Trang chủ > Văn > Thơ Nguyễn thị Thanh Sâm

Thơ Nguyễn thị Thanh Sâm

Các bạn thân mến,

Sau truyện dài “Cõi Đá Vàng” mà Nguyệt Mai đã giới thiệu trong một entry lần trước, nhà văn Nguyễn thị Thanh Sâm còn làm một số bài thơ nữa. Hôm nay, Nguyệt Mai xin được trân trọng giới thiệu với các bạn.

Chân thành cảm ơn em Quỳnh Trân, con gái của nhà văn, đã gõ lại những bài thơ này chia sẻ với chúng ta.

Nhà văn Nguyễn thị Thanh Sâm

TÌNH CA SAVEDRA*

Ví chăng có một ngàn người
Yêu thương anh giữa cuộc đời buồn vui,
Thì xin hãy nhớ có tôi
Savedra, tên gọi một trời ngàn thương!

Ví chăng có một trăm người ,
Yêu thương anh giữa cuộc đời đầy vơi,
Đứng đầu tên đó là tôi,
Savedra, tên gọi một trời trăm thương!

Ví chăng có được bảy người,
Thì tôi đứng giữa bảy người yêu anh,
Như ngày thứ tư giữa tuần,
Savedra tên gọi cõi trần bảy thương!

Ví chăng còn có hai người,
Yêu thương anh giữa cuộc đời nổi trôi,
Một trong hai đó là tôi,
Savedra, tên gọi cõi người hai thương!

Ví chăng chỉ có một người,
Yêu thương anh giữa cuộc đời đơn côi,
Nhớ rằng người đó là tôi,
Savedra, tên gọi suốt đời một thương!

Ví bằng đời chẳng còn ai,
Yêu anh giữa chốn trần ai mịt mùng,
Thì xin anh biết cho cùng,
Savedra, đã chết lạnh lùng đêm qua!

Ý thơ Savedra,
Thanh Sâm 1987

* Savedra là một nhà thơ Hy Lạp

*

MÀU NẮNG HƯƠNG KHÊ

Nắng trưa giãi sáng mặt đường,
Biết bao hoa mộng vô thường thoảng mây!
Ngoái nhìn trắng một đường mây
Hương Khê thuở ấy là thầy hôm nay.
Có chi xao xuyến cõi này
Lạ lùng sự sống cuối ngày lãng du
Cánh hồng vút lặng vào Thu,
Gặp thầy nhớ tuổi học trò dễ thương!
Nắng trưa tháng bảy pha hồng,
Âm giai vàng rót tơ trùng xa khơi,
Dòng sông man mác xanh đời
Bóng tre lả ngọn một thời Hương Khê.
Nghiêng đầu ta hãy lắng nghe
Thời gian trôi dạt nắng về phương nao!

Kính tặng thầy cũ Nguyễn Ngọc Giao, ngày thầy từ Belgique về thăm quê hương.
THANH SÂM 1990

*

THÁNH TÂM ĐÀ LẠT

“Con vẫn còn là người Đà Lạt”
Chốn ấy đồi thông tỏa khói sương,
Mây pha màu áo Người muôn thuở
Giọt nến hồng in bóng nguyện đường!

Con vẫn hằng nhớ về Đà Lạt!
Dù trời viễn mộng vẫn còn say,
Dù mây phiêu lãng còn bay mãi
Cánh én không mong dệt tháng ngày.

Con sẽ về chốn cũ hoàng hoa,
Về tìm giọt nắng cuối trời xa,
Mai này có nhớ trăng đồi cũ
Trên bước nhân trần vẳng tiếng xưa

Chỉ một lời Người nhắn nhủ con:
“Con có còn là người Đà Lạt không?”
Lời vàng cô tịch như kinh ngọc,
Thắp sáng tim con bóng cội nguồn!

Dòng Thánh Tâm Chúa Jesus
Thanh Sâm, Đà Lạt 1987

*
MẸ
Thời gian ngưng lại bên song,
Cánh trời quạt gió trắng trong một niềm,
Nữ trinh thi lễ bên thềm,
Quỳ nghe sứ giả tỏ niềm Quân vương!

Trời cao đổ xuống sương hồng!
Nghìn trùng đất khổ vô thường bể dâu;
Xin vâng ý cả tình sâu,
Niềm vui giao ước, nỗi đau con hiền!

Sinh nhật Đức Mẹ
THANH SÂM 08/09/1989

*

XUÂN NHƯ NIỆM

Kính tặng Thầy Thích Như Niệm

Người tắm sông Hằng, trăng mãn khai,
Đêm vàng chuông đỗ giọt sương mai;
Hương xuân thoáng động Quỳnh Hoa nở
Thấp thoáng vườn thiền một bóng ai!

Đi giữa cơn mê của vạn người,
Vòng tay Như Niệm ủ men đời,
Một mình tỉnh thức nghe nhân thế,
Mỗi sát na thương, mỗi ngậm ngùi!

Người vẫn đi qua những tháng ngày,
Nghe mùa Xuân đến giữa mây bay
Pháp Hoa Thiền Viện Trời Đâu Suất
Từng giọt chuông hồng nắng sớm mai!

Nguyện chúc mừng Xuân đẹp ý người
Cánh buồm Bát Nhã lướt trùng khơi,
Như Lai khai thị tâm vô trước*
Thân chứng viên thành Xuân Ý vui!

Tết Canh Ngọ
THANH SÂM 1990

Tâm vô trước là tâm không dính mắc, có nghĩa là không chấp kẹt vào đâu hết, thong dong
trước著 = dính mắc, đặt để vào.
vô無= không

*

BÀI THƠ CHO HƯƠNG KHÊ

Viết nhân ngày họp mặt học sinh trường Hương Khê 09/1986

Hôm nay tình gọi tình họp mặt.
Ta bỗng nhớ về một mái trường xưa.
Trường Hương Khê có còn bên đồi vắng,
Hay chỉ còn trong tim của chúng ta?!

Thôn Gia Ninh đường chiều sương khói tỏa,
Bước phiêu bồng nở rộ mấy mùa hoa
Giòng Ngân sâu bờ dâu xanh cát trắng,
Mái tóc xưa trải mộng suốt sông dài.
Bầy học sinh tuổi mười hai, mười tám
Mộng Bình Nguyên phạt Tống ngất ngây say!
Từ Bình Trị Thiên qua mấy miền khu chiến,
Đỉnh Ba Rền mây phủ góc xanh lam
Một sớm Minh Cầm, núi sông, ôi kiều diễm!
Nắng sáng trên màu xanh nải chuối ba hương

***

Tuổi trẻ trong ngần, trời đất mênh mông,
Sà cánh nhỏ trên cánh đồng hiệp phố,
Ôi Hương Khê, tấm lòng của người, ta tha thiết nhớ!
Mảnh đất khô cằn ta mãi vấn vương!
Bởi nơi đây ta biết đến tận cùng,
Nỗi nghèo khó của loài người trên mặt đất,
Ta đã biết thế nào là khổ đau và nước mắt
Tim trần gian bừng mở rộng suy tư,
Ta không còn lạc lối vào hoang vu!
Ôi người Hương Khê, đất cày lên đá sỏi,
Đã cho chúng ta những tấm lòng thân thuộc,
Đã đón chúng ta vào mái cỏ năm xưa,
Ba trăm đứa xa nhà trong ngôi làng ơn phước!
Chúng ta có những mùa trăng huyền thoại,
Những bài ca xanh vắt vẻo trên hàng cây,
Nhạc sáng lên từng vòng khoen lấp lánh sương bay!
Tiếng đàn Duy Ngọc, Hồ Công Thiềm, Phan văn Tốn,
Giọng ca vàng Ngọc Lâm, Tân Nhân, Hồng Cẩm,
Lối cỏ đi về gối mộng chốn Hoàng Hoa!

***

Có lúc tưởng mình là Giang Châu Tư Mã,
Bến sông khuya nghe khúc Hậu Đình Hoa!
Lại có khi tưởng mình là Phạm Thái,
Chén Quỳnh Như gác kiếm cuối sông Ngàn!
Cuộc sống mến thương nhau quên đi bao khổ ải,
Chia sớt cho nhau từng miếng cơm manh áo cơ hàn!
Vẫn mải mê mộng mơ làm người Chiến quốc.
Thầy Hoàng Mộng Kham lắc đầu:
“ Tuổi trẻ này nhập cuộc,
Thì làm sao thế giới khỏi giật mình!”

Chú bé tuổi mười hai ca hát chiến chinh:
“ Mẹ ơi, lúc xa Mẹ tuổi còn đang thơ bé,
Con ra đi xa xôi không hẹn ngày về,
Ngày nào con ra đi còn ghi nhớ
Tiếng của Mẹ già gọi hoài sau nương xa.
Loài giặc còn kia, chúng con chưa về,
Chờ một ngày mai, chúng con sẽ về…!”
Đến lượt quái nhân mười tám Xuân Cầu:
“Tau xứ Huế, giặc chiếm từ lâu, rầu vô kể,
Sông Hương máu giặc dầm dề,
Nhiều o đẹp lắm, mô tê, răng chừ?…”
Có cô bé mười lăm ngậm ngùi kể lể,
Về người nông dân xới đất giữa sương khuya,
“Anh cuốc mạnh quyết sống còn với đất,
Anh cuốc nhanh, kẻo trời sáng Tây lùng…”
Và Thu Nhạn thì thầm nhắn hỏi:
“ Mẹ ơi, biết đến bao giờ,
Gió đưa thuyền ngược lại bờ sông xưa ?…”
Cụ Hoàng Đức Thi, hiệu trưởng trường ta nói:
“ Ôi chao, học trò Hương Khê sao mà giỏi,
Mới nghe thì tưởng mèo khen mèo dài đuôi
Nhưng ta bảo thật ra thì đuôi không ngắn!…”
Xin tạ ơn tình nghĩa thầy trò, hai cụ Thi, Kham,
Tạ ơn thầy Giao, thầy Phồn, thầy Huỳnh, thầy Giá,
Tạ ơn thầy Miễn, thầy Long, các thầy tất cả,
Chẳng quản chi thân thế bậc cao nhân,
Buổi loạn ly dừng chân bên lũ trẻ,
Đời không so đo tính toán thiệt hơn!

***

Năm tháng trôi qua, tuổi thơ bay mất,
Đời không thiếu chi mộng đẹp không thành!
Vó ngựa hồng bay mù trong gió cát,
Chưa kịp nhìn, thế kỷ đã trôi nhanh
Chim nhớ trời xanh!
Bay theo gió lộng.
Người ta đã quên hay còn nhớ gì không?
Nay anh Phô, một sớm mai anh đến,
Gọi từng tên người vào chuyến hành hương,
Lối cũ trường xưa, tim lại hồng ánh nến,
Sáng môi cười màu mắt biếc Mỹ Công,
Và một Bích Vân môi má tươi hồng,
Ôi hỡi Tân Nhân, Mộng Huyền, Hồng Cẩm!
Tà áo tiểu thư vờn nắng dáng Hoàng Hoa!
Ơi Ngọc Lâm ơi! Giờ đây không còn nữa,
Hương tình một nén, bạn hiền xưa!
Này Ngọc Dung, này Cúc, Nho, Vụ, Định,
Này Thu Nhạn, Minh Nguyệt, Huân, Lan,
Lũ lượt đến trường,
Qua dốc hai cây bàng, nhớ thơ Trương Cảnh Đại.
Đinh Song Bạt ơi, ai trong những người tôi vừa nhắc,
Là người cùng anh múc ánh trăng vàng? !!!
Đếm tên người, ai còn ai mất
Còn thiếu thật nhiều song chẳng hề chi,
Ai còn sống trong tim người là có mặt!
Cuộc thành bại, thịnh suy, còn mất,
Là chuyện đời thường lặp lại trong đời
Tuổi trẻ chúng ta vui khổ đẹp ngời,
Vốn có sẵn từ hàng ngàn năm trước
Ngàn năm sau vẫn thế, những con người!
Chớ tiếc than chi những hão huyền mơ ước,
Có sống trở lại hơn ba mươi năm trước,
Ta cũng không làm khác được mảy may,
Ta gặp nhau vui biết có hôm nay.
Anh Phô bảo: “Hãy làm thơ cho Hương Khê ta đó,
Bài thơ cho một thời chìm khuất nẻo hoang sơ!”
Ta cúi xuống, thổi bụi mờ dĩ vãng,
Bỗng thấy mùa Xuân vô tận vô biên,
Và chân lý cũng bất ngờ lộ hiện.
“Tâm tình Hương Khê không có tuổi có tên!
Không còn nữa, mùa đông ngoài nội cỏ,
Mà chim trời sà cánh trắng thiên thu!

***

Khói lửa năm xưa nay đã tan rồi
Xin cho mây đen tan trên thân phận người
Xin cho tâm hồn không hề mệt mỏi
Xin cho an vui trên những bước thăng trầm!
Xin cho chúng ta chân thành yêu mến,
Bạn bè năm xưa không phân biệt Bắc Nam!
Xin thắp sáng lên muôn ngàn ánh nến,
Trên những nỗi vui nỗi buồn cuộc sống trần gian!
Xin cho chúng ta khiêm cung đón nhận,
Sợi tóc trắng này dấu ấn bình an!
Xin cho chúng ta vui lòng tha thứ
Những mảnh vụn hẹp hòi, vị kỷ, nhỏ nhen!
Và xin cho bao gian nan và nghèo khó
Sẽ trở thành lời chúc phúc vô biên !

Sài Gòn 09/09/1986
THANH SÂM

Chuyên mục:Văn Thẻ:
  1. Đinh Thành
    14/03/2012 lúc 11:24

    ” Xin cho chúng ta chân thành yêu mến
    Bạn bè năm xưa không phân biệt Bắc Nam!

    Xin cho chúng ta vui lòng tha thứ
    Những mảnh vụn hẹp hòi, vị kỷ, nhỏ nhen
    Và xin cho bao gian nan và nghèo khó
    Sẽ trở thành lời chúc phúc vô biên ! ”

    Ý thơ thật cao đẹp, mong lắm thay cho đất nước dân tộc VN này!
    Nhưng, nhà cầm quyền của cái đcsvn hiện tại,có bao giờ nghĩ tới điều cao đẹp ấy đâu!
    Tất cả chỉ có quyền lợi của cái tập đoàn đcs…là trên hết, đất nước, dân tộc, chẳng là gì cả!!!!!!

  2. Trần thị Bảo Vân
    14/03/2012 lúc 15:37

    Chị Ba, chị Năm: Xem năm và nơi sáng tác của các bài thơ (từ 1986 – 1990) thì Út đoán nhà văn còn ở trong nước, vậy những sáng tác thơ này của bà có được in hay phổ biến ở trong nước không, hay là khi định cư ở nước ngoài bà mới phổ biến, và được in?
    À, cho Út tò mò hỏi thêm hai chị một ý nhỏ nghen: Bà ra định cư nước ngoài vào năm nào, và đi thuộc trường hợp nào vậy?

    • Mai
      14/03/2012 lúc 19:11

      Út Vân: Chị Quỳnh Trân cho biết những sáng tác thơ của tác giả Nguyễn thị Thanh Sâm chưa bao giờ đưa ra cho đăng ở bất cứ báo, hay sách nào.
      Gia đình bà định cư ở Mỹ năm 1991, do người con gái lớn đi Mỹ năm 1975 bảo lãnh.

      • Mai
        15/03/2012 lúc 17:24

        Chị sẽ chuyển lời đến chị Quỳnh Trân.
        Cám ơn em.

      • Trần thị Bảo Vân
        15/03/2012 lúc 20:52

        Dạ, Út cám ơn chị Ba đã nhiệt tình hỏi chị Quỳnh Trân, thân nhân của bác nhà văn NTTS, để giải đáp những ý hỏi của Út ạ.

      • Mai
        16/03/2012 lúc 18:27

        Phay Van: Chị Quỳnh Trân nhờ chuyển lời cám ơn đến em đã giúp tìm lại “Cõi Đá Vàng”

      • 16/03/2012 lúc 19:35

        Dạ, cảm ơn Chị Nguyệt Mai và Chị Quỳnh Trân.
        Anh Phaolo ơi, em cần phải cảm ơn anh nhiều lắm.

  3. Trần thị Bảo Vân
    14/03/2012 lúc 15:39

    Chị Ba, chị Năm: Út có tình cờ đọc bài thơ “Tình ca Savedra” ở trang DUNG LAC, trang này có một chi tiết thông tin: “đến năm 50 tuổi, bà vào Đạo, tên thật là Maria Máctina Nguyễn thị Thanh, rửa tội tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Sài Gòn, ngày 15/8/1983 ”

    Thông tin trên về tác giả Cõi Đá Vàng, có đúng không hai chị?

    • Mai
      14/03/2012 lúc 19:18

      Bảo Vân: Chi tiết này đúng, nhưng em viết sai tên thánh của bà.
      Đến năm 50 tuổi, Bà mới vào Đạo, tên thánh là Maria Martino, rửa tội tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Sài Gòn, ngày 15/8/1983 .

      • Mai
        15/03/2012 lúc 17:26

        Cám ơn em, Phay Van, đã sửa lại sai sót giúp chị,

    • Trần thị Bảo Vân
      15/03/2012 lúc 20:55

      Chị Ba ơi, ở nhà chị Năm, cũng như khi Út vào đọc ở Blog bác nhà văn THT, biết được bác nhà văn NTTS có 5 người con, vậy cho Út tò mò hỏi tìm hiểu một câu “tế nhị” nữa được không chị Ba?

      – Năm người con của bà hiện nay vẫn..còn đầy đủ chứ? Nghề nghiệp của các anh chị ấy?Có ai hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật – văn, thơ, nhạc, hoạ..sĩ -? và có ai còn “bị kẹt” ở lại VN không?

      Chị Ba, chỉ là cái.. “tánh xấu tò mò” của Út, nếu chị Ba thấy không tiện, thì chị Ba không cần giải đáp cho câu hỏi này của Út cũng được. ( nhưng, Út vẫn muốn biết lắm lắm..hihihihihii..)

      • Mai
        16/03/2012 lúc 18:25

        Út Vân:
        Tất cả những người con của bà hiện nay đều sinh sống ở nước ngoài nhưng không có ai theo nghiệp văn chương.

  4. Trần thị Bảo Vân
    14/03/2012 lúc 15:41

    À, Út em quên, còn 2 chi tiết út em lấn cấn nữa:

    1/ Bài “Tình ca Savedra” em đọc ở trang THANH SÂM – Dung Lac, câu thứ 7 là:
    ” Đứng đầu XIN NHỚ là tôi ”
    Còn trong entry này thì: ” Đứng đầu TÊN ĐÓ là tôi ”

    2/ Phần chú thích ở trang THANH SÂM – Dung Lac, cho biết SAVEDRA : là thi sĩ Châu Mỹ La Tinh.
    Còn chú thích trong entry này SAVEDRA : là một nhà thơ HY LẠP.

    Vậy chị Ba có thể hỏi chị Quỳnh Trân lại, xem 2 chi tiết thông tin trên, chi tiết nào là chính xác, được không chị Ba?

  5. Mai
    14/03/2012 lúc 19:32

    Út Vân: Như chị đã trả lời cho em, thơ của Bà chưa bao giờ đưa ra cho đăng ở bất cứ báo, hay sách nào. Gia đình không biết vì sao lại có ở báo “Dung Lạc“. Bà chỉ chia sẻ với các Cha Dòng Chúa Cứu Thế và các học trò Giáo Lý của Bà. (Bà có đi dạy Giáo lý ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế VN và Porland Oregon).
    Chị Quỳnh Trân đã gõ lại nguyên văn những bài thơ đăng ở trang này từ cuốn tập viết tay của tác giả.

    • Lãng Tử
      14/03/2012 lúc 19:50

      Hôm nay vào đọc bài, rồi đọc comments của cháu Bảo Vân, tôi tò mò gõ google vào trang mà cháu Bảo Vân chia sẻ, thì thấy như cháu nói, cô Mai vào xem thử nhé:

      Gõ google: ” THANH SÂM – Dung Lac “

  6. Lãng Tử
    14/03/2012 lúc 20:15

    Tên người thì có thể trùng nhau, chẳng hạn ví dụ một vài tên tuổi sau:

    1/ Savedra ( Cervantès) tác giả Don Quichote, người Tây Ban Nha
    2/ Savedra ( Carlos ), người Argentina – Châu mỹ la tinh – , Nobel Hoà bình 1936
    ……..
    Vậy nếu có thể được, vì tác giả CĐV và các bài thơ trên còn sống, và có người thân bên cạnh, thiết nghĩ cũng nên cần xác định và khẳng định lại cho chính xác thông tin này, để tránh tình trạng “tam sao thất bổn” đáng tiếc cho những người quan tâm muốn tìm hiểu về sau này vậy.
    Và càng tốt hơn nữa, nếu được chính tác giả hoặc người thân..post lên bài thơ của Savedra, thi sĩ Hy Lạp, mà tác giả TS đã dựa vào ý thơ của thi sĩ này để sáng tác.
    Bởi tôi nghĩ tác giả CĐV Nguyễn thị Thanh Sâm, giờ đây sẽ có rất nhiều độc giả tìm đọc cũng như tìm hiểu về bà.
    Cần và đáng làm lắm chứ, muộn còn hơn không, khi còn có thể, tôi nghĩ vậy!

  7. Mai
    14/03/2012 lúc 20:55

    Kính anh Lãng Tử,
    Hiện nay bà Thanh Sâm bị bệnh…lại già cả….nên Nguyệt Mai rất tiếc không thể đáp ứng câu hỏi này của anh được. Xin anh đừng buồn Mai nhé.

    • Lãng Tử
      15/03/2012 lúc 10:56

      Không sao cả cô Mai ạ.
      Nếu được thì quý, còn không được vì điều kiện không cho phép..thì chịu vậy.
      Vui cô nhé.

      • Mai
        15/03/2012 lúc 17:29

        Cám ơn anh Lãng Tử rất nhiều đã thông cảm.

  8. Công Thành
    15/03/2012 lúc 15:14

    Mấy hôm nay bận quá không vào chơi được, hôm nay lướt vào thăm trang nhà Phay Van một chút đây…
    Cô Nguyệt Mai và Phay Van: Vâng, cá nhân tôi đọc, cũng cảm nhận bài thơ “Tình ca Savedra” là một bài thơ hay.
    Vậy, nếu có thể, thì gợi ý đề nghị nhà văn THT trong lần in tái bản CĐV tới, nên chăng chọn bài thơ “Tình ca Sevadra” in thêm một trang chung, sau truyện, như để gọi là giới thiệu thêm với độc giả?

    • Mai
      15/03/2012 lúc 17:37

      Cám ơn anh Công Thành đã góp ý. Nguyệt Mai sẽ chuyển ý kiến này đến nhà văn Trần Hoài Thư. Mai chỉ e sách đã quá dày (414 trang), khó đóng. Trước mắt, tạp chí Thư Quán Bản Thảo số 51 sẽ giới thiệu “Cõi Đá Vàng” trong mục di sản văn chương miền Nam, nhân đó cũng giới thiệu một số bài thơ của tác giả Thanh Sâm, trong đó có bài “Tình ca Savedra”.
      Luôn vui anh Công Thành nhé.

  9. Công Thành
    15/03/2012 lúc 15:32

    Đã bắt đầu có nhiều độc giả tìm đọc CĐV của NTTS, chẳng hạn Google search tôi thấy có 2 trang này:

    1/ ” DIÊN HOÀNG: tìm ra “
    2/ ” CÕI ĐÁ VÀNG – Nguyễn thị Thanh Sâm – BLOG CHUYỆN BÂNG QUƠ “

    Vậy tại sao cô Mai và cô Phay không post lên bài, có đại ý…”Từ đâu mà CĐV…hồi sinh, ra mắt độc giả”, để người đọc có thể biết thêm và đồng cảm rõ hơn về “số phận truân chuyên” của Cõi Đá Vàng?

    • 15/03/2012 lúc 15:57

      Chắc phải chờ Chị Nguyệt Mai quyết định anh Công Thành ạ, vì bài viết là của Chị Mai. Những ai đã theo dõi từ đầu thì đã hiểu chuyện, nhưng những người tình cờ ghé qua thì sẽ không rõ nguyên nhân. Cho nên nếu đăng bài của Chị Nguyệt Mai thì vô tình nhắc lại chuyện ai cũng biết rồi (đối với người cũ), nhưng lại là thú vị (với người mới).
      Cảm ơn đề nghị thú vị của anh.

    • Mai
      15/03/2012 lúc 17:49

      Cám ơn đề nghị này của anh.
      Nguyệt Mai chỉ sợ gây nhàm chán đối với các bạn ở trang này, là những người đã hiểu chuyện, nên đã tóm tắt cho gọn trong phần giới thiệu “Cõi Đá Vàng” – chương 34 ở entry trước.
      Vậy Nguyệt Mai xin ý kiến của cả nhà. Nếu tất cả các bạn đều thích đăng bài viết “Hành trình của Cõi Đá Vàng” (Thay lời mở) của Nguyệt Mai thì xin cho biết. Mai sẽ nhờ nàng Phay post lên trong một lần tới.
      Cám ơn tất cả các bạn.

      • Trần thị Bảo Vân
        15/03/2012 lúc 20:59

        Chị Ba, chị Năm ơi,
        Còn xin ý kiến gì nữa, Út thấy góp ý của bác Công Thành là rất hợp..tâm lý!
        Bởi lẽ:
        1/ Người đọc nào, khi đọc hoặc tìm hiểu một tác phẩm bất kỳ nào đó, cũng đều tò mò muốn biết, cũng như tìm hiểu cặn kẻ ngọn nguồn những gì có thể, về những chi tiết liên quan đến tác phẩm ấy ( như Út, chẳng hạn! hihihihi..), huống hồ chi CĐV – một tác phẩm giá trị – lại có số phận “long đong” tới hơn 40 năm của nó.
        2/ Theo links bác Công Thành dẫn, thì rõ ràng đã có nhiều người bắt đầu tìm đọc, và những người đọc này cũng chưa nắm được nhiều thông tin về “số phận long đong” của CĐV, và con đường dẫn tới sự “hồi sinh” của nó.
        3/ Trang nhà chị Năm, chắc chắn trong tương lai sẽ có nhiều người đọc tìm, hoặc..tình cờ vãng lai ghé vào đọc, post lên như thế sẽ rất thuận tiện cho người đọc tìm hiểu. ( như trường hợp chị Cam Li tình cờ ghé đọc các bài ở nhà chị Năm, rồi “rỉ tai” lại cho chị Ba vào đọc vậy, đến nỗi giờ này chị Ba “không thể nào dứt áo ra đi được”…hihihihihi..

        Út bỏ phiếu.. “giơ hai tay hai chân”..ĐỒNG Ý !!!!

      • Phạm Sơn
        15/03/2012 lúc 23:30

        Tôi nghĩ cũng cần nên post lên giới thiệu, để những người mới vào đọc trang Phay Van, như tôi chẳng hạn, thuận tiện tìm hiểu và biết thêm hơn.
        Có thể post vào bài này cũng được.

      • Ngô Tấn
        16/03/2012 lúc 10:33

        Theo thói quen, hàng ngày ít nhiều tôi hay vào đọc VOA, trang của Ts Nguyễn Hưng Quốc.
        Sáng nay vào đọc, trong 151 comments “bình luận”, tôi thấy có 3 comments đề cập đến Cõi Đá Vàng của các “còm sĩ” giới thiệu.
        Cô Mai và cô Phay Van và các bác xem thử nhé.

        ” Nguyễn Hưng Quốc- Trung Quốc: hiếu hoà hay hiếu chiến? “

      • Võ Trung Tín
        16/03/2012 lúc 15:27

        Ròm em cũng nhất trí!
        Bởi vì, Cõi đá vàng là tác phẩm của một giai đoạn”lịch sử” độc đáo để đời độc nhất của bà, và cũng của cả miền Nam trước 1975 , nó vạch trần cho mọi người thấy cũng như rùng mình, về cái bộ mặt thật trong chủ trương của cộng sản với những người thuộc thành phần tiểu tư sản, dù chỉ là ở một khía cạnh!
        Do đó những chi tiết liên quan đến truyệnCĐV được tái bản, cũng cần cho người đọc hiện nay và các thế hệ sau này biết đến chứ.

      • Mai
        16/03/2012 lúc 18:22

        Anh Công Thành và các bạn thân mến,
        Nguyệt Mai chân thành cám ơn sự góp ý của tất cả các bạn. Nguyệt Mai sẽ gởi nàng Phay bài viết “Hành trình của Cõi Đá Vàng” để post lên trang nhà rất thân thương của tất cả chúng mình.
        Mong rằng lúc đó bồ tèo Nha Trang của Nguyệt Mai sẽ trở lại sau những ngày dài bận chút việc riêng.

      • 16/03/2012 lúc 19:36

        Dạ, em cũng đang mong tin của Chị Nha Trang đấy, Chị Nguyệt Mai ơi.
        Chị Nha Trang ơi, Chị ở đâu rồi?

  10. Mai
    15/03/2012 lúc 17:39

    Cám ơn Hà Bắc đã thích thú với entry này.
    Thỉnh thoảng ghé nhà Phay Van chơi nhé.

  11. Mai
    15/03/2012 lúc 18:02

    Trong “Bài thơ cho Hương Khê”, tác giả có nhắc đến tên những bạn đã cùng học chung dưới mái trường Hương Khê, trong đó có tên Tân Nhân. Nguyệt Mai tìm hiểu, thì được biết cô Tân Nhân là một ca sĩ rất nổi tiếng của miền Bắc.
    Nguyệt Mai xin gửi đến các bạn bài nhạc “Xa Khơi” của Nguyễn Tài Tuệ do cô Tân Nhân hát.

    • 16/03/2012 lúc 08:33

      Cảm ơn Chị Nguyệt Mai. Cả nhà có thể xem tiểu sử cô Tân Nhân tại đây.

      • Ngô Tấn
        16/03/2012 lúc 10:58

        Tôi xin lỗi trước, tôi không muốn đả kích bất cứ ai, bất cứ cá nhân nào, nhưng cho tôi nói thật cảm nghĩ của mình:

        Những người gọi là nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, những NSND, NSƯT…được đào tạo ở các nước xhcn, đúng nghĩa, thì họ chỉ là những con rối, những con Robot…được/bị nhồi sọ, nhào nặn…để phục vụ theo ý đồ “vô nhân văn, vô nhân bản” của đcs mà thôi..(Tố Hữu, Phạm Tuyên… là những minh chứng hùng hồn)
        Một vài dẫn chứng của những “nghệ sĩ ưu tú cs”..một thời tên tuổi, mà nói đến ai cũng biết, nếu ta đã đọc:

        1/ Tô Hải, với cuốn: “Hồi ký của một thằng hèn”
        2/ Lê Vân, với cuốn: “Lê Vân – Yêu và Sống”

        và ngoại lệ, nội dung truyện CÕI ĐÁ VÀNG, cũng là một minh chứng đấy chứ!

  1. No trackbacks yet.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: