Trang chủ > Đọc sách > Aleksandr I. Solzhenitsyn và The First Circle

Aleksandr I. Solzhenitsyn và The First Circle

Xã hội Liên Xô thời Stalin có một loại nhà tù lạ, không thấy có ở Việt Nam. Nhà văn Aleksandr I. Solzhenitsyn trình bày chi tiết về loại nhà tù này trong tác phẩm Tầng Đầu Địa Ngục (The First Circle).

Bác nào quan tâm xin xem toàn bộ tác phẩm tại mục Sách. Dưới đây là vài đoạn trích trong Tầng Đầu Địa Ngục:

1.
Hôm nay tôi được đưa đến đây. Sáng sớm mai họ sẽ không bắt tôi ra làm việc ngoài đầm nước lạnh giá nữa. Tôi được hưởng mỗi ngày ba mươi gờ ram bơ tươi. Tôi được ăn bánh mì đen tha hồ ăn no, ăn chán thì thôi. Ở đây họ không cấm tôi đọc sách. Ở đây tôi được quyền cạo râu. Ở đây lính không đánh tù như đánh loài vật. Trời ơi, hôm nay là ngày gì? Sao ánh sáng ở đây trong đến thế? Hay là tôi đã chết? Hay là tôi đang nằm mơ? Có thể tôi đang ở Thiên đàng chăng?”

“Không đâu ông bạn ơi” – Rubin nói – “ông bạn vẫn sống ở một nơi giống như nơi ông bạn vừa ở, tức là ở Địa ngục. Nhưng ông bạn vừa leo lên được tầng địa ngục cao nhất, tầng địa ngục sướng nhất, tức là tầng địa ngục đầu tiên. Ông bạn vừa hỏi nhà tù đặc biệt này có những gì đặc biệt, tôi xin trả lời ông bạn rằng người có khái niệm đầu tiên về loại nhà tù này là Dante. Ông bạn nhớ rằng thi hào Dante đã vò đầu, bứt tai đến rụng hết cả tóc về vấn đề ông không biết nên cho những nhà thông thái đã chết ở vào chỗ nào dưới địa ngục. Theo tín lý Gia Tô giáo, bổn phận của những tín đồ Gia Tô là phải tống khứ bọn vô đạo xuống địa ngục, những nhà thông thái đời xưa cũng là bọn vô đạo, nhưng lương tâm của nhà đại thi hào không nỡ bắt những nhà thông thái đó phải ở chung một chỗ với bọn phạm đủ thứ tội lỗi và cũng phải chịu những hình phạt như bọn người tội lỗi đó, nên Dante nghĩ ra một nơi đặc biệt dành riêng cho những người hiểu biết ở dưới địa ngục. Vẫn là địa ngục nhưng được ở một tầng riêng. Nếu các bạn cho phép, tôi xin trưng bằng chứng. Ở Ca khúc thứ tư có những câu:

Sau cùng
chúng tôi tới chân tòa thành vĩ đại.

Chỉ cần một chút tưởng tượng các bạn sẽ thấy đây là tòa thành!

với bảy lần tường cao vút bao quanh và một dòng suối chảy bên ngoài tất cả.

Các bạn tới đây trong những chiếc xe Maria Đen nên các bạn chưa nhìn thấy rõ cảnh vật quanh đây.

Tôi nhìn thấy bốn Hiện Diện rất mạnh đi tới những Hiện Diện không vui, không buồn.

Những linh hồn nào mà sự hiểu biết soi sáng bước đi cả ở Địa ngục kia…?”

“Thôi, đủ rồi Lev Grigorich, anh thi sĩ quá” – Valentine Pryanchikov nói – “Tôi có thể giải thích cho ông bạn đây hiểu về nhà tù đặc biệt này rõ ràng hơn anh nhiều. Bạn chỉ cần nhớ lại một bài đăng báo trong đó có câu: “Kinh nghiệm cho ta thấy ta lấy được len nhiều hay ít ở lưng cừu chính là do việc ta nuôi cừu và săn sóc cừu”.
(chương 2)

***
2.
Vì vậy, nhờ sống ở trong tù, nhờ những đồng chí khốn nạn của chúng ta, chúng ta được biết thế nào là no đủ. No đủ không được quyết định trên sự kiện ăn nhiều chừng nào mà là ở trên việc ta ăn như thế nào. Hạnh phúc cũng thế. Lev, hạnh phúc không căn cứ trên việc chúng ta được hưởng những gì ở cuộc đời, mà là nằm ở thái độ của chúng ta đối với việc hưởng thụ những tiện nghi đó. Kinh của Đạo lão có câu: “Kẻ nào biết đủ bao giờ cũng hài lòng”.

chương 8

***

3.
Giáo sư Chelnov vui vẻ nói chuyện buổi sáng sớm hôm nay ông gặp Lev Rubin và Rubin đã đọc cho ông nghe bài thơ hắn mới sáng tác được về một đề tài trong Kinh Thánh. Ông công nhận vần điệu của bài thơ không đến nỗi dở lắm xong tinh thần của đề tài, theo ông, không được chỉnh mấy. Bài thơ diễn tả lại việc Moses đưa đám dân Do Thái đi qua sa mạc trong bốn mươi năm, chịu đói khát, khổ ải, thiếu thốn đủ thứ, vì vậy đám dân nổi điên vì tuyệt vọng và chống lại Moses, nhưng họ sai và Moses đúng, vì cuối cùng Moses vẫn dẫn họ được tới vùng đất hứa ở đó tất cả mọi người đều sung sướng. Rubin có vẻ đã đặt hết tâm hồn của hắn vào bài thơ này.

Nhưng Giáo sư Chelnov không đồng ý với Rubin về sự quả quyết là Moses đã hành động đúng. Ông nhắc cho Rubin nhớ về điều kiện địa dư của chuyến đi ấy. Từ sông Nil tới Jerusalem đoàn người Do Thái chỉ phải đi có 250 dặm đường, điều này có nghĩa là dù cho họ có nghỉ đi trong những ngày Sabbath, họ cũng chỉ phải đi nhiều lắm là ba tuần lễ. Vậy mà Mosses đã dẫn họ đi mất hết 40 năm. Đó là một sự quá đáng. Nếu Moses không lầm lẫn đưa họ đi quanh quẩn trong sa mạc thì đó là vì Moses cố ý không muốn cho họ đến ngay nơi họ muốn đến. Và thời gian quá đáng này là một nghi vấn về thiện chí của Moses.

Chú thích của người dịch: Nội dung bài thơ này có một ý nghĩa thời sự. Lev Rubin, tuy bị tù, nhưng vẫn là một người Cộng sản. Y muốn bào chữa cho Stalin, muốn chứng minh việc làm của Stalin là đúng. Y ngầm ví Stalin với Moses: cũng như Moses hướng dẫn dân Do Thái qua sa mạc khổ sở đến đất lành, Stalin hướng dẫn dân Nga đến hạnh phúc. Chỉ với một điểm thắc mắc rất khoa học về địa dư, Giáo sư Chelnov đánh đổ luận điệu này.
(chương 25)

***
4.
Trong tiếng máy xe nổ êm và tiếng bánh xe lăn trên mặt nhựa xa lộ, giọng nói từ tốn của Nerzhin cất lên:

“Không, Ilya Terentich… Đó không phải là địa ngục. Bây giờ chúng ta mới đi vào địa ngục. Chúng ta trở về địa ngục. Nơi chúng ta vừa rời bỏ là tầng cao nhất, tầng tốt nhất, tầng đầu tiên của địa ngục. So với những tầng địa ngục chúng ta sắp xuống, tầng đầu tiên ấy có thể coi là thiên đường”.

Chàng không nói thêm nữa, vì thấy không cần phải nói. Mọi người đều biết rằng nơi họ đến cuộc sống sẽ khổ sở, ghê rợn hơn cuộc sống ở Viện Khoa học nhiều, ở những trại tập trung lạnh giá, họ nhớ lại Viện trong giấc mơ, như những giấc mơ vàng. Nhưng ngay lúc này, để khỏi mất can đảm, để có thể nghĩ là mình làm đúng, họ phải chê bỏ cuộc sống trong Viện, để đừng ai hối hận, đừng ai tự trách mình dại dột…

Khorobrov nói bằng một giọng quả quyết:

“Anh em nên nghe tôi… Thà mình ăn bánh hẩm với nước lã mà lương tâm vẫn yên ổn hơn là ăn thịt mà hèn hạ”.

Những người trong xe yên lặng.

Đúng thế, những cánh rừng hoang ở Tây Bá Lợi Á chờ đón họ, miền Oymyakon lạnh nhất trái đất và những mỏ đồng ở Dzhezkazan chờ đón họ, ở đó họ sẽ đói, sẽ chết. Nhưng trái tim họ được yên ổn.

Trái tim họ tràn đầy cảm giác vô úy của những kẻ đã mất tất cả, sự vô úy này không tự nhiên mà có, người ta chỉ vô úy khi người ta chịu đựng.
(chương 43)

***

Trong bài Tầng Đầu Địa Ngục và lương tâm của một văn sĩ, nhà văn Hoàng Hải Thủy viết:

… và đột nhiên ta hiểu rằng thúc đẩy, khủng bố, sa đọa và tàn ác chỉ làm trong sạch thêm tinh thần con người. Cuối cùng, không phải tù nhân là những kẻ bị tiêu diệt dù rằng họ có thể bị mất đời sống. Bọn bị tiêu diệt chính là bọn cai ngục. Bọn đàn áp chính là bọn thất bại.

***

Aleksandr I. Solzhenitsyn viết trong một bức thư gửi cho Hiệp hội Những nhà văn Liên Xô:

“… Hiện nay, việc sáng tác của tôi bị bóp chết cứng, cá nhân tôi bị bao vây, cô lập và bôi lọ đủ điều…

Nhưng tôi hoàn toàn yên tâm, vì tôi biết tôi đã và sẽ làm trọn sứ mạng nhà văn trong mọi hoàn cảnh …

Không ai có thể ngăn cản được sự thực xuất hiện. Riêng tôi, tôi sẵn sàng chấp nhận cái chết để cho sự thực được sống và cho sự tiến bộ của nhân loại..”

Chuyên mục:Đọc sách Thẻ:
  1. 03/08/2011 lúc 16:05

    TEMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMM !
    ( nếu bác Chốt@ đến thì xin nhường lại )

    • Dân cổng chốt
      04/08/2011 lúc 06:59

      Cảm ơn bác Trà.Hôm qua ,lúc chiều muộn, có thằng bạn học cũ đến chơi,đến khoảng 9h tối mới chia tay nên không vô mạng được.Vô mỗi nhà bác và Basam rồi ngủ.
      Ông nhà văn ni với tui lạ hoắc,tui chỉ biết ông chút ít trên Talawas,hihi..Mà không biết mấy thì chỉ vô đọc bài và đọc còm của mọi người thôi.
      Bác tặng Tem,tui nhận liền.(cái tem dài rứa cũng hơi khó dấu lão Gia đây,hắn soi kỹ lắm)Cất để rồi sau sẽ tìm hiểu vì răng nhà văn ni nổi tiếng(Nghe nói ông đã được tặng Noben văn chương thì phải hơn cả Trần Dần ,Lê Đạt ,Phùng Quán…của ta rồi)

      • 04/08/2011 lúc 07:24

        Bác Dân cổng chốt: em copy lời tựa của tác phẩm này tặng bác nè:

        Aleksandr I. Solzhenitsyn được thi sĩ Yevgeny Yevtushenko, một nhà thơ trẻ tuổi được ái mộ nhất của văn nghệ Nga Xô gọi là “Nhà văn cổ điển duy nhất của chúng ta…” Ở Nga Xô không có nhà văn nào xứng đáng với danh hiệu trên hơn là tác giả Tầng đầu địa ngục.

        Solzhenitsyn ra đời năm 1918. Sau mười một năm sống trong những trại tập trung tù chính trị của chế độ Xô Viết, nơi ông thu thập, ghi nhận những tài liệu sống để viết thành hai tác phẩm Một ngày trong đời của Ivan Denisovich và Tầng đầu địa ngục, ông sống như một bệnh nhân trong một bệnh viện điều trị bệnh ung thư cho tới năm 1950. Năm 1967, ông công khai lên tiếng chống lại chính sách đàn áp tư tưởng con người của chế độ Xô Viết. Ông từng viết: “Không còn có thể chịu đựng được lâu hơn nữa sự đàn áp tinh thần ấy, nền văn nghệ của chúng ta đã quằn quại dưới sự đàn áp ấy trong nhiều thế hệ. Không ai có thể chặn đường sự thật. Để chiến đấu cho sự thật, tôi đã chuẩn bị sẵn sàng và chấp nhận cả cái chết”.

        Harrison E. Salisbury, một chuyên gia Hoa Kỳ về các vấn đề Nga Xô Xiết, đã ví Aleksandr I. Solzhenitsyn như một Dostoevsky của thời đại mới. Harrison E. Salisbury đã viết về Aleksandr I. Solzhenitsyn và tác phẩm Tầng đầu địa ngục như sau trên tờ New York Times Book Review:

        “Tầng đầu địa ngục là một tác phẩm mới nối tiếp tập Hồi ký của Dostoevsky. Trong thời gian chế độ Xô Viết ngự trị trên đất Nga chúng ta có một chuỗi dài vô tận những tiết lộ bi thảm về những trại giam tù chính trị ở đó. Giờ đây, vóc dáng to lớn vượt bực của Solzhenitsyn xuất hiện. Cũng giống như Dostoevsky, Solzhenitsyn là một kẻ sống sót, một người trở về từ địa ngục lao tù. Ông từng sống nhiều năm trong tù ngục và lưu vong. Những người đàn ông, đàn bà trong tác phẩm của ông đều là những nhân vật bằng xương, bằng thịt, họ yêu, họ ghét, họ thù, họ thương, họ cười, họ khóc, họ trò chuyện, họ ước mơ. Và bỗng dưng, ta hiểu rằng lao tù, khủng bố, sa đọa và tàn ác chỉ làm trong sạch thêm tinh thần con người. Cuối cùng, không phải tù nhân là những kẻ bị tiêu diệt dù rằng họ có thể bị mất đời sống. Kẻ bị tiêu diệt dù rằng họ có thể bị mất đời sống. Kẻ bị tiêu diệt chính là những tên cai ngục. Bọn đàn áp chính là bọn thất bại. Những nhà độc tài kể tiếp nhau đã cố gắng ngăn chặn ý tưởng tiến đến những lý tưởng nhân bản của các nhà văn Nga trong `quá nhiều năm đến nổi giờ đây, ta khó có thể biết chắc sự cố gắng ngăn chặn ấy bắt đầu có từ bao giờ. Nhưng ta biết chắc rằng họ đã thất bại thê thảm. Solzhenitsyn là bằng chứng của sự thất bại ấy.”

        Aleksandr I. Solzhenitsyn được giải văn chương Nobel năm 1970. Chính quyền cộng sản Nga ngăn cản không cho ông đi sang Thụy Điển để lãnh giải này. Tầng đầu địa ngục là tác phẩm dài nhất của ông. Tác phẩm này không được xuất bản ở trong nước Nga, tác giả của nó đã phải gửi bản thảo ra ngoại quốc để in. Tầng đầu địa ngục được dịch và ấn hành ở Hoa Kỳ dưới nhan đề The First Circle trong năm 1968. Trong khoảng thời gian năm năm trời nay, The First Circle là quyển tiểu thuyết được nhiều người đọc nhất thế giới.

  2. 03/08/2011 lúc 17:08

    “… Hiện nay, việc sáng tác của tôi bị bóp chết cứng, cá nhân tôi bị bao vây, cô lập và bôi lọ đủ điều…

    Nhưng tôi hoàn toàn yên tâm, vì tôi biết tôi đã và sẽ làm trọn sứ mạng nhà văn trong mọi hoàn cảnh …

    Không ai có thể ngăn cản được sự thực xuất hiện. Riêng tôi, tôi sẵn sàng chấp nhận cái chết để cho sự thực được sống và cho sự tiến bộ của nhân loại..”
    ———–
    Thật là kiên cường!

  3. 03/08/2011 lúc 18:25

    Không biết hiện tình Stalin đang sống ở địa ngục hay thiên đàng nàng Phay hè?

  4. 03/08/2011 lúc 22:33

    Thật đáng mừng là VN không có nhiều nhà tù như ngày xưa, thời phong kiến, thực dân, đế quốc. Những nhà tù xây từ thời đó nay đã được chuyển thành điểm tham quan du lịch, như nhà tù Hỏa lò, Phú quốc, Côn đảo, hay bỏ không như Biên hòa …
    Nghe sướng thật.

  5. Nguyễn thị Nha Trang
    04/08/2011 lúc 00:03

    @ Phay Van : VN cũng có loại nhà tù lạ chứ ! hãy nghe nhé :

    ” Miền Nam ơi !
    Tôi thầm gọi
    Đây là miền Nam trong căn phòng giam chật hẹp âm u !
    Ngoài kia là MIỀN NAM TRONG NHÀ TÙ RỘNG LỚN
    Có còn nơi nào yên ổn
    Xin chỉ cho tôi nơi ẩn trốn
    Hỡi miền Nam thương mến của tôi ơi ! ”

    ( Trích thơ tù – Trời đã sáng – của Hòa Thượng Thích Quảng Độ )

    Và hiện nay cũng có thể gọi Cả Nước , là 1 nhà…….. lạ , cũng được chứ !

    * Văn hào Liên Xô Aleksandr I. Solzhenitsyn có : Tầng Đầu Địa Ngục .

    * Thì Văn sĩ Việt Nam Đỗ Văn Phúc , có : Cuối Tầng Địa Ngục .

    Người Trí Thức Chân Chính trong xã hội cs , luôn luôn thấy địa ngục trước mặt , dù là tầng đầu hay tầng cuối….Nhưng họ vẫn luôn luôn hiên ngang ngẫng cao đầu trước bạo quyền , vì :

    ” Không ai có thể ngăn cản được sự thực xuất hiện ! “

    • 04/08/2011 lúc 07:28

      Chị Nha Trang: tác giả mượn ý tưởng trong Thần Khúc của Dante để viết Tầng Đầu Địa Ngục, nhằm mô tả một kiểu nhà tù đặc biệt tại Liên Xô thời đó.

      Thế còn cả đất nước LX thời đó cũng có cùng khắp các nhà tù rải rác dày đặc, đến nỗi cũng chính tác giả này đã viết tác phẩm Quần Đảo Ngục Tù.

      • 04/08/2011 lúc 17:19

        Kỹ thuật đơn giản nhưng hiệu quả vô cùng: tầng đầu khá nhẹ nhàng, tầng sau khắc nghiệt hơn chút, cứ như vậy cho tới tầng cuối cùng, cả thể xác lẫn tinh thần tù nhân sẽ gục ngã. Chỉ những kẻ còn sót lại chút can đảm để chấm dứt sự họat động của chính cơ thể sinh học của mình sẽ được giải thóat.

  6. 05/08/2011 lúc 13:31

    Nếu mình không nhầm thì Trần gian vừa là Địa ngục vừa là Thiên đường. Và Con người vừa là Thánh nhân vừa là Quỷ dữ.

    • 05/08/2011 lúc 15:39

      Một phần ý trong cmt của bác về con người nằm trong cuốn Dr.Jekyll and Mr.Hyde của Robert Louis Stevenson.
      Hình như có cả film nhưng em chưa coi.
      Kính,

  7. Nguyễn thị Nha Trang
    05/08/2011 lúc 15:37

    Khát vọng sâu thẳm của con người là luôn luôn hướng Thiện , và chúng ta cũng thường quan niệm cái Thiện luôn thắng cái Ác !
    Nhưng , đời sống thực tế lại thật trớ trêu : cái Ác lại luôn …thắng cái Thiện ! Tại sao thế nhỉ …? …mạo muội , thử đưa ra 1 phép lý giải dựa vào 1 chút xíu….Triết Học xem sao :

    Thiện và Ác là cặp phạm trù đối lập , nhưng cũng luôn song hành và tồn tại trong từng Con Người cụ thể … Triết gia , nhà Phân Tâm Học Sigmund Freud cho rằng : Cá Tính trong từng con người chúng ta gồm 3 phần :

    * Bản ngã = Con Người – Nhân Vật –
    * Siêu ngã = Cái Thiện
    * Dục vọng = Cái Ác

    Freud cho rằng , khi Nhân vật ( Bản ngã ) đối diện với 1 quyết định , thì Thiện ( Siêu ngã ) và Ác ( Dục vọng ) luôn ra sức tranh giành ảnh hưởng , để tác động , thúc đẩy Nhân vật ( Bản ngã ) hành động …!
    Thiện và Ác cùng đứng trên đôi vai của Nhân vật , và Ác luôn thắng thế vì – theo Freud – :

    ” Cái Ác luôn vận dụng toàn lực để Thắng , trong khi cái Thiện luôn bị cản trở , ngần ngừ bởi …Lương Tâm và Đạo Đức ! ”

    Nội dung tác phẩm Tầng Đầu Địa Ngục , đã cho người đọc thấy rõ về cái Ác thắng thế ( tạm thời ) của chế độ cs vô nhân , qua cách nhìn Bản Thể Luận Triết Học để lý giải của nhà Phân Tâm Học Sigmund Freud !

    Chợt nghe thoang thoảng lời nói của những người trong cuộc ” đã từng là cộng sản ” :

    * Tổng Thống Nga Medvedev : ” Chế độ cộng sản là 1 guồng máy sản xuất sự dối trá và giết người , không những giết chết dân mình , mà còn cả dân tộc khác ! ”

    * Cựu Tổng Bí Thư đảng cộng sản Liên xô Gorbatchev : ” Tôi đã bỏ hơn nữa đời người đấu tranh cho lý tưởng cộng sản , nhưng nay tôi phải đau buồn mà nói rằng : cộng sản chỉ biết tuyên truyền và nói láo , nó phải được xóa bỏ khỏi đời sống nhân loại chứ không thể sửa chữa ! ”

    Thế mà VN vẫn còn ….u mê theo…! Đúng là nghiệp chướng của cả dân tộc !

  8. hth
    05/08/2011 lúc 16:41

    Nhà tù kinh khủng nhất là loại nhà tù vô hình cầm tù tư tưởng con người. Nhưng bất hạnh nhất là những người tự cầm tù tư tưởng của mình.

    • 05/08/2011 lúc 23:16

      hth@ : ý đầu thì đúng nhưng ý sau thì chưa chắc. Những người tự cầm tù tư tưởng của mình thì họ cực kì hạnh phúc chớ !
      Hai nhẽ :
      một là chính họ không biết
      Hai là nếu biêt thì là do họ tình nguyện nên họ cảm thấy sung sướng chứ ! Giống như con chó, biết là bị chủ xích lại nhưng vẫn mừng rỡ ngay cả khi bị chủ đánh.

      • Nguyễn thị Nha Trang
        06/08/2011 lúc 00:02

        @ trà hâm lại : Bạn thật sắc sảo và thâm thúy !

      • 06/08/2011 lúc 21:31

        cảm ơn bác Nguyễn thị Nha Trang@ đã chia sẻ. Hi vọng chúng ta có cùng hướng nhìn, bác nhỉ ?

      • Nguyễn thị Nha Trang
        06/08/2011 lúc 23:16

        @ trà hâm lại : Chào bạn , thú thật là lâu nay cũng có ghé nhà bạn đọc bài , và Nha Trang cũng cảm nhận được bạn là 1 người suy nghĩ khoáng đạt , Nha Trang rất vui vì điều ấy bạn trà hâm lại ạ !

        P/s : Nha Trang hiểu cách dùng đúng @ sau nickname của bạn , nhưng riêng cá nhân Nha Trang lại thích dùng @ trước nickname với hàm ý : Gởi tới = To . ( đây chỉ là ý thích của cá nhân Nha Trang , bạn thông cảm nha )

      • hth
        06/08/2011 lúc 23:32

        PV@: khen ngày thôi, tối đừng khen!

      • 06/08/2011 lúc 21:32

        Cứ gọi là trà hâm lại cho lành Phay Van@ à. Cái món trà hâm lại là món hầu như bỏ đi rồi đó nha !

      • hth
        06/08/2011 lúc 21:35

        Bác Trà@:Ý đầu đúng. Ý sau có thể vẫn đúng.
        Nhẽ một: Trong bối cảnh xã hội hiện nay, họ không thể không biết.
        Nhẽ hai: Chó thì có bản năng chó vì nó là chó. Người dù thế nào vẫn là người, và người không thể giống chó 100%.

      • hth
        07/08/2011 lúc 20:56

        Đúng đấy PV, chúng dư biết vậy, nhưng không dám thoát ra vì rất nhiều lý do. Có thể nhiều lúc chúng cũng muốn chết quách cho rồi, nhưng rồi không dám, vì tiếc…. vì sợ …. và cái loại người này thật là bất hạnh!

      • 07/08/2011 lúc 23:22

        Kiến thức là biển , mình chỉ là hạt cát, vậy mới có câu :” đi một ngày đàng học một sàng khôn ” phải không hth@ nhỉ ?

      • hth
        08/08/2011 lúc 13:04

        Vâng! Em cũng có biết một số, tự hiểu mình chó má, cũng biết nhùng nhục, cũng biết cúi mặt, và chấp nhận! Hì….

      • 08/08/2011 lúc 16:15

        vậy là anh em mình có chung cách nhìn , hihihihihihi,….

      • hth
        09/08/2011 lúc 16:43

        Hihihihi…… chứ không phải là ” một cách nhìn khác ” hả bác? cho no oách và kêu kêu tý!

    • hth
      06/08/2011 lúc 23:29

      PV ơi, họ ” tư duy ” choanh choách, “tỉnh táo tàu” lắm lắm, điên khối….

  9. Nguyễn thị Nha Trang
    05/08/2011 lúc 23:45

    @ Phay Van : Trước 1975 , Chị đã đọc tác phẩm này – bản dịch của Hải Triều Hoàng Hải Thủy – , nhưng thật tình đọc là để tăng vốn kiến thức văn học của mình , chứ không cảm thụ hết ý nghĩa tác phẩm 1 cách sâu sắc trọn vẹn lắm , bởi lẽ cs và chế độ lao tù cs , là cái gì.. gì.. đó còn rất mơ hồ và không rõ nét lắm đối với người dân sống ở các đô thị miền Nam nói chung …

    Nhưng sau 1975 , sống thực tế trong lòng cs và mục kích những gì cs thực hiện 36 năm qua…, thì lần đọc lại này , mới cảm thụ sâu sắc trọn vẹn mọi ngóc ngách ý nghĩa của tác phẩm , và thấy thật sự …rùng mình kinh tởm ! Rùng mình kinh tởm …chứ Không Khiếp Sợ !

    Chị tâm đắc câu trả lời của Bobynin – chỉ huy tù nhân làm việc trong phòng thí nghiệm số 7 ở Marvino – với tay Tổng trưởng bộ an ninh quốc gia Abakumov ( mục 17 – Đũa thần hóa phép đi – phần 5 ) :

    ” Ông nên hiểu điều này , và ông nên nói lại điều này với những người trong bọn ông rằng : các ông chỉ mạnh khi nào các ông Không Tước Đoạt của người khác Hết Tất Cả Mọi Thứ , bởi vì khi một người đã bị các ông Lấy Mất Hết Tất Cả , Người Đó Sẽ Không Còn Ngán Sợ Các Ông Nữa , Người Đó Lại Trở Thành TỰ DO ! ”

    Thật là khâm phục dịch giả Hải Triều Hoàng Hải Thủy , vì ông đã chọn tác phẩm này để chuyển ngữ khi đang sống ở miền Nam – 1973 – !

    • Nguyễn thị Nha Trang
      06/08/2011 lúc 22:29

      Phay Van mến ,

      Trời ! …chị kinh ngạc khi em cho biết lúc còn lứa tuổi học tiểu học , mà đã ” chơi ” với những tác phẩm ” kinh điển , best seller ” này….! Cô cũng dạng đặc biệt đấy nhỉ !

      Ừ , Đọc sách cho ta niềm vui và kiến thức – Reading affords pleasure and knowledge – vì vậy với thế hệ các anh chị – và chắc thời nào cũng vậy – thì ” 10 người như chục ” không một ai ” dám bỏ sót ” các tác phẩm nổi tiếng này cả em ạ …, vì bỏ sót là có cảm giác mình như …1 dòng nước đứng yên ngay !

      À Phay Van em , nhân nhắc dịch giả Thế Uyên – Nguyễn Kim Dũng – , Chị chia sẻ 1 thông tin thú vị , đó là : Mẹ của nhà văn Thế Uyên , là em ruột của nhà văn Nhất Linh , nhà văn Hoàng Đạo , và là chị ruột của nhà văn Thạch Lam đấy !

      Cảm xúc dâng trào khi nói tới đọc sách , vì vậy chị mạn phép gõ một vài câu danh ngôn liên quan đến cái thú đọc sách mà chị …nhơ nhớ thuở nào ! Đừng cười chị ” con nít ” nha …

      * Đọc sách là một phần đối với bổn phận của người phong nhã . – Christine de Pisan –

      * Đọc sách không chỉ mở mang kiến thức , mà còn để nâng cao tâm hồn . – L. Ghê nanh –

      * Đọc sách thật là thú vị , đọc lại một cuốn sách đôi khi còn thú vị hơn . – Ê pha gơ –

      * Không có cách giải trí nào rẻ hơn đọc sách , cũng không có sự thú vị nào bền lâu hơn đọc sách . – Mông tê guy –

      * Sau mỗi giờ đọc sách , thì nỗi đau khổ nào của tôi cũng biến mất – Montesquieu –

      * Đối với tôi , sách quý hơn vàng . – Shakespeare –

      * Nếu người ta cho tất cả của cải trên thế giới , nhưng lại cấm tôi đọc sách ; thì thà tôi nghèo và ở trên một cái gác xép còn hơn , miễn là tôi vẫn được đọc sách . – T. Ma cô lây –

      * Ai đọc sách mà không biết được nhiều hơn những điều viết trong sách , thì người đó mới sử dụng sách có một nửa . Sách làm trí tuệ con người sâu sắc hơn và sáng sủa hơn .
      – G. Lét xing –

      *Thích đọc sách , tức là biết đánh đổi những giờ phút buồn tẻ không thể tránh được trong cuộc đời , lấy những giờ phút lý thú . – montesquieu –

      * Sách là người bạn tốt nhất của tuổi già , đồng thời cũng là người chỉ dẫn tốt nhất của tuổi trẻ . – G. Fielding –

      * Hãy luôn có trên tủ sách một cuốn sách mới , trong nhà một chai rượu vang đầy , và trong vườn một bông hoa tươi . – Bacon –

      ………………………………………………………………………………………………………………………………

      Good night ,

      • Nguyễn thị Nha Trang
        07/08/2011 lúc 23:05

        @ Phay Van : Đúng rồi em , nhà văn Duy Lam – Nguyễn Kim Tuấn – là em ruột của nhà văn Thế Uyên – Nguyễn Kim Dũng – . năm 1966 , hai anh em nhà văn này có viết chung cuốn truyện ngắn : Nỗi Chết Không Rời !

      • Nguyễn thị Nha Trang
        08/08/2011 lúc 23:42

        Phay Van mến , ” Chị Nha Trang quả là con mọt sách ! ”

        Trời !…..Cô vô tình quăng cục đá làm đầu chị u một cục rồi …..! Có cô em đáng yêu mà chơi…. ” ác ” thật !

        * ” Mọt sách = Ví người không biết gì ngoài sách vở , xa rời thực tế ! ”
        ( Tự điển tiếng Việt – Ngôn ngữ học Việt Nam )

        Lần sau còn chơi ” ác ” kiểu này , là chép phạt 100 lần đó nha cô bé xí muội …

        Phay Van em yêu mến ! Với Chị thì không sao cả , nhưng hãy dùng thận trọng với từ này nghen em , vì nó mang nhẹ hàm ý….chê mỉa….hơn là khen em ạ , không ý nhị là bị người có tính tự ái….giận đó….chứ không phải chuyện chơi !

      • Nguyễn thị Nha Trang
        09/08/2011 lúc 22:36

        Phay Van , đi chợ có ghé quầy hàng ăn …quà vặt , và nấu cơm có bị ….trên chín dưới khê không đó , cô bé ham ….đọc sách…

  10. 06/08/2011 lúc 10:38

    Nghe nói Vn có cái trại này, không rõ thực hư thế nào, có bác nào đã trải nghiệm xin cho biết với.
    http://www.rfa.org/vietnamese/HumanRights/the-heaven-gate-prison-part-1-mlam-12242010115316.html

  11. 09/08/2011 lúc 09:54

    Đang vội, nhưng HL công nhận với nàng Phay điểm rất tâm đắc là chị Nha Trang đọc rất nhiều, nếu chịu khó đọc các comment của chị cũng đủ bổ sung kiến thức nhiều lắm!
    Cám ơn cơn gió nào đã cuốn chị Nha Trang kính mến qua đây!

    • Nguyễn thị Nha Trang
      09/08/2011 lúc 22:32

      Hà Linh yêu mến ,

      Em xuất hiện nhà nào , là như có làn gió dịu mát lan tỏa đến …nhà ấy vậy !
      Ấy chết , chị phải cảm ơn 2 em chứ : Hà Linh đọc comment # 38 của chị ở entry ” Trẻ con không được ăn thịt chó ” đi , sẽ rõ …

      Từ nay 3 chị em mình không khách sáo nữa nha 2 cô em gái yêu mến …

  1. No trackbacks yet.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: