Tôi đi xem phim Nhà Tôi
Tôi đi xem phim Nhà Tôi là một bài viết của nhà văn Duyên Anh, đăng trong tuần báo Tuổi Ngọc số 74 (tuần lễ từ 26.10.1972 đến ngày 02.11.1972), mục Nhìn xuống cuộc đời. Qua bài này độc giả có một cái nhìn về một giọng văn sắc nét, trái ngược với lối viết nhẹ nhàng, trong sáng, mơ mộng, tình cảm của nhà văn trong Thằng Vũ, Thằng Côn, Hoa Thiên Lý, Mơ Thành Người Quang Trung, Áo Tiểu Thư, …
***
Duyên Anh tên thật là Vũ Mộng Long, bút hiệu khác là Thương Sinh, Mõ Báo, Thập Nguyên, Độc Ngữ sinh ngày 16 tháng 8 năm 1935 tại làng Tường An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ông học tiểu học và trung học ở Thái Bình và Hà Nội.
Năm 1954, ông di cư vào Nam và từng làm đủ nghề: bán thuốc sơn đông mãi võ, theo đoàn cải lương lưu diễn, quảng cáo cho gánh xiếc rong, giữ xe đap hội chợ, dạy kèm, dạy đàn guitare, dạy sáo.…
Năm 1960, được sự nâng đỡ tận tình của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh bắt đầu sự nghiệp văn chương và nổi tiếng ngay với tác phẩm đầu tay Hoa Thiên Lý. Tiếp theo đó là một loạt Thằng Côn, Thằng Vũ, Con Thúy …. viết về những kỷ niệm ấu thơ tại miền quê Bắc Việt, giọng văn tha thiết, nhẹ nhàng và tình cảm.
Sau đó ông trở thành một ký giả, chủ bút, chủ báo, giám đốc nhà xuất bản. Duyên Anh đã cộng tác với hầu hết những tờ báo lớn ở miền Nam trước năm 1975 như: Xây Dựng, Sống, Chính Luận, Công Luận, Con Ong, Tuổi Ngọc…
Có một dạo, Duyên Anh thường viết về giới giang hồ, bụi đời trong xã hội trước năm 1975. Trong tác phẩm của Duyên Anh ca ngợi lối sống phóng khoáng, bất cần đời của giới trẻ bị bế tắc trong cuộc sống. Tuy nhiên vẫn thấm đậm một tính cách nghĩa khí và các nhân vật của Duyên Anh đều sẵn sàng chết vì tình nghĩa và chữ tín của mình. Ngoài ra, ông cũng viết nhiều truyện ngắn và truyện dài cho thiếu nhi.
Sau sự kiện 30 tháng 4, 1975, cùng với Doãn Quốc Sĩ, Dương Nghiễm Mậu, Nhã Ca, Phan Nhật Nam, Thanh Tâm Tuyền, Duyên Anh bị liệt danh là một trong 10 nghệ sĩ nêu danh là “Những Tên Biệt Kích của Chủ Nghĩa Thực Dân Mới Trên Mặt Trận Văn Hóa – Tư Tưởng” và tác phẩm bị cấm lưu hành.
Ngày 8 tháng 4 năm 1976, Duyên Anh bị bắt đi tù cải tạo. Sau khi ra khỏi trại cải tạo vào tháng 11 năm 1981 ông vượt biên đến Malaysia. Tháng 10 năm 1983 Duyên Anh định cư tại Pháp. Một số tác phẩm ông viết ở Hải ngoại được dịch ra tiếng nước ngoài và dựng thành phim, như Đồi FanTa, Một Người Nga ở Sài Gòn. Thời gian này, ông cũng có viết thơ và soạn nhạc.
Năm 1985, ông bắt đầu cộng tác với tờ Ngày Nay và trở thành một trong những cây bút trụ cột của báo này.
Ngày 6 tháng 2 năm 1997, Duyên Anh mất vì bệnh xơ gan tại Paris, Pháp.
(nguồn: internet)
Khi chuyển qua những bài thơ về Saigon, Duyên Anh lại mượt mà và mê đắm theo một cách rất riêng. Em cũng rất thích thơ DUYÊN ANH!
Sàigòn trường ca
1.-
Em thuở ấy còn hoa phong nhụy
Trên bản đồ địa lý giáo khoa thư
Rất thật thà và cũng rất ngu ngơ
Anh mực tím vẽ giấc mơ viễn xứ
Giấy trắng học trò viết tên em đầy vở
Viết đầy hồn tuổi nhỏ của anh xưa
Chuyến tầu vô Nam còi thét trong mơ
Nên ga bến chỉ đợi chờ tưởng tượng
Thế đã đủ làm anh sung sướng
Đủ làm anh chiêm ngưỡng em rồi
Hỡi Sài gòn xa lạ của anh ơi
Anh thầm gọi khi đất trời hiu quạnh
Nuốt miếng nắng vàng lòng thôi mưa lạnh
Và thèm bay như đôi cánh hạc hồng
Đêm sách đèn chữ nghĩa chạy lung tung
Ngày trường lớp cũng uổng công thầy dậy
Cái bảng đen mịt mù sao anh thấy
Xa nơi anh lộng lẫy một Sài gòn
Một Sài gòn tươi mát ngọt ngon
Đang vẫy gọi lời mật ong say đắm
Bước chân đời hiền ngoan nhưng chậm lắm
Anh theo nhanh mà vẫn cứ dại khờ
Sài gòn ơi, biết đến bao giờ
Anh khôn lớn để ước mơ đầy tuổi
2.-
Năm anh mười chín
Đường hoa xưa lầy lội
Quê nhà anh cằn cỗi thê lương
Như chim hạc hồng anh vội trốn mùa đông
Đôi cánh mỏng trĩu cong tâm sự
Tổ quốc mình còn ho lao quá khứ
Đã ung thư một hiện tại qua phân
Anh đến cùng em, anh đến thật gần
Với lòng anh bản đời ngµy xưa vẽ dở
Em nắng vàng xoài, mưa xanh vú sữa
Nỗi sầu riêng hồn anh lịm cơn mê
Sông miền Nam chẳng ai thích ngăn đê
Nên tình cảm mênh mông biển nước
Sài gòn em là mộng ước
Em áo bà ba đơn sơ và em giọng nói thiệt mùi
Em chân tình và em tha thiết quá em ơi
Xao xuyến ù ơ, bồi hồi vọng cổ
Em cho anh hơi thở
Cho anh niềm tin xây dựng tương lai
Em cho anh cả đất lẫn trời
Cả nắng thi ca, cả mưa tiểu thuyết
Em cho anh đếm làm sao hết
Đời yên vui nhờ liếp ấm em che
Đời yên vui nhờ một chốn lui về
Anh thấy rõ ngọn đèn soi cuộc sống
Phóng tầm mắt anh nhìn xa trông rộng
Thế giới ơi, tôi kiêu hãnh có Sài gòn.
Nếu phải lìa em, anh sẽ mỏi mòn
Anh sẽ giối giăng đọc tên em từng hàng cây, con phố
Theo bước chân người anh rày đây mai đó
Mỗi chia ly mỗi gần gũi em hơn
Mỗi chia ly mỗi thơm ngát nỗi buồn
Anh mới hiểu
Sài gòn trái tim anh, tim đất nước
Anh mới hiểu
Tại sao mình yêu tổ quốc
Và tại sao mình yêu dấu Sài gòn
Em cho anh nhiều, em nhớ nổi không
Tiếng hát thê lương, điệu ru kỷ niệm
Em cho anh no tròn sự nghiệp
Để anh đi làm đẹp cuộc đời
Sài gòn
Tên em trên những vệt son môi
trong ánh mắt và trong hơi thở
trong hạnh phúc và trong đau khổ
ở tuổi non và ở tuổi già
ở xuân hồng sắp sang và thu biếc đã qua
ở hôm nay anh sống và ngày mai anh chết
ở ngàn dặm kẻ chân mây mù mịt
ở tấc gang người cuối phố đầu phường
ở sớm công viên ngọn cỏ ngậm sương
ở chiều bùng binh đèn mầu phô sắc
ở bình minh nụ cười
ở hoàng hôn nước mắt
ở chốn ngoài ta
ở cõi vô thường
ở nghẹn ngào vết chém thê lương
của lịch sử trăm năm phản bội
của lịch sử làm nên bởi những tên gian dối
những tên bù nhìn yêu nước độc quyền
những tên tay sai tráo trở đảo điên
Em ngự đền đài, em là đà huyệt mộ
ở mọi nơi vì em là thành phố
Là chứng nhân và là cả nạn nhân
Anh yêu em muốn cắn nát vai trần
Muốn ghì chặt môi hôn bây giờ và mãi mãi
3.-
Sài gòn khăn sô
Mùa xuân tím tái
Lưỡi lê đàng ngoài thù hận đàng trong
Chim hạc hồng tiếp tục trốn mùa đông
Chả thấy Hoàng Diệu nào tuẫn tiết
Anh chỉ thấy bọn tướng hèn khốn kiếp
Lột xé chiến bào, phi tang tích huân chương
Đứa tham sinh rời lủi quê hương
Đứa úy tử gục đầu chịu trói
Sài gòn ơi, anh biết em đau nhói
Anh biết em nhục nỗi tháng Tư
Nỗi nhục ghim sâu, em vẫn thủ đô
Vẫn rực rỡ tự hào những người
Ta không bỏ em cao thượng
Ta ở lại địa ngục trần gian
và ta tự tìm lên thiên đàng hạnh phúc
Bởi vì ta được khóc với Sài gòn
Nước mắt ta nhỏ xuống vết thương non
Vết thương xót xa làm ta khôn lớn
Sài gòn
Em đã cho anh hai mươi năm sung sướng
Anh phải van lơn để hứng chịu cơ cầu
Ngày mai, trong ngục tù hay phát vãng rừng sâu
Anh không thẹn khi nói: Anh yêu em tha thiết
Hãy mơn nhẹ nỗi đau, đừng rên xiết
Hãy thinh không niềm bí ẩn trùng khơi
Sài gòn ơi
mãi là em nhé,
Sài gòn ơi
Dù biển dâu có khoác áo chồn tinh
lên tên em diễm tuyệt
Mãi là nắng thi ca là mưa tiểu thuyết
Dù đường xưa đầy dấu vết kên kên
Mãi là em,
mãi là em ngơ ngác, dịu hiền
Để anh vững hành trang xa em biệt xứ
Để anh vỗ về tương lai bằng điệu ru quá khứ
Để anh yên vui còn một chốn lui về
4.-
Tháng sáu mây chì
Mưa tiễn anh đi
Mưa sướt mướt hay Sài gòn sướt mướt
Anh đi theo nổi trôi vận nước
Anh đi theo dâu biển quê nhà
Anh hết là anh
Anh đã là ta
Cái tiểu ngã nhập vào đại ngã
Nỗi thống khổ chẳng riêng ai chịu nữa
Nó đè lên vai cả dân tộc
cả thế giới chúng mình
Nó trong giọt nước mắt già và trên ngọn tóc xanh
Nó ở cuộc đời thênh thang
và ngục tù tăm tối
Nó ở ban mai kinh nguyện cầu
nửa đêm kinh sám hối
ở hồi chuông cáo phó
ở tiếng khóc chào đời
Nó gầm gừ đe dọa dài dài
Sau mỗi hòa bình của chiến tranh ý thức hệ
Nó là tham lam, ích kỷ
là kiêu căng, ngu xuẩn là độc ác dối gian
Nó xui Việt Nam tàn nhẫn với Việt Nam
Và bắt nhân loại phải rời xa nhân loại
Nó đã bắt ta xa em, Sài gòn hỡi
Nó đầy ta suối độc, rừng thiêng
Nó còn giả vờ giăng khẩu hiệu nhân quyền
Con ó bảo mỏ mình thôi nhọn hoắt
và con gấu khoe chân mình cùn nanh vuốt
Nhưng loài người vẫn bị mổ mắt, vẫn bị cấu cào
Ta thì vẫn nằm dài trong những đề lao
Nghe nỗi nhớ Sài gòn thơm ngát
5.-
Mùa thu nghe con cuốc cuốc
Có gần ta những buổi chiều nhung
Em đến luôn luôn, em đến rất thường
Với cỏ úa công viên, với cây khô tước vỏ
Với phấn son, lược gương vất bỏ
Với móng tay dài, ánh mắt diều hâu
Phan Đình Phùng tạm trú nơi đâu
Trần Quý Cáp hộ nào chứa đó
ôi, Cần Vương trăm năm cũ
Cũng biển dâu dâu biển dưới mồ
Giải khăn sô trên vừng trán tháng Tư
Cho người chết và cho lịch sử
Cho nhiệt tình và cho danh dự
Cho quên trời xa cho nhớ đất gần
Em đến hoài hoài, em đến thật chăm
Với bước chân em rã rời cõi tạm
Với mũi tên găm tim xưng phổi nám
Em gọi ta về máu đỏ chiêm bao
Em gọi ta về xao xuyến dạt dào
Em có hiểu vì sao ta ở lại
Em có hiểu vì sao ta đóng đinh chịu tội
Sài gòn ơi, nay mới thật yêu em
Xưa đã yêu rất mướt rất mềm
Đã tha thiết chỉ gọi là tha thiết
Chưa cuồng điên, dại rồ, mãnh liệt
Vẫn ngỡ tình yêu khói nắng mơ hồ
Vẫn tưởng tình yêu bọt nước hư vô
Nên mới có bây giờ ta sám hối
Ta tình nguyện lưu đầy chuộc lỗi
Bởi mãi rong chơi nên đánh mất Sài gòn
Bởi trót lơ là làm héo đóa môi son
Làm suối lệ thành đại dương nước mắt
Hạnh phúc trong tay ta vừa vuột mất
Em gọi ta về hiu hắt dặm đường xa
Ta những chàng trai của Sài gòn mở hội hôm qua
Của hôm nay đề lao, tập trung lao cải
Của Sơn La, Lai Châu, Lào Kay, Yên Bái
Của Ninh Bình, Vĩnh Phú, Gia Trung
Của Kàtum, Thanh Nghệ, Phước Long
Của Trảng Lớn, Vườn Đào, Đồng Tháp
Của Chí Hòa, Hàm Tân, Sa ác
Của Gia Rai, Xuyên Mộc, vân vân
Hỡi Sài gòn, người tình chói lọi chân dung
Em gắng đợi ta về trong nỗi nhớ
6.-
Anh hỏi trời cao
Trời cao hớn hở
Anh chỉ đất thấp
Đất thấp mặn nồng
Có tình yêu, hạnh phúc nào già không
Trời đất nói hạnh phúc, tình yêu nghìn năm son trẻ
Và thành phố anh yêu cũng nghìn năm như thế
Sài gòn ơi, em trẻ mãi chẳng già
Anh sẽ về thắp sáng ngọn đèn xưa
Vẽ lại chân dung em
bản đồ giáo khoa thư địa lý
Viết tên em Sài gòn hoa phong nhụy
Sài gòn tình thơ anh
Sài gòn ấu thơ anh
Sài gòn mưa tâm tư
Sài gòn nắng tâm tình
Sài gòn mênh mông
Sài gòn vời vợi
Sài gòn rất tươi
Sài gòn thật mới
Thế giới ơi, tôi không mất Sài gòn
Và còn nữa, một DUYÊN ANH nhạc sĩ,
http://huyvespa.multiply.com/journal/item/599
Ru Đời Phù Ảo là những bản tình ca nhẹ nhàng do chính ông viết hoặc thơ ông nhạc sĩ khác phổ nhạc … có một chút hanh hao , nhung nhớ lơ lửng như trời Saigon những ngày thu đã rất xa…
Huyvespa & Phay Van ơi ! Duyên Anh Vũ Mộng Long có một Saigon nữa – Saigon sau 1975 khi ông đi tù cải tạo về – :
SÀI GÒN RA ĐƯỜNG
*******************************************
* Sài Gòn ra đường không áo dài
Em sợ đang mùa gió chướng bay
Gió bay cuốn hút mùa hương cũ
Chỉ để riêng mình ta ngất ngây
* Sài Gòn ra đường không phấn son
Em sợ rừng sâu gỗ giận hờn
Chinh phu gió cát nghìn phương lạnh
Chinh phụ nào ham chuyện lược gương .
* Sài Gòn ra đường không thích cười
Em sợ đèo cao lệ đá rơi
Nên mãi mùa Đông về tạm trú
Đã về sương tuyết phủ niềm vui
* Sài Gòn ra đường không giống ai
Tóc mây lớp lớp khói u hoài
Mắt chim khuyên đã diều hâu hết
Cúi xuống nhìn lên vẫn ngậm ngùi …
Tháng 10/1981 Vũ Trung Hiền đã phổ nhạc bài thơ này , và ca sĩ Bạch Yến thể hiện trong cuốn băng chủ đề ” Ru Đời Phù Ảo ” ở Paris ….
Chúng ta thử nghe lời thơ và nhạc sau đây của Duyên Anh , có gì đó có chất Triết …bảng lãng , phảng phất …như dòng nhạc họ Trịnh thuở nào …không nhé …!
* Ta xin gần đời , đời chẳng dung ta
Ta xin gần người , người đuổi xua ta
Ta đi tìm em , hoàng hôn bóng gẫy , mịt mù chân mây , hiu hắt đường gầy…
Ta xin vì đời , chìm nổi phong ba
Ta xin vì người , mòn mỏi phôi pha
Ta xin vì em , quạnh hiu thánh giá , mời gọi thương yêu khắp cõi người ta…
Rồi tôi đi đâu , đầm đời đầy cá sấu…?
Rồi tôi về đâu , ác thú vẫn theo sau…?
Nọc rắn xâm lăng từng mạch máu , quỷ sứ đâm thêm nhầu đường dao ,
Tôi nghe mình đã hư hao…..
“Thì xin em níu lấy trần gian đọa đầy,
thì xin em cuốn quýt yêu anh từng ngày…”
(DUYÊN ANH)
DUYÊN ANH, nhà văn của tuổi hoa niên, của tuổi vừa lớn… một thời, một Saigonese yêu Saigon đến cực đoan, một nhà thơ tôn thờ Saigon vĩnh cửu…Ông, còn là một người viết nhạc, viết dùm đời sống này, nhiều tâm sự thê thiết…!
“Nhạc Duyên Anh là thứ nhạc kỳ lạ, nghe một vài lần chưa thể cảm thấy hết cái hay của nó. Phải nghe đi nghe lại, nghe cho tới khi thuộc lòng, những lời nhạc trau chuốt, đẫm ướt chất thơ ấy mới thấm đượm hồn ta, như một thứ men nhẹ làm ta ngây ngất. Nhạc Duyên Anh không phải là loại nhạc để cho ca sĩ trình diễn trên sân khấu đại nhạc hội ồn ào. Càng không phải là thứ nhạc, ca sĩ vừa hát vừa uốn éo, vừa cười tình, nhìn ngang liếc dọc để câu khán giả. Muốn nghe nhạc Duyên Anh cho tới, lý tưởng nhất là nghe một mình, hoặc cùng lắm là với một hai người bạn tâm đầu ý hợp, để hồn chùng xuống, yên lặng mà nghe. Không bàn tán, không cả nhận xét nữa. Chỗ nào tuyệt vời nhất, chỉ một cái gật đầu, một cái chớp mắt, là bạn mình đủ hiểu. Bạn ơi, nếu có một phút nào đó nhớ đến Duyên Anh, bạn hãy rót một ly rượu vang đỏ, mở băng nhạc, vừa nhấp từng ngụm nhỏ, vừa nghe anh tâm sự :
Ta xin gần đời, đời chẳng dung ta
Ta xin gần người, người đuổi xua ta
Ta đi tìm em, hoàng hôn bóng gẫy, mịt mù chân mây, hiu hắt đường gầy…
Ta xin vì đời, chìm nổi phong ba
Ta xin vì người, mòn mỏi phôi pha
Ta xin vì em, quạnh hiu thánh giá, mời gọi thương yêu khắp cõi người ta”
Tâm sự ấy càng não nùng hơn, khi Duyên Anh giàn trải nỗi cô đơn khôn cùng của mình:
“Rồi tôi đi đâu, đầm đời đầy cá sấu?
Rồi tôi về đâu, ác thú vẫn theo sau?
Nọc rắn xâm lăng từng mạch máu, quỉ sứ đâm thêm nhầu đường dao,
tôi nghe mình đã hư hao…”
…..
Riêng đêm nay, tôi chọn RỒI EM NGỦ VÕNG ĐONG ĐƯA, hãy với tôi …chìm lắng cùng QUỲNH GIAO – giọng ca đan kết bằng kỉ niệm , để cùng “tìm chút Brodard”, để cùng “hết nuối tiếc…Saigon”, để “tưởng thấy Lâm Viên”, “để gặp gió Đakao”, “để nhặt nắng Tân An”….
….
“Tuổi dương cầm của Quỳnh Giao dễ chừng đã 30. Ba mươi năm tay ngọc lướt trên phím ngà, tôi nghĩ, khó mà tìm ra ở nữ ca sĩ Việt Nam, kể luôn Thái Thanh. Hãy đưa Quỳnh Giao một ca khúc mới nhất và khó nhất của Cung Tiến, của Vũ Thành! Nàng nhìn qua, xướng âm ngay và hát liền sau đó, khỏi cần dạo nhạc.”…. “Đừng so sánh Quỳnh Giao với bất cứ ai. Quỳnh Giao là Quỳnh Giao, là “con chim tới từ núi lạ”. Đừng hỏi Quỳnh Giao đứng hạng mấy trên Top. Quỳnh Giao là nghệ sĩ không thích nói đến lợi nhuận. Đừng kiếm Quỳnh Giao tại bục gỗ phòng trà, nơi đàn điện, trống phách là thảo khấu âm thanh. Hãy tìm Quỳnh Giao ở giàn nhạc hòa tấu Pháp hay Mỹ, Việt hay Ý, Anh hay Đức. Hãy chiêm ngưỡng nhạc trưởng điều khiển. Hãy lắng nghe Quỳnh Giao hát. Nàng gửi hồn mình vào hồn tác phẩm. Nàng diễn tả điêu luyện, chứa chan cảm xúc. Quỳnh Giao, tiếng hát của những người yêu thương kỷ niệm. Sau hết, một lời tôn vinh cao quý nhất, đẹp đẽ nhất: Quỳnh Giao, danh ca của kỷ niệm.” – (Duyên Anh)
RỒI EM NGỦ VÕNG ĐONG ĐƯA
http://www.music.hatnang.com/node/19290
http://huyvespa.multiply.com/journal/item/717/717
@ huyvespa : Chào em !
Đọc comment này , cảm tưởng : huyvespa quả là Tuyệt cú mèo !
Hãy tiếp tục chia sẻ nhiều hơn nữa cho mọi người ” chiêm ngưỡng ” nét tài hoa , phiêu bồng , lãng tử…đầy chất duyên và hóm hỉnh sâu sắc của Duyên Anh…..những gì mà huyvespa có thể nhé….
Mến ,
Chà chà, dạo này chị Phay “khoe hàng” nhiều quá. Tiếc là em chưa được tiếp xúc với những thể loại tạp chí hấp dẫn như thế này.
Sao thế ? còn có tờ không phải lá cải chớ nhỉ ?
Có một tờ. Đó là tờ tóm tắc những bài trên các tờ báo còn lại: http://lacai.org/
Chào hai chị PHAY VAN & chị NHA TRANG!
Download đầy đủ 2 băng của ông DUYÊN ANH, em có 1 bài ở đây:
http://huyvespa.multiply.com/journal/item/599
Đọc thử 1 đoạn ông viết về Saigon đầy mê đắm, để nhớ, để tiếc, để thương…
” Còn nhớ Sài gòn không? Thành phố tóc gẫy chia ly, thành phố mắt mờ giã biệt một cuối tháng tư lạc tay thù. Còn nhớ Sài gòn không” Những tháng nhung xanh cũ, những ngày lụa đào xưa, thành phố ấy, Sài gòn yêu dấu, mặt trời thắp sáng ước mơ, ánh trăng soi rõ kỷ niệm. Mỗi vỉa hè là một giải chiêm bao. Mỗi đoạn đường là một cơn hạnh phúc. Đã thấm niềm tưởng tiếc rồi đó, sau mười năm lưu lạc. Có chỗ nào tuyệt diệu hơn Sài gòn? Thành phố ấm quanh năm. Thành phố lá tương tư nhạc gió. Những đêm mưa, bụi khói khóc hư vô. Cổ tích ướp hơi thơ. Tình ái ngát hương thu nghìn cũ. Sài gòn dệt thơ làm nắng. Giữa tim hạ đã là xuân lãng đãng huyền thoại trong lối lụa Tú Xương, trên nền gấm Huyền Trân. Chỉ cần một câu vọng cổ, đã xao xuyến hồn già. Chỉ cần bước chân giao mùa, đã xanh mắt trẻ thơ, hồng môi thiếu nữ. Ơi thiếu nữ Sài gòn, những cô gái áo dài tha thướt phố phường, những cô gái áo ngắn gọn gàng công xưởng, những cô gái đồng phục nhịp nhàng trên đường xây dựng và bảo vệ quê hương, những cô gái Việt rộn ràng tiếng trống Mê Linh, miệt mài vó ngựa Bùi thị Xuân… ”
“Sài gòn là một niềm nhớ không tên. Có nhớ Sài gòn không? Có nhớ niềm nhớ không tên, niềm nhớ ray rứt, niềm nhớ gặm nhắm thớ thịt ta từng phút, từng giây. Có nhớ cổng trường xưa anh chờ đón em về chiều thu muộn? Có nhớ con đường cũ lá me mưa xanh mướt ái ân? Sài gòn, niềm nhớ nhung trên những vệt sọn môi, trong ánh mắt và trong hơi thở. Sài gòn, niềm nhớ nhung trong hạnh phúc và trong đau khổ. Ở tuổi non và ở tuổi già. Ở xuân hồng sắp sang và thu biếc đã qua. Ở hôm nay ta sống và ngày mai ta chết. Ở nghìn dặm kẻ chân mây mù mịt. Ở tấc gang người cuối phố đầu phường. Ở sớm công viên ngọn cỏ ngậm sương. Ở chiều bùng binh đèn mầu phố sắc… ”
Và 1 bài thơ này nữa…
GIẢ SỬ NGÀY MAI EM VỀ SÀI GÒN
“Giả sử ngày mai em về Sài gòn
em sẽ mang gì cho quê hương?
Em có còn gì cho quê hương?
sau nhiều năm biệt xứ
sau nhiều năm quá khứ nhầu úa?
Giả sử ngày mai em về Sài gòn
Em có còn là em nữa không?
Em có còn ngọt ngào suối trong
Em còn thuộc ca dao,
còn giữ áo cho nhau thuở nào?
Sợ em đã quên mùi hoàng lan đêm xuân
quên hương cau, thông vàng, bụi phấn
Dậu hoàng cúc thu dạt dào nỗi mình xưa
nhớ chăng em. thềm trưa mây mưa?
ôi giả sử ngày mai em về Sài gòn
Em thành người xa lạ quê hương
Em thành người đường quen xóa bóng
Linh hồn em lạnh cóng
Em vừa hay đã mất Sài gòn “
@ Phay Van & huyvespa ( cùng các bạn yêu thích Duyên Anh ) :
Chị tìm được 1 trang này…. có 40 trang bìa gốc các tác phẩm của Duyên Anh , theo chị rất giá trị với chủ đề Duyên Anh , các em xem có thể xin phép chủ nhà , copy về blog của mình nhé….
Chị không biết cách dẫn link , hai em gõ google nha :
* ” Duyên Anh : Em Tôi Sài Gòn và Paris – chút lưu lại . ”
( lưu ý : phần 40 ảnh bìa nằm khoảng giữa các bài thơ phía dưới….)
@ Phay Van & huyvespa :
Trong cuộc đời cầm bút của mình Duyên Anh đã viết khoảng 80 tác phẩm , không kể thơ , nhạc , và rất nhiều bài báo giá trị ….Ông quả thật là ” thiên tài ” trong lĩnh vực viết lách ….như nhiều nhà văn , và nhiều độc giả đã đánh giá , ngay cả những người viết của cộng sản cũng ” âm thầm công nhận ” là : ” chưa có nhà văn VN nào viết về tuổi thơ quyến rũ , hấp dẫn , lôi cuốn , và đầy nhân bản như Duyên Anh ….! ” , dù sau này có Nguyễn Nhật Ánh ..nhưng cũng không sánh bằng …, Chỉ với cuốn ” Thằng Vũ ” , ông đã được mọi người phong tặng là ” Mark Twain của Việt Nam ” , bởi giá trị của ” Thằng Vũ ” tương đương với ” The adventures of Tom Sawyer ” của Mark Twain …. Bảo sao các đài truyền thanh , truyền hình Pháp không gọi Duyên Anh là ” Très grand Écrivain ” và nhà tư tưởng , Gs sử học Piere Chaunu của ĐH Sorbonne Pháp , nhận xét Duyên Anh là : ” Un grand Poète , Un gloire Natianlae – nhà thơ lớn , vinh quang của quốc gia – ” . Hỏi trong tất cả nhà văn 2 miền Nam Bắc có ai được ca ngợi và so sánh….đích thực như ông…?!
Hai em mến ,
Trước 1975 , chị cũng như rất rất nhiều độc giả khác hầu như đọc không sót những sáng tác của ông – tất nhiên những sáng tác trước 1975 – .
Sau 1975 , các tác phẩm của ông bị cấm đã đành …mà các sáng tác sau này , chị cũng chưa có dịp và cơ hội để đọc…! Thế 2 em đã đọc được những tác phẩm nào của Duyên Anh rồi ?
Với cảm xúc và cũng gọi là tưởng nhớ 1 nhà văn – riêng cá nhân Ông hay dùng từ ” Thợ Viết ” để kiêu hãnh nói về mình , chứ không nhận mình là 1 nhà văn – đã được biết bao thế hệ yêu mến , ngưỡng mộ…! Chị cố nhớ lại , cũng như tìm tòi …liệt kê thử ra đây những tác phẩm của Ông , để gọi là ” thắp 1 nén nhang tưởng nhớ Ông ” , cũng như góp phần nhỏ cho ” rôm rả ” entry này…..Hai em xem chị còn thiếu , hoặc sai sót điểm nào thì chỉnh lý và bổ sung thêm vào nha…. ( chị liệt kê theo trí nhớ cũng như tìm tòi…không theo thứ tự thời gian sáng tác…) :
* Điệu ru nước mắt , Luật hè phố , Trần thị diễm châu , Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoang , Nặng nợ giang hồ , Ngựa chứng trong sân trường , Gấu rừng , Bò sữa găm cỏ cháy , Bầy sư tử lãng mạn , Kẻ bị xóa tên trong sổ bụi đời , Sa mạc tuổi trẻ , Dấu chân sỏi đá , Sỏi đá ngậm ngùi , Nước mắt lưng tròng , Thằng Vũ , Dzũng Dakao , Bồn lừa , Chương còm , Thằng Khoa , Thằng Côn , Hưng mập phiêu lưu , Giặc Ô Kê , Con Thúy , Tuổi mười ba , Mặt trời nhỏ , Mây bay đi , Hoa thiên lý , Mây mùa thu , Ngày xưa còn bé , Cỏ non , Nhánh cỏ mộng mơ , Lứa tuổi thích Ô mai , Mơ thành người Quang Trung , Trường cũ , Hạ ơi , Phượng vỹ , Mùa thu , Áo tiểu thư , Cầu mơ , Quê hương , Tên một loài hoa , Về yêu hoa cúc , Thư tình trên cát , Ánh mắt trông theo , Đêm thánh vô cùng , Cám ơn em đã yêu anh , Đàn bà , Nhà tôi , Ảo vọng tuổi trẻ , Con suối ở miền Đông , Vẻ buồn tỉnh lỵ ( Những đứa trẻ Thái Bình ) , Rồi hết chiến tranh , Sài gòn ngày dài nhất , Người con gái ngồi đợi chuyến tàu về , Tuổi bướm sầu , Hôn em kỷ niệm , Một người tên là Trần văn Bá , Trại tập trung , Nhà tù , Thơ tù , Đồi Fanta , Người về từ đỉnh ngọn Fanta , Một người Nga ở Sài Gòn , Những đứa trẻ con Mỹ hẩm hiu , Quán trọ trước cổng thiên đường , Nhìn lại những bến bờ , Nhìn lại mình , Về với ca dao , Ca dao vùng đất mới , Ca dao quyện lấy những món ngon dân tộc , Em Tôi Sài Gòn và Paris ….
“…Duyên Anh viết văn , Duyên Anh viết nhạc , Duyên Anh làm thơ….Con người tài hoa ấy đã lưu lại đàng sau hằng hà những dấu ấn của thành tựu ở mọi lĩnh vực anh đã kinh qua….”
( Thi sĩ Hà Huyền Chi )
Một dòng văn học lừng lững như người khổng lồ bỗng mất tăm tích ngay trên chính quê hương sau 1975.
————
Đau đớn phải không nàng Phay?
Một nền văn mình bị triệt tiêu! có thể nói như vậy luôn…
PV giữ được nhiều sách cũ quá nhỉ. Có thời gian đắm chìm vào sách cả ngày cungx không chán. Chúc PV cuối tuần vui vẻ!
Nàng Phay, HL nghĩ trước 1975 các tác giả tự do sáng tác nên họ rất cá tính.
HL bắt đầu đọc của Trần Dần thấy phong cách viết cũng khác hẳn, tự nhiên …
HL cảm giác họ k thoát ra được khỏi điều gì đó như là khuôn mẫu…đọc văn thời nay của các NVCN ít tự nhiên..bởi vậy HL thích đọc văn VN trên blog các cá nhân hơn bởi hơi thở đời sống ngồn ngộn và cá tính, thẳng thắn hơn….
Thoát ra được cái không gian định hình khuôn mẫu cố tình cưỡng ép đầy dị dạng , đầy méo mó ấy …Ta sẽ thấy tâm hồn mình một cảm giác tự do bay bổng sáng tạo …đến mộng du …của riêng ta !
Chính vì thế mà có ” ai đó ” đã dần dần tản mạn tình tự chắc tay một cách đằm thắm , duyên dáng… len lỏi tinh tế sâu vào tâm hồn cảm nhận của người đọc , nào là : Tình Yêu , Gió chiều hát khúc tình ca , Có nhau trong đời , Tản mạn đêm , Tự khúc viết cho nỗi đau khổ , Khi sông hòa với biển , Vũ điệu những vì sao , Tháp trăng….
Có Duyên trong bài viết đã là đáng yêu rồi … Nhưng còn cái nét Duyên Ngầm ẩn thẳm sâu trong các bài tản mạn này , mới thật sự cho người đọc cảm thấy mình thật sự … ” chung chiêng tản mạn … với cùng ly vang đỏ…”
@ Chị Nha Trang kính mến,
Cuối tuần này chị có kế hoạch gì không?
Cảm ơn người bạn đọc thầm lặng và thông thái, cảm ơn người chị đằm thắm và độ lượng của HL.
Chị ơi, em đang đọc ” Những ngã tư và những cột đèn ” của Trần Dần..đọc để hiểu tâm trạng-bối cảnh sau chiến tranh..của những thân phận người: tràn đầy tình yêu quê hương xứ sở, tràn đầy khát vọng được hiến dâng cho cuộc đời…nhưng bỗng dưng bị dồn ép vào những bi kịch vì những định kiến, những suy xét phiến diện và trịch thượng…
Cuộc chiến mà Trần Dần miêu tả là cuộc chiến kết thúc năm 1954…và em hiểu rằng cái bi kịch đó lặp lại sau 1975 với bao người…
Đọc tác phẩm đó, rồi liên tưởng đến khi đọc những áng văn tinh tế của nhà văn Duyên Anh, Hoàng Ngọc Tuấn hay những tác phẩm khác được xuất bản trước 1975 ở miền Nam nước Việt mến yêu..mà nàng Phay và chị Nha Trang, huyvespa..giới thiệu lại càng cảm thông hơn những tác giả đó chị à.. những tâm hồn đẹp đẽ bị đánh cắp…hẳn họ đau đớn biết bao….
Tất nhiên thương hơn là những người mà em được biết dù chưa gặp mặt như nàng Phay, chị Nha Trang, anh Ly, nàng Hướng Dương Nâu, anh DT…và những người khác bị tác động của biến cố đó…
Luôn giữ sức khỏe thật tốt và luôn được bình an nha chị Nha Trang!
All the best!
HL
@ Hà Linh yêu mến ,
Nơi chị ở những ngày này cứ dầm dề mưa rả rích …! khiến chị ngại , cứ muốn ở nhà chứ chẳng đi đâu cả em ạ ….Cả chiều này chị dành suốt thời gian ” lùng sục ” nhà em đó…
À …Hà Linh ơi , thời gian trước đây lúc em đi học , rồi thời thiếu nữ …và cả đến hôm nay …có lúc nào em tiếp cận đọc các tác phẩm của nhóm Tự Lực Văn Đoàn chưa ?
Sở dĩ chị hỏi vậy , vì cá nhân chị cảm nhận được nơi em , trong em , ở 1 số các entries cách hành văn nhẹ nhàng , trong sáng , giản dị nhưng biểu đạt chiều sâu nội tâm …rất tới , nếu không muốn nói là …rất Triết …, có nét gì đó ” thoang thoảng ” của nhóm Tự Lực Văn Đoàn đầy tài hoa lãng mạn , một thời đã làm say đắm biết bao độc giả ….
Với cách hành văn – chị không đề cập nội dung tác phẩm – của nhóm Tự Lực Văn Đoàn như chị nói , được thể hiện tài hoa rõ nét qua các tác phẩm sau ( nếu có thời gian , chị gợi ý em nên tìm đọc để thẩm nhận bổ sung , và hoàn thiện thêm cho phong cách hành văn của riêng mình ) :
* Hồn bướm mơ tiên , Nửa chừng xuân : của Khái Hưng .
* Bướm trắng , Đoạn tuyệt : của Nhất Linh .
* Gánh hàng hoa , Đời mưa gió : của Nhất Linh & Khái Hưng .
* Gió đầu mùa , Nắng trong vườn , Sợi tóc : của Thạch Lam .
………………….
Luôn mong muốn và hy vọng em gái đáng yêu ngày càng hoàn thiện sắc nét….với phong cách thể hiện riêng của mình …
Phay Van đáng yêu ,
Em nhớ giỏi lắm , Ừ …chung chiêng tản mạn…. với Hà Linh….cùng vang Chateau Richelieu….
@ Chị Nha Trang kính mến,
Em mãi sau này mới được đọc tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn chị à, em đọc nhưng không say mê dù thích tính nhân văn trong các tác phẩm của họ. Phải nói là em ít đọc của các tác giả đó..
EM cảm ơn chị gợi ý, em sẽ đọc thêm nhé!
Hà Linh yêu mến ,
Chị đồng thuận với quan điểm cảm thụ văn chương độc lập của em . Chỉ những gì bản thân mình thật sự tự do thích , thì sự thẩm nhận tương tác mới đầy xúc cảm tinh tế thật sự trong ta…
Đọc , để nhận diện sự đa dạng trong phong cách sáng tác và cách hành văn…, nhưng lúc nào mình cũng phải là nét của chính riêng mình …
Vậy em nhé …
@ Chị Nha Trang kính mến,
Vâng,em ghi nhớ lời của chị.
Chiều bình yên nhé chị!
Bạn mến,
Mình google search một bài thơ tình của Duyên Anh, mình gởi tặng các bạn nhé:
Con chim xanh tình ái
Em rụt rè tháng chín
Từ tháng chín tới nay
Tâm hồn anh gói kín
Yêu em em có hay
Em hồn nhiên tháng mười
Anh ngại ngùng dò hỏi
Phải em gửi nụ cười
Cho tình anh trôi nổi
Em đơn sơ tháng một
Anh chiêm bao tình cờ
Em làm sao biết được
Trời trong anh ngẩn ngơ
Em tuyệt vời tháng chạp
Nhìn em anh ngại ngùng
Mùa xuân nào chim hót
Mùa xuân anh nhớ nhung
Con chim xanh tình ái
Bây giờ đã tháng giêng
Một mình anh mòn mỏi
Đi trên nỗi ưu phiền
Duyên Anh
(1962)
Bạn mến,
Mình google search được một bài thơ tình của Duyên Anh, mình chép ra gởi tặng các bạn nhé!
Con chim xanh tình ái
Em rụt rè tháng chín
Từ tháng chín tới nay
Tâm hồn anh gói kín
Yêu em em có hay
Em hồn nhiên tháng mười
Anh ngại ngùng dò hỏi
Phải em gửi nụ cười
Cho tình anh trôi nổi
Em đơn sơ tháng một
Anh chiêm bao tình cờ
Em làm sao biết được
Trời trong anh ngẩn ngơ
Em tuyệt vời tháng chạp
Nhìn em anh ngại ngùng
Mùa xuân nào chim hót
Mùa xuân anh nhớ nhung
Con chim xanh tình ái
Bây giờ đã tháng giêng
Một mình anh mòn mỏi
Đi trên nỗi ưu phiền
Duyên Anh
(1962)