Trang chủ > Mỹ Thuật > Trịnh Công Sơn: Uống chung ly rượu này

Trịnh Công Sơn: Uống chung ly rượu này

Hôm nay 28/2/2012 là ngày sinh nhật của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ngoài tài viết nhạc, ông cũng là một họa sĩ và đã từng có tranh triển lãm chung với các họa sĩ Đinh Cường, Bửu Chỉ, Đỗ Quang Em, Trịnh Cung… Nguyệt Mai xin được hân hạnh giới thiệu với các bạn bài viết của họa sĩ Đinh Cường viết về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Trịnh Công Sơn: Uống chung ly rượu này

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và họa sĩ Đinh Cường

Một ngày giáp Tết năm 1998 thật xúc động nhận được tập nhạc Sơn ký tặng tôi và gia đình: Tuyển tập những bài ca không năm tháng, nhà xuất bản Âm Nhạc, với cái hộp carton màu đỏ bọc ngoài, Sơn vẽ lên đó bình hoa vàng và ly rượu với lời ghi: Uống chung ly rượu này, tôi giữ mãi một tình bạn ấm áp ấy… như cùng Sơn uống ly rượu mừng Xuân.

Bao nhiêu mùa Xuân qua không còn bạn, ly rượu rót trước ảnh thờ bạn trên kệ sách bốc hơi còn đọng lại cặn vàng mốc. Nhớ vô cùng những bức tranh bạn vẽ, những đêm khuya trên Đơn Dương năm xưa nào, những đêm khuya Huế, Sài Gòn, Hà Nội, hay Paris, Canada… Trịnh Công Sơn vẽ nhiều tranh, với những hưng phấn đột xuất kỳ lạ, càng về khuya khi rượu đã thấm, còn lại một hai người bạn thân thiết, Sơn vẽ… Nhiều nhất có lẽ là những tĩnh vật có ly rượu, những chiếc ly thủy tinh luôn chờ người nhạc sĩ tài hoa ấy rót thêm rượu vào. Như Tản Đà, như Nguyễn Tuân, Văn Cao, Nguyễn Sáng… Rượu là chất kích thích để sáng tác, một niềm vui thật nồng nàn… Hương rượu nồng hơn mọi thứ tình (Vũ Hữu Định).

Sau tĩnh vật những ly rượu là những phác thảo chân dung bạn bè. Trịnh Công Sơn nắm bắt và lột tả khi vẽ chân dung rất tài, những người bạn vong niên như Nguyễn Tuân, Văn Cao, Hoàng Cầm, Thái Bá Vân, Dương Tường, Bùi Giáng… những khuôn mặt bạn bè: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trịnh Cung, Đinh Cường, Bửu Ý, Lữ Quỳnh… qua nét vẽ của Sơn khi đã thấm rượu trong buổi hàn huyên, chỉ cần phác vài nét chính, dậm thêm màu đậm nhạt, hoen nhòa đã tỏ lộ ra cái thần sắc của người đối diện mà đôi khi vẽ kỹ chưa chắc đã có hồn như vậy. Sơn còn vẽ rất nhiều chân dung những nhan sắc, là hương hoa của mùa màng tình yêu hay bất chợt thấy dáng ai kia với màu son môi như một đốm lửa hồng (đôi môi em là đốm lửa hồng – TCS)… Sơn rất thích câu này của nhà triết học Pháp Gaston Bachelard: Mais allez au fond de l’ inconscient, retrouvez vous avec le poète, le rêve primitif et vous verrez clairement la vérité: elle est rouge la petite fleur bleu (Này ngụp sâu xuống đáy tiềm thức, cùng thi sĩ tìm gặp giấc mộng ban sơ và người sẽ trông thấy rạng ngời sự thật: đóa hoa xanh bé bỏng kia màu lửa rực). Mộng ban sơ, làm sao không nhớ Bùi Giáng, không nhớ Chagall, không nhớ Henri Rousseau trong những tranh thấm đẫm lá hoa cồn mộng mị.

Bức tranh vẽ Bích Diễm năm 1963 ở Huế – thời của ca khúc nổi tiếng Diễm Xưa – là khởi đầu cho những tranh sơn dầu khổ lớn về sau này của Sơn, những bức chân dung Dao Ánh, Chu Nguyệt Nga (mùa hè năm 1987 Nga từ Paris về, chúng tôi đã chuẩn bị dự đám cưới Sơn – Nga mà không thành, lần qua Paris năm ngoái tôi ghé thăm anh chị Đăng – Nga, anh chị vẫn nhắc nhiều đến Sơn, vẫn luôn xem như một tình bạn quý. Bức chân dung Sơn vẽ Chu Nguyệt Nga với màu xanh lục Véronèse – là màu Sơn thích nhất – chị treo trong phòng riêng, xem lại dù qua thời gian, vẫn long lanh thánh thiện) và chân dung Yoshii Michiko, người bạn gái Nhật rất yêu thương Sơn, đã làm luận án tiến sĩ “Chansons anti-guerre de Trịnh Công Sơn” (Ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn) tại Đại học Jussieu Paris 7… Còn bao nhiêu bức chân dung đẹp khác nữa, có cô chờ Sơn vẽ xong lấy đem đi ngay dù màu đang còn ướt. Trịnh Vĩnh Trinh, em gái út được Sơn vẽ nhiều nhất.

Từ vẽ bút sắt đến pastel, acrylic, màu nước, màu dầu Trịnh Công Sơn đã triển lãm chung nhiều lần cùng các bạn họa sĩ tại TP. HCM với Tôn Thất Văn, Đinh Cường tại nhà 47C Phạm Ngọc Thạch từ 4.3 đến 10.3.1988, với Đỗ Quang Em, Đinh Cường tại Nhà Hữu Nghị Tiệp Khắc, 24 Lý Tự Trọng từ 14.1 đến 24.1.1989, với Đỗ Quang Em, Trịnh Cung tại Nhà hàng Ritz 333 Trần Hưng Đạo từ 15.2.1990 đến 2.1.1991, với Trịnh Cung, Đỗ Quang Em, Tôn Thất Văn tại Khách sạn nổi tháng 9.1991 và triển lãm sau cùng với Bửu Chỉ, Đinh Cường tại gallery Tự Do từ 20.8 đến 3.9.2000.

Được ghi nhận bởi những người có uy tín trong sinh hoạt hội họa và phê bình, như Nguyễn Trung đã viết: “…hôm nay chúng ta nói về Trịnh Công Sơn, họa sĩ Michel Ragon nhà lý thuyết, người bênh vực nghệ thuật mới, nghệ thuật trừu tượng, có viết rằng trong thời đại chúng ta, không còn những họa sĩ vẽ chơi (peintre du dimanche) nữa. Rất đúng với Trịnh Công Sơn. Anh mới vẽ một vài năm và đã trở thành họa sĩ thực thụ” (phòng tranh Đinh Cường, Đỗ Quang Em, Trịnh Công Sơn, sự phối hợp thú vị của ba tính chất khác nhau – Tuổi Trẻ Chủ Nhật 5.1.1889); như Huỳnh Hữu Ủy đã viết: “Trường hợp Trịnh Công Sơn vẫn là đặc biệt, dù không còn gây chút ngạc nhiên nào về việc anh bày tranh trước công chúng. Mấy năm trước, đã có lần tôi thật bất ngờ và đầy kinh ngạc trước bức chân dung anh vẽ bạn họa sĩ, đội mũ nồi, ngậm ống vố, râu ria xồm xoàm, tất cả đều ánh lên trong màu bạc kim loại kỳ lạ, có thể nhận ra mức độ điêu luyện là cực điểm, đó là một trong những bức tranh đẹp nhất giữa tất cả các tác giả tôi yêu thích” (Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại, trang 296, VAALA- California xb 2008).

Và sau cùng là lời phát biểu của Trịnh Công Sơn: “Nghệ thuật đích thực là một thứ thông điệp còn lại ở sau cùng, khi mọi hình thức tồn tại khác đã mất đi”‘(catalogue triển lãm hội họa Trịnh Công Sơn – Đinh Cường – Bửu Chỉ, gallery Tự Do). Thật vậy, chỉ có nghệ thuật là tiếng nói chung của nhân loại. Hoạ sĩ Marc Chagall năm xưa ghé thăm nhà người bạn ở Georgetown, Washington DC đã vẽ tặng bạn bức tranh khảm sành (mosaique), nay nhà người bạn ấy nơi vùng tôi ở có ghi tấm bảng đồng nhỏ trước nhà cho khách có thể hẹn vào xem. Trịnh Công Sơn cũng có để lại bức tranh vẽ trên tường lớn tại nhà người bạn thân ở Huế là Bửu Ý mà Bửu Ý nói đùa ai mua thì phải gỡ cả bức tường nhà…

Đến với thế giới hội họa, cũng như âm nhạc của Sơn là đến bằng linh cảm, bởi vì tâm hồn Sơn là một tâm hồn nhạy bén không cùng. Sơn cũng vẽ dễ như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát nói: “Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra”. Không gian tranh của Sơn bao giờ cũng dở dang, nhưng lại đầy tinh khiết, sáng tạo: “Nghệ thuật dạy cho tôi biết biên giới của hữu hạn và sự vô cùng. Riêng trong hội họa tôi còn bắt gặp thêm cái không bờ bến của một giấc mộng tự do tinh thần”. Sơn phát biểu như một tuyên ngôn nghệ thuật. Tranh Sơn thanh thoát đến hư tưởng. Người xem thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng, khác với những “lời ca thơ” đầy nước mắt của Sơn “tôi không thể phân biệt được nước mắt với âm nhạc” (Nietzsche).

Uống chung ly rượu này, ngồi nhìn lại bức tranh nhỏ của Sơn, đêm cuối năm ngoài trời lạnh căm, nhớ đêm khuya nào ở nhà Sơn, năm 1999, Sơn và tôi đã cùng vẽ tiếng kèn đồng Trần Mạnh Tuấn. Tiếng kèn saxophone đã thổi bài Cát Bụi khi hạ huyệt Sơn ở Gò Dưa với bao nhiêu hoa và nước mắt, tết này là hơn mười năm rồi Sơn ơi…Tháng 8 vừa qua tôi đã đứng chụp dưới bảng tên đường Trịnh Công Sơn ở Huế, gió ở bờ sông thổi lên và bầu trời xanh trong, như một giấc mơ đời hư ảo, như lời bạn: Tôi chỉ là tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo.

Hội họa là cái hư ảo chuộc lại những cái hư ảo khác.

Đinh Cường
17/1/2012

(nguồn: laodong.com.vn/)

*

Xin gửi đến các bạn bài thơ mới nhất cùng tranh minh họa của họa sĩ Đinh Cường.

Người đi về phía mặt trời lặn 7

và nhớ Thái Bá Vân


Mặt trời như ánh đèn
chói sáng đêm Oscar
lộng lẫy xiêm y
trên nền thảm đỏ

Sinh nhật bạn
gọi về gặp Thuý
em gái đầu
vẫn giọng Huế hiền dịu
nghe như tiếng sóng
xô nhẹ vào bờ sông Hương
có cành phượng lâu năm
mùa này xanh lá

Làm sao không nhớ Huế
vừa qua những ngày lạnh

và cành dạ lý hương
trong vườn ai
bên kia bờ sông Bến Ngự
đến cắm nơi cửa sổ
để thành mưa bay
mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ *

cánh cửa sổ
màu nâu
căn nhà 11 / 3
trên dãy lầu đường Nguyễn Trường Tộ
gần cầu Phú Cam Huế
mấy bậc cầu thang xi măng cũ kỹ
in dấu bao nhiêu bước chân bạn bè

những đêm quây quần bên nhau
với những cốc rượu trắng
những điếu thuốc vấn khét lẹt
thời của hộ khẩu và sổ gạo

Chiều mặt trời sắp lặn
vừa đi vừa nhớ người bạn
có chiếc răng khểnh
có nụ cười hiền
có những lời ca thiên thu

Và tiếng còi tàu cuối ngày buồn
và bầy chim mỏ vàng ở đâu sà xuống
cắm cúi mổ liên hồi trên thảm cỏ
và hai con quạ đen gọi nhau
trên cành phong cao chót vót

nghe như tiếng chiều rơi …

Virginia, 29 Fev 2012
Đinh Cường

* Diễm xưa, ca khúc TCS 1960

Chuyên mục:Mỹ Thuật Thẻ:
  1. Đinh Thành
    28/02/2012 lúc 11:47

    Nói về Ns Trịnh Công Sơn, thiết tưởng trong tủ sách gia đình, chúng ta cũng cần nên đọc, và sỡ hữu cuốn sách có nhan đề sau:
    ” Trịnh Công Sơn – Vết Chân Dã Tràng – Tác giả: Ban Mai – Nguyễn thị Thanh Thuý “

  2. Nguyễn Tuấn Anh
    28/02/2012 lúc 12:00

    Chị Ba, chị Năm ơi, Trong bài “Diễm Xưa” có câu đầu:

    ” Mưa vẫn mưa bay trên tầng THÁP CỔ ”
    Em chưa rõ lắm, THÁP CỔ này là:

    1/ Tháp chuông nhà thờ?
    2/ Tháp chuông chùa?
    3/ Tháp cổ của…Chiêm Thành ( ở Bình Định? Khánh Hoà? hay Ninh Thuận?…)

    Hai chị, hoặc có bác nào..biết rõ về ý nghĩa từ “Tháp Cổ” này, giải thích cho em hiểu với!

    • Công Thành
      28/02/2012 lúc 20:49

      Phay Van và cháu Anh Tuấn: Tôi nhớ có đọc một bài ( ranh rảnh tôi sẽ tìm lại sau), bài viết ấy có đề cập đến chi tiết “Tháp cổ” mà cháu Tuấn Anh hỏi, đại khái tôi nhơ nhớ như sau:

      Tác giả bài viết ấy cho rằng: “Tháp Cổ” trong bài Diễm Xưa, cũng là ý nói về “Tháp Cổ” của người Chiêm Thành trong bài thơ ” Tháp Cổ” của nhà thơ Kim Tuấn, và tác giả cũng nói “có lẽ là Tháp Cổ ở Nha Trang? “, bài thơ ấy có 2 câu mở đầu:

      ” Mưa bay, mưa bay, mưa buồn tháp cổ
      Anh xa quê hương nước mắt Chiêm Thành”

      Và nhà thơ Kim Tuấn có đề tặng bài thơ này cho Trịnh Công Sơn và Đinh Cường…”

      Có điều ” Diễm Xưa” thì TCS sáng tác vào năm 1960, còn bài thơ “Tháp Cổ” thì tôi không biết Kim Tuấn sáng tác năm nào?
      Có lẽ, để hiểu rõ, và chính xác hơn thì chỉ có cách là hỏi…Hoạ Sĩ Đinh Cường?
      Mà để ý hỏi này, theo tôi, thì chắc là chỉ có cô…Nguyệt Mai thôi!
      Cô Phay Van có đồng ý thế không?

      • Công Thành
        29/02/2012 lúc 12:32

        Phay Van :Dạ, em cũng nghĩ thế nhưng chờ bác Công Thành nói ra

        Phay Van, Cô là…”lém”…lắm đấy nhé! hehehe…

        Đây là 2 bài mà tôi đã đọc trước đây, Gõ google:

        1/ ” KimTuan – http://www.vinhhao.info/Doctho/k-m/kimtuan.htm
        2/ ” KimTuan – http://www.vinhhao.info/Doctho/t/trinhcongson.htm

      • Nguyễn Tuấn Anh
        29/02/2012 lúc 15:14

        Bác Công Thành kính: Con cám ơn bác đã cho links 2 bài viết, có nội dung phần nào giải đáp thắc mắc mà con đã hỏi chị Năm ạ.

    • Mai
      29/02/2012 lúc 20:58

      Anh Công Thành, Phay Van và Tuấn Anh,
      Nguyệt Mai đã mang thắc mắc của các bạn hỏi họa sĩ Đinh Cường. Ông cho biết: “Tôi cũng cảm nhạc TCS như các bạn, giải thích thì …chịu,”
      Ông cũng chia sẻ với Nguyệt Mai bài viết của Hoàng Tá Thích, em rể của TCS, đã đăng trên báo Doanh Nhân cuối tuần, xin gửi đến các bạn.

      Nhân ngày sinh của Trịnh Công Sơn

      Tự mình biết riêng mình
      Và ta biết riêng ta…

      Có một thời kỳ Nguyễn Trung – một trong những họa sĩ vẽ tranh trừu tượng đầu tiên của Việt Nam – thường vẽ cá, hầu như bức tranh nào của anh cũng có cá. Không ít người yêu tranh Nguyễn Trung đã tìm cách giải thích và đưa ra nhiều lập luận thế này thế khác. Nhưng thật ra không ai nói được chính xác tại sao cá lại có mặt trong tranh của Nguyễn Trung, nếu không được nghe chính anh tâm sự về điều đó.
      Trịnh Công Sơn cũng thường nói, đừng bao giờ hỏi một hoạ sĩ về ý nghĩa của một tác phẩm được gọi là trừu tượng, bởi vì đó là những cảm xúc, đôi khi nhất thời, của người nghệ sĩ mà nhiều lúc chính họ cũng không thể giải thích một cách rõ ràng khúc chiết được.
      Đừng nói là một bức tranh trừu tượng, mà ngay cả ca từ trong một ca khúc cũng thế. Chẳng hạn chỉ một câu: “Đôi khi một người dường như chờ đợi, thật ra đang ngồi thảnh thơi” trong nhạc phẩm Tự tình khúc của Trịnh Công Sơn cũng đã được rất nhiều người làm công việc “giải mã ca từ” đưa ra không biết bao nhiêu lời chú giải, đôi khi… trái ngược nhau hoàn toàn!
      Sinh thời, nhạc sĩ thường kể câu chuyện mà anh rất tâm đắc về một người yêu thích nhạc Trịnh. Thời phong trào hát karaoke bắt đầt thịnh hành, có lần anh cùng vài người bạn đến một phòng karaoke và nghe một cô gái rất chân quê say sưa hát ca khúc “Một cõi đi về”. Sau khi cô hát xong, anh tò mò hỏi: “Em có vẻ thích ca khúc này, nhưng có hiểu được ý nghĩa của bài hát không?”. Cô thành thật trả lời: “Tuy rất thích bài hát này nhưng nếu bắt em giải thích thì… nửa chữ trong bài em cũng chẳng hiểu. Chỉ có điều mỗi khi hát lên thì em có cảm giác rất thú vị, không biết phải nói thế nào.”
      Với Trịnh Công Sơn thì câu trả lời của cô gái rất hay, vì thưởng thức nghệ thuật là sự cảm nhận riêng của mỗi người, không cần thiết phải lý giải hay phân tích rạch ròi.
      Trong ca khúc Ngẫu nhiên, Trịnh Công Sơn viết:
      Hòn đá lăn trên đồi
      Hòn đá rớt xuống cành mai
      Rụng cánh hoa mai gầy
      Chim chóc hót tiếng qua đời…
      Nếu có ai hỏi tác giả muốn nói đến điều gì, thì tôi nghĩ có lẽ chàng nhạc sĩ của chúng ta sẽ tủm tĩm cười và khẽ nói:
      Tự mình biết riêng mình
      Và ta biết riêng ta…
      Về mặt tình cảm, Trịnh Công Sơn luôn giữ quan điểm, gần như là một nguyên tắc, là “Người nào thương mình thì mình thương lại, còn ai ghét mình thì… thôi kệ.” Ngoài ra, tuổi tác không bao giờ là một khoảng cách giữa bạn bè. Anh thường nói đùa, tuổi lớn nhất của một con người là … 35, phần đời còn lại chỉ là thời gian để đúc kết kinh nghiệm trong cuộc sống của mình mà thôi.
      Vì thế mà Trịnh Công Sơn có rất nhiều bạn đủ các lứa tuổi và thuộc mọi thành phần, chứ không chỉ giới hạn trong giới nghệ thuật. Thậm chí anh có nhiều người bạn rất thân thiết ở ngoài giới nghệ sĩ mà anh có thể ngồi hết giờ này qua giờ khác, hát cho họ nghe một ca khúc vừa viết xong và bàn luận với nhau đủ mọi thứ, chuyện đời thường nhiều hơn là chuyện nghệ thuật.
      Tuy vậy, không phải với ai anh cũng sẵn sàng tâm sự những chuyện riêng tư. Vì thế mà nhiều người bạn lui tới với anh lâu năm nhưng chỉ có thể biết một phần nào, một mặt nào đó trong đời sống của anh mà thôi.
      Do vậy mà sau khi anh qua đời, đã có nhiều người bạn – ngay cả những người nghĩ rằng mình quá thân thiết hoặc đã hiểu rõ Trịnh Công Sơn – vẫn còn không ít ngộ nhận khi nói hay viết về anh. Tôi nghĩ chẳng qua vì họ không phải là bạn tâm giao để có thể thấu rõ tường tận những chuyện riêng tư của anh.
      Đừng nói đến những suy nghĩ về thời cuộc, về một quan điểm chính trị, hay về một nhân vật tiếng tăm nào đó cho xa xôi, chỉ nói đến hình bóng của những người đẹp từng là nguồn cảm hứng cho nhiều ca khúc, hay những người tình đã đi qua cuộc đời Trịnh Công Sơn, tức là những nhân vật hiện thực, vậy mà không phải người bạn nào của anh cũng biết rõ.
      Có những người không mấy thân thiết với Trịnh Công Sơn đã viết về các đề tài này sau khi anh mất. Nếu ai đó viết không đúng, hoặc thêu dệt thêm đôi chút cho lãng mạn thì cũng là điều dễ hiểu.
      Đáng tiếc là một số bạn bè từng giao du lâu năm với Trịnh Công Sơn mà vẫn đưa ra các nhận định không đúng về cách ứng xử của anh, thậm chí dựng lên những câu chuyện hoàn toàn sai lệch về Trịnh Công Sơn.
      Trịnh Công Sơn sáng tác bằng những cảm xúc có được qua những gì xảy ra hàng ngày. Có thể nói anh là một chứng nhân của cuộc sống và ca khúc của anh chính là những điều được ghi chép lại.
      Khi đến nhà một người bạn để cùng ngắm hoa quỳnh nở, anh nghĩ đến một người con gái tên Quỳnh Hương và thế là viết ngay ca khúc Quỳnh Hương. Hoa quỳnh chỉ nở về đêm và cuộc sống rất ngắn ngủi: Trong vườn trăng vừa khép những đoá mong manh. Như một chút tình em mang cho ta. Rồi thôi.
      Ngồi trên bãi biển nghe tiếng sóng vỗ rì rào, nghĩ đến người bạn thân đang khổ tâm cố vượt qua những con sóng tình cảm, anh nhớ câu “Yết đế, yết đế, bala yết đế, bala tăng yết đế, bồ đề, tát bà ha” trong Tâm kinh Bát nhã và viết ca khúc Sóng về đâu. Hãy cố gắng vượt qua cơn sóng và biển sóng, biển sóng đừng xô tôi, đừng xô tôi ngã dưới chân người.
      Anh đến chơi nhà một người bạn, nhìn thấy cô láng giềng xinh đẹp nhà bên cạnh và ca khúc Hoa Xuân ca ra đời: Em mướt xanh như ngọc mà tôi có đâu ngờ.
      Chiến tranh vừa cướp mất của anh một người bạn và anh trút nỗi buồn trong một ca khúc có liên quan đến cuộc chiến trên đất nước: Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè…..
      Có thể nói, hầu hết các ca khúc của Trịnh Công Sơn đều ra đời từ những cảm xúc bất chợt như thế, vì vậy mà trong tác phẩm của anh, chúng ta có thể bắt gặp đủ mọi thứ trên đời, từ bò, gà, chim chóc, gió mưa, lăng miếu, hàng quán, núi đồi đến giọt sương, ngọn lá, bình minh, hoàng hôn, buổi trưa, buổi chiều, buổi tối, cuộc sống, cái chết, bom đạn…..
      Cũng thế, sống trong thời chiến thì anh viết những suy nghĩ của anh về chiến tranh. Xúc cảm về một cơn mưa, một tia nắng ấm thì anh viết về điều đó. Và dĩ nhiên khi gặp gỡ những bóng hồng xinh đẹp thì anh để lại cho chúng ta những tình khúc lãng mạn, êm đềm.
      Hình như chưa bao giờ Trịnh Công Sơn tưởng tượng ra một điều gì rồi sáng tác dựa theo sự tưởng tượng của mình. Có thể vì thế mà trong nhiều bài hát của anh có những ca từ hoặc hình ảnh hết sức trừu tượng anh bất chợt nghĩ ra, do vậy không thể căn cứ trên một yếu tố cụ thể nào đó để giải thích mà cho rằng tác giả đã cố ý sử dụng một từ ngữ để làm biểu tượng cho một điều gì muốn nói.
      Hoạ sĩ Nguyễn Trung đã từng nhận xét về khả năng hội hoạ của Trịnh Công Sơn như sau: “Có thể nói Trịnh Công Sơn là một hoạ sĩ đích thực, vì anh được tự do. Nếu muốn diễn tả một suy nghĩ nào đó thì anh có thể dùng cây cọ đưa những ý tưởng đó lên khung vải một cách tự nhiên và dễ dàng dù anh không học về kỹ thuật hội họa, khác với những hoạ sĩ được đào tạo trường lớp, họ luôn luôn bị những nguyên tắc trường quy hạn chế sự tự do đó”.
      Nguyễn Trung cũng đã có lần tâm sự: “Hồi đi học ở trường Mỹ thuật, thầy giáo dạy rằng sáng tác phải được tự do. Ý tưởng bất chợt đến với mình, nên phóng bút một cách tự do, còn nếu phải dùng đến kỹ thuật để diễn tả thì có thể làm mất đi sự trung thực”.
      Theo tôi, việc sáng tác âm nhạc đối với Trịnh Công Sơn có lẽ cũng chẳng khác gì trong lĩnh vực hội họa.
      Cũng có người cho rằng tác phẩm của Trịnh Công Sơn chỉ là những ca khúc quá đơn giản, nhất là âm điệu chẳng có gì là cao siêu.
      Thật vậy, âm nhạc của anh nhẹ nhàng, như khi chúng ta lắng nghe tiếng chim ríu rít ngoài cửa sổ, nghe tiếng xào xạc của lá cây và cảm thấy tâm hồn bình an thanh thản.
      Đôi khi một người dường như chờ đợi, thật ra đang ngồi thảnh thơi: chúng ta hãy cùng lắng nghe và chia sẻ với những cảm xúc của người nghệ sĩ, mà không cần phải cất công phân tích nhiều quá làm gì.

      Hoàng Tá Thích

      • Nguyễn Tuấn Anh
        29/02/2012 lúc 23:05

        Chị Ba kính,
        Dạ, em cám ơn chị Ba đã dành thời gian hỏi Hoạ sĩ Đinh Cường, để trả lời cho thắc mắc “đầu têu” của em, và các bác các chị ạ.

  3. Nguyễn Tuấn Anh
    28/02/2012 lúc 12:02

    Và..em còn phân vân,lưỡng lự với từ ” NHỚ MÃI”..hay là ” NHỠ MAI”..trong đoạn này, cũng của “Diễm Xưa”:

    ” Chiều nay còn mưa sao em không lại
    NHỚ MÃI ( hay là: NHỠ MAI ) trong cơn đau vùi
    Làm sao có nhau
    Hằn lên nỗi đau
    Bước chân em xin về mau..”

    Rất nhiều người hát..NHỚ MÃI !
    nhưng, xét về ý nghĩa thì..NHỠ MAI..lại có lý hơn!

    Em nghĩ vậy không biết em có.. “tưng tưng”..không chị Ba và chị Năm? hihihihihi…

    • Công Thành
      28/02/2012 lúc 20:50

      Ý của Tuấn Anh hỏi “Nhớ mãi” hay “Nhỡ mai”, làm tôi cũng bật đĩa nghe lại, và chú ý nghe Khánh Ly hát đi hát lại, thì thấy Khánh ly hát..” Nhỡ mai”.
      Có điều, nhân cháu Tuấn Anh hỏi, thì cũng hơi thắc mắc một chút là: từ… “Nhỡ mai”… thì người ở miền Bắc dùng, TCS là người miềnTrung, nếu dùng thì sẽ dùng là…”Lỡ mai”…chứ?

      Vui vui góp chuyện một chút…
      Các bác, các cô, có thể chia sẻ thêm…cho vui chứ…

  4. Võ Trung Tín
    28/02/2012 lúc 12:24

    Chị Năm: Trước Tết, cả nhóm “kiến” tụi em có nêu lên những nhạc phẩm mà chị Cam Li đã từng hát, chị Năm nhớ chưa?
    Hôm nay entry này chị và chị Ba post bài với chủ đề Ns TCS, vậy tụi em đề nghị với chị Năm post nhạc Trịnh qua giọng ca của chị Cam Li nghen

    1/ Phôi Pha
    2/ Mưa Hồng
    3/ Gọi Tên Bốn Mùa

    Chị Năm không được ở..”nước LÈO”..như Tuấn Anh nói..nữa đó!!!! hihihihihihi…

  5. 28/02/2012 lúc 12:26

    Tài và đức không ở cùng nhau thì phải ?

    • 29/02/2012 lúc 09:29

      Tức là :Theo quan niệm riêng thì ở TCS , 2 vấn đề trên không cùng tồn tại !

    • Lãng Tử
      29/02/2012 lúc 10:23

      Về tài năng âm nhạc của TCS, thì chắc có lẽ không có ai phủ nhận.
      Nhưng quả thật, với một người đọc bình thường khi gặp đọc được một số bài viết, và nhất là bài viết của Hoạ Sĩ Trịnh Cung, thì ở một góc độ nào đó, độc giả có lắm điều suy ngẫm về TCS…
      Nếu bác nào có quan tâm, cũng như thử thư giản chút chút… xin mời đọc:

      Vô Google: ” tuan’s blog: Trịnh Công Sơn & Tham Vọng Chính Trị “

      • 29/02/2012 lúc 12:01

        Cảm ơn bác Lãng Tử. Em đã đọc bài này trước đây và đã “né” 😀
        Nay nhân bác giới thiệu thì em xin phép dẫn link, cũng như comment của bác Công Thành vậy, để những ai chưa từng đọc thì có dịp tham khảo, nhìn ở một khía cạnh khác.

    • Ngô Tấn
      29/02/2012 lúc 20:25

      Cám ơn,
      Lần đầu tiên đọc được bài này.
      Thấy có cái gì đó ngỡ ngàng quá!
      Con ngườiTCS là vậy sao?!

    • 01/03/2012 lúc 08:43

      Cảm ơn bác Lãng Tử@ !

    • Lãng Tử
      01/03/2012 lúc 12:00

      Bác Trà hâm lại: Vâng, cũng cám ơn bác đã đọc comment và bài viết của Hs TC mà tôi chia sẻ.
      Đọc, gặp, những thông tin hay hay, rồi cùng nhau thân tình chia sẻ lại thông tin là điều thú vị phải không bác.
      Vui khoẻ bác Trà nhé.

    • Lãng Tử
      01/03/2012 lúc 12:14

      Cám ơn bác Ngô Tấn đã đọc bài tôi chia sẻ nhé.

      Phay Van: sao cô lại…”né”? Nói rõ tí được không?

      • 01/03/2012 lúc 14:07

        Dạ thưa bác Lãng Tử: Có mấy điều sau bác ạ:
        Trước hết, đa số người thưởng thức âm nhạc tại VN hiện nay (do cái gọi là “chính sách”), lầm tưởng rằng nhạc TCS đại diện cho hết nền âm nhạc miền Nam VN giai đoạn 1954- 1975. Thâm tâm em thì em chỉ dành cho nhạc TCS chừng 20% trong cái gọi là gia sản âm nhạc miền Nam trước đây mà thôi.
        Kế đến, em thiên về ý kiến của họa sĩ Trịnh Cung (trong bài mà bác đã giới thiệu), hơn nữa theo nhận xét của riêng em thì nơi nhạc sĩ TCS- tác giả không sống như tác phẩm, và như thế em đứng vào thiểu số.
        Và cuối cùng thì em hay ngại phải tranh luận, nên thôi giữ im lặng.

    • Lãng Tử
      01/03/2012 lúc 22:02

      Phay Van: Vậy là cô Phay Van có cùng quan điểm với tôi đấy.
      Cô Phay Van đã đọc bài này chưa?

      Vô Google: ” Liên Thành – Biến Động Miền Trung – 1968): TRỊNH CÔNG SƠN “

      Tôi đọc bài này đã lâu, và cùng lúc với bài của Hs TC .

      • 01/03/2012 lúc 22:30

        Dạ cảm ơn bác Lãng Tử. Trước đây em cũng có đọc các bài của Liên Thành về cuộc thảm sát Mậu Thân 1968 tại Huế. Cũng nhờ thế mà biết sự thật về hai anh em HPNT, HPNP và NĐX.

  6. Công Thành
    28/02/2012 lúc 21:07

    Từ đường link của blog’s Phay Van, tôi cũng hay vào đọc bài trong blog của nhà văn Trần Hoài Thư…
    Góp chuyện nhân chủ đề entry nói về TCS, xin chia sẻ giới thiệu với cả nhà, một bài viết của nhà văn Trần Hoài Thư, mà trong đó có một số chi tiết nói về TCS, có lẽ cũng ít người hiện nay ở trong nước biết lắm…

    Entry: ” Nhân một bài viết của Thế uyên về HPNT…- Blog’s trần hoài Thư “

  7. Trần thị Bảo Vân
    28/02/2012 lúc 22:11

    Chị Năm ơi, Út và các bạn vừa biết được tin: vào ngày 28/2/2012 này ca sĩ Ánh Tuyết sẽ tổ chức một đên nhạc Trịnh, để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 73 của Ns TCS.
    Điều thú vị là trong chương trình kỷ niệm sinh nhật lần thứ 73 này, có 3 ca sĩ người nước ngoài cùng tham gia hát nhạc Trịnh:
    1/ Lee Kirty – người Anh
    2/ Richard Fuller – người Mỹ
    3/ Kyo York – người Mỹ

    Vậy chị Năm xem, có thể tìm có clips nào mà 3 ca sĩ này đã hát nhạc Trịnh, post lên cho cả nhà xem nghe đi chị Năm…

  8. Phạm Sơn
    29/02/2012 lúc 09:40

    Thích nhạc Trịnh, nhưng chỉ hay nghe ca sĩ Khánh Ly hát.
    Xem clip thứ hai, lần đầu nghe 3 nghệ sĩ kết hợp, mà lại có ca sĩ nước ngoài trình bày”Một cõi đi về”, không ngờ thật là hay và sâu lắng.
    Cám ơn chủ blog đã giới thiệu clips.

  9. Lãng Tử
    29/02/2012 lúc 10:43

    Cô Phay Van: Để làm phong phú, và tràn ngập âm nhạc với chủ đề kỷ niệm Trịnh Công Sơn trong entry này, Lãng Tử tôi đề nghị cô tìm clips mà nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn thổi Saxophone nhé:

    1/ Hạ Trắng
    2/ Ru em từng ngón xuân nồng
    3/ Một cõi đi về

    Được chứ cô Phay Van?

    • Lãng Tử
      01/03/2012 lúc 12:03

      Cám ơn cô Phay Van đã đáp ứng đề nghị của tôi nhé.

  10. Nguyễn Tuấn Anh
    29/02/2012 lúc 15:12

    Chị Năm ơi,
    Theo ý mà bác Lãng Tử nói ở còm trên: “để làm phong phú và tràn ngập âm nhạc…”
    Thế thì, em đề nghị chị Năm tìm post nhạc thêm chị Năm nghen, và còm này em chỉ nêu một nhạc phẩm ” Diễm Xưa” thôi, nhưng với các đề nghị sau:

    1/ Bản nhạc “Diễm Xưa” được dịch sang tiếng Nhật, có tựa đề: ” Utsukushii mukashi ”
    Chị Năm cố gắng tìm tất cả clips có các ca sĩ hát bản tiếng Nhật này post lên, mà chị Năm có thể tìm…( Chị và chị Ba là “chuyên gia”..tìm nhạc hay mà!!! hihihihihi…)
    2/ Bản nhạc “Diễm Xưa” do các ca sĩ sau trình bày: Khánh Ly, Cẩm Vân, Elvis Phương, Phương Thanh, Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh…
    Để vừa thưởng thức nhạc phẩm, vừa nhận ra nét hay khi thể hiện nhạc phẩm này..của mỗi ca sĩ.

    Rất mong đề nghị của em được chị Năm..”không mắng”!!!! hihihihihihi…

    • Mai
      29/02/2012 lúc 21:10

      Tuấn Anh mến,
      Chị Ba cũng thích nhạc phẩm “Diễm Xưa” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lắm, vì đó là bài nhạc đầu tiên của nhạc sĩ mà chị được nghe, với những ca từ thật hay và thật đẹp như một bài thơ.
      Chị gửi tặng em trang này để em sẽ được nghe rất nhiều ca sĩ thể hiện bài hát này tùy theo ý em lựa chọn nhé:

      http://www.nhaccuatui.com/tim_kiem/bai_hat?q=diem+xua&page=1

      • Lãng Tử
        01/03/2012 lúc 12:10

        Cám ơn cô Mai với link bản nhạc Diễm Xưa với nhiều giọng ca này, tôi cũng thích nghe bản Diễm Xưa này lắm.
        Tôi cũng đồng thuận với ý đề nghị của cháu Tuấn Anh, vì với link nhạc này, sẽ rất thuận lợi khi ta nghe nhiều ca sĩ hát cùng một nhạc phẩm Diễm Xưa.

      • Phạm Sơn
        01/03/2012 lúc 13:11

        Rất vui và thoả mãn thật sự khi biết, và nghe trang nhạc này.
        Một trang nhạc thật tuyệt!
        Cám ơn người giới thiệu nhiều.

      • Mai
        03/03/2012 lúc 12:06

        Anh Lãng Tử, anh Phạm Sơn và Tuấn Anh:
        Nguyệt Mai rất vui khi các bạn yêu thích trang nhạc này. Cám ơn các bạn đã tặng Nguyệt Mai những niềm vui.

    • Mai
      29/02/2012 lúc 21:12

      Phay Van yêu mến,
      Theo ý chị Thơ, Văn, Nhạc, Họa là những bộ môn nghệ thuật đi liền với nhau. Vậy em cho phép chị được chiều theo ý em Tuấn Anh nhé. Đừng buồn chị nha em.

    • Nguyễn Tuấn Anh
      29/02/2012 lúc 22:56

      Chị Năm ơi, Lúc 17h, em và Tín chuẩn bị đi dạy kèm, em tranh thủ vào xem chị có..”mắng”..em về vụ đề nghị post nhạc hơi nhiều không, thì, y như rằng!!!!
      Em biết yêu cầu này của tụi em, sẽ làm chị Năm “bực mình” vì mất nhiều thời gian tìm kiếm..
      Em xin lỗi! Vậy chị đừng bực mình và giận tụi em vì cứ đề nghị “lạc đề” đâu đâu nữa nghen chị Năm..

      P/s: nhưng mà tụi em vẫn cứ “ngoan cố” đề nghị miết thôi! hihihihhihi…

    • Mai
      29/02/2012 lúc 23:43

      Phay Van và Tuấn Anh,
      Cám ơn hai em rất nhiều về những tình cảm đã dành cho chị.
      Ước gì chị được là tiên thật, để với cây đũa thần trên tay, có thể “hô biến” thế giới này thành khu vườn thần tiên với những hoa thơm, cỏ lạ, và những con người đẹp từ thể chất đến tâm hồn, thông minh, sáng suốt, một thế giới chỉ có yêu thương, không còn hận thù, chiến tranh, tham vọng, ai ai cũng được no ấm, hạnh phúc, em nhỉ?

  11. Nguyễn Tuấn Anh
    29/02/2012 lúc 22:55

    Chị Ba kính yêu,
    Dạ, em cám ơn chị Ba nhiều nhiều ạ!
    Nói thật, cá nhân em cũng có trùng với ý của chị Ba đó.., bởi:
    1/ nhạc phẩm “Diễm Xưa” cũng là bản đầu tiên mà em bắt đầu nghe nhạc Trịnh, và em đã nghe đi nghe lại “Diễm Xưa” không bao giờ thấy..ngán, đó chị Ba.
    2/ cá nhân em cũng nghĩ, Ns TCS là một nghệ sĩ tài hoa trong cả 4 lĩnh vực Nhạc, Hoạ ,Thơ, Văn, vì vậy khi nói về ông, ta có thể nói chuyện, hoặc bàn luận lan man trong 4 lĩnh vực này mà không bao giờ loãng và hết chuyện…
    * Nhạc, thì rõ ràng là đồ sộ rồi.
    * Hoạ, thì entry này đã đề cập một phần nào.
    * Thơ, thì trong mỗi bản nhạc của ông vốn dĩ cũng là một bài thơ ( đã được nhiều người nói)
    * Văn, thì có lần chị Ba có giới thiệu và “tặng” cho em nội dung lá thư viết tay của TCS viết gởi cho cô Dao Ánh- người tình của ông – ( còm # 20, entry Những tờ thư cũ ).

    Tất nhiên, là em có thể nghe nhạc ở nhiều nguồn, nhưng trong entry này, với đề nghị của em, thì món quà link bản nhạc Diễm Xưa có nhiều ca sĩ hát,của chị Ba tặng em và mọi người ở đây, Em có thể nói, đây là một món quà đầy tình cảm thân thương trìu mến của chị Ba.
    Lần nữa, em kính cám ơn chị Ba kính yêu nhiều nhiều ạ…

  12. hth
    07/03/2012 lúc 21:55

    Đọc lướt bài này, thích quá. Thanks Phay Van. Lúc nào sẽ đọc kỹ lại!

  1. No trackbacks yet.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: