Thơ Trần Thị Nguyệt Mai
Nhờ một khám phá tuyệt vời của chị Nha Trang, em được biết thêm về người gởi tặng một số Truyện Ngắn của Cam Li Nguyễn thị Mỹ Thanh.
Một vùng trời kỷ niệm của chị đây, chị Mai ơi:
***
Bài thơ này tác giả đã gửi cho Tuổi Hoa nhưng chưa kịp đăng vì biến cố tháng tư năm 1975:
Đứng ngoài cổng trường
Đã biết bao lần tôi bật khóc
Khi về trường cũ lá me bay
Còn đâu năm tháng xưa ngà ngọc
Buồn hơn mưa nhỏ buổi chiều nay…
Đứng ngoài cánh cổng tôi nhìn mãi
Mái ngói rêu xanh phủ phủ dày
Bảng phấn, tường vôi màu thân ái
Tất cả dường như chẳng đổi thay
Có tiếng đọc bài vang vọng rõ
Và lời giảng giải vẫn êm êm
Tôi thèm muốn quá về tuổi nhỏ
Ngồi ngoan chăm chỉ học như em
Sao cánh cổng trường luôn khép chặt
Như thể quay lưng với một người
Thánh thót rơi rơi dòng nước mắt
Mà nhớ thương hoài mãi chẳng vơi…
Trần thị Nguyệt Mai
1974
***
Còn đây là bài thơ “Ru giấc đông xưa” của chị Trần thị Nguyệt Mai (đã đăng ở Tuổi Hoa số 220) được chị Cam Li phổ nhạc:
***
Một số bài thơ chị Trần thị Nguyệt Mai làm tặng bạn:
Chiêm bao
tặng Kim Chung
Thấy người đến giữa mộng mơ
Ngạc nhiên quá đỗi chẳng ngờ được đâu
Thấy người đem lại cau trầu
Cùng với bánh cốm, chè tàu.. cưới em!
——-
Bên ni, bên tê
tặng Diễm Nga
Bên tê con sông trời mưa hay trời nắng?
Ở bên ni vời vợi nhớ mong
Em gọi mãi răng chàng im lặng
Nước mắt đầy nhỏ xuống những giọt trong..
Bên tê con sông trời buồn hay trời vui?
Mà răng em không thấy chàng cười
Lối về bước nhỏ em thầm khóc
Ơi chàng cứ lạnh lùng ghê nơi!
Bên tê con sông có những hàng cây
Chàng qua bên đó, chàng về bên đây
Chàng nào nghe tiếng chim sẻ hót
Nên em muốn một lần làm mây
Mây bay theo chàng đến phương xa
Khi mô mây buồn nhỏ lệ nhạt nhòa
Chàng hôn mưa ướt trên môi ấm
Tình mây và chàng mãi chẳng phôi pha…
—–
Gửi Huế
tặng Hiền Thy Họa My
Có những hôm trời Sài Gòn mưa nhỏ
Ta nghe buồn và nhớ quá em thơ
Sao chúng ta vẫn mãi hoài cách trở
Ngày gặp nhau…Ôi biết đến bao giờ!
Có những hôm mây Sài Gòn xanh lắm
Ta muốn mang gửi tặng Huế thân yêu
Thay sắc mây màu đen buồn u ám
Của những ngày mưa ròng rã sáng chiều
Có những đêm tìm vì sao sáng nhất
Ta gọi thầm và ngỡ đó là em
Sẽ hái nhẹ một nụ hoa thơm ngát
Nhờ gió mang trao đến Huế thân quen
Những sáng, những trưa, những chiều, những tối
Bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu
Em vẫn mãi trong tim ta rực rỡ
Có biết không người yêu dấu suốt đời?
—–
Về lời hẹn tháng tám
Tặng Hiền Thy Họa My
Vẫn nhớ lời hẹn cũ
Tháng tám sẽ về thăm
Mà chừ em thấy đó
Mãi biền biệt hơi tăm…
Ta tưởng tượng đôi mắt em ngơ ngác
Chiều phi trường đứng đợi bóng người xa
Thôi Huế nhé, chớ trách ta bội bạc
(Vẫn nhớ mãi em, chim nhỏ sơn ca)
Những cánh thư sau này em gửi
Trách ta hoài sao chẳng về thăm
Sao mải mê dặm trường rong duổi
Mà chẳng về dù Huế rất gần…
Chừ ta sẽ chẳng dời ngày hẹn
Vì trong ta ngày tháng vô chừng
Một dịp tình cờ nào ghé đến
Gặp nhau rồi Huế có dửng dưng?
***
Chị Mai có nhiều thơ được đăng trên Tuổi Hoa thời 1973-74 ngày xưa ấy có mặt trong truyện ngắn dưới đây:
Mùa Xuân Mai Vẫn Nở
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
– Lời tác giả: Tên của các nhân vật chính trong truyện đã được tác giả thay đổi. Mọi sự trùng hợp, nếu có, đều là ngoài ý muốn. Kính mong quý độc giả thông cảm.
***
Khu vườn dễ thương mang tên Tuổi Hoa, nơi nuôi dưỡng những cây bút tuổi học trò, nằm khiêm nhường bên cạnh nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế đường Kỳ Đồng Sài Gòn. Mặc cho ngoài đường nhộn nhịp đông đúc, bên trong khuôn viên nhà thờ thật êm ả.
Muốn đi vào tòa soạn Tuổi Hoa, Ly phải qua nhà sách Đức Mẹ. Đến một hành lang ngắn, Ly gõ cửa căn phòng đầu tiên và rón rén thò đầu vào, gặp Cha Chân Tín, vị chủ nhiệm của báo, Ly lên tiếng chào Cha. Cha với nụ cười thật hiền hòa, lúc nào cũng hỏi han Ly. Rồi tiếp đến, sang chào bác Trường Sơn là thư ký tòa soạn, Ly nhận một lô thư từ để đem về căn phòng nhỏ của mình. Bác Trường Sơn vẻ nghiêm nghị nhưng luôn sẵn sàng nở nụ cười ưu ái đối với Ly và chỉ dẫn cho Ly những điều cần thiết trong công việc. Sáng đi học, chiều đi làm thư ký nhỏ kiêm “thầy cò”(1), Ly cảm thấy vui lắm.
Những buổi chiều khi đã xong công việc của tòa báo, Ly thường hay thơ thẩn đi qua phía nhà thờ. Ly không vào bên trong giáo đường, mà dừng lại trước hang đá có tượng Đức Mẹ. Những bó hoa tươi mọi người đem đến sắp xếp trang trọng xung quanh chân tượng, bên cạnh những tấm biển nho nhỏ ghi dòng chữ “Tạ ơn Đức Mẹ”. Không gian yên tĩnh thật dễ thương. Ly để tâm tư chìm vào lời cầu nguyện.
Cái thời xa xưa, mỗi khi bác Trường Sơn bảo Ly viết bài, thì ý tưởng ở đâu tuôn trào dào dạt. Nhất là đến Tết, không khí nhộn nhịp của tòa soạn làm cho cô bé tăng thêm cảm hứng. Thuở đó, Ly hăng say viết. Viết như mình thở vậy. Hầu như chỉ cần một hình ảnh lướt qua trước mặt, thậm chí trong ý nghĩ, hay chỉ cần một từ ngữ nào đó, cũng đủ gợi nên cả một câu chuyện. Các bạn đọc nhỏ tuổi đến chơi tòa soạn vào những chiều thứ bảy, thường đặt ra cho Ly những câu hỏi đại khái như :”Truyện của Ly viết là thật hay là tưởng tượng?”. Ly cũng thành thật nói ngay: “Là thật, đan xen với những điều tưởng tượng”. Và thế là Ly đã có những người bạn văn nghệ thật dễ mến đến gặp gỡ, trò chuyện thường xuyên. Cuộc sống của cô học trò và rồi trở thành cô sinh viên xem ra có vẻ bình yên với những bài viết đăng đều đặn trên những kỳ bán nguyệt san, và thỉnh thoảng một quyển truyện dài dành cho tuổi mộng mơ. Nhưng bên cạnh đấy, cô có một góc đời khác: sống với công việc xã hội, vì thế những mảnh đời thật từ đó cô đã đem vào trong văn. Đơn giản là như thế!
Trong những người bạn gần gũi với Ly nhất, có cô bé thi sĩ nhỏ Quỳnh Mai. Cặp kính cận gắn trên khuôn mặt bầu bĩnh làm Quỳnh Mai có một vẻ hóm hỉnh dễ thương. Quỳnh Mai thường đến chơi với Ly, nói chuyện một chút và ngồi yên lặng xem những trang báo mà Ly đang sửa. Từ ngữ chuyên môn gọi đó là những “bản vỗ” (2), nghĩa là những bản in nháp để Ly sửa chính tả hay những chữ sai nếu có, rồi khi đã được thợ nhà in sắp chữ lại cho hoàn toàn đúng mới đem in thật để phát hành. Quỳnh Mai cũng hay xin phép bác Trường Sơn cho theo Ly xuống nhà in để xem những cỗ máy in thật lớn, tiếng máy dập ì ầm làm át cả tiếng nói, và ngắm những chồng báo cao ngất ngưỡng, những hộc gỗ to tướng đựng đầy những mẫu chữ khắc bé tí xíu, chữ nào để riêng hộc nấy; rồi đến những nơi đóng gáy, cắt xén…. Chao ôi, công việc trong nhà in thật là bận rộn, khiến cô bé Quỳnh Mai rất ngạc nhiên. Cô bé nhìn “chị Ly” của mình với tất cả vẻ thán phục. Nhưng Ly đã quen rồi! Có chăng là cái ngày đầu tiên tiếp nhận công việc làm “thầy cò”, Ly cũng “ngố” không kém. Học hỏi từ từ rồi đâu cũng vào đó. Trong tòa soạn thì Ly được xem là em út, nhưng đối với các độc giả nhỏ tuổi trạc bằng Quỳnh Mai thì Ly được làm chị. Ngoài việc làm “thầy cò”, Ly giúp bác chủ bút trả lời thư tín, sắp xếp bài vở và, quan trọng nhất, là viết bài!
Mùa xuân năm đó, tòa soạn nhộn nhịp hơn cả bình thường với không khí chuẩn bị cho báo Tết. Căn phòng nhỏ mà Ly làm việc mỗi buổi chiều cũng là phòng hội họp. Những người phụ trách các mục thường xuyên của tờ bán nguyệt san Tuổi Hoa, như các anh Hà Tĩnh, Quyên Di, Trinh Chí, họa sĩ Vi Vi, thầy Hoàng Đăng Cấp.., mỗi người một vẻ. Anh Quyên Di nhỏ nhẹ, anh Hà Tĩnh điềm đạm, anh Trinh Chí vui vẻ, thầy Hoàng Đăng Cấp nói rất nhanh và kể chuyện rất hay, riêng họa sĩ Vi Vi trong lớp áo nhà binh rất vui tính, ân cần và lúc nào cũng tài tình với ngọn bút lông. Bên cạnh đó, còn có những cây bút trẻ cộng tác viên cùng về tụ tập tại căn phòng nhỏ của Ly, hỏi han, bàn luận vui vẻ. Nhân đó, Ly cũng trao cho từng anh chị những bức thư do độc giả gửi đến. Lại những điều chia xẻ thật vui. Khi gần tối, mọi người đã về hết, chỉ còn Quỳnh Mai ở lại cùng với Ly để giúp dọn dẹp căn phòng, Ly lại có một người khách mới đến. Một cô bé!
Mai Vi nhỏ hơn Ly bảy tuổi. Khi cô bé xưng tên, Ly biết ngay đó là vị độc giả thiếu nhi tuần trước đã viết cho Ly một bức thư làm quen. Và bây giờ thì quen thật. Như đã từng biết nhau, họ tay bắt mặt mừng. Và dĩ nhiên, có duyên gặp gỡ cả Quỳnh Mai nữa. Hai cô bé thích thú khi thấy có cùng tên Mai. Có lẽ những lời khách sáo không dành cho những người bạn nhỏ này, nên cả ba người đã vào chuyện rất nhanh. Mỗi người tự kể chuyện về mình và hỏi thăm hai người kia. Đối với Ly và Quỳnh Mai, cuộc sống khá êm ả: sinh ra, lớn lên và học hành tại thành phố. Riêng Mai Vi lại có cả một khung trời cơ cực. Tuổi thơ không yên bình trải ra tại một làng nhỏ ở quận Đông Hà thuộc tỉnh địa đầu Quảng Trị. Lên tám tuổi, cô bé đã hứng chịu một tai ương đau lòng. Nhà thờ bị pháo kích từ phía bên kia, trong khi đang có đông đảo giáo dân làm lễ. Bà ngoại và Mai Vi đều bị mảnh đạn hỏa tiễn làm mất cả đôi chân. Người mẹ góa bụa của Mai Vi phải gánh vác gia đình, làm lụng vất vả để nuôi sáu miệng ăn. Rồi mùa hè đỏ lửa, cả gia đình gồng gánh nhau chạy vào nam trên đại lộ kinh hoàng. Đến vùng đất tương đối yên lành, gia đình em được hội thánh giúp đỡ tạo dựng cơ nghiệp ở Bình Tuy. Mai Vi và các em theo học ở làng Bồ Câu Trắng, dưới sự chăn dắt của một vị linh mục nhân từ.
Khi Mai Vi nói xong câu chuyện về mình, nét mặt cô bé vẫn bình yên trong một vẻ cam chịu. Nhưng Ly và Quỳnh Mai thì nước mắt ràn rụa. Mai Vi nói bằng giọng Quảng Trị dễ thương:
– Chị Ly biết không, em vào trong ni, có thời gian ở làng Bồ Câu, đọc sách báo nhiều, em mới biết có Tủ sách Tuổi Hoa. Tình cờ một hôm bạn em tặng cho em một quyển truyện của chị, truyện “Khúc lan can gẫy”, em cảm thấy em giống như nhân vật người thương binh trong ấy. Em thấy thương mến chị, và em quyết tìm đến chị đấy!
Quỳnh Mai lau nước mắt, gượng cười:
– Còn chị, Mai Vi biết không, hễ chị Ly viết truyện thì chị Mai cảm tác thành thơ. Vậy nên bây giờ ba chị em mình kết nghĩa luôn nhé!
Ly ôm hai cô em gái vào lòng:
– Cám ơn Phật, cám ơn Chúa đã cho chị em mình gặp nhau. Nè, để chị nhờ chú Hai ở nhà in chụp cho chúng mình một tấm ảnh, há!
Khi Ly chạy xuống nhà in rồi trở về phòng, chú Hai sắp chữ cũng lên theo. Ba chị em kết nghĩa đứng bên nhau. Ly làm chị nhưng bé nhỏ hơn cả. Quỳnh Mai làm bộ nhón gót. Còn Mai Vi, trên đôi chân dài bằng gỗ, em là người cao lớn nhất.
Quỳnh Mai là cô bé thích làm thơ, những vần thơ ngắn nhưng cô đọng tình cảm của một cô học trò. Quỳnh Mai mơ mộng khi nhìn những con chim nhỏ bay vào những ô cửa lớp rồi lại bay ra; khi nhìn lên trần nhà của lớp học, suy nghĩ về những tổ chim ấm áp được xây trên cánh quạt đã hư. Quỳnh Mai như cô bé bâng khuâng trước viễn ảnh ngày mai sẽ lớn, ngày hồn nhiên sẽ qua, để một chiều một sớm… thấy đời những xót xa… Những vần thơ trong sáng của cô bé được đón nhận với chân tình của độc giả. Và cô bé lại thích làm Ô chữ. Ô chữ, là trò chơi, là tiết mục không thể thiếu trong các tạp chí thiếu nhi. Nhìn Quỳnh Mai cắm cúi làm Ô chữ, cặp kính cận hơi trễ xuống, Ly bật cười. Ly tự hỏi không biết cô bé mũm mĩm này sẽ có được một cuộc sống hồn nhiên và bình dị như những vần thơ của cô hay không.
Còn Mai Vi, không viết văn làm thơ nhưng rất say mê đọc sách. Những năm tháng ấu thơ cô bé sống nhiều dưới hầm hơn là trên mặt đất. Cô bé đến trường học và cả khi ngồi trong lớp cũng luôn sẵn sàng chui xuống hầm. Tuổi nhỏ của Mai Vi có một ngả rẽ hãi hùng là thời điểm tai nạn đến làm em lìa bỏ đôi chân. Sau khi ở bệnh viện về, em vẫn phải ở dưới hầm. Trong nỗi đau đớn của chính mình, em còn phải chứng kiến nỗi đau của bà ngoại. Có một lần bà ngoại nghe tiếng đạn pháo kích ngay gần miệng hầm, bà quên rằng mình không còn đôi chân, bà lao xuống giường để chạy và đã ngất đi vì đau đớn. Em hiểu được cái gì là sự chịu đựng, vâng, chịu đựng đến tê dại.
Từ lúc có Mai Vi, Ly và Quỳnh Mai siêng đến thăm em ở nhà vị bác sĩ người Mỹ giúp em theo dõi vết mổ. Em đã phải qua nhiều cuộc giải phẫu nữa vì xương vẫn tiếp tục phát triển. Xong đợt điều trị, Mai Vi xin về lại Bình Tuy để sống với gia đình và tiếp tục đi học.
Mùa xuân 1975 là mùa xuân cuối cùng của ba chị em kết nghĩa. Hai cô bé mang tên Mai đến rồi đi mất. Những ngày tháng ở lại Việt Nam, Ly không nhận được tin gì của Quỳnh Mai và Mai Vi nữa. Ly đã lạc họ. Không còn nữa khu vườn tuổi trẻ thơm hương của Tuổi Hoa. Tòa soạn đã biến mất. Và những năm sau đó, khu vực nhà in biến thành một nhà quàn để tổ chức tang lễ. Những lần đi ngang đó, Ly ngừng lại, lang thang tìm một chút gì quen thuộc. Chú Hai và những người thợ cần cù trong nhà in, bây giờ chắc đã đi tứ tán để tìm phương kế sinh nhai nơi đâu không biết. Bên nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, vẫn vang lời kinh cầu, vẫn có những người đứng yên lặng thầm khấn nguyện trước tượng Đức Mẹ, vẫn có những bó hoa tươi bình an nép bên chân tượng, vẫn có những tấm biển nho nhỏ ghi dòng chữ “Tạ Ơn Đức Mẹ”; nhưng bên này, tòa soạn Tuổi Hoa, như thể chưa từng đã có. Cha Chân Tín còn ở lại nhưng Ly không hề gặp Cha bao giờ. Bác Trường Sơn đã ra hải ngoại. Tòa soạn đã đóng cửa. Ly chỉ còn để cái tên “Tuổi Hoa” nằm trong một góc u hoài của trí nhớ. Ly thở dài bước đi. Có lúc như nghe văng vẳng tiếng cười nói trong những chiều thứ bảy vui tươi. Những gương mặt thân quen lướt qua trong đầu: những người còn sống, gặp lại rồi, hay đã xa vời mọi nẻo, cùng những người đã chết, đó là những thi sĩ, văn sĩ học trò ngày nào xếp bút nghiên lên đường chinh chiến….
Những mùa xuân thản nhiên đi qua trong đời. Người đọc không thấy Ly viết gì nữa. Ly vẫn sống đó, nhưng mặc nhiên đã gác bút.
Đất Mỹ, lạ, rồi cũng trở thành quen.
Nhiều người sống trên đất Mỹ nhưng xem nơi đó như một người chồng hờ.
Ly không như thế. Ly đến xứ Mỹ như tìm đến một người bạn chưa thân nhưng đã biết. Cũng như trong đời Ly, vốn đã có duyên gặp gỡ với những người bạn dễ thương, như Quỳnh Mai, như Mai Vi, khi gặp nhau là có thể nói chuyện được với nhau vì đã có một cái gì gắn bó rất vô hình. Đất Mỹ không phải là cái cây bằng vàng mà ai cũng có thể vói tay là hái được trái. Đây cũng là nơi đầy những khó khăn thử thách. Những người chấp nhận đánh đổi nhiều thứ chỉ để lấy một thứ đều biết rằng phải vượt qua rất nhiều gian nan. Sống trên đất Mỹ, đặc biệt là ở giai đoạn suy thoái kinh tế, lại càng thấm câu “Xin nhận nơi này làm quê hương dẫu cho khó thương” (3). Hai mươi mấy năm tưởng không rứt ra được vì muôn ngàn mối ràng buộc, cuối cùng cũng phải chọn rời bỏ quê nhà Việt Nam với lòng nhớ thương ray rứt những người thân yêu. Đến nơi đây, với đôi bàn tay trắng, Ly cùng gia đình tạo dựng lại tất cả. Và đã có một quê hương thứ hai.
Một đôi lần có những người quen hỏi Ly sao không viết lại, vì đâu có gì ngăn trở nữa, Ly mỉm cười: “Vâng, thì viết lại!”. Một chục cái “vâng” như thế rồi chìm luôn. Thảo nào người ta nói muốn sáng tác cần phải có cảm hứng. Ly có một vài bài viết đăng trong tập san của một hội ái hữu cựu học sinh rồi lại chìm nữa. Chẳng lẽ ở cái xứ này người viết sẽ không còn cảm hứng? Ô không! Nhưng… hãy để mọi việc tùy duyên!
Bỗng một hôm Ly tình cờ xem trên một website, truyện của mình được một bạn trẻ đánh máy gửi đăng. Ly vô cùng cảm động. Hóa ra mình cũng có thể vào chơi trong những tòa soạn báo “ảo”! Thấy các bạn đánh máy sai quá nhiều lỗi chính tả, trách làm sao được vì có lẽ bạn học hành ở Mỹ, đánh máy tiếng Việt như thế là quý lắm rồi, Ly cảm thấy mình không thể im lặng như một “người quá cố”, nên bắt đầu tham gia vào các diễn đàn và tự đánh máy lại các truyện của mình ngày xưa, gửi đăng. Ngày xưa, người viết hoặc đánh máy bằng bàn máy đánh chữ, hoặc viết tay, rồi thợ nhà in sắp chữ để in ra, không hề có “file” như bây giờ để có thể muốn gửi đi đâu thì gửi. Vì thế Ly đã phải “gõ” lại toàn bộ những truyện của mình. Không thể ngờ được, những người còn yêu mến sách truyện ngày xưa có rất nhiều. Bỗng dưng như tìm được những khu vườn thân mến, Ly dần dần đăng lại các truyện cũ của mình. Và thật đáng ngạc nhiên, có những người bạn chưa từng có mặt ở tòa báo Tuổi Hoa ngày xưa, nay lại có thành tâm sáng lập Tủ sách Tuổi Hoa Online. Và Tuổi Hoa đã sống lại!
Ly đăng đã gần hết những truyện ngắn, truyện dài của mình. Nhưng chỉ là đăng lại, chứ chưa hề viết lại. Và rồi, đến một hôm, khi đánh máy đến trang cuối cùng của truyện dài bị xuất bản hụt vì nộp cho tòa soạn vào tháng tư 1975, Ly bàng hoàng khi nhìn thấy lại tên của Mai Vi, người em gái đã gợi cho Ly cảm hứng viết nên câu chuyện về những thiên thần nhỏ trong làng cô nhi chiến tranh. Mai Vi ơi! Em đâu rồi? Và Quỳnh Mai nữa… Hơn ba mươi năm, ôi thời gian dài quá! Cuộc sống thăng trầm, con người ly tán, có lúc chị đã quên mất hai em, cũng như đã quên mất nhiều người. Không đâu! Chính xác hơn là, ta đã có lúc không nghĩ về nhau, chứ không phải đã quên nhau! Ly ngồi vào máy, nhắm mắt lại… Ngày xưa, chỉ cần một hình ảnh thoáng qua, chỉ cần một từ ngữ, đủ gợi nên cả một cốt truyện. Bây giờ, làng cô nhi chiến tranh, rồi làng Bồ Câu Trắng, rồi Mai Vi … tất cả cuốn đi như một cơn gió lốc rồi sắp xếp lại, nhưng thành hình ảnh của một Việt Nam sau 1975. Ôi, cảm hứng đã trở về! Ly say sưa viết nên đoạn cuối cho truyện dài tưởng đã chấm dứt hơn ba mươi năm trước. Ưu tiên dành đăng là cho Tủ Sách Tuổi Hoa Online, khu vườn làm sống lại những bông hoa tưởng đã úa tàn. Và thật vui mừng, truyện dài xuất bản hụt của Ly giờ đây lại được họa sĩ Vi Vi vẽ cho một hình bìa. Người họa sĩ tài ba của Tuổi Hoa, của thiếu nhi và những cô bé cậu bé mộng mơ, giờ đây đang sống ở nơi ví như một Cà Mau của Hoa Kỳ, chỉ trong vài phút đã vẽ nên một hình bìa, không bằng ngọn bút lông, mà bằng computer.
Cơ duyên lại dẫn Ly đến với Việt Báo Online, với mục “Viết về nước Mỹ”. Ly đã có cảm hứng để viết về những mảnh đời sống trên đất nước này, trong đó có mình. Khác với ngày xưa, khi gửi bài là Ly cầm trao thẳng cho bác chủ bút. Còn báo “ảo” bây giờ, Ly chỉ cần một động tác là “attach” và một “cú click” thế là không cần tốn mấy con tem và cái bì thư. Ban biên tập cũng “ảo” nốt! Nhưng không! Thế giới “ảo” nhưng con người là thật. Ly nhận được email của ban biên tập khuyến khích Ly viết tiếp. Ly trả lời thư, cám ơn Việt Báo đã cho cây bút Ly có nơi chốn để tìm về. Vâng, không phải là “đến”, mà như đã “tìm về”. Thế thôi, ngoài ra Ly không có ước muốn nào khác.
Lại sắp đến mùa xuân!
Ly không có thói quen mỗi mùa xuân lại than thở mình bị chồng thêm một tuổi, nhưng hay tưởng nhớ đến những kỷ niệm đã qua. Thêm một điều: sống ở mảnh đất này, hình như Ly cũng học được cách tạo cho mình tinh thần lạc quan và truyền cái lạc quan cho người khác như truyền một loại “virus”.
“Mùa xuân sắp đến!” Nếu không có lời nhắc nhở này, Ly sẽ không nghĩ đến một quán tính hồ như đã bị lãng quên từ lâu: viết bài báo xuân. Bây giờ Ly không còn có căn phòng nhỏ trong tòa soạn, không còn có những đồng nghiệp, những anh chị em viết văn làm thơ, những bạn đọc, những người thợ cần cù trong nhà in… Tất cả bây giờ nhường cho thế giới “ảo”. Ly hình dung những con người thật, cũng đang miệt mài viết lách, cũng đang chạy đua cho kịp thời gian “ra báo”. Ôi! Thật là sinh động! Thế nhưng sẽ viết gì cho mùa xuân này đây? Chưa biết nữa! Nhưng Ly sẽ viết, như một cách cám ơn mảnh đất, khu vườn đã cho mình có nơi trồng những bông hoa.
Một buổi tối, Ly nhận được một cú điện thoại…
– Chị Ly! Em đây, Quỳnh Mai đây!
– Quỳnh Mai? Là Quỳnh Mai sao? Thật không?
– Thật, chị ơi!
– Em đang ở đâu? Làm sao em tìm ra chị?
– Em đang ở Ohio. Chị không biết em ra sao, nhưng em thì biết chị đã qua Mỹ, nhờ em đọc bài của chị trên Việt Báo. Em mừng lắm, biết đây chính là chị Ly của em rồi! Em biết rằng chị đã qua định cư ở đây. Em đã vào internet tìm ra số điện thoại của chị nè, hay không?
– Hay quá! Nhưng bao lâu nay, em làm gì?
– Năm 87 em vượt biên, chị ạ! Chị không ngờ đâu, con nhỏ Quỳnh Mai hí hửng nhỏ tí teo của chị lại hứng chịu nhiều nỗi khó khăn hiểm nghèo trên biển, nhưng nhờ ơn Trời Phật, em đã vượt qua hết chị ơi!
– Em giỏi quá! Chị mừng lắm! Hãy nói cho chị nghe từ đó đến nay em đã làm gì?
– Đầu tiên em làm việc thiện nguyện chị ạ! Ở Pulau Bidong, Mã Lai, em làm nhân viên thống kê cho trại, rồi chuyển sang Sungei Besi, em làm việc tại văn phòng trợ giúp người tàn tật, rồi sang Bataan học sáu tháng để đi định cư ở Mỹ. Tại Bataan em cũng giúp việc thiện nguyện làm trợ giáo và phụ tá cán sự xã hội, thăm hỏi và giúp đỡ các trại viên gặp khó khăn.
– Ôi! Em thật giỏi! Bây giờ em ra sao?
– Em đã có gia đình và có hai con rồi chị ạ. Bây giờ em và ông xã lo “đi cày” nuôi con.
– Chị cám ơn Trời Phật đã giúp chị em mình tìm lại nhau. Có khi mình đã quên bẵng nhau. Nhưng chị vẫn luôn nhớ đến em, đến mọi người ở Tuổi Hoa.
– Các anh chị ở Tuổi Hoa thế nào rồi hở chị?
– Thầy Hoàng Đăng Cấp, anh Hà Tĩnh, anh Trinh Chí và rất nhiều người còn ở lại Việt Nam. Anh Trinh Chí vừa mới mất vì bạo bệnh. Anh Quyên Di, anh Vi Vi đã yên ổn ở Hoa Kỳ. Còn nhiều nữa, những người viết cho Tuổi Hoa, người đi kẻ ở, chị không biết hết…
Cả hai chị em cùng im lặng. Ly đoán rằng ở đầu dây bên kia, Quỳnh Mai hẳn cũng đang bùi ngùi như Ly, mường tượng ra cảnh thân ái ở tòa soạn Tuổi Hoa. Ngày xưa thoáng qua như một cái bóng, thật không ngờ đã 35 năm!
Giọng Quỳnh Mai nghe ray rứt:
– Còn Mai Vi nữa, phải không chị? Em không biết Mai Vi ra sao. Những lúc ở đảo, em cũng có ý tìm kiếm Mai Vi, hy vọng gặp được em ấy trong số những người tị nạn. Nhưng…
Một tuần lễ sau, Ly nhận được hai bức email chuyển đến từ hai người bạn phụ trách website Tủ Sách Tuổi Hoa Online. Email của Mai Vi! Ly không tin vào mắt mình. Ly còn lẩm cẩm tự hỏi Mai Vi nào đây? Chẳng lẽ lại là một Mai Vi khác?
– A lô! Mai Vi!
– Chị Ly, em đây!
– Là em… là Mai Vi hở? Là Mai Vi của Làng Bồ Câu Trắng?…
– Dạ phải. Chị nghe giọng nói mà không nhận ra em sao?
– Giọng Quảng Trị… Chị nhận ra chứ! Nhưng chị không tin…
– Em được bảo lãnh qua Mỹ năm 90. Chị biết không, khi Làng Bồ Câu Trắng giải tán, em thôi học, sống với gia đình và làm nhiều nghề thủ công để sinh sống. Ngoại em ở lại và đã mất rồi chị ạ! Em đi với mẹ và các em của em.
– Em… ra sao rồi?
– Em đang ở Seattle. Em đã có gia đình, có một đứa con gái mười lăm tuổi. Cháu ngoan lắm, nói tiếng Việt rất rành. Anh nhà em thương em lắm chị ơi! Em đang sống rất hạnh phúc.
– Cám ơn Chúa!!! Chị sẽ đi thăm em, có cả Quỳnh Mai nữa.
– Ôi, hay quá! Chị cũng đã tìm lại Quỳnh Mai sao? Ba chị em mình sẽ gặp nhau!
– Nhưng em hãy nói cho chị biết, làm sao em tìm ra chị?
– Thật là may mắn. Em đọc báo Mục Vụ, một hôm thấy bài đăng nhân lễ Vu Lan, viết về tâm tình của người mẹ, nhìn tên tác giả em biết ngay đó là chị. Theo đường dẫn vào website Tủ Sách Tuổi Hoa, em viết email cho hai anh chị phụ trách để nhờ chuyển thư em đến chị.
– Nhưng báo Mục Vụ làm sao có bài của chị mà đăng?
– Một độc giả ở Thụy Sĩ trích bài của chị từ Việt Báo Online và gửi cho Mục Vụ để chia sẻ nhân mùa Vu Lan nên em đọc được. Chị thấy hay ghê không? Mục Vụ là báo của Công giáo, và là báo in đó chị!
– Ôi, như vậy là bài đã đi vòng một đoạn đường dài!
– Thật là vui, phải không chị?
– Thật là kỳ diệu! Mai Vi ơi! Còn… đôi chân của em..?
– Vẫn nhức nhối chị ạ! Đến mùa lạnh là em đau thấu tới trong xương. Đêm ngủ em vẫn thường gặp ác mộng. Nhưng tình yêu gia đình đã giúp em sống vui. Bây giờ em không đi chân giả nữa vì nó nặng nề quá, em dùng chiếc xe lăn và làm mọi công việc trong nhà rất tốt. Em cũng đi đây đi đó để thưởng thức cuộc sống. Chị ơi! Hãy mừng cho em, chị nhé!
Mùa xuân, ở đất Mỹ khó tìm thấy một cành mai. Nhưng mùa xuân này Ly đã có Quỳnh Mai và Mai Vi, hai người em tinh thần, nhờ thế giới báo “ảo” , và báo “thật”, Ly đã tìm lại. Chị em mình sẽ gặp nhau, năm 2010, hai em nhé! Mai vẫn nở!
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Chú thích:
(1):thầy cò: corrector, người sửa lỗi sắp chữ trong nhà in
(2): bản vỗ: proof
(3): “Xin nhận nơi này làm quê hương”, nhạc Nguyễn Đức Quang.
(nguồn vietbao online)
Phay Văn ơi!
Em đã làm chị cảm động đến chảy nước mắt. Cám ơn em thật nhiều nha. Chị như thấy lại cả một khung trời kỷ niệm của ngày xưa…
Như chị đã viết cho Trà Hâm Lại, nhân vật Quỳnh Mai trong truyện “Mùa xuân, mai vẫn nở” không phải là chị 100% đâu nghe em.
@ Mai mến ,
Cô chủ Phay Van quả là 1 độc giả lưu trữ tuyệt vời phải không Mai !
Cho Nha Trang chia sẻ và chúc mừng niềm hạnh phúc tinh thần vô giá chứa đầy những giọt lệ cảm động của Mai nhé !
À….Mai ơi , bảo ” anh chàng của Mai ” mau mau lấy khăn tay đi….
cô chủ nhà rất tuyệt vời trong giao tế..có thêm một người khách tinh tế như chi Nha Trang tâm sự hoài vẫn không hết chuyện…kính chúc cô chủ nhà và khách vãng lai luôn vui khỏe.
Trần Long
@ Phay Van ơi,
Em có biết là cà ngày hôm nay chị vui lắm không? Như được sống lại những ngày xưa với muôn vàn kỷ niệm dấu yêu.
Được “gặp” lại các bạn của Tuổi Hoa trên trang nhà của em, chị vui lắm!
Đúng như Nha Trang nói, đó là niềm hạnh phúc tinh thần vô giá.
Nên chị muốn nói mãi hoài lời cám ơn đến em và tất cả các bạn đã dành cho chị những tình cảm thật đặc biệt.
Nhân đây, chị muốn gởi tặng em và các bạn bài thơ “Ru giấc đông xưa” của chị (đã đăng ở TH số 220) được chị Cam Li phổ nhạc (ở dạng PDF), nhưng không biết cách nào để post lên. Em chỉ giúp cho chị nhé!
@ Nha Trang mến,
Nha Trang nói đúng đó. Phay Van là một chủ nhà thật tuyệt vời và rất dễ thương.
Cám ơn những lời chia sẻ và chúc mừng của Nha Trang.
Cảm xúc thật chân thành , giọng thơ thả trôi êm êm dìu dịu , rồi mơn man bàng bạc rủ rỉ tâm tình …Bài thơ , như làn gió dịu mát nhẹ thoảng qua …nhưng đã làm lay thức tận thẳm sâu tâm hồn người đọc…
Thời gian ư ? Kỷ niệm ư ?
Vậy , mời bạn ta cùng chiêm nghiệm nhé :
KỶ NIỆM
*******************
* Đi lang thang qua những phố , những đường
Chúng ta như những trẻ thơ mới lớn
Tóc đã bạc nhưng tâm hồn đôi tám
Muốn tìm về khu vườn cũ tuổi thơ…
* Bốn mươi năm….thời gian thật không ngờ
Nào ai biết sẽ có ngày gặp lại ?
Cứ ngỡ mình như đang còn nhỏ dại
Cùng đi chung một khúc rẽ tình cờ
Cùng nhau ôn những kỷ niệm ngày thơ
Muốn nói hết những gì chưa kịp nói….
* Thời gian ơi ! Thời gian qua rất vội
Đã trể rổi….xin cất chuyện ngày xanh
Rồi mỗi người lặng lẽ bước độc hành
Để đi đến một con tàu định mệnh .
( Trần Thị Nguyệt Mai )
@ Phay Van :
Đó gọi là ” Đức Tin ” phải không em ?
Chị lại tò mò rồi – vì là người ngoại đạo – em cho chị biết thêm về những gì mà em có thể biết về ” Đức Tin ” đi ?
Với chị – ở lứa tuổi này – đọc và ngẫm 2 câu cuối của bài thơ , chị có một cảm trạng lạ lắm…một chút lặng đăm chiêu suy tưởng nhiều điều trong cuộc sống , một chút ngùi ngùi hồi tưởng những chuyện trải qua trong quá khứ , và cứ thế lan man suy nghĩ…tương lai…
Hai từ ” độc hành ” Mai dùng , với cá nhân chị , quả là đáng miên man suy nghĩ…
Đọc bài MÙA PHƯỢNG NĂM NAY thấy lòng xốn xang lạ , chị rất sợ cảm giác đó , nó mất mát , nuối tiếc một cái gì đã qua không bao giờ trở lại 😦
@ Mai ơi ,
Bài thơ ra đời khi Mai ” ngồi ” lớp mấy , mà Mai đã rung cảm khắc họa hình ảnh dung dị nhưng đầy sinh động của cô học trò ngồi học bài với nỗi lòng…” giống y chang ” của …biết bao thế hệ cô học trò …thế nhỉ ?
Lại là bài thơ đầu tay nữa chứ …! vậy Mai hãy chia sẻ cho mọi người cái cảm giác rung động khi sáng tác bài thơ này đi …
NỖI LÒNG CÔ HỌC TRÒ
***************************************
* Gió mùa đông thổi bên song buốt giá
Cô học trò đầu cúi xuống vở bài
Tự nãy giờ cô đã học miệt mài
Sao chưa thuộc….cô bé buồn muốn khóc….
* Gió đông nhẹ len luồn qua mái tóc
Cô bé buồn cầm khăn thấm nhẹ mi
Học thế ni rồi hạng chót còn gì
( Nỗi lo lắng hiện trên gương mặt nhỏ )
* Và mắt cô tiếp tục nhìn trang vở
Miệng nhẩm bài cho thuộc để ngày mai
Đọc thật trôi khỏi mắc cỡ với bạn thầy
Rằng cô bé sao mà lười biếng thế….
Hương Ngọc ( Trần Thị Nguyệt Mai – 1971 – )
À…còn nữa Mai ơi ! Mai chia sẻ ” tường thuật chi tiết ” cho Trang và các bạn biết , con đường làm thế nào mà bài thơ đầu tay này của Mai xuất hiện chính thức trên Bán Nguyệt San Tuổi Hoa năm 1971 …? nhấn mạnh : tường thuật chi tiết à nha bạn…
Mến ,
P/s : Có gì ” khó nói ” không Mai ….?
Những người sống ở miền Nam Việt Nam trước 1975 , khi bất chợt được gợi lại , thì đều nhớ và biết rõ 1 vụ ” Pháo Kich Thảm Sát Đẫm Máu Thương Tâm bằng Súng Cối 82 ly vào Trường Tiểu Học Cai Lậy , Tỉnh Định Tường / Tiền Giang , vào ngày 9 / 3 – 1974 ” !
Vụ pháo kích này đã làm : 32 học sinh Chết , và 55 học sinh Bị Thương !
Vụ pháo kích đã gây chấn động và làm lay động đến lương tâm con người về cái chết đầy oan uổng thương tâm của các em học trò nhỏ…
Nữ Thi Sĩ trẻ Trần Thị Nguyệt Mai ngày ấy , đã có 1 sáng tác ghi lại cảm xúc của mình , chúng ta cùng thưởng thức chia sẻ , các bạn nha :
BAO GIỜ MỚI THẤY
**************************************
( Thương gởi các em học sinh Trường Tiểu Học Cai Lậy )
* Sắp hàng em vào lớp
( Tiếng trống đã điểm rồi )
Bỗng đâu tiếng nổ chụp
Máu và máu mà thôi .
* Gục quỵ trên sân trường
Bao em thơ vô tội
Khi nét mặt còn vương
Những nụ cười rạng rỡ
Tay còn cầm bánh quà
Tay còn ôm sách vở
Tuổi đang là tuổi hoa
Tuổi hãy còn rất nhỏ
Những miễng đạn không tha
Ghim người em cùng khắp
Trong khi em chỉ là
Học trò đến học tập
* Tôi không cầm nước mắt
Trước người mẹ loạn điên
( Con yêu nay đã chết )
Có ước mơ thật hiền :
” Phải chi mà tôi biết
Chiều cho cháu ở nhà
Phải chi mà tôi biết…”
Ước mơ đã vời xa
* Tim tôi đã đau nhói
Nhìn vết thương của em :
Đầu , Tim , Ruột và Phổi
Còn chi da thịt em ?
* Em học trò tỉnh nhỏ
Chịu rất nhiều thiệt thòi
Giữa xa hoa thành phố
Tôi thẹn với chính tôi
Chẳng làm gì được cả
Giúp cho em bớt đau
Chỉ mong một phép lạ
Em sẽ bình phục mau
* Tôi vẫn hằng mơ ước
Ngày quê hương thanh bình
Nhưng bao giờ mới được
Thấy ngày hội hoa xinh .
( Trần Thị Nguyệt Mai – 1974 – )
P/s : Mai ơi , hãy chia sẻ những cảm xúc của bạn vào những ngày tháng tang thương ấy , cho mọi người hiểu thêm đi …được chứ Mai …?
Chị Nha Trang: hồi đó em đang học lớp tư (tương đương lớp hai bây giờ). Một ngày nọ vào lớp cô giáo kể chúng em nghe về vụ pháo kích làm thiệt mạng các học sinh tiểu học Cai Lậy, rồi cô dạy chúng em bài hát sau đây:
Hỡi bé thơ ơi, sao vội lìa đời, khi tuổi còn tươi, khi tuổi còn xanh
Tiếng hát ngây thơ bên trường ngày nào,
bây giờ còn đâu khi đạn thù rơi
Thầy còn giảng bài tình thương trong lớp
Bạn bè còn ngồi chăm chỉ lắng nghe
Sao em nỡ bỏ mái trường ngày xưa
Lưu luyến vĩnh viễn ra đi
Hỡi bé thơ ơi, sao vội bỏ thầy, bỏ mẹ, bỏ cha, bỏ bạn, bỏ em
Hỡi bé thơ ơi, em tội tình gì, sao vội bỏ đi, em lại bỏ đi
Thầy còn giảng bài tình thương trong lớp
Bạn bè còn ngồi chăm chỉ lắng nghe
Sao em nỡ bỏ mái trường ngày xưa
Lưu luyến vĩnh viễn ra đi.
Hồi đó chúng em rất xúc động, chị ạ.
@ Phay Van :
Ừ…Chị và rất rất nhiều người cũng đã từng xúc động khi nghe bài hát này trước đây , bây giờ em nhắc chị mới nhớ lại , hình như là của nhạc sĩ Anh Bằng thì phải ? ( nhạc sĩ Anh Bằng tác giả của các nhạc phẩm : Nỗi lòng người đi , Linh hồn tượng đá , Đêm nguyện cầu , Chuyện hoa sim….)
@ Chị Nha Trang kính mến,
Sự kiện đau thương ở Cai lậy là thế nào chị ơi?
@ Hà Linh yêu mến ,
Đó là 1 sự kiện đau thương làm chấn động lương tâm và gây xúc động cho tất cả mọi người
ở Miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ , Hà Linh ơi…:
* ngày 9/3-1974 …” Ai Đó ” đã nhẫn tâm pháo kích đạn cối 82 ly vào ngôi trường tiểu học cộng đồng Cai Lậy thuộc tỉnh Định Tường / Tiền Giang , làm 32 học sinh Chết và 55 học sinh Bị Thương …đó Hà Linh ! Em đọc bài thơ ” Bao giờ mới thấy… ” của chị Nguyệt Mai , và 1 vài comments của chị , của chị Mai và của Phay Van trong entry này , để có vài nét hình dung thêm về sự kiện này , Hà Linh nha…
Còn thủ phạm vụ pháo kích tàn nhẫn này , không nói ra thì chắc ai cũng r …phải không em ?
@ Chị Nha Trang kính mến,
Em đã đọc những bài thơ liên quan đến sự kiện đau thương đó và mỗi lần đọc đều thấy lạnh sống lưng chị à!
Cảm ơn ba chị em @Phay, Mai và Nha trang đã cho độc giả hiểu thêm về một Người thơ của một thời, khi mà thông tin không có hoặc bị bóp méo! Chúc mọi người vui khỏe và an lành!
@ Hà Linh và Phay Van:
Đúng như vậy các bạn ạ. Sau hơn ba mươi năm, ngỡ sẽ không còn được gặp, ba chị em đã tìm lại được nhau, nhờ phưong tiện internet và báo chí. Thật là nhiệm mầu, phài không hở các bạn?
Cũng như hôm nay, nhờ internet, Mai đã có duyên được “gặp” các bạn, những người bạn thật dễ thương. trên trang nhà này.
@ Chị Mai,
Thật là khách sáo nếu em lại nói cảm ơn chị, nhưng nhờ những người như chị mà chúng em được sống và như trải nghiệm những tháng ngày đã qua thật đẹp đẽ của các chị đó!
Phay Van ơi,
Cám ơn em đã yêu mến chị. Chị không phải là người nổi tiếng trong TH đâu em ạ. Ngày xưa, những người thơ TH viết rất hay, được nhiều người yêu mến, có thể kể tới các anh Trần Miên Trường (Đỗ Tư Long), Ngọc Thùy Giang, Trần Ngọc Hưởng… Người sáng tác thơ rất “sung”, hay và có nhiều bài đăng nhất là Đổ thị Hồng Liên.
Phay Van mến,
Chị nói thật đó, Phay ạ! Chị chỉ là một người viết bình thường trong TH thôi. Em dùng từ “nổi tiếng” làm chị ngượng lắm!
Ngày xưa, chị hay làm thơ nuối tiếc dĩ vãng, kỷ niệm.. nên em đọc thấy buồn là đúng rồi.
Bây giờ thì chị đã hiểu được rằng: quá khứ là cái đã qua, tương lai là cái mình chưa rõ, sao không an trú ngay trong giây phút hiện tại này đây để có được hạnh phúc
“Thở vào tâm tĩnh lặng
Thở ra miệng mỉm cười
An trú trong hiện tại
Giây phút đẹp tuyệt vời”
(Trích: Thi kệ thực tập chánh niệm)
@ Phương Lan và Phay Van:
Cám ơn các bạn đã chia sẻ. Đối với Mai, tuổi học trò hoa mộng là tuổi đẹp nhất, vì nó ngây thơ, thánh thiện và dễ thương, chưa biết buồn lo, đối phó với những nghịch cảnh trên đời. Cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, sống rất hồn nhiên, hạnh phúc.
Bởi thế, Mai đã làm rất nhiều thơ về khoảng đời học sinh trong trắng, thơ ngây, như các bạn đã biết…
Phay Van ơi ,
Cá nhân chị , thì lại cảm thơ của Nguyệt Mai ở giác độ đồng cảm tâm thế , cùng thế hệ , cùng môi trường giáo dục , Phay Van ạ …
Với chị , 2 bài thơ sau đây của Nguyệt Mai :
* Bàng bạc. ..những nét dung dị , dịu dàng , đáng yêu , trong sáng , hòa quyện một cách tự nhiên … trong không gian học đường ắp đầy cảm giác thân thiện …:
” Có một bầy chim nhỏ
Dễ thương ghê lắm cơ
Tha rơm về làm tổ
Trên cánh quạt đã hư
*
Từ những ô cửa lớp
Chim bay ra , bay vào
Thương ơi là giọng hót
Ríu rít rất ngọt ngào
* Và như thế lời giảng
Của cô đã bay xa
Theo chim chuyền trong nắng
Đùa với lá , với hoa
* Nhưng rồi đến một hôm
Chim non đã bay mất
Trên quạt trần lớp học
Chỉ còn vài cọng rơm… ”
( Chim trong lớp học )
Những cụm từ tượng thanh ” Dễ thương ghê lắm cơ ” , ” Thương ơi là giọng hót ” , ” Ríu rít ”
và những cụm từ tượng hình ” tha rơm về làm tổ ” , Chim bay ra , bay vào ” , ” Chỉ còn vài cọng rơm “…. Cho ta tưởng tượng một khung cảnh đáng yêu sinh động , chứa đầy cảm giác…. luyến lưu nhẹ nhàng trìu mến …!
* Bàng bạc… cái tình cảm gia đình dung dị , gần gũi thân thương ….đầy luyến nhớ khi ta lớn tuổi…
” Khi xưa đi học em dốt toán
Mắc cỡ với cô với bạn bè
Em thấy buồn buồn em lo lắng
Làm sao phải giỏi toán mới nghe
* Ba thì đi lính trận miền xa
Lâu thật lâu mới về thăm nhà
Còn Mẹ tần tảo lo buôn bán
Gánh hàng lên tận chợ đường xa
* Nên Anh thay Ba làm thầy giáo
Mỗi tối bên đèn dạy kèm em
Em nhớ lời Anh thường khuyên bảo
” làm toán nhiều , em sẽ giỏi thêm ”
* Mấy tháng học hành em tấn tới
Có bảng màu hồng đem khoe Anh
Khoe Me , Me khen rằng con giỏi
Em thưa : ” Đó là nhờ công Anh ”
* Me thưởng anh em mình hai chục
Mình mua me ngào với bánh đa
Còn tiền chiều đến ra chị Thục
Chén chè mè đen vị đậm đà
* Bây giờ em đã xa tuổi nhỏ
Anh nối gót Ba chí hải hồ
Nhưng có bao giờ Anh còn nhớ
Thiên đường mật ngọt thuở ấu thơ ? ”
( Ngày xưa )
Chính cái tình gia đình dung dị , đời thường thân mật , nhưng đầy luyến lưu …ở câu cuối…, mà bài thơ đã lay thức tận thẳm sâu tâm hồn người đọc …cùng thế hệ sống trong cùng một thời đại , mà nay chỉ còn là …những ký ức đẹp của một thời …đáng nhớ…
Nha Trang thân yêu,
Cám ơn Trang đã rất đồng cảm khi đọc những bài thơ của Mai. Có thể ví như là Bá Nha và Tử Kỳ được không?
@ Nguyệt Mai & Phay Van thân mến ,
Ui chao …, Nguyệt Mai và Phay Van dùng điển tích tri âm kinh điển : ” Bá Nha-Tử Kỳ “…, khiến Nha Trang lại ” ngượng chín cả người ” nữa rồi …!
Mai ơi…, Trang thấu cảm được cái tình đầy tinh tế ưu ái , mà Mai ẩn hàm chứa gởi đến Trang…, thật lòng Trang vui lắm lắm….Trang không khách sáo đâu Mai…..
Nhưng Mai ơi …, nét tài hoa trang nhã trong sáng tác thơ của Mai , là điều đã được khẳng định – cụ thể là Bán nguyệt san Tuổi Hoa nổi tiếng – , vì vậy hình tượng tài hoa của Bá Nha , là điều mà Nguyệt Mai có thể …sánh !
Còn Nha Trang , với kiến văn và nội lực…cảm thụ thơ nhạc…hạn hẹp , chỉ là tài tử – amateur -…., thì liệu hình tượng trình độ thẩm âm cảm thụ tuyệt vời của Chung Tử Kỳ …sao Nha Trang có thể…vói tới nỗi….., Mai ơi …!
@ Nguyệt Mai thân mến ,
Trò chuyện , trao đổi với Mai thật là thú vị trong một cảm giác bạn bè thật thân mật và hiểu ý hết sức…..Mai đã nói hết những gì mà Trang nghĩ rồi đó….
Không có lỗi phải gì ở đây hết.. Mai ơi…! Từ nay , chúng ta chân tình trò chuyện trao đổi và học hỏi lẫn nhau , mọi cái gọi là… khách sáo , ta cho nó ” đi chỗ khác chơi “…nha Mai…
@ Phay Van mến yêu ,
Điển tích , ý nghĩa rất thâm trầm , nhất là những ” điển tích kinh điển ” , chứ chị nào khách sáo em yêu …
Cô là cô cứ cho chị …leo ngồi đọt tre không đó nha …liệu hồn cô đấy …
@ Phay Van mến yêu ,
Cô cho chị ” leo ngồi đọt tre một mình ” hở !!!
Nha Trang và Phay Van mến,
Cám ơn Trang đã nhắc nhở. Lần tới, khi dùng điển cố, Mai phải đắn đo, xem xét kỹ lại coi dùng như vậy có thích hợp không, kẻo người khác cho rằng mình hợm hĩnh quá độ .. thì thật là “oan ơi ông địa!”. Đúng như Phay đã trình bày, khi viết ra câu đó, Mai chỉ nghĩ đến việc gặp người bạn hiểu mình, thì chỉ có tích Bá Nha – Tử Kỳ, chứ cũng không nghĩ tới những chi tiết khác, như thân thế, trình độ của hai người. Mai thật bậy. Trang tha lỗi cho Mai nhé!
@ Hà Bắc, Trần Long và bạn Giao:
Rất hân hạnh được quen với các bạn. Mong các bạn cũng sẽ post các sáng tác của các bạn trên trang này để mọi người cùng đọc, các bạn nhé!
@ Cô bạn Nha Trang thân mến của Mai;
Thật xúc động với những cảm nhận về bài thơ “Kỷ niệm” của bạn. Có được một độc giả như Nha Trang thật là tuyệt vời, Nha Trang ạ!
Bài thơ “Nổi lòng cô học trò” được sáng tác vào năm Đệ Tam (lớp 10), vào lúc ngồi học bài hoài mà không thuộc, bổng nhiên hồn thơ trỗi dậy lai láng và Mai đã viết một mạch… Sau đó đem gửi cho anh Trinh Chí qua đường bưu điện, và được đăng, không phải trong mục thơ bé, mà là ở một trang bên ngoài “Đồng cỏ non” của báo Tuổi Hoa số 141 phát hành ngày 15 tháng 11 năm 1970. Thêm một chi tiết: vì “mắc cỡ”, muốn giấu mọi người nên đã ký với tên Hương Ngọc lạ hoắc, để không ai biết. Nhưng rồi, cũng có người “tinh mắt” (như Nha Trang) khám phá ra, nên sau này mình ký với tên thật.
Bài thơ đó là bài thơ đầu tiên của Mai được đăng báo, chứ không phải là sáng tác đầu tiên. Thông tin đó là một sơ sót (error). Trước đó, mình đã từng viết rồi xóa, xóa rồi viết, sáng tác, “tối tác” quá chừng luôn!!!
Còn bài thơ “Bao giờ mới thấy” viết cho các em trường tiểu học CĐ Cai Lậy, vào một đêm ngồi trước màn hình ti-vi, thấy quá xúc động trước thảm cảnh ấy và Mai đã ghi lại đầy đủ trong bài thơ. Lúc đó, một câu hỏi cứ lởn vởn ở trong đầu của Mai hoài: “Tại sao chiến tranh không xảy ra nơi trận địa, mà lại nhẳm vào các em học sinh tiểu học còn quá thơ ngây, trong trắng, chưa làm nên một tội lỗi nào….” . Hơn bao giờ hết, Mai đã mơ ước một quê hương thanh bình để mọi người được sống trong ấm no, hạnh phúc, không còn những cảnh đau thương, tang tóc như vậy nữa….Nha Trang có còn nhớ xúc cảm của bạn lúc đó như thế nào không? Hãy chia sẻ với mọi người, Trang nhé!
Hy vọng Trang hài lòng với những chia sẻ này.
@ Mai thân mến ,
Cảm ơn Mai đã ưu ái thân tình dành thời gian hồi đáp thật trìu mến những câu hỏi của Trang nha , Trang rất hài lòng với những chi tiết thật tỏ tường chia sẻ của …Thi Sĩ Nguyệt Mai…rồi ạ !
À…còn vụ pháo kích Trường Tiểu Học Cộng Đồng Cai Lậy ..! Trang , sau khi nghe tin đã cùng 1 nhóm bạn đến Ty Thông Tin Khánh Hòa , xem trưng bày những hình ảnh cụ thể và sống động về vụ thảm sát đầy thương tâm này , phải nói người dân Nha Trang lúc ấy – và cả Miền Nam – khi xem những tấm ảnh đầy thương tâm xong đều rất xúc động , nhiều người mẹ trẻ cũng như lớn tuổi đã bật khóc tại chỗ…có thể nói không ai là không cầm khăn tay chậm mắt …Trang và các bạn thì không khóc lớn nhưng cứ…rưng rưng mắt đỏ hoe..! giờ đây ngồi gõ những dòng chữ này…Trang vẫn hình dung mồn một cái không gian và không khí đầy ” xúc động phẫn nộ ” của phòng trưng bày những hình ảnh đau thương ấy , Mai và các bạn ạ…!
Ôi , chiến tranh thật là tàn nhẫn ! Ai ? Ai ? Ai ? …” Vì Ai gây dựng cho nên nỗi này …! ”
Và với ước mơ đậm tính nhân văn và trong sáng của bạn ngày nào :
” …Tôi vẫn hằng mơ ước
Ngày quê hương thanh bình
Nhưng bao giờ mới được
Thấy ngày hội hoa xinh … ”
…Vẫn chỉ là ước mơ ..” .bao giờ mới được “….luôn xa vời …, phải không Mai …!
@ Mai thân mến ,
Kỷ thuật sáng tác của bạn thật đa dạng , Nha Trang mạo muội thử phân loại liệt kê các sáng tác của Mai , mà cá nhân Trang đã biết và thưởng thức …nha …:
* Thơ 5 chữ :
Ru giấc đông xưa ( 1974 ) , Bao giờ mới thấy ( 1974 ) , Chim trong lớp học ( 1975 ) , Hãy mở rộng lòng ra ( 2010 ) , Mùa xuân mai vẫn nở ( 2010 ) , Bài thơ tặng mẹ ( 2011 )
* Thơ 6 chữ :
Xuân hương ( 1975 ) , Giòng sông Thảo Giang ( 1989 )
* Thơ Lục Bát :
Vườn Nguyệt Bạch ( 1974 ) , Mùa đông sinh nhật mẹ ( 1974 ) , Sớm mai ( 1974 ) , Suối ngọt ( 1975 ) .
* Thơ 7 chữ :
Nhớ hoài ( 1971 ) , Mùa thu xưa ( 1973 ) , Đứng ngoài cổng trường ( 1974 ) , Ngày xưa ( 1974 ) , Bên trời tháng giêng ( 1975 ) , Bên chị ( 1975 ) , Lập xuân ( 1975 ) .
* Thơ 8 chữ :
Mùa phượng năm nay ( 1973 ) , Nỗi lòng cô học trò ( ? ) , Kỷ niệm ( 2011 ) , Cảm ơn ( ? )
Mai ơi …đó là những sáng tác của Mai mà Trang hiện biết ..! …Thế còn những sáng tác khác ? ” Trách nhiệm ” của Mai phải cho mọi người biết thêm …à nha Thi sĩ…, đồng ý chứ ?
Bây giờ , NhaTrang độc giả , có vài ý muốn hỏi Nguyệt Mai Thi sĩ đây :
1/ Mai người gốc Huế ? vì …Trang ” cảm ” mấy câu sau :
* ” bây CHỪ nhìn thấy thu trở lại ” – Mùa thu xưa –
* ” ở phương NI con xin được thắp ” – Mùa thu xưa –
* ” CHỪ màn đêm xuống trời ngả tối ” – Bên chị –
2/ Mai khẳng định lại từ nào trong bài ” Mùa phượng năm nay ” là chính xác nha :
* Bản báo tuổi hoa in , trong entry này : ” của tháng ngày trong cổ KÍNH thần tiên ”
* Còn của Trang chép sưu tầm thì : ” của tháng ngày trong cổ TÍCH thần tiên ”
3/ Nha Trang thấy hơi là lạ , nhưng hỏi thì …không biết có ” trúng ” không …, Mai đừng cười nha :
* Trong bài ” Nỗi lòng cô học trò ” , Toàn bài Mai làm thơ 8 chữ , nhưng sao lại có chen vô 1 câu…9 chữ …., là sao vậy Mai !?? :
” Đọc thật trôi khỏi mắc cỡ với bạn thầy ”
* Cũng vậy…ở bài ” Cảm Ơn ” …thì lại có 1 câu 7 chữ :
” Xin cảm ơn người đã có lòng ”
Thật lòng , Nha Trang không rành lắm về kỷ thuật thơ , vì vậy Nguyệt Mai đừng …bực mình Trang vì câu hỏi …ngớ ngẩn ở trên nha….
4/ Có câu thơ cuối trong bài ” Nguyệt Bạch ” :
” Sầu chia trăm nhánh , đêm dài thức thao….”
Không hiểu sao mỗi lần đọc ….Trang lại cứ vô ý …như thế này :
” Sầu chia trăm nhánh , đêm thao thức dài…”
Đừng giận Trang nha Mai……
Mến yêu ,
@ Phay Van:
Bài hát mà cô giáo đã dạy cho các em thật là xúc động, em nhỉ.? Chỉ đọc lời bài ca thôi mà chị cũng đã muốn khóc!
Em có một trí nhớ thật tuyệt vời. Đã bao nhiêu năm qua rồi mà vẫn còn nhớ được lời bài hát. Chị rất phục!
@ Cùng tất cả các bạn:
Mai chân thành cám ơn tất cả các bạn đã chia sẻ trên trang này. Mến chúc các bạn cùng gia đình luôn an vui, hạnh phúc.
Môt lần nữa cám ơn Phay Van đã tặng chị một món quà tinh thần vô giá.
Nhân đây, Mai muốn gửi đến các bạn một tin tức cập nhật:
Viết Về Tạp Chí Bách Khoa
Sau một thời gian dài chuẩn bị, tạp chí “in” Thư Quán Bản Thảo tại Hoa Kỳ đã phát hành số 48 tháng 9 năm 2011, chủ đề “Viết về tạp chí Bách Khoa” cùng tưởng niệm nhà thơ Triều Uyên Phượng – một nhà thơ trẻ miền Nam quen thuộc trước 1975 – mất trong tháng 6 năm 2011 tại Sài Gòn.
Phần “Viết về tạp chí Bách Khoa” gồm những bài viết (sưu tập hay mới viết) của Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, Huỳnh văn Lang, Võ Quang Yến, Trùng Dương, Nguyễn thị Thụy Vũ, Phan Du, Trần Trung Sáng, Nguyễn Vy Khanh, Lê Tất Điều, Nguyễn Mộng Giác, Võ thị Diệu Hằng, Trần Hoài Thư, Người Thủ Hầm …
Đặc biệt đăng truyện đầu tay của bốn tác giả xuất thân từ “lò” Bách Khoa: Nguyễn thị Thụy Vũ (Một Buổi chiều), Đào Trường Phúc (Tạ Từ), Trần Quí Sách (Nước mắt tuổi thơ), Tần Hoa (Con nai nhỏ trên đoạn đường gian nan).
Phần tưởng niệm nhà thơ Triều Uyên Phượng gồm những bài viết của Trần Bang Thạch, Ngô Nguyên Nghiễm và Nguyễn Lê La Sơn. Phần giới thiệu thơ TUP, có 6 bài thơ tự do trước 1975 được sưu tầm trên tạp chí Văn năm 1965 (lúc nhà thơ mới 17 tuổi) và một số bài thơ khác sau 1975 do các thân hữu trong và ngoài nước sưu tầm và đóng góp.
Mặt khác, song song với chủ đề về Bách Khoa, tạp chí Thư Quán Bản Thảo cũng thực hiện một ấn bản đặc biệt đi kèm: Truyện Trần Hoài Thư từ tạp chí Bách Khoa, gồm 16 truyện ngắn của THT đăng rải rác trên tạp chí BK trước năm 1975.
Báo TQBT và ấn bản đặc biệt này đều tặng biếu, không bán. Nếu quí bạn cảm thấy ngại vì phải mang ơn nợ, xin tùy tâm kèm tem thư cước phí gởi về tòa soạn (ghi cuối trang)
Riêng quí bạn ở trong nước, muốn đọc xin cho chúng tôi biết, chúng tôi sẽ gởi file bằng dạng acrobat PDF qua Email. Rất tiếc chúng tôi không thể gởi qua dạng WORD.
Địa chỉ liên lạc:
Trần Hoài Thư,
P.O Box 58 South Bound Brook
NJ 08880 USA
Email: tranhoaithu@verizon.net
(nguồn: vanchuongviet.org)
*** Trần Hoài Thư là một nhà văn rất có lòng với văn chương miền Nam. Theo nhà thơ Du Tử Lê, Trần Hoài Thư là “ngọn cờ đầu” của nỗ lực sưu tầm, tái hiện, hầu “xiển dương 20 năm văn chương miền Nam.”
Phay Van mến,
Ngày xưa chị cũng không đọc một số Bách Khoa nào. Vì tờ báo đó thuộc loại báo của người lớn. Chị chỉ mới biết BK nhờ đọc tạp chí “Thư quán Bản thảo” số 48. Bây giờ mới rõ đó là một tạp chí rất hay em ạ!
Rất nhiều nhà văn nổi tiếng đã xuất thân từ lò BK ra như Nguyễn thị Hoàng, Trùng Dương, Nguyễn thị Thụy Vũ, Đào Trường Phúc, Trần Hoài Thư, v.v…
Đúng rồi,Phay ạ! Chính nhà văn Nguyễn Hiến Lê đã nhận xét: “Từ trước tới sau Bách Khoa gìữ được trọn tình cảm của hạng độc giả đứng tuổi, còn giới trẻ thì chê là khô khan, nặng về biên khảo mà nhẹ về sáng tác (thơ, tiểu thuyết). Lẽ đó dễ hiểu.”
Hồi xưa, tuổi trẻ của chị em mình thì làm sao đọc nổi những bài biên khảo hở em? Trong khi những sách báo hợp với lứa tuổi của mình thì có thật nhiều: Thằng Bờm, Thiếu Nhi, Tuổi Hoa, Ngàn Thông, Tuổi Ngọc…
Chị Mai: chị nhắc Thằng Bờm và Thiếu Nhi làm em nhớ quá, vì hai ấn phẩm đó rất nhiều truyện tranh, toàn của Vivi. Nếu em nhớ không lầm thì Thằng Bờm khổ nhỏ, cỡ quyển vở học sinh, còn Thiếu Nhi khổ A4 thì phải.
Nhưng em thân thiết với Tuổi Hoa hơn vì hồi đó tụi em nghèo, chỉ có tiền đủ mua Tuổi Hoa thôi. Hơn nữa Tuổi Hoa hình như chung toà soạn với nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp? Để hôm nào em scan vài hình bìa của tờ báo này cho chị xem nhé.
Nền văn học Việt Nam đã có một thời hoàng kim như thế, chị nhỉ, với những tờ báo như Văn, Văn Học, Bách Khoa, Sáng Tạo, Phổ Thông…
Phay Van:
Chị em mình giống nhau ở chỗ cùng “thân thiết” với Tuổi Hoa. Thuở ấy còn đi học nên chị cũng chỉ mua Tuổi Hoa là chính. Thỉnh thoảng mua Tuổi Ngọc và Văn. Còn Thằng Bờm, Thiếu Nhi và Ngàn Thông hình như chỉ đọc 1 – 2 số thôi em ạ.
Trí nhớ em quá tốt. Còn nhớ được báo Thằng Bờm và Thiếu Nhi. Chị đã quên rất nhiều, em ạ.
Tuổi Hoa có chung một địa chỉ với nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. (38 Kỳ Đồng – SG). Hôm nào em scan vài hình của nguyệt san này đi em, cho mọi người cùng thưởng thức.
Phay Van yêu mến,
Theo chị nghĩ, tất cả các anh chị, các bạn và các em trong gia đình Tuổi Hoa, người viết cũng như người đọc, không ai nghĩ mình là “người sang” đâu em ạ, nên em cứ tự nhiên “bắt quàng làm họ” nha em. Ai cũng rất hân hạnh được quen với em đó chứ!
🙂
Những ký ức, kỷ niệm và những tài liệu vô giá!
@ Hà Linh:
Cám ơn em đã cùng chị tìm về những kỷ niệm của ngày xưa. Kỷ niệm thì bao giờ cũng đẹp hết, em nhỉ ?
@ Chị Mai kính mến,
Em nghĩ chị em mình cảm ơn thời gian vì thời gian làm cho kỷ niệm dù nhỏ bé cũng thành lung linh và đẹp mãi…
Đọc các câu chuyện, bài thơ của chị thì em cũng bâng khuâng nhớ về những ngày đã qua…em thích phong cách viết thật nhẹ nhàng, nữ tính, trong sáng của chị và các bạn chị.
Chị hẳn rất vui khi có “bạn đọc” Nha Trang đọc rất kỹ và chu đáo, cảm nhận tuyệt vời!
Hà Linh thân mến,
Em nói rất đúng: “Thời gian làm cho kỷ niệm dù nhỏ bé cũng thành lung linh và đẹp mãi…”.
Chị rất hạnh phúc khi biết có những bạn đọc yêu mến thơ chị ở trang nhà Phay Van này, em ạ!
Chị có vào thăm trang nhà của em. Em thật là một nghệ sĩ, đã chụp được những cảnh thiên nhiên rất đẹp. Làm chị mê xứ Nhật quá. Ước mong một ngày nào đó, nếu có dịp, sẽ được đi thăm.
@ Chị Mai kính mến,
Cảm ơn chị đã dành thời gian vào thăm trang nhà của em. Có ngày nào chị thu xếp ghé qua xứ Nhật thì cho em hay nhé!
Em rất vui được làm hướng dẫn viên cho chị!
Em thích chụp hình, thích viết …những lúc đó em cảm giác mình tự do vô cùng!
Thật kỳ diệu khi ngồi ở xứ xa quê vạn dặm, được viết, được diễn tả những cảm xúc của mình và chia sẻ với những người đồng hương, các anh chị, các bạn và các em ở khắp nơi…
Em thấy mỗi khoảnh khắc sống thật vô giá…
Hà Linh mến,
Em làm chị sung sướng quá. Đi du lịch mà có em làm hướng dẫn viên thì nhất rồi còn gì!
Chị rất vui khi biết em đang có hạnh phúc được viết, được chia sẻ và làm tất cả những gì mà em thích. Điều đó không phải ai cũng có được đâu em. Và em cũng đã biết trân trọng nó “mỗi khoảnh khắc sống thật vô giá…”
Đó là điều rất quý, em ạ!
@ Nha Trang mến,
Mai không dám nhận mình là thi sĩ đâu. Chỉ là người viết lại những cảm xúc của mình (và của người khác) bằng…văn vần thôi, bạn ạ!
Về những “thắc mắc” của độc giả “tuyệt vời” Nha Trang:
1) Mai không phải là người gốc Huế, nhưng có bạn là người Huế, người Quảng, và cả người Nha Trang nữa. Nên Mai có thể tưởng tượng ra được giọng nói của bạn đó, Nha Trang ạ. Nó rất nhẹ, phải không?
2) Đây là một sai sót (error) của nhà in. Câu của Nha Trang sưu tầm đúng đấy:
“Của tháng ngày trong cổ tích thần tiên”
Ý muốn nói những tháng ngày đẹp như trong truyện cổ tích vậy đó.
3) Hai bài thơ đó là thơ tự do, Trang ạ, vì số chữ không đồng đều.
4) “Sầu chia trăm nhánh, đêm thao thức dài” cũng có nghĩa giống như câu của Trang “Sầu chia trăm nhánh, đêm dài thức thao …” Nhưng câu của Mai thì làm cho luật vần trong thơ lục bát được “nghiêm chỉnh” hơn:
Tiếng đàn xưa lạc cõi nào
Sầu chia trăm nhánh, đêm thao thức dài
(Chữ cuối của câu lục “nào” vần với chữ thứ sáu của câu bát “thao”)
Mai rất vui khi có người quan tâm đến những bài thơ của mình, làm sao mà giận được? Ngược lại, phải cám ơn Trang nhiều lắm vì nhờ vậy Mai mới có dịp được tỏ bày với những độc giả thân yêu của mình. Cũng cám ơn bạn đã chịu khó sưu tầm, liệt kê những bài thơ của Mai cho những bạn khác được biết. Trang làm Mai cảm động lắm đó, Trang có biết không?
Nguyệt Mai và cô bé xí muội Phay Van lại làm Trang ….” ngượng chín cả người ” rồi …!
Vậy là chúng ta có thêm vào mục sưu tầm một cụm từ nữa : ” cười rất nhẹ “
Đúng vậy, “cười rất nhẹ”
Đúng như vậy đó em, nàng Phay thân mến!
@ Nha Trang mến:
Thể theo lời yêu cầu của Trang, Mai gõ tặng bạn và trang nhà Phay Van những bài thơ ngày xưa làm tặng các bạn của Mai. Mong rằng các bạn cũng yêu thích và đón nhận nó.
Chiêm bao
tặng Kim Chung
Thấy người đến giữa mộng mơ
Ngạc nhiên quá đỗi chẳng ngờ được đâu
Thấy người đem lại cau trầu
Cùng với bánh cốm, chè tàu.. cưới em!
Bên ni, bên tê
tặng Diễm Nga
Bên tê con sông trời mưa hay trời nắng?
Ở bên ni vời vợi nhớ mong
Em gọi mãi răng chàng im lặng
Nước mắt đầy nhỏ xuống những giọt trong..
Bên tê con sông trời buồn hay trời vui?
Mà răng em không thấy chàng cười
Lối về bước nhỏ em thầm khóc
Ơi chàng cứ lạnh lùng ghê nơi!
Bên tê con sông có những hàng cây
Chàng qua bên đó, chàng về bên đây
Chàng nào nghe tiếng chim sẻ hót
Nên em muốn một lần làm mây
Mây bay theo chàng đến phương xa
Khi mô mây buồn nhỏ lệ nhạt nhòa
Chàng hôn mưa ướt trên môi ấm
Tình mây và chàng mãi chẳng phôi pha…
Gửi Huế
tặng Hiền Thy Họa My
Có những hôm trời Sài Gòn mưa nhỏ
Ta nghe buồn và nhớ quá em thơ
Sao chúng ta vẫn mãi hoài cách trở
Ngày gặp nhau…Ôi biết đến bao giờ!
Có những hôm mây Sài Gòn xanh lắm
Ta muốn mang gửi tặng Huế thân yêu
Thay sắc mây màu đen buồn u ám
Của những ngày mưa ròng rã sáng chiều
Có những đêm tìm vì sao sáng nhất
Ta gọi thầm và ngỡ đó là em
Sẽ hái nhẹ một nụ hoa thơm ngát
Nhờ gió mang trao đến Huế thân quen
Những sáng, những trưa, những chiều, những tối
Bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu
Em vẫn mãi trong tim ta rực rỡ
Có biết không người yêu dấu suốt đời?
Về lời hẹn tháng tám
Tặng Hiền Thy Họa My
Vẫn nhớ lời hẹn cũ
Tháng tám sẽ về thăm
Mà chừ em thấy đó
Mãi biền biệt hơi tăm…
Ta tưởng tượng đôi mắt em ngơ ngác
Chiều phi trường đứng đợi bóng người xa
Thôi Huế nhé, chớ trách ta bội bạc
(Vẫn nhớ mãi em, chim nhỏ sơn ca)
Những cánh thư sau này em gửi
Trách ta hoài sao chẳng về thăm
Sao mải mê dặm trường rong duổi
Mà chẳng về dù Huế rất gần…
Chừ ta sẽ chẳng dời ngày hẹn
Vì trong ta ngày tháng vô chừng
Một dịp tình cờ nào ghé đến
Gặp nhau rồi Huế có dửng dưng?
Trần thị Nguyệt Mai
@ Chị Mai: cảm ơn chị đã tận tình gõ những bài thơ thật là trong sáng và tình cảm!
Hà Linh mến,
Cám ơn em đã khen. Đọc lại những bài thơ đó chị lại thấy hiện ra hình ảnh của những bạn bè thời xưa. Mới đó mà đã bao nhiêu năm qua rồi!
@ Chị Mai kính mến,
Em thích những tác phẩm như thế chị à.
@ Mai mến ,
Cảm ơn Mai nhiều , Mai quả là 1 trời thơ !
Trang đúng là không thể làm thơ được , nhưng …đọc thơ thì miên man …đó nha Mai ! ” Gia tài thơ ” của Mai , cứ tuần tự gởi lên cho mọi người cùng thưởng thức…, Mai nha …
Nha Trang ơi,
Đọc thơ của Mai hoài sẽ chán. Có lẽ mình đề nghị cô chủ nhà mở một trang thơ yêu thích. Bất cứ ai khi đọc một bài thơ nào mà mình cảm nhận là hay thì sẽ post lên để chia sẻ với mọi người. Chắc chắn trong đó sẽ có những bài thơ “Qua mấy ngõ hoa” của Mường Mán, “Giận nhau” của Anh Tuyến và Nguyễn Xuân Huy, v.v…
Trang nghĩ sao?
@ Mai :
Rất đồng thuận với sáng kiến của Nguyệt Mai .
Ý cô chủ Phay Van thế nào đây ta ….?
Là Người Thơ , Nguyệt Mai ” mở hàng đốt pháo ” …. khi cô chủ ” bật đèn xanh ” đó nha….!
@ Chị Nha Trang, chị Mai và nàng Phay: HL nhiệt liệt vỗ tay tán thưởng. HL không biết làm thơ nên cảm phục mọi người biết làm thơ và lại là thơ hay…
Các bạn thân mến:
Xin chia sẻ với các bạn một bài thơ của thi sĩ Quách Thoại:
Bông thược dược
Đứng im bên hàng giậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời em ca thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu.
Quách Thoại
Lời bình của Inrasara
Trong sát-na bắt gặp ánh sáng Thiền, thật bất ngờ, thi sĩ đã nhìn và thấy. Một cái thấy toàn triệt. Ông lặng nhìn đóa hoa hát. Tiếng hát không lời. Như thể tâm hồn ông đang hát. Ông thấy vũ trụ, cuộc sống, đóa hoa mầu nhiệm. Mầu nhiệm cả định mệnh đau khổ ông. Ông sụp lạy tạ ơn. Tất cả!
Không mảy may gắng gượng, không tì vết can thiệp của lý trí. Chỉ có ánh sáng trí huệ tràn trào qua giản đơn của ngôn ngữ thi ca mà thi sĩ mệnh yểu này gửi lại cho đời.
(nguồn: inrasara.com)
Cám ơn Trang đã nhìn ra được sơ sót đó. Vậy Phay giúp chị sửa lại nha:
When the aerials are down, and your spirit is covered with snows of cynicism and the ice of pessimism, then you are grown old.
Những chi tiết mà Nha Trang chia sẻ với mọi người rất thú vị 🙂
Các bạn thân mến,
Lại bắt gặp một bài thơ hay này nữa, xin chia sẻ với các bạn:
YOUTH
By Samuel Ullman (1840 – 1924)
Youth is not a time of life; it is a state of mind; it is not a matter of rosy cheeks, red lips and supple knees; it is a matter of the will, a quality of the imagination, a vigor of the emotions; it is the freshness of the deep springs of life.
Youth means a temperamental predominance of courage over timidity of the appetite, for adventure over the love of ease. This often exists in a man of sixty more than a boy of twenty. Nobody grows old merely by a number of years. We grow old by deserting our ideals.
Years may wrinkle the skin, but to give up enthusiasm wrinkles the soul. Worry, fear, self-distrust bows the heart and turns the spirit back to dust.
Whether sixty or sixteen, there is in every human being’s heart the lure of wonder, the unfailing child-like appetite of what’s next, and the joy of the game of living. In the center of your heart and my heart there is a wireless station; so long as it receives messages of beauty, hope, cheer, courage and power from men and from the Infinite, so long are you young.
When the aerials are down, and your spirit is covered with snows of cynicism and the ice of pessimism, then you are grown old, even at twenty, but as long as your aerials are up, to catch the waves of optimism, there is hope you may die young at eighty.
****
TRẺ
Tác giả Samuel Ullman (1840 – 1924)
Trẻ không phải là thời gian của đời sống, mà là trạng thái của tinh thần. Trẻ không phải là má hồng, môi thắm, đầu gối dẻo, mà là vấn đề của Ý Thức, là kết quả của Sức Tưởng Tượng, là sức mạnh của Cảm Xúc. Trẻ là sự tươi mát của Suối Xuân Đời.
Trẻ có nghĩa là sự ngự trị của Can Đảm trên sự e ngại của lòng khao khát, sự ngự trị của Mạo Hiểm trên sự yêu thích nhàn nhã. Điều này thường đến với người ở tuổi sáu mươi hơn với người ở tuổi hai mươi. Không ai già chỉ vì số tuổi. Ta già đi vì nhẫn tâm từ bỏ những Lý Tưởng của chúng ta.
Năm tháng có thể làm làn da ta nhăn nheo, nhưng từ bỏ Niềm Hứng Khởi làm hồn ta héo tàn.
Lo Sợ, Không Tự Tin làm tim ta chùng xuống, làm thần thức ta trở về cát bụi.
Cho dù sáu mươi hay mười sáu tuổi, trong tim của mỗi người có sự mời gọi của Điều Kỳ Diệu, có sự háo hức thơ trẻ muốn biết có gì sắp đến, và niềm vui của Trò Chơi Cuộc Sống. Trong trái tim của bạn, trái tim của tôi, có một trạm vô tuyến; khi nào nó còn nhận những tin Đẹp, Hy Vọng, Lời Ngợi Ca, Lòng Can Đảm và Sức Mạnh từ Con Người và Sự Vô Hạn, khi đó ta còn trẻ.
Khi những cột thu tín hiệu ngã xuống, khi tinh thần bạn bị bao phủ bằng tuyết Hoài Nghi, bằng đá Bi Quan, đó là lúc bạn già dù khi đó bạn hai mươi tuổi, nhưng khi những cột thu tín hiệu của bạn vẫn dương cao, để bắt những âm ba Hỷ Lạc, có hy vọng bạn chết trẻ năm tám mươi tuổi.
* Đức Hùng Lê Khánh Long dịch ra Việt ngữ *
(Nguồn: vietbao online)
@ Mai ơi , Thật là tuyệt !
Cách đây khoảng 2 , 3 năm gì đó …, nhớ các con đang xa nhà , mình ngồi lục lọi và sắp xếp lại sách vở cũng như đồ dùng cũ của chúng nó , mình có gặp 1 trong những cuốn sổ thơ ghi chép sưu tầm của con bé út , trong đó có bài thơ dịch này , nhưng không có bài thơ gốc tiếng Anh , bài thơ dịch này hơi khác với bản dịch mà Mai gõ chia sẻ hôm nay …
Vậy mình cũng trích gõ bài thơ của con bé út mình chép sưu tầm ngày nào của cháu , chia sẻ với cả nhà ta nha…
” Tuổi Trẻ – của Samuel Ullman ( 1840 – 1924 )
Một vài chi tiết :
*…Điều thú vị là tác giả người Đức , định cư ở Mỹ , nhưng bài thơ lại được phổ biến ở Nhật hơn ở Mỹ . Nó từng được xem là ” cẩm nang bỏ túi ” của giới doanh nhân Nhật…
*…Bài thơ này rất được Tướng Douglas Mac Arthur – người tiếp nhân sự đầu hàng của Nhật trong thế chiến 2 năm 1945 – rất thích , nên ông đã cho treo bài thơ trong phòng làm việc của ông…
” Trẻ không phải là thể trạng mà là trạng thái tâm lý . Đó không phải là việc môi đỏ , má hồng hay đôi chân dẻo dai , mà là sự hăng say , ước mơ cháy bỏng và cảm xúc dạt dào . Nó là sự tươi mát của suối nguồn cuộc sống .
Trẻ nghĩa là khi lòng can đảm vượt qua nỗi rụt rè , thích phiêu lưu hơn sự an nhàn . Người ta không già đi bởi năm tháng , mà chỉ già đi vì từ bỏ lý tưởng của mình . Năm tháng có thể làm da nhăn , nhưng tâm hồn chỉ hằn nếp khi bạn không còn lòng nhiệt tình . Lo ngại , ngờ vực , tự ti , sợ hãi và chán chường , là những thứ có thể làm cho người trẻ trở nên già .
Dù sáu mươi hay mười sáu , trong trái tim mỗi người đều có chỗ cho sự ngưỡng mộ điều kỳ diệu , sự háo hức trẻ thơ với điều sắp tới , và sự thú vị với trò chơi cuộc sống .
Chừng nào trái tim bạn còn nhận được tín hiệu của cái đẹp , sự hy vọng , niềm vui , nhận chân được sức mạnh của con người và trời đất thì bạn vẫn còn trẻ .
Khi trái tim bạn đóng kín bởi sự bi quan và nghi kỵ , thì bạn đã già , dù ở tuổi hai mươi . Còn khi trái tim bạn vẫn rộng mở đón nhận tín hiệu lạc quan , thì bạn vẫn trẻ dù ở tuổi tám mươi . ”
Nha Trang không thấy cháu nó ghi tên Dịch Giả…!
Với bản tiếng Anh của Mai gởi lên đây , chắcTrang …sẽ chép dùm con vào sổ của nó luôn
Cảm ơn mai nha…
P/s : À…Mai ơi , có 1 sơ sót đánh máy của 1 từ , Mai xem lại đúng không ,nhờ Phay Van chỉnh giúp , đó là :
* Dòng thứ 4 từ dưới lên …của bản tiếng Anh trong comment của Mai :
” Then you are GROW old… ”
Theo Trang thì là :
* ” GROWN ” : past participle của verb : GROW :
” Then you ARE GROWN old ….”
Đúng không Mai và các bạn ….?
@ Nguyệt Mai , Hà Linh & Phay van yêu mến ,
Nhân gõ bài thơ Con Cóc , lại chợt nhớ đã có lần gặp 1 bài thơ …rất tức cười , với cái tựa đề dài….looòn …thooòn…. luôn…! Nhưng lại được một Tiến Sĩ Văn Chương cho 1 lời bình rất ư là …đáng suy ngẫm ! Nha Trang xin chia sẻ với cả nhà ta :
” Một Mình Đi Luồn Vô Luồn Ra Trong Núi Chơi ” – của : Nguyễn Đức Sơn – .
***********************************************************
* Khi thấm mệt tôi đi luồn ra núi
Cuối chiều tà chỉ gặp cỏ hoang sơ
Bước lủi thủi tôi đi luồn vô núi
Nghe nắng tàn run rẩy bóng cây khô
Chân rục rã tôi đi luồn ra núi
Hồn rụng rời trước mặt bãi hư vô …
* Lời bình của Ts Nguyễn Hưng Quốc :
” Nguyễn Đức Sơn loăng quoăng líu quíu đi luồn vô luồn ra trong núi , cũng giống như con cóc cứ nhảy , rồi ngồi , rồi lại nhảy đi…..Thế thôi !
Hai bài thơ – con cóc và bài này – đều có cùng một chủ đề : ” Sự vô nghĩa của kiếp người , đi đâu cũng thấy hư vô , chất ngất trước mắt , rợn ngợp trong lòng…! ”
* Mọi người thấy thế nào….?
@ Chị Nha Trang kính mến,
Chưa nói đến những ý nghĩa sâu xa khác, em thì em thích sự ” dường như là ngẫu hứng” của bài thơ đó…
Chỉ mấy câu thôi mà vẽ ra được một bức tranh, đưa ra triết lý cuộc đời…
@ Phay Van & Hà Linh yêu mến ,
Đọc bài thơ , rồi ngẫm lời bình của Ts Nguyễn Hưng Quốc …và liên hệ thực tại cuộc sống nói chung , ta sẽ thấy cặp phạm trù Triết học : ” Vô nghĩa – Ý nghĩa ” …đối nghịch đấy , nhưng cũng hòa quyện rất cụ thể trong từng cá thể – cá nhân một , có thể được minh họa qua câu nói của 1 nhà tư tưởng sau :
“.. . Cuộc sống là một đường chạy Marathon dài vô tận , nếu ta không cố gắng thì sẽ mãi bị bỏ lại ở phía sau và không bao giờ về đích ..” .vì thế…..” Sống phải có mục đích , nếu không đến đích , mọi thứ trở nên Vô Nghĩa …! ”
Cũng như nữ văn sĩ Ayako Miura xây dựng tâm lý nhân vật Lại Khởi Tạo trong Băng Điểm ( Freezing Point ), băn khoăn – như Phay Van nêu – : ” ta sống ở đời này để làm gì ” – Vô Nghĩa – cũng là để Ayako Miura muốn nói lên triết lý ( của cặp phạm trù Vô Nghĩa – Ý Nghĩa ) trong sáng tác của Bà , như là 1 thông điệp gởi tới độc giả …chiêm nghiệm vậy :
“…Sự hiện hữu và tồn tại của con người chẳng phải chỉ là định mệnh , mà còn là trách nhiệm ! Ta sống , phải ý thức đời sống , vì sống là tất cả sứ mệnh …” – Ý Nghĩa –
Cám ơn các bạn đã cho Mai nghe lời bình luận thật hay của các bạn.
Phay em:
Nhờ em sửa lại giùm chị:
“Những chi tiết mà Nha Trang chia sẻ với mọi người rất thú vị.”
Phay Van yêu mến,
Thơ của chị gởi thì em muốn “chưng” ở chỗ nào trong nhà em cũng được, tùy theo ý thích của em. Chị chỉ ngại những bài thơ này có vẻ “Tuổi Ngọc” quá, mà mình đang trong đề tài “Tuổi Hoa”. Nhưng suy nghĩ lại, bạn đọc TH ngày xưa với mái đầu xanh, bây giờ theo thời gian cũng đã điểm sương hết rồi em ạ, thì mình muốn chưng nó ở chỗ nào lại chẳng được. Em nghĩ sao?
Phay Van mến ,
Ừ…có lẽ chị em mình cứ mãi :
” Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra
Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi đó
Con cóc ngồi đó
Con cóc nhảy đi…”
Phải không…nào…
Ặc, chị Nha Trang làm em nhớ đến cụ chủ tịch 😀
Từ hang Pắc Bó chui ra
Vươn vai một cái rồi ta chui vào.
(ca dao tân thời)
Phay Van , thế thì cho …chui tiếp… kiểu thơ con cóc luôn nha em :
Chui vào nóng quá ! chui ra
Vươn vai một cái …cụ ta …chui vào …
Hàng “độc” Bác Sơn Núi đây:
Đụ mẹ
Cây bông
Hắn không
Lao động
Ai trồng
Chật chỗ
Mày nhổ
Xem sao
Máu trào
Thiên cổ
Thêm bài nữa:
Địa cầu
Địa cầu
Rồi đây
Lụi hụi
Tới ngày
Quá vui
Mày tan
Thành bụi
Tro than
Mê man
Mở đùi
Ta khụi
Kẻo rủi
Một mai
Ai tới
Ai lui
Ai chùi
Vắng lặng
Em về nhà ở Vũng Tàu nên khách đi chơi sẵn ghé thăm hơi nhiều, không đi đâu được. Thi sĩ Nguyễn Đức Sơn ( aka Sơn núi) mà chị Nha Trang nhắc tới; tác giả mấy bài thơ độc trên; vẫn còn sống trên Bảo Lộc.
Cũng giống khá nhiều người sinh trưởng ở miền Nam, có vẻ Sơn núi cũng không hình dung ra VC thực ra là như thế nào. Do đó “Đù mẹ / cây bông …” là tiếng kêu ngỡ ngàng & hãi hùng lúc sau năm 1975. Sơn núi cũng là nhạc phụ đại nhân của “bạn” em!
thợ đụng: thế sao! Thợ đụng có bạn là rể của NĐS sao? Cuộc sống gia đình ông NĐS có vẻ lập dị, như nhiều bài thơ thợ đụng đã trích.
Mình thấy bài này cũng có phong cách là lạ, thợ đụng đọc nhé:
Nhắn
Mai sau người nhớ đến ta
Từ lâu xuống lỗ làm ma mất rồi
Đường xa xin chớ bồi hồi
Mồ hoang nhảy đại lên ngồi đi cha
Nguyễn Đức Sơn