Trang chủ > Văn > Bài Cho Nhi Đồng Tháng Tám

Bài Cho Nhi Đồng Tháng Tám

08/09/2011

Phay Van thân mến,
Bây giờ đang là tháng tám âm lịch. Chỉ còn mấy ngày nữa là rằm tháng tám: Tết Trung Thu. Tết của trẻ nhỏ. Làm chị nhớ đến ngày xưa, đêm Trung Thu, cùng với lũ bạn bé thơ cầm đủ mọi loại đèn màu, lung linh ánh nến, trông thật đẹp mắt, vừa đi rước đèn, vừa hát vang:
Tết Trung Thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường…
Trên cao, trăng tròn vành vạnh, tỏa ánh sáng hiền dịu, như đang cười với đám trẻ thơ.
Hạnh phúc quá hờ em?
Cho đến một ngày, 20/07/1969, bằng phi thuyền Apollo 11, phi hành gia Mỹ Neil Armstrong, người đầu tiên trên thế giới, đã đặt chân đến mặt trăng. Vui vì những tiến bộ của khoa học, nhưng cũng hơi buồn vì đã không còn huyền thoại chú Cuội và chị Hằng nữa, khi biết rằng trên mặt trăng chỉ có đất và đá, không có một bóng người.
Hôm nay, chị mời em và các bạn đi coi dọn dẹp tại một xưởng chế tạo hỏa tiễn / phi thuyền (space shuttle) nhé, Bảo đảm mọi người sẽ rất thích thú, vì mấy khi mà mình có dịp được như vậy. Đúng không em???

Trần Thị Nguyệt Mai

Bài Cho Nhi Đồng Tháng Tám

* Tác giả : CAM LI NGUYỄN THỊ MỸ THANH
* Trích trong Bán Nguyệt San Tuổi Hoa năm 1974
* Nguồn : tuoihoa.hatnang.com

—————

Mảnh giấy nhỏ đã đầy đặc những hình vẽ. Tiến bỏ cây viết xuống bàn, ngắm nghía. Tôi cũng ngừng tay viết, hỏi:
– Vẽ cái gì đó Tiến?
Hình như thằng bé không nghe gì. Tôi nhìn vào mảnh giấy: chỉ toàn là đồi núi lồi lõm và chính giữa là một chiếc phi thuyền. Cả một khung cảnh thật khích động. Tôi nao nao nhớ đến cách nay năm năm, những bước chân đầu tiên của con người đã đặt lên nguyệt cầu. Thật thần tiên và cũng thật tàn nhẫn. Thần tiên vì đó là sự thực hiện giấc mơ của người địa cầu: thăm quê hương của chị Hằng. Nhưng cũng thật tàn nhẫn vì từ đó bao nhiêu huyền thoại đã sụp đổ. Trẻ con từ đó không còn tin chuyện cây đa, chú Cuội, chị Hằng, thỏ ngọc trên cung trăng. Mảnh trăng vàng không còn là một cái gì thơ mộng, bí ẩn nữa.

Tiến quay lại, khoe:
– Đẹp không chị?
– Đẹp.
Tiến hớn hở nói:
– Đây là chiếc nguyệt xa do em sáng chế.
Tôi giật mình, rồi cười xòa:
– Kiểu năm nào đây?
– Năm 1984.
Tôi bắt đầu tham dự vào trò chơi của Tiến:
– Tại sao không phải là năm nay?
– Năm nay em mới có mười tuổi, chưa làm phi hành gia được.
– Ghê dữ vậy? Đợi tới hai mươi tuổi làm phi hành gia trẻ nhất thế giới à?
Tiến cười thích thú, và cúi xuống vẽ thêm cái bóng của chiếc nguyệt xa in trên mặt đất lởm chởm.

Tôi không còn hứng để viết nữa, lặng yên ngắm bức họa của Tiến, chợt nghe một nỗi gì, như là tiếc, hay thương, hay bâng khuâng… làm lòng mình chùng xuống. Mùa thu! Ừ, mùa thu đã đến từ lâu rồi. Giản dị và gọn gàng biết bao! Mùa thu ở Sài Gòn không có gió heo may mà chỉ có nắng gắt làm toát mồ hôi. Không có lá thu rụng mà chỉ có những đốm hoa phượng tả tơi còn sót lại trên cành cây xanh lá. Ôi mùa thu! Vô vị và lặng lẽ thế nào! Bao nhiêu lần Trung thu đã đến và các em tôi lớn dần. Mỗi lần phố sá có một tí màu sặc sỡ vì những chiếc lồng đèn và xóm nhỏ có một tí lửa đèn cầy bé nhỏ lung linh về đêm, là tôi nhớ đến ngày hai con người đầu tiên bước chân lên mặt trăng (*). Rồi thôi, tôi lại quên ngay sau đó. Nhưng hiện giờ, Tiến đang gợi lại. Tôi biết trong cái khô gọn của đời sống, bao nhiêu ước mơ đã tự nó ươm mầm. Trong cái lặng lẽ của ngày tháng, một chút gì rực rỡ vẫn tiềm tàng. Nhìn Tiến vẽ mơ ước của mình ra trang giấy, tôi nghĩ đến đường biểu diễn mơ ước của con người theo thời gian. Ai lại chẳng thế, phải không? Thuở lên năm có những ý nghĩ vĩ đại, khi lớn dần thì ước mơ lại nhỏ dần. Một sự biến thiên nghịch chiều? Tôi cũng vậy, nhưng hy vọng có nhiều cái ngoại lệ. Ồ, nghĩ vẩn vơ quá đi! Hãy nhìn kìa, cái lá cờ Việt Nam đã bay phất phới một cách rất nặng nề bên cạnh chiếc nguyệt xa.

***

– E… í… e… í… ò! Dang ra! Xê ra!
Ai cũng giật mình. Nhưng má đã hiểu ra trước. Má cười:
– Rồi! Lại choàng khăn, lại trùm mền nữa rồi!
Quả thật không sai. Thạnh xuất hiện ở cửa phòng, làm ai cũng bật cười. Trên đầu quấn một tấm vải hoa, giắt một cây trâm vàng, người choàng một tấm mền nhỏ. Thạnh để ngón tay trỏ lên má, chạy một vòng biểu diễn. Tôi kêu lên:
– Thạnh, sao cứ giả gái hoài vậy?
– Em đóng “Hồ Quảng” mà!
– Trời!
Tôi không thể nào nhịn cười được. Tiến thì bực mình gắt gỏng:
– Nè, sắp nhập học rồi, sao không chịu ôn bài? Mi mà học dở quá cô đuổi ra, cho đi học trường tư rán chịu.
– Không sợ! Học trường tư cũng được. Thạnh tha hồ mặc áo đẹp. Có anh Tiến mới sợ, nghe má dọa hễ thi rớt thì bắt đi học trường tư phải mặc áo chim cò…
– Rồi sao?
– Rồi… rồi hoảng hồn phải thi đậu vào lớp đệ thất (**), ha ha….
– Trời ơi! Nói vậy mà cũng nói. Người ta đậu là vì người ta học giỏi.
– Kệ anh Tiến. Thạnh cũng học giỏi vậy. Nhưng Thạnh cũng thích hát Hồ Quảng nữa. Nè, nghe đây… dang ra… xê ra! E í e í… ò… Như ta đây là….
Tiến vùng vằng tức tối cầm sách vở chạy đi. Còn lại cu Thạnh lúc này đã leo lên giường, một mình thủ nhiều vai. Giọng của Thạnh trong trẻo và gương mặt mủm mỉm trắng hồng khiến không ai có thể giận Thạnh được.
– Bây giờ em đóng vai Na Tra nghen! Lúc này Na Tra đang hiện hồn về nghen! Bớ mẹ… con đã về đây… bớ… mẹ!….

***

Tiến và Thạnh khác nhau một trời một vực. Tiến ít nói, Thạnh líu lo như chim. Tiến thích ngồi một mình xem sách hoặc vẽ, Thạnh ưa có đông người để cho cu cậu góp chuyện. Tiến mê Sử ký, Địa lý, Toán và … Thiên văn, Thạnh khoái xem kịch và… cải lương Hồ Quảng. Tiến thích mặc áo trắng quần xanh để đi học trường công, Thạnh khoái có khăn áo rườm rà để… đóng tuồng.

Tôi gọi Thạnh:
– Thạnh nè! Mình là con trai, đi học trường con trai, mà cứ yểu điệu như vậy người ta đuổi qua trường con gái đấy!
Thạnh tháo chiếc khăn xuống, nhoẻn miệng cười:
– Em chơi một tí thôi. Bữa nào đi học, em lại học đàng hoàng.
– Giỏi lắm! Học rồi lớn lên Thạnh sẽ làm gì nào?
– Làm nghề gì hở chị?
– Ừ. Chẳng hạn như anh Tiến đó, anh ấy mơ làm phi hành gia để lên mặt trăng. Còn Thạnh?
– Em cũng mơ lên mặt trăng.
– Thật không?
– Thật chứ! Em sẽ đi đua cùng với anh Tiến.

***

Thạnh đã lên mặt trăng trước Tiến. Một cuộc so tài thầm lặng! Tiến còn chờ ngày hai mươi tuổi. Nhưng cu Thạnh thì chỉ cần đội lên đầu một cái vương miện bằng giấy, khoác một tấm chăn, và nhún chân một cái… Xoèng! Tiếng chiêng trống giả bằng miệng đã nổi lên. Và… “Đường Minh Hoàng tí hon” đang đứng trên… cung Quảng. Thật là huyền diệu! Thật là thơ mộng! Trung Thu chưa đến, nhưng tôi nghe xung quanh mình nhiều tiếng trống múa lân như đã vang dội. A! Ít ra trong cái khô gọn của đời sống, của thời đại nguyên tử, vẫn còn có những phút giây hay hay như thế. Tôi vỗ tay khen ngợi Thạnh. Thạnh đang bước trên mặt đất quê hương chị Hằng – làm bằng mền và gối. Thật êm ái, không âm u lạnh lẽo như mặt đất cung trăng mà Tiến đã vẽ, như những phi hành gia đã thấy.

Tiến tức lắm. Dù không ghét những trò chơi của Thạnh, nhưng để tỏ ra “ta là người lớn”, Tiến bỏ đi ra sân nhà.

***

Đêm đã xuống thật bình yên. Ở đây mùa thu không vui, không thơ mộng, nhưng Tiến không phải nghe súng bắn hay bom nổ như ở nhiều nơi mà Tiến biết qua sách Địa dư, qua tin thời sự. Tiến dõi mắt nhìn lên trời. Tiến đã thấy trăng ở sau mây. Khích động quá, cái mảnh tròn và sáng rực đó. Từ lúc năm tuổi đến nay Tiến đã vẽ biết bao nhiêu chiếc phi thuyền. Trái mơ chưa chín. Nhưng Tiến sẽ lên đó, cắm một ngọn cờ, nhặt vài mẩu đá, và… và làm gì nữa nhỉ?

– Cho Tiến này!
Tiến ngạc nhiên, rồi sáng đôi mắt lên. Một mẩu đá trong tay chị. Tiến nắm lấy, thắc mắc:
– Đá gì đây, chị?
– Đố Tiến biết.
– Đá mặt trăng, phải không?
– Sai rồi! Đá ở núi Châu Thới, chị nhặt và giữ mấy năm nay. Cho Tiến đó!
Tiến băn khoăn chưa hiểu. Tôi xoa đầu em, nói:
– Tiến biết không, đá này hay hơn đá mặt trăng nhiều. Vì đá mặt trăng được mang về nghiên cứu, nếu có những gì quý giá thì con người cũng khó lòng mà đạt được, vì nó xa xôi quá. Còn đất đá lấy từ nước non mình, đáng được nghiên cứu hơn hết, vì…
Tôi không biết nói sao cho đủ ý. Tiến mới có mười tuổi. Hãy để cho em nuôi trái mơ. Tôi thật bậy khi phá quấy những ý tưởng của em. Nhưng Tiến đã cười, và em tiếp lời tôi:
– Em hiểu rồi! Vì trong đất đá có những giọt dầu hỏa. Em nghe người ta nói vậy, đúng không chị? Nếu biết trong đất đá nước mình có những giọt dầu hỏa, mình sẽ dễ tìm kiếm hơn là tìm kiếm một thứ gì trên mặt trăng, phải không chị?
– Ừ!
Tôi lặng im, và nghe gió thu mát rượi cả lòng. Tiến không còn nhìn mặt trăng nữa, mà say sưa ngắm mẩu đá. Em ơi! Quê hương ta chưa cần có một chiếc phi thuyền, nhưng đang cần rất nhiều dụng cụ, nhiều nhân lực để tìm dầu hỏa. Rồi em sẽ lớn. Rồi các em sẽ lớn nhé! Những ước mơ của chúng ta chắc chắn sẽ nhỏ dần theo ngày tháng – nhưng đến một điểm nào thôi, rồi sẽ ngừng lại, và tiếp tục. Ở đó, giấc mơ thành sự thật. Tiến hiểu gì không?

————
(*) Ngày 20 tháng 7 năm 1969, phi thuyền Apollo 11 mang những con người đặt bước chân đầu tiên lên mặt trăng.

(**) Hệ thống trung học trước năm 1970: Lớp Đệ Thất, Đệ Lục, Đệ Ngũ, Đệ Tứ, Đệ Tam, Đệ Nhị, Đệ Nhất: tương đương với lớp Sáu, Bảy, Tám, Chín, Mười, Mười Một, Mười Hai.

———————————————————-

Coi Dọn Dẹp Xưởng Chế Tạo Hỏa Tiễn

Tác giả: Nguyễn Tài Ngọc

Hãng của vợ tôi trả tiền cho nàng đi học về một khoá lãnh đạo. Ngoài việc hiển nhiên là người lãnh đạo phải giữ đúng lời hứa, “em thề nấu cơm cho anh ăn trọn đời” thì em phải thực hành lời thề nguyện đó không thể nào cãi lý với anh, họ còn cho các khóa sinh hiểu biết những chương trình, dịch vụ, dự án, hãng xưởng… ảnh hưởng đến thành phố để một người nếu có khả năng, giúp cho cộng đồng.
Thứ Bẩy vừa rồi nhóm học của nàng được đi xem nơi từng làm động cơ hỏa tiễn -rocket engine- của Boeing nay đã ngưng hoạt động, tại Khu vực Thí nghiệm Santa Susana Field Laboratory để xem tiến trình làm sạch môi trường. Chuyến đi này người nhà được tham dự nên tôi đi theo tháp tùng. Ở tuổi xế chiều như thế này tôi chẳng còn ham muốn lãnh đạo ai. Mình làm lãnh đạo thì chỉ lãnh thẹo, lãnh đạn, hay lãnh án chết nhăn răng nên cứ để cho người khác lãnh đạo thay thế mình. Nhất là ở đây người lãnh đạo là người khá quen biết -vợ tôi-, để nàng chỉ huy thì càng tốt, chẳng chết một ông địa mập nào.
Santa Susana Field Laboratory tọa lạc trong một khu núi rất rộng lớn, một phần ở thành phố tôi ở, Simi Valley, một phần ở thành phố kế bên là Canoga Park. Từ nhà tôi đến đấy chỉ độ 10 miles, 16 cây số. Mọi người được yêu cầu đến tập trung ở trạm ga Simi Valley vào lúc 7 giờ sáng để tất cả sẽ di chuyển đến đó cùng một lúc.
Tuy rằng mùa hè ban ngày nóng lên đến 32 độ C/ 90 độ F, sáng sớm vào mùa hè ở Simi lạnh rất dễ chịu. Sáu giờ rưỡi sáng nay là 15 độ C/ 59 độ F. Gió biển qua đêm đem vào không khí ẩm ướt. Simi Valley là một thung lũng, hơi nước bị kẹt lại không có chỗ thoát. Ban đêm trời trở lạnh nên gần sáng hơi nước trở thành sương mù. Trong cái mập mờ tạo ra hình ảnh nên thơ của đồi núi, nhà cửa, cây cối, đường xá…, tất cả bị sương mù che phủ, vợ chồng tôi lái xe đến trạm ga Simi Valley.
So với các trạm ga xe lửa ở những thành phố khác thì Simi Valley là chuyện buồn cười vì chỉ có mỗi một trạm ga, và cứ mỗi lần nhật thực thì mới có một chuyến ghé đến. Nhưng không có trạm ga thì không được, phải làm để người ở bất cứ nơi nào trên nước Mỹ nếu đi bằng xe lửa cũng sẽ đến được Simi Valley. Nói thế chứ tôi đi đón bạn bè và người thân ở phi trường LAX cả nghìn lần nhưng chưa một lần nào tôi đến đón một ai ở nhà ga Simi Valley.
Phần đông mọi người đã đến tề tựu đông đủ. Tuy là ở sát bên Los Angles với dân số gần 4 triệu, thành phố Simi Valley vỏn vẹn chỉ có 120,000 người. Nó có cái tính chất của một thành phố đồng quê của nước Mỹ: đất đai khoảng khoát, khỉ ho cò gáy, đời sống êm đềm, và dân chúng toàn là người da trắng. Trong 30 cặp vợ chồng dự chuyến tour hôm nay, tất cả là Mỹ da trắng, chỉ có hai vợ chồng tôi là người Á Đông!
Tụ họp và sau khi điểm danh, cả đoàn khởi hành lái sau xe người hướng dẫn. Con đường gần đến hãng Boeing cao và sâu hút ở trong núi, ngoằn ngoèo như rắn. Tôi sống ở đây hơn hai mươi năm, những tưởng là biết hết đường xá của thành phố thế nhưng nhận định này thật lầm lẫn vì chưa bao giờ tôi đến đây. Cây cối um tùm như ở trong rừng, nhà cửa nhiều nơi đường lái xe vào nhà dốc còn hơn con đường lên thiên thai, chỉ trông mà đã chóng mặt, không hiểu sao người ta có thể ở được.
Lái độ 15 phút thì cả đoàn xe đến nơi. Chúng tôi ai nấy đều đã chuẩn bị sẵn vì đã được báo trước là chỉ có công dân Mỹ mới được phép vào xem, và mọi người phải mang theo căn cước có hình mình nên thủ tục cảnh sát gác cổng phát cho mỗi người một bảng tên đeo vào áo rất nhanh chóng. Một xe tour bus trắng loại to nhất đã đậu sẵn để chở chúng tôi đi tour. Tôi biết là có hãng Boeing chế tạo động cơ hỏa tiễn -rocket engine- vì thỉnh thoảng nghe tiếng rocket engine nổ gầm trời mấy chục giây đồng hồ, nhưng không ngờ rằng diện tích đất đai của nó lớn kinh khủng như vậy: 2850 mẫu! Vì vậy mà họ phải dùng xe bus để chở mọi người đi xem. Vừa bước lên xe, họ loan báo cấm chụp hình, nhân viên của họ sẽ dùng camera của họ chụp cho tất cả mọi người một bức ảnh lưu niệm. Sau này khi chúng tôi đứng chung với nhau ở một dàn phóng để chụp hình, tôi suýt tí nữa tự tử khi thấy cái máy camera của họ là loại bỏ túi nhỏ thông thường point-and-shoot trị giá khoảng $70 đô-la, trong khi cái máy “chiến” $2000 đô-la của tôi thì họ giữ lại không cho mang lên xe bus.
Chiếc xe bus mới toanh trang bị TV khắp mọi chỗ ngồi thật hiện đại, thế nhưng một phim tài liệu ngắn về lịch sử của Boeing ở đây họ chiếu cho chúng tôi xem quá ư là lỗi thời, có lẽ quay vào năm Alexandre de Rhodes phát minh ra chữ Quốc ngữ. Vùng phát minh và thí nghiệm rocket engine này thành lập lần đầu tiên vào năm 1947, của hãng Rocketdyne. Họ chế tạo liquid rocket engine, dùng trong vô số hỏa tiễn như Navaho cruise missile, hỏa tiễn Redstone, Thor và Jupiter ballistic missile, hỏa tiễn Delta, Atlas, Saturn (dùng để phóng phi thuyền Appolo), và ngay cả cho Space Shuttle. Họ cũng phát minh, khai triển, thí nghiệm và điều khiển lò nguyên tử đầu tiên của nước Mỹ từ nơi này. Năm 1996 Boeing mua Rocketdyne và vào năm 2006, quyết định đóng cửa vĩnh viễn.
Ở đây họ chia ra làm bốn khu: Area 1, 2, 3, và 4. Chữ “Area 1, Area 2, Area 3, Area 4” làm tôi liên tưởng đến “Area 51”, nổi tiếng khắp nước Mỹ và cả thế giới: nó là một căn cứ quân sự ở sa mạc Nevada bao trùm trong bí mật vì mọi người đều biết nơi đây dùng để phát minh những vũ khí hoặc phi thuyền tối tân, nhưng không ai biết là loại gì, hình thù như thế nào vì nếu có thí nghiệm, họ chỉ thí nghiệm vào ban đêm. Do đó có rất nhiều người nói là họ thấy U.F.O. (Unidentified Flying Object, phi thuyền từ các hành tinh khác) ở Area 51. Có người còn cho rằng đây là nơi giam giữ người hoặc phi thuyền từ những hành tinh khác vì bộ Quốc Phòng không muốn dân chúng bị náo động! Ngay cả chính phủ Hoa Kỳ cũng không công nhận sự hiện hữu của Area 51 cho đến tháng Bẩy năm 2003.
Trên xe bus có đến ba người tour guide, cả ba đều là nhân viên của Boeing: Một người nói về hoạt động thử nghiệm rocket engine, một người nói về tiến trình làm sạch môi trường sau khi Boeing đóng cửa, và một người tôi thấy thú vị nhất là một ông già, ít nhất khoảng 80, 85 tuổi, nhưng trông rất khỏe mạnh và minh mẫn. Ông tên là Jack, là kỹ sư/ khoa học gia về rocket engine. Lý do tôi thấy ông ta thú vị là vì ông ta làm việc bắt đầu từ năm 1950, khoảng thời gian chỗ này mới mở lần đầu tiên, 60 năm về trước! Ông có vẻ như là một thần đồng về rocket engine, gương mặt trông cực kỳ thông minh nhưng ông ta lại mặc chiếc quần liền áo kiểu như phi công, đặc biệt chế riêng cho thợ sửa xe.
Phần lớn rocket engine phát minh dùng để đẩy phi thuyền lên mặt trăng hay Space Shuttle lên quỹ đạo nên ở đây có một khu vực riêng của NASA (National Aeronautics and Space Administration, Bộ Hàng Không & Không Gian Quốc Gia) để các khoa học gia của NASA làm việc trực tiếp với kỹ sư/ khoa học gia. Rải rác khắp nơi là “dàn phóng” để thử nghiệm rocket engine sau khi đã được phát minh và sáng chế. Quý vị cứ tưởng tượng hỏa tiễn Appolo hay Space Shuttle khi bắt đầu phóng đi với động cơ dưới đáy phun lửa với sức đẩy cả mấy triệu pounds thì đủ biết là khi họ thử nghiệm cho động cơ phun lửa, tiếng động của nó gây ra lớn biết chừng nào. Tất cả những building và dàn phóng xe bus chở chúng tôi đến xem vẫn còn bí mật, thuộc dạng classified information -tin tức cấm phổ biến-. Xe bus chỉ dừng ở bên ngoài rồi họ giải thích bên trong building có cái gì, nên tương đối nhàm chán. Nó tương tự như tôi chở du khách đi xem nhà tài tử ở Beverly Hills, đến nơi dừng xe ở ngoài đường rồi nói với khách đây là nhà của Nicholas Cage, của Megan Fox…, mà chả ai thấy mặt mũi của tài tử đâu cả.
Cô tour guide phụ trách việc giải thích về tẩy sạch môi trường chỉ cho chúng tôi thấy những khu đất bị thủy ngân ô nhiễm. Họ dùng giấy plastic hắc-ín che phủ trên mặt đất sợ lúc trời mưa, nước thấm vào cát đá rồi xuyên vào lòng đất, ô nhiễm nước uống. Đất ở những nơi đây họ phải xúc đem đi đổ ở những nơi đặc biệt chuyên về làm sạch môi trường để khử thủy ngân ra khỏi đất. Có một hệ thống lọc nước với tiền xây cất là cả triệu đô-la, thiết lập với mục đích lọc và thử nước dưới lòng đất xem mức ô nhiễm đến đâu. Chính phủ ấn định độ sạch của nước thấm dưới lòng đất ở đây phải sạch như nước uống thì Boeing mới có thể hết trách nhiệm. Họ đoán ít nhất đến năm 2017 thì mới xong dự án làm sạch môi trường này.
Ông kỹ sư/khoa học gia Jack cho chúng tôi biết nhiều dữ kiện khá thú vị. Santa Susana Field Laboratory của Boeing là nơi thử nghiệm rocket engine lớn nhất nước

Chuyên mục:Văn Thẻ:
  1. 08/09/2011 lúc 17:24

    “…tôi mới khám phá lý do tại sao nước Mỹ quá hùng mạnh, tại sao đà tiến của nước họ quá nhanh.
    Và tại sao nước Việt Nam của tôi …”
    Buồn hết cả người …

  2. Nguyễn thị Nha Trang
    08/09/2011 lúc 23:22

    @ Mai & Phay Van thân mến ,

    Đọc entry này , có thông tin về vụ phóng phi thuyền Apollo 11 vào ngày 20/7-1969 , sực nhớ và tiêng tiếc 1 món quà kỷ niệm rất ấn tượng – vào thời ấy – , của đài VOA gởi tặng cho Nha Trang và người chị của Nha Trang , cũng như nhiều thính giả của đài qua sự kiện lịch sử chinh phục mặt trăng này của người Mỹ …

    Số là hồi ấy – khoảng tháng 8/1969 – đài VOA có thông báo sẽ tặng cho quý thính giả của đài 1 số hình ảnh về phi thuyền Apollo 11 , hình cùng chữ ký của 3 phi hành gia :
    Neil Armstrong , Michael Collins và Buzz Aldrin , và 1 cuốn sách giới thiệu nước Mỹ bằng hình ảnh …nếu thính giả nào viết thư về đài .
    Nha Trang và người chị của mình có viết 2 lá thư xin món quà đó …và khoảng 1 tháng sau thì nhận được . ( vào thời đó thì mừng ghê gớm lắm ! )

    Hiện món quà này , người chị của Nha Trang còn lưu giữ , nhưng của Nha Trang thì bị mất do vụ tịch thu sách báo nhà Nha Trang sau năm 1975….tiếc thật là tiếc…!
    Nha Trang vẫn nhớ mãi câu nói lịch sử của phi hành gia Neil Armstrong khi đặt bước chân đầu tiên lên bề mặt của mặt trăng , được in và ghi trong món quà đó của đài VOA :

    ” That’s one small step for ( a ) man , one giant leap for mankind ”
    ( Đây là bước chân nhỏ bé của một người , nhưng là bước tiến khổng lồ của nhân loại )

    • Mai
      09/09/2011 lúc 09:24

      Nha Trang thân mến,
      Mai cũng tiếc thật là tiếc cùng với Nha Trang khi nghe Trang kể món quà hiếm, quý, đặc biệt đó đã bị mất do vụ tịch thu sách báo nhà Nha Trang sau năm 1975…Và Mai cũng đã khóc khi hiểu toàn bộ trên dưới 7000 (bảy ngàn) cuốn sách báo các loại đã bị dọn sạch trước mắt cả gia đình của Trang…
      Tưởng không có gì đau đớn hơn!
      Mai gởi tặng Nha Trang truyện ngắn “Để tang cho sách” của nhà văn Khuất Đẩu.

      Để Tang Cho Sách
      Khuất Đẩu

      Bà tôi thường than thở, hết một nửa cơ nghiệp của nhà này đã tan tành theo sách. Một nửa cơ nghiệp nói cho to, cho xứng với nỗi đau tiếc của của bà, chứ thực ra chỉ vài trăm cuốn sách của ông tôi thôi. Có điều, đó không phải là những quyển sách bèo nhèo giấy rơm thô kệch, đang tràn ngập trong các hiệu sách, trong trường học và trong thư viện. Chưa nói tới nội dung, chỉ mới lật qua vài trang mờ nhoẹt vàng đục với những con chữ ốm o đói khát như những người bị sốt rét rừng là đã thấy chán lắm rồi.

      Sách của ông tôi, bạn chỉ ngắm không thôi cũng đã thấy thích. Những cuốn tự điển của Pháp, của Việt, thư pháp của Trung Hoa, những sách thuốc, sách khoa học, những bộ tiểu thuyết của các nhà văn danh tiếng, những sách học làm người, những sách triết…đứng sát bên nhau phơi cái gáy mạ vàng như cả một đội ngự lâm quân thông thái và oai vệ. Trang nghiêm nhưng không lạnh lẽo, bọn họ là thầy là bạn của ông tôi. Và vì vậy, bạn cũng như tôi chỉ được phép đứng nhìn mà thôi.

      Ông tôi là một người mê sách (cũng lại là cách nói vừa tấm tức vừa giận hờn của bà) mê hơn cả vợ con. Nếu bảo rằng “thư trung hữu nữ nhan như ngọc”, thì ông tôi tuy đã già nhưng lại có đến những mấy trăm người đẹp như các vua chúa ngày xưa, nên bà tôi “ghen” cũng phải.

      Ông mê sách như người mê đồ cổ. Nghe ở đâu có sách quý là ông tìm tới dù có phải tốn kém tàu xe và phải bỏ ra cả một mòn tiền lớn để “rước” người có nhan như ngọc đó về, ông cũng dám chơi một phen cho thõa chí. Như cuốn Tự vị của Paulus Của, nghe đâu như là ấn bản đầu tiên của một ông cụ nào đó bắc bực làm cao đến tận giời, ông tôi đã phải lặn lội vào tận xứ Thủ Dầu Một xa lắc xa lơ để mua cho bằng được. Công cuộc mua quyển sách đó, chẳng những khiến ông mất đến mấy chỉ vàng, mà còn ốm một trận thừa sống thiếu chết.

      Cuốn sách cũ đến nỗi như đã ngàn năm tuổi. Còn hơn một người chơi đồ cổ, ông tôi lại phải tốn thêm một món tiền và nhất là tốn rất nhiều thì giờ để nài nĩ và kiên nhẫn ngồi chờ anh thợ đóng sách đóng lại giùm. Lúc này quyển sách đối với ông như một con bệnh thập tử nhất sinh và anh thợ đóng sách cứ như một bác sĩ. Khi anh thợ tháo bung sách ra, ông đau nhói như thể gan ruột của mình cũng bị lôi ra như thế. Ông hồi hộp theo dõi từng mũi chỉ khâu, nín thở xem anh ta cắt xén, làm bìa. Cho đến khi sách được làm mới một cách khỏe mạnh, xinh đẹp, ông ôm quyển sách trước ngực như một người mẹ ôm đứa con bé bỏng vừa được bác sĩ cứu sống. Ông hết lời cảm ơn anh ta, đưa cho anh một tờ tiền lớn và hào phóng không nhận tiền thối lại. Đem quyển sách về nhà, ông lại mất cả buổi ngồi ngắm đến nỗi quên cả bữa cơm khiến bà tôi phải giục.

      Đó là với những sách cũ quý hiếm. Còn sách mới, ông lại “phá của” một cách không giống ai. Sách nào ông cũng phải mua đến những hai quyển, một để đọc và cho mượn, một để nguyên không đụng tới. Những quyển sách để nguyên ấy nằm im trong tủ kính, mỗi lần mở ra là thơm nồng mùi giấy mới và mực in. Đối với ông, đó là một mùi thơm huyền hoặc đầy quyến rủ và mê đắm như những người nghiện nghe thấy mùi thuốc phiện. Chẳng những chỉ mùi thơm trinh nguyên không thôi, quyển sách vẫn còn trinh trắng khi hãy còn những lề chưa rọc.

      Học cách người xưa, không để của cải cho con cháu mà để sách, nên giá như có phải vì thế mà tiêu hết cả cơ nghiệp, ông tôi cũng không tiếc. Chỉ có một điều khiến ông băn khoăn, ấy là trong đám con cháu thực sự chưa có một người nào đủ để ông tin tưởng. Gạt hết những đứa chỉ biết có nhà to xe đẹp, những đứa chỉ biết vung tiền trong các cuộc ăn chơi, suốt một đời chưa đụng tới một quyển sách nào, những đứa mà ông bảo là trong đầu toàn chứa những thứ vớ vẩn nếu không muốn nói là hôi thối ấy, còn lại chỉ vài đứa có để mắt tới sách, nhưng với một thái độ hờ hững, một đôi khi thô bỉ xúc phạm đến sách.

      Ông ghét nhứt ai đó đọc sách mà miệng cứ nhai nhồm nhoàm, vừa đọc vừa tán chuyện, bạ chỗ nào cũng đọc ngay cả trong nhà cầu, đang đọc mà có ai ới lên một tiếng là ném ngay cái xạch sau khi đã tàn nhẫn xếp lại một góc để làm dấu, rồi bỏ đi mà không cần biêt tới quyển sách có thể bị ướt, bị bẩn hay bị cháy. Ông cũng không chịu được cái cách lật sách thô bạo bằng cả bàn tay úp lên trang giấy hay thấm nước bọt trên đầu ngón tay. Đó là cách cư xử của kẻ phàm phu tục tử, của phường giá áo túi cơm. Lật sách mà như thế có khác gì sàm sỡ nếu không muốn nói là cưỡng bức. Phải lật như những nhà sư nâng nhẹ một trang kinh hay là như khẽ lay một người đẹp đang ngủ.

      Đối với ông, đọc sách là để được tiếp cận với những tâm hồn ngoại hạng, cho nên trước hết phải tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc chỉnh tề, phải “dọn mình”như con chiên quỳ trước Chúa, như nhà sư đảnh lễ trước bàn thờ Phật. Chẳng những sạch ở phần xác mà còn sạch cả phần hồn. Nghĩa là không để những giận hờn phiền muộn hay những ý nghĩ ô trọc dính bám cho dù chỉ một tí trong đầu. Chỉ đọc trong lúc thanh tịnh giữa khuya hay khi gần sáng tinh mơ. Đọc với hương trầm cọng với mùi hương ngai ngái của giấy mực, hương của sương đêm loáng thoáng hay hương của nước mưa mát dịu. Đọc là mở hồn ra để hơi thở của sách ùa vào căng buồm lên cho con thuyền bé nhỏ của mình được dọc ngang trên biển học mông mênh.

      Đương nhiên là ông tôi khó tính nhất nhà. Cái viện sách bé nhỏ của ông là một nơi khả kính, thâm nghiêm như một ngôi đền không một ai ngay cả bà tôi dám động tới. Bảy mươi năm sống trên đời của ông thì hết một nửa là ở trong cái gian phòng đựng đầy sách với mùi hương và sắc màu của những tâm hồn kỳ vĩ. Dạo ấy, mặc dù được cưng chiều và rất có triển vọng được ông tin tưởng, tôi cũng chưa được một lần đọc một quyển sách nào trong tủ sách ấy. Ông bảo tôi chưa đủ tuổi và chưa học được cách nâng niu gìn giữ theo cách gần như tôn thờ, thì đọc chẳng ích lợi gì mà còn “giết” sách. Theo ông, đọc vì tò mò, đọc như “lua cơm”, đọc như ngốn ngấu thì cả đầu óc mình chỉ là một bãi hoang chứa đầy những xác chết của sách bị vất ngổn ngang mà thôi. Đọc là phải ngấm từng chữ từng câu, phải để nó bén rễ trong đầu mới có thể thành cây cho trái ngọt.

      Năm tháng qua đi, ông tôi âm thầm làm một cuộc chuyển giao lặng lẽ. Tiền bạc trong nhà cứ cạn dần nhưng sách của ông lại đầy lên, phải đóng thêm tủ kê thêm kệ. Cô chú tôi biết ý ông, nên mừng tuổi không bằng trà ngon rượu bổ, mà bằng những phong bì ít nhất cũng đủ cho ông mua được một hai quyển sách. Những lúc ấy ông vui như một đứa trẻ lên 5 được nhận tiền lì xì. Rồi ông đi ra tiệm sách, khệ nệ ôm về những chồng sách mà ông ao ước nhưng chưa đủ tiền mua. Ông ve vuốt từng cái bìa, ngắm nghía từng con chữ, đê mê những sách của Lá Bối, An Tiêm, mơ màng với những tác giả Saint Exsupéry, Bùi Giáng…Giá như ông sống đến một trăm tuổi và giá như ông còn có đủ tiền thì cái viện sách của ông sẽ kín đặc những sách. Ông sẽ ngồi giữa những bức tường dày cộm thơm tho đó như một anh lính già đang tử thủ trong một cái lô cốt văn hóa.

      Sau tháng tư năm ấy, cái tháng tư mà dù nằm dưới mộ sâu ông vẫn còn đau đớn, những cuốn sách của ông tưởng sẽ sống đến ngàn năm đã bị bức tử một cách oan nghiệt.

      Khi người ta đội lên đầu những quyển sách của ông, có những quyển già như một ông tiên đầu bạc, có những quyển xinh tươi như những thiếu nữ trẻ trung, những chiếc mũ có tên là “nọc độc”, là “đồi trụy”, là “phản động” thì hơn ai hết ông hiểu đó là một lời tuyên án tử hình.

      Ông suy nghĩ lung lắm, không phải để tìm cách chôn dấu hay tẩu tán. Mà suy nghĩ làm sao để chọn cho sách một cái chết xứng đáng với lòng tin yêu và kính trọng của ông.

      Một đêm thức trắng.

      Rồi hai đêm thức trắng.

      Ngày thường ông bình tĩnh là thế nhưng lúc này, ông bối rối run rẩy. Có lúc mặt ông đỏ bừng và mắt ông lóe lên những tia lửa căm hờn. Cả nhà chẳng ai dám hỏi nói gì với ông. Giống như một con sư tử già bị săn đuổi cùng đường, lâu lâu ông lại gầm lên một cách tuyệt vọng.

      Cuối cùng ông đã chọn cho mấy trăm cuốn sách một cái chết dũng cảm. Đó là chính ông tự mình đốt sách.

      Một quyết định cháy lòng.

      Tôi cũng được dự phần trong cuộc hỏa thiêu đau đớn ấy, bằng cách giúp ông bê hết sách ra sân. Dù đem đi đốt nhưng ông không cho phép tôi làm rơi rớt xuống đất, không được nặng tay, mà phải sẽ lén nhẹ êm như đang bồng một em bé say ngủ. Phải rồi, những cuốn sách của ông đang say ngủ. Đánh thức chúng dậy, ông sẽ không chịu nổi những tiếng khóc mà chỉ riêng ông mới nghe được mà thôi.

      Sách được xây thành một cái tháp quanh những thanh củi chẻ nhỏ. Ông không muốn đốt chúng bằng xăng hay dầu. Ông lại càng không muốn xé sách ra từng mảnh nhỏ để đốt. Xé ra là làm chúng đau. Và làm cho chúng đau trước khi chết là tội ác. Một người coi sách là sinh vật sống, để cả đời nâng niu bồng ẳm, vậy mà phải giết do chính bàn tay của mình, bạn phải biết là ông tôi đã đau khổ đến nhường nào.

      Đó là một đêm tháng năm lặng gió. Cây cối im ngủ. Những ngôi sao như tan đi trong khói trời mờ đục. Ông tôi cử hành lễ đốt sách cũng bi tráng và lẫm liệt như Huấn Cao cho chữ trong ngục. Ông mặc toàn đồ trắng, cắm một cây đuốc giữa trời, khấn khứa rì rầm rồi lạy bốn hướng mỗi nơi một lạy. Xong ông lấy cây đuốc đang cháy đặt vào giữa tháp. Dứt khoát và quyết liệt như cái cách các võ sĩ đạo đâm kiếm vào bụng.

      Lửa bắt rất nhanh, chỉ trong phút chốc đã bắn vọt lên đầu ngọn tháp.

      Đã nghe mùi mực và mùi giấy.

      Đã nghe tiếng vặn mình của các bìa sách.

      Đã nghe những âm thanh líu ríu như run như rẩy của những trang sách méo mó cong vênh.

      Lửa trào ra như từ miệng hỏa diệm sơn.

      Lửa ôm choàng lấy sách, hôn dữ dội bằng đôi môi bỏng cháy.

      Sau cùng, cái tháp bằng sách đỏ rực như một trái tim để lộn ngược.

      Ông tôi ngồi xếp bằng, cố giữ nét mặt trầm tĩnh một cách cao cả. Không một giọt nước mắt cho dù là vì khói cay xè. Ông như thượng tọa Thích Quảng Đức đang ngồi kiết già với ngọn lửa bao quanh. Có thể nói, chính ông cũng đang tự thiêu. Bất giác tôi cảm thấy muốn khóc vì lo sợ. Đến một lúc nào đó, biết đâu ông đứng bật dậy bước thẳng vào ngọn lửa.

      Ông chết theo sách.

      Đó là một cái chết đẹp, xứng đáng với một người yêu sách như ông.

      Nhưng ông chưa muốn chết vì ông còn phải để tang cho sách như một đứa con chí hiếu. Ngay lúc lửa tàn, ông quỳ xuống lạy ba lạy. Rồi ông kiên nhẫn ngồi đợi cho tất cả biến thành tro nguội. Ông bảo tôi hốt tro vào bao, cất vào tủ rồi mới chịu đi vào nhà. Gần như suốt đêm ông không ngủ. Bà tôi than thở là nghe tiếng dép của ông kéo lê lệt sệt mãi tới tận sáng.

      Hôm sau, ông bảo tôi thuê thợ đóng nhiều chiếc hộp để đựng tro. Mỗi chiếc để một ngăn tủ. Ông khóa lại và dặn không được dùng vào việc gì khác ngoài việc gìn giữ những chiếc quách ấy. Hơn 30 năm sau, cái tủ đựng đầy những hộp tro vẫn đứng im đó như một nhà mồ. Ngày giỗ ông, chúng tôi cũng đem một bát nhang đến thắp trên đầu tủ. Có cảm giác như hồn ông và hồn sách cùng lảng đảng bay về.

      Vẫn chưa hết chuyện về ông tôi đâu. Một tháng trước ngày mất ông muốn tôi làm cho ông những tấm mộ bia bằng giấy. Ông đưa tôi một danh sách dài những quyển sách bị đốt, cứ mỗi tấm bia đề tên một quyển sách. Hơn mấy trăm cái bia như thế, phải mất cả tuần mới làm xong. Những mộ bia không có ngày sinh nhưng có chung một ngày tử. Chúng được xếp lên kệ thay cho hàng trăm cuốn sách đã chết tập thể.

      Cả viện sách của ông giờ đây biến thành một nghĩa trang.

      Ông trịnh trọng chít khăn trắng, lên nhang đèn rồi cung kính khấn vái như trước bàn thờ tổ tiên. Trong những lời rì rầm, nhiều lúc bỗng vang lên như tiếng khóc, ta là người có tội, có tội. Theo như tôi hiểu đó là cái tội không bảo vệ được sách, tội với các tác giả, tội với những thợ sắp chữ ở nhà in và xa hơn nữa là có tội với giấy và mực.

      Ông biết ơn họ bao nhiêu thì bây giờ ông ray rứt vì mình có tội bấy nhiêu.

      Từ đó ông ăn ít ngủ ít. Ông đem từng tấm bia đặt lên bàn, lặng lẽ ngồi ngắm hằng giờ như đang đọc sách. Mỗi tấm bia gợi nhớ đến màu bìa, co chữ, tranh vẽ và cả nội dung mà chỉ có ông mới thấy được, hiểu được. Ông như sống lại những năm dài trước đó với những niềm vui kín đáo khi tìm được sách quý, hay mua được những sách hay. Những lần như thế, ông tự thưởng cho mình khi thì một bình trà, lúc một chung rượu hay tách cà phê và những điếu thuốc thơm thay cho hương trầm.

      Rồi đến một lúc ông không ăn mà cũng chẳng ngủ. Người ông khô kiệt tái xám. Ba tôi và các chú đi cải tạo chưa về đương nhiên là khoét sâu vào hồn ông những nỗi buồn lo khôn nguôi. Nhưng dù vậy, tận cùng của đêm thì cũng phải sáng. Ông có thể đợi đến mười năm hay hai mươi năm. Chỉ có những quyển sách bị đốt là không đợi được. Ông nói với bà, biết trước như vầy tôi đã để hết tiền cho bà chứ mua sách làm chi. Bà tôi cay đắng, ai mà có con mắt sau lưng.

      Buổi chiều cuối cùng ngồi bóp chân cho ông, tôi nghe ông hỏi, cháu thấy ông thế nào? Tôi nói, dạ, ông nên ăn chút cháo, trông ông gầy lắm. Không phải, ông nói, da ông thế nào, đã ngã thành màu đất chưa? Không biết da màu đất là màu gì, tôi nói đại, chưa ông à. Ngã màu đất là sắp chết đấy cháu, ông nói. Ông đã có ý để lại sách cho cháu, nhưng ta tính làm sao được bằng trời tính. Cháu nhớ giữ giùm ông cái tủ và mấy cái kệ.

      Nghe ông nói, tôi thấy da ông quả thật rất giống với màu đất bạc phếch, lạnh lẽo ở nghĩa địa. Da ông là da của một người đã chết từ lâu nhưng chưa chôn. Hay là ông đã chết từ cái đêm hôm ấy. Hồn ông đã cùng với hồn sách nương theo khói bay lên tận trời cao. Cái miền đất ồn ào đầy ô trọc và thù hận này biết đến bao giờ mới lại có được những con người, những quyển sách biết yêu quý tương kính lẫn nhau như thế. Chính lúc này tôi mới thấy thấm thía nỗi đau mất sách của ông.

      Tôi vừa buông tay ra thì ông ngừng thở. Ông chết nhẹ nhàng như gấp lại một cuốn sách. Tính ra, ông đã để tang cho sách đúng một trăm ngày./.

      Khuất Đẩu
      (nguồn: vanchuongviet.org)

      • 09/09/2011 lúc 12:13

        Tôi đọc trong nước mắt nhòe!
        Cám ơn chị Mai!

      • Mai
        10/09/2011 lúc 12:57

        Cám ơn anh Giao đã chia sẻ.

      • 09/09/2011 lúc 20:37

        em đau xót khi đọc truyện này, cảm ơn chị Mai nhiều.
        Dạo nọ em cũng đọc một truyện nói về những cuốn sách đã được những chiến sỹ chuyền tay nhau đọc trong chiến trận, mỗi cuốn sách ở thời bình đều mang dấu ấn, hơi thở của người ra đi không trở về, mỗi cuốn sách không còn là cuốn sách mà là linh hồn bao người đậu lại…

      • Mai
        10/09/2011 lúc 13:02

        Hà Linh mến yêu,
        Đúng rồi em, mỗi cuốn sách không còn là cuốn sách mà là linh hồn bao người đậu lại…

      • Nguyễn thị Nha Trang
        09/09/2011 lúc 20:48

        Mai thân quý ,

        Trời ơi …! …Trang đã lặng người …rưng rưng nghèn nghẹn đầy xúc động trước màn hình vi tính , khi đọc cái comment chia sẻ đầy chiều sâu sự đồng cảm đến tinh tế của Nguyệt Mai …!
        Mai ơi …Trang đã phải rối rít gọi ông Xã của mình lại , để cùng đọc cái comment và món quà truyện ngắn ” Để tang cho sách ” thật xúc động , mà Mai đã bỏ công ưu ái gõ chép tặng cho Trang đấy …! Đọc xong , Ổng cũng lặng người…, 2 vợ chồng mình ngồi yên lặng nhìn nhau không nói lời nào …, dường như chuỗi những hình ảnh thô bạo của quá khứ , trong ngày tịch thu sách của gia đình mình đang hiển hiện ra trước mắt 2 vợ chồng ….
        Lặng người thật lâu như thế , rồi…Mai biết ông Xã mình nói gì không …, ổng nói :
        ” Anh nhớ Ba quá…! Cho anh gởi lời cám ơn sâu sắc đến chị Mai , món quà này của chị ấy chứa đựng 1 sự chia sẻ đồng cảm thật tinh tế đến ấm lòng ….! à , mà sao chị ấy biết rõ chuyện tịch thu sách nhà mình nhỉ …! ”
        Ừ , đúng đấy Mai …sao Mai biết chuyện này vậy …?

        Mai ơi …mọi ngôn từ cám ơn để thể hiện sự xúc động của vợ chồng mình …về sự sẻ chia đầy ấm lòng này của Nguyệt Mai , chắc là sẽ sáo rỗng …Vì vậy , Mai cho phép Trang …được siết chặt tay bạn nhé…!

      • Mai
        10/09/2011 lúc 13:11

        Trang thân thương,
        Mai cũng đang siết chặt tay của Trang đây. Cho Mai gởi lời thăm “anh ấy” nhé!
        Mai đã đọc trong một comment của Trang (Họa sĩ Vi Vi và bìa báo Tuổi Hoa) nên mới biết chuyện đau buồn này.
        Được chia sẻ với những tâm hồn đồng cảm trên trang nhà Phay Van, Mai rất vui Trang à.

      • Nguyễn thị Nha Trang
        10/09/2011 lúc 21:02

        @ Mai thân quý ,

        Cảm ơn Mai gởi lời thăm đến ” nhà mình ” nha !
        Từ nay chúng ta cùng chia sẻ những gì có thể sẻ chia được , cũng như siết chặt tấm chân tình như thế … trong ngôi nhà của cô chủ Phay Van đáng yêu này Mai nhé !
        Trang … bất ngờ , nhưng cũng rất vui khi Mai cho biết …” vì sao Mai biết được… chuyện ấy của gia đình mình ”
        Quả là thú vị thật …

        P/s : à…lúc trưa , thấy Mai và Phay Van đang trò chuyện …, mình cũng gõ để …888 với nhau cho vui , vì đúng dịp 3 chị em đang cùng …gõ phím…, thì đột nhiên nơi mình lại cúp điện ! tiếc ơi là tiếc

      • Mai
        11/09/2011 lúc 09:46

        Trang ơi,
        Khi nhà Trang bị cúp điện thì Mai cũng buồn ngủ, nên đã tắt máy đi ngủ luôn.

      • hth
        10/09/2011 lúc 11:35

        Chị Mai: Đau đớn cho ông cụ quá chừng, và cho bất cứ ai… Câu chuyện uất nghẹn trào nước mắt.

      • Mai
        10/09/2011 lúc 13:13

        hth: Mỗi lần đọc truyện này là chị không cầm được nước mắt em ơi!

      • Mai
        11/09/2011 lúc 09:44

        Phay Van ơi,
        Chị nghĩ những ai đã sống ở miền Bắc sau tháng 7 năm 1954 và ở miền Nam sau tháng 4 năm 1975 đều gặp phải vấn nạn này.
        Theo em, “ông cụ trong truyện mê sách một cách kỳ lạ, huyền bí như những nhân vật trong tiểu thuyết của cụ Nguyễn Tuân.” Nhưng chị đoán tác giả đã xây dựng ông cụ từ một người có thật ở ngoài đời. Bản thân chị cũng là một người rất mê và quý sách (nhưng không bằng một góc của ông cụ đâu), nên chị rất “hiểu” những hành động của ông cụ, em ạ.

      • Mai
        12/09/2011 lúc 08:06

        Tiếc quá em nhỉ? Quyển tự điển Anh Việt của Nguyễn Văn Khôn rất quý..Chị vẫn còn nhớ nó rất dày…
        Nghĩ lại, một công trình văn hóa hơn 20 năm, đã tan thành tro bụi, đau lòng quá hở em?

      • Mai
        14/09/2011 lúc 21:15

        Chắc chắn là như vậy rồi em. Phải xé tan nát một cuốn sách quý, đau đớn lắm em ạ.

      • Mai
        10/09/2011 lúc 13:15

        Phay Van: Chị phải cám ơn em chứ, đã cho chị vào nhà em chơi. 🙂

    • Mai
      09/09/2011 lúc 09:40

      Nha Trang ơi,
      Về phi thuyền Apollo 11, Mai vào Wikipedia xem thì được biết phi hành đoàn gồm 3 người: Neil Armstrong, Michael Collins và Buzz Aldrin, nhưng chỉ có hai người đặt chân lên mặt trăng là Neil Armstrong và Buzz Aldrin. Họ đã mang về 47.5 pounds (21.5 kg) đá ở mặt trăng.
      Hy vọng những hình ảnh trên trang này sẽ giúp bạn như thấy lại món quà của ngày xưa:
      http://en.wikipedia.org/wiki/Apollo_11

      • Nguyễn thị Nha Trang
        09/09/2011 lúc 21:40

        @ Mai thân quý ,

        Nguyệt Mai thật là tuyệt ! Cám ơn Mai nhiều nhiều lắm !

        Trang thuộc ” tuýp ” người hoài cổ , vì vậy khi nhận ra bất cứ vật gì hay sự việc gì của quá khứ , cũng đều làm Trang lặng người chìm đắm …trong ký ức kỷ niệm !

        Theo đường link Mai dẫn , Trang vào xem , và nhận ra được 2 trong những tấm hình mà đài VOA ngày ấy gởi tặng Trang và người chị của mình , Trang như thấy hiển hiện cái cảnh vui mừng tột độ của 2 chị em ngày nào …, khi bác bưu tá đến nhà trao 2 gói bưu phẩm quà của đài VOA …

        Mỗi gói bưu phẩm quà gồm 10 tấm hình , và 1 cuốn sách giới thiệu về mọi mặt của nước Mỹ bằng hình ảnh rất ấn tượng và giá trị – vào thời đó – ….Trong trang này , Trang nhận ra 2 tấm ảnh có trong món quà hồi ấy :

        * Tấm ảnh Mission insignia – huy hiệu nhiệm vụ Apollo 11 –
        * Tấm ảnh Crew photo – Hình phi hành đoàn –

        Lần nữa , siết tay Mai thật chặt nha….

      • 10/09/2011 lúc 12:47

        Chị Mai và chị Nha Trang: trong đường link chị Mai cho có hình con tem “First Man on the Moon”. Con tem này em cũng có ở bài này.

        Em được nghe kể rằng khi đặt chân lên mặt trăng, Neil Armstrong có nói đại ý rằng càng lên cao ông càng xác tín vào Thiên Chúa. Ngược lại, Yuri Gagarin (người đầu tiên bay vào vũ trụ) thì nói ra ngoài không gian rồi ông chẳng thấy Chúa nào hết.

      • Mai
        11/09/2011 lúc 09:57

        Phay ơi,
        Chị đã vào xem rồi. Không ngờ em cũng là một người sưu tầm tem nữa. Một thú tiêu khiển rất trang nhã.

      • Mai
        12/09/2011 lúc 02:42

        Không sao đâu em. Em đã làm hết sức của em rồi. Chị nhìn vẫn thấy đẹp.

  3. 09/09/2011 lúc 06:37

    đọc bài của bác Nguyễn Tài Ngọc thật thú vị học thêm nhiêu điều…
    Cảm ơn chị Mai và nàng Phay đã cung cấp bài viết và đăng lên blog!

    • Mai
      09/09/2011 lúc 09:44

      Hà Linh mến,
      Không có chi em ạ. Được chia sẻ với em và các bạn là điều chị rất vui.
      Nhật Bản lúc này trời đã vào thu chưa em?

      • 09/09/2011 lúc 20:38

        Chị Mai kính mến, Nhật bản đã vào thu chị à, lá bắt đầu đổi màu, em có chụp hình bên nhà em, bài “…đầu thu..” thì phải, những chiếc lá bắt đầu đổi màu óng ả, trời se lạnh lúc sáng sớm và chiều tà …

      • Mai
        10/09/2011 lúc 13:38

        Hà Linh mến yêu,
        Chị đã vào nhà em và xem đầu thu rồi. Vô nhà em thật thích. Em quả là một nghệ sĩ, Hà Linh ơi!

      • 11/09/2011 lúc 11:06

        @ Chị Mai :em rất vui khi được một nghệ sỹ đích thực khen tặng như vậy!

  4. 09/09/2011 lúc 11:58

    Anh thích cả hai truyện với những thú vị riêng.
    Cám ơn em nhé, Phay Van!

    • 11/09/2011 lúc 16:00

      Nghe chữ “Bác” giật mình!
      Lần đầu tiên anh thấy có một Entry và những cái comt. cảm động. Con Người thật trớ trêu khi nửa phần Con thống trị xã hội. Biết đến bao giờ nửa phần Người mới được gần gũi nhau. Anh hy vọng và vì thế anh cám ơn em, còn em không cần khách sáo với anh như thế Phay à!

      • Mai
        12/09/2011 lúc 02:24

        Anh Giao và Phay Van:
        Nhân đọc comments của hai bạn về Con Người, Mai gởi tặng hai bạn truyện “Đám tang tử tế” của Nguyễn Trung Tây Ông là là một Linh mục dòng truyền giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago, đang ở Alice Springs, Northern Territory, lo cho thổ dân vùng sa mạc đất đỏ Úc Châu. Với nhiều bài viết giá trị, ông là tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười, 2010 của Việt Báo.
        Thân chúc hai bạn luôn vui, khoẻ.

        Đám Tang Tử Tế
        Tác giả: Nguyễn Trung Tây, SVD

        Sáng thứ Hai ngày 18 tháng 6. Phố Melbourne tấp nập thường lệ một ngày đô thị. Trên lề đường Flinder, tiếng chân nhanh nhanh bước tới công sở rộn ràng khua vang. Góc đường William, đèn xanh bật sáng, hàng xe hơi bám sát nối đuôi nóng nẩy gầm gừ phóng tới.

        Tháng 6, Úc Châu mùa Đông, mây xám dầy cộm che kín bầu trời. Vài khuôn mặt ngái ngủ, tay giơ cao, che miệng ngáp, mắt lơ đãng nhìn hai ba người ồn ào tại một góc phố. Tiếng người to tiếng chưa dứt, bất ngờ tiếng súng chát chúa nổ vang! Ngay tại góc đường William Street và Flinder Lanes, hai người đàn ông và một cô gái bật ngửa, té ngã. Vài người che miệng, có kẻ rú to! Mấy phút sau, xe cảnh sát nóng nảy chớp đèn phóng tới. Xe cứu thương bám sát theo sau hú còi khua vang. Một buổi sáng thứ Hai bận rộn dừng lại. Chưa ai hiểu chuyện chi đã xẩy ra.

        Khoảng một tiếng đồng hồ sau, qua tin tức truyền hình và truyền thanh, cư dân Melbourne mới biết nguyên nhân dẫn đến tiếng súng. Nhận ra cô Kara Douglas bị hung thủ Christopher Hudson hành hung ngay giữa phố thị, Luật sư Brendan Keilar và anh Paul de Waard, hai người khách qua đường cùng nhảy vào can thiệp. Hung thủ Christopher lạnh lùng rút súng bắn trọng thương ông Brendan và anh Paul, đả thương trầm trọng cô Kara. Một tiếng đồng hồ sau, bệnh viện đưa tin anh Paul và cô Kara đang trong tình trạng hôn mê, nhưng riêng ông luật sư Brendan 43 tuổi đã trút hơi thở cuối cùng, để lại vợ và ba người con nhỏ.

        Tiếng đạn nổ vang vào lúc 8:20 buổi sáng thứ Hai ngày 18 tháng 6 ngay giữa khu phố sầm uất Melbourne lấy đi một mạng người, gây thương tích trầm trọng hai người; nhưng tệ hại nhất, viên đạn sắt cũng đã đả thương trí mạng triết lý tử tế của nhân loại. Luật sư Brendan Keilar giờ đã ngủ yên trong nghĩa trang. Nhưng triết lý tử tế vẫn còn đang nằm hấp hối không biết sống chết lúc nào… Giờ này, có lẽ cư dân Melbourne còn đang thắc mắc tự hỏi không biết mình còn nên tiếp tục hành xử tử tế nữa hay không, bởi coi chừng có ngày mình dám mất mạng như ông luật sư Brendan! Bây giờ, nếu người vợ biết chồng mình có tính hào hiệp, giữa đường ưa nhào vào can thiệp chuyện thiên hạ, liệu người vợ có nên tiếp tục yên lặng? Bởi biết đâu, có ngày rồi chính mình và những đứa con cũng sẽ phải mặc áo tang đi theo sau quan tài của chồng và của bố …

        Cẩn tắc vô ưu là thế!

        I. Người Tử Tế: Coi Chừng!

        Ngày hôm nay, bởi những luật lệ chằng chịt và ý thức hệ mới trong xã hội, người Tử Tế của những năm 2000 trước khi quyết định giúp ai cũng phải hết sức cẩn thận, kẻo không phước đâu chưa thấy mà lại thấy họa rước vào thân.

        Khi gặp một em bé té ngã lăn quay nơi công cộng, người cẩn thận sẽ không vội vàng chạy lại bồng em đứng dậy. Chớ, chớ! Chớ có mà dại, bởi ai biết đâu đấy, bố mẹ em bé hoặc chính em sẽ đâm đơn kiện ngược lại người Tử Tế đã “cố tình” động chạm đến thân thể của em…

        Tôi nhớ, trong một lần chạy bộ ngoài đường, vừa chạy được mấy bước, tự dưng tôi nhận ra thấp thoáng hai bóng người. Người phụ nữ khuôn mặt Á Châu đang hốt hoảng khua tay miệng kêu lớn,

        — Help! Help!

        Trong khi đó bên cạnh bà ta, người phụ nữ Tây Phương khoảng bẩy mươi tuổi, khuôn mặt trầy trụa vết bầm, đang cầm khăn tay cố gắng bôi xóa dòng máu đỏ phun ra từ hai lỗ mũi. Tôi hốt hoảng dừng lại, miệng hỏi người đàn bà Á Đông, “What is happening?”, mắt nhìn theo những dòng máu đỏ tươi, trong đầu nghĩ ngay tới số điện thoại cấp cứu. Nhưng người đàn bà Úc khoác tay điệu bộ dứt khoát xua đuổi, chân bước tới, miệng nói,

        — I’m OK. I’m fine.

        Trong khi đó, người phụ nữ Á Châu mặt mày hốt hoảng tiếng đực tiếng cái kể chuyện bà vừa mới thấy người đàn bà Úc xiêu vẹo té ngã sấp mặt xuống mặt đường xi măng… Nghe thủng lỗ tai câu chuyện, tôi chạy đuổi theo người đàn bà đang dần dần khuất dạng cuối đường. Nhận ra tôi, người đàn bà lập lại điệp khúc cũ, “I’m fine. I’m OK”, trong khi đó, một tay tiếp tục cầm khăn tay lau những dòng máu đang tuôn chảy, tay kia ra hiệu dáng vẻ dứt khoát xua đuổi!

        Tôi dừng lại những bước chân, quay lại phân bua với người Tử Tế khuôn mặt Á Châu,

        — Sorry! What can we do?

        Phải, chúng ta có thể làm được chi, nếu bạn đang sống trong một xã hội mà ý thức hệ về tự do cá nhân được tôn trọng, con người có quyền từ chối không chấp nhận sự giúp đỡ từ những người lạ mặt, và ngay cả những người thân trong gia đình.

        II. Làm Được Chi?

        Đúng là như thế, chúng ta có thể làm được chi, nếu người hàng xóm đã từng được chúng ta giúp đỡ trong cơn túng thiếu, giờ này tự dưng lạ mặt, không còn nhớ tới tình hàng xóm tối lửa tắt đèn và luôn cả số tiền mà họ đã nhăn mặt nói khó, chìa tay ra mượn năm xưa.

        Mà nói có Ông Trời chứng giám, một lần gặp phải đốm đen trần thế như thế này, nhân gian có thể nhắm mắt nhịn nhục bỏ qua. Nhưng hai lần, rồi ba lần, lòng kiên nhẫn và lòng tử tế rồi cũng sẽ nổ tung như bọt bong bong căng phồng. Chẳng trách chi tâm hồn trần thế tiếp tục trở nên giá băng như tâm hồn cô gái đang tâm bỏ lại người con sơ sinh mới chào đời trước cửa bệnh viện Dandenong vào sáng sớm ngày 13 tháng 5 vừa qua. Mà mỉa mai thay, ngày 13 tháng 5 cũng chính là ngày Hiền Mẫu.

        Bởi trái tim trần gian đã đóng băng, chẳng trách chi đàn ông Úc gốc Tây nhắm mắt làm ngơ, tỉnh bơ tiếp tục câu cá trước thân thể trương phềnh của thiếu nữ thổ dân Úc, nổi lềnh bềnh trên mặt hồ nước, như bộ phim Jindabyne trình chiếu tại Úc năm 2006 đã đặt vấn đề, đã từng chất vấn lương tâm của tất cả những người dân Úc trước thảm nạn của thổ dân Úc Châu.

        III. Người Tử Tế:

        Đám Tang Tử Tế

        Nói có thể phách hiển linh của ông luật sư Brendan chứng tha lỗi, lâu lâu mới có một người vớ vẩn như ông! Chẳng trách chi ông ngã gục. Chưa hết, ông luật sư lại còn tạo thêm môt cơ hội cho phe tà cầm kiếm sắc lụi thẳng vào ngực khiến mạng triết lý tử tế giờ này chỉ mành treo chuông. Có lẽ chẳng còn bao lâu nữa, thiên hạ sẽ lại sụt sùi, ngậm ngùi nước mắt mang xác triết lý tử tế đi chôn. Mà coi chừng đó, một khi nắp hòm triết lý tử tế đóng lại, đám tang tử tế đã cử hành, sự tử tế mồ yên mả đẹp, thiên hạ cũng sẽ thôi không còn đối xử tử tế với nhau nữa cho coi.

        A. Thiên Hạ Đại Loạn

        Mà nếu triết lý tử tế chết đi, thì thiệt tình là kẹt, bởi không biết lúc đó thiên hạ sẽ đại loạn tới cỡ thế nào?

        Chồng không còn tử tế với vợ, con dâu không còn tử tế với mẹ chồng, hàng xóm không còn tử tế với láng giềng, nhà thờ không còn tử tế với giáo dân, chính phủ không còn tử tế với dân chúng!

        Đại loạn! Thiên hạ đại loạn!

        Thiệt tình là thế, trong một xã hội mà triết lý tử tế đã chết đi, mái ấm thân thương không còn ngọt ngào thân thương nữa; vợ chớ có cả tin mà thả lỏng dây cương, nhưng lo mà giữ chồng kè kè sát ngay bên, bởi ông bà mình đã từng dạy, “Đàn ông năm bẩy lá gan, lá ở cùng vợ lá toan cùng người”. Mẹ chồng lo mà cẩn thận giữ thân trước khi đưa vào miệng chén cơm trắng cá kho do cô con dâu vừa từ dưới bếp bưng lên, bởi câu chuyện dài mẹ chồng nàng dâu thì vẫn chưa tới hồi chung cuộc!

        Đáng ngại là thế!

        Trong một xã hội mà triết lý tử tế đã chết đi, hàng xóm láng giềng lo mà khóa cửa nhà cho chặt, bởi có ai mà tin được ai! Cẩn tắc vô ưu, đi ra ngoài đường là phải thủ sẵn trong người, nhẹ thì dao găm, nặng hơn súng lục. Vô tới nhà thờ rồi, giầy dép để ngoài sân, nhưng dao găm và súng lục nhét sâu trong người. Cha cụ cử hành thánh lễ trên cung thánh, ở dưới giáo dân miệng lẩm bẩm câu kinh, nhưng mắt lấm lét ngó trước nhìn sau, một tay chắp trước ngực, tay kia đặt trong túi quần nắm chặt chuôi dao găm, báng súng lục. Thánh lễ vừa tan, vừa bước ra khỏi nhà thờ, giáo dân tay dao tay súng kéo nhau tới nhà Thôn trưởng, nhẹ thì xin tí huyết, nặng thì bặp luôn, bởi tội ăn trên ngồi chốc áp bức dân làng từ bao năm nay. Thế là huyết lưu mãn địa! Cứ thế, Thôn này nối tiếp Huyện kia. Huyện kia cộng lại với Tỉnh khác, cả hai nhân lên hóa ra cả nước. Nước Úc nối tiếp nước Mỹ biến thành toàn cầu.

        Đại loạn toàn cầu bởi triết lý tử tế đã chết đi, đám tang tử tế đã được cử hành, quan tài tử tế đã bị chôn sâu dưới ba thước đất là như thế!

        B. Hiệp định Copenhagen

        Như vậy thì cần gì phải ồn ào kéo nhau về Copenhagen họp hành, đề nghị các quốc gia kỹ nghệ trên thế giới phải giảm thiểu tối đa lượng thán khí thải vào trong bầu khí quyển. Đằng nào thì cũng chết hết. Chết bởi global warming hay chết bởi đám tang tử tế thì cũng chỉ là một cái chết.

        Mà coi chừng đó nghe! E rằng hiểm họa gây ra bởi đám tang tử tế tới nhanh hơn là hiểm họa gây ra bởi hiện tượng trái đất nóng dần. Thì cứ nhìn đi rồi sẽ thấy, cũng phải kéo dài trên dưới 200 năm từ những thời điểm khi kỹ nghệ cơ khí phát triển thải ra bao nhiêu thán khí vào bầu khí quyển cho tới những ngày gần đây, trái đất mới bắt đầu ho khan, ắt xì, chuyển mình nóng sốt. Nhưng hồi thế chiến thứ Hai, chỉ trong vòng trên dưới một năm, sát thủ Ninja Nhật Hoàng Hirohito đã gửi về âm phủ 2 triệu người Việt Nam chết đói xanh xao; Hitler chỉ trong có mấy năm cầm quyền mà đã giết đã đốt ra tro hơn 6 triệu người Do Thái trong những trại tập trung. Nhưng nếu đem con số của 2,000,000 nạn nhân bởi Ninja Hirohito hoặc 6,000,000 bởi phát xít Hitler ra so sánh với con số 61,911,000 nạn nhân bỏ mạng trong trại tù Gulag của Liên Sô từ những ngày Cách Mạng Tháng Mười năm 1917, và 35,236,000 bị giết chết tại Trung Hoa lục địa từ năm 1949, (1) thì sát thủ Hirohito và đồ tể Hitler còn phải nghiêng mình cúi đầu khiêm nhường vô lớp ngồi học dưới sự hướng dẫn của sư tổ Lenin, giảng sư Stalin, và đại sư phụ Mao Trạch Đông.

        Thiên hạ đại loạn toàn cầu sau khi triết lý tử tế đã chết đi đã mồ yên mả đẹp là thế đó!

        IV. Sự Tử Tế Đã Chết?

        Nhưng có đúng là bởi những ràng buộc chằng chịt về luật pháp trong ngày hôm nay, bởi những đồ tể Lenin, Hitler, Hirohito, Stalin, Mao Trạch Đông, và gần đây nhất Christopher, triết lý tử tế đã chết đi, đã bị chôn sâu dưới lòng đất hay không?

        Tôi dừng lại những hàng chữ, nhìn chung quanh. Văn phòng nơi tôi đang ngồi làm việc vào một buổi chiều, tất cả đang yên lặng. Người Thư ký văn phòng đang chăm chú ngồi đánh máy công văn. Qua khung cửa văn phòng, tôi nhận ra tia nắng vàng chiếu xiên xiên hàng cây phượng tím. Bây giờ đang là một buổi chiều tháng 6 Úc Châu. Bầu trời sa mạc xanh ngăn ngắt mặc dầu tháng 6 Úc Châu mùa đông. Tôi nhận ra tiếng hò hét của học sinh Tiểu học nơi sân trường, tiếng cười tiếng hát… Trong văn phòng, tôi ngồi cặm cụi ngồi viết những hàng chữ cuối cùng một bài ngăn ngắn gửi báo địa phương, một bài văn nửa tường trình nửa trình bày kinh nghiệm sau một lần công tác với thổ dân… Đời sống Úc Châu vẫn trôi qua trong êm ả và thanh bình. Đời sống riêng tôi tại sa mạc cháy đỏ bình an và hạnh phúc!

        A. Khăn Rằn Ri và Lơ Xe

        Không bù lại cho một khoảng thời gian cuối thập niên 70, khi đó tôi vào tù ra khám như cơm bữa bởi tội vượt biên. Tệ hại nhất là lần bị bắt giam tại trại tù Tiền Giang năm 1978. Khi tôi được thả, trên người thiếu niên mới lớn chỉ còn trơ trọi bộ quần áo tù và một tờ giấy Lệnh Tạm Tha. Không có một đồng lận trong người để mua vé xe về lại Sài Gòn, tôi không còn chọn lựa nào khác, đành phải chìa tay…ăn mày. Thấy tôi thiếu niên, mặt mày xanh xao đói khát chìa tay xin tiền, những bà bán hàng ở chợ Mỹ Tho nhanh nhanh quyên góp, bố thí cho tôi những đồng tiền tử tế để tôi mua vé xe đò quay về lại Sài Gòn. Câu chuyện tử tế chưa chấm dứt ở đó, bởi khi bước lên xe đò, người thanh niên lơ xe mặt còn trẻ măng, trong khi soát giấy chứng minh nhân dân và thâu tiền xe đò, thấy tôi ngần ngại chìa ra tờ giấy Lệnh Tạm Tha, lắc đầu cười nho nhỏ, không lấy tiền vé, nhưng chỉ cho tôi chiếc ghế gỗ của anh ta ngay phía sau lưng ghế bác tài.

        Dòng thời gian trôi, bao nhiêu thăng trầm trôi nổi tôi đã nếm khá nhiều trong gần ba chục năm vừa qua; bao nhiêu mặn nhạt chua cay do trần gian mang lại, tôi “hưởng” đủ; và tôi cũng đã quên đi tất cả; nhưng vẫn không hiểu tại sao tôi vẫn còn nhớ rõ những khuôn mặt quấn khăn rằn ri của những bà hàng chợ Mỹ Tho và nụ cười anh chàng lơ xe đò Tiền Giang vào một buổi trưa tháng 5 năm 1979 tại phố chợ Mỹ Tho?

        B. Công Nương Diana

        Vào dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 46 của Công nương Diana do hoàng tử William và Henry tổ chức, hơn 70 ngàn người đã kéo về vận động trường Wembley thủ đô London để tưởng nhớ công nương Diana. Công chúa Diana có thể nổi tiếng bởi vì cô đẹp, lại còn là vợ hoàng tử nước Anh, và mẹ đương kim thái tử William; nhưng sau khi cô trút hơi thở cuối cùng, tưởng rằng có lẽ theo dòng thời gian người người rồi cũng sẽ quên đi người con gái xinh đẹp nhưng lại mệnh bạc. Nhưng không! Người ta vẫn nhắc nhở tới công nương Diana và những công tác bác ái xã hội của riêng cô. Nếu công nương Diana khi còn sống quyết định đóng khung trong tháp ngà vương giả như bao nhiêu công nương khác, có lẽ thiên hạ rồi cũng sẽ quên cô đi như thế gian đã từng quên đi bao nhiêu công nương. Nhưng Diana vẫn còn sống trong lòng, ít ra là 70 ngàn người, chính bởi vì tấm lòng tử tế của cô đối với người nghèo trên thế giới. Công nương đã lưu lại trong tâm khảm của nhiều người không phải bởi cô đẹp, hay bởi cô là công nương của hoàng gia Anh, nhưng chính bởi cô giàu lòng tử tế với những nạn nhân của bệnh Aids và những người nghèo khổ của lục địa Phi Châu.

        C. Chuyện Bất Tử

        Thật vậy, những đời người sống với và dạy dỗ nhân loại về sự tử tế đều đã trở thành vĩ nhân bất tử của thế giới, Đức Phật, Đức Khổng Tử, Đức Giêsu, Thánh Gandi, Mẹ Theresa…

        Riêng về Đức Giêsu, chuyện kể rằng vào một buổi sáng thứ Hai, những người đàn bà đi tới ngôi mộ đá, và họ khám phá ra tảng đá đã lăn sang một bên, riêng xác Đức Giêsu đã biến mất. Để giải thích hiện tượng lạ kỳ này, có người nói nếu Đức Giêsu có khả năng hồi sinh cô con gái mười hai tuổi của ông Jairus (Mark 5: 41-42), con trai bà góa thành Nain (Luka 7:11-17), và ông Lazarô đã chôn trong mộ bốn ngày (John 11), thì làm sao Ngài lại không có khả năng để phục sinh chính thân xác của Ngài.

        Suy luận trên đây có tính thuyết phục. Nhưng cũng vẫn có một lý do khác để giải thích tại sao Đức Giêsu đã sống lại; lý do này liên quan đến khái niệm bao gồm ba chữ: Sự Tử Tế. Nói một cách khác, Đức Giêsu đã sống dậy bởi vì Ngài là một người tử tế, Ngài là hiện thân của Sự Tử Tế. Và sự tử tế thì không bao giờ có thể chết thối trong mồ, hoặc bị lãng quên theo dòng thời gian. Nói một cách ngắn gọn, tử tế có tính bất tử

        V. Ông Luật Sư Brendan:

        Sự Tử Tế

        Bởi sự tử tế có tính bất tử, tôi bỗng dưng ngộ, hiểu ra tại sao đã gần ba chục năm trôi qua, tôi vẫn nhớ tới những khuôn mặt tử tế của những bà hàng quấn khăn rằn ri và anh chàng lơ xe đò của một buổi trưa tháng 5 năm 1979 tại phố chợ Mỹ Tho.

        Bởi công nương Diana có tấm lòng tử tế, cho nên cô sẽ còn tiếp tục sống trong lòng nhiều người.

        Bởi Đức Phật, Đức Khổng Tử, Đức Giêsu, Thánh Gandi, Mẹ Theresa là những người tử tế, các Ngài là hiện thân của Sự Tử Tế, các ngài sẽ còn tiếp tục sống mãi và sống muôn đời.

        Sau hết, bởi tấm lòng tử tế, ông luật sư Brendan Keilar đã không chết, nhưng tiếp tục trở thành một nhân vật bất tử. Cái chết của ông không phải là một cái chết vớ vẩn, nhưng là một tấm gương soi cho thị dân Melbourne và người dân Úc, dù là Úc gốc Tây, hay Úc gốc Việt. Giờ này thể xác ông đã yên nghỉ, nhưng hồn phách tinh anh của ông vẫn sống với người dân thị trấn Melbourne, bởi nói theo hơi nhạc của Trần Thiện Thanh,

        Anh không chết đâu anh,

        Người anh hùng “Nhân Hậu” tên “Brendan”.

        Anh vẫn sống thênh thang

        trong lòng muôn người

        biết yêu “sự tử tế”.

        Đúng như vậy, cuộc đời trăm năm ngắn ngủi sẽ trôi qua. Ngàn vạn thành quách cũng đã sụp đổ. Vĩ đại như Alexander hay Quang Trung đại đế cũng đã nằm xuống. Xinh đẹp sắc sảo như Nữ Hoàng Cleopatra hay Nam Phương Hoàng Hậu cũng đã ngủ yên. Cuộc đời tiếp tục trôi qua. Thiên hạ tiếp tục rủ nhau bốc hơi biến mất. Ngày mai nếu hiểm họa global warning xầm xập kéo tới bôi xóa phố phường Úc Châu và cả thế giới, lúc đó, sẽ chỉ còn sót lại trong tâm thức vũ trụ những nhân vật mang chân dung Tử Tế. Tất cả còn lại đều chỉ là một con số không to tướng mà thôi.

        Nguyễn Trung Tây

        Chú Thích
        [1] Lữ Giang, Con Số 100 Triệu Nạn Nhân (http://www.vietcatholic.net/News/Read.aspx?id=44936).

        (nguồn: vietbao online)

  5. 09/09/2011 lúc 23:04

    Cảm ơn Phay Van@ nhiều !

  6. Nguyễn thị Nha Trang
    09/09/2011 lúc 23:45

    Trung Thu gắn liền với Trăng , Trăng là 1 chủ đề tạo cảm hứng cho nhiều thi nhân sáng tác , và Trăng thường được các thi sĩ ưu ái chọn làm đối tượng để diễn đạt cái đẹp , cái lãng mạn , cái thơ mộng , cái huyền ảo , cái lung linh , cái trong sáng ….với nhiều tựa đề đẹp và thơ …như Trăng !

    Lang thang trong vườn thơ…chợt bắt gặp 1 bài thơ , cũng đối tượng là Trăng , nhưng có cái tựa đề gây ấn tượng khác lạ : TRĂNG NGHẸN !
    Khiến người đọc phải tò mò…..Xin được chia sẻ cùng các bạn :

    T R Ă N G N G H Ẹ N
    *******************

    * Mẹ sinh tôi vào một đêm rằm mưa gió ngày xưa
    Lúc chào đời đã lỡ hẹn cùng vầng trăng viên mãn
    Vùng tản cư hồi này ruộng hoang nhà trống
    Rước được bà mụ vườn , Ngoại cực trần thân

    * Tôi lớn trong quê mùa như cây tạp vườn hoang
    Bảy tuổi biết leo lưng trâu , không từng ngồi xe đạp
    Không biết lời bải buôi để mua lòng người khác
    Nên thua thiệt cả đời vì không thể dối lừa ai

    * Ngơ ngác buổi ra thành , trước cuộc sống đua chen
    Mười năm sau chưa gội rửa cho mình thành dân chợ
    Lớp phèn hết bám chân , Nhưng chất chân quê vẫn còn đó
    Tôi tranh thủ những tháng hè , thích về lại thăm quê

    * Bạn bè theo đuôi trâu một thời , mơ ước nhìn tôi
    Tưởng tôi thoát kiếp ngài , nhởn nhơ hóa bướm
    Tôi nhìn vẻ hồn nhiên của đám bạn xưa thèm quá
    Cộng một chút phù hoa đâu thêm lớn tâm hồn

    * Mỗi lần về quê bè bạn cũ lại vắng hơn
    Gái mười bảy đã lấy chồng , trai hai mươi đòi vợ
    Cô bạn xưa nách con ngang nhà mua chịu rượu
    Đôi mắt ướt một thời bẽn lẽn ngó bàn chân

    * Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê
    Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu
    Vài căn nhà xây , đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu
    Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi

    * Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi :
    Sản lượng lúa nhiều , vùng cá ba sa lớn nhất
    Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất
    Và cũng dẫn đầu , những cô gái lấy chồng xa

    * Chập tối buồn ra nhìn bến nước cô đơn
    Vầng trăng vừa lên đã bị mây mưa vần vũ
    Tôi chợt nhớ lần lỗi hẹn đầu đời , trăng cũ
    Vầng trăng nghẹn hoài , chưa tỏa sáng một vùng quê …

    ( Hoài Tường Phong )

    • 10/09/2011 lúc 12:11

      Một bài thơ sâu sắc!
      Cám ơn chị Nha trang!

      • Nguyễn thị Nha Trang
        10/09/2011 lúc 21:05

        @ Đồ Trọc : Chào bạn ,

        Một Người Thơ như bạn , mà đã cho 1 lời bình như thế , ắt tác giả Hoài Tường Phong rất vui và hạnh phúc .

        Vui bạn nhé !

      • 11/09/2011 lúc 15:18

        Dạ chị quá khen!
        Cám ơn chị và cũng chúc chị cùng gia đình vui khỏe!

      • Nguyễn thị Nha Trang
        11/09/2011 lúc 22:38

        Vâng , Thơ bạn ấy đầy sự chiêm nghiệm của 1 người trải nghiệm , đi nhiều , va vấp nhiều , chắc đã từng nếm trải đầy đủ hương vị cuộc đời …vui , buồn , sướng , khổ , cay , đắng , mặn , ngọt ,chát , chua….
        Để rồi đúc kết với chiều sâu cảm nhận nội tâm thật lắng đọng…đầy chân lý thuyết phục !
        :

        * Có nhiều điều không thể chia sẻ với nhau
        Bởi giữa chúng ta là làn ranh cách biệt
        Đừng giận hờn và đừng nuối tiếc
        Ngọt ngào nào chẳng vương chút đắng cay

        * Có nhiều điều đừng chia sẻ cho nhau
        Bởi giữa chúng ta có tý ti dị biệt
        Niềm vui của người này có khi là nỗi đau của người khác
        Lỗi đâu ngày ngắn để đêm dài ?

        * Nhưng có một điều hãy chia sẻ cho nhau
        Bởi giữa chúng ta không hề cách biệt
        Đừng để đời trôi trong nuối tiếc
        Thương thật lòng là nâng đỡ trái tim yêu .

        ( Tâm Sự – Đồ Trọc )

      • Mai
        12/09/2011 lúc 02:48

        Cám ơn Nha Trang đã chia sẻ thơ của bạn Giao.
        Chị đồng ý với nàng Phay “Bác Giao làm thơ dạt dào tình cảm lắm”, và rất nội tâm, sâu lắng như lời Nha Trang đã nhận xét.

    • Nguyễn thị Nha Trang
      10/09/2011 lúc 12:46

      Bài thơ Trăng Nghẹn , đã được 1 một người đọc yêu thích , và thử chuyển ngữ sang tiếng Anh . Nha Trang gặp được , vậy cũng xin chia sẻ bản dịch này cùng các bạn….

      TRĂNG NGHẸN – Tác Giả : Hoài Tường Phong –

      ( Suffocated Moon – Translated by Michelle Phương Thảo )

      * Mother gave birth to me on a full moon stormy night
      I was born missing my rendezvous with the moonlight
      My vacated village , at that time , empty and forlorn
      A midwife was brought home thanks to grandma’s hard slog

      * Growing up in rusticity like those trees in the wild
      Riding the cows at seven , never heard of a bike
      Lacking skills to sweet talk for buying someone’s mind
      Thus , lost unyielding to treachery , all through my life

      * Leaving for the big city bewildered by its vie
      Ten years later , though all the same , my qualities
      Durty alum soil , gone offmy heels , still rusticity
      I took great joy , in the summers , back to my hometown

      * My friends , once on the cows , gazed at me with desire
      As though I , a moth metamorphosed into butterfly
      I watched wishing to be in their shoes of purity
      A bit of luxury hasn’t yet grown me to maturity

      * Each time coming home , my old friends kept dwindling
      Girls wed at seventeen ; boys sought wife since twenty
      My old girlfriend , carried a baby , in debt buying wine
      Her once wet eyes , fixed to her feet , as though being shy

      * Nearby the river , many girls leaving our hometown
      Some returning , showy silks flashing in brand names
      Building up new houses , changing life from filial coins
      Revamping a village , feeling somehow , melancholy

      * My hometown , a great plain , pitiful in some bests :
      Best produced the most rice , best place with largest fishes
      Lowest fund in edification and poverty , as well best
      And also best , number of girls , gone to marry far

      * The sun setting down , sadly looking out the lone shore
      The moon just risen , shortly comming down the rain storm
      I recalled , when born , my rendezvous , missing with old moon
      The moon , suffocated since , never lightened my hometown …

      • Nguyễn thị Nha Trang
        10/09/2011 lúc 13:02

        @ Phay Van :

        Phay Van giúp chị gõ thêm chữ ” s ” vào từ ” year ” : câu thứ 10 từ trên xuống :

        ” Ten YEARS later ….”

        Cảm ơn em ,

      • Nguyễn thị Nha Trang
        10/09/2011 lúc 21:12

        Ừ….cô thì lúc nào cũng ..dốt…dốt…dốt …em dốt lắm các anh chị ơi !
        Liệu hồn cô đấy…

    • Mai
      10/09/2011 lúc 13:27

      Nha Trang ơi,
      Hình như bài thơ “Trăng nghẹn” của tác giả Hoài Tường Phong đoạt giải nhất ở cuộc thi thơ đồng bằng sông Cửu Long lần thứ IV-2009 đã bị truất giải.Không biết tin đó có đúng không?

      • Nguyễn thị Nha Trang
        10/09/2011 lúc 21:07

        @ Mai thân mến ,

        Lúc lang thang , gặp bài thơ Trăng Nghẹn này ở 1 blog , chỉ thấy có bài thơ và tên tác giả , đọc thấy lòng rung động thật sự …thế là mình gõ chép chia sẻ cùng các bạn , chứ Trang cũng không rõ nội tình việc này lắm Mai à …. Khi đọc comment của Phay Van , thì mới tìm hiểu thêm…thì ra là vậy ! VN là thế… tất cả đều phải nằm trong vòng ” kim cô ” …!
        Ta cho chuyện này ” đi chỗ khác chơi ” nha Mai….

        Thơ , tác giả thật sự rung cảm sáng tác , và được độc giả yêu thơ thật sự đón nhận , thật sự đồng cảm rung động …thì đó là phần thưởng và là niềm hạnh phúc tuyệt vời của tác giả rồi…phải không Nguyệt Mai …

      • Mai
        11/09/2011 lúc 10:04

        Đúng rồi, Trang ạ. Hạnh phúc của người viết là có được độc giả đồng cảm, đón nhận và yêu thích những bài viết của mình.

      • Mai
        12/09/2011 lúc 02:40

        Chị đang hạnh phúc lắm Phay ạ, khi biết em yêu mến thơ chị.

      • 11/09/2011 lúc 11:08

        @ Chị Nha Trang, em không biết nên lại bình vài câu ở trên.
        Ngày Chủ Nhật an bình tới chị và gia đình nhé chị!

      • Nguyễn thị Nha Trang
        11/09/2011 lúc 21:11

        @ Hà Linh yêu mến ,

        Sao thế em ! Trong ngôi nhà này chúng ta đã đồng thuận không nên khách sáo nữa mà…, chúng ta cứ chân tình chia sẻ cảm nghĩ thật của mình là quý rồi Hà Linh em…, mọi chuyện lẻ tẻ – nếu có – ta cứ ” cho nó đi chỗ khác chơi ” , không có gì phải suy nghĩ em nha …

        À….hôm nay chị đã nhìn rõ ” nón lá của người Nhật xưa ” ở ” Bảo tàng muối ” rồi đấy nhé !

        Chị rất mừng khi thấy em luôn vui và tận hưởng được chất lượng cuộc sống như thế …

      • 11/09/2011 lúc 11:04

        @ Chị Mai: đó là “ví dụ sinh động” cho cái gọi là văn học chứng minh ở quê mình đó chị à, dù gì thì “sáng tạo” của nghệ sỹ cũng phải đi trong lề, nếu không thì có thể bị chính các đồng nghiệp của mình hoặc là sự kiểm soát từ trên cao bóp nghẹt.em nghĩ ct hóa văn chương từ trên caohay là quan niệm ” bầy đàn” trong giới sáng tác đều làm cho sáng tạo nghệ thuật bị khô cạn…người nghệ sỹ chỉ có thể sáng tác khi cảm xúc trong sáng và chân thật của mình thăng hoa…anh viết cái mà anh bất chợt cảm nhận, anh viết theo cách mà anh muốn viết phù hợp với cá tính và ý muốn chuyển tải câu chuyện của mình… phải không chị? vừa viết vừa sợ thì làm sao gọi là sáng tạo nghệ thuật!

      • Mai
        12/09/2011 lúc 02:38

        Cám ơn Hà Linh đã chia sẻ. Những điều em nói rất đúng. Chị hoàn toàn đồng ý với em.

      • 12/09/2011 lúc 11:04

        em nghĩ tội nghiệp những người nghệ sỹ xứ mình chị Mai à!

      • Mai
        14/09/2011 lúc 20:34

        Hà Linh thương mến,
        Mấy hôm nay chị bận quá nên chẳng ghé thăm. Nha Trang đi vắng mấy hôm mà tưởng chừng như đã lâu lắm.
        Em ơi, người nghệ sĩ xứ mình rất tội nghiệp so với các nước trên thế giới. Em đang ở Nhật thì em thấy đó. Nghệ sĩ của họ có đời sống cao. Họ được tự do sáng tác theo cảm xúc và rung động của họ. Họ không sợ bất cứ một quyền lực hoặc một chuyện gì hết. Họ hạnh phúc quá, phải không em?

      • 14/09/2011 lúc 20:51

        Dạ, chị Mai có khỏe không chị Mai?

        Hạnh phúc của người sáng tác là được tự do sáng tạo , công chúng sẽ là người thẩm định cao nhất…họ có tự do trong mối giao tiếp nghệ sỹ-công chúng…Họ thật hạnh phúc phải không chị? nhưng mà những nghệ sỹ của ta thì cũng sẽ có cơ may không đổ mồ hôi nhiểu mà vẫn sống khỏe nếu viết theo đơn đặt hàng!!!!
        Chúc chị ngày bình yên nhé chị!

      • hth
        14/09/2011 lúc 21:39

        em nghĩ tội nghiệp những người nghệ sỹ xứ mình chị Mai à!
        ————————
        HL, chị Mai: nhiều lúc nghĩ tới mình, cũng thấy tội cho mình ra phết!

  7. 10/09/2011 lúc 10:59

    Lớn rồi mà ai cũng thích Trung Thu chị nhỉ!

  8. Mai
    11/09/2011 lúc 10:07

    Phay có nhớ ngày xưa có một loại “đèn trung thu” làm bằng lon sữa bò không? Cũng đốt nến và cầm cây đẩy nó đi. Cũng “sáng tạo” lắm em!

    • 11/09/2011 lúc 18:50

      Chị Mai: hôm nay là ngày trung thu, ngoài trời đang mưa lâm thâm, bỗng dưng chị nhắc tới cái đèn làm bằng lon sữa bò làm em nhớ quá đi, nhớ và thương tuổi thơ tội nghiệp của em. Có loại làm bằng lon bia nữa chị ơi, cũng tương tự lon sữa bò, người ta rọc những đường song song từ đỉnh xuống đáy, ấn nhẹ hai đáy xuống cho nó phình ra ở giữa, ánh sáng toả ra rất đẹp.

      Chị ơi, ngày xưa nhà em nghèo lắm, ba em bị mất việc sau khi lính Mỹ rút về nước năm 1973. Em có nhiều chị gái mà không có anh trai, nên không có cái vụ làm lồng đèn. Thằng em trai kế em là út, nên mỗi trung thu nó được mẹ em mua cho 1 cái lồng đèn bằng giấy bóng kiếng, nhưng khi cây nến đổ, cháy đèn là thôi đó, mẹ em sẽ không mua cái thứ hai, mà thằng này đoảng lắm, nó chơi chỉ được 1 ngày là hôm sau cháy liền. Còn chúng em lớn hơn nó nên phải chơi lồng đèn bằng giấy (xếp nhún nhún lại, hình trụ). Loại này cũng… dễ cháy 😀

      Thế nên trung thu năm nào chúng em cũng thèm thuồng nhìn bọn trẻ đồng trang lứa đi rước đèn, vì đèn chúng em… cháy cả.

      • Mai
        12/09/2011 lúc 02:33

        Nghe em kể, chị thương em quá, Phay ạ. Bây giờ em đã lớn, đã đi làm có tiền và có thể mua cho mình lồng đèn Trung Thu, nếu muốn. Nhưng mình đâu có thể mua lại được tuổi thơ đâu, em nhỉ?

      • 12/09/2011 lúc 12:39

        Dạ, nếu có thể trở lại tuổi thơ, em cũng muốn nó là như thế, vì những cái đèn giấy của chúng em rất xinh, chỉ mỗi tội là… dễ cháy thôi chị à.

        Trẻ con ngày nay không thấy rước đèn nữa chị ạ. Mấy năm trước thấy bọn chúng chơi mấy cái đèn bằng pin của TQ, có kèn ò í e nữa, mất cả hay. Rồi một vài năm nay không còn thấy nữa, hình ảnh các em bé đi dưới ánh trăng, tay xách đèn, miệng hát: “Tết trung thu rước đèn đi chơi…” đã lùi dần vào quá khứ.

        Mỗi năm vào dịp trung thu, em vẫn rước đèn trong tâm trí, chị à, sánh vai bên cạnh bà chị gái và thằng em trai của em, chị gái và em đèn giấy, nó đèn đồng tiền bằng giấy bóng kiếng (có lẽ đây là cái đèn bằng giấy bóng kiếng rẻ nhất?), ba chị em nhập vào đoàn rước tuổi thơ xưa…

        Tự dưng nói đến những cái đèn trung thu, em nhớ đến mẹ em. Chị Mai biết không, hồi xưa đi học phải làm các phép tính cộng trừ nhân chia trên cái bảng đen con con, chờ khi cô giáo gõ thước thì chúng em đồng loạt giơ bảng lên. Nhưng bảng của chúng em không bằng sắt, có viền nhựa như các bạn mà bằng giấy. Mẹ em mua cho chúng em những cái bảng bằng giấy carton, sơn đen. Khi viết phấn trắng lên rồi là… xóa không được chị à. Vệt phấn chỉ bị nhòe chứ không sạch. Chúng em khốn khổ trong những giờ học như thế. Nghĩ lại thấy thương mẹ quá. Mẹ đã phải chật vật xoay xở để chúng em có thể đến trường, dù không tươm tất như các bạn.

      • hth
        12/09/2011 lúc 13:19

        PV, tối qua Biên hòa có bị mưa không? Ngoài HN mưa rí rách. Lúc chiều cắt tóc, nghe mấy ông xăm trổ đầy mình cũng nhìn mưa than đánh sượt: Mưa thế này các cháu làm gì có trăng mà chơi. Khổ! Có trăng thì ở phố cũng có thấy được đâu? Mà có thấy thì cũng còn đẹp nữa đâu! Buổi tối con bé con theo bà hàng xóm cắp ô ra phố Hàng mã, lúc sau về cắp theo mấy cái mặt nạ Trung quốc, hihi!

      • Mai
        14/09/2011 lúc 21:10

        Phay ơi,
        Em lại làm chị nhớ đến một câu thơ chị viết cho má chị ngày xưa: “Mẹ thân cò vạc gánh đời nuôi con”. Chị như đã như thấy trước mắt hình ảnh vai nặng oằn gánh cuộc đời của mẹ em, mẹ chị, và những người mẹ VN khác, những bà Tú Xương đã vất vả, tần tào buôn bán, chắt chiu dành dụm tửng đồng, từng cắc để lo cho chồng, cho con.
        Nhà thơ Hồ Dzếnh có bài thơ “Cô gái Việt Nam” ngợi ca về phẩm chất người phụ nữ Việt Nam mà chị rất thích, xin chia sẻ với em:

        Cô Gái Việt Nam

        Cô gái Việt Nam ơi!
        Từ thuở sơ sinh lận đận rồi
        Tôi biết tình cô u uất lắm
        Xa nhau đành chỉ nhớ nhau thôi.

        Cô chẳng bao giờ biết bướm hoa
        Má hồng mỗi tiết mỗi phôi pha
        Khi cô vui thú là khi đã
        Bồng bế con thơ đón tuổi già!

        Cô gái Việt Nam ơi!
        Ngọn gió thời gian đổi hướng rồi
        Thế hệ huy hoàng không đủ xóa
        Nghìn năm vằng vặc ánh trăng soi.

        Tôi đến đây tìm lại bóng cô
        Trở về đường cũ hái mơ xưa
        Rau sam vẫn mọc chân rào trước
        Son sắt lòng cô vẫn đợi chờ.

        Dải lúa cô trồng nay đã tươi
        Gió xuân ý nhị vít bông cười,
        Ai hay lòng kẻ từng chăm lúa
        Trong một làng con đã héo rồi!

        Cô gái Việt Nam ơi!
        Nếu chữ hy sinh có ở đời
        Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
        Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.

      • Mai
        14/09/2011 lúc 20:49

        Phay thương mến,
        Chị copy cho em lời chia sẻ của một “bạn” “hồi xưa còn nhỏ” viết về cái đèn bằng lon sữa bò cho em đọc đỡ buồn nghe:

        Chuyện kể rằng 40 năm trước, trước đêm trăng tròn tháng Tám, có một thằng nhỏ người Việt Nam kiếm được một cái lõi cuộn chỉ bằng gỗ.
        Xuyên qua cái lõi gỗ đó, nó bẻ một cọng kẽm lớn, rồi lại cho cọng kẽm xuyên qua một lon sữa bò. Nó buộc đầu cọng kẽm vào một cái que dài. Và như thế, nó đã có một chiếc lồng đèn.
        Chiếc lồng đèn có thể đốt nến vào trong lon sữa bò. Có thể cầm cái que đẩy “lồng đèn” lăn dưới đất, lúc đó cái lon sữa bò quay tít, chiếu ánh nến lập lòe theo nhịp đẩy của người “rước đèn”.
        Chiếc “lồng đèn” của con nhà nghèo, đơn sơ nhưng thú vị. Đặc biệt chẳng bao giờ sợ bị cháy đèn nủa chừng.
        Bây giờ, trẻ con chẳng thèm chơi lồng đèn bằng giấy kiếng, bằng lon sữa bò nữa. Chúng đã có lồng đèn chạy bằng pin, có thể phát ra ánh sáng, có thể phát ra âm thanh (nhạc).
        Nhưng tất cả giống như một món ăn thiếu gia vị. Chẳng bao giờ có thể làm cho bà nội trợ xuýt xoa vì lỡ nêm quá tay. Chẳng bao giờ có thể có được cảm giác ngẩn ngơ tiếc nuối, khi nủa chừng đám rước mà đèn bị cháy tan tành. Ánh đèn điện bằng pin cũng chẳng thể hư ảo bằng ánh nến.

    • Nguyễn thị Nha Trang
      11/09/2011 lúc 22:12

      Nguyệt Mai và Phay Van biết 2 khổ thơ này của thi sĩ nào không ?

      ” * Mùa thu xưa thuở còn thơ ấu
      Sống nơi quê Ngoại – làng Kỳ Lam
      Buổi tối Trung Thu bên cạnh Ngoại
      Con nghe Ngoại kể chuyện chị Hằng

      * Rồi con theo bạn đi rước đèn
      Tay cầm con cá hát huyên thuyên
      Lung linh ánh nến trăng nhìn xuống
      Con thấy hình như Cuội cười hiền
      …………………………………………………..”

      Trái ngược với không gian và hình ảnh nên thơ đêm Trung Thu ở 2 khổ thơ trên …., Không biết ở nơi khác có mưa không….? hiện nơi Nha Trang ở thì đang mưa to tầm tả , thấy các cháu – từng cháu – đốt đèn đứng chơi trong hiên nhà của từng nhà , mà thấy thương thương và tồi tội cho các cháu…
      ông Trời năm này thật là …chẳng tâm lý gì cả….làm người lớn cũng buồn lây…

      • Mai
        12/09/2011 lúc 02:29

        Hôm qua, tại chỗ Mai ở, trời âm u nhưng không có mưa. Buổi tối Mai cũng không ra đường nên đâu có dịp ngắm trăng. Tiếc quá, Trang nhỉ?

      • 12/09/2011 lúc 13:03

        Chị Nha Trang 😀 😀

        Mùa Thu Xưa

        Tặng Huẩn

        Mùa thu xưa thuở còn thơ ấu
        Sống nơi quê ngoại – làng Kỳ Lam
        Buổi tối Trung Thu bên cạnh ngoại
        Con nghe ngoại kể chuyện chị Hằng

        Rồi con theo bạn đi rước đèn
        Tay cầm con cá hát huyên thuyên
        Lung linh ánh nến trăng nhìn xuống
        Con thấy hình như Cuội cười hiền

        Mấy mùa lá rụng con lên tỉnh
        Chưa lần về lại chốn quê xưa
        (Mà ngoại chết rồi trong binh lửa
        Trong một đêm bom đạn như mưa…)

        Bây chừ nhìn thấy thu trở lại
        Con nhớ ghê là những ngày thơ
        Nhưng biết tìm đâu hình bóng ngoại
        Lồng đen thuở nọ đã phai mờ

        Ở phương ni con xin được thắp
        Một nén hương trầm trong bóng đêm
        Nhờ gió mang về nơi phương nớ
        Ấp ủ giùm con mộ ngoại thương

        Trần thị Nguyệt Mai
        Trích từ Bán Nguyệt San Tuổi Hoa năm 1973
        (nguồn: tuoihoa.hatnang.com)

  9. Nguyễn thị Nha Trang
    11/09/2011 lúc 22:44

    @ Nguyệt Mai , Hà Linh , Phay Van…. mến ,

    Nha Trang có chút việc , chắc vắng nhà vài hôm….!
    Các bạn trò chuyện vui vẻ nhé…

    • Mai
      12/09/2011 lúc 02:26

      Thân chúc Nha Trang một chuyến đi chơi vui vẻ. 🙂

    • 12/09/2011 lúc 11:03

      Chân cứng đá mềm nha chị Nha Trang!
      Sẽ nhớ chị nhiều đó!

    • Nguyễn thị Nha Trang
      16/09/2011 lúc 00:03

      @ Nguyệt Mai , Hà Linh , Phay Van…yêu quý ,

      Nha Trang đã vắng vài hôm , và nay đã về rồi đây …
      Cám ơn 3 chị em đã nồng ấm cùng lời chúc chân tình với chuyến đi của Nha Trang .
      Bảo sao mà không nhớ mọi người cho được !

      • 20/09/2011 lúc 17:33

        Chị Nha Trang về sớm thế? Chị về thì em lại lên đường đi… Nha Trang 😀

  10. 13/09/2011 lúc 00:24

    Chào Phay Van và các còm sĩ thân quen bác Trà, Hà Linh, chị Nha Trang ….
    Bấy lâu nay cũn hơi bận rộn nên ít có dịp ghé vào nói chuyện, hôm nay vào đọc entry náy thấy mọi người bàn chuyện với bao nhiêu câu chuyện thật thú vị gợi nhớ lại một trời kỷ niệm . Thấy chị Nha Trang nói về Phòng Thông Tin Hoa Kỳ với bức hình Apollo đổ bộ nguyệt cầu Theo cái link của PV vào bộ sưu tập tem thí giật mình khi thấy Phay Van có 3 con tem thuộc loại quý hiếm của xứ Libya .
    Con tem đầu là hình chân dung trong trang phục Ả Rập của “Lãnh tụ Anh cả và là Người hướng dẫn Cách mạng” vĩ đại đang bị bị Tòa án Hình sự Quốc tế ở La Hay ra lệnh truy nã toàn thế giới Muammar Abu Minyar al-Gaddafi, hình chụp khi ông còn trẻ trông khá điển trai không nhìn gớm ghiếc như bây giờ..
    Con tem chính giữa vẽ hình nhân dân Libya “phấn khởi” với cuộc cách mạng và đàng sau là hình trước tác nổi tiếng cùa Gaddafi “Green book” như báo Công An Nhân Dân đã viết:
    “Gaddafi đã thể hiện là một nhà lý luận chính trị hàng đầu, phát triển cái gọi là học thuyết phổ quát, được nêu trong cuốn sách Xanh (Green Book) xuất bản năm 1975”
    Con tem thứ ba là chân dung đại tá Gaddafi trong quân phục lúc còn trẻ

    Bên cạnh những con tem có dóng The Great Socialist People’s Libyan Arab Jamahiriya có thể dịch ra tiếng Việt là Đại Dân Quốc Nhân dân Xã hội Chủ nghĩa Ả Rập Libya
    hoặc Jamahiriya Ả Rập Libya Nhân Dân Xã hội chủ nghĩa Vĩ đại (từ Jamahiriya có nghĩa là “đất nước của khối quần chúng Ả Rập: ‏الجماهيرية العربية الليبية الشعبية الاشتراكية العظمى‎) xem ra nước này cũng có họ hàng xa gần vói nước CHXHCN Việt Nam và ông Gaddafi cũng say mê tư tương cùa Marx.
    Riêng tên của nước ta thì có thêm dòng chữ Độc Lập trừ Tự Do trừ Hạnh Phúc

    Những nước mà quốc hiệu có chữ XHCN như Libya hay Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Myanmangày càng ít. Myanma đã đổi tên chỉ cón là Cộng Hòa Liên Bang Myanmar. còn nước Đại Dân Quốc Nhân dân Xã hội Chủ nghĩa Ả Rập Libya đang trong giai đoạn “chuyển sang từ trần” …..

    Có lẽ đó xu hướng của lịch sử !

    ĐT

    • 13/09/2011 lúc 18:25

      Em chào bác Doan Tran và cảm ơn bác về những thông tin thú vị. Em không hề biết là Myanma đã từng có từ XHCN trong cái tên của mình.

      Dạ, chế độ độc tài nào rồi cũng đến hồi cánh chung. Bác Cavenui có bài Nguyên thủ ngày ấy bây giờ đọc thấm thía lắm bác ạ. Có điều ở VN thì không biết khi nào sẽ được dọn dẹp đây.

    • 14/09/2011 lúc 13:38

      Riêng tên của nước ta thì có thêm dòng chữ Độc Lập trừ Tự Do trừ Hạnh Phúc
      ——–
      Anh Doan Tran hóm hỉnh quá cơ!

  1. No trackbacks yet.
Đã đóng bình luận.
%d người thích bài này: