi nay ở trọ trần gian
    Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời ”

    Nhanh nhỉ, mới đó mà đã 11 năm…
    Xin thắp một nén hương, nhớ người nhạc sĩ tài hoa vậy…

  5. Phạm Hoàng Trọng
    30/03/2012 lúc 13:09

    ” Chưa có người Việt Nam nào được yêu nhiều và bị ghét nhiều như Trịnh Công Sơn ”

    Câu này chưa đúng lắm!?
    – Tác giả cần nên thêm vào…2 từ : Nhạc sĩ…

    Bởi lẽ, người VN… “được yêu nhiều và bị ghét nhiều”…cũng nhiều lắm chứ!
    Chẳng hạn: Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu…

    • Mai
      31/03/2012 lúc 07:39

      Cùng anh Phạm Hoàng Trọng và cả nhà:
      Chị Huyền Chiêu, tác giả bài “Xin giữ gìn màu lúa chín quê hương”, rất vui vì trang Phay Van có nhiều “anh hùng hào kiệt ” ghé thăm với những góp ý vô cùng sắc sảo và thú vị.
      Chị ấy nhờ Nguyệt Mai chuyển lời cám ơn đến các độc giả chân tình .
      Theo đề nghị của anh Phạm Hoàng Trọng, xin nàng Phay sửa dùm thành:
      “Chưa có nhạc sĩ Việt Nam nào được yêu nhiều và bị ghét nhiều như Trịnh Công Sơn”.
      Cám ơn em.

      • 31/03/2012 lúc 11:54

        Dạ, xin Chị Nguyệt Mai chuyển lời cảm ơn của trang PV tới Chị Huyền Chiêu nhé. Để em sửa, Chị ạ. Cảm ơn Chị.

      • Trần thị Bảo Vân
        31/03/2012 lúc 16:28

        Ngày xửa…ngày xưa.., chị Ba Nguyệt Mai “len lén nhè nhẹ” vào nhà chị Năm, bị chị Hai Nha Trang “xuất thần”..phát hiện!!!
        Để rồi từ đó, chị Ba làm nhịp cầu nối tuyệt vời…mời được những vị khách quý tên tuổi ghé qua trang nhà chị Năm, rồi, ít nhiều đã có góp chuyện với những bạn khách của trang nhà chị Năm, nào là: chị Cam Li, lão Văn Thi Sĩ Trần Hoài Thư, Hoạ Sĩ Đinh Cường, Nữ Văn Sĩ Nguyễn thị Thanh Sâm.., và giờ đây là Nữ Văn Sĩ Huyền Chiêu…
        Vậy..Út..”cả gan” đề nghị chị Ba, làm cầu nối, cho mọi người ở trang nhà chị Năm, được biết..chút ít..gì về Nữ Nhà Văn Huyền Chiêu…được chứ chị Ba?
        Út..năn nỉ..chị Ba, đó nghen….

      • Mai
        31/03/2012 lúc 20:08

        Bảo Vân mến,
        Chị Huyền Chiêu gởi lời cám ơn em vì lần đầu tiên có người gọi chị ấy là “nhà văn”. Tuy nhiên, hai chữ nhà văn đối với chị HC rất “giá trị” nên chị ấy chưa dám nhận mình là “nhà văn” đâu.
        Trước đây, chị dạy môn tiếng Anh. Nhưng sau tháng 4 năm 1975, chị bị đuổi ra khỏi ngành giáo dục vì có bố là “ngụy”. Chị sống lây lất cho đến khi gần 60 năm cuộc đời thấy chồng viết nên cũng bắt chước viết, có lẽ để tự chứng minh rằng mình không phải là thứ vô cảm, thứ bỏ đi.
        Chúc em luôn vui.

      • Mai
        31/03/2012 lúc 20:21

        Nàng Phay,
        Chị Huyền Chiêu cám ơn em đã sửa giúp.

      • Trần thị Bảo Vân
        02/04/2012 lúc 14:10

        Chị Ba kính mến: Ui!!! Út được nhà văn Huyền Chiêu..cám ơn, hở chị Ba!!!! Thật là bất ngờ và vui quá!!!!!
        Dạ, cho Út kính gởi lời chúc an vui, sức khoẻ, đến nhà văn Huyền Chiêu ạ.
        Mong chị Ba giới thiệu nhiều bài viết cũng như những sáng tác của nhà văn, cho mọi người cùng đọc xem ạ.

  6. chinook
    30/03/2012 lúc 14:46

    Tình cảm của tôi đối với Trịnh công Sơn chưa bao giờ tới mức yêu và cũng chẳng khi nào tới mức ghét.

    Khi mới nghe nhạc Ông, tôi thích và cảm thấy thật gần gũi. Nhạc của ông có cái Air (vẻ,hơi hám) của Troubadour , lời thì rất gần gũi với tiếng Pháp, kiểu nghĩ bằng tiếng Pháp,diễn tả bằng tiếng Việt.

    Chủ đề những bài hát của Ông cũng là những khắc khoải của thế hệ chúng tôi. Thái độ hơi khinh mạn của Ông đối với chính quyền thời đó cũng hợp với tánh thích ngông và muốn nổi loạn của tuổi trẻ. Chưa kể đến thành tích nhởn nhơ trốn lính ngay giữa Saigon như một thách thức đối với nhà chức trách.

    Tôi thích Ông hơn một chút khi thấy Ông trả lời tờ Le Monde, đại khái : VNCH là một nước dân chủ , Chính phủ có quyền cấm và Ông có quyền viết nhạc. Một suy nghĩ rất Tây.

    Tôi vẫn thich Ông dù một người bạn tôi , biết Ông rất rõ nói là Ông là một loại CS nằm vùng ,

    Sau 75, tình cảm của tôi giảm đi nhiều , dù tôi tội nghiệp khi thấy những cố gắng để hội nhập với khuynh huớng chính trị trong xã hội mới của Ông bị ruồng rẫy. Tình cảm đó giảm xuống hơn nữa khi đọc thấy thư Ông viết để trả lời Joan Baez khi Bà này chỉ trích những vi phạm về nhân quyền của chính phủ Vietnam khoảng cuối thập niên 70.

    Khoảng thập niên 90, tôi đọc những trả lời của Ông trong một cuộc phỏng vấn của Báo Phụ nữ. Đại khái Ông không đi lính vì không không muốn phục vụ cho một chế độ đã giết chết cha Ông. Trong cuộc phỏng vấn này, ông nói nhiều về người cha theo Cộng sản mà không đề cập đến sự kiện là dù thế Ông có 7 anh em, đều được an học chu đáo , đàng hoàng, và gia đình ông có một cuộc sống trung lưu. Có thể những lời lẽ này tờ Phụ nữ cũng đặt thêm vô miệng ông, nhưng không hề thấy Ông cải chánh.

    Nghe tin Ông mất, tôi hơi buồn.

    Ông là một nghệ sĩ có tài. Nhưng ông cũng là một người, rất người.

    • chinook
      31/03/2012 lúc 02:10

      Trong mỗi nghệ sỹ theo tôi có ít nhất hai con người. Người nghệ sỹ và ngưòi thuờng.

      Hai con người này có khi giống nhau, có khi gần nhau nhưng cũng có khi rất khác nhau.

      Nếu ta phân biệt được điều đó thì ta đỡ ngạc nhiên và đôi khi thất vọng lúc tiếp xúc với con người thực của ho. Nhiều nghệ sĩ rất tài nhưng tư cách rất kém.

      Pham Duy rất minh bạch khi Ông tuyên bố Ông không muốn là mẫu mực hơặc thần tượng của ai cả. Ông đơn giản là một nghệ sĩ, dùng tài để ca ngợi cái Ông muốn ngợi ca.

      Về ý nghĩa những khái niệm đại loại như thân phận, sỏi đá, rong rêu..trong tác phẩm , một Anh bạn Họa sỹ của tôi nói thế này : Mỗi khi ra mắt những tác phẩm mới, bạn bè và những nhà phê bình phát biểu sau vài tuần rượu, luon chỉ ra được và khen ngợi những điểm mà chính Anh khi sáng tác, không hề nghĩ tới. Anh bạn tôi cũng triết lý : Có thể đó là những sáng tạo vô thức của Anh

  7. Đinh Thành
    30/03/2012 lúc 15:35

    Có thể ví (dù là khập khiểng ) tài năng sáng tạo, và phần tư cách thái độ sống của Trịnh Công Sơn cũng giống như Ngô Bảo Châu vậy!

    • Đinh Thành
      01/04/2012 lúc 18:38

      ” Ăn cơm Quốc Gia, thờ ma Cộng sản ”
      Có thể nói không quá đáng khi dùng câu nói này để nói về “con người” của TCS!
      Miền Nam VN với điều kiện tự do dân chủ đã cho TCS…thăng hoa với những sáng tác của mình.
      Thử nghĩ, nếu TCS sống ở miền bắc xhcn thời kỳ ấy (và ngay sau 1975) mà sáng tác như thế, thì sẽ ra sao?
      Mới đây Ns trẻ Việt Khang, chỉ với 2 bài hát, mà đã bị nhà nước csvn..bỏ tù rồi đấy!
      Ngẫm cho kỹ, tư cách “con người” của TCS, tuy chẳng ghét, nhưng chẳng có gì đáng trọng cả!

  8. Võ Trung Tín
    30/03/2012 lúc 16:15

    Thế hệ em còn nhỏ, chưa trải nghiệm cuộc sống nhiều, do đó chưa dám hồ đồ nhận xét gì về con người của Ns TCS ( dù rằng ở góc độ nào đó, em cũng có…quyền..phát biểu ý kiến của mình! hihihihi…), tuy nhiên có một điều thật sự, đó là em thích nghe nhạc Trịnh, và chỉ độc nhất qua giọng ca của ca sĩ Khánh Ly, nghe hoài không thấy..ngán! nhưng chỉ là những nhạc phẩm được ông sáng tác trước 1975, còn những nhạc phẩm ông sáng tác sau 1975, không hiểu tại sao, em nghe, mà không thấy…vô, không thấy thấm và không thấy hay gì cả!!!!?????

    • Võ Trung Tín
      01/04/2012 lúc 17:13

      Chị Năm: Chẳng hạn…những bài nào, theo chị Năm?
      Với cá nhân em, thì em chẳng cảm được bài nào cả chị ạ!!!!!
      Còn điều này nữa, đó là, không hiểu sao..em rất..”dị ứng”.. khi nghe ca sĩ Hồng Nhung trình diễn hát nhạc Trịnh!!!! Ca sĩ Hồng Nhung này khi hát nhạc Trịnh có cái gì gì đó..điệu điệu..trong một phong cách giả tạo…đến phát ngượng!!!!!

  9. Võ Trung Tín
    30/03/2012 lúc 16:16

    Vẫn biết cách gọi “nhạc Trịnh” là cách gọi tắt “nhạc Trịnh Công Sơn”…
    Nhưng chị Ba, chị Năm, hay có bác nào biết cách gọi tắt, mang tính thương hiệu lớn..”nhạc Trịnh”.. xuất hiện từ lúc nào không vậy? trước 1975 hay sau 1975?

    • Mai
      30/03/2012 lúc 19:58

      Tín ơi,
      Chị nghĩ từ “nhạc Trịnh” chỉ xuất hiện sau 1975. Thời trước đó, mọi người vẫn hay nói nguyên từ, chẳng hạn: “Tôi thích nhạc Trịnh Công Sơn”, chứ không ai nói: “Tôi thích nhạc Trịnh”. Xin quý anh Chinook, Lãng Tử, Đinh Thành, Phạm Hoàng Trọng… chỉnh giùm nếu Nguyệt Mai nói không đúng.
      Chân thành cám ơn quý anh.

      • Lãng Tử
        30/03/2012 lúc 21:17

        Câu hỏi của cháu Tín cũng khá thú vị đấy chứ!
        Thật tình, thì tôi cũng không lưu ý lắm, nên cũng không rõ cụm từ “nhạc Trịnh” xuất hiện từ lúc nào.
        Nhưng tôi cũng nghiêng theo ý của cô Mai: có lẽ cụm từ “nhạc Trịnh” được dùng nhiều sau 1975 !?

      • chinook
        30/03/2012 lúc 23:12

        Cụm từ “Nhạc Trịnh” trước năm 75 tôi không nghe.

        Từ 75 tới 79 tôi ở trong rừng trong bụi , những thông tin đại loại rất hiềm, cũng không hề nghe.

        Tôi đoán chừng cụm từ này xuất hiện sau, khi chính sách về văn hóa cởi mở hơn.

      • Mai
        31/03/2012 lúc 03:19

        Nguyệt Mai cám ơn quý anh Lãng Tử, Chinook và nàng Phay đã chia sẻ.

      • Ngô Tấn
        01/04/2012 lúc 12:05

        Có một bài viết mới ở trang nhà của Gs Nguyễn Văn Tuấn: “Nhớ Trịnh Công Sơn và Ca khúc da vàng”, có đề cập một chút về chi tiết “nhạc Trịnh”…có dùng trước 1975!
        Các bác và các chị xem thử sao…

        nguyenvantuan.net

    • Võ Trung Tín
      01/04/2012 lúc 17:05

      Dạ, em cám ơn chị Ba, chị Năm; con cám ơn bác Lãng Tử, bác Chinook và bác Ngô Tấn…đã chia sẻ những thông tin để cho con biết thêm về thời điểm xuất xứ của cụm từ “nhạc Trịnh” ạ.

  10. Võ Trung Tín
    30/03/2012 lúc 16:22

    Ròm em đề nghị 2 bản nhạc nghen chị Ba, chị Năm:

    1/ Dấu chân địa đàng – 1962
    2/ Du mục – 1965

  11. Mai
    30/03/2012 lúc 19:53

    Tín mến,
    Chị Ba mời em nghe tiếng hát của ca sĩ Khánh Ly trong hai nhạc phẩm em đề nghị nhé:

    1) Dấu chân địa đàng – 1962
    http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=_qgvPqAWCc

    Trời buông gió và mây về ngang bên lưng đèo
    Mùa xanh lá loài sâu ngủ quên trong tóc chiều
    Cuộc đời đó nửa đêm tiếng ca lên như than phiền
    Bàng hoàng lạc gió mây miền
    Trùng trùng ngoài khơi nước lên sóng mềm

    Ngựa buông vó người đi chùng chân đã bao lần
    Nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng
    Vùng u tối loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng
    Một đời bỏ ngỏ đêm hồng
    Ngoài trời còn dâng nước lên mắt em.

    Tiếng ca bắt nguồn từ đất khô
    Từ mưa gió
    Từ vào trong đá xưa
    Đến bây giờ mắt đã mù
    Tóc xanh đen vầng trán thơ
    Giòng sông đó
    Loài rong yên ngủ sâu
    Mới hôm nào bão trên đầu
    Lời ca đau trên cao
    Ngàn mây xám chiều nay về đây treo lững lờ
    Và tiếng hát về ru mình trong giấc ngủ vừa
    Rồi từ đó loài sâu nửa đêm quên đi ưu phiền
    Để người về hát đêm hồng
    Địa đàng còn in dấu chân bước quên.

    2/ Du mục – 1965
    http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=U8X3V4SQgf

    1.
    Đàn bò vào thành phố
    Đêm buồn vắng buồn hơn
    Đàn bò vào thành phố
    Không còn ai hỏi thăm
    Đàn bò tìm dòng sông
    Nhưng dòng nước cạn khô
    Đàn bò bỗng thấy buồn, bỗng thấy buồn
    Rồi một hôm đứng mơ mây ngàn

    2.
    Một người vào thành phố
    Đếm từng bước buồn tênh
    Một người vào thành phố
    Không còn ai người quen
    Người tìm về đồng xanh
    Nhưng đồng đã bỏ không
    Rồi người bỗng thấy buồn, bỗng thấy buồn
    Người chợt nghe xót xa đất mình

    Điệp khúc

    Ôi quê hương đã lầm than
    Sao còn, còn chiến tranh
    Mẹ già hết chờ mong
    Đã ngủ yên
    Mẹ già mãi ngủ yên

    Buông lời ru cho muôn năm
    Buông vòng nôi cho hư không
    Cho hư không buông bàn tay
    Con đi hoang
    Con đi hoang một đời
    Con đi hoang phận này

    3.
    Đàn bò vào thành phố
    Reo buồn tiếng hạt chuông
    Một người vào thành phố
    Nghe hồn giá lạnh băng
    Người tìm về đầu non
    Nhưng rừng đã bỏ hoang
    Rồi người bỗng hết buồn đã hết buồn
    Người lặng nghe đá lên trong mình

  12. Mai
    30/03/2012 lúc 21:08

    Bào Vân: Chị Ba thấy Út Vân rất thích thơ nên chia sẻ với em bài thơ này tình cờ tìm thấy trên mạng. Thân chúc em một cuối tuần thật vui nhé.

    Dạo phố Trịnh Công Sơn

    Dạo bước trên đường Hồ Tây
    Lặng “Nhớ mùa thu Hà Nội”
    “Nối vòng tay lớn” hôm nay
    Tình ca một thời bão nổi.

    “Nghìn thu ở lại” dòng đời
    “Một cõi đi về” khắc khoải
    “Ru ta ngậm ngùi” khôn nguôi
    “Như cánh vạc bay” bay mãi.

    “Chiếc lá thu phai” dòng Hương
    “Mưa hồng” giọt tình nhung nhớ
    Dáng ai như Trịnh Công Sơn
    “Đóa hoa vô thường” dạo phố.

    “Để gió cuốn đi” bay xa
    Nhạc Trịnh ngân nga dòng chảy
    “Rừng xưa đã khép” tài ba
    “Diễm xưa” tình người nồng cháy.

    Nhớ “Một ngày như mọi ngày”
    Hồ Tây, sông Hương “Hạ trắng”
    Thoảng trông như dáng vai gầy
    “Trịnh Công Sơn” phố loang nắng.

    Ghi chú: Những chữ trong ngoặc kép là tên các bài hát của cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

    Trần Kim Lan
    28.3.2012

    • Trần thị Bảo Vân
      31/03/2012 lúc 16:27

      Chị Ba kính mến: Dạ, Út rất vui và rất xúc động cám ơn cái tình cảm mà chị Ba đã ưu ái nghĩ đến Út khi chị Ba gõ chia sẻ bài thơ ạ.
      Dạ, Út rất thích thơ chị Ba à, khi đọc gặp bất kỳ một bài thơ nào đó phù hợp với cảm trạng của Út, thì Út hầu như..nhớ luôn đó chị Ba! hihihihihihihi…
      Chẳng hạn, Ở entry trước, khi gặp đọc bài thơ “Thế hệ chiến tranh” của bác Trần Hoài Thư, Út thuộc liền, nhưng..cứ vương vấn mãi hai câu thơ cuối:

      “Ngoài phẫn nộ, trong chán chường ẩn khuất
      Đếm những nỗi buồn bằng lời nhạc Trịnh Công Sơn…”

      Mà không cách nào lý giải được sự..vương vấn…!!!
      Ước gì…nhỉ?!

      • Mai
        31/03/2012 lúc 20:16

        Bảo Vân thân mến,
        Chị nhớ hồi xưa khi còn đi học, chị được đọc hay nghe đâu đó rằng: “Thơ là để cảm chứ không phải để hiểu”. Em cảm nhận nó hay là được rồi, không cần phải tìm hiểu gì thêm.
        Em hãy đọc lại bài viết của Hoàng Tá Thích trong entry số 25 bài “Uống chung ly rượu này” để hiểu rõ hơn.
        “…thưởng thức nghệ thuật là sự cảm nhận riêng của mỗi người, không cần thiết phải lý giải hay phân tích rạch ròi.”
        Mong em vui lòng với câu trả lời của chị.

  13. chinook
    31/03/2012 lúc 07:56

    Phay Van :
    Dạ, cảm ơn bác Chinook đã chia sẻ. Em lại không thích thế và khó chấp nhận. Thà là không biết thì thôi.

    ————————————

    Tôi hồi còn trẻ, chưa vợ cũng ham chơi , lại vì có điều kiện nên hay đi gặp và đưa đón ca sĩ.

    Thấy một ca sĩ trẻ, ban ngày không son phấn trong căn nhà cô ở chung với gia đình , người cha hom hem ngồi cạnh bàn máy may, hay gặp mấy ca sĩ đàn chị ngồi đánh bài , hút thuốc,uống rượu chửi thề thì mấy hình ảnh của họ kiêu sa trên sân khấu chợt biến mất.

    Vì thế tôi không còn cái cảm giác bay bổng khi thấy nghệ sĩ trên sân khấu rực rỡ dưới ánh đèn. Nhưng bù lại tôi có thể cảm nhận được rõ hơn tài nghệ thực của họ.

    Đúng là thuợng đế cất đi của ta cái này thì cũng trao lại cho ta cái khác.

  14. chinook
    31/03/2012 lúc 13:39

    Tiếng Anh có một từ khá lý thú để chỉ đám chuyên đi lừa gạt người khác là “Con artists”.

    Mấy “Con Artists ” trong chính trị đáng ngại nhất , tôi nghĩ thế chị Phay Van ạ.

  15. Phạm Sơn
    31/03/2012 lúc 21:27

    Ngay giờ này 21g20 tại công viên Hồ Bán Nguyệt Q7 tpHCM, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn đang thổi Xaxophone trong buổi truyền hình trực tiếp đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn…

  16. Phạm Sơn
    31/03/2012 lúc 21:35

    Chị Mai và cô Phay Van có thể đưa link những bản nhạc TCS qua tiếng kèn Xaxophone của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn cho thêm phong phú entry này?

  17. Ngô Tấn
    01/04/2012 lúc 11:22

    Nhạc của Trịnh Công Sơn thì quả thật là tôi mê lắm, còn Ông, thì tôi chưa bao giờ có dịp gặp, tuy nhiên trong tôi luôn vẫn dành những tình cảm yêu mến, ngưỡng mộ, người nhạc sĩ tài hoa này…
    Nhưng, từ khi tình cờ đọc được bài viết “TCS & Tham vọng chính trị” của Hs Trịnh Cung, và bài viết “TCS và Những hoạt động nằm vùng ” của Liên Thành, thì thú thật, tình cảm trong tôi về “con người” của TCS như có cái gì đó…hụt hẫng đến rạn vỡ, thậm chí ít nhiều có cảm giác…khinh bỉ!
    Dù rằng những nhạc phẩm của ông hiện nay tôi vẫn còn thích nghe lắm…
    Cho nên tác giả Huyền Chiêu nhận xét và viết ” Chưa có nhạc sĩ Việt Nam nào được yêu nhiều và bị ghét nhiều như Trịnh Công Sơn”…là chính xác vậy!

    • Mai
      01/04/2012 lúc 18:54

      Anh Ngô Tấn:
      Hôm qua, tình cờ Nguyệt Mai được đọc bài “Dự Cảm Sau Khi Chết Của Trịnh Công Sơn” của nhà văn Khuất Đẩu, một người “chưa hề có cái vinh dự được ngồi với anh bên một tách cà phê hay một cốc rượu, cũng chưa có cái may mắn nghe anh đàn hát”, Mai thực sự xúc động khi ông viết:

      “Giờ đây, nơi trăng mờ quê cũ ấy, anh không còn bận tâm làm chi tới những ồn ào xôn xao vô lối. Anh đã là một vạt nắng vàng ngàn năm vẫn còn bảng lảng. Chỉ tội nghiệp cho chúng ta, những kẻ yêu nhau mà lại bằng mười phụ nhau. Sao chúng ta không yêu anh như người Nhật người Pháp, sao không lột bỏ những cặp kính đủ màu để nhìn tận mặt một tài năng thuộc loại xưa nay hiếm, như đã từng yêu The Beatles hay M. Jackson? Có phải vì chúng ta nhỏ nhen quá, tầm thường quá. Chúng ta đã bằng số đông cố sức kéo anh xuống cho bằng mình chứ không phải nâng mình lên để bằng anh.

      Một người đã từng đôi khi thấy trên lá khô một dòng suối, một người yêu quê hương như yêu đồng lúa chín, một người đã từng nhìn ra hai mươi năm nội chiến từng ngày, không thể và không bao giờ là người cộng sản. Những ai còn cố tình giành giật lôi kéo đều không xứng và không phải là bạn anh.”

      Xin chia sẻ cùng anh.

      http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=13595

      • 01/04/2012 lúc 19:25

        Cảm ơn Chị Nguyệt Mai. Đây cũng chỉ là những suy nghĩ riêng của n/v Khuất Đẩu, cũng tương tự như ý kiến của các “còm sĩ” nơi đây, đa dạng và khác biệt, rồi lại có những người khắc nghiệt (như PV) hoặc rộng lượng bao dung (như bác Chinook chẳng hạn) … làm cho entry này thêm phong phú, Chị nhỉ.

    • Nguyễn Tuấn Anh
      01/04/2012 lúc 20:41

      Với em thì đơn giản hiện nay..là chỉ thích, mê dòng nhạc của ông, còn bản thân ông trước đây như thế nào, vì còn nhỏ, nên em chưa dám có ý kiến, chỉ lắng nghe nhiều nguồn thông tin đa dạng vậy…

  18. chinook
    01/04/2012 lúc 13:28

    Có người cho là Nhạc Trinh công Sơn viết là để cho Khánh Ly trình diễn và giọng Khánh Ly là để hát Trịnh công Sơn. Thời gian đã chứng minh nhận xét này quả không quá đáng.

    Những buổi nhạc Trịnh công Sơn đẹp nhất, theo tôi, là những đêm ở Quán Văn Saigon. Khánh Ly hát, mấy chục bài liên tục, tới khuya , chân đất, trong một khung cảnh đơn sơ, mộc mạc ,thuần khiết.

    Không khí đó sau này không còn nữa.

    • Võ Trung Tín
      01/04/2012 lúc 17:16

      Bác Chinook: Chính vì vậy mà ca sĩ Khánh Ly đã được mệnh danh là..”Nữ hoàng chân đất” phải không bác.
      Với riêng con cảm nhận: Nếu những nhạc phẩm của TCS trước 1975, mà không có ca sĩ Khánh Ly thể hiện, thì CHƯA CHẮC tên tuổi của Ns Trịnh Công Sơn.. ĐƯỢC BẤT TỬ như hiện nay trong lòng công chúng nghe nhạc Trịnh…, cứ thử khách quan ngẫm xem!
      Âu cũng là cái duyên cho NsTCS nói riêng và công chúng yêu nhạc TCS nói chung vậy!
      Bởi lẽ, từ trước đến nay, có rất nhiều ca sĩ ở nhiều thế hệ thể hiện những nhạc phẩm của TCS, nhưng, có thể khẳng định, chưa có một ca sĩ nào thoát và vượt qua được, cũng như chưa có một ca sĩ nào thể hiện thấm, thấu cảm và đi vào lòng người yêu nhạc Trịnh bằng cái chất giọng “liêu trai” có một không hai của KL, khi thể hiện những nhạc phẩm của TCS vậy…

  19. Nguyễn Tuấn Anh
    02/04/2012 lúc 06:43

    Ủa chị Năm post bản nhạc “Gọi Giấc Mơ Xưa” do chị Huyền Chiêu hát lúc nào vậy? Hôm đầu tiên vào nhà em đọc lướt bài chưa thấy mà? Hồi hôm vào gõ còm em không để ý, bây giờ mới thấy…
    Bản nhạc tiền chiến này em đã từng nghe ca sĩ Tuấn Ngọc, ca sĩ Khánh Hà…trình bày…
    Mỗi người trình bày một vẻ, hôm nay lần đầu tiên em mới được nghe ca sĩ Huyền Chiêu trình bày, chị ấy đã 60 tuổi – do chị Ba tiết lộ với BV – mà giọng hát vẫn thật đẹp, trình bày nhạc phẩm thật truyền cảm đến da diết…

    • Trần thị Bảo Vân
      02/04/2012 lúc 14:20

      Đọc còm này của Tuấn Anh và chị Năm, Út mới biết nhà văn Huyền Chiêu hát trong entry này, phải phạt chị Năm..nặng mới được!!! Giờ chót mới chịu post lên???!!!!
      Em cũng đồng thuận với ý cảm nhận, nhận xét của Tuấn Anh, sau khi lắng nghe chị Huyền Chiêu hát…5 lần!
      Các chị ở thế hệ hồi xưa, hầu như chị nào cũng thật tài hoa vậy…, trong phạm vi trang nhà chị Năm, nào thì là chị Ba, chị Cam Li, chị Nguyễn thị Thanh Sâm, giờ biết được thêm sự tài hoa của chị Huyền Chiêu nữa….
      Thế hệ nữ trẻ tụi em..thật là thán phục, ngưỡng mộ…quá!!!!

    • Trần thị Bảo Vân
      02/04/2012 lúc 14:30

      Chị Năm ơi, Với lòng thán phục và ngưỡng mộ các chị mà Út nói ở còm trên nói chung, và chị Huyền Chiêu nói riêng…
      Chị Năm giúp Út tìm hai bó hoa thật đẹp:

      Một, để Út tỏ lòng thán phục ngưỡng mộ tài hoa của..tất cả các chị.

      Hai, cho Út được phép kính tặng riêng chị Huyền Chiêu, gọi là bó hoa Út kính chào mừng chị ghé nhà chị Năm chơi và tặng bài hát ạ.

      Bài Gợi Giấc Mơ Xưa của nhạc sĩ Lê Hoàng Long với tiếng hát của Chị Huyền Chiêu

      Đồng ý chứ chị Năm…

      P/s: À, chị Năm ơi, chị gắn hoa, cùng dẫn link bài hát chị Huyền Chiêu hát, thêm vào cái còm này của Út, cho nó có không khí..”hoành tráng”..nghen chị Năm….hihihihihihihi
      Út cám ơn chị Năm nhiều nhiều đó……

    • Mai
      03/04/2012 lúc 10:29

      Bảo Vân thương mến,
      Chị Huyền Chiêu rất cảm động. Hoa em tặng đẹp quá. Chị ấy rất vui và nhờ chị chuyển lời cám ơn đến Bảo Vân và Phay Van thật nhiều.

    • Trần thị Bảo Vân
      06/04/2012 lúc 09:50

      Chị Ba: Dạ, Chị Ba cho Út gởi lời kính chúc đến chị Huyền Chiêu và gia đình chị ấy luôn vui khoẻ, an bình và hạnh phúc ạ.
      Rất mong đón đọc những bài viết cùng sáng tác mới của nhà văn ạ.

  1. No trackbacks yet.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: