Trang chủ > Văn > Cõi Đá Vàng (chương XXXIV)

Cõi Đá Vàng (chương XXXIV)

(Trong entry “Cõi Đá Vàng (đọc sách)”, em đã xóa đi hai comments viết sai sự thật về tác giả Nguyễn thị Thanh Sâm. Sở dĩ có việc sai sót này là vì khi google search “Cõi Đá Vàng- Nguyễn thị Thanh Sâm”, em đã lấy tất cả thông tin có được từ nhiều nguồn khác nhau về tác giả và tác phẩm, mà không có cơ hội kiểm chứng. Đây là một việc làm sai và lỗi bác ái. Em rất mong được tác giả và gia đình lượng thứ- PV)

CÕI ĐÁ VÀNG
truyện dài
của Nguyễn thị Thanh Sâm
Sách dày 414 trang.
An Tiêm xuất bản tại Saigon năm 1971
Thư Ấn Quán tái bản tại Hoa Kỳ tháng 1 năm 2012
Bìa: Đinh Cường
Tủ Sách Di Sản Văn Chương Miền Nam
liên lạc: tranhoaithu@yahoo.com

.

Các bạn thân mến,

Từ những comments trao đổi của Nha Trang và Phay Van để rồi Phay tìm tất cả những chi tiết liên quan đến cuốn sách “Cõi Đá Vàng” mong các bạn cùng nhau chia sẻ trong “Cõi Đá Vàng (đọc sách)”. Những tưởng cuốn sách đã đi vào hư vô không còn tìm lại được sau trận phần thư năm nào, thì may mắn thay, anh Phaolo, trong khi Google search về tin tức cuốn sách “Cõi Đá Vàng” cho một người thân, đã thấy trang blog Phay Van trong số kết quả tìm kiếm. Anh đã mượn của thư viện Cornell (Hoa Kỳ) qua trung gian của thư viện địa phương và đánh máy tặng lại cho các bạn ở trang nhà Phay Van. Nguyệt Mai đã gửi quyển ebook này cho họa sĩ Đinh Cường. Thật bất ngờ, ông cho biết ông là bạn của vợ chồng tác giả, và nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn đã lấy ngôi nhà của họ ở Đà Lạt làm bối cảnh cho truyện ngắn “Nhà có hoa mimosa vàng”. Được tin tác giả đang bị bệnh, nhà văn Trần Hoài Thư có nhã ý in lại cuốn sách để tặng tác giả hiện đang sống tại Seattle.

Nguyệt Mai muốn nói lên lời tri ân với tác giả Nguyễn thị Thanh Sâm đã viết một cuốn sách quá hay, cũng như tỏ lòng biết ơn đến nhà văn Trần Hoài Thư, anh Phaolo, họa sĩ Đinh Cường và chị Kim Nhung đã giúp cuốn sách trở lại với đời, để cho bạn đọc, nhất là lớp trẻ sinh ra sau năm 1975, được biết rằng văn chương miền Nam đã có một thời thật đẹp và thật hay như thế.

Hôm nay Nguyệt Mai trích ra một chương để chúng ta cùng đọc với nhau, bạn nhé!

Tiểu sử tác giả:
Bà Nguyễn thị Thanh Sâm là cựu học sinh trường Trung học Đồng Khánh, Huế.

Sinh ngày 06 tháng 01 năm 1933 tại xã Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam.

Quê quán: Làng Thế Chí Tây, Huyện Phong Điền, Huế.

Chồng của nhà văn Thanh Sâm là Ông Phan văn Tốn, một sĩ quan QL VNCH, nguyên là Quận trưởng quận Khiêm Đức, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đức, sau đổi qua làm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Đà Lạt, kiêm Quân Trấn Trưởng, kiêm Phó Tỉnh Trưởng Nội An Đà Lạt. Trung Tá sau được vinh thăng Đại Tá. Tử trận vì một quả mìn ở đồn “Kim Thạch”. Vì vậy, quyển sách này có tên là “Cõi Đá Vàng”.

.

CHƯƠNG XXXIV

Tháng 10 năm 1951

Người ta giải đến trại thêm thật nhiều tù nhân, kể có đến hàng trăm, con số nhập trại cao nhất từ trước đến nay, công tác dựng thêm lều trại được tiến hành gấp rút, lều của Trần và Huỳnh được nhận thêm hai người nữa, một người đứng tuổi gốc Bình Định tên Liêu, và một người trẻ tuổi tên là Bằng, người Bắc.

Tuy những vết đòn vọt trên mình hai người tù mới chưa lành hẳn, sáng nay họ phải đi theo Huỳnh và Trần cùng các tù nhân khác vào rừng lồ ô để chặt nứa. Những ngày có nắng thật hiếm hoi trong mùa này, nhưng nắng lại càng làm hơi lạnh khí núi thêm rét buốt. Những tù mới đều ngạc nhiên khi thấy trời lạnh như cắt ruột mà đám tù cũ đều nhất loạt cởi áo nhét vào bụi tre gần đó để mình trần lạnh run mà làm việc, họ đốn ngã nhưng thân cây lồ ô già vàng cả gốc để về đập dập ra ráp lại thành những tấm phên để dựng lên những lều mới.

Huỳnh giải thích cho Bằng và Liêu, hai người mới đến cùng ở chung lều với mình nghe:
– Những cành lồ ô nó có mắt bén nhọn như dao, mình phải rọc hết cành lá nó đi để dễ vác cây về, có lúc cành nó bật lên móc vào áo rách nát tả tơi là thường, như vậy rất có hại các cụ biết không. Thà chịu lạnh một chút rồi làm việc, đẵn cây đều đều nó nóng người lên, chứ áo mà rách thì lấy gì mà vá, mùa đông còn dài dặc thế kia.

Bằng nhìn những vết xây xát chi chít trên mình Trần và Huỳnh, có vết sẹo như dao chém, nhíu mày hỏi:
– Những vết gì trên người các anh thế kia?
– Cành lồ ô nó bật lên, nó chém phải đấy.

Bằng chán nản.
– Nó không móc rách áo, mà nó chém bật máu mình ra thì cũng vậy.

Huỳnh bổ nhát rựa ngập sâu vào một thân cây lồ ô xanh ngắt:
– Cũng vậy sao được, da thịt con người bị rách thì còn mong ăn no ăn đói gì nó cũng liền lại, chứ áo mà rách thì còn nhiều khốn đốn. Hãy nhớ cho kỹ nguyên tắc đó mới mong sống qua mùa đông ở đây đó, các cụ ạ.

Trần giục giã hai người bạn mới:
– Thôi xin hai ông cởi phăng áo ra mà làm việc ngay cho con nhờ, kẻo tụi kiểm soát nó đến nó thấy các cậu ấm đứng phất phơ tán gẫu nó lại phạt nằm hầm tối đút chân vào cùm tha hồ cho rệp đói nó ăn thịt bây giờ.

Liêu nghe lời, anh ta cởi áo ra trước, vừa run lẩy bẩy vừa nói với Bằng bằng giọng đặc Bình Định của anh ta:
– Cởi áo ra đi em, không lạnh lắm đâu, lạnh như vậy thấm tháp gì, hồi trước mình đi hành quân đánh đồn nửa đêm tháng chạp có lúc phải lội qua suối, nước dâng ngập đầu lạnh như có ai cầm dao cắt ruột mà cũng chẳng chết ai, huống chi chừ, chừ thì ăn thua gì nữa, tới đây là cùng tận rồi, khỏe rồi, cởi áo ra đi em.

Nét mặt chất phác thật thà của Liêu không biểu lộ vẻ gì cả, người ta khó đoán được khi nói như vậy anh ta buồn hay vui. Trần nhìn da mặt rám nắng đã ngả màu tro của Liêu, đôi mắt thật tròn, thụt sâu vào, cái nhìn rụt rè lẩn tránh, sống mũi thô tháp gồ lên, miệng anh ta cong một tí đầu khoé môi khi cười có vẻ móm, chiếc cằm vuông đều đặn, người ta không thể đoán được Liêu bao nhiêu tuổi, từ ba mươi đến năm mươi, tuổi nào cũng có vẻ thích hợp với anh ta. Nghe giọng nói rặt thổ âm của Liêu, Trần nghĩ đến xứ dừa xanh ngắt, chàng đã từng ở Tam Quan một năm khi còn bé theo cha đến làm việc ở đó. Sau lưng người tù trung niên này có những hàng dừa xanh bát ngát trùng điệp, bóng mát rợp che chở quê hương anh, mái nhà, mảnh sân của anh im mát từ sáng đến chiều, có những cô gái má hồng môi thắm bện vỏ dừa căng dây dưới những gốc cây lả ngọn xanh mướt, hò hát qua những đêm trường, ánh trăng lọt qua kẽ lá dừa rơi vãi tung tóe loang lổ cả mảnh sân, bóng cành lá đu đưa theo câu hò giọng hát trong tiếng sóng biển rạt rào. Ở đó Liêu đã sinh ra, đã lớn lên trong bóng dừa im mát đó, trong ánh trăng câu hò điệu hát đó, trong tiếng sóng biển rào rạt muôn trùng đó. Trần nghĩ đến những cơ duyên phi lý và không kém phần thảm khốc của cuộc đời đã bứng con người ta ra khỏi cội rễ của nó, lăn nó qua ghềnh qua thác để đến đây, với thực tại một hình hài trơ xương gầy guộc đang run đây đẩy trước mắt chàng, trong khu rừng lồ ô nơi thâm sơn cùng cốc này. Người con trai xứ dừa Bình Định ngày nào đứng hiên ngang trên bãi biển quê hương cho nắng gió mang mùi trùng dương ươm lên tấm thân trai tráng, giờ đây chỉ còn là kẻ tội tù ngơ ngáo, cũng như Trần, cúi đầu đẵn những gốc lồ ô này vác về để dựng nhà giam chính mình, vót những vạt nhọn để làm những hầm chông gài bẫy chính mình.

Bằng vùng vằng cởi áo ra như muốn giựt đứt những khuy áo ra:
– Tôi đâu có sợ rét, nhưng khốn nạn, những vết thương trên người tôi nhức nhối quá, ừ, cởi bố nó ra lại đỡ vướng, đỡ đau, hừ, không gãy cái xương sườn nào cả thì cũng lạ. Hãy nhìn đây này.

Bằng trạc hai mươi tuổi, dáng người cao, mảnh khảnh vẻ thư sinh, hắn có một cái nhìn tăm tối, hoài nghi, đôi mày rậm, hai đầu mày gần như giao nhau, đôi mắt phủ đầy bóng tối dưới hai hàng lông mi dài thượt, sống mũi thanh tú, vừa vặn làm hiền bớt vẻ dữ tợn của đôi môi thật đẹp luôn luôn mím chặt. Y đột ngột quay lại hỏi Trần:
– Anh đã bị chúng lấy chày giã gạo tộng vào ngực anh chưa?

Trần điềm đạm trả lời:
– Chưa.
– Thế chúng nó trị anh bằng loại gì?
– Không bằng loại gì cả.

Bằng bực tức:
– Như thế có nghĩa là anh không bị tra tấn đánh đập?
– Đúng như vậy.

Bằng nhìn Trần với ánh mắt thù nghịch, những bóng tối trong đôi mắt trẻ trung của y gần như tụ lại, y đổi giọng:
– Ê, tớ nói thật, người anh em ở cùng lều với tớ cứ tha hồ mà báo cáo với tụi cán bộ nhé, tớ đếch có sợ gì nữa. Hồi tớ hoạt động bí mật trong nội thành, tụi mật thám Tây nó bắt được tớ chúng nó nện cho tớ nhiều trận ra trò nhưng phải ra kháng chiến rồi bị kháng chiến bỏ tù tớ mới nếm cái trò lấy chày giã gạo mà tộng vào ngực đấy, làm như ngực mình là cái cối gạo không bằng. Trò này không vỡ tim thì cũng vỡ phổi, không vỡ phổi cũng vỡ mật, không vỡ mật cũng gãy xương sườn. Tớ thấy cấn cái trong này quá – Bằng lấy tay chỉ vào ngực – chả biết trong này có cái gì đã nát ra thành cám chưa. Tớ đếch có đẵn cây, lỡ trong ngực tớ tim hay phổi nó đã long ra rồi nhưng còn dính lủng lẳng chưa rời ra, đẵn cây bổ mạnh xuống nó theo đà, nó rơi tuột ra luôn thì bỏ mẹ. Tội nghiệp mẹ tớ, níu lấy tớ khóc ròng mà tớ cứ dứt ra đi theo chúng nó cho bằng được, bây giờ tớ cố níu giữ cái tim phổi tớ thì cũng như vậy, mà nào có níu giữ được, nó cứ chực tuột ra đấy thôi.

Bằng ngồi bệt xuống đống lá ẩm mục, ôm ngực, mặt tái mét, lải nhải:
– Ừ, tớ đếch có đẵn cây làm gì cả, tớ bỏ nhà ra đây để đánh Tây, bảo tớ tiểu tư sản không cho tớ đánh Tây thì tớ về với mẹ tớ. Giản dị có thế thôi mà chúng nó cũng không chịu, lôi tớ trở lại đem bỏ tù lại còn lấy chày giã gạo giã vào ngực tớ, giờ lại bắt tớ đẵn cây cho tim phổi tớ nó tuột hẳn ra, thà không xài cứ việc bắn chết, so sánh thì tụi mật thám Pháp chúng nó còn nhân đạo hơn người kháng chiến đối xử với nhau như thế này nhiều. Tớ nói thế đấy, người anh em được chúng nó đối xử tử tế không đánh đập cứ việc đi báo cáo đi. Tớ thích một viên đạn vào đầu còn hơn cái chày giã gạo nện vào ngực tớ.

Trần nhìn bên ngực Bằng bầm đen một khoảng rộng ở giữa, trên vai, trên hai cánh tay hắn chằng chịt những vết roi lở loét mưng mủ, chàng nghĩ chắc sau lưng hắn cũng bèo nhèo không kém, những chỗ da còn lại thật mịn màng còn giữ sắc mơn mởn của tuổi trẻ mới lớn lên. Chàng dịu giọng nói với Bằng:
– Này chú bé, nếu chú thật tâm thích một viên đạn vào đầu thì rồi chúng ta hãy tính sau. Bây giờ hãy đứng lên đi, vắt nó bò đầy cả lên quần và chân chú kìa, giống vật nhỏ bé này nó cũng làm đổ máu không kém mật thám Pháp, không kém phòng tra tấn của trung tâm Tây Hạ này đâu. Ừ, phủi nó đi, còn hai con ở bên kia nữa, thôi hết rồi đấy, chú mày cũng khá đấy. Mặc áo vào kẻo cái rét này nó cũng rút được tim phổi chú mày ra ngoài được đấy, đừng có bày đặt. Này, hãy cầm cái rựa này cho sẵn trong tay, chịu khó đi quanh quất đâu đó, để chúng ta đốn cây cho chú, miễn có đủ số thì thôi, nếu cán bộ kiểm soát nó có đi trờ tới, xin chú mày chịu khó bổ vài nhát vào cây cho tôi nhờ, đừng làm rắc rối thêm, sức chú mày chịu đựng thêm nữa không nổi đâu. Tối nay về ta sẽ săn sóc cho chú mày, không chết đâu mà sợ, trông mặt chú mày không đến nỗi nào đâu. Đứng quanh quẩn đây thôi chứ đừng đi đâu xa, nhất là đừng nghĩ đến chuyện trốn, nhớ kỹ như vậy, chưa phải lúc, rừng quanh đây có rất nhiều hầm chông. Chúng ta xem như được tự do đi trong khu vực được chỉ định, nếu đi quá sẽ mất mạng như bỡn với hầm chông.

Bằng làm theo lời Trần nhưng vẫn giữ vẻ hậm hực, y hỏi gặng:
– Thế anh là cái thá gì, bộ anh là cha chúng nó hay sao mà vào đây không bị chúng cho nhừ đòn? Nếu không phải là chúng nó cho anh trà trộn vào chúng tôi để dò xét hành động ý nghĩ của chúng tôi để tâu lại với chúng nó, trò đó xưa nay ai còn lạ gì.

Huỳnh tự nãy giờ vẫn chặt cây đều đặn, bỗng dừng tay gọi:
– Ê, chú bé, thắc mắc hoài, để ta giải thích cho, thằng này không phải là cha chúng nó đâu, mà là ông cao tằng cố tổ của chúng nó lận, mà chúng nó thì mới đánh cha, tổ ông nội thôi chứ ta chưa thấy nói chúng nó tố khổ đánh đập đến ông cao tằng cố tổ của chúng nó được. Thôi, giải thích như vậy được rồi chứ, bây giờ chú xê ra chơi đi cho các anh làm việc, phải chặt thêm cho đủ số hai chục cây của chú mày không phải chuyện đùa. Hồi ta mới vào đây ta bị chúng nó tẩn còn kỹ hơn chú mày bây giờ nhiều, bằng lòng chứ. Thôi đi chỗ khác cho nó mát, mau lên, kẻo ta lại đập thêm cho một trận bây giờ.

Bằng vùng vằng xách cái rựa đi tới khóm lồ ô gần đó:
– Tôi cũng đi chặt cây đây, tôi đếch cần các anh chặt hộ, tớ không thích làm chứ tớ đếch sợ chết đâu.

Huỳnh hầm hừ:
– Hừ, ta cũng đếch cần biết chú mày thích hay không thích cái gì. Nói dai như giẻ rách, nhức cả óc.

Có đám mây đen đùn lên như một chiếc nấm khổng lồ che khuất cả mặt trời, một đường mỏng sáng chói viền quanh đám mây, khu rừng đột nhiên âm u như chiều gần tối; có tiếng trời gầm chuyển động khắp nơi, xế trưa không khí trở nên oi nồng ngột ngạt.

Trong phút chốc đám mây lan tỏa khắp bầu trời, những tia chớp sáng lòe giữa không trung, một cơn gió nổi lên ào ào, cả rừng lồ ô vặn mình kêu răng rắc, cùng lúc cơn mưa trút xuống, những giọt mưa thật lớn rơi xuống kêu bồm bộp. Ngọn gió mãnh liệt cuốn màn mưa vút nghiêng quất xéo xuống khu rừng đang rạp mình như chịu tội trước cơn lôi đình của tạo hóa.

Thỉnh thoảng một lằn chớp xanh lòe, những tiếng nổ ầm tiếp theo một tiếng sét xé trời. Đám tù nhân không ai bảo ai, mọi người đều mạnh ai nấy chạy tìm chỗ ẩn núp. Khi Trần, Liêu và Bằng chui lọt vào trong một cái chòi bằng lá mà tù nhân che rải rác trong rừng để đề phòng những trận mưa bất thần, Trần quay lại kêu lên:
– Quái lạ, không biết thằng Huỳnh nó chạy đi đâu mà không có ở đây nhỉ, vừa mới thấy nó chạy sau chúng mình mà.

Liêu gật đầu:
– Tôi cũng thấy anh ấy chạy sau, chắc anh ấy tạt vào đâu đó, không muốn chạy xa, sợ ướt chứ gì.

Cả ba người đều bị ướt cả thật, tóc họ xõa xuống trán, nước từ mái tóc chảy giọt xuống mặt họ. Họ rũ những chiếc áo ra để mặc vào người. Khi chạy ngoài mưa họ vo tròn áo lại, ôm vào ngực cho khỏi bị ướt, những cái áo bây giờ mặc vào trông nhàu nát bẩn thỉu với những chỗ ướt chỗ khô lem luốc. Nhưng không ai chú ý đến điều đó. Trần nhìn Bằng lầm lì ngồi giạng chân trên một thanh củi cháy nửa chừng, gương mặt ủ rũ, miệng hơi há ra để thở vì phải chạy một quãng đường khá xa. Trần chú ý đến gương mặt đẹp trai và xanh ngắt thật trẻ trung của Bằng và đôi mắt u tối một cách lạ lùng. Chàng buột miệng hỏi:
– Bằng đi kháng chiến bao lâu rồi?

Không buồn quay lại, Bằng xòe ba ngón tay bỏ thõng xuống đầu gối, trả lời nhát gừng:
– Ba năm.

Một cơn gió xoáy mạnh vào chỗ ngồi của họ, tạt mưa và một luồng hơi lạnh từ dưới đất dội lên, hắt vào mặt họ. Mùi lá cây ẩm mục, mùi hơi đất khét lẹt, nhưng trong đó, còn trộn lẫn một cách mơ hồ, không phân biệt nổi, một làn hơi nồng ấm buồn buồn của mùa thu đã đi qua đây, hãy còn ngập ngừng luyến tiếc.

Trần đưa tay vuốt nước mưa tạt vào mặt, lẩm bẩm:
– Mưa thế này dễ thường đến chiều mới tạnh.

Chàng quay sang Bằng, hỏi tiếp như câu chuyện còn đang bỏ dở:
– Rồi sao nữa Bằng?
– Sao nữa cái gì?
– Chuyện ra sao mà Bằng đến đây?

Đôi mắt Bằng vụt lóe sáng:
– A, anh quan tâm đến chuyện đó lắm hả, vậy còn anh? Làm sao mà anh đến đây? Thì nó cũng giống nhau cả.
– Giống nhau thế nào được, mỗi trường hợp mỗi khác chứ.
– Khác thế chó nào được mà khác – Bằng nhổ toẹt xuống đất – thằng nào cũng như thằng nào, bao nhiêu năm nhồi nhét vào trong sọ lui tới rồi cũng chừng ấy thứ kinh nhật tụng, nào quan điểm cách mạng, nào quan điểm quần chúng, nào học tập đấu tranh, tiêu diệt kẻ thù, tiêu diệt giai cấp, nào nuôi dưỡng căm hờn, nuôi dưỡng thù hận và cả trăm thứ y chang như vậy. Nhồi nhét cho lắm vào, xông pha tên đạn cho lắm vào để bây giờ chúng nó tống cha cả lũ vào đây, được nện chày giã gạo vào ngực, được đi chặt cây bằng thích. Thử hỏi anh khác cái gì nào, nói nghe, ừ, khác cái gì?

Người Bằng run lên, hắn nói như quát tháo, nét mặt khích động một cách bất ngờ. Hắn nhìn thẳng vào mặt Trần, đôi mắt sáng ngời nẩy lửa, bóng tối thường trực trong đôi mắt hắn xô dạt vào hai hàng mi dài thượt, hắn dang tay ra, trỏ thẳng vào mặt Trần, cao giọng kẻ cả:
– Nghe đây, muốn biết vì sao tôi đến đây hả? Vì không có con đường nào khác con đường đi đến đây, hiểu chưa? Còn anh, anh có con đường nào nữa không? Nói đi, ừ, có giỏi thì nói đi.

Bằng quát to hơn, vẻ chói lói gay gắt trưởng thành tương phản nét mặt còn in nét ngây thơ trong trắng. Trần sửng sốt và thú vị một cách bất ngờ với cảm tưởng trong cơn gió mưa sấm sét giữa rừng già này, chàng đã hốt nhiên chứng kiến một cơn thịnh nộ của thiên thần. Bằng càng hét to, phẫn khích:
– Không nói gì hả? Vậy còn hỏi nữa thôi, hãy để yên tôi, nghe không. Tôi thích vuốt ve đầu mũi chày nện vào ngực tôi ngàn lần hơn là lải nhải kể chuyện cổ tích, chuyện cổ tích nhàm chán của cái thiên đường ghê tởm, anh đã hiểu chưa?

Trần mỉm cười, yên lặng lơ đãng nhìn cơn mưa rầm rộ như ào tới từ bốn phía rừng, chàng nghe câu phàn nàn của Liêu với giọng nói đặc Bình Định của anh ta:
– Cái thằng, nói chuyện lúc nào cũng như muốn đánh lộn với ai. Anh em mình, trong cảnh tù đày, thương nhau không hết, gây gổ nhau hoài làm chi.

Trần tiếp tục đắm mình trong suy tưởng, trong khi cơn mưa vẫn nặng hạt. Quả thật nếu mọi sự việc trong đời đều do Trời sắp đặt thì Trời quả thật là một đại nghệ sĩ. Đấng Toàn Năng phải thật là nghệ sĩ mới tạo nên được những cơ duyên mang lại cái tư cách kiêu bạc khiếp đảm đến thế kia nơi một gã thư sinh mặt trắng. Cuộc kháng chiến này đã biến đứa trẻ Việt Nam thành chiến sĩ anh hùng, chưa đủ, Thượng Đế còn bắt người Việt Nam gánh chịu một thử thách đau thương vĩ đại, cuộc vật lộn cam go giữa con người thuần khiết Á đông gìn giữ giá trị chân tuyền của lẽ sống với con người tham vọng cùng những giấc mơ kỳ bí quái đản, những đam mê dữ dằn khốc liệt của loài người.

Giữa một quê hương Việt Nam đang ê chề đau khổ bởi nô lệ, bởi chiến tranh và những con người tham vọng từ trong da trong thịt, đã mang dân tộc lầm than đói rách này ra làm thí nghiệm một lý thuyết chủ nghĩa. Giữa cuộc nước này và cơn đau nọ đã tạo nên cơn thịnh nộ của tuổi trẻ thiên thần, của tuổi trẻ khắc khoải cô đơn. Cơn thịnh nộ của Bằng làm Trần bàng hoàng như vừa chứng kiến một vẻ đẹp tinh khôi có một không hai. Vẻ đẹp đó chỉ có thể có bởi cơn tao loạn này, vẻ đẹp như một lằn chớp lóe sáng chói lòa giữa đám mây vần vũ xám xịt.

Trần kiêu hãnh nghĩ thầm rằng vẻ đẹp đó chỉ có người Việt Nam mới có, đó là vẻ đẹp của một loại cây nhân sinh mà nhân loại ra công tìm kiếm nhưng lại từ chối đau thương ngại sông ngại biển. Và Thượng Đế, vị đại nghệ sĩ đã chọn để gieo cái nhân quả đó xuống quê hương nhỏ bé này, đã tạo nên cái đẹp đích thực cho muôn đời.

“Ta mơ những chân trời thanh bình óng ả, những cánh đồng phì nhiêu thẳng tắp, những vườn cây trái ươm trĩu nặng. Ta mơ dân tộc ta được sống hài hòa an vui, tự chủ, tự cường giữa trời quê hương xanh biếc, giữa những đêm trăng nồng nàn câu hò tiếng hát xa đưa. Bên cạnh giấc mơ bình dị nhưng chưa hề đạt được đó, ta sẽ không bao giờ quên vẻ đẹp chói chang kỳ lạ mà ta trót thấy hôm nay, vẻ đẹp không gì có thể sánh được trên đời.

Bởi vì đó là vẻ đẹp của đau thương, mà quê hương ta là Định Mệnh.”

*

Có thể đọc toàn bộ tác phẩm tại đây.

Chuyên mục:Văn Thẻ:
  1. Trần thị Bảo Vân
    09/03/2012 lúc 11:34

    Entry mới!!!!!!
    Chưa có bác và anh chị nào vào “mở hàng” cả!
    thế thì Út nhanh tay gõ còm dành chổ trước.., tối về, ranh rảnh đọc sau nghen chị Năm!

    • Trần thị Bảo Vân
      10/03/2012 lúc 11:09

      Chị Năm: Trời..!!! Chị Năm cảm văn hay cảm nội dung của truyện mà “bần thần” đến cả tuần vậy!!!!
      Út thuộc thế hệ trẻ, đọc nội dung chương này, Út mường tượng hiểu về sự kiện, nhưng Út chỉ cảm cái hay về văn phong cùng sự diễn đạt, bởi, thực trạng đàn áp và đối xử bất công trong xã hội hiện nay, ít nhiều cũng đã phản ảnh được nhiều điều, nhưng nói cảm nhận sâu sắc thật sự nội dung mà tác phẩm muốn chuyển tải, thì quả thật..Út chưa cảm nhận sâu sắc được hết mọi khía cạnh của câu chuyện…

  2. Đinh Thành
    09/03/2012 lúc 12:48

    “…lấy chày giã gạo mà tộng vào ngực đấy, làm như ngực mình là cái cối gạo không bằng…”

    Câu văn miêu tả hành động tra tấn người tù dã man trên, được xuất bản vào năm 1971!

    Hôm nay, 41 năm…Bỗng chợt nhớ lại ngay tức khắc hình ảnh công an csvn ĐẠP VÀO MẶT người biểu tình yêu nước chống bọn tàu, một cách công khai không dấu diếm ngày 17/7/2011 .
    Mới thấy cái giá trị “vàng ròng” của nội dung tác phẩm, khi được đọc CÕI ĐÁ VÀNG vậy.
    Có ai còn mơ hồ, ngây thơ, ngờ nghệch…về cái gọi là bánh vẽ thiên đường cs, nữa không nhỉ!?

  3. Phạm Sơn
    09/03/2012 lúc 15:31

    Chưa có dịp đọc hết truyện, nhưng qua một chương mà chị Mai giới thiệu, ta cảm nhận và thấy rõ văn tài của tác giả trong những đoạn đặc tả bàng bạc trong chương truyện này.
    Chỉ có điều hơi thắc mắc một chút:
    Tác giả, theo sơ lược tiểu sử, thì trình độ học vấn chỉ ở bậc trung học, nhưng viết hay như thế này, không hiểu trước đây có là “nhà văn nổi tiếng”, và có những tác phẩm nào nữa không nhỉ?

    • 09/03/2012 lúc 15:56

      Ngày xưa, thời Pháp thuộc có bằng Trung học đã là lớn lắm. Cụ Nguyễn Văn Vĩnh ngày xưa chỉ học trường thông ngôn, rồi cụ Nguyễn Hiến Lê cũng chỉ hết bậc trung học. Các Cụ được người ta gọi là Học Giả vì trình độ uyên thâm, mà phần lớn tự học là chính. Chẳng như các ông tiến sĩ giấy xhcn ngày nay. Tuy nhiên lôi các ông tiến sĩ xhcn ra đây mà nói thì e rằng thất lễ với các Cụ quá.

      Bằng Tú Tài II tại miền Nam trước đây cũng rất có giá trị. Bạn có thể xem thêm bài biên khảo của Gs. Nguyễn Văn Lục cũng trong trang này.

      Nhà văn Nguyễn thị Thanh Sâm chỉ viết duy nhất một cuốn Cõi Đá Vàng. Hồi đó tác phẩm này “bị” các nhà phê bình văn học miền Nam “bỏ quên”. Tuy nhiên những ai đã từng đọc dù chỉ một lần, thì sẽ nhớ mãi, bởi nội dung của truyện và văn phong của tác giả. Một cuốn độc nhất đủ cho người ta thấy cái văn tài của bà.

  4. Ngô Tấn
    09/03/2012 lúc 20:50

    Tôi cũng đã đọc nhiều hồi ký “tù cải tạo” của những vị vừa là nhân chứng, vừa là nạn nhân của cái chủ trương ‘tập trung cải tạo” sau 1975,để nhằm trả thù ranh khéo một cách nham hiểm, quỷ quyệt và thâm độc…với những quân nhân của QLVNCH, nhưng, những tác giả hồi ký ấy chỉ là Nam, và chỉ viết sau khi ra khỏi các trại tù cải tạo và ở nước ngoài.
    Nói như thế để thấy tác giả Nữ, Thanh Sâm, qua tác phẩm Cõi Đá Vàng – tôi đã đọc trong blog này, và download về lưu – đã cho chúng ta thấy nhãn quan và bút lực của bà quả là đầy sắc sảo, nhạy bén…một cách thật đặc biệt, bởi, đối chiếu lại tình hình sau 1975 và hiện nay, sống trong cái xã hội của chxhcnvn, ta thấy Cõi Đá Vàng vẫn toát lên Chân Giá Trị thực tế.
    Một tác phẩm rất xứng đáng để đời với lịch sử VN!

    Cô Phay Van, sao không dẫn link toàn bộ tác phẩm Cõi Đá Vàng vào entry này luôn, nhằm thuận tiện cho những ai quan tâm muốn đọc?

  5. Ngô Tấn
    09/03/2012 lúc 21:11

    Nhân tiện, cũng xin giới thiệu một “nhật ký” cũng… “nặng ký”, của một đảng viên cs, đã bừng tỉnh, vì thấy mình bị lường gạt, và cái lý tưởng của cái đảng cs mình gia nhập, là đi ngược lại với nguyện vọng của dân tộc…

    ” Tôi Bày Tỏ – Tiêu Dao Bảo Cự “

  6. Phạm Hoàng Trọng
    10/03/2012 lúc 15:50

    Lần đầu tiên mới được biết và đọc truyện này.
    Thật ấn tượng với câu truyện mà tác giả chuyển tải, và càng ấn tượng hơn nữa vì tác giả là nữ, mà lại chọn đề tài này để viết!
    Tiếc là trước 1975, tác phẩm này, mang tính cách “cảnh báo, cảnh tỉnh”, nhưng lại không có được nhiều người lưu ý, tiếp cận đọc, để rồi sau 1975, phải trả giá rất rất đắt cho sự ngây thơ, ấu trĩ, tập trung trình diện…vào cái bẫy lưới “học tập một tháng” giăng sẵn của cs!!!!
    Âu cũng là cái “Nghiệp” của cả dân tộc VN vậy!!!!!!!

    • Phạm Hoàng Trọng
      12/03/2012 lúc 22:15

      Đau đớn đến tận cùng là thế cô Phay Van ạ, Cô Phay Van đọc bài thơ này nhé:

      VÌ ẤU TRĨ

      Vì ấu trĩ, thờ ơ, u tối
      Vì muốn an thân, vì tiếc máu xương
      Cả nước đã quay về một mối
      Một mối hận thù, một mối đau thương!
      Hạnh phúc, niềm mơ, nhân phẩm, luân thường
      Đảng tới là tan nát tất cả!
      Lịch sử sang trang phũ phàng tai hoạ
      Nào đâu chính nghĩa thắng gian tà?
      Đau đớn này không chỉ riêng ta
      Mà tất cả!
      Cả những kẻ nằm trong mả
      Và những bào thai trong bụng mẹ trót sinh ra
      Chúng sẽ có quyền nguyền rủa lũ ông cha
      Đã để chúng sa xuống hầm tai vạ
      Lỗi lầm tại ai? – Xét ra tất cả
      Mấy ai người đem hết tâm can?
      Trước quân thù hung hiểm gian ngoan
      Biết bao kẻ mơ hồ trong hưởng lạc!
      Nghĩ tới ngày mai lòng ta tan tác
      Đến bao giờ lấy lại được giang san!
      Chế độ này trâu ngựa sống không an
      Sài lang đã dựng xong nền thống trị
      Ai đứng dậy diệt trừ lũ quỷ?
      Ai trái tim lân mẫn vạn dân tàn
      Miền Nam ơi, từ buổi tiêu tan!
      Ta sống trọn vạn ngàn cơn thác loạn!

      ( Khuyết Danh – 1975 )

  7. Trần thị Bảo Vân
    11/03/2012 lúc 14:03

    Chị Năm ơi!!!!!!!
    Chị đi đâu không báo cáo hai ngày nay, mà để các bác các chị vào nhà chơi..bị “khát nước” dzữ dzậy!!!!!??????
    Út cũng..bị “khát nước” quá trời luôn đó nghen!!!! hihihihihihi

  8. 12/03/2012 lúc 18:49

    Rất khâm phục nàng Phay với biệt tài sưu tầm những áng thơ văn, hình ảnh của quá khứ. Nó có tác động mạnh mẽ tới người đọc, nhất là những người ưa hoài niệm như cu Mô! 😀

  9. Nguyễn Tuấn Anh
    12/03/2012 lúc 20:12

    Nghe chị Năm nói đọc xong Cõi Đá Vàng “bần thần” cả một tuần, làm em cũng tò mò, “quyết tâm” đọc hết truyện – nhưng đọc 3 lần mới xong -.
    Đọc xong, em không “bần thần”, nhưng cảm xúc cứ lẫn lộn: Sự ghê ghê, rờn rợn cho những thủ đoạn chính trị hạ thủ thâm độc, nó dường như mất hết tính thiện trong nhân tính của những con người cộng sản thời đó, thông qua đấu tranh để tiêu diệt các giai cấp khác! Và lẫn lộn trong cái ghê ghê, rờn rợn đó, là sự rung động thương cảm cho sự trả giá rất đắt và bi thảm của những số phận các nhân vật trung thực, dám đi ngược lại với chủ trương chính trị tàn nhẫn của..cái gọi là đảng cs!!!!
    Đúng, một tác phẩm hay, diễn đạt sống động bối cảnh lịch sử trung thực, làm rung động những người đọc lương thiện, cho dù là không sống vào giai đoạn lịch sử đó!

  10. Nguyễn Tuấn Anh
    12/03/2012 lúc 20:32

    Không biết bác tác giả NTTS có “bị” trải qua “thực tế” lần nào của bối cảnh lịch sử đó không, mà những chất liệu cùng dữ kiện bà xây dựng đưa vào truyện thật “đắt”! Và nó “đắt” hơn nữa khi tác giả lại là..NỮ, mà những nhà văn Nam chắc chưa ai có bản lĩnh…đụng đến.

    Em tin chắc, những ai đã đọc truyện này một lần rồi, thì rất khó mà quên!

    • Mai
      13/03/2012 lúc 21:52

      Tuấn Anh mến,
      Chị tặng em cái “hint” này nghe.
      Em nghĩ sao nếu nhân vật Huyên trong truyện chính là tác giả?

      • Nguyễn Tuấn Anh
        14/03/2012 lúc 00:35

        Chị Ba kính mến,
        Vâng, đọc CĐV xong, trong em cũng có suy nghĩ: Tác giả ít nhất cũng phải là người sống trong cuộc, mới suy nghĩ sâu sắc và viết ra được một tác phẩm chứa đầy những chất liệu và những dữ kiện sống động như vậy! Nếu quả thật Tác giả là nhân vật Huyên như chị Ba gợi ý, thì em rất rất kính cảm phục hoà lẫn niềm thương cảm sâu sắc cho những truân chuyên của tác giả trong một giai đoạn lịch sử đầy “hắc ám”!!!

        Với gợi ý của chị, em như vỡ ra ít nhiều..
        Em rất ấn tượng với những quan sát, suy nghĩ chín chắn, sâu sắc, và đầy chân lý..đến não lòng của nhân vật Huyên, một cô gái trẻ thông minh, trong sáng, hăng hái tham gia đóng góp công sức “kháng chiến”, nhưng bị những “đám mây u ám kìn kịt” trong chủ trương tư tưởng của “đảng” vùi dập những nhiệt huyết của tuổi trẻ từ trong trứng nước:

        1/ ” Ở trường em có nhiều người bạn ở trong đảng, có nhiều người rất tốt và có lý tưởng. Nhưng em thấy họ dần dần trở nên giống nhau một cách phi lý. Họ rập nhau từ dáng điệu cho đến cách phát tư tưởng, cứ như khuôn đúc. những lập luận của họ dần dần trở nên khô khan, giáo điều và từ đó không bao giờ thay đổi. Em không muốn là một cái khuôn, bởi vì Trời đã sinh ra mình để làm người. Một cái khuôn không thể là một con người, vật không có lý gì một con người lại đi biến mình thành một cái khuôn…”

        2/ ” Không khác gì đâu các anh ạ. Không khí học đường lẽ ra phải được vô tư hồn nhiên, nhưng Huyên và các bạn học cũng phải sinh hoạt y như các anh vậy…”

        3/ ” Người như thế mà là đảng viên sao, lạ nhỉ, như vậy thì không giống một cái khuôn tí nào, em mới nghe lần này là một đấy…”

        4/ “…Em ở đây như bị giam lỏng, không làm gì được cả, vì mình chỉ là thành phần tiểu tư sản vô tích sự…”

        5/ “… Những luận điệu như thế cứ ngày này sang tháng khác gặm mòn tâm trí của Huyên. Nàng bước đi, lòng hoang mang sợ hãi đến cùng cực..(…)…Nàng hiểu thân phận nàng cũng chẳng hơn gì anh Lương của nàng, người ta còn để yên nàng vì nàng chỉ là một cô gái còn nhỏ tuổi mà thôi…”

        Chị Ba ơi, tất nhiên em còn nhỏ, vốn sống và sự trải nghiệm cuộc đời chưa nhiều, vì vậy cảm nhận và suy nghĩ của em về nhân vật Huyên, có gì “chuệch choạc”…như chị Ba gợi ý không vậy?

        Có gì không phải và không đúng ý, chị Ba phải “giảng dạy” em..vỡ ra đó nghen.

      • Mai
        16/03/2012 lúc 18:31

        Tuấn Anh mến,
        Em giỏi lắm. Em đã “thấy” được rồi đó. Chị Ba rất vui.

      • 16/03/2012 lúc 19:29

        Tuấn Anh khá quá, Chị Ba hở?

      • Nguyễn Tuấn Anh
        16/03/2012 lúc 22:20

        Ui..trời..trời..!!!! Cả hai người chị kính mến cùng khen “những lời linh tinh” của em, làm em nở lổ mũi to như trái cà chua vậy đó!!!! hihihihihi…
        Đúng ra thì ở trang nhà chị Năm, em đã để ý và lóm lém học được những “kỷ năng mềm”, cũng như những ‘kỷ năng diễn đạt” từ các chị và các bác đó..
        Vì vậy, nếu sau này trong những còm, em có gì nói không phải hoặc sơ sót, hai chị và các bác cứ “dợt” em thẳng tay, để em học hỏi đó nghen! hihihihihi..

  11. chinook
    13/03/2012 lúc 02:18

    Khi đọc,nhân vật gây ấn tượng nhất cho tôi là Bằng. Có lẽ vì Ông làm tôi nhớ đến hai người tù bị nhốt chung với tôi một thời gian.

    Hai người này, một người Miền Nam tập kết, rồi trở lại Miền Nam và hồi chánh. Một người Hanoi, vào Nam chiến đấu và cũng hồi chánh.

    Họ may mắn là bị bắt cuối năm 75, riêng anh người Miền Nam bị bắt ở một nơi xa vùng hoạt động cũ của Anh vì những người hồi chánh nếu bị bắt ở vùng hoạt động cũ thì bị những đồng đội cũ của mình xử tử bằng những hình phạt dã man như thời trung cổ, Nhanh gọn thì dùng cây vuông 3(thanh gổ 3cm x 3cm) đánh vào sau ót, vùng hành tủy, hoặc trói treo ngược lên cây cho muỗi, kiến đốt và đói khát.

    Cả hai người đều rất ít nói, không tiết lộ gì nhiều về nguồn gốc.
    Một hôm tôi thấy anh người Hanoi mấy ngày liền, buồn, biếng ăn dù tù thì luôn luôn đói. Tôi an ủi anh. Anh buồn rầu : Các anh còn hy vọng chứ như đời em kể như hết rồi. Chỉ thuơng thày me em….

    Anh người Miền Nam thì một hôm, khi làm tạp dich bên ngoài,anh thấy một đoàn cán bộ ở trên xuống làm việc. Trưởng đoàn và anh nhận ra nhau và khựng lại.Khi biết là nhiều người thấy được điều này, anh lắp bắp : Tôi thèm thuốc qua, quý anh có cho tôi xin một điếu. Người Cán bộ trưởng đoàn gằn giọng : Mày là Ba H., phải không? Tao tưởng mày chạy sang tới Mỹ rồi chớ !

    Tối hôm đó, Ba H. được chuyển trại.

    Hai tuần sau, anh bạn tù người Hanoi của tôi cũng theo chân.

  12. Mai
    13/03/2012 lúc 03:31

    Tiếp theo những chia sẻ rất cảm động của em Tuấn Anh và anh Chinook, Nguyệt Mai thân mời các bạn đọc bài viết này của nhà văn Khuất Đẩu:

    http://tranhoaithu.wordpress.com/2012/02/17/khu%e1%ba%a5t-d%e1%ba%a9ud%e1%bb%8dc-l%e1%ba%a1i-coi-da-vang-c%e1%bb%a7a-nguy%e1%bb%85n-th%e1%bb%8b-thanh-sam/#more-4987

    • Nguyễn Tuấn Anh
      13/03/2012 lúc 13:19

      Chị Ba kính mến,
      Ui trời..trời!!! em đọc xong CĐV, rồi “bày đặt nói linh tinh” cho có chuyện, thế mà được chị Ba.. “động viên khích lệ”…
      Em vui quá xá luôn đó chị Ba!!!! hihihihihihi..

      À, chị Ba ơi, cho em tò mò hỏi nghen:
      – Từ trước tới giờ chị Ba có..HÁT một bản nhạc nào không?
      Hát như chị Cam Li ấy?
      Nếu đã từng, chị Ba post lên cho mọi người thưởng thức, đi chị Ba. hihhihihihi…
      Đừng có mắng em nghen!

      • Nguyễn Tuấn Anh
        13/03/2012 lúc 13:29

        Chị Năm ơi, chị Năm có thể tìm post lên nhạc phẩm “Đời Đá Vàng” của Vũ Thành An, với tất cả NHỮNG CA SĨ đã thể hiện nhạc phẩm này, được không ạ!
        Chị cố gắng nghen, em cám ơn chị Năm nhiều nhiều đó, chị Năm kính mến.

      • Mai
        13/03/2012 lúc 18:28

        Tuấn Anh thân mến,
        Cám ơn em nhiều lắm. Chị có hát chứ, nhưng chỉ hát cho một mình mình nghe thôi vì chị hát không hay như chị Cam Li.

      • Nguyễn Tuấn Anh
        13/03/2012 lúc 22:27

        Chị Cam Li và Chị Ba kính mến ơi, em có một gợi ý đề nghị nghen:
        Chị Cam Li có viết truyện ngắn ” Mùa Xuân, Mai Vẫn Nở “, và chị Ba cũng từ truyện ngắn này của chị Cam Li, mà chị Ba cảm tác bài thơ ” Mùa Xuân, Mai Vẫn Nở “, cả truyện và thơ nội dung đều thật lắng sâu và xúc động!
        Thế thì, từ Văn đã dẫn lối tới Thi hứng…, vậy tại sao hai chị không phối hợp, nâng tầm cảm xúc “sự kiện trùng phùng” này của các chị..mà sáng tác ra một nhạc phẩm..” Mùa Xuân, Mai Vẫn Nở “.., rồi cùng hát chung..làm kỷ niệm!

        Gợi ý đề nghị này của em..có gì “quá đáng” và “quá tầm”..không hai chị kính mến?!

      • 14/03/2012 lúc 04:44

        Chị Cam Li trả lời em đây Tuấn Anh ơi: “Viết nhạc cũng phải tùy cảm hứng. Khi nào chị Cam Li có cảm hứng sẽ phổ nhạc, hi hi. Cám ơn Tuấn Anh và các bạn.”

        Hihi. Tuấn Anh rán đợi tới khi Chị Cam Li “có cảm hứng” nghen. Chà! Chắc hơi lâu 😀

      • Nguyễn Tuấn Anh
        14/03/2012 lúc 00:43

        Em cám ơn chị Năm đã dẫn link nhạc nghen.
        Em cứ tưởng và ngài ngại chị Năm “phán” em là..lạc đề..như lần trước chứ!!! hihihihihihi…

  13. Mai
    13/03/2012 lúc 05:34

    Phay Van ơi,
    Sự thật thì không phải như thế. Mời em vào đọc bài viết lúc 4 AM mới nhất của nhà văn Trần Hoài Thư sẽ rõ.

    http://tranhoaithu.wordpress.com/2012/03/11/vi%e1%ba%bft-luc-4am-nh%e1%bb%9d-c%e1%ba%ady-vao-coi-khong-cung/

    • 13/03/2012 lúc 07:23

      Cảm ơn Chị Nguyệt Mai. Có phải là đoạn này:

      Không. Vẫn có người viết về CĐV chứ. Tại tôi không biết đấy thôi.
      Vẫn có người viết về Cõi Đá Vàng ngay sau năm 1972, khi sách được phát hành. Theo lời kể của thân nhân của tác giả Cõi Đá Vàng ( An Tiêm xuất bản 1972) là sau khi Cõi Đá Vàng phát hành, một nhà văn tên tuổi đã chỉ trích tác phẩm thậm tệ, khiến bà xuống tinh thần trầm trọng. Phần thì chồng vừa chết (tử trận năm 1971), phần thì phải lo 5 đứa con còn bé dại, nên bà không còn thiết tha gì đến viết lách nữa.
      Tôi muốn biết tên người viết là ai. Người đủ thẩm quyền là tác giả Cõi Đá Vàng, nhưng bà không còn minh mẫn để mà nhớ nữa. Tôi biết nhờ ai đây. Hay chỉ nhờ vào cõi không cùng này như tôi đã từng nhờ về trường hợp nhà thơ Lâm Vị Thủy trước đây…

      (nguồn: tranhoaithu.wordpress.com)

      Nay thì sự tìm đọc lại Cõi Đá Vàng của những độc giả ngày xưa đã là câu trả lời cho “nhà văn tên tuổi” nêu trên. Chỉ tội cho tác giả CĐV.

      • Nguyễn Tuấn Anh
        13/03/2012 lúc 13:10

        Chị Năm: ” Chỉ tội cho tác giả CĐV. ”

        Chị Năm, sao lại..TỘI!!! Em không cho là như thế!!!!!

        Em thì lại nghĩ khác, bác nhà văn Nguyễn thị Thanh Sâm..ĐANG RẤT HẠNH PHÚC..đấy chứ!
        Bởi lẽ, CÕI ĐÁ VÀNG, đứa con tinh thần độc đáo, đầy ấn tượng duy nhất của bà trong lòng nhiều độc giả, sau hơn 40 năm lưu lạc thầm lặng, đã bỗng nhiên trở về trong vòng tay ấm áp và cảm động của bà, vì rằng đứa con tinh thần CÕI ĐÁ VÀNG này của bà, đã được sự chấp cánh “hồi sinh” của nhóm “Dự án CĐV” mà chị Năm cũng là một member, cũng như sự đón đọc của những độc giả hiện nay…
        Em “phản biện” cái ý nói..”TỘI”..của chị Năm như thế, có đúng không nào?! hihihihihihi…

      • Nguyễn Tuấn Anh
        13/03/2012 lúc 13:11

        Em vào blog của bác nhà văn THT theo link chị Ba cho, đọc các bài xong, em lang thang tiếp.., và vô tình gặp một bài thơ này, tác giả Nguyễn Xuân Thiệp tặng cho bác nhà văn Nguyễn thị Thanh sâm.
        Em gõ chép lại đây nghen:
        ( Nhưng em thấy có điểm là lạ.., đó là hình thức chính tả và cách chấm câu – dấu chấm – của tác giả trong bài thơ, em không hiểu ý lắm trong hình thức diễn đạt và cách trình bày chính tả này của tác giả: không có từ nào viết hoa, dù ở đầu hàng câu, hay sau các dấu chấm??!!
        Em sẽ gõ chép nguyên văn hình thức của bài thơ, chị Ba, chị Năm, hoặc có bác nào biết hình thức thể hiện này, có thể giảng giải cho em hiểu, được không ạ? )

        * thơ nguyễn xuân thiệp
        chiều. trong cõi đá vàng
        – tặng thanh sâm –

        chiều rũ cánh
        đêm về
        thanh sâm ơi
        mình chợt như thấy lại
        nhánh thông khô. và mặt trăng. đong đưa. đong đưa. trên mái ngói
        ngôi nhà số 3 nguyễn trường tộ
        nơi vợ con mình. và bạn bè. và sâm. từng có mặt
        nay đã chia xa
        và con đường rose
        một đêm mình chở thanh sâm tới
        thanh sâm mặc áo dài trắng. không trang điểm. tóc đen phủ xuống đôi vai
        nụ cười hải đường. tím
        mắt mở to
        nhìn đinh cường vẽ tranh. khoả thân màu hồng. và hoa phù dung trong vườn
        hoa phù dung. ôi dung. vợ mình vừa mới ra đi. giọt nước mắt giã từ
        đêm ấy. sơn ôm đàn. gào
        vết lăn. vết lăn trầm
        và tiếng gió. đập vào trăng. và đá núi. rừng thông
        còn đâu con đường rose
        trịnh công sơn chết. đỗ long vân chết
        anh tốn đã ra đi
        và mình viết. thanh sâm bây giò. lúc nhớ. lúc quên

        thì hãy về đứng
        trên ngọn đồi ấy. để nhìn
        và thấy lại
        khánh ly còn hát. bên bờ cỏ tía
        thành phố trong đêm. con tàu còn rọi đèn. sương ngủ. hồ mê linh. tôn nữ kim phượng. ôi vệt sơn còn in trên áo. màu của đất. xưa
        chúng ta. đi bên nhau. tay chợt cầm tay
        còn nhớ không sâm
        những trái bắp nướng mỡ hành trên ngọn lửa hồng
        thơm đường khuya
        chúng ta đi. và trăng. gió vương đầy mặt
        một thời đã xa
        ôi. thanh xuân
        thanh xuân của tôi. đã chết trên cánh đồng dã quỳ khô
        sâm còn thấy
        chú ong non ngày nọ
        về trong giấc mơ
        hãy nhớ. hãy nhớ
        đừng quên
        chiều. trong cõi đá vàng

        ( chiều 20 tháng 1. 2012 – NXT )
        nguồn: phố văn blog, blog của nguyễn xuân thiệp.

      • Mai
        13/03/2012 lúc 18:13

        Nàng Phay yêu quý,
        Đúng rồi đó em. Khi đọc được những giòng chữ trên chị thật buồn và tiếc. Buồn vì tình người. Sao người ta nỡ ém nhẹm văn tài của người khác để cho mình mãi được ở địa vị độc tôn. Và tiếc, vì khi mới ra đời, nếu cuốn sách được nhiều người biết đến và được khen, làm tác giả hưng phấn tinh thần, thì biết đâu tác giả đã có cảm hứng để viết tiếp và độc giả được đọc nhiều hơn…
        Chuyện đã qua rồi…
        Chị rất đồng ý với em:
        “Nếu hình dung các tác phẩm văn học được trưng bày trên một kệ sách của thư viện quốc gia thì cuốn sách này cũng chiếm vị trí khá cao, bởi nó đang có chỗ trong lòng độc giả.”

      • Mai
        13/03/2012 lúc 18:23

        Tuấn Anh mến,
        Chị hoàn toàn đồng ý với câu trả lời của chị Năm về hình thức diễn đạt và cách trình bày chính tả của tác giả: không có từ nào viết hoa, dù ở đầu hàng câu, hay sau các dấu chấm. Thơ không phải là văn nên người thơ được toàn quyền viết theo cảm hứng, chứ không bắt buộc phải theo một luật lệ nào. Em có biết nhà thơ Nguyễn Đức Sơn đã có một bài thơ chỉ gồm 3 chữ:
        “Hột
        thì le”

        Vui em nhé!

      • Nguyễn Tuấn Anh
        13/03/2012 lúc 22:29

        DẠ..! Chị Ba, chị Năm ơi,
        Thế thì em cũng “làm thơ con nhái”..đây! hihihihihihihi…

        Trên
        mạng
        ảo
        tôi
        đã
        may mắn
        gặp
        hai người chị
        thật
        kính mến
        đẹp
        dịu dàng
        duyên dáng
        ẩn hiện
        đầy
        nét
        sắc sảo
        thông minh.

        ( Đại..thi sĩ Tuấn Anh – 14/3/2012 )

        Được hông..hai chị! hiihihihihihihi…

  14. Mai
    14/03/2012 lúc 00:45

    Tuấn Anh thân mến,
    Cám ơn em nhiều lắm đã thương và làm thơ tặng hai chị.
    Người trong mộng ảo thì bao giờ cũng đẹp hết, có phải vậy không em? 🙂

    • Nguyễn Tuấn Anh
      16/03/2012 lúc 22:20

      Hai chị kính mến, hai chị xứng đáng mà, em nói thiệt đó!
      Cá nhân em cảm nhận và nhìn thấy ở hai chị tiềm ẩn những “nét đẹp tâm hồn”, của những người phụ nữ thông minh đầy chất văn hoá trong ứng xử toả ra trong các bài và còm…

      Em có dạo nhiều blog mà trang chủ là nữ, thú thật, em ít thấy ở họ có cái chất văn hoá thuộc “nét đẹp tâm hồn” này!

      P/s: À, hai chị cấm không có được cười bài thơ “con nhái” ngẫu hứng không chấm không phết linh tinh của em đó nhen! hihihihihihi…

  15. 16/12/2016 lúc 23:36

    Tôi khi xưa đã từng ở Đà Lạt , bố của tôi đã là bạn rất thân của Trung Ta´ Phan Văn Tốn khi ông còn sống. Nhờ vậy, tôi đã có hân hạnh được nhiều lần đến thăm” ngôi nhà co´ hoa Mimosa màu vàng” , được cùng ngồi ăn cơm chung bàn với cả gia đình ” bác Tốn ” . Riêng với nữ văn sĩ Nguyễn Thị Thanh Sâm , người mà tôi luôn kính mến và thương yêu bà như mẹ ruột cuả mình, người ma` tôi dù xa cách vạn dặm, lúc nào bà cũng hiện diện trong những kỷ niệm đẹp của tôi, người mà tôi nghĩ đến rất nhiều va` gọi thầm trong lòng mình ” Bác Tốn Gái “.
    Nhân đây, tôi xin được hỏi , nếu có ai biết được nữ văn sĩ Thanh Sâm hiện đang ở đâu, hoặc có cách gì liên lạc được với ba`. Xin cho tôi được biết.
    Tôi xin trân trọng cảm ơn và kính chào !

    • 19/12/2016 lúc 07:25

      Bác Lam Oanh Nova:
      Chúng tôi đã trả lời bằng email.
      Kính.

  1. No trackbacks yet.

Gửi phản hồi cho Mai Hủy trả lời