Trang chủ > Văn > Những Tờ Thư Cũ

Những Tờ Thư Cũ

Kính thưa các bác,

Xin giới thiệu với các bác “Những Tờ Thư Cũ”- một tùy bút của nhà văn Mai Thảo do bạn thuy tien đánh máy lại và gởi tặng cho trang Phay Văn.

Xin cảm ơn thuy tien và mong tiếp tục nhận được “quà tặng” của bạn.

.

NHỮNG TỜ THƯ CŨ

Tùy bút Mai Thảo

(nguồn: dutule.com)


Tờ giấy báo có một bưu kiện gửi theo thể thức bảo đảm vừa nhận được sáng nay đã bắt buộc kẻ nhận bưu kiện là tôi phải đích thân đến một nơi chốn bây giờ chỉ họa hoằn lắm mới một vài lần lui tới. Đó là nơi những bức điện tín màu xanh được gửi đi. Điện tín hỏa tốc những tin vui, gấp gấp những tin buồn. Đó là chốn những con tem nhỏ được dán trên những góc phong bì. Và tem và phong bì mang những đời thư lên đường. Thư, khi đến, đã những dặm biếc lăn qua. Thư khi đi, hồn của giấy đã không gian mênh mông, dáng của chữ đã đường trường bát ngát. Nơi chốn đó là nhà bưu điện của thành phố. Sinh hoạt thường nhật của tôi, đóng khung trong một hiện tại phẳng- và như thế bao lâu rồi không nhớ nữa- đã từng ngày từng ngày, nghiêng nặng vào cái khuynh hướng muốn cách biệt, muốn thu mình. Nghĩa là cắt đứt những ràng buộc, tháo gỡ những liên lạc. Căn nhà đời sống của tôi thuở nào trăm nghìn cửa hồng cùng mở, sau mỗi năm lại có một cánh cửa này lấp đi, một cánh cửa kia khép lại. Và những đường dây nối kết xưa trước xum xuê như cành, dày đặc như tóc, mỗi tuổi thêm, tôi lại bắt gặp tôi thả buông đi cho đứt rụng lần lần. Như thế đó mà những sân ga, của tiễn đưa, những bến tàu, của trùng phùng, nhà bưu điện với thư đi thư nhận, đã từ những nơi chốn lui tới thân quen thuở nào biến dần thành xa cách.

Niên thiếu và vào đời của tôi, tuổi vàng và tuổi ngọc của tôi xưa, khác ngược với bây giờ đã được đánh dấu thật đằm thắm, thật đậm đà, bằng những tờ thư. Quá khứ tôi, đã có hàng nghìn lá thư được gửi. Dĩ vãng tôi, từ ngọn đỉnh cao nhất của hồi tưởng đến vực thẳm sâu nhất của trí nhớ, là những hình ảnh thấp thoáng mà kín khắp đó của những con tem và những chiếc phong bì. Xưa, tôi có một người bạn, gặp gỡ hàng ngày, thân thiết vô tả. Đó là người phu trạm sáng nào cũng tới. Trước, tôi có những người tình, mùi giấy thơm tho, sáng tươi màu mực. Đó là những bao thư. Mối tình thứ nhất, cũng bằng thư mà thành. Những bạn bè đầu tiên, cũng từ thư mà có. Tôi đã viết tay run theo chữ, từng trang giấy phơi phới tâm hồn mười bảy. Tôi đã sống, mắt ngời theo dòng, mỗi chiếc phong bì được dán lại là gói kín một trời rung động. Thư chưa viết, hồn đã viết thành những chữ vàng rực rỡ. Thư gửi đi rồi, hồn cũng lên đường và chắp cánh bay theo. Tuổi trẻ tôi là một hộp thư lớn. Cao ngất một chồng thư, thư là cái núi kỷ niệm vĩ đại. Những con tem và những chiếc phong bì, đó là tôi xưa, tôi như một địa chỉ hồng.

Nhớ lại những kiện thư và những rừng thư, chất ngất những ngày nào, nhớ làm sao hết được. Viết đêm viết ngày. Viết chiều, viết sáng. Tuổi trẻ tôi, suốt một thời kỳ, đúng là những phong thư đã lớp lớp lên đường như một hành quân. Riêng một vụ hè, số thư gửi và số thư nhận đã nhiều gấp năm bảy lần số ngày nghỉ học. Nhà tôi ở gần biển. Bàn viết trên lầu cao. Suốt ba tháng trời liền, nghe tiếng sóng từ bãi xa vọng vào, giữa một nghiêng đầu bâng khuâng, sau một chớp mắt mơ màng, nhớ đến những người bạn cùng lớp lần đầu xa cách, tưởng tới một người yêu ở lại với cái thị trấn mình vừa rời xa, tôi đã sống, gần như mê mẩn và miệt mài với những dòng chữ khi gấp lại thành thư, là những đường dây tình cảm nồng nàn đòi rút ngắn lại những khoảng cách, lấp đầy những không gian, cho về gần những ở xa, cho hiện hình những khuất mặt. Thư viết đã nhiều thế, chuyện kể còn nhiều hơn. Thư đã dài mười trang, chừng như một trăm trang mới chở hết những điều muốn nói. Thư năm trang, gấp mấy cũng chưa vừa. Và đã ký tên rồi, còn phải thêm nữa những dòng tái bút. Tuổi trẻ nhiều chuyện thật. Đó là cái tuổi muốn nói. Như con chim không thể hót, vì cổ họng bình minh đã đầy chật những âm thanh. Tuổi trẻ phơi mở thật. Như đã nắng múa bên ngoài, thì cửa buồng phải mở. Như sóng lòng thanh niên không thể là những đợt sóng ngầm, mà phải hát thành triều, phải dâng thành ngọn. Bởi vậy mà thư nào cũng có chuyện, chuyện nào cũng thành thư, phu trạm chuyển không kịp, người viết thư không ngừng, thư theo thư lên đường thành một dòng vô tận.

Cái tôi xưa đã nói những gì trong những tờ thư thuở ấy. Tôi đã nói đến tôi, tôi với chính tôi như một khám phá. Tôi của những tờ thư đầu, tôi là một thế giới. Tôi đã nói đến người, người với tôi là một tao ngộ, người đến với tôi vang động tiếng cười, mái tóc là gió, chân đi thành nhạc, khoảng khắc đã tình thân, mới thôi đã bằng hữu. Tôi đã nói đến đời. Như một trái vừa ngọt, như nhành hoa mới nở, như một hội vui, như một chân trời. Những trang thư của tuổi trẻ tôi xưa là phấn trắng bảng đen rất bỡ ngỡ những hàng chữ mới. Tôi cấy chữ lên trang, chữ mọc xanh um, chữ là cỏ nội. Tôi thả chữ vào dòng. Chữ hóa thân thành sóng, dòng phơi phới thành gió, con tem là bươm bướm, phong bì là mây bay. Thư của một thời vàng như vậy đó thư. Những lá thư chan chứa máu hồn đằm đằm hơi thở. Lời của một tuổi ngọc là như vậy đó lời. Mỗi bức thư là một bài thơ. Và tôi đã viết như vậy, trên lụa của tuổi, trên gấm của hồn, suốt một thời kỳ, những lá thư nào cũng là những lá thư tình gửi cho bè bạn, gửi cho người yêu, nhưng chính là gửi cho mình trước nhất.

Bây giờ những buổi chiều mưa, tôi không còn được cả một tờ thư cũ để đọc lại. Một địa chỉ tôi đã mất. Những địa chỉ người đã lạc. Những người bạn xa vẫn còn đó. Dăm bảy lang thang, một vài xa cách. Một tên người thoáng nhớ. Một khuôn mặt thoáng hiện. Nhưng cuộc sống, cuộc sống mà sáng nay gặp một phiến gẫy ở một đầu đường, chiều nay một mảnh cụt ở ngoài đầu ngõ, cuộc sống có tôi hay không có tôi cũng vậy, chừng như đã mất những bỡ ngỡ, dẫu vẫn nhìn nhưng không còn đáng nói. Những đỉnh đã thấp. Những vực đã đầy. Những cánh cửa khép dần. Một ngôi nhà im lặng. Trong cái chung của một nín thinh buồn rầu này, có cái riêng là những lá thư không còn được gửi đi. Những con tem và những phong bì xưa chỉ còn là những hình thù xa lạ.

(nguồn: Tuổi Ngọc bộ mới số 2, tuần lễ từ 3-6 đến 10-6-1971)

Chuyên mục:Văn Thẻ:
  1. Công Thành
    06/02/2012 lúc 12:15

    Ôi ! Công Thành tôi lại mở hàng entry mới nữa rồi!
    Vậy…, Xin được chào cả nhà, nào…chúng ta cùng đọc bài mới, các bác…nhé…

    TB: Không biết cô bé sv Bảo Vân…có “réo”..lì xì..nữa đây không biết?!
    Bảo Vân ơi…, cháu đâu rồi…?

    • Nguyễn Tuấn Anh
      08/02/2012 lúc 15:00

      Bác Công Thành: Tụi con mới đầu năm mà bận học bù đầu, Bảo Vân cùng một nhóm bạn đi miền Tây rồi bác Công Thành ơi.
      Con..”réo” lì xì thế cho cả nhóm “kiến”..được không bác! hihihihihihihi..

      • Công Thành
        09/02/2012 lúc 22:04

        ChàoTuấn Anh: Không được! Phải chờ cô bé BV “sắc lẻm” nhóm trưởng nữa chứ! hehehe..
        Hơn nữa, các cháu phải tập trung cả nhóm “kiến” lại, cùng vào nhà Phay Van chơi…,Bác mới…chịu lì xì! hehehe…

      • Nguyễn Tuấn Anh
        10/02/2012 lúc 21:34

        Bác Công Thành ơi! BV..hai, ba ngày nữa mới về lận..bác ơi!!!! huhuhuhuhu…

  2. Công Thành
    06/02/2012 lúc 12:19

    Mai Thảo là một nhà văn có nhiều sáng tác hay và nổi tiếng của miền Nam trước 1975.
    Tuy nhiên, để các bác và các bạn trẻ vào chơi đọc entry này, có dịp tìm hiểu, và biết thêm về những sáng tác, cũng như vài nét “lí lịch” cơ bản về bản thân nhà văn Mai Thảo…
    Xin chia sẻ và giới thiệu với các bác và các bạn trẻ vào đọc một bài này…tham khảo nhé…

    Gõ Google các bác nhé : “Tiểu sử Mai Thảo

    • 06/02/2012 lúc 21:51

      Dạ, cảm ơn anh Công Thành đã giới thiệu bài viết.

      • Công Thành
        09/02/2012 lúc 22:07

        Mấy hôm nay bận quá không vào chơi được!
        Cám ơn cô Phay Van gắn link nhé…

  3. Mai
    07/02/2012 lúc 11:10

    Cám ơn Thủy Tiên rất nhiều đã đánh máy lại một tùy bút thật dễ thương của Mai Thảo. Ai trong chúng ta lại không có ít nhất một lân viết và nhận thư trong đời. Cảm giác bồi hồi, chờ mong và biết bao thứ tình cảm khác nữa… “Trước, tôi có những người tình, mùi giấy thơm tho, sáng tươi màu mực. Đó là những bao thư. Mối tình thứ nhất, cũng bằng thư mà thành. Những bạn bè đầu tiên, cũng từ thư mà có. Tôi đã viết tay run theo chữ, từng trang giấy phơi phới tâm hồn mười bảy. Tôi đã sống, mắt ngời theo dòng, mỗi chiếc phong bì được dán lại là gói kín một trời rung động. Thư chưa viết, hồn đã viết thành những chữ vàng rực rỡ. Thư gửi đi rồi, hồn cũng lên đường và chắp cánh bay theo.”
    Cám ơn Thủy Tiên và cám ơn Mai Thảo cho tôi tìm về những kỷ niệm xưa.

    • Nguyễn Tuấn Anh
      08/02/2012 lúc 15:12

      Chị Ba và chị Năm: Cho phép em tò mò hỏi một câu rất thật nghen: hiện giờ trong hai chị, có còn lưu giữ những lá thư tay mà trước đây hai chị đã được nhận chứ?
      Trước 1975 hình thức bì thư khi gửi đi như thế nào, nếu trong hai chị, có chị nào còn lưu giữ, post lên một vài bì thư mẫu..cho em xem được chứ hai chị?

    • Võ Trung Tín
      08/02/2012 lúc 15:34

      Chị Năm: Cám ơn chị Năm. Công nhận chị Năm có entry này độc đáo thiệt, thế mà lâu nay tụi em đâu biết!
      Giờ này em và Tuấn Anh không đủ thời gian đọc và coi kỹ entry này.., sẽ coi và đọc lại sau..nghen chị Năm.
      Ghé thăm nhà một chút, tụi em chào chị Năm..

    • Võ Trung Tín
      08/02/2012 lúc 23:55

      Chị Năm: Học khuya, chuẩn bị ngủ..,Em mới coi lại entry ” Một thú chơi đang mất dần” mà hồi chiều em và Tuấn Anh chỉ coi lướt qua.
      Chị Năm hồi đó có thú chơi tao nhã thật đấy!
      Lúc còn nhỏ, em cũng có nghe ba em kể là Bác em cũng có thú chơi sưu tập tem này, và bộ sưu tập của ông có rất nhiều..
      Những con tem trong entry này hiện chị vẫn còn giữ chứ?
      À chị Năm, hai con tem “Nam Phương Hoàng Hậu và Thái Tử Bảo Long”..ra đời năm nào vậy chị, nó là vẽ hay hình chụp?

      • 09/02/2012 lúc 08:08

        Tín ơi: Câu hỏi của em rất thú vị. Những con tem này chị vẫn còn giữ em ạ. Nếu quan tâm về tem bưu chính, em có thể đọc thêm tại đây.

        Giải đáp thắc mắc cho em đây:

        1/Hoàng hậu Nam Phương Và Hồng Thập Tự Việt Nam (*)

        Đặc tính: Loại tem kỷ niệm. Giá tiền 30C-tím vàng nâu, 50C-thiên thanh vàng nâu, 1$50-xanh vàng nâu. Ảnh chụp Cựu hoàng hậu Nam Phương do nhà Hélio-Vaugirard Paris thực hiện. Số lượng in: 30C-1triệu, 50C- 1 triệu, 1$50-2 triệu. Phát hành ngày 15/08/1952. Thu hồi ngày 30/12/1955 do Nghị Định số 55-022/NĐ-CC ngày 12/04/1955 của Bộ Giao-Thông Công Chánh và Bưu Điện. Dấu kỷ niệm: Nhật ấn kỷ niệm ngày phát hành đầu tiên

        (*)Đặc tính: Loại tem có phụ-thu (Surtaxe)

        Ảnh chụp Cựu hoàng hậu Nam Phương bên phải là dấu hiệu Hồng-Thập-Tự do nhà Hélio-Vaugirard Paris thực hiện. Giá tiền 1$50+0$50-thiên thanh vàng nâu; 1$50- bưu dụng, 0đ50- phụ giúp Hồng-Thập-Tự. Phát hành ngày 10/11/1952 nhân dịp Lễ Vạn-Thọ Nhâm-Thìn Tứ tuần Đại-Khánh Cựu hoàng Bảo-Đại. Thu hồi ngày 30/12/1955 do Nghị Định số 55-022/NĐ-CC ngày 12/04/1955.

        2/Hoàng Tử Bảo Long

        Đặc tính: Loại tem kỷ niệm. Giá tiền, số lượng in: 40C-xanh da trời xanh lá cây(3 triệu), 70C-nâu đỏ thẫm(3 triệu), 80C-nâu tím(3 triệu), 90C-xanh thẫm(1 triệu), 20$-đỏ thẫm(2 triệu), 50$-vàng thẫm(2 triệu), 100$-tím(1triệu). Do nhà in tem thư đại lộ Brune Paris thực hiện. Phát hành ngày 15/06/1954. Đề tài kiểu A chụp Hoàng tử Bảo Long mặc Quốc phục Đông Cung Thái tử (các giá tiền 40C, 80C và 100$). Đề tài kiểu B chụp Hoàng tử Bảo Long mặc quân phục đại tá danh dự Ngự-Lâm-Quân đeo kiếm (các giá tiền 90C, 20$ v à 50$). Thu hồi ngày 30/12/1955 do Nghị Định số 55-022/NĐ-CC ngày 12/04/1955 của Bộ Giao-Thông Công Chánh và Bưu Điện. Dấu kỷ niệm: Tại Chánh-Thâu Cục Sài Gòn có dấu Sài Gòn -Philatélie (Sài Gòn Bưu Hoa) dùng làm nhật ấn “Ngày Đầu Tiên”

        (nguồn: tại đây)

    • Võ Trung Tín
      09/02/2012 lúc 11:36

      Chị Năm quả là người chơi và sưu tập tem..đẳng cấp!
      Em gọi đẳng cấp, bởi lẽ, với thú chơi và kiến thức về lĩnh vực sưu tầm tem này “đã mất dần”..lâu lắm rồi! Vậy mà hôm nay em vô tình vào xem và có vài ý hỏi, thế mà chị lập tức trả lời và minh hoạ..hết sức thuyết phục!
      Với em, sự trả lời này thể hiện tính..đẳng cấp sưu tập tem thật sự, cho dù chị có khiêm tốn thế nào đi nữa!

    • Mai
      09/02/2012 lúc 18:47

      Tuấn Anh,
      Theo năm tháng và sự dời đổi, chị rất tiếc không còn giữ lại một lá thư tay nào cả. Nhưng bù lại, chị gởi tặng em cái clip này để em có thể xem cái bì thư của ngày xưa nhé.

      và cũng gởi tặng em bức thư mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã gửi cho cô Dao Ánh, người tình của ông:

      Blao, ngày 2/9/1964

      Dao Ánh thân mến,

      Cơn mơ kéo anh trở dậy vào lúc 3 giờ sáng.

      Bây giờ đồi núi Blao còn đêm mù sương và im lìm ngủ. Anh thắp nến trắng viết thư cho Ánh và trùm chăn quanh mình. Miền cao nguyên này lạnh suốt ngày.

      Ánh ơi,

      Anh hơi lạ lùng là suốt những ngày lên đây anh thường nằm mơ có Ánh. Có Ánh rất yên lành qua những con đường xa lạ của một mùa Hè đã qua mà phượng vẫn còn đỏ ngời. Hình như trời vừa qua một cơn bão lụt nên con đường có vẻ xơ xác. Ánh mặc áo nâu, tóc mềm như mây có cả chiếc nơ màu nâu nhạt cài lên rất huyền hoặc. Anh còn nhớ là suốt con đường đi đó không khí bỗng ấm áp vô cùng. Anh đã trở dậy trong sự trống vắng dai dẳng ở đây.

      Đáng lẽ kỳ này anh vào dạy nhạc ở Sư phạm Quy Nhơn (1) nhưng Cường và Cung (2) bảo anh nên thử liều lên nằm ở miền Cao nguyên một lần xem sao. Ở đây mà chờ ngày vào Thủ Đức (3). Thế cũng xong Ánh ạ. Có điều anh không ngờ là vùng đất này buồn đến thế. Những ngày đầu anh lên đây anh ngỡ là mình vừa mang một bản án treo đày về một hoang đảo. Anh chưa bao giờ đối diện với một dáng buồn lạ lùng và bi thảm như thế này. Không thể kể xiết sự hoang vắng bủa vây quanh mình những chiều những đêm có mưa hạt nhỏ qua đây. Buổi sáng thức dậy sương muối xuống đầy cả vùng trước mặt, cây cỏ trắng xóa và những người Thượng đi lấy củi sớm ở những đồi chè xung quanh không còn nhìn thấy nữa. Buổi chiều, có những chiều khô, hay mưa cũng thế, ngồi ở căn phòng, anh nghe rõ cả tiếng kèn đồng thổi về từ một đồn lính ở trên đồi cao rất buồn rất buồn. Như tiếng kèn trong phim Tant qu’il y aura des hommes (4).

      Anh có cảm giác mình là một hóa – thân – phiền – muộn treo lửng lơ trong một khoảng không nào đó. Không là đỉnh cao. Không là vực sâu. Một cái gì mang mang không rõ ràng.

      Căn nhà anh ở nằm chênh vênh ở một triền dốc. Buổi chiều ở đây chỉ còn tiếng gió hú thật não nuột về ru anh ngủ mà thôi. Anh cảm thấy như mình càng ngày càng đi vào những bất lực và vô vọng to tát hơn. Càng cố vùng vẫy thì càng bị siết lại hay càng bị ngợp chới với hơn.

      Bây giờ đã xa tất cả. Anh em. Người thân. Bạn bè. Vùng đất này như một miền bỏ hoang mà anh đã hiện diện ở đây làm loài củi mục.

      Suốt ngày im câm như một số phần không tên, không tuổi, không còn dĩ vãng – tương lai. Ngôn ngữ nào của đô thị, của thành phố ở dưới kia mà anh ao ước được nghe lại, được nói lại vô cùng Ánh ạ.

      Hôm nay anh lên Đà Lạt (trước khi về đây), gặp Kim Vui (ca sĩ) lấy xe đưa anh đi chơi quanh thành phố đến khuya. Buổi chiều sắp tối anh có thấy thoáng ai giống như Vũ – anh gọi mà không nghe.

      Ở đây đi Đà Lạt và Sài Gòn rất gần. Nhưng anh vẫn thấy có gì cách biệt xa xôi như không liên hệ gì đến nhau.

      Đêm ở đây anh thường vào ngủ sớm (9 giờ) bởi vì thành phố không có một sinh hoạt vui chơi nào.

      Thành phố cũng chưa có số nhà – ban đêm thì tối mù vì chưa có đèn đường. Trông bi đát lắm. Chán lắm Ánh ạ. Suốt ngày, ngoài những giờ làm việc buổi sáng, anh ngồi nhìn chiều và đêm về trên những con đường dốc đất đỏ, mây thì xuống thật gần thật thấp. Chao ôi là buồn. Có lẽ anh cũng phải tìm cách nào để thoát khỏi nơi đây dù phải làm bất cứ gì để sống. Đời chúng anh phiêu bạt quá nên càng ngày càng tự du mình ra xa những yên lành cũ. Có lẽ một ngày nào đó Ánh cũng gặp lại anh như gặp lại một sự – xa – lạ, một inconnu, một étranger (5) của một thời nào chưa hề có tên để gọi. Đất đai của chúng anh ở dưới kia, vực thẳm bi đát vừa tráng lệ. Anh mong rằng một ngày nào đó con người sẽ căng nọc mình ra trước một tòa án công minh của trời đất để thú tội để trả lời với sự sáng suốt trước mặt… – Sau đó – sau đó sẽ không còn gì hay nếu còn con người thì những con người đó yêu thương nhau, yêu chân lý, yêu sự thật, không dối lừa, không gạt gẫm mình, không sống bằng phù phép ảo tưởng. – Mọi người bây giờ đang đánh lừa mình bằng ảo tượng. Không ai biết sống thực. Chưa ai biết sống cả Ánh ạ. Trên sân khấu rộng lớn vĩ đại của cuộc đời này anh đã bắt gặp được đủ loại người: già, trẻ, giàu, sang, hèn, ngu, giỏi. Tất cả đều chạy tìm ảo tượng. Từ đó đâm ra phỉnh phờ bởi vì phỉnh phờ là yếu tố chính của những cuộc bán buôn. Nhưng rồi anh nghĩ rằng mọi người đều đáng thương, đều là những tội nhân đáng được ân huệ, tha bổng.

      ***

      Bây giờ là đêm lại. Tiếng hát Thái Thanh và Người ra đi (6) của Phạm Duy thật buồn. Thật buồn. Anh nhớ tất cả những người thân, nhớ vô cùng và thấy ấm ức vô cùng. Đêm đã mù sương ngoài kia. Anh không đủ can đảm để nói mãi chuyện buồn của mình. Ánh đã đi học lại chưa. – Mùa thu lá có rụng nhiều ở Huế không.

      Làm sao không nhớ những vết tích đã qua. Ôi những gì êm ả đâu còn đâu còn. Anh mong nhận được thư của Ánh về vùng Blao này những mùa lạnh ở đây sẽ ấm cúng hơn. Anh còn cả bao nhiêu tháng ngày rộng mênh mông trải dài cuốn hút đằng trước mặt. Thật ghê rợn như một ám ảnh đen điu.

      Bây giờ tháng 9. Anh gởi về cho Ánh sương mù và mây tháng 9 ở đây. Không có quà gì đẹp và buồn hơn nữa cho Ánh.

      Anh cầu mong Ánh còn vui hoài và bình an vô cùng ở đó.

      Anh không biết phải gửi về cho Ánh ở đâu nên gửi nhờ Thúy đem qua hộ. Đừng phiền. Mong tin Ánh và J’irai pleurer sous la pluie (7).

      Trịnh Công Sơn

      Chú thích:
      (1) Trường Sư phạm Quy Nhơn, đến năm 1977 là Trường Đại học sư phạm Quy Nhơn, hiện là Trường Đại học Quy Nhơn. Trịnh Công Sơn học tại Trường Sư phạm Quy Nhơn hai năm (1962 – 1964)

      (2) Hai họa sĩ Đinh Cường và Trịnh Cung

      (3) Trường bộ binh Thủ Đức, nơi đào tạo sĩ quan trừ bị của quân đội Sài Gòn

      (4) Phim Mỹ (tên nguyên bản là From here to eternity), trắng đen, sản xuất năm 1953, đoạt tám giải Oscar, đạo diễn: Fred Zinnemann, các diễn viên chính: Burt Lancaster, Montgomery Clift, Deborah Kerr, Frank Sinatra, Donna Reed… Phim được chiếu ở Sài Gòn những năm đầu thập niên 1960

      (5) Kẻ vô danh, người xa lạ

      (6) Bài Tiễn người ra đi của nhạc sĩ Phạm Duy

      (7) Ca khúc Mỹ, nguyên tác Crying in the rain (Khóc trong mưa) do Howard Greenfiled và Carole King hát, lời Pháp J’irai pleurer sous la pluie do Richard Anthony hát.

      (nguồn: Thư tình gửi một người của Trịnh Công Sơn – Nhà xuất bản Trẻ – tháng 4/2011)

  4. Lãng Tử
    07/02/2012 lúc 12:21

    Có một bài viết, luận và phân tích khá thú vị của Ts Nguyễn Hưng Quốc về Thơ của Mai Thảo,
    Mạn phép chia sẻ cùng cả nhà đọc vui vui…

    Vào Google: ” Thơ Mai Thảo, tiếng mưa thầm rơi trên Nam Hoa Kinh “

  5. Lãng Tử
    07/02/2012 lúc 13:25

    Tuỳ Bút- tuỳ hứng mà phóng bút- ! Nói như học giả Nguyễn Hiến Lê thì: Tiểu Thuyết mà dở thì người ta vẫn gọi là Tiểu Thuyết, Thơ mà dở thì cũng gọi là thơ- thơ con cóc-, nhưng Tuỳ Bút mà dở thì…không có tên gọi!!!
    Với cá nhân tôi, trước 1975 ở miền Nam , thì có 2 người viết Tuỳ Bút hay, đó là: Võ Phiến và Mai Thảo! ( Xin nói lại đó là cảm nhận của riêng cá nhân tôi )
    Võ Phiến với Tuỳ Bút: Đất Nước Quê Hương – 1972 –
    Và Mai Thảo với Tuỳ Bút: Căn Nhà Vùng Nước Mặn – 1966 –

    Với entry Tuỳ Bút ” Những Tờ Thư Cũ ” do cháu ThuyTien gõ chép, Phay Van post lại giới thiệu chia sẻ hôm nay, là một minh chứng, bởi khi đọc, ta cảm nhận và thấy được cái hay cũng như nét duyên viết Tuỳ Bút của ông vậy…

    • Lãng Tử
      09/02/2012 lúc 12:47

      Phay Van: Cá nhân Lãng Tử tôi thì rất đồng thuận với ý của học giả Nguyễn Hiến Lê… về Tuỳ Bút.
      Còn ý các vị độc giả khác thì sao, tôi không dám luận bàn, bởi lẽ theo tôi, cảm thụ văn học của mỗi người khi đọc, đều trên tinh thần tự do… Phay Van ạ!

  6. Nguyễn Tuấn Anh
    08/02/2012 lúc 14:57

    Chị Năm ơi, thế hệ tụi em, điển hình như em, chưa lần nào viết thư tay, hoặc nhận được một lá thư tay nào cả, chẳng biết cảm giác nhận thư như thế nào?!
    Thế, làm sao mà có “Những Tờ Thư Cũ”..đây!!!!! hihihihihihi…

    • Nguyễn Tuấn Anh
      08/02/2012 lúc 15:26

      Vậy chị Ba ơi, theo chị Năm nói, vậy Chị Ba có thể “diễn đạt”..lại cảm xúc của chị Ba..khi chị Ba nhận được thư..cho tụi em nghe đi?

    • Mai
      09/02/2012 lúc 18:58

      Tuấn Anh ơi,
      Chị Năm đã nói thay chị rồi. Nó hồi hộp… ly kỳ lắm em ạ.
      Muốn có cảm giác đó, em cứ nghĩ khi em viết thư gởi đi, cả tuần lễ sau người kia mới nhận được. Rồi người nhận có thể trả lời liền, hoặc có thể “ngâm tôm” dăm bữa nửa tháng (vì có những bận rộn trong cuộc sống chẳng hạn). Đến khi viết xong thư, gởi đi thì cũng lại cần một thời gian nữa mới tới được tay người nhận.
      Chính thời gian giữa lần nhận thư và gởi thư đã làm tăng thêm sự chờ đợi, nhớ nhung… giữa hai người.
      Còn thời đại @ hiện nay thì thật nhanh em nhỉ? Em viết điện thư xong, nhấn chữ “gửi” (send) là trong tíc tắc thư đến người nhận tức thì…
      Mỗi thời đại có một cái hay riêng của nó, phải không em?

    • Mai
      10/02/2012 lúc 19:32

      Có thể là như vậy.
      Bây giờ chị nghĩ là khó tìm được những bức thư, như thư của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gởi cho người yêu, em ạ.

    • Nguyễn Tuấn Anh
      10/02/2012 lúc 21:29

      Chị Ba: Dạ, Em cám ơn chị Ba rất nhiều, vì đã bỏ công sưu tầm clip minh hoạ, cũng như gõ phím “tặng” cho em nội dung một lá thư tình viết tay của cố Ns TCS..để giải đáp cho ý câu hỏi của em nghen!
      Qua Clip chị minh hoạ, em phần nào đã hình dung được hình thức của một phong bì thư tay…
      Chị Ba và chị Năm đều nói cái cảm giác chờ đợi nhận thư trong sự.. hồi hộp đến ly kỳ! Khiến em chợt nhớ mấy câu thơ truyền miệng vui vui, mà chẳng biết ai là tác giả:

      ” Mỏi mòn chờ đợi cánh thư ai
      Chiều nay không có…chắc chiều mai
      Chiều mai không có…chiều mai nữa
      Mai nữa…cũng không…ngóng đợi hoài…! “

    • thuytien
      11/02/2012 lúc 18:50

      Cám ơn nhà văn Mai Thảo,k dưng chúng tôi thuộc hai thế hệ mà lại có cùng tâm tư giống nhau đến thế.Quá khứ tôi cũng đã có hàng trăm lá thư được gửi và nhận ,may mắn là tôi được biết đến bài này để biết rằng cũng có một người giống như tôi.Đúng là:”Bây giờ những buổi chiều mưa, tôi không còn được cả một tờ thư cũ để đọc lại. Một địa chỉ tôi đã mất. Những địa chỉ người đã lạc.”.Nếu muốn cảm nhận thực sự vế những lá thư,sao bạn k thực hiện điều đó,hãy thử viết thư cho một ai đó,có thể chỉ là một địa chỉ qua mục tìm bạn bốn phương và chờ hồi âm.

      • Nguyễn Tuấn Anh
        11/02/2012 lúc 23:51

        Chị thuytien ơi, ( cho phép tụi em gọi là chị nghen, vì tụi em còn là sv nên chắc là nhỏ tuổi hơn chị rồi )
        Em và bạn Tín cám ơn chị thuytien đã gợi ý. Tụi em sẽ thử viết..thư tay, và gởi..cho một ai đó, để cảm nhận xem sao? hihihihihihi..
        Nhưng không biết bưu điện ngày nay.. có còn dịch vụ này không biết nữa? hổng chừng các chị nhân viên bưu điện nhìn tụi em như là người..hành tinh khác..quá!!!! hihihihihi…

        PS: À chị thuytien ơi, chị có thể gợi ý cho tụi em , theo chị, thì lá thư đầu tiên mình gởi cho người lớn hay người cùng lứa tuổi.. là hay nhất ?

      • thuytien
        14/02/2012 lúc 08:23

        Chị nghĩ nên gửi thư cho bạn cùng trang lứa, ngôn từ và cách nghĩ sẽ dễ chia sẻ với nhau. Em nên tìm bạn bốn phương trên những tờ báo văn thơ (cách đây 13 năm ch tìm bạn trên báo Áo Trắng, bây giờ k biết còn xuất bản không), chị thấy ở những báo này mới có thể tìm được những người bạn thật sự. Chúc em may mắn nha!

      • Nguyễn Tuấn Anh
        14/02/2012 lúc 21:32

        Chị thuytien: Dạ, em cám ơn chị đã hồi âm trả lời cho ý câu hỏi của em nghen.
        Vậy trước tiên, em sẽ viết và gởi cho một..bạn gái..hồi học phổ thông, nay bạn ấy học ở Huế..thử xem cái cảm giác chờ đợi thư nó ra làm sao chị nhé!
        Em chúc chị luôn vui và hạnh phúc nghen.

  7. Võ Trung Tín
    08/02/2012 lúc 15:23

    Bài tuỳ bút này được nhà văn Mai Thảo viết vào năm nào vậy chị Năm?

    • thuytien
      11/02/2012 lúc 18:33

      Tùy bút này được đăng ở bộ mới Tuổi Ngọc số 2,tuần lễ từ 3-6 đến 10-6-1971,giá 40đ đó chị

    • Mai
      13/02/2012 lúc 01:45

      Phay Van: Theo bạn thuy tien cho biết, chị đề nghị em ghi chi tiết ở cuối bài tùy bút này:
      (nguồn: Tuổi Ngọc bộ mới số 2, tuần lễ từ 3-6 đến 10-6-1971)
      để các bạn biết được xuất xứ của bài viết.
      Cám ơn em.

  8. 09/02/2012 lúc 11:57

    Đọc xong hy vọng các em sẽ thích văn Mai Thảo.

  1. No trackbacks yet.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: